Khảo sát : Cử tri gốc Á ở Mỹ nghiêng về Dân chủ ; gốc Việt 'ngoại lệ' : Cộng hòa
Khoảng một nửa số cử tri người Mỹ gốc Việt đã đăng ký là đảng viên Đảng Cộng hòa hoặc nghiêng về Đảng Cộng hòa, tỷ lệ cao nhất trong 5 nhóm cử tri gốc Á lớn nhất tại Hoa Kỳ, theo một khảo sát mới được công bố của Trung tâm Nghiên cứu Pew của Mỹ.
Một điểm bỏ phiếu của cử tri Mỹ. Khoảng một nửa số cử tri người Mỹ gốc Việt đã đăng ký là đảng viên Đảng Cộng hòa hoặc nghiêng về Đảng Cộng hòa, theo khảo sát mới của Pew.
Nhìn chung, khoảng 6/10 cử tri người Mỹ gốc Á đã đăng ký (62%) xác định là đảng viên Đảng Dân chủ hoặc nghiêng về Đảng Dân chủ, và 34% là đảng viên Đảng Cộng hòa hoặc nghiêng về Đảng Cộng hòa, cuộc khảo sát của Pew đối với người trưởng thành gốc Á được thực hiện từ tháng 7/2022 đến tháng 1/2023 cho thấy.
Khoảng 2/3 số cử tri đã đăng ký người Philippines (68%), người Ấn Độ (68%) hoặc người Hàn Quốc (67%) xác định mình là đảng viên Đảng Dân chủ hoặc nghiêng về Đảng Dân chủ.
Cử tri Mỹ gốc Hoa cũng đa số nghiêng về đảng Dân chủ (56%), trong khi cử tri Mỹ gốc Việt nghiêng về đảng Cộng hòa (51% Cộng hòa, 42% Dân chủ).
Theo Pew, các cử tri Châu Á có xu hướng nghiêng về Đảng Dân chủ nhiều hơn so với số cử tri trên toàn nước Mỹ nói chung. Trung tâm này cho biết các cử tri đã đăng ký ở Hoa Kỳ gần như chia đều giữa Đảng Dân chủ (47%) và Đảng Cộng hòa (48%).
Khảo sát cũng phân tích sự khác biệt trong nhóm cử tri gốc Á theo độ tuổi, giới tính, trình độ học vấn và tình trạng nhập cư của họ.
Những cử tri gốc Á trẻ tuổi có nhiều khả năng nghiêng về Đảng Dân chủ hơn những cử tri lớn tuổi hơn. Trong số những người Mỹ gốc Á đã đăng ký bỏ phiếu, 88% người dưới 30 tuổi xác định hoặc nghiêng về Đảng Dân chủ, so với 67% những người từ 30-49 tuổi, 51% những người từ 50-64 tuổi và 48% những người từ 65 tuổi trở lên. Trong khi đó, chỉ có 11% cử tri gốc Á đã đăng ký dưới 30 tuổi xác nhận là đảng viên Cộng hòa hoặc nghiêng về đảng Cộng hòa, so với tỷ lệ lớn hơn ở các nhóm tuổi lớn hơn như 43% cử tri gốc Á trên 65 tuổi xác định là đảng viên Cộng hòa hoặc nghiêng về đảng Cộng hòa.
Về giới tịch, phụ nữ gốc Á nghiêng về Đảng Dân chủ nhiều hơn nam giới. Khoảng 2/3 cử tri nữ gốc Á đã đăng ký cử tri là đảng viên Đảng Dân chủ hoặc nghiêng về Đảng Dân chủ (67%), so với 56% cử tri nam gốc Á.
Các cử tri gốc Á có trình độ học vấn thấp hơn phần nào có nhiều khả năng ủng hộ đảng Cộng hòa hơn, vẫn theo khảo sát của Pew. Chẳng hạn, 45% những người có bằng tốt nghiệp trung học trở xuống là đảng viên Cộng hòa hoặc nghiêng về đảng Cộng hòa, so với 30% cử tri gốc Á có bằng cử nhân và 27% cử tri gốc Á có bằng sau đại học.
Các cử tri gốc Á sinh ra ở Hoa Kỳ có nhiều khả năng nghiêng về Đảng Dân chủ hơn những người nhập cư. Khoảng 3/4 những người sinh ra ở Hoa Kỳ là đảng viên Đảng Dân chủ hoặc nghiêng về Đảng Dân chủ (73%), so với 56% cử tri gốc Á sinh ra ở nước ngoài. Một phần tư người gốc Á sinh ra ở Mỹ là đảng viên Cộng hòa hoặc nghiêng về đảng Cộng hòa, so với 39% những người sinh ra ở nước ngoài.
Theo Pew, người Mỹ gốc Á đại diện cho một phân khúc tương đối nhỏ nhưng đang phát triển nhanh chóng trong số cử tri Hoa Kỳ.
Vào năm 2021, 13,4 triệu người Mỹ gốc Á đủ điều kiện bỏ phiếu, chiếm 5,6% tổng số cử tri đủ điều kiện, theo phân tích của Pew về Khảo sát cộng đồng người Mỹ năm 2021. Trong số đó, 2,8 triệu cử tri người Mỹ gốc Hoa đủ điều kiện bỏ phiếu ở Mỹ chiếm dân số lớn nhất trong số các nhóm cử tri gốc Á, tiếp theo là người Philippines (2,6 triệu), người Ấn Độ (2,1 triệu), người Việt Nam (1,3 triệu) và người Mỹ gốc Hàn (1,1 triệu).
Cử tri gốc Việt với Covid-19 : thất bại của Trump hay trò chính trị của phe Dân chủ ?
Trong lịch sử bầu cử Mỹ, hiếm khi một vấn đề phi truyền thống như dịch bệnh lại có sức chi phối lá phiếu của cử tri Mỹ cũng như định hình cả cuộc bầu cử như dịch Covid-19.
Ông Trump ném khẩu trang về phía đám đông trong cuộc vận động tranh cử đầu tiên sau khi ông hết Covid ở Sanford, bang FloridaPhoto : Reuters
Bắt đầu từ mùa xuân năm 2020 mà chưa có dấu hiệu lắng dịu, virus corona đã làm đảo lộn cuộc sống của người dân Mỹ, làm thay đổi chương trình nghị sự của Nhà Trắng và nhất là có tác động lớn đến lá phiếu của cử tri.
Một cuộc khảo sát của Cheddar/Survey USA giữa tháng 10 cho thấy dịch bệnh là mối quan tâm hàng đầu của các cử tri Mỹ. Trong khi đó, kinh tế, lĩnh vực mà đương kim Tổng thống Donald Trump có thế mạnh, bị đẩy xuống hàng thứ hai. Trên thực tế, Covid-19 là một chủ đề chi phối các cuộc tranh luận tổng thống.
Hôm 30/10, tức 4 ngày trước bầu cử, Mỹ đã ghi nhận con số nhiễm mới ở mức kỷ lục là hơn 100.000 ca trong một ngày, nâng tổng số ca nhiễm vượt mốc 9 triệu trong khi số người chết cũng lên đến 230.000 người tính đến cuối tháng 10. Mỹ vẫn đứng đầu thế giới về cả số ca nhiễm lẫn số ca tử vong.
Trong khi Tổng thống Trump cho rằng nước Mỹ đã ‘vượt qua khúc quanh’ (turn the corner) về dịch bệnh và cần ‘học cách chung sống với Covid-19’, chiến dịch của ông Biden cho rằng thành tích chống dịch của chính quyền Trump là ‘thất bại thảm hại nhất trong các đời tổng thống Mỹ’.
‘Bị chính trị hóa’
Có mặt tại Little Saigon những ngày này, chúng tôi nhận thấy cuộc sống ở đây dường như đã trở lại bình thường như trước khi có dịch. Dấu hiệu cho thấy dịch bệnh vẫn còn hiện hữu là nhiều người đã đeo khẩu trang nơi công cộng và nhiều cửa tiệm, hàng quán bắt buộc khách phải mang khẩu trang mới cho vào.
Đa số các nhà hàng vùng Little Saigon đã mở cửa cho khách vào ăn bên trong. Tại một quán ăn khuya có tên là Ốc&Lẩu, khách hàng ken đặc không còn một chỗ trống mặc dù các bàn được ngăn cách với nhau bằng tấm màn nhựa và trên mỗi bàn đều có đặt dung dịch sát khuẩn.
Tại một cuộc tuần hành ủng hộ Tổng thống Donald Trump trước Thương xá Phước Lộc Thọ, một số người vẫn không đeo khẩu trang mặc dù khi tuần hành họ giữ khoảng cách với nhau.
