Có một sự thật ít người biết rằng Thụy Điển là quốc gia phương Tây đầu tiên công nhận nhà nước Việt Nam vào năm 1969 vào lúc mà nhiều nước phương Tây rất e ngại chọc giận Mỹ vốn đang theo đuổi cuộc chiến với quân cộng sản ở Việt Nam.
Việt Nam đang nhắm tới con đường phát triển bền vững như Thụy Điển
Thụy Điển tiến tới trở thành nhà tài trợ nước ngoài lớn nhất của Việt Nam – quốc gia vốn bị cô lập trên trường quốc tế trong những năm 1980 cho đến đầu những năm 1990 khi Washington dỡ bỏ lệnh cấm vận kinh tế đối với Hà Nội.
Giờ đây Stockholm và Hà Nội kỷ niệm 50 năm quan hệ ngoại giao mà họ mô tả là đã chuyển từ viện trợ sang giao thương. Việt Nam có thể thấy một số chỉ dấu tiềm năng ở Thụy Điển, một quốc gia phương Tây nhỏ với các chính sách dân chủ xã hội và là quê hương của nhiều tập đoàn mà nhiều người không biết là phát xuất từ Thụy Điển : Skype, Spotify, Ericsson, Ikea, Volvo, và H&M.
Thương mại bền vững
Công chúa kế vị của Thụy Điển Victoria Ingrid Alice Desiree dẫn đầu một phái đoàn đến Hà Nội trong tuần này để nếm thử món bún bò xào và đội nón lá của Việt Nam cũng như thúc đẩy thương mại thân thiện với môi trường.
"Tôi muốn nhấn mạnh rằng sự bền vững và thương mại không loại trừ nhau", công chúa nói và nhấn mạnh rằng, trái lại, thương mại bền vững là lựa chọn duy nhất để tiến về phía trước.
Điều này đối lập với thương mại toàn cầu sau cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ nhất khi các công ty không quan tâm đến việc đốt nhiên liệu hóa thạch và đổ đầy rác thải ra môi trường – điều mà kinh tế học cổ điển gọi là ‘ảnh hưởng ngoại lai’ bởi vì thủ phạm không nhận lãnh hậu quả trực tiếp.
Công nghiệp hóa kiểu khác
Khi Việt Nam bước vào công nghiệp hóa, nhiều người hy vọng rằng nước này sẽ làm khác với các ngành công nghiệp cũ vốn gây ô nhiễm của các nước phương Tây và sẽ lãng phí ít nguyên liệu thô hơn và tập trung nhiều hơn vào việc đưa nguyên liệu tái chế trở lại quy trình sản xuất.
Các công ty Thụy Điển đang tìm cách làm sạch hoạt động của mình. Chẳng hạn như H&M đã cho phép khách hàng đem trả lại quần áo để tái chế mặc dù điều đó sẽ cho họ một cái cớ để tiêu thụ thêm nhiều quần áo mới nữa.
Nhà bán lẻ thời trang này cũng đặt mục tiêu mua hàng từ những xưởng sản xuất có xử lý và tái sử dụng nước thải.
Còn hãng Ikea sẽ cấm sử dụng các sản phẩm nhựa dùng một lần trong các cửa hàng của họ vào năm tới và tìm công dụng mới cho các sản phẩm nhựa để chúng không bị đổ ra đại dương. Nỗ lực đối với sản phẩm nhựa là một ví dụ của khu vực mà các đại tập đoàn có thể có tác động lớn hơn đến cá nhân người tiêu dùng vốn đã ngừng sử dụng ống hút nhựa và túi nhựa.
Mô hình Thụy Điển
Phó Thủ tướng Việt Nam Phạm Bình Minh nói rằng Thụy Điển là một quốc gia nhỏ nhưng đã có thái độ có trách nhiệm trong ngoại thương và công nghiệp hóa.
"Đó là bài học mà Việt Nam muốn học từ Thụy Điển", ông nói.
