Chuyện kỳ thị
Từ Thức, 08/06/2020
Chuyện xẩy ra khi tôi còn trẻ, nghĩa là chuyện cổ tích.
Chạy xe trên xa lộ Paris-Caen. Một chiếc xe từ đằng sau, vượt ẩu, khi mình đã chạy vận tốc tối đa. Rồi ngoằn ngoèo trước mặt như rắn say rượu.
Bực mình, tôi cằn nhằn :
- Cái thằng đen này, chơi trò gì vậy ?
Hai đứa con gái ngồi đằng sau. Cô lớn, 12, 13 tuổi gì đó, phản kháng :
- Mais ça n’a rien à voir avec sa couleur de peau ! (Chuyện đó không liên hệ gì tới mầu da của anh ta !)
Con nít sống ở ngoại quốc, khi cần nói cái gì nhanh, hơi phức tạp, đều dùng tiếng địa phương. Câu đối đáp tiếp theo bằng tiếng Pháp, cho lẹ.
Bác tài hơi ngượng, chợt nhớ ở Âu Châu, con nít được dạy từ nhỏ kỳ thị chủng tộc là một điều cấm kỵ, một thói xấu. Người ta nhìn nhận dễ dàng những tính xấu, trừ thói kỳ thị.
Thay vì nhận lỗi, nhưng một ông bố An Nam không thể xin lỗi, bèn chống chế :
- Đùa một chút, không được à ?
Con nhỏ nghiêm trang như một bà cụ :
- Có những chuyện không đùa được !
Ông bố thấm đòn, cô ái nữ thứ hai bồi thêm :
- Et c’est même pas drôle (Và câu nói đùa cũng chẳng có gì là đùa)
Nhờ con cái dạy bảo, từ đó ông bố An Nam bớt kỳ thị, bớt ngạo nghễ, và bớt ngụy biện đôi chút.
Bất đồng văn hóa
Nhớ chuyện cũ, tôi nói với vài người bạn đồng hương : người ta có quyền phản đối chuyện cảnh sát đè cổ George Floyd tới chết, bởi vì "lives matter", cũng như các bạn có quyền phản đối, đả kích những kẻ lợi dụng cơ hội để đập phá, ăn cướp.
Cả hai đều là những chuyện xấu.
Một bên làm mất thanh danh của cảnh sát, một bên làm mất thanh danh của những người biểu tình ôn hòa. Và đe dọa tính mạng, tài sản của người khác.
Ăn cướp là ăn cướp, không thể nhân danh cái gì để bào chữa cho hành động đốt phá, trộm cướp.
Nhưng coi chừng. Lên án bạo hành, bất lương là một chuyện, gọi người khác là mọi, là bọn đen, nhọ, khỉ, kèm theo đủ mọi tĩnh từ tục tĩu, khinh miệt, đầy dẫy trên mạng xã hội, là chuyện khác.
Thứ nhất : không ai chịu trách nhiệm về chuyện mình sinh ra đen hay trắng.
Thứ hai : chúng ta hơn ai để khinh miệt ? Người da đen ít nhất cũng đứng hàng đầu về nhạc, thể thao, và… chuyện tranh đấu cho quyền bình đẳng.
Thứ ba : đó là kỳ thị chủng tộc, bị luật pháp nơi bạn đang sống nghiêm trị.
Thứ tư : thái độ, ngôn ngữ đó sẽ gây xung đột trong chính gia đình bạn.
Bởi vì trẻ em hay những người trẻ tuổi sinh ra, lớn lên ở nước ngoài, được dạy dỗ để gột rửa óc kỳ thị chủng tộc, đối với thế giới, và con cháu chúng ta, là cái xấu nhất trong những cái xấu.
Ở trường học, họ sống chung, bình đẳng, thân thiện với bạn bè đủ mọi mầu da. Họ sẽ ngỡ ngàng thấy cha mẹ có những ngôn ngữ như vậy, đối với chúng ta không có gì nghiêm trọng.
Thái độ kỳ thị của bạn sẽ làm cho không khí gia đình căng thẳng hơn, cái hố giữa các thế hệ Việt Nam sâu hơn.
Đừng ngạc nhiên khi thấy con cháu không muốn trao đổi gì với chúng ta nữa. Không phải chỉ vì ngôn ngữ bất đồng. Tệ hơn: văn hoá bất đồng.
Cuối cùng, nạn nhân đầu tiên chính là bạn.
Bình an
Với những người làm báo Đảng trong nước, hồ hởi vì Mỹ có biểu tình bạo động, hỗn loạn, khác với xứ "bình an" là Việt Nam, Tàu, Bắc Hàn, tôi nhắc lại câu của Churchill : "Chế độ dân chủ là chế độ tồi nhất, nếu không kể những chế độ khác" (1).
