Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Nhìn tổng thể, việc lưu hành Công hàm số 22 là phản ứng ngoại giao bình thường và tất yếu trước các tuyên bố chính trị và ngoại giao có thể gây phương hại tới quyền lợi chính đáng của Việt Nam tại Liên hợp quốc, một diễn đàn đa phương quan trọng nhất trên thế giới. Bài viết này sẽ tập trung vào phân tích nội dung Công hàm 22/HC-2020 của Việt Nam để hiểu rõ hơn lập trường của Việt Nam về các vấn đề trên Biển Đông.

congham2

Công hàm 22/HC-2020 của Việt Nam nói rõ lập trường của Việt Nam về các vấn đề trên Biển Đông

Ngày 30/3/2020, Phái đoàn thường trực của Việt Nam tại Liên hợp quốc đã gửi Công hàm số 22/HC-2020 tới Tổng thư ký Liên hợp quốc để trình bày một cách có hệ thống về lập trường của Việt Nam đối với các vấn đề pháp lý chính trên Biển Đông. Công hàm này ra đời trong bối cảnh cuộc chiến pháp lý ở Biển Đông trở nên căng thẳng hơn khi Malaysia nộp báo cáo ranh giới ngoài thềm lục địa mở rộng khu vực phía bắc. Trên thực địa, tình hình cũng trở nên căng thẳng hơn, đặc biệt sau việc tàu Địa chất Hải Dương 8 và các tàu cá của Trung Quốc xâm phạm Vùng đặc quyền kinh tế của nhiều quốc gia ven biển, trong đó có Indonesia, Malaysia và Việt Nam.

Trong bối cảnh đó, Công hàm số 22/HC-2020 của Việt Nam có vai trò đặc biệt quan trọng để làm rõ yêu sách, lập trường của Việt Nam trong đối đáp với công hàm của các bên yêu sách khác và thể hiện quan điểm đối với các vấn đề mới phát sinh. Đặc biệt, các công hàm của Trung Quốc có các nội dung vi phạm nghiêm trọng tới chủ quyền, các quyền và lợi ích chính đáng của Việt Nam ở Biển Đông. Nhìn tổng thể, việc lưu hành Công hàm số 22 là phản ứng ngoại giao bình thường và tất yếu trước các tuyên bố chính trị và ngoại giao có thể gây phương hại tới quyền lợi chính đáng của Việt Nam tại Liên hợp quốc, một diễn đàn đa phương quan trọng nhất trên thế giới. Công hàm khẳng định lập trường nhất quán về nhiều tranh chấp trên Biển Đông với rất nhiều điểm tương đồng với Phán quyết năm 2016 của Tòa Trọng tài vụ kiện Biển Đông. Bài viết này sẽ tập trung vào phân tích nội dung Công hàm 22/HC-2020 của Việt Nam để hiểu rõ hơn lập trường của Việt Nam về các vấn đề trên Biển Đông.

---

Cuộc chiến công hàm

Đấu tranh pháp lý về Biển Đông tại Liên hợp quốc bắt nguồn từ việc Malaysia gửi lên Ủy ban Ranh giới thềm lục địa (Commission on the Limits of the Continental Shelf - CLCS) Báo cáo ranh giới thềm lục địa mở rộng tại khu vực phía Bắc Biển Đông ngày 12/12/2019 [1]. Ngay trong ngày, Trung Quốc gửi Công hàm số CML/14/2019 tới Tổng thư ký Liên Hiệp Quốc phản bác Báo cáo này của Malaysia. Tại Công hàm này, Trung Quốc cho rằng :

i) Trung Quốc có chủ quyền đối với bốn nhóm đảo là Hoàng Sa, Trường Sa (của Việt Nam), Trung Sa, Đông Sa (gọi chung là Nam Hải chư đảo) ;

ii) Trung Quốc có các vùng biển (nội thủy, lãnh hải, vùng tiếp giáp, vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa) từ các nhóm thực thể và

iii) Trung Quốc có quyền lịch sử ở Biển Đông [2].

Tiếp theo, ngày 6/3/2020, Philippines gửi lên Tổng thư ký Liên Hiệp Quốc :

i) Công hàm số 000191-2020 phản đối Công hàm số CML/14/2019 của Trung Quốc, Philippines tuyên bố các yêu sách của Trung Quốc không phù hợp với luật pháp quốc tế, trong đó có Công ước Liên hợp quốc về Luật biển năm 1982 (UNCLOS) [3] ;

ii) Công hàm số 000192-2020 của Philippines đưa ý kiến về Báo cáo của Malaysia [4].

Ngày 23/3/2020, Trung Quốc gửi Công hàm CML/11/2020 lên Tổng thư ký Liên Hiệp Quốc để phản bác các Công hàm của Philippines. Trong Công hàm này, Trung Quốc yêu sách chủ quyền đối với Trường Sa (của Việt Nam), bãi Scarborough (mà Trung Quốc gọi là Hoàng Nham) và các vùng biển lân cận ; yêu sách quyền chủ quyền và quyền tài phán đối với các vùng biển liên quan cũng như vùng đáy biển và vùng đất dưới đáy biển. Trung Quốc cũng tiếp tục nhắc lại yêu sách quyền lịch sử ở Biển Đông [5].

Trong bối cảnh đó, ngày 30/3/2020, Việt Nam gửi Công hàm số 22/HC-2020 lên Tổng thư ký Liên hợp quốc để phản bác hai Công hàm CML/14/2019 và CM/11/2020 của Trung Quốc [6]

Ngày 10/4/2020, Việt Nam gửi hai Công hàm số 24/HC-2020[7] và 25/HC-2020[8] lên Tổng thư ký Liên Hiệp Quốc lần lượt nêu ý kiến về báo cáo của Malaysia và về các công hàm của Philippines. Ngày 17/4/2020, Trung Quốc cũng đã gửi Công hàm số CML/42/2020 phản bác lại công hàm của Việt Nam [9]. Trong 3 công hàm nói trên, Công hàm số 22/HC-2020 đã trình bày một cách hệ thống và đầy đủ các quan điểm của Việt Nam về các vấn đề pháp lý chính ở Biển Đông.

Nội dung Công hàm số 22/HC-2020 của Việt Nam

Chỉ trong phạm vi một trang giấy, Công hàm số 22 đã trình bày quan điểm của Việt Nam về ba vấn đề quan trọng :

i) các yêu sách của Trung Quốc trên Biển Đông ;

ii) yêu sách của Việt Nam đối với quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa ;

iii) việc áp dụng công ước UNCLOS 1982 ở Biển Đông.

Các quan điểm này cần được hiểu đầy đủ và đúng đắn trong mối liên hệ với các công hàm của các nước và cuộc đấu tranh chính trị-ngoại giao, pháp lý và quản lý thực tế trên thực địa ở Biển Đông. Cụ thể : "Việt Nam phản đối yêu sách của Trung Quốc, các yêu sách này vi phạm nghiêm trọng chủ quyền, quyền chủ quyền và quyền tài phán của Việt Nam tại Biển Đông"

Sau khi có Phán quyết của Tòa Trọng tài trong vụ kiện Biển Đông (12/7/2016), Trung Quốc đã có dấu hiệu thúc đẩy yêu sách mới, tạm gọi là yêu sách "Tứ Sa" nhằm thay thế yêu sách "đường chín đoạn" mà Tòa đã bác bỏ. Bước điều chỉnh này xuất hiện ngay trong Tuyên bố của Bộ Ngoại giao Trung Quốc cùng ngày Tòa đưa ra Phán quyết và Sách trắng "Trung Quốc kiên trì giải quyết tranh chấp giữa Trung Quốc và Philippines thông qua đàm phán" của Quốc Vụ viện Trung Quốc (13/7/2016, một ngày sau Phán quyết), trong đó lần đầu tiên Trung Quốc đề cập tới lập trường về "Nam Hải Chư Đảo" (các đảo ở Biển Đông) [10] .

Dư luận bắt đầu quan tâm đến thuật ngữ "Tứ Sa" sau khi báo chí Mỹ cảnh báo về việc ông Mã Tân Dân (Phó vụ trưởng Vụ Luật pháp quốc tế, Bộ Ngoại giao Trung Quốc) đề cập tới yêu sách này trong Đối thoại biển thường niên giữa Mỹ - Trung Quốc tại Boston (Mỹ) vào tháng 8/2017 [11]. Đây là lần đầu tiên Trung Quốc đưa ra lập trường mới này trong một trao đổi đối ngoại. Công hàm CML/14/2019 ngày 12/12/2019 là lần đầu tiên Trung Quốc đưa công khai và đầy đủ lập trường liên quan đến Nam Hải Chư đảo ở Liên hợp quốc.

 Yêu sách "Tứ Sa", lập trường mới sau Phán quyết của Trung Quốc ở Biển Đông có những điểm đáng chú ý sau :

i) Trung Quốc yêu sách chủ quyền đối với bốn nhóm đảo gồm Đông Sa (Pratas), Tây Sa (Hoàng Sa thuộc chủ quyền của Việt Nam), Nam Sa (Trường Sa thuộc chủ quyền của Việt Nam) và Trung Sa (bãi ngầm Macclesfields, đây là một bãi ngầm hoàn toàn nằm dưới nước ngay cả khi triều xuống thấp). Trung Quốc gọi bốn nhóm quần đảo này là Nam Hải Chư đảo ;

ii) Trung Quốc yêu sách đầy đủ các vùng biển : nội thuỷ, lãnh hải, vùng tiếp giáp, vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa từ các nhóm quần đảo này ;

iii) Trung Quốc yêu sách quyền lịch sử ở Biển Đông.

Bên cạnh lập trường chính thức nêu trên về "Nam Hải chư đảo", Trung Quốc còn có yêu sách :

i) với các bãi ngầm và các cấu trúc lúc chìm lúc nổi ở Trường Sa, Macclefields bank, thậm chí với những bãi ngầm nằm hoàn toàn trong thềm lục địa phía Nam của Việt Nam như Bãi Tư Chính [12] ;

ii) xác lập đường cơ sở bao quanh các nhóm quần đảo để từ đó yêu sách đầy đủ các vùng biển, bao gồm cả vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa từ "đường cơ sở quần đảo" như một quốc gia quần đảo. Trung Quốc từng có "tiền lệ" xác lập đường cơ sở thẳng quanh các nhóm đảo nằm xa lục địa của Trung Quốc như Hoàng Sa (của Việt Nam) vào năm 1996 hay nhóm đảo Senkaku (mà Nhật Bản khẳng định chủ quyền) vào năm 2012. Năm 2011, Trung Quốc tuyên bố Trường Sa có đầy đủ lãnh hải, vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa [13].

Yêu sách "Tứ Sa" được đánh giá là nguy hiểm vì kéo theo nhiều hệ luỵ nghiêm trọng hơn yêu sách đường chín đoạn. Tuy nhiên, giống như "đường chín đoạn", "Tứ Sa" cũng không phù hợp với luật pháp quốc tế. Việc Trung Quốc yêu sách chủ quyền đối với các bãi ngầm ở Biển Đông, quy thuộc thành quần đảo, từ đó xác lập đầy đủ các vùng biển bao quanh là hoàn toàn trái với UNCLOS 1982. Theo quy định, các bãi ngầm hoặc cấu trúc lúc chìm lúc nổi không phải là đối tượng thụ đắc lãnh thổ, không có vùng biển riêng.

Bên cạnh đó, ý đồ xác lập đường cơ sở thẳng quanh các nhóm đảo của Trung Quốc cũng hoàn toàn không có cơ sở. Điều 46 - 47 UNCLOS chỉ được áp dụng với trường hợp quốc gia quần đảo, trong khi Trung Quốc là một quốc gia lục địa. Hơn nữa, Trung Quốc hoàn toàn không được phép xác lập hệ thống đường cơ sở đối với các thực thể thuộc chủ quyền của quốc gia khác. Đây là sự vi phạm chủ quyền của quốc gia ven biển theo quy định của UNCLOS 1982. Nhiều chuyên gia trong nước và quốc tế đánh giá "Tứ Sa" là chiến thuật pháp lý mới của Trung Quốc bằng việc cố gắng sử dụng ngôn ngữ của UNCLOS 1982 để hợp thức hóa các yêu sách trên biển nhưng với cách thức áp dụng lập lờ, có lựa chọn theo hướng có lợi cho Trung Quốc.

i) "Đường chín đoạn" hay "Tứ Sa" đều là những yêu sách không có cơ sở pháp lý và thể hiện tham vọng bành trướng trên Biển Đông của Trung Quốc. Trung Quốc vi phạm nghiêm trọng chủ quyền của Việt Nam đối với Hoàng Sa và Trường Sa cũng như quyền chủ quyền và quyền tài phán của Việt Nam trên các vùng biển được xác định phù hợp với quy định của UNCLOS 1982.

ii) "Việt Nam có đầy đủ chứng cứ lịch sử và cơ sở pháp lý để khẳng định chủ quyền đối với Hoàng Sa và Trường Sa phù hợp với quy định của Luật pháp quốc tế". Việt Nam một lần nữa khẳng định chủ quyền đối với Hoàng Sa và Trường Sa. Đây là lập trường nhất quán đã được Việt Nam khẳng định trong các Sách trắng về Chủ quyền của Việt Nam đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa trong các năm 1975, 1979, 1981, 1988 [14]

ii) Lập trường này cũng được thể hiện nhiều lần trong các văn bản lưu hành tại Liên hợp quốc và các đệ trình, tuyên bố gửi các cơ quan quốc tế liên quan. Việt Nam có đầy đủ các bằng chứng lịch sử và cơ sở pháp lý chứng minh Việt Nam là quốc gia đầu tiên làm chủ thực sự, chiếm hữu đầy đủ, hòa bình, liên tục đối với Hoàng Sa và Trường Sa kể từ khi hai quần đảo này khi chưa quốc gia nào yêu sách [15]. Bên cạnh đó, nhiều văn kiện lịch sử và địa lý của Trung Quốc cũng chứng minh cho đến đầu thế kỷ XX, các nhà nước phong kiến Trung Quốc chưa bao giờ có yêu sách chủ quyền đối với Hoàng Sa và Trường Sa [16]. Nhiều bản đồ do Phương Tây vẽ đều thể hiện đảo Hải Nam là điểm cực nam của Trung Quốc. Hơn nữa, cộng đồng quốc tế đã chỉ ra nhiều điểm thiếu thuyết phục và phản bác các bằng chứng lịch sử mà Trung Quốc đưa ra khi yêu sách chủ quyền đối với hai quần đảo này [17].

iii) "Công ước UNCLOS 1982 là cơ sở pháp lý duy nhất, quy định toàn diện và triệt để về phạm vi quyền được hưởng vùng biển giữa Việt Nam và Trung Quốc".

Kể từ khi chính thức có hiệu lực vào năm 1994, UNCLOS 1982 luôn khẳng định vai trò của "Hiến pháp của biển và đại dương" điều chỉnh mọi vấn đề liên quan đến luật biển. Với 168 thành viên tham gia, UNCLOS 1982 là điều ước quốc tế phổ cập lớn thứ hai, chỉ xếp sau Hiến chương Liên hợp quốc năm 1945, đóng vai trò quan trọng trong việc đảm bảo trật tự pháp lý trên biển. Công hàm ngày 30/3/2020 cho thấy Việt Nam đã dựa vào UNCLOS 1982 để xác lập các vùng biển, đồng thời cho thấy Việt Nam ủng hộ cách tiếp cận của Tòa Trọng tài trong vụ kiện Biển Đông ở các nội dung quan trọng sau :

Một, "vùng biển của các cấu trúc luôn nổi tại quần đảo Hoàng Sa và quần đảo Trường Sa phải được xác định phù hợp với Điều 121.3 của Công ước". Theo Điều 121.3, đảo đá không thích hợp cho con người sinh sống hoặc cho một đời sống kinh tế riêng thì không có vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa. Tòa Trọng tài trong vụ kiện Biển Đông lần đầu tiên giải thích Điều 121.3 và đi đến kết luận rằng tất cả các cấu trúc nổi nào ở Trường Sa không có khả năng cho con người sinh sống hoặc duy trì đời sống kinh tế riêng, do đó, không thể có vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa riêng [18].

