Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Việt Nam

25/12/2022

Giáo hội Công giáo Việt Nam và hơi ấm Giáng Sinh cho những người nghèo

RFI tiếng Việt

Người dân Sài Gòn đón Lễ Giáng Sinh năm nay trong bối cảnh nền kinh tế còn gặp nhiều khó khăn, sản xuất trong một số ngành bị đình trệ, hàng chục ngàn công nhân mất việc, cuộc sống của người lao động nghèo ở thành phố đông dân nhất Việt Nam càng thêm khốn đốn.

giaohoi1

Các giáo dân tình nguyện đang nấu các món ăn cho Quán cơm 2000 tại nhà thờ Vườn Xoài, Sài Gòn, Việt Nam, ngày 13/12/2022. © RFI / Tiếng Việt

Theo lời linh mục Phêrô Vũ Minh Hùng, chánh xứ nhà thờ Vườn Xoài ở đường Lê Văn Sỹ, Sài Gòn, thời điểm này càng là lúc để Giáo hội Công giáo đồng hành với những người không may mắn, cụ thể là qua những bữa ăn trưa miễn phí mà nhà thờ Vườn Xoài chuẩn bị cho họ mỗi ngày :

"Khoảng gần 100.000 công nhân đã mất việc, và điều này ảnh hưởng không chỉ đến các tỉnh mà cả thành phố nữa. Thứ hai là về cơ bản đời sống của người dân thành phố cũng chật vật trong thời buổi kinh tế đang suy thoái, nhiều người không có đủ cơm ăn, áo mặc. Chính vì vậy mà Giáo hội không đứng bên lề, mà luôn đồng hành với họ, nghĩ ra một cách nào đó để giúp họ phần nào. Những bữa ăn là điều họ quan tâm.

Trước đây, khi mình còn làm ở giáo xứ cũ thì tệ nạn xã hội nhiều, bởi vì họ đói thì họ đi kiếm thôi. Nhưng mà từ khi mình mở quán ăn, họ bớt đi tệ nạn nhiều. Đó là điều mình thấy được lúc trước ở giáo xứ cũ. Bây giờ về giáo xứ mới này thì lượng người đông hơn, nhu cầu nhiều hơn, tại vì khu vực từ ga xe  lửa Sài Gòn, chạy dọc theo đường Lê Văn Sỹ, đến Lăng Cha Cả, người giàu cũng có, nhưng đa số là những người nghèo, đi làm thuê cho những người chung quanh đó, khá giả hơn. Cho nên cuộc sống của họ rất chật vật, khó khăn.

Chính vì vậy chúng tôi cố giúp đỡ họ bằng cách mở một quán cơm, ít ra là họ được một bữa trưa, như có người nói rằng : "Con chỉ ăn một bữa trưa này thôi, vì sáng nay con không ăn, chiều cũng không ăn". Quả thực có những hoàn cảnh rất là tội ! Đó là động lực để mình giúp người nghèo nhiều hơn".

"Quán cơm 2000" do cha Hùng lập ra, "khai trương" đầu tháng 10, đã hoạt động liên tục từ đó cho đến nay. Đây vẫn là công việc mà cha Hùng đã làm từ 8 năm qua khi còn là chánh xứ Martino Thị Nghè, trước khi được bổ nhiệm chánh xứ Nhà thờ Vườn Xoài cách đây hơn 3 tháng. Kể cả khi dịch Covid-19 hoành hành dữ dội ở Việt Nam, thành phố Sài Gòn phải sống "giãn cách", những bữa ăn vẫn đến với người nghèo dưới hình thức "Điểm phát cơm miễn phí hỗ trợ mùa dịch Covid mỗi ngày".

Nhu cầu về những bữa ăn miễn phí này càng lớn cùng với những khó khăn kinh tế hiện nay, ngay cả tại những khu vực được xem là giàu ở Sài Gòn, theo lời cha Vũ Minh Hùng.

Khi chúng tôi đến thăm nhà thờ Vườn Xoài hôm 13/12, từ sáng sớm, các giáo dân tình nguyện đã tất bật chuẩn bị cho bữa ăn trưa hôm đó, người thì rửa rau, người thì xào nấu, người thì xếp bàn ghế, để khoảng 10 giờ rưỡi sẽ đón tiếp cả trăm người sẽ kéo đến để được ăn bữa duy nhất trong ngày với đầy đủ rau thịt tươi sống, đầy đủ chất bổ. 

Cha Hùng đặt tên là "Quán cơm 2000" để những người đến đây không cảm thấy như được ăn bố thí, mà mỗi người chỉ bỏ một món tiền rất nhỏ là 2.000 đồng để nhận một khay thức ăn, thay vì phải bỏ ra ít nhất 20.000 hay 30.000 đồng mới được một bữa cơm bình dân với chất lượng thua xa.

Quán cơm 2000 phục vụ "thực khách" từ thứ Hai đến thứ Sáu hằng tuần. Nhà thờ Vườn Xoài huy động những nguồn nhân lực, tài lực nào để có thể bảo đảm mỗi ngày đều có những bữa tươi ngon như thế, cha Vũ Minh Hùng cho biết : 

"Về nhân lực thì các giáo dân khi được kêu gọi, mọi người đều chung tay. Điều đó có thể được thấy rõ, vì mỗi ngày có đến mấy chục người đến phục vụ, buổi sáng làm rau, rồi xế trưa một nhóm khác đến rửa khay, rửa chén, rồi một số khoảng mười mấy, hai chục người phục vụ cho khách. Nhưng mình tạo cho họ sự tự giác, đó là mỗi người đến lấy phần ăn, ăn xong rồi đưa đến cho người ta rửa.

