Sau khi Việt Nam và Mỹ nâng tầm quan hệ "đối tác chiến lược toàn diện", câu hỏi "nóng" trên miệng mọi người là liệu Mỹ có "bỏ" Việt Nam như đã từng "bỏ" Việt Nam Cộng Hòa hay Afghanistan hay không ?
Hai phái đoàn tại buổi hội đàm ở Văn phòng Trung ương Đảng chiều 10/9 - Ảnh : Nguyễn Khánh
Theo tôi, nếu lãnh tụ hai bên Việt Nam và Mỹ lấy cuộc đời cô Kiều để diễn tả quan hệ hai bên thì chuyện "bỏ nhau" là chuyện có thể xảy ra.
Sẽ là một sai lầm lớn nếu so sánh quan hệ "quốc gia - quốc gia" với quan hệ tình cảm trai gái. Tệ hơn nếu so sánh Việt Nam với một nàng "kiều", (tức một gái đứng đường) có số phận "hồng nhan bạc mệnh".
Nền tảng quan hệ "quốc gia - quốc gia" là "lợi ích". Lợi ích cốt lõi là sự "sống còn" và lợi ích kinh tế. Lợi ích chiến lược, phân tích sâu xa, mục đích cũng là bảo vệ sự sống còn cùng với lợi ích kinh tế.
Câu hỏi cần đặt ra là Mỹ "bỏ" Afghanistan cho ai ? Mỹ bỏ Đài loan cho ai ? Mỹ bỏ Việt Nam Cộng Hòa cho ai ?
"Người ta" nói là quân Mỹ bỏ chạy, quân Taliban chiếm Afghanistan. Người ta cũng nói là "khi đồng minh tháo chạy" Việt Nam Cộng Hòa sụp đổ.
Vậy tại sao Mỹ thôi "nhìn nhận" chính quyền Đài bắc là đại diện Trung hoa mà đổi qua nhìn nhận chính quyền cộng sản Bắc kinh mà chính quyền Đài loan vẫn không sụp đổ ?
Suy nghĩ sâu xa, Mỹ không bỏ cho "ai" hết cả. Quân Taliban là dân Afghanistan, cũng như CS Bắc Việt là dân Việt Nam. Lục địa hiện chưa "thống nhứt" với Đài loan nhưng cả hai bên bờ eo biển Formosa đều thuộc về "một nước Trung hoa".
Trường hợp cần nghiên cứu (để so sánh) là liệu Mỹ có thể "bỏ" Ukraine cho Nga hay không ?
Theo tôi, đến khi mà quân Ukraine vẫn còn anh dũng chiến đấu để bảo vệ "sự sống còn" của đất nước họ thì chắc chắn Mỹ sẽ không bao giờ "bỏ" Ukraine. Ngay cả khi "lợi ích" của Mỹ ở Ukraine vẫn còn là điều tranh cãi trong chính giới Mỹ.
Đài loan cũng vậy. Khi mà dân quân xứ Đài thể hiện ý chí quyết tâm bảo vệ "nền dân chủ và lối sống" của họ thì Mỹ sẽ không bao giờ "bỏ" Đài loan.
Mỹ không thể thay thế quân chính qui Afghanistan đánh quân Taliban, nếu đạo quân này không có ý chí bảo vệ "nền dân chủ và lối sống" của họ. Việt Nam Cộng Hòa cũng vậy.
Nền tảng Hiến chương Liên Hiệp Quốc và luật quốc tế không cho phép Mỹ "can thiệp" vào nội bộ của một quốc gia khác. Việt Nam Cộng Hòa chưa bao giờ chính thức được công nhận là "quốc gia", cũng như chưa bao giờ ký hiệp ước liên minh với Mỹ. Mỹ không có gì ràng buộc với Việt Nam Cộng Hòa và chế độ này cũng không được luật quốc tế bảo vệ.
VN bây giờ đã thống nhứt lãnh thổ, có tư cách pháp nhân, có trách nhiệm trước quốc tế, dĩ nhiên hoàn toàn khác với Việt Nam Cộng Hòa hay Đài loan.
Một trường hợp tệ hại xảy ra, Việt Nam có thể so sánh với Ukraine.
Mỹ "bỏ" hay không bỏ Việt Nam (cho Trung Quốc) là tùy thuộc vào Việt Nam chớ không tùy thuộc vào Mỹ.
Một khi Mỹ "vào" Việt Nam thì sẽ có vô số lợi ích phát sinh. Lợi ích lớn nhứt của Việt Nam là lợi ích sinh tồn. Sau đó là lợi ích kinh tế. Mỹ có lợi ích kinh tế lẫn chiến lược.
Vì vậy đừng lo là Mỹ "bỏ" Việt Nam. Điều đáng lo là lãnh đạo Đảng cộng sản Việt Nam có suy nghĩ của một "nàng kiều", kiểu "đưa người cửa trước rước người cửa sau". Bắt cá hai tay thì dễ bị vuột cả hai. Ngoại giao "cây tre" cũng là cách bắt cá hai ba tay.
Trương Nhân Tuấn
Nguồn : fb.nhantuan.truong, 21/09/2023
Thùy Dương, RFI, 10/06/2021
Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Lloyd Austin hôm qua 09/06/2021 yêu cầu Lầu Năm Góc thực hiện các ưu tiên đã đề ra để đối phó với Trung Quốc.
Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Lloyd Austin trong cuộc gặp tổng thư ký Liên Minh Bắc Đại Tây Dương (NATO) tại trụ sở bộ Quốc phòng Hoa Kỳ, Arlington, Virginia, Mỹ, ngày 07/06/2021. Reuters – Evelyn Hockstein
Theo nhận định của bộ trưởng Quốc phòng Mỹ, các hoạt động của Lầu Năm Góc vẫn chưa cho thấy sự gia tăng nỗ lực để đối phó với sức mạnh đang lên của Bắc Kinh, đối thủ chiến lược số một của Washington.
Chiến lược quốc phòng Mỹ công bố hồi năm 2018 đã xác định Trung Quốc là một trong những mối đe dọa chính của Hoa Kỳ và Washington cần chống lại. Nhưng theo kết luận của một nhóm công tác đặc biệt do tổng thống Joe Biden thành lập hồi tháng 02/2021 nhằm đối phó mạnh mẽ hơn với Bắc Kinh, trong vòng 3 năm qua, Lầu Năm Góc đã không có nhiều hoạt động để thực hiện chiến lược quốc phòng nói trên.
Một quan chức cấp cao của bộ Quốc phòng Mỹ xin ẩn danh cho báo chí biết là nhóm công tác đã nhận thấy có một "khoảng cách giữa lời nói và việc làm" trong các vấn đề liên quan đến "các nguồn lực và quyết định" để đối phó với Trung Quốc. Quan chức này nhấn mạnh chiến lược quốc phòng năm 2018 có tầm quan trọng sống còn với nước Mỹ, nhưng giờ đây vấn đề là phải bảo đảm rằng bộ Quốc phòng đáp ứng mối ưu tiên đề ra về Trung Quốc.
Theo AFP, để đạt mục tiêu nói trên, bộ trưởng Quốc phòng Lloyd Austin đã quyết định đích thân giám sát việc triển khai thực hiện các khuyến cáo của nhóm công tác đặc biệt của tổng thống Biden. Bộ trưởng Lloyd Austin cũng tuyên bố những nỗ lực mới nhằm thay đổi hướng đi của Lầu Năm Góc, vốn dĩ bị coi là một "cỗ máy quan liêu khổng lồ" và "cho phép bộ Quốc phòng Mỹ hồi sinh mạng lưới đồng minh và các quan hệ đối tác của Washington, tăng cường khả năng răn đe, đẩy mạnh sự phát triển các khái niệm tác chiến mới, các khả năng mới trỗi dậy và sự triển khai mới về các lực lượng" của Hoa Kỳ.
Thùy Dương
*********************
Trọng Nghĩa, RFI, 09/06/2021
Ngày 03/06/2021, tổng thống Mỹ Joe Biden đã ra một sắc lệnh, sửa đổi lệnh trừng phạt các công ty Trung Quốc mà chính quyền tiền nhiệm Donald Trump đã ban hành, cấm đầu tư vào gần 60 doanh nghiệp Trung Quốc có liên quan tới quân đội hoặc hoạt động trong lĩnh vực giám sát. Ngoài việc đưa thêm nhiều công ty vào danh sách đen các thực thể bị cấm đầu tư, sắc lệnh mới còn bổ sung một số thiếu sót trong lệnh cũ đã làm cho biện pháp trừng phạt thiếu hiệu quả.
Cờ Trung Quốc treo cùng với cờ tập đoàn CNOOC China National Offshore Oil Corp. © Reuters
Trong bài phân tích ngày 08/06/2021, hãng tin Anh Reuters đã nhận xét rằng vũ khí trừng phạt Trung Quốc được chính quyền Biden cải thiện về nguyên tắc có khả năng khiến "nhiều công ty Trung Quốc hơn rơi vào diện bị cấm nhận đầu tư Mỹ".
Nhìn chung, sắc lệnh vừa được tổng thống Biden ban hành sẽ nghiêm cấm các khoản đầu tư của Hoa Kỳ vào 59 tập đoàn và công ty trong các lĩnh vực công nghệ giám sát hoặc quốc phòng của Trung Quốc.
So với văn bản tương tự do tổng thống tiền nhiệm Donald Trump ký ban hành, lệnh mới của đương kim tổng thống Joe Biden có phạm vi áp dụng rộng hơn và tiêu chí để trừng phạt dễ dàng hơn.
Theo nhận xét của luật sư Kevin Wolf, cựu quan chức bộ Thương mại Mỹ, thì lệnh mới cấm người Mỹ đầu tư vào các công ty "đang hoạt động hoặc đã hoạt động" trong các lĩnh vực quốc phòng hoặc vật liệu liên quan tới quốc phòng hay công nghệ giám sát, hoặc thuộc sở hữu hay có người nắm quyền có liên hệ với các ngành trên.
Mục đích của lệnh cấm là nhằm hạn chế dòng tiền đổ vào các công ty làm suy yếu an ninh Hoa Kỳ hoặc "các giá trị dân chủ", những hành vi bị xếp vào diện vi phạm nhân quyền.
