Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Diễn đàn

04/06/2020

Biểu tình bùng khắp nước Mỹ sau cái chết của George Floyd

Phạm Trần - Trọng Thành

Vì sao biểu tình phản kháng bùng khắp sau cái chết của người da đen George Floyd ?

Ngày 25/05/2020, một vụ can thiệp của cảnh sát gây ra cái chết công dân Mỹ da đen George Floyd, tại bang Minnesota. Kể từ đó đến nay, biểu tình bùng lên khắp nước Mỹ, với bạo động tại một số nơi bất chấp thiết quân luật. Trả lời RFI Việt ngữ, nhà báo Phạm Trần, từ Washington, giải thích những lý do khiến phong trào phản kháng lan rộng khắp nước Mỹ.

floy1

Biểu tình ôn hòa đòi công lý sau cái chết của người da đen George Floyd do bạo lực cảnh sát tại Minneapolis, cạnh nhà Quốc Hội Mỹ, Washington, ngày 03/06/2020. Reuters - Jonathan Ernst

Phong trào phản kháng quy mô đang diễn ra tại Mỹ phản đối nạn bạo hành cảnh sát và kỳ thị chủng tội nhắc lại các cuộc bạo động lớn hồi năm 1992, sau khi tòa án Mỹ tha bổng các cảnh sát đã bắn chết một người da đen ở Los Angeles, và gần đây hơn là các cuộc biểu tình tiếp theo cái chết của một người thanh niên da đen 17 tuổi ở Ferguson (bang Missouri) năm 2014. Tuy nhiên, phong trào phản kháng hiện nay, với tốc độ lan rộng nhanh chóng, với sự tham gia của rất nhiều người da trắng, kể cả cảnh sát trong hàng ngũ các cuộc biểu tình ôn hòa, được nhiều nhà quan sát đánh giá là sự kiện chưa từng có trong lịch sử nước Mỹ đương đại. 

Trong cuộc trả lời phỏng vấn RFI, ngày 03/06/2020, nhà báo Phạm Trần - bên cạnh khủng hoảng đại dịch Covid-19, khủng hoảng kinh tế, nạn bạo hành cảnh sát, những đối xử bất công về luật pháp giữa Nhà nước và người dân, đặc biệt với người da mầu và người thuộc các nhóm thiểu số - đã đặc biệt nhấn mạnh đến vai trò đổ thêm dầu vào lửa của tổng thống Mỹ Donald Trump, gộp chung những người biểu tình ôn hòa với những kẻ phá phách, cướp bóc vào cùng một rọ, khi lên án nạn "khủng bố nội địa". Ông Donald Trump, thay vì đảm đương vai trò của một nguyên thủ của nước Mỹ, có "những phát biểu hướng đến toàn dân", "những giải pháp cụ thể", trong bối cảnh đất nước lâm vào khủng hoảng như hiện nay, thì lại chỉ có những động thái "phô trương sức mạnh", tập trung xây dựng hình ảnh "riêng cho cá nhân, vì mục tiêu tranh cử". 

***

RFI : Xin ông cho biết nhận định chung của ông về phong trào phản kháng sau cái chết của người da đen George Floyd đang diễn ra.

Phạm Trần : Trước hết là có sự thù nghịch giữa những người dân và lực lượng cảnh sát, vì cảnh sát đôi khi đã dùng những biện pháp quá mạnh đưa đến cái chết cho người dân. Mặc dù, những người dân đó không có phạm những cái tội mà đến nỗi phải bị trừng phạt, nhất là sau khi họ đã bị bắt, bị còng tay. 

Anh George Floyd, 46 tuổi, người da mầu này đã bị một người cảnh sát da trắng đè lên cổ gần mười phút đồng hồ, bất chấp việc anh ta nói là không thể thở được. Hành động đó đã đưa đến cái chết của George Floyd, và từ cái chết này, khơi lại những vết thương trong lịch sử nước Mỹ, về vấn đề dân quyền, về kỳ thị chủng tộc. Chúng ta thấy đây là căn bệnh của xã hội Hoa Kỳ. Bất cứ vụ tai nạn nào gây ra chết người cho những người da mầu, hoặc những người thiểu số, thì những vết thương đó lại bùng phát trở lại, làm cho người dân hết sức bất mãn. 

RFI : Có nhiều vụ tương tự xẩy ra trong quá khứ gần đây, tại sao vụ cái chết của George Floyd lại dẫn đến một cuộc phản kháng dữ dội như vậy ?

