Người dân Sài Gòn đón Lễ Giáng Sinh năm nay trong bối cảnh nền kinh tế còn gặp nhiều khó khăn, sản xuất trong một số ngành bị đình trệ, hàng chục ngàn công nhân mất việc, cuộc sống của người lao động nghèo ở thành phố đông dân nhất Việt Nam càng thêm khốn đốn.
Các giáo dân tình nguyện đang nấu các món ăn cho Quán cơm 2000 tại nhà thờ Vườn Xoài, Sài Gòn, Việt Nam, ngày 13/12/2022. © RFI / Tiếng Việt
Theo lời linh mục Phêrô Vũ Minh Hùng, chánh xứ nhà thờ Vườn Xoài ở đường Lê Văn Sỹ, Sài Gòn, thời điểm này càng là lúc để Giáo hội Công giáo đồng hành với những người không may mắn, cụ thể là qua những bữa ăn trưa miễn phí mà nhà thờ Vườn Xoài chuẩn bị cho họ mỗi ngày :
"Khoảng gần 100.000 công nhân đã mất việc, và điều này ảnh hưởng không chỉ đến các tỉnh mà cả thành phố nữa. Thứ hai là về cơ bản đời sống của người dân thành phố cũng chật vật trong thời buổi kinh tế đang suy thoái, nhiều người không có đủ cơm ăn, áo mặc. Chính vì vậy mà Giáo hội không đứng bên lề, mà luôn đồng hành với họ, nghĩ ra một cách nào đó để giúp họ phần nào. Những bữa ăn là điều họ quan tâm.
Trước đây, khi mình còn làm ở giáo xứ cũ thì tệ nạn xã hội nhiều, bởi vì họ đói thì họ đi kiếm thôi. Nhưng mà từ khi mình mở quán ăn, họ bớt đi tệ nạn nhiều. Đó là điều mình thấy được lúc trước ở giáo xứ cũ. Bây giờ về giáo xứ mới này thì lượng người đông hơn, nhu cầu nhiều hơn, tại vì khu vực từ ga xe lửa Sài Gòn, chạy dọc theo đường Lê Văn Sỹ, đến Lăng Cha Cả, người giàu cũng có, nhưng đa số là những người nghèo, đi làm thuê cho những người chung quanh đó, khá giả hơn. Cho nên cuộc sống của họ rất chật vật, khó khăn.
Chính vì vậy chúng tôi cố giúp đỡ họ bằng cách mở một quán cơm, ít ra là họ được một bữa trưa, như có người nói rằng : "Con chỉ ăn một bữa trưa này thôi, vì sáng nay con không ăn, chiều cũng không ăn". Quả thực có những hoàn cảnh rất là tội ! Đó là động lực để mình giúp người nghèo nhiều hơn".
"Quán cơm 2000" do cha Hùng lập ra, "khai trương" đầu tháng 10, đã hoạt động liên tục từ đó cho đến nay. Đây vẫn là công việc mà cha Hùng đã làm từ 8 năm qua khi còn là chánh xứ Martino Thị Nghè, trước khi được bổ nhiệm chánh xứ Nhà thờ Vườn Xoài cách đây hơn 3 tháng. Kể cả khi dịch Covid-19 hoành hành dữ dội ở Việt Nam, thành phố Sài Gòn phải sống "giãn cách", những bữa ăn vẫn đến với người nghèo dưới hình thức "Điểm phát cơm miễn phí hỗ trợ mùa dịch Covid mỗi ngày".
Nhu cầu về những bữa ăn miễn phí này càng lớn cùng với những khó khăn kinh tế hiện nay, ngay cả tại những khu vực được xem là giàu ở Sài Gòn, theo lời cha Vũ Minh Hùng.
Khi chúng tôi đến thăm nhà thờ Vườn Xoài hôm 13/12, từ sáng sớm, các giáo dân tình nguyện đã tất bật chuẩn bị cho bữa ăn trưa hôm đó, người thì rửa rau, người thì xào nấu, người thì xếp bàn ghế, để khoảng 10 giờ rưỡi sẽ đón tiếp cả trăm người sẽ kéo đến để được ăn bữa duy nhất trong ngày với đầy đủ rau thịt tươi sống, đầy đủ chất bổ.
Cha Hùng đặt tên là "Quán cơm 2000" để những người đến đây không cảm thấy như được ăn bố thí, mà mỗi người chỉ bỏ một món tiền rất nhỏ là 2.000 đồng để nhận một khay thức ăn, thay vì phải bỏ ra ít nhất 20.000 hay 30.000 đồng mới được một bữa cơm bình dân với chất lượng thua xa.
Quán cơm 2000 phục vụ "thực khách" từ thứ Hai đến thứ Sáu hằng tuần. Nhà thờ Vườn Xoài huy động những nguồn nhân lực, tài lực nào để có thể bảo đảm mỗi ngày đều có những bữa tươi ngon như thế, cha Vũ Minh Hùng cho biết :
"Về nhân lực thì các giáo dân khi được kêu gọi, mọi người đều chung tay. Điều đó có thể được thấy rõ, vì mỗi ngày có đến mấy chục người đến phục vụ, buổi sáng làm rau, rồi xế trưa một nhóm khác đến rửa khay, rửa chén, rồi một số khoảng mười mấy, hai chục người phục vụ cho khách. Nhưng mình tạo cho họ sự tự giác, đó là mỗi người đến lấy phần ăn, ăn xong rồi đưa đến cho người ta rửa.
Còn về tài chính, thực lực trong giáo xứ thì nhiều, rồi cũng có người này người kia cho vài trăm ngàn, một triệu, hai triệu… để phụ vào, nhưng nguồn lực của giáo xứ là chính. Các nhà hảo tâm lâu lâu cũng có. Chúng tôi đã duy trì việc này từ 8 năm nay rồi".
