Chỉ còn vài ngày nữa là năm 2023 khép lại. Khác với mọi năm, Châu Âu đón giao thừa với hai cuộc chiến tranh lớn trước cửa nhà, một tại Ukraine và một ở dải Gaza. Trong khi đó ở Châu Á, bán đảo Triều Tiên, eo biển Đài Loan, Biển Đông, nguy cơ xung đột vũ trang cũng đang chực chờ bùng phát. Và cũng chưa có lúc nào, uy tín của siêu cường Mỹ bị thách đố gay gắt như trong năm nay.
Hàng không mẫu hạm USS Ronald Reagan trong chuyến ghé thăm cảng Manila, Philippines ngày 14/10/2022. AP - Aaron Favila
Ngày 07/10/2023, thế giới bất ngờ trước một chiến dịch "đánh úp" đẫm máu của phe Hamas nhằm vào nhiều địa phương, giết chết hơn 1.140 thường dân Israel, và bắt theo hơn 250 con tin. Nếu như thế giới lên án hành động giết người với một mức độ tàn bạo chưa từng có của lực lượng vũ trang người Palestine này – bị Hoa Kỳ, Liên Hiệp Châu Âu và Israel xếp vào diện khủng bố – thì các cuộc tấn công trả đũa của quân đội Israel ở dải Gaza, làm hơn 20 ngàn thường dân Palestine thiệt mạng và hàng triệu người dân phải bỏ nhà cửa chạy lánh nạn, cũng bị cộng đồng quốc tế kịch liệt chỉ trích.
Israel muốn an ninh, không cần hòa bình
Làm thế nào giải thích cho sự trở lại của "tình trạng man rợ" này ? Nhà địa chính trị học, Carole André-Dessornes, chuyên gia về tương quan lực lượng và bạo lực ở Trung Đông, trên đài RFI ngày 23/12/2023 giải thích, xung đột bùng phát là vì cộng đồng quốc tế từ lâu vẫn phủ nhận chính nghĩa của người Palestine, từ chối nhìn thẳng vào vấn đề.
"Chúng ta nên hiểu rằng tình hình nguyên trạng là hầu như không trụ được. Người ta đã quên rằng dải Gaza bị phong tỏa từ năm 2007 và có hơn hai triệu người sinh sống trên một diện tích rộng chỉ có 370 cây số vuông, do vậy khó thể mà sống được. Thêm vào đó là việc tăng tốc xây dựng các khu định cư Do Thái ở phía Đông Jerusalem và West Bank (Cisjordanie). Rồi còn có một giới trẻ hoàn toàn tuyệt vọng bởi vì họ thật sự chẳng có tương lai".
Đâu là lối thoát cho xung đột ? Người ta nói nhiều đến giải pháp "Hai Nhà nước". Một giải pháp mà ông Gérard Araud, cựu đại sứ Pháp tại Israel, Liên Hiệp Quốc và Hoa Kỳ, trong một phiên điều trần trước Ủy ban Đối ngoại về Tình hình Israel của Hạ Viện, hồi trung tuần tháng 11/2023 đánh giá là điều không thể. Ông giải thích :
"Vấn đề cốt lõi của West Bank nằm ở điểm đây là vùng đất thánh. Ở đây quý vị có hai cản trở chính. Thứ nhất là cản trở an ninh. Bởi vì, khi hình thành Nhà nước Palestine tại West Bank, tức là chúng ta sẽ có một Nhà nước Palestine chỉ nằm cách Tel Aviv có 14 km, cách sân bay quốc tế Ben Gourion của Israel 5 km. Vì vậy, chỉ cần một quả rốc–kết là Israel ngừng hoạt động.
Hơn nữa, người dân Israel họ không muốn hòa bình, họ muốn có an ninh. Nghĩa là, theo một cách nào đó, Israel luôn trong tình trạng chiến tranh từ năm 1948 và có thể nói rằng, Israel đã quen sống trong những điều kiện như thế. Nhưng đối với họ, mục tiêu chính yếu vẫn là An Ninh.
Điều thứ hai, đó là một nền an ninh phải do chính họ bảo đảm. Do lịch sử đất nước, người Israel không tin tưởng bất kỳ ai cho an ninh của mình và đương nhiên là cả với Hoa Kỳ chẳng hạn. Do vậy, bất kỳ ý tưởng nào về một lực lượng quốc tế, lực lượng các nước Ả rập, hay một lực lượng Liên Hiệp Quốc đều không có chút cơ may nào được chấp nhận bởi một đất nước mà tôi có thể nói là bị cuồng ám".
Ẩn sau cuộc xung đột này còn là một "ván cờ lớn" giữa các cường quốc trong khu vực. Chiến sự bùng phát là một đòn giáng, chặn đường Israel bình thường hóa quan hệ với nhiều nước Ả rập, đặc biệt là Saudi Arabia trong khuôn khổ Thỏa thuận Abraham, được thương lượng dưới sự chủ trì của chính quyền Donald Trump năm 2020. Đối với Iran, nước cờ này của Mỹ và Israel là một mối đe dọa, có thể làm đảo lộn thế tương quan lực lượng trong Vùng Vịnh, có lợi cho Saudi Arabia. Súng phóng lựu có gắn đầu đạn áp nhiệt do Hamas sử dụng là một bằng chứng cho sự can dự của Tehran.
Ukraine : Cuộc chiến tiêu hao của Nga
Xung đột ở dải Gaza đang che lấp một cuộc chiến khác kéo dài từ gần hai năm : Cuộc chiến chống quân xâm lược Nga của Ukraine, đang diễn ra gay gắt trong những ngày cuối năm. Cuộc phản công của Kiev mà các đồng minh phương Tây trông đợi, bắt đầu từ tháng 6 đã gặp thất bại, như thừa nhận của Tổng tham mưu trưởng quân đội Ukraine với tuần báo Anh The Economist. Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky trong cuộc họp báo truyền thống cuối năm phải nhìn nhận "chiến tranh không biết hồi nào kết thúc".
Lời thừa nhận chua chát được đưa ra vào lúc tổng thống Joe Biden chưa thông qua được gói viện trợ bổ sung 60 tỷ đô la cho Ukraine do vấp phải những phản đối mạnh mẽ từ đảng đối lập Cộng hòa. Tệ hơn nữa, theo báo cáo do Viện Nghiên cứu Kinh tế Quốc tế Kiel của Đức, cam kết trợ giúp của các nước đồng minh của Kiev trong năm 2023 đã rớt xuống "mức thấp nhất" tính từ đầu cuộc chiến xâm lược của Nga vào tháng 2/2022.
Trong khi đó, quân đội Nga được chi viện thêm 300 ngàn quân dự bị, và trang bị thêm nhiều vũ khí đạn dược từ nhiều nguồn cung như Iran, Bắc Triều Tiên, gia tăng oanh kích Ukraine ngày đêm, mở nhiều cuộc tấn công khác. Hạ Viện Nga cuối tháng 10/2023 còn thông qua một khoản ngân sách quốc phòng cho năm 2024, tương đương với mức 107 tỷ euro, chiếm khoảng 6% GDP của đất nước, tăng 70% so với năm 2023 (3,9% GDP).
Quyết định này thể hiện quyết tâm theo đuổi chiến dịch quân sự trong dài hạn, một cuộc chiến tiêu hao chống Ukraine. Giáo sư địa chính trị, Carole Grimaud, chuyên gia về Không gian hậu Xô viết, nhà sáng lập Trung tâm Nghiên cứu về Nga và Đông Âu (Center for Russia and Eastern Europe Research – CREER) tại Geneva, trên làn sóng RFI ngày 09/12/2023 phân tích :
"Đây là một cuộc chiến tiêu hao. Chúng ta đã thấy điều này ngay từ đầu cuộc chiến. Vào lúc các mục tiêu của Nga không thể đạt được ở miền Nam, chiến sự đã diễn ra ở phía đông đất nước và phía nam với các vùng lãnh thổ bị chinh phục. Cuối cùng, Nga đã đóng quân trên những vùng lãnh thổ bị chiếm đóng với những tuyến phòng thủ mà rủi thay, họ đã có thời gian dựng lên. Và tình trạng này hiện đặt Ukraine vào thế khó khăn trong cuộc phản công, vốn không mang lại kết quả như chúng ta mong đợi.
Với 17% lãnh thổ Ukraine bị Nga chiếm đóng, nên đây là một cuộc chiến tiêu hao, một cuộc chiến hiện diện ở nước này. Vào lúc mùa đông đang đến và với thất bại của cuộc phản công, người ta sẽ phải chứng kiến tình trạng này kéo dài trong nhiều tháng, thậm chí là nhiều năm".
Biển Đông, eo biển Đài Loan : Mặt trận thứ ba cho Mỹ ?
Điều đáng chú ý là trong cả hai cuộc chiến, tuy không cùng tác nhân, không cùng lý lẽ, nhưng đều có sự can dự của Hoa Kỳ. Tại Ukraine, Washington tham gia gián tiếp thông qua các khoản viện trợ vũ khí và tài chính. Còn với Israel, Mỹ can dự trực tiếp qua việc cung cấp đạn dược, triển khai lực lượng khi cho điều hai hàng không mẫu hạm đến Đông Địa Trung Hải và nhất là bằng lá phiếu phủ quyết ở Liên Hiệp Quốc.
