Mẹ Hồ Duy Hải mong đón con trai về trước Tết Canh Tý 2020
Ben Ngô, RFA, 02/12/2019
Mẹ của tử tù Hồ Duy Hải chia sẻ với Đài Á Châu Tự Do về hành trình 12 năm kêu oan ròng rã "nước mắt cạn khô" và bày tỏ mong muốn được đón con trai về nhà trước Tết Canh Tý 2020.
Hình minh họa : Tử tù Hồ Duy Hải tại tòa. Bà Nguyễn Thị Loan, mẹ tử tù Hồ Duy Hải - Courtesy of FB, RFA edit
Sau 12 năm kêu oan, tử tù Hồ Duy Hải, người bị kết tội giết người và cướp tài sản vừa có thêm một cơ hội sống khi Viện Kiểm sát Nhân dân tối cao đưa ra kháng nghị giám đốc thẩm, đề nghị xóa bỏ toàn bộ các bản án trước đó để điều tra lại. Truyền thông trong nước loan tin này hôm 30/11.
Theo truyền thông trong nước, Viện Kiểm sát Nhân dân tối cao vừa có kháng nghị giám đốc thẩm, để nghị Hội đồng thẩm phán Tòa án Nhân dân tối cao xét xử thủ tục giám đốc thẩm, hủy toàn bộ bản án sơ thẩm năm 2008 của Tòa án Nhân dân tỉnh Long An và bản án phúc thẩm năm 2009 của Tòa phúc thảm Tòa án Nhân dân tối cao Thành phố Hồ Chí Minh đối với Hồ Duy Hải để điều tra lại theo đúng quy định pháp luật.
Quyết định kháng nghị mới nhất này thay thế quyết định không kháng nghị của Viện trưởng Viện Kiểm sát Nhân dân tối cao vào năm 2011.
Trả lời RFA hôm 2/12, bà Nguyễn Thị Loan nói về cảm giác khi được tin về bản kháng nghị :
"Tôi rất vui mừng vì cái giám đốc thẩm này tôi đã chờ đợi xuyên suốt 12 năm qua. Tôi vui và cũng biết ơn tất cả mọi người trong và ngoài nước đã trợ giúp tôi một đoạn đường dài như vậy mới được ngày hôm nay. Không có nỗi vui mừng nào mà tả nổi hết".
"Gia đình tôi đã đi đòi công lý suốt 12 năm qua, coi như là nước mắt cạn khô rồi, tiền bạc đất đai nhà cửa thì không nói. Bây giờ là không mong gì, chỉ mong có bảy chữ thôi, ‘yêu cầu kháng nghị giám đốc thẩm’ mà hôm nay mới được. Xin nói là hôm nay tôi mới được toại nguyện".
Bà Nguyễn Thị Loan nói là bà đang chuẩn bị đi qua trại giam Công an tỉnh Long An "xin cho con trai được tại ngoại vì đã có kháng nghị giám đốc thẩm thì con trai tôi vô tội hoàn toàn" và "nay mai phải trả tự do cho con trai tôi".
Bà Loan kể về lần gần nhất đi thăm anh Hồ Duy Hải, người bị giam từ năm 23 tuổi và nay đã 35 tuổi :
"Lần gần nhất là hôm 14/10 là tôi gặp con trai tôi. Còn vừa qua là hôm 29/11 thì tôi chỉ được gửi đồ ăn thôi. Từ ngày hoãn thi hành án đến giờ thì con tôi ốm lắm. Nó đi như một ông già… Nhắc tới là tôi đau dữ lắm, không thể nào mà… Tưởng tượng mà tôi nằm nghĩ con tôi chờ đợi đã quá mỏi mòn rồi. Bản thân mình bị oan sai mà bị giam cầm trong chốn lao tù, bóng tối nhà giam. Tôi thì không thấy được cái phòng con tôi bị giam nhưng mà tôi tưởng tượng không có nỗi đau nào mà tả nổi đau trong trại giam".
Đề cập về hành trình kêu oan cho con, bà Nguyễn Thị Loan chia sẻ rằng "có những lúc mệt mỏi chứ không bao giờ muốn bỏ cuộc" và những lúc bà bị bệnh thì "đều cố gắng vượt qua, để mau hết bệnh, tới ngày đi Hà Nội tới chỗ Phủ Chủ tịch nước, Chủ tịch Quốc hội dùng hết sức lực la lên, hy vọng rằng tiếng nói của tôi được lên camera, chứ còn đơn đã gửi trên 2.000 bộ mà không thấy sự phản hồi nào".
"Phải thả con trai tôi về thôi trong năm 2019 thôi. Cái bức xúc của tôi. Tôi thay vào đó là sự căm hờn và oán hận. Xin phép mọi người hiểu cái nỗi lòng của người mẹ là tại sao tôi phải nói những câu đó, quá khổ rồi. Tới một ngày tôi ra ngoài trời, la lên ‘ông Trời ơi, đừng bất công với gia đình tôi nữa, gia đình tôi khổ như vầy là đủ lắm rồi !’
Kể về mối cơ duyên nhận được sự giúp đỡ của bà Trần Thị Nga, tức blogger Thúy Nga, người hiện đang thi hành án 9 năm tù với cáo buộc ‘Tuyên truyền chống phá Nhà nước’, bà Nguyễn Thị Loan nói :
"Trước ngày hoãn thi hành án, tôi chạy ra Hà Nội cùng với chị tôi. Tình cờ gặp qua cô Thúy Nga này. Lúc đó tôi đang la lên. Cô ấy đi ngoài đường thấy và chạy lại hỏi ‘vụ gì mà bác bức xúc như vậy'. Vô tình mà cô ấy đi qua đi lại. Cô ấy không biết tôi là ai mà tôi cũng không biết cô ấy là ai. Lúc đó cô ấy nói ‘thôi bác bình tĩnh, để con hướng dẫn bác qua tòa, rồi bác nói, chứ giờ bác đứng đây bác la mà chủ tịch Quốc hội đâu có ở đây, người ta ở trên lầu, trên cao mà bác đứng đây bác la thì có ai nghe đâu. Cô Thúy Nga giúp đỡ tôi qua tòa, cất tiếng nói lên bác chánh tòa…".
