Hồi bé tôi hay nghe mấy đứa trẻ hàng xóm chúng nó nói "quân đội nhân dân" là "quân dận nhân đôi". Rồi "quân dận nhân đôi" là "quân dận nhân hai". "Quân dận nhân hai" là "quân hại nhân dân". Lúc đó nghĩ chúng nó nhí nhố thế thôi.
Giáo sư Chu Hảo.
Nhưng vừa đọc bài "Xử lý nghiêm để tăng cường kỷ cương, kỷ luật của Đảng và pháp luật của nhà nước" liên quan tới Giáo sư Chu Hảo mới thấy tờ Quân đội nhân dân quả đáng đổi tên thành Quân hại nhân dân thật.
Tờ này nói họ nhận được nhiều ý kiến "tâm huyết" của độc giả sau khi đăng bài "Từ thông báo của Ủy ban Kiểm tra Trung ương Đảng về những vi phạm của ông Chu Hảo : Giữ gìn phẩm giá, uy tín của người trí thức chân chính".
Tôi có đọc nhầm không đây ? Vậy ông Chu Hảo không phải là trí thức chân chính thì các trí ngủ chân giò ở tờ Quân hại nhân dân muốn được danh hiệu đó sao ? Cũng không hiểu sao họ không lấy ý kiến về vụ"xẻ thịt" đất quốc phòng mà lại tập trung vào vụ ông Chu Hảo.
Ý kiến đầu tiên là của một trí ngủ mang tên Nguyễn Túc từ Mặt trận Tổ quốc Việt Nam. Ông này được dẫn lời như sau :
"Tôi rất đồng tình với quan điểm của Báo Quân đội nhân dân... Ủy ban Kiểm tra [Ủy ban Kiểm tra] Trung ương đã kết luận, những vi phạm, khuyết điểm của ông Chu Hảo là rất nghiêm trọng, làm ảnh hưởng đến uy tín của tổ chức đảng, tác động xấu tới tư tưởng xã hội, đến mức phải xem xét, thi hành kỷ luật.
"Điều này khiến tôi rất buồn và suy nghĩ. Bởi tôi và ông Chu Hảo từng quen biết đã lâu, có thời gian cùng công tác tại một trường đại học lớn ở Hà Nội. Hơn nữa, đây là một người được sinh ra trong gia đình có truyền thống cách mạng, được Đảng, Nhà nước quan tâm trong đào tạo ; trong những năm đang công tác, đã nỗ lực phấn đấu rèn luyện ; được tổ chức trọng dụng, tin tưởng đề bạt, giao nhiều trọng trách, trong đó có chức Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ".
Vậy là đây là người có đủ trình độ dạy đại học cơ đấy. Nhưng tôi đảm bảo trình độ của ông này không bằng mấy bạn trẻ mới 18 tuổi mà tôi đang dạy cách làm báo ở trường Goldsmiths, University of London nếu chỉ dựa vào những gì ông viết.
Mấy đứa trẻ học năm đầu đại học đã hiểu vai trò của trí thức là thách thức hiện trạng để mang lại thay đổi tích cực trong xã hội. Cứ một lòng theo đảng và không thách thức thì Việt Nam ta ngày nay vẫn còn ăn bo bo chứ đâu được "cơm ăn ba bữa, quần áo mặc cả ngày".
Nhờ có những người dám rời bỏ chính sách kinh tế ngu xuẩn một thời mới có Đổi Mới. Nhưng giờ những người kêu gọi tiếp tục đổi mới như ông Chu Hảo lại bị coi là "tự diễn biến" và "tự chuyển hoá". Hôm trước tôi vừa dẫn thống kê cho thấy giờ hộ chiếu của Cam Pu Chia và Lào đều đã có giá trị hơn hộ chiếu Việt Nam. Thành tựu này là nhờ công của những ông Nguyễn Túc này chứ đâu.
Một ý kiến khác được đăng là của Thiếu tướng Nguyễn Khắc Ngọ, nguyên Phó cục trưởng Cục Tuyên huấn, Tổng cục Chính trị. Ông này viết : "Lẽ ra với cương vị của mình, được Đảng, Nhà nước nuôi dưỡng, đào tạo bài bản, nắm giữ những trọng trách trong hệ thống chính trị, ông Chu Hảo phải ý thức rõ trách nhiệm, bổn phận với Đảng, với nước, với dân. Đằng này, ông lại lợi dụng vốn tri thức đã được Đảng giáo dục, rèn luyện để có những hành động chống lại Đảng, chống lại chế độ, đi ngược lại lợi ích của Đảng, của dân, thì không thể chấp nhận được.
"Tri thức là tài sản vô giá, nếu được sử dụng để phụng sự cho lý tưởng của Đảng, cho lợi ích của toàn dân đó là điều rất đáng trân trọng. Ngược lại, nếu nó bị chính những người mang danh trí thức lợi dụng để phục vụ cho ý đồ không trong sáng thì hậu quả sẽ rất tai hại".
Vậy là ông tướng này hiểu "tri thức là tài sản vô giá" nhưng chắc ông ăn phải bả gì đó nên mới bắt tri thức phải đi theo tôn giáo cộng sản. Chắc ông cũng đã đọc về sự khảng khái của Galileo trước Giáo hội từ Thế kỷ 17 mà sách giáo khoa Việt Nam từng dẫn lời ông nói "nhưng dù sao trái đất vẫn quay" cho dù Giáo hội kết án ông về điều mà họ cho là sai trái này. Người ta cũng từng trích Lenin nói hồi năm 1919 về trí thức rằng họ là "những kẻ tưởng mình là bộ não của quốc gia" nhưng [t]rên thực tế, bọn chúng không phải là bộ não mà là cứt". Tôi đã qua lăng Lenin hai lần mà quên không hỏi ý ông định nói ai.
Thú thực là mấy ngày qua theo dõi những tranh luận trên mạng về vụ kỷ luật ông Chu Hảo và vài vụ khác, tôi thấy nản quá. Đám đông bị "ngu dân" trong nhiều năm quả là đã "quá đông và nguy hiểm". Tôi biết mình có lỗi khi không nghe lời khuyên rằng "đừng cãi nhau với kẻ ngu vì người ngoài nhìn vào không biết ai ngu ai khôn". Tôi cũng biết vật nhau với lợn thì mình vấy bẩn còn "lợn khoái vì được vầy". Nhưng tôi tin là trong đám đông đấy cũng có nhiều kẻ giả ngu thủ lợi mà thôi. Họ chẳng lú tới mức đó đâu.
Sau sự kiện ông Chu Hảo đề nghị ‘kỷ luật’ vì tự diễn biến, tự chuyển hóa, nhiều người nhận định sẽ có một ‘trào lưu rời đảng hoặc từ bỏ đảng cộng sản Việt Nam’. Điều này đã xảy ra, nhưng trào lưu này lại mang tính rải rác và ngắn hạn. Trong khi đó, phía ‘giới tri thức’ khác (nguyên thành viên của IDS) lại đưa một thư ngỏ gửi Ủy ban Kiểm tra Trung ương Đảng Cộng Sản Việt Nam và Bộ Chính trị Đảng cộng sản Việt Nam ‘đòi rút lại kết luận về Phó Giáo sư - Tiến sĩ khoa học Chu Hảo. Kính’ (1).
Phó Giáo sư - Tiến sĩ khoa học Chu Hảo. Ảnh : getty images
Thư ngỏ này được đánh giá là mềm mỏng và có hơi hướng ‘cải lương’, bản thân Luật sư nhân quyền Hà Huy Sơn đánh giá lá thư này như truyện 108 Anh hùng lương sơn bạc bên Trung Quốc, khi mà ‘108 vị hảo hán bất bình với triều đình chỉ mong muốn được triều đình xem xét lại cho mình, trọng dụng mình, mong sớm có ngày được quy phục’.