Biểu tình hỗn loạn là một trong những yếu điểm của các nước dân chủ. Rất khó có giải pháp, bởi vì tại các nước dân chủ, người ta không thể dàn quân, bắn bỏ người biểu tình như tại những xứ độc tài. Nhưng biểu tình là một hình thức diễn tả tự do tư tưởng. Dân có quyền cho mọi người biết mình nghĩ gì.
Tôi sống ở Pháp, nơi không có ngày nào không có biểu tình, đôi khi vì những lý do vớ vẩn. Bực mình thiệt, nhưng giữa một nước biểu tình suốt ngày, và một xứ ‘’bình an’, ‘’tụ tập đông người ‘’ là một cái tội, mở miệng là đi tù, việc lựa chọn không khó khăn. Tôi ghê sợ, vắt giò lên cổ, chạy thoát khỏi xứ bình an, dù là quê hương yêu dấu.
Paris, tháng 6/2020
Từ Thức
Nguồn : tuthuc-paris-blog.com
(1) Democracy is the worst form of government, exept for all the others
*******************
Mỹ tố cáo Trung Quốc khai thác "bỉ ổi" cái chết của người da màu George Floyd
Thùy Dương, RFI, 07/06/2020
Trong bối cảnh phong trào biểu tình chống phân biệt chủng tộc và bạo lực cảnh sát vẫn rầm rộ tại Mỹ và lan ra khắp thế giới sau cái chết của người Mỹ gốc Châu Phi George Floyd, hôm qua 06/06/2020, chính quyền Mỹ tố cáo Trung Quốc khai thác một cách "bỉ ổi, đáng ghê tởm" cái chết của George Floyd.
Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo trong một lần họp báo tại Bộ Ngoại giao ngày 20/05/2020. Reuters - Pool
Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo nhận định : "Việc Đảng cộng sản Trung Quốc khai thác một cách bỉ ổi cái chết thương tâm của George Floyd để biện minh cho việc họ chối bỏ một cách độc đoán phẩm giá con người lại một lần nữa làm lộ rõ bộ mặt thật của họ". Ngoại trưởng Mỹ nói thêm là cũng giống như đối với mọi chế độ độc tài trong lịch sử, không có lời nói dối nào là bị Đảng cộng sản Trung Quốc coi là quá sỗ sàng, tục tĩu chừng nào nó còn phục vụ cho cơn khát quyền lực của họ.
Theo AFP, ngoại trưởng Mike Pompeo đã nhấn mạnh đến sự tương phản, đối lập lớn giữa hai nước Mỹ - Trung. Ông khẳng định : "Nền báo chí tự do của chúng tôi đưa ra thông tin về mọi sự kiện từ đầu đến cuối để toàn thể thế giới có thể hiểu chuyện gì đang xảy ra".
Những phát biểu của ngoại trưởng Mỹ được đưa ra trong bối cảnh Trung Quốc mới đây tố cáo "căn bệnh kinh niên" về phân biệt chủng tộc ở Hoa Kỳ và chế giễu Mỹ về điều mà Bắc Kinh coi là chính sách "tiêu chuẩn kép" của Washington.
Cách nay vài hôm, phát ngôn viên của Bộ Ngoại giao Trung Quốc, Triệu Lập Kiên, đã liên hệ bạo lực ở Hoa Kỳ với những gì đã làm rung chuyển đặc khu hành chính Hồng Kông hồi năm ngoái. Triệu Lập Kiên thắc mắc : "Tại sao Hoa Kỳ coi những người ủng hộ bạo lực và đòi độc lập cho Hồng Kông như anh hùng và mà lại gọi những người tố cáo nạn phân biệt chủng tộc là người nổi dậy gây bạo động ?"
Thùy Dương
Nguồn : RFI, 07/06/2020
*********************
Bạo loạn và những người Mỹ xấu chơi
Nguyễn Hùng, VOA, 06/06/2020
Dù phần đông những người xuống đường biểu tình sau cái chết của ông George Floyd dưới tay cảnh sát giữ được sự điềm tĩnh và ôn hoà, nhiều video quay được trong mấy ngày qua tại Hoa Kỳ cho thấy những hình ảnh vô cùng phản cảm.
Tại một buổi tượng niệm George Floyd, 5 tháng Sáu, 2020.
Sự phẫn nộ của người dân sau khi chứng kiến cảnh sát tay đút túi quần, đầu gối đè lên cổ ông Floyd cho tới khi ông bất tỉnh và sau đó qua đời là có thể hiểu được.
Nhưng những hành động đốt phá và hôi của thì quả thực là khó lý giải. Nó cũng làm hại tính chính nghĩa của cuộc xuống đường và kéo sự chú ý của công luận theo hướng bất lợi cho cuộc đấu tranh đòi quyền bình đẳng của người da đen.