Hai, "các nhóm đảo tại Biển Đông (bao gồm Hoàng Sa và Trường Sa) không có đường cơ sở được vẽ bằng cách nối liền các điểm ngoài cùng của các cấu trúc xa nhất". Hoàng Sa và Trường Sa không phải là quốc gia quần đảo để được áp dụng cách vẽ đường cơ sở quần đảo theo UNCLOS, do đó không thể xác lập hệ thống đường cơ sở quần đảo bằng cách vẽ nối liền các điểm ngoài cùng của các cấu trúc xa nhất. Tinh thần này đã từng được Việt Nam khẳng định trong Tuyên bố phản đối hệ thống đường cơ sở thẳng của Trung Quốc đối với Hoàng Sa năm 1996 [19]. Tòa Trọng tài trong Vụ kiện Biển Đông kết luận rằng bất cứ cách vẽ đường cơ sở thẳng nào ở Trường Sa cũng trái với Công ước UNCLOS [20]. Trên thực tế, cấu trúc địa lý của Hoàng Sa và Trường Sa có những điểm tương đồng, do đó, việc Việt Nam áp dụng cách tiếp cận của Tòa Trọng tài đối với các thực thể ở Hoàng Sa là phù hợp.

Ba, "các bãi ngầm hoặc cấu trúc lúc chìm lúc nổi không phải là đối tượng thụ đắc lãnh thổ và không có vùng biển riêng". Hiện nay, Trung Quốc yêu sách chủ quyền với một số bãi ngầm hoặc cấu trúc lúc chìm lúc nổi ở Biển Đông. Như đã trình bày ở trên, điều này hoàn toàn không được UNCLOS 1982 cho phép vì theo quy định, các bãi ngầm hoặc các cấu trúc lúc chìm lúc nổi không phải là đối tượng thụ đắc lãnh thổ, không có vùng biển riêng. Phán quyết của Tòa Trọng tài 2016 cũng kết luận rằng các thực thể như Vành Khăn (Mischief reef), Cỏ Mây (Second Thomas Shoal), Xubi (Subi reef), Nam Gaven (Gaven reef/South), Tư Nghĩa (Hughes reef) là các cấu trúc lúc chìm lúc nổi không phải là đối tượng thụ đắc, không có vùng biển riêng [21].

Bốn, "Việt Nam phản đối các yêu sách ở Biển Đông vượt quá những giới hạn quy định tại Công ước, trong đó có yêu sách quyền lịch sử ; các yêu sách này đều không có giá trị pháp lý". Việt Nam đã nhiều lần khẳng định lập trường này. Ngày 12/9/2019, Người Phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam Lê Thị Thu Hằng khẳng định : "UNCLOS năm 1982 đã xác định rõ phạm vi và là cơ sở pháp lý duy nhất để các quốc gia xác định quyền hưởng các vùng biển của mình. Điều này đã được các quốc gia tuân thủ, thừa nhận bởi các thực tế xét xử cũng như sự đồng tình rộng rãi của các luật sư có uy tín quốc tế. Do đó, không có nước nào có thể đưa ra các yêu sách về các vùng biển ở khu vực Biển Đông vượt quá những giới hạn về mặt địa lý và nội dung được quy định trong UNCLOS năm 1982. […] Những yêu sách bất hợp pháp, không phù hợp với UNCLOS năm 1982 không thể là cơ sở để khẳng định rằng có tồn tại các vùng biển tranh chấp hay chồng lấn" [22].

Về điểm này, Công hàm của Việt Nam đã phản ánh tinh thần của Phán quyết của Tòa Trọng tài năm 2016. Theo kết luận của Toà, yêu sách về quyền lịch sử của Trung Quốc đối với các tài nguyên sinh vật và phi sinh vật nằm trong đường chín đoạn là không phù hợp với quy định của Công ước. Tòa cho rằng yêu sách đó vượt quá giới hạn vùng biển của Trung Quốc mà UNCLOS cho phép [23]. Trên thực tế, yêu sách quyền lịch sử trong đường chín đoạn của Trung Quốc đã bị cộng đồng quốc tế lên án. Gần đây, ngày 9/4/2020, Bộ Ngoại giao Mỹ đưa ra tuyên bố phản đối các yêu sách trên biển bất hợp pháp của Trung Quốc ở Biển Đông và khẳng định ủng hộ kết luận của Tòa Trọng tài rằng "Đường chín đoạn của Trung Quốc là yêu sách biển bất hợp pháp" [24].

Kết luận

Công hàm số 22/HC-2020 của Việt Nam gửi lên Tổng thư ký Liên Hiệp Quốc ngày 30/3/2020 có ý nghĩa quan trọng.

Trước hết, Công hàm phản đối một cách hệ thống các yêu sách không phù hợp với luật pháp quốc tế của Trung Quốc, bao gồm yêu sách đường chín đoạn và yêu sách "Tứ Sa". Các yêu sách đó hoàn toàn trái với quy định của UNCLOS 1982, đồng thời vi phạm nghiêm trọng chủ quyền, quyền chủ quyền và quyền tài phán của Việt Nam ở Biển Đông.

Nội dung Công hàm được xây dựng dựa trên các quy định của Công ước UNCLOS 1982, đồng thời phù hợp với kết luận quan trọng của Tòa Trọng tài năm 2016 dù theo quy định, Phán quyết chỉ có giá trị ràng buộc với các bên liên quan.

Là quốc gia trực tiếp liên quan đến tranh chấp Biển Đông, kể từ khi vụ kiện Biển Đông bắt đầu, Việt Nam luôn theo dõi sát diễn biến vụ kiện, mong muốn Tòa Trọng tài sẽ đưa ra phán quyết công bằng, khách quan, ủng hộ giải quyết tranh chấp hòa bình trên cơ sở luật pháp quốc tế và ủng hộ việc tuân thủ, thực thi đầy đủ UNCLOS [25].

Công hàm ngày 30/3/2020 thể hiện lập trường nhất quán, rõ ràng và toàn diện của Việt Nam trong vấn đề Biển Đông. Việt Nam kiên quyết khẳng định chủ quyền, quyền chủ quyền, quyền tài phán cùng các quyền lợi chính đáng khác của Việt Nam ở Biển Đông.

Với chủ trương coi UNCLOS 1982 là cơ sở pháp lý duy nhất, Việt Nam một lần nữa chứng minh trách nhiệm của mình trong việc tuân thủ luật quốc tế nói chung và UNCLOS 1982 nói riêng, từ đó góp phần vào việc đảm bảo trật tự pháp lý trên Biển Đông.

Nguyễn Thị Lan Hương

Nguồn : Nghiên cứu Biển Đông, 24/04/2020

Nguyễn Thị Lan Hương là nghiên cứu viên của Viện Biển Đông, Học viện Ngoại giao. Bài viết thể hiện quan điểm riêng của tác giả.


[1] Công hàm số HA 59/19 của Malaysia ; Đệ trình một phần ranh giới thềm lục địa mở rộng của Malaysia lên CLCS số MYS_ES_DOC-01_281117.

[2] Công hàm CML/14/2019 ngày 12/12/2019 của Trung Quốc.

[3] Công hàm số 000191-2020 ngày 6/3/2020 của Philippines.

[4] Công hàm số 000192-2020 ngày 6/3/2020 của Philippines.

[5] Công hàm số CML/11/2020 ngày 23/3/2020 của Trung Quốc.

[6] Công hàm số 22/HC-2020 ngày 30/3/2020 của Việt Nam.

[7] Công hàm số 24/HC-2020 ngày 10/4/2020 của Việt Nam.

[8] Công hàm số 25/HC-2020 ngày 10/4/2020 của Việt Nam.

[9] Công hàm số 42/CML/2020 ngày 17/4/2020 của Trung Quốc.

[10] Tuyên bố ngày 12/7/2016 của Bộ Ngoại giao và Sách trắng "Trung Quốc kiến trì giải quyết tranh chấp giữa Trung Quốc và Philippines thông qua đàm phán" ngày 13/7/2016.

[11] Theo Free Bacon và Lawfare blog, ông Mã Tân Dân đã khẳng định Trung Quốc có chủ quyền với 4 nhóm quần đảo ở Biển Đông, có quyền lịch sử, vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa gắn với 4 quần đảo này ở Biển Đông.

Tham khảo Bill Geitz, Beijing adopts new tactics for South China Sea claims, 9/2017 ; Julian Ku, Chris Mirasola, The South China Sea and China's "Four Sha" Claim : New Legal Theory, Same Bad Argument, 25/9/2017.

[12] Ngày 18/9/2019, Người Phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc phát biểu : "Trung Quốc có chủ quyền đối với Trường Sa và quyền chủ quyền và quyền tài phán đối với vùng biển kề cận bãi Tư Chính (Vạn An Bắc) ở Trường Sa" (Nguyên văn : "China has sovereignty over Nansha Islands and sovereign rights and jurisdiction over adjacent waters of Wan'an Tan in the Nansha Islands"). Tham khảo : Foreign Ministry Spokesperson Geng Shuang's Regular Press Conference ngày 18/9/2019.

[13] Công hàm số CML/8/2011 ngày 14/4/2011 của Trung Quốc.

Bên cạnh đó, nhiều học giả Trung Quốc đã cổ suý cho cái gọi là "quần đảo ngoài khơi của quốc gia lục địa" nhưng trên thực tế, không hề tồn tại một tập quán quốc tế nào điều chỉnh về "quần đảo ngoài khơi của quốc gia lục địa".

[14] Thư của Chủ tịch Hội Luật quốc tế Việt Nam ngày 29/10/2019 trả lời thư của Chủ tịch Hội Luật quốc tế Trung Quốc.

[15]Nguyen Hong Thao, "Vietnam’s Position on the Sovereignty over the Paracels & the Spratlys : Its Marititime Claims", Journal of East Asia and International Law, 5(1), pp.165-211.

[16] Phó Giáo sư Tiến sĩ Trương Minh Dục, Chủ quyền quốc gia Việt Nam tại hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa qua tư liệu Việt Nam và nước ngoài, Hà Nội : NXB. Thông tin và Truyền thông, 2015.

[17]Bill Hayton, "Writing the History of the South China Sea Disputes", in the Enterprises, Localties, People and Policy in the South China Sea, eds. Spangler, Karalekas, Lopes de Souza (Palgrave Macmillan, 2018), 3-24.

[18] Tòa kết luận rằng Scarborough, Gạc Ma (Johnson reef), Châu Viên (Cuarteron reef), Chữ Thập (Fiery Cross reef), Gaven Bắc (Gaven reef/North), Kennan (McKennan reef) là đảo đá theo quy định của Điều 121.3. Tham khảo Đoạn 626 và Đoạn 646 Phán quyết của Tòa trọng tài năm 2016.

[19] Tham khảo Tuyên bố của Việt Nam phản đối Tuyên bố của Trung Quốc về Hệ thống đường cơ sở thẳng quanh Hoàng Sa năm 1996, Law of the Sea Bulletin, số 32 (1996).

[20] Đoạn 575 Phán quyết của Tòa Trọng tài năm 2016.

[21] Đoạn 646 và Đoạn 1040 Phán quyết của Tòa Trọng tài năm 2016.

[22] Phát biểu của Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Lê Thị Thu Hằng về việc cập nhật thông tin về nhóm tàu khảo sát địa chấn Hải Dương 8 của Trung Quốc trong vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam ngày 12/9/2019

[23] Đoạn 261 Phán quyết của Tòa Trọng tài năm 2016.

[24] U.S. Department of State, PRC’s Reported Sinking of a Vietnamese Fishing Vessel in the South China Sea, 6/4/2020.

[25] Phát biểu của Người phát ngôn Lê Hải Bình về Phán quyết của Tòa Trọng tài các ngày 1/7/2016  và ngày 12/7/2016.

Published in Diễn đàn

Trung Quốc dùng Công hàm Phạm Văn Đồng đòi chiếm trọn Hoàng Sa và Trường Sa

Thu Thủy, Thoibao.de, 21/04/2020

Trung Quốc thông báo thành lập quận Tây Sa và Nam Sa

Bộ Ngoại giao Việt Nam hôm 19/4 lên tiếng về việc Trung Quốc thông báo thành lập quận Tây Sa và Nam Sa để quản lý quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa ở Biển Đông.

congham1

Đảo Trường Sa Lớn thuộc quần đảo Trường Sa cách Cam Ranh khoảng 254 hải lý (470,4 km) và cách Vũng Tàu hơn 500 km đường biển, trên đảo có cư dân Việt Nam và có trụ sở UBND huyện Trường sa, do Việt Nam quản lý

"Việt Nam đã nhiều lần mạnh mẽ khẳng định Việt Nam có đầy đủ bằng chứng lịch sử và cơ sở pháp lý để khẳng định chủ quyền đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa", phát ngôn viên Lê Thị Thu Hằng nói trong một tuyên bố, một ngày sau thông báo của Bắc Kinh.

"Lập trường nhất quán của Việt Nam là phản đối mạnh mẽ việc thành lập cái gọi là ‘thành phố Tam Sa’ và các hành vi có liên quan vì đã vi phạm nghiêm trọng chủ quyền của Việt Nam, không có giá trị và không được công nhận, không có lợi cho quan hệ hữu nghị giữa các quốc gia và gây thêm phức tạp tình hình Biển Đông, khu vực và thế giới".

Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam lên tiếng "yêu cầu Trung Quốc tôn trọng chủ quyền của Việt Nam, huỷ bỏ các quyết định sai trái liên quan đến những việc làm đó và không có những việc làm tương tự trong tương lai".

Trung Quốc hôm 18/4 thông báo việc thành lập quận Tây Sa có trụ sở đặt tại đảo Phú Lâm thuộc quần đảo Hoàng Sa. Trụ sở của quận Nam Sa đặt tại Đá Chữ Thập thuộc quần đảo Trường Sa. Hai quận này thuộc thẩm quyền của thành phố Tam Sa ở tỉnh Hải Nam.

Tin cho hay, chính quyền Bắc Kinh tuyên bố rằng quận Tây Sa sẽ quản lý quần đảo Hoàng Sa, bãi Macclesfield và vùng biển xung quanh, trong khi quận Nam Sa quản lý quần đảo Trường Sa và vùng biển kế cận.

Phản đối của Việt Nam được đưa ra hơn mười ngày sau khi Hoa Kỳ cho biết "hết sức quan ngại" về các tin tức nói rằng Trung Quốc đâm chìm một tàu cá Việt Nam ở gần quần đảo Hoàng Sa trên Biển Đông.

Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Mỹ Morgan Ortagus nói trong một tuyên bố hôm 6/4 rằng kể từ khi dịch Covid-19 bùng phát, Trung Quốc đã khẳng định các tuyên bố chủ quyền ở Biển Đông như "công bố các trạm nghiên cứu" mới đặt trên các căn cứ quân sự được xây dựng trên Đá Chữ Thập và Đá Subi, cũng như cho "máy bay quân sự đặc biệt" hạ cánh trên Đá Chữ Thập.

Trung Quốc khẳng định chủ quyền ở Biển Đông

Trung quốc vừa gửi Công hàm tuyên bố buộc Việt Nam phải rút quân khỏi các đảo ở Trường sa.

Trước đó hôm 17/4/2020 Trung quốc đã gửi Công hàm số CML/42/2020 đến Tổng thư ký Liên Hiệp Quốc António Guterres, với những nội dung cơ bản được Facebook Nguyễn Đạt An lược dịch như sau :

1. Trung quốc khẳng định chủ quyền đối với quần đảo Nam Sa và Tây Sa - là Hoàng Sa và Trường Sa, cũng như vùng nước bao quanh các đảo trên.

2. Bắc Kinh khẳng định lại việc chính quyền Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa đã công nhận chuyện đó, qua công hàm của Thủ tướng Phạm Văn Đồng ký đã ngày 14/9/1958 gửi đến Thủ tướng Chu Ân Lai.

3. Bắc Kinh cáo buộc sau năm 1975, Việt Nam gửi lính đến xâm phạm chủ quyền của Trung Quốc tại các đảo này - tức là vi phạm lời khẳng định của ông Phạm Văn Đồng trước đó.

4. Bắc Kinh yêu cầu Việt Nam rút hết quân đội và cơ sở ra khỏi chuỗi đảo trên, vì họ đã xâm lược và đánh chiếm phi pháp.

Ông Nguyễn Đạt An nhận định :

- Trung Quốc đang bắt đầu sử dụng kênh ngoại giao chính thức để giành đảo và ảnh hưởng địa chính trị tại Biển Đông với Việt Nam.

- Trung Quốc chính thức sử dụng công hàm của Phạm Văn Đồng để đánh về mặt ngoại giao. Và chính xác công hàm đó là một công hàm bán nước.

- Trung Quốc sẽ bắt đầu các bước tiếp theo để thực hiện ý đồ này, bao gồm cảnh cáo, kêu gọi VN rút quân, và sau đó là gây chiến.