Nhiều người đồng ý với quan điểm của vị luật sư này khi nhấn mạnh rằng, đây là một lá thư ngỏ để biểu hiện với Đảng cộng sản Việt Nam rằng, họ ôn hòa và không đối địch (hoặc nặng hơn là chống phá) đối với Đảng cộng sản Việt Nam.
Về phía người viết, nội dung thư ngỏ phản ánh một chút gì đó thương thảo, có ảnh hưởng bởi Phan Châu Trinh (người mà Nguyễn Ái Quốc từng phê phán rằng ‘Cụ Phan Châu Trinh chỉ yêu cầu người Pháp thực hiện cải lương, đó là sai lầm chẳng khác gì đến xin giặc rủ lòng thương’), cụ thể hơn, khi ‘ông Đề Thám bị bêu đầu giữa chợ, ông Phan Đình Phùng bị đào mả ném xuống sông, ông Hàm Nghi, Duy Tân, Thủ Khoa Huân bị đầy biệt xứ và nhiều không kể xiết sự đầu rơi máu chảy’ thì Phan Châu Trinh chủ trương bất bạo động, và trong lá thư gửi cho Chính phủ Pháp (Paul Beau) ông khẳng định rằng : Nếu Chính phủ sẵn lòng đổi hết chính sách đi, kén chọn người hiền tài, trao quyền bính cho, lấy lễ mà tiếp, lấy thành mà đãi, […] thế thì dân được yên nghiệp làm ăn, sĩ thì vui lòng giúp việc cho Chính phủ, chỉ sợ người Pháp bỏ nước Nam mà đi, còn ai toan mưu việc chống cự nữa ?
Nếu đọc kỹ lại, thì thư ngỏ cũng chỉ là một phiên bản thu nhỏ của ‘Đầu Pháp chính phủ thư’, bởi cả hai cũng chỉ mong muốn sự ‘cởi mở, khoan sức dân’ của đối tượng đang cai trị dân Việt mà thôi.
Và do đó, nếu đặt bức thư ngỏ vào hiện trạng ‘nước Nam bây giờ, dân khí thì yếu hèn, dân trí thì mờ tối, ví với các nước Châu Âu Châu Mỹ, cách xa không biết bao nhiêu dặm đường’ thì khó có thể phê phán mạnh mẽ nội dung bức thư ngỏ, ít nhất là phương diện nội lực. Vì vậy, trong sự ôn hòa và suy xét một cách kỹ lưỡng nhất, người viết tán đồng quan điểm, của Luật sư Hà Huy Sơn, đó là quan điểm của những người như vậy (nguyên là thành viên IDS) ‘quan trọng cho sự tiến bộ của xã hội Việt Nam nhưng ko phải là quyết định’.
Một phần nội dung trong thư ngỏ. Ảnh : cắt từ màn hình
Trở lại với phong trào rời đảng, dù mang tính rời rạc và ngắn hạn, nhưng phong trào này đã ghi những dấu ấn nhất định. Đảng cộng sản Việt Nam, Ủy ban kiểm tra Trung ương Đảng cộng sản Việt Nam buộc phải suy ngẫm vì sao một người từng hóa thân cụ Mết mà bảo rằng ‘cán bộ là Đảng, Đảng còn, núi nước này còn’, giờ đây lại phê phán đảng kịch liệt. Nhưng mặt khác, tính ngắn hạn cũng để lại nhiều suy ngẫm, tại sao việc ra vào đảng ở nước khác là bình thường, nhưng ở Việt Nam là quyết định ‘quan trọng’ và rằng, tại sao có quá ít người theo đuổi việc ra khỏi Đảng cộng sản Việt Nam lúc này, vốn bị đánh giá là ‘lạm quyền lực’ ?
Đó có phải là ‘trở lực suy nghĩ’ hay là bởi tư lợi gắn với đảng nó lớn hơn cả dân lợi khi rời đảng, hoặc nói cách khác, đảng đã thành công trong việc kết dính lực lượng đảng viên với quyền lợi của đảng một cách xuyên suốt, như một hệ ký sinh trùng ? Điều này đồng nghĩa rằng, cái xã hội của Việt Nam hiện tại, quyền lợi thiết thân với Đảng cộng sản Việt Nam nó không khác gì quyền lợi của nhóm tri thức và nhóm giới dân đối với Chính quyền thuộc địa cuối thế kỷ XIX – đầu XX. Và chính chất kết dính này đã tạo ra cái gọi là con người không còn sống thật với ý muốn của mình, như cách mà Facebooker Nguyễn Hiền Đức trong một phản hồi về sự kiện Chu Hảo đã đề cập, khi người này nhắc lại vở cải lương ‘Người ven đô’, trong đó Tám Khỏe do Út Trà Ôn thủ vai có nói ‘Tui Tám Khỏe tuyên bố ly khai với Việt Cộng’ trái với ý muốn mà nhân vật (bởi Tám Khỏe theo Việt cộng thật).
Suy cho cùng, thì nhân vật ‘Tám khỏe’ dù ly khai thật hay giả với Việt Cộng đi chăng nữa, thì nó vẫn là dấu ấn hơn là dấu mốc tạo ra sự kiện, tương tự cho việc từ bỏ đảng hiện nay. Và chính vì lý do này cho thấy rằng, việc ly khai ở đâu, với số lượng bao nhiêu người không quan trọng bằng việc họ đã thực sự ly khai. Còn những người với ly do riêng còn ở lại, thì cũng là cơ sở để đánh giá được rằng, tính hữu dụng của Đảng cộng sản Việt Nam vẫn còn, hoặc phương thức tranh đấu, cải tạo lại Đảng cộng sản Việt Nam ‘tốt như xưa’ vẫn còn tồn tại, và đây cũng là đặc trưng của một xã hội đa nguyên theo cách nói nào đó.
Và có lẽ vì lý do đó mà Facebooker Võ Văn Tạo trong một phản hồi trên trang cá nhân của mình đã bày tỏ : Việc ở lại, hay từ bỏ đảng, là tùy thuộc quan điểm, hoàn cảnh, tính cách, động cơ, quyền cá nhân của từng đảng viên.
Cần nhắc lại, nhà văn Nguyên Ngọc đã có tuyên bố ra khỏi đảng, trong bối cảnh ông Chu Hảo vẫn giữ quyền im lặng...
Ánh Liên
Nguồn : VNTB, 28/10/2018
******************
(1) Thư ngỏ gửi Ủy ban Kiểm tra Trung ương Đảng Cộng Sản Việt Nam và Bộ Chính trị Đảng cộng sản Việt Nam
Thư ngỏ
Gửi Bộ Chính trị và Ủy ban Kiểm tra Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam về vụ kỷ luật Giáo sư Chu Hảo
Kính gửi :
– Ủy ban Kiểm tra Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam
– Đồng kính gửi Bộ Chính trị Đảng Cộng sản Việt Nam
Qua báo chí ngày 25/10/2018, chúng tôi được biết Ủy ban Kiểm tra Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam mới có sự đánh giá về ông Chu Hảo – nguyên Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ, Giám đốc Nhà xuất bản Tri Thức, nguyên thành viên Viện Nghiên cứu Phát triển IDS – là "suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, "tự diễn biến", "tự chuyển hóa", "có những bài viết, phát ngôn có nội dung trái với Cương lĩnh chính trị, Điều lệ Đảng, nghị quyết, chỉ thị, quy định của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước" và "chịu trách nhiệm chính về việc Nhà xuất bản Tri thức xuất bản một số cuốn sách có nội dung trái với quan điểm, chủ trương, đường lối của Đảng, Nhà nước, vi phạm Luật Xuất bản, bị cơ quan chức năng xử lý, thu hồi và tiêu hủy". Ủy ban Kiểm tra Trung ương kết luận : "vi phạm khuyết điểm của ông Chu Hảo là rất nghiêm trọng, làm ảnh hưởng đến uy tín của tổ chức đảng, tác động xấu tới tư tưởng xã hội, đến mức phải xem xét thi hành kỷ luật".