Bà Nguyễn Thị Loan cũng kể thêm về một "người ơn" khác là bà Lê Thị Nga, thời điểm mấy năm trước là phó chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Quốc hội :
"Hoãn thi hành án xong, trong vòng mấy ngày đó thì có một cuộc điện thoại. Chị tôi không biết là ai. Người đó nói là ‘bà không cần biết tôi là ai, bà đi về trong Nam đi, sẽ có người giải quyết cho cháu bà dừng thi hành án lại. Hai chị em tôi mới vừa về, chưa kịp mừng cái sáng bữa sau có tin thi hành án con trai tôi. Tôi mới nói ‘chuyện gì mà kỳ cục vậy'. Cái có cú điện thoại hỏi ‘giờ thi hành án con bà, bà nghĩ sao ?’. Tôi mới nói ‘nghĩ gì, bây giờ tính diệt con tôi giết người diệt khẩu hoặc bịt đầu mối, giờ tôi sẽ không tin ai hết, tôi sẽ ra Hà Nội gặp lãnh đạo cấp lớn nhất ở trung ương để hỏi tại sao con tôi bị oan mà sao lại bị giết".
"Cô Lê Thị Nga, phó chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Quốc hội vào giám sát ở tỉnh Long An. Cô đã gặp con trai tôi và gọi kêu gia đình tôi đến gặp ở đường Nam Kỳ Khởi Nghĩa, chỗ nhà khách lãnh đạo. Cô rất là có tâm, nói là đã làm việc với hai luật sư của gia đình tôi rồi, luật sư Nguyễn Văn Đạt và Trần Hồng Phong, trong ba ngày khác nhau. Khi sắp về thì cô mới nói là hai bà cho tôi hỏi về quá trình Hồ Duy Hải từ nhỏ đến lớn rồi cho chúng tôi ra về".
Bà Nguyễn Thị Loan nói bà "tâm đắc có một đại biểu như bà Lê Thị Nga" và vui mừng khi nghe bà Nga lên làm chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Quốc hội vì bà Nga "rất có tâm, lên nắm quyền, soi xét người dân như là dân oan Hồ Duy Hải".
Bà Nguyễn Thị Loan chia sẻ thêm rằng bà đang ngóng đợi ngày về của con trai :
"Tôi rất là hy vọng vì tôi nghĩ là một khi mà trung ương đã chỉ đạo, Viện Kiểm sát Nhân dân tối cao đã nhận thấy con tôi oan, cho kháng nghị giám đốc thẩm, thì chuyện thả con tôi về, quý ông quý bà ngoài đó [Hà Nội] cũng phải giải quyết cho con tôi về trong năm 2019 Kỷ Hợi này".
"Nguyện vọng của tôi là, tôi nghĩ là cái tâm của quý ngài đã biết đến cái sự oan của Hồ Duy Hải thì thả về thôi, con tôi quá bị oan rồi mà cứ giam cầm ở trong đó đâu có được. Mà năm nay tôi nói là tôi chỉ chịu đựng được hết năm 2019 Kỷ Hợi này thôi. Con tôi mà cứ bị giam hoài như vậy là tôi không thể nào chịu nổi. Quá sức chịu đựng của tôi rồi. Tôi xin nói như vầy, cơ quan nào làm sai thì cứ nhận đi. Riêng còn gia đình tôi thì cũng không biết quy trách nhiệm về ai hết, miễn là nhận làm sai thì thả Hồ Duy Hải con trai tôi về thôi chứ bây giờ con tôi oan mà cứ nhốt trong đó hoài. Tôi không chịu. Để sang năm 2020 là tôi khổ lắm đó. Tôi nhớ con tôi nhiều lắm luôn, tôi sẽ không chịu nổi đâu".
Trong quyết định kháng nghị mới nhất, Viện Kiểm sát Nhân dân tối cao đã chỉ ra một loạt các sai phạm của các cơ quan tiến hành tố tụng như : bỏ sót chứng cứ vụ án, không trưng cầu giám định vết máu, không đưa lời khai của Hồ Duy Hải và người làm chứng vào hồ sơ vụ án dẫn đến sai làm trong giải quyết vụ án.
Theo Viện Kiểm sát Nhân dân tối cao, trong lời khai đầu tiên ngày 20/3/2008, Hồ Duy Hải đã không nhận tội nhưng bản khai này và một số lời khai nhân chứng không được đưa vào hồ sơ vụ án.
Viện Kiểm sát Nhân dân tối cao cũng xác định bản án sơ thẩm và phúc thẩm có nhiều nhận định và kết luận chưa phù hợp với tình tiết khách quan vụ án, việc thu thập, đánh giá chứng cứ tài liệu chưa đầy đủ ; nhiều nội dung cần chứng minh của vụ án còn mâu thuẫn chưa được làm rõ.
Vụ án Hồ Duy Hải được coi là một trong những vụ được chú ý nhiều nhất trong các năm qua tại Việt Nam và khiến quốc tế phải lên tiếng.
Theo nội dung vụ án, Hồ Duy Hải quen biết với hai nữ nhân viên bưu điện Cầu Voi ở ấp 5, xã Nhị Thành, huyện Thủ Thừa, Long An vào năm 2007. Sáng ngày 14/1/2008, người ta phát hiện hai nữ nhân viên này bị sát hại dã man tại nơi làm việc.
Các bản án sơ thẩm và phúc thẩm sau đó ở tỉnh Long An và thành phố Hồ Chí Minh vào các năm 2008 và 2009 đều xác định Hải, lúc đó mới 23 tuổi, đã "giết người" và "cướp tài sản", và tuyên án tử hình.
Sau khi hai bản án được tuyên, mẹ của Hồ Duy Hải là bà Nguyễn Thị Loan đã đi kêu oan cho con ở khắp nơi nhiều năm ròng rã.
Hồi tháng trước, Ân xá Quốc tế Na Uy đã gửi thư với chữ ký của hơn 25.000 người đến Tổng Bí Thư - Chủ tịch Nguyễn Phú Trọng kêu gọi hủy bản án tử hình đối với Hồ Duy Hải.
Trước đó, vào tháng 5/2018, một kiến nghị với 25.000 chứ ký cũng đã được gửi tới cố Chủ tịch nước Trần Đại Quang kêu oan cho tử tù Hồ Duy Hải.
