Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Diễn đàn

08/05/2019

Nhà thờ Bùi Chu và đóng góp của Công giáo cho xã hội Việt Nam

Đoàn Xuân Lộc

Báo chí chính thống, mạng xã hội và dư luận Việt Nam nói chung đang quan tâm rất nhiều đến Nhà thờ Chính tòa Giáo phận Bùi Chu ở Nam Định.

buichu1

Nhà thờ chính tòa Giáo phận Bùi Chu ở Nam Định được xây dựng theo phong cách  kiến trúc baroque dưới thời Pháp thuộc bởi giám mục Wenceslao Onate Thuận (1884) 

Một bản tin ngày 17/04 trên trang web của Giáo phận cho biết ngôi thánh đường 134 tuổi sẽ phải hạ giải vào ngày 13/05 này. Như bản tin này viết, quyết định hạ giải nhà thờ là một chuyện không dễ dàng đối với Giáo phận Bùi Chu vì "nhà thờ Chính Tòa cổ kính, gắn chặt với những thăng trầm của đời sống đức tin giáo phận suốt trên 100 năm".

Trả lời Báo Tiền Phong hôm 4/5, Giám mục Giáo phận Bùi Chu Thomas Vũ Ðình Hiệu cho biết "nhà thờ đã xuống cấp nghiêm trọng".

Ngài cũng nhấn mạnh : "Việc tụ họp hàng nghìn giáo dân để dâng lễ trong khi đó nguy cơ sụp đổ, mất an toàn rất dễ xảy ra. Chính vì thế việc chúng tôi đưa lên hàng đầu vẫn là đảm bảo an toàn tiếp đó là mục đích thờ phượng, sau đó mới tính đến các giá trị khác như kiến trúc, di sản".

'Nhà thờ Bùi Chu : Công trình đặc sắc'

Nhưng vì coi đó là một công trình kiến trúc đặc sắc, là một di sản văn hóa, tinh thần quý, đáng trân trọng, nên được bảo tồn, trong mấy ngày qua nhiều nhân sỹ, trí thức đã gửi thư đến Chính phủ Việt Nam, Tòa thánh Vatican hay Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa của Liên hiệp quốc (UNESCO) xin can thiệp để duy trì, bảo tồn nó.

Chẳng hạn, một số kiến trúc sư, nhà bảo tồn di sản đã gửi đơn tới Thủ tướng, Bộ trưởng Văn hóa thể thao và du lịch và Chủ tịch UBND tỉnh Nam Định, đề nghị xem xét can thiệp giữ lại ngôi thánh đường. Đơn thư ấy viết ngôi nhà thờ được xây dựng từ năm 1885 "là di sản kiến trúc nghệ thuật và văn hóa, được cha ông từ đời trước dày công tạo dựng một tác phẩm kiến trúc độc đáo không nơi nào ở Việt Nam có được, thuộc hàng di sản văn hóa quốc gia".

buichu2

Nhà thờ Chính tòa (hay còn gọi là nhà thờ đá) Phát Diệm ở Ninh Bình (năm 1892)

Nhóm Bảo vệ di sản Việt Nam (Save Heritage VietNam) cũng gửi thỉnh nguyện thư đến Giáo hoàng Francis, xin ngài giải cứu nhà thờ. Trong thư, nhóm cho rằng "không thể mô tả toàn diện vẻ đẹp với lối kiến trúc pha trộn Đông Dương bản địa và Ba Rốc (Tây Ban Nha) và trên hết là các giá trị phi vật thể trong lịch sử của ngôi thánh đường này".

Trước sự quan tâm của dư luận nói chung và của các kiến trúc sư, nhà bảo tồn văn hóa, Bộ Văn hóa thể thao và du lịch cũng đã vào cuộc. Hôm 7/5, một thứ trưởng của Bộ Văn hóa thể thao và du lịch cũng đã dẫn đầu đoàn công tác của bộ này đi khảo sát thực tế tại nhà thờ Bùi Chu và làm việc với chủ tịch UBND tỉnh Nam Định.

Từ trước tới giờ ở Việt Nam hiếm khi, nếu không muốn nói là chưa bao giờ, có một sự quan tâm, phản ứng tích cực, rộng rãi như vậy về một công trình kiến trúc - hay một hoạt động, đóng góp nào đó - của Giáo hội Công giáo ở Việt Nam.

Vì không phải là lĩnh vực chuyên môn, tôi không dám bàn đến chuyện nên hạ giải để xây dựng lại Nhà thờ Chính tòa Bùi Chu hay đại trùng tu để bảo tồn ngôi thánh đường cổ kính này.

Nhưng là một người Công giáo, tôi vừa ngạc nhiên vừa cảm thấy vui vui về phản ứng đó vì xem ra những đóng góp của Giáo hội - ít nhất về kiến trúc - đối với đất nước Việt Nam đang được ghi nhận, coi trọng.

Ngoài việc mang đức tin hay một nền văn minh (tình thương) đến Việt Nam, Kitô giáo cũng đem đến cho đất nước này nhiều thứ giá trị khác.

Những kiến trúc độc đáo

Nhà thờ Bùi Chu được bắt đầu xây dựng năm 1884 dưới thời Giám mục Wenceslao Onate Thuận, một người Tây Ban Nha.

Ngoài Nhà thờ Bùi Chu, còn có nhiều công trình kiến trúc công giáo có giá trị khác được khởi công xây dựng vào khoảng thời gian đó - như Nhà thờ Đức Bà Sài Gòn (năm 1887) và Nhà thờ Chính tòa (hay còn gọi là nhà thờ đá) Phát Diệm ở Ninh Bình (năm 1892).

buichu3

Nhà thờ Đức Bà Sài Gòn được xây dựng vào năm 1887

Dù ít được biết đến, ở Yên Thành, Nghệ An có nhà thờ đá Bảo Nham. Nhà thờ đá duy nhất ở Nghệ An và cũng là một công trình kiến trúc kiểu Gothic độc đáo này được cha Adolphe Klinglé, một linh mục người Pháp, còn được biết với cái tên Cố Thông, khởi công xây dựng năm 1888.

Nhưng những nhà thờ cổ kính - hay các công trình kiến trúc độc đáo mang đậm phong cách Châu Âu hay kết hợp văn hóa Đông Tây rất có giá trị - chỉ là bề nổi và một phần nhỏ mà Kitô giáo đã và đang mang đến cho Việt Nam.

Ngôn ngữ

Một đóng góp rất ý nghĩa, to lớn khác của người Công giáo - mà đến giờ nhiều người ở Việt Nam, đặc biệt là giới trẻ vẫn không biết - là chữ quốc ngữ.

Nếu không có cha Alexandre de Rhodes và các giáo sĩ phương Tây khác, chắc nhiều người Việt đã, đang và sẽ phải mù chữ vì chữ Hán hay chữ Nôm rất khó học. Và nếu không có Tiếng Việt, một ngôn ngữ riêng cho chính mình, chắc chắn Việt Nam còn lệ thuộc nhiều vào Trung Quốc và như vậy vấn đề thoát Trung đối với Việt Nam đã khó lại càng khó.

Nhưng, phần lớn vì hiềm khích hay nghi kỵ, vai trò, đóng góp của Giáo hội tại Việt Nam thường bị xem nhẹ, lãng quên.

Có những giai đoạn, đạo Công giáo bị coi là đạo của người Tây, là tà giáo, tả đạo và tất cả những gì liên quan đến Giáo hội đều bị coi là ngoại lai và bị khinh bỉ, loại bỏ.

Trong ba thế kỷ (từ thế kỷ XVII đến thế kỷ XIX), đặc biệt dưới thời vua Minh Mạng (1820-1841), Thiệu Trị (1841-1847) và Tự Ðức (1848-1883), nhiều người Công giáo đã bị bắt bớ, giam cầm, giết hại tàn nhẫn.

Năm 1988, Đức Giáo hoàng - và nay là Thánh - John Paul II, phong Thánh cho 117 vị tử đạo Việt Nam, trong đó có 96 vị là người Việt Nam, 10 vị thuộc Hội Thừa sai Paris, Pháp và 11 vị thuộc dòng Ða minh Tây Ban Nha. Trong số 96 người Việt, có đến 32 vị thuộc tỉnh Nam Định.

Dù giờ không còn bị bắt bớ, bách hại như trước, người Công giáo và những cống hiến của họ cũng chưa được hoàn toàn ghi nhận, coi trọng.

Tại một buổi tọa đàm ở Hà Nội đầu tháng Tư vừa rồi, giáo sư Nguyễn Đăng Hưng, Đại học Liège, Vương quốc Bỉ, đã đưa ra một số đề xuất nhằm vinh danh linh mục Alexandre de Rhodes và chữ quốc ngữ - như chọn ngày 5/11 (ngày mất của giáo sĩ Alexandre de Rhodes) làm ngày "Giữ gìn sự trong sáng của tiếng Việt" hay xây dựng một không gian để bảo tồn chữ quốc ngữ.

Không biết những đề xuất, ý nguyện ấy có được lắng nghe, thực hiện hay không. Nhưng đáng lẽ ra những việc làm như vậy phải được Chính phủ hay cơ quan, tổ chức nhà nước của Việt Nam tiến hành từ lâu. Nhưng vì nghi kỵ, những đóng góp to lớn của giáo sĩ Alexandre de Rhodes vẫn chưa được công nhận.

Giáo dục

Một thế mạnh, ưu tiên và cũng là lĩnh vực khác Giáo hội được mời gọi dấn thân là giáo dục - không chỉ về đức tin, nhân bản, luân lý mà còn về nhiều lĩnh vực khác nhằm thăng tiến con người, phát triển xã hội, đất nước.

Cũng vì vậy, trước đây ở Việt Nam, ngoài các nhà trẻ, có đến cả ngàn trường công giáo đủ mọi cấp (từ tiểu học đến đại học), thuộc đủ loại, đủ ngành (như từ trường y, trường dạy nghề đến trường dành cho người khiếm thị khiếm thính, trường miễn phí cho sinh viên, học sinh nghèo), và tiếp nhận học sinh, sinh viên từ mọi thành phần trong xã hội, không phân biệt tôn giáo.

Chẳng hạn, một tổng kết về tình hình Giáo hội Việt Nam năm 1962-1963 cho thấy lúc đó Giáo hội có đến 93 trường trung học (với hơn 60 ngàn học sinh) và 1.122 trường tiểu học (với gần 235 ngàn học sinh).

Theo một thống kê khác, trước 1975 ở miền Nam có đến 145 trường trung học và 1060 trường tiểu học công giáo. Ngoài ra, còn có những đại học Công giáo, như Giáo hoàng Học viện ở Đà Lạt, Viện Đại học Minh Đức, Đại học Thành Nhân và Đại học La San ở Sài Gòn.

Nhưng sau 1954 ở miền Bắc và sau 1975 tại miền Nam các trường Công giáo lần lượt đều phải đóng cửa. Hầu hết trường học, cơ sở giáo dục bị tịch thu và Giáo hội không còn được tham gia vào lĩnh vực giáo dục.

Thậm chí, sau này, khi chính quyền Việt Nam không còn 'độc quyền' giáo dục và 'xã hội hóa' lĩnh vực này, cho phép 'tư nhân, thậm chí người nước ngoài, có quyền mở trường tư thục' - như Thư Chung về Giáo dục Kitô Hội Ðồng Giám Mục Việt Nam năm 2007 nêu - Giáo hội Công giáo vẫn phải 'đứng bên lề sự nghiệp giáo dục của xã hội Việt Nam'.

Mãi tới năm 2016, một Học viện Công giáo mới được chính thức mở cửa. Đây là lần đầu tiên kể từ năm 1975, một trường công giáo ở cấp trung học hay đại học được thành lập và công khai hoạt động.

Vì luôn muốn thông phần vào việc mở mang và phát huy nền giáo dục, không ngạc nhiên tại những quốc gia tự do, dân chủ, Giáo hội Công giáo luôn tham gia rất tích cực vào lĩnh vực này.

Các nước Châu Á - như Ấn Độ, Đài Loan, Hàn Quốc, Indonesia, Nhật Bản, Philippines - đều có nhiều trường đại học công giáo. Nhiều trường - như Catholic University of Korea ở Nam Hàn, Fu Jen Catholic University ở Đài Loan hay De la Salle University ở Philippines - được xếp hạng cao tại những quốc gia đó.

Nếu Giáo hội được tự do tiếp tục hoạt động trong lĩnh vực giáo dục ở miền Bắc sau năm 1954 hay ở miền Nam sau 1975, chắc chắn giờ ở Việt Nam cũng có một số đại học công giáo có uy tín như tại những quốc gia Châu Á trên.

Với việc dư luận nói chung và các kiến trúc sư, nhà bảo tồn văn hóa đánh giá cao Nhà thờ Bùi Chu, lên tiếng xin cứu giải, bảo tồn nó và cũng vì vậy, chính quyền Việt Nam đã vào cuộc và tới xem xét, khảo sát, đánh giá, hy vọng rằng xã hội, chính quyền Việt Nam sẽ có một cái nhìn khác và tích cực hơn về Giáo hội Công giáo, về những đóng góp, vai trò của Giáo hội trong đời sống xã hội, trong việc phát triển đất nước.

Đoàn Xuân Lộc

Nguồn : BBC, 08/05/25019

Tiến sĩ Đoàn Xuân Lộc là một cây bút người Công giáo hiện đang sinh sống và làm việc tại Birmingham, Anh Quốc.

*******************

Giáo phận công bố hoãn 'hạ giải' Nhà thờ Bùi Chu (BBC, 10/05/2019)

Thông báo hoãn 'hạ giải' Nhà thờ Bùi Chu được giáo phận công bố hôm 10/5 sau khi kế hoạch tu sửa công trình này vấp phải phản ứng từ cộng đồng.

buichu4

Một buổi cầu nguyện ngoài trờ của Giáo phậ Bùi Chu

"Sau khi cầu nguyện, suy nghĩ, lắng nghe ý kiến của các linh mục hữu trách và những người thành tâm thiện chí về công trình Nhà thờ Chính tòa Bùi Chu, chúng tôi xin thông báo tạm hoãn việc hạ giải nhà thờ của giáo phận của chúng tôi", thông báo đăng trên website của Giáo phận Bùi Chu hôm 10/5 cho hay.

buichu5

Thông báo tạm hoãn hạ giải nhà thờ của giáo phận Bùi Chu

Thông báo này có đóng dấu và chữ ký của Linh mục Juse Nguyễn Đức Giang, Tổng đại diện, Trưởng ban Xây dựng Nhà thờ Chính tòa Bùi Chu.

Văn bản này được đăng tải vào 08g10 sáng 10/5.

Trước đó, hôm 1/5, Linh mục Joseph Trần Hưng Đạo, giám đốc Caritas Bùi Chu nói với BBC rằng việc trùng tu nhà nhà Bùi Chu sẽ được tiến hành vào ngày 13/5.

"Việc trùng tu Nhà thờ thì có vấn đề gì đâu, công trình nào cũng chỉ có một khoảng thời gian của nó.... Sửa mà đại tu nhà thờ mà không dỡ ra thì sao sửa được ?"

Một lãnh đạo tỉnh Nam Định không nêu tên đã xác định thông tin hoãn hạ giải Nhà thờ Bùi Chu với tờ Tuổi Trẻ.

Nhà thờ Chính tòa Bùi Chu 134 tuổi là một Nhà thờ Công giáo Rôma, thuộc xã Xuân Ngọc, huyện Xuân Trường, tỉnh Nam Định, được xây dựng dưới thời Pháp thuộc. Mặc dù không nằm trong danh mục Di sản được bảo vệ theo Luật Di sản Việt Nam, Nhà thờ Bùi Chu được đánh giá là công trình kiến trúc có giá trị lớn về lịch sử, văn hóa và tâm linh.

Giáo phận Bùi Chu cũng được coi là giáo phận đầu tiên tại Việt Nam.

Áp lực từ cộng đồng

Từ tháng Tư, trên mạng xã hội đã lan truyền thông tin Nhà thờ cổ Bùi Chu ở Nam Định sắp bị 'đập đi xây mới'.

Sau đó, báo chí chính thống vào cuộc, đăng tải ý kiến của các chuyên gia trong nước và quốc tế về việc có nên hay không xây mới Nhà thờ Bùi Chu.

Nhiều kiến trúc sư và các chuyên gia về di sản đóng góp các đề xuất để tu sửa Nhà thờ Bùi Chu mà không phải đập đi xây mới.

Hôm 30/4, 25 kiến trúc sư, nhà bảo tồn di sản đã gửi đơn tới Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc, Bộ trưởng Bộ Văn hóa thể thao và du lịch Nguyễn Ngọc Thiện và Chủ tịch UBND tỉnh Nam Định Phạm Đình Nghị, kiến nghị tạm dừng phá dỡ Nhà thờ Bùi Chu để chờ đánh giá toàn diện của Hội đồng di sản quốc gia.

Nhóm kiến trúc sư này đã đến đánh giá tình trạng Nhà thờ Bùi Chu và kết luận 'chỉ bị hư hỏng nhẹ'.

Cùng lúc đó là tiếng nói từ cộng đồng mạng kêu gọi ký các thỉnh nguyện thư trên trang change.org đề nghị gìn giữ di sản Nhà thờ Bùi Chu.

buichu6

Một buổi rước kiệu theo nghi lễ Công giáo của Giáo Phận Bùi Chu

Save Heritage Vietnam, một cộng đồng Facebook mới được thành lập và ngay lập tức thu hút gần 2,000 followers, đã gửi thư cho Giáo hoàng Francis để thúc giục ông can thiệp vào vụ việc Bùi Chu.

Sau đó, hôm 3/5, trên website của Vatican (Vatican News) xuất hiện bài báo bằng tiếng Đức với tiêu đề : "Việt Nam : Liệu còn cứu được nhà thờ ?"

Trong suốt đầu tháng Năm, Nhà thờ Bùi Chu và kế hoạch 'hạ giải', xây mới, đã trở thành chủ đề nóng trên nhiều diễn đàn mạng và báo chí chính thống.

Hôm 7/5, ông Martin Rama, Cố vấn của Ngân hàng Thế giới và là giám đốc dự án của Trung tâm Phát triển Đô thị Bền vững (Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam) cũng có thư ngỏ gửi Tổng giám mục Hà Nội Joseph Vũ Văn Thiên và Giám mục Thomas Vũ Đình Hiệu, Giáo phận Bùi Chu. Trong thư có đoạn : "Lịch sử sẽ không khoan dung với việc phá hủy Nhà thờ Bùi Chu…".

Sau hàng loạt động thái nói trên từ cộng đồng, hôm 7/5, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã phải cử đoàn kiểm tra do Thứ trưởng Lê Quang Tùng làm đại diện, về làm việc với lãnh đạo tỉnh Nam Định về việc phá dỡ Nhà thờ Bùi Chu.

Sáng 10/5, Trưởng đại diện văn phòng UNESCO Việt Nam, ông Michael Croft đã gặp Đức giám mục Nhà thờ Chính tòa Bùi Chu để trao đổi về việc trùng tu nhà thờ này, theo Tuổi Trẻ Online.

Cộng đồng mạng nói gì ?

Thông tin hoãn hạ giải Nhà thờ Chính tòa Bùi Chu đem lại sự phấn khởi cho cộng đồng mạng xã hội Việt Nam.

Facebooker Phan Ngọc Minh viết : "Các bạn thấy không ? Suýt nữa thì người ta phá mất. Nhờ tiếng nói của cộng đồng đã cứu được công trình văn hóa để lại cho đời con cháu chúng ta..".

"Xin đừng thờ ơ. Xin đừng im lặng".

Facebooker Phan Nguyễn Quế Mai : "Tin vui. Tạ ơn Chúa ! Hy vọng nhà thờ cổ xưa và tuyệt đẹp này sẽ được cải tạo, nâng cấp chứ không bị đập bỏ. Cảm ơn bạn bè của tôi đã ký đơn thỉnh cầu với tôi. Cảm ơn các linh mục ở Bùi Chu vì đã lắng nghe những mong muốn của chúng tôi để bảo tồn địa danh cổ kính và tráng lệ này. Tôi cầu nguyện chúng ta sẽ tìm ra một giải pháp tốt nhất".

Luật sư Nguyễn Văn Hòa viết trên Facebook cá nhân : "Hy vọng rằng sẽ có một ngôi Nhà thờ Bùi Chu mới và ngôi nhà thờ cũ vẫn được giữ lại làm di sản tôn giáo, kiến trúc và Nghệ thuật của Nam Định".

Trang Facebook của NgoViet Architects & Planners "hoan nghênh quyết định tạm hoãn hạ giải Nhà thờ Bùi Chu của Linh mục Tổng Đại diện Giáo phận Bùi Chu" và đưa ra một số các giải pháp để vừa "bảo tồn di sản và đảm bảo nhu cầu sử dụng của giáo dân trong giáo phận".

"Tổ chức quy hoạch lại quần thể công trình (Nhà thờ Chính Tòa cũ và mới, Đền Thánh Đức Mẹ, Đại chủng viện, Cơ sở Dòng Đa Minh Bùi Chu, Cô nhi viện Thánh An, không gian công cộng và không gian xanh) đảm bảo hài hòa giữa bảo tồn và phát triển".

"Xây dựng một Nhà thờ Chính Tòa mới hoàn toàn, phục vụ nhu cầu bức thiết của giáo dân, tại một vị trí khuôn viên ở gần đó phù hợp với quy hoạch, trong đó chính quyền đặc cách cho phép gia tăng diện tích đất tôn giáo, để việc xây dựng công trình mới không bị giới hạn bởi chỉ tiêu đất tôn giáo của khu vực".

"Nghiên cứu thực hiện việc bảo tồn và cải tạo công trình di sản nhà thờ hiện hữu theo các chức năng phù hợp mà giáo phận mong muốn (nhà thờ nhỏ, nhà nguyện, nhà triển lãm hoặc bảo tàng văn hóa lịch sử, nhà lưu niệm, văn phòng, thư viện thánh,…), với sự hỗ trợ về chuyên môn của các chuyên gia về bảo tồn công trình lịch sử, và sự hỗ trợ tài chính về bảo tồn di sản nếu cần thiết".

Quay lại trang chủ
Read 732 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)