Những khái niệm được nêu lên trong lệnh cấm mới mang tính chất tổng quát hơn những gì ghi trong lệnh trừng phạt thời ông Trump, vốn chỉ được áp dụng đối với các công ty quân sự Trung Quốc như đã được định nghĩa trong Luật Ủy quyền Quốc phòng, tức là các công ty do Giải Phóng Quân Nhân Dân Trung Quốc sở hữu hoặc kiểm soát hoặc "có liên quan với" quân đội, một bộ trong chính phủ hoặc với một cơ sở công nghiệp quốc phòng của Cộng Hòa Nhân Dân Trung Hoa.
Lệnh đã được sửa đổi đã loại bỏ tiêu chí "liên kết trực tiếp với Nhà nước Trung Quốc", mà sử dụng ngôn từ mơ hồ hơn, nói đến những công ty "hoạt động trong -operate in" lĩnh vực quốc phòng hoặc giám sát.
Tuy nhiên, điều quan trọng hơn cả, theo các chuyên gia pháp lý được Reuters trích dẫn, là sắc lệnh mới có thể giúp chính quyền tránh được những thất bại đáng xấu hổ trước tòa án khi bị kiện, sau ba vụ công ty ra tòa khiếu nại lệnh cấm của tổng thống Trump, và đã thắng trong hai vụ, còn vụ thứ ba chưa ngã ngũ.
Chuyên gia Bill Reinsch, cố vấn cấp cao tại Trung Tâm Nghiên Cứu Chiến Lược và Quốc Tế (CSIS), Washington nhận xét : "Các tòa án (Mỹ) thường tránh bác bỏ các quyết định của tổng thống nhân danh an ninh quốc gia. Việc họ đã phán quyết như vậy cho thấy là phía ông Trump đã thực sự kém cỏi cả trong việc soạn thảo sắc lệnh lẫn trong việc bảo vệ các quyết định đã được đưa ra".
Trong vụ kiện thứ nhất, Xiaomi, tập đoàn sản xuất điện thoại thông minh có trụ sở tại Bắc Kinh, bị mất khoảng 10 tỷ đô la vốn trên thị trường chứng khoán một tháng sau khi bị đưa vào danh sách các công ty bị cấm, là hãng đầu tiên đệ đơn kiện trước tòa để vạch rõ những sai sót trong lệnh của Trump.
Đến Tháng Ba vừa qua, tòa án đã yêu cầu đình chỉ lệnh cấm đối với Xiaomi với lý do là thiếu bằng chứng về việc tập đoàn này có liên kết với Quân Đội hoặc Nhà nước Trung Quốc. Điều đáng nói là tòa án đã gọi việc lập danh sách đen là một hành động "tùy tiện và thất thường".
Bằng chứng mà chính quyền Trump đưa ra để chứng minh "lỗi lầm" của Xiaomi chỉ là giải thưởng được Nhà Nước Trung Quốc trao tặng cho chủ tịch tập đoàn này vào năm 2014, một giải thưởng mà hơn 500 doanh nhân đã nhận được kể từ năm 2004, trong đó có cả lãnh đạo của một công ty sữa bột trẻ em. Chính quyền Mỹ cũng trích dẫn các khoản đầu tư của Xiaomi vào công nghệ 5G và trí tuệ nhân tạo, nhưng thẩm phán lưu ý rằng hai lãnh vực này đang trở thành tiêu chuẩn chung cho các sản phẩm tiêu dùng, chứ không chỉ riêng cho các thiết bị quân sự.
Thẩm phán cũng lưu ý những sai sót trong bản ghi nhớ quyết định của chính phủ, bao gồm các trích dẫn không chính xác quy chế được đề cập đến, và cho rằng chính quyền không đáp ứng thỏa đáng định nghĩa "có liên hệ với", cụ thể là "do một người khác kiểm soát trong thực tế hoặc liên kết với những người khác để cùng sở hữu hoặc kiểm soát".
Do vậy, tháng Năm vừa qua, chính quyền Biden đã đồng ý rút tên Xiaomi ra khỏi danh sách.
Cũng giành được thắng lợi tương tự là công ty công nghệ bản đồ Luokung Technology Corp. Cả Xiaomi, Luokung và công ty bán dẫn Gowin Semiconductor, công ty thứ ba kiện lệnh cấm của chính quyền Trump, đều không nằm trong danh sách đen được sửa đổi của chính quyền Trump.
Dẫu sao thì danh sách 59 doanh nghiệp Trung Quốc bị cấm nhận đầu tư Mỹ vẫn bao gồm một loạt các đại tập đoàn, trong đó có nhiều thực thể nằm trong cả hai danh sách đen, cả thời Donald Trump lẫn thời Joe Biden.
Nổi bật trong danh sách là tập đoàn dầu hỏa ngoài khơi CNOOC, rất được người Việt Nam biết đến trong vai trò chủ nhân giàn khoan HD-981, tập đoàn công nghệ kỹ thuật số chuyên về camera giám sát Hikvision, tập đoàn điện thoại thông minh Hoa Vi và nhà sản xuất thiết bị bán dẫn SMIC.
Đối với luật sư Wendy Wysong hoạt động tại Hồng Kông, người đã từng cân nhắc việc kiện danh sách đen thời Donald Trump, thì bản danh sách của chính quyền Biden dường như có cơ sở vững chắc hơn.
Luật sư này giải thích : "Kiện các lệnh trừng phạt mới của Mỹ giờ đây sẽ khó khăn hơn rất nhiều vì lẽ lập luận không còn yếu như trước, trong lúc các tiêu chí không còn được định nghĩa một cách hạn hẹp nữa".
Chuyên gia Reinsch của CSIS thì dự đoán rằng nhiều công ty khác của Trung Quốc có thể bị liệt vào diện cấm nhận đầu tư Mỹ trong khuôn khổ lệnh trừng phạt của tổng thống Biden. Vấn đề chỉ là liệu Washington có muốn quyết liệt hơn với Bắc Kinh hay không.
Khả năng Mỹ trừng phạt Trung Quốc mạnh mẽ hơn hoàn toàn có thể xẩy ra trong bối cảnh mới đây Bắc Kinh chuẩn bị thông qua một bộ luật nhằm chống lại các lệnh trừng phạt của phương Tây, đặc biệt là các biện pháp từ phía Mỹ. Đang được thảo luận tại Quốc Hội Trung Quốc, dự luật này, theo Tân Hoa Xã sẽ được thông qua vào năm tới.
Trọng Nghĩa
*********************
Trọng Thành, RFI, 10/06/2021
Trung tuần tháng 6/2021, tổng thống Hoa Kỳ Joe Biden công du Châu Âu, chuyến công du quốc tế đầu tiên kể từ khi nhậm chức. Trái ngược với chủ trương "Nước Mỹ trên hết", của người tiền nhiệm Donald Trump, tổng thống thứ 46 của nước Mỹ chủ trương siết chặt hợp tác với đồng minh truyền thống bên kia Đại Tây Dương, với mục tiêu chống lại ảnh hưởng gia tăng của mô hình độc tài toàn trị Trung Quốc.
Cờ Mỹ và Liên Hiệp Châu Âu. AP - Jacquelyn Martin
"Liên minh công nghệ số" giữa Liên Âu (EU) và Mỹ được coi là một lĩnh vực mà Washington và Bruxelles muốn thúc đẩy, như một cột trụ của kế hoạch siết chặt hợp tác. Gần nửa năm sau khi ông Biden lên nắm quyền, dự án xây dựng Liên minh công nghệ số Âu – Mỹ đang trong tình trạng nào, và đâu là những thách thức chính ? RFI tổng hợp một số thông tin báo chí Âu – Mỹ, và giới thiệu dưới dạng hỏi đáp.
***
Dự án lập liên minh Âu – Mỹ trong lĩnh vực công nghệ số là một đề xuất từ phía Liên Âu, được Ủy Ban Châu Âu công bố hồi đầu tháng 12/2020, chỉ ít tuần sau cuộc bầu cử tổng thống Hoa Kỳ. Dự án đặt hy vọng vào việc "các giá trị chung" mà Hoa Kỳ và Liên Âu cùng chia sẻ (quyền cá nhân, các nguyên tắc dân chủ, phẩm giá con người) khiến Mỹ và EU "có thể cùng nhau khai thác được các cách tân công nghệ nhanh chóng và hóa giải được các thách thức đặt ra từ các hệ thống điều hành kỹ thuật số mang tính đối địch (ngụ ý đến hệ thống kiểm soát kỹ thuật số theo mô hình Trung Quốc)". Dự án của Ủy Ban Châu Âu nhấn mạnh là hai bên có "một cơ hội chưa từng có để xác lập một chương trình hợp tác công nghệ chung".
Ủy Ban Châu Âu đề xuất thành lập một Hội đồng Thương mại và Công nghệ EU – Hoa Kỳ (EU-U.S. Trade and Technology Council, gọi tắt là TTC), được đưa ra trong chương trình "New EU-US Agenda for Global Change ", công bố đầu tháng 12/2020. Đây có thể coi là bước khởi đầu giúp cho việc đặt các nền móng hợp tác. Dự án liên minh công nghệ số, bao gồm nhiều lĩnh vực như thương mại điện tử, an ninh mạng, nằm trong hướng hợp tác chung này.
Vào thời điểm đó, politico.com, trang mạng chuyên về chính sách của chính quyền Mỹ, ghi nhận việc thiết lập các hợp tác xuyên Đại Tây Dương sẽ gặp nhiều trở ngại. Về phía Hoa Kỳ, một số giới chức cao cấp cảnh báo là tân chính quyền Biden chắc chắn sẽ tiếp tục duy trì các chính sách với Liên Âu như thời Donald Trump, đặc biệt là sẽ làm mọi cách để chống lại các nỗ lực có thể khiến "các khoản thu" của chính quyền Mỹ, từ các tập đoàn đa quốc gia công nghệ số của Hoa Kỳ bị sụt giảm. Đề xuất của Liên Âu đã không nhận được hồi đáp của chính quyền Trump, vào giai đoạn ít tuần trước khi kết thúc nhiệm kỳ.
Đã nửa năm trôi qua từ đó. Tổng thống Joe Biden lên nắm quyền từ hơn 5 tháng nay, có chủ trương ưu tiên tái lập quan hệ với các đồng minh, cùng chia sẻ các giá trị dân chủ, đặc biệt là các đồng minh Châu Âu, vốn đã bị rạn nứt nghiêm trọng trong thời kỳ ông Trump cầm quyền. Đầu tháng 5/2021, tổng thống Biden và chủ tịch Ủy Ban Châu Âu Ursula von der Layen đã có cuộc điện đàm, với dự án liên minh công nghệ là chủ đề trọng tâm, theo trang mạng Science Business, chuyên về lĩnh vực chính sách công nghệ, công nghiệp Châu Âu.
