Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Lời giới thiệu : Bài viết sau đây là của ông Nguyễn Ngọc Hùng, người "phụ trách địa bàn" Mỹ và Trung Đông. Ông sử dụng thành thạo tiếng Ả rập và hơn 50 năm nay gắn bó và nhiều năm có mặt ở các quốc gia Vùng Vịnh. Những đóng góp của ông Ngoc Hung Nguyen (công khai hoặc chưa công khai) cho sự hiểu biết về thế giới Ả rập luôn rất có giá trị. (Huy Đức)

hamas1

Cuộc chiến đang diễn ra ác liệt giữa lực lượng Hamas với quân đội Israel tại vùng lãnh thổ Gaza đã kéo dài sắp tròn 1 tháng ! Cũng như nhiều cuộc xung đột liên tiếp đã diễn ra giữa 2 lực lượng này, tại dải đất nhỏ hẹp này suốt từ 2007 đến nay, bên khởi sự đều là Hamas từ Gaza. Nhân danh "lực lượng kháng chiến Hồi giáo", Hamas đều nêu ra những lý do trực tiếp tương tự cho hành động khởi chiến của họ, nhằm mục tiêu chung là chống lại các hành động của "lực lượng chiếm đóng" (Israel) "xâm phạm các quyền chính đáng của người Palestin" bên phía lãnh thổ Bờ Tây !

Trước đây, mỗi lần chiến sự bùng lên, truyền thông quốc tế và Ả rập, cũng như truyền thông Việt Nam, đều coi đấy là xung đột Palestine- Israel. Nhưng lần này, mọi nguồn truyền thông đều xác định cụ thể đó chỉ là "xung đột Hamas- Israel tại Gaza" ! Đây là xác định chính xác, bởi lực lượng vũ trang phía Palestine khởi sự và tham gia xung đột chỉ là Hamas đang cầm quyền ở Gaza, chứ lực lượng của Chính quyền Nhà nước Palestine, do Tổng thống Mahmoud Abbas đứng đầu đóng trụ sở tại Rammallah - Bờ Tây (West Bank) không tham gia và cũng không ủng hộ quyết định gây xung đột của Hamas !

Hamas là một lực lượng vũ trang Hồi giáo Palestine, nhưng không tham gia Mặt trận Giải phóng Palestine (PLO) do cố lãnh tụ Arafat thành lập, và từ năm 2007, lực lượng này đã dùng vũ lực tiếm quyền tại Gaza, đẩy Chính quyền Palestine do Tổng thống Abbas đứng đầu phải "lưu vong" sang Bờ Tây ; tức là Hamas không tham gia vào cơ chế Palestine được Liên Hiệp Quốc công nhận.

Hamas kiên định lập trường dùng vũ trang - "kháng chiến để khôi phục lãnh thổ Palestine lịch sử" ; tức là họ đòi xóa Israel trên bản đồ hiện nay. Họ không chấp nhận các nghị quyết của Liên Hiệp Quốc năm 1947 về thành lập nhà nước Israel ; cũng không chấp nhận Thỏa thuận Oslo 1993 giữa PLO với Israel được Liên Hiệp Quốc bảo trợ, trong đó quy định hình thành 2 nhà nước, với Palestine trong đường biên giới 1967 và Thủ đô là al’Qods (Đông Jerusalem). Hamas còn thực thi đường lối bị coi là "khủng bố" khi coi tất cả người Do Thái đều là kẻ thù, chứ không chỉ nhắm đánh vào lực lượng vũ trang và nhà nước Israel.

Về nội bộ Palestine, Hamas thực sự là đối thủ cạnh tranh đối kháng với Phong trào Fatah do cố lãnh tụ Arafat thành lập và hiện nay đang là nòng cốt của PLO và Chính quyền Palestine do Tổng thống Abbas đứng đầu. Hamas và Fatah đối kháng nhau và Hamas luôn thể hiện chủ đích giành chính quyền từ tay Fatah. Hamas đã đuổi Fatah khỏi Gaza từ năm 2007 và từ đó đến nay họ luôn nỗ lực xây dựng lực lượng ngầm của Hamas tại Bờ Tây, vừa nhắm chống Israel, vừa toan tính lật đổ chính quyền của Tổng thống Abbas khi có cơ hội.