Với động thái này có thể nói Trung quốc gần như sẵn sàng chiếm trọn cả Hoàng sa Trường sa, như họ đã từng làm năm 1974 (cưỡng chiếm Hoàng sa) và 1988 (dùng vũ lực chiếm Trường sa). Đây là một bước đi vô cùng manh động và nguy hiểm trong khi Việt Nam và cả thế giới hầu như dành trọn mối quan tâm vào việc chống lại cơn đại dịch từ Vũ hán.

Hồi tháng 5/2014, một nhà ngoại giao và một học giả Trung Quốc nói Công hàm 1958 là bằng chứng Việt Nam công nhận Hoàng Sa thuộc về Trung Quốc.

congham2

Phạm Văn Đồng và Công hàm 1958 về Biển Đông gây tranh cãi

Công hàm 1958 gây tranh cãi của Thủ tướng Phạm Văn Đồng được Trung Quốc đề cập lại trong bối cảnh Việt Nam và Trung Quốc đối đầu vì vụ giàn khoan HD-981.

Hôm 20/5/2014, đại biện lâm thời Sứ quán Trung Quốc ở Indonesia có bài đăng trên báo Indonesia Jakarta Post để biện hộ cho Trung Quốc.

Ông Lưu Hồng Dương nói quần đảo Tây Sa (tên Trung Quốc dùng để chỉ Hoàng Sa) là "lãnh thổ vốn vẫn thuộc về Trung Quốc".

"Vị trí của các đảo đã được cộng đồng quốc tế, kể cả Việt Nam, công khai thừa nhận trong nhiều thập niên từ Thế chiến Hai.

"Trong tuyên bố ngày 14/9/1958 thay mặt chính phủ Việt Nam, Thủ tướng Việt Nam khi đó, Phạm Văn Đồng, công khai thừa nhận quần đảo Tây Sa và các đảo khác ở Nam Hải là lãnh thổ Trung Quốc".

Ông Lưu Hồng Dương cáo buộc "việc chính phủ Việt Nam gần đây thay đổi và từ chối công nhận Tây Sa là của Trung Quốc thật vô cùng gây sốc".

"Việt Nam rõ ràng vi phạm nguyên tắc ‘estoppel’ [nghĩa là : không được nói ngược]", ông Lưu cáo buộc.

Hôm 26/2/2014, ông Lý Thái Hùng từ Hoa kỳ có bài bình luận trên BBC News Vietnam về sự khó xử của Việt Nam đối với Công hàm của thủ tướng Phạm Văn Đồng đã ký năm 1958.

Ông Lý Thái Hùng viết : "Mặc dù Công hàm 1958 của Thủ tướng Phạm Văn Đồng không đề cập gì đến Hoàng Sa hay Trường Sa, nhưng Công hàm đã viết : "Chính phủ nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa ghi nhận và tán thành bản tuyên bố ngày 4/9/1958 của Chính phủ nước Cộng hòa nhân dân Trung Hoa quyết định về hải phận của Trung Quốc".

Tuyên bố ngày 4/9/1958 của Trung Quốc đã viết :

"Chiều rộng lãnh hải của nước Cộng hòa nhân dân Trung Hoa là 12 hải lý. Ðiều lệ này áp dụng cho toàn lãnh thổ nước Cộng hòa nhân dân Trung Hoa, bao gồm phần đất Trung Quốc trên đất liền và các hải đảo ngoài khơi, Ðài Loan và các đảo phụ cận, quần đảo Bành Hồ, quần đảo Ðông Sa, quần đảo Tây Sa, quần đảo Trung Sa, quần đảo Nam Sa, và các đảo khác thuộc Trung Quốc".

Như vậy, dù giải thích thế nào đi nữa, Công hàm 1958 vẫn đã thừa nhận chủ quyền Trung Quốc trên Biển Đông bao gồm luôn quần đảo Hoàng sa và Trường sa của Việt Nam, và cho Trung Quốc lý cớ để cột công hàm này vào nền tảng biện minh cho chủ trương xâm lược của họ hiện nay", ông Lý Thái Hùng nhận định.

Cũng trong giai đoạn cả thế giới bận tâm chống lại đại dịch Cúm Vũ Hán thì Trung quốc khởi động hàng loạt hành vi khiêu khích trên Biển Đông và nay thì họ bắt đầu nêu ra Công hàm 1958 do thủ tướng Phạm Văn Đồng ký kết như là một bằng chứng triệt buộc, như một nước chiếu bí nhằm thẳng vào Chính phủ nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam như là một chủ thể đồng nhất và kế thừa trách nhiệm của Chính phủ Việt Nam Dân chủ cộng hòa 1958.

Một nước cờ được gợi ý để gỡ bí cho Việt Nam hiện nay là phải thừa nhận tư cách chủ thể Quốc gia độc lập của Việt Nam Cộng Hòa khi ấy do ông Nguyễn Văn Thiệu làm Tổng thống tuyên bố chủ quyền và có quân đội quản lý Hoàng sa thì bị Trung Quốc dùng vũ lực cưỡng chiếm vào ngày 19/1/1974. Tuy nhiên phía Chính phủ Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam chưa bao giờ chính thức đưa ra lập luận ấy.

Mỹ nói Trung Quốc nên ngừng ‘hành vi bắt nạt’ ở Biển Đông

Mỹ ngày thứ Bảy kêu gọi Trung Quốc ngừng "hành vi bắt nạt" ở Biển Đông và nói rằng Mỹ lo ngại trước các báo cáo về "những hành động khiêu khích" của Bắc Kinh nhắm vào các hoạt động phát triển dầu khí ngoài khơi ở vùng biển tranh chấp.

Ba nguồn tin an ninh khu vực nói với Reuters ngày thứ Sáu rằng một tàu khảo sát của chính phủ Trung Quốc đang đeo bám một tàu thăm dò do công ty dầu khí nhà nước Petronas của Malaysia vận hành ở vùng biển đó.

Tàu Hải dương Địa chất 8 trước đó trong tuần này đã được nhìn thấy ngoài khơi Việt Nam, nơi mà năm ngoái nó đã thực hiện các hoạt động nghi là khảo sát thăm dò dầu khí trong các khu vực thuộc vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam.

"Mỹ lo ngại trước các báo cáo về các hành động khiêu khích lặp đi lặp lại của Trung Quốc nhắm vào việc phát triển dầu khí ngoài khơi của các quốc gia có tuyên bố chủ quyền khác", Bộ Ngoại giao Mỹ nói trong một thông cáo gửi qua email cho Reuters trả lời câu hỏi về sự hiện diện của Hải dương Địa chất 8 ở vùng biển Malaysia.

"Trong trường hợp này, (Trung Quốc) nên chấm dứt hành vi bắt nạt của mình và không tham gia vào hoạt động khiêu khích và gây bất ổn kiểu này", thông cáo nói.

Các hành động của Trung Quốc đe dọa an ninh năng lượng trong khu vực và làm suy yếu thị trường năng lượng Ấn Độ-Thái Bình Dương tự do và rộng mở, thông cáo nói thêm.

Đầu tuần trước, khi tàu khảo sát này xuất hiện trong vùng biển ngoài khơi Việt Nam, một phát ngôn viên của Bộ Ngoại giao Trung Quốc nói con tàu đang tiến hành các hoạt động bình thường và cáo buộc các quan chức Mỹ bôi nhọ Bắc Kinh.

Trung Quốc tuyên bố chủ quyền đối với gần như toàn bộ Biển Đông giàu tài nguyên và cũng là một tuyến đường thương mại trọng yếu. Philippines, Brunei, Việt Nam, Malaysia và Đài Loan cũng có những tuyên bố chồng chéo.

Liên quan đến những động thái gia tăng căng thẳng từ phía Trung quốc mới đây của Trung quốc, hôm 17/4/2020 Giáo sư Nguyễn Mạnh Hùng, nhà nghiên cứu bang giao quốc tế từ Đại học George Mason, Hoa kỳ đưa ra bình luận :

"Chiến thuật của Trung Quốc là mềm nắn, rắn buông và lợi dụng thời cơ. Viêc quốc tế và các nước lân cận đang lúng túng đối phó dịch Cúm Vũ hán trong khi mối đe dọa dịch cúm giảm đi ở Trung Quốc, cùng môt lúc với sự kiện tầu sân bay của Mỹ bi tê liệt vì Cúm Vũ hán và việc cách chức vụng về, vội vã vị tư lệnh hàng không mẫu hạm Theodore Roosevelt gây bất mãn trong hải quân Mỹ đã tạo ra cơ hội ấy.

Gần đây cả Bộ Ngoại giao và Bộ Quốc phòng Mỹ nối nhau ra tuyên bố quan ngại sâu sắc hay lên án đích danh hành vi Trung Quốc đâm chìm tàu cá của Việt Nam ở vùng biển khu vực.

Đó là tín hiệu mới phản ảnh một sự đồng thuận ở Mỹ về một chính sách cứng rắn hơn với Trung Quốc từ áp lực của quân đội, các chiến lược gia và Quốc hội Mỹ, cùng với mâu thuẫn kinh tế - thương mại giữa hai nước được đẩy mạnh lên nhân cơ hội dich Cúm Vũ hán", Giáo sư Nguyễn Mạnh Hùng nhận xét.

 "Mục tiêu tối hậu của Trung Quốc không thay đổi, nhưng việc thực hiên mục tiêu đó tùy thuộc vào sự tính toán về thời cơ của Trung Quốc. Thời cơ này tùy thuộc những biến chuyển nhất thời, như đại dịch Cúm Vũ hán, và sự thay đổi trong cán cân lực lượng.

Các nước nhỏ trong khu vực phải nương theo chiều gió để bảo vệ quyền lợi và chủ quyền của mình.

Nếu vì những lý do này, thế của Mỹ xuống thì thế của Trung Quốc sẽ lên, và áp lưc của Trung Quốc đối với các nước nhỏ trong khu vực sẽ gia tăng. Đó là mối lo của các nước này.

Nói chung và trong trường kỳ, dài hạn, thế giới phải đối phó với "thách thức Trung Quốc" và sự thay đổi đang xảy ra trong trật tư thế giới (world order), ai lên ai xuống, bắt nguồn từ sự cạnh tranh chiến lươc giữa Mỹ và Trung Quốc.

Tuy nhiên, đại nạn cúm cũng làm suy yếu vị thế của Mỹ, không những về kinh tế mà còn về khả năng lãnh đạo hướng đến việc tạo ra một trật tự thế giới phản ánh giá trị nhân bản Tây phương. Sau Đệ Nhị Thế Chiến, Mỹ đứng ra lãnh đạo và đoàn kết khối được gọi là "Thế giới Tự do" xây dựng lại nền kinh tế và xã hội đổ nát ở Âu Châu, chống bành trướng cộng sản. Mỹ có lợi nhưng cũng phải hy sinh nhiều.

Cán cân lực luợng và trật tự thế giới đang thay đổi và đang cần sư lãnh đạo và phối hợp của Mỹ để giải quyết các mối quan tâm chung, như biến đổi khí hậu, phục hồi kinh tế và các thách thức của Trung Quốc. Thiếu sự lãnh đạo và phối hợp này, thế giới sẽ chia ra nhiều khối để đoàn kết, tự bảo vệ, và thích ứng thách thức của Trung Quốc.

Đó là mối lo của những nuớc không muốn sống dưới môt trật tự thế giới mới do Trung Quốc lãnh đạo mà tiếng Anh gọi là Chinese World Order".

Thu Thủy (Thành phố Hồ Chí Minh)

Nguồn : VNTB, 21/04/2020

********************

Từ Phạm Văn Đồng tới Nguyễn Phú Trọng

Cánh Cò, RFA, 21/04/2020

Chưa lúc nào đất nước bị đe dọa chiến tranh như lúc này khi mà Trung Quốc ngang nhiên tuyên bố sẽ tiếp tục cho Việt Nam một bài học nữa về chủ quyển biển đảo khi chính thức đưa ra công hàm ngày 17/4/2020 nhắm tới. Với những lý lẽ gần như thô bạo "Trung Quốc kiên quyết đòi Việt Nam phải rút mọi lực lượng và phương tiện khỏi các đảo và đá mà nước này đã xâm lược và chiếm đóng bất hợp pháp" và rồi "Trung Quốc sẽ thực thi mọi biện pháp cần thiết để bảo vệ vững chắc chủ quyền, các quyền và lợi ích của mình ở Trung Hoa Nam Hải". Điều này có nghĩa là căn cứ đo quân đội Nhân dân Việt Nam đang trấn giữ tại Trường Sa phải bị rút bỏ và đồng thời mọi lô dầu mà Việt Nam đang khai thác trờ thành bất hợp pháp.

congham8

Trung Quốc lấy bãi đá Chữ Thập chiếm được của Việt Nam làm đại bản doanh quản lý 2 quận Tây Sa (Trường Sa) và Nam Sa (Hoàng Sa).

Công hàm được Bắc Kinh gửi Tổng thư ký Liên Hiệp Quốc phản đối hai công hàm ngày 30/3 và 10/4 của Việt Nam về Biển Đông liên quan đến một báo cáo do Malaysia trình Ủy ban Ranh giới Thềm lục địa hồi cuối năm 2019.

Sau khi gửi công hàm này đi một ngày, thì ngày 18/4 Trung Quốc đã ra tuyên bố thành lập cái gọi là quận Tây Sa và Nam Sa trái phép ở trên hai quần đảo thuộc chủ quyền Việt Nam là Hoàng Sa - Trường Sa. Lấy Bãi đá Chữ Thập mà Trung Quốc chiếm được của Việt Nam thành đại bản doanh quản lý 2 quận này.

Trước đó Trung Quốc chính thức mang công hàm Phạm Văn Đồng ra trước Liên Hiệp Quốc như một bằng chứng mạnh mẽ rằng Việt Nam đã công nhận chủ quyền của Trung Quốc từ năm 1958 được ký bởi Thủ tướng của Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. Lý lẽ này từng nhiều lần được Trung Quốc mang ra hù dọa Việt Nam và đó cũng là mối lo khiến Việt Nam chần chừ chưa bao giờ dám đưa Trung Quốc ra tòa Quốc tế.

Trung Quốc biết rõ yếu huyệt này của Việt Nam và không ít lần mạnh dạn xâm chiếm Hoàng Sa lẫn Trường Sa của Việt Nam mà không hề sợ Việt Nam trả đũa dù là trên phương diện pháp lý.

Ông Phạm Văn Đồng dù muốn hay không cũng đã có hành vi tắc trách đối với quốc gia. Ông có thể bị sự thúc bách của Bộ chính trị khi ý chí quyết chiếm miền Nam đã làm lu mờ mọi ý thức chủ quyền biển đảo. Cả một tập thể Bộ chính trị của Đảng Cộng sản Việt Nam chỉ thấy cái miền Nam béo bở mà quên hẳn những vùng đảo nhỏ nhoi mà ông cha đã dày công kiến tạo và vun bồi. Đối với đa số lãnh đạo cấp cao lúc ấy đều xem thường tầm nhìn xa của Trung Quốc, họ chỉ thấy tình đồng chí môi hở răng lạnh mà không thấy được lòng tham vô tận của đầu não Trung Quốc vốn có tính di truyền từ ngàn năm trước xem Việt Nam vốn dĩ là chư hầu không hơn không kém.

Ông Phạm Văn Đồng đã thay mặt Đàng Cộng sản Việt Nam đóng dấu vào văn kiện biếu không chủ quyền đất nước cho Trung Quốc để đổi lấy khí tài quân nhu tiếp liệu nhằm tấn công miền Nam. Lý do lộ liễu như vậy không cần phải chứng minh. Lịch sử đã cho thấy điều đó và lịch sử cũng cho thấy cuộc chiến tranh biên giới 1979 phản ảnh lòng tham của Hà Nội và sự tức giận của Bắc Kinh trước một học trò phản trắc.

Ông Nguyễn Phú Trọng đã từng nói : "Ừ, mình phải có thế nào người ta mới thế chứ !"

Và ông Trọng, Tổng bí thứ đời thứ 12 đã giữ trọn niềm tin rằng "mình không làm gì khiến Trung Quốc bất mãn thì họ sẽ không làm gì mình". Bám vào niềm tin không lay chuyễn đó trong suốt chín năm với hai nhiệm kỳ Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng là người kiên cường với lập trường "vô chiêu thắng hữu chiêu" có nghĩa là sẽ không làm gì đối với các động thái ngày một thâm độc của Trung Quốc. Ông chỉ cho phép Bộ Ngoại giao đưa ra những phát biểu chung chung, giống như Việt Nam không thuộc về chính phủ Ba Đình vậy.