Anh Ryan Tăng, một nhân viên chính phủ tham gia tuần hành, nói với chúng tôi anh phải ra xem tình hình trước coi có an toàn không rồi mới cho vợ con tham gia và bản thân gia đình anh chỉ đứng ngoài rìa cuộc tuần hành.
Cũng có mặt trong buổi tập hợp đó, ông Bùi Mạnh Cường, nhà môi giới bất động sản và là tiếng nói bình luận thời sự-chính trị trên các kênh truyền thông địa phương, giải thích với chúng tôi rằng ông lúc nào cũng thủ sẵn khẩu trang nhưng không đeo mà chỉ khi nào ‘bị bắt buộc mới đeo’.
"Tôi thấy vấn đề đeo khẩu trang hay Covid đã bị chính trị hóa", ông Cường phân bua khi tiếp chúng tôi ở văn phòng làm việc của ông. Trong văn phòng có hơn một chục nhân viên và tất cả đều không đeo khẩu trang. "Họ như vậy cả mấy tháng nay rồi mà có cái gì đâu ?" ông nói.
"Covid-19 có hiện hữu nhưng không quá trầm trọng như người ta nói. Ngoài ra những trường hợp không phải Covid mà chết vì bệnh này bệnh kia nhưng các cơ quan y tế lợi dụng cơ hội để làm tiền chính phủ", ông nói thêm.
Ông nói việc các bác sĩ Mỹ, lâu nay có tiếng là có lương tâm và trung thực, có hành động như vậy là ông ‘nghe lại từ những người quen biết làm trong nhà thương hay con cái làm bác sỹ’.
Ông Cường, hiện đã ngoài 70 tuổi, cho biết ông đã đi ra ngoài tiếp xúc khách hàng, đến nơi đông người, đi du lịch đến tiểu bang khác, tụ tập bạn bè ăn uống ở nhà với hàng chục người cũng ‘gần cả tháng nay rồi’.
‘Sẽ hết sau bầu cử’
"Nếu không có cuộc bầu cử này thì vấn đề Covid nó không có lớn như vậy", ông nhận định và tiên đoán ‘Covid sẽ xẹp dần sau ngày bầu cử’.
Khi được hỏi về cảnh báo của các nhà khoa học Mỹ rằng nước Mỹ sẽ thấy dịch bệnh tăng cao trở lại trong thời gian tới, ông cho rằng ‘các nhà khoa học có trách nhiệm nên thường phải nói nhiều hơn thực tế’.
"Các vị ấy ngồi bàn giấy nói về các con số thống kê nhưng Tổng thống Trump đã nói là tin giả rất nhiều vì lý do tiền bạc, quyền lợi của các cơ sở đó", ông giải thích.
Một dẫn chứng ông đưa ra để chứng minh ‘Covid không nghiêm trọng’ là bản thân Tổng thống Trump bị nhiễm bệnh ‘chỉ có 2-3 ngày thôi đã ra viện’,
"Nếu chữa trị tốt và đúng lúc thì không có vấn đề gì", nhà môi giới nhà đất này nói và dẫn chứng thêm trong nhóm bạn bè của ông đi cắm trại chung cách nay một tháng có ‘vài người bị dương tính nhưng sau vài ba ngày đều khỏi hết’.
Cảnh báo bằng tiếng Việt về các triệu chứng Covid trước một bệnh viện trong vùng Little Saigon
Ông Cường cho biết ông lo về thiệt hại kinh tế của việc đóng cửa chống dịch. "Các cơ sở kinh doanh xung quanh vùng Little Saigon đã mất khoảng 60-70% thu nhập", ông nói.
Mặc dù nhìn nhận với tư cách là tổng thống, ông Trump phải có trách nhiệm về việc kiểm soát dịch bệnh ở Mỹ nhưng ông Cường lập luận : "Trách nhiệm đó có phải là lỗi của ông ấy hay lỗi của người khác ?"
"Tổng thống Trump ngoài trách nhiệm về Covid còn có trách nhiệm mở cửa nền kinh tế, có như vậy thì người dân mới không phụ thuộc vào trợ cấp của chính phủ", ông phân tích và cho rằng sức khỏe người dân và nền kinh tế ‘nên được ưu tiên ngang nhau’.
Ông biện hộ cho kết quả chống dịch của ông Trump so với những nước sát Trung Quốc như Nhật Bản, Hàn Quốc hay Việt Nam là ‘những nước đó nói gì thì người dân phải nghe, chứ ở Mỹ bảo người ta đeo khẩu trang người ta không đeo anh làm gì được ?’.
Về việc ông Trump bị cáo buộc là đã che giấu mức độ nghiêm trọng của dịch bệnh với người dân Mỹ, ông Cường nói ‘ai ở trong cương vị ông Trump cũng phải làm thế nào để trấn an người dân’ nhưng cho rằng ‘không nên che giấu như Tập Cận Bình mà phải nói ra một phần nào đó’.
Ông Cường nói dựa vào những gì ông theo dõi ông Joe Biden nhiều năm qua, ông ‘không tin vào kế hoạch chống dịch của ông Biden’. Thay vào đó, ông nói nếu có vaccine vào đầu năm sau thì dịch sẽ kiểm soát được.
Mặc dù ông Biden có hứa là nếu đắc cử, ông sẽ yêu cầu người dân đeo khẩu trang nơi công cộng, ông Cường cho rằng ông Biden ‘không thể bắt buộc vấn đề này’.
"Đeo khẩu trang có hại cho sức khỏe, những người lớn tuổi như tôi khó thở", ông phân trần. "Khẩu trang không phải là cách thực tế chống dịch mà phải là vaccine".
‘Sống không bằng chết’
Chúng tôi đã tìm đến ông Ngô Bá Định, một bác sĩ chuyên Nội khoa tại Orange Coast Medical Center, để tìm hiểu về dịch bệnh có thật sự nghiêm trọng hay không. Bác sĩ Định là người trực tiếp chữa trị các bệnh nhân Covid-19 và bản thân ông cũng bị nhiễm virus corona nhưng sau khi được chữa trị đã bình phục.
Bác sĩ Định cho biết kể từ khi bang California mở cửa nền kinh tế, số bệnh nhân gốc Việt trong vùng nhập viện vì Covid-19 ‘tăng nhanh so với người gốc Mexico’.
Ngay trước bệnh viện Orange Coast, nơi ông Định làm việc, là một tấm bảng bằng cả ba thứ tiếng Anh, Việt và Tây Ban Nha cảnh báo những triệu chứng nhiễm Covid-19.
"Với tư cách là một bác sĩ và là một bệnh nhân đã nhiễm Covid-19, tôi không cho là nó đã bớt nguy hiểm", ông nói và dẫn ra số liệu trong ngày hôm đó nước Mỹ đã có 70-80 ngàn người nhiễm với hơn 1.000 ca tử vong.
Ông dự báo với số người nhiễm tăng vọt như vậy thì ‘trong 4-6 tuần nữa số ca tử vong sẽ tăng lên’. Do đó, ông cho rằng tuyên bố của Tổng thống Trump rằng ‘nước Mỹ đã vượt qua khúc quanh về dịch bệnh’ là ‘hoàn toàn sai trên cả số liệu và khoa học’.
Vị bác sĩ này đã kể lại cho chúng tôi những câu chuyện mà ông cam đoan là "mắt thấy tai nghe" để chứng minh là Covid-19 là có thật và nghiêm trọng. "Người sắp tắt thở vì Covid nhìn khó mà quên được. Có một bác gái tôi đưa cho điện thoại để nói chuyện qua FaceTime với chồng con mà nói cũng không được chỉ thở mà thôi", ông cho biết.
Bác sĩ Định cũng kể lại cảm giác khi ông đang nằm điều trị vì Covid-19 : "Tôi nghĩ đến số người chết, lúc đó chỉ có mấy chục ngàn người. Tôi biết sẽ có 200, 300, 400 người sẽ chết. Lúc đó tôi đã khóc".
Ông nói lúc đó ông chỉ có lấy ngón tay nhấn điện thoại để nhắn tin ‘mà cũng không nổi’. Ông muốn nói chuyện với vợ con qua FaceTime mà ‘cũng mệt vô cùng’. Ông không còn thiết ăn thiết uống, ngồi dậy cũng mệt, chỉ muốn nằm và ‘đấu tranh để thở’, ông kể.
"Lúc đó tôi mới biết cảm giác sống không bằng chết", ông nói và cho biết khi chữa trị cho bệnh nhân ông đã mặc ba lớp đồ bảo hộ mà vẫn bị lây nhiễm virus.
Bác sĩ Định cho biết "có nhiều bác đến hỏi các bác sĩ chúng tôi ‘cái này không có thật phải không bác sỹ, chỉ vì chính trị mà họ làm lớn chuyện lên thôi phải không ?’". "Chúng tôi nghe mà muốn điên lên được", ông bức xúc.