Bởi thế, trong các cuộc xung đột do Hamas gây ra từ phía Gaza chống Israel, Chính quyền Palestine của Tổng thống Abbas ở Bờ Tây không hề tham gia "chia lửa". Thậm chí, việc Israel bố ráp vào một số khu vực ở Bờ Tây (do Chính quyền Abbas cai quản về an ninh dân sự), nhằm truy quét lực lượng ngầm của Hamas, thì lực lực an ninh Palestine cũng không can thiệp ngăn chặn Israel ! Người ta có cảm nhận rằng Chính quyền của Tổng thống Abbas và Phong trào Fatah hài lòng thấy Hamas bị Israel đánh phá tan hoang ; bởi có lẽ chỉ có Israel mới đủ sức làm suy yếu Hamas đến mức không thể đe dọa trực tiếp quyền lực của Fatah trên chính trường Palestine được !

Nhưng Hamas không dễ bị xóa sổ !

Hệ tư tưởng mà Hamas theo đuổi là hệ tư tưởng "Hồi giáo nguyên gốc" mà người ta quen gọi là "Hồi giáo cực đoan". Đây là hệ tư tưởng chung của cả tổ chức Nhà nước Hồi giáo (IS) từng tự xưng "một quốc gia" tại một khu vực lãnh thổ nối liền Syria-Iraq trong thời gian 2014- 2017. Đây cũng là hệ tư tưởng của tổ chức al Qa’eda khét tiếng với danh xưng Bin Laden gây khinh hãi từ vụ 11/9/2001 đánh thẳng vào nước Mỹ !

Nhưng Hồi giáo nguyên gốc có nhiều nhánh khác nhau, mà một nhánh có nguồn gốc lâu đời nhất là "Anh Em Hồi giáo". Hamas tự xưng là "Anh Em Hồi giáo của Palestine". Cùng theo "Anh Em Hồi giáo" hiện nay còn có một số quốc gia Hồi giáo theo hệ phái Suna (Sunis), mà điển hình là Qatar, Thổ Nhĩ Kỳ. Bởi thế, Qatar và Thổ Nhĩ Kỳ luôn ủng hộ và giúp đỡ tối đa có thể cho Hamas ở Gaza. Qatar là quốc gia cung cấp đều đặn tài chính để duy trì sự tồn tại của chính quyền Hamas ở Gaza sau khi bị Chính quyền của Tổng thống Abbas khước từ.

Trong khi đó, đa số các quốc gia Ả rập ở Trung Đông chống lại "Anh Em Hồi giáo". Bởi thế, không lấy làm lạ khi Saudi Arabia và các quốc gia Ả rập vùng Vịnh khác không ủng hộ Hamas ở Gaza. Ai Cập cũng không sẵn sàng giúp Hamas phá vòng vây tứ phía của Israel, mặc dù cửa khẩu phía nam Gaza trực tiếp thông sang lãnh thổ Sinai của Ai Cập.

Hamas còn có một thế lực đồng minh hữu hiệu mạnh mẽ khác là Iran. Iran sử dụng con bài Hamas ở Gaza để phục vụ cho chủ đích của Iran chống lại sự bao vây thù địch của Mỹ-Israel đối với Nhà nước Hồi giáo. Khi Hamas tồn tại như một cái gai khổng lồ ở Gaza đối với Israel, thì cũng buộc Mỹ phải để tâm tới nhằm bảo vệ Israel và các lợi ích của Mỹ ở Trung Đông. Như vậy, Mỹ sẽ phải giảm bớt áp lực trực tiếp chống Iran. Mỗi khi Hamas gây xung đột vũ trang với Israel, hút nhiều nỗ lực của Mỹ vào giúp Israel đối phó với Hamas, thì Iran lại cảm thấy được rảnh tay hơn để toan tính những tham vọng riêng của họ về Chương trình nguyên tử và củng cố thế lực của Iran tại khu vực Đông Ả rập.