Chúng tôi cho rằng sự quy kết như vậy của Ủy ban Kiểm tra Trung ương về ông Chu Hảo là không chính đáng, không đúng sự thật, thể hiện sự trấn áp thô bạo những nỗ lực rất đáng trân trọng của một trí thức hết lòng vì dân vì nước, chà đạp những ý kiến chân thật và xây dựng của ông về những vấn đề nóng bỏng của đất nước. Không chỉ riêng chúng tôi, mà hầu hết những ai đã từng được đọc những cuốn sách do Nhà xuất bản Tri Thức phát hành, từng đọc và nghe những ý kiến phát biểu của ông Chu Hảo về tình hình đất nước đều trân trọng những điều bổ ích mình thu nhận được, đều đánh giá cao sự phấn đấu không mệt mỏi của ông Chu Hảo noi gương bậc tiền bối Phan Châu Trinh xả thân cho sự nghiệp "khai dân trí, chấn dân khí" – một đòi hỏi vô cùng cấp thiết cho sự bảo vệ và phát triển đất nước ta lúc này.
Làm sao có thể sớm thực hiện được dân giàu nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh, mà lại bóp nghẹt những nỗ lực mở mang dân trí ? Chính vì lẽ này, chúng tôi yêu cầu Ủy ban Kiểm tra Trung ương rút lại kết luận sai trái về ông Chu Hảo.
Chúng tôi đồng thời kiến nghị với lãnh đạo Đảng và Nhà nước nên khuyến khích các nhà xuất bản trong nước làm những việc như Nhà xuất bản Tri Thức đang làm, động viên phong trào ham học, ham đọc sách trong cả nước, cùng nhau phát huy ý chí và trí tuệ sớm khắc phục được tình trạng tụt hậu hiện nay, đưa nước ta tiến nhanh theo con đường dân tộc và dân chủ.
Chúng tôi rất mong thư ngỏ này được nhân dân và trí thức cả nước hưởng ứng bằng mọi cách, cùng chung tay đẩy mạnh nỗ lực chung nâng cao dân trí của nước nhà.
Làm tại Hà Nội, ngày 27/10/2018
Nguyên thành viên của IDS kí tên :
– Trần Đức Nguyên, nguyên Trưởng Ban Nghiên cứu của Thủ tướng Chính phủ Phan Văn Khải
– Nguyễn Trung, nguyên trợ lý Thủ tướng Võ Văn Kiệt, nguyên Đại sứ Việt Nam ở Thái Lan
– Nguyễn Quang A, nguyên Viện trưởng IDS
– Phạm Chi Lan, nguyên Phó Viện trưởng IDS, nguyên Phó Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam
– Nguyên Ngọc, nhà văn
– Tương Lai, nguyên thành viên Tổ Tư vấn Võ Văn Kiệt, nguyên Viện trưởng Viện Xã hội học Việt Nam
– Lê Đăng Doanh, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế Trung ương, Thành viên Ủy ban Chính sách Phát triển của Liên Hiệp Quốc
– Vũ Kim Hạnh, nguyên Tổng Biên tập báo Tuổi trẻ
– Huỳnh Sơn Phước, nguyên Phó Tổng biên tập báo Tuổi trẻ
_____
Chúng tôi, những người đã ký tên, trân trọng đề nghị trí thức trong và ngoài nước và đông đảo nhân dân quan tâm đến sự nghiệp của đất nước cùng ghi tên tiếp vào Thư ngỏ này : Cette adresse e-mail est protégée contre les robots spammeurs. Vous devez activer le JavaScript pour la visualiser.
*******************
Thư ngỏ
Nguyễn Trung, 27/10/2018
Kính gửi bạn bè gần xa,
Tôi là Nguyễn Trung, nguyên trợ lý của cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt, xin thưa với bạn bè gần xa như sau :
Một thời gian sau khi có bức thư ngày 09/08/1995 của cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt gửi Bộ Chính trị Ban chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam, nhất là sau khi các anh Lê Hồng Hà (nguyên Chánh Văn phòng Bộ Công an), anh Hà Sỹ Phu (tức Nguyễn Xuân Tụ) và anh Nguyễn Kiên Giang bị bắt và bỏ tù về tội "làm lộ bí mật nhà nước" – lí do thật là 3 anh đã đọc và giữ bản sao bức thư 09/08/1995 của cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt, do một ai đó trong những người ở cương vị được nhận thư chuyển cho đọc, – tôi hiểu ra những hệ lụy của bức thư và những khó khăn gây ra cho cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt. Ngay lâp tức tôi trình bầy bằng thư và nói miệng với Thủ tướng quyết định cá nhân của tôi : Vì không thể chấp nhận cách bức thư 09/08/1995 bị đối xử như vậy, tôi quyết định từ chức trợ lý Thủ tướng, và xin nghỉ hưu ngay tức khắc.
Trao xong thư từ chức và quyết định cá nhân về nghỉ hưu, từ hôm sau trở đi tôi không đến nhiệm sở cơ quan nữa.
Sau đó tôi được mời với tư cách chuyên gia tham gia Tổ Nghiên cứu Kinh tế đối ngoại của Văn phòng Chính phủ (gọi tắt là Tổ Kinh tế đối ngoại, do Bộ trưởng Đậu Ngọc Xuân làm tổ trưởng, làm nhiệm vụ nghiên cứu những vấn đề kinh tế đối ngoại). Sau một thời gian, tổ Nghiên cứu Kinh tế đối ngoại giải thể theo quyết định của Văn phòng Chính phủ. Ngày 21/11/2006 đảng ủy Văn phòng Chính phủ làm hồ sơ chuyển đảng tịch của tôi về đảng ủy Quận Ba Đình – nơi tôi cư trú ; nhân dịp này tôi đã xin nghỉ sinh hoạt đảng với lý do đưa ra là tuổi tác, lý do không nói ra : Tôi muốn làm người tự do. Từ đó tôi không còn là đảng viên Đảng Cộng sản Việt Nam, và không tham gia sinh hoạt đảng.
Cả hai câu chuyện xin thưa trên đây đều là chuyện riêng tư cá nhân của tôi, và cho đến nay tôi lặng lẽ sống như vậy.
Thế nhưng mấy ngày qua, Ban Kiểm tra Trung ương của Đảng Cộng sản Việt Nam có kết luận quyết định kỷ luật Phó Giáo sư Tiến sĩ Chu Hảo, nguyên thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ, phụ trách nhà xuất bản Tri Thức. Án kỉ luật đưa ra nhiều lý do, nhưng theo tôi mục đích thật là nhằm trấn áp thô bạo những nỗ lực rất đáng trân trọng của một trí thức hết lòng vì dân vì nước, chà đạp những ý kiến chân thật và xây dựng của Phó Giáo sư Tiến sĩ Chu Hảo về những vấn đề nóng bỏng của đất nước, đồng thời qua việc ra tay này muốn răn đe và bóp nghẹt những nỗ lực của giới trí thức cả nước – những người ngày đêm mong mỏi góp phần mở mang dân trí nước nhà cho sự nghiệp xây dựng dân giầu nước mạnh, xã hội công bằng dân chủ và văn minh.
Tình thế nói trên buộc tôi viết thư ngỏ này nói ra 2 chuyện riêng tư cá nhân mà ngay từ đầu tôi đã có ý thức xếp lại một bên. Hôm nay sở dĩ phải thưa thốt như thế, cốt chỉ để biểu thị sự đoàn kết của tôi với Phó Giáo sư Tiến sĩ Chu Hảo, và đồng thời bầy tỏ sự bất bình với kết luận sai trái của Ban Kiểm tra Trung ương.
