Khi cạnh tranh Mỹ - Trung trở nên căng thằng, có thể sẽ xảy ra những cuộc chiến ủy nhiệm ở những mức độ khác nhau trên khắp Châu Á.
Lời người dịch
Cuộc chiến ủy nhiệm (proxy war) là một cuộc xung đột vũ trang giữa hai quốc gia hoặc các chủ thể phi quốc gia hoạt động vì sự xúi giục hoặc nhân danh các bên khác không liên quan trực tiếp đến chiến sự [1]. Các thế lực bên ngoài cuộc chiến thường có các hình thức tài trợ, huấn luyện quân sự, vũ khí hoặc các hình thức hỗ trợ vật chất khác giúp các bên duy trì nỗ lực cho cuộc chiến tranh của mình. Trong lịch sử đã diễn ra nhiều cuộc chiến ủy nhiệm. Một số quốc gia trung cổ như Đế quốc Byzantine đã sử dụng chiến tranh ủy nhiệm như một công cụ chính sách đối ngoại bằng cách cố tình hỗ trợ âm mưu giữa các đối thủ thù địch và ủng hộ khi họ gây chiến với nhau [2]. Đế quốc Ottoman cũng sử dụng cướp biển để quấy rối các cường quốc Tây Âu ở biển Địa Trung Hải [3]. Từ đầu thế kỷ XX, các cuộc chiến ủy nhiệm thường được sử dụng dưới dạng các quốc gia đảm nhận vai trò là nhà tài trợ cho các chủ thể phi nhà nước [4]. Ví dụ, người Anh đã xúi giục cuộc nổi dậy Ả Rập nhằm phá hoại Đế chế Ottoman trong Thế chiến thứ nhất [5]. Trong Chiến tranh Lạnh, chiến tranh ủy nhiệm được thúc đẩy bởi lo ngại rằng một cuộc chiến tranh thông thường giữa Mỹ và Liên Xô sẽ dẫn đến chiến tranh hạt nhân [6].
Trần Quang
------------------------
Khi cạnh tranh Mỹ - Trung trở nên căng thằng, có thể sẽ xảy ra những cuộc chiến ủy nhiệm ở những mức độ khác nhau trên khắp Châu Á.
Trường hợp Bangladesh và Hàn Quốc gần đây có thể minh họa cho nguy cơ các quốc gia bị cuốn vào cuộc chiến ủy nhiệm. Dù Bangladesh có mối quan hệ tốt với Trung Quốc, Đại sứ Trung Quốc tại Dhaka Li Jimming cho rằng việc Bangladesh "xích lại gần hơn với Quad" sẽ "hủy hoại nghiêm trọng" mối quan hệ với Bắc Kinh. Hàn Quốc, đồng minh quân sự lâu đời của Mỹ nhưng có mối quan hệ kinh tế khăng khít với Trung Quốc, cũng chịu sức ép tương tự. Sau Tuyên bố chung Nhật – Hàn ngày 21/5, dù ông Moon không công khai chỉ trích Trung Quốc, Bắc Kinh đã cảnh báo Hàn Quốc "đừng đùa với lửa" trong vấn đề Đài Loan. NFN Bộ Ngoại giao Trung Quốc lưu ý Seoul rằng "vấn đề Đài Loan… liên quan đến chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của Trung Quốc, do đó các thế lực bên ngoài không được can thiệp".
Mỹ, Trung Quốc đã chuẩn bị cho những cuộc chiến ủy nhiệm ?
Khác với chính sách "nước Mỹ trên hết" của Tổng thống Donald Trump, vốn làm cho các đồng minh Châu Á như Hàn Quốc và Nhật Bản cũng như các đối tác Châu Âu trở nên xa cách, Chính quyền Biden thực hiện hướng tiếp cận hệ thống hơn, chú trọng quan hệ đồng minh truyền thống ở Châu Á và Châu Âu, tăng cường những liên minh mới như Quad để đối phó với Trung Quốc. Ngày 28/5/2021, ông Kurt Campbell, điều phối chính sách Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương, cho rằng : "Chúng ta có thể làm mọi thứ đúng đắn ở Châu Á nhưng nếu không có một chiến lược kinh tế thì rất khó thành công. Đó là những gì mà các quốc gia Châu Á đang tìm kiếm khi chúng tôi thúc đẩy… Chúng tôi có tham vọng về Quad". Bên cạnh đó, Washington cũng đã nỗ lực tăng cường mối quan hệ đồng minh cũ của mình, biến đối tác thành đồng minh và quốc gia trung dung thành đối tác.
Ở chiều ngược lại, Trung Quốc cũng đang đáp trả qua việc nỗ lực làm xói mòn mối quan hệ đồng minh của Mỹ ở khu vực và phủ đầu những liên minh mới do Mỹ dẫn dắt. Với năng lực của Quân Giải phóng Nhân dân (PLA) Trung Quốc ngày càng phát triển mạnh, Trung Quốc đang gây áp lực lên sự hiện diện quân sự do Mỹ kiểm soát tại các vùng biển phía Tây trong hàng thập kỷ, đồng thời nỗ lực đẩy Mỹ ra khỏi những khu vực này.