Phạm Trần : Việc đầu tiên là hình ảnh của ông cảnh sát da trắng đó đạp chân lên cổ của người nạn nhân George Floyd đó quá lâu. Báo chí và đài truyền hình đã chiếu đi, chiếu lại trong nhiều tiếng đồng hồ. Hình ảnh đó tạo ra sự bất mãn không những đối với người da mầu, và kể cả người da trắng. Bởi vì người da trắng nhiều khi cũng là nạn nhân của bạo hành cảnh sát. Cảnh sát đôi khi quá trớn, có những hành động thiếu suy nghĩ làm tổn thương đến danh dự, cũng như là mạng sống của người dân Hoa Kỳ nói chung, người da mầu nói riêng. 

Sở dĩ vụ này bùng phát lên có hai lý do chính. Thứ nhất là trong tình trạng nước Mỹ, cũng như toàn thế giới đang phải đối phó với nạn dịch Covid-19, mà tiếng bình dân gọi là "nạn dịch từ Vũ Hán, Trung Quốc", người dân đã rất là sợ hãi, đã thất nghiệp, và nhiều người đã lâm vào cảnh sống hết sức khó khăn. Cho nên, khi xẩy ra một vụ gây tổn thương xã hội như thế này sự tức giận của người dân bùng lên cộng với vấn đề kinh tế, cộng với vấn đề thất nghiệp, cộng với vấn đề không được đối xử công bằng trong luật pháp giữa người dân và Nhà nước nói chung, và lực lượng cảnh sát nói riêng. Và đặc biệt là giữa các tòa án, do các quan tòa người da trắng chủ tọa, đối với những nạn nhân da mầu hoặc người thiểu số. 

Tất cả những điều này nói chung lại là thảm cảnh của xã hội Hoa Kỳ, bị dồn nén quá lâu, chưa có những giải pháp cụ thể từ phía Nhà nước. Thành ra tất cả mọi chuyện đổ vào một lúc và bùng phát lên trong xã hội Hoa Kỳ là như thế. 

RFI : Có người đặt câu hỏi là chính quyền cũng đã thừa nhận cảnh sát có phạm tội. Vậy điều gì có thể giải thích cho việc tại sao các cuộc phản kháng vẫn tiếp tục, thưa ông ? 

Phạm Trần : Có hai vấn đề. Thứ nhất là người ta đang còn bất mãn là tại sao ba người cảnh sát chưa bị bắt và chưa bị truy tố gì cả. Tuy nhiên, đằng sau đó lại có những việc làm của chính quyền trung ương, tức của ông tổng thống Donald Trump. Ông Donald Trump đã không lên truyền hình để nói chuyện với người dân sau khi đã nổ ra những cuộc biểu tình liên tục ở nước Mỹ (nhiều cố vấn, nhiều lãnh đạo đảng Cộng hòa trong Quốc Hội đã muốn tổng thống trực tiếp nói chuyện với người dân Mỹ, theo nhà báo Phạm Trần). 

Ông Trump đã coi tất cả những chuyện đó rồi. Mặc dù ông ấy có đưa ra lời tuyên bố chia buồn với gia đình nạn nhân đó, và cũng có những cử chỉ nhã nhặn, và cho rằng việc đó không nên để xẩy ra, và ông ấy cũng thể hiện là không hài lòng, tuy nhiên ông ấy lại nhắc lại một lời tuyên bố, đưa ra năm 1967, của một viên cảnh sát trưởng ở bang Florida, trong thời gian đó đang có những cuộc đấu tranh dân quyền giữa người da mầu và người da trắng ở khắp nước Mỹ. Ông ty trưởng cảnh sát đó đã nói rằng : "Khi bạo động bắt đầu, thì tiếng súng cũng bắt đầu nổ".

Câu nói đó làm cho người da đen bị tổn thương. Không cần biết mạng của những người đi biểu tình như thế nào ? Họ có phải là những người biểu tình hay không, hay người gây bạo động ? Liệu có phân biệt là chỉ có một thiểu số bạo động nào đó mà thôi không ? 

Hơn nữa ông Donald Trump lại gọi những người đi biểu tình là "những quân khủng bố nội địa" và "những thành phần du đãng". Những lời nói đó là những lời xúc phạm chung cho tất cả những người đi biểu tình, người ta không hài lòng về những lời vơ đũa cả nắm của một ông tổng thống. 