Đất nước ta đang đứng trước thách thức cực kỳ hiểm nghèo chưa từng có sau 43 năm độc lập thống nhất, song cơ hội cũng vô cùng to lớn, do bối cảnh khu vực và quốc tế hiện nay tạo ra. Tôi đã nhiều lần viết ra trên công luận chia sẻ suy nghĩ của mình về nội dung này với cả nước, kể cả với Đảng Cộng sản Việt Nam – người có trách nhiệm ràng buộc pháp lý và đạo lý không thể thoái thác về hưng vong và thịnh suy của đất nước. Bài mới đây nhất là "Đại hội XIII…" [1].
Tôi tự hỏi, trước tình hình và nhiệm vụ của đất nước như nêu trên, chẳng lẽ không có việc nào đáng làm hơn là từng ly từng tí chăm lo vun đắp sự quần tụ của dân tộc như chăm lo cho con ngươi của mình, khơi dậy ý chí và trí tuệ cả nước, tất cả với nỗ lực hợp quần cao nhất, quyết giành bằng được một vị thế đáng sống cho quốc gia trong thế giới hỗn loạn hôm nay hay sao - nhất là lúc này khu vực Biển Đông đang cận kề miệng hố chiến tranh! - mà lại đi làm những việc chia rẽ dân tộc, phân tán nỗ lực đất nước như kết luận quyết định kỷ luật Phó Giáo sư Tiến sĩ Chu Hảo hay sao ? Ban Kiểm tra Trung ươngchẳng lẽ vô cảm hết mức, hay không thấy gì trước những thách thức sống còn đối với vận mệnh đất nước, mà lại đưa ra một quyết định kỉ luật như vậy hay sao ?
Tôi mong cả nước cùng nhau suy nghĩ và tìm câu trả lời, để nhân dân cả nước chúng ta nhất trí hành động. Nhất là mong Đảng Cộng sản Việt Nam với trách nhiệm ràng buộc không thể thoái thác của mình đối với đất nước cũng cùng suy nghĩ như vậy, để cùng với nhân dân cả nước nhất trí hành động !
Nguyễn Trung
Viết tại Hà Nội – Võng Thị, ngày 27/10/2018
[1] https://thongluan-rdp.org/di-n-dan/item/9545-d-i-h-i-xiii
Có lẽ, trong hàng ngũ cán bộ cao cấp của hệ thống chính trị cộng sản mà tôi đã gặp, Giáo sư Chu Hảo để cho tôi nhiều ấn tượng nhất.
Giáo sư Chu Hảo trong một buổi xuống đường kêu gọi trả tự do cho Anh Ba Sàm Nguyễn Hữu Vinh
Ấn tượng đầu tiên, là dưới mái tóc bạc trắng phau của ông, luôn thường trực một nụ cười thân thiện và dễ mến. Và sau đó, khi nói chuyện, là một tấm lòng luôn đau đáu với vận mệnh đất nước, với những tiến bộ xã hội, với những đau khổ của người dân Việt Nam dưới sự cai trị của đảng cộng sản.
Dù khi đó, ông vẫn là một đảng viên cộng sản.
Tôi gặp Giáo sư Chu Hảo khá nhiều lần. Mỗi lần gặp, câu chuyện ông trao đổi vẫn là câu chuyện về hiện tình đất nước, một thao thức với tấm lòng nhiệt huyết và trăn trở với thực tại xã hội, nhất là những khi nói về những việc cần làm để cho xã hội có nhiều tiến bộ, cải thiện tình hình đất nước trước nguy cơ nô lệ, trước những vấn nạn khó giải thoát dưới ách cộng sản, với những người đang phải tù tội vì dám cất tiếng nói của mình cho sự thật, công lý, hòa bình... ông như trẻ hơn nhiều so với tuổi tác và mái tóc bạc phơ của ông.
Trong hàng ngũ cán bộ cao cấp của hệ thống chính trị cộng sản mà tôi đã gặp, Giáo sư Chu Hảo để cho tôi nhiều ấn tượng nhất. Ảnh JB Nguyễn Hữu Vinh
Nói về những cống hiến cho đất nước của ông, có lẽ nhiều người đã nói. Kể từ khi tham gia xây dựng Viện Vật lý Việt Nam, tiền thân của Viện Khoa học Việt Nam, rồi Thứ trưởng Bộ Khoa học Công nghệ cho đến khi ông về hưu làm Giám đốc nhà xuất bản Tri thức, những đóng góp của ông trong lĩnh vực khoa học kỹ thuật rất lớn lao cho nước nhà.
Trong đó, có cả việc ông là một trong những người đã góp phần quan trọng cho việc đưa Internet vào Việt Nam, một lối mở tri thức cho người dân Việt Nam thoát khỏi bức màn sắt thông tin một chiều của Cộng sản – một nỗi sợ hãi của nhà cầm quyền độc tài, nhưng là một lối đi lên văn minh, tiến bộ theo hướng đi của nhân loại.
Trong các câu chuyện hoặc các cuộc trao đổi, ông luôn điềm tĩnh và khách quan, biết kiềm chế trong lời nói, cũng như sự thuyết phục của ông đối với người khác khá lớn bởi tri thức, bởi những kinh nghiệm sống và sự chính xác của một nhà khoa học.
Thế nhưng, điều cần nói, điều nổi bật ở ông, là ngay cả khi đã có thể "kê cao gối mà ngủ" sau khi đã về hưu, lẽ ra, ông chỉ cần im lặng, chỉ cần ngậm miệng nếu không muốn rầy rà, được yên ổn, được xưng tụng và nhiều thứ khác nhau được ban từ đảng, thì ông lại không như muôn ngàn quan chức cộng sản khác. Trái lại, ông vẫn muốn cống hiến những gì có thể cho đất nước, xã hội được tốt đẹp hơn bằng sự hiểu biết, bằng sự ôn hòa và đoàn kết, bằng cách cung cấp tri thức cho người dân được "thông não’.
Từ rất lâu, tôi đã có một nhận định rằng: Đừng hy vọng gì ở các quan chức cộng sản có những người tốt. Bởi trong một cỗ máy rệu rã, tàn tạ và mục nát này, thì một chiếc đinh ốc tốt, tự nó cũng sẽ phải văng ra ngoài vì không thể tồn tại trong cỗ máy đó, nếu nó vẫn giữ nguyên tính chất của nó.
Khi gặp Giáo sư Chu Hảo, đã có lúc tôi nghĩ rằng, với một người mang thẻ đảng như ông, thì khó có thể kết luận rằng đã quan chức cộng sản thì đều đểu giả, bẩn thỉu và thiếu liêm sỉ.
Thế nhưng, đến hôm nay, thì những suy nghĩ hiếm hoi đó của tôi đã bị đánh đổ hoàn toàn khi ông vừa bị đảng hăm he kỷ luật vì "tự diễn biến".
Thế là đã rõ, cỗ máy cộng sản độc tài không thể dung dưỡng một người có nhân cách và liêm sỉ như Giáo sư Chu Hảo, con ốc vít kia đã phải văng ra khỏi bộ máy chính trị đầy bất nhân và bạo tàn.