Trung tuần tháng 6/2021, tổng thống Mỹ Joe Biden có chuyến công du quốc tế đầu tiên, và Châu Âu được chọn làm đích đến. Bài "US and Europe to forge tech alliance amid China’s " của mạng Politico hôm 09/06, dẫn hai nguồn tin là giới chức cao cấp của Liên Âu, cho biết, trong khuôn khổ chuyến công du của nguyên thủ Mỹ, Liên Âu và Hoa Kỳ sẽ công bố một dự án hợp tác quy mô lớn về công nghệ và thương mại, nhằm "đẩy lùi Trung Quốc và cổ vũ cho các giá trị dân chủ". Các chi tiết của dự án sẽ được tổng thống Mỹ và chủ tịch Ủy Ban Châu Âu công bố tại Bruxelles ngày 15/06.
Xác lập "các tiêu chuẩn chung" trong lĩnh vực công nghệ số, thương mại kỹ thuật số là mục tiêu hàng đầu của dự án hợp tác Âu – Mỹ này. Mạng Politico dẫn lời phó chủ tịch Ủy Ban Châu Âu phụ trách kỹ thuật số, bà Margreth Vestager, hồi tuần trước, nhấn mạnh : "Mục tiêu chắc chắn là gây áp lực để đạt được các tiêu chuẩn toàn cầu thực sự, các tiêu chuẩn dựa trên việc tôn trọng đời sống riêng tư, bảo vệ phẩm giá con người …". Đầu tuần này, cố vấn an ninh quốc gia của Nhà Trắng, ông Jake Sullivan, giải thích rõ : tổng thống Biden và các lãnh đạo Liên Âu "sẽ tập trung vào việc phối hợp các tiếp cận về thương mại và công nghệ với mục tiêu để cho các nền dân chủ, chứ không phải là các thế lực nào khác, không phải Trung Quốc hay các chế độ độc tài nào khác, ấn định được các quy tắc thương mại và công nghệ của thế kỷ 21".
Washington và Bruxelles dự kiến tập trung vào ba lĩnh vực căn bản, vẫn theo thông tin từ hai giới chức cao cấp Châu Âu xin ẩn danh. Đó là quy tắc kinh doanh, chíp điện tử, và đầu tư nghiên cứu.
Lĩnh vực khẩn cấp đầu tiên là, thông qua việc hợp tác xuyên Đại Tây Dương về các tiêu chuẩn thương mại và công nghệ quốc tế, chống lại ảnh hưởng gia tăng của Trung Quốc, cũng như hợp tác để giải quyết các thách thức liên quan đến "chuỗi cung ứng toàn cầu", trở nên gay gắt hơn nhiều với đại dịch Covid, đặc biệt trong lĩnh vực linh kiện bán dẫn hay chíp điện tử, vật liệu căn bản của kỷ nguyên công nghệ số. Theo bản dự thảo thượng đỉnh Âu – Mỹ, mà Politico có được, Hội đồng Thương mại và Công nghệ EU – Hoa Kỳ (TCC) sẽ được giao phó phụ trách việc thiết lập các chính sách nhằm hướng đến việc "tái cân bằng các chuỗi cung ứng toàn cầu về linh kiện bán dẫn", nhằm bảo đảm để Liên Âu và Hoa Kỳ có đủ nguồn lực sản xuất linh kiện bán dẫn "tiên tiến nhất" và "tiết kiệm nguyên liệu nhất".
Lĩnh vực hợp tác căn bản thứ hai là các "giá trị dân chủ" trong lĩnh vực kỹ thuật số. Cụ thể là, hợp tác để ấn định các luật về thị trường kỹ thuật số, tạo điều kiện cho sự phát triển "các thị trường mở, công bằng", "đẩy lùi áp lực của các chế độ độc tài" trong lĩnh vực internet. "Chống độc quyền" trong lĩnh vực kỹ thuật số là một định hướng căn bản trong lĩnh vực này. Đây là một nội dung mà khối G7 sẽ phải làm rõ trong những tháng tới.
Lĩnh vực hợp tác thứ ba là tạo điều kiện cho các cách tân công nghệ và đầu tư tại Liên Âu và Hoa Kỳ. Hoa Kỳ và Liên Âu có thể lập "các công ty liên doanh đặc biệt" thúc đẩy các nghiên cứu - phát triển liên quan đến các công nghệ mũi nhọn, như tin học lượng tử.
Dự án liên minh công nghệ số Âu – Mỹ phải đối mặt với rất nhiều trở lực. Chủ trương đổi mới quan hệ Âu – Mỹ, tái lập hợp tác tuy được lãnh đạo hai phía ủng hộ nhiệt liệt, trên thực tế hoàn toàn không phải là việc "ngon ăn" (một "slam dunk" hay "cú úp rổ", thuật ngữ trong môn bóng rổ để chỉ cú ghi bàn chắc ăn 100%), theo như ghi nhận của Politico trong bài "US and Europe to forge tech alliance amid China’s".
Trên Le Grand Continent, trang mạng Châu Âu chuyên về địa chiến lược, chuyên gia về chính sách công nghiệp, công nghệ, ông Andre Loesekrug-Pietri , tỏ ra hết sức dè dặt trước triển vọng hợp tác Âu – Mỹ, theo đề xuất của Ủy Ban Châu Âu, với sáng kiến Hội đồng Thương mại và Công nghệ EU – Hoa Kỳ (TCC). Theo tác giả, để có được một hợp tác giữa các "đối tác" (chứ chưa ở mức "đồng minh") trong lĩnh vực này, Liên Âu cần phải xác lập được một "chính sách công nghệ" đủ khả năng cân bằng với Hoa Kỳ trong tương quan lực lượng, bởi "nếu tương quan lực lượng quá bất lợi, thì các điểm đồng thuận về lý thuyết có thể tìm thấy với Washington (ví dụ như trong việc xác định các tiêu chuẩn về những công nghệ mới như trong lĩnh vực "trí tuệ nhân tạo" hay công nghệ lưu trữ và truyền tải thông tin Blockchain), trên thực tế, sẽ trở thành các lĩnh vực có lợi nhiều hơn cho các tác nhân Hoa Kỳ".
Chuyên gia Andre Loesekrug-Pietri cũng đặc biệt nhấn mạnh đến việc, để cho hợp tác xuyên Đại Tây Dương không trở thành một mối nguy từ bên trong đối với Liên Âu, Hoa Kỳ cần phải từ bỏ việc cho phép cơ quan An ninh Quốc gia NSA đặt "các cửa hậu" trong các phần mềm tin học Mỹ, cũng như cần tách bạch nghiêm ngặt hai lĩnh vực, một là hoạt động của các nhà mạng cung cấp dịch vụ internet, kỹ thuật số và và hai là các cơ sở hạ tầng Internet của chính quyền Mỹ (như cáp ngầm dưới biển…).
Trong khi đó, đối với nhiều chính trị gia Liên Âu, lĩnh vực liên minh công nghệ số là "quan trọng", nhưng chưa hẳn đã là điều ưu tiên hàng đầu với Liên Âu hiện nay. Theo Science Business, "khôi phục những cây cầu hợp tác" (vốn đã bị hủy hoại nhiều dưới thời Donald Trump, với nhiều quyết định đơn phương), cho phép thúc đẩy các hợp tác kinh tế, công nghệ, thương mại, xuyên Đại Tây Dương nói chung mới là thách thức khẩn cấp hiện nay. Một nhà ngoại giao xin ẩn danh cho Politico biết "các thương lượng về thuế là điều quan trọng nhất".
Các bất đồng trong nội bộ Liên Âu về chiến lược quan hệ với Trung Quốc cũng là một thách thức, một ẩn số khác với dự án liên minh công nghệ số Âu – Mỹ. Một số lãnh đạo Châu Âu, như thủ tướng Đức Angela Merkel, ít có xu hướng hy sinh quan hệ kinh tế quan trọng với Trung Quốc, để dấn mình với thế đối đầu quyết liệt với Bắc Kinh.
Dù sao, nhìn chung, việc Liên Âu và Hoa Kỳ chậm trễ trong việc thúc đẩy các hợp tác về công nghệ số rõ ràng là để ngỏ sân chơi cho đà lấn tới của Trung Quốc, như cảnh báo của bà Luisa Santos, phó tổng giám đốc Business Europe (Hiệp hội của giới chủ Châu Âu), trên mạng Science Business. "Hợp tác được là điều tốt !", theo lãnh đạo Business Europe. Hồi tháng Giêng 2021, Hiệp hội của giới chủ Châu Âu và Phòng Thương mại Mỹ đã ra tuyên bố chung, ủng hộ sáng kiến thiết lập Hội đồng Thương mại và Công nghệ EU – Hoa Kỳ (TCC).
Trọng Thành
**********************
Anh Vũ, RFI, 09/06/2021
Thượng Viện Hoa Kỳ, ngày 08/06/2021, đã thông qua một kế hoạch đầu tư hơn 170 tỷ đô la, để khuyên khích các công ty sản xuất tại Mỹ và đối phó với Trung Quốc trên lĩnh vực công nghệ. Bắc Kinh tố cáo Washington thổi phồng cái gọi là mối "đe dọa Trung Quốc".
Lãnh đạo phe thiểu số Cộng hòa tại Thượng Viện Mỹ, Mitch McConnell, phát biểu với giới truyền thông, tại trụ sở Quốc Hội, Đồi Capitol, Washington, Mỹ, ngày 08/06/2021. Reuters – Evelyn Hockstein
Trong một phiên họp đặc biệt giữa đảng Dân Chủ và Cộng Hòa hôm qua, Thượng Viện Mỹ đã thông qua dự luật dự trù các khoản đầu tư lớn trong lĩnh vực khoa học công nghệ để ngăn chặn mối đe dọa từ Trung Quốc.
Theo AFP, văn kiện luật được đánh giá mang tính "lịch sử" này được thông qua với 68 phiếu thuận và 32 phiếu chống, sẽ còn phải được đưa qua Hạ Viện phê chuẩn vòng cuối cùng trước khi tổng thống ký ban hành. Tuy nhiên lịch trình công việc này tại Hạ Viện vẫn chưa được ấn định.