Một video quay cảnh những thanh niên da đen đập phá, nhảy chồm chồm trên nóc xe cảnh sát rồi châm lửa đốt ở Trenton, thủ phủ bang New Jersey được trên 100.000 lượt chia sẻ và gần 70.000 bình luận. Bà Emily Ray viết : "Đây là điều rồ dại ! Gây hại cho doanh nghiệp nhỏ và người dân không phải là công lý !... Công lý sẽ được thực thi khi ông cảnh sát đó bị kết án, và nó cũng không được coi là hình ảnh của các cảnh sát khác. Với tất cả những mất mát chúng ta đã phải chịu đựng, hòa bình, tình yêu và sự đoàn kết là điều chúng ta cần". Bình luận này được trên 900 người ủng hộ.
Phản ứng trước một bình luận có vẻ biện minh cho những hành động đập phá của những người trong video, bà Lisa Terranova-Maneri viết : "Tôi sẽ không ngồi đây và tự cho rằng tôi hiểu được nỗi đau của anh vì tôi không [hiểu]. Nhưng một chủ cửa hàng đã bị giết khi bảo vệ cửa hàng của ông ấy. Một phụ nữ khác cố bảo vệ cơ sở của bà và đã phải nhập viện. Những người đó có đáng bị thương như vậy không ? Một chủ cửa hàng cố gắng cả đời để mở cửa hàng có đáng bị cướp và đốt phá không ?... Họ ở đó để phục vụ cộng đồng và cung cấp những gì cộng đồng cần. Bởi vậy khi hủy hoại cộng đồng, người ta hủy hoại hơi thở của thành phố. Bạn hủy hoại cuộc sống của chính mình khi phá hủy các doanh nghiệp đó".
Đáp lại bình luận này, ông Raheem Lee Wade, người nói ông đã bị cảnh sát đối xử bất công vì là người da đen, viết : "Nhiều chủ cửa hiệu trong thành phố thực ra phân biệt chủng tộc và gây ra nhiều vấn đề cho người da đen. Bà có thể không hiểu điều đó vì bà không hiểu cộng đồng da đen. Nhiều chủ doanh nghiệp nhỏ làm hại hay giết người da đen, vô cớ cáo buộc họ và gọi cảnh sát, nhìn họ theo màu da và sách nhiễu họ".
Nhưng một số người khác cho rằng không gì có thể biện minh cho những hành động đập phá và những người đang đấu tranh đòi sự tôn trọng sẽ không đạt được điều đó nếu họ hành xử bạo lực. Một người cũng nói cả cơ sở kinh doanh của người da đen cũng bị đốt phá trong những ngày qua.
Ông Michael Brown trong khi đó viết : "Thật kỳ lạ mọi người ở đây nói về những người hôi của. Có một cuộc biểu tình ôn hòa bên ngoài [Nhà Trắng] và tổng thống của các người làm gì ? Xua cảnh sát ra dùng đạn cao su và hơi cay với họ để ông ấy có thể đi chụp ảnh ở nhà thờ. [Nó] đã nói hết những gì thế giới cần biết về ông ta".
Video khác từ thành phố biển Santa Monica ở California cho thấy cảnh hàng chục người, đa số là người da đen, xông vào một cửa hàng Vans và vác ra giày, tất và quần áo. Ở giây thứ 50 trong video, người ta có thể thấy một người da đen tay ôm năm hộp giày bị ngã sõng soài ngay trước cửa khi dẫm phải đống giày tất vương vãi. Ngay lập tức có người đứng cạnh nhặt ngay một, hai hộp giày mà ông này đánh rơi.
Bà Sherry Gallagher bình luận : "Tất cả những kẻ tội phạm ăn cướp vì mục đích của riêng chúng. Cảnh này thật đáng hổ thẹn, nó làm tôi sửng sốt khi người ta đấu tranh đòi sự tôn trọng và được đối xử tử tế nhưng lại không cho thế giới thấy điều đó.
Còn bà Perfecto PJ Dela Cruz viết : "Đây không có gì liên quan tới cái chết của George Floyd cả. Họ hành động như thế để lợi dụng thời cơ cho thỏa lòng tham".
Những hình ảnh từ vài ngày qua ở Hoa Kỳ cho thấy những vấn đề nóng bỏng đã âm ỉ từ lâu trong xã hội và cái chết của ông George Floyd là giọt nước tràn ly khiến người ta xuống đường thể hiện sự phẫn nộ. Nhưng nó cũng còn là cái cớ cho những kẻ cơ hội và những người mang trong mình sự hận thù. Ít ai ngờ giữa mùa Covid-19 vốn đã nhiều chết chóc lại xảy ra thêm đợt bạo loạn gây nhiều thiệt hại. Thay vì là tấm gương để các nước soi vào, Hoa Kỳ trong những ngày tháng qua có những lúc là cuốn phim buồn cho thế giới.
