Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Việt Nam

02/01/2023

Covid : Dù Trung Quốc mở cửa, dịch khó bùng phát mạnh ở Việt Nam

RFI tiếng Việt

Trung Quốc nay đã từ bỏ hoàn toàn chính sách "zero-Covid", mở cửa trở lại với thế giới bên ngoài, cụ thể là kể từ ngày 08/01/2023 sẽ không còn áp dụng biện pháp cách ly bắt buộc đối với những người nhập cảnh vào Trung Quốc, đồng thời người dân Trung Quốc sẽ được tự do ra nước ngoài. 

dichtq1

Chích ngừa Covid tại Củ Chi, Sài Gòn, Việt Nam, ngày 27/10/2001. Việt Nam là một trong những quốc gia có tỷ lệ chích ngừa cao nhất thế giới. AP - Thu Huong

Tác động kinh tế

Việc Trung Quốc, nền kinh tế lớn thứ hai thế giới, sẽ mở cửa trở lại hoàn toàn vào quý 2/2023 là một thông tin tích cực cho toàn thế giới nói chung và cho Việt Nam nói riêng, nhất là các doanh nghiệp xuất khẩu sản phẩm sang Trung Quốc với số lượng lớn sẽ được hưởng lợi.

Việc nới lỏng các biện pháp chống Covid-19 của Trung Quốc sẽ có tác động tích cực đến thương mại toàn cầu và giúp tái khởi động chuỗi cung ứng bị gián đoạn.

Nhiều hãng hàng không đã thông báo nối lại đường bay giữa Trung Quốc và Việt Nam, thúc đẩy ngành du lịch của Việt Nam cũng như giao thương giữa Việt Nam và Trung Quốc.

Theo tập đoàn quản lý đầu tư VinaCapital, việc Trung Quốc mở cửa trở lại sẽ giúp kích thích tăng trưởng của Việt Nam vào năm 2023, vì nước này là đối tác thương mại lớn nhất của Việt Nam và là thị trường du lịch lớn nhất của Việt Nam.

Trong báo cáo mới công bố, ông Michael Kokalari, Chuyên gia Kinh tế trưởng của VinaCapital, dự báo việc Trung Quốc mở cửa trở lại sẽ thúc đẩy tăng trưởng GDP của Việt Nam hơn 2% vào năm tới, do lượng khách du lịch Trung Quốc trở lại vào nửa cuối năm 2023.

Riêng về mặt giáo dục, theo tờ vnExpress, nhiều sinh viên Việt Nam du học ở Trung Quốc đã thở phào nhẹ nhõm khi nghe tin Trung Quốc sắp mở cửa trở lại, bởi vì trong gần 3 năm qua, nhiều người trong số họ đã phải học trực tuyến với rất nhiều khó khăn, áp lực, còn những ai vẫn sang Trung Quốc để tiếp tục học thì phải gánh những khoản chi phí rất lớn cho vé máy bay, cho cách ly tập trung …

Tuy nhiên, phải chờ thêm một thời gian để thấy rõ hơn tác động của việc Trung Quốc mở cửa trở lại đối với nền kinh tế thế giới và hiện vẫn chưa biết các chính sách của Trung Quốc sẽ như thế nào sau thời kỳ hậu "zero- Covid".

Lo ngại dịch lây lan

Nhưng Trung Quốc mở cửa trở lại đúng vào lúc mà tại quốc gia 1,4 tỷ dân này số ca nhiễm Covid-19 đang bùng nổ, có thể đã lên đến hàng chục triệu, thậm chí hàng trăm triệu ca. Trước tình hình đó, nhiều nước trên thế giới, như Hoa Kỳ, Nhật Bản, Ấn Độ, Hàn Quốc, Ý… đã thông báo những biện pháp hạn chế đối với các hành khách đến từ Trung Quốc, cụ thể là xét nghiệm Covid-19 và cách ly bắt buộc đối với họ, nhằm ngăn chặn dịch bệnh từ Hoa lục lây lan sang. 

Riêng đối với Việt Nam, về mặt kinh tế, Trung Quốc mở cửa trở lại có nghĩa là giao thương giữa hai nước sẽ dần trở lại bình thường, nhất là ngành du lịch sẽ đón tiếp trở lại lượng du khách Trung Quốc, vốn chiếm đông nhất trong tổng số du khách quốc tế. 