"Chúng ta đang ở giữa đại dịch còn kinh khủng hơn Chiến tranh thế giới thứ Ba. Chiến tranh còn có bom đạn, máu đổ đầu rơi chứ đại dịch giết người một cách thầm lặng, chết trong cô đơn buồn tủi không được nắm tay người thân giã từ lần cuối", ông Định cảnh tỉnh.
‘Số chết nhiều hơn thực tế’
Ông Định nói ông thông cảm với một số người Việt coi trọng việc đi làm kiếm tiền nhưng ông cho rằng tính mạng, sức khỏe phải cần được ưu tiên trước hết rồi mới đến kinh tế và rằng dù có phải phong tỏa để chống dịch đi nữa thì ‘ở nước Mỹ không ai chết đói’.
Vị bác sĩ này phản bác cáo buộc bác sĩ Mỹ thổi phồng số bệnh nhân Covid để trục lợi. Theo lời ông thì để chứng nhận một bệnh nhân chết vì Covid-19 ‘phải qua nhiều tầng’ là bác sĩ điều trị, nhà thương (nếu gian dối có thể bị phạt cả chục triệu đô la), quan chức y tế công cộng (phải điều tra hồ sơ rồi mới xuất giấy chứng tử) và Trung tâm Ngăn ngừa kiểm soát Dịch bệnh (CDC). "Phải có xét nghiệm dương tính, phải lên máy thở và được chữa trị bằng thuốc remdisivir thì mới được chứng nhận là chết vì Covid", ông cho biết.
Covid không trực tiếp gây ra cái chết ở những người thường đã có bệnh nền mà khiến bệnh của họ thêm trầm trọng dẫn đến tử vong, ông giải thích. Thậm chí, ông còn dẫn thống kê của CDC, các Đại học Yale và John Hopkins cho rằng ‘con số tử vong của Mỹ là thấp hơn thực tế’.
"Trong 9 tháng đầu năm số người chết nhiều hơn năm ngoái là 300 ngàn người, nếu trừ số người chết vì Covid thì còn 60 ngàn người nữa chết vì đâu trong khi đâu có động đất hay chiến tranh gì đâu", ông nghi vấn. "Có những người chết mà chưa được xét nghiệm, hoặc chưa kịp đến nhà thương".
Do đó, ông kêu gọi cộng đồng gốc Việt ở Little Saigon tuân thủ giãn cách xã hội và đeo khẩu trang, nghe theo khoa học, tôn trọng các nhân viên y tế ở tuyến đầu chống dịch chứ không phải lên án, chửi bới, công kích họ.
Ông khuyên mọi người ‘lúc nào cũng nghĩ rằng mình có thể phát tán virus cho người thân nên phải tuân thủ khuyến cáo càng nhiều càng tốt’. Ông lập luận rằng không thể cho rằng các biện pháp phòng ngừa đó là ‘lấy đi tự do cá nhân’ và so sánh việc đeo khẩu trang như lái xe phải bắt buộc thắt dây an toàn.
‘Không thể ở trong nhà’
Tuy nhiên, cô Kim Trương, chủ tiệm làm tóc Bolsa Salon ở thành phố Westminster, không cho rằng đeo khẩu trang sẽ có tác dụng chống dịch.
"Nếu khẩu trang có hiệu quả thì tại sao phải giãn cách, nếu giãn cách có hiệu quả thì tại sao cần phong tỏa ?" cô lập luận với chúng tôi khi đang hớt tóc cho khách ngay tại tiệm của cô. Cả cô và khách hàng đều không đeo khẩu trang.
Cô Kim Trương nói cô không bao giờ tin vào khẩu trang
Theo lời cô thì có đến 99% khách của cô là khách hàng quen nên không thắc mắc việc cô không đeo khẩu trang khi làm việc. "Nếu khách nào muốn đeo và muốn mình đeo thì mình vẫn đeo thôi", cô nói.
Khi được hỏi có lo ngại sẽ lây bệnh cho những người xung quanh hay không nếu nhiễm bệnh mà không có triệu chứng, cô Kim nói : "Mỗi buổi sáng tôi test bằng cách nín thở 10 giây nếu thấy không bị khạc ra một cái là OK. Tại vì nếu mình bị nhiễm thì sẽ có cái gì đó mình phải biết".
Cô kể lại buổi đón tiếp Tổng thống Trump đến California mà cô có mặt là ‘ông Trump không đeo khẩu trang, cả đám đông cũng không ai đeo khẩu trang vì chúng tôi không tin tưởng cái đó’. "Không có luật nào bắt chúng tôi phải đeo khẩu trang hết", cô nhấn mạnh.
Theo lời cô thì những người xung quanh cô ‘không nghe nói có ai nhiễm bệnh gì hết’.
"Dịch bệnh gần 6 tháng rồi, tháng đầu mọi người cũng sợ nên ở trong nhà, những tháng sau mọi người đã ùa ra đường bình thường rồi. Bây giờ chỉ có người già là còn trong nhà mà thôi", cô cho biết. Giống ông Cường, cô Kim cho rằng ‘dịch bệnh bị làm lớn chuyện vì mục đích chính trị trong năm bầu cử’.
Cô không cho rằng Tổng thống Trump đã xem nhẹ dịch bệnh vì theo cô, bệnh này ‘rất nhẹ’ và ‘đến giờ tôi vẫn thấy như là cúm mùa thôi mà’. "Tháng nào năm nào cũng có người bị cúm mà", cô phân trần.
Chính quyền tiểu bang California của Đảng Dân chủ đã hai lần đóng cửa tiểu bang để chống dịch. Cô Kim phản đối quyết liệt việc này và cho rằng đó là ‘trò chính trị’ của Đảng Dân chủ ‘làm kinh tế đi xuống để đổ lỗi cho ông Trump’. Cô nói rằng nếu tiểu bang phong tỏa lần nữa thì cô sẽ ‘bất tuân’ vì ‘không có luật nào cấm người ta mở cửa làm ăn hết’.
Cũng giống như nhiều người Việt khác, cô Kim có tiền dành dụm nên vẫn có thể sống được trong mấy tháng phong tỏa, cô cho biết. Lý do cô phản đối phong tỏa là vì ‘muốn ra ngoài để trở lại cuộc sống bình thường’, cô nói.
"Ở trong nhà như ở tù. Ngày nào cũng ở nhà 24 tiếng sao tôi chịu nổi", cô bức xúc. "Tôi không được đi gym, không tụ tập với bạn bè, không đi hát karaoke được".
Theo lập luận của cô Kim thì việc phong tỏa không hiệu quả, vì ‘nếu hiệu quả thì đã hết bệnh rồi’. Cô nói cô cần mở cửa để có tiền trả tiền thuê mặt bằng, vốn đã được cho hoãn mấy tháng nay.
"Khổ nhất là những người tiểu thương như chúng tôi, tôi đã mất đi 50-70% thu nhập", cô nói thêm và cho biết cô đang trông chờ gói cứu trợ tiểu thương thứ hai của chính quyền.
Là một ủng hộ viên nhiệt thành của ông Trump, cô Kim đánh giá cao cách chống dịch của ông. Cô dẫn chứng là việc ông Trump ‘ngày nào cũng họp báo, nói khô nước miếng để thông báo tình hình cho người dân’.
"Nếu ông ấy giấu dịch, không lo cho dân thì tại sao ra đường tôi thấy ai cũng tung hô Trump hết vậy ?"
Ngoài việc làm tóc, trong mùa bầu cử, cô Kim còn bán mũ nón, cờ, biểu ngữ ủng hộ ông Trump. Cô khoe với chúng tôi chiếc áo dài ủng hộ Trump mà cô đặt may ở Việt Nam. Cô bày tỏ tin tưởng dịch bệnh sẽ qua một khi vaccine có sớm vào cuối năm nay.
"Cả thế giới bị dịch chứ không riêng gì nước Mỹ thì làm sao có thể đổ lỗi cho ông Trump được", người chủ tiệm tóc này lập luận và cho rằng dưới ông Trump còn có cả một ban bệ chống dịch ‘nên đâu phải một mình tổng thống quyết định hết được’.
Cô bày tỏ nghi ngờ các bác sĩ ở Mỹ khai khống các bệnh khác là chết vì Covid trong khi ở Việt Nam có chết vì Covid thì ‘họ cũng giấu chứ đâu có khai đủ’. "Tại sao Mỹ xa vậy mà bị nặng còn các nước gần Trung Quốc lại bị nhẹ ? Thật vô lý", cô bức xúc.
Cô Kim nói cô dùng trái tim đánh giá nên ‘cảm’ được Tổng thống Trump ‘là người có tâm, có đức, thương dân, yêu nước Mỹ’ nên cô hết lòng ủng hộ.
