Người Mỹ gốc Hoa ủng hộ ông Biden, người Mỹ gốc Việt ủng hộ ông Trump
VOA, 24/10/2020
Một cuộc thăm dò mới đây cho thấy tất cả các nhóm người Mỹ gốc Châu Á được hỏi ý dự trù bỏ phiếu cho ông Joe Biden, ngoại trừ người Mỹ gốc Việt.
Người Mỹ gốc Châu Á biểu tình ủng hộ phong trào "Black Lives Matter" tại Washington D.C.
Cuộc "Thăm dò Cử tri Châu Á 2020", do AAPI Data thực hiện dựa vào những cuộc phỏng vấn điện thoại từ ngày 15/7 đến ngày 10/9 trên 1.569 cử tri đã đăng ký tự nhận là người Mỹ gốc Á. Các nhóm trong cuộc thăm dò bao gồm người Mỹ gốc Á, gốc Ấn Độ, Trung Quốc, Philippines, Nhật, Triều Tiên và Việt Nam.
Hiểu được lập trường của những nhóm này đối với các ứng cử viên là quan trọng trong lúc người Mỹ gốc Á là nhóm thiểu số gia tăng nhanh nhất tại Mỹ và tại một vài tiểu bang tranh chấp như Arizona, Pensylvania và North Carolina, họ hợp thành một số đông quan trọng.
Họ cũng sẽ đóng một vai trò trong các cuộc bầu cử Quốc hội tại Texas, New Jersey và California. California là tiểu bang mà họ chiếm 10% số cử tri đăng ký.
Khi được hỏi "Nếu cuộc bầu cử diễn ra ngày hôm nay, bạn sẽ bỏ phiếu cho… ?" 56% người Mỹ gốc Hoa chọn ông Joe Biden, 20% chọn ông Donald Trump, 23% chọn "Không biết", và 1% chọn "một ứng cử viên khác.
Đa số người gốc Ấn (65%), Philippines (52%), Nhật (61%) Triều Tiên (57%) và những người Mỹ gốc Châu Á khác (54%) chọn ông Biden.
Ngoại lệ là người Mỹ gốc Việt. Chỉ có 36% ủng hộ ông Biden và 48% chọn ông Trump, với 0% chọn "ứng cử viên khác" và 16% trả lời "Không biết".
Với các cuộc bầu cử Thượng viện và Hạ viện cũng tương tự : tất cả các nhóm ủng hộ ứng cử viên Dân chủ, trừ người Mỹ gốc Việt.
Gần một nửa những người được thăm dò, 48%, bày tỏ quan ngại về sự can thiệp vào cuộc bầu cử, trong khi một nửa nói họ lo ngại về sự an toàn khi đi bầu trực tiếp giữa đại dịch Covid xuất xứ từ Vũ Hán.
Vì lo ngại Covid, 54% cho biết thích bỏ phiếu qua bưu điện hay bỏ phiếu vắng mặt so với 26% muốn đích thân bỏ phiếu ngày 3/11.
Người Mỹ gốc Đài Loan không bao gồm trong cuộc thăm dò, có thể vì "Người Đài Loan" chưa được liệt kê vào một mục riêng trong Kiểm tra Dân số Mỹ. Do đó khó thăm dò số đông người Mỹ gốc Đài Loan.
(AAPI DATA/Taiwan News)
**********************
Về xây dựng văn hóa tranh luận
Phạm Phú Khải, VOA, 23/10/2020
Chủ Nhật 18 tháng 10 vừa qua, chương trình tranh luận cuối cùng của chuỗi tranh luận dài 3 kỳ, do luật sư Trần Kiều Ngọc tổ chức, đã kết thúc [*].
Luật sư Trần Kiều Ngọ trả lời phỏng vấn / VATV 19/04/2019 - Ảnh minh họa
Điều ngạc nhiên là tất cả các thành viên của hai đội, tuy tranh luận rất hăng say và nhiệt huyết trong khi tranh luận xảy ra, nhưng sau khi kết quả công bố thì ai cũng cảm thấy hài lòng với tinh thần tương kính thể hiện cho nhau. Các thành viên tranh luận cho biết họ học hỏi được nhau qua quan điểm của phía bên kia, và cũng công nhận là có những góc nhìn họ không nhìn ra trong lúc chuẩn bị và trình bày biện luận của mình.