Ngay sau khi Thượng Viện Mỹ thông qua dự luật trên, Ủy ban Đối ngoại Quốc Hội Trung Quốc đã lên tiếng chỉ trích Washington thổi phồng "mối đe doa Trung Quốc" thể hiện tâm lý "hoang tưởng" của Mỹ với Trung Quốc.
Kế hoạch đầu tư được Thượng Viện vừa thông qua dành hơn 170 tỷ đô la cho lĩnh vực nghiên cứu và phát triển để khuyến khích các doanh nghiệp sản xuất tại Hoa Kỳ các chi tiết bán dẫn, hiện chủ yếu được sản xuất tại Châu Á. Tình trạng khan hiếm vật liệu bán dẫn khắp thế giới đang tác động đến các ngành sản xuất trọng yếu, từ xe hơi đến viễn thông. Chế tạo bán dẫn trở thành một thách thức chiến lược với nhiều nước trên thế giới.
Cụ thể kế hoạch đầu tư dự trù 52 tỷ trong 5 năm để khuyến khích sản xuất bán dẫn trên đất Mỹ. 120 tỷ đô la dành cho nghiên cứu các lĩnh vực công nghệ bản lề như trí tuệ nhân tạo, phát triển mạng 5 G, những lĩnh vực cạnh tranh căng thẳng nhất giữa Mỹ và Trung Quốc.
Tổng thống Joe Biden đã khen ngợi việc thông qua dự luật. Ông tuyên bố "Vào lúc các nước khác tiếp tục đầu tư vào các hoạt động nghiên cứu và phát triển cho riêng mình. Chúng ta không chậm trễ. Nước Mỹ phải giữ vị thế của quốc gia cải tiến và sản xuất mạnh nhất thế giới".
Bảo vệ nền kinh tế Mỹ, đặc biệt trước sự bành trướng của Trung Quốc là chủ đề hiếm hoi có được đồng thuận giữa hai đảng Cộng Hòa và Dân Chủ tại Quốc Hội Mỹ. Lãnh đạo phe Dân Chủ tại Thượng Viện Chuck Schumer đánh giá dự luật này "mở đường đầu tư rộng rãi nhất trong khoa học và công nghệ từ nhiều thế hệ qua".
Còn lãnh đạo phe Cộng Hòa tại Thượng Viện Mitch McConnell nhất mạnh : "Từ các dây chuyền cung ứng thiết yếu đến sở hữu trí tuệ qua đến chống gián điệp, dự luật tấn công vào vấn đề chủ chốt để giúp chúng ta xác định cơ sở chiến lược cho nhiều thập kỷ". Các nghị sĩ Mỹ nhất trí cho rằng dự luật này mang lại cho Hoa Kỳ khả năng đáp trả mạnh mẽ cuộc cạnh tranh không trung thực từ chế độ Cộng Sản Trung Quốc.
Anh Vũ
Mai Vân, RFI, 25/02/2021
Chỉ vài ngày sau khi Bộ Quân lực Pháp xác nhận đã cho tàu ngầm đi qua Biển Đông, hôm 18/02/2021 vừa qua, hai chiến hạm Pháp đã ra khơi trực chỉ Châu Á trong một chiến dịch kéo dài 5 tháng, sẽ đi ngang Biển Đông, ghé thăm nhiều cảng Đông Nam Á và đặc biệt là tham gia một cuộc tập trận chung với hai đồng minh Mỹ và Nhật ở vùng biển Nhật Bản.
Theo các nhà phân tích, khi cho Hải quân đến hoạt động trong vùng Biển Đông, Pháp đã bất chấp phản ứng không hài lòng từ phía Trung Quốc, nước tự nhận chủ quyền trên hầu như toàn bộ vùng biển này.
Theo Bộ Quân Lực Pháp, tham gia chiến dịch mang tên Jeanne d’Arc 2021 là hai chiến hạm của Hải quân Pháp gồm tàu đổ bộ chở trực thăng Tonnerre và khinh hạm tàng hình Surcouf thuộc nhóm Sẵn Sàng Đổ Bộ (ARG). Trong đợt triển khai kéo dài cho đến tháng 7, chiến hạm Pháp sẽ hai lần đi ngang Biển Đông, đồng thời có kế hoạch ghé cảng nhiều nước, trong đó có 4 quốc gia Đông Nam Á, Indonesia và Việt Nam trên đường đi, và Singapore, Malaysia trên đường về.
Jeanne d’Arc là một chiến dịch tập huấn thường niên nhằm cung cấp cho các học viên sĩ quan kỹ năng tác chiến "trên biển" trước khi gia nhập đơn vị của họ. Bên cạnh đó, chiến dịch cũng là dịp Hải quân Pháp rèn luyện năng lực hoạt động tại các vùng biển có giá trị chiến lược, trong sự phối hợp với các đồng minh và đối tác.
Năm nay, theo trang mạng thông tin về hải quân Naval News, các chiến hạm Pháp sẽ có nhiều hoạt động tương tác với Hải quân các nước trong hành trình, mà đỉnh cao sẽ là cuộc tập trận chung với Mỹ và Nhật Bản vào tháng 5 tới đây.
Khi được hỏi về mục đích của nhiệm vụ này, hạm trưởng tàu chỉ huy Tonnerre, Arnaud Tranchant, không ngần ngại nói rõ mục tiêu góp phần "tăng cường quan hệ đối tác của Pháp với Bộ Tứ Quad bao gồm bốn nước Mỹ, Nhật, Úc và Ấn".
Sự kiện Pháp càng lúc càng cho thấy ý định dấn thân sâu hơn vào Biển Đông, đồng thời liên kết chặt chẽ hơn với các đồng minh cùng quan tâm đến khu vực, đã khiến Trung Quốc bất bình. Trang mạng thông tin Pháp Asialyst ngày 22/02 vừa qua đã không ngần ngại cho là chiến dịch của hai chiến hạm Pháp Tonnerre và Surcouf là "một thách thức trực tiếp mới gởi đến Trung Quốc". Asialyst đồng thời ghi nhận một số phản ứng đầu tiên từ phía Bắc Kinh.
Đối với ông Phó Côn Thành (Fu Kuncheng), một chuyên gia tại Viện Biển Đông thuộc trường Đại học Hạ Môn, miền nam Trung Quốc, các hoạt động của chiến hạm Pháp tại một khu vực biển có tranh chấp là một điều "đáng báo động", buộc Trung Quốc phải suy nghĩ về cách đáp trả thỏa đáng.
Đối với chuyên gia Trung Quốc này thì Pháp đang chịu sức ép của Mỹ : "Rõ ràng là Hoa Kỳ đang hy vọng cùng với các đồng minh trong NATO phô trương lực lượng ở Biển Đông bằng các hoạt động gọi là ‘tự do hàng hải’. Khi các nước này chủ trương tự do hàng hải, Trung Quốc nên cử tàu chiến bám sát theo. Và nếu các tàu đó đi vào vùng lãnh hải mà Trung Quốc tuyên bố chủ quyền, chúng ta phải phản đối theo Công ước Liên Hiệp Quốc về Luật Biển".
Tống Trung Bình (Song Zhongping), một cựu sĩ quan huấn luyện của Quân đội Trung Quốc, hiện là nhà nghiên cứu và bình luận quân sự, đã nói rõ hơn với nhật báo Hồng Kông South China Morning Post : "Hiển nhiên là Pháp có ý định chứng tỏ sự hiện diện quân sự của họ ở khu vực Ấn Độ - Thái Bình Dương, đặc biệt là dưới áp lực của Hoa Kỳ, để phối hợp với các hoạt động triển khai quân sự của Mỹ".
Đối với giới quan sát, quả thực là Pháp trong những ngày đầu năm 2021 đã đột nhiên cho thấy mối quan tâm đến tình hình Biển Đông. Ngay trước khi khởi động chiến dịch Jeanne d’Arc 2021 với một vế quan trọng tại các vùng biển Châu Á, Pháp đã cho một tàu ngầm tấn công của mình qua hoạt động ở Biển Đông, điều đã được chính bộ trưởng Quân lực Pháp Florence Parly xác nhận ngày 08/02 vừa qua.
Trên Twitter, bà Parly giải thích là việc đi qua vùng biển quốc tế mà gần như toàn bộ diện tích bị Trung Quốc tuyên bố chủ quyền, là "bằng chứng nổi bật về năng lực triển khai xa và lâu dài của Hải quân Pháp trong mối quan hệ với các đối tác chiến lược Úc, Mỹ hoặc Nhật Bản". Bộ Quân lực Pháp thì nhắc lại sự quan tâm của Pháp đối với quyền tự do hàng hải.
Chuyên gia Pháp Jean-Vincent Brisset, giám đốc nghiên cứu tại Viện Quan hệ Quốc tế và Chiến lược (IRIS), trả lời đài truyền hình Pháp France 24 hôm 11/02, đã cho rằng chiến dịch tuần tra Marianne, mà chiếc tàu ngầm Emeraude cùng với một tàu hỗ trợ thực hiện kể từ tháng 9 năm 2020, là nhằm chứng tỏ rằng Pháp luôn luôn hiện diện trong vùng Ấn Độ - Thái Bình Dương về mặt quân sự.
Theo ông Brisset : "Đó là một lời hứa cũ từ ngoại trưởng Jean-Yves Le Drian, khi ông vẫn còn là Bộ trưởng Quốc phòng [cho đến năm 2017]". Trong bối cảnh địa chính trị ngày càng căng thẳng ở các vùng biển Châu Á - căng thẳng Trung-Mỹ ở Biển Đông, những cuộc cãi vã giữa Bắc Kinh và Canberra - Pháp muốn nhắc lại rằng họ có những lợi ích riêng mà họ muốn theo bảo vệ.
Antoine Bondaz, chuyên gia tại Quỹ Nghiên cứu Chiến lược nhắc lại : "Trên quan điểm pháp lý, việc Hải quân Pháp qua lại (vùng Biển Đông) trong khuôn khổ các hoạt động toàn cầu của Pháp là một điều hoàn toàn hợp pháp".
Vấn đề đặt ra là trên bình diện địa chính trị, Biển Đông là chủ đề của các yêu sách lãnh thổ chồng lấn giữa Trung Quốc, Malaysia, Đài Loan, Philippines và Việt Nam, chưa kể căng thẳng giữa Washington và Bắc Kinh. Trung Quốc không muốn chiến hạm nước ngoài hoạt động trong khu vực. Tuy nhiên, điều đó không ngăn cản Pháp can dự vào Biển Đông.