Nguyễn Hùng
Nguồn : VOA, 06/06/2020
*******************
Chia sẻ với các bạn trẻ qua vụ việc nạn nhân George Floyd chết
Đinh A.Chính, 05/06/2020
Các hình ảnh của người đàn ông da đen bị viên cảnh sát da trắng đè gối lên cổ đến chết tạo nên xúc động lớn, và đối với các bạn trẻ ở Mỹ nói riêng thì thông tin này tràn ngập trên các phương tiện truyền thông và cả mạng xã hội trong nhiều ngày qua hẳn gây nên cả sự chấn động tâm lý. Cá nhân chúng tôi có con ở lứa tuổi vị thành niên nên thấy rõ được điều đó.
Viên cảnh sát Derek Chauvin đè gối lên cổ nạn nhân George Floyd - Cột bên phải : Derek Chauvin (trên), Tou Thao (người gốc Hmong, Lào, dưới)
Tình cảm tự nhiên là sự thương cảm dành cho người đàn ông da đen nạn nhân, sự căm ghét đối với viên cảnh sát da trắng sát nhân. Đó là tình cảm rất con người, rất đáng trân quý, đặc biệt ở các bạn trẻ. Tình cảm đó chuyển thành thái độ phẫn nộ, phải có hành động tức thời như tham gia biểu tình để đòi công lý cho nạn nhân, để kẻ phạm tội sẽ phải bị đem ra xét xử trước pháp luật. Thiết nghĩ những bạn trẻ ở lứa tuổi sinh viên khi có những suy nghĩ và hành động thiết thực trước các vấn đề xã hội như thế là điều sẽ khiến những người đi trước, những cô, chú, bác trong cộng đồng rất hãnh diện.
Nếu các bạn trẻ tham gia biểu tình vì mục tiêu mang lại công lý cho nạn nhân trong vụ việc này thì các bạn đã thành công. Cả bốn cảnh sát tham gia vây bắt ông Floyd đều đã bị bắt giữ. Và rịêng viên cảnh sát Derek Chauvin đè gối lên cổ ông Floyd đến gần cả 9 phút thì đang bị truy tố tội sát nhân.
Nhưng qua những cuộc nói chuyện thêm với các con của cá nhân chúng tôi thì chúng tôi nhận thấy thái độ bất bình nói chung vẫn còn đó, là còn đặt trên vấn đề xã hội lớn hơn, đó là vấn đề kỳ thị giữa người da trắng và người da đen, vấn đề cảnh sát sử dụng bạo lực với người da đen ở Mỹ. Các bạn trẻ chắc hẳn cũng mang trong lòng thái độ phẫn nộ này, nên vẫn muốn tiếp tục xuống đường biểu tình đấu tranh cho công bằng xã hội.
Do có trao đổi thêm với các đứa con tuổi vị thành niên của chúng tôi để cùng hiểu nhau thêm trên vấn đề này, xin chia sẻ đến với các bạn trẻ.
- Vấn đề kỳ thị giữa người da trắng và người da đen là một vấn đề phức tạp, nó bắt nguồn từ thời kỳ sở hữu nô lệ cả từ mấy trăm năm trước rồi. Tế nhị lắm. Nhưng hiện nay nếu so với thời trước ông Martin Lurther King của những năm thập niên 60 của thế kỷ trước thì đã khác nhiều lắm. Nước Mỹ cho mọi người sự công bằng cơ hội. Các bạn bè người da đen trong trường của các con có bị kỳ thị không? Chúng nói không có gì, vẫn chơi chung như chơi với các bạn bè người da trắng. Chúng tôi dẫn chứng có các người hàng xóm là da đen, cả bạn của cha mẹ cũng có người da đen, mọi người đều bình thường. Và nước Mỹ còn có nhiều ngôi sao thể thao, âm nhạc, truyền hình người da đen làm lương hàng trăm triệu đô la, và nước Mỹ còn có cả Tổng thống người da đen 8 năm Barack Hussein Obama đó nữa.
- Vấn đề cảnh sát sử dụng bạo lực với người da đen cũng là vấn đề phức tạp lắm. Nước Mỹ nói riêng có những thành phố, những khu vực không may lại rất bệ rạc, được phân bổ một cách tự nhiên, trước hết do điều kiện kinh tế. Những khu này không may lại hầu hết có người da đen chiếm đa số, là các trung tâm của tệ nạn xã hội như sử dụng ma túy, bắn giết nhau hàng ngày giữa người da đen với người da đen, bạo lực cướp bóc. Tình trạng căng thẳng của các cảnh sát phải làm việc trị an ở những khu vực này là cao lắm. Cảnh sát khi tuần tra ở những khu vực này cũng lo cho tính mạng của họ. Tôi có nói chuyện với các người bạn cảnh sát gốc Việt nên hiểu về vấn đề này. Có những trường hợp cảnh sát bắn chết người da đen, do lạm dụng bạo lực hay do thiếu kinh nghiệm chuyên môn, phạm tội thì họ đều bị truy tố trước pháp luật.