Nhân cơ hội này, tôi đã liên lạc với luật sư Trần Kiều Ngọc để tìm hiểu thêm suy nghĩ và tâm tư của cô trước, trong và sau 3 buổi tranh luận này.
-------------------
Phạm Phú Khải : Trong ba tuần qua, Kiều Ngọc đã bỏ nhiều công sức để tổ chức các buổi tranh luận này. Giờ thì đã xong. Kiều Ngọc cảm thấy công sức của mình bỏ ra có đáng không ? Tại sao ?
Trần Kiều Ngọc : Cảm ơn anh đã cho Kiều Ngọc có cơ hội để chia sẻ về cuộc thi tranh luận này. Thưa anh, việc chuẩn bị cho một chương trình thi tranh luận online như thế này quả là rất khác với cách tổ chức "live" ngoài đời mà Kiều Ngọc đã từng làm qua. Đặc biệt vì đây là lần đầu tiên, nên thời gian chuẩn bị kỹ thuật, cách thức thi như thế nào cũng đòi hỏi Kiều Ngọc bỏ ra khá nhiều thì giờ nghiên cứu và phối hợp cùng các vị trong ban giám khảo và thành viên của hai đội. Thời gian cam kết liên lỉ suốt 6 tuần trời kể từ khi chuẩn bị cho đến kết thúc cũng hơi căng và mệt mỏi. Tuy nhiên, kết quả đạt được thì Kiều Ngọc cảm thấy rất vui mừng và xứng đáng.
Phạm Phú Khải : Kiều Ngọc chắc có vài mục tiêu khi tổ chức các tranh luận này. Nhưng mục tiêu quan trọng nhất của Kiều Ngọc là gì ? Và Kiều Ngọc có nghĩ mình đã đạt được nó không ?
Trần Kiều Ngọc : Dạ vâng. Khi nhận thấy những tháng gần đây, người Việt khắp nơi bị chia rẽ trầm trọng về cuộc bầu cử Mỹ, khiến Kiều Ngọc rất quan tâm và e ngại. Điều quan trọng mà Kiều Ngọc mong muốn là làm sao có thể góp phần vào việc giúp người Việt chúng ta, nhất là các bạn trẻ trong nước, làm quen với những sinh hoạt dân chủ. Giúp họ gần gũi với văn hóa tranh luận và tư duy phản biện trong tinh thần tôn trọng lẫn nhau. Khi chúng ta theo dõi ba cuộc thi và đặc biệt là vòng 3, người xem có thể cảm nhận các cuộc tranh luận được diễn ra rất sôi nổi mà vẫn giữ được sự ôn hòa. Các thành viên đều thể hiện tinh thần tôn trọng luật chơi và những quan điểm khác mình.
Phạm Phú Khải : Phản ứng của các tham dự viên tranh luận của hai đội như thế nào về 3 buổi tranh luận ? Và về kết quả khi được Ban Giám Khảo công bố ?
Trần Kiều Ngọc : Ngay sau khi kết quả được công bố thì cả hai đội đều có đại diện chia sẻ cảm tưởng của mình. Cả hai đội đã bày tỏ sự hài lòng và công bằng của kết quả của Ban Giám khảo. Cả hai đội có chia sẻ lời cảm ơn đến Ban tổ chức đã tạo cơ hội cho các thành viên học hỏi cũng như được trình bày quan điểm của mình một cách thẳng thắn. Các thành viên tham dự cũng đặc biệt khen ngợi chương trình đã được tổ chức một cách công tâm và chuyên nghiệp.
Phạm Phú Khải : Ban Giám Khảo có những cảm nghĩ hay chia sẻ nào đáng nhớ trong 3 buổi tranh luận này, thưa Kiều Ngọc ?
Trần Kiều Ngọc : Thưa anh, Kiều Ngọc nhận thấy có ba điểm mà trong cả ba cuộc thi tranh luận, Ban giám khảo thường hay nhấn mạnh. Điểm thứ nhất mà Ban giám khảo hay nhắc đến và khuyến khích hai đội là việc nghiên cứu kỹ lưỡng những nguồn khả tín để các lập luận của họ đem lại tính thuyết phục cao hơn. Kế đến là Ban giám khảo hay dò xét và đưa ra những nhận định liên quan đến tinh thần làm việc nhóm của hai đội. Đặc biệt điểm thứ ba, là Ban giám khảo luôn đề cao và khen ngợi tinh thần tranh luận ôn hòa của các thành viên tham gia.