Bởi thế, từ hàng chục năm nay, Iran đã trở thành thế lực đỡ đầu trọng yếu cho Hamas, nhất là về vũ khí và các vật tư thiết yếu để chế tạo vũ khí tại chỗ. Iran lại có các tổ chức vũ trang Hồi giáo chư hầu tại khu vực Đông Ả rập, mà nổi bật nhất là Hezbollah Lebanon (phía bắc Israel) và Houthi Yemen (phía nam bán đảo Ả rập).

Vũ khí và vật liệu chiến tranh từ Iran có thể được vận chuyển bí mật bằng đường biển từ Hezbollah Lebanon vào Gaza hoặc từ Yemen vào bán đảo Sinai của Ai Cập rồi tuồn lên Gaza bằng đường qua sa mạc. Mọi nỗ lực của quốc tế, do Israel và Mỹ làm nòng cốt, có cả sự tham gia của Ai Cập và Chính quyền Palestine, cũng chưa thể ngăn cản được các hoạt động bí mật tuồn vũ khí và vật liệu chiến tranh từ bên ngoài vào Gaza cho Hamas. Bằng chứng là cứ mỗi lần Hamas bị Israel đánh phá tan hoang thì chỉ vài năm sau đó, Hamas lại có thể nã hàng ngàn tên lửa các loại vào Israel !

Xung đột vũ trang Hamas- Israel lần này lại nổ ra khi Nga đang sa lầy ở Ukraine. Nước Nga của Putin trước nay vẫn quan hệ rất tốt với Israel và rất dè chừng Hồi giáo cực đoan như Hamas. Nhưng nay, Putin cũng tận dụng việc Mỹ và Phương Tây bị hút vào Gaza để nhẹ bớt áp lực với Nga ở Ukraine...

Israel thực sự khó mà ứng phó triệt để được với Hamas ở Gaza !

Tiếp tục đánh phá nhắm Hamas, thì Israel thực sự thất bại trước dư luận thế giới, khi vô vàn hình ảnh tàn khốc, tang thương đang diễn ra hằng ngày tại Gaza được phơi bày trên các phương tiện truyền thông thời đại bùng nổ thông tin ! Càng kéo dài ngày nào, Israel càng lâm sâu vào thế bất lợi trước công luận thế giới, nhất là ở Mỹ và Phương Tây- đồng minh của Israel nhưng lại là các thánh địa của tự do ngôn luận và dân chủ truyền thông !

Nhưng Israel muốn kết thúc nhanh cũng không được ! Một tháng qua rồi. Tất cả các các tiện ích của Hamas nổi trên mặt đất ở thành phố Gaza (Gaza City) -thủ phủ của lãnh thổ nhỏ hẹp này- đã bị san bằng.

Nhưng hầu như bộ phận tinh hoa của Hamas thì vẫn an toàn tuyệt đối ! Hệ thống đường hầm của Hamas, nay được gọi là "Metro Gaza" vẫn là các căn cứ địa ngầm mà Israel hầu như chưa đụng được đến. Dưới đó chắc chắn vẫn còn là những kho chứa nhân lực, vật lực hùng hậu của Hamas, mà không biết Israel phải đánh phá bao lâu nữa mới phá hủy được ?

Hamas vẫn còn kiểm soát Gaza mà đã ngưng chiến, thì chắc chắn chỉ đôi ba năm nữa thôi, một thảm họa tương tự sẽ lại diễn ra ! Từ 2007 đến nay đã có bao nhiêu bằng chứng nhãn tiền rồi !

Và không phải cứ Thủ tướng Netanyahu muốn ngưng chiến mà được ! Ghế của ông có thể mất ngay nếu ông này gây bất bình cho phe Do Thái giáo cưc đoan đang chiếm đa số tại cả Quốc hội và Chính phủ Israel hiện thời ! Phe Do Thái giáo cực đoan đang kiểm soát chính quyền Israel lần này quyết phải quét sạch Hamas ở Gaza ! Nhưng có được hay không thì... lại phải chờ xem !