Nhưng Hoa Kỳ có thể "gồng mình" che chở cho các đồng minh đến đâu nếu như có thêm một mặt trận thứ ba ở Châu Á ? Các vụ va chạm giữa hải quân Trung Quốc và Philippines tại những vùng lãnh hải có tranh chấp ở Biển Đông trong năm 2023 đã gia tăng đáng kể. Chính quyền Manila xích lại gần hơn với Washington khi quyết định mở thêm bốn căn cứ quân sự cho quân đội Mỹ bố trí vũ khí và luân chuyển quân.
Trả lời RFI tiếng Việt ngày 19/12/2023, giảng viên Laurent Gédéon, trường đại học Sư phạm Lyon giải thích, Bắc Kinh luôn ý thức rằng "Philippines là một nhân tố - và là một tác nhân quan trọng – trong các nước cờ nếu xảy ra xung đột ở Đài Loan. Điều này không chỉ do mối quan hệ đồng minh của Manila với Mỹ, mà còn do vị trí địa lý gần gũi của quần đảo với Đài Loan".
Chẳng phải vì thế mà Trung Quốc trắc nghiệm thường trực phản ứng của Mỹ hay sao ? Bài phân tích trên France Inter ngày 12/12 cũng tự hỏi : Đã can dự vào nhiều nơi khác, liệu Hoa Kỳ có thật sự muốn, hoặc có đủ năng lực để can thiệp chỉ vì một hòn đá mang tính biểu tượng ở Biển Đông ?
Việc rút quân trong hỗn loạn ở Kabul năm 2021 từng bị Moskva diễn giải như là một tín hiệu rằng Washington có lẽ sẽ không hành động gì đối với cuộc xâm lược Ukraine xảy ra sáu tháng sau đó. Do vậy, việc bỏ rơi Ukraine ngày nay cũng có nguy cơ đưa ra một tín hiệu tương tự cho Trung Quốc ở Châu Á. Đó là chưa kể đến những hành động khiêu khích của Bình Nhưỡng trên bán đảo Triều Tiên.
Chưa có lúc nào vị thế siêu cường của Mỹ bị thử thách mạnh mẽ như lúc này. Với vai trò là cường quốc hàng đầu, Hoa Kỳ buộc phải liên tục đặt uy tín của mình lên hàng đầu trước mỗi cuộc khủng hoảng, mỗi thách thức từ một cường quốc khác. Nhưng vấn đề thực sự đặt ra là liệu Mỹ có còn muốn giữ thứ hạng này hay không.
Trong chưa đầy một năm nữa, Hoa Kỳ sẽ tổ chức bầu cử tổng thống. Chiếc bóng của Donald Trump ngày một lớn, và người ta có nhiều rủi ro nhìn thấy sự đối đầu về hai tầm nhìn đối nghịch nhau về thế giới cũng như là vai trò của Mỹ. Bài phân tích lưu ý : Cử tri Mỹ sẽ không bỏ phiếu cho việc ủng hộ hay chống trợ giúp Ukraine, hậu thuẫn Israel hay can thiệp vào Biển Đông, nhưng lá phiếu của họ sẽ có những tác động lớn cho tất cả các cuộc khủng hoảng này !
Minh Anh
Nguồn : RFI, 28/12/2023
Hoa Kỳ, đại cường thống trị thế giới trong 30 năm tới
Theo tính toán của chuyên gia Natixis dựa trên tiêu chí dân số hoạt động, năng suất, nghiên cứu vượt hẳn Trung Quốc và khu vực đồng euro, Hoa Kỳ là đại cường thống trị thế giới trong suốt ba thập niên tới - nếu không gặp bất ổn chính trị.
Một màn trình diễn nhân dịp tổng thống Mỹ Joe Biden và phu nhân khai trương cây thông Noël trước Nhà Trắng ngày 30/11/2022. AP - Alex Brandon
Ukraine : Cuộc sống rối loạn vì bom Nga
Về tình hình Ukraine, Le Monde cho biết các phụ nữ bị hãm hiếp ở Donbass năm 2014 đã lên tiếng để cổ vũ các nạn nhân của hôm nay hành động tương tự. Cũng tại Ukraine, đặc phái viên Le Monde thuật lại "Cuộc sống ở Kiev, chìm trong bóng tối và giá lạnh". Đối với doanh nghiệp, Le Figaro cho biết "Tại Kryvyi Rih, kỹ nghệ Ukraine phải trả cái giá của chiến tranh".
Khoảng 50 hỏa tiễn Nga và mười mấy drone đã tấn công thành phố quê hương của tổng thống Volodymyr Zelensky, chiếc nôi kỹ nghệ chiếm 10% GDP Ukraine, khiến tỉ lệ thất nghiệp từ 5% nay lên 25%. Trong số 80 mỏ than trong vùng, chỉ còn 8 hoạt động. Một thợ mỏ cho biết đã hai lần bị kẹt ở độ sâu 527 mét vì Nga đánh bom nên mất điện, lần đầu nhóm thợ có 84 người, lần thứ hai 62 người. Họ sống sót nhờ tuân thủ quy trình an toàn, có dự trữ thức ăn nước uống trong ba ngày.
Thua đau trên chiến trường, Putin trả thù hèn nhát
Trong bài xã luận "Tại Ukraine, những vụ đánh bom của sự hèn nhát", Le Monde mỉa mai : Sau chín tháng chiến tranh với Ukraine, rốt cuộc Vladimir Putin đã tìm được mục tiêu xứng tầm với sự vĩ đại của nước Nga mà ông ta muốn khuếch trương, đó là các nhà máy điện và hệ thống ống nước.
Từ khi quân đội của Putin phải liên tục rút lui nhục nhã khỏi các vùng đất được tuyên bố là "thuộc về Nga vĩnh viễn" vào tháng 9, những đợt hỏa tiễn ập xuống cơ sở hạ tầng Ukraine để trả thù. Những mục tiêu dân sự không thể tự vệ lẫn trả đũa, đó là những gì mà ông chủ điện Kremlin nhắm đến. Hôm 02/12 ông ta biện minh rằng những vụ tấn công này là "cần thiết", đối với các "khiêu khích" của một đất nước đang phải kháng cự lại cuộc xâm lăng.
Những vụ oanh tạc của Moskva đã chà đạp hơn bao giờ hết các quy luật căn bản của quốc tế về nhân quyền, trong phụ lục Công ước Genève nhằm bảo vệ thường dân trong thời chiến. Đó là việc phân biệt giữa người dân bình thường và lính tráng, và những nguyên tắc cẩn trọng mà Kremlin coi là sự yếu kém của phương Tây. Số lượng tội ác chiến tranh theo kiểu thế kỷ trước của Nga ngày một chồng chất, có thể khiến các đồng minh của Kiev trở nên dửng dưng, thậm chí bình thường hóa.
Thái độ liêm sỉ trước tội ác chiến tranh của Nga
Theo Le Monde, ngược lại càng phải nhấn mạnh đến tính chất có hệ thống và tác động của chúng lên đời sống thường nhật của người dân Ukraine. Tuy lực lượng Kiev cũng có thể bị tố cáo vi phạm luật lệ thời chiến, nhưng tầm cỡ cách biệt là vô cùng to lớn. Chế độ Vladimir Putin không giấu diếm mục đích : phá vỡ hậu phương của một đất nước dám đương đầu với mình, và có thể tạo ra làn sóng di tản gây bất ổn cho Châu Âu. Nhưng thay vì chia rẽ trong thử thách mới, người Ukraine vẫn vững vàng, còn phương Tây đồng lòng ồ ạt giúp đỡ.
Trong lúc sự khắc nghiệt của mùa đông bắt đầu cảm nhận được, việc làm cho người Ukraine không có nước dùng, không ánh sáng và không được sưởi ấm, không chỉ là trả thù. Chiến lược này còn nhắc lại mục tiêu chính của Vladimir Putin khi khởi chiến : hủy diệt Nhà nước Ukraine. Không ai còn có thể nghi ngờ gì nữa, sau mỗi đợt hỏa tiễn. Việc oanh tạc một cách có hệ thống là lời cảnh báo cho tất cả những ai hy vọng rằng, mòn mỏi vì chiến tranh, rốt cuộc con đường ngoại giao và đàm phán sẽ được mở ra.
Le Monde cho rằng vô số tội ác chiến tranh của Nga khiến những ai miệng nói ủng hộ nhân dân Ukraine nhưng quay lưng lại với họ, cần phải tỏ ra có liêm sỉ hơn. Tại Pháp, đứng hàng đầu là phe cực tả và cực hữu, đã vắng mặt tại Quốc hội hôm 30/11 trong cuộc bỏ phiếu thông qua nghị quyết ủng hộ Ukraine. Trên thế giới, tương tự đối với những nước giữ im lặng trước những hành động không thể chấp nhận được rốt cuộc trở thành chuyện bình thường.
Cấm vận dầu lửa Nga, quyết định lịch sử
Về phía phương Tây, Les Echos cho biết kể từ hôm nay, quyết định lịch sử về cấm vận dầu lửa Nga bắt đầu có hiệu lực. Kể từ ngày 05/12, không một tàu nào có thể bốc dỡ hàng dầu lửa của Nga tại một cảng Liên Hiệp Châu Âu. Hoa Kỳ, Anh, Nhật Bản cũng cam kết tương tự. Như vậy toàn bộ các nước giàu và dân chủ đã đồng lòng tẩy chay dầu lửa Nga, nhằm làm chế độ Vladimir Putin yếu đi trong cuộc chiến tranh tại Ukraine.