Việc đảng cộng sản kỷ luật một người có nhân cách, có tri thức và nhất là có một tấm lòng với quê hương, đất nước, biết đau nỗi đau của dân tộc trước họa nô lệ, biết lo lắng tìm cách để dân tộc thoát sự tăm tối của nạn thiếu tri thức, biết tìm cách để đưa đất nước ra khỏi bất công, bần hàn và quyền con người được tôn trọng, được đông đảo người dân yêu mến như Giáo sư Chu Hảo đã nói lên một điều : Rõ ràng, hệ thống độc tài man rợ này không thể chấp nhận những con người tốt, những con người có nhân cách và liêm sỉ. Nó chỉ dung dưỡng những tên rước voi về dày mả tổ, những tên cướp cạn bằng chính sách, bằng cái miệng với công cụ của "nhà nước chuyên chính vô sản" nhằm vinh thân, phì gia cho đám quan chức trong đó. Nó cũng không khác mấy với đám băng đảng lục lâm thảo khấu trong các câu chuyện cổ tích năm xưa.
Chính việc nhà cầm quyền cộng sản Việt Nam cho rằng : "Giáo sư Chu Hảo đã tự diễn biến", "trái với đường lối, chủ trương của đảng" đã thú nhận một điều mà xưa nay nhiều người dù đã thấy, đã nghe nhưng chưa hẳn đã được chứng minh cụ thể như trường hợp này: Đó là cái đường lối, chủ trương của đảng là những thứ gì mà nó đối nghịch với quyền con người, với sự tiến bộ của xã hội cũng như việc đưa đất nước thoát vòng nô lệ ?
Cái gọi là "chống tự diễn biến", tai ác thay lại chính đảng cộng sản đang tự vả vào mồm mình khi tuyên thệ "lấy Chủ nghĩa Mác – Lenin làm kim chỉ nam, làm nền móng tư tưởng cho xã hội Việt Nam". Bởi chính Chủ nghĩa Mác – Lenin đã cho rằng : Con người, sự vật luôn luôn vận động, đứng im có nghĩa là chết, là không thể tồn tại và nó luôn vận động theo hình xoáy trôn ốc, nghĩa là mức độ lặp lại ở giai đoạn sau cao hơn giai đoạn trước. Bởi khi "lượng" đổi, dẫn đến "chất" đổi, đó là một quy luật.
Thế cho nên, khi đảng đã cố gắng chống lại quy luật, thì điều tất yếu là đảng sẽ bị quy luật nghiền nát – Điều này cũng chính Chủ nghĩa Mác – Lenin khẳng định.
Đó cũng chính là hành động tự cởi truồng của đảng trước quốc dân đồng bào, trước bàn dân thiên hạ.
Và hậu quả đã ngay lập tức hiển hiện trước mặt đảng. Hàng loạt các đảng viên đua nhau bỏ đảng không thương tiếc. Họ là nhà khoa học, nhà giáo, nhà văn, là sĩ quan quân đội, là đảng viên trong nhiều lĩnh vực khác nhau.
Họ đã vứt bỏ không thương tiếc một cách công khai, khi việc Kỷ luật một con người như Giáo sư Chu Hảo là một minh chứng cụ thể nhất rằng : Cái đảng này đã thật sự phản bội lại dân tộc, đất nước và nhân dân này. Cái đảng này cũng đang chống lại các nguyên tắc, quy luật mà chính nó tuyên truyền, rao giảng bấy lâu nay để thực hiện bằng được việc cướp bóc, trấn lột người dân. Thực chất, nó là một băng đảng của bóng tối và ma quỷ.
Vậy thì không có lý do gì, để những người có lương tri, có nhân cách lại có thể đứng chung hàng ngũ với những kẻ tham nhũng, cướp bóc, dối trá và chỉ bao gồm những thành phần cơ hội, cặn bã trong xã hội vô luân, vô pháp mang danh xã hội chủ nghĩa.
Nhìn hiện tượng bỏ đảng rầm rộ những ngày qua, sự hân hoan của cộng đồng mạng trước việc các đảng viên "quay đầy về với nhân dân", người ta mới thấy rõ một điều: Lòng dân đã như sóng cuộn tràn bờ.
Và cơ ngơi, số phận của đảng cộng sản đang dần đến ngày được định đoạt từ chính người dân Việt Nam.
Ngày 27/10/2018
J.B Nguyễn Hữu Vinh
Nguồn : RFA, 27/10/2018 (nguyenhuuvinh's blog)
Trí thức, đảng viên kỳ cựu từ bỏ đảng sau khi Giáo sư Chu Hảo bị kỷ luật (RFA, 26/10/2018)
Hai trí thức nhiều năm tuổi đảng vừa tuyên bố từ bỏ Đảng cộng sản ngay sau khi Ủy ban Kiểm tra Trung ương đề nghị kỷ luật Giáo sư Chu Hảo, nguyên thứ trưởng Bộ Khoa học Công nghệ và Môi trường.
Phó Giáo sư, Tiến sĩ Mạc Văn Trang Courtesy FB Trang Mac Văn
Một trí thức Việt Nam tại Hà Nội, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Mạc Văn Trang, vào sáng ngày 26/10 tuyên bố ra khỏi Đảng cộng sản Việt Nam sau khi Ủy ban kiểm tra trung ương đảng hôm 25/10 xem xét kỷ luật Giáo Sư Chu Hảo, Giám đốc- Tổng biên tập Nhà xuất bản Tri Thức và nguyên thứ trưởng Bộ Khoa học, Công nghệ và Môi trường.
Phó Giáo sư Tiến sĩ Mạc Văn Trang là người từng có hơn 30 năm công tác ở Viện Khoa học Giáo dục trước khi về hưu vào năm 2002 và đã có hơn 54 năm tuổi đảng.
Nói với Đài Á Châu Tự Do qua điện thoại vào ngày 26/10, Tiến sĩ Mạc Văn Trang cho biết nguyên nhân cụ thể của quyết định bỏ đảng như sau :
"Thực ra từ năm 2000, tôi đã thấy lý tưởng lúc vào đảng là đấu tranh cho đất nước được độc lập- tự do, người dân hạnh phúc ; thế nhưng đến năm 2000 thì đảng đi ngược lại lý tưởng đó. Giặc chiếm đảo, biên giới thì không lên tiếng mà nhượng bộ giặc cụ thể là Trung Quốc. Đối với dân thì đàn áp những người đấu tranh đòi quyền sống, đàn áp những người dân phản đối Trung Quốc xâm lược, phản đối môi trường bị ô nhiễm … Các trí thức nhiệt tình góp ý kiến, trong đó có tôi, thì không nghe. Nhiều người lên tiếng phản đối thì thậm chí còn bị bắt đi tù".
Giáo sư Chu Hảo bị Ủy ban Kiểm tra trung ương đảng đề nghị kỷ luật với lý do là ông đã suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, tự diễn biến, tự chuyển hóa.
Kết luận của Ủy ban cho rằng nhà xuất bản Tri Thức của Giáo sư Chu Hảo đã xuất bản những cuốn sách trái với chủ trương, đường lới của đảng và nhà nước, vi phạm luật xuất bản.
Trong cuộc phỏng vấn với Đài Á Châu Tự Do, Phó Giáo sư Tiến sĩ Mạc Văn Trang nhắc lại mong mỏi của những người góp ý với đảng là cần phải thay đổi xã hội ; không thể cứ tiếp tục đường lối học thuyết cộng sản, độc đảng- toàn trị. Phải thay đổi theo hướng đa đảng có cạnh tranh, tam quyền phân lập, xã hội dân sự để cho nhân dân được lên tiếng ; thay đổi đường lối- chủ trương sai lầm để quản lý đất nước, kiểm soát quyền lực.
Phó giáo sư Mạc Văn Trang cho biết còn nhiều đảng viên khác cũng có cùng trăn trở với ông là nên ở lại hay ra khỏi đảng. Dù ở lại hay ra khỏi đảng đều cũng vì lo cho dân, cho dân.
Hành động ra khỏi đảng của ông hiện nay được nói nhằm để hỗ trợ cho Giáo sư Chu Hảo để vị này không thấy bị đơn độc trong công cuộc đấu tranh cho sự phát triển đất nước.