Thế thì cuộc chiến này sẽ tiếp tục đến khi nào ? Đố ai mà biết được !

Trong mọi cuộc chiến tranh, có bên thắng, có bên thua, thậm chí thắng/thua không rõ ràng như ở Gaza lúc này, nhưng "bên thất bại luôn luôn là dân thường" !

Nguyễn Ngọc Hùng

Nguồn : OsinHuyduc, 05/11/2023

Additional Info

  • Author Nguyễn Ngọc Hùng, Huy Đức
Published in Diễn đàn

Đóng vai bảo vệ người Palestine, Hamas vẫn khó thoát chiếc vỏ khủng bố

Khi biến đe dọa thành hành động, với trận bão lửa khủng khiếp chưa từng thấy, Hamas đã gây ngạc nhiên. Vấn đề là chuyển thành thắng lợi chính trị, để khẳng định họ là đại diện cho tất cả những người Palestine. Điều này khó thành sự thật, vì một khi căng thẳng giảm xuống, Hamas lại hiện nguyên hình là một phong trào Hồi giáo độc đoán, bị đa số người Palestine phản đối.

hamas1

Một tòa nhà ở Gaza bị Israel không kích ngày 13/05/2021 sau khi Hamas bắn hàng ngàn quả rốc-kết vào Israel.  AP - Hatem Moussa

Hôm nay 19/05/2021 nước Pháp bắt đầu giảm nhẹ các biện pháp phong tỏa, các báo có nhiều bài viết về chủ đề này. Le Monde chạy tựa"Nước Pháp vào lúc giải tỏa", Le Figaro nhận xét đây  "Khúc dạo đầu của tự do", La Croix phấn khởi đặt câu hỏi"Và bạn, bạn làm gì hôm nay ?". Libération quan tâm đến cuộc biểu tình quy mô của cảnh sát Pháp hôm nay phản đối bạo lực, còn nhật báo kinh tế Les Echos dành trang nhất cho "cuộc hôn nhân" giữa hai đài truyền hình tư nhân TF1 và M6 để đối phó với YouTube và Netflix.

Israel truy lùng thủ lãnh quân sự Hamas

Đề tài lớn thứ hai vẫn là cuộc xung đột Israel-Palestine. Le Figaro nói về việc Israel truy lùng thủ lãnh quân sự của phe Hamas ở Gaza để trừ khử. Từ khi khởi đầu chiến dịch "Bảo vệ tường thành" cách đây 9 ngày, một trong những ưu tiên của quân đội Israel là tìm ra và tiêu diệt Mohammed Deif, nhưng nhiệm vụ này không dễ dàng.

Deif đã nhiều phen thoát hiểm, lần gần nhất là trong cuộc chiến trước đây ở Gaza năm 2014. Vợ và hai con ông ta thiệt mạng khi bom rơi trúng nhà, còn Deif thoát chết trong đường tơ kẽ tóc. Trong nhiều năm qua, nhân vật này luôn đứng đầu trong danh sách đen của Shin Beth, cơ quan chống khủng bố Israel, với nhiều món "nợ máu".

Mohammed Deif là người chỉ huy một chiến dịch khủng bố tự sát, đặc biệt nhắm vào các xe buýt của Israel, làm mấy chục người chết, và vụ bắt cóc rồi sát hại ba quân nhân Israel vào giữa thập niên 90. Ông cũng trực tiếp liên quan đến việc đào trên 100 kilomet đường hầm. Được mệnh danh là "métro Gaza", mạng lưới này được dùng để tàng trữ vũ khí và giúp các chiến binh Hồi giáo trú ẩn, có thể trồi lên mặt đất bất cứ lúc nào để tấn công các quân nhân Israel tại dải Gaza.

Để sống sót, thủ lãnh quân sự này hoàn toàn sống trong vòng bí mật. Chỉ có một tấm ảnh cũ chụp từ 30 năm trước, rất ít đồng hương có thể nhận diện, và ông ta hầu như không bao giờ phát biểu với truyền thông. Nhưng hôm 05/05, Deif đột ngột lên tiếng, gây ngạc nhiên cho cả Shin Beth, đe dọa Israel "phải trả giá rất đắt", và sau đó hàng ngàn quả rốc-kết bắn vào Jerusalem và nam Israel. Theo Le Figaro, bây giờ chỉ cần một sai sót nhỏ là Deif sẽ bị tìm ra tung tích.