Pháp đã thấy rõ điều này vào năm 2019 sau khi gửi một tàu hộ tống hạm đến đó. Trung Quốc sau đó đã chính thức tỏ bực tức trước hành động bị cho là "xâm phạm lãnh hải" đó. Mặc dù vậy, Paris đã quyết định quay trở lại. Và lần này là với tàu ngầm tấn công hạt nhân, trong khi chờ đợi hai chiếc Tonnerre và Surcouf.
Jean-Dominique Merchet, nhà báo chuyên viết về các vấn đề quốc phòng trên trang L’Opinion, cho biết : "Tàu ngầm là một tín hiệu mạnh hơn một tàu hộ tống. Còn ông Jean-Vincent Brisset thì nhận định : "Trong bối cảnh toàn cầu về quan hệ ngoại giao, đây là cách để Pháp cho thấy họ không sợ đọ sức với Trung Quốc. Do đó, Pháp đang cố gắng tự khẳng định mình là người bảo đảm quyền tự do đi lại trong các vùng biển quốc tế.
Về phần mình, chuyên gia về Châu Á Antoine Bondaz phân tích : "Đó là một cách để nói với các đối tác Úc, Ấn Độ và Nhật Bản rằng Pháp không chỉ đưa ra những bài phát biểu mỹ miều. Paris sẽ chỉ có uy tín trong khu vực khi cho thấy rằng họ sẵn sàng hành động để bảo vệ các nguyên tắc của mình".
Mai Vân
Nguồn : RFI, 25/02/2021
*********************
Biển Đông : Quốc tế tăng áp lực để đẩy lùi tham vọng của Trung Quốc
Hoài Hương, VOA, 24/02/2021
Hoa Kỳ và các đồng minh có lập trường cứng rắn hơn và đang điều tàu chiến vào các vùng biển mà Trung Quốc tuyên bố thuộc chủ quyền của họ trên Biển Đông.
Tàu của hải quân Mỹ, Chile, Peru, Pháp và Canada tham gia một cuộc diễn tập trên Biển Thái Bình, ngày 24/6/2018. (U.S. Navy/Intelligence Specialist 1st Class Steven Robles/Handout via Reuters)
Đã và đang có nhiều dấu hiệu cho thấy tân chính quyền của Tổng thống Biden có lập trường cứng rắn hơn về các yêu sách chủ quyền của Trung Quốc đối với Biển Đông.
Trong hoạt động mới nhất để khẳng định quyền tự do hàng hải ở vùng biển này, Ngũ Giác Đài đã điều tàu khu trục mang tên lửa có điều hướng USS Russell tiến sâu vào phạm vi 12 hải lý quanh một số thực thể thuộc Trường Sa, quần đảo mà Trung Quốc tuyên bố thuộc chủ quyền của họ.
Chỉ vài tuần trước, một tàu chiến khác của Mỹ, USS John McCain, tàu khu trục lớp Arleigh, cũng thực hiện một sứ mạng tương tự quanh quần đảo Hoàng Sa, nơi Việt Nam và Trung Quốc có tuyên bố chủ quyền chồng chéo.
Trước đó chính quyền của Tổng thống Biden cũng thực hiện sứ mạng đầu tiên trong năm nay có sự góp mặt của hai hàng không mẫu hạm Mỹ là USS Nimitz và USS Theodore Roosevelt.
Nhóm tàu sân bay tác chiến Theodore Roosevelt diễn tập với nhóm tàu sân bay tác chiến Nimitz trên Biển Đông ngày 9/2/2021 (US Navy)
Hai nhóm tác chiến tàu sân bay vừa kể đã phối hợp hoạt động trên Biển Đông hôm 9/2, nhằm chứng minh khả năng tương tác giữa các khí tài cũng như khả năng chỉ huy kiểm soát của Hải quân Mỹ trong một môi trường có nhiều thử thách.
Hãng tin Bloomberg đánh giá cuộc tập trận có phối hợp của 2 nhóm tác chiến tàu sân bay Mỹ thể hiện lập trường cứng rắn hơn của tân chính phủ Mỹ dưới quyền ông Biden.
Khẳng định tự do hàng hải, quyền qua lại vô hại
Những hoạt động được tăng cường của hải quân Mỹ trên Biển Đông đi kèm với vị thế cứng rắn hơn của Washington về mặt ngoại giao.
Bộ Ngoại giao Mỹ nặng nề đả kích Bắc Kinh về việc thông qua Luật Hải cảnh - cho phép lực lượng hải cảnh và các tàu dân quân Trung Quốc sử dụng "mọi phương tiện cần thiết", kể cả nổ súng vào tàu nước ngoài nào mà Bắc Kinh cho là đã "xâm nhập các vùng biển của Trung Quốc".
Washington nói động thái này gây "quan ngại sâu sắc" và thể hiện quyết tâm của Bắc Kinh dùng bạo lực để "củng cố các yêu sách lãnh thổ phi lý của Trung Quốc" trong khu vực.
Đồng thời, Ngũ Giác Đài cảnh cáo Trung Quốc chớ "đơn phương áp đặt bất kỳ quy định nào đòi tàu bè các nước phải ‘xin phép hoặc thông báo trước’, trước khi đi ngang qua các vùng biển đang trong vòng tranh chấp". Washington nhắc nhở rằng luật pháp quốc tế cho phép tàu bè, kể cả các tàu chiến, thực thi quyền "qua lại vô hại" trong các vùng biển quốc tế.
Lời nhắc nhở này còn nhắm vào một số nước khác – như Việt Nam và Đài Loan.
Ngũ Giác Đài tuyên bố :
"Bằng cách qua lại vô hại mà không thông báo hay xin phép bất kỳ nước nào có yêu sách chủ quyền trong khu vực, Hoa Kỳ thách thức những hạn chế bất hợp pháp mà các nước đó đã đơn phương áp đặt trong các vùng biển quốc tế".
Cùng lúc, Bộ Ngoại giao Mỹ tăng sức ép với Trung Quốc bằng cách lên tiếng bày tỏ "quan tâm về các động thái gần đây của Trung Quốc, cho phép sử dụng vũ lực để lấn át các nước láng giềng".
"Chúng tôi nhắc nhở Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa (PRC) rằng các lực lượng hàng hải có trách nhiệm hành động một cách chuyên nghiệp và tự chế khi thực thi quyền hạn của mình".
Người phát ngôn của Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ Ned Price nói tiếp :
"Chúng tôi còn quan tâm về chuyện Trung Quốc có thể viện luật hải cảnh mới để khẳng định các yêu sách chủ quyền bất hợp pháp của họ trên Biển Đông".
‘Lập trường của chính phủ Biden cứng rắn hơn trông đợi’
Chỉ trong tháng đầu tiên từ khi lên nhậm chức, chính phủ của Tổng thống Biden đã thực hiện ít nhất 3 hoạt động hải quân quy mô trong các vùng biển gần Trung Quốc. Asia Times cho rằng đây là "một cuộc biểu dương lực lượng lớn nhất trong thập niên qua".
Trong bài diễn văn về chính sách đối ngoại đầu tiên của ông, Tổng thống Joe Biden mô tả Trung Quốc là ‘đối thủ cạnh tranh nghiêm trọng nhất’ của Mỹ, ông nói Trung Quốc đã trực tiếp tấn công vào trật tự thế giới và các cấu trúc của nền trật tự do Hoa Kỳ xây dựng sau Đệ nhị Thế Chiến, và ông cam kết sẽ trực diện đối đầu những thách thức do Bắc Kinh đặt ra cho sự thịnh vượng, nền an ninh và các giá trị Mỹ.
Tòa Bạch Ốc khẳng định Trung Quốc là trọng tâm trong chính sách đối ngoại của Mỹ, và Washington sẽ làm việc với các đối tác về một chiến lược cho sự cạnh tranh với Bắc Kinh.
"Các lực lượng của Mỹ sẽ điều tàu bè và máy bay tới hoạt động ở bất cứ nơi nào mà luật pháp quốc tế cho phép, để bảo vệ các lợi ích an ninh của chúng tôi và của các đồng minh và đối tác của chúng tôi", người phát ngôn Tòa Bạch Ốc John Kirby lặp lại lập trường từ trước tới nay của Hoa Kỳ.
Ông lưu ý rằng trong số 7 nước đã ký hiệp định quân sự với Mỹ, thì có 5 nước nằm trong vùng Thái Bình Dương, và "chúng tôi đặt rất nặng các nghĩa vụ đó".
Các nước vừa kể gồm có Hàn quốc, Nhật Bản, Philippines, Úc và New Zealand.
Phản ứng trước chính sách cứng rắn hơn của Washington, Trung Quốc tố cáo Hoa Kỳ "vi phạm nghiêm trọng quyền chủ quyền và an ninh của Trung Quốc, và cố ý phá vỡ bầu không khí hòa bình, hữu nghị và hợp tác trên Biển Đông".
Sát cánh với đồng minh kiềm hãm Trung Quốc
Tiếp tục chính sách cứng rắn đối với Trung Quốc của chính phủ tiền nhiệm, nhưng với 1 điểm khác biệt, chính quyền Biden tích cực mời gọi các đồng minh cùng tăng áp lực lên Trung Quốc.
Đang có dấu hiệu là một số đồng minh chủ yếu của Hoa Kỳ đang dấn thân vào nỗ lực quốc tế để kiềm hãm tham vọng của Trung Quốc.
Hai chiến hạm của Pháp, tàu đổ bộ tấn công Tonnerre và khu trục hạm nhỏ Surcouf đã rời cảng Toulon hôm 18/2 và đang trên đường tới Biển Đông, theo Sputniknews.
Bản tin cho biết sau một chuyến hải hành băng qua Địa Trung Hải và Ấn Độ Dương, hai chiến hạm sẽ tham gia các cuộc diễn tập quân sự với Nhật Bản và Hoa Kỳ trong Biển Đông vào tháng Năm sắp tới.
Sứ mệnh Jeanne d’Arc 2021 nhắm 3 mục tiêu : thứ nhất, huấn luyện 147 thủy thủ của hải quân Pháp ; mục tiêu thứ hai là hợp tác khu vực và mục tiêu thứ 3, quan trọng hơn cả, là triển khai các hoạt động tới các vùng có tầm quan trọng chiến lược để bảo vệ các lợi ích của nước Pháp.