Hãy trở lại ngay cả với trường hợp nhân thân của nạn nhân George Floyd để thấy ông Floyd cũng là một nạn nhân điển hình của vấn đề xã hội ở các khu vực bệ rạc của người da đen, là điều không may. Đây là một vấn đề xã hội lẫn chính trị rất lớn ở Mỹ. Ông Floyd trước đó cũng đã từng bị ở tù 5 năm vì tội đột nhập gia cư dùng súng cướp của vào năm 2007 ở Houston. Sau khi mãn hạn tù ông Floyd chuyển lên sống ở Minnesota. Ngày định mệnh vừa qua, ông đến tiệm tạp hóa Cup Foods mua thuốc lá lại trả bằng tiền giả, và ở trong tình trạng say khướt. Tiệm tạp hóa này gọi cảnh sát đến can thiệp. Ba cảnh sát áp giải ông Floyd vào xe cảnh sát, nhưng ông Floyd cự lại nói là bị ám ảnh xe cảnh sát (claustrophobic). Cảnh sát viên Derek Chauvin được gọi đến tiếp tế, còng tay và đè gối lên cổ ông Floyd đến bất tỉnh. Ông Floyd được xe cấp cứu chở tới bệnh viện nhưng qua đời không lâu sau đó.
Nguyên nhân cái chết của ông Floyd đến nay được cả hai bên là gia đình và cảnh sát đưa ra kết quả giám định, lại không giống nhau. Ông Floyd chết do bị nghẹt thở do viên cảnh sát Chauvin đè gối lên cổ, hay chết do đã bị bệnh khó thở, hay cả hai. Kết quả giám định của cơ quan Medical Examiner của Quận Hennepin ở Minneapolis nói là trong máu của ông Floyd lúc đó có chứa nồng độ đáng kể của các loại thuốc kích thích fentanyl intoxication và methamphetamine. Kết quả khám nghiệm còn cho biết ông Floyd còn đang bị nhiễm Vi rút Vũ Hán nữa. Phức tạp lắm. Sẽ có tranh tụng, trưng bằng cớ trước tòa của cả hai bên, sẽ có căng thẳng chủng tộc ghê gớm nữa.
Một chi tiết đáng chú ý là cả ông Floyd và cảnh sát viên Chauvin đã từng làm bảo vệ trong cùng một hộp đêm trước đây. Cả hai chắc đã từng biết nhau, và cũng có thể có hằn thù. Không ai biết được. Viên cảnh sát Chauvin có thể có máu kỳ thị. Không ai biết được. Nếu bên công tố xét thấy hành vi hung hãn của ông Chauvin đè gối lên cổ của ông Floyd có tính kỳ thị thì Chauvin chắc chắn sẽ bị truy tố thêm tội danh nữa. Các bạn trẻ cần thấy đây là một hành động bạo hành cá nhân rất cá nhân của cảnh sát viên Chauvin, nên nếu khi nó bị thổi lên thành vấn đề bạo hành của cảnh sát da trắng với người da đen hay da màu nói chung thì đó là một vấn đề xã hội hoàn toàn khác. Viên cảnh sát Chauvin có vợ là người châu Á. Một trong bốn cảnh sát tham gia vây bắt ông Floyd cũng là người châu Á, có tên là Tou Thao.
Các bạn trẻ vì vậy khi đi biểu tình vì công lý cho nạn nhân Floyd cũng cần phải cảnh giác bị lạm dụng. Trong thời gian cả tuần qua hầu hết các cuộc biểu tình ở các thành phố lớn của các tiểu bang Xanh đều bị giật giây trở thành bạo động, đốt phá, hôi của, giết người. Có nhiều cảnh sát bị giết, có cả người cảnh sát da đen, đã về hưu, đi làm bảo vệ cũng bị giết. Các cửa tiệm mua sắm bị đập kiếng, bị vào hôi của. Các tiệm làm móng tay, nhà hàng của người gốc Việt cũng bị đập phá tan hoang, bị đốt cháy. Nơi thờ tự tôn giáo là Nhà Thờ St. John ngay trước Nhà Trắng, biểu tượng quyền lực của nước Mỹ và của cả thế giới, cũng bị đốt luôn.
Người biểu tình tìm kiếm trong một cửa hàng rượu đang cháy gần Phân khu Cảnh sát số 3, ngày 28/5/2020, tại thành phố Minneapolis. (Ảnh AP / John Minchillo).
Họ là ai ? Chắc chắn họ không đi biểu tình vì công lý cho nạn nhân Floyd. Các bạn trẻ chắc ít nghe đến các nhóm cực tả cấp tiến, vì MSM không khi nào tường thuật, và MSM có lý do thầm kín của họ. Những nhóm đứng đằng sau các cuộc đập phá, giết chóc này lại là những nhóm có tổ chức !