Hamas muốn đóng vai đại diện cho người Palestine

Libération cho rằng Hamas muốn có được vầng hào quang của thiên sứ. Phong trào Hồi giáo này tìm cách đóng vai đại diện của người Palestine. Khi biến đe dọa thành hành động, với trận bão lửa khủng khiếp chưa từng thấy, Hamas đã gây ngạc nhiên cho người Palestine hơn cả với người Do Thái.

Với chiến dịch "Lưỡi gươm Jerusalem", Hamas tự coi là lực lượng duy nhất bảo vệ thánh địa thứ ba của Hồi giáo (Đông Jerusalem còn là thánh địa của Do Thái giáo), trong khi cho đến nay chỉ liên quan đến Gaza. Nhà nghiên cứu Leila Seurat nhận xét đây là hành động mang tính cơ hội, nhằm gây ảnh hưởng lên người Palestine. Những ngày gần đây, ngay cả những người phản đối chính sách của phe Hồi giáo cực đoan này cũng không còn gọi là "Hamas"mà là"kháng chiến".

Đây là chiến lược mới của tân lãnh đạo Yahya Sinwar, người từng lãnh ba án chung thân vì tội khủng bố và ở tù 23 năm, được thả ra năm 2011 trong cuộc trao đổi 1.000 tù nhân Hamas lấy một quân nhân song tịch Pháp-Israel, Gilad Shalit. Ông ta đã thử nhiều sáng kiến khác nhau, từ những cuộc biểu tình ôn hòa, thả những quả bóng gây cháy sang lãnh thổ Israel, thiêu rụi đất nông nghiệp, cho đến việc sản xuất hàng loạt quả đạn rốc-kết ngày càng có sức công phá lớn hơn.

Vấn đề là làm thế nào Hamas có thể chuyển thành công về quân sự mới đây thành thắng lợi chính trị, để khẳng định là đại diện cho tất cả những người Palestine. Điều này theo Libération khó thành sự thật, vì một khi cuộc "kháng chiến" đã qua, căng thẳng giảm hẳn, Hamas lại hiện nguyên hình là một phong trào Hồi giáo độc đoán, bị đa số người Palestine chống đối. Về phía cộng đồng quốc tế thẳng thừng bác bỏ mọi tiếp xúc với một phong trào được coi là khủng bố, tiếp tục cấm Hamas gia nhập thế giới bên ngoài.

Vũ khí của Iran, tiền bạc từ Qatar

Trong bài "Từ Teheran đến Doha, Hamas thân cận với các nhà bảo trợ", Libération cho biết phong trào Hồi giáo dựa nhiều vào tiền bạc của Qatar và vũ khí của Iran. Hai nước này dùng việc bênh vực Palestine để tuyên truyền hơn là vì niềm tin tôn giáo.

Ngoại trưởng Iran, Mohammad Javad Zarif hủy bỏ chuyến thăm Vienna cuối tuần này sau khi chính phủ Áo quyết định cho treo lá cờ Israel lên Dinh Thủ tướng và Bộ Ngoại giao để ủng hộ Nhà nước Do Thái. Ngay cả khuôn mặt tươi cười của Cộng hòa Hồi giáo cũng không thể chống lại giáo chủ Khomenei, người luôn hỗ trợ Palestine thông qua Hamas và tổ chức Thánh chiến Hồi giáo, cho dù không có ích cho quyền lợi đất nước.

Iran muốn chống lại các nước đã ký hiệp ước hòa bình với Israel như Bahrein, Các tiểu vương quốc Ả Rập Thống Nhất và sắp tới có thể là Saudi Arabia. Trong khi quan hệ của Tehran với các nhóm Palestine xưa nay ít chặt chẽ hơn so với chế độ Syria, Hezbollah ở Lebanon, phe Houthi ở Yemen.