Dù cạnh tranh Mỹ - Trung ngày càng căng thẳng, khả năng Trung Quốc và Mỹ sẽ lao vào một cuộc chiến tranh nóng là rất khó bởi những tổn thất rất lớn cho cả hai bên. Điều này tạo ra khả năng có thể có cuộc chiến ủy nhiệm tại các quốc gia thứ ba, đặc biệt là tại Châu Á vì : Thứ nhất, Mỹ có nhiều kinh nghiệm trong hoạt động can thiệp đối với các cuộc chiến cục bộ. Trong tất cả những thảo luận tại Washington về chấm dứt các cuộc chiến với quy mô lớn như tại Afghanistan và Iraq, Mỹ có vẻ sẽ không từ bỏ hoàn toàn can thiệp về quân sự. Thứ hai, dù Trung Quốc tuyên bố sẽ không can thiệp vào công việc nội bộ của các quốc gia khác, thực tế không hẳn như vậy. Trung Quốc đã ủng hộ các lực lượng nổi dậy ở khắp Châu Á trong những năm 1960 và 1970. Trong khi đó, một "Trung Quốc trỗi dậy" đã sớm nhận ra nhu cầu can thiệp vào các quốc gia khác để bảo vệ những lợi ích ngày càng lớn của mình : thúc đẩy an ninh biên giới chống lại các phần tử khủng bố, bảo vệ đầu tư thương mại, sơ tán kiều dân, ủng hộ các thể chế chính trị thân thiện, tăng cường tiếp cận nguồn tài nguyên thiên nhiên quan trọng, xuất khẩu vũ khí, giành được những dự án siêu khổng lồ, bảo vệ những cơ sở, trang thiết bị nhằm duy trì phát huy ảnh hưởng trên khắp các vùng biển, xây dựng các liên minh mới và hạn chế ảnh hưởng của Mỹ…
Quad và BRI : Khởi đầu cuộc chơi ?
Mỹ và các thành viên Quad đã thúc đẩy chiến dịch đối phó với sáng kiến Một vành đai, một con đường (BRI) thông qua mời chào các sáng kiến thay thế tiềm năng : Tại Sri Lanka, Ấn Độ và Nhật Bản hợp tác đấu thầu cảng Colombo ; tại các quốc đảo Thái Bình Dương, Úc đang xích lại gần Nhật Bản nhằm tạo lợi thế trước Trung Quốc trong các dự án cáp ngầm trên biển ; Nhật Bản đang thực hiện sáng kiến Đối tác Cơ sở hạ tầng Chất lượng cao đầy tham vọng.
Trong lĩnh vực kỹ thuật số, sau chiến dịch của Chính quyền Trump chống lại Hoa Vi, Chính quyền Biden đã quyết định thực hiện các biện pháp đối đầu mạnh mẽ đối với một loạt ngành công nghệ hàng đầu của Trung Quốc, bao gồm quyết định chọn Samsung đầu tư sản xuất chip tại Mỹ và thiết lập đối tác sản xuất vaccine với Hàn Quốc.
Tranh chấp nội bộ : Vườn ươm cho cuộc chiến ủy nhiệm
Dù không quốc gia Châu Á nào muốn bị cuốn vào các cuộc chiến ủy nhiệm, điều này không thể loại trừ hoàn toàn, nhất là khi đồng thuận chính trị nội bộ quốc gia bị phá vỡ. Myanmar đang có thể trở thành nơi diễn ra một cuộc chiến ủy nhiệm do những khủng hoảng nội bộ ngày càng sâu sắc.
Mỹ và Trung Quốc không phải là bên duy nhất quan tâm đến các cuộc chiến ủy nhiệm. Một nước Nga quyết đoán đang trở lại khai thác truyền thống can thiệp của mình. Trong khi đó, nhiều quốc gia khu vực ở Trung Đông như Iran, Các tiểu vương quốc Ả Rập Thống Nhất (UAE), Qatar, Ả Rập và Thổ Nhĩ Kỳ cũng chủ động can dự vào các cuộc chiến ủy nhiệm. Ở Đông Nam Á, Delhi và Bắc Kinh cũng vướng vào cạnh tranh ảnh hưởng ở nhiều quốc gia khu vực.
Để ngăn tranh chấp nội bộ trở thành nội chiến và chiến tranh ủy nhiệm, cách duy nhất Đông Á có thể làm là thông qua hòa giải và tăng cường hợp tác giữa các bên.
C. Raja Mohan
Trần Quang (lược dịch)
Nguồn : Nghiên cứu Biển Đông, 11/06/2021
C. Raja Mohan là Giám đốc Viện Nghiên cứu Nam Á, Đại học Quốc gia Singapore
[1] Osmańczyk, Jan Edmund (2002). Encyclopedia of the United Nations and International Agreements. Abingdon : Routledge Books. tr. 1869. ISBN 978-0415939201 .
[2] Hughes, Geraint (2014). My Enemy's Enemy : Proxy Warfare in International Politics. Brighton : Sussex Academic Press. tr. 5, 12–13. ISBN 978-1845196271 .
[3] Watson, William (2003). Tricolor and Crescent : France and the Islamic World. Westport, Connecticut : Praeger Books. tr. 17–19. ISBN 978-0275974701 .
[4] Hughes, Geraint (2014). My Enemy's Enemy : Proxy Warfare in International Politics. Brighton : Sussex Academic Press. tr. 5, 12–13. ISBN 978-1845196271 .
[5] Williams, Brian Glyn (2012). Innes, Michael (biên tập). Making Sense of Proxy Wars : States, Surrogates & the Use of Force. Washington DC : Potomac Books. tr. 61–63. ISBN 978-1-59797-230-7 .
[6] Wilde, Robert. "Mutually Assured Destruction". About Education. About.com, n.d. Web. ngày 23 tháng 4 năm 2015.
Cạnh tranh Mỹ - Trung đã diễn ra như thế nào ?
Nadège Rolland, RFI, 23/06/2020
Trong những ngày qua, báo chí Pháp nói nhiều đến mối đe dọa của Trung Quốc đối với thế giới. Vậy quá trình vươn mình của Trung Quốc trên trường quốc tế, nhất là cuộc đọ sức với Mỹ diễn ra như thế nào trong những thập kỷ qua ?
Hình ảnh chính thức về việc khai mạc Đại hội nhân dân toàn quốc tại Bắc Kinh vào thứ Sáu với ông Tập Cận Bình ở trung tâm. Ảnh Ju Bành. Tân Hoa Xã. AP
RFI Việt ngữ lược dịch bài phỏng vấn nhà nghiên cứu Nadège Rolland, chuyên gia về chính trị và an ninh Châu Á, thuộc Văn phòng quốc gia về nghiên cứu Châu Á, trụ sở tại Seattle và Washington. Bài viết được đăng trên báo Pháp Libération ngày 26/05/2020.