Quyết định này không dễ dàng vì Châu Âu lệ thuộc năng lượng Nga rất nhiều, thế nên việc cấm vận diễn ra một cách tuần tự. Than đá bị cấm từ tháng 8, khí đốt thì chính Putin đã khóa rô-bi-nê hầu hết đường ống dẫn sang Châu Âu để toan gây áp lực. Đối với dầu thô, đàm phán giữa các nước thành viên khá vất vả vì Hungary không chỉ thân Nga mà còn không có đường ra biển, lệ thuộc hoàn toàn vào khí đốt Nga. Rốt cuộc các bên đã đồng thuận là chỉ cấm vận đường biển, còn lại các nước tự quyết định. Ngoài Hungary, đa số nước như Đức, Ba Lan đều loan báo ngưng nhập dầu lửa Nga qua hệ thống ống dẫn.
Iran thực sự giải thể "cảnh sát đạo đức" ?
Nhìn sang Trung Đông, việc Iran giải thể lực lượng "cảnh sát đạo đức" được tất cả các báo chú ý, với ít nhiều ngờ vực. Libération cho biết đây là vấn đề hết sức nhạy cảm tại Iran, hai phe bảo thủ và cấp tiến luôn đối đầu về việc hủy bỏ đạo luật năm 1983 hay không. Theo luật này thì phụ nữ cả Iran lẫn ngoại quốc, dù theo bất cứ tôn giáo nào, cũng phải choàng khăn và mặc bộ áo rộng thùng thình khi ra ngoài. Chiếc khăn không chỉ bao phủ trọn mái tóc mà còn phải che luôn cả cổ và vai. Tờ báo đặt câu hỏi "Hy vọng ?", phải chăng đây là khởi đầu của thời kỳ thay đổi hay chỉ nhằm tìm cách làm dịu đi phong trào phản kháng ? Tương tự, La Croix ghi nhận một làn sóng nghi ngờ và thận trọng về việc giải thể Gasht-e Ershad - lực lượng cảnh sát đã bắt giữ cô Mahsa Amini, cái chết của cô khiến nhiều cuộc biểu tình dữ dội đã nổ ra.
Nhật báo công giáo giải thích về tuyên bố gây ngạc nhiên hôm 03/12 của công tố viên trưởng Iran, Mohammad Jafar Montazeri. Gasht-e Ershad không trực thuộc ngành tư pháp, mà dưới quyền Hội đồng Cách mạng Văn hóa Tối cao do tổng thống Ebrahim Raissi lãnh đạo, do đó phải do chính ông Raissi loan báo. Ông Montazeri chỉ trả lời câu hỏi trong cuộc họp báo "vì sao không thấy cảnh sát đạo đức" trong những tuần lễ gần đây. Một số nhà quan sát và đối lập nghi ngại đây chỉ là chiến thuật, chế độ Tehran cực kỳ bảo thủ có thể đặt ra một cái tên khác hoặc chuyển giao quyền hành của lực lượng bị phương Tây trừng phạt cho một đơn vị khác.
Nhà hoạt động Fereshteh Sadeghi cho rằng có thể sau ba tháng biểu tình, chế độ cảm thấy duy trì lực lượng cảnh sát đạo đức quá tốn kém. Mahmood Amiry-Moghaddam, chủ tịch tổ chức phi chính phủ Iran Human Rights nhấn mạnh, việc giải thể Gasht-e Ershad không có nghĩa là đàn áp đẫm máu sẽ chấm dứt. "Chế độ bám vào quyền lực bằng mọi cách : sát hại trên 448 người trong đó có 60 trẻ em, kết án tử hình… ". Lời kêu gọi biểu tình trên toàn quốc trong ba ngày kể từ hôm nay đã được đưa ra.
Đội tuyển Pháp thành công nhưng thiếu vắng cổ động viên
Trên lãnh vực thể thao, sự kiện đội tuyển Pháp thắng Ba Lan 3-1, lọt vào vòng 1/8 World Cup tất nhiên được báo chí Paris vui mừng đưa tin. Thế nhưng điều đáng tiếc theo Libération ở Qatar, "Thiếu sót duy nhất là cổ động viên Pháp quá ít". Fan người Pháp mà đặc phái viên tờ báo hẹn gặp trong một quán cà phê ở Doha, là người duy nhất mặc chiếc áo màu xanh của "Les Bleus", lọt thỏm giữa một rừng màu áo trong vòng bán kính 100 mét. Nhiều cổ động viên do dự trước việc đi cổ vũ đội tuyển Pháp tại một World Cup quá đặc biệt, tổ chức ngay giữa mùa đông, tại một đất nước không có truyền thống bóng đá.
Nhưng nay những người hiện diện không phải hối hận. Không khí cổ động được cho là tuyệt vời, có thể xem các trận đấu hàng ngày. Một fan nữ nói rằng cứ ngỡ phải mang khăn choàng Hồi giáo, nhưng thực tế có thể mặc short thoải mái không hề bị để ý. Một người khác từng đi xem World Cup ở Nga không tiếc lời khen vương quốc nhỏ bé, cho biết nhiều cổ động viên Pháp đã thối lui vì những chỉ trích trên báo chí, nhìn nhận Qatar đã "vụng về trong việc làm truyền thông".
World Cup Qatar đầy bất ngờ, vòng trong có đủ các châu lục
Nhìn rộng hơn, Les Echos rút ra "Những bài học đầu tiên về địa chính trị từ World Cup 2022" tại Qatar. Một cuộc tranh tài mà hầu như tất cả các cây làm bàn đều là "người nhập cư". Trong métro Luân Đôn, có thể thấy những áp-phích với một loạt hình vẽ tượng trưng cho thấy sự đóng góp mang tính quyết định của "người nhập cư" trong số bàn thắng tại World Cup : Canada 100%, Pháp 86%, Ecuador 85%, Hoa Kỳ 85%, Anh 82%, Hà Lan 81%. Thông điệp được tòa đô chính Luân Đôn tài trợ rất rõ ràng : không có họ sẽ ít bàn thắng hơn, cuộc sống ở Luân Đôn sẽ nghèo nàn hơn.
World Cup kỳ này đầy dẫy bất ngờ, nhất là chiến thắng của Nhật Bản trước Đức và Tây Ban Nha. Trong giai đoạn cuối, tất cả các châu lục đều có mặt, từ Châu Á đến Châu Phi, Bắc Mỹ, Châu Đại Dương. Bóng đá không còn giới hạn trong sự cạnh tranh giữa Châu Âu và Châu Mỹ la-tinh ; và lần đầu tiên trận đấu quyết định giữa Costa Rica và Đức do một nữ trọng tài điều khiển. Đó là nghịch lý của World Cup 2022, đề cao sự đa dạng tại Qatar, một nước khó chấp nhận điều này cả về văn hóa lẫn xã hội. Đất nước có 400.000 công dân (trên tổng số 2,9 triệu dân) nằm kẹt giữa các cường quốc khu vực Saudi Arabia và Iran, biết rằng tương lai của mình tùy thuộc vào sự ủng hộ của thế giới phương Tây. Thế nên Qatar không có cách nào khác là xích lại gần các giá trị dân chủ, nhưng theo nhịp độ của mình.
World Cup Qatar phản ánh những tâm trạng khác nhau. Nhìn theo con mắt phương Tây thì việc đội tuyển Đức bịt miệng để phản đối lệnh cấm thủ quân mang băng ủng hộ LGBT là hành động can đảm, nhưng thế giới Ả Rập thì ngược lại. Nhà báo BBC tiếng Ả Rập từ Doha trên chương trình trực tiếp đã tố cáo thái độ đạo đức giả của phương Tây. "Tại Thế vận hội mùa đông ở Trung Quốc, bất chấp việc đàn áp người Duy Ngô Nhĩ, các vị không nói gì hoặc rất ít, nhưng với thế giới Ả Rập thì tự cho phép mình làm mọi thứ".
Hoa Kỳ, đại cường thống trị thế giới trong 30 năm tới
Về kinh tế, chuyên gia Patrick Artus của Natixis nhận định trên Les Echos "Hoa Kỳ sẽ thống trị Trung Quốc và khu vực đồng euro" trong những thập niên tới. Trước hết, dân số trong độ tuổi lao động sẽ tăng 0,5% mỗi năm từ 2020 đến 2050 ở Hoa Kỳ, trong khi khu vực đồng euro giảm 0,2% và Trung Quốc giảm 0,6%. Lão hóa dân số làm chậm lại hiệu năng sản xuất chính sách ưu tiên cho sự lãnh đạo của Đảng cộng sản Trung Quốc và công ty quốc doanh của Tập Cận Bình càng làm trầm trọng thêm vấn đề. Ở Châu Âu, hiệu năng tính theo giờ (không phải theo đầu người) chững lại kể từ 2019 ; và thời gian làm việc giảm 1% một năm do cải thiện điều kiện lao động.
Thị trường địa ốc Trung Quốc sẽ càng mất thăng bằng : người dân đổ tiền đầu tư vào nhà ở vì lương hưu không đáng kể, đến lúc họ về hưu khoảng 2020/2030 do nhiều người bán, giá sẽ giảm xuống. Kể từ giữa thập niên 2020, tăng trưởng của Trung Quốc sẽ không vượt quá 2%. Tại Châu Âu, giá năng lượng tăng do chiến tranh ở Ukraine và chính sách chuyển đổi được đẩy nhanh hơn phần còn lại của thế giới, sẽ làm giảm tính cạnh tranh và gây ra làn sóng phi kỹ nghệ hóa.