Kỹ năng của Iran về hỏa tiễn đặc biệt có lợi cho Hamas. Tehran giúp phe này rất nhiều, từ chuyên gia cho đến việc vận chuyển, và gần đây là giúp sản xuất tại chỗ. Còn Qatar cung cấp tiền bạc cho dân đang bị phong tỏa và tài trợ hào phóng cho chính quyền dải Gaza. Bên cạnh đó, tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ cũng có những phát biểu nẩy lửa, khiến Israel giận dữ tố cáo ông Erdogan cung cấp hộ chiếu cho các thành viên Hamas.

Các quốc gia khu vực làm trung gian hòa giải thay phương Tây

La Croix cho biết đang có những hoạt động ngoại giao mạnh mẽ để đạt được ngưng bắn ở Gaza. Các nhân tố khu vực như Ai Cập, Qatar và Jordan đóng vai trò chính thay cho các cường quốc phương Tây.

Đây là điểm mới, khi Hoa Kỳ và các nước Châu Âu lần này chỉ đóng vai thứ yếu. Riêng Ai Cập, nước có chung đường biên giới với dải Gaza và đã ký thỏa ước hòa bình với Israel, tìm lại vai trò truyền thống là nhà trung gian hòa giải. Một phái đoàn Ai Cập, gồm cả các nhà lãnh đạo tình báo, đang có mặt tại chỗ. Qatar, thân cận với Huynh đệ Hồi giáo, cũng tạo điều kiện cho Hamas. Jordan, đã ký hiệp ước hòa bình với Nhà nước Do Thái, cũng tham gia các hoạt động ngoại giao, bên cạnh đó là Saudi Arabia và Thổ Nhĩ Kỳ, Iran.

Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken lần này trong chuyến thăm Đan Mạch chỉ điện đàm với các đồng nhiệm Ai Cập, Jordan, Tunisia, Qatar, Saudi Arabia, còn đặc sứ Mỹ có những cuộc tham vấn tại chỗ. Cựu đặc phái viên Mỹ Martin Indyk phân tích, Hoa Kỳ giờ đây không muốn giữ vai hàng đầu tại Trung Đông, chỉ muốn duy trì sự yên tĩnh để có thể xử lý các vấn đề quan trọng hơn ở những khu vực khác.

Về phía Liên Hiệp Châu Âu, sự chia rẽ trong nội bộ khiến Bruxelles khó thể làm người trung gian hòa giải. Đối thoại trực tiếp với Hamas, được coi là phong trào khủng bố, hoàn toàn bị bác. Paris thông qua chiếc ghế thường trực Hội đồng Bảo an và quan hệ với Ai Cập để cố giảm xung đột. Mục tiêu chính là đạt được ngưng bắn và đưa vào viện trợ nhân đạo, còn việc tái lập tiến trình hòa bình Israel-Palestine dường như vẫn ngoài tầm tay với.

Tập Cận Bình trấn áp các tập đoàn công nghệ Hoa lục

Liên quan đến Trung Quốc, Les Echos giải thích "Vì sao Bắc Kinh trấn áp các tập đoàn công nghệ". Mã Vân (Jack Ma) không phải là đích nhắm duy nhất. Sau khi làm ngơ trong một thời gian dài, Đảng cộng sản Trung Quốc nay muốn chấn chỉnh internet, đồng thời giám sát chặt chẽ hơn lãnh vực tư nhân.

Hôm 10/05, sự xuất hiện hiếm hoi của Mã Vân tại trụ sở Alibaba ở Hàng Châu trong ngày "Ali Day", sự kiện thường niên của tập đoàn, rất được chú ý, dù ông ngồi lặng lẽ ở cuối phòng trong trang phục đơn sơ. Việc Mã Vân phê phán các ngân hàng Trung Quốc hoạt động như "nhà cầm đồ" đã khiến nhà tỉ phú vốn là biểu tượng thành công bị thất sủng. Số tiền phạt 2,3 tỉ euro cho Alibaba vì lạm dụng vị trí độc quyền là điều chưa từng có tại Trung Quốc.