Năm 2015, Ủy ban Tư pháp Quốc hội Việt Nam tuyên bố việc xét xử Hồ Duy Hải đã diễn ra không đúng các trình tự pháp luật, thiếu bằng chứng, và kêu gọi điều tra lại.
Trước đó, vào tháng 12/2014, nguyên Chủ tịch nước Trương Tấn Sang cũng đã ra lệnh hoãn thi hành án, đúng một ngày trước khi Hồ Duy Hải bị thi hành án.
Ben Ngô
Nguồn : RFA, 02/12/2019
Link video bà Nguyễn Thị Loan trên trang Chuyện Của Thịnh
*********************
Tử tù Hồ Duy Hải được đình chỉ thi hành án, chờ điều tra lại
VOA, 02/12/2019
Sau hơn 10 năm "kêu oan" cho tử tù Hồ Duy Hải, cuối cùng gia đình cũng nhận được thông báo của Viện Kiểm sát nhân dân tối cao hôm 2/12 về việc đình chỉ thi hành án và hủy toàn bộ các bản án trước đó để điều tra lại.
Hồ Duy Hải tại phiên tòa thúc thẩm năm 2009 và Thông báo của Viện Kiểm sát nhân dân tối cao ngày 28/11/2019. Photo by Facebook and Nguyen Thi Loan
Từ Long An, bà Nguyễn Thị Loan, mẹ của Hồ Duy Hải, cho VOA biết rằng bà nhận được thông báo của Viện Kiểm sát nhân dân tối cao sáng ngày 2/12 :
"Sáng nay tôi mới nhận được một văn bản trong đó Viện Kiểm sát nhân dân tối cao chỉ đạo hủy hai bản án sơ thẩm (2008) và phúc thẩm (2009) đối với Hồ Duy Hải".
"Tôi rất mừng vì các cơ quan có thẩm quyền đã biết thừa nhận rằng cấp dưới của họ đã làm sai và đưa ra văn bản đề nghị xử giám đốc thẩm đối với Hồ Duy Hải", bà Loan nói thêm.
Hồ Duy Hải bị bắt vào tháng 3/2008 và vào tháng 12/2008 bị kết án tử hình vì bị buộc tội giết người và cướp tài sản. Năm 2015, Ủy ban Tư pháp của Quốc hội Việt Nam kêu gọi xem xét lại vụ việc sau khi phát hiện bản án có sai sót trong quá trình tố tụng.
Ngày 7/12/2017, Viện trưởng Viện Kiểm sát Long An kiến nghị thi hành án đối với Hồ Duy Hải. Tuy nhiên, kiến nghị của Viện trưởng Viện Kiểm sát Long An cần được phê duyệt ở cấp trung ương mới có thể tiến hành.
Hơn 10 năm qua, gia đình của tử tù Hồ Duy Hải liên tục kêu oan, kể cả trong nước và quốc tế.
Bà Loan cho biết :
"Đoạn đường tôi đi kêu oan cũng nhờ sự ủng hộ của mọi người, trong cũng như ngoài nước tác động vào. Tôi có sang Cao ủy Nhân quyền Liên Hiệp Quốc và Ân xá Quốc tế ở Thái Lan năm 2017".
Vụ án tử tù Hồ Duy Hải phạm hai tội giết người và cướp tài sản đã kéo dài 12 năm qua với nhiều quan điểm tranh cãi trái chiều.
Hôm 24/10, Ân xá Quốc tế cho biết, hơn 25 ngàn người từ Na Uy đã ký trong một thỉnh nguyện thư gửi đến Tổng bí thư - Chủ tịch Nguyễn Phú Trọng kêu gọi hủy bản án tử hình đối với Hồ Duy Hải.
Vào tháng 3 năm ngoái, tổ chức này kêu gọi Việt Nam hành động khẩn cấp và hủy bỏ án tử hình cho Hồ Duy Hải, cho rằng bản án tử hình đối với tử tù này "không đạt tiêu chuẩn quốc tế về việc xét xử công bằng".
Vào tháng 12/2014, Chủ tịch nước khi đó là ông Trương Tấn Sang cũng đã đề nghị Chánh án Tòa án nhân dân tối cao chỉ đạo cho tạm dừng thi hành hình phạt tử hình đối với bị cáo Hải.
Các nhà quan sát ở trong nước nhận định rằng việc hoãn thi hành án tử hình đối với Hồ Duy Hải là việc cần thiết, nhưng điều quan trọng hơn là Việt Nam phải có một trình tự tố tụng đảm bảo không lặp lại sai lầm, án oan sai.
****************
Việt Nam : Viện Kiểm sát nhân dân tối cao yêu cầu hủy án tử hình ông Hồ Duy Hải
Trọng Thành, RFI, 02/12/2019
Viện Kiểm sát nhân dân tối cao Việt Nam hôm 30/11/2019 ban hành quyết định "kháng nghị giám đốc thẩm", trong vụ án tử tù Hồ Duy Hải, đề nghị Tòa Án Tối Cao hủy toàn bộ bản án, và điều tra lại.
Hồ Duy Hải. Ảnh của Ân Xá Quốc Tế@Amnesty International Australia
Theo Viện Kiểm sát nhân dân tối cao, cơ quan tố tụng đã có nhiều vi phạm nghiêm trọng. Đây là cơ sở để định chế tư pháp này yêu cầu hủy các bản án đối với bị cáo, bị kết án tử hình với cáo buộc sát hại hai nhân viên bưu điện, cách nay hơn 10 năm.
Từng suýt bị thi hành án, ông Hồ Duy Hải (sinh năm 1985, bị giam giữ suốt 10 năm qua), chỉ thoát chết nhờ lệnh tạm hoãn "thi hành án" của chủ tịch Nước vào phút chót. Vụ Hồ Duy Hải được công luận trong và ngoài nước rất chú ý. Hồi tháng trước, Ân Xá Quốc Tế Na Uy đã gửi kiến nghị đến Chủ tịch nước, với chữ ký của 25.000 người, yêu cầu điều tra lại bản án bất công.