Phạm Phú Khải : Số người theo dõi 3 buổi tranh luận này, tựu chung họ có hài lòng với tinh thần tranh luận hay cách tổ chức này không Kiều Ngọc ?
Trần Kiều Ngọc : Lướt qua các bình luận một cách tổng quát thì Kiều Ngọc nhận thấy, ngoài vô số các lời bình về nội dung tranh luận, thì người theo dõi có những góp ý như : "Một chương trình hay đáng xem", "một live show rất dễ thương" hay "... Hy vọng Ban tổ chức sẽ tiếp tục có những chương trình hữu ích như vậy trong trương lai". Như vậy, thì Kiều Ngọc nghĩ rằng, phần đông người xem cảm thấy rất hài lòng với tinh thần tranh luận và cách thức tổ chức.
Phạm Phú Khải : Trước khi tổ chức, được biết có người khuyên Kiều Ngọc không nên thực hiện vì người Việt chưa sẵn sàng tranh luận, mà chỉ "giỏi" tranh cãi. Nhưng Kiều Ngọc vẫn thực hiện. Vậy trong thời gian tổ chức và sau khi đã tổ chức xong, Kiều Ngọc có nghĩ rằng quyết định thực hiện của mình là đúng và cần thiết không ?
Trần Kiều Ngọc : Dạ đúng thế. Có một số người khuyên Kiều Ngọc không nên lý tưởng hóa về tinh thần tranh luận của người Việt. Vì không khéo, cuộc thi tranh luận sẽ trở thành một "bãi chiến trường" không những không đạt được kết quả gì mà còn gây thêm sự chia rẽ hơn nữa. Nhưng trong suốt thời gian tổ chức và ngay cho đến giờ phút này, Kiều Ngọc vẫn cảm thấy quyết định thực hiện chương trình là rất cần thiết và đúng đắn. Với Kiều Ngọc, cho dù bản thân có thôi đặt niềm tin ở chính mình đi chăng nữa thì Kiều Ngọc vẫn sẽ không bao giờ ngưng hết hy vọng vào con người. Đặc biệt là con người Việt Nam, dù chúng ta có nằm trong bất cứ hoàn cảnh tốt xấu nào đi chăng nữa. Chính niềm tin và hy vọng cho tương lai Việt Nam, đã giúp cho Kiều Ngọc tự tin với mọi dự định và con đường mình chọn.
Phạm Phú Khải : Kiều Ngọc có dự tính tiếp tục các chương trình tranh luận như thế trong tương lai gần không ? Hay các chương trình với nội dung và hình thức khác ?
Trần Kiều Ngọc :Dạ thưa chắc chắn là có ạ. Cuộc thi tranh luận về chính trị Mỹ là sự khởi điểm cho mục tiêu lâu dài. Kiều Ngọc mong muốn tiếp tục tạo ra những sinh hoạt nhân văn, thể hiện và đề cao tinh thần tôn trọng sự khác biệt và tư duy phản biện trong cộng đồng chúng ta. Dự tính trong tương lai, Kiều Ngọc sẽ tổ chức thêm những cuộc thi tương tự về nhiều đề tài khác nhau như giáo dục, chính trị và văn hóa Việt.
Phạm Phú Khải : Kiều Ngọc có điều gì muốn nhắn gửi đến các tranh luận viên, ban giám khảo và những người theo dõi chương trình này trong những tuần qua ?
Trần Kiều Ngọc :Kiều Ngọc rất biết ơn đến các thành viên đã nhận lời tham gia chương trình. Chương trình đã không thể nào thành công nếu như không có các bạn tự nguyện cống hiến thời gian, công sức, tận tụy tham gia tích cực ngay từ những ngày đầu. Đây là điều khiến Kiều Ngọc cảm động và vui mừng nhất.