Ông Trọng đã phạm một sai lầm không thua gì ông Phạm Văn Đồng khi xưa. Trong cuộc tiếp xúc cử tri quận Ba Đình, Hoàn Kiếm (Hà Nội) vào năm 2015 ông Tổng bí thư đã phát biểu một câu nói để đời về vấn đề Biển Đông mà báo chí chính thống đồng loạt loan tải : "Nếu để xảy ra đụng độ gì thì tình hình bây giờ bất ổn thế nào, chúng ta có ngồi đây mà bàn việc tổ chức đại hội Đảng được không ?..".

Ông Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng xứng đáng được Đảng Cộng sản Việt Nam trao tặng huy chương cao nhất về hành vi bảo vệ Đảng thay vì bảo vệ tổ quốc. Ông Trọng công khai đem Đảng của ông so sánh với mảnh đất được hình thành do tổ tiên bao đời đổ máu ra để gây dựng nó. Trong tư duy của ông Nguyển Phú Trọng chỉ có Đảng là quan trọng nhất vì chỉ có Đảng mới cho ông và gần 5 triệu đảng viên được quyền rút tỉa xương máu của người dân và tài nguyên đất nước.

Trung Quốc nắm được tử huyệt này và ngày hôm nay họ tiến hành âm mưu độc chiếm Biển Đông cũng không có gì đáng ngạc nhiên.

Từ ông Phạm Văn Đồng cho tới ông Nguyễn Phú Trọng, Bộ chính trị Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam vẫn chưa bao giờ ngừng tuyên truyền về vai trò quan trọng của Đảng. Sau Hội nghị Thành Đô những gì mà người dân được phép lên án Trung Quốc trước đó đã bị Đảng rút lại. Từ những tấm bia ghi công chiến sĩ đánh Trung Quốc trong cuộc chiến tranh biên giới bị đục mất cho tới bắt bớ giam cầm người dân nào biểu tình chống Trung Quốc. Mới nhất là phiên tòa phúc thẩm xử thầy giáo Nguyễn Năng Tĩnh, vừa kết thúc lúc 10h30 ngày 20/04/2020. Tòa phúc thẩm y án 11 năm tù và 5 năm quản chế cho tội yêu nước, chống lại bất công, bảo vệ biển đảo.

Ông Phạm Văn Đồng có thể bị thúc bách nhưng ông Nguyễn Phú Trọng thì không. Tuy nhiên cả hai ông đều phải ra trước vành móng ngựa của Tòa án Nhân dân khi Trung Quốc tấn công Việt Nam lần này. Có như thế lòng dân mới yên và mục tiêu chống Trung Quốc mới được hình thành trong lòng công chúng.

Cánh Cò

Nguồn : RFA, 21/04/2020 (canhco's blog)

*********************

Công hàm mới nhất của Trung Quốc gửi lên Liên Hiệp Quốc về Trường Sa và Hoàng Sa

Thoibao.de, 20/04/2020

Đặc biệt, Trung Quốc đã dùng Công hàm do Thủ tướng Phạm Văn Đồng ký ngày 14/9/1958 như là một bằng chứng cho lập luận của mình.

congham3

Bản đồ thời tiết Biển Đông cho thấy vùng biển này thuộc về Việt Nam

Trích : "Chủ quyền của Trung Hoa đối với Trường Sa và Hoàng Sa được cộng đồng quốc tế công nhận rộng rãi. Chính phủ Việt Nam cũng đã công nhận nó một cách rõ ràng. Vào ngày 4 tháng 9 năm 1958, chính phủ Trung Hoa ban hành Tuyên bố của Chính phủ Cộng hòa nhân dân Trung Hoa về lãnh hải của Trung Hoa, tuyên bố một lãnh hải rộng mười hai hải lý, và quy định rằng, Quy định này áp dụng cho tất cả các lãnh thổ của Cộng hòa nhân dân Trung Hoa bao gồm quần đảo Hoa Đông, Hoàng Sa, Trung Sa (bãi cạn Scarborough của Philippines - lời người dịch), Trường Sa và tất cả các đảo khác thuộc Trung Hoa.

Vào ngày 14 tháng 9 năm 1958, Thủ tướng Phạm Văn Đồng của Việt Nam đã gửi công hàm ngoại giao tới Chu Ân Lai, Thủ tướng Hội đồng Nhà nước Trung Hoa, tuyên bố long trọng rằng chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa công nhận và ủng hộ tuyên bố của Chính phủ Cộng hòa nhân dân Trung Hoa về quyết định liên quan đến lãnh hải của Trung Quốc được đưa ra vào ngày 4 tháng 9 năm 1958 và rằng chính phủ của Cộng hòa Dân chủ Việt Nam tôn trọng quyết định này.

Trong những năm đầu của thập niên 1970, Việt Nam đã chính thức công nhận rằng Hoàng Sa và Trường Sa luôn là một phần của lãnh thổ Trung Hoa kể từ thời cổ đại. Sở hữu này đã được phản ánh trong các tuyên bố và ghi chú của chính phủ, cũng như các bản đồ, sách giáo khoa và báo chí chính thức của Việt Nam".

Công hàm số : CML/42/2020

Kính thưa ngài Tổng Thư ký Liên Hiệp Quốc António Guterres,

Phái đoàn Thường trực của Cộng hòa nhân dân Trung Hoa tại Liên Hợp Quốc xin bày tỏ sự kính trọng đối với quý Tổng Thư ký Liên Hợp Quốc.

Chúng tôi xin được nhắc lại nội dung quan điểm của mình đã tuyên bố thông qua các Công hàm số CML/17/2009 và số CML/18/2009 đã được Phái đoàn thường trực của Cộng hòa nhân dân Trung Hoa tại Liên Hợp Quốc vào năm 2009 gửi tới Ngài Ban Ki-moon, là Tổng Thư ký Liên Hợp Quốc khi đó ;

Phái đoàn thường trực của Cộng hòa nhân dân Trung Hoa đề cập vấn đề liên quan đến Công hàm số 22/HC-2020 ngày 30 tháng 3 năm 2020 và hai Công hàm số 24/HC-2020 và số 25/HC-2020 ngày 10 tháng Tư năm 2020 đã gửi đến Tổng Thư ký Liên Hợp Quốc thông qua Phái đoàn Thường trực của Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam tại Liên Hợp Quốc.

Nay chúng tôi chính thức tuyên bố quan điểm của Cộng hòa nhân dân Trung Hoa như sau :

Trung Hoa có chủ quyền đối với quần đảo Hoàng Sa (nguyên văn : Xisha Qundao), quần đảo Trường Sa (nguyên văn : Nansha Qundao) và các vùng biển lân cận của chúng. Trung Hoa có quyền chủ quyền và quyền tài phán đối với các vùng biển có liên quan cũng như đáy biển và lòng đất. Trung Hoa có quyền lịch sử ở Biển Đông (nguyên văn : biển Nam Trung Hoa). Chủ quyền của Trung Quốc đối với các đảo ở Biển Đông (Nanhai Zhudao) và các quyền và lợi ích hàng hải ở Biển Đông được thiết lập trong quá trình thực hành lịch sử lâu dài. Các quyền này đã được duy trì bởi các chính phủ Trung Hoa kế tiếp và phù hợp với luật pháp quốc tế, bao gồm Hiến chương Liên hợp quốc và Công ước Liên hợp quốc về Luật biển. Chính phủ Trung Hoa bày tỏ sự phản đối mạnh mẽ đối với nội dung của các công hàm số 22/HC-2020, số 24/HC-2020 và số 25/HC-2020 của Việt Nam.

Chủ quyền của Trung Hoa đối với Trường Sa và Hoàng Sa được cộng đồng quốc tế công nhận rộng rãi. Chính phủ Việt Nam cũng đã công nhận nó một cách rõ ràng. Vào ngày 4 tháng 9 năm 1958, chính phủ Trung Hoa ban hành Tuyên bố của Chính phủ Cộng hòa nhân dân Trung Hoa về lãnh hải của Trung Hoa, tuyên bố một lãnh hải rộng mười hai hải lý, và quy định rằng, Quy định này áp dụng cho tất cả các lãnh thổ của Cộng hòa nhân dân Trung Hoa bao gồm quần đảo Hoa Đông, Hoàng Sa, Trung Sa (bãi cạn Scarborough của Philippines - lời người dịch), Trường Sa và tất cả các đảo khác thuộc Trung Hoa. Vào ngày 14 tháng 9 năm 1958, Thủ tướng Phạm Văn Đồng của Việt Nam đã gửi công hàm ngoại giao tới Chu Ân Lai, Thủ tướng Hội đồng Nhà nước Trung Hoa, tuyên bố long trọng rằng chính phủ Việt Nam Dân chủ cộng hòa công nhận và ủng hộ tuyên bố của Chính phủ Cộng hòa nhân dân Trung Hoa về quyết định liên quan đến lãnh hải của Trung Quốc được đưa ra vào ngày 4 tháng 9 năm 1958 và rằng chính phủ của Cộng hòa dân chủ Việt Nam tôn trọng quyết định này. Trong những năm đầu của thập niên 1970, Việt Nam đã chính thức công nhận rằng Hoàng Sa và Trường Sa luôn là một phần của lãnh thổ Trung Hoa kể từ thời cổ đại. Sở hữu này đã được phản ánh trong các tuyên bố và ghi chú của chính phủ, cũng như các bản đồ, sách giáo khoa và báo chí chính thức của Việt Nam.

Sau năm 1975, Việt Nam đã vi phạm tuyên bố của chính mình và đưa ra yêu sách lãnh thổ bất hợp pháp đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa của Trung Hoa. Vi phạm mục đích và nguyên tắc của Hiến chương Liên Hợp Quốc, Việt Nam đã đưa quân xâm chiếm và chiếm đóng bất hợp pháp một số đảo và rạn san hô của Trung Hoa ở quần đảo Trường Sa bằng vũ lực, cố gắng kích động tranh chấp. Trung Hoa luôn phản đối sự xâm chiếm và chiếm đóng bất hợp pháp của Việt Nam tại một số đảo và rạn san hô của Trung Hoa ở quần đảo Trường Sa, và các hoạt động xâm phạm quyền và lợi ích của Trung Hoa trong phạm vi quyền tài phán của Trung Hoa. Trung Hoa kiên quyết yêu cầu Việt Nam rút toàn bộ thủy thủ đoàn và các cơ sở khỏi các đảo và rạn san hô mà họ đã xâm chiếm và chiếm đóng bất hợp pháp.

Đệ trình chung của Việt Nam và Malaysia ngày 6 tháng 5 năm 2009 và đệ trình của Việt Nam ngày 7 tháng 5 năm 2009 lên Ủy ban về giới hạn của thềm lục địa liên quan đến các giới hạn bên ngoài của thềm lục địa vượt quá 200 hải lý ở một số khu vực ở Biển Đông đã xâm phạm nghiêm trọng đến chủ quyền, quyền chủ quyền và quyền tài phán của Trung Hoa ở Biển Đông. Trung Hoa kiên quyết phản đối điều này. Quan điểm của Trung Hoa về vấn đề này đã được nêu trong Công hàm số CML/17/2009 và số CML/18/2009 gửi cho Ngài Ban Ki-moon, khi đó là Tổng thư ký Liên Hợp Quốc, bởi Phái đoàn thường trực của Cộng hòa nhân dân Trung Hoa tại Liên Hợp Quốc năm 2009.

Quan điểm của Trung Hoa liên quan đến vấn đề Biển Đông là rõ ràng và nhất quán, và đã được nhắc đến nhiều lần trong các tuyên bố của chính phủ Trung Hoa và các công hàm có liên quan gửi Liên Hợp Quốc.

Phái đoàn thường trực của Cộng hòa nhân dân Trung Hoa tại Liên Hợp Quốc đề nghị Tổng thư ký Liên Hợp Quốc lưu hành công hàm này đến tất cả các quốc gia thành vien của Công ước Liên Hợp Quốc về Luật biển và tất cả các thành viên của Liên Hợp Quốc.

Phái đoàn Thường trực của Cộng hòa nhân dân Trung Hoa tại Liên Hợp Quốc tận dụng cơ hội này để nhắc lại quan điểm của mình với Tổng thư ký Liên Hợp Quốc.

New York, ngày 17 tháng Tư năm 2020


congham4

congham5

congham6

Nguồn : Liên Hiệp Quốc 

 

congham7

Công hàm của Thủ tướng Phạm Văn Đồng gửi Chu Ân Lai, Thủ tướng Hội đồng Nhà nước Trung Hoa 14/09/1958

Công hàm của Việt Nam ngày 30/03/2020 gửi lên Liên Hiệp Quốc :

8888888888888888888888

Nguồn : Thoibao.de, 20/04/2020

Published in Diễn đàn

Tranh cãi "đấu đá nội bộ" tại Ba Đình sau khi Việt Nam gửi Công hàm phản đối Trung Quốc

Hải Yến, Thoibao.de, 11/04/2020

Việc Việt Nam hồi cuối tháng 3 gửi tới Liên Hiệp Quốc công hàm bác bỏ yêu sách của Trung Quốc về Biển Đông tạo sự phấn chấn trong công chúng Việt Nam những ngày gần đây, theo giới quan sát nhận định.

dau1

Bản chính phán quyết năm 2016 của Tòa Trọng tài Quốc tế về Biển Đông (PCA), bác bỏ đường 9 đoạn của Trung quốc, do Phillipines khởi kiện

Đồng thời, trong các diễn đàn trên mạng, dư luận và một số chuyên gia đưa ra phỏng đoán rằng động thái mới cho thấy trong nội bộ giới lãnh đạo Việt Nam, khuynh hướng kiện Trung Quốc về ranh giới trên biển đang thắng thế, còn phe phái bị xem là "thân Tàu" đang yếu thế.

Tuy nhiên, hai chuyên gia am hiểu Việt Nam và Biển Đông nói rằng họ không đồng ý về phỏng đoán kể trên.

"Trong nội bộ chính quyền Việt Nam sẽ có những người có quan điểm muốn cứng rắn hơn với Trung Quốc, nhưng cũng có những người muốn mềm mỏng hơn, ứng xử khéo léo hơn với Trung Quốc. Tôi nghĩ điều đó không nhất thiết dẫn đến việc chúng ta phải gắn nhãn họ là thân Trung Quốc hay chống Trung Quốc", tiến sĩ Lê Hồng Hiệp, thuộc viện nghiên cứu Đông Nam Á ISEAS -Yusof Ishak đặt tại Singapore, nói với VOA.

Theo nhà nghiên cứu này, liên quan đến tranh chấp trên Biển Đông, "hầu như tất cả" các chính trị gia, các nhà hoạch định chính sách của Việt Nam đều có quan điểm thận trọng và muốn bảo vệ lợi ích của Việt Nam trước sự lấn tới của Trung Quốc, nhưng các quan chức Việt Nam "chưa thống nhất" được biện pháp ứng xử với Trung Quốc.

Tiến sĩ Hiệp nói thêm : "Có người muốn khéo léo hơn với Trung Quốc để làm sao Việt Nam vừa bảo vệ được lợi ích của mình trên Biển Đông vừa không tổn hại các lợi ích chính trị và kinh tế trong quan hệ với Trung Quốc. Vì vậy, tôi nghĩ điều này gây ra cảm nhận không hoàn toàn chính xác từ bên ngoài là trong nội bộ Việt Nam có những nhóm thân Trung Quốc hay chống Trung Quốc. Điều này không hoàn toàn chính xác. Đa phần [trong chính quyền Việt Nam] đều đồng thuận là phải chống lại áp lực của Trung Quốc trên Biển Đông, nhưng điểm khác biệt [giữa họ] là làm thế nào để đạt được mục tiêu đó".

Thạc sĩ Hoàng Việt, một nhà nghiên cứu Biển Đông hiện làm việc ở thành phố Hồ Chí Minh, chia sẻ quan điểm trên, ông nói : "Cấu trúc chính trị của Việt Nam là mọi việc phải có sự đồng thuận của tập thể. Tuy cũng có những nhóm có vẻ thân Trung Quốc hơn hay có vẻ hướng về phía Mỹ hơn. Có vẻ thôi, chứ còn phân thành các nhóm rõ rệt ở Việt Nam thì chắc chắn là khó, không có đâu. Việt Nam thống nhất từ trên xuống dưới, và không phải mới bây giờ mà đường hướng ngoại giao đã có từ trước".