Họ là những người chủ trương tư tưởng chủ nghĩa vô chính quyền, còn được đến qua danh từ Anarchism. Họ bác bỏ phương cách vận hành và cải tiến xã hội qua phương pháp bầu cử tự do trong một chế độ dân chủ. Đối với tư tưởng Anarchism này, cứu cánh là một thế giới vô chính quyền có tính chất đại đồng, và phương tiện để đạt tới mục đích đó là phải bạo động. Nghe như là anh em song sinh với chủ nghĩa cộng sản phải không.
Các bạn sẽ ngạc nhiên khi biết rằng rất nhiều thành viên trong các tổ chức của Anarchism này còn rất trẻ, lại có những thành viên là con cái của các giáo sư đại học và của các chính trị gia cấp tiến ở nước Mỹ ! Đối với những người chủ trương anarchism này, cảnh sát bị xem như là công cụ đàn áp của chính quyền, nên cảnh sát phải là kẻ thù trực tiếp và trước tiên phải loại bỏ. Trên thực tế cảnh sát chỉ là công cụ trị an của người dân trong một thể chế tự do dân chủ.
Các bạn trẻ gốc Việt ở Mỹ hầu hết đều có xuất xứ từ các gia đình tị nạn, là các gia đình đã hiểu rõ sự thống khổ do chủ nghĩa cộng sản gây ra bằng cả máu và nước mắt. Chúng tôi trao đổi với các con của mình qua vụ việc của nạn nhân Floyd để hai thế hệ trong gia đình hiểu nhau hơn, và do đó cũng xin chia sẻ những trao đổi này với các bạn trẻ ở lứa tuổi thanh niên, sinh viên.
Lứa tuổi đang chảy đầy dòng máu nóng trong lồng ngực cần hành động không chỉ bởi trái tim mà với cả khối óc.
Đinh A. Chính
Nguồn : Quê Nhà Carolina, 05/06/2020
Vì sao biểu tình phản kháng bùng khắp sau cái chết của người da đen George Floyd ?
Ngày 25/05/2020, một vụ can thiệp của cảnh sát gây ra cái chết công dân Mỹ da đen George Floyd, tại bang Minnesota. Kể từ đó đến nay, biểu tình bùng lên khắp nước Mỹ, với bạo động tại một số nơi bất chấp thiết quân luật. Trả lời RFI Việt ngữ, nhà báo Phạm Trần, từ Washington, giải thích những lý do khiến phong trào phản kháng lan rộng khắp nước Mỹ.
Biểu tình ôn hòa đòi công lý sau cái chết của người da đen George Floyd do bạo lực cảnh sát tại Minneapolis, cạnh nhà Quốc Hội Mỹ, Washington, ngày 03/06/2020. Reuters - Jonathan Ernst
Phong trào phản kháng quy mô đang diễn ra tại Mỹ phản đối nạn bạo hành cảnh sát và kỳ thị chủng tội nhắc lại các cuộc bạo động lớn hồi năm 1992, sau khi tòa án Mỹ tha bổng các cảnh sát đã bắn chết một người da đen ở Los Angeles, và gần đây hơn là các cuộc biểu tình tiếp theo cái chết của một người thanh niên da đen 17 tuổi ở Ferguson (bang Missouri) năm 2014. Tuy nhiên, phong trào phản kháng hiện nay, với tốc độ lan rộng nhanh chóng, với sự tham gia của rất nhiều người da trắng, kể cả cảnh sát trong hàng ngũ các cuộc biểu tình ôn hòa, được nhiều nhà quan sát đánh giá là sự kiện chưa từng có trong lịch sử nước Mỹ đương đại.
Trong cuộc trả lời phỏng vấn RFI, ngày 03/06/2020, nhà báo Phạm Trần - bên cạnh khủng hoảng đại dịch Covid-19, khủng hoảng kinh tế, nạn bạo hành cảnh sát, những đối xử bất công về luật pháp giữa Nhà nước và người dân, đặc biệt với người da mầu và người thuộc các nhóm thiểu số - đã đặc biệt nhấn mạnh đến vai trò đổ thêm dầu vào lửa của tổng thống Mỹ Donald Trump, gộp chung những người biểu tình ôn hòa với những kẻ phá phách, cướp bóc vào cùng một rọ, khi lên án nạn "khủng bố nội địa". Ông Donald Trump, thay vì đảm đương vai trò của một nguyên thủ của nước Mỹ, có "những phát biểu hướng đến toàn dân", "những giải pháp cụ thể", trong bối cảnh đất nước lâm vào khủng hoảng như hiện nay, thì lại chỉ có những động thái "phô trương sức mạnh", tập trung xây dựng hình ảnh "riêng cho cá nhân, vì mục tiêu tranh cử".
***
RFI : Xin ông cho biết nhận định chung của ông về phong trào phản kháng sau cái chết của người da đen George Floyd đang diễn ra.