Trên các mạng xã hội, có nhiều thông tin về việc ông Hồ Duy Hải là người bị thế mạng cho hung thủ thực sự, là thân nhân của quan chức cao cấp. Nhiều nhà quan sát cho rằng, vụ án ông Hồ Duy Hải - với các sai phạm rõ ràng trong điều tra, và cho dù hồ sơ đã được chuyển lên cấp cao nhất, nhưng việc xem xét lại vẫn bị trì hoãn - đã phơi bày thực trạng xã hội Việt Nam, nơi người dân thấp cổ bé họng dễ dàng bị những người có chức quyền chà đạp.
Trả lời RFI Tiếng Việt, luật sư Trần Văn Tạo (từ Sài Gòn) nhận định :
"Cái phản ứng của cơ quan tư pháp, chỗ Viện Kiểm sát nhân dân tối cao, thể hiện rõ thái độ là vụ án này có những uẩn khúc, bây giờ phải được làm rõ. Người ta đã kháng nghị để Hội đồng thẩm phán Tòa Án Tối Cao xem xét lại. Bây giờ cũng phải còn một bước nữa là Tòa Án Tối Cao sẽ mở phiên xử để kết luận xem có đồng ý với thái độ của Viện Kiểm Sát hay không. Còn cái bước đó nữa, chứ chưa phải là chấm dứt đâu…
Tôi không phải là luật sư bào chữa cho anh Hải. Trong giai đoạn anh Hải chuẩn bị đưa ra tử hình, tôi mới được biết có vụ án như vậy. Và tôi thấy, khi đọc hồ sơ, có những dấu hiệu vi phạm tố tụng hình sự, cho nên tôi mới đặt vấn đề. Vì dù cho như thế nào chăng nữa, khi xử lý phải thật là đúng… cho nên tôi mới đặt vấn đề cho các anh trong lãnh đạo. Và khi đặt vấn đề thì các anh cũng đã có thái độ rõ ràng là cho xem xét lại. Quá trình xem xét thì phải nói là các cấp, các ngành tư pháp đã tham gia tích cực để làm cho rõ. Thái độ chung, mà khi có những chuyện không rõ ràng, thì phải xem xét lại. Tôi cho là thái độ tốt".
Theo báo chí trong nước, luật sư Trần Văn Tạo, nguyên phó giám đốc sở Công An Thành phố Hồ Chí Minh, chính là người đã gửi thư đến chủ tịch Nước hồi năm 2014, đề nghị xem xét lại bản án ông Hồ Duy Hải, đúng một hôm trước ngày dự kiến "thi hành án". Ông Trương Tấn Sang, chủ tịch Nước vào thời điểm đó, đã ra lệnh đình chỉ thi hành án (1).
Vụ án ông Hồ Duy Hải dường như rơi vào bế tắc từ năm 2015. Tháng 3/2015, lãnh đạo Liên ngành của bộ Công An, Viện Kiểm sát nhân dân tối cao, Tòa án nhân dân tối cao, đã họp để có câu trả lời với chủ tịch Nước và đoàn giám sát của Ủy ban Thường vụ Quốc hội. Kết luận đưa ra vào thời điểm đó là những vi phạm, thiếu sót trong quá trình điều tra "không làm thay đổi bản chất vụ án". Kể từ đó đến nay, người tử tù sống trong nỗi sợ hành quyết.
Trọng Thành
(1) Xem bài : "Thoát án tử hình trong gang tấc", báo Lao Động, ngày 21/06/2018.
Tổ chức Ân xá Na Uy với hơn 25.000 chữ ký vừa với văn bản cho Nguyễn Phú Trọng, yêu cầu ân xá cho từ tù Hồ Duy Hải, đây không phải là tổ chức quốc tế đầu tiên và duy nhất. Quả bóng trách nhiệm đang trước mặt Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng. Cơ hội để Trọng có thể làm người tử tế vẫn còn đó. Liệu trước khi bị loại bỏ khỏi chính trường Trọng có đủ sáng suốt để chứng tỏ ít nhất là trong lồng ngực ông ta cũng có trái tim ?
Hình minh họa. Bà Nguyễn Thị Loan, mẹ tử tù Hồ Duy Hải kêu oan cho con và bài báo về Hồ Duy Hải Courtesy of Facebook
Lãnh đạo chóp bu của đảng và nhà nước Việt Nam có phẩm chất rất đặc biệt là rất điềm tỉnh, im lặng trước những thảm họa của dân tộc, của số phận người dân.
Không có lý do im lặng
Trước thảm hoa Formosa tàn phá vùng biển miền trung, tàn phá môi trường sống, nguồn sinh kế của người dân bốn tỉnh, Nguyễn Phú Trọng hoàn toàn im lặng sau chuyến đi thăm kẻ thủ ác Formosa.
Bốn tháng qua, tàu Trung cộng giày xéo lên vùng biển đặc quyền kinh tế Việt Nam, Trọng kiên trì im lặng mãi đến ngày khai mạc hội nghị trung ương thứ 11 mới mở miệng nhưng cũng chỉ là cách nói trịch thượng, giành độc quyền yêu nước mà không đưa ra được kế sách gì bảo vệ chủ quyền.
Nguồn nước sông Đà nhiểm bẩn, không khí Hà Nội pha bột thủy ngân, bụi mịn, Trọng vẫn lẳng im trùm chăn chữa bệnh cho mình. Không khí trong phòng Trọng đương nhiên được lọc kỹ. Nước sinh hoạt của Trong đương nhiên có nguồn riêng được xét nghiệm mỗi ngày. Là lãnh đạo Trọng phải lo chuyện lớn, đốt lò nào, củi nào để bắt chuột mà không phải vở bình, chuyện sống chết của dân là chuyện nhỏ.
Thế nhưng có những chuyện tuy nhỏ nhưng được luật pháp quy định vào trách nhiệm cá nhân của chức vụ, khi nhận chức vụ thì không thể thoái thác trách nhiệm đó. Chức vụ Chủ tịch Nước trong chế độ đảng cầm quyền toàn trị như ở Việt Nam chẳng bõ bèn gì so với quyền lực tuyệt đối của Tổng bí thư nhưng nó vẫn có những ưu quyền riêng của nó mà Tổng bí thư không thay thế đươc. Chủ tịch nước là nguyên thủ quốc gia, có quyền phong tướng, phong anh hùng…. trong đó có quyền và trách nhiệm xem xét ân xá hoặc bác đơn ân xá cho các tử tù. Đây là quyền độc lập của Chủ tịch nước mà không có cơ chế quyền lực nào khác ngăn trở.