Mặc dù vậy, theo thạc sĩ luật Hoàng Việt, đang có chuyển động đáng chú ý trong tầng lớp có quyền ra quyết sách ở Việt Nam. Ông nói : "Qua một loạt những sự kiện, đang có những tín hiệu cho thấy ngay cả các lãnh đạo cao nhất của Việt Nam đang có sự chuyển hướng tư duy, tức là hướng từ Trung Quốc trước đây dần sang phía Mỹ và đồng minh".

Đưa ra dẫn chứng về quan điểm này, ông Việt đề cập đến sự kiện tàu hải cảnh Trung Quốc đâm chìm một tàu cá của Việt Nam hôm 2/4 ở gần quần đảo Hoàng Sa trong vòng tranh chấp và ngay ngày hôm sau, 3/4, báo Nhân Dân, cơ quan ngôn luận của Đảng Cộng sản cầm quyền ở Việt Nam, đăng toàn văn tuyên bố phản đối của người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam.

Để so sánh, nhà nghiên cứu Biển Đông Hoàng Việt nhắc lại rằng hồi hè-thu năm 2019, khi Trung Quốc đưa tàu khảo sát hải dương vào hoạt động trong hơn 3 tháng ở Bãi Tư Chính gây ra căng thẳng vô cùng lớn giữa Việt Nam với Trung Quốc, báo Nhân Dân "không đăng một dòng nào" về vấn đề đó.

Thạc sĩ Hoàng Việt cho rằng vụ đâm chìm tàu hôm 2/4 không hề "ngẫu nhiên", mà có liên quan đến việc Việt Nam gửi công hàm tới Liên Hiệp Quốc hôm 30/3, trong đó bác bỏ các "yếu tố lịch sử" để xác lập yêu sách về chủ quyền biển của Trung Quốc.

"Ngày 30/3, phía Việt Nam nộp công hàm, có thể là Trung Quốc phản ứng lại về hai điều. Một là thái độ của Việt Nam đối với Hoa Kỳ gần đây, và thứ hai là đối với công hàm ngày 30/3 thì Trung Quốc phản ứng bằng cách cho đâm chìm tàu cá", Thạc sĩ Hoàng Việt nói.

Theo thạc sĩ luật Hoàng Việt, quan điểm mới nhất của Việt Nam phù hợp với phán quyết của một tòa trọng tài quốc tế hồi năm 2016 về tranh chấp biển giữa Philippines và Trung Quốc, mặc dù trong công hàm mới đây Việt Nam không trực tiếp nhắc đến phán quyết. Ông cho rằng những lập trường rõ ràng hơn, cụ thể hơn của Việt Nam về các vấn đề tranh chấp biển giúp xác lập cơ sở vững chắc hơn để Việt Nam có thể sử dụng các công cụ pháp lý trong tương lai.

Tuy nhiên hiện nay "chưa xuất hiện tình thế căng thẳng đến mức Việt Nam phải khởi kiện Trung Quốc", vẫn theo lời ông Việt.

Khi nào Việt Nam sẽ sử dụng các công cụ pháp lý là "một câu hỏi mở" và sẽ là "quyết định chính trị", nhà nghiên cứu Lê Hồng Hiệp thuộc Viện ISEAS-Yusof Ishak đưa ra nhận định.

Có nhiều yếu tố có thể tác động đến việc Việt Nam sẽ chọn thời điểm nào để kiện, trong đó quan hệ chính trị giữa Việt Nam và Trung Quốc là "yếu tố quyết định", tiến sĩ Hiệp nói.

Như tin đã đưa, trong công hàm gửi Liên Hiệp Quốc vào cuối tháng 3, Việt Nam phản đối các yêu sách về biển nêu trong một số công hàm của Trung Quốc cũng gửi đến Liên Hiệp Quốc trước đó.

"Những yêu sách này vi phạm nghiêm trọng chủ quyền, quyền chủ quyền và quyền tài phán của Việt Nam tại biển Đông", công hàm của Việt Nam có đoạn viết.

Với các diễn biến tiếp tục phức tạp ở Biển Đông năm 2020, liệu Tòa trọng tài quốc tế về luật biển có phải là lựa chọn gần hơn của Việt Nam ?

Qua công hàm, Việt Nam khẳng định Công ước của Liên Hiệp Quốc về luật Biển 1982 (UNCLOS) là cơ sở pháp lý duy nhất, quy định toàn diện và triệt để về phạm vi quyền được hưởng vùng biển giữa Việt Nam và Trung Quốc.

Đồng thời, Việt Nam đưa ra quan điểm về các thực thể ở cả hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa rằng "vùng biển của các cấu trúc luôn nổi tại quần đảo Hoàng Sa và quần đảo Trường Sa phải được xác định phù hợp với Điều 121 (3) của Công ước ; các nhóm đảo tại Biển Đông, bao gồm quần đảo Hoàng Sa và quần đảo Trường Sa, không có đường cơ sở được vẽ bằng cách nối liền các điểm ngoài cùng của các cấu trúc xa nhất ; các bãi ngầm, hoặc cấu trúc lúc chìm lúc nổi không phải là đối tượng thụ đắc lãnh thổ và không có vùng biển riêng".

Chính phủ Việt Nam hiện nay, về mặt phát ngôn chính thức, hầu như không nói về việc sử dụng biện pháp pháp lý để giải quyết các tranh chấp liên quan với Trung Quốc.

Tuy nhiên, ở góc độ học thuật, không ít hội thảo tổ chức ở Việt Nam đã từng đề cập trước mắt Việt Nam cần nghiên cứu các thủ tục pháp lý về khởi kiện ra Tòa trọng tài quốc tế về Luật Biển, được thành lập theo Phụ lục VII của Công ước 1982.

Tiến sĩ Đinh Hoàng Thắng nêu vấn đề : "Việt Nam được gì nếu khởi kiện Trung Quốc ? Điều trước tiên là được lòng dân. Lòng dân rất bức xúc vì họ không phải là chính khách, họ không hiểu hết thế tiến thoái lưỡng nan của nhà lãnh đạo".

"Thậm chí nếu cứ để dân oán thán mãi thì lãnh đạo sẽ mất tính chính danh. Động thái này có thể phần nào làm an dân. Một hiệu ứng khác của vụ kiện là nhân dân sẽ tin tưởng hơn ở chính quyền. Dân hiểu rằng, chính quyền sẽ dám có những hành động tương thích, một khi Trung Quốc vượt quá giới hạn.

Không chỉ dân mình mà còn được lòng bè bạn, Bè bạn đây theo nghĩa rộng, nghĩa chiến lược, chứ không phải bạn như thời "hai phe bốn mâu thuẫn". Thế giới sẽ thấy đường lối của Việt Nam là rõ ràng và minh bạch, khác với những chính khách "Judas phản Chúa" trong cộng đồng ASEAN.

Khởi kiện Việt Nam sẽ có cơ hội làm sáng tỏ chính nghĩa. Có chính nghĩa thì mới cơ hội để vận động dư luận quốc tế tiếp tục ủng hộ. Đưa vụ việc ra trước một cơ quan tài phán quốc tế, đấu tranh để đạt được một giải pháp hoà bình, phù hợp với xu thế thời đại.
Dù có gặp rắc rối trong quan hệ với Trung Quốc thì vẫn tốt hơn nhiều là phải chấp nhận một cuộc xung đột vũ trang.

Khi chọn một vị thế rõ ràng hơn với Trung Quốc, Việt Nam sẽ có được sự hậu thuẫn lớn hơn của thế giới văn minh. Việt Nam có cơ hội thoát khỏi ảnh hưởng về kinh tế, chính trị của Trung Quốc, điều mà việc đeo bám đàm phán hay sự đứt gãy của chiến tranh không thể mang lại được".

"Còn Trung Quốc mất gì ? Trung Quốc chắc chắn sẽ mất nhiều hơn Việt Nam. Một trong những mất trước mắt là Trung Quốc vốn không có bạn bè trên thế giới, nay với một vụ kiện về Biển Đông thì các nước ASEAN, trừ những chính khách đã "ngậm miệng ăn tiền" của Trung Quốc, Tiến sĩ Đinh Hoàng Thắng nêu lý giải.

"Nhưng mất mát lớn nhất của Trung Quốc là sẽ để ảnh hưởng trực tiếp đến sáng kiến Vành đai Con đường(BRI). Nước nào sẽ tin Trung Quốc, sau khi Châu Phi, Italy đã sập tiệm vì tham gia BRI ? Trung Quốc phải biết rằng, khuất phục một người bằng sức mạnh đã khó, khuất phục một dân tộc bằng sức mạnh là điều không thể. Vì vậy, chính vì "đại cục" của Trung Quốc, Trung Quốc trước sau cũng phải chấp nhận đi vào giải pháp", Tiến sĩ Đinh Hoàng Thắng nói.

Phó Giáo sư Hoàng Ngọc Giao nói : "Còn về phía Trung Quốc nếu như bị kiện, thì chúng ta thấy qua tiền lệ của Philippines kiện Trung Quốc, sau khi phán quyết ra, thì Trung Quốc rất lo ngại".

Tiến sĩ Trần Công Trục cũng đồng tình là Trung quốc rất bất lợi, ông nói : "Với Trung Quốc, tất nhiên khi vụ kiện đưa ra, phán quyết bất lợi cho Trung Quốc, thì phía Trung Quốc sẽ bị lên án.

Quốc tế sẽ thấy rõ sự vô lý của Trung Quốc, đặc biệt việc bất chấp luật pháp quốc tế, điều đó về mặt chính trị, ngoại giao và pháp lý, Trung Quốc rất bất lợi.
Nhưng có một điều là có thể không thi hành được, vì bản án có đưa ra, cơ chế thi hành án lại không có mà Trung Quốc còn có thể lợi dụng vị thế họ là thành viên thường trực của Hội đồng Bảo an của Liên Hiệp Quốc nữa".

Vụ việc Việt Nam gửi Công hàm lên Liên Hiệp Quốc để phản đối Trung Quốc xâm phạm chủ quyền tại Biển Đông là hành động đặc biệt, lần đầu tiên diễn ra.

Để có quyết định dũng cảm này, đều cần sự thống nhất của các lãnh đạo cấp cao, bao gồm cả Tổng bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc và Chủ tịch quốc Hội Nguyễn Thị Kim Ngân.

Nhưng động thái này chưa đủ, khi Trung Quốc từ lâu đã tuyên bố chủ quyền của họ bao trùm gần như toàn bộ Biển Đông thông qua yêu sách đường 9 đoạn (mà Việt Nam gọi là đường lưỡi bò).

Trước sự tàn phá của Đại dịch viêm phổi Vũ Hán mà Trung quốc đang gây ra nỗi kinh hoàng cho thế giới với trên 100.000 người chết và trên 1 triệu người đang nhiễm bệnh, thì việc chung tay với Mỹ và các nước dân chủ, tự do để loại trừ sự nguy hiểm từ phương bắc là cần thiết.

Việt Nam không nên chần chừ, mà hãy khởi kiện Trung Quốc như Philippines đã từng làm và thành công.

Hải Yến (Hà Nội)

Nguồn : Thoibao.de, 11/04/2020

***********************

Không có đấu đá nội bộ thân-chống Trung Quốc, dù Việt Nam tăng hành động về Biển Đông

VOA, 09/04/2020

Việc Vit Nam hi cui tháng 3 gi ti Liên Hip Quc công hàm bác b yêu sách ca Trung Quc v Bin Đông to s phn chn trong công chúng Vit Nam nhng ngày gn đây, theo quan sát ca VOA.

dau2

Tổng bí thư, Chủ tịch nước : 'Quyết liệt nhưng không sợ hãi đến mức không dám làm gì'

Đồng thi, trong các din đàn trên mng, dư lun và mt s nhà quan sát đưa ra phng đoán rng đng thái mi cho thy trong ni b gii lãnh đo Vit Nam, khuynh hướng kin Trung Quc v ranh gii trên bin đang thng thế, còn phe phái b xem là "thân Tàu" đang yếu thế.

Tuy nhiên, hai chuyên gia am hiểu Vit Nam và Bin Đông nói trong các cuc phng vn riêng r ca VOA rng h không đng ý v phng đoán k trên.

"Trong nội b chính quyn Vit Nam s có nhng người có quan đim mun cng rn hơn vi Trung Quc, nhưng cũng có nhng người mun mm mng hơn, ng x khéo léo hơn vi Trung Quc. Tôi nghĩ điu đó không nht thiết dn đến vic chúng ta phi gn nhãn h là thân Trung Quc hay chng Trung Quc", tiến sĩ Lê Hng Hip, thuc vin nghiên cu Đông Nam Á ISEAS -Yusof Ishak đt ti Singapore, nói vi VOA.

Theo nhà nghiên cứu này, liên quan đến tranh chp trên Bin Đông, "hu như tt cả" các chính trị gia, các nhà hoch đnh chính sách ca Vit Nam đu có quan đim thn trng và mun bo v li ích ca Vit Nam trước s ln ti ca Trung Quc, nhưng các quan chc Vit Nam "chưa thng nht" được bin pháp ng x vi Trung Quc.

Tiến sĩ Hip nói thêm : "Có người mun khéo léo hơn vi Trung Quc đ làm sao Vit Nam va bo v được li ích ca mình trên Bin Đông va không tn hi các li ích chính tr và kinh tế trong quan h vi Trung Quc. Vì vy, tôi nghĩ điu này gây ra cm nhn không hoàn toàn chính xác từ bên ngoài là trong ni b Vit Nam có nhng nhóm thân Trung Quc hay chng Trung Quc. Điu này không hoàn toàn chính xác. Đa phn [trong chính quyn Vit Nam] đu đng thun là phi chng li áp lc ca Trung Quc trên Bin Đông, nhưng điểm khác bit [gia h] là làm thế nào đ đt được mc tiêu đó".

Thạc sĩ Hoàng Vit, mt nhà nghiên cu Bin Đông hin làm vic thành ph H Chí Minh, chia s quan đim trên. Ông Vit nói vi VOA : "Cu trúc chính tr ca Vit Nam là mi vic phi có sự đồng thun ca tp th. Tuy cũng có nhng nhóm có v thân Trung Quc hơn hay có v hướng v phía M hơn. Có v thôi, ch còn phân thành các nhóm rõ rt Vit Nam thì chc chn là khó, không có. Vit Nam thng nht t trên xung dưới, và không phi bây gi mà đường hướng ngoi giao đã có t trước".

Lãnh đạo Việt Nam chuyn hướng tư duy

Mặc dù vy, theo thc sĩ lut Hoàng Vit, đang có chuyn đng đáng chú ý trong tng lp có quyn ra quyết sách Vit Nam. Ông nói : "Qua mt lot nhng s kin, đang có nhng tín hiệu cho thy ngay c các lãnh đo cao nht ca Vit Nam đang có s chuyn hướng tư duy, tc là hướng t Trung Quc trước đây dn sang phía M và đng minh".

Đưa ra dn chng v quan đim này, ông Vit đ cp đến s kin tàu hi cnh Trung Quc đâm chìm một tàu cá của Vit Nam hôm 2/4 gn qun đo Hoàng Sa trong vòng tranh chp và ngay ngày hôm sau, 3/4, báo Nhân Dân, cơ quan ngôn lun ca Đng Cng sn cm quyn Vit Nam, đăng toàn văn tuyên b phn đi ca người phát ngôn B Ngoi giao Vit Nam.

Để so sánh, nhà nghiên cu Bin Đông Hoàng Vit nhc li rng hi hè-thu năm 2019, khi Trung Quc đưa tàu kho sát hi dương vào hot đng trong hơn 3 tháng Bãi Tư Chính gây ra căng thng vô cùng ln gia Vit Nam vi Trung Quc, báo Nhân Dân "không đăng một dòng nào" v vn đ đó.

Vẫn nhà nghiên cu này nói vi VOA rng v đâm chìm tàu hôm 2/4 không h "ngu nhiên", mà có liên quan đến vic Vit Nam gi công hàm ti Liên Hiệp Quốc hôm 30/3, trong đó bác b các "yếu t lch s" đ xác lp yêu sách v ch quyn bin của Trung Quc : "Ngày 30/3, phía Vit Nam np công hàm, có th là Trung Quc phn ng li v hai điu. Mt là thái đ ca Vit Nam đi vi Hoa Kỳ gn đây, và th hai là đi vi công hàm ngày 30/3 thì Trung Quc phn ng bng cách cho đâm chìm tàu cá".

dau3

Hình ảnh tun duyên Trung Quc và bn đ khu vc Bãi Tư Chính trên Bin Đông. (nh chp màn hình Thanh Niên)

Như tin đã đưa, trong công hàm gi Liên Hiệp Quốc vào cui tháng 3, Vit Nam phn đi các yêu sách v bin nêu trong mt s công hàm ca Trung Quc cũng gi đến Liên Hiệp Quốc trước đó.