Sự cạnh tranh giữa chế độ cộng sản Trung Quốc và Hoa Kỳ có từ khi nào ?
Vào năm 1949, khi Cộng hòa nhân dân Trung Hoa ra đời, Mỹ cạnh tranh với Nga nhiều hơn là với Bắc Kinh. Đối với Washington, sự sụp đổ của Liên Xô năm 1991 đã đánh dấu chiến thắng của chủ nghĩa tự do. Sau ba mươi năm theo chủ nghĩa Mao, Trung Quốc là một "chú lùn " về kinh tế, nên thực sự không nằm trong tầm ngắm của Mỹ. Trái lại, Bắc Kinh coi Hoa Kỳ là đối thủ, vì Mỹ là đại diện của tự do hóa và dân chủ hóa trên toàn thế giới. Trung Quốc quyết định kín đáo củng cố sức mạnh để chuẩn bị cho một cuộc xung đột trong tương lai. Cải cách được đưa ra, với các yếu tố tư bản, nhưng chế độ vẫn giữ quyền kiểm soát.
Việc gia nhập Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) năm 2001 là một đòn bẩy cho Bắc Kinh trên trường quốc tế. Các công ty nước ngoài, bị mê hoặc bởi thị trường Trung Quốc khổng lồ, đã đầu tư, chuyển giao công nghệ cho Trung Quốc. Phương Tây tưởng rằng khi giúp Trung Quốc hội nhập quốc tế, Bắc Kinh sẽ tự do hóa chính trị và tầng lớp trung lưu mới sẽ đòi hỏi nhiều quyền tự do hơn. Bắc Kinh cũng đưa ra một số đảm bảo, cho các địa phương nhiều quyền tự do dân chủ hơn. Đã có nhiều căng thẳng song phương giữa Mỹ và Trung Quốc, nhưng sau vụ 11/09/2001, Hoa Kỳ bị cuốn vào cuộc chiến chống khủng bố và không còn chú ý đến khu vực Châu Á-Thái Bình Dương.
Khi nào Trung Quốc cảm thấy đã đến thời ?
Vào năm 2008, Thế Vận Hội Bắc Kinh là một dấu ấn quan trọng. Cuộc khủng hoảng tài chính quốc tế đã giáng một đòn mạnh vào các nền kinh tế phương Tây. Đối với Trung Quốc, Mỹ đã bắt đầu suy tàn, kéo theo cả hệ thống tư bản và tự do. Bắc Kinh đàn áp Tân Cương và Tây Tạng, đi những nước cờ ở Biển Đông, thấy rằng Hoa Kỳ và Châu Âu không có bất kỳ phản ứng nào. Đó là chính sách tiến từng bước nhỏ. Vào năm 2012, Tập Cận Bình lên nắm quyền. Nhiệm vụ của ông ta là tăng tốc mọi thứ. Ông Tập đã đề xuất kế hoạch Con đường tơ lụa mới và Made in China 2025, nhằm đưa Trung Quốc dẫn đầu thế giới về tất cả các lĩnh vực công nghệ.
Hoa Kỳ đã phản ứng ra sao ?
Mỹ đã không tính đến sự phát triển của hệ thống chính trị Trung Quốc và tiếp tục coi họ là đối tác thương mại. Thời Obama là thời Mỹ do dự, chần chừ. Mục tiêu của chính quyền Obama không phải là gây ra những cơn sóng, mà là nối lại quan hệ. Vào năm 2015, Tập Cận Bình đã đến California trấn an Mỹ, bảo đảm không có gián điệp mạng. Hai năm sau, chiếc mặt nạ rơi xuống. Năm 2017, ông tuyên bố sự ra đời của một "kỷ nguyên mới", sự tái sinh của cường quốc Trung Hoa vĩ đại nhất trong lịch sử. Lãnh đạo họ Tập đề xuất với các nước đang phát triển chọn mô hình chuyên quyền Trung Quốc thay cho mô hình dân chủ tự do. Nhiệm kỳ lãnh đạo của ông trở nên không giới hạn.
Liệu có khả năng xảy ra xung đột quân sự Mỹ - Trung ?
Kể từ năm 1949, Đài Loan luôn là một vấn đề lớn đối với chế độ cộng sản Trung Quốc. Năm 1996, Bắc Kinh đã hướng hàng ngàn tên lửa đến hòn đảo này, còn tổng thống Mỹ khi đó là Bill Clinton đã gửi một tàu sân bay tới eo biển Đài Loan. Ưu thế quân sự của Mỹ là hoàn toàn áp đảo, và ngay cả khi hiện đại hóa trong tất cả các lĩnh vực, Trung Quốc vẫn còn thua xa Mỹ. Nhưng Châu Á-Thái Bình Dương là sân nhà của quân đội Trung Quốc, và các chiến lược gia của Bắc Kinh từ lâu đã tìm cách cản trở Hải quân Mỹ đến khu vực này.
Hoa Kỳ có nhiều căn cứ quân sự trong vùng, nhưng chỉ với vài chục ngàn quân. Trong trường hợp xảy ra xung đột, quân Mỹ sẽ phải vượt qua cả Thái Bình Dương mới đến nơi. Bắc Kinh đang chơi một trò chơi cực kỳ nguy hiểm, nhưng có thể phạm sai lầm khi tính toán. Bởi vì theo Đạo luật quan hệ Đài Loan 1979, Washington vẫn cam kết để bảo vệ hòn đảo. Thực tế là mô hình dân chủ Đài Loan đã nổi bật trở lại trong giai đoạn dịch bệnh, và điều này rất quan trọng đối với công luận Mỹ. Nếu can thiệp vào xung đột, Washington sẽ phải làm rất nhiều công tác chuẩn bị hậu cần, nhưng không phải là không thể.
Khủng hoảng Covid-19 đóng vai trò thúc đẩy ?