Quan hệ giữa hai nước trước đây từng được định hình bởi viện trợ chính thức của Thụy Điển cho Việt Nam – số tiền viện trợ được sử dụng cho những mục đích chung như bình đẳng giới. Công chúa kế vị của Thụy Điển là người đứng đầu trong danh sách kế vị bởi vì nước bà đã sửa một đạo luật vốn chỉ cho phép nam giới mới được kế vị ngai vàng. Ở Việt Nam, Thụy Điển đã hỗ trợ cho các chương trình bình đẳng giới trong các lĩnh vực như nông nghiệp, chẳng hạn như đào tạo cho các nữ nông dân biết tiếp thị sản phẩm, cho đến Wikipedia vốn đưa tiểu sử của nam giới nhiều hơn nữ giới.
Đối tác kinh doanh
Nhưng ngày nay trọng tâm đã thay đổi từ viện trợ phát triển sang phát triển kinh doanh. Thay vì nhận viện trợ từ Thụy Điển thì Việt Nam đang nhận được đầu tư, từ Spotify đưa ra ứng dụng âm nhạc ở Việt Nam vào năm 2018 cho đến Electrolux bán máy điều hòa không khí và máy giặt cho tầng lớp trung lưu mới nổi.
Sự thay đổi này cũng ra chỉ dấu cho thấy một xu hướng rộng hơn ở Việt Nam là chuyển từ viện trợ tiền bạc sang làm ăn. Trong số nhiều thỏa thuận thương mại của Việt Nam là hiệp định thương mại tự do ký với châu Âu mà giới chức Thụy Điển cũng ca ngợi trong chuyến thăm của công chúa là giúp tăng cường thương mại giữa hai bên.
Hà Nguyễn
Nguồn : VOA, 10/05/2019
Các nhà hoạt động môi trường thúc giục chính phủ chuyển sang dùng năng lượng tái tạo như mặt trời và gió
Các quan chức cảnh báo mức độ ô nhiễm không khí ở Thành phố Hồ Chí Minh và Hà Nội sắp đạt mức ô nhiễm không khí của Bắc Kinh. Ngay cả nước trong Hồ Hoàn Kiếm cũng ô nhiễm.
Chất lượng không khí ở Việt Nam nói chung chưa thể qua mặt Trung Quốc hay Ấn Độ về mức độ ô nhiễm. Tuy nhiên nạn ô nhiễm ở Việt Nam đã tới mức tệ hại và sẽ trở nên tồi tệ hơn. Việt Nam sẽ phải trả một cái giá vì không khí nhiễm độc – dù là tiền để nâng cấp lên nhiên liệu sạch hơn hoặc để giải quyết các vấn đề về sức khỏe mà người dân gặp phải vì không khí bị ô nhiễm.
Chuyên gia về kinh tế học môi trường Lê Việt Phú nói không sớm thì muộn, Việt Nam cũng sẽ phải trả giá.
Giáo sư giảng dạy kinh tế học môi trường của Đại học Fulbright ở Thành phố Hồ Chí Minh kêu gọi người dân Việt Nam hãy có cái nhìn lâu dài và chi nhiều tiền hơn cho năng lượng sạch, mặc dù ban đầu nó có thể tốn kém. Các dữ liệu thống kê của lãnh sự quán Hoa Kỳ tại Thành phố Hồ Chí Minh có thể là một lời cảnh tỉnh đối với họ. Thống kê cho thấy Việt Nam giờ đã gia nhập nhóm 10 nước bị ô nhiễm không khí tồi tệ nhất thế giới.
Đánh giá chất lượng không khí của lãnh sự quán Mỹ đã trở thành một tài liệu tham khảo hàng ngày cho người dân ở đây kể từ khi thiết bị giám sát này được lắp đặt vào năm 2015, cùng với một thiết bị tương tự được đặt tại đại sứ quán Mỹ ở Hà Nội.