Mục đích của sứ mệnh này, theo lời Đô đốc Pierre Vandier, Tham mưu trưởng Hải quân Pháp, là để bảo vệ "quyền tự do hàng hải" và chống lại "hành vi xâm hại" của Trung Quốc.
Chính sách bành trướng của Trung Quốc đã bắt đầu gây lo ngại cho các nước Châu Âu từ năm 2020, khi mà Trung Quốc vận dụng sức mạnh kinh tế, ngoại giao và quân sự để tìm cách lập ra một trật tự mới.
Hồi đầu tháng Hai, tàu ngầm tác chiến dùng năng lượng hạt nhân Émeraude và tàu tiếp tế Seine của Pháp cũng được triển khai tới tuần tra các vùng biển đang trong vòng tranh chấp.
Sputniknews dẫn lời Bộ trưởng quốc phòng Pháp Florence Parly :
Pháp không phải là nước Châu Âu duy nhất đưa tàu chiến tới Biển Đông.
Anh và Đức dự kiến sẽ thực hiện các cuộc diễn tập lớn trong các vùng biển lân cận Trung Quốc trong những tháng tới.
Ngoài ra, một tàu chiến của Hải quân Hoàng gia Canada đã thực hiện "hoạt động đòi quyền tiếp cận" qua eo biển Đài Loan trên đường tới dự các cuộc tập trận chung với các đối tác từ Hoa Kỳ, Úc và Nhật Bản.
Úc và các nước Tây Âu khác cũng điều tàu đi ngang qua các vùng biển tranh chấp, để thể hiện lập trường ủng hộ Hoa Kỳ trong nỗ lực đẩy lùi tham vọng bành trướng của Bắc Kinh trên Biển Đông, tuyến hàng hải thiết yếu đối với thương mại quốc tế, trước khi Bắc Kinh thâu tóm toàn bộ Biển Đông.
Hoài Hương
Nguồn : VOA, 24/02/2021
********************
Thành phố Tam Sa trên quần đảo Hoàng Sa đang tranh chấp, Ảnh chụp vào năm 2012. AFP / Images
Một báo cáo mới của Trường Cao đẳng Chiến tranh Hải quân Hoa Kỳ đã tổng hợp lại những gì đã biết về một trong những thành phố kỳ lạ nhất thế giới.
Tam Sa là thành phố được Trung Quốc thành lập vào năm 2012 và là thành phố có diện tích lớn nhất thế giới, bao gồm 800.000 dặm vuông ( 2.071.990 km2) ở Biển Đông nằm bên trong "Đường lưỡi bò 9 đoạn" mà Trung Quốc tự tuyên bố là của mình.
Điều đó có nghĩa Tam Sa lớn hơn thành phố New York 1.700 lần.
Phần lớn thành phố Tam Sa là nước mặn, mặc dù vậy thành phố này bao gồm quần đảo Hoàng Sa mà Việt Nam và Đài Loan tuyên bố chủ quyền, và quần đảo Trường Sa, mà Việt Nam, Đài Loan, Philippines, Malaysia và Brunei tuyên bố chủ quyền đối với nhiều đảo khác nhau.
Tòa thị chính, có thể gọi như vậy, nằm trên đảo Phú Lâm, một trong những đảo thuộc quần đảo Hoàng Sa.
"Từng là một tiền đồn xa xôi, đảo Phú Lâm đã trở thành một trung tâm hoạt động nhộn nhịp", theo bản báo cáo dài 57 trang với nhiều chú thích của chuyên gia Trung Quốc Zachary Haver cho Viện Nghiên cứu Hàng hải của Trường Đại học Chiến tranh Trung Quốc. "Hòn đảo tự hào có cơ sở hạ tầng cảng được mở rộng, cơ sở khử muối và xử lý nước thải trong nước biển, nhà ở công cộng mới, hệ thống tư pháp đang hoạt động, vùng phủ sóng mạng 5G, trường học và các chuyến bay dân sự thường xuyên đến và đi từ đất liền"
Ngoài đảo Phú Lâm, thành phố Tam Sa đang "phát triển du lịch ở quần đảo Hoàng Sa, thu hút hàng trăm công ty mới đăng ký, nuôi trồng thủy sản và khuyến khích việc cư trú lâu dài", báo cáo cho biết. Có nhà tù và tòa án, nơi hai người bị xét xử và kết án vì tội mua và vận chuyển động vật hoang dã nguy cấp ở quần đảo Trường Sa.
Câu hỏi rõ ràng là tại sao Trung Quốc lại đi một đoạn đường dài như vậy để xây dựng cơ sở hạ tầng dân sự ở một vùng sông nước nằm dưới sự kiểm soát hiệu quả của Hải quân Quân Giải phóng Nhân dân và lực lượng bảo vệ bờ biển bán quân sự của Trung Quốc.
Câu trả lời đầy sắc thái của Haver là hệ thống "hợp nhất quân sự-dân sự" của Trung Quốc là "một cơ chế để quản lý các khu vực tranh chấp như thể chúng là lãnh thổ của Trung Quốc", giống như bất kỳ thành phố đại lục nào. Thành phố Tam Sa thực sự là một phần mở rộng của Đảng Cộng sản Trung Quốc.
"Việc mở rộng các thể chế đảng-nhà nước của thành phố cho phép chính quyền thành phố trực tiếp điều hành các khu vực tranh chấp ở Biển Đông và đảm bảo quyền ưu tiên của các lợi ích của Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTrung Quốc) trong việc ra quyết định ở địa phương", báo cáo viết.
Thành phố Tam Sa là cái mà Trung Quốc gọi là thành phố cấp tỉnh, trên đất liền là một đơn vị hành chính bao gồm thành phố trung tâm cũng như các thành phố, thị trấn, làng mạc và khu vực nông thôn xung quanh. Nói cách khác, lớn về mặt địa lý – nhưng không lớn như vậy.
"Việc kiểm soát hành chính bình thường hóa" do thành phố Tam Sa thực hiện là mạnh nhất ở Hoàng Sa, nhưng "các yếu tố của hệ thống này cũng tồn tại ở quần đảo Trường Sa và có dấu hiệu mở rộng", Haver, một thành viên tại Trung tâm Nghiên cứu Trung Quốc cấp cao, viết, Haver đã sống ở Trung Quốc ba năm và thông thạo tiếng Quan Thoại.
Thành phố Tam Sa, chỉ mới chín năm tuổi, là bằng chứng cho thấy Trung Quốc dự định định cư lâu dài.
"Khi giao những trách nhiệm này cho chính quyền thành phố và hỗ trợ phát triển của thành phố, Bắc Kinh đã tiết lộ rằng tham vọng của họ vượt ra ngoài việc thống trị Biển Đông thông qua các hoạt động của CCG (Cảnh sát biển Trung Quốc) và Hải quân PLA", Haver kết luận.
"Thông qua việc bình thường hóa hệ thống kiểm soát hành chính của Tam Sa, Trung Quốc đang dần biến các khu vực tranh chấp trên Biển Đông thành lãnh thổ trên thực tế của Trung Quốc".
Peter Coy
Nguyên tác : China Has An 800,000-Square-Mile ‘City’ in the South China Sea,Bloomberg, 19/02/2021
Anh Khoa dịch
Nguồn : VNTB, 23/02/2021
*********************
Máy bay ném bom của Trung Quốc tập trận răn đe Mỹ và đồng minh ở Biển Đông
RFA, 24/02/2021
Có it nhất 10 máy bay ném bom hiện đại của lực lượng hải không quân thuộc Chiến khu miền Nam của Quân đội Giải phóng Nhân dân Trung Quốc đã tập trận ngoài biển vào ngay sau kỳ nghỉ năm mới, một động thái được cho là nhằm răn đe Mỹ và các nước đồng minh tại khu vực Biển Đông. Truyền thông Nhà nước Trung Quốc loan tin này hôm 24/2.
Máy bay ném bom H-6 của Trung Quốc cất cánh trong một diễn tập gần đây - chinamil.com.cn
Đài truyền hinh Trung ương Trung Quốc (CCTV) hôm 23/2 trích lời một chỉ huy của sư đoàn máy bay ném bom của Trung Quốc cho biết cuộc tập trận tập trung vào các cuộc tấn công bằng tên lửa nhắm vào các mục tiêu trên biển và các mục tiêu khác với các tình huống chiến thuật, thử khả năng phối hợp giữa các máy bay chiến đấu cũ và mới của Trung Quốc.
Trang Hoàn Cầu Thời Báo hôm 24/2 trích phân tích của các chuyên gia quân sự giấu tên nhận định, có hai loại máy bay ném bom tham gia cuộc tập trận bao gồm máy bay H-6J là loại máy bay ném bom hiện đại nhất của hải quân Trung Quốc có khả năng mang 6 tên lửa chống tàu, và máy bay H-6G là loại máy bay ném bom cũ hơn với khả năng mang 4 tên lửa.
Cả hai loại máy bay này đều được chính thức giới thiệu lần đầu trong một cuộc tập trận vào tháng 7 năm ngoái ở Biển Đông, ngay sau khi Hoa Kỳ điều hai nhóm tàu hàng không mẫu hạm vào tập trận ở vùng nước tranh chấp.
Hoàn Cầu Thời Báo trích lời chuyên gia quân sự giấu tên của Trung Quốc cho rằng cuộc tập trận không quân mới nhiều khả năng là một cuộc tập trận định kỳ và không nhắm cụ thể vào bất cứ quốc gia nào. Tuy nhiên, cuộc tập trận cho thấy Trung Quốc có lợi thế lớn về mặt quân sự ở khu vực Biển Đông. Quân đội Giải phóng Nhân dân Trung quốc có thể bảo vệ chủ quyền quốc gia và toàn vẹn lãnh thổ không chỉ với các tên lửa đạn đạo chống tàu mà còn bằng cả những cuộc tấn công của các máy bay ném bom, tàu chiến và tàu ngầm.
Cuộc tập trận không quân của Trung Quốc diễn ra vào khi Mỹ và Pháp vừa điều các tàu chiến vào Biển Đông tập trận, thực hiện hoạt động tuần tra tự do hàng hải.
Hôm 9/2, đội tàu tấn công hàng không mẫu hạm Theodore Roosevelt đã tham gia diễn tập cùng đội tàu tấn công hàng không mẫu hạm Nimitz ở Biển Đông.