Ngay sau quyết định của Tiến sĩ Mạc Văn Trang, nhà văn Nguyên Ngọc, một trí thức nổi tiếng khác ở Việt Nam, vào cùng ngày cũng tuyên bố ra khỏi đảng.
"Tôi đã suy nghĩ và định làm việc này từ lâu, nhưng muốn làm một cách bình thường, không gây ồn ào. Nay sau việc Ủy ban Kiểm tra Trung ương Đảng kỷ luật Phó Giáo sư Tiến sĩ Chu Hảo, tôi quyết định ra tuyên bố này, chính thức từ bỏ Đảng Cộng sản Việt Nam kể từ hôm nay", nhà văn Nguyên Ngọc viết như vậy trên trang facebook cá nhân.
Đánh giá về việc kỷ luật Giáo sư Chu Hảo, nhà văn Nguyên Ngọc viết : "Kỷ luật ông Chu Hảo thực chất là một hành động thực hiện chính sách ngu dân, kìm hãm nhân dân trong vòng tăm tối, để dễ lừa dối và đàn áp, vì quyền lợi ích kỷ của một đảng độc tài".
Nhà văn Nguyên Ngọc cho biết ông đã vào đảng từ năm 1956, đến nay là được 62 năm. Ông viết rằng ông vào đảng vì hăng hái tham gia sự nghiệp giải phóng dân tộc. Thế nhưng "từ nhiều năm qua, tôi nhận thấy Đảng ngày càng xa rời lý tưởng ban đầu của mình, tự diễn biến thành một tổ chức chuyên quyền, phản dân hại nước", nhà văn Nguyên Ngọc viết.
Trước đó, ngay vào ngày 25/10, sau khi có tin Giáo sư Chu Hảo bị kỷ luật, một trí thức khác là Tiến sĩ Hoàng Dũng nói với đài Á Châu Tự Do rằng việc kỷ luật Giáo sư Chu Hảo là một tuyên chiến đối với giới trí thức Việt Nam. Ông cũng cho biết, đã có một số trí thức lên tiếng phản đối với ông ngay sau quyết định này.
*****************
Việt Nam : Nhà văn Nguyên Ngọc từ bỏ Đảng cộng sản (RFI, 26/10/2018)
Hôm 26/10/2018 nhà văn Nguyên Ngọc đã tuyên bố chính thức ra khỏi Đảng cộng sản Việt Nam, sau 62 năm tham gia. Thông tin này đã được nhóm Lão Mà Chưa An công bố trên mạng xã hội.
Nhà văn Nguyên Ngọc và Tiến sĩ Chu Hảo (thứ 5 và 6 từ trái sang) trong lễ phát giải văn hóa Phan Châu Trinh ở Saigon ngày 24/03/2018. RFI/Capdevielle
Trong tuyên bố, nhà văn Nguyên Ngọc cho biết đã định ra khỏi đảng từ lâu, nhưng không có ý định gây ồn ào. Nay sau việc Ủy ban Kiểm tra Trung ương Đảng kỷ luật Phó giáo sư Tiến sĩ Chu Hảo, ông muốn tỏ rõ thái độ đối với thông báo của Đảng.
Theo ông, Phó Giáo sư Tiến sĩ Chu Hảo là một trí thức lớn, có công lớn với đất nước và dân tộc, đặc biệt trong công cuộc khai hóa bằng Tủ sách Tinh Hoa của Nhà xuất bản Tri Thức mà ông là Giám đốc. Kỷ luật ông Chu Hảo thực chất là một hành động thực hiện chính sách ngu dân, đánh vào những người trí thức yêu nước.
Nhà văn Nguyên Ngọc cho biết, ông vào Đảng Lao Động Việt Nam (nay là Đảng Cộng sản Việt Nam) từ năm 1956. Thế hệ ông tự nguyện gia nhập Đảng vì yêu nước, hăng hái tham gia sự nghiệp giải phóng dân tộc. Ông đã có mặt suốt cả hai cuộc kháng chiến, đều ở chiến trường miền Nam.
Nhưng từ nhiều năm qua, ông nhận thấy Đảng ngày càng xa rời lý tưởng ban đầu của mình, "tự diễn biến" thành một tổ chức "chuyên quyền", "phản dân hại nước", và ông không thể còn đứng trong một tổ chức như vậy.
Thụy My
*********************
Kỷ luật Giáo sư Chu Hảo là tuyên chiến chống giới trí thức Việt Nam (RFA, 25/10/2018)
Việc kỷ luật Giáo sư Chu Hảo là một thông điệp nhắm vào giới trí thức Việt Nam của Đảng Cộng sản.
Giáo sư Chủ Hảo Giám đốc Nhà xuất bản Tri thức - Photo : RFA
Giáo sư Hoàng Dũng, Đại học sư phạm Thành phố Hồ Chí Minh nói như vậy với đài RFA, tối ngày 25/10/2018.
Giáo sư Chu Hảo, Giám đốc – Tổng Biên tập Nhà xuất bản Tri thức, từng giữ chức vụ Thứ trưởng Bộ Khoa học công nghệ và Môi trường, đảng viên Đảng Cộng sản, vừa bị Ủy Ban Kiểm Tra Trung ương đề nghị kỷ luật với lý do đưa ra là ông đã suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, tự diễn biến, tự chuyển hóa.
Đây là kết luận tại kỳ họp thứ 30 từ ngày 17-19/10 mà Ủy ban Kiểm tra Trung ương vừa công bố trong ngày 25/10.
Theo Đảng Cộng sản Việt Nam, Nhà xuất bản Tri thức do Giáo sư Chu Hảo làm Giám đốc đã xuất bản những cuốn sách trái với chủ trương, đường lối Đảng và Nhà nước, đồng thời vi phạm Luật xuất bản nên đã bị cơ quan chức năng thu hồi và tiêu hủy.
Những điều đó bị Ban Kiểm Tra Trung Ương cho là rất nghiêm trọng, làm ảnh hưởng đến uy tín của tổ chức đảng, tác động xấu tới tư tưởng xã hội, đến mức phải xem xét, thi hành kỷ luật.
Trong tối ngày 25/10, Tiến sĩ Nguyễn Quang A, một người làm việc lâu năm với ông Chu Hảo nói rằng ông không ngạc nhiên về bản án của Đảng Cộng sản dành cho ông Chu Hảo, nhưng ngạc nhiên vì một bộ phận quyền lực trong đảng lại tha hóa đến mức dám kỷ luật một người, đã bỏ nhiều công sức cho việc chấn hưng dân trí Việt Nam, mà theo ông Nguyễn Quang A, chưa ai làm được trong hàng chục năm qua, theo tôn chỉ của Cụ Phan Chu Trinh đề ra từ đầu thế kỷ.
Tiến sĩ Hoàng Dũng, nhận xét rằng trong thông cáo của Ủy ban kiểm tra trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam ra ngày 25/10, tất cả các cán bộ cao cấp bị kỷ luật vì liên quan đến đất đai tiền bạc, trừ ông Chu Hảo, bị kết tội về tư tưởng.
Tiến sĩ Hoàng Dũng còn nhận xét về tội danh chuyển hóa mà Đảng Cộng sản gán cho ông Chu Hảo, ông nói rằng rằng chuyển hóa là điều tất yếu, là điều cần phải có để tiến bộ.
Theo Tiến sĩ Nguyễn Quang A, việc kỷ luật ông Chu Hảo chứng tỏ hệ thống chính trị đang cai trị ở Việt Nam đã hư hỏng đến mức không còn sửa chữa được, và những người ở trong đảng cộng sản hãy còn thái độ chần chừ sẽ quyết định từ bỏ đảng.