"Tôi đã ở đây hai mươi mấy năm chưa bao giờ đi bầu hết. Năm này tôi đi bầu và tổ chức tuần hành cho ông Trump. Tôi muốn ông ấy ở thêm bốn năm nữa vì ông ấy đã đi vào guồng rồi", cô bày tỏ.
‘Vô trách nhiệm’
Bác sĩ Ngô Bá Định (phải) từng thoát chết từ Covid-19
Trái với cô Kim Trương, bác sĩ Ngô Bá Định chỉ trích mạnh mẽ cách chính quyền Trump đối phó dịch bệnh mà ông gọi là ‘vô trách nhiệm’.
"Con số người chết không thể nói dối được. Mỹ chỉ chiếm 4,25% dân số thế giới nhưng chiếm đến 22-23% tỷ lệ tử vong", ông chỉ ra và nói thêm rằng nếu tính theo tỷ lệ người chết thì Mỹ có 700 trên 1 triệu người so với chỉ 11 người của Nhật Bản.
Ông lên án ông Trump đã biết mức độ nguy hiểm của dịch bệnh từ sớm nhưng ‘cố tình giấu nhẹm vì lý do kinh tế, vì thị trường chứng khoán rồi vấn đề bầu cử sắp tới’.
Bác sĩ Định chỉ ra việc ông Trump dù đã từng nhiễm virus corona nhưng vẫn nhiều lần đi vận động tranh cử với đông đảo cử tri và ‘đứng sát bên nhau mà không đeo khẩu trang’.
"Một người lãnh đạo mà dân mình chết mấy trăm ngàn người mà nói rằng ‘it is what it is’ (chuyện thế là phải thế thôi) thì đâu có được", ông bức xúc.
Theo lập luận của ông thì trách nhiệm của tổng thống Mỹ là lo cho dân, không để dân chết nhiều ‘chứ không phải đổ thừa cho Trung Quốc là thủ phạm mà mình không lo cho được’.
Ông Định than phiền Tổng thống Trump đã không tin dùng mà còn công kích bác sĩ Anthony Fauci, Giám đốc Viện Dị ứng và Các bệnh Truyền nhiễm, người có 35 năm kinh nghiệm đánh đại dịch.
"Tổng thống Trump đã không bảo vệ được bản thân mình trước Covid thì liệu ông có thể bảo vệ cho người dân Hoa Kỳ trước Covid được không", ông Định nói, ý nhắc đến việc ông Trump và phu nhân của ông đều bị nhiễm loại virus này.
Một hành động khác của ông Trump là ông Định bức xúc là sau khi khỏi bệnh, trong cuộc họp báo ở Nhà Trắng, ông Trump còn kéo khẩu trang xuống để kêu gọi ‘mọi người đừng có sợ’.
"Đáng lẽ ông ấy phải học được bài học là phải tiếp tục giãn cách xã hội, phải đeo khẩu trang chứ", ông Định. "Lẽ ra ông ấy phải làm tấm gương cho người dân".
Ông Định cũng không đồng ý việc ông Trump kêu gọi ‘sống chung với đại dịch’. "Đại dịch là kẻ sát nhân không thể nào sống chung được mà phải chiến đấu với nó, tiêu diệt nó. Sống với nó là miễn dịch bầy đàn, tức là phải có 60-70% dân có kháng thể. Được như vậy là phải chết mười mấy triệu người".
Vị bác sĩ này cũng cho rằng ông Trump không học được từ kinh nghiệm chống dịch cúm lợn
H1N1 của chính quyền Barack Obama hồi năm 2009. "Tổng thống Obama có thành lập ban đặc nhiệm phòng chống đại dịch nhưng sau khi lên ông Trump lại dẹp bỏ", ông chỉ ra.
Về việc nghiên cứu và chế tạo vaccine, ông nói rằng không phải tuân theo ý muốn chính trị của tổng thống Trump được. "Chín hãng dược đã đoàn kết lại để không bị chính quyền áp lực mà chính trị hóa việc sản xuất vaccine", ông cho biết.
Ngọc Lễ
Nguồn : VOA, 02/11/2020
Người Mỹ gốc Hoa ủng hộ ông Biden, người Mỹ gốc Việt ủng hộ ông Trump
VOA, 24/10/2020
Một cuộc thăm dò mới đây cho thấy tất cả các nhóm người Mỹ gốc Châu Á được hỏi ý dự trù bỏ phiếu cho ông Joe Biden, ngoại trừ người Mỹ gốc Việt.
Người Mỹ gốc Châu Á biểu tình ủng hộ phong trào "Black Lives Matter" tại Washington D.C.
Cuộc "Thăm dò Cử tri Châu Á 2020", do AAPI Data thực hiện dựa vào những cuộc phỏng vấn điện thoại từ ngày 15/7 đến ngày 10/9 trên 1.569 cử tri đã đăng ký tự nhận là người Mỹ gốc Á. Các nhóm trong cuộc thăm dò bao gồm người Mỹ gốc Á, gốc Ấn Độ, Trung Quốc, Philippines, Nhật, Triều Tiên và Việt Nam.
Hiểu được lập trường của những nhóm này đối với các ứng cử viên là quan trọng trong lúc người Mỹ gốc Á là nhóm thiểu số gia tăng nhanh nhất tại Mỹ và tại một vài tiểu bang tranh chấp như Arizona, Pensylvania và North Carolina, họ hợp thành một số đông quan trọng.
Họ cũng sẽ đóng một vai trò trong các cuộc bầu cử Quốc hội tại Texas, New Jersey và California. California là tiểu bang mà họ chiếm 10% số cử tri đăng ký.
Khi được hỏi "Nếu cuộc bầu cử diễn ra ngày hôm nay, bạn sẽ bỏ phiếu cho… ?" 56% người Mỹ gốc Hoa chọn ông Joe Biden, 20% chọn ông Donald Trump, 23% chọn "Không biết", và 1% chọn "một ứng cử viên khác.
Đa số người gốc Ấn (65%), Philippines (52%), Nhật (61%) Triều Tiên (57%) và những người Mỹ gốc Châu Á khác (54%) chọn ông Biden.
Ngoại lệ là người Mỹ gốc Việt. Chỉ có 36% ủng hộ ông Biden và 48% chọn ông Trump, với 0% chọn "ứng cử viên khác" và 16% trả lời "Không biết".
Với các cuộc bầu cử Thượng viện và Hạ viện cũng tương tự : tất cả các nhóm ủng hộ ứng cử viên Dân chủ, trừ người Mỹ gốc Việt.
Gần một nửa những người được thăm dò, 48%, bày tỏ quan ngại về sự can thiệp vào cuộc bầu cử, trong khi một nửa nói họ lo ngại về sự an toàn khi đi bầu trực tiếp giữa đại dịch Covid xuất xứ từ Vũ Hán.
Vì lo ngại Covid, 54% cho biết thích bỏ phiếu qua bưu điện hay bỏ phiếu vắng mặt so với 26% muốn đích thân bỏ phiếu ngày 3/11.
Người Mỹ gốc Đài Loan không bao gồm trong cuộc thăm dò, có thể vì "Người Đài Loan" chưa được liệt kê vào một mục riêng trong Kiểm tra Dân số Mỹ. Do đó khó thăm dò số đông người Mỹ gốc Đài Loan.
(AAPI DATA/Taiwan News)
**********************
Về xây dựng văn hóa tranh luận
Phạm Phú Khải, VOA, 23/10/2020
Chủ Nhật 18 tháng 10 vừa qua, chương trình tranh luận cuối cùng của chuỗi tranh luận dài 3 kỳ, do luật sư Trần Kiều Ngọc tổ chức, đã kết thúc [*].
Luật sư Trần Kiều Ngọ trả lời phỏng vấn / VATV 19/04/2019 - Ảnh minh họa
Điều ngạc nhiên là tất cả các thành viên của hai đội, tuy tranh luận rất hăng say và nhiệt huyết trong khi tranh luận xảy ra, nhưng sau khi kết quả công bố thì ai cũng cảm thấy hài lòng với tinh thần tương kính thể hiện cho nhau. Các thành viên tranh luận cho biết họ học hỏi được nhau qua quan điểm của phía bên kia, và cũng công nhận là có những góc nhìn họ không nhìn ra trong lúc chuẩn bị và trình bày biện luận của mình.
Nhân cơ hội này, tôi đã liên lạc với luật sư Trần Kiều Ngọc để tìm hiểu thêm suy nghĩ và tâm tư của cô trước, trong và sau 3 buổi tranh luận này.
-------------------
Phạm Phú Khải : Trong ba tuần qua, Kiều Ngọc đã bỏ nhiều công sức để tổ chức các buổi tranh luận này. Giờ thì đã xong. Kiều Ngọc cảm thấy công sức của mình bỏ ra có đáng không ? Tại sao ?
