Có một sự thật ít người biết rằng Thụy Điển là quốc gia phương Tây đầu tiên công nhận nhà nước Việt Nam vào năm 1969 vào lúc mà nhiều nước phương Tây rất e ngại chọc giận Mỹ vốn đang theo đuổi cuộc chiến với quân cộng sản ở Việt Nam.
Việt Nam đang nhắm tới con đường phát triển bền vững như Thụy Điển
Thụy Điển tiến tới trở thành nhà tài trợ nước ngoài lớn nhất của Việt Nam – quốc gia vốn bị cô lập trên trường quốc tế trong những năm 1980 cho đến đầu những năm 1990 khi Washington dỡ bỏ lệnh cấm vận kinh tế đối với Hà Nội.
Giờ đây Stockholm và Hà Nội kỷ niệm 50 năm quan hệ ngoại giao mà họ mô tả là đã chuyển từ viện trợ sang giao thương. Việt Nam có thể thấy một số chỉ dấu tiềm năng ở Thụy Điển, một quốc gia phương Tây nhỏ với các chính sách dân chủ xã hội và là quê hương của nhiều tập đoàn mà nhiều người không biết là phát xuất từ Thụy Điển : Skype, Spotify, Ericsson, Ikea, Volvo, và H&M.
Thương mại bền vững
Công chúa kế vị của Thụy Điển Victoria Ingrid Alice Desiree dẫn đầu một phái đoàn đến Hà Nội trong tuần này để nếm thử món bún bò xào và đội nón lá của Việt Nam cũng như thúc đẩy thương mại thân thiện với môi trường.
"Tôi muốn nhấn mạnh rằng sự bền vững và thương mại không loại trừ nhau", công chúa nói và nhấn mạnh rằng, trái lại, thương mại bền vững là lựa chọn duy nhất để tiến về phía trước.
Điều này đối lập với thương mại toàn cầu sau cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ nhất khi các công ty không quan tâm đến việc đốt nhiên liệu hóa thạch và đổ đầy rác thải ra môi trường – điều mà kinh tế học cổ điển gọi là ‘ảnh hưởng ngoại lai’ bởi vì thủ phạm không nhận lãnh hậu quả trực tiếp.
Công nghiệp hóa kiểu khác
Khi Việt Nam bước vào công nghiệp hóa, nhiều người hy vọng rằng nước này sẽ làm khác với các ngành công nghiệp cũ vốn gây ô nhiễm của các nước phương Tây và sẽ lãng phí ít nguyên liệu thô hơn và tập trung nhiều hơn vào việc đưa nguyên liệu tái chế trở lại quy trình sản xuất.
Các công ty Thụy Điển đang tìm cách làm sạch hoạt động của mình. Chẳng hạn như H&M đã cho phép khách hàng đem trả lại quần áo để tái chế mặc dù điều đó sẽ cho họ một cái cớ để tiêu thụ thêm nhiều quần áo mới nữa.
Nhà bán lẻ thời trang này cũng đặt mục tiêu mua hàng từ những xưởng sản xuất có xử lý và tái sử dụng nước thải.
Còn hãng Ikea sẽ cấm sử dụng các sản phẩm nhựa dùng một lần trong các cửa hàng của họ vào năm tới và tìm công dụng mới cho các sản phẩm nhựa để chúng không bị đổ ra đại dương. Nỗ lực đối với sản phẩm nhựa là một ví dụ của khu vực mà các đại tập đoàn có thể có tác động lớn hơn đến cá nhân người tiêu dùng vốn đã ngừng sử dụng ống hút nhựa và túi nhựa.
Mô hình Thụy Điển
Phó Thủ tướng Việt Nam Phạm Bình Minh nói rằng Thụy Điển là một quốc gia nhỏ nhưng đã có thái độ có trách nhiệm trong ngoại thương và công nghiệp hóa.
"Đó là bài học mà Việt Nam muốn học từ Thụy Điển", ông nói.
Quan hệ giữa hai nước trước đây từng được định hình bởi viện trợ chính thức của Thụy Điển cho Việt Nam – số tiền viện trợ được sử dụng cho những mục đích chung như bình đẳng giới. Công chúa kế vị của Thụy Điển là người đứng đầu trong danh sách kế vị bởi vì nước bà đã sửa một đạo luật vốn chỉ cho phép nam giới mới được kế vị ngai vàng. Ở Việt Nam, Thụy Điển đã hỗ trợ cho các chương trình bình đẳng giới trong các lĩnh vực như nông nghiệp, chẳng hạn như đào tạo cho các nữ nông dân biết tiếp thị sản phẩm, cho đến Wikipedia vốn đưa tiểu sử của nam giới nhiều hơn nữ giới.
Đối tác kinh doanh
Nhưng ngày nay trọng tâm đã thay đổi từ viện trợ phát triển sang phát triển kinh doanh. Thay vì nhận viện trợ từ Thụy Điển thì Việt Nam đang nhận được đầu tư, từ Spotify đưa ra ứng dụng âm nhạc ở Việt Nam vào năm 2018 cho đến Electrolux bán máy điều hòa không khí và máy giặt cho tầng lớp trung lưu mới nổi.
Sự thay đổi này cũng ra chỉ dấu cho thấy một xu hướng rộng hơn ở Việt Nam là chuyển từ viện trợ tiền bạc sang làm ăn. Trong số nhiều thỏa thuận thương mại của Việt Nam là hiệp định thương mại tự do ký với châu Âu mà giới chức Thụy Điển cũng ca ngợi trong chuyến thăm của công chúa là giúp tăng cường thương mại giữa hai bên.
Hà Nguyễn
Nguồn : VOA, 10/05/2019