Tình hình Hoa Kỳ tương phản hoàn toàn : dân số hoạt động tăng, năng suất tăng 2,7% một năm so với 2% của Trung Quốc và 0% ở Châu Âu. Trong 30 năm tới, GDP của Hoa Kỳ sẽ tăng 23% so với Trung Quốc và gấp 2,22 lần so với khu vực đồng euro. Điều này dễ hiểu vì chi tiêu cho nghiên cứu cũng như việc làm trong công nghệ mới của Mỹ cao hơn hẳn so với Trung Quốc và Châu Âu. Tóm lại, Hoa Kỳ sẽ là đại cường thống trị thế giới trong 30 năm tới, nếu không bị bất ổn chính trị.
Năng lượng, vấn đề chiếm trang nhất báo Pháp
Le Figaro chạy tít trang nhất "Năng lượng tái tạo : Macron trông cậy vào cánh tả" để thông qua dự luật nhằm đẩy nhanh điện gió và điện mặt trời. Cũng liên quan đến hai loại năng lượng này, Le Monde tìm về "Nguồn gốc sự chậm trễ của Pháp". Libération đăng ảnh tháp Eiffel tối đen, với dòng tít lớn "Cúp điện, không nên sợ ?". Theo tờ báo, mặc cho những trấn an của tổng thống Emmanuel Macron, nguy cơ phải cúp điện ở Pháp rõ hơn bao giờ hết vì những yếu kém của lưới điện. Cũng với cùng nỗi lo, nhật báo kinh tế Les Echos chạy tựa "Điện : Các doanh nghiệp trước mối đe dọa bị cắt", các ngành thực phẩm, dược, vận tải... phải tìm cách tổ chức lại. La Croix nói về "Khí hậu, từ khủng hoảng tới hành động", nhật báo công giáo gặp gỡ các thanh niên chọn cách bất tuân dân sự để đánh động dư luận.
Thụy My
Venezuela, Iran, Hoa Vi... : Hoa Kỳ "tả xung hữu đột"
Cuộc đối đầu với Iran, Sự can dự vào khủng hoảng chính trị Venezuela, Cuộc thương chiến với Trung Quốc liên quan đến số phận của Hoa Vi… Các bài viết trên các nhật báo lớn của Pháp số ra ngày 17/05/2019 mang đến cho độc giả hình ảnh một nước Mỹ thời Donald Trump đang "tả xung hữu đột" trên nhiều mặt trận.
Cố vấn an ninh quốc gia Mỹ John Bolton (trái) và ngoại trưởng Mike Pompeo, hai "thầy dùi" ở Nhà Trắng ? Reuters/Leah Millis/
Ván cờ Venezuela : Hoa Kỳ ở thế bí ?
Thương chiến Mỹ - Trung đang hồi "bất phân thắng bại", nhưng hiện tại lợi thế nghiêng về phía Hoa Kỳ. Mặt trận Trung Đông căng thẳng leo thang rủi ro Hoa Kỳ gánh lấy thiệt hại không phải là nhỏ. Nhưng riêng tại bàn cờ Venezuela, rõ ràng "Hoa Kỳ đã rơi vào bế tắc", xã luận của Le Monde khẳng định.
"Bế tắc" là vì chính quyền Donald Trump, đặc biệt là ông John Bolton, cố vấn an ninh quốc gia đã sai lầm khi xem thường đối thủ Nicolas Maduro. Ông đánh giá thấp khả năng kháng cự của vị tổng thống bị nhiều nước phản đối. Sai lầm đó thể hiện rõ qua biến cố ngày 30/04/2019.
Lời kêu gọi nổi dậy, thực hiện "Cuộc phản công cuối cùng" của lãnh đạo đối lập Juan Guaido đã bị thất bại. Điều mỉa mai là ông Guaido – tổng thống tự phong của Venezuela – được hơn 50 nước trên thế giới, trong đó có Mỹ và nhiều nước Châu Âu công nhận tính chính đáng.
Những ai hứa hẹn bỏ rơi Nicolas Maduro mà ông Juan Guaido ngây thơ tin tưởng đã đổi ý vào giờ chót và quân đội thì vẫn trung thành với chế độ Maduro. Trong khi đó, gương mặt đối lập Leopoldo Lopez, được một số binh sĩ đào ngũ cứu thoát thì vội vã chạy vào đại sứ quán Tây Ban Nha xin tị nạn.
Ngày hôm sau, Maduro diễu hành cùng với quân đội trên đường phố, để rồi sau đó vài ngày cho bắt giam cánh tay đắc lực của Juan Guaido, phó chủ tịch Quốc hội Edgar Zambrano.
Nói tóm lại, Maduro vẫn "bình chân như vại". Còn John Bolton, vị cố vấn hiếu chiến của tổng thống Mỹ thì "như điên như dại", đã lần lượt đăng tên những nhân vật của chế độ Maduro từng có kế hoạch đào tẩu trên mạng Twitter. Ông còn khẳng định bản thân tổng thống Maduro đã có ý định chạy trốn sang Cuba trước khi được Nga thuyết phục ở lại.
Tuy nhiên, theo Washington Post được Le Monde trích dẫn, dường như tổng thống Mỹ không hài lòng về thái độ hung hăng này của ông John Bolton trong hồ sơ Venezuela, ông cho rằng đã không được cố vấn đúng đắn, dẫn đến việc đánh giá sai lầm về sự trường tồn của chế độ Maduro.
Nếu như "Nga không có nhu cầu can dự vào Venezuela" theo như khẳng định của tổng thống Mỹ Donald Trump sau cuộc nói chuyện qua điện thoại với đồng nhiệm Nga, thì Hoa Kỳ cũng không có ý định phiêu lưu quân sự vào đất nước Nam Mỹ, trong bối cảnh cuộc đối đầu Mỹ - Iran lớn chưa từng có đang diễn ra.
Do vậy, Le Monde cho rằng, giờ để thoát khỏi ngõ cụt, trong khi người dân rơi vào tình cảnh khốn cùng, phải bỏ xứ tha hương, đối lập và chế độ Maduro chỉ còn giải pháp duy nhất là nối lại đối thoại, tiến hành chuyển tiếp chính trị thông qua con đường bầu cử mới mà không cần đến sự can dự của nước ngoài.
Vùng Vịnh : Trò cược nguy hiểm của Donald Trump
Liên quan đến căng thẳng Mỹ - Iran, nhà bình luận Alain Franchon, trên báo Le Monde có bài cảnh báo đề tựa "Trump ở trong Vùng Vịnh : mối nguy hiểm". Theo ông thông thường, chiến tranh phát sinh là vì sự hiểu lầm.
Hiện nay, tại Vùng Vịnh, Mỹ và Iran đang có nguy cơ tiến gần đến sự hiểu lầm. Hồi đầu tuần, bốn tàu chở dầu, trong đó có hai tầu mang cờ Saudi Arabia, đã bị tấn công ở ngoài khơi Foujeyra, thuộc Các Tiểu vương quốc Ả rập Thống nhất và nước này đã cáo buộc Iran. Chưa rõ ai thủ phạm, nhưng người ta biết rằng Tiểu Vương Quốc Ả Rập Thống Nhất là đồng minh của Saudi Arabia, Hoa Kỳ và cả ba nước này đều thù ghét Iran. Chính quyền Tehran bác bỏ mọi cáo buộc, nhưng phiến quân sắc tộc Houthi, Yemen, được Iran ủng hộ lại thừa nhận đã phá một đường ống dẫn dầu của Saudi Arabia.
Điều đáng chú ý là vài ngày trước đó, ngoại trưởng và bộ trưởng Quốc Phòng Hoa Kỳ cảnh báo là Washington sẽ đáp trả mọi hành động tấn công nhắm vào lực lượng Mỹ và đồng minh trong khu vực. Ngày 14/05, báo New York Times cho biết là trong một cuộc họp gần đây của Hội đồng An ninh Quốc gia, chính quyền Trump đã bàn tới việc đưa 120 ngàn binh sĩ sang Trung Đông. Chính quyền Tehran đe dọa sẵn sàng phong tỏa eo biển Hormuz, nằm trên tuyến đường cung ứng một khối lượng lớn nhiên liệu của thế giới.
Để thực hiện chiến lược gây sức ép với Iran, Donald Trump thắt chặt quan hệ với thủ tướng Israel Benyamin Netanyahou và thái tử kế vị Saudi Arabia Mohammed Bin Salman. Bộ ba này lại được bổ sung thêm hai "thầy dùi" hiếu chiến, nguy hiểm là ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo và cố vấn an ninh quốc gia John Bolton, không giấu diếm ý định thay đổi chế độ tại Tehran. Ý đồ này của ngoại trưởng và cố vấn an ninh Hoa Kỳ có thể đẩy Iran đi đến phạm sai lầm và làm bùng nổ chiến tranh.
Trump không muốn đối đầu quân sự với Iran vì ông được bầu lên với cam kết rút quân ra khỏi vùng Trung Đông, nhưng đáng ngại là hai "phò tá" hiếu chiến, Mike Pompeo và John Bolton. Iran cũng không muốn đối đầu quân sự với Hoa Kỳ, nhưng ai có thể bảo đảm là đồng minh của Tehran, lực lượng Houthi ở Yemen, có cùng quan điểm với nước này ?