Mỹ đã bắt đầu thảo luận về "phân ly kinh tế". Nhưng Covid-19 đã cho thấy Mỹ phụ thuộc vào Trung Quốc trong nhiều lĩnh vực, kể cả dược phẩm. Hoa Kỳ sẽ không thể tự sản xuất mọi thứ, họ tìm cách xích lại gần các quốc gia mà họ tin tưởng. Nhưng không thể tái lập dây chuyền sản xuất hàng hóa trong ngày một ngày hai. Về phía Bắc Kinh, sự phân ly kinh tế đã bắt đầu. Trong tất cả các lĩnh vực, Trung Quốc đã dần dần hạn chế sự xâm nhập của nước ngoài vào lãnh thổ của mình, trong khi vẫn mở rộng hoạt động trên lãnh thổ các nước khác.
Trung Quốc bao bọc mạng internet bằng bức tường lửa không thể bị xuyên thủng, nhưng lại sử dụng mạng thông tin toàn cầu vì lợi ích của chế độ. Bắc Kinh hạn chế các công ty phương Tây xâm nhập thị trường Trung Quốc, nhưng lại yêu cầu các nước khác phải mở thị trường cho Trung Quốc. Bắc Kinh làm chậm sự lan tỏa của các tư tưởng phương Tây, nhưng ồ ạt truyền bá ý thức hệ của họ để làm suy yếu các giá trị phổ quát. Đã đến lúc phương Tây ngưng mù quáng.
Hậu quả cuộc đấu tay đôi này đối với Châu Âu ?
Trong thâm tâm, Châu Âu hy vọng sẽ được hưởng lợi kinh tế từ Trung Quốc và sự bảo vệ chiến lược và quân sự của Mỹ. Áp lực từ cả hai phía đều rất lớn. Châu Âu sẽ có những lựa chọn khó khăn. Châu Âu từng nghĩ rằng cuộc đấu đang diễn không liên quan trực tiếp đến mình, nhưng dịch bệnh lại cho thấy số phận Châu Âu nằm trong tâm cuộc đấu tay đôi của hai người khổng lồ. Châu Âu có liên minh quân sự với Hoa Kỳ, những lợi ích kinh tế và công nghệ cần được bảo vệ và Châu Âu cần các đối tác là những chế độ dân chủ và không độc đoán, ít tham nhũng, minh bạch hơn, những quốc gia mà Châu Âu chia sẻ hy vọng hòa bình, ổn định và giao thương cân đối.
Toàn cầu hóa đã thu hẹp phạm vi địa lý, và mối đe dọa Trung Quốc hiện đang rất gần. Giờ không còn là lúc ngồi xỗm trên các giá trị căn bản của nền dân chủ phương Tây để tiếp cận thị trường Trung Quốc và nhập khẩu các sản phẩm giá rẻ. Các nền dân chủ phải hợp tác với nhau để tái liên kết các nền kinh tế, đẩy lùi những bước tiến của Trung Quốc trong xã hội của họ và ở các nước thứ ba. Chúng ta đã mất rất nhiều thời gian, và điều đó đòi hỏi chúng ta phải có ý chí chính trị mạnh mẽ.
Nadège Rolland
Nguyên tác : "Pékin joue un jeu extrêmement dangereux", Libération, Laurence Defranoux thực hiện, 25/05/2020
Thùy Dương dịch
Nguồn : RFI, 23/06/2020
*********************
Bruxelles để ngỏ khả năng trả đũa nếu Bắc Kinh áp đặt luật an ninh Hồng Kông
Trọng Thành, RFI, 23/06/2020
Thượng đỉnh giữa Liên Hiệp Châu Âu và Trung Quốc lần thứ 22 diễn ra ngày 22/06/2020 qua cầu truyền hình. Chủ tịch Ủy Ban Châu Âu Ursula von der Leyen và chủ tịch Hội Đồng Châu Âu Charles Michel đối thoại với chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình và thủ tướng Lý Khắc Cường.
Hình ảnh về Hội Nghị Thượng Đỉnh trực tuyến Liên Hiệp Châu Âu - Trung Quốc tại Bruxelles ngày 22/06/2020. Reuters - YVES HERMAN
Trong cuộc đối thoại, Bruxelles và Bắc Kinh khẳng định mong muốn thu hẹp bất đồng. Tuy nhiên, sau cuộc họp hôm qua, hai bên vẫn tiếp tục đối đầu trong hàng loạt chủ đề lớn, từ các vấn đề kinh tế như quy chế bảo đảm cho hai bên tham gia vào thị trường đối tác, chống trợ giá, cho đến vấn đề nhân quyền. Tuy nhiên, tình hình Hồng Kông nổi bật lên như điểm đối đầu gay gắt nhất.
Thông tín viên Pierre Benazet tường trình từ Bruxelles :
"Trung Quốc đối với Liên Hiệp Châu Âu là một đối tác, là một thế lực cạnh tranh kinh tế và cũng vừa là một đối thủ mang tính hệ thống. Theo chủ tịch Ủy Ban Châu Âu Ursula von der Leyen, quan hệ trên ba phương diện giữa Liên Âu với Trung Quốc, kể từ nay đã trở thành nguyên tắc bất di bất dịch.
Bắc Kinh là đối thủ mang tính hệ thống đối với Bruxelles, Trung Quốc tham gia vào các hoạt động bóp méo thông tin trên mạng internet chống lại Liên Hiệp Châu Âu, Bắc Kinh cũng bị cáo buộc đã để cho đại dịch Covid-19 bùng phát. Tuy nhiên, đây không phải là vấn đề duy nhất. Nếu như Trung Quốc nhắc lại rằng việc chính quyền trung ương can thiệp vào Hồng Kông là để bảo đảm an ninh quốc gia, thì Liên Âu để ngỏ khả năng các hậu quả sẽ rất nghiêm trọng, nếu Bắc Kinh áp dụng luật an ninh với Hồng Kông.
Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường đã bày tỏ hy vọng rằng, với Bắc Kinh, quan hệ đối tác với Liên Hiệp Châu Âu là quan trọng nhất. Tuy nhiên, về phần mình, Liên Hiệp Châu Âu cho rằng Trung Quốc đang quá chậm trễ trong việc thực hiện các cam kết mở cửa thị trường.