"Việt Nam phát triển rất nhanh trong 10 năm qua vì giá năng lượng thấp", giảng viên của Đại học Fulbright Việt Nam cho biết.
Vấn đề
Việt Nam đã qua một chặng đường dài để có được những phát triển kinh tế sau chiến tranh, nhưng một số người đang dừng lại để xem xét những cái giá đã trả cho thời kỳ đó. Tổng sản phẩm quốc nội tăng lên 6-7% mỗi năm. Trong khi đó, tần suất của những ngày mà không khí ở Thành phố Hồ Chí Minh được coi là không lành mạnh đối với các nhóm nhạy cảm đã tăng gấp đôi so với hai năm trước đây.
Đáng sợ hơn, 66.300 người Việt Nam đã chết vì các nguyên nhân liên quan đến không khí ô nhiễm trong năm 2013, theo Tổng lãnh sự Mỹ tại thành phố Hồ Chí Minh, bà Mary Tarnowka, trích dẫn dữ liệu của Ngân hàng Thế giới.
Bà Tarnowka nói : "Gia đình tôi sống ở Trung Quốc và Ấn Độ trong nhiều năm, chúng tôi hiểu chất lượng không khí ảnh hưởng đến sức khỏe như thế nào, đặc biệt là sức khỏe của trẻ em vì phổi của chúng vẫn đang phát triển."
Việc các trường học tạm đóng cửa trong một vài giờ hoặc thậm chí cả một ngày để bảo vệ học sinh chống ô nhiễm không khí không phải là chuyện hiếm thấy. Ở nhà và tại văn phòng, bàn và kệ phải được lau hàng ngày vì bụi bám.
Chuyên gia Lê Việt Phú nói nạn ô nhiễm công nghiệp đặc biệt nghiêm trọng bên ngoài các trung tâm đô thị như Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh. Nhưng bên trong các thành phố, 90% lượng khí phát thải đều đến từ giao thông.
Giải pháp
Đó là lý do tại sao một số người đề nghị những người lái xe máy phải được yêu cầu kiểm tra thường xuyên khí phát thải.
Việt Nam đã cân nhắc một số sự chọn lựa khác để giảm ô nhiễm do tắc nghẽn giao thông. Chính phủ Việt Nam đã đề xuất tăng thuế nhiên liệu, nhưng vẫn chưa làm được điều này vì vấp phải phản đối từ công chúng. Chính quyền thủ đô Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh đã giành nhiều năm để xây dựng hệ thống tàu điện ngầm, nhằm khuyến khích mọi người bớt dùng phương tiện cá nhân, nhưng ngày giờ hệ thống tàu điện bắt đầu hoạt động cứ liên tục bị hoãn lại, vì thiếu hụt ngân sách.
Theo đánh giá của CHANGE, một nhóm môi trường Việt Nam, sẽ có thay đổi lớn nếu Việt Nam chuyển từ sử dụng năng lượng từ than sang năng lượng gió, mặt trời và các năng lượng thay thế khác. Giám đốc CHANGE, Hoàng Thị Minh Hồng, cho biết thực hiện việc này sẽ giúp Việt Nam giữ cam kết trong thỏa thuận biến đổi khí hậu Paris nhằm giảm khí thải gây hiệu ứng nhà kính.
"Tôi hy vọng Thành phố Hồ Chí Minh, với lợi thế về địa lý và khí hậu, cùng với tiềm lực kinh tế, công nghệ và con người, cũng như tư duy cởi mở của cả chính phủ và nhân dân, sẽ là người tiên phong trong quá trình phát triển năng lượng tái tạo ở đất nước này," bà Hồng nói.
Mức ô nhiễm ở Việt Nam chưa lên tới mức ngang hàng với các nước lớn trong khu vực châu Á, và các nhà môi trường đang hy vọng là hãy còn thời gian để đảm bảo Việt Nam không rơi vào tình trạng ô nhiễm tương tự.
Ha Nguyen
VOA, 15/05/2018