Pháp hồi tuần trước cũng điều hai chiến hạm tới Biển Đông và đang điều thêm 2 chiến hạm khác tới tham gia tập trận cùng Mỹ. Ngoài Pháp, Anh quốc cũng dự định gửi nhóm tàu tấn công hàng không mẫu hạm đến khu vực Biển Đông.
RFA tiếng Việt
*******************
Mai Vân, RFI, 24/02/2021
Trước những hành động liên tiếp của Trung Quốc, điều tàu công vụ xâm nhập lãnh hải của Nhật Bản xung quanh vùng quần đảo Senkaku/Điếu Ngư ở biển Hoa Đông, bộ Quốc Phòng Mỹ ngày hôm qua, 23/02/2021 đã yêu cầu Bắc Kinh chấm dứt các hành vi gây căng thẳng đối với Tokyo.
Trong một cuộc họp báo, phát ngôn viên Lầu Năm Góc John Kirby xác định rằng Hoa Kỳ có cùng quan điểm với cộng đồng quốc tế về quần đảo Senkaku và chủ quyền đối với quần đảo này, do vậy, Mỹ "ủng hộ rõ ràng tuyên bố chủ quyền của Nhật Bản ở vùng này và yêu cầu Trung Quốc tránh các hành động như sử dụng tàu Hải Cảnh, có nguy cơ dẫn đến tính toán sai lầm và gây tổn hại cả về sinh mạng con người lẫn vật chất".
Lầu Năm Góc đã tuyên bố như trên sau vụ hai tàu Hải Cảnh Trung Quốc bị phát hiện ở vùng ngoài khơi quần đảo Senkaku liên tiếp trong hai ngày 20 và 21/02 vừa qua.
Theo đài truyền hình Nhật Bản, quần đảo Senkaku hiện do Nhật Bản kiểm soát, và Tokyo luôn khẳng định các đảo này là một phần vốn có của lãnh thổ Nhật Bản. Trung Quốc thì tuyên bố chủ quyền trên các đảo này và liên tục cho tàu công vụ áp sát vùng đảo mà họ đặt tên là Điếu Ngư.
Trong những ngày gần đây chính phủ Mỹ đã bày tỏ quan ngại về Luật Hải Cảnh mới của Trung Quốc có hiệu lực từ ngày 01/02, cho phép lực lượng cảnh sát biển Trung Quốc sử dụng vũ khí đối với tàu nước ngoài bị cho là xâm nhập trái phép vùng biển của Trung Quốc và không tuân thủ một số mệnh lệnh nhất định.
Phát ngôn viên bộ Ngoại Giao Mỹ gần đây đã tỏ ý lo ngại trước khả năng Bắc Kinh sử dụng luật này để đe dọa các nước láng giềng. Các tàu hải cảnh Trung Quốc cũng đang đẩy mạnh các hoạt động ở Biển Đông.
Mai Vân
Nguồn : RFI, 24/02/2021
********************
Thanh Hà, RFI, 22/02/2021
Báo Asia Times ngày 21/02/2021tiết lộ trong mục đích tăng cường khả năng phòng thủ trên không, bộ trưởng Quốc Phòng Indonesia, Prabowo Subianto dường như đang để ý đến loại chiến đấu cơ Rafale của Pháp và F-15EX của Mỹ. Jakarta chờ đợi được giao hàng trong ba năm sắp tới.
Trước AsiaTimes, tạp chí chuyên ngành Aerospatium trên mạng (aerospatium.info) đã phấn khởi nêu lên câu hỏi : sau Ai Cập, Qatar, Ấn Độ và Hy Lạp, liệu Indonesia sẽ là thành viên mới trong câu lạc bộ các khách hàng mua chiến đấu cơ Rafale của Pháp hay không ? Hợp đồng chưa được các bên đặt bút chính thức ký kết tuy nhiên giới quan sát coi đây là một thông báo "chính thức" : Hôm 18/02/2021, tư lệnh Không Quân Indonesia, thống chế Fajar Prasetyo đã "chi tiết hóa kế hoạch" đặt mua 36 chiến đấu cơ Rafale của Pháp và 8 chiếc F-15EX do tập tập đoàn Mỹ Boeing chế tạo. Kèm theo đó Indonesia cũng đang có kế hoạch mua thêm máy bay vận tải của hãng Airbus và loại C130J của do tập đoàn Lockheed Martin sản xuất.
Asia Times trong ấn bản trên mạng ngày 21/02/2021 thì chú trọng đến những tuyên bố của bộ trưởng Quốc Phòng Indonesia. Cũng trong ngày 18/02/2020 ông Prabowo đã đề cập đến các dự án mua chiến đấu cơ của Pháp và Mỹ nhưng lại im lặng về hợp đồng trang bị máy bay chiến đấu Sukhoi của Nga. Vẫn theo tờ báo này Jakarta thông báo kế hoạch nâng cấp khả năng phòng thủ trên không sau khi vừa thông qua ngân sách quốc phòng cho năm 2021 trị giá hơn 9,2 tỷ đô la và đây là hợp đồng đặt mua chiến đấu cơ lớn nhất chưa từng thấy của Indonesia.
Nếu mọi việc được hanh thông, Indonesia sẽ là quốc gia Đông Nam Á đầu tiên trang bị chiến đấu cơ Rafale do tập đoàn Dassault của Pháp sản xuất. Quyết định này đã được đưa ra sau hai cuộc họp trực tiếp giữa bộ trưởng Quốc Phòng Indonesia, Prabowo với đồng nhiệm Pháp Florence Parly hồi tháng 10/2020 và tháng Giêng 2021.
Thanh Hà
Nguồn : RFI, 22/02/2021
***********************
Trọng Nghĩa, RFI, 21/02/2021
Theo truyền thông Nhật Bản, ngày 19/02/2021, Hải quân Nhật Bản đã tổ chức một cuộc diễn tập quân sự chung với chiến hạm của Mỹ và Pháp ở vùng biển ngoài khơi quần đảo Kyushu miền tây Nhật Bản.
Theo trang mạng đài truyền hình Nhật Bản NHK, tham gia cuộc diễn tập có tàu tiếp tế Nhật JS Hamana, khu trục hạm Mỹ USS Curtis Wilbur và hộ tống hạm Pháp FNS Prairial.
Đây là cuộc diễn tập tiếp tế trên biển đầu tiên trong khuôn khổ một thỏa thuận quân sự Nhật-Pháp đã ký kết năm 2019, cho phép quân đội hai nước cung cấp qua lại cho nhau hàng tiếp tế, như thực phẩm, nhiên liệu và đạn dược.
Theo NHK, cuộc diễn tập dường như còn nhằm thể hiện sự hợp tác mạnh mẽ giữa 3 nước trong bối cảnh Trung Quốc gia tăng hoạt động trên biển. Hộ tống hạm Pháp Prairial đã đến vùng Biển Hoa Đông trong tháng này, để giám sát việc Bắc Triều Tiên tôn trọng lệnh cấm vận của Liên Hiệp Quốc.
Pháp điều chiến hạm đến Thái Bình Dương, sẽ ghé Biển Đông
Trong thời gian gần đây, Pháp đã có dấu hiêu rất năng nổ tại vùng biển Châu Á, đặc biệt là Biển Đông.
Theo trang tin Naval News, Hải quân Pháp vừa thông báo việc tàu đổ bộ tấn công Tonnerre cùng hộ tống hạm Surcouf đã rời cảng Toulon miền Nam nước Pháp vào ngày 18/02, trực chỉ vùng Thái Bình Dương trong một chuyến công tác kéo dài 3 tháng.
Chiến hạm Pháp sẽ đi qua Biển Đông 2 lần và tham gia một cuộc tập trận chung với quân đội Mỹ và Nhật Bản vào tháng 5. Vào tuần trước, bộ trưởng Quân Lực Pháp đã tiết lộ sự kiện tàu ngầm tấn công hạt nhân Émeraude và tàu tiếp tế Seine của Pháp cũng vừa hoàn tất một chuyến tuần tra ở Biển Đông.
G7 : Nhật Bản "quan ngại" về việc Trung Quốc thống trị Biển Đông và Biển Hoa Đông
Cũng liên quan đến Biển Đông, nhân cuộc họp của lãnh đạo 7 cường quốc thuộc nhóm G7 tổ chức qua cầu truyền hình, thủ tướng Nhật Bản ngày hôm qua, 20/02/2021 (tính theo giờ Nhật Bản), đã bày tỏ thái độ quan ngại về những nỗ lực đơn phương của Trung Quốc nhằm thay đổi hiện trạng ở các vùng Biển Đông và Biển Hoa Đông.
Theo bản tường trình của đài truyền hình Nhật Bản NHK, ông Yoshihide Suga đã đưa ra tuyên bố như trên nhân cuộc họp cùng với các lãnh đạo Mỹ, Canada, Anh, Pháp, Đức và Ý.
Đây là cuộc họp G7 đầu tiên có sự tham dự của thủ tướng Nhật Yoshihide Suga, cũng như tổng thống Mỹ Joe Biden và tân thủ tướng Ý Mario Draghi.
Theo NHK, thủ tướng Suga còn cho biết thêm là Nhật Bản vẫn sẽ tiếp tục lên tiếng về những "điều cần phải nói" và yêu cầu Bắc Kinh phải có hành động.
Lời cáo buộc Trung Quốc được thủ tướng Nhật Bản đưa ra vào lúc Trung Quốc tiếp tục cho tàu công vụ vào quấy nhiễu trong vùng biển của Nhật Bản quanh quần đảo Senkaku/Điếu Ngư trên Biển Hoa Đông. Theo hãng NHK, tuần duyên Nhật Bản vào hôm nay 21/02, đã phải xua đuổi hai tàu công vụ Trung Quốc đã săn đuổi tàu cá Nhật Bản và tiến vào vùng lãnh hải của Nhật quanh đảo Taisho thuộc quần đảo Senkaku/Điếu Ngư.
Trọng Nghĩa
Nguồn : RFI, 21/02/2021
Pháp - Mỹ : Trump chỉ trích Macron về kế hoạch phòng vệ Châu Âu (RFI, 10/11/2018)
Đối thoại Pháp - Mỹ ngày 10/11/2018 dự trù có "nhiều sóng gió". Vừa đặt chân đến Paris chuẩn bị dự 100 năm kỷ niệm Hòa Ước kết thúc Đệ Nhất Thế Chiến, tổng thống Hoa Kỳ Donald Trump chỉ trích dự án thành lập liên minh quân sự Châu Âu. Đây là sáng kiến của tổng thống Pháp Emmanuel Macron.