Phép thử với trái tim
Trường hợp tử tù Hồ Duy Hải là một vụ án oan không ai có thể lầm lẫn đã kéo dài đến 12 năm. Gia đình Hồ Duy Hải, nhiều luật sư, tổ chức xã hội trong ngoài nước đã liên tục lên tiếng kêu oan Trong nhiệm kỳ Quốc hội khóa trước, bà Lê Thị Nga lúc đó là Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Quốc hội đã phát biểu trước phiên họp toàn thể, kiến nghị xem xét lại bản án vì kết tội tử hình chưa có cơ sở vững chắc và trong điều tra, truy tố, xét xử đã xảy ra hàng chục vi phạm quy định tố tụng, chỉ cần một vi phạm thôi đã phải hủy án. Bà Nga đã tổng hợp các vi phạm ấy trong văn bản dài hơn 10 trang gởi đến các cơ quan có trách nhiệm.
Hình minh họa. Tử tù Hồ Duy Hải tại tòa. Bà Nguyễn Thị Loan, mẹ tử tù Hồ Duy HảiCourtesy of FB, RFA edit
Đến nay, bà Nga vẫn còn đó và là Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Quốc hội, bà vẫn chưa có văn bản nào rút lại kiến nghị của mình nhưng án tử vẫn treo lơ lửng trên đầu Hồ Duy Hải và số phận tử tù của em còn kéo dài không biết tới bao giờ.
Bà Nguyễn Thị Loan, mẹ Hồ Duy Hải vẫn ngày đêm lăn xả kêu oan cho con. Cả gia đình ba chị em bà Loan đã khánh kiệt sau hơn 10 năm kêu oan đã phải bán hết nhà cửa ruộng vườn.
Chuyện Hồ Duy Hải, số phận một thanh niên vào tù từ năm 18 tuổi quá nhỏ bé so với uy quyền, chức vụ của ông Tổng bí thư, Chủ tịch nước vĩ đại. Ông Trọng có toàn quyền im lặng như đã từng im lặng trước bao đau thương, oan trái khác của người dân.
Với những vụ việc khác như oan trái ở Thủ Thiêm, ô nhiễm ở Vũng Áng… ông Trọng có thể biện bạch lý do im lặng là nó phức tạp, ta đánh ta sợ phải vỡ bình… cần có thời gian, cần nhiều yếu tố xem xét… Vụ việc Hồ Duy Hải quá sức đơn giản, không có thế lực thù địch nào tác động, chi phối để các cơ quan tố tụng dưới quyền ông phải vi phạm các quy định tố tụng buộc tôi oan một thanh niên. Hoặc là họ quá yếu kém nghiệp vụ nên quy kết oan ức cho người ngay như Nguyễn Văn Chấn, Huỳnh Văn Nén… hoặc là họ cố ý bao che cho tội phạm nên đẩy Hồ Duy Hải thành hình nhân thế mạng.
Quyền ân xá của Chủ tịch Nước là quyền nhân đạo, không ảnh hưởng đến tiến trình tư pháp trước đó, không ảnh hưởng đến thành tích, vai vế của Trương Hòa Bình, Chánh án Tòa án nhân dân tối cao hay Nguyễn Hòa Bình Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân tối cao thời điểm đó. Ân xá cũng không có ý nghĩa phải điều tra tìm ra hung thủ thật sự của vụ án. Dù có ai đó tác động để kết án oan cho Hồ Duy Hải thì họ vẫn an toàn, vẫn vô tội nếu Hải được ân xá.
Tóm lại, ân xá cho Hồ Duy Hải đó là việc rất nhỏ, rất đơn giản không mảy may ảnh hưởng tơ hào đến sự nghiệp chính trị vẻ vang của ngài Tổng bí thư Chủ tịch nước vĩ đại. Nếu ông Trọng vẫn im lặng bỏ qua thì quả là chỉ vì ông lãnh cảm với sinh mạng con người.
Ngược lại, nếu ông Trọng còn chút sáng suốt và trong huyết quản của ông có chút hồng cầu nhắc nhở ông ký quyết định ân xá cho Hồ Duy Hải thì không chỉ người dân trong nước mà dư luận thế giới có thể nhìn vào ông, vào chế độ toàn trị của ông với ánh mắt khác đi.
Ít nhất người ta cũng có hy vọng rằng ông không phải là bạo chúa máu lạnh, thản nhiên giết oan người vô tội.
Sang làm được một nửa, Trọng thì sao ?
Năm năm trước, Chủ Tịch Nước Trương Tấn Sang đã làm đươc điều chưa có tiền lệ, chỉ đạo Văn phòng Chủ Tịch Nước ra công văn hoãn thi hành án Hồ Duy Hải vào giờ chót. Một quyết định chấn động dư luận, cứu sống mạng người đươc dư luận cả nước đồng tình tuy nó chỉ là một ý kiến nửa vời.
Năm năm qua, với những kiến nghị của các luật sư Trần Hổng Phong, Trần Văn Tạo, với kết quả giám sát và kiến nghị của đại biểu Quốc hội Lê Thị Nga, vụ việc quá sức sáng tỏ. Tiếp tục kéo dài lơ lửng án tử của Hồ Duy Hải ngày nào thì sự nhạo báng công lý và sự phi nhân của nền tư pháp càng kéo dài thêm ngày đó.
Với tuổi tác và sức khỏe hiện nay, ngày ông Trọng rời xa quyền lực thậm chí ngày rời xa thế giới này để đi gặp ông Mác, ông Hồ cũng không còn xa, ký một quyết định nhân đạo cứu sống một thanh niên vô tội là cơ hội để ông có thể để lại điều gì đó cho sự nghiệp của mình.
Nguyễn Tấn Dũng khi rời quyền lực đã nói đươc câu "xin làm người tử tế". Hy vọng rằng, ông Trọng làm đươc điều đó ngay khi đang còn quyền lực. Ân xá cho Hồ Duy Hải là cơ hội để tự ân xá cho mình.