Phạm Trần : Trước hết là có sự thù nghịch giữa những người dân và lực lượng cảnh sát, vì cảnh sát đôi khi đã dùng những biện pháp quá mạnh đưa đến cái chết cho người dân. Mặc dù, những người dân đó không có phạm những cái tội mà đến nỗi phải bị trừng phạt, nhất là sau khi họ đã bị bắt, bị còng tay.
Anh George Floyd, 46 tuổi, người da mầu này đã bị một người cảnh sát da trắng đè lên cổ gần mười phút đồng hồ, bất chấp việc anh ta nói là không thể thở được. Hành động đó đã đưa đến cái chết của George Floyd, và từ cái chết này, khơi lại những vết thương trong lịch sử nước Mỹ, về vấn đề dân quyền, về kỳ thị chủng tộc. Chúng ta thấy đây là căn bệnh của xã hội Hoa Kỳ. Bất cứ vụ tai nạn nào gây ra chết người cho những người da mầu, hoặc những người thiểu số, thì những vết thương đó lại bùng phát trở lại, làm cho người dân hết sức bất mãn.
RFI : Có nhiều vụ tương tự xẩy ra trong quá khứ gần đây, tại sao vụ cái chết của George Floyd lại dẫn đến một cuộc phản kháng dữ dội như vậy ?
Phạm Trần : Việc đầu tiên là hình ảnh của ông cảnh sát da trắng đó đạp chân lên cổ của người nạn nhân George Floyd đó quá lâu. Báo chí và đài truyền hình đã chiếu đi, chiếu lại trong nhiều tiếng đồng hồ. Hình ảnh đó tạo ra sự bất mãn không những đối với người da mầu, và kể cả người da trắng. Bởi vì người da trắng nhiều khi cũng là nạn nhân của bạo hành cảnh sát. Cảnh sát đôi khi quá trớn, có những hành động thiếu suy nghĩ làm tổn thương đến danh dự, cũng như là mạng sống của người dân Hoa Kỳ nói chung, người da mầu nói riêng.
Sở dĩ vụ này bùng phát lên có hai lý do chính. Thứ nhất là trong tình trạng nước Mỹ, cũng như toàn thế giới đang phải đối phó với nạn dịch Covid-19, mà tiếng bình dân gọi là "nạn dịch từ Vũ Hán, Trung Quốc", người dân đã rất là sợ hãi, đã thất nghiệp, và nhiều người đã lâm vào cảnh sống hết sức khó khăn. Cho nên, khi xẩy ra một vụ gây tổn thương xã hội như thế này sự tức giận của người dân bùng lên cộng với vấn đề kinh tế, cộng với vấn đề thất nghiệp, cộng với vấn đề không được đối xử công bằng trong luật pháp giữa người dân và Nhà nước nói chung, và lực lượng cảnh sát nói riêng. Và đặc biệt là giữa các tòa án, do các quan tòa người da trắng chủ tọa, đối với những nạn nhân da mầu hoặc người thiểu số.
Tất cả những điều này nói chung lại là thảm cảnh của xã hội Hoa Kỳ, bị dồn nén quá lâu, chưa có những giải pháp cụ thể từ phía Nhà nước. Thành ra tất cả mọi chuyện đổ vào một lúc và bùng phát lên trong xã hội Hoa Kỳ là như thế.
RFI : Có người đặt câu hỏi là chính quyền cũng đã thừa nhận cảnh sát có phạm tội. Vậy điều gì có thể giải thích cho việc tại sao các cuộc phản kháng vẫn tiếp tục, thưa ông ?
Phạm Trần : Có hai vấn đề. Thứ nhất là người ta đang còn bất mãn là tại sao ba người cảnh sát chưa bị bắt và chưa bị truy tố gì cả. Tuy nhiên, đằng sau đó lại có những việc làm của chính quyền trung ương, tức của ông tổng thống Donald Trump. Ông Donald Trump đã không lên truyền hình để nói chuyện với người dân sau khi đã nổ ra những cuộc biểu tình liên tục ở nước Mỹ (nhiều cố vấn, nhiều lãnh đạo đảng Cộng hòa trong Quốc Hội đã muốn tổng thống trực tiếp nói chuyện với người dân Mỹ, theo nhà báo Phạm Trần).
Ông Trump đã coi tất cả những chuyện đó rồi. Mặc dù ông ấy có đưa ra lời tuyên bố chia buồn với gia đình nạn nhân đó, và cũng có những cử chỉ nhã nhặn, và cho rằng việc đó không nên để xẩy ra, và ông ấy cũng thể hiện là không hài lòng, tuy nhiên ông ấy lại nhắc lại một lời tuyên bố, đưa ra năm 1967, của một viên cảnh sát trưởng ở bang Florida, trong thời gian đó đang có những cuộc đấu tranh dân quyền giữa người da mầu và người da trắng ở khắp nước Mỹ. Ông ty trưởng cảnh sát đó đã nói rằng : "Khi bạo động bắt đầu, thì tiếng súng cũng bắt đầu nổ".