Đối với Alain Franchon, tổng thống Donald Trump, tỉ phú địa ốc, người luôn tự vỗ ngực là nhà thương thuyết tài giỏi, đã đặt mức cá cược rất cao trong hồ sơ Iran. Có thể là cách làm này của Trump mang lại hiệu quả trên thị trường địa ốc New York nhưng không thể áp dụng trong chính trị quốc tế. Trong lĩnh vực này, tốt hơn hết là đừng để ai mất mặt, cho dù đó là Trung Quốc, Iran hay Bắc Triều Tiên.
Mỹ và Iran đối đầu, Iraq "đu dây"
Ngạn ngữ có câu "Trâu bò húc nhau, ruồi muỗi chết". Trong cuộc đọ sức giữa Iran và Mỹ này, bất hạnh thay Iraq phải đóng vai "ruồi muỗi". Báo Le Monde cho biết "Iraq, trong tâm bão cuộc đọ sức giữa hai nước đỡ đầu, Hoa Kỳ và Iran".
Sau khi ngầm hợp tác chống Daesh, Mỹ và Iran quay lại đối đầu nhau, lao vào một cuộc chiến khác : Tranh giành ảnh hưởng tại Iraq. Theo Le Monde, chính quyền Washington thực hiện chính sách "áp lực tối đa" với Iran còn vì hai mục tiêu khác : Thứ nhất là gây sức ép buộc Baghdad phải hạn chế giao thương với quốc gia láng giềng Iran, đối tác kinh tế không thể thiếu trong nhiều lĩnh vực chủ chốt của nước này. Thứ hai là nhằm giảm bớt tầm ảnh hưởng của phe dân quân tự vệ hệ phái Shia thân Iran ngay trong lòng bộ máy an ninh của Iraq.
Phe này đã gia tăng thế lực tại Nghị Viện trong kỳ bầu cử Quốc hội hồi tháng 5/2018 và liên tiếp có những lời lẽ khiêu khích chống lại Hoa Kỳ nhưng đã không thành lập được một liên minh đa số để buộc Mỹ phải rút hết số 5.200 quân ra khỏi lãnh thổ.
Làm thế nào giữ được thế cân bằng giữa hai cường quốc ? Đây sẽ là một bài toán khó cho thủ tướng Iraq, Adel Abdel Mahdi, vốn có chủ trương "ôn hòa". Bởi vì "phạm vi hoạt động của ông hạn hẹp. Ông không thể áp đặt phe dân quân tự vệ vì lợi ích của đất nước và giữ Iraq ở thế trung lập" như nhận định của ông Hosham Dawood, trường Ecole des hautes etudes en sciences sociales (EHESS) với báo Le Monde.
Hoa Vi : Quá mạnh để mà "đáng bị trừng phạt"
Cuộc thương chiến Mỹ - Trung đang đến hồi cao trào. Tổng thống Mỹ ngày 15/05/2019 ký sắc lệnh cấm các tập đoàn Mỹ trang bị các linh kiện viễn thông của những công ty nước ngoài nào "đe dọa an ninh" nước Mỹ. Bộ Thương mại Hoa Kỳ còn đưa Hoa Vi và 70 chi nhánh của tập đoàn viễn thông Trung Quốc này vào "danh sách đen".
Đây cũng là chủ đề thời sự quốc tế được các nhật báo Pháp bàn tán sôi nổi nhất. "Trump cấm Hoa Vi tại Hoa Kỳ", "Hoa Vi và Bắc Kinh trong tầm ngắm của Trump", hay "Donald Trump trừng phạt Hoa Vi và tái khởi động căng thẳng với Bắc Kinh" lần lượt là tựa các bài viết trên Le Monde, Libération và Le Figaro.
Le Monde cho biết Bắc Kinh ngay sau đó đã có phản ứng. Tập đoàn viễn thông Trung Quốc lên án "quyết định cấm này là phi lý". Tuy nhiên, theo Hoa Vi, tác động của sắc lệnh này chỉ mang tính biểu tượng nhiều hơn là kinh tế. Doanh thu của tập đoàn chủ yếu được thực hiện ở Châu Á và Châu Âu. Thị trường Hoa Kỳ chỉ chiếm có 6,6% thị phần. Nhưng tập đoàn Trung Quốc này đang phải đối mặt với làn sóng nghi kỵ ngày càng lớn trong bối cảnh cuộc đua 5G đã khởi động tại nhiều nước Châu Âu.
Về điểm này, Le Figaro không có cùng quan điểm với Le Monde. Nhật báo thiên hữu lưu ý khi một tập đoàn nào bị đưa vào "danh sách đen", hay còn được biết đến dưới cái tên "danh sách án tử" do Văn phòng Công Nghiệp và An Toàn, thuộc bộ thương mại quản lý, chính phủ Mỹ trên nguyên tắc có thể bóp nghẹt tập đoàn này.
Chính quyền Washington còn có thẩm quyền ngăn chặn tập đoàn đó mua các linh kiện hay sử dụng các bằng sáng chế từ các nhà cung cấp thiết bị Mỹ. Không có công nghệ Intel, Qualcomm, Micron Technology hay như Google mà phần mềm Android cần đến để vận hành các điện thoại thông minh Hoa Vi, tập đoàn viễn thông Trung Quốc có nguy cơ không thể tồn tại.
Mỗi năm Hoa Vi mua khoảng 11 tỷ đô la trang thiết bị khác nhau từ 33 nhà cung cấp Mỹ. Do vậy, hậu quả của tình trạng tê liệt này có nguy cơ thêm trầm trọng cho các khách hàng của Hoa Vi trên toàn thế giới. Vì vậy, Hoa Vi đã có phản ứng mạnh mẽ khi cảnh báo rằng quyết định của ông Donald Trump có thể tác động đến "hàng chục ngàn việc làm tại Mỹ" và phá hoại niềm tin trong chuỗi giá trị toàn cầu.
Minh Anh
Hoa Kỳ là cường quốc mạnh nhất của thế giới từ năm 1945, khi vai trò đó Luân Đôn đã hầu như trao cho Washington sau Đệ Nhất Thế Chiến, sau cùng rơi hoàn toàn vào tay Hoa Kỳ sau Đệ Nhị Thế Chiến.
Không quân Mỹ ngày càng mất phi công đến mức báo động vì sự hấp dẫn của các hãng hàng không dân sự, trong khi có quá ít chiến đấu cơ F-22 để chế ngự bầu trời. (Hình minh họa : Daniel Mihailescu/AFP/Getty Images)
Kể từ năm 1991, khi Chiến Tranh Lạnh kết thúc với sự sụp đổ của Liên Bang Xô Viết, Hoa Kỳ trở thành cường quốc duy nhất của thế giới, một thế lực mà không cường quốc nào khác có thể thách thức được.
Trong suốt 26 năm – gần một thế hệ – Hoa Kỳ đã có thể làm bất cứ điều gì mình muốn, ở bất cứ thời điểm nào, ở bất cứ nơi nào trên thế giới. Bất chấp sự suy thoái của một số những khu vực quan trọng của nền kinh tế Hoa Kỳ, quân đội Hoa Kỳ có thể bao trùm thế giới với những cuộc triển khai lực lượng khi Ngũ Giác Đài chia hành tinh của chúng ta thành "những bộ chỉ huy theo địa lý" để chính thức hóa sự chế ngự của Hoa Kỳ.
Cũng phải nói là có nhiều nơi trên địa cầu này người ta vui mừng chào đón sự chế ngự của Hoa Kỳ. Tuy Hoa Kỳ không hoàn toàn là bất vụ lợi, Hoa Kỳ đã là một thế lực tích cực trên trường quốc tế so với bất cứ thế lực nào khác. Ngay cả những người không ưa gì sự chế ngự của Hoa Kỳ, khó thấy có ai muốn bị Bắc Kinh và các lãnh đạo độc tài của đảng Cộng sản Trung Hoa chế ngự.
Nhưng từ năm 2017, những dấu hiệu bắt đầu xuất hiện cho thấy sự chế ngự của Hoa Kỳ, vốn đã từ từ đi xuống, đã đến hồi mà Hoa Kỳ không còn chế ngự hay không muốn chế ngự thế giới nữa. Một thời đại mới đang hình thành, tuy vẫn còn quá sớm nên chưa biết rồi sẽ ra sao.
Là tổng tư lệnh của một lực lượng vẫn còn chế ngự thế giới, trong năm đầu tiên ở Văn Phòng Bầu Dục, Tổng thống Donald Trump đã nổi giận và bực tức trên Twitter hầu như mỗi ngày, với không có ảnh hưởng gì ngoại trừ việc làm cho các đồng minh của Hoa Kỳ rối trí về chuyện gì đang thực sự xảy ra ở Washington. Trên thực tế, Hoa Kỳ có hai chính sách ngoại giao và quốc phòng : những điều mà tổng thống nói và những điều mà các quan chức trong bộ máy an ninh quốc gia làm. Sự tách rời giữa những tuyên bố của tổng thống, hầu hết toán loạn, và chính sách thực sự với thế giới gia tăng trong suốt năm 2017.
Chả trách Bắc Hàn không sợ, mặc dầu một năm tổng thống xỉ vả Bình Nhưỡng. Triều đại Kim tiếp tục diệu võ dương oai khả năng hạt nhân, bắn hỏa tiễn trên Thái Bình Dương để chứng tỏ sức mạnh của họ, và những đòi hỏi của Washington buộc họ phải ngưng chả có ảnh hưởng gì cả.