Thương lượng về bảo hộ đầu tư song phương giữa Bắc Kinh và Bruxelles cũng đang dậm chân tại chỗ. Để chống lại các hoạt động trợ giá của nước ngoài (đặc biệt là của Trung Quốc ), Liên Hiệp Châu Âu đã chuẩn bị một loạt các biện pháp để bảo vệ các công ty Châu Âu, trong hoạt động cạnh tranh, trong các dự án đấu thầu công, trong việc mua lại các doanh nghiệp. Các nước Châu Âu cũng muốn Trung Quốc thực thi các cam kết về khí hậu".
Sau phiên họp thượng đỉnh Âu – Trung lần thứ 22, hôm nay 23/06, người phụ trách Châu Âu của bộ Ngoại Giao Trung Quốc, ông Vương Lỗ Đồng (Wang Lutong), tuyên bố : "Luật an ninh quốc gia liên quan đến Hồng Kông là công việc nội bộ của Trung Quốc. Chúng tôi phản đối mọi can thiệp của nước ngoài vào chuyện này".
Về phần mình, theo Reuters, lãnh đạo đặc khu hành chính Hồng Kông, bà Lâm Trịnh Nguyệt Nga, khẳng định sẽ chỉ bổ nhiệm các thẩm phán, phụ trách xét xử các vụ án liên quan đến an ninh quốc gia trong tương lai, dựa trên đề nghị của cơ quan tư pháp. Lãnh đạo Hồng Kông cho biết cũng không loại trừ bổ nhiệm các thẩm phán người nước ngoài. Theo giới quan sát, lãnh đạo Hồng Kông đưa ra tuyên bố nói trên nhằm trấn an công luận, đang lo ngại trước việc đặc khu hành chính mất quyền độc lập về tư pháp, sau khi Bắc Kinh áp dụng luật an ninh quốc gia mới.
Trọng Thành
Nguồn : RFI, 23/06/2020
Cạnh tranh Trung – Mỹ bùng lên vì khủng hoảng Covid-19
Trong rất nhiều trang báo tập trung vào các giải pháp gỡ bỏ phong tỏa hay tác động của khủng hoảng dịch tễ đối với kinh tế, xã hội, chính trị, nhật báo Le Figaro (24/04/2020) tiếp tục chú ý tới Trung Quốc ở góc độ quan hệ với Mỹ trong thời Covid-19. Tờ báo chạy tựa : "Cạnh tranh Trung – Mỹ bị khơi dậy vì khủng hoảng Covid-19".
Tổng thống Mỹ, Donald Trump chỉ vào biểu đồ con số tử vong thường nhật tại Trung Quốc trong một cuộc họp đối phó khủng hoảng tại Nhà Trắng, ngày 18/04/2020. Reuters - ALEXANDER DRAGO
Le Figaro quan sát thấy, "đại dịch Covid-19 đã dẫn đến quan hệ Trung – Mỹ bị xuống cấp nhanh chóng. Căng thẳng giữa hai đại cường thế giới trong những tuần qua đã ở mức cao nhất kể từ khi hai nước thiết lập ngoại giao năm 1979".
Theo tờ báo, năm 2020 đã được khởi đầu bằng những dấu hiệu hòa hoãn trong cuộc cạnh tranh thương mại với việc ký kết thỏa thuận sơ khởi hồi giữa tháng Giêng sau hơn hai năm ăn miếng trả miếng trong cuộc thương chiến căng thẳng. Cả tổng thống Mỹ Donald Trump cũng như chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đều tỏ hài lòng về thỏa thuận đã đạt được. "Thế nhưng, trận đại dịch virus corona đã phá tan bước khởi đầu bình thường hóa".
Le Figaro điểm lại : Hồi đầu khủng hoảng dịch, ông Trump đã từng không ngớt lời ca ngợi phản ứng chống dịch của Tập Cận Bình, nhưng rất nhanh sau đó ông đã đổi giọng kể từ khi đại dịch lan sang hoành hành ở Mỹ. Đầu tiên là việc ông Trump không ngần ngại chỉ mặt đặt tên "virus Trung Quốc", khiến Bắc Kinh tức giận. Kế đến không cần lý lẽ nhiều, ông Trump tỏ nghi ngờ về những con số chính thức của Trung Quốc, chỉ trích Bắc Kinh đã che giấu mức độ nghiêm trọng của dịch khiến cả thế giới phải trả giá đắt.
Chưa hết, tổng thống Mỹ còn quay sang tính sổ, cắt tài trợ cho Tổ chức Y tế Thế giới cũng chỉ vì cho rằng tổ chức này bị Trung Quốc thao túng. Hai nước đối đầu nhau trong lĩnh vực thông tin tìm cách gán trách nhiệm cho nhau về nguồn gốc phát sinh virus. Cao điểm của cuộc chiến truyền thông là việc Trung Quốc và Mỹ lần lượt trục xuất các nhà báo của nhau.
Thái độ dè chừng nhau đã vượt quá khuôn khổ giữa hai chính phủ. Theo một điều tra mới đây của viện Pew Research Center, 2/3 người Mỹ có cái nhìn tiêu cực về Trung Quốc và nhất là 90% số người được hỏi coi cường quốc Trung Hoa như là mối đe dọa. Theo các chuyên gia thì đây là một biến chuyển mới vì từ trước tới giờ chủ yếu giới chính trị mới có quan điểm chỉ trích Trung Quốc còn dư luận Mỹ không mấy có thái độ như vậy.