Câu nói đó làm cho người da đen bị tổn thương. Không cần biết mạng của những người đi biểu tình như thế nào ? Họ có phải là những người biểu tình hay không, hay người gây bạo động ? Liệu có phân biệt là chỉ có một thiểu số bạo động nào đó mà thôi không ?
Hơn nữa ông Donald Trump lại gọi những người đi biểu tình là "những quân khủng bố nội địa" và "những thành phần du đãng". Những lời nói đó là những lời xúc phạm chung cho tất cả những người đi biểu tình, người ta không hài lòng về những lời vơ đũa cả nắm của một ông tổng thống.
Cho đến giờ này, ông Donald Trump vẫn không muốn lên truyền hình, ngược lại, ông ấy có những cử chỉ, hành động phô trương các quyền cá nhân của ông ấy. Tỉ dụ như trong cuộc biểu tình tại Washington DC, hôm thứ Sáu 29/05, ông ấy tuyên bố sẽ sử dụng lực lượng quân đội để dẹp bỏ các cuộc biểu tình, và ngay lúc đó ra lệnh cho cảnh sát dẹp đoàn biểu tình, dù là họ không có hành động bạo động gì, họ chỉ biểu tình ôn hòa, đòi hỏi pháp luật trừng trị các viên chức cảnh sát, do các hành động vô nhân đạo. Việc tổng thống yêu cầu dẹp biểu tình hóa ra chỉ để dẹp đường cho đoàn của tổng thống đi từ tòa Bạch Ốc sang một thánh đường kế bên. Và ông đến bên thánh đường đó chỉ để giơ một cuốn Thánh Kinh lên để người chụp ảnh, truyền hình, có thế thôi ! Không hề có tuyên bố nào về người da mầu bị sát hại, về các cuộc biểu tình. Thành ra người ta cho đó là một hành động cá nhân của ông ấy. Sau đó chính vị phụ trách nhà thờ, giám mục của Giáo hội này đã lên tiếng phản đối việc tổng thống sử dụng ngôi nhà thờ để "làm bàn đạp chính trị", xây dựng hình ảnh chính trị, vì mục tiêu tranh cử.
Tóm lại, trong bối cảnh có nhiều bất công xã hội truyền từ đời chính quyền này sang chính quyền khác chưa được giải quyết, đặc biệt đối với người thuộc các nhóm thiểu số nói chung, người da mầu nói riêng, chính quyền đương thời thay vì đưa ra những lời ôn hòa, các giải pháp cụ thể, thì lại đưa ra những lời lẽ như có vẻ thách đố, phô trương sức mạnh chống lại người biểu tình, không cần biết họ ôn hòa hay không. Đây là điều rất bất lợi cho Hoa Kỳ.
RFI : Xin ông cho biết suy nghĩ của ông về những diễn biến có thể tới đây của phong trào phản kháng này, căn cứ trên tình hình hiện nay.
Phạm Trần : Thật sự là mình chưa biết nó sẽ đi về đâu. Nhưng có một điều chắc chắn là, tôi đã nhìn thấy, là chính quyền trung ương của ông tổng thống Donald Trump không có một chính sách rõ rệt để ổn định tình hình bây giờ. Nhưng phần lớn những cuộc bạo động ngay đêm ngày hôm qua (02/06/2020) đã giảm thiểu rất nhiều. Những người đi biểu tình họ đòi hỏi pháp luật, đòi những người có tội phải được xử rõ ràng. Những người nạn nhân phải được đền bù, được bảo vệ.
Nếu những cuộc biểu tình ôn hòa mà cứ tiếp tục như thế này thì sẽ còn kéo dài. Vì cộng thêm vào những bực tức về hành động của cảnh sát, còn có tình trạng thất nghiệp ở Mỹ vì tình trạng dịch Vũ Hán, vì những vấn đề công ăn việc làm, có nhiều người không có tiền để trả tiền thuê nhà…
Từ giờ cho đến tháng Bảy, tức là chỉ còn một tháng nữa thôi là cuộc vận động tranh cử bắt đầu. Và nếu biểu tình ở nước Mỹ, tình hình kinh tế tiếp tục sa sút, vụ án George Floyd chưa kết thúc, thì tất nhiên sẽ có ảnh hưởng rất lớn đến cuộc bầu cử tổng thống vào tháng 11. Bây giờ các hãng thăm dò dư luận của Hoa Kỳ hôm nay đồng loạt phổ biến kết quả điều tra : sự ủng hộ đối với ông Donald Trump chỉ còn 40%, ngược lại ông cựu phó tổng thống Joe Biden, từ 53% đến 54%, tức là hơn ông Donald Trump nhiều. Tôi cho rằng những việc xảy ra hiện giờ, dù muốn dù không ảnh hưởng rất lớn đến cuộc bầu cử năm nay.
RFI xin cảm ơn nhà báo Phạm Trần.