Riêng Ban giám khảo thì Kiều Ngọc luôn cảm kích tinh thần hy sinh phục vụ của bốn vị. Từ cựu đại sứ Ấn Độ, Ashok Sajjanhar, tài tử Emily Marie Palmer, trạng sư Edward Stratton-Smith cho đến luật sư Nguyễn Văn Thân, họ đều là những người có lý tưởng phục vụ và luôn hỗ trợ cho những hoạt động hữu ích trong xã hội. Đặc biệt lần này, ba vị giám khảo ngoại quốc rất quý mến cộng đồng người Việt, khiến Kiều Ngọc rất vui và lấy làm hãnh diện. Với tinh thần toàn cầu và rộng mở, Kiều Ngọc cũng mong muốn được cống hiến trong khả năng có thể đến các cộng đồng sắc tộc khác, như là cách người ngoại quốc đã đối xử tử tế với người Việt chúng ta.
Sau cùng thì Kiều Ngọc xin cảm ơn đến tất cả những người đã theo dõi chương trình. Nhờ cô anh chị em quan tâm và theo dõi chương trình đều đặn, đã tạo thêm động lực cho Ban tổ chức, các thành viên tham gia và ban giám khảo nhận thấy việc làm của mình thêm phần ý nghĩa và chính đáng để thực hiện. Xin anh chị em giúp phổ biến chương trình này thật rộng rãi, để tinh thần tranh luận tích cực trong cộng đồng chúng ta được lan tỏa khắp nơi. Kiều Ngọc xin chân thành cảm ơn.
Phạm Phú Khải : Cảm ơn Kiều Ngọc đã dành cho cuộc trò chuyện ngắn này.
Trần Kiều Ngọc : Xin cảm ơn anh và quý độc giả của VOA đã cho Kiều Ngọc cơ hội chia sẻ những điều trên và xin kính chúc tất cả nhiều sức khỏe và bình an.
Phạm Phú Khải
Nguồn : VOA, 23/10/2020
Tài liệu tham khảo :
(*) Chương trình thi tranh luận về cuộc bầu cử TT Mỹ 2020.
Quý bạn đọc muốn tìm hiểu về cuộc tranh luận vừa qua, hoặc theo dõi ba cuộc tranh luận, có thể vàoFacebook của cô Kiều Ngọc hoặc Youtube để biết thêm.
Chủ đề 1 vào ngày 27/0 /2020 : "Chính quyền Trump có thể ngăn chặn sự trỗi dậy của Trung Quốc" (US Politics Debate 1 - Motion : The Trump administration can contain the rise of China)
Chủ đề 2 vào ngày 4/10/2020 : "Tổng thống Trump đã làm cho nước Mỹ vĩ đại trở lại trong nhiệm kỳ đầu, như đã hứa" (President Trump has made America great again in his first term, as promised)
Chủ đề 3 vào ngày 18/10/2020 : "Chính sách Đối ngoại của Đảng Cộng hòa đã củng cố sức mạnh quốc gia và lãnh đạo ngoài nước" (The Republican Policy has strengthened home front and led abroad.
*********************
Biden nói với người gốc Việt : Sẽ chống đại dịch, giúp tiểu thương, bảo vệ Obamacare
VOA, 23/10/2020
Trong một thông điệp vừa được gửi đến cộng đồng người Mỹ gốc Việt, ứng cử viên tổng thống của đảng Dân chủ Joe Biden khẳng định nếu được bầu làm lãnh đạo Nhà Trắng, ông sẽ tăng cường đối phó với đại dịch Covid-19, trợ giúp cho giới tiểu thương, cũng như bảo vệ và cải thiện chương trình Obamacare.
Ứng cử viên tổng thống Mỹ Joe Biden thuộc đảng Dân chủ tại phiên tranh luận hôm 22/10/2020
Ban vận động của ông Joe Biden xác nhận với VOA rằng bức thông điệp tới cộng đồng gồm 2 triệu người Mỹ gốc Việt được gửi ra hôm 21/10. Trang Việt Báo ở Mỹ đăng toàn văn thông điệp trong cùng ngày.
Trong phần đầu thông điệp, ông Joe Biden, một cựu thượng nghị sĩ trong nhiều thập kỷ và từng là phó thổng thống từ năm 2009 đến đầu năm 2017, tuyên bố ông "rất hãnh diện đã ủng hộ" đạo luật lịch sử mang 130.000 người tị nạn đầu tiên từ các nước Việt Nam, Lào, và Campuchia đến Hoa Kỳ vào năm 1975, và ông cũng "đã thông qua nghị quyết chào đón họ".