Tuy nhiên theo nhà phân tích Ernan Cui, "Alibaba chỉ là món khai vị", gió đã đổi chiều đối với tất cả các tập đoàn công nghệ Trung Quốc. Tập đoàn Tencent, sở hữu ứng dụng WeChat được 1 tỉ người Trung Quốc sử dụng, cũng sắp bị phạt nặng, và ít nhất 34 nền tảng internet lớn đã bị cảnh cáo.

Bắc Kinh có lý khi bảo vệ người tiêu dùng, nhưng bên cạnh đó, Đảng cộng sản Trung Quốc còn muốn mở rộng ảnh hưởng trong giới tư doanh. Nếu Đặng Tiểu Bình từng khuyến khích "Hãy làm giàu đi", thì nay Tập Cận Bình đầy quyền lực muốn nhấn mạnh thông điệp "Hãy trung thành với đảng và đừng quên nhờ đâu các vị giàu lên". Trước một Mã Vân quá tự tin, Tập Cận Bình nhanh chóng chứng tỏ ai mới là ông chủ.

Chứng "cuồng Biden" ở Châu Âu và thực tiễn New Deal của Roosevelt

Cũng về kinh tế nhưng tại Hoa Kỳ, tác giả Jean-Marc Daniel, giáo sư của ESCP Business School có bài viết trên Les Echos mang tựa đề "Để kết thúc với Biden-mania" (tạm dịch "chứng cuồng Biden"). Kế hoạch phục hồi của ông Joe Biden tổng cộng đến 6.000 tỉ đô la gây hứng khởi cho nhiều người Châu Âu chán ghét chính sách khắc khổ về ngân sách. Tuy nhiên, theo giáo sư Daniel, kế hoạch này là tai hại cho doanh nghiệp và đầu tư, cũng như hiệu năng làm việc.

Nhân 100 ngày Biden bước vào Nhà Trắng, ở Châu Âu có nhiều lời khen ngợi, so sánh ông với tổng thống Franklin Roosevelt và "New Deal". Tuy nhiên, tác giả dẫn báo cáo mới nhất của Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) khẳng định các biện pháp dưới thời cựu tổng thống Donald Trump đủ để xóa đi những hậu quả của đại dịch Covid năm 2022 và quay lại với tăng trưởng từ đầu 2023.

IMF còn nhấn mạnh hai điều : tăng trưởng của Mỹ thường xuyên giảm từ 20 năm qua do hiệu suất giảm, và thâm hụt cán cân thanh toán dẫn đến cách sống vượt quá khả năng của mình. Năm 2020 thâm thủng lên đến 650 tỉ đô la, tương đương 3% GDP và 2021 sẽ là 800 tỉ đô la (4% GDP). Trong khi đó các biện pháp Biden sẽ làm trầm trọng thêm tình hình. Việc gia tăng trọng lượng Nhà nước trong nền kinh tế, nhất là tăng thuế, sẽ gây thiệt hại cho đầu tư tư nhân, vốn đã tăng lên 20% thời ông Trump. Ngay trong đảng Dân chủ cũng đã có những tiếng nói phản đối.

Nếu dù sao đi nữa, những người "cuồng Biden" vẫn tin vào "ưu điểm Roosevelt" của thần tượng, thì giáo sư Daniel đề nghị suy nghĩ thêm về câu nói sau đây : "Chúng ta đã cố gắng chi ra càng nhiều tiền càng tốt để đối phó với khủng hoảng. Kết quả là giờ đây tỉ lệ thất nghiệp vẫn như lúc mới lên nắm quyền, cộng với một món nợ khổng lồ". Câu này trích từ một trong những bài diễn văn nổi tiếng của Henry Morgenthau đọc vào ngày 10/11/1937. Morgenthau là ai ? Đó chính là bạn thân của tổng thống Roosevelt, là bộ trưởng Tài chính Mỹ thời đó. Ông nhìn nhận thất bại của "New Deal" khi gia tăng chi tiêu công.

Thụy My

Additional Info

  • Author Thụy My
Published in Quốc tế