Trần Kiều Ngọc : Cảm ơn anh đã cho Kiều Ngọc có cơ hội để chia sẻ về cuộc thi tranh luận này. Thưa anh, việc chuẩn bị cho một chương trình thi tranh luận online như thế này quả là rất khác với cách tổ chức "live" ngoài đời mà Kiều Ngọc đã từng làm qua. Đặc biệt vì đây là lần đầu tiên, nên thời gian chuẩn bị kỹ thuật, cách thức thi như thế nào cũng đòi hỏi Kiều Ngọc bỏ ra khá nhiều thì giờ nghiên cứu và phối hợp cùng các vị trong ban giám khảo và thành viên của hai đội. Thời gian cam kết liên lỉ suốt 6 tuần trời kể từ khi chuẩn bị cho đến kết thúc cũng hơi căng và mệt mỏi. Tuy nhiên, kết quả đạt được thì Kiều Ngọc cảm thấy rất vui mừng và xứng đáng.
Phạm Phú Khải : Kiều Ngọc chắc có vài mục tiêu khi tổ chức các tranh luận này. Nhưng mục tiêu quan trọng nhất của Kiều Ngọc là gì ? Và Kiều Ngọc có nghĩ mình đã đạt được nó không ?
Trần Kiều Ngọc : Dạ vâng. Khi nhận thấy những tháng gần đây, người Việt khắp nơi bị chia rẽ trầm trọng về cuộc bầu cử Mỹ, khiến Kiều Ngọc rất quan tâm và e ngại. Điều quan trọng mà Kiều Ngọc mong muốn là làm sao có thể góp phần vào việc giúp người Việt chúng ta, nhất là các bạn trẻ trong nước, làm quen với những sinh hoạt dân chủ. Giúp họ gần gũi với văn hóa tranh luận và tư duy phản biện trong tinh thần tôn trọng lẫn nhau. Khi chúng ta theo dõi ba cuộc thi và đặc biệt là vòng 3, người xem có thể cảm nhận các cuộc tranh luận được diễn ra rất sôi nổi mà vẫn giữ được sự ôn hòa. Các thành viên đều thể hiện tinh thần tôn trọng luật chơi và những quan điểm khác mình.
Phạm Phú Khải : Phản ứng của các tham dự viên tranh luận của hai đội như thế nào về 3 buổi tranh luận ? Và về kết quả khi được Ban Giám Khảo công bố ?
Trần Kiều Ngọc : Ngay sau khi kết quả được công bố thì cả hai đội đều có đại diện chia sẻ cảm tưởng của mình. Cả hai đội đã bày tỏ sự hài lòng và công bằng của kết quả của Ban Giám khảo. Cả hai đội có chia sẻ lời cảm ơn đến Ban tổ chức đã tạo cơ hội cho các thành viên học hỏi cũng như được trình bày quan điểm của mình một cách thẳng thắn. Các thành viên tham dự cũng đặc biệt khen ngợi chương trình đã được tổ chức một cách công tâm và chuyên nghiệp.
Phạm Phú Khải : Ban Giám Khảo có những cảm nghĩ hay chia sẻ nào đáng nhớ trong 3 buổi tranh luận này, thưa Kiều Ngọc ?
Trần Kiều Ngọc : Thưa anh, Kiều Ngọc nhận thấy có ba điểm mà trong cả ba cuộc thi tranh luận, Ban giám khảo thường hay nhấn mạnh. Điểm thứ nhất mà Ban giám khảo hay nhắc đến và khuyến khích hai đội là việc nghiên cứu kỹ lưỡng những nguồn khả tín để các lập luận của họ đem lại tính thuyết phục cao hơn. Kế đến là Ban giám khảo hay dò xét và đưa ra những nhận định liên quan đến tinh thần làm việc nhóm của hai đội. Đặc biệt điểm thứ ba, là Ban giám khảo luôn đề cao và khen ngợi tinh thần tranh luận ôn hòa của các thành viên tham gia.
Phạm Phú Khải : Số người theo dõi 3 buổi tranh luận này, tựu chung họ có hài lòng với tinh thần tranh luận hay cách tổ chức này không Kiều Ngọc ?
Trần Kiều Ngọc : Lướt qua các bình luận một cách tổng quát thì Kiều Ngọc nhận thấy, ngoài vô số các lời bình về nội dung tranh luận, thì người theo dõi có những góp ý như : "Một chương trình hay đáng xem", "một live show rất dễ thương" hay "... Hy vọng Ban tổ chức sẽ tiếp tục có những chương trình hữu ích như vậy trong trương lai". Như vậy, thì Kiều Ngọc nghĩ rằng, phần đông người xem cảm thấy rất hài lòng với tinh thần tranh luận và cách thức tổ chức.
Phạm Phú Khải : Trước khi tổ chức, được biết có người khuyên Kiều Ngọc không nên thực hiện vì người Việt chưa sẵn sàng tranh luận, mà chỉ "giỏi" tranh cãi. Nhưng Kiều Ngọc vẫn thực hiện. Vậy trong thời gian tổ chức và sau khi đã tổ chức xong, Kiều Ngọc có nghĩ rằng quyết định thực hiện của mình là đúng và cần thiết không ?
Trần Kiều Ngọc : Dạ đúng thế. Có một số người khuyên Kiều Ngọc không nên lý tưởng hóa về tinh thần tranh luận của người Việt. Vì không khéo, cuộc thi tranh luận sẽ trở thành một "bãi chiến trường" không những không đạt được kết quả gì mà còn gây thêm sự chia rẽ hơn nữa. Nhưng trong suốt thời gian tổ chức và ngay cho đến giờ phút này, Kiều Ngọc vẫn cảm thấy quyết định thực hiện chương trình là rất cần thiết và đúng đắn. Với Kiều Ngọc, cho dù bản thân có thôi đặt niềm tin ở chính mình đi chăng nữa thì Kiều Ngọc vẫn sẽ không bao giờ ngưng hết hy vọng vào con người. Đặc biệt là con người Việt Nam, dù chúng ta có nằm trong bất cứ hoàn cảnh tốt xấu nào đi chăng nữa. Chính niềm tin và hy vọng cho tương lai Việt Nam, đã giúp cho Kiều Ngọc tự tin với mọi dự định và con đường mình chọn.
Phạm Phú Khải : Kiều Ngọc có dự tính tiếp tục các chương trình tranh luận như thế trong tương lai gần không ? Hay các chương trình với nội dung và hình thức khác ?
Trần Kiều Ngọc :Dạ thưa chắc chắn là có ạ. Cuộc thi tranh luận về chính trị Mỹ là sự khởi điểm cho mục tiêu lâu dài. Kiều Ngọc mong muốn tiếp tục tạo ra những sinh hoạt nhân văn, thể hiện và đề cao tinh thần tôn trọng sự khác biệt và tư duy phản biện trong cộng đồng chúng ta. Dự tính trong tương lai, Kiều Ngọc sẽ tổ chức thêm những cuộc thi tương tự về nhiều đề tài khác nhau như giáo dục, chính trị và văn hóa Việt.
Phạm Phú Khải : Kiều Ngọc có điều gì muốn nhắn gửi đến các tranh luận viên, ban giám khảo và những người theo dõi chương trình này trong những tuần qua ?
Trần Kiều Ngọc :Kiều Ngọc rất biết ơn đến các thành viên đã nhận lời tham gia chương trình. Chương trình đã không thể nào thành công nếu như không có các bạn tự nguyện cống hiến thời gian, công sức, tận tụy tham gia tích cực ngay từ những ngày đầu. Đây là điều khiến Kiều Ngọc cảm động và vui mừng nhất.
Riêng Ban giám khảo thì Kiều Ngọc luôn cảm kích tinh thần hy sinh phục vụ của bốn vị. Từ cựu đại sứ Ấn Độ, Ashok Sajjanhar, tài tử Emily Marie Palmer, trạng sư Edward Stratton-Smith cho đến luật sư Nguyễn Văn Thân, họ đều là những người có lý tưởng phục vụ và luôn hỗ trợ cho những hoạt động hữu ích trong xã hội. Đặc biệt lần này, ba vị giám khảo ngoại quốc rất quý mến cộng đồng người Việt, khiến Kiều Ngọc rất vui và lấy làm hãnh diện. Với tinh thần toàn cầu và rộng mở, Kiều Ngọc cũng mong muốn được cống hiến trong khả năng có thể đến các cộng đồng sắc tộc khác, như là cách người ngoại quốc đã đối xử tử tế với người Việt chúng ta.