"Những yêu sách này vi phm nghiêm trng ch quyn, quyn ch quyn và quyn tài phán ca Vit Nam tại Biển Đông", công hàm ca Vit Nam có đon viết.

Công hàm xác lập thêm cơ s pháp lý

Qua công hàm, Việt Nam khng đnh Công ước ca Liên Hiệp Quốc v lut Bin 1982 (UNCLOS) là cơ s pháp lý duy nht, quy đnh toàn din và trit đ v phm vi quyn được hưởng vùng biển gia Vit Nam và Trung Quc.

Đồng thi, Vit Nam đưa ra quan đim v các thc th c hai qun đo Hoàng Sa và Trường Sa rng "vùng bin ca các cu trúc luôn ni ti qun đo Hoàng Sa và qun đo Trường Sa phi được xác đnh phù hp vi Điu 121 (3) của Công ước ; các nhóm đo ti Bin Đông, bao gm qun đo Hoàng Sa và qun đo Trường Sa, không có đường cơ s được v bng cách ni lin các đim ngoài cùng ca các cu trúc xa nht ; các bãi ngm, hoc cu trúc lúc chìm lúc ni không phi là đi tượng th đc lãnh th và không có vùng bin riêng".

Theo thạc sĩ lut Hoàng Vit, cũng là chuyên gia v Bin Đông, quan đim mi nht ca Vit Nam phù hp vi phán quyết ca mt tòa trng tài quc tế hi năm 2016 v tranh chp bin gia Philippines và Trung Quốc, mc dù trong công hàm mi đây Vit Nam không trc tiếp nhc đến phán quyết.

Chuyên gia Hoàng Việt cho rng nhng lp trường rõ ràng hơn, c th hơn ca Vit Nam v các vn đ tranh chp bin giúp xác lp cơ s vng chc hơn đ Vit Nam có th s dng các công cụ pháp lý trong tương lai. Còn hin nay "chưa xut hin tình thế căng thng đến mc Vit Nam phi khi kin Trung Quc", vn theo li ông Vit.

Khi nào Việt Nam s s dng các công c pháp lý là "mt câu hi m" và là "quyết đnh chính tr", nhà nghiên cứu Lê Hng Hip thuc Vin ISEA-Yusof Ishak đưa ra nhn đnh.

Có nhiều yếu t có th tác đng đến vic Vit Nam s chn thi đim nào đ kin, trong đó quan h chính tr gia Vit Nam và Trung Quc là "yếu t quyết đnh", tiến sĩ Hip nói.

*********************

Biển Đông : Chiến lược của Việt Nam khi gửi Công hàm lên Liên Hiệp Quốc ?

Trương Nhân Tuấn, BBC, 09/04/2020

Trên BBC có bài giới thiệu ý kiến các học giả Việt Nam, liên quan đến sự kiện "Phái đoàn của Việt Nam tại Liên Hợp Quốc vừa gửi Công hàm từ hôm 30/3/2020 tới Tổng thư ký Liên Hợp Quốc, bác bỏ các yêu sách của Trung Quốc ở Biển Đông".

goi1

Bản chính Công hàm phản đối của Việt Nam đệ trình lên Liên Hợp Quốc ở New York ngày 30/3/2020 phản đối lập trường của Trung Quốc về vấn đề Biển Đông

Báo chí trong nước đồng loạt đăng tin này hôm 07/4.

Điều đầu tiên cần minh bạch. Việt Nam gởi công hàm lên Tổng thư ký Liên Hiệp Quốc nhưng gởi cho cơ quan nào ?

Nếu gởi cho Đại hội đồng Liên Hiệp Quốc, tức gởi cho toàn thể các quốc gia hội viên của Liên Hiệp Quốc, vấn đề sẽ rất trọng đại.

Nếu ta nhớ lịch sử thì việc can thiệp của Liên Hiệp Quốc vào chiến tranh Nam, Bắc Hàn 1950-1953 là đến từ một Nghị quyết của Đại hội đồng Liên Hiệp Quốc.

Nếu gởi cho Hội đồng bảo an Liên Hiệp Quốc vấn đề sẽ nghiêm trọng, vì nội dung sẽ liên quan đến nền hòa bình của toàn cầu.

Hầu hết các cuộc can thiệp quân sự của Mỹ và đồng minh vào chiến trường Afghanistan, Iraq… đều đến từ một Nghị quyết của Hội đồng bảo an Liên Hiệp Quốc.

Nếu gởi Tòa Công lý quốc tế, cơ quan pháp lý của Liên Hiệp Quốc, ta có thể hình dung một vấn đề quan trọng. Việt Nam mở đầu cuộc chiến pháp lý với Trung Quốc, bằng cơ quan pháp lý, có uy tín nhứt địa cầu.

Thực tế hoàn toàn không phải vậy ! Công hàm mà báo chí đề cập là công hàm ngày 30/3/2020 của Việt Nam gởi Ủy ban ranh giới thềm lục địa thuộc Liên Hiệp Quốc.

Sự hiện hữu của công hàm phản đối này thực chất chỉ là một trình tự "logic" về ngoại giao, bắt buộc phải có của nhà nước, nhằm thể hiện thái độ của quốc gia Việt Nam đối với các hành vi, thái độ của một, hay những, quốc gia khác, về một vấn đề có liên quan đến Việt Nam. Ở đây là các vấn đề liên quan đến yêu sách của Trung Quốc, về chủ quyền lãnh thổ và hải phận.

Ý nghĩa của công hàm này vì vậy cần nên hiểu trong vòng "hạn chế", trong "bối cảnh" ra đời của nó.

Thật vậy, xét nội dung Công hàm ngày 30/3 của Việt Nam (1) :

"Việt Nam phản đối các yêu sách của Trung Quốc tại các Công hàm trên. Các yêu sách này vi phạm nghiêm trọng chủ quyền, quyền chủ quyền và quyền tài phán của Việt Nam tại Biển Đông".

"Các công hàm trên" là hai công hàm của Trung Quốc, thứ nhất là công hàm số "CML/14/2019 ngày 12/12/2019 (2) nhằm phản hồi đệ trình ngày 12/12/2019 của Malaysia gửi Ủy ban Ranh giới thềm lục địa". Thứ hai là Công hàm số "CML/11/2020 ngày 23/3/2020 của Phái đoàn thường trực nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa tại Liên hợp quốc gửi Tổng thư ký Liên hợp quốc".

Việt Nam khẳng định qua công hàm rằng Công ước của Liên hợp quốc về Luật Biển 1982 là cơ sở pháp lý duy nhất, qui định toàn diện và triệt để về phạm vi quyền được hưởng vùng biển giữa Việt Nam và Trung Quốc.

Việt Nam phản đối các yêu sách của Trung Quốc :

1/ chủ quyền hai quần đảo Tây Sa (tức Hoàng Sa của Việt Nam) và Nam Sa (tức Trường Sa của Việt Nam).

2/ vùng biển của các cấu trúc luôn nổi tại Hoàng Sa và Trường Sa phải được xác định theo điều 121 khoản 3 của Công ước của Liên hợp quốc về Luật Biển 1982 (UNCLOS 1982).

3/ Các nhóm đảo ở Biển Đông, bao gồm Hoàng Sa và Trường Sa không có dường cơ sở vẽ bằng cách nối các điểm ngoài cùng của các cấu trúc xa nhứt.

4/ Các bãi chìm lúc chím lúc nổi không phải là đối tượng thụ đắc lãnh thổ và không có vùng biển riêng.

5/ Việt Nam phản đối các yêu sách ở Biển Đông vượt quá những giới hạn được quy định tại Công ước, trong đó có yêu sách quyền lịch sử ; các yêu sách này đều không có giá trị pháp lý.

Việc phản đối như vậy là cần thiết.

Bởi vì, trước luật pháp quốc tế, sự "im lặng" của một quốc gia trước một vấn đề (quốc tế) đòi hỏi quốc gia phải lên tiếng, được xem là "sự đồng thuận ám thị".

Nếu có theo dõi sự việc, ta biết rằng ngày 12/12/2019 Mã lai nộp "Hồ sơ Thềm lục địa mở rộng vùng phía bắc" của quốc gia này lên Ủy ban ranh giới Thềm lục địa thuộc Liên Hiệp Quốc.

Cùng ngày, Trung Quốc nộp công hàm phản biện yêu sách của Malaysia.

Trung Quốc khẳng định chủ quyền của họ tại Nam Sa (tức Trường Sa) đồng thời cho rằng yêu sách của Mã lai đã chồng lấn với vùng "biển lịch sử" của họ.

Ngày 6/3, Philippines gửi công hàm lên Ủy ban ranh giới Thềm lục địa thuộc Liên Hiệp Quốc nhằm bảo vệ lợi ích của quốc gia này. Theo đó Philippines khẳng định chủ quyền của nước này ở nhóm đảo "Kalayaan", tức Trường Sa của Việt Nam.

Trung Quốc không thể im lặng (vì im lặng là đồng thuận).

Do đó Trung Quốc lên tiếng phản biện lại yêu sách của Philippines, đồng thời khẳng định chủ quyền của họ tại Nam Sa, tức Trường Sa của Việt Nam, chủ quyền Tây Sa (Hoàng Sa của Việt Nam), Trung Sa và đá Hoàng Nham (tức Scarborough).

Trung Quốc cũng khẳng định đường cơ sở quần đảo chung quanh quần đảo Trường Sa, đường cơ sở chung quanh quần đảo Hoàng Sa và vùng "biển chung quanh".

Dĩ nhiên việc này "lôi kéo" theo Việt Nam. Việt Nam cũng không thể im lặng vì sự im lặng của Việt Nam có ý nghĩa "từ khước chủ quyền" ở Hoàng Sa và Trường Sa đồng thời nhìn nhận yêu sách về vùng biển của Trung Quốc.

Nhiều án lệ của Tòa Công lý quốc tế cho thấy, việc "xao lãng" của nhà cầm quyền trước một vấn đề buộc quốc gia phải lên tiếng, thí dụ im lặng trước tuyên bố của một quốc gia khác về chủ quyền một vùng lãnh thổ. Sự im lặng của nhà cầm quyền một quốc gia có thể làm cho quốc gia đó mất chủ quyền ở vùng lãnh thổ ấy.

Tức là sự phản biện của Việt Nam trước quốc tế (ở đây là Ủy ban ranh giới thềm lục địa thuộc Liên Hiệp Quốc) về vấn đề chủ quyền lãnh thổ và hải phận là một "trình tự logic" ngoại giao. Tức chuyện "hết sức bình thường".

Điều đáng tiếc là trong thời gian qua Việt Nam có lần đóng vai trò "cầm chịch" luân phiên Hội đồng bảo an Liên Hiệp Quốc. Việt Nam đã không lợi dụng được điều gì ở vị thế này hết cả.

Về ý kiến công hàm này "báo hiệu một tiến trình pháp lý".

Theo tôi, Việt Nam đã bỏ qua rất nhiều dịp tốt để kiện Trung Quốc trước một tòa án quốc tế. Vụ bãi Tư Chính năm ngoái là một thí dụ. Vấn đề là Việt Nam phải kiện về nội dung nào ? kiện ở đâu ? Nhiều lần tôi đã nói việc này.

Điều đáng ghi nhận trong công hàm của Việt Nam là Việt Nam mặc nhiên nhìn nhận hiệu lực "Phán quyết của tòa PCA 2016" Phillipines kiện Trung Quốc về việc "giải thích và cách áp dụng Luật biển" trong khu vực quần đảo Trường Sa.

Điều này thể hiện qua lập trường của Việt Nam về hiệu lực tất cả các đảo, bãi ngầm..., hoặc là cách vẽ đường cơ sở chung quanh hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa. Đúng như cách "giải thích và cách áp dụng Luật Biển", đặc biệt ở điều 121 về hiệu lực các đảo cũng như việc giải thích của Tòa về đường cơ sở và vùng nước quần đảo.

Tức Việt Nam đã nhìn nhận phán quyết PCA 2016 là "luật".

Điều mới mẻ, đáng nói (mà không thấy ai nói), trong công hàm của Việt Nam là đưa các đảo thuộc quần đảo Hoàng Sa vào đứng chung với Trường Sa. Việc này không liên quan gì đến các quốc gia Malaysia hay Phillipines.

Ý nghĩa của việc này là, từ nay, quan điểm của Việt Nam là các đảo lớn nhỏ, chìm nổi... thuộc Hoàng Sa không có cái nào có hiệu lực biển, đồng thời Hoàng Sa cũng không có đường cơ sở và vùng biển nội hải, theo cách tính của "quốc gia quần đảo".

Theo tôi, "ý đồ" của Việt Nam qua công hàm này là "hâm nóng" vấn đề tranh chấp Hoàng Sa, như tôi nhiều lần nhấn mạnh, về sự cần thiết cũng như các phương cách "hâm nóng".

Để ý đoạn công hàm 30-3-2020 của Việt Nam :

"Phái đoàn thường trực đề nghị Tổng thư ký Liên hợp quốc lưu hành Công hàm này đến tất cả các quốc gia thành viên Công ước, cũng như tất cả các thành viên của Liên hợp quốc".

Rõ ràng ý đồ của Việt Nam, thông qua hồ sơ Thềm lục địa mở rộng của Malaysia, muốn "quốc tế hóa" vấn đề Hoàng Sa.

Theo tôi, qua công hàm này Việt Nam sẽ không kiện Trung Quốc, vì những tranh chấp với Trung Quốc ở bãi Tư chính hay khu vực Trường Sa, với phương cách mà Phillipines đã làm.

Nhiều lần tôi có ý kiến, kiện Trung Quốc bằng con đường này không phải là "thượng sách". Bởi vì ta biết chắc chắn là Trung Quốc sẽ không nhìn nhận thẩm quyền của Tòa, cũng như không nhìn nhận bản án và không chấp hành phán quyết. Như đã xảy ra ở phán quyết PCA tháng 7/2016. Trong khi Việt Nam có những phương cách khác, không thông qua quá trình pháp lý, để triệt tiêu các yêu sách phi lý của Trung Quốc (ở khu vực Trường Sa).

Dự đoán của tôi, có lẽ Việt Nam đang sử dụng phương thức mà tôi đã từng đề nghị, (bài đã đăng ở BBC). Đó là cách sử dụng Luật Biển, thể hiện trong nội dung Phán quyết PCA tháng 7/2016, xuyên qua quyết định của Ủy ban ranh giới Thềm lục địa. Việt Nam, Malaysia và Philippines nhờ cơ quan này nhìn nhận hồ sơ hợp pháp về ranh giới thềm lục địa mở rộng của quốc gia mình.

Điều này có thể đang xảy ra. Việt Nam có thể đang hợp cùng với Philippines và Malaysia, qua các Hồ sơ Thềm lục địa mở rộng của quốc gia mình, từ tháng 12/2019.

Điều này thành công thì các yêu sách phi lý của Trung Quốc, như "vùng nước tiếp cận các đảo", "vùng biển lịch sử" thể hiện qua bản đồ chữ U9 đoạn, vùng phia nam Biển Đông, sẽ bị vô hiệu hóa bởi quyết định của Liên Hiệp Quốc.

Riêng vùng hải phận phía bắc Biển Đông, thuộc khu vực Hoàng Sa. Có lẽ Việt Nam sẽ phải sử dụng mô hình của Philippines để kiện Trung Quốc. Ý kiến này tôi cũng đã từng đề nghị qua các bài viết trước đây, trong đó có các bài đăng trên BBC.

Trương Nhân Tuấn

Nguồn : BBC, 09/04/2020

(1) Công hàm ngày 30/3 của Việt Nam 

(2) Công hàm ngày 12/12/2019 của Trung Quốc (CML/14/2019)

*********************

Việt Nam gửi công hàm lên Liên Hiệp Quốc : mạnh mẽ, đúng thời điểm ?

Phái đoàn của Việt Nam tại Liên Hợp Quốc (Liên Hiệp Quốc) vừa gửi Công hàm tới Tổng thư ký Liên Hợp Quốc, bác bỏ các yêu sách của Trung Quốc ở Biển Đông, theo truyền thông chính thống của nhà nước Việt Nam hôm 7/4/2020.

goi2

Một tàu đánh cá của ngư dân Quảng Ngãi vừa bị 3 tàu hải cảnh của Trung Quốc uy hiếp rồi đâm chìm hôm 2/4 - Ả nh Ngư dân cung cấp

Hôm 7/4, nhiều báo của Việt Nam đã đưa tin về động thái mới của Việt Nam, trong đó trang mạng của kênh truyền hình VTC của Việt Nam cho hay :

"Việt Nam phản đối các yêu sách của Trung Quốc tại các Công hàm trên. Các yêu sách này vi phạm nghiêm trọng chủ quyền, quyền chủ quyền và quyền tài phán của Việt Nam tại Biển Đông".