Bà Mira Rapp-Hooper, chuyên gia về an ninh khu vực Châu Á – Thái Bình Dương, thuộc nhóm tư vấn Council of Foreign Relations nhận định đây là "thời điểm tồi tệ nhất của quan hệ Trung – Mỹ", quan hệ hai nước bị đẩy lên căng thẳng chưa từng thấy. "Trận đại dịch là một cú sốc lịch sử cho quan hệ Mỹ – Trung, vốn đã căng thẳng trước một thử thách khắc nghiệt. Nhưng đợt dịch bệnh này chỉ càng làm gia tăng, củng cố thêm xu hướng đã tồn tại từ lâu nay. Cuộc cạnh tranh giữa Hoa Kỳ và Trung Quốc tăng mạnh những năm qua, không phải chỉ do ông Trump. Hai đảng ở Mỹ nhất trí với nhau trên việc cạnh tranh với Trung Quốc là vấn đề lớn".
Hồi tháng 7/2019, trước Quốc hội, tham mưu trưởng quân đội Mỹ, tướng Mark Milley từng cảnh báo "Trung Quốc sẽ là thách thức cho an ninh quốc gia Hoa Kỳ trong 50 đến 100 năm tới".
Le Figaro bình luận : "Người Mỹ bị chi phối bởi tâm lý bị một kẻ cạnh tranh đuổi kịp, nhất là trong lĩnh vực thương mại và quân sự. Còn người Trung Quốc thì ngất ngây với hình ảnh cường quốc xưa tìm lại được cùng với mối thâm thù phương Tây. Đó là tâm lý đã được chế độ cộng sản rất chăm chút khơi dậy. Ông Trump chỉ đóng vai trò như một chất xúc tác. Hoa Kỳ thấy sức mạnh Trung Quốc nổi lên trên bình diện kinh tế, quân sự như là mối đe dọa của một đối thủ muốn hất cẳng mình. Trung Quốc về phần mình, nhận thấy các can thiệp từ bên ngoài của Mỹ hay sự hiện diện quân sự trong Thái Bình Dương hay sự ủng hộ Đài Loan là sự can dự không thể tha thứ".
Chính sự vắng mặt của Mỹ trên trường quốc tế để tổ chức ứng phó chung như trong cuộc khủng hoảng tài chính 2009, dịch Ebola 2014-2016, đã cho phép Bắc Kinh thực thi một chính sách ngoại giao hung hăng. Giáo sư Mira Rapp-Hooper giải thích "Bắc Kinh tìm cách lợi dụng các hoàn cảnh để mở rộng tầm ảnh hưởng của mình… Trung Quốc huênh hoang đã thanh toán được dịch trong dân mình và lợi dụng khó khăn của Mỹ để chứng tỏ là một đại cường và là tấm gương mới để noi theo trên trường quốc tế…".
Để kết luận tờ báo dẫn nhận định của chuyên gia Rapp-Hooper : "Chắc chắn chúng ta đang bước vào một thời kỳ nguy hiểm, các căng thẳng do trận đại dịch này gây ra có thể mở ra sự biến đổi sâu sắc trong quan hệ quốc tế giống như nó thường xảy ra sau một cuộc xung đột lớn".
"Dỡ phong tỏa" : Mối lo hàng đầu tại Pháp
Trở lại với trang nhất của các báo Pháp. Thời hạn gỡ bỏ phong tỏa vì Covid-19 ngày 11/05 đang là mục tiêu hướng tới của nước Pháp. Đây cũng là mối quan tâm hàng đầu của dư luận.
Từ "dỡ phong tỏa" xuất hiện khắp trang nhất các báo Pháp ra hôm nay. Nhất là khi kế hoạch triển khai dỡ bỏ phong tỏa của chính phủ đang hình thành dần dần từng bước sau cuộc họp qua truyền hình của tổng thống Emmanuel Macron với 22 thị trưởng các địa phương lớn của nước Pháp ngày 23/4. Vẫn còn quá nhiều vấn đề đặt ra để nước Pháp thoát ra khỏi vòng phong tỏa trong khi dịch virus corona chưa thể nói sẽ được thanh toán.
Các báo đều ghi nhận là việc triển khai dỡ bỏ phong tỏa bảo đảm an toàn vệ sinh dịch tễ cũng như khởi động lại các hoạt động của chính phủ vẫn còn chưa rõ ràng.
Covid-19 : Kinh tế Pháp trong trạng thái "hôn mê sâu"
Về kinh tế, tất cả các báo Pháp ra hôm nay đều có chung nhận định là kinh tế Pháp đang trong "hôn mê toàn phần" hay kinh tế Pháp đang trong tình trạng "hồi sức tích cực". Gỡ bỏ phong tỏa, nhưng kinh tế Pháp vẫn còn xa mới khởi động lại được. Trong tháng Tư này các chỉ số trong mọi lĩnh vực đều rơi tự do theo chiều thẳng đứng trên các biểu đồ vì phong tỏa.
Ngay cả khi ra khỏi phong tỏa, các điều kiện không chắc chắn về vệ sinh y tế cũng khiến cho các hoạt động khó có thể khởi động trở lại bình thường ngay. Trên cơ sở các số liệu của Viện Thống kê Quốc gia Insee về kinh tế Pháp, Le Figaro nhận định : Thoát khỏi hôn mê, các doanh nghiệp Pháp dự báo sẽ còn đau đớn hơn nhiều so với nước khác và sẽ còn cần đến rất rất nhiều tiền để phục hồi chức năng.
"Miễn dịch" : Thực tế còn xa
Từ khi xuất hiện cách nay bốn tháng, virus SARS-CoV-2 đã làm hơn 180 nghìn người chết trên thế giới mà người ta vẫn chưa biết được gì nhiều về kẻ thù vô hình kinh sợ này. Le Monde chạy tựa lớn : "Miễn dịch, những câu trả lời đầu tiên từ các nhà nghiên cứu".
Hôm 23/4, lần đầu tiên các nhà khoa học Viện Pasteur Pháp cho công bố hai nghiên cứu về miễn dịch, nhưng cũng chỉ nói thêm chút ít về bệnh dịch Covid-19. Nghiên cứu cho biết, kháng thể chống SARS-CoV-2 xuất hiện ngay ngày thứ 5 hoặc thứ 6 nhiễm virus, trước khi có biểu hiện bệnh. Những người đã nhiễm virus có kháng thể cũng chỉ được bảo vệ trong một thời gian ngắn từ 2 đến 3 năm. Khái niệm miễn dịch cộng đồng chỉ là trên lý thuyết khi mà tối thiểu có từ 60% đến 70% dân cư nhiễm virus. Con số này không thể có được ở Pháp.