Còn về tài chính, thực lực trong giáo xứ thì nhiều, rồi cũng có người này người kia cho vài trăm ngàn, một triệu, hai triệu… để phụ vào, nhưng nguồn lực của giáo xứ là chính. Các nhà hảo tâm lâu lâu cũng có. Chúng tôi đã duy trì việc này từ 8 năm nay rồi".

Dĩ nhiên là Lễ Giáng sinh và tiếp đến là ngày Tết càng là dịp để Giáo hội chia sẽ niềm vui với những người nghèo, để họ được thêm hơi ấm của tình thương, với những bữa ăn đặc biệt hơn, với những phần quà Noel, theo lời cha Vũ Minh Hùng. 

Hoạt động trên phạm vi toàn quốc, "Nhóm Liên kết Tông đồ Bác ái Xã hội", quy tụ phần lớn là các cựu sinh viên công tác xã hội và xã hội học, cũng có những hoạt động hướng về người nghèo trong dịp Lễ Giáng sinh và ngày Tết sắp đến, theo lời sơ Maria Trần Thị Thu Thủy, nữ tu Hội Dòng Mến Thánh Giá Chợ Quán, và là một thành viên của nhóm :

"Dù là cho người cao tuổi, hay cho trẻ đồng bào (dân tộc thiểu số), trẻ hoàn cảnh khó khăn, hay người khuyết tật, ngày Giáng sinh hay ngày Tết đều là những ngày đa ý nghĩa, để cho người nghèo được cảm nhận một cái Tết. Những ngày thường thì họ đã ăn thiếu thốn rồi và họ cũng không cảm nhận được một bữa no là ngon như thế nào. Cho nên thường thì các nhóm hoạt động như chúng em quan tâm cho một món quà, hay một cái gì đó đặc biệt hơn, một bữa cơm đặc biệt hơn, cho họ cảm nhận được ngày vui, ý nghĩa của ngày lễ.

Ở thành phố thì Dòng Mến Thánh Giá Chợ Quán cũng có hai mái ấm, liên kết với Caritas Việt Nam hay Caritas Sài Gòn để họ hỗ trợ để các em vui mùa Giáng sinh với các bạn bè thành phố".

Theo lời cha Vũ Minh Hùng, nói chung, giúp những người nghèo bằng những bữa ăn tình thương tại nhà thờ Vườn Xoài chỉ là một trong vô số những hoạt động xã hội, từ thiện của Giáo hội Công giáo Việt Nam nói chung và Giáo phận Sài Gòn nói riêng hướng về những gia đình gặp khó khăn. Có nơi tổ chức chăm lo cho những người nghèo, có nơi thì hướng nghiệp, hoặc trợ cấp vốn, hoặc lập các các quỹ, các học bổng…

giaohoi2

Tại một chòi bếp của người thiểu số tại Suối Máu, Hàm Tân, Phan Thiết : Các trẻ em con của người cùi được một sơ dạy học và cho uống sữa. © Nhóm Liên kết Tông đồ Bác ái

Riêng nhóm "Nhóm Liên kết Tông đồ Bác ái Xã hội" của sơ Thủy cũng có nhiều chương trình học bổng cho các trẻ em nghèo, nhất là trẻ em người dân tộc thiểu số. Nhưng không chỉ cấp học bổng, họ còn cố gắng giúp cho trẻ được học hành đến nơi đến chốn :

"Mình được dạy là giúp con người thì giúp cần câu hơn là giúp con cá, và giúp phải có phương pháp khoa học, nhất là trong xã hội ngày nay, giúp đỡ cho người nghèo thì phức tạp và khó khăn hơn ngày xưa. Không chỉ cho học bổng là xong, mà phải đồng hành, giúp đỡ, tập huấn, hướng dẫn choc hamẹ nâng cao nhận thức, để trẻ thức được việc học là quan trọng đối với tương lai của trẻ. Và đi tới hướng nghiệp.

Cộng đồng có nhiều gia đình nghèo dẫn đến giáo dục nghèo. Chẳng hạn như ở vùng miền núi ở Tây Bắc, ở Điện Biên, bây giờ mình có cho họ học bổng, thì việc học của con họ cũng chỉ đến lớp một, lớp hai và nhiều khi con họ mất căn bản thì họ thôi. Nhưng việc nâng cao nhân thức cho họ thì rất là cực. Bước đầu mình phải phân chia nhóm, tổ chức cho họ sinh hoạt và nhiều khi cho họ tham khảo những chương trình học bổng đã làm trước và đã có hiệu quả.

Bây giờ người ta hay dùng từ "phát triển tự dân", một phương pháp đến từ Châu Âu và đã được áp dụng ở Châu Phi, hiện tại cũng được ứng dụng ở Việt Nam như Caritas Phan Thiết hay Caritas Đà Lạt. Gọi là tác động đa chiều tức là mình không chỉ quan tâm đến học bổng, mà còn quan tâm đến bối cảnh của họ, để mình phân tích, rồi tùy đặc điểm của vùng đó mà người phục vụ lên một kế hoạch nâng cao nhận thức từng bước một cho người dân".

Tuy nhiên hiện giờ, theo lời sơ Thủy ngân sách cho những học bổng đó chủ yếu trích từ thu nhập của các nhà dòng, hoặc từ tiền bán lịch, bán đồ thủ công mỹ nghệ vào dịp Tết, chứ không thật sự dồi dào để đáp ứng các nhu cầu rất lớn về học tập của trẻ em nghèo ở Việt Nam, nhất là vùng xa, vùng sâu.

Thanh Phương

Nguồn : RFI, 24/12/2022

Quay lại trang chủ
Read 333 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)