Sau cùng thì Kiều Ngọc xin cảm ơn đến tất cả những người đã theo dõi chương trình. Nhờ cô anh chị em quan tâm và theo dõi chương trình đều đặn, đã tạo thêm động lực cho Ban tổ chức, các thành viên tham gia và ban giám khảo nhận thấy việc làm của mình thêm phần ý nghĩa và chính đáng để thực hiện. Xin anh chị em giúp phổ biến chương trình này thật rộng rãi, để tinh thần tranh luận tích cực trong cộng đồng chúng ta được lan tỏa khắp nơi. Kiều Ngọc xin chân thành cảm ơn.
Phạm Phú Khải : Cảm ơn Kiều Ngọc đã dành cho cuộc trò chuyện ngắn này.
Trần Kiều Ngọc : Xin cảm ơn anh và quý độc giả của VOA đã cho Kiều Ngọc cơ hội chia sẻ những điều trên và xin kính chúc tất cả nhiều sức khỏe và bình an.
Phạm Phú Khải
Nguồn : VOA, 23/10/2020
Tài liệu tham khảo :
(*) Chương trình thi tranh luận về cuộc bầu cử TT Mỹ 2020.
Quý bạn đọc muốn tìm hiểu về cuộc tranh luận vừa qua, hoặc theo dõi ba cuộc tranh luận, có thể vàoFacebook của cô Kiều Ngọc hoặc Youtube để biết thêm.
Chủ đề 1 vào ngày 27/0 /2020 : "Chính quyền Trump có thể ngăn chặn sự trỗi dậy của Trung Quốc" (US Politics Debate 1 - Motion : The Trump administration can contain the rise of China)
Chủ đề 2 vào ngày 4/10/2020 : "Tổng thống Trump đã làm cho nước Mỹ vĩ đại trở lại trong nhiệm kỳ đầu, như đã hứa" (President Trump has made America great again in his first term, as promised)
Chủ đề 3 vào ngày 18/10/2020 : "Chính sách Đối ngoại của Đảng Cộng hòa đã củng cố sức mạnh quốc gia và lãnh đạo ngoài nước" (The Republican Policy has strengthened home front and led abroad.
*********************
Biden nói với người gốc Việt : Sẽ chống đại dịch, giúp tiểu thương, bảo vệ Obamacare
VOA, 23/10/2020
Trong một thông điệp vừa được gửi đến cộng đồng người Mỹ gốc Việt, ứng cử viên tổng thống của đảng Dân chủ Joe Biden khẳng định nếu được bầu làm lãnh đạo Nhà Trắng, ông sẽ tăng cường đối phó với đại dịch Covid-19, trợ giúp cho giới tiểu thương, cũng như bảo vệ và cải thiện chương trình Obamacare.
Ứng cử viên tổng thống Mỹ Joe Biden thuộc đảng Dân chủ tại phiên tranh luận hôm 22/10/2020
Ban vận động của ông Joe Biden xác nhận với VOA rằng bức thông điệp tới cộng đồng gồm 2 triệu người Mỹ gốc Việt được gửi ra hôm 21/10. Trang Việt Báo ở Mỹ đăng toàn văn thông điệp trong cùng ngày.
Trong phần đầu thông điệp, ông Joe Biden, một cựu thượng nghị sĩ trong nhiều thập kỷ và từng là phó thổng thống từ năm 2009 đến đầu năm 2017, tuyên bố ông "rất hãnh diện đã ủng hộ" đạo luật lịch sử mang 130.000 người tị nạn đầu tiên từ các nước Việt Nam, Lào, và Campuchia đến Hoa Kỳ vào năm 1975, và ông cũng "đã thông qua nghị quyết chào đón họ".
Ông Biden cho biết thêm ông đã bỏ phiếu chấp thuận gia tăng ngân quỹ để giúp những người Việt mới đến định cư và về sau ông đã đồng bảo trợ cho đạo luật dẫn đến sự hình thành của hệ thống di trú theo quy chế tị nạn hiện hành.
Theo quan sát của VOA, trong nhiều tháng gần đây, trên mạng xã hội lan truyền những lời lẽ chưa được kiểm chứng cho rằng ông Biden từng phản đối việc tiếp nhận người tị nạn Việt Nam sau sự kiện 30/4/1975.
Viết tiếp trong bức thông điệp hôm 21/10, ứng cử viên Joe Biden bày tỏ rằng nếu trở thành tổng thống, ông "cam kết sẽ giữ cho nước Mỹ là quốc gia luôn chào đón người tỵ nạn và di dân". Có một điều tương phản là, theo lời ông Biden, Tổng thống đương nhiệm Donald Trump - giờ đây cũng là ứng cử viên tổng thống của đảng Cộng hòa - không hiểu được rằng "sức mạnh phi thường của Hoa Kỳ đến từ xã hội đa dạng và đa sắc tộc".
"Trong 4 năm qua, ông ta đã không ngừng tấn công các cộng đồng di dân và các giá trị nền tảng của Hoa Kỳ, vốn là một quốc gia của người di dân. Ông ta đã quay lưng với tinh thần bảo bọc người tị nạn, giảm tỷ lệ tiếp nhận người tị nạn xuống mức thấp kỷ lục", ông Joe Biden viết.
Không chỉ là cách nhìn trái chiều về di dân, Tổng thống Trump còn đặt ra "những chính sách sai lầm trên mọi mặt", ông Biden tố cáo.
Ứng cử viên của đảng Dân chủ liệt kê ra "4 đại họa đang diễn ra cùng một lúc" mà nước Mỹ phải đối mặt, đó là đại dịch Covid-19, nền kinh tế suy thoái trầm trọng nhất trong một thế kỷ qua, những bất công từ nạn kỳ thị chủng tộc, và thảm họa thiên tai do thay đổi khí hậu đang gia tăng.
"Donald Trump không có một kế hoạch để đối phó với bất kỳ đại họa nào được kể trên. Tôi có", ông Joe Biden quả quyết.
Hôm 22/10, hai ông Trump, Biden có cuộc tranh luận cuối cùng trước bầu cử tổng thống Mỹ
Cựu Phó Tổng thống Mỹ nêu lên tương lai nếu ông trở thành người đứng đầu Nhà Trắng, ông sẽ sẽ tăng cường chính sách đối phó đại dịch, ban hành kế hoạch xét nghiệm, điều trị, và bảo đảm mọi người dân đều có thể dễ dàng nhận được thuốc chủng ngừa Covid-19 miễn phí.
Ông Biden tuyên bố "sẽ mang đến cho giới tiểu thương những trợ giúp thật sự". Ông cho biết ông đã kêu gọi chính quyền phải bảo đảm ngân quỹ trợ giúp cho các doanh nghiệp nhỏ có số nhân viên từ 50 người trở xuống và hội đủ điều kiện, để họ có thể vượt qua cuộc khủng hoảng hiện nay và xây dựng lại tốt đẹp hơn.
Nói thêm về vấn đề này, ông Biden hứa "sẽ gia tăng cơ hội" để giới tiểu thương nhận được tín dụng và nguồn vốn lâu dài, qua chương trình Cơ hội Dành cho Doanh nghiệp Nhỏ, sẽ thu hút 150 tỷ đô la từ các quỹ đầu tư công và tư, đồng thời "gia tăng gấp ba lần con số hợp đồng liên bang" dành cho các doanh nghiệp nhỏ.
Dường như nhắm đến trấn an những người lo lắng rằng nếu ông Biden là tổng thống Mỹ, thuế má sẽ nặng nề hơn, thông điệp của ứng cử viên thuộc đảng Dân chủ có đoạn : "Đã đến lúc giới cực kỳ giàu có và các tập đoàn lớn sẽ phải trả mức thuế hợp lý của họ, và tôi sẽ không đòi hỏi bất cứ ai có thu nhập dưới 400.000 đô la một năm phải trả thêm một xu tiền thuế nào".
Về y tế, cựu Phó Tổng thống Mỹ nói ông sẽ "bảo vệ và cải thiện" đạo luật Chăm sóc Y tế Giá cả Phải chăng, thường được gọi là Obamacare, với mục tiêu là "giúp giảm thiểu chi phí bảo hiểm sức khỏe, tiền khấu trừ y tế, cũng như chi phí thuốc men".
Đối với lĩnh vực giáo dục, ông Biden hứa hẹn "sẽ cung cấp ngân sách gấp ba lần cho các trường học công lập thiếu thốn và miễn học phí đại học công lập cho các gia đình có thu nhập dưới 125.000 đô la một năm".
Trong phần cuối thông điệp, ứng cử viên của đảng Dân chủ cam kết "sẽ khôi phục vai trò lãnh đạo của Hoa Kỳ trong các thể chế khu vực" như Hiệp hội Các Quốc gia Đông Nam Á (ASEAN), và sẽ làm việc với các đối tác của Mỹ "để giải quyết tình trạng bành trướng của Trung Quốc, kể cả ở Biển Đông".