Hôm 30/3, Phái đoàn thường trực của Việt Nam tại Liên Hợp Quốc đã gửi công hàm bày tỏ lập trường trước Công hàm ngày 12/12/2019 phản hồi đệ trình ngày 12/12/2019 của Malaysia và Công hàm ngày 23/3/2020 gửi Tổng thư ký Liên hợp quốc cũng của Phái đoàn thường trực nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa.

"Phái đoàn của Việt Nam tại Liên Hiệp Quốc một lần nữa khẳng định lập trường nhất quán của Việt Nam về các vấn đề nêu trên đã được khẳng định trong nhiều văn bản lưu hành tại Liên hợp quốc và các đệ trình, tuyên bố gửi các cơ quan quốc tế liên quan.

"Phái đoàn đồng thời đề nghị Tổng thư ký Liên hợp quốc lưu hành Công hàm này đến tất cả các quốc gia thành viên Công ước, cũng như tất cả các thành viên của Liên hợp quốc", VTC viết.

Nhân dịp này, các nhà nghiên cứu pháp luật, chính trị và bang giao quốc tế đã trả lời phỏng vấn của BBC News tiếng Việt và nêu quan điểm của mình.

BBC : Quý vị có thể bình luận gì về động thái gửi Công hàm lên Liên Hợp Quốc này của Việt Nam ?

Trần Công Trục (Tiến sĩ, nguyên Trưởng ban Biên giới Chính phủ Việt Nam) : Với tư cách một người nghiên cứu về luật pháp và đặc biệt những vấn đề xảy ra trên Biển Đông, thì tôi đánh giá rất cao Công hàm của phía Việt Nam đã gửi cho Liên Hợp Quốc, phản đối Trung Quốc có những công hàm có những nội dung phi lý vi phạm đến các quyền và lợi ích hợp pháp của Việt Nam trên Biển Đông, đấy là một nội dung hết sức rõ ràng, thể hiện lập trường rất rõ, rất chi tiết, rất chuẩn xác của phía Việt Nam.

Đinh Hoàng Thắng (Tiến sĩ, nguyên Đại sứ Việt Nam tại Hà Lan) : Động thái này không gây ngạc nhiên đối với giới nghiên cứu và chuyên gia.

Trong hội thảo ngày 6/10/2019 chúng tôi đã có kiến nghị theo hướng này. Chỉ một ngày sau, Tổng bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng có ngay một tuyên bố đề nghị trung ương phân tích về tình hình Biển Đông, với quan điểm kiên quyết nhưng khôn khéo và dứt khoát không nhân nhượng.

Trung Quốc không sợ lắm súng to tàu lớn của Việt Nam, vì chắc Trung Quốc có đủ lực để đối phó.

Nhưng Trung Quốc không bao giờ có chính nghĩa, có được tính chính danh đối với các hành động khủng bố ngư dân Việt Nam và ngư dân các nước ASEAN.

Bởi vì dùng tàu hải cảnh hay là các tàu chiến trá hình để đâm chìm các ngư dân tay không, hành nghề trên ngư trường truyền thống của mình, thì những hành động mạn rợ ấy có thể gọi là gì, nếu như không phải là tội ác man rợ, xa lạ với nhân loại văn minh.

Tố cáo những hành động ấy lên Liên Hiệp Quốc, dựa vào UNCLOS 1982, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam trong một lần hiếm hoi như vừa rồi, dám đích danh quy trách nhiệm cho Trung Quốc, chứ không còn là "nước lạ" nữa.

Với động thái vừa rồi của chính quyền Việt Nam, thì tuy chưa phản ánh hết lòng dân, nhưng hy vọng nó sẽ không còn cái cảnh chính quyền phải xua lực lượng đi đàn áp các cuộc biểu tình hoà bình, tố cáo các tội ác của Trung Quốc trong các cuộc chiến tranh trước đây cũng như các hành động trên Biển Đông.

Hà Hoàng Hợp (Tiến sĩ, Nhà nghiên cứu cao cấp Viện Iseas, Singapore) : Công hàm phản đối Việt Nam gửi Liên Hiệp Quốc mang tính chất pháp lý đa phương cao. Trước đây, các phản đối và lên án thường dừng ở mức song phương, thông qua các mối quan hệ song phương, ví dụ qua phát ngôn ngoại giao.

Lần này, công hàm cho thấy chính phủ Việt Nam đánh giá tình hình Biển Đông toàn diện, công hàm phản đối gửi tổng thư ký Liên Hiệp Quốc thể hiện quyết tâm mạnh mẽ của chính phủ Việt Nam trong việc xử lý vấn đề Biển Đông trước hết với Trung Quốc.

Đây có thể là dấu hiệu Việt Nam chuẩn bị cụ thể biện pháp pháp lý để xử lý vấn đề Biển Đông.

Hoàng Ngọc Giao (Phó Giáo sư, Viện trưởng Viện Chính sách, Pháp luật và Phát triển) : Theo tôi, việc Việt Nam chính thức gửi Công hàm tới Liên Hiệp Quốc về hành động vi phạm chủ quyền của Việt Nam ở Biển Đông lần này thể hiện rõ lập trường vững chắc và không khoan nhượng của Việt Nam đối với những hành vi xâm phạm chủ quyền của Việt Nam ở vùng đảo Hoàng Sa.

Có thể nói đây là một bước đi tiếp nối vững chắc và đúng thời điểm.

Bất thường và tính toán ?

BBC : Động thái này có gì bất thường không và ban lãnh đạo Việt Nam cân nhắc, tính toán gì khi có quyết định như vậy ?

Trần Công Trục : Nếu gọi là bất thường theo tôi nghĩ không phải là bất thường, bởi vì điều này Việt Nam cũng đã từng làm, chỉ có điều là công khai hay không công khai thôi.

Và đây là một hình thức đấu tranh theo tôi nghĩ về phía ngoại giao là có thể được gọi là nâng lên một bước mới, không những chỉ là Công hàm trao đổi song phương, mà đưa lên các tổ chức quốc tế, trong đó Liên Hợp Quốc là tổ chức quốc tế cao nhất của thế giới. Thì đấy là một hình thức đấu tranh rất mạnh mẽ.

Đinh Hoàng Thắng : Thời điểm chính quyền có động thái nói trên rõ ràng xuất phát từ những cân nhắc nhất định. Tôi không còn làm việc cho Bộ Ngoại giao nên không thể nói chính xác, thậm chí nếu còn làm việc thì chưa chắc đã được phát ngôn.

Nhưng với tư cách là người nghiên cứu, tôi thấy quyết định ấy là một quyết định đúng thời điểm.

Thứ nhất, Việt Nam đang chuẩn bị Đại hội Đảng, Trung Quốc muốn đánh tiếng, muốn gây sức ép, nhất là quá trình cơ cấu nhân sự mới. Thì đây, Việt Nam trả lời ngay như vậy để nói cho Trung Quốc biết, ai có vào khung cơ cấu này cũng không thể quỳ gối trước Trung Quốc.

Quỳ gối trước Trung Quốc là mất phiếu, và điều quan trọng hơn, đầu hàng Trung Quốc thì bia miệng từ người dân hàng ngàn năm vẫn còn đó.

Thứ hai, giữa mùa Virus Vũ Hán này thế giới hiểu về Trung Quốc hơn, có dịp xác nhận những hành động chống lại thường dân mà ngay trong chiến tranh luật pháp quốc tế cũng cấm các bên tham chiến.

Sau những ầm ĩ giữa Trung Quốc với nhiều nước về quốc tịch của con viruscorona, nhất là sau các vụ đầu cơ khẩu trang và các thiết bị y tế của Trung Quốc, thì Việt Nam và thế giới có dịp hiểu thêm về bản chất lật lọng, đổi trắng thay đen của nhà cầm quyền Trung Quốc.

Thứ ba, Trung Quốc cho rằng, hiện nay là lúc Mỹ, Việt Nam và thế giới đang tập trung chống dịch nên họ tha hố "múa gậy vườn hoang".

Nếu Việt Nam không hành động về mặt pháp lý lúc này thì còn nuôi dưỡng những hành động thảo khấu trên Biển Đông đến khi nào nữa ?

Thứ tư, đây có thể là một "bước đệm" trên con đường dùng luật pháp quốc tế để nói chuyện phải quấy với Trung Quốc.

Với Trung Quốc bao giờ cũng "mềm nắn, rắn buông". Cố Chủ tịch Việt Nam Hồ Chí Minh từng đúc kết : ta càng nhân nhượng thì kẻ thù càng lấn tới !

Hà Hoàng Hợp : Động thái này là phản ứng tích cực và kiên quyết của chính phủ Việt Nam đối với quá trình Trung Quốc vừa qua đẩy mạnh các hoạt động nhằm thực thi tuyên bố chủ quyền phi pháp của họ về đường Lưỡi Bò.

Tuần trước, Bộ ngoại giao Việt Nam đã tuyên bố mạnh mẽ rằng Việt Nam không chấp nhận bất cứ hành động nào của phía Trung Quốc trên cơ sở đường Lưỡi Bò, tái khẳng định quyền chủ quyền và các quyền khác của Việt Nam ở Biển Đông.

Việc gửi công hàm ghi ngày 30/3 là hành động tiếp theo, nhằm mong muốn thúc đẩy việc đảm bảo hòa bình, ổn định và xử lý rối ráo vấn đề Biển Đông, sau một tháng - tháng 3/2020, khi mà Trung Quốc đã có nhiều hành động vi phạm Công ước luật Biển Liên Hiệp Quốc năm 1982 và các nền luật khác,, trong đó, Trung Quốc đã tiếp tục đảy mạnh quân sự hóa ở Biển Đông, đe dọa sử dụng vũ lực.

Hoàng Ngọc Giao : Theo tôi, động thái này không có gì là bất thường, mặc dù động thái mà tỏ thái độ rõ ràng và kiên quyết như vậy diễn ra có thể nói là không được nhanh lắm, tức là đáng nhẽ động tác này và lập trường này cần phải bày tỏ rõ ràng hơn từ lâu cách đây một hai năm trước.

Tuy nhiên đến bây giờ, thì bước đi tiếp theo có lẽ là nó phù hợp với đường lối đối ngoại của Việt Nam trong quan hệ với Trung Quốc, tức là cố gắng làm sao đó để tránh xung đột, đối đầu với Trung Quốc, kể cả trên mặt trận ngoại giao và từng bước vẫn đảm bảo được chủ quyền của mình.

Do đó cho nên ở thời điểm này khi Trung Quốc càng lấn tới như vậy, thì được hiểu là phía Việt Nam đã không thể tiếp tục im lặng được nữa và đây có thể nói là một bước đi đánh dấu một giai đoạn mới trong quan hệ giữa Việt Nam với Trung Quốc liên quan vấn đề chủ quyền biển đảo của Việt Nam và thái độ của Việt Nam với hành vi vi phạm chủ quyền và quyền chủ quyền của Việt Nam ở Biển Đông.

Phản ứng sẽ ra sao ?

BBC : Phản ứng của Liên Hiệp Quốc, Trung Quốc và các bên quan tâm hoặc có liên quan sẽ có thể thế nào ?

Trần Công Trục : Tôi cho rằng với quan điểm, lập trường Việt Nam rất rõ ràng và chuẩn xác đó, thì sẽ nhận được tiếng nói ủng hộ của các tổ chức quốc tế, trong đó có cả Liên Hiệp Quốc và đặc biệt các nước lớn có uy tín quốc tế như là Hoa Kỳ, các nước phương Tây.

Tôi cho rằng người ta sẽ rất ủng hộ và hoan nghênh lập trường đó và tôi nghĩ lập trường đó không có gì quá đáng và nó hoàn toàn xuất phát từ các nguyên tắc luật pháp và đặc biệt Công ước Luật biển 1982.

Còn Trung Quốc, đương nhiên thì họ luôn luôn phản đối lại tất cả những lập trường của các nước.

Chúng ta không nên thấy lạ lùng với những chuyện đó và cần luôn luôn sẵn sàng đáp trả lại trên tất cả các mặt trận như là về mặt pháp lý, về mặt tuyên truyền, về mặt đấu tranh ngoại giao, chính trị, cũng như cả trên vấn đề thực địa.

Đinh Hoàng Thắng : Phản ứng của Hoa Kỳ thì như mọi người đã biết. Ở đây phải nói thêm là Hoa Kỳ ngày càng có thái độ quyết đoán với hành động bắt nạt các nước nhỏ của Trung Quốc, ngôn ngữ của tuyên bố khá mạnh mẽ : Ủng hộ chủ quyền của Việt Nam (đây không phải là lần đầu), bác bỏ đường lưỡi bò của Trung Quốc (cái này thì lặp lại phán quyết của CPA).

Hoa Kỳ cũng đánh giá hành động đơn lẻ này của Trung Quốc xuyên suốt trong cả một chính sách, trong một ý đồ nhất quán xưa nay, một chiến lược ăn "cướp trên giàn mướp" của Trung Quốc ở Biển Đông.

Tuy nhiên, không nên cho rằng, Hoa Kỳ bênh Việt Nam.

Vấn đề ở đây là Hoa Kỳ, dưới triều Trump, mặc dầu đang phải đau đầu với nhiều vấn đề đối nội/đối ngoại, nhưng Hoa Kỳ thấy được tính chất nghiêm trọng của Vành đai, Con đường, của ý đồ muốn làm bá chủ không chỉ trên Biển Đông.

Không phải ngẫu nhiên, các nhà nghiên cứu đã cảnh báo là Hoa Kỳ đang đối mặt với "khủng hoảng kênh Suez" trên Biển Đông và trong vấn đề Covid-19.

Nếu Hoa Kỳ không vượt qua được cái cửa ải này thì rõ ràng Hoa Kỳ sẽ phải thoái lui, ngay cả khẩu hiệu "Nước Mỹ trước hết" cũng sẽ "cuốn theo chiều gió" nếu Hoa Kỳ thua Trung Quốc trong chiến lược dùng FOIP của Bộ tứ để đối trọng với BRI.

Nhật Bản, Ấn Độ, Australia và Châu Âu từng có tiếng nói thống nhất về vấn đề Biển Đông. Lần này chắc cũng không thể khác.

Đây là cơ hội "kim cương" (chứ không chỉ là vàng) đối với Việt Nam. FOIP là cơ hội có một không hai trong lịch sử của Việt Nam và khu vực, khi cùng một lúc ASEAN phải xử lý mối quan hệ giữa các nước lớn trong khu vực. Ngoại trừ những "Judas phản Chúa" trong ASEAN, các nhà lãnh đạo còn lại trong ASEAN cũng sẽ phải "đường xa nghĩ nỗi sau này".

Trung Quốc bóp được Việt Nam thì Trung Quốc cũng sẽ không tha bất cứ nước nào khác trong khối.

Hà Hoàng Hợp : Liên Hiệp Quốc đang xem xét công hàm này, có thể sẽ có một cuộc họp để nêu vấn đề Biển Đông liên quan đến nội dung được nêu trong công hàm, trong đó có vấn đề hành xử của phía Trung Quốc, các vấn đề pháp lý chủ quyền, và các khuyến nghị.

Nếu có 1 nước là ủy viên thường trực Hội đồng Bảo an đề nghị mở một cuộc họp Hội đồng Bảo an, thì Liên Hiệp Quốc sẽ thu xếp.

Từ phía Trung Quốc, phản ứng bằng hành động ở Biển Đông" tàu hải cảnh Trung Quốc đâm chìm 2 tàu cá của ngư dân Việt Nam và bắt giữ ngư dân Việt Nam. Sau đó phía Trung Quốc có thái độ chối cái, đổ lỗi cho ngư dân Việt Nam "đâm tàu cá vào tàu hải cảnh".

Việc ngư dân Việt Nam bị tàu hải cảnh Trung Quốc đâm chìm trong vùng biển Việt Nam, cho thấy phía Trung Quốc đã hành xử vô pháp. Người Việt Nam đang chờ Trung Quốc có thái độ chân thành hơn.

Hoàng Ngọc Giao : Vào thời điểm này, Việt Nam ra Công hàm này là theo tôi rất đúng thời điểm.