Dĩ nhiên là Lễ Giáng sinh và tiếp đến là ngày Tết càng là dịp để Giáo hội chia sẽ niềm vui với những người nghèo, để họ được thêm hơi ấm của tình thương, với những bữa ăn đặc biệt hơn, với những phần quà Noel, theo lời cha Vũ Minh Hùng.
Hoạt động trên phạm vi toàn quốc, "Nhóm Liên kết Tông đồ Bác ái Xã hội", quy tụ phần lớn là các cựu sinh viên công tác xã hội và xã hội học, cũng có những hoạt động hướng về người nghèo trong dịp Lễ Giáng sinh và ngày Tết sắp đến, theo lời sơ Maria Trần Thị Thu Thủy, nữ tu Hội Dòng Mến Thánh Giá Chợ Quán, và là một thành viên của nhóm :
"Dù là cho người cao tuổi, hay cho trẻ đồng bào (dân tộc thiểu số), trẻ hoàn cảnh khó khăn, hay người khuyết tật, ngày Giáng sinh hay ngày Tết đều là những ngày đa ý nghĩa, để cho người nghèo được cảm nhận một cái Tết. Những ngày thường thì họ đã ăn thiếu thốn rồi và họ cũng không cảm nhận được một bữa no là ngon như thế nào. Cho nên thường thì các nhóm hoạt động như chúng em quan tâm cho một món quà, hay một cái gì đó đặc biệt hơn, một bữa cơm đặc biệt hơn, cho họ cảm nhận được ngày vui, ý nghĩa của ngày lễ.
Ở thành phố thì Dòng Mến Thánh Giá Chợ Quán cũng có hai mái ấm, liên kết với Caritas Việt Nam hay Caritas Sài Gòn để họ hỗ trợ để các em vui mùa Giáng sinh với các bạn bè thành phố".
Theo lời cha Vũ Minh Hùng, nói chung, giúp những người nghèo bằng những bữa ăn tình thương tại nhà thờ Vườn Xoài chỉ là một trong vô số những hoạt động xã hội, từ thiện của Giáo hội Công giáo Việt Nam nói chung và Giáo phận Sài Gòn nói riêng hướng về những gia đình gặp khó khăn. Có nơi tổ chức chăm lo cho những người nghèo, có nơi thì hướng nghiệp, hoặc trợ cấp vốn, hoặc lập các các quỹ, các học bổng…
Tại một chòi bếp của người thiểu số tại Suối Máu, Hàm Tân, Phan Thiết : Các trẻ em con của người cùi được một sơ dạy học và cho uống sữa. © Nhóm Liên kết Tông đồ Bác ái
Riêng nhóm "Nhóm Liên kết Tông đồ Bác ái Xã hội" của sơ Thủy cũng có nhiều chương trình học bổng cho các trẻ em nghèo, nhất là trẻ em người dân tộc thiểu số. Nhưng không chỉ cấp học bổng, họ còn cố gắng giúp cho trẻ được học hành đến nơi đến chốn :
"Mình được dạy là giúp con người thì giúp cần câu hơn là giúp con cá, và giúp phải có phương pháp khoa học, nhất là trong xã hội ngày nay, giúp đỡ cho người nghèo thì phức tạp và khó khăn hơn ngày xưa. Không chỉ cho học bổng là xong, mà phải đồng hành, giúp đỡ, tập huấn, hướng dẫn choc hamẹ nâng cao nhận thức, để trẻ thức được việc học là quan trọng đối với tương lai của trẻ. Và đi tới hướng nghiệp.
Cộng đồng có nhiều gia đình nghèo dẫn đến giáo dục nghèo. Chẳng hạn như ở vùng miền núi ở Tây Bắc, ở Điện Biên, bây giờ mình có cho họ học bổng, thì việc học của con họ cũng chỉ đến lớp một, lớp hai và nhiều khi con họ mất căn bản thì họ thôi. Nhưng việc nâng cao nhân thức cho họ thì rất là cực. Bước đầu mình phải phân chia nhóm, tổ chức cho họ sinh hoạt và nhiều khi cho họ tham khảo những chương trình học bổng đã làm trước và đã có hiệu quả.
Bây giờ người ta hay dùng từ "phát triển tự dân", một phương pháp đến từ Châu Âu và đã được áp dụng ở Châu Phi, hiện tại cũng được ứng dụng ở Việt Nam như Caritas Phan Thiết hay Caritas Đà Lạt. Gọi là tác động đa chiều tức là mình không chỉ quan tâm đến học bổng, mà còn quan tâm đến bối cảnh của họ, để mình phân tích, rồi tùy đặc điểm của vùng đó mà người phục vụ lên một kế hoạch nâng cao nhận thức từng bước một cho người dân".
Tuy nhiên hiện giờ, theo lời sơ Thủy ngân sách cho những học bổng đó chủ yếu trích từ thu nhập của các nhà dòng, hoặc từ tiền bán lịch, bán đồ thủ công mỹ nghệ vào dịp Tết, chứ không thật sự dồi dào để đáp ứng các nhu cầu rất lớn về học tập của trẻ em nghèo ở Việt Nam, nhất là vùng xa, vùng sâu.
Thanh Phương
Nguồn : RFI, 24/12/2022
Báo chí chính thống, mạng xã hội và dư luận Việt Nam nói chung đang quan tâm rất nhiều đến Nhà thờ Chính tòa Giáo phận Bùi Chu ở Nam Định.
Nhà thờ chính tòa Giáo phận Bùi Chu ở Nam Định được xây dựng theo phong cách kiến trúc baroque dưới thời Pháp thuộc bởi giám mục Wenceslao Onate Thuận (1884)
Một bản tin ngày 17/04 trên trang web của Giáo phận cho biết ngôi thánh đường 134 tuổi sẽ phải hạ giải vào ngày 13/05 này. Như bản tin này viết, quyết định hạ giải nhà thờ là một chuyện không dễ dàng đối với Giáo phận Bùi Chu vì "nhà thờ Chính Tòa cổ kính, gắn chặt với những thăng trầm của đời sống đức tin giáo phận suốt trên 100 năm".
Trả lời Báo Tiền Phong hôm 4/5, Giám mục Giáo phận Bùi Chu Thomas Vũ Ðình Hiệu cho biết "nhà thờ đã xuống cấp nghiêm trọng".
Ngài cũng nhấn mạnh : "Việc tụ họp hàng nghìn giáo dân để dâng lễ trong khi đó nguy cơ sụp đổ, mất an toàn rất dễ xảy ra. Chính vì thế việc chúng tôi đưa lên hàng đầu vẫn là đảm bảo an toàn tiếp đó là mục đích thờ phượng, sau đó mới tính đến các giá trị khác như kiến trúc, di sản".
'Nhà thờ Bùi Chu : Công trình đặc sắc'
Nhưng vì coi đó là một công trình kiến trúc đặc sắc, là một di sản văn hóa, tinh thần quý, đáng trân trọng, nên được bảo tồn, trong mấy ngày qua nhiều nhân sỹ, trí thức đã gửi thư đến Chính phủ Việt Nam, Tòa thánh Vatican hay Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa của Liên hiệp quốc (UNESCO) xin can thiệp để duy trì, bảo tồn nó.
Chẳng hạn, một số kiến trúc sư, nhà bảo tồn di sản đã gửi đơn tới Thủ tướng, Bộ trưởng Văn hóa thể thao và du lịch và Chủ tịch UBND tỉnh Nam Định, đề nghị xem xét can thiệp giữ lại ngôi thánh đường. Đơn thư ấy viết ngôi nhà thờ được xây dựng từ năm 1885 "là di sản kiến trúc nghệ thuật và văn hóa, được cha ông từ đời trước dày công tạo dựng một tác phẩm kiến trúc độc đáo không nơi nào ở Việt Nam có được, thuộc hàng di sản văn hóa quốc gia".
Nhà thờ Chính tòa (hay còn gọi là nhà thờ đá) Phát Diệm ở Ninh Bình (năm 1892)
Nhóm Bảo vệ di sản Việt Nam (Save Heritage VietNam) cũng gửi thỉnh nguyện thư đến Giáo hoàng Francis, xin ngài giải cứu nhà thờ. Trong thư, nhóm cho rằng "không thể mô tả toàn diện vẻ đẹp với lối kiến trúc pha trộn Đông Dương bản địa và Ba Rốc (Tây Ban Nha) và trên hết là các giá trị phi vật thể trong lịch sử của ngôi thánh đường này".
Trước sự quan tâm của dư luận nói chung và của các kiến trúc sư, nhà bảo tồn văn hóa, Bộ Văn hóa thể thao và du lịch cũng đã vào cuộc. Hôm 7/5, một thứ trưởng của Bộ Văn hóa thể thao và du lịch cũng đã dẫn đầu đoàn công tác của bộ này đi khảo sát thực tế tại nhà thờ Bùi Chu và làm việc với chủ tịch UBND tỉnh Nam Định.
Từ trước tới giờ ở Việt Nam hiếm khi, nếu không muốn nói là chưa bao giờ, có một sự quan tâm, phản ứng tích cực, rộng rãi như vậy về một công trình kiến trúc - hay một hoạt động, đóng góp nào đó - của Giáo hội Công giáo ở Việt Nam.
Vì không phải là lĩnh vực chuyên môn, tôi không dám bàn đến chuyện nên hạ giải để xây dựng lại Nhà thờ Chính tòa Bùi Chu hay đại trùng tu để bảo tồn ngôi thánh đường cổ kính này.
Nhưng là một người Công giáo, tôi vừa ngạc nhiên vừa cảm thấy vui vui về phản ứng đó vì xem ra những đóng góp của Giáo hội - ít nhất về kiến trúc - đối với đất nước Việt Nam đang được ghi nhận, coi trọng.
Ngoài việc mang đức tin hay một nền văn minh (tình thương) đến Việt Nam, Kitô giáo cũng đem đến cho đất nước này nhiều thứ giá trị khác.
Những kiến trúc độc đáo
Nhà thờ Bùi Chu được bắt đầu xây dựng năm 1884 dưới thời Giám mục Wenceslao Onate Thuận, một người Tây Ban Nha.
Ngoài Nhà thờ Bùi Chu, còn có nhiều công trình kiến trúc công giáo có giá trị khác được khởi công xây dựng vào khoảng thời gian đó - như Nhà thờ Đức Bà Sài Gòn (năm 1887) và Nhà thờ Chính tòa (hay còn gọi là nhà thờ đá) Phát Diệm ở Ninh Bình (năm 1892).
Nhà thờ Đức Bà Sài Gòn được xây dựng vào năm 1887
Dù ít được biết đến, ở Yên Thành, Nghệ An có nhà thờ đá Bảo Nham. Nhà thờ đá duy nhất ở Nghệ An và cũng là một công trình kiến trúc kiểu Gothic độc đáo này được cha Adolphe Klinglé, một linh mục người Pháp, còn được biết với cái tên Cố Thông, khởi công xây dựng năm 1888.
Nhưng những nhà thờ cổ kính - hay các công trình kiến trúc độc đáo mang đậm phong cách Châu Âu hay kết hợp văn hóa Đông Tây rất có giá trị - chỉ là bề nổi và một phần nhỏ mà Kitô giáo đã và đang mang đến cho Việt Nam.
Ngôn ngữ
Một đóng góp rất ý nghĩa, to lớn khác của người Công giáo - mà đến giờ nhiều người ở Việt Nam, đặc biệt là giới trẻ vẫn không biết - là chữ quốc ngữ.
Nếu không có cha Alexandre de Rhodes và các giáo sĩ phương Tây khác, chắc nhiều người Việt đã, đang và sẽ phải mù chữ vì chữ Hán hay chữ Nôm rất khó học. Và nếu không có Tiếng Việt, một ngôn ngữ riêng cho chính mình, chắc chắn Việt Nam còn lệ thuộc nhiều vào Trung Quốc và như vậy vấn đề thoát Trung đối với Việt Nam đã khó lại càng khó.
Nhưng, phần lớn vì hiềm khích hay nghi kỵ, vai trò, đóng góp của Giáo hội tại Việt Nam thường bị xem nhẹ, lãng quên.
Có những giai đoạn, đạo Công giáo bị coi là đạo của người Tây, là tà giáo, tả đạo và tất cả những gì liên quan đến Giáo hội đều bị coi là ngoại lai và bị khinh bỉ, loại bỏ.
Trong ba thế kỷ (từ thế kỷ XVII đến thế kỷ XIX), đặc biệt dưới thời vua Minh Mạng (1820-1841), Thiệu Trị (1841-1847) và Tự Ðức (1848-1883), nhiều người Công giáo đã bị bắt bớ, giam cầm, giết hại tàn nhẫn.
Năm 1988, Đức Giáo hoàng - và nay là Thánh - John Paul II, phong Thánh cho 117 vị tử đạo Việt Nam, trong đó có 96 vị là người Việt Nam, 10 vị thuộc Hội Thừa sai Paris, Pháp và 11 vị thuộc dòng Ða minh Tây Ban Nha. Trong số 96 người Việt, có đến 32 vị thuộc tỉnh Nam Định.
Dù giờ không còn bị bắt bớ, bách hại như trước, người Công giáo và những cống hiến của họ cũng chưa được hoàn toàn ghi nhận, coi trọng.
Tại một buổi tọa đàm ở Hà Nội đầu tháng Tư vừa rồi, giáo sư Nguyễn Đăng Hưng, Đại học Liège, Vương quốc Bỉ, đã đưa ra một số đề xuất nhằm vinh danh linh mục Alexandre de Rhodes và chữ quốc ngữ - như chọn ngày 5/11 (ngày mất của giáo sĩ Alexandre de Rhodes) làm ngày "Giữ gìn sự trong sáng của tiếng Việt" hay xây dựng một không gian để bảo tồn chữ quốc ngữ.
Không biết những đề xuất, ý nguyện ấy có được lắng nghe, thực hiện hay không. Nhưng đáng lẽ ra những việc làm như vậy phải được Chính phủ hay cơ quan, tổ chức nhà nước của Việt Nam tiến hành từ lâu. Nhưng vì nghi kỵ, những đóng góp to lớn của giáo sĩ Alexandre de Rhodes vẫn chưa được công nhận.
Giáo dục
Một thế mạnh, ưu tiên và cũng là lĩnh vực khác Giáo hội được mời gọi dấn thân là giáo dục - không chỉ về đức tin, nhân bản, luân lý mà còn về nhiều lĩnh vực khác nhằm thăng tiến con người, phát triển xã hội, đất nước.
Cũng vì vậy, trước đây ở Việt Nam, ngoài các nhà trẻ, có đến cả ngàn trường công giáo đủ mọi cấp (từ tiểu học đến đại học), thuộc đủ loại, đủ ngành (như từ trường y, trường dạy nghề đến trường dành cho người khiếm thị khiếm thính, trường miễn phí cho sinh viên, học sinh nghèo), và tiếp nhận học sinh, sinh viên từ mọi thành phần trong xã hội, không phân biệt tôn giáo.
Chẳng hạn, một tổng kết về tình hình Giáo hội Việt Nam năm 1962-1963 cho thấy lúc đó Giáo hội có đến 93 trường trung học (với hơn 60 ngàn học sinh) và 1.122 trường tiểu học (với gần 235 ngàn học sinh).
Theo một thống kê khác, trước 1975 ở miền Nam có đến 145 trường trung học và 1060 trường tiểu học công giáo. Ngoài ra, còn có những đại học Công giáo, như Giáo hoàng Học viện ở Đà Lạt, Viện Đại học Minh Đức, Đại học Thành Nhân và Đại học La San ở Sài Gòn.
Nhưng sau 1954 ở miền Bắc và sau 1975 tại miền Nam các trường Công giáo lần lượt đều phải đóng cửa. Hầu hết trường học, cơ sở giáo dục bị tịch thu và Giáo hội không còn được tham gia vào lĩnh vực giáo dục.
Thậm chí, sau này, khi chính quyền Việt Nam không còn 'độc quyền' giáo dục và 'xã hội hóa' lĩnh vực này, cho phép 'tư nhân, thậm chí người nước ngoài, có quyền mở trường tư thục' - như Thư Chung về Giáo dục Kitô Hội Ðồng Giám Mục Việt Nam năm 2007 nêu - Giáo hội Công giáo vẫn phải 'đứng bên lề sự nghiệp giáo dục của xã hội Việt Nam'.
Mãi tới năm 2016, một Học viện Công giáo mới được chính thức mở cửa. Đây là lần đầu tiên kể từ năm 1975, một trường công giáo ở cấp trung học hay đại học được thành lập và công khai hoạt động.
Vì luôn muốn thông phần vào việc mở mang và phát huy nền giáo dục, không ngạc nhiên tại những quốc gia tự do, dân chủ, Giáo hội Công giáo luôn tham gia rất tích cực vào lĩnh vực này.
Các nước Châu Á - như Ấn Độ, Đài Loan, Hàn Quốc, Indonesia, Nhật Bản, Philippines - đều có nhiều trường đại học công giáo. Nhiều trường - như Catholic University of Korea ở Nam Hàn, Fu Jen Catholic University ở Đài Loan hay De la Salle University ở Philippines - được xếp hạng cao tại những quốc gia đó.
Nếu Giáo hội được tự do tiếp tục hoạt động trong lĩnh vực giáo dục ở miền Bắc sau năm 1954 hay ở miền Nam sau 1975, chắc chắn giờ ở Việt Nam cũng có một số đại học công giáo có uy tín như tại những quốc gia Châu Á trên.
Với việc dư luận nói chung và các kiến trúc sư, nhà bảo tồn văn hóa đánh giá cao Nhà thờ Bùi Chu, lên tiếng xin cứu giải, bảo tồn nó và cũng vì vậy, chính quyền Việt Nam đã vào cuộc và tới xem xét, khảo sát, đánh giá, hy vọng rằng xã hội, chính quyền Việt Nam sẽ có một cái nhìn khác và tích cực hơn về Giáo hội Công giáo, về những đóng góp, vai trò của Giáo hội trong đời sống xã hội, trong việc phát triển đất nước.
Đoàn Xuân Lộc
Nguồn : BBC, 08/05/25019
Tiến sĩ Đoàn Xuân Lộc là một cây bút người Công giáo hiện đang sinh sống và làm việc tại Birmingham, Anh Quốc.
*******************
Giáo phận công bố hoãn 'hạ giải' Nhà thờ Bùi Chu (BBC, 10/05/2019)
Thông báo hoãn 'hạ giải' Nhà thờ Bùi Chu được giáo phận công bố hôm 10/5 sau khi kế hoạch tu sửa công trình này vấp phải phản ứng từ cộng đồng.
Một buổi cầu nguyện ngoài trờ của Giáo phậ Bùi Chu
"Sau khi cầu nguyện, suy nghĩ, lắng nghe ý kiến của các linh mục hữu trách và những người thành tâm thiện chí về công trình Nhà thờ Chính tòa Bùi Chu, chúng tôi xin thông báo tạm hoãn việc hạ giải nhà thờ của giáo phận của chúng tôi", thông báo đăng trên website của Giáo phận Bùi Chu hôm 10/5 cho hay.
Thông báo tạm hoãn hạ giải nhà thờ của giáo phận Bùi Chu
Thông báo này có đóng dấu và chữ ký của Linh mục Juse Nguyễn Đức Giang, Tổng đại diện, Trưởng ban Xây dựng Nhà thờ Chính tòa Bùi Chu.
Văn bản này được đăng tải vào 08g10 sáng 10/5.
Trước đó, hôm 1/5, Linh mục Joseph Trần Hưng Đạo, giám đốc Caritas Bùi Chu nói với BBC rằng việc trùng tu nhà nhà Bùi Chu sẽ được tiến hành vào ngày 13/5.
"Việc trùng tu Nhà thờ thì có vấn đề gì đâu, công trình nào cũng chỉ có một khoảng thời gian của nó.... Sửa mà đại tu nhà thờ mà không dỡ ra thì sao sửa được ?"
Một lãnh đạo tỉnh Nam Định không nêu tên đã xác định thông tin hoãn hạ giải Nhà thờ Bùi Chu với tờ Tuổi Trẻ.
Nhà thờ Chính tòa Bùi Chu 134 tuổi là một Nhà thờ Công giáo Rôma, thuộc xã Xuân Ngọc, huyện Xuân Trường, tỉnh Nam Định, được xây dựng dưới thời Pháp thuộc. Mặc dù không nằm trong danh mục Di sản được bảo vệ theo Luật Di sản Việt Nam, Nhà thờ Bùi Chu được đánh giá là công trình kiến trúc có giá trị lớn về lịch sử, văn hóa và tâm linh.
Giáo phận Bùi Chu cũng được coi là giáo phận đầu tiên tại Việt Nam.
Áp lực từ cộng đồng
Từ tháng Tư, trên mạng xã hội đã lan truyền thông tin Nhà thờ cổ Bùi Chu ở Nam Định sắp bị 'đập đi xây mới'.
Sau đó, báo chí chính thống vào cuộc, đăng tải ý kiến của các chuyên gia trong nước và quốc tế về việc có nên hay không xây mới Nhà thờ Bùi Chu.
Nhiều kiến trúc sư và các chuyên gia về di sản đóng góp các đề xuất để tu sửa Nhà thờ Bùi Chu mà không phải đập đi xây mới.
Hôm 30/4, 25 kiến trúc sư, nhà bảo tồn di sản đã gửi đơn tới Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc, Bộ trưởng Bộ Văn hóa thể thao và du lịch Nguyễn Ngọc Thiện và Chủ tịch UBND tỉnh Nam Định Phạm Đình Nghị, kiến nghị tạm dừng phá dỡ Nhà thờ Bùi Chu để chờ đánh giá toàn diện của Hội đồng di sản quốc gia.
Nhóm kiến trúc sư này đã đến đánh giá tình trạng Nhà thờ Bùi Chu và kết luận 'chỉ bị hư hỏng nhẹ'.
Cùng lúc đó là tiếng nói từ cộng đồng mạng kêu gọi ký các thỉnh nguyện thư trên trang change.org đề nghị gìn giữ di sản Nhà thờ Bùi Chu.
Một buổi rước kiệu theo nghi lễ Công giáo của Giáo Phận Bùi Chu
Save Heritage Vietnam, một cộng đồng Facebook mới được thành lập và ngay lập tức thu hút gần 2,000 followers, đã gửi thư cho Giáo hoàng Francis để thúc giục ông can thiệp vào vụ việc Bùi Chu.
Sau đó, hôm 3/5, trên website của Vatican (Vatican News) xuất hiện bài báo bằng tiếng Đức với tiêu đề : "Việt Nam : Liệu còn cứu được nhà thờ ?"
Trong suốt đầu tháng Năm, Nhà thờ Bùi Chu và kế hoạch 'hạ giải', xây mới, đã trở thành chủ đề nóng trên nhiều diễn đàn mạng và báo chí chính thống.
Hôm 7/5, ông Martin Rama, Cố vấn của Ngân hàng Thế giới và là giám đốc dự án của Trung tâm Phát triển Đô thị Bền vững (Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam) cũng có thư ngỏ gửi Tổng giám mục Hà Nội Joseph Vũ Văn Thiên và Giám mục Thomas Vũ Đình Hiệu, Giáo phận Bùi Chu. Trong thư có đoạn : "Lịch sử sẽ không khoan dung với việc phá hủy Nhà thờ Bùi Chu…".
Sau hàng loạt động thái nói trên từ cộng đồng, hôm 7/5, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã phải cử đoàn kiểm tra do Thứ trưởng Lê Quang Tùng làm đại diện, về làm việc với lãnh đạo tỉnh Nam Định về việc phá dỡ Nhà thờ Bùi Chu.
Sáng 10/5, Trưởng đại diện văn phòng UNESCO Việt Nam, ông Michael Croft đã gặp Đức giám mục Nhà thờ Chính tòa Bùi Chu để trao đổi về việc trùng tu nhà thờ này, theo Tuổi Trẻ Online.
Cộng đồng mạng nói gì ?
Thông tin hoãn hạ giải Nhà thờ Chính tòa Bùi Chu đem lại sự phấn khởi cho cộng đồng mạng xã hội Việt Nam.
Facebooker Phan Ngọc Minh viết : "Các bạn thấy không ? Suýt nữa thì người ta phá mất. Nhờ tiếng nói của cộng đồng đã cứu được công trình văn hóa để lại cho đời con cháu chúng ta..".
"Xin đừng thờ ơ. Xin đừng im lặng".
Facebooker Phan Nguyễn Quế Mai : "Tin vui. Tạ ơn Chúa ! Hy vọng nhà thờ cổ xưa và tuyệt đẹp này sẽ được cải tạo, nâng cấp chứ không bị đập bỏ. Cảm ơn bạn bè của tôi đã ký đơn thỉnh cầu với tôi. Cảm ơn các linh mục ở Bùi Chu vì đã lắng nghe những mong muốn của chúng tôi để bảo tồn địa danh cổ kính và tráng lệ này. Tôi cầu nguyện chúng ta sẽ tìm ra một giải pháp tốt nhất".
Luật sư Nguyễn Văn Hòa viết trên Facebook cá nhân : "Hy vọng rằng sẽ có một ngôi Nhà thờ Bùi Chu mới và ngôi nhà thờ cũ vẫn được giữ lại làm di sản tôn giáo, kiến trúc và Nghệ thuật của Nam Định".
Trang Facebook của NgoViet Architects & Planners "hoan nghênh quyết định tạm hoãn hạ giải Nhà thờ Bùi Chu của Linh mục Tổng Đại diện Giáo phận Bùi Chu" và đưa ra một số các giải pháp để vừa "bảo tồn di sản và đảm bảo nhu cầu sử dụng của giáo dân trong giáo phận".
"Tổ chức quy hoạch lại quần thể công trình (Nhà thờ Chính Tòa cũ và mới, Đền Thánh Đức Mẹ, Đại chủng viện, Cơ sở Dòng Đa Minh Bùi Chu, Cô nhi viện Thánh An, không gian công cộng và không gian xanh) đảm bảo hài hòa giữa bảo tồn và phát triển".
"Xây dựng một Nhà thờ Chính Tòa mới hoàn toàn, phục vụ nhu cầu bức thiết của giáo dân, tại một vị trí khuôn viên ở gần đó phù hợp với quy hoạch, trong đó chính quyền đặc cách cho phép gia tăng diện tích đất tôn giáo, để việc xây dựng công trình mới không bị giới hạn bởi chỉ tiêu đất tôn giáo của khu vực".
"Nghiên cứu thực hiện việc bảo tồn và cải tạo công trình di sản nhà thờ hiện hữu theo các chức năng phù hợp mà giáo phận mong muốn (nhà thờ nhỏ, nhà nguyện, nhà triển lãm hoặc bảo tàng văn hóa lịch sử, nhà lưu niệm, văn phòng, thư viện thánh,…), với sự hỗ trợ về chuyên môn của các chuyên gia về bảo tồn công trình lịch sử, và sự hỗ trợ tài chính về bảo tồn di sản nếu cần thiết".
1.500 người vừa ký thỉnh nguyện thư gửi Giáo hoàng Francis xin minh xét cho cựu Tổng Giám mục Hà Nội Ngô Quang Kiệt, người mà họ cho là đã "bị oan khiên".
Giám mục Ngô Quang Kiệt trong lễ mừng kỷ niệm 25 năm hồng ân thiên chức linh mục tại Đan Viện Châu Sơn, Nho Quan, Ninh Bình
Tổng Giám mục Joseph Ngô Quang Kiệt, sinh năm 1952, đảm nhận chức vụ Tổng giáo phận Hà Nội từ năm 2005 - 2010.
Trong thời gian đó, ông đã gặp nhiều khó khăn với chính quyền, nhất là quanh vụ Tòa Khâm sứ ở phố Nhà Chung.
Tòa Tổng giám mục Hà Nội, đứng đầu là Tổng Giám mục Ngô Quang Kiệt, trong một thời gian dài đã yêu cầu xin lại tòa nhà từng được dùng làm văn phòng của đại diện tòa thánh Vatican.
Giáo dân cũng tổ chức nhiều cuộc cầu nguyện đông người bên ngoài để "đòi khu đất tòa Khâm sứ cũ".
Các nỗ lực đó đã thất bại khi cuối cùng vào năm 2008, chính quyền Hà Nội thu hồi, 'quy hoạch dự án xây dựng công viên cây xanh' tại đây.
Tháng 5/2010, theo Đài Vatican, Giáo hoàng Benedict XVI nhận đơn từ chức của Tổng Giám mục Hà Nội Joseph Ngô Quang Kiệt vì lý do sức khỏe, chiếu theo khoản số 401 triệt 2 của Bộ Giáo Luật.
Sau đó, ông chuyển tới Đan viện Châu Sơn, Ninh Bình
'Oan khiên'
Thỉnh nguyện thư ký tên một số cá nhân ở Mỹ, Canada, Bỉ, Pháp… nêu : "Cựu Tổng Giám mục Joseph Ngô Quang Kiệt luôn đứng trước đàn chiên, tuyên bố sẵn sàng chết hay bị tù vì đoàn chiên. Ngài không bỏ chiên, nhưng Ngài bị chính Bề trên, quyền lực Giáo hội tại Vatican chấp nhận yêu sách của sói, buộc Ngài phải rời khỏi đoàn chiên".
"Xin Chúa phù hộ để Đức Thánh Cha [Giáo hoàng] nghĩ đến một kẻ chăn chiên biết bảo vệ đàn chiên và vâng lời Bề trên hiện đang phải ẩn mình trong trong một tu viện, như một người bị lôi ra khỏi hệ thống chăn chiên chỉ vì Vatican và các anh em Ngài đã bức bách Ngài rời bỏ đoàn chiên do áp lực của đàn sói".
Giáo hoàng chỉ nhận được thông tin qua lăng kính ngoại giao -Ảnh minh họa
Hôm 8/2, trả lời BBC từ Thành phố Hồ Chí Minh, Linh mục Anton Lê Ngọc Thanh, phòng Công lý Hòa bình, Dòng Chúa Cứu thế Sài Gòn, nói : "Thỉnh nguyện thư cho thấy tiếng nói của giáo dân có thể khiến Vatican nhìn lại vấn đề liên quan đến Đức cha Kiệt một cách toàn diện hơn".
"Giáo dân không đòi hỏi Vatican phải quyết định theo ý của họ mà mong nhận được những chỉ dẫn mang tính ơn Chúa chứ không phải dàn xếp chính trị".
"Lần này, nếu thỉnh nguyện thư đến được tay Giáo hoàng Francis, tôi tin là Ngài sẽ xem xét nghiêm túc, vì Ngài đang trong tiến trình cải tổ Roma và có những vấn đề mà Ngài quan tâm đến Việt Nam nhưng chỉ nhận được thông tin qua lăng kính ngoại giao hơn là từ giáo dân".
"Hiện Đức cha Kiệt tuy không có chức danh chính thức nhưng có đóng góp cho giáo dân, giáo sĩ trong và ngoài nước".
"Nếu ở vị trí chính thức, Ngài sẽ gánh vác trách nhiệm trọn vẹn hơn".
"Tôi không đặt vấn đề Đức cha Kiệt có được quay về Giáo phận Hà Nội sau thỉnh nguyện thư này hay không".
Chủ tịch Việt Nam Trần Đại Quang và Đức Giáo hoàng Francis tại Vatican 23/11/2016
"Vấn đề lớn hơn là đã đến lúc Hà Nội trả lại tự do thật sự cho cộng đồng tôn giáo và tín ngưỡng, chứ không phải sự kềm kẹp và nhả ra từ từ".
"Còn chuyện Đức cha Kiệt có trở lại Hà Nội hay không thì có khi chính quyền muốn mà chưa chắc Vatican muốn, vì ngài có thể được đặt vào một vị trí phù hợp hơn với ơn Chúa", linh mục Thanh nói với BBC.
Hôm 8/2, BBC liên hệ với Đan viện Thánh Mẫu Châu Sơn, Nho Quan, Ninh Bình, nơi Cựu Tổng Giám mục Ngô Quang Kiệt sống từ bảy năm qua, để hỏi suy nghĩ của ông về thỉnh nguyện thư nêu trên.
Tuy vậy, ông nhắn lại qua một người khác rằng "đang muốn nghỉ ngơi".
Linh mục Anton Đặng Hữu Nam nói chuyện với các ngư dân biểu tình bên ngoài trụ sở tòa án Hà Tĩnh, Việt Nam, ngày 26/09/2016 - REUTERS
Nhật báo công giáo La Croix hôm nay 09/01/2017 cho biết, giám mục và hàng giáo phẩm ở giáo phận Vinh từ sáu tháng qua đã sát cánh với các ngư dân và những người kinh doanh nhà hàng khách sạn ở Kỳ Anh. Họ không thể tiếp tục công việc lâu nay từ khi nhà máy thép Formosa Đài Loan gây ra thảm họa sinh thái.
Đặc phái viên của tờ báo tại Vinh mô tả một bức tường dài 10 kilomet, phía trên là hàng rào kẽm gai, điểm xuyết bằng những tháp canh, che khuất mọi tầm nhìn vào Formosa Ha Tinh Steel Corporation. Đó là một phức hợp luyện kim rộng mênh mông, do tập đoàn Đài Loan Formosa xây dựng từ năm 2009 dọc theo bờ biển của huyện Kỳ Anh. Linh mục Phêrô Trần Đình Lai thở dài : "Không ai được phép vào". Ông là chánh xứ Đông Yên, giáo xứ Kỳ Anh mới, nơi cư ngụ của 5.000 gia đình ngư dân bị Formosa cưỡng chế đất.
Linh mục Phêrô Lai là một trong những người đầu tiên được các ngư dân trong giáo xứ báo động về tình trạng ô nhiễm biển hôm 06/04/2016, khi các lò luyện thép của Formosa chạy thử lần đầu tiên. Những ngày sau đó, hàng trăm ngàn con cá đã bị chết, không chỉ trên biển hay trên các bãi biển, mà cả tại các hồ nuôi cá vốn rất nhiều ở miền Trung Việt Nam. Linh mục Lai nói : "Chúng tôi không biết chất hóa học nào đã được đổ ngoài biển, chỉ biết rằng người thợ lặn được điều ra để kiểm tra ống xả thải từ Formosa ra biển đã bị tử vong ngay lập tức".
Từ ngày 6/4, chính phủ Việt Nam không hề cho phép lấy mẫu hay phân tích hóa học, nên dân chúng chỉ có thể đưa ra những giả thiết nhằm lý giải thảm họa đại quy mô này. Giám mục Phaolô Nguyễn Thái Hợp của giáo phận Vinh ghi nhận : "Có lẽ là kim loại nặng và phénol, những chất này không thể được xả thẳng ra biển như thế".
Bản thân Giám mục Nguyễn Thái Hợp biết được về thảm họa này hôm 20/4, nhờ một bài viết can đảm trên Facebook, nay đã bị xóa. Vị giám mục kể lại : "Tôi đã đến hiện trường ít lâu sau khi các linh mục vùng này xác nhận sự kiện". Hôm 27/4, lá thư đầu tiên của Ủy ban Công lý và Hòa bình của giáo phận Vinh đã được công bố, yêu cầu thành lập một ủy ban gồm các chuyên gia quốc tế và cho tạm ngưng hoạt động nhà máy thép, đồng thời cấm bán các loại hải sản nhiễm độc.
Ngày 13/5, trong lá thư ngỏ thứ hai, Giám mục Phaolô Hợp, đồng thời là Chủ tịch Ủy ban Công lý và hòa bình của Hội đồng Giám mục Việt Nam, nhận định có khoảng "hai triệu người" bị mất nguồn thu nhập – đến nay đã chín tháng trôi qua : ngư dân, người bán tôm cá, người sản xuất muối, chủ các hồ nuôi cá, chủ nhà hàng, khách sạn… Ông ghi nhận : "May thay, một số gia đình có con cái ở Sài Gòn hay ở nước ngoài gởi tiền về giúp". Bản thân giám mục Nguyễn Thái Hợp đã tài trợ cho các thanh thiếu niên trong giáo phận mà gia đình không còn thu nhập nào.
Hậu quả cũng bi thảm đối với môi trường. Giám mục Phaolô Hợp nhấn mạnh : "Cần phải mất nhiều thập niên nữa, hệ sinh thái mới có thể phục hồi được". Nhiễm độc kim loại nặng mang lại những hệ quả độc hại cho sức khỏe con người, vì những chất độc chết người này tập trung vào hệ thực vật và động vật biển.
Theo Giám mục Phaolô Hợp và linh mục Phêrô Lai, "khoảng hai chục" người dân ở Kỳ Anh đã tử vong, sau khi ăn tôm cá đánh bắt được trong vùng, nhưng không thể cung cấp được con số cụ thể. Ngài cho biết : "Không thể tham khảo được bệnh án của những người đã chết trong năm tỉnh liên quan, đồng thời việc xét nghiệm máu những người này cũng bị cấm".
Hồi tháng Năm, cha Phêrô Trần Văn Khuê, quản nhiệm giáo họ Phan Thôn và là cha tuyên úy tại các bệnh viện ở Vinh, đã được khẩn cấp mời đến để làm phép xức dầu thánh cho "một người đàn ông bị chứng khó tiêu, người nổi đầy mụn nhọt. Trước đó một hôm, bệnh nhân đã ăn một con tôm hùm lưới được ở gần Kỳ Anh. Người này sau đó đã tử vong". Linh mục Phêrô Khuê càng bị sốc vì sự kiện này hơn do "chính quyền và các cơ quan truyền thông nói dối, lặp đi lặp lại là không còn nguy hiểm, người dân lại có thể tiêu thụ hải sản".
Trước sự thụ động của chính quyền, giáo phận Vinh đã mời một ủy ban của Quốc hội Đài Loan sang Việt Nam. Tháng Tám, họ đã đến được tận Kỳ Anh và gặp gỡ các linh mục. Qua lời mời của đoàn dân biểu này, một linh mục ở Vinh vào đầu tháng 12 đã ra điều trần trước Quốc hội Đài Loan, nói rõ tình hình.
Giám mục Phaolô Nguyễn Thái Hợp giải thích : "Chính quyền Đài Bắc tích cực giúp đỡ chúng tôi, vì tổng thống đương nhiệm rất quan tâm đến hình ảnh Đài Loan trên trường quốc tế, và Formosa đã từng gây ra các vụ ô nhiễm trong quá khứ".
Kiến nghị buộc Formosa phải giải trình
Giáo phận Vinh còn đấu tranh trên mặt trận pháp lý, để mỗi người thất nghiệp bất đắc dĩ được bồi thường. Chính phủ bắt đầu phát tiền cho các ngư dân đang gặp khó khăn, nhưng không thể làm hài lòng cả hai triệu người. Về phía giáo phận đã thành lập một ủy ban trợ giúp các nạn nhân đối với những trường hợp cấp thiết nhất. Từ ngày 1 tháng Giêng, mỗi linh mục thuộc giáo phận Vinh bắt đầu cho chuyền tay một bản kiến nghị. Một khi thu thập được 150.000 chữ ký của người Việt, Quốc hội Đài Loan có thể triệu tập các lãnh đạo Formosa và buộc họ phải giải trình.
Thụy My