Theo các nhà khoa học được Le Monde trích dẫn thì có thể mùa hè này mức độ lây lan của dịch giảm xuống ở Pháp nhưng mọi người vẫn phải đeo khẩu trang cho tới tận mùa thu. Điều quan trọng nữa là theo các nhà khoa học, trong 7 chủng virus corona đã được biết đến, chưa có vác-xin nào hữu hiệu với chủng mới gây bệnh Covid-19 lần này và người ta cũng không hy vọng sớm có được thuốc phòng ngừa trong nay mai.
Vẫn là một nghiên cứu về virus corona, nhật báo Les Echos đưa ra con số ấn tượng : Hơn 60 nghìn nhân mạng được cứu nhờ phong tỏa ở Pháp.
Theo một nghiên cứu dịch tễ học của Pháp do nhóm 3 nhà nghiên cứu của hệ thống các trường y tế cộng đồng bệnh viện được công bố hôm 23/4, những biện pháp hạn chế lưu thông đã giúp giảm được 83,5% số lượng tử vong ở bệnh viện trong khoảng từ 19/03 đến 19/04. Nhu cầu giường bệnh hồi sức tăng cường nếu không có lệnh phong tỏa có thể lên tới 100 nghìn giường, tức là gấp 20 lần so với khả năng ban đầu của cả nước Pháp và số người nhập viện sẽ phải là con số 590 nghìn. Như vậy có thể nói, những cố gắng của người Pháp tôn trọng phong tỏa hẳn là không vô ích chút nào.
Anh Vũ
Bộ quốc phòng Mỹ đã công bố chiến lược Ấn Độ - Thái Bình Dương của nước này vào ngày 1/6/2019. Xác định liên minh song phong và cơ chế hợp tác đa phương giữa Washington với các quốc gia khác nhau về kinh tế, an ninh và hàng hải.
Tàu USS Wasp ở Biển Đông. Ảnh minh họa
Bài dịch trong bối cảnh Bộ trưởng Bộ quốc phòng Mỹ, Mark Thomas Esper sẽ đến Việt Nam, trong chuyến công du chính thức đến một số quốc gia châu Á tới đây để thảo luận về quan hệ hợp tác an ninh quốc phòng.
Bộ quốc phòng Mỹ đã công bố chiến lược Ấn Độ - Thái Bình Dương của nước này vào ngày 1/6/2019. Xác định liên minh song phong và cơ chế hợp tác đa phương giữa Washington với các quốc gia khác nhau về kinh tế, an ninh và hàng hải.
Mỹ sẽ dùng vấn đề Biển Đông như một chiến lược ‘tán tỉnh’ các quốc gia trong khu vực, hướng tới xây dựng một liên minh quân sự chống Trung Quốc trong khu vực. Về chiến thuật, Mỹ tăng cường sức mạnh đơn phương hoặc chung trong khuôn khổ chiến lược Ấn Độ - Thái Bình Dương.
Chiến lược Ấn Độ - Thái Bình Dương nhằm cân bằng sự trỗi dậy hàng hải của Trung Quốc trong khu vực, duy trì sức mạnh vượt trội của Washington. Chiến lược này gián tiếp tạo ra quá trình ghanh đua dữ dội giữa Trung Quốc với các đối tác và đồng minh của Mỹ.
Có thể hiểu cuộc chạy đua này theo những hướng sau :
Đầu tiên, tự do hàng hải do Mỹ tiến hành tại vùng tranh chấp Biển Đông sẽ đưa lực lượng bảo vệ bờ biển Mỹ (USCG) thành phương tiện mới giúp nước này ngăn chặn sự trỗi dậy của lực lượng phòng vệ hàng hải của Bắc Kinh và các hoạt động quân sự khác.
Từ năm 2017, dưới sự điều hành của Tổng thống Donald Trump, quân đội Mỹ đã gia tăng tần suất, phạm vi và cường độ cho thực thi tự do hàng hải (FONOPS) ở mức 15 lần. Riêng 2019, Washington hai lần điều tàu khu trục, đến quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa, bất chấp sự phản ứng gay gắt từ Trung Quốc. Chưa kể, máy bay ném bom chiến lược B-52 luôn quần thảo trên bờ biển Đông, ít nhất 16 lần, tăng 4 lần so với năm 2017.
Mỹ trong khuôn khổ chiến lược Ấn Độ - Thái Bình Dương đang thách thức và tạo áp lực cho Bắc Kinh trong lĩnh vực an ninh. Washington vừa có thể tiến hành các “hoạt động chung” với giới đồng minh thân cận như Úc, Anh, Nhật, đồng thời thúc đẩy hoạt động thực thi pháp luật của các lực lượng phòng vệ hàng hải cảu một số nước trọng điểm như Philippines, Việt Nam, hay Malaysia.
Thứ hai, Mỹ tăng tốc xây dựng các căn cứ quân sự, triển khai sức mạnh ở khu vực xung quanh Biển Đông nhằm kiềm hãm ảnh hưởng quân sự của Bắc Kinh.
Theo Chiến lược nêu trên, quân đội Mỹ có 2.000 máy bay, 200 tàu chiến và tàu ngầm các loại, 370.000 nhân viên quân sự tại khu vực Ấn Độ - Thái Bình Dương. Mỹ sẽ tăng cường 110 máy bay F4, F5 và 400 tên lửa không đối không tầm trung, 10 tàu khu trục gắn tên lửa đạn đạo, thực hiện chiến lược chiến tranh trên biển và chống ngầm.
Biển Đông và các khu vực lân cận trở thành vùng trung tâm của Chiến lược, và chắc chắn, các hoạt động quân sự cũng như căn cứ sẽ được Mỹ xây dựng tại đây.