Trong khi chính phủ Hoa Kỳ vẫn tiếp tục nói là Bắc Hàn sẽ không bao giờ trở thành một cường quốc hạt nhân, cái quốc gia khó chịu đó quả là rõ ràng có vũ khí hạt nhân rồi. Chính sách ngoại giao không dựa trên thực tế này có thể kết thúc rất tệ hại cho tất cả mọi người – ngay cả một cuộc chiến quy ước ở bán đảo Triều Tiên cũng có nghĩa là nhiều triệu dân tị nạn và thương vong – là chuyện hiển nhiên và trở thành một trong những chữ nếu lớn nhất cho năm sau. Cuộc gặp gỡ đầy kịch tính ở Singapore năm 2018 thực ra không giải quyết được gì cả ngoại trừ việc Bắc Hàn vẫn tiếp tục sở hữu khả năng hạt nhân.
Cũng phải nói là Tổng thống Trump thừa hưởng một Hoa Kỳ mà sức mạnh bắt đầu suy yếu. Những vị tiền nhiệm của ông đã gây nhiều thiệt hại cho uy thế đó trước khi ông Trump quyết định tấn công thêm. Sự can thiệp với ý định tốt của Tổng thống Bill Clinton vào vùng Balkan đã tạo ảo tưởng là Hoa Kỳ biết "xây dựng quốc gia" từ những xã hội đổ vỡ mà không tốn kém bao nhiêu.
Phản ứng quá mức của Tổng thống George W. Bush đối với đại vùng Trung Đông đã tạo nên một vùng rối loạn đầy vấn đề, và trao Iraq cho Iran trong khi để cho Saudi Arabia hoành hành trong vùng thuộc Hồi Giáo Sunni. Ảnh hưởng xấu đến uy tín của Hoa Kỳ liên quan đến những cuộc chiến thất bại ở Iraq và Afghanistan thật to lớn. Đa số thế giới sẵn sàng chấp nhận sự chế ngự của Hoa Kỳ nếu hữu hiệu. Nhưng sự thất bại ở hai mặt trận này cho thấy là Hoa Kỳ đã mất khả năng hữu hiệu.
Tổng thống Barack Obama cũng chả làm gì tốt hơn. Đối phó với một Iraq kinh hồn mà ông thừa hưởng, ông đã chỉ tìm cách bỏ chạy. Chưa kể cố gắng không đủ ở Afghanistan, cố gắng nửa vời của ông ở Libya, lật đổ chế độ Gadhafi nhưng không có gì thay thế, rồi sự thất bại của ông trước lằn đỏ mà ông đã đặt ra ở Syria, một hành động dẫn đến Hoa Kỳ trao vấn đề Syria cho Nga. Sự ngần ngại của ông trước sự hung hăng của ông Vladimir Putin ở Ukraine đã thúc đẩy thêm cho ông này ngày càng dấn tới. Một phần nào sự ngần ngại của ông Obama đối đầu với Nga đã khuyến khích sự can thiệp của Nga vào cuộc bầu cử tổng thống năm 2016. Ông Putin và những kẻ xấu khác đã nhận được thông điệp là Hoa Kỳ của Tổng thống Obama sẽ không chống lại những kẻ gây rối. Sự bận tâm của ông trước đe dọa của Trung Quốc đã làm ông ngần ngại can thiệp vào những nơi khác.
Ngược lại, nếu ông Obama không muốn can thiệp thì ông Trump đi đường khác, với những lời tuyên bố hung hăng về sức mạnh của Hoa Kỳ và sẵn sàng độc hành, bất cứ lúc nào Washington muốn, bất chấp hệ quả.
Cái chính sách ngoại giao bất chấp thế giới của ông Trump có rất nhiều thí dụ. Từ việc đơn phương công nhận Jerusalem làm thủ đô của Israel đến việc coi thường các đồng minh trong liên minh Bắc Đại Tây Dương NATO, thế giới sửng sốt nhìn một Hoa Kỳ không còn tin cậy được nữa. Khi người lúc đó là đại sứ Hoa Kỳ ở Liên Hiệp Quốc Nikki Haley, công khai đe dọa các thành viên phải bỏ phiếu chống lại một nghị quyết ở Đại Hội Đồng lên án việc Hoa Kỳ dời tòa đại sứ về Jerusalem, Hoa Kỳ đã thất bại nặng nề. Kết quả là hầu như toàn thể thế giới bỏ phiếu chống lại Hoa Kỳ, với hầu như toàn thể đồng minh trong Liên Minh NATO.
Tổng thống Trump thích nói về "sức mạnh" của Hoa Kỳ và ông thích tweet về quân đội, mặc dầu ông chưa từng một ngày trong quân ngũ. Nhưng quả là ngày nay sự chế ngự của Hoa Kỳ chỉ còn trên lãnh vực quân sự. Với một xã hội chia rẽ, chính trị đảng phái, và suy thoái trong sản xuất công nghiệp, Hoa Kỳ chỉ còn quân đội là nền tảng cho uy quyền.
Nhưng mặc dầu tổng thống ưa khoe khoang về quân đội, những năm dài chiến tranh du kích ở Afghanistan đã xói mòn khả năng của quân đội Hoa Kỳ. Trong nhiều năm đổ nhiều ngàn tỷ đô la ở Iraq và Afghanistan, quân đội Hoa Kỳ đã không có tiền và thời giờ để canh tân và tinh thần ngày càng suy yếu.
Không quân ngày càng mất phi công đến mức báo động vì sự hấp dẫn của các hãng hàng không dân sự, trong khi có quá ít chiến đấu cơ F-22 để chế ngự bầu trời. Hải quân trong khi đó bị bỏ rơi vì những cuộc chiến trên bộ. Khi tính đến sự việc là hải quân Hoa Kỳ đã là người bảo đảm cho tự do hải hành trên toàn thế giới từ năm 1945, bảo vệ cho mậu dịch quốc tế và là chủ lực của quyền lực Hoa Kỳ, sự suy yếu của hải quân là một điều đáng lo. Ngay cả lục quân cũng không khá gì hơn. Nhiều năm thiếu đầu tư cho pháo binh và chiến tranh điện tử đã đe dọa sức mạnh của bộ binh.
Nhưng trên hết là chính sách độc hành của Tổng thống Trump vốn đang xói mòn hệ thống toàn cầu mà Hoa Kỳ đã dày công dựng lên từ Đệ Nhị Thế Chiến. Sức mạnh của Hoa Kỳ vốn không phải chỉ là sức mạnh của nòng súng mà còn là sức mạnh của một cường quốc dân chủ tự tin và sẵn sàng chia sẻ. Khi Hoa Kỳ trở thành ích kỷ thì sức mạnh đó cũng khó duy trì.
Lê Phan
Nguồn : Người Việt, 02/02/2019
Nguyên Lam : Ban Việt ngữ đài Á Châu Tự Do cùng Nguyên Lam xin kính chào chuyên gia kinh tế Nguyễn-Xuân Nghĩa trong chương trình Diễn đàn Kinh tế.
Thưa ông, Chính quyền của Tổng thống Donald Trump đã gây chấn động khi thông báo hôm Thứ Năm mùng một, là Hoa Kỳ có thể tăng thuế 25% trên sản phẩm thép và 10% trên sản phẩm nhôm để bảo vệ các doanh nghiệp và công nhân Hoa Kỳ sản xuất ra hai kim loại đó. Vì vậy trong hai ngày liền, cổ phiếu Mỹ sụt giá vì viễn ảnh của trận chiến mậu dịch giữa Hoa Kỳ và các nước sản xuất. Nhưng qua ngày Thứ Hai mùng bốn thì tình hình lại đảo ngược vì các thị trường cho là rủi ro về chiến tranh ngoại thương không đến nỗi trầm trọng như vậy.
Theo dõi chuyện này, ông giải thích thế nào cho thính giả của chúng ta ?
Germany_EU_US : Trade-Politics AFP
Nguyễn-Xuân Nghĩa : Trước khi đi vào căn bản của hồ sơ mậu dịch hay thương mại, tôi thiển nghĩ chúng ta nên nhớ vài chi tiết xa xôi sau đây. Thứ nhất, từ cả năm nay, Chính quyền Donald Trump kết hợp yếu tố an ninh vào quan hệ kinh tế của Hoa Kỳ với các nước. Thứ hai, ngày 19 Tháng Tư năm ngoái, ông Trump chỉ thị Bộ Thương Mại cấp tốc nghiên cứu xem việc nhập khẩu thép có đe dọa an ninh của Hoa Kỳ không. Hôm 27 Tháng Tư sau đó ông cho điều tra thêm ngành nhôm hay aluminum. Ngày nay, Bộ Thương Mại hoàn tất việc nghiên cứu và hôm Thứ Sáu 16 tháng Hai, mùng một Tết Mậu Tuất, Bộ đề nghị Tổng thống dùng quyền hạn của mình để bảo vệ an ninh của Hoa Kỳ. Chi tiết đáng chú ý khi ấy là Chính quyền Trump viện dẫn khoản 232 của Đạo Luật Thương Mại Mở Rộng năm 1962 để Hành pháp có thể quyết định về mậu dịch, như thuế nhập nội hay hạn ngạch nhập khẩu, hầu bảo vệ an ninh và lách khỏi sự hạn chế của Quốc Hội.