Nhưng vấn đề đặt ra là với lượng du khách Trung Quốc sẽ ồ ạt đổ sang, có nguy cơ là dịch Covid sẽ lại bùng phát mạnh ở Việt Nam hay không ? Theo các chuyên gia dịch tễ học, như bác sĩ Trương Hữu Khanh, nguyên Trưởng khoa Nhiễm thần kinh, Bệnh viện Nhi đồng 1, Phó chủ tịch Liên chi hội truyền nhiễm Thành phố Hồ Chí Minh, Việt Nam có một mức độ miễn dịch cao, nên không lo ngại lắm. Theo thống kê chính thức, cho đến nay Việt Nam đã tiêm gần 265,5 triệu liều vac-xin Covid-19, chích đủ ba mũi cho gần 80% dân số trên 18 tuổi :

"Quan trọng là mức độ miễn dịch của Việt Nam. Độ miễn dịch ở Việt Nam khi làm xét nghiệm thử một vài vùng đã đạt được đến hơn 90%. Việt Nam cũng đã trải qua một thời gian ứng phó với Omicron. Nếu Omicron biến thể mà vẫn là trong một nhánh của Omicron thì không đáng lo đối với một nước có mức độ miễn dịch cao như vậy.

Còn sự xuất hiện của một biến thể khác theo tôi thì rất là khó, tại vì Trung Quốc tuy họ đóng cửa, nhưng họ cũng có bị nhiễm, họ cũng có Omicron. Tác nhân của dịch bệnh hiện nay ở Trung Quốc cũng là một nhánh của Omicron thôi. Nếu một biến thể nhẹ của Omicron xâm nhập vào Việt Nam, với mức độ miễn dịch của Việt Nam, tỷ lệ chích mũi 3 cao, thì cũng không đến nổi phải quá sức lo lắng như những nước khác. Với một nền miễn dịch như vậy thì cũng không cần thiết phải làm một cái gì thật dữ dội. Chỉ những nước nào mà nền miễn dịch còn kém và đặc biệt là dân số lớn tuổi mà miễn dịch nền cũng kém, thì mới đáng lo ngại".

Nguy cơ xuất hiện biến thể mới

Sự bùng nổ số ca nhiễm ở Trung Quốc hiện nay chính là do biến thể BF.7, một biến thể của Omicron BA.5. Theo các chuyên gia, BF.7 có chỉ số R0 (tỷ lệ sinh sản của virus) từ 10 đến 18,6, có nghĩa là một người bị nhiễm sẽ truyền virus cho từ 10 đến 18,6 người khác. Đây là một tỷ lệ lây nhiễm cực cao, so với mức R0 từ 6 đến 7 của biến chủng Delta, 5,08 đối với biến thể Omicron hay 3 của chủng gốc SARS-CoV-2. 

Do có tốc độ lây lan nhanh chóng như vậy, biến thể BF.7 có thể gây ra mối đe dọa mới trên toàn thế giới hay không ? Đáng lo ngại hơn nữa, từ Trung Quốc có sẽ xuất hiện một biến thể nào khác với Omicron hay không ?

Đối với bác sĩ Trương Hữu Khanh, trước mắt, biến thể mới ở Trung Quốc chưa đáng ngại lắm :

"Nếu nói về một tỷ lệ lây mà có thể dẫn đến một biến thể lạ hơn nữa, thì tốc độ lây lan ở những nước khác hiện nay vẫn là do Omicron, ví dụ như hiện nay có một vài nước, sau khi có Omicron cũng có những đợt sóng với số ca bệnh rất cao, nhưng vẫn không có biến thể khác với Omicron, tức là một bậc cao hơn Omicron, với những thay đổi cấu trúc. Với cách lây như vậy và với tốc độ lây như vậy mà cũng không xuất hiện biến thể cao hơn Omicron, thì có lẽ với tốc độ lây ở Trung Quốc, nó cũng khó mà thay thế Omicron. 