Công luận quốc tế cho tới thời điểm này rất quan tâm đến tình hình Biển Đông và cũng đã thấy rõ những hành vi vi phạm, chà đạp lên luật pháp quốc tế, luật biển quốc tế của Trung Quốc. Do đó cho nên hiệu ứng tôi cho là sẽ là tốt, ngay tại Liên Hiệp Quốc, hơn nữa bây giờ Việt Nam bây giờ lại chủ trì cương vị Chủ tịch Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc hiện nay.

Thứ hai là trong quan hệ đối với Trung Quốc, mặc dù, bất chấp đại dịch Covid-19, Trung Quốc vẫn tiếp tục có những hành vi có thể nói là lợi dụng tình hình khó khăn của đại dịch toàn cầu và Trung Quốc đang làm những hành động mang tính chất, có thể nói là lén lút và lợi dụng tình huống bất ổn về bệnh dịch để tranh thủ có những hành động mạnh mẽ hơn xuống Biển Đông.

Song song với hành động đó, Trung Quốc còn thể hiện sức mạnh của mình để mà đe dọa đến chủ quyền của Đài Loan.

Còn đối với Mỹ, tôi tin rằng đây là một động thái chắc chắn là sẽ nhận được sự ủng hộ của Mỹ, bởi vì chính Hoa Kỳ cũng đã có một tuyên bố rất rõ ràng cảnh báo Trung Quốc đừng có lợi dụng đại dịch Covid-19 để thực hiện những hành vi xâm lấn, vi phạm chủ quyền và quyền chủ quyền ở Biển Đông, thì đấy chính là thái độ của Mỹ mà tôi tin rằng cũng phù hợp với quan điểm của Việt Nam.

Quốc Phương thực hiện

Nguồn : BBC, 08/04/2020

*********************

Đỡ sợ Bắc Kinh : Việt Nam lần đầu phản đối Trung Quốc lên Liên Hiệp Quốc

Hoàng Trung, Thoibao.de, 09/04/2020

Việt Nam vừa gửi công hàm lên Liên Hiệp Quốc để phản đối các yêu sách chủ quyền của Trung Quốc ở Biển Đông. Theo nhận định của giới quan sát thì động thái này có thể là báo hiệu bước đầu cho một tiến trình pháp lý trong tương lai gần nếu như Hà Nội và Bắc Kinh không giải quyết được các tranh chấp trên bàn đàm phán đa phương.

goi3

Tuyên bố của Bộ Ngoại Giao Philippines về Vụ Chìm Tàu Cá Việt Nam ở Biển Đông - Bản chụp trang web chính thức của Bộ ngoại giao Phillipines

Công hàm do phái đoàn thường trực của Việt Nam tại Liên Hiệp Quốc gửi cho Tổng thư ký Liên Hiệp Quốc Antonio Guterres nói rằng các yêu sách chủ quyền của Trung Quốc "vi phạm nghiêm trọng chủ quyền, quyền chủ quyền và quyền tài phán của Việt Nam tại Biển Đông".

Khẳng định Công ước của Liên Hiệp Quốc về luật Biển 1982 là cơ sở pháp lý duy nhất, quy định toàn diện và triệt để về phạm vi quyền được hưởng vùng biển giữa Việt Nam và Trung Quốc, công hàm của Việt Nam nói "vùng biển của các cấu trúc luôn nổi tại quần đảo Hoàng Sa và quần đảo Trường Sa phải được xác định phù hợp với Điều 121 (3) của Công ước ; các nhóm đảo tại Biển Đông, bao gồm quần đảo Hoàng Sa và quần đảo Trường Sa, không có đường cơ sở được vẽ bằng cách nối liền các điểm ngoài cùng của các cấu trúc xa nhất ; các bãi ngầm, hoặc cấu trúc lúc chìm lúc nổi không phải là đối tượng thụ đắc lãnh thổ và không có vùng biển riêng".

Hôm 7/4, nhiều báo của Việt Nam đã đưa tin về động thái mới của Việt Nam, trong đó trang mạng của kênh truyền hình VTC của Việt Nam cho hay : "Việt Nam phản đối các yêu sách của Trung Quốc tại các Công hàm trên. Các yêu sách này vi phạm nghiêm trọng chủ quyền, quyền chủ quyền và quyền tài phán của Việt Nam tại Biển Đông". "Phái đoàn của Việt Nam tại Liên Hiệp Quốc một lần nữa khẳng định lập trường nhất quán của Việt Nam về các vấn đề nêu trên đã được khẳng định trong nhiều văn bản lưu hành tại Liên hợp quốc và các đệ trình, tuyên bố gửi các cơ quan quốc tế liên quan. Phái đoàn đồng thời đề nghị Tổng thư ký Liên hợp quốc lưu hành Công hàm này đến tất cả các quốc gia thành viên Công ước, cũng như tất cả các thành viên của Liên hợp quốc", VTC viết.

Công hàm của Việt Nam được gửi đi sau khi hai quốc gia trong khu vực là Philippines và Malaysia đã có cùng động thái tương tự.

Ngày 8/4/2020, Bộ Ngoại Giao Philippines ra tuyên bố về Vụ Chìm Tàu Cá Việt Nam ở Biển Đông như sau : "Bộ Ngoại giao bày tỏ mối quan ngại sâu sắc về báo cáo vụ việc tàu Việt Nam bị đâm chìm ở Biển Đông vào ngày 03/4/2020. Kinh nghiệm tương tự của chúng tôi đã cho thấy niềm tin vào tình bạn đã bị mất như thế nào qua vụ việc như vậy ; và niềm tin đã được tạo ra nhiều thế nào bởi hành động nhân văn của Việt Nam trực tiếp cứu mạng sống của ngư dân Philippines của chúng tôi. Chúng tôi đã không ngừng và sẽ không ngừng cảm ơn Việt Nam. Vì thế, chúng tôi đưa ra tuyên bố này để thể hiện tình đoàn kết".

Theo Tiến sĩ Hà Hoàng Hợp, nhà nghiên cứu an ninh và chính trị của Viện Nghiên cứu Đông Nam Á ISEAS- có trụ sở ở Singapore, việc gửi công hàm chính thức lên Liên Hiệp Quốc có thể xem là một bước "rất quan trọng" và "cần thiết" mà Hà Nội thực hiện sau hàng chục năm quốc gia láng giềng tiến hành hàng loạt các hoạt động làm thay đổi hiện trạng ở Biển Đông.

"Trước giờ Việt Nam gần như chưa bao giờ nói gì với Liên Hiệp Quốc về chuyện này, vì hiển nhiên Liên Hiệp Quốc đã giao cho Việt Nam quản lý phần Biển Đông này từ năm 1951, sau khi Nhật Bản và một số nước phải làm thủ tục từ bỏ tuyên bố chủ quyền ở Biển Đông", Tiến sĩ Hà Hoàng Hợp nhận định.

Theo nhà nghiên cứu này, có thể coi việc gửi công hàm lên Liên Hiệp Quốc là bước đầu cho một vụ kiện của Việt Nam ra quốc tế để chống lại yêu sách chủ quyền của Trung Quốc trên Biển Đông.

Tiến sĩ Hà Hoàng Hợp giải thích thêm : "Có thể hiểu được như vậy là bởi vì vào năm 2019, Đảng Cộng sản Việt Nam trong một hội nghị Trung ương đã bàn và quyết định rằng trong trường hợp không thể xử lý được bằng biện pháp đàm phán với Trung Quốc thì sẽ phải tiến hành khởi kiện Trung Quốc".

Công hàm của Việt Nam chỉ mới được công bố vào ngày 7/4 mặc dù đã được gửi đi từ ngày 30/3, tức là trước khi xảy ra sự kiện mới nhất là tàu hải cảnh Trung Quốc đâm chìm một tàu cá Việt Nam vào ngày 2/4, khiến Hà Nội ngay lập tức lên tiếng và gửi công hàm phản đối tới Bắc Kinh, trong khi phía Trung Quốc nói rằng tàu cá Việt Nam đánh bắt bất hợp pháp và vụ chìm tàu chỉ là tai nạn không thể tránh khỏi.

Vụ xung đột mới nhất cũng khiến cho Mỹ phải lên tiếng bênh vực Việt Nam và chỉ trích hành động gây căng thẳng của Trung Quốc đối với an ninh trong khu vực, đặc biệt trong bối cảnh cả thế giới đang lao đao vì dịch bệnh Covid-19, vốn xuất phát từ Trung Quốc.

Theo nhận định của Tiến sĩ Hà Hoàng Hợp, việc Hà Nội công bố công hàm bằng phiên bản tiếng Việt sau khi xảy ra vụ đâm chìm tàu có thể là do "áp lực từ công chúng".

"Đây là một vụ việc rất nghiêm trọng. Nó xảy ra sau ngày 30/3, là ngày mà cơ quan đại diện thường trực của Việt Nam ở Liên Hiệp Quốc gửi thư phản đối cho Tổng thư ký Liên Hiệp Quốc. Có lẽ vì lý do đó mà họ xem xét công bố thư này để cho người Việt Nam biết rằng họ đã có hành động như vậy", Tiến sĩ Hà Hoàng Hợp nói.

Dựa trên nội dung công hàm, Tiến sĩ Hà Hoàng Hợp cho rằng có thể hướng đi pháp lý sắp tới của Hà Nội sẽ là đệ trình vụ kiện lên một cơ quan tài phán hoặc một tòa án của Liên Hiệp Quốc để chống lại yêu sách chủ quyền của Trung Quốc trên Biển Đông, tương tự như Philippines đã thực hiện và giành phần thắng vào năm 2016.

Tuy nhiên, trước khi dẫn đến bước đi cuối cùng này, có thể Hà Nội sẽ thực hiện một số bước trước đó. Tiến sĩ Hà Hoàng Hợp nói :

"Tiếp theo đây thì Việt Nam sẽ gặp phía Trung Quốc để bàn xem có thể xử lý trên bàn đàm phán được không. Không phải song phương mà là đa phương.

Thứ hai là Việt Nam phải tổ chức cho ASEAN đàm phán với Trung Quốc về COC (Bộ quy tắc Ứng xử ở Biển Đông). Vì năm nay Việt Nam là chủ tịch luân phiên của ASEAN nên việc đó phải tiếp tục cho đến tháng 11".

Nếu cuộc họp của ASEAN về COC không thể thực hiện được vào tháng 7 vì lý do dịch Covid-19, thì theo Tiến sĩ Hà Hoàng Hợp, có thể khối các quốc gia Đông Nam Á sẽ tiến hành họp trực tuyến hoặc hoãn lại. Tuy nhiên cho đến nay, vẫn chưa có quyết định về việc này.

Vẫn theo nhà nghiên cứu này, phán quyết của Tòa trọng tài thường trực vào năm 2016 đối với vụ kiện của Philippines đã bác bỏ đường Lưỡi bò (đường 9 đoạn) mà Trung Quốc tuyên bố thuộc chủ quyền của mình trên Biển Đông, và phán quyết này không chỉ dành cho Manila mà "đó là một phán quyết phổ quát". "Nhưng Việt Nam hồi đó lấp lửng", Tiến sĩ Hà Hoàng Hợp nói.
Theo ông, đây chính là lúc mà Việt Nam "cần nói rõ" và có bước đi quyết định trong bối cảnh Trung Quốc đã làm thay đổi hiện trạng quá nhiều ở Biển Đông theo hướng quân sự hóa để chuẩn bị cho chiến tranh.

Tiến sĩ Đinh Hoàng Thắng (nguyên Đại sứ Việt Nam tại Hà Lan) nói : "Tố cáo những hành động ấy lên Liên Hiệp Quốc, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam trong một lần hiếm hoi như vừa rồi, dám đích danh quy trách nhiệm cho Trung Quốc, chứ không còn là "nước lạ" nữa. Tuy chưa phản ánh hết lòng dân, nhưng hy vọng nó sẽ không còn cái cảnh chính quyền phải xua lực lượng đi đàn áp các cuộc biểu tình hoà bình, tố cáo các tội ác của Trung Quốc trong các cuộc chiến tranh trước đây cũng như các hành động trên Biển Đông".

Phó Giáo sư Hoàng Ngọc Giao (Viện trưởng Viện Chính sách, Pháp luật và Phát triển cho rằng đây là một bước đi tiếp nối vững chắc và đúng thời điểm của chính phủ Việt Nam.

Cũng cho rằng đây là quyết đinh đúng thời điểm, Tiến sĩ Đinh Hoàng Thắng nói thêm :

"Thứ nhất, Việt Nam đang chuẩn bị Đại hội Đảng, Trung Quốc muốn đánh tiếng, muốn gây sức ép, nhất là quá trình cơ cấu nhân sự mới. Thì đây, Việt Nam trả lời ngay như vậy để nói cho Trung Quốc biết, ai có vào khung cơ cấu này cũng không thể quỳ gối trước Trung Quốc.

Quỳ gối trước Trung Quốc là mất phiếu, và điều quan trọng hơn, đầu hàng Trung Quốc thì bia miệng từ người dân hàng ngàn năm vẫn còn đó.

Thứ hai, giữa mùa Virus Vũ Hán này thế giới hiểu về Trung Quốc hơn, có dịp xác nhận những hành động chống lại thường dân mà ngay trong chiến tranh luật pháp quốc tế cũng cấm các bên tham chiến.

Sau những ầm ĩ giữa Trung Quốc với nhiều nước về quốc tịch của con viruscorona, nhất là sau các vụ đầu cơ khẩu trang và các thiết bị y tế của Trung Quốc, thì Việt Nam và thế giới có dịp hiểu thêm về bản chất lật lọng, đổi trắng thay đen của nhà cầm quyền Trung Quốc.

Thứ ba, Trung Quốc cho rằng, hiện nay là lúc Mỹ, Việt Nam và thế giới đang tập trung chống dịch nên họ tha hồ "múa gậy vườn hoang". Nếu Việt Nam không hành động về mặt pháp lý lúc này thì còn nuôi dưỡng những hành động thảo khấu trên Biển Đông đến khi nào nữa ?

Thứ tư, đây có thể là một "bước đệm" trên con đường dùng luật pháp quốc tế để nói chuyện phải trái với Trung Quốc.

Phản ứng của Hoa Kỳ thì như mọi người đã biết. Ở đây phải nói thêm là Hoa Kỳ ngày càng có thái độ quyết đoán với hành động bắt nạt các nước nhỏ của Trung Quốc, ngôn ngữ của tuyên bố khá mạnh mẽ : Ủng hộ chủ quyền của Việt Nam (đây không phải là lần đầu), bác bỏ đường lưỡi bò của Trung Quốc (cái này thì lặp lại phán quyết của CPA). Tuy nhiên, không nên cho rằng, Hoa Kỳ bênh Việt Nam.

Nhật Bản, Ấn Độ, Australia và Châu Âu từng có tiếng nói thống nhất về vấn đề Biển Đông. Lần này chắc cũng không thể khác.

Đây là cơ hội "kim cương" (chứ không chỉ là vàng) đối với Việt Nam. Chiến lược "Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương mở và tự do" (FOIP) của Tổng thống Mỹ Donald Trump là cơ hội có một không hai trong lịch sử của Việt Nam và khu vực, khi cùng một lúc ASEAN phải xử lý mối quan hệ giữa các nước lớn trong khu vực. Ngoại trừ những "Judas phản Chúa" trong ASEAN, các nhà lãnh đạo còn lại trong ASEAN cũng sẽ phải "đường xa nghĩ nỗi sau này".

Trung Quốc bóp được Việt Nam thì Trung Quốc cũng sẽ không tha bất cứ nước nào khác trong khối". Tiến sĩ Đinh Hoàng Thắng kết luận.

Vấn đề Trung Quốc xâm chiếm lãnh hải của Việt Nam gần đây, đã xảy ra từ năm 1974, khi quân đội nước này tấn công Việt Nam Cộng Hòa - một nhà nước có chủ quyền khi đó để độc chiếm Hoàng Sa. Tới năm 1988, lại một lần nữa Trung Quốc tấn công, giết chết 64 chiến sĩ quân đội nhân dân Việt Nam để chiếm đảo Gạc Ma của Việt Nam. Kể từ đó đến nay Trung Quốc liên tục tăng mạnh số lượng tàu xâm nhập và hoạt động dài ngày trong vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam mà họ tự cho rằng là lãnh hải của Trung Quốc từ thời cổ xưa với đường 9 đoạn (đường lưỡi bò).

Để giải quyết vấn đề này, Việt Nam cần sớm kiện Trung Quốc ra tòa án quốc tế để nhận được kết quả cuối cùng, đó là phán quyết của Tòa án mà cả 2 bên đều phải thực thi.

Hoàng Trung (Hà Nội)

Nguồn : Thoibao.de, 09/04/2020

Published in Diễn đàn