Cho đến giờ này, ông Donald Trump vẫn không muốn lên truyền hình, ngược lại, ông ấy có những cử chỉ, hành động phô trương các quyền cá nhân của ông ấy. Tỉ dụ như trong cuộc biểu tình tại Washington DC, hôm thứ Sáu 29/05, ông ấy tuyên bố sẽ sử dụng lực lượng quân đội để dẹp bỏ các cuộc biểu tình, và ngay lúc đó ra lệnh cho cảnh sát dẹp đoàn biểu tình, dù là họ không có hành động bạo động gì, họ chỉ biểu tình ôn hòa, đòi hỏi pháp luật trừng trị các viên chức cảnh sát, do các hành động vô nhân đạo. Việc tổng thống yêu cầu dẹp biểu tình hóa ra chỉ để dẹp đường cho đoàn của tổng thống đi từ tòa Bạch Ốc sang một thánh đường kế bên. Và ông đến bên thánh đường đó chỉ để giơ một cuốn Thánh Kinh lên để người chụp ảnh, truyền hình, có thế thôi ! Không hề có tuyên bố nào về người da mầu bị sát hại, về các cuộc biểu tình. Thành ra người ta cho đó là một hành động cá nhân của ông ấy. Sau đó chính vị phụ trách nhà thờ, giám mục của Giáo hội này đã lên tiếng phản đối việc tổng thống sử dụng ngôi nhà thờ để "làm bàn đạp chính trị", xây dựng hình ảnh chính trị, vì mục tiêu tranh cử. 

Tóm lại, trong bối cảnh có nhiều bất công xã hội truyền từ đời chính quyền này sang chính quyền khác chưa được giải quyết, đặc biệt đối với người thuộc các nhóm thiểu số nói chung, người da mầu nói riêng, chính quyền đương thời thay vì đưa ra những lời ôn hòa, các giải pháp cụ thể, thì lại đưa ra những lời lẽ như có vẻ thách đố, phô trương sức mạnh chống lại người biểu tình, không cần biết họ ôn hòa hay không. Đây là điều rất bất lợi cho Hoa Kỳ. 

RFI : Xin ông cho biết suy nghĩ của ông về những diễn biến có thể tới đây của phong trào phản kháng này, căn cứ trên tình hình hiện nay.

Phạm Trần : Thật sự là mình chưa biết nó sẽ đi về đâu. Nhưng có một điều chắc chắn là, tôi đã nhìn thấy, là chính quyền trung ương của ông tổng thống Donald Trump không có một chính sách rõ rệt để ổn định tình hình bây giờ. Nhưng phần lớn những cuộc bạo động ngay đêm ngày hôm qua (02/06/2020) đã giảm thiểu rất nhiều. Những người đi biểu tình họ đòi hỏi pháp luật, đòi những người có tội phải được xử rõ ràng. Những người nạn nhân phải được đền bù, được bảo vệ.

Nếu những cuộc biểu tình ôn hòa mà cứ tiếp tục như thế này thì sẽ còn kéo dài. Vì cộng thêm vào những bực tức về hành động của cảnh sát, còn có tình trạng thất nghiệp ở Mỹ vì tình trạng dịch Vũ Hán, vì những vấn đề công ăn việc làm, có nhiều người không có tiền để trả tiền thuê nhà… 

Từ giờ cho đến tháng Bảy, tức là chỉ còn một tháng nữa thôi là cuộc vận động tranh cử bắt đầu. Và nếu biểu tình ở nước Mỹ, tình hình kinh tế tiếp tục sa sút, vụ án George Floyd chưa kết thúc, thì tất nhiên sẽ có ảnh hưởng rất lớn đến cuộc bầu cử tổng thống vào tháng 11. Bây giờ các hãng thăm dò dư luận của Hoa Kỳ hôm nay đồng loạt phổ biến kết quả điều tra : sự ủng hộ đối với ông Donald Trump chỉ còn 40%, ngược lại ông cựu phó tổng thống Joe Biden, từ 53% đến 54%, tức là hơn ông Donald Trump nhiều. Tôi cho rằng những việc xảy ra hiện giờ, dù muốn dù không ảnh hưởng rất lớn đến cuộc bầu cử năm nay. 

RFI xin cảm ơn nhà báo Phạm Trần

Trọng Thành thực hiện

Nguồn : RFI, 04/06/2020

Quay lại trang chủ

Additional Info

  • Author: Phạm Trần, Trọng Thành
Read 624 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)