Nhưng đâu chỉ có Hồ Duy Hải, còn đó Nguyễn Văn Chưởng, Lê Văn Mạnh, Đặng Văn Hiến … bao nhiêu án tử oan đang chờ ân xá.
https://youtu.be/gDYVUAbAg7A
Gió Bấc
Nguồn : RFA, 29/10/2019 (Gió Bấc's blog)
Mùa hè năm nay, có một thanh niên rụt rè tìm cách liên lạc với tôi, mục đích là nhờ tôi xem và góp sức cho một video ngắn, nói về tử tù Hồ Duy Hải. Điều làm tôi ngạc nhiên, bởi mọi công việc của Chung, tên người thanh niên ấy, đều đến từ một giấc mơ thôi thúc anh.
Nỗi đau khổ và tuyệt vọng của một người mẹ có con là tử tù bị án oan - Ảnh mẹ của Hồ Duy Hải ở Long An
Hai năm trước Chung ngẫu nhiên đọc được những tin tức về tử tù Hồ Duy Hải ở Long An. Câu chuyện về một thanh niên trẻ bị gán, sắp đặt các chứng cứ như để chết thay cho con cháu của một cựu quan chức cộng sản khiến Chung trở thành một nhà điều tra độc lập : Anh tìm, cất giữ mọi thông tin về Hồ Duy Hải, lọc lại mọi nguồn nghi vấn và lời của luật sư, theo dấu những hình ảnh người mẹ của Hồ Duy Hải đội nắng mưa ở Hà Nội kêu oan cho đứa con mình.
Mọi thứ ám ảnh Chung đến mức thành một giấc mơ. Chung mơ thấy Hồ Duy Hải được trả tự do. Anh thấy mọi người trong gia đình của Hải khóc và cười, thấy công lý trên đất nước này có thật chứ không là bánh vẽ. Anh ngồi dậy và quyết định rằng mình phải làm một cái gì đó.
Từ đó, Chung tìm cách liên lạc với mẹ của Hồ Duy Hải để làm một bản video clip nhỏ, như một cách góp sức vào việc kêu gọi mọi người hãy quan tâm đến số phận của một thanh niên đang bị đẩy vào đoạn đầu đài, bất chấp tiếng khóc như điên dại của người mẹ, của những luật sư đã tận lực chỉ ra mọi cáo buộc chỉ là giả trá.
Chung vào Saigon kiếm sống từ nhiều năm nay, là một người gốc ở Thái Bình. Công việc của Chung vất vả và hoàn toàn không dính dáng gì đến chuyện đời xã hội, nhưng Chung nói anh đã không thể ngồi yên, nên dành rất nhiều thời gian để vận động chung với gia đình của Hồ Duy Hải. Thế nhưng hầu hết các báo nhà nước đều im lặng, không phản hồi gì về bài viết và video của Chung gửi đến. Chỉ có một số ít blog và trang mạng xã hội có khuynh hướng độc lập mới đưa lại, tiếp sức cho Chung.
Đây không phải là câu chuyện ăn khách mới, nhưng rõ có cái gì đó thật bất thường khi nhiều tờ báo lớn cũng có vẻ ngại ngùng về đề nghị nhắc lại vụ án thảm thiết kêu oan hơn 10 năm, và cũng bất thường khi quan chức cấp cao ở Long An thì trơ trẽn hối thúc phải thi hành án tử để kết thúc sự kiện này.
Còn ngay trong tù, ngày thường của Hồ Duy Hải cũng luôn bị đặt vào tình trạng căng thẳng nhất : không được đọc báo, không được xem tivi… để bịt mắt hoàn toàn những gì ngoài xã hội đang lên tiếng cho mình. Thậm chí khi được gia đình thăm nuôi thì luôn có chục công an viên đứng canh cả mẹ lẫn con, ngăn cấm không cho nói bất cứ lời nào về vụ án. Ngay cả hy vọng vào công lý hay niềm tin vào sự sống của mình, phía Nhà nước cộng hòa xã hội chủ nghĩa Long An cũng ráo riết ngăn chận, không cho gia đình hay Hồ Duy Hải được nối sức với nhau.
Khi quan lại và bọn âm mưu thao túng công lý, dân lành chỉ còn lại hy vọng và tiếng nói. Ngay cả những con người xa lạ như Chung, hôm nay cũng muốn góp một lời cho sự kiện Hồ Duy Hải, cho thấy mười năm hay nhiều hơn nữa, ngọn lửa đòi sự thật chỉ ngày càng lớn hơn, lan rộng hơn chứ không le lói như kẻ ác mong đợi.
Xin hãy một lần nữa chia sẻ cùng Chung, và chia sẻ cùng gia đình của oan tử Hồ Duy Hải. Chưa bao giờ như lúc này, những người mong chờ một cuộc sống tốt đẹp cần đoàn kết, đứng cùng với nhau để nhìn rõ hơn và đòi hỏi nhiều hơn cho sự thật, cho lẽ phải.
Xem video ở đây, do chính Chung thực hiện :
https://www.facebook.com/chung.thep/videos/353816648355970/
***************
Lời kêu gọi của Chung
Từ khi tôi biết tin về vụ án oan của anh Hồ Duy Hải và người mẹ của Anh là cô Nguyễn thị Loan, hơn 10 năm đi khắp nơi từ địa phương lên trung ương để kêu oan cho con tôi cảm thấy khâm phục, xúc động làm tôi suy nghĩ rất nhiều về nỗi đau mà gia đình cô gặp phải.
Cách đây không lâu tôi đã nằm mơ về nơi cô ở, gặp Cô và gia đình để chia sẻ nỗi đau và cùng nhau kêu gọi mọi người trong xã hội lên tiếng cho gia đình của anh Hồ Duy Hải.
Hình ảnh của cô đã ám ảnh trong tôi, khiến tôi phải làm điều gì đó và hôm nay tôi đã có mặt tại nơi Cô ở để có thể nói chuyện và chia sẻ cùng gia đình Cô về câu chuyện dường như chỉ có thể tồn tại trong tiểu thuyết.
Tôi đã tìm hiểu rất kỹ về vụ án.
Khi đọc hồ sơ vụ án tôi thấy có quá nhiều điều vô lý và khuất tất, nói chính xác là họ cố tình ghép tội cho Anh ấy, một bản kết tội quá hoang đường đẩy một người vô tội thành một người có tội một cách phi lý và sai pháp luật.