Biến đổi một thể sang một cái khác cho tới hiện nay, theo nhận định của tôi, rất là khó. Bởi vì Omicron đã xuất hiện cả một năm nay rồi, thậm chí hơn nữa, những chỉ có những biến thể nhánh, tức là chỉ có khác về tốc độ lây thôi, chứ không gây bệnh nặng. Nguy cơ đó rất là thấp. Thứ hai là mình có tìm nguy cơ cao hơn thì phải tìm thêm nó là một biến chủng như thế nào. Không chỉ riêng Việt Nam mà cả tất cả các nước đều phải tìm biến chủng đó, nếu nó xuất hiện. 

Theo tôi cái quan trọng nhất là có một biến thể nào sớm hay không, có nghĩa là có biến thể nào khác với những biến thể đang xuất hiện ở những nơi khác ngoài Trung Quốc hay không, để mình có thể dự đoán cho tất cả các nước trên thế giới. Tuy nhiên, nếu nó đã lây ra một nước ngoài Trung Quốc thì nó sẽ lây khắp thế giới. Mình cũng phải chuẩn bị tư thế để tìm xem có biến thể nào mới không. Nhưng nếu nó vẫn là biến thể trong dòng của Omicron thì nó không đáng ngại". 

Không cần xét nghiệm du khách Trung Quốc ?

Trong khi một số nước đã thông báo áp dụng xét nghiệm Covid với hành khách Trung Quốc, thì những nước khác như Úc, Đức, Thái Lan thì không ban các quy định gì mới đối với những người đến từ Hoa lục. Riêng Việt Nam thì cho đến cuối tuần qua chưa có thông báo gì. Nhưng đối với các chuyên gia như bác sĩ Trương Hữu Khách, chưa cần thiết áp dụng xét nghiệm toàn bộ du khách Trung Quốc vào Việt Nam :

"Kiểm soát thì cũng có lợi hơn một chút thôi, tức là khi có kết quả dương tính thì chúng ta phải phân tích, chạy sequencing, để coi nó thuộc biến thể nào. Nhưng đòi hỏi phải lấy mẫu cho tất cả những người từ bên Trung Quốc sang thì tương đối là khó, bởi vì giao thương giữa Việt Nam với Trung Quốc khá là nhiều. Chắc chắn là Việt Nam sẽ nghe ngóng, sẽ phân tích các số ca nhiễm sau khi giao thương lại với Trung Quốc để xem nó thuộc biến thể gì, chứ còn làm xét nghiệm với tất cả mọi người thì hơi phí, trong khi nền miễn dịch của mình đã đạt được như vậy.

Họ sang đây, nếu họ có biểu hiện bệnh mà tình cờ mình xét nghiệm hoặc mình chủ động tìm những ca điển hình và mình nghe ngóng xem là khi nó lây ra ngoài cộng đồng của Việt Nam thì mình cũng phân tích nó loại biến thể nào thì mình mới ứng phó kịp thời, chứ nếu mình làm từ đầu thì rất là tốn kém, mà cũng làm mất đi một cơ hội để làm ăn kinh tế với Trung Quốc".

Theo báo chí trong nước, Bộ Y tế hiện chưa có ý kiến đánh giá tình hình dịch sau khi Trung Quốc thông báo sắp mở cửa trở lại. Tuy nhiên, tại phiên họp thứ 19 Ban chỉ đạo quốc gia phòng chống Covid-19 ngày 23/12, bộ trưởng Y tế Đào Hồng Lan đã cảnh báo về nguy cơ bùng phát các làn sóng Covid-19 do biến chủng mới. Dịp Tết dương lịch, Tết Nguyên đán với nhu cầu giao thương, du lịch tăng cao, là điều kiện thuận lợi cho các bệnh truyền nhiễm lây lan, có thể làm gia tăng số ca nhiễm Covid-19.

Tháng 8, Bộ Y tế đề xuất Thủ tướng chưa công bố hết dịch, chưa xem Covid-19 là bệnh lưu hành tại Việt Nam. Bộ cũng cho rằng hiện Việt Nam "cơ bản đáp ứng" những điều kiện cần thiết để chuyển tiếp từ phòng chống đại dịch sang quản lý bền vững, nhưng vẫn cần cảnh giác với các biến chủng mới của virus.

Thanh Phương

Nguồn : RFA, 02/01/2023

Quay lại trang chủ

Additional Info

  • Author: Thanh Phương
Read 325 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)