Thứ ba, các cuộc tập trận quân sự song phương và đa phương do Mỹ dẫn đầu sẽ gia tăng, và khả năng quân đội Mỹ tiến vào các khu vực tranh chấp ở Biển Đông là không thể loại trừ.
Thống kê từ Bộ Tư lệnh Ấn Độ-Thái Bình Dương (USINDOPACOM), đã có hơn 150 cuộc tập trận quân sự song phương và đa phương hàng năm. Trong năm 2014 và 2015, con số này vượt quá 160 và 175, tương ứng. Một số cuộc tập trận chung điển hình như RIMPAC, CARAT,…
Trong bối cảnh Mỹ tăng cường phạm vi và tần suất của các cuộc tập trận quân sự chung của nước này với các quốc gia khu vực, thì Lầu Năm góc cũng lo ngại các quốc gia ngoài khu vực có thể bị loại trừ bởi Bộ quy tắc ứng xử ở Biển Đông (COC) trong các tập trận tương lai. Do đó, Mỹ sẽ giữ các cuộc tập trận chung ở vùng biển tranh chấp (Biển Đông) như một chuyện đã rồi trước khi COC có hiệu lực.
Thứ tư, các quốc gia thành viên khác sẽ theo Mỹ tham gia cuộc chạy đua địa chính trị ở Biển Đông để tối đa hóa lợi ích của các nước trong quá trình hình thành các quy tắc và thiết lập trật tự ở Ấn Độ-Thái Bình Dương. Và sự can thiệp vào Biển Đông từ Nhật, Úc, Ấn, Anh, Pháp sẽ tiếp tục làm leo thang cạnh tranh địa chính trị phức tạp trong khu vực.
Với Nhật, nước này sẽ duy trì sự hiện diện quân sự và bán quân sự ở Biển Đông, không loại trừ triển khai lực lượng Cảnh sát biển của nước này và thiết lập căn cứ quân sự ở các nước xung quanh.
Với Úc, nước đang thụ hưởng cảm hứng từ chính sách Ấn Độ - Thái Bình Dương của Mỹ sẽ tiếp tục tăng cường ‘kề vai sát cánh’ với Washington trong tương lai.
Với Ấn Độ, New Delhi tin rằng, Chiến lược mà Mỹ đề ra phù hợp với Chính sách Hướng Đông của nước này. Do đó, Ấn kỳ vọng sẽ tham gia đầy đủ trong mảng chiến lược này, từ kinh tế, ngoại giao, đến quân sự. Và nhân danh hợp tác an ninh hàng hải, New Delhi cũng sẽ tham gia các cuộc tập trận quân sự có do Mỹ, Nhật Bản và Úc tiến hành ở các vùng biên Biển Đông.
Thứ năm, các cuộc tham vấn về Bộ quy tắc ứng xử ở Biển Đông (COC) phải đối mặt với sự can thiệp do mô hình địa chính trị thay đổi và ý định của các quốc gia trong và ngoài khu vực nhằm tối đa hóa lợi ích an ninh của mỗi nước. Không nên đánh giá quá cao vai trò của một COC hiệu quả trong việc đảm bảo trật tự an ninh ở Biển Đông.
Một trong những mục tiêu chính của Chiến lược Ấn Độ-Thái Bình Dương đó là thiết lập một trật tự khu vực dựa trên luật lệ mà Mỹ sẽ giữ ảnh hưởng thống trị. Mục tiêu này mâu thuẫn trực tiếp với Trung Quốc và các quốc gia thành viên ASEAN, những quốc gia dự định lấy COC như một hướng dẫn để thiết lập một trật tự khu vực dựa trên sự cởi mở và bao quát. Lý do, COC kỳ vọng điều chỉnh các hoạt động quân sự, tài nguyên và thực thi pháp luật hàng hải trong các khu vực tranh chấp. Và trong trường hợp nào đó, Mỹ đã bày tỏ quan ngại sâu sắc về các quy định liên quan tập trận quân sự chung và khai thác dầu khí do các nước bên ngoài khu vực Biển Đông thực hiện. Mặt khác, do những nỗ lực và ảnh hưởng của Mỹ, một số quốc gia thành viên ASEAN như Việt Nam và Philippines có thể lên tiếng trong các cuộc tham vấn COC nhằm bảo vệ lợi quyền ở Biển Đông hoặc phải thực hiện một lựa chọn sau khi xem xét chiến lược về sự cân bằng của các nước lớn.
Do đó, Washington muốn xây dựng các quy tắc mới ở Biển Đông dựa trên tư duy của họ, không chỉ làm xáo trộn quá trình tham vấn COC mà còn có thể tạo ra sự khác biệt và mâu thuẫn mới giữa các quốc gia liên quan đến Bộ quy tắc này. Vì thế, nên hướng đến COC như cơ hội để xây dựng một cơ chế hợp tác an ninh hàng hải dựa trên luật lệ và cởi mở ở Biển Đông, cũng như thiết lập các quy tắc và trật tự hiệu quả dựa trên sự cân nhắc đầy đủ về lợi ích và yêu sách của tất cả các bên trong và ngoài khu vực.
Mặc dù hiện tại có các cuộc đối thoại và cơ chế hợp tác về an ninh như Diễn đàn khu vực ASEAN (ARF), Hội nghị Bộ trưởng Quốc phòng ASEAN (ADMM +) và Cuộc tập trận quân sự đa phương ASEAN ở khu vực Biển Đông, nhưng các cơ chế này nói chung lỏng lẻo. Không chỉ thiếu cơ chế nghiêm ngặt, mà còn không được sử dụng để loại bỏ những nghi ngờ an ninh lẫn nhau giữa các quốc gia trong khu vực. Do đó, sự phối hợp an ninh trong khu vực này vẫn còn ở mức tương đối thấp.
Wu Shicun
Nguyên tác : US-China Competition Will Heat up the South China Sea, The Diplomat, 08/11/2019
Nguyễn Hiền dịch
Nguồn: VNTB, 10/11/2019