Nguyên Lam : Tức là theo dõi vụ này, ông thấy chuyện thép và nhôm manh nha từ năm ngoái mà vì sao bây giờ mới gây chấn động ?
Nguyễn-Xuân Nghĩa : Về bối cảnh, Hoa Kỳ có đạo luật Thương Mại Mở Rộng năm 1962, trong đó có khoản 232 cho phép Hành pháp thương thuyết và giảm quan thuế biểu tới 80% nếu việc ấy không xâm phạm an ninh quốc gia. Nhưng sau khi nghiên cứu và thấy có xâm phạm an ninh thì Hành pháp có thể đòi Quốc Hội cho nâng thuế nhập nội hay hạn ngạch nhập khẩu. Chuyện cần biết là Tổng thống phải xin phép Quốc hội sau khi Bộ Thương Mại và Đại sứ Thương Mại đề nghị. Ông Trump đang tiến hành thủ tục rắc rối ấy với sự ủng hộ của phe Dân Chủ theo xu hướng bảo hộ và trước sự ngần ngại của đa số Cộng Hòa theo chủ trương tự do mậu dịch. Chi tiết thứ ba đáng chú ý là phong cách của ông Trump khi nêu ra nhiều thay đổi đầy mâu thuẫn làm người ta không hiểu khi nào ông nói thật, nhưng biết đâu là ông dùng cái thuật đó để thăm dò, vận động và mặc cả !
Nguyên Lam : Thưa ông, có lẽ còn một vấn đề rộng lớn hơn. Đó là khi công ty sản xuất thép và nhôm bị cạnh tranh bất lợi nên cần bảo vệ và coi như được một phần, nhưng các doanh nghiệp tiêu thụ và dân chúng có khi bị thiệt vì mua nhôm thép ngoại nhập với giá đắt hơn.
Thưa ông, vì vậy phải chăng tranh luận mới bùng nổ về sự lợi hại hay lẽ được thua của chế độ bảo hộ mậu dịch và mối nguy của một cuộc chiến mậu dịch xuất phát từ Hoa Kỳ ?
Nguyễn-Xuân Nghĩa : Tôi không làm thính giả của chúng ta thêm nhức đầu để nói về các trường phái lý thuyết kinh tế từ cổ điển đến hiện đại liên quan tới việc mua bán hàng hóa và dịch vụ giữa các nước. Tôi chỉ xin nhắc tới chi tiết thứ tư là Chính quyền Donald Trump, từ Nội các tới Ban Tham mưu, có các doanh gia và kinh tế gia với quan điểm trái ngược.
Trong Nội các, Đại sứ Thương mại Robert Lighthizer và Tổng trưởng Thương mại là tỷ phú Wilbur Ross ủng hộ quan điểm cứng rắn của Tổng thống. Mới được nâng cấp từ Tháng Chín, Cố vấn Thương mại là Giáo sư Peter Navarro là thành phần được gọi là bảo hộ mậu dịch. Nhưng Cố vấn Kinh tế Quốc gia là doanh gia Gary Cohn hay Ngoại trưởng Rex Tillerson, vốn cũng là doanh gia cao cấp, và nhiều người khác, kể cả Tổng trưởng Ngân khố Steven Munchin và các kinh tế gia đã cố vấn cho ông Trump như Arthur Laffer, Larry Kudlow hay Stephen Moore không đồng ý với vụ tăng thuế. Còn chi tiết thứ năm ít ai chú ý là Chính quyền Trump thống nhất quan điểm về mối nguy thật và lâu dài cho an ninh và kinh tế Hoa Kỳ là Trung Quốc.
Nói chung, các nhân vật đó, kể cả ông Trump, đều biết quy luật được/thua trên toàn cảnh và trường kỳ. Được về mậu dịch trong ngắn hạn với ngành thép sử dụng 140 ngàn công nhân mà lại thua về kinh tế trong trường kỳ vì các ngành tiêu thụ nhôm thép như năng lượng, xây dựng, ráp chế xe hơi, sản xuất nước uống, v.v… tuyển dụng tới sáu triệu rưởi công nhân. Tôi nghĩ họ gây tranh luận để thăm dò nghe ngóng lợi hại của các cuộc vận động từ mọi phía. Vì vậy, ta không nên chạy theo thời sự hàng ngày mà cần nhìn vào toàn cảnh, vào căn bản của mậu dịch.
Nguyên Lam : Nói về chuyện căn bản đó, ông muốn thính giả của chúng ta hiểu thế nào ?
Nguyễn-Xuân Nghĩa : Người ta cứ hăm dọa về nguy cơ chiến tranh mậu dịch mà quên mất nhiều chuyện cơ bản. Sau Thế Chiến II, thời Chiến Tranh Lạnh giữa Thế giới Tự do và khối cộng sản, yếu tố an ninh lấn át kinh tế khiến Hoa Kỳ nâng đỡ kinh tế các nước để có đồng minh, và trở thành thị trường tiêu thụ sau cùng mà lớn nhất cho tới khi Liên bang Xô viết sụp đổ và Hoa Kỳ ngày càng thất thế về ngoại thương, bị khiếm hụt cán cân thương mại, là nhập hơn xuất.
Ngày nay, Chính quyền Trump hết muốn tiếp tục khuynh hướng đó nữa, nhất là khi các nền kinh tế mới phát triển, kể cả Trung Quốc, lại gây sức ép về cạnh tranh cho doanh nghiệp và công nhân Hoa Kỳ. Ta nên hiểu ra sự hợp lý của phản ứng ấy khi xứ nào cũng muốn bán hàng cho Mỹ và khi an ninh bị đe dọa lại trông vào sự bảo vệ của Hoa Kỳ.
Nguyên Lam : Nhưng nếu vì vậy mà Hoa Kỳ lại gây ra trận chiến thương mại thì phải chăng là mọi người đều thua ?
Nguyễn-Xuân Nghĩa : Thuyết đấu trí hay game theory có nói phe nào sợ thua thì sẽ thua ! Ta nên đi vào căn bản của vấn đề mậu dịch là tương quan lực lượng giữa các quốc gia trong quan hệ buôn bán với nhau. Tìm hiểu chuyện đó, ta thấy ra một thực tế đầy nghịch lý. Là nước nào cần xuất khẩu nhiều thì sẽ sợ thua và cuối cùng thì dễ nhượng bộ !
Xét về cơ cấu sản xuất, các nước công nghiệp hóa đều cần bán hàng và xuất khẩu chiếm hơn 30% của Tổng sản lượng. Điển hình là Đức, Canada hay Nhật Bản, Nam Hàn. Sau đó là các nước mới nổi, đặc biệt nhất là Trung Quốc, với chiến lược đầu tư mạnh, sản xuất thừa và bán thật rẻ để tạo ra công ăn việc làm ở bên trong, và ngày nay sản xuất phân nửa lượng thép của toàn cầu và đang cần bán rất rẻ.
Nguyên Lam : Thưa ông, thế còn trường hợp của Hoa Kỳ thì sao ?
Nguyễn-Xuân Nghĩa : Hoa Kỳ là một ngoại lệ chói lọi ! Xứ này có sức sản xuất cao nhất mà xuất khẩu chỉ chiếm 12% của Tổng sản lượng, còn 88% là sản xuất nội địa. Các con số trừu tượng ấy có nghĩa là nếu chiến tranh mậu dịch bùng nổ và các nước phản đòn bằng cách bớt mua hàng của Mỹ - như Liên Âu dọa sẽ bớt mua xe gắn máy Harley Davidson, quần Jean Levy’s và rượu Bourbon theo tỷ lệ một phần ba của ba sản phẩm ấy - thì cũng tựa muỗi đốt gỗ ! Vì trận đánh mậu dịch ấy chỉ thu hẹp trong phần xuất khẩu là 12% của Tổng sản lượng Mỹ thôi. Bên kia chiến tuyến, các nước cần xuất khẩu nhiều mới dễ bị thua.
Ngược lại, vẫn nói về tương quan lực lượng trong trận chiến mậu dịch ai cũng sợ và muốn tránh, thì kinh tế Mỹ lại có sức tiêu thụ cao nhất, như có hậu phương sâu rộng nhất khả dĩ chống trả các đối thủ. Đâm ra, nạn nhập siêu là nhập nhiều hơn xuất, của nước Mỹ lại là một lợi thế trong trận chiến mậu dịch giả định này.
Nguyên Lam : Nguyên Lam phải ngẫm nghĩ và nhắc lại điều ông vừa phát biểu. Vì ít lệ thuộc vào xuất khẩu lại có thị trường tiêu thụ lớn nhất trong các nước, nếu chiến tranh mậu dịch bùng nổ thì Hoa Kỳ lại chiếm thế mạnh. Thưa ông, đó là một nghịch lý hơi bất ngờ cho nhiều thính giả của chúng ta. Có phải vậy không ?
Nguyễn-Xuân Nghĩa : Vì thiên hạ cứ tri hô về nguy cơ chiến tranh mậu dịch, ta cần đi xuống cái đáy của vấn đề. Thí dụ dễ nhớ là Trung Quốc đạt xuất siêu mấy trăm tỷ đô la với Hoa Kỳ, nên 3% Tổng sản lượng của họ tùy thuộc vào sức bán hàng cho Mỹ. Ngược lại, việc xuất khẩu của Hoa Kỳ vào thị trường Trung Quốc chỉ bằng nửa phần trăm của Tổng sản lượng thôi. Khi lên chiến hào để nã đạn mậu dịch vào nhau thì kinh tế Trung Quốc mới lâm thế yếu.