Ông Biden cho biết thêm ông đã bỏ phiếu chấp thuận gia tăng ngân quỹ để giúp những người Việt mới đến định cư và về sau ông đã đồng bảo trợ cho đạo luật dẫn đến sự hình thành của hệ thống di trú theo quy chế tị nạn hiện hành.
Theo quan sát của VOA, trong nhiều tháng gần đây, trên mạng xã hội lan truyền những lời lẽ chưa được kiểm chứng cho rằng ông Biden từng phản đối việc tiếp nhận người tị nạn Việt Nam sau sự kiện 30/4/1975.
Viết tiếp trong bức thông điệp hôm 21/10, ứng cử viên Joe Biden bày tỏ rằng nếu trở thành tổng thống, ông "cam kết sẽ giữ cho nước Mỹ là quốc gia luôn chào đón người tỵ nạn và di dân". Có một điều tương phản là, theo lời ông Biden, Tổng thống đương nhiệm Donald Trump - giờ đây cũng là ứng cử viên tổng thống của đảng Cộng hòa - không hiểu được rằng "sức mạnh phi thường của Hoa Kỳ đến từ xã hội đa dạng và đa sắc tộc".
"Trong 4 năm qua, ông ta đã không ngừng tấn công các cộng đồng di dân và các giá trị nền tảng của Hoa Kỳ, vốn là một quốc gia của người di dân. Ông ta đã quay lưng với tinh thần bảo bọc người tị nạn, giảm tỷ lệ tiếp nhận người tị nạn xuống mức thấp kỷ lục", ông Joe Biden viết.
Không chỉ là cách nhìn trái chiều về di dân, Tổng thống Trump còn đặt ra "những chính sách sai lầm trên mọi mặt", ông Biden tố cáo.
Ứng cử viên của đảng Dân chủ liệt kê ra "4 đại họa đang diễn ra cùng một lúc" mà nước Mỹ phải đối mặt, đó là đại dịch Covid-19, nền kinh tế suy thoái trầm trọng nhất trong một thế kỷ qua, những bất công từ nạn kỳ thị chủng tộc, và thảm họa thiên tai do thay đổi khí hậu đang gia tăng.
"Donald Trump không có một kế hoạch để đối phó với bất kỳ đại họa nào được kể trên. Tôi có", ông Joe Biden quả quyết.
Hôm 22/10, hai ông Trump, Biden có cuộc tranh luận cuối cùng trước bầu cử tổng thống Mỹ
Cựu Phó Tổng thống Mỹ nêu lên tương lai nếu ông trở thành người đứng đầu Nhà Trắng, ông sẽ sẽ tăng cường chính sách đối phó đại dịch, ban hành kế hoạch xét nghiệm, điều trị, và bảo đảm mọi người dân đều có thể dễ dàng nhận được thuốc chủng ngừa Covid-19 miễn phí.
Ông Biden tuyên bố "sẽ mang đến cho giới tiểu thương những trợ giúp thật sự". Ông cho biết ông đã kêu gọi chính quyền phải bảo đảm ngân quỹ trợ giúp cho các doanh nghiệp nhỏ có số nhân viên từ 50 người trở xuống và hội đủ điều kiện, để họ có thể vượt qua cuộc khủng hoảng hiện nay và xây dựng lại tốt đẹp hơn.
Nói thêm về vấn đề này, ông Biden hứa "sẽ gia tăng cơ hội" để giới tiểu thương nhận được tín dụng và nguồn vốn lâu dài, qua chương trình Cơ hội Dành cho Doanh nghiệp Nhỏ, sẽ thu hút 150 tỷ đô la từ các quỹ đầu tư công và tư, đồng thời "gia tăng gấp ba lần con số hợp đồng liên bang" dành cho các doanh nghiệp nhỏ.