Chính vì thế hôm nay tôi và gia đình cô thay mặt một người bị án tử tù oan xin được kêu gọi sự giúp đỡ của tất cả mọi người trong và ngoài nước hãy lên tiếng bằng mọi phương tiện để anh được minh oan và trở về với gia đình tiếp tục cuộc sống.
Chúng ta hãy cùng nhau lên tiếng cho một người bị oan và một người mẹ suốt 10 năm trời đi kêu oan cho con, kêu gọi cơ quan có thẩm quyền xem xét lại toàn bộ quá trình tố tụng của vụ án một cách khách quan, trả lại công bằng cho người bị oan và tìm ra hung thủ thật sự để người bị hại chết được siêu thoát.
**********************
Các bằng chứng chứng minh anh Hồ Duy Hải bị oan :
1. Dấu vân tay để lại tại hiện trường không phải là của Hồ Duy Hải.
2. Không có nhân chứng nào khẳng định nhìn thấy Hồ Duy Hải, và Cơ quan điều tra cũng không chứng minh được đương sự có mặt tại hiện trường trong buổi tối xảy ra vụ án.
3. Cơ quan điều tra không tìm thấy và thu giữ được những tang vậy mà bị cáo Hồ Duy Hải khai đã dùng để gây án. Cơ quan điều tra phải nhờ người ra chợ mua mới (dao và thớt) hoặc dùng chiếc ghế tương tự khác để thay thế cho "hung khí thật" !
4. Hồ sơ vụ án bị làm sai lệch : Lời khai của Hồ Duy Hải trong bản cung bị tự tiện tảy xóa, sửa chữa, không có sự xác nhận của bị cáo.
5. Hội đồng xét xử chỉ chọn và sử dụng những chứng cứ, lời khai có lợi cho việc buộc tội, ngược lại không sử dụng và loại bỏ những chứng cứ, lời khai có lợi cho việc gỡ tội !
******************
Link các bài viết của các luật sư và của các nhà báo đã điều tra và chứng minh Anh Hồ Duy Hải bị kết án oan qua mười năm qua bên dưới cmt.
Xin mọi người cùng lên tiếng cứu một người vô tội !
Tháng 5/2018
Chung thép
Hồ Duy Hải là phiên bản Huỳnh Văn Nén, Hàn Đức Long ? (VNTB, 15/01/2018)
Nhân án mạng Bưu cục Cầu Voi, bà cựu phó Chủ tịch Nước - Trương Mỹ Hoa liệu có phải đang chịu tiếng oan là bao che cho kẻ thủ ác ? Những người nhà của các nạn nhân chết tức tưởi làm sao lành được vết thương lòng khi có những tử tù chịu án oan, là cũng đồng nghĩa hung thủ vẫn còn ngoài vòng pháp luật.
Trên các trang mạng xã hội tiếp tục có nhiều chia sẻ về oan khuất của tử tù Hồ Duy Hải. Người cha của tử tù Nguyễn Văn Chưởng cũng ròng rả kêu oan cho con mình, và ông tiếp tục sống chung với đoàn người dân kêu oan đang vạ vật ở thủ đô Hà Nội suốt mấy năm qua.
Huỳnh Văn Nén và Hàn Đức Long là hai tử tù được minh oan, và hung thủ đã được lôi ra ánh sáng. Nếu như trước đó gia đình của hai người tù này không liên tục kêu oan, có lẽ tro cốt của họ cũng đã phủ lớp bụi dày thời gian nơi chốn thiền tự nào đó.
Ngôi mộ của hai nữ nhân viên Bưu cục Cầu Voi đã bị sát hại (được cho là) vào đêm 13/01/2008.
Và cũng sẽ không công bằng khi người ta chia sẻ cảm xúc về các tử tù đang chịu oan khuất, mà quên mất rằng nỗi đau mất người thân của những vụ án giết người này luôn được xới lại, khi công lý chưa được thực thi ; bởi dường như nhà chức trách bằng lòng với những sai phạm tố tụng đang diễn ra với Hồ Duy Hải, với Nguyễn Văn Chưởng – giống như họ đã từng ra sức bảo vệ các lỏng lẻo tố tụng trong cáo buộc Huỳnh Văn Nén, Hàn Đức Long.
"Dạ, hai người chị của tôi và tôi có đến gia đình của nạn nhân, tới trước thờ đốt nhang rồi nói rằng chuyện này con tôi chắc chắn không thể làm. Gia đình của cô Ánh Hồng, tức nạn nhân, chỉ khóc cùng chúng tôi, chứ không nói gì. Thời gian sau, báo đài cùng đăng tin, lên tiếng rằng con tôi bị oan, người quen chung với hai gia đình nạn nhân kể lại rằng họ nghe được các gia đình đó nói xót thương cho con tôi Hồ Duy Hải, đang đi học mà bị lao lý. Họ chỉ nghe lời công an nói con tôi giết người, thì biết vậy chứ không biết làm sao hơn". Bà Loan, người mẹ của tử tù Hồ Duy Hải, đã chia sẻ như vậy.
Trong một lần tìm hiểu về vụ án Bưu cục Cầu Voi (đóng tại ấp 5, xã Nhị Thành, huyện Thủ Thừa, tỉnh Long An), phóng viên Việt Nam Thời Báo đã đến tìm gia đình hai cô gái xấu số, nhưng không gặp được. Người hàng xóm là bà Ba kể : "Gia đình bà Sáu (tức mẹ nạn nhân Hồng) khổ lắm, nhà có 4 đứa con gái, đứa con thứ 2 không may bị tật nguyền bẩm sinh nên giờ đã hơn 20 tuổi rồi vẫn nằm một chỗ, mọi sinh hoạt, ăn uống phải có người thân lo".
Dẫn chúng tôi ra thăm mộ phần 2 cô gái xấu số nằm cạnh nhau trên bờ ao, vừa đi bà Ba vừa tâm sự : "Con Hồng và con Vân là 2 chị em con chú con bác, nhà lại ở gần nên chơi thân với nhau lắm. Lớn lên 2 đứa xin được vào làm chung trong bưu điện, rồi lại chết chung một ngày… Hồng là con đầu, học hành xong vừa ra đi làm được mấy tháng chưa kịp phụ giúp gì cho cha mẹ thì bị người ta giết dã man. Ngày đưa 2 đứa nó về, nhìn tội lắm, thi thể đứa nào cũng sưng vù lên, bầm tím khắp nơi, lại còn bị cắt vào cổ. Nhìn cảnh đó, hàng xóm xung quanh ai cũng bật khóc, còn người thân thì ngất lên ngất xuống,…
Tính cho đến trung tuần tháng 1/2018, không có (hoặc chưa thấy) báo chí nào đưa tin cho biết cuộc sống hiện nay của gia đình hai nạn nhân trong vụ án Bưu cục Cầu Voi 10 năm về trước.