Các quốc gia lâm chiến kia cũng vậy. Chính quyền Trump bị kết án là đòi gây chiến tranh mậu dịch, nếu cho rằng điều ấy đúng thì các nước sẽ xử trí và phản đòn ra sao với một nền kinh tế ít cần xuất khẩu mà thừa sức chống trả bằng thuế nhập nội hay hạn ngạch ? Vẫn biết chiến tranh là có tổn thất, nhưng các nước như Canada, Mexico, Nam Hàn, Đức hay Trung Quốc bị tổn thất nặng hơn Hoa Kỳ trong trận chiến đó.
Nguyên Lam : Có lẽ thính giả của chúng ta dần dần hiểu ra vì sao Chính quyền Donald Trump cứ bảo chiến tranh mậu dịch là điều tốt.
Thưa ông, phải chăng đấy là một cách nói quá cho các nước cùng nhìn lại tương quan lực lượng trong thực tế và tìm giải pháp hòa dịu qua đàm phán và thương thảo ?
Nguyễn-Xuân Nghĩa : Tôi trộm nghĩ vậy, và không quên rằng đối tượng ưu tiên cần đối phó của Hoa Kỳ, về cả an ninh lẫn kinh tế chính là Trung Quốc. Khi thấy Chính quyền Trump không sợ chiến tranh mậu dịch mà còn đòi lấn tới thì các nước phải nghĩ tới kịch bản xấu nhất là Hoa Kỳ sẽ gây chiến thật. Khi đó, xứ nào cần xuất khẩu mới bị kẹt. Thế rồi vì Trung Quốc lại đang gây ứ đọng về thép, và cố bán rẻ, các nước lâm chiến về thép với Mỹ sẽ khó bán cho Mỹ mà cố bán cho nhau. Hậu quả gián tiếp là Trung Quốc sẽ khó bán thép ! Nếu cuộc chiến lại lan qua ngành nhôm thì Bắc Kinh mới gặp vấn đề an ninh trong kinh tế vì các doanh nhiệp sản xuất nhôm của họ có thể bị vỡ nợ !
Nguyên Lam : Đề tài kỳ này quả là đặc biệt vì như ông vừa nhắc, chẳng ai muốn có chiến tranh, nhưng khi lâm chiến thì lẽ thắng bại là gì. Nguyên Lam xin đề nghị chuyên gia kinh tế Nguyễn-Xuân Nghĩa nêu ra một kết luận sơ khởi.
Nguyễn-Xuân Nghĩa : Lẽ thắng bại của một cuộc chiến tùy thuộc vào nhiều yếu tố nhưng nói theo ngôn từ bình dân của ta là "đối đế" thì yếu tố căn bản vẫn là tương quan lực lượng sau khi các phe tham chiến đã tuyên truyền, hiệu triệu hay hăm dọa. Tương quan ấy cho thấy xứ nào cũng đòi hăm trả đòn Hoa Kỳ mà lại lệ thuộc vào xuất khẩu nhiều hơn kinh tế Mỹ và sẽ bị tổn thất nặng hơn. Vì vậy, lời hăm che giấu nhược điểm của họ, nhờ đó mà chiến tranh mậu dịch lại khó xảy ra !
Nguyên Lam : Ban Việt ngữ đài Á Châu Tự Do cùng Nguyên Lam xin cảm tạ chuyên gia kinh tế Nguyễn-Xuân Nghĩa về bài phân tích đầy nghịch lý này.
Mỹ đang ‘tích cực cứu xét’ bán vũ khí phòng vệ sát thương cho Ukraine (VOA, 25/08/2017)
Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Jim Mattis cho biết trong chuyến thăm Ukraine rằng chính quyền Trump đang "tích cực cứu xét" liệu có nên cung cấp vũ khí phòng vệ có tính sát thương cho quốc gia Đông Âu bị chiến tranh tàn phá này hay không.
Tổng thống Ukraine Petro Poroshenko (trái) và Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Jim Mattis hội kiến ở Kiev, Ukraine, ngày 24 tháng 8, 2017.
Khi được hỏi liệu Nga có coi hành động này là một mối đe dọa hay không, ông Mattis trả lời, "Vũ khí phòng vệ không khiêu khích trừ phi bạn là kẻ gây hấn".
Chính quyền Mỹ trước đây giữ quan điểm rằng bán vũ khí phòng vệ có tính sát thương cho Ukraine sẽ khiêu khách Nga một cách không cần thiết, nhưng các quan chức chính quyền Trump đã mở lại quá trình cứu xét kế hoạch trước đây bị bác bỏ.
Trong một cuộc họp báo chung với ông Mattis sau cuộc hội đàm hôm thứ Năm, Tổng thống Ukraine Petro Poroshenko không trả lời thẳng khi được hỏi về thời biểu cho bất kỳ vụ chuyển giao vũ khí nào, nhưng lưu ý rằng vũ khí phòng vệ "sẽ gia tăng sự tổn hại nếu Nga quyết định tấn công quân đội của tôi và lãnh thổ của tôi".
Khẳng định lại cam kết của Mỹ đối với Ukraine trong khi ở Kiev, ông Mattis nói rằng Washington không chấp nhận việc Nga sáp nhập bán đảo Crimea vào năm 2014. Ông nói thêm rằng Nga đang "tìm cách vẽ lại biên giới quốc tế bằng vũ lực" và do đó, các biện pháp chế tài của Mỹ đối với Nga sẽ vẫn giữ nguyên cho đến khi Moscow thay đổi hành vi của mình.
Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ đến thăm đất nước này một ngày trước khi một thỏa thuận ngưng bắn dự kiến ở phía đông Ukraine được thực thi trùng với thời điểm bắt đầu năm học mới.
Tuy nhiên ông Mattis nói rằng Nga hiện không "tôn trọng ngôn từ chứ chưa nói đến tinh thần" của những cam kết trong Thỏa thuận Minsk để giải quyết cuộc xung đột ở miền đông Ukraine, cũng như những thỏa thuận khác mà nước này đã ủng hộ.
"Mỹ và các đồng minh của chúng tôi sẽ tiếp tục gây sức ép để Nga tôn trọng các cam kết Minsk của nước này và các biện pháp trừng phạt của chúng tôi sẽ vẫn được duy trì cho đến khi Moscow đảo ngược các hành động kích hoạt chúng", ông Mattis nói. "Như Tổng thống Trump đã nói rõ, Hoa Kỳ vẫn theo đuổi nỗ lực ngoại giao để giải quyết cuộc xung đột ở Đông Ukraine".
****************
Mỹ sắp hạn chế visa từ 4 nước không chịu nhận công dân bị trục xuất (VOA, 25/08/2017)
Chính quyền Trump sắp áp đặt các hạn chế về thị thực đối với bốn nước Châu Á và Châu Phi từ chối nhận lại công dân của họ bị trục xuất khỏi Mỹ, các quan chức nói với hãng tin AP hôm thứ Năm.
Visa nhập cảnh Mỹ - Ảnh minh họa
Các quan chức này nói rằng các nước Campuchia, Eritrea, Guinea và Sierra Leone sẽ sớm chịu chế tài. Những chế tài này nhằm mục đích buộc các quốc gia "ngoan cố" phải nhận lại những cá nhân mà Mỹ tìm cách trục xuất, AP cho biết. Theo luật liên bang, Bộ trưởng Ngoại giao Rex Tillerson có thể ngưng cấp tất cả hoặc một số loại thị thực cụ thể cho các quốc gia như vậy.
Ông Tillerson sẽ không cấm tất cả thị thực, các quan chức này nói với AP. Thay vào đó, ông sẽ nhắm mục tiêu vào các quan chức chính phủ và gia đình của họ, như Mỹ đã từng làm trước đây. Các quan chức nói chuyện với AP không được phép công khai thảo luận vấn đề này và phát biểu với điều kiện giấu tên. Họ không chịu nói khi nào thì ông Tillerson sẽ hành động.
Bộ An ninh Nội địa hôm thứ Tư nói rằng họ đã đề nghị Bộ Ngoại giao có hành động nhắm vào bốn quốc gia trong số 12 nước mà họ xem là ngoan cố. Cơ quan này không nêu tên các quốc gia đó.
Khi được AP yêu cầu bình luận, Bộ Ngoại giao xác nhận đã nhận được thông báo của Bộ An ninh Nội địa. Bộ cũng không nêu đích danh các quốc gia này, chỉ nói rằng mỗi một nước đều đã "từ chối nhận hoặc trì hoãn một cách bất hợp lý việc hồi hương công dân của họ". Bộ nói họ sẽ công bố các hình phạt chính xác sau khi các chính phủ bị ảnh hưởng được thông báo.
Bộ An ninh Nội địa hiện xác định Trung Quốc, Cuba, Việt Nam, Lào, Iran, Guinea, Campuchia, Eritrea, Myanmar, Ma-rốc, Hong Kong và Nam Sudan là những nước ngoan cố không nhận những người bị trục xuất khỏi Mỹ.
Chưa rõ vì sao chỉ có Campuchia, Eritrea và Guinea được chọn để chế tài hoặc tại sao Sierra Leone, lần gần đây nhất được xác định là "có nguy cơ" bị xếp vào diện ngoan cố, lại nằm trong nhóm này.