Người Việt hải ngoại phản ứng trước lời kêu gọi ‘đóng góp ý kiến mang tính xây dựng’
Người Việt hải ngoại bức xúc với việc chính quyền Việt Nam hoan nghênh các đóng góp ý kiến "mang tính xây dựng", còn nêu ý kiến trái chiều thì bị xem là "chống phá". VOA Tiếng Việt có dịp trao đổi với một vài người Mỹ gốc Việt để tìm hiểu thêm về nhận định của họ sau khi Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Việt Nam Nguyễn Quốc Cường khen ngợi sự lớn mạnh của cộng đồng hải ngoại ở Hoa Kỳ, và nhắc lại lời kêu gọi "đóng góp ý kiến xây dựng" cho đất nước cùng chủ trương "hòa hợp hòa giải dân tộc".
Thứ trưởng Ngoại giao Việt Nam Nguyễn Quốc Cường, Chủ nhiệm Ủy ban Nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài. Photo Quehuongonline
Trả lời phỏng vấn trên kênh BolsaTV hôm 6/5, Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Việt Nam Nguyễn Quốc Cường nói chính phủ Việt Nam hoan nghênh các "ý kiến mang tính xây dựng".
"Không chỉ cộng đồng người Việt ở Hoa Kỳ có một số người có quan điểm khác với chính phủ tại Việt Nam hiện nay, mà ngay trong nước, hay bất cứ chỗ nào khác, cũng thế thôi, ngay cả trong gia đình, có ý kiến khác nhau cũng là việc rất bình thường.
"Nhưng quan trọng là ý kiến khác nhau về vấn đề gì ? Là ý kiến xây dựng hay ý kiến để chống phá ? Nếu là ý kiến xây dựng thì đều tốt cả. Nếu chúng ta cùng nghĩ là cái lớn – đại đoàn kết dân tộc – thì bỏ qua những hiềm thù quá khích trong quá khứ, chúng ta có thể ngày càng xích lại gần nhau hơn để thực hiện đại đoàn kết dân tộc, hòa hợp dân tộc".
Từ bang New Hampshire, ông Cao Xuân Khải, đồng Chủ tịch Hội đồng Liên kết Quốc nội Hải ngoại Việt Nam tại Hoa Kỳ, chia sẻ :
"Tôi nghĩ phát biểu của ông Nguyễn Quốc Cường cũng chỉ lặp lại những điều đã được Bộ Ngoại giao và các lãnh đạo Việt Nam nói từ nhiều năm trước. Họ nói một đằng làm một nẻo. Gần 45 năm qua, người dân hải ngoại không tin những lời nói như vậy và không muốn bị cộng sản lừa".
Thứ trưởng Nguyễn Quốc Cường, cựu đại sứ Việt Nam tại Hoa Kỳ, hiện là Đặc phía viên của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc và đồng thời là Chủ nhiệm Ủy ban Nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài, nói với đài BolsaTV, khi ông dẫn đoàn Việt kiều thăm đảo Trường Sa vào tháng trước.
Ông nói :
"Hiện nay cộng đồng Việt Nam trên toàn thế giới có khoảng 4,5 triệu người, riêng ở Hoa Kỳ có 2,2-2,5 triệu người. Tôi nhận xét rằng đây là cộng đồng (người gốc Việt) mạnh nhất trên thế giới, chiếm một nửa, và có nhiều người thành công, thành đạt, và ngày càng có tiếng tăm hơn. Các thế hệ người Việt tiếp nối với nhau đang ngày càng có tiếng nói khẳng định tiếng nói của mình tại xã hội Mỹ. Tôi nghĩ đây là cộng đồng rất mạnh".
Ông Cao Xuân Khải nhận định :
"Họ ve vuốt như vậy với mục đích kêu gọi góp đôla, chứ chẳng có ý muốn hòa hợp hòa giải gì cả. Nếu họ thật sự muốn thay đổi và muốn đất nước tiến lên thì phải chấp nhận tiếng nói đối lập, chấp nhận sự chỉ trích, phê bình, còn đằng này họ không dám nhìn vào sự thật".