Tiến sĩ Hoàng Dũng khẳng định rằng ngay trong tối ngày 25/10 đã có một số trí thức đảng viên bày tỏ ý định ra khỏi đảng của họ với ông. Ông Hoàng Dũng nói rằng Đảng Cộng sản không sợ những người trí thức đơn lẻ, nhưng sợ rằng họ tập hợp lại với nhau.
Có hai quyển sách do nhà xuất bản Tri thức xuất bản đã không qua được kéo kiểm duyệt của đảng, đó là quyền Petrus Ký nỗi oan thế kỷ của học giản Nguyễn Đình Đầu, đã bị thu hồi sau khi xuất bản.
Quyển thứ hai bị đình chỉ ngay khâu xuất bản là Tranh luận để đồng thuận, vào năm 2005. Theo Tiến sĩ Nguyễn Quang A, quyển sách này có thể là một dấu mốc mà những nhà lãnh đạo cao cấp của Đảng Cộng sản không hài lòng về Giáo sư Chu Hảo.
Tuy vậy Tiến sĩ Nguyễn Quang A cho rằng những quyển sách chỉ là cái cớ để người ta loại trừ Giáo sư Chu Hảo. Tiến sĩ Hoàng Dũng cho rằng việc kiểm duyệt những quyển sách do Nhà xuất bản Tri Thức ấn hành là do một bộ phận cán bộ kiểm duyệt muốn lập công với đảng, và điều này lại phù hợp với mục đích của những người lãnh đạo cao cấp nhất hiện nay.
Cả hai người, Tiến sĩ Nguyễn Quang A, và Tiến sĩ Hoàng Dũng đều cho rằng việc Đảng Cộng sản kỷ luật Giáo sư Chu Hảo có thể đưa đến kết quả ngoài dự kiến của đảng, là giới trí thức sẽ phản ứng theo chiều hướng đồng quan điểm với Giáo sư Chu Hảo.
Kính Hòa
Ngày 25/10, báo chí trong nước cho hay Giáo sư Chu Hảo – Giám đốc và là Tổng biên tập Nhà xuất bản Tri thức – bị Ủy ban Kiểm tra Trung ương đề nghị kỷ luật trong kỳ họp thứ 30 vừa qua [1].
Đề nghị kỷ luật của Ủy ban Kiểm tra trung ương đối với Giáo sư Chu Hảo cho thấy cơ quan này đã e ngại trước sức mạnh của tư tưởng
Nguyên nhân là ông phải chịu trách nhiệm chính về việc Nhà xuất bản Tri thức đã xuất bản một số cuốn sách "có nội dung trái với quan điểm, chủ trương, đường lối của Đảng, Nhà nước, vi phạm Luật Xuất bản" [2].
Theo Ủy ban Kiểm tra trung ương, Giáo sư Chu Hảo đã "suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, 'tự diễn biến', 'tự chuyển hóa'", và vi phạm, khuyết điểm của ông là 'rất nghiêm trọng'" [3].
Không rõ các cuốn sách có nội dung như trên là các cuốn sách gì. Chỉ biết rằng chúng đã hoặc sẽ "bị cơ quan chức năng xử lý, thu hồi và tiêu hủy" [4], và người đọc Việt Nam giờ đây sẽ không còn, hoặc khó có cơ hội đọc chúng.
Theo một nguồn tin lề trái, các cuốn sách đó bao gồm 'Đường về nô lệ', 'Bàn về tự do', 'Chủ nghĩa tự do truyền thống', 'Hòa bình tình yêu và tự do', 'Khảo lược Adam Smith', 'Bốn tiểu luận về tự do', 'Chính thể đại diện', v.v.[5]
Tôi không chắc về tính chính xác của nguồn tin trên, song nếu nguồn tin đó đúng thì không có gì đáng ngạc nhiên. Điều đáng ngạc nhiên, nếu có, là các cuốn sách đó đã được xuất bản tại Việt Nam một cách không đến nỗi (quá) khó khăn.
Các cuốn sách đó đều là các tác phẩm về các tư tưởng tiến bộ của phương Tây, mà cụ thể hơn là về các giá trị nền tảng như tự do và dân chủ, vốn là ngọn nguồn của các thể chế chính trị hiện đại mà ngày nay chúng ta chứng kiến.
Đề nghị kỷ luật của Ủy ban Kiểm tra trung ương đối với Giáo sư Chu Hảo cho thấy cơ quan này đã e ngại trước sức mạnh của tư tưởng, và nhận ra rằng đây là mối đe dọa tiềm tàng đối với thể chế chính trị Việt Nam vốn không thân thiện với các giá trị tự do và dân chủ.
Tư tưởng, và nhất là tư tưởng tiến bộ, thực sự có sức mạnh. Thử lấy ví dụ về 'Bàn về tự do' của triết gia người Anh John Stuart Mill thế kỷ 19. Tác phẩm triết học này ra đời tại Anh vào năm 1859. Chưa đầy 10 năm sau, năm 1868, tác phẩm đã được dịch và phát hành tại Nhật Bản với số lượng lên tới 2 triệu bản, trong khi dân số Nhật Bản khi ấy là 36 triệu người. Khái niệm tự do mà tác phẩm nêu ra đối với người dân Nhật Bản hồi đó hết sức lạ lẫm, thế nhưng tác phẩm vẫn được đón nhận rộng rãi và trở thành một trong các cuốn sách gối đầu giường của nhiều người dân Nhật Bản lúc bấy giờ. Cùng với vô số tác phẩm khác, 'Bàn về tự do' đã góp phần đưa nước Nhật tiến đến văn minh khai hóa và trở thành đất nước dân chủ, tự do và cường thịnh như ngày nay.
Cũng tác phẩm này tại Việt Nam được dịch và phát hành lần đầu vào năm 2004, với số lượng 1000 bản, tức chậm hơn Nhật gần một thế kỷ rưỡi và số lượng thì ít hơn 2000 lần. Theo nhiều cách, người dân Việt Nam đã không đón tác phẩm này một cách rộng rãi như người dân Nhật Bản đã làm trước đó gần 150 năm. Các tác phẩm tương tự có chung tình trạng với số lượng phát hành trên dưới 1000. Hệ quả tất yếu là ít người Việt Nam biết đến các tư tưởng tiến bộ, và còn ít hơn nữa người Việt Nam hiểu rõ các tư tưởng đó. Sự chậm tiến trong tư tưởng của người Việt Nam về các giá trị nền tảng hẳn là một phần nguyên nhân của sự chậm tiến trong tiến trình dân chủ.
Hai ví dụ tương phản trên đây nhằm cho thấy sức mạnh của tư tưởng. Một cá nhân tiến bộ về tư tưởng sẽ đạt được tiến bộ về nhiều phương diện khác của đời sống, và ngược lại. Và điều này cũng đúng đối với một tập thể và xa hơn là một quốc gia.
Bởi thế, nhận thức đúng về sức mạnh của tư tưởng và từ đó học hỏi các tư tưởng tiến bộ là điều mà mỗi cá nhân, mỗi tập thể hay mỗi quốc gia cần làm, nếu muốn đạt được tiến bộ về nhiều phương diện khác.
Trở lại sự kiện Giáo sư Chu Hảo, Nhà xuất bản Tri Thức với các tác phẩm về các tư tưởng tiến bộ đã góp phần thắp sáng trí óc của một bộ phận dân chúng Việt Nam, và các trí óc khi được thắp sáng thì mang sức mạnh. Hi vọng rằng, dù phía trước thêm phần khó khăn, song Nhà xuất bản Tri thức sẽ tiếp tục thực hiện sứ mệnh thắp sáng của mình, để dân tộc này có thêm sức mạnh.