Theo hồ sơ, ngày 13/01/2008 tại Bưu cục Cầu Voi đã xảy ra một vụ giết người. Nạn nhân là hai nữ nhân viên Nguyễn Thị Ánh Hồng (22 tuổi) và Nguyễn Thị Thu Vân (21 tuổi) bị giết hại dã man (cắt cổ) ở khu vực cầu thang phía sau. Tại hiện trường vương lại nhiều dấu vân tay của hung thủ. Hơn hai tháng sau, ngày 21/03/2008, Hồ Duy Hải - nam thanh niên tại địa phương, nhà cách Bưu điện Cầu Voi khoảng 2 cây số - bị bắt giữ. Hồ sơ thể hiện Hồ Duy Hải là hung thủ duy nhất, thực hiện hành vi giết người tại Bưu điện Cầu Voi. Tại hai phiên tòa sơ thẩm và phúc thẩm, Hồ Duy Hải đều kêu oan.
Luật sư Trần Hồng Phong, người nhận bão chữa cho Hồ Duy Hải, nói rằng các bút lục điều tra có ghi nhận Nguyễn Văn Nghị là người có liên quan và vai trò đặc biệt quan trọng vì Nguyễn Văn Nghị là người yêu của nạn nhân Nguyễn Thị Ánh Hồng, được thể hiện trong lời khai của anh Cao Hoàng Tuấn Anh). Trong đêm xảy ra vụ án, Nguyễn Văn Nghị có ghé vào Bưu điện Cầu Voi và có lời khai nhìn thấy một thanh niên trong bưu điện tối 13/01/2008. Sau đó Nguyễn Văn Nghị đã bị bắt. Cơ quan điều tra từng tạm giữ và lấy lời khai của Nguyễn Văn Nghị. Thế nhưng sau đó Nguyễn Văn Nghị không được đưa vào danh sách "nhân chứng".
"Toàn bộ thông tin, tài liệu liên quan đến Nguyễn Văn Nghị đều bị rút khỏi hồ sơ vụ án. Vì sao không cho Nguyễn Văn Nghị nhận dạng Hồ Duy Hải ? Vì sao không giám định vân tay của Nguyễn Văn Nghị ? Đây là những điều rất bất thường" - luật sư Trần Hồng Phong đặt câu hỏi.
Hồ sơ vụ án cho biết theo kết quả giám định của Phòng Kỹ thuật hình sự Công an tỉnh Long An ngày 11-4-2008 : "Các dấu vết vân tay thu được tại hiện trường vụ án ngày 14/01/2008 tại Bưu cục Cầu Voi… không phát hiện trùng với điểm chỉ 10 ngón in trên chỉ bản của Hồ Duy Hải".
Những ‘án lệ’ Huỳnh Văn Nén, Hàn Đức Long cho thấy khả năng oan sai đối với các tử tù như Hồ Duy Hải ở Long An, như Nguyễn Văn Chưởng ở Hải Phòng.
Các nghi vấn về kẻ thủ ác trong vụ sát hại hai nữ nhân viên Bưu điện Cầu Voi là cháu của cựu phó chủ tịch Nước – bà Trương Mỹ Hoa mà nhiều trang mạng xã hội đăng tải, càng cho thấy vụ án không dừng lại mức độ hình sự thông thường, mà đang được dịch chuyển theo hướng mà nói theo ngôn ngữ tuyên giáo, là đang gây mất niềm tin trong công chúng về việc cơ quan tố tụng bao che "con ông cháu cha" ở bộ máy công quyền.
Nguyễn Văn Nghị có phải quan hệ thân thích với bà Trương Mỹ Hoa như đồn đãi ? Câu hỏi này có lẽ đang cần sự trả lời của ông Nguyễn Phú Trọng, vì theo Quyết định số 105-QĐ/TW do Tổng bí thư ký ban hành, hiệu lực từ ngày 19 tháng 12 năm 2017, thì bà cựu phó chủ tịch Nước Trương Mỹ Hoa chịu sự quản lý của Bộ Chính trị.
Chỉ cần ông Tổng bí thư ký lệnh yêu cầu làm rõ Nguyễn Văn Nghị có phải là cháu của bà cựu phó chủ tịch Nước, thì vụ án Bưu cục Cầu Voi sẽ nhiều khả năng được trả hồ sơ để tiến hành điều tra lại theo trình tự tố tụng ban đầu của Bộ Luật Tố tụng hình sự năm 2015.
Thảo Vy-Trúc Mai
***************
Phiên tòa phúc thẩm xét xử nhà hoạt động Nguyễn Văn Oai đã được diễn ra tại tòa án nhân dân tỉnh Nghệ An sáng ngày 15/01/2018 trong bầu không khí căng thẳng. Bên trong phiên tòa, những lời khai của bị cáo và luận chứng của luật sư đều bị bác bỏ và cuối cùng thẩm phán vẫn tuyên y án sơ thẩm 5 năm tù giam và 4 năm quản chế đối với ông Nguyễn Văn Oai. Bản án được luật sư nhận định là "oan sai".
Nhà hoạt động Nguyễn Văn Oai - Courtesy citizen
Bên ngoài tòa án, băng rôn biểu ngữ với khẩu hiệu "tự do cho Nguyễn Văn Oai" bị giằng lấy xé nát, nhiều người bị đánh đập, cướp điện thoại và hai trẻ vị thành niên đã bị công an bắt đi đâu chưa rõ.
Ngay khi phiên tòa vừa kết thúc, Bà Nguyễn Thị Liệu - mẹ của tù nhân lương tâm Nguyễn Văn Oai nói trong tiếng nấc nghẹn :
"Con tôi nó chống lại, nó không nhận tội nào hết. Phiên tòