Nhà thờ Bùi Chu rõ ràng đã xuống cấp rất nghiêm trọng ; thánh đường không còn đủ an toàn để che chở giáo dân hành lễ bên trong. Nhưng, trong khuôn viên mênh mông của Tòa Giáo phận, chỉ có Nhà thờ chánh tòa xây từ 1885 này là có giá trị di sản (cho dù có được nhà nước công nhận hay không). Các khối bê tông khác, bao gồm cả Chủng viện đều được xây cất rất nặng nề.
Cho dù nhu cầu tín ngưỡng cũng cấp thiết như nhu cầu bảo tồn di sản. Nhưng, vẫn mong các cha thận trọng khi chạm tay vào một biểu tượng mang tính lịch sử, đánh dấu kỷ nguyên công giáo xuất hiện trên mảnh đất này.
Tòa nhà chắc chắn chỉ còn giữ được một phần. Nhưng đấy là phần "rường cột" nhất. Một phần mặt trước cũng có thể tháo dỡ. Mái và trần cũng có thể tháo dỡ. Nhưng hai hàng cột chắc như lim (hình 5) mà thay thì có thế gỗ sưa vào cũng chỉ làm mất đi giá trị.
Hãy nhìn những cột gỗ đen trũi đứng vững trên trụ đá chạm trổ tinh tế và nền gạch men mát rượi, từng đỡ biết bao bàn chân trong suốt hơn 130 năm qua (hình 6). Hãy nhìn chân móng của hai tòa tháp... Liệu rồi có thứ bê tông cốt thép nào vững chãi và để lại nhiều cảm xúc như thế…
Chúa ở trong lòng các người. Xin các cha hãy dặn các chân chiên nhẫn nại ; đợi tìm một giải pháp mới để tu sửa công trình vô giá này. Một giải pháp vừa có tính kế thừa di sản vừa có sự tham gia của những tiến bộ về vật tư, kỹ thuật... để nhà thờ Bùi Chu không bị tức tưởi hạ giải toàn phần. Để giáo phận vừa có một nơi đàng hoàng cho giáo dân hành lễ, vừa chứng tỏ sự xứng đáng được giữ lại những gì mà các thánh tử đạo đã mang tới Bùi Chu.
Trưởng đoàn đàm phán BTA (Việt - Mỹ) Nguyễn Đình Lương và nhà báo Quốc Phong.
Trong thời đại buôn thần bán thánh này, tôi vẫn tin các tu sĩ công giáo ít bị ảnh hưởng bởi thời cuộc, cả sự xuống cấp về đạo đức lẫn khả năng cảm thụ văn hóa, hơn.
Huy Đức
Nguồn : fcaebook : osinhuyduc, 20/12/2019
Báo chí chính thống, mạng xã hội và dư luận Việt Nam nói chung đang quan tâm rất nhiều đến Nhà thờ Chính tòa Giáo phận Bùi Chu ở Nam Định.
Nhà thờ chính tòa Giáo phận Bùi Chu ở Nam Định được xây dựng theo phong cách kiến trúc baroque dưới thời Pháp thuộc bởi giám mục Wenceslao Onate Thuận (1884)
Một bản tin ngày 17/04 trên trang web của Giáo phận cho biết ngôi thánh đường 134 tuổi sẽ phải hạ giải vào ngày 13/05 này. Như bản tin này viết, quyết định hạ giải nhà thờ là một chuyện không dễ dàng đối với Giáo phận Bùi Chu vì "nhà thờ Chính Tòa cổ kính, gắn chặt với những thăng trầm của đời sống đức tin giáo phận suốt trên 100 năm".
Trả lời Báo Tiền Phong hôm 4/5, Giám mục Giáo phận Bùi Chu Thomas Vũ Ðình Hiệu cho biết "nhà thờ đã xuống cấp nghiêm trọng".
Ngài cũng nhấn mạnh : "Việc tụ họp hàng nghìn giáo dân để dâng lễ trong khi đó nguy cơ sụp đổ, mất an toàn rất dễ xảy ra. Chính vì thế việc chúng tôi đưa lên hàng đầu vẫn là đảm bảo an toàn tiếp đó là mục đích thờ phượng, sau đó mới tính đến các giá trị khác như kiến trúc, di sản".
'Nhà thờ Bùi Chu : Công trình đặc sắc'
Nhưng vì coi đó là một công trình kiến trúc đặc sắc, là một di sản văn hóa, tinh thần quý, đáng trân trọng, nên được bảo tồn, trong mấy ngày qua nhiều nhân sỹ, trí thức đã gửi thư đến Chính phủ Việt Nam, Tòa thánh Vatican hay Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa của Liên hiệp quốc (UNESCO) xin can thiệp để duy trì, bảo tồn nó.
Chẳng hạn, một số kiến trúc sư, nhà bảo tồn di sản đã gửi đơn tới Thủ tướng, Bộ trưởng Văn hóa thể thao và du lịch và Chủ tịch UBND tỉnh Nam Định, đề nghị xem xét can thiệp giữ lại ngôi thánh đường. Đơn thư ấy viết ngôi nhà thờ được xây dựng từ năm 1885 "là di sản kiến trúc nghệ thuật và văn hóa, được cha ông từ đời trước dày công tạo dựng một tác phẩm kiến trúc độc đáo không nơi nào ở Việt Nam có được, thuộc hàng di sản văn hóa quốc gia".
Nhà thờ Chính tòa (hay còn gọi là nhà thờ đá) Phát Diệm ở Ninh Bình (năm 1892)
Nhóm Bảo vệ di sản Việt Nam (Save Heritage VietNam) cũng gửi thỉnh nguyện thư đến Giáo hoàng Francis, xin ngài giải cứu nhà thờ. Trong thư, nhóm cho rằng "không thể mô tả toàn diện vẻ đẹp với lối kiến trúc pha trộn Đông Dương bản địa và Ba Rốc (Tây Ban Nha) và trên hết là các giá trị phi vật thể trong lịch sử của ngôi thánh đường này".
Trước sự quan tâm của dư luận nói chung và của các kiến trúc sư, nhà bảo tồn văn hóa, Bộ Văn hóa thể thao và du lịch cũng đã vào cuộc. Hôm 7/5, một thứ trưởng của Bộ Văn hóa thể thao và du lịch cũng đã dẫn đầu đoàn công tác của bộ này đi khảo sát thực tế tại nhà thờ Bùi Chu và làm việc với chủ tịch UBND tỉnh Nam Định.
Từ trước tới giờ ở Việt Nam hiếm khi, nếu không muốn nói là chưa bao giờ, có một sự quan tâm, phản ứng tích cực, rộng rãi như vậy về một công trình kiến trúc - hay một hoạt động, đóng góp nào đó - của Giáo hội Công giáo ở Việt Nam.
Vì không phải là lĩnh vực chuyên môn, tôi không dám bàn đến chuyện nên hạ giải để xây dựng lại Nhà thờ Chính tòa Bùi Chu hay đại trùng tu để bảo tồn ngôi thánh đường cổ kính này.
Nhưng là một người Công giáo, tôi vừa ngạc nhiên vừa cảm thấy vui vui về phản ứng đó vì xem ra những đóng góp của Giáo hội - ít nhất về kiến trúc - đối với đất nước Việt Nam đang được ghi nhận, coi trọng.
Ngoài việc mang đức tin hay một nền văn minh (tình thương) đến Việt Nam, Kitô giáo cũng đem đến cho đất nước này nhiều thứ giá trị khác.
Những kiến trúc độc đáo
Nhà thờ Bùi Chu được bắt đầu xây dựng năm 1884 dưới thời Giám mục Wenceslao Onate Thuận, một người Tây Ban Nha.
Ngoài Nhà thờ Bùi Chu, còn có nhiều công trình kiến trúc công giáo có giá trị khác được khởi công xây dựng vào khoảng thời gian đó - như Nhà thờ Đức Bà Sài Gòn (năm 1887) và Nhà thờ Chính tòa (hay còn gọi là nhà thờ đá) Phát Diệm ở Ninh Bình (năm 1892).
Nhà thờ Đức Bà Sài Gòn được xây dựng vào năm 1887
Dù ít được biết đến, ở Yên Thành, Nghệ An có nhà thờ đá Bảo Nham. Nhà thờ đá duy nhất ở Nghệ An và cũng là một công trình kiến trúc kiểu Gothic độc đáo này được cha Adolphe Klinglé, một linh mục người Pháp, còn được biết với cái tên Cố Thông, khởi công xây dựng năm 1888.
Nhưng những nhà thờ cổ kính - hay các công trình kiến trúc độc đáo mang đậm phong cách Châu Âu hay kết hợp văn hóa Đông Tây rất có giá trị - chỉ là bề nổi và một phần nhỏ mà Kitô giáo đã và đang mang đến cho Việt Nam.
Ngôn ngữ
Một đóng góp rất ý nghĩa, to lớn khác của người Công giáo - mà đến giờ nhiều người ở Việt Nam, đặc biệt là giới trẻ vẫn không biết - là chữ quốc ngữ.
Nếu không có cha Alexandre de Rhodes và các giáo sĩ phương Tây khác, chắc nhiều người Việt đã, đang và sẽ phải mù chữ vì chữ Hán hay chữ Nôm rất khó học. Và nếu không có Tiếng Việt, một ngôn ngữ riêng cho chính mình, chắc chắn Việt Nam còn lệ thuộc nhiều vào Trung Quốc và như vậy vấn đề thoát Trung đối với Việt Nam đã khó lại càng khó.
Nhưng, phần lớn vì hiềm khích hay nghi kỵ, vai trò, đóng góp của Giáo hội tại Việt Nam thường bị xem nhẹ, lãng quên.
Có những giai đoạn, đạo Công giáo bị coi là đạo của người Tây, là tà giáo, tả đạo và tất cả những gì liên quan đến Giáo hội đều bị coi là ngoại lai và bị khinh bỉ, loại bỏ.
Trong ba thế kỷ (từ thế kỷ XVII đến thế kỷ XIX), đặc biệt dưới thời vua Minh Mạng (1820-1841), Thiệu Trị (1841-1847) và Tự Ðức (1848-1883), nhiều người Công giáo đã bị bắt bớ, giam cầm, giết hại tàn nhẫn.
Năm 1988, Đức Giáo hoàng - và nay là Thánh - John Paul II, phong Thánh cho 117 vị tử đạo Việt Nam, trong đó có 96 vị là người Việt Nam, 10 vị thuộc Hội Thừa sai Paris, Pháp và 11 vị thuộc dòng Ða minh Tây Ban Nha. Trong số 96 người Việt, có đến 32 vị thuộc tỉnh Nam Định.
Dù giờ không còn bị bắt bớ, bách hại như trước, người Công giáo và những cống hiến của họ cũng chưa được hoàn toàn ghi nhận, coi trọng.
Tại một buổi tọa đàm ở Hà Nội đầu tháng Tư vừa rồi, giáo sư Nguyễn Đăng Hưng, Đại học Liège, Vương quốc Bỉ, đã đưa ra một số đề xuất nhằm vinh danh linh mục Alexandre de Rhodes và chữ quốc ngữ - như chọn ngày 5/11 (ngày mất của giáo sĩ Alexandre de Rhodes) làm ngày "Giữ gìn sự trong sáng của tiếng Việt" hay xây dựng một không gian để bảo tồn chữ quốc ngữ.
Không biết những đề xuất, ý nguyện ấy có được lắng nghe, thực hiện hay không. Nhưng đáng lẽ ra những việc làm như vậy phải được Chính phủ hay cơ quan, tổ chức nhà nước của Việt Nam tiến hành từ lâu. Nhưng vì nghi kỵ, những đóng góp to lớn của giáo sĩ Alexandre de Rhodes vẫn chưa được công nhận.
Giáo dục
Một thế mạnh, ưu tiên và cũng là lĩnh vực khác Giáo hội được mời gọi dấn thân là giáo dục - không chỉ về đức tin, nhân bản, luân lý mà còn về nhiều lĩnh vực khác nhằm thăng tiến con người, phát triển xã hội, đất nước.
Cũng vì vậy, trước đây ở Việt Nam, ngoài các nhà trẻ, có đến cả ngàn trường công giáo đủ mọi cấp (từ tiểu học đến đại học), thuộc đủ loại, đủ ngành (như từ trường y, trường dạy nghề đến trường dành cho người khiếm thị khiếm thính, trường miễn phí cho sinh viên, học sinh nghèo), và tiếp nhận học sinh, sinh viên từ mọi thành phần trong xã hội, không phân biệt tôn giáo.
Chẳng hạn, một tổng kết về tình hình Giáo hội Việt Nam năm 1962-1963 cho thấy lúc đó Giáo hội có đến 93 trường trung học (với hơn 60 ngàn học sinh) và 1.122 trường tiểu học (với gần 235 ngàn học sinh).
Theo một thống kê khác, trước 1975 ở miền Nam có đến 145 trường trung học và 1060 trường tiểu học công giáo. Ngoài ra, còn có những đại học Công giáo, như Giáo hoàng Học viện ở Đà Lạt, Viện Đại học Minh Đức, Đại học Thành Nhân và Đại học La San ở Sài Gòn.
Nhưng sau 1954 ở miền Bắc và sau 1975 tại miền Nam các trường Công giáo lần lượt đều phải đóng cửa. Hầu hết trường học, cơ sở giáo dục bị tịch thu và Giáo hội không còn được tham gia vào lĩnh vực giáo dục.
Thậm chí, sau này, khi chính quyền Việt Nam không còn 'độc quyền' giáo dục và 'xã hội hóa' lĩnh vực này, cho phép 'tư nhân, thậm chí người nước ngoài, có quyền mở trường tư thục' - như Thư Chung về Giáo dục Kitô Hội Ðồng Giám Mục Việt Nam năm 2007 nêu - Giáo hội Công giáo vẫn phải 'đứng bên lề sự nghiệp giáo dục của xã hội Việt Nam'.
Mãi tới năm 2016, một Học viện Công giáo mới được chính thức mở cửa. Đây là lần đầu tiên kể từ năm 1975, một trường công giáo ở cấp trung học hay đại học được thành lập và công khai hoạt động.
Vì luôn muốn thông phần vào việc mở mang và phát huy nền giáo dục, không ngạc nhiên tại những quốc gia tự do, dân chủ, Giáo hội Công giáo luôn tham gia rất tích cực vào lĩnh vực này.
Các nước Châu Á - như Ấn Độ, Đài Loan, Hàn Quốc, Indonesia, Nhật Bản, Philippines - đều có nhiều trường đại học công giáo. Nhiều trường - như Catholic University of Korea ở Nam Hàn, Fu Jen Catholic University ở Đài Loan hay De la Salle University ở Philippines - được xếp hạng cao tại những quốc gia đó.
Nếu Giáo hội được tự do tiếp tục hoạt động trong lĩnh vực giáo dục ở miền Bắc sau năm 1954 hay ở miền Nam sau 1975, chắc chắn giờ ở Việt Nam cũng có một số đại học công giáo có uy tín như tại những quốc gia Châu Á trên.
Với việc dư luận nói chung và các kiến trúc sư, nhà bảo tồn văn hóa đánh giá cao Nhà thờ Bùi Chu, lên tiếng xin cứu giải, bảo tồn nó và cũng vì vậy, chính quyền Việt Nam đã vào cuộc và tới xem xét, khảo sát, đánh giá, hy vọng rằng xã hội, chính quyền Việt Nam sẽ có một cái nhìn khác và tích cực hơn về Giáo hội Công giáo, về những đóng góp, vai trò của Giáo hội trong đời sống xã hội, trong việc phát triển đất nước.
Đoàn Xuân Lộc
Nguồn : BBC, 08/05/25019
Tiến sĩ Đoàn Xuân Lộc là một cây bút người Công giáo hiện đang sinh sống và làm việc tại Birmingham, Anh Quốc.
*******************
Giáo phận công bố hoãn 'hạ giải' Nhà thờ Bùi Chu (BBC, 10/05/2019)
Thông báo hoãn 'hạ giải' Nhà thờ Bùi Chu được giáo phận công bố hôm 10/5 sau khi kế hoạch tu sửa công trình này vấp phải phản ứng từ cộng đồng.
Một buổi cầu nguyện ngoài trờ của Giáo phậ Bùi Chu
"Sau khi cầu nguyện, suy nghĩ, lắng nghe ý kiến của các linh mục hữu trách và những người thành tâm thiện chí về công trình Nhà thờ Chính tòa Bùi Chu, chúng tôi xin thông báo tạm hoãn việc hạ giải nhà thờ của giáo phận của chúng tôi", thông báo đăng trên website của Giáo phận Bùi Chu hôm 10/5 cho hay.
Thông báo tạm hoãn hạ giải nhà thờ của giáo phận Bùi Chu
Thông báo này có đóng dấu và chữ ký của Linh mục Juse Nguyễn Đức Giang, Tổng đại diện, Trưởng ban Xây dựng Nhà thờ Chính tòa Bùi Chu.
Văn bản này được đăng tải vào 08g10 sáng 10/5.
Trước đó, hôm 1/5, Linh mục Joseph Trần Hưng Đạo, giám đốc Caritas Bùi Chu nói với BBC rằng việc trùng tu nhà nhà Bùi Chu sẽ được tiến hành vào ngày 13/5.
"Việc trùng tu Nhà thờ thì có vấn đề gì đâu, công trình nào cũng chỉ có một khoảng thời gian của nó.... Sửa mà đại tu nhà thờ mà không dỡ ra thì sao sửa được ?"
Một lãnh đạo tỉnh Nam Định không nêu tên đã xác định thông tin hoãn hạ giải Nhà thờ Bùi Chu với tờ Tuổi Trẻ.
Nhà thờ Chính tòa Bùi Chu 134 tuổi là một Nhà thờ Công giáo Rôma, thuộc xã Xuân Ngọc, huyện Xuân Trường, tỉnh Nam Định, được xây dựng dưới thời Pháp thuộc. Mặc dù không nằm trong danh mục Di sản được bảo vệ theo Luật Di sản Việt Nam, Nhà thờ Bùi Chu được đánh giá là công trình kiến trúc có giá trị lớn về lịch sử, văn hóa và tâm linh.
Giáo phận Bùi Chu cũng được coi là giáo phận đầu tiên tại Việt Nam.
Áp lực từ cộng đồng
Từ tháng Tư, trên mạng xã hội đã lan truyền thông tin Nhà thờ cổ Bùi Chu ở Nam Định sắp bị 'đập đi xây mới'.
Sau đó, báo chí chính thống vào cuộc, đăng tải ý kiến của các chuyên gia trong nước và quốc tế về việc có nên hay không xây mới Nhà thờ Bùi Chu.
Nhiều kiến trúc sư và các chuyên gia về di sản đóng góp các đề xuất để tu sửa Nhà thờ Bùi Chu mà không phải đập đi xây mới.
Hôm 30/4, 25 kiến trúc sư, nhà bảo tồn di sản đã gửi đơn tới Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc, Bộ trưởng Bộ Văn hóa thể thao và du lịch Nguyễn Ngọc Thiện và Chủ tịch UBND tỉnh Nam Định Phạm Đình Nghị, kiến nghị tạm dừng phá dỡ Nhà thờ Bùi Chu để chờ đánh giá toàn diện của Hội đồng di sản quốc gia.
Nhóm kiến trúc sư này đã đến đánh giá tình trạng Nhà thờ Bùi Chu và kết luận 'chỉ bị hư hỏng nhẹ'.
Cùng lúc đó là tiếng nói từ cộng đồng mạng kêu gọi ký các thỉnh nguyện thư trên trang change.org đề nghị gìn giữ di sản Nhà thờ Bùi Chu.
Một buổi rước kiệu theo nghi lễ Công giáo của Giáo Phận Bùi Chu
Save Heritage Vietnam, một cộng đồng Facebook mới được thành lập và ngay lập tức thu hút gần 2,000 followers, đã gửi thư cho Giáo hoàng Francis để thúc giục ông can thiệp vào vụ việc Bùi Chu.
Sau đó, hôm 3/5, trên website của Vatican (Vatican News) xuất hiện bài báo bằng tiếng Đức với tiêu đề : "Việt Nam : Liệu còn cứu được nhà thờ ?"
Trong suốt đầu tháng Năm, Nhà thờ Bùi Chu và kế hoạch 'hạ giải', xây mới, đã trở thành chủ đề nóng trên nhiều diễn đàn mạng và báo chí chính thống.
Hôm 7/5, ông Martin Rama, Cố vấn của Ngân hàng Thế giới và là giám đốc dự án của Trung tâm Phát triển Đô thị Bền vững (Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam) cũng có thư ngỏ gửi Tổng giám mục Hà Nội Joseph Vũ Văn Thiên và Giám mục Thomas Vũ Đình Hiệu, Giáo phận Bùi Chu. Trong thư có đoạn : "Lịch sử sẽ không khoan dung với việc phá hủy Nhà thờ Bùi Chu…".
Sau hàng loạt động thái nói trên từ cộng đồng, hôm 7/5, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã phải cử đoàn kiểm tra do Thứ trưởng Lê Quang Tùng làm đại diện, về làm việc với lãnh đạo tỉnh Nam Định về việc phá dỡ Nhà thờ Bùi Chu.
Sáng 10/5, Trưởng đại diện văn phòng UNESCO Việt Nam, ông Michael Croft đã gặp Đức giám mục Nhà thờ Chính tòa Bùi Chu để trao đổi về việc trùng tu nhà thờ này, theo Tuổi Trẻ Online.
Cộng đồng mạng nói gì ?
Thông tin hoãn hạ giải Nhà thờ Chính tòa Bùi Chu đem lại sự phấn khởi cho cộng đồng mạng xã hội Việt Nam.
Facebooker Phan Ngọc Minh viết : "Các bạn thấy không ? Suýt nữa thì người ta phá mất. Nhờ tiếng nói của cộng đồng đã cứu được công trình văn hóa để lại cho đời con cháu chúng ta..".
"Xin đừng thờ ơ. Xin đừng im lặng".
Facebooker Phan Nguyễn Quế Mai : "Tin vui. Tạ ơn Chúa ! Hy vọng nhà thờ cổ xưa và tuyệt đẹp này sẽ được cải tạo, nâng cấp chứ không bị đập bỏ. Cảm ơn bạn bè của tôi đã ký đơn thỉnh cầu với tôi. Cảm ơn các linh mục ở Bùi Chu vì đã lắng nghe những mong muốn của chúng tôi để bảo tồn địa danh cổ kính và tráng lệ này. Tôi cầu nguyện chúng ta sẽ tìm ra một giải pháp tốt nhất".
Luật sư Nguyễn Văn Hòa viết trên Facebook cá nhân : "Hy vọng rằng sẽ có một ngôi Nhà thờ Bùi Chu mới và ngôi nhà thờ cũ vẫn được giữ lại làm di sản tôn giáo, kiến trúc và Nghệ thuật của Nam Định".
Trang Facebook của NgoViet Architects & Planners "hoan nghênh quyết định tạm hoãn hạ giải Nhà thờ Bùi Chu của Linh mục Tổng Đại diện Giáo phận Bùi Chu" và đưa ra một số các giải pháp để vừa "bảo tồn di sản và đảm bảo nhu cầu sử dụng của giáo dân trong giáo phận".
"Tổ chức quy hoạch lại quần thể công trình (Nhà thờ Chính Tòa cũ và mới, Đền Thánh Đức Mẹ, Đại chủng viện, Cơ sở Dòng Đa Minh Bùi Chu, Cô nhi viện Thánh An, không gian công cộng và không gian xanh) đảm bảo hài hòa giữa bảo tồn và phát triển".
"Xây dựng một Nhà thờ Chính Tòa mới hoàn toàn, phục vụ nhu cầu bức thiết của giáo dân, tại một vị trí khuôn viên ở gần đó phù hợp với quy hoạch, trong đó chính quyền đặc cách cho phép gia tăng diện tích đất tôn giáo, để việc xây dựng công trình mới không bị giới hạn bởi chỉ tiêu đất tôn giáo của khu vực".
"Nghiên cứu thực hiện việc bảo tồn và cải tạo công trình di sản nhà thờ hiện hữu theo các chức năng phù hợp mà giáo phận mong muốn (nhà thờ nhỏ, nhà nguyện, nhà triển lãm hoặc bảo tàng văn hóa lịch sử, nhà lưu niệm, văn phòng, thư viện thánh,…), với sự hỗ trợ về chuyên môn của các chuyên gia về bảo tồn công trình lịch sử, và sự hỗ trợ tài chính về bảo tồn di sản nếu cần thiết".
'Lịch sử sẽ không khoan dung với quyết định về Nhà thờ Bùi Chu'
Cố vấn của Ngân hàng Thế giới, Martin Rama chia sẻ quan điểm cá nhân với BBC News tiếng Việt rằng "lịch sử sẽ không khoan dung với việc phá hủy Nhà thờ Bùi Chu", trước hạn định 13/5.
Người thợ mộc làng Hai Giáp đang điêu khắc kèo chuẩn bị cho Nhà thờ Bùi Chu mới
Mạng xã hội dấy lên nhiều ý kiến quan ngại trước tin Nhà thờ Bùi Chu, một trong những nhà thờ lâu đời và đẹp nhất ở tỉnh Nam Định với 134 năm tuổi, do "xuống cấp" nên sẽ bị "hạ giải" theo cách dùng từ của giáo phận Bùi Chu, còn dư luận thì hiểu là "dỡ bỏ" vào ngày 13/5 để xây nhà thờ mới.
Những ngày này, việc chuẩn bị tháo dỡ Nhà thờ Chánh tòa Bùi Chu đang được tiến hành, và các thợ mộc làng Hai Giáp đang điêu khắc kèo chuẩn bị cho nhà thờ mới.
Linh mục Joseph Trần Hưng Đạo, giám đốc Caritas Bùi Chu xác nhận với BBC rằng "chương trình đại tu theo kế hoạch thì ngày 13/5 tiến hành".
Ông cũng nói thêm : "Việc trùng tu nhà thờ thì có vấn đề gì đâu, công trình nào cũng chỉ có một khoảng thời gian của nó".
"Sửa đại tu nhà thờ mà không dỡ ra thì sao sửa được ?".
"Công việc của Giáo hội thì ai hiểu được thì hiểu. Một vài người không đồng tình thì có thể họ không hiểu công việc phải làm".
Tin mới nhất là Cục Di sản đề nghị kiểm tra việc xây lại nhà thờ Bùi Chu và đề xuất giải pháp bảo tồn nhà thờ chính tòa Bùi Chu.
Trong khi đó, kiến trúc sư Sơn Đặng, người có kinh nghiệm với công tác trùng tu di sản ở Mỹ và Nhật Bản, nói với BBC :
"Đã có thêm các nhóm kỹ sư xây dựng, kiến trúc sư, chuyên gia bảo tồn ghé Nhà thờ Bùi Chu để tiến hành khảo sát sơ bộ".
"Họ đưa ra kết luận : Nền móng của nhà thờ vẫn còn tốt, không có dấu hiệu sụt lún ; hệ khung cột gỗ lim kết cấu chính còn rất tốt ; mái ngói vỡ khiến cho hệ vì kèo gỗ nhiều chỗ thấm nước, cần thay thế những phần đã mục hỏng ; phần trần vôi rơm hai cánh cũng đã hỏng, cần làm mới hoàn toàn ; tường bao mục lớp ngoài, nhưng có thể chống thấm bằng các phương pháp thi công phổ biến. Nhìn chung việc trùng tu rất dễ dàng, không có gì trở ngại về mặt kỹ thuật và cũng không có gì quá tốn kém !".
'Coi trọng di sản'
Hôm 7/5, từ Washington D.C., ông Martin Rama, Cố vấn của Ngân hàng Thế giới và là giám đốc dự án của Trung tâm Phát triển Đô thị bền vững (Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam) nói với BBC :
"Cuộc tranh luận về việc có nên giữ lại Nhà thờ Bùi Chu hay không thường được đóng khung về mặt lịch sử, tôn giáo hay kiến trúc. Nhưng cốt lõi là về kinh tế, về giá trị của di sản. Vì vậy, tôi sẽ diễn giải vụ này dưới góc độ nhà kinh tế".
Nhà thờ Chánh tòa Bùi Chu thuộc xã Xuân Ngọc (Xuân Trường, Nam Định) bắt đầu được xây dựng năm 1884, bởi giám mục người Tây Ban Nha Wenceslao Onate Thuận. Một năm sau, nhà thờ khánh thành, với chiều dài 78 m, rộng 22 m, cao 15 m, tháp cao 35 m. Từ đó đến nay, công trình được tu sửa hai lần năm 1974 và 2000.
"Chúng ta không biết giá trị chính xác của di sản. Giống như thực phẩm hoặc quần áo, di sản ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống của chúng ta, nhưng không có một thị trường nào có giá cho nó. Thường thì người ta đo lường về lượng doanh thu du lịch mà di sản có thể tạo ra. Nhưng di sản đáng giá hơn thế, bởi vì nó cũng là bản sắc, vẻ đẹp và niềm tự hào, chứ không chỉ là điểm du lịch".
"Những gì chúng ta biết là một quốc gia sẽ coi trọng di sản hơn khi người dân trở nên giàu có hơn. Khi các quốc gia tương đối nghèo, họ phải đối mặt với nhu cầu cấp bách và bị cám dỗ bởi các giải pháp thực dụng".
Lễ rước kiệu - Ảnh minh họa
"Cần tốn nhiều thời gian để nhận thức di sản đạt được hiệu quả. Ngay cả ở Châu Âu, nơi di sản ngày nay được bảo vệ rất tốt, các công trình đáng chú ý đã từng bị phá hủy thời thập niên 1960 và 1970".
"Tôi không nghi ngờ gì về việc Việt Nam sẽ là một quốc gia giàu có, và các thế hệ tương lai sẽ coi trọng di sản hơn thế hệ hiện tại. Sớm muộn gì trẻ em ngày nay cũng sẽ biết câu chuyện về Nhà thờ Bùi Chu. Và rồi chúng sẽ ngạc nhiên, thậm chí buồn bã, rằng thế hệ phụ huynh của chúng không yêu nhà thờ này đủ để cứu nó".
"Đây là lý do tại sao tôi viết rằng "lịch sử sẽ không khoan dung với việc phá hủy Nhà thờ Bùi Chu" trong thư ngỏ gửi Tổng giám mục Hà Nội Joseph Vũ Văn Thiên và Giám mục Thomas Vũ Đình Hiệu, Giáo phận Bùi Chu".
"Tuy vậy, tôi không nghĩ rằng hai ngài dành thời gian trả lời thư của tôi. Tôi rất thông cảm với quyết định rất khó khăn mà họ phải đối mặt. Tôi cũng biết rằng họ vô cùng bận rộn trong những ngày này. Ngoài việc thực hiện tháo gỡ và xây lại nhà thờ, họ hiện đang phải đối mặt với các lượt thăm viếng và chất vấn. Tôi cảm thấy tiếc vì có thể mình đã thêm gánh nặng cho họ !".
"Hơn nữa, tôi tin rằng Tổng giám mục Hà Nội Joseph Vũ Văn Thiên và Giám mục Thomas Vũ Đình Hiệu cũng sẽ đau lòng khi thấy Nhà thờ Bùi Chu cũ trở thành cát bụi. Đây là cái nôi của Công giáo ở Việt Nam, một viên ngọc kiến trúc và là trụ cột tâm linh. Tôi nghi ngờ rằng việc phải đành lòng phá hủy nhà thờ theo kế hoạch cũng sẽ gây đau lòng cho chính họ".
"Trong nhiều năm, khi là chuyên gia của Ngân hàng Thế giới làm việc tại Hà Nội, tôi đã cố gắng giúp chính phủ đưa ra quyết định nhằm tối đa hóa giá trị cho đất nước. Trong vụ việc này, quyết định bảo tồn giá trị cho đất nước thuộc về các cha. Tôi vẫn hy vọng rằng một ngày nào đó tôi sẽ có cơ hội gặp họ trực tiếp. Tôi muốn bày tỏ sự tôn trọng và lòng biết ơn của tôi với họ vì đã xem lá thư của tôi".
Lễ Truyền dầu tại giáo phận Bùi Chu hôm 18/4 là một trong những buổi lễ cuối cùng trước khi nhà thờ được "đại tu" hôm 13/5
'Giải pháp thay thế'
Ông Martin Rama cũng cho biết thêm :
"Nhiều người có thể tán đồng với diễn giải của Giám mục Thomas Vũ Đình Hiệu về việc đại tu Nhà thờ Bùi Chu. Nhưng có thể có những giải pháp thay thế tốt hơn là phá hủy công trình này".
"Tôi hiểu rằng chắc hẳn đã có lúc Giám mục Thomas Vũ Đình Hiệu nghiêm túc cân nhắc việc giữ lại tòa nhà thờ cũ và xây một nhà thờ mới cạnh bên. Nhưng tại thời điểm đó, giáo phận không đủ tiềm lực để có được khu đất cần thiết cho nhà thờ mới. Mọi thứ đã thay đổi. Đức cha và giáo dân không còn cô đơn nữa. Tôi tin rằng có thể huy động sự đóng góp tài chính cho nhà thờ mới".
"Các nhà kinh tế nghĩ về chi phí và lợi ích. Chi phí của nhà thờ mới sẽ thấp hơn, bởi vì xây một công trình trên khu đất trống sẽ ít tốn kém hơn so với việc phá hủy và xây lại nhà thờ trên cùng mảnh đất. Và lợi ích sẽ cao hơn, bởi vì giá trị di sản sẽ không bị mất đi. Nhà thờ cũ có thể được gia cố cho an toàn thông qua việc trùng tu, và nơi thờ phụng sẽ tăng gấp đôi".
"Chi phí cho việc này là dành để mua đất và trùng tu tòa nhà cũ, nhưng tôi tin rằng nhiều nguồn lực và thiện chí sẽ đem lại hiệu quả. Tôi đã chứng kiến sự nhiệt tình của các kiến trúc sư và chuyên gia yêu Nhà thờ Bùi Chu. Tôi chắc chắn rằng họ sẽ tình nguyện trợ giúp. Tôi sẽ rất vui khi làm điều tương tự".
Tôi rất mong Giám mục Thomas Vũ Đình Hiệu truyền đạt đến giáo dân rằng nhiều người, ở Việt Nam và nước ngoài, quyết tâm giúp đỡ nếu giải pháp cuối cùng là chọn bảo tồn nhà thờ Bùi Chu xinh đẹp".
Trước đó, Giám mục Thomas Vũ Đình Hiệu, Giáo phận Bùi Chu được tờ Tiền Phong dẫn lời : "Việc đại tu Nhà thờ Bùi Chu đã được chúng tôi lên kế hoạch cách đây 5 năm (năm 2014). Theo đó, hầu hết các tu sĩ, giáo dân và chính quyền địa phương đã đồng thuận về việc đại tu Nhà thờ Bùi Chu".
"Thời gian gần đây, xuất hiện một số ý kiến trên mạng xã hội về việc đại tu nhà thờ. Tuy nhiên, đó chỉ là những ý kiến của một số người "ngoại đạo". Đối với việc này chúng tôi sẽ tham khảo, song quyết định sửa chữa trùng tu, đại tu như thế nào cuối cùng vẫn thuộc về tu sĩ và giáo dân... Việc chúng tôi đưa lên hàng đầu vẫn là bảo đảm an toàn, tiếp đó là mục đích thờ phượng, sau đó mới tính đến các giá trị khác như kiến trúc, di sản… Kế hoạch hạ giải Nhà thờ Bùi Chu sẽ được tiến hành vào ngày 13/5".
Ben Ngô
Nguồn : BBC, 07/05/2019
********************
Chính quyền Việt Nam ‘vào cuộc’ vụ hạ giải nhà thờ Bùi Chu (VOA, 07/05/2019)
Cục Di sản Văn hóa, thuộc Bộ Văn hóa thể thao và du lịch, vừa gửi văn bản đến Sở Văn hóa thể thao và du lịch tỉnh Nam Định, yêu cầu cơ quan này "khẩn trương kiểm tra" và "đề xuất giải pháp" cho việc hạ giải nhà thờ Bùi Chu trước ngày 6/5, sau khi dư luận phản ứng mạnh mẽ và yêu cầu bảo tồn một trong những ngôi thánh đường lâu năm nhất Việt Nam.
Mặt tiền Nhà thờ chính tòa Bùi Chu.
Thông tin về việc hạ giải nhà thờ Bùi Chu đã thu hút sự chú ý của dư luận sau khi Giáo phận Bùi Chu thông báo cho giáo dân về kế hoạch hạ giải ngôi thánh đường 134 năm tuổi vào ngày 13/5 tới để làm nhà thờ mới.
Nhiều trí thức, chuyên gia trong và ngoài nước đã lên tiếng đề nghị những người có trách nhiệm tìm cách giữ lại ngôi nhà thờ cổ mà họ cho là một trong những "di sản" kiến trúc và văn hóa độc đáo của Việt Nam.
Bên trong nhà thờ Bùi Chu.
Trả lời phỏng vấn của báo Tiền Phong ngày 5/4, người đứng đầu Giáo phận Bùi Chu, Giám mục Thomas Vũ Đình Hiệu, nói rằng kế hoạch đại tu nhà thờ Bùi Chu đã được lên kế hoạch từ 5 năm trước (năm 2014), và "hầu hết các tu sĩ, giáo dân và chính quyền địa phương đã đồng thuận" về việc đại tu nhà thờ.
Ông cho biết ngôi thánh đường cổ đang đối diện với nguy cơ đổ sụp, mất an toàn, gây nguy hiểm cho tính mạng của giáo dân. Vì vậy, giáo phận phải ưu tiên "đảm bảo an toàn, tiếp đó là mục đích thờ phượng, sau đó mới tính đến các giá trị khác như kiến trúc, di sản…".
Vẫn theo lời Giám mục Thomas Vũ Đình Hiệu, trước khi đưa ra quyết định đại tu nhà thờ, giáo phận đã tham khảo nhiều nơi, trong đó có quần thể nhà thờ đá Phát Diệm, và thấy rằng kinh phí trùng tu rất tốn kém.
Báo Tuổi Trẻ cho biết nhiều khu vực của nhà thờ đã bị xuống cấp, vôi vữa bong tróc ẩm thấp.
Trước đó, một nhóm kiến trúc sư đã trực tiếp đến khảo sát nhà thờ Bùi Chu vào ngày 29 và 30/4, và kết luận rằng công trình "chỉ hư hỏng nhẹ, phần mái bị thấm dột, trần mái một số chỗ bong tróc nhưng kết cấu khung chịu lực còn tốt, đảm bảo khả năng chịu lực lâu dài nếu được gia cố thêm".
Nhóm kiến trúc sư trên cùng với hơn 20 kiến trúc sư khác sau đó đã ký đơn gửi Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, Bộ trưởng Bộ Văn hóa thể thao và du lịch và Chủ tịch UBND tỉnh Nam Định, đề nghị xem xét chỉ đạo tạm dừng việc "phá dỡ di sản" để chờ đánh giá toàn diện của Hội đồng di sản quốc gia.
Theo lời Giám mục Thomas Vũ Đình Hiệu nói với báo Tiền Phong, một số phần của nhà thờ Bùi Chu được xây dựng chủ yếu từ cát vôi và mật, trần được làm bằng luồng rơm trộn vôi, cát nên "đã hết tuổi thọ", và giáo phận sẽ dựa vào ngôi nhà thờ cũ để đại tu "từ chi tiết nhỏ nhất", nên người dân không lo ngại về diện mạo mới của nhà thờ Bùi Chu.
Giáo phận Bùi Chu là nơi gắn liền với lịch sử hình thành và phát triển Công giáo Việt Nam. Ngôi nhà thờ chính tòa Bùi Chu được xây dựng dưới thời của Giám mục Wenceslao Onate Thuận và được khánh thành vào năm 1885, với lối kiến trúc kết hợp giữa phong cách Baroque của Châu Âu với văn hóa Á Đông, bao gồm nhiều chi tiết điêu khắc cầu kỳ, tinh xảo. Tuy nhiên cho đến nay, ngôi nhà thờ đã được cải tạo hai lần (vào năm 1974 và 2000) vẫn chưa được công nhận là một di sản văn hóa của Việt Nam.
Vào ngày 3/5, một nhóm có tên "Bảo vệ di sản Việt Nam" cũng đã gửi thư cho Giáo Hoàng Phanxicô xin ông "giải cứu" ngôi thánh đường mà theo họ là "không thể thay thế" này.
Khi di sản được ‘bảo vệ’ bằng búa !
Mạnh Kim, VOA, 02/05/2019
Câu chuyện Nhà thờ Chính tòa Bùi Chu (Nam Định) đứng trước khả năng bị phá để xây mới vào ngày 13/5/2019 đang gây phản ứng bất bình gay gắt. Câu chuyện Nhà thờ Bùi Chu còn làm dấy lên câu hỏi về việc bảo vệ di sản trước làn sóng phá hoại di sản không chỉ đối với nhà thờ và đình chùa cổ mà còn nhiều kiến trúc cổ khác…
Nhà thờ chính tòa Bùi Chu.
Trong vụ Nhà thờ Chính tòa Bùi Chu, ông Martin Rama, chánh kinh tế gia Ngân hàng Thế giới đặc trách khu vực Nam Á, một công dân Uruguay, đã gửi bức thư thống thiết đến các vị chức sắc giáo hội Bùi Chu :
"Tôi hiểu rất rõ lý do để thay thế những tòa nhà cũ này. Cải tạo chúng sẽ rất tốn kém. Với sự lâu đời và tình trạng hư hỏng tồi tệ, có nguy cơ dầm hoặc vữa rơi xuống từ trần nhà có thể khiến hàng loạt giáo dân vô tội cầu nguyện trong nhà thờ bị thương, thậm chí thiệt mạng. Chính phủ thì không cung cấp các nguồn lực để chăm sóc đúng cách cho các tòa kiến trúc già nua này và không có sẵn đất ở gần đó để xây dựng các công trình mới. Bên cạnh đó, hầu hết nhà thờ không có mặt trong danh sách di sản cần được bảo vệ, và do đó, Giáo hội Công giáo có quyền hợp pháp để loại bỏ chúng.
Tất cả điều này là hoàn toàn đúng, nhưng tôi sợ rằng lịch sử sẽ không nhìn nhận đúng đắn với quyết định này. Việt Nam chưa phải là một nước giàu, và dễ hiểu được rằng người dân đặt sự tiện lợi lên trước di sản. Không ai có thể chỉ trích họ vì điều đó. Nhưng tôi không hoài nghi rằng Việt Nam rồi sẽ thịnh vượng. Các thế hệ sau sẽ đi ra nước ngoài, thưởng ngoạn các thành phố châu Âu, được tiếp xúc với tư duy thế giới... Và sớm muộn họ sẽ nhìn lại, nhớ về đất nước xinh đẹp mà họ đã lớn lên và đặt câu hỏi rằng ai phải chịu trách nhiệm cho sự mất mát những đặc sắc của đất nước. Thỉnh nguyện những giá trị mạnh mẽ tương tự và sự nhạy cảm sâu sắc mà Giáo hội Công giáo là hiện thân, họ có thể buồn bã nghi ngờ những quyết định của cha ông mình"...
Cách đây hai năm, 2017, một "nhà chúa" diễm lệ cổ kính – Nhà thờ Trà Cổ (Quảng Ninh), tồn tại với tuế nguyệt từ thế kỷ 19 – đã đau đớn "thể xác" trước những nhát búa vô tri. Làn sóng "trùng tu" bằng việc đập cũ-xây mới đối với các kiến trúc nhà thờ thật ra đang diễn ra nhiều nơi. Trong bài "Bảo tồn văn hóa vật thể Công giáo", tạp chí Đồng Hành (số 8, tháng 4/2017) đã dẫn lời tác giả Nguyễn Hồng Dương trong cuốn Nhà thờ Công giáo Việt Nam (Nhà xuất bản Khoa học Xã hội 2003) như sau :
"Sự hiện diện của các cơ sở thờ tự Công giáo đã làm cho nghệ thuật kiến trúc Việt Nam đa dạng. Qua những ngôi nhà thờ này, chúng ta không chỉ biết về một loại hình kiến trúc cơ sở thờ tự Công giáo mà còn biết được sự tài ba khéo léo của ông cha ta, bởi hầu hết các thánh đường đều thấm đượm công sức, nhiều khi cả xương máu của người Việt. Nhà thờ Công giáo mang phong cách Á Đông là thể hiện sự sáng tạo trong nghệ thuật kiến trúc Việt Nam. Đó là những di sản lịch sử văn hóa quí giá của cha ông ta cần được trân trọng gìn giữ. Nơi nhà thờ Công giáo còn lưu giữ những tranh ảnh, tượng về Chúa, về Đức Maria, về các thánh, lưu giữ những điêu khắc trên các chất liệu khác nhau do ông cha ta tác tạo. Những nhà nghiên cứu về nghệ thuật tranh tượng, điêu khắc Việt Nam không thể không nghiên cứu nó".
Những giá trị văn hóa ấy đã được "tiếp nhận" bằng những "nhận thức" kỳ lạ : hoặc đập nát để xây mới hoặc sơn phết lòe loẹt bất chấp thẩm mỹ phổ thông huống hồ thẩm mỹ kiến trúc tôn giáo. Cho đến nay, chỉ có một nhà thờ ở Việt Nam được xếp hạng di tích quốc gia và được bảo vệ theo Luật Di sản Văn hóa. Đó là Nhà thờ Phát Diệm ở Ninh Bình. Từ năm 2005, nhà nước Việt Nam đã chọn ngày 23/11 làm "Ngày Di sản văn hóa Việt Nam", với "mục đích nhằm phát huy truyền thống và ý thức trách nhiệm của những người làm công tác bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa Việt Nam, động viên các tầng lớp xã hội tham gia tích cực vào sự nghiệp bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa dân tộc. Đây cũng là dịp giáo dục truyền thống yêu nước, lòng tự hào dân tộc, ý thức trách nhiệm bảo vệ di sản văn hóa trong toàn dân ; di sản văn hóa dân tộc trong sự nghiệp xây dựng và phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc". Tuy nhiên, nói thì như thế nhưng ai làm gì và làm như thế nào thì gần như chẳng ai kiểm soát. Cách đây hai năm, 2017, lăng mộ của bà Trần Thị Nga - mẹ vua Dục Đức - đã bị "kẻ gian đập phá, đào bới nghiêm trọng". Trước đó, mộ bà tài nhân họ Lê - phi tần của vua Tự Đức - cũng bị một công ty tự ý san phẳng để thực hiện dự án bãi đỗ xe. Chính quyền địa phương không biết gì về chuyện này ? Và rồi người ta xử lý ra sao ? Lờ cả làng. Huề cả làng !
Tổng cộng, Việt Nam hiện có hơn 40.000 di tích, trong đó khoảng 3.300 di tích xếp hạng Quốc gia và 13 di tích xếp hạng Quốc gia Đặc biệt. Việt Nam cũng có 25 di sản thế giới được Unesco công nhận. Nhiều di tích như thế nhưng văn hóa di sản của đất nước không nằm trong ý thức văn hóa và bảo vệ văn hóa. Chính sách bảo vệ di sản văn hóa đôi khi được giới hạn trong khuôn khổ phòng họp, tại các diễn đàn, tại những hội thảo "nhận được nhiều ý kiến đóng góp hữu ích của các chuyên gia". Ngoài Luật Di sản Văn hóa, công tác và nhiệm vụ bảo vệ di sản còn được "bổ sung kịp thời" với nhiều "nghị định", "thông tư hướng dẫn", rồi còn các "quy chế quản lý để bảo vệ và phát huy giá trị di tích lịch sử"… nhưng cuối cùng nhiều vụ vi phạm vẫn không được "kịp thời ngăn chặn". Điều cần "kịp thời ngăn chặn" bây giờ là xóa bỏ những quy định chồng chéo, vừa trùng lắp vừa gây "xung đột" với nhau, trong các văn bản quy phạm pháp luật liên quan bảo tồn di sản văn hóa, chẳng hạn Luật Xây dựng, Luật Đầu tư công và Luật Du lịch.
Việc "gìn giữ di sản văn hóa" đôi khi còn buồn cười ở chỗ người ta than thiếu tiền để duy tu nhưng người ta thừa tiền để tổ chức những lễ hội xúng xính xiêm y trong chương trình "đậm đặc không gian văn hóa dân gian" nào đó được tổ chức lòe loẹt và ồn ào với sự "có mặt quý giá" của các đồng chí lãnh đạo Đảng-Nhà nước đến để phát biểu suôn về "nhiệm vụ và sứ mạng" bảo vệ di sản. Đó là chưa kể kiến thức và năng lực của "cán bộ" và "chuyên gia văn hóa". Mới đây, không ít người đã không thể nén giận khi nhìn thấy kiệt tác Vườn xuân Trung-Nam-Bắc, được công nhận là "bảo vật quốc gia", đã loang lỗ tèm lem sau khi được "vệ sinh" ! Ai chịu trách nhiệm đây ? Làm sao có thể chữa lại được kiệt tác sơn mài này mà họa sĩ Nguyễn Gia Trí đã bỏ công thực hiện suốt 20 năm ròng mới hoàn thành (1969-1989) !
Câu chuyện bảo vệ di sản văn hóa Việt Nam phải nói là chuyện nhiều tập, mỗi tập đều chứa đầy nỗi đau và nỗi buồn hơn là tự hào và hãnh diện. Câu chuyện bảo vệ di sản văn hóa Việt Nam thậm chí vang động đến mức các chuyên gia nước ngoài cũng phải lên tiếng. Thế nhưng, khi mà văn hóa con người đang tuột xuống đáy, văn hóa di sản dường như chẳng có "lý do" gì để được chú ý đúng mức và được nhận thức tử tế đúng mực.
Mạnh Kim
Nguồn : VOA, 02/05/2019
*****************
Nhà thờ Bùi Chu sẽ bị đập đi xây mới hay 'đại tu' ngày 13/5 ?
Ben Ngô, BBC, 01/05/2019
Linh mục đại diện giáo phận Bùi Chu nói với BBC rằng việc đại tu nhà thờ "không dỡ ra thì sao sửa được" và chương trình "theo kế hoạch thì ngày 13/5 tiến hành".
Lễ Truyền dầu tại giáo phận Bùi Chu hôm 18/4
Trong khi đó, một kiến trúc sư nói với BBC rằng "cần công bố hồ sơ dự án cũng như phương pháp trùng tu Nhà thờ Bùi Chu, để các chuyên gia có thể phản biện khách quan".
Mạng xã hội dấy lên nhiều ý kiến quan ngại trước tin Nhà thờ Bùi Chu, một trong những nhà thờ lâu đời và đẹp nhất ở tỉnh Nam Định với 134 năm tuổi, do "xuống cấp" nên sẽ bị "hạ giải" theo cách dùng từ của giáo phận Bùi Chu, còn dư luận thì hiểu là "dỡ bỏ" vào ngày 13/5 để xây nhà thờ mới.
Trước đó, website chính thức của Giáo phận Bùi Chu cho hay : "Theo dự kiến của Đức cha, nhà thờ chính tòa sẽ được hạ giải vào ngày 13/5/2019. Do đó, có thể nói lễ Truyền dầu ngày 18/4 là lần cuối cùng các tín hữu sẽ được dự lễ tại nhà thờ cổ kính, gắn chặt với những thăng trầm của đời sống đức tin giáo phận suốt trên 100 năm".
Một buổi rước kiệu tại Nhà thờ Bùi Chu
'Ngày 13/5 tiến hành'
Hôm 1/5, Linh mục Joseph Trần Hưng Đạo, giám đốc Caritas Bùi Chu nói với BBC qua điện thoại : "Việc trùng tu nhà thờ thì có vấn đề gì đâu, công trình nào cũng chỉ có một khoảng thời gian của nó".
"Sửa mà đại tu nhà thờ mà không dỡ ra thì sao sửa được ?"
"Tuy vậy, nhà thờ cũng đang nghe ngóng thông tin từ bên ngoài".
"Công việc của Giáo hội thì ai hiểu được thì hiểu. Một vài người không đồng tình thì có thể họ không hiểu công việc phải làm".
"Nhà thờ này đã hơn 100 năm tuổi, xuống cấp thì phải sửa chữa, đại tu thôi, nhưng việc này thì chúng tôi không trả lời nhiều".
"Chương trình theo kế hoạch thì ngày 13/5 tiến hành".
Trước đó, một văn bản do Tòa Giám mục Bùi Chu phát đi hôm 11/3 do Giám mục Thomas Vũ Đình Hiệu ký có nội dung "Về việc trợ giúp đại tu Nhà thờ Chính tòa Bùi Chu". Trích :"Trải qua hơn 130 năm, do ảnh hưởng của khí hậu nhiệt đới, nhất là chống chọi với những cơn bão, nhà thờ đã xuống cấp nghiêm trọng. Tường nhà thờ đã bị nứt nẻ nhiều chỗ, vôi vữa và gạch mái bị rớt xuống, ảnh hưởng không chỉ tới việc thờ phượng mà còn gây nguy hiểm tới tính mạng của giáo dân".
"Để bảo vệ di sản quý giá, chúng tôi đoàn thuận theo đề nghị của đa số giáo dân, đã quyết định đại tu Nhà thờ Chính tòa Bùi Chu..".
Văn bản kêu gọi trợ giúp đại tu Nhà thờ Chính tòa Bùi Chu
Hôm 1/5, BBC liên hệ Linh mục Trần Công Nghị, phó chủ tịch Liên đoàn Công giáo Việt Nam Tây Nam Hoa Kỳ để hỏi bình luận, nhưng ông hồi đáp qua email rằng "tôi ở xa không nắm vững các chi tiết nên không thể cho ý kiến về việc này".
'Tính đường dài'
Hôm 30/4, kiến trúc sư Sơn Đặng, người có kinh nghiệm với công tác trùng tu di sản ở Mỹ và Nhật, nói với BBC :
"Theo thông lệ quốc tế, muốn được cấp phép trùng tu các di sản, thì hồ sơ dự án có kèm theo phương pháp trùng tu và phương pháp thi công phải được công bố minh bạch trên website của các cơ quan quản lý và cấp phép".
"Việc này giúp mọi bên có liên quan có thể truy cập và phản biện rộng rãi. Giáo phận Bùi Chu thiết nghĩ cũng nên theo thông lệ này, công bố hồ sơ dự án để các chuyên gia trên cả nước có thể nghiêm túc đánh giá lại, và có ý kiến phản biện khách quan, nhằm tránh việc đập đi xây mới nhưng lại đánh đồng với việc đại tu".
"Bên cạnh đó, để tránh tạo thành tiền lệ xấu, thiết nghĩ nên cân nhắc xếp hạng di sản thế giới cho chuỗi nhà thờ cổ ở miền Bắc".
"Việc này không chỉ là cứu Nhà thờ Bùi Chu mà còn cứu những di sản quý khác khỏi số phận như nhà thờ Trà Cổ bị đập bỏ hồi tháng 3/2017".
"Cái này là tính đường dài cho việc bảo vệ di sản ở Việt Nam".
- Nhà thờ Chính tòa Bùi Chu khánh thành năm 1885
- Theo báo Người Lao Động, đến nay chỉ có Nhà thờ Phát Diệm ở Ninh Bình, Nhà thờ Đức Bà ở Thành phố Hồ Chí Minh, nhà thờ Lớn và Nhà thờ Cửa Bắc ở Hà Nội được xếp hạng và được bảo vệ theo Luật Di sản văn hóa
Cùng ngày, bà Hồ Diệu Phương, làm ngành xây dựng nội thất, nói với BBC :
"Theo tôi, một công trình cổ hơn 100 năm tuổi như Nhà thờ Bùi Chu không những có giá trị về lịch sử kiến trúc quá lớn lao mà còn có giá trị thiêng liêng về tinh thần đối với giáo dân nói riêng, và là một di sản quý giá nói chung".
"Tôi cho rằng, không nên hạ giải để làm mới, mà nên có một cuộc đại trùng tu để bảo vệ trạng thái kiến trúc nguyên thủy của di sản. Một đơn vị được lựa chọn để thực hiện việc đại tu này đặc biệt phải là đơn vị thi công có nhiều kinh nghiệm và thâm niên trong công tác bảo vệ trùng tu các di sản văn hóa cổ".
"Bản vẽ phối cảnh trước và sau trùng tu, vật liệu thay thế, quá trình thi công, các phương án thi công tháo dời và lắp đặt tái dựng nên được một hội đồng các chuyên gia thẩm định và thông qua trước khi bắt tay vào việc. Kỹ thuật trùng tu và phục hồi di sản không phải là việc dễ dàng ai, công ty cũng làm được".
Chúng ta cần kêu gọi hội đồng các nhà khảo cổ, hội kiến trúc sư, các tổ chức văn hóa di sản thế giới vào cuộc giúp sức để giữ lại một di sản Nhà thờ Bùi Chu cổ kính xứng tầm văn hóa nhưng vẫn an toàn cho giáo dân và giáo hội trong công việc phụng sự hằng ngày".
Ben Ngô
Nguồn : BBC, 01/05/2019
*******************
Nhà Thờ Chính Tòa Bùi Chu hơn 130 năm tuổi có thể sẽ bị đập bỏ
T.K., Người Việt, 28/04/2019
"Theo dự kiến, Nhà Thờ Chính Tòa Bùi Chu sẽ được hạ giải (tháo rời cấu kiện tạo thành kiến trúc) vào ngày 13 Tháng Năm, 2019". Một bản tin trên trang web GpBuichu.org tiết lộ.
Nhà Thờ Bùi Chu được xây dựng từ thời Pháp thuộc. (Hình : GpBuichu.org)
Trang này cho biết thêm : "Nhà thờ cổ kính, gắn chặt với những thăng trầm của đời sống đức tin giáo phận suốt trên 100 năm. Hy vọng anh chị em tín hữu cầu nguyện cho việc tái thiết thánh đường mới được diễn tiến và hoàn thành trong bình an tốt đẹp".
Theo bài "Lược sử Giáo Phận Bùi Chu", Nhà Thờ Chính Tòa Bùi Chu được xây dựng dưới thời Pháp thuộc bởi giám mục Wenceslao Onate Thuận (1884) với chiều dài 78 mét, rộng 22 mét, cao 15 mét. Nhà thờ này được khánh thành năm 1885. Trải qua hơn 134 năm, ngôi nhà thờ này vẫn đứng vững với những cột gỗ lim và những đường nét hoa văn mang dấu ấn kiến trúc phương Tây. Hàng năm vào ngày 8 Tháng Tám, ngày lễ quan thầy của giáo phận, nhiều giáo dân từ khắp nơi tập trung về đây dâng lễ".
Một trong những buổi lễ cuối cùng được cử hành tại Nhà Thờ Chính Tòa Bùi Chu là lễ Truyền Dầu đã diễn ra vào sáng hôm 18 Tháng Tư.
Sau khi vụ cháy Nhà Thờ Đức Bà Paris diễn ra, một bài của tác giả Martin Ram, cố vấn cao cấp tại Ngân hàng Thế giới và là giám đốc dự án tại Trung tâm Phát triển đô thị bền vững thuộc Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam, đăng trên báo Tuổi Trẻ có đoạn :
"Nay thì Nhà Thờ Bùi Chu tuyệt đẹp và nổi tiếng bậc nhất ở Nam Định cũng sắp phải đón nhận số phận buồn thương tương tự như nhà thờ Trà Cổ [bị đập bỏ hồi Tháng Ba, 2017]. Đây là những mất mát bi thảm cho bất cứ ai, không chỉ với người Việt Nam. Sự phá hủy một công trình như Nhà Thờ Đức Bà, hay Nhà Thờ Bùi Chu, là một vết thương lòng cho mỗi chúng ta".
Kiến trúc sư Sơn Đặng viết trên trang cá nhân hôm 28 Tháng Tư : "Trong các trường hợp đập bỏ di sản tương tự như này, thường là do những người có trách nhiệm đã nghĩ quẩn như sau : Vì nó mục nát nên cần đảm bảo an toàn cho giáo dân, vì muốn nhanh tiện, vì không huy động được tài chính, vì đập bỏ xây mới thì dễ dàng và rẻ hơn trùng tu, vì vướng vấn đề pháp lý với nhà nước, vì bị nhà nước không cấp cho khu đất khác để xây nhà thờ khác, vì cần mở rộng không gian, vì đây là tài sản riêng của nhà thờ nên quyền quyết định là tối cao. Có lẽ bên trong còn nhiều uẩn ức khó nói, nhưng chúng ta thiết nghĩ không nên ngồi im trước một quyết định sai lầm như thế. Không vì Nhà Thờ Bùi Chu có cái mái sắp mục mà xóa bài làm lại, xin miễn ngụy biện nhé !".
"Theo tôi, cần một bên trung gian đủ uy tín vào cuộc. Một tổ chức như UNESCO có thể đàm phán được ngay với Giáo Xứ Bùi Chu. Chỉ cần họ cân nhắc đưa ra phương án xếp hạng di sản toàn cầu với chuỗi nhà thờ cổ của miền Bắc, trong đó có Nhà Thờ Bùi Chu. Hy vọng cách này không chỉ cứu được Nhà Thờ Bùi Chu mà còn cứu được các di sản tôn giáo quý giá khác của miền Bắc", theo Facebook Son Dang.
T.K.
*******************
Hơn 20 kiến trúc sư đề nghị bảo tồn nhà thờ Bùi Chu (RFA, 01/05/2019)
Khoảng 20 kiến trúc sư và nhà bảo tồn ở Việt Nam vừa gửi đơn đề nghị Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, Bộ trưởng Bộ văn hóa thể thao và du lịch cùng Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Nam Định cứu lấy nhà thờ Bùi Chu đã có 134 năm tuổi đang sắp có nguy cơ bị phá để xây mới.
Nhà thờ Bùi Chu ở Nam Định - Courtesy of Wikimedia Commons
Trước đó, vào ngày 11/3, Giám mục Giáo phận Bùi Chu, Thomas Vũ Đình Hiệu, đã có thư ngỏ gửi giáo xứ Dốc Mơ kêu gọi quyên góp tiền để xây mới nhà thờ Bùi Chu với lý do nhà thờ đã xuống cấp nghiêm trọng, ảnh hưởng tới việc thờ phượng và gây nguy hiểm đến tính mạng của bà con giáo dân.
Theo Tuổi Trẻ, một nhóm kiến trúc sư đã trực tiếp đến khảo sát tại nhà thờ Bùi Chu trong hai ngày 29 và 30/4, dưới sự giám sát online của Tiến sĩ, Kiến trúc sư Nguyễn Hạnh Nguyên – Đại học Kiến trúc Thành phố Hồ Chí Minh và Thạc sĩ, Kiến trúc sư Cao Thành Nghiệp. Sau khi khảo sát, các Kiến trúc sư kết luận công trình chỉ hư hỏng nhẹ, phần mái bị thấm dột, trần mái một số chỗ bong tróc nhưng kết cấu khung chịu lực còn tốt, đảm bảo khả năng chịu lực lâu dài nếu được gia cố thêm.
Câu chuyện nhà thờ Bùi Chu những ngày qua đã trở thành đề tài gây chú ý trên mạng xã hội với nhiều lời kêu gọi chính phủ, Hội đồng giám mục Việt Nam phải cứu lấy nhà thơ cổ mặc dù nhà thờ chưa được xếp hạng di sản được công nhận, có nghĩa là việc phá dỡ và xây mới không phải xin phép nhà nước.
Hứa Sài Gòn ‘sẽ không có biểu tình,’ Nguyễn Thiện Nhân bị chỉ trích ‘càng ngày càng bá láp’ (Người Việt, 27/04/2019)
Hôm 27/04/2019, tuy báo Thanh Niên đã gỡ bài về việc ông Nguyễn Thiện Nhân, bí thư Thành Ủy ở Sài Gòn, hứa với Bộ Chính Trị Đảng cộng sản Việt Nam rằng "sẽ không có biểu tình", nhưng ông này vẫn là tâm điểm bị giới trí thức và hoạt động chỉ trích.
Dân chúng biểu tình ở Sài Gòn hôm 10/06/2018 chống Luật Đặc Khu và Luật An Ninh Mạng. (Hình : Trương Duy Nhất)
Bài báo bị gỡ tiếp tục được đăng lại trên báo Tiếng Dân và một số trang khác, có nội dung : "Thành Ủy, Ủy Ban Nhân Dân thành phố ở Sài Gòn yêu cầu Công An thành phố phối hợp với Bộ Tư Lệnh xây dựng phương án chống biểu tình, trong đó có phương án chống biểu tình bằng xe máy và đưa người từ các tỉnh về biểu tình… Theo ông Nguyễn Thiện Nhân, chính quyền cần có phương án sẵn sàng ứng phó, truyền thông tiếp cận tuyên truyền người dân không tham gia biểu tình, tách những người dẫn dắt biểu tình và biện pháp xử lý…"
"Thành Ủy thống kê có khoảng 600 người dẫn đầu, dẫn dắt, tổ chức biểu tình để có phương án phụ trách từng người, khi có biểu hiện lôi kéo, tụ tập sẽ có biện pháp xử lý ngay. Những người kêu gọi ra đường biểu tình cũng sẽ bị chính quyền, đoàn thể nhắc nhở ngay. Ông Nhân cho biết, nhờ làm cách này nên thời gian gần đây những đối tượng tổ chức biểu tình không thể kêu gọi, tổ chức biểu tình được nữa. Từ Tháng Sáu, 2018 đến nay ở Sài Gòn không có biểu tình", theo Thanh Niên.
Thay cho bài báo bị gỡ vì gặp phải sự giận dữ của công luận, tờ báo này sau đó đăng một bài khác mang tính biện hộ : "Theo Bí thư Nguyễn Thiện Nhân, để không có những vụ tụ tập đông người, phải lo cho dân, an dân, làm cho người dân và doanh nghiệp hài lòng. Đối với những thông tin xuyên tạc, kích động, chống đối chế độ thì phải có thêm những biện pháp khác, như : thông tin chính xác về tình hình thực tế, phản bác thông tin bịa đặt, vu cáo ; chính sách đền bù tái định cư phải đúng pháp luật, đảm bảo lợi ích của dân ; chống tham nhũng ; tiếp thu ý kiến của nhân dân kể cả qua tin nhắn, hình ảnh…"
Luật Sư Lê Nguyễn Duy Hậu bình luận trên trang cá nhân : "Thật ra ông Nhân chỉ cần thêm ba từ ‘bất hợp pháp’ đằng sau từ ‘biểu tình’ thì phát ngôn của ông đỡ tào lao hơn rất nhiều. Bởi lẽ, Hiến Pháp Việt Nam đã quy định công dân có quyền biểu tình, do đó chuyện có biểu tình hay không không do ông Nhân hay chính quyền quyết định. Tia UV giờ cao lắm, không vì chính quyền tào lao thì chả ai điên mà ra đường biểu tình. Càng ngày càng ba láp".
Phát ngôn của Bí thư Nhân cho thấy biểu tình đang ngày càng trở thành nỗi ám ảnh "mất chế độ" của giới lãnh đạo cộng sản Việt Nam. Nhất là sau cuộc biểu tình rầm rộ tại các thành phố lớn hôm 10 Tháng Sáu, 2018 chống Luật Đặc Khu và Luật An Ninh Mạng. Do vậy mà hàng chục người tham gia sự kiện này đã bị phạt tù vì bị khép tội "dây rối trật tự công cộng".
Liên quan đến việc Luật Biểu Tình mãi không được đưa vào chương trình nghị sự tại Quốc hội cộng sản Việt Nam dù đây là quyền của người dân được quy định trong Hiến Pháp, báo Dân Việt hôm 10 Tháng Tư cho hay : "Dự Luật Biểu Tình đang được Bộ Công an tiếp tục phối hợp với các cơ quan, đơn vị liên quan nghiên cứu lý luận, cơ sở pháp lý và tổ chức khảo sát thực tế tại các đơn vị, địa phương để nghiên cứu, xây dựng dự luật nhằm bảo đảm thực thi quyền con người, quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân, tránh các thế lực thù địch lợi dụng biểu tình để gây rối mất trật tự, chống phá đảng, nhà nước".
Phát ngôn mới nhất của ông Nhân lại khiến người dân Sài Gòn thêm một lần bất mãn về ông, người được bổ nhiệm làm bí thư ở Sài Gòn từ tháng 05/2017. Từ thời điểm đó đến nay, thực trạng ngập nước và kẹt xe không có gì tiến triển, nếu không muốn nói là ngày một tồi tệ thêm. Thay vì có những chỉ đạo thiết thực để cải thiện đời sống người dân thành phố và quan tâm đến những người yếu thế tại Vườn Rau Lộc Hưng, ông Nhân được ghi nhận thích tham gia các hoạt động "làm màu" trên mặt báo như "tạo dáng" tham gia dọn rác trên kênh Rạch Lăng để báo chí chụp hình. (T.K.)
*************
Đây được coi là một vụ đánh bạc qua mạng lớn nhất bị phá ở Việt Nam cho tới nay, theo AFP.
Cảnh sát Việt Nam hôm 28/4 khởi tố 24 người liên quan tới "đường dây tổ chức đánh bạc và đánh bạc trên mạng Internet" thông qua trang web Fxx88.com.
Báo điện tử VnExpress đưa tin, 14 người, trong đó có một công dân Trung Quốc cư trú tại Việt Nam, bị truy tố "tội tổ chức đánh bạc".
Trong khi đó, 10 người khác bị khởi tố về "hành vi đánh bạc".
Báo chí trong nước dẫn lời cơ quan chức năng nói rằng trang web cá độ xxx88.com đã "thu hút hàng trăm nghìn tài khoản người chơi" với tổng số tiền giao dịch "ước tính 30.000 tỷ đồng (hơn một tỷ đôla Mỹ), thông qua 4.000 đại lý".
Theo VnExpress, "có người còn thuê công nhân, tài xế xe ôm đi mở tài khoản để sử dụng vào mục đích chuyển tiền, che giấu hành vi giao dịch cá độ bóng đá".
Thông tin về vụ truy tố này được công bố ít ngày sau khi một chánh thanh tra của Bộ Thông tin và Truyền thông bị bắt và truy tố vì tội "Lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ" liên quan tới đường dây đánh bạc triệu đô bị phá năm 2018.