Dường như nhắm đến trấn an những người lo lắng rằng nếu ông Biden là tổng thống Mỹ, thuế má sẽ nặng nề hơn, thông điệp của ứng cử viên thuộc đảng Dân chủ có đoạn : "Đã đến lúc giới cực kỳ giàu có và các tập đoàn lớn sẽ phải trả mức thuế hợp lý của họ, và tôi sẽ không đòi hỏi bất cứ ai có thu nhập dưới 400.000 đô la một năm phải trả thêm một xu tiền thuế nào".
Về y tế, cựu Phó Tổng thống Mỹ nói ông sẽ "bảo vệ và cải thiện" đạo luật Chăm sóc Y tế Giá cả Phải chăng, thường được gọi là Obamacare, với mục tiêu là "giúp giảm thiểu chi phí bảo hiểm sức khỏe, tiền khấu trừ y tế, cũng như chi phí thuốc men".
Đối với lĩnh vực giáo dục, ông Biden hứa hẹn "sẽ cung cấp ngân sách gấp ba lần cho các trường học công lập thiếu thốn và miễn học phí đại học công lập cho các gia đình có thu nhập dưới 125.000 đô la một năm".
Trong phần cuối thông điệp, ứng cử viên của đảng Dân chủ cam kết "sẽ khôi phục vai trò lãnh đạo của Hoa Kỳ trong các thể chế khu vực" như Hiệp hội Các Quốc gia Đông Nam Á (ASEAN), và sẽ làm việc với các đối tác của Mỹ "để giải quyết tình trạng bành trướng của Trung Quốc, kể cả ở Biển Đông".
Đề cập đến quê mẹ của những người Mỹ gốc Việt, ông Biden cho biết ông sẽ cải thiện những chính sách quan trọng của chính quyền Obama-Biden đối với Việt Nam, nỗ lực gỡ bỏ bom mìn còn sót lại, giải quyết các tác hại của Chất Da Cam, củng cố an ninh biển, và tranh đấu cho nhân quyền.
VOA nhận thấy ban vận động bầu cử của ông Donald Trump chưa đưa ra tuyên bố đáp trả thông điệp hôm 21/10 của ông Biden.
Tổng thống Trump được nhiều cử tri gốc Việt ủng hộ (ảnh chụp ở St. Petersburg, Florida, 4/10/2020)
Nhưng cách đây ít tuần, trong một cuộc trao đổi ý kiến với phóng viên của VOA, ban vận động của ông Trump cho biết họ đã sớm nhận ra sự ủng hộ to lớn của người Việt đối với vị tổng thống thuộc đảng Cộng hòa và họ đầu tư vào những nỗ lực nhằm giúp củng cố và tăng cường vị thế của ông trong khối cử tri này.
Một quan chức cao cấp của ban vận động cho ông Trump nói với VOA rằng "hàng ngàn tình nguyện viên người Việt" đang nỗ lực vận động cử tri bằng cách giúp họ đăng kí bầu cử, gõ cửa từng nhà và gọi điện thoại.
Ban vận động của ông Trump cũng liên kết ông Biden, người có lập trường chính trị ôn hòa, với các chính trị gia cánh tả nổi bật của Mỹ trong một thông điệp xoáy mạnh vào tâm lý chống chủ nghĩa xã hội nơi nhiều cử tri gốc Việt.
"Joe Biden đang hợp sức với những người theo chủ nghĩa xã hội có tiếng như Thượng Nghị sĩ Bernie Sanders và Dân biểu [Alexandra Ocasio-Cortez] để tạo nên một chủ trương cấp tiến mà sẽ tăng thuế thêm 4 ngàn tỉ đôla, giết chết công ăn việc làm với chính sách Green New Deal viển vông, và đe dọa sự phục hồi kinh tế của chúng ta sau đại dịch", Courtney Parella, phó thư ký báo chí quốc gia của ban vận động cho ông Trump, nói trong một phát biểu gửi cho VOA qua email hồi cuối tháng 9.
"Người Mỹ gốc Việt hiểu rõ những nguy hại của chủ nghĩa xã hội và tầm quan trọng của thương mại tự do, và họ biết rằng Tổng thống Trump là nhà lãnh đạo duy nhất sẽ bảo vệ các quyền tự do của chúng ta và bảo đảm rằng mỗi một người trong chúng ta đều có cơ hội theo đuổi Giấc mơ Mỹ", vị phó thư ký báo chí đưa ra quan điểm với VOA.
Nguồn : VOA, 23/10/2020