Từ bang Oklahoma, bà Cao Tuyết Vân, nhận định với VOA :
"Họ nói hòa hợp hòa giải nhưng tôi thấy rất khó lắm vì họ không thành thật. Một ý kiến xây dựng của tôi là họ đừng đàn áp người dân. Muốn hòa hợp hòa giải thì phải thật lòng, phải như những người bạn của nhau, ai có lỗi thì phải nhận lỗi. Nếu một người phạm lỗi mà không sửa đổi thì người khác làm sao muốn hòa giải được".
Bà Cao Tuyết Vân chia sẻ rằng bà và gia đình sang Mỹ một tuần trước biến cố 30/4/1975 khi bà mới lên 13 tuổi. Bà cho biết trong một vài năm gần đây, bà quan tâm nhiều hơn đến các vấn đề ở quê nhà như chủ quyền lãnh hải, dân oan, tự do ngôn luận, tự do tôn giáo, và mong muốn sẽ có dịp về thăm quê hương khi đất nước không còn bất công.
"Tôi được tự do ở Mỹ thì cũng mong muốn người dân của mình cũng được như vậy. Những người cộng sản làm cho tôi bực mình, nhưng không hẳn là hằng thù hay căm ghét họ, nhưng tôi có cảm giác rằng mình không muốn chơi hay tiếp xúc với họ. Khi nào đất nước không còn bất công thì tôi có thể về thăm".
Ông Cao Xuân Khải nói thêm rằng trong cộng đồng người Việt tại Mỹ cũng có quan điểm khác nhau về việc đóng góp ý kiến cho đất nước, nhưng nhìn chung nhiều năm qua đa số đã bất mãn do chính quyền Hà Nội "chưa thật tâm" muốn hòa hợp, hòa giải.
"Chúng ta phải thẳng thắn nhìn nhận đúng là có nhiều người nghĩ rằng chúng ta nên về nước để hòa hợp hòa giải dân tộc, chung tay xây dựng đất nước. Chúng tôi hoan nghênh thiện ý của họ - muốn Việt Nam có được sự phục hưng, hồi sinh – nhưng chúng ta khó có thể hòa hợp hòa giải được vì những đau thương đã kinh qua.
"Ngay bây giờ đây chính quyền Việt Nam phải hòa hợp hòa giải ngay với người dân, đồng bào trong nước đi, chứ đừng gây đau khổ cho hơn 90 triệu dân – giá điện tăng, cưỡng chế vườn rau Lộc Hưng, nhiều người nói lên sự thật vì lòng yêu nước thì bị bắt, đày đọ trong tù… thì thử hỏi họ có hòa hợp được không ? Có thật tâm hòa hợp không ? Hay chúng ta chỉ về đó để làm con rối cho họ, chỉ có lợi cho họ ? Họ thu vén tiền của từ hải ngoại về túi của họ mà đất nước thì càng ngày càng bệ rạc, nghèo nàn đi".
Christina Cao, một dược sĩ gốc Việt ở bang California, người trưởng thành sau Chiến tranh Việt Nam, nói với VOA trong cuộc phỏng vấn trước đây rằng các thế hệ người Việt cần đồng lòng và các cộng đồng gốc Việt nên đoàn kết để gây áp lực nhiều buộc chính quyền Việt Nam phải thay đổi, trước khi tiến tới hòa hợp hòa giải.
"Tôi nghĩ nên có sự đoàn kết giữa các cộng đồng khác nhau thì tiếng nói của chúng ta đối với chính quyền Việt Nam sẽ mạnh hơn".
Bàn về vấn đề hòa hợp hòa giải dân tộc, tác giả Phạm Phú Khải từ Úc châu, viết cho VOA dịp 30/4/2019 : "Hòa giải là một mục tiêu chính đáng, cần thiết và cấp bách đối với Việt Nam vì không thể xây dựng sức mạnh và phát huy tiềm năng của dân tộc để đối phó với những thử thách lớn lao bằng tinh thần rã rời và mục nát như hiện nay".
Ông Khải đề xuất thành lập "một ủy ban hòa giải độc lập quy tụ những người uy tín được nhà nước Việt Nam do dân bầu lên trong tương lai ủy quyền, đặt mục tiêu và chuẩn mực hoạt động để thực hiện nhiệm vụ cao cả này".
Nguồn : VOA, 10/05/2019