Nguyễn Trang Nhung
Nguồn : RFA, 25/10/2018 (NguyenTrangNhung's blog)
Chú thích :
[1][2][3][4] Giáo sư Chu Hảo bị đề nghị kỷ luật
http://vietnamfinance.vn/giao-su-chu-hao-bi-de-nghi-ky-luat-201805042242...
[5] https://www.facebook.com/chinh.duongquoc.56/posts/1231931950293099
Chỉ vài ngày sau lễ đăng quang của ông Nguyễn Phú Trọng là bản án cho một trí thức nổi tiếng Việt Nam : Giáo sư Tiến sĩ Khoa học Chu Hảo, nguyên Thứ trưởng Bộ Khoa học Công nghệ và Môi trường, được Ủy Ban Kiểm tra Trung ương đưa ra với những cụm từ quen thuộc mà ông Trọng từng lặp đi lặp lại trong những lần có dịp phát biểu trước cử tri hay trước các Đại hội do Đảng tổ chức.
Giáo sư Chu Hảo cầm cuốn sách "Dân chủ và Giáo dục".
Có lẽ đây là hồ sơ đầu tiên được ông Trọng ký duyệt bắt đầu cho giai đoạn mới cầm quyền của ông. Trong vai trò Chủ tịch nước kiêm Tổng bí thư Đảng cộng sản Việt Nam, chữ ký của ông đã khắc họa lên bề mặt của lịch sử Đảng thêm một chương mới, phơi bày câu chuyện một đảng viên cao cấp đã âm thầm chống đảng trong bao năm qua bằng trí tuệ khi mang sự thật đến cho quần chúng hiểu rõ hơn về những gì họ đang bị bao vây, thúc ép, lừa lọc hay nhồi sọ một cách bền bỉ trong gần một thế kỷ qua.
Giáo sư Chu Hảo không phải là một cái tên xa lạ với người dân. Qua những lần trả lời phỏng vấn của các đài truyền thông quốc tế như RFA, VOA, BBC hay RFI, ông giải mã rất nhiều điều về hệ thống cũng như thẳng thắn đưa quan điểm của mình mặc dù biết rằng những quan điểm ấy hoàn toàn đi ngược với tôn chỉ của Đảng mà ông là một thành viên. Ông cũng không hề xa lạ với giới trí thức trong và ngoài nước bởi các hoạt động văn hóa trong đó có vai trò Giám đốc Nhà xuất bản Tri Thức, nhà xuất bản này thuộc Liên hiệp các hội Khoa học kỹ thuật Việt Nam. Chức năng đầu tiên của Liên hiệp được xác định là : "Tập hợp, đoàn kết đội ngũ trí thức khoa học và công nghệ người Việt Nam ở trong và ngoài nước".
Nhưng Nhà xuất bản Tri Thức lại khác thường ở chỗ không cho xuất bản những cuốn sách mà người dân không muốn xem. Những cuốn sách ngợi ca lãnh tụ hay Đảng cộng sản khi đặt trên kệ sách vĩnh viễn không ai mở ra xem vì nội dung của nó đã quá nhiều người biết đến. Sách của Tri Thức là những gì được chưng cất từ sự thật, từ những lý luận, tư duy mở và chủ đề của nó làm người đọc sáng thêm những mảng tối trong cách nghĩ, cách làm.
Trong những cuốn sách do nhà xuất bản Tri Thức in và phát hành không ít cuốn đã bị tịch thu, cấm tái bản hoặc bị phạt hành chánh vì nhiều lý do mà lý do thông thường nhất là không phù hợp với đường lối chủ trương của Đảng.
Giáo sư Chu Hảo hẳn nhiên tự biết sách do ông phê duyệt không bao giờ đúng đường lối, chủ trương của Đảng cả bởi chính con người ông là một ví dụ điển hình.
Trong khi Đảng chủ trương im lặng trước mọi cuộc xâm lược kín hay công khai của Trung Quốc thì ông và nhiều trí thức khác đi biểu tình chống nó. Trong khi Đảng chủ trương mọi cơ quan truyền thông quốc tế đều là đài địch, dù là công dân bình thường cũng bị cấm không được nghe thì ông lại công khai trả lời hết đài này tới đài khác. Trong khi Đảng xuất bản những cuốn sách dày cộm, kinh điển về lịch sử xây dựng đảng thì ông lại cho xuất bản những cuốn sách làm thế nào để một chế độ độc tài phải sụp đổ. Trong khi Đảng chủ trương khỏa lấp những gì không có lợi cho tiến trình khai hóa dân trí thì ông lại hăng hái tham gia vào những tổ chức, xã hội dân sự như Viện Nghiên cứu Phát triển (IDS - Institute of Development Studies) hay mới đây là Viện Phan Chu Trinh, nơi phát huy tinh thần của một chí sĩ yêu nước mà đảng rất dị ứng khi nhắc tới.
Sách của nhà xuất bản Tri Thức phát hành rất đa dạng nhưng mảng chính trị có thể nói là chiếc gai nhọn nằm trong những chiếc giày lóng lánh của Đảng gây khó chịu cho toàn hệ thống một cách âm ỉ nhất. Những cuốn như : Bàn về tự do, Chủ nghĩa tự do truyền thống, Hòa bình-tình yêu và tự do, Khảo lược Adam Smith, và nhất là cuốn Đường về nô lệ.
Có lẽ cuốn sách gây dị ứng cho Đảng nhất là cuốn Đường về nô lệ dịch theo tác phẩm The Road to Serfdom, được nhà kinh tế và triết học người Áo Friedrich von Hayek viết vào giữa các năm 1940–1943, cảnh báo về "mối nguy hiểm của chế độ chuyên chế" rất phù hợp với hoàn cảnh Việt Nam hôm nay.
Khó có thể nói tại sao cho tới hôm nay Giáo sư Chu Hảo mới bị đem ra đấu tố trong căn phòng cực kỳ cơ mật của Ủy ban Kiểm tra Trung ương với các tội danh : "suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, "tự diễn biến", "tự chuyển hóa". Vi phạm, khuyết điểm của ông Chu Hảo là rất nghiêm trọng, làm ảnh hưởng đến uy tín của tổ chức đảng, tác động xấu tới tư tưởng xã hội, đến mức phải xem xét, thi hành kỷ luật". trong khi những việc làm công khai của ông đã xuất hiện từ lâu. Ông là một thành viên sáng lập của Viện Nghiên cứu Phát triển IDS từ năm 2007, ký vào Kiến nghị 72 trong năm 2013, Kiến nghị đổi tên Đảng, đổi tên nước, hay phản đối dự luật An Ninh mạng năm 2018, mạnh mẽ kêu gọi trả tự do cho những nhà bất đồng chính kiến tù đày, ông tham gia vào rất nhiều hoạt động văn hóa, xã hội từ hàng chục năm qua…
Rõ ràng không thể bỏ qua yếu tố "xây dựng Đảng" trong diễn biến này khi những cụm từ quen thuộc như "suy thoái tư tưởng về chính trị, đạo đức" "tự diễn biến" "tự chuyển hóa"… được mang ra để kết án một nguyên Thứ trưởng Bộ Khoa học Công nghệ và Môi trường như đã từng lột "nguyên" những ông thứ trưởng, bộ trưởng khác. Có một điều khác là đối với Giáo sư Chu Hảo, hành vi này chỉ làm cho ông bớt "tâm tư" bởi bỏ thì thương mà vương thì tội cái thẻ đảng trong túi của mình.
Thẻ đảng đối với ông tuy chỉ là kỷ niệm nhưng nó cũng chứa biết bao sai lầm mà ông từng phạm phải. Bỏ nó là từ khước sai lầm của mình. Và vì vậy hôm nay chính là ngày vui mừng của ông.
Xin chúc mừng ông, Giáo sư khả kính Chu Hảo.
Mặc Lâm
Nguồn : VOA, 26/10/2018