Tổng thống Mỹ Donald Trump trao đổi với tổng thống Pháp Emmanuel Macron (P) tại điện Eélysée, ngày 10/11/2018. Christophe Petit Tesson/via Reuters
Sau các hồ sơ thương mại, Iran hay khí hậu, dự án thành lập một lực lượng phòng thủ chung Châu Âu trở thành mối bất đồng mới giữa Washington và Paris. Trong tin nhắn trên Twitter ngày 09/10/2018 ông Trump trực tiếp nhắm vào tổng thống Pháp : "Tổng thống Macron đề nghị Châu Âu thành lập một lực lượng quân sự chống lại Hoa Kỳ, Trung Quốc và Nga (...) Một sự sỉ nhục nhưng có lẽ trước hết Châu Âu cần đóng góp cho NATO, một tổ chức phần lớn do Mỹ tài trợ !"
Tổng thống Macron là người đề xuất dự án thành lập liên minh quân sự Châu Âu nhằm tăng cường khả năng can thiệp của Châu lục này trong bối cảnh đe dọa từ phía Nga ngày càng gia tăng, còn Hoa Kỳ thì lơ là với các đồng minh tây Âu và nhất là ông Trump không bỏ lỡ một cơ hội nào đòi các đối tác Châu Âu tăng các khoản đóng góp cho hòa bình và an ninh chung của thế giới.
Thông tín viên đài RFI từ Washington, Anne Corpet tường thuật :
"Kễ kỷ niệm một trăm năm kết thúc Đệ Nhất Thế Chiến sẽ là một khoảnh khắc rất đẹp. Tổng thống Mỹ đã cho biết như trên trước khi lên lên đường sang Paris. Luôn thu hút mọi chú ý về mình, Donald Trump nói thêm : Các nhà lãnh đạo trên thế giới sẽ đến Paris và nhất là họ biết rằng nước Mỹ cũng sẽ hiện diện ở đó. Chủ nhân Nhà Trắng sẽ tham gia buổi tại Khải Hoàn Môn vào ngày 11 tháng 11 nhưng ông sẽ không dự Diễn Đàn Hòa Bình. Đây là nơi mà đối thoại đa phương là kim chỉ nam trong quan hệ quốc tế.
Donald Trump đánh cược trên tương quan lực lượng và ông thích áp đặt quan điểm trong các cuộc đối thoại song phương hơn là tìm kiếm đồng thuận với nhiều đối tác cùng một lúc.
Tổng thống Hoa Kỳ làm việc với nguyên thủ Pháp Emmanuel Macron vào sáng nay. Ngoài ra, Nhà Trắng không dự trù họp song phương với tổng thống Nga. Thế nhưng Donald Trump cho biết ông sẽ gặp Vladimir Putin trong bữa ăn trưa cùng với nhiều vị lãnh đạo khác.
Theo lời một quan chức Mỹ, sự hiện diện của tổng thống Trump tại Paris lần này nhằm nhắc nhở đến vai trò quan trọng của Washington đối với Châu Âu trong qua khức và ngày nay, Hoa Kỳ vẫn chiếm một vị trí quan trọng đối với hòa bình và an ninh của Châu Âu. Dù vậy chắc chắn là Donald Trump sẽ nhân cơ hội này nhắc lại với các đồng minh rằng bảo vệ Châu Âu đè nặng lên túi tiền của người dân Mỹ".
Thanh Hà
********************
Trump, Macron nhất trí về phòng thủ sau lùm xùm về đạo quân Châu Âu (VOA, 11/11/2018)
Tổng thống Mỹ Donald Trump và Tổng thống Pháp Emmanuel Macron hôm thứ Bảy nhất trí về việc Châu Âu cần chi tiêu nhiều hơn cho phòng thủ, khỏa lấp tình hình căng thẳng trước đó khi ông Trump lên Twitter mô tả lời kêu gọi của ông Macron cho một đạo quân Châu Âu là "rất xúc phạm".
Tổng thống Mỹ Donald Trump (trái) và Tổng thống Pháp Emmanuel Macron trong Điện Élysée, ngày 10 tháng 11, 2018
Gặp nhau để hội đàm tại Điện Élysée một ngày trước các hoạt động kỉ niệm đánh dấu 100 năm Thế chiến thứ nhất kết thúc, ông Macron chào đón ông Trump tới Paris vào một ngày mưa. Ngồi trên ghế thếp vàng trong dinh tổng thống, ông Macron đặt tay lên đầu gối của ông Trump và gọi ông là "bạn tôi", trong khi ông Trump giữ khoảng cách xa hơn dù ông cũng nêu bật những điểm chung về một vấn đề mà trước đó đã gây nên xích mích.
"Chúng tôi muốn có một Châu Âu cường thịnh, điều đó rất quan trọng với chúng tôi, và bất cứ cách nào mà chúng tôi có thể làm điều đó tốt nhất và tiện lợi nhất sẽ là điều mà cả hai chúng tôi đều muốn", ông Trump nói.
"Chúng tôi muốn giúp Châu Âu nhưng phải công bằng. Hiện tại Mỹ chịu phần lớn gánh nặng".
Ông Macron nhắc lại ý đó, nói rằng ông muốn Châu Âu gánh thêm chi phí quốc phòng trong khối NATO, một luận điểm mà ông đã liên tục nêu ra kể từ khi nhậm chức, cùng với tham vọng của ông là Châu Âu có năng lực quân sự của riêng mình.
"Đó là lí do tại sao tôi tin rằng các đề xuất của tôi cho phòng thủ của Châu Âu là hoàn toàn nhất quán với điều đó", ông Macron nói bằng tiếng Anh.
Chuyến thăm của ông Trump nhằm mục tiêu củng cố liên minh Mỹ-Âu vào một thời điểm mang tính biểu tượng trong khi thế giới đánh dấu kỉ niệm một trăm năm Thế chiến thứ nhất kết thúc.
Nhưng trong một dòng tweet trước khi hạ cánh tại Paris, ông Trump tỏ ra bực bội về những bình luận mà ông Macron đưa ra trong một cuộc phỏng vấn trên đài phát thanh Europe 1 trong tuần này, trong đó ông dường như mô tả Mỹ là một mối đe dọa.
Bàn về những nguy cơ ngày càng lớn từ tấn công tin tặc, can thiệp vào các tiến trình bầu cử và quyết định của Mỹ rút khỏi hiệp ước phi đạn, ông Macron nói Châu Âu cần phải tự vệ trước Trung Quốc, Nga "và thậm chí cả Mỹ nữa".
Sau đó trong cuộc phỏng vấn, ông nói về sự cần thiết của một đạo quân Châu Âu, nói rằng :
"Đối mặt với Nga, nước nằm sát biên giới của chúng ta và nước đã cho thấy họ có thể đe dọa... chúng ta cần một Châu Âu có thể tự vệ tốt hơn, mà không lệ thuộc hoàn toàn vào Mỹ".
Ông Trump, người đã hối thúc các đồng minh NATO chi nhiều tiền hơn cho phòng thủ chung và không dựa dẫm vào Mỹ, lên Twitter than phiền.
"Rất xúc phạm, nhưng có lẽ Châu Âu trước hết phải trả cho đủ phần của NATO mà Mỹ trợ cấp rất nhiều", ông Trump nói trên Twitter.
Điện Élysée nói sự hiểu lầm, điều mà họ nói là do các bản tin của báo chí Mỹ "phóng đại", đã được làm sáng tỏ trong hơn một giờ hội đàm mà họ mô tả là "đáng kể" và "rất có tính xây dựng".
"Chúng tôi đã có một cuộc thảo luận rất tốt và chúng tôi đồng quan điểm", Điện Élysée dẫn lời ông Trump nói trong cuộc họp, bàn về thương mại, quốc phòng, Syria và hệ quả từ vụ sát hại nhà báo người Ả-rập Saudi Jamal Khashoggi ở Istanbul vào tháng trước.
********************
Tổng thống Pháp kêu gọi xây dựng 'Quân đội Âu châu' đối phó với Mỹ, Trung Quốc và Nga (BBC, 10/11/2018)
Trong cuộc phỏng vấn với kênh radio Europe 1 vào đầu tuần, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron nói với tình hình quốc tế hiện nay, khi Mỹ rút khỏi một số hiệp ước quốc tế bao gồm hiệp định biến đổi khí hậu Paris và gần đây nhất là hiệp ước vũ khí hạt nhân tầm trung năm 1987 với Nga, có nghĩa là Châu Âu cần phải tự bảo vệ bản thân.
Tổng thống Emmanuel Maccron ngồi đối diện ông Donald Trump tại Hội nghị G7 tại Canada hồi tháng 6.
"Chúng ta sẽ đang không bảo vệ người Châu Âu trừ khi chúng ta có một quân đội Âu Châu thực sự".
"Chúng ta cần một Châu Âu mà có thể tự bảo vệ chính mình, mà không cần phụ thuộc vào Hoa Kỳ, theo một cách có chủ quyền hơn".
Pháp là nước ủng hộ mạnh mẽ và có tiếng nói nhất về việc xây dựng quân đội u Châu nhưng nhiều quốc gia khác vẫn còn đang do dự về cách làm thế nào để các quốc gia Âu Châu có thể hợp tác mật thiết về quân sự.
Tuy nhiên, lời tuyên bố trên của Tổng thống Pháp Emmanuel Macron có vẻ đã làm Tổng thống Mỹ Donald Trump nổi giận.
Ông Trump đang trên đường sang Pháp để dự sự kiện kỷ niệm 100 năm kể từ Thế chiến thứ nhất kết thúc.
Ông Trump giận dữ đăng trên Twitter rằng :
"Tổng thống Macron của Pháp vừa đề nghị Châu Âu xây dựng quân đội riêng để bảo vệ nó khỏi Mỹ, Trung Quốc và Nga. Rất xúc phạm, nhưng có lẽ Châu Âu trước tiên nên trả khoản phí công bằng của nó vào Nato, vốn đã được Hoa Kỳ trợ cấp rất nhiều !".
Ông Trump trước đó đã kêu gọi các quốc gia Nato đóng góp tối thiểu 2% GDP vào chi phí liên minh nhưng chỉ một số thành viên đạt được cam kết này.