Đề cập đến quê mẹ của những người Mỹ gốc Việt, ông Biden cho biết ông sẽ cải thiện những chính sách quan trọng của chính quyền Obama-Biden đối với Việt Nam, nỗ lực gỡ bỏ bom mìn còn sót lại, giải quyết các tác hại của Chất Da Cam, củng cố an ninh biển, và tranh đấu cho nhân quyền.
VOA nhận thấy ban vận động bầu cử của ông Donald Trump chưa đưa ra tuyên bố đáp trả thông điệp hôm 21/10 của ông Biden.
Tổng thống Trump được nhiều cử tri gốc Việt ủng hộ (ảnh chụp ở St. Petersburg, Florida, 4/10/2020)
Nhưng cách đây ít tuần, trong một cuộc trao đổi ý kiến với phóng viên của VOA, ban vận động của ông Trump cho biết họ đã sớm nhận ra sự ủng hộ to lớn của người Việt đối với vị tổng thống thuộc đảng Cộng hòa và họ đầu tư vào những nỗ lực nhằm giúp củng cố và tăng cường vị thế của ông trong khối cử tri này.
Một quan chức cao cấp của ban vận động cho ông Trump nói với VOA rằng "hàng ngàn tình nguyện viên người Việt" đang nỗ lực vận động cử tri bằng cách giúp họ đăng kí bầu cử, gõ cửa từng nhà và gọi điện thoại.
Ban vận động của ông Trump cũng liên kết ông Biden, người có lập trường chính trị ôn hòa, với các chính trị gia cánh tả nổi bật của Mỹ trong một thông điệp xoáy mạnh vào tâm lý chống chủ nghĩa xã hội nơi nhiều cử tri gốc Việt.
"Joe Biden đang hợp sức với những người theo chủ nghĩa xã hội có tiếng như Thượng Nghị sĩ Bernie Sanders và Dân biểu [Alexandra Ocasio-Cortez] để tạo nên một chủ trương cấp tiến mà sẽ tăng thuế thêm 4 ngàn tỉ đôla, giết chết công ăn việc làm với chính sách Green New Deal viển vông, và đe dọa sự phục hồi kinh tế của chúng ta sau đại dịch", Courtney Parella, phó thư ký báo chí quốc gia của ban vận động cho ông Trump, nói trong một phát biểu gửi cho VOA qua email hồi cuối tháng 9.
"Người Mỹ gốc Việt hiểu rõ những nguy hại của chủ nghĩa xã hội và tầm quan trọng của thương mại tự do, và họ biết rằng Tổng thống Trump là nhà lãnh đạo duy nhất sẽ bảo vệ các quyền tự do của chúng ta và bảo đảm rằng mỗi một người trong chúng ta đều có cơ hội theo đuổi Giấc mơ Mỹ", vị phó thư ký báo chí đưa ra quan điểm với VOA.
Nguồn : VOA, 23/10/2020
Bầu cử Mỹ : Đa số cử tri gốc Việt ủng hộ Trump (RFI, 05/11/2018)
Ngày 06/11/2018, cử tri tại Hoa Kỳ sẽ đi bỏ phiếu trong cuộc bầu cử giữa nhiệm kỳ. Cũng như các cuộc bầu cử khác, lá phiếu của các cộng đồng sắc tộc, tùy theo mỗi địa phương, cũng rất quan trọng. Riêng cộng đồng người Việt thì mức độ tham gia như thế nào, xu hướng bỏ phiếu của họ ra sao, hôm nay chúng ta sẽ cùng tìm hiểu với nhà báo Hà Ngọc Cư ở Houston, Texas.
Bầu cử giữa kỳ sớm tại Norwalk, tiểu bang California, Hoa Kỳ, ngày 24/10/2018. Reuters
Theo nhà báo Hà Ngọc Cư, bầu cử giữa kỳ năm nay rất quan trọng, vì sự thay đổi về số người được bầu trong Hạ, Thượng Viện sẽ làm thay đổi cán cân quyền lực của đảng Cộng Hòa và của tổng thống Donald Trump. Về lá phiếu cử tri người Việt, theo nhà báo Hà Ngọc Cư, có hai vấn đề:
" Thứ nhất, trong cuộc bầu cử vào các chức vụ dân cử địa phương, lá phiếu của người Việt đương nhiên có ảnh hưởng khá lớn, nhất là ở tiểu bang California và Texas. Trong cuộc bầu cử liên bang, số người Việt ở Mỹ chưa tới 3 triệu, tức là chưa tới 1% dân số Mỹ. Số người có thể đi bầu, tức là có quốc tịch Mỹ, là chưa tới một nữa của 1% đó".
Trong cộng đồng người Việt, năm nay có nhiều người hăng hái ra tranh cử vào các chức vụ công quyền ở Orange County (Quận Cam), miền nam bang California và đây là điều khiến truyền thông Hoa Kỳ chú ý. Nhật báo Los Angeles Times ngày 21/10 ngạc nhiên ghi nhận có đến 24 người gốc Việt tranh cử ở Orange County và không có gì là bất ngờ lắm : hơn phân nữa, tức là 13 trong số 24 ứng cử viên gốc Việt đó là mang họ Nguyễn, một trong những họ phổ biến nhất của dân Việt Nam.
Phong trào người Việt ra tranh cử dường như bắt đầu từ năm 1992, khi nghị viên thành phố Westminster Tony Lâm trở thành người sinh ra ở Việt Nam đầu tiên đắc cử ở Hoa Kỳ. Theo tờ Los Angeles Times, các ứng cử viên gốc Việt chủ yếu tập trung ở các khu vực Fountain Valley, Garden Grove, và Westminster, tức những thành phố làm nên khu vực gọi là Little Saigon. Cư dân gốc Việt ra tranh những chức vụ quan trọng trong hội đồng thành phố hay nghị viên tiểu bang, cũng như tranh cử vào những chức vụ thấp hơn như như ủy viên giáo dục,...
Trong số 24 ứng cử viên Mỹ gốc Việt tại Quận Cam, thượng nghị sĩ tiểu bang Janet Nguyễn là một chính khách kỳ cựu, tham gia tranh cử lần thứ 9 trong cuộc bầu cử ngày mai. Nói với tờ Times, bà Janet Nguyễn tỏ ra không quá ngạc nhiên về mức độ tham gia chính trị trong cộng đồng mình. Theo thượng nghị sĩ Janet Nguyen, vốn là những người tị nạn chính trị, các đồng hương của bà biết rõ cuộc sống ở một đất nước nơi mà các quyền tự do hầu như không hiện hữu và nơi mà một chính đảng kiểm soát mọi phương diện đời sống. Bà cho rằng trải nghiệm đó đã khiến cho người Mỹ gốc Việt tương đối năng động về chính trị, đi bỏ phiếu đông đảo hơn một số nhóm cư dân khác.
Nhưng đứng từ phía Texas, tiểu bang cũng có một cộng đồng người Việt rất đông đảo, nhà báo Hà Ngọc Cư nhận xét là nhìn chung hoạt động chính trị của người Việt lại đang giảm đi :
"Ở Texas, các ứng cử viên vào những chức vụ như ủy viên hội đồng thành phố hay dân biểu tiểu bang, cũng có một vài người Việt, ví dụ như ông Hubert Võ đã đắc cử dân biểu 2, 3 lần. Ngoài ra cũng có một vài vị ra tranh cử các chức vụ địa phương và cũng có một số thành công, nhưng không nhiều lắm so với các cộng đồng thiểu số khác.
Những người lớn tuổi như chúng tôi thì bây giờ "trùm chăn", không còn tham gia vào hoạt động chính trị ở địa phương, nhưng trong giới trẻ thì có một số tham gia.
Cách đây một vài thập niên, việc tham gia hoạt động chính trị địa phương rất là mạnh là vì tinh thần chống cộng lúc đó lên rất cao, nhưng cái sự chống cộng, theo tôi, dần dần không còn mạnh mẽ như trước. Do đó, hoạt động chính trị của người Việt trên nước Mỹ cũng giảm đi".
Theo ghi nhận của các chuyên gia được tờ Los Angeles Times trích dẫn, đa số các ứng cử viên gốc Việt là theo đảng Cộng Hòa, tuy rằng thế hệ trẻ hơn nay có xu hướng theo đảng Dân Chủ hoặc tranh cử với tư cách ứng cử viên độc lập. Cử tri Mỹ gốc Việt trong quá khứ vẫn được xem là thành phần nòng cốt của đảng Cộng Hòa, nhất là những người chống cộng quyết liệt nhất. Nhưng cộng đồng người Việt tị nạn đang già đi và thế hệ con, cháu của họ nay có đầu óc cấp tiến hơn.
Tuy vậy, kết quả một cuộc khảo sát về cử tri gốc Á công bố vào tháng 10 cho thấy người Mỹ gốc Việt là cộng đồng gốc Á duy nhất có đa số là ủng hộ tổng thống Donald Trump.
Khảo sát do tổ chức thúc đẩy quyền bầu cử cho người Mỹ gốc Á và Thái Bình Dương- APIAVote, và Viện Nghiên Cứu Người Mỹ Gốc Á và Thái Bình Dương- AAPIData- thực hiện từ ngày 23/08 đến ngày 4/10/2018.
Kết quả tổng quát cho thấy chỉ có 36% cử tri gốc Á ủng hộ tổng thống Donald Trump, nhưng riêng cử tri gốc Việt ủng hộ ông Trump với tỉ lệ lên tới 64%. Ngay cả cử tri gốc Philippines, đồng minh thân cận của Mỹ, cũng chỉ có 48% ủng hộ ông Trump.
Lý do tại sao người Mỹ gốc Việt lại ủng hộ tổng thống Trump nhiều đến thế, nhà báo Hà Ngọc Cư giải thích :
"Những người Việt thế hệ đầu tiên, tức là 60, 70 tuổi, phần nhiều nghiêng về đảng Cộng Hòa. Còn thế hệ cử tri gốc Việt trình độ đại học thì thường nghiêng về phía Dân Chủ. Năm nay, đặc biệt ông Trump đối đầu về thương mại với Trung Quốc, cho nên ông được rất nhiều điểm từ cử tri gốc Việt. Người Việt chúng ta thì đại đa số là hận Trung Quốc, cho nên bất cứ người nào đập Trung Quốc là đương nhiên được cảm tình người Việt".
Cũng theo kết quả nói trên, trong khi cử tri gốc Á nói chung ủng hộ mạnh mẽ đảng Dân Chủ, thì cử tri gốc Việt lại có xu hướng dồn phiếu cho các ứng cử viên Cộng Hòa tranh cử vào Hạ Viện.
Cũng trong cộng đồng người Việt, như kết quả khảo sát ở trên cho thấy, cử tri thế hệ trẻ lại có xu hướng bầu cho Dân Chủ. Nhà báo Hà Ngọc Cư ghi nhận :
"Suy nghĩ của thế hệ trẻ hoàn toàn độc lập và hoàn toàn mang bản sắc của người Mỹ, nên suy nghĩ của họ khác hẳn với chúng tôi. Phần lớn thế hệ trẻ có trình độ đại học là hướng về phía Dân Chủ. Vì cương lĩnh của đảng Dân Chủ trước hết là liberal, mà giới trẻ thì cũng liberal, nên thường họ có khuynh hướng nghiêng về phía Dân Chủ".
Nhưng khi được hỏi về dự định đi bỏ phiếu ngày mai, chỉ có .... 64% cử tri người Việt trả lời là có, trong khi tỷ lệ này trong cộng đồng Philippines lên đến 92%. Theo nhà báo Hà Ngọc Cư, có nhiều lý do giải thích vì nhiều cử tri gốc Việt ngại đi bầu :
"Có nhiều người cho rằng lá phiếu của người Việt trong cuộc bầu cử liên bang không có ảnh hưởng gì hết, cho nên có một số người thờ ơ, ít đi bầu. Thứ hai, ngày bầu cử lại là thứ Ba. Người Việt đa số phải đi làm, xin nghỉ cũng khó khăn và có khi đi làm về trễ, cho nên cũng ngại, không đi bầu. Một số người già thì không có phương tiện đi lại, trừ một số người bỏ phiếu qua bưu điện".
Thanh Phương
****************
Đài Loan bắn tiếng cho chiến hạm Mỹ ghé đảo Thái Bình ở Trường Sa (Người Việt, 05/11/2018)
Bộ Quốc phòng Đài Loan hôm thứ Hai, 5 tháng Mười Một, 2018, bắn tiếng, chính phủ của họ "sẽ cứu xét" cho chiến hạm Mỹ đến đảo Thái Bình trong quần đảo Trường Sa nếu phù hợp lợi ích Đài Loan.
Hình ảnh cho thấy khu trục hạm Trung Quốc chận đầu và đe dọa khu trục hạm USS Decatur của Mỹ hồi cuối tháng Chín, 2018 gần đảo nhân tạo Ga-ven thuộc Trường Sa. (Hình : Internet)
Đảo Thái Bình hay Ba Bình là đảo thiên nhiên lớn nhất của quần đảo Trường Sa hiện đang do Đài Loan chiếm giữ và Việt Nam vẫn tuyên bố chủ quyền. Trên đó đã được xây dựng phi trường và cảng biển, những năm gần đây được tân trang, mở rộng.
Theo một viên chức của Bộ Quốc Phòng Đài Loan được tường thuật trên tờ South China Morning Post (SCMP) hôm Thứ Hai, Đài Loan "sẽ cứu xét" đề nghị của Hải Quân Mỹ nếu Hoa Thịnh Đốn yêu cầu được dùng đảo lớn nhất trong quần đảo Trường Sa cho mục tiêu an ninh khu vực. Bộ trưởng Quốc Phòng Đài Loan trả lời chất vấn một loạt những câu hỏi giả định từ một thành viên nghị viện đảo quốc tại Đài Bắc.
Bộ trưởng Yen De-fa nói với Nghị Viên Johnny Chiang thuộc đảng Quốc Dân Đảng rằng Đài loan có thể cho chiến hạm Mỹ đậu ở đảo Thái Bình cho các hoạt động nhân đạo, theo SCMP.
Bắc Kinh coi Đài Loan là một phần lãnh thổ của Trung Quốc luôn luôn nhăm nhe dùng võ lực "thu hồi" trong khi chính phủ đảo quốc này muốn tuyên bố độc lập nhưng không khỏi sợ hãi sức mạnh quân sự của Hoa Lục. Nếu không có cái dù của Hoa Thịnh Đốn, Đài Loan khó tồn tại.
Cả Bắc Kinh cũng như Đài Loan đều tuyên bố chủ quyền với toàn thể quần đảo Trường Sa tương tự như Việt Nam. Tuy nhiên, Đài Loan chỉ chiếm đóng có đảo Thái Bình và một vài bãi đá ngầm lân cận, trong khi Bắc Kinh cướp một số bãi đá ngầm của Việt Nam sau trận bắn giết hồi năm 1988 tại bãi đá ngầm Gạc Ma.
"Nếu (lời yêu cầu của Mỹ) dựa trên những nhu cầu an ninh ảnh hưởng đến khu vực, chúng tôi sẽ cứu xét", lời ông Yen được dẫn lại trên SCMP. "Điều này phải phù hợp với lợi ích quốc gia của chúng ta".
Cuộc chất vấn bộ trưởng Quốc Phòng Đài Loan diễn ra sau nhiều tin tức căng thẳng trên Biển Đông. Cuối tháng Chín, khu trục hạm Mỹ USS Decatur bị một khu trục hạm Trung Quốc chận đường khi thực hiện chuyến tuần tra hải hành bên trong phạm vi 12 hải lý của đảo nhân tạo Ga-ven, một trong 7 bãi đá ngầm Trung Quốc cướp của Việt Nam rồi bồi đắp, biến thành các căn cứ quân sự qui mô tối tân và khổng lồ trên biển.
Vào khoảng thời gian này, Thủy quân lục chiến Mỹ tập trận bắn đạn thật và cho pháo đài bay B-52 bay qua Biển Đông, không ngoài mục đích nhắc nhở cho Bắc Kinh biết khả năng quân sự của Mỹ trên Thái Bình Dương.
Hôm Thứ Hai, một đoạn âm thanh mới được phổ biến trên mạng của tờ SCMP mà báo này nói do Bộ Quốc Phòng Anh Quốc cung cấp, cho người ta biết thêm chi tiết về biến cố xảy ra ngày 30 tháng Chín, 2018, giữa chiếc khu trục hạm USS Decatur và chiếc khu trục hạm Trung Quốc. Người ta nghe thấy lời đe dọa qua hệ thống truyền tin từ chiến hạm Trung Quốc lớp Lữ Dương 52C nói tàu Mỹ sẽ "lãnh hậu quả" nếu không đổi hướng.
Video clip phổ biến trên mạng cho thấy chiến hạm Trung Quốc chặn đầu và chỉ cách chiến hạm Mỹ khoảng 45 bộ, nếu không đổi hướng sẽ có va chạm.
Sau những vụ vừa kể, người ta thấy Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đến Bộ Chỉ Huy của hạm đội Nam Hải tại Quảng Đông thúc giục lực lượng của họ "chuẩn bị" chiến tranh. Trong khi đó thì Phó Tổng Thống Mỹ Mike Pence cảnh cáo nước Mỹ không để bị dọa nạt.
Nay Đài Loan bắn tiếng cho Mỹ sử dụng đảo Thái Bình có thể làm Bắc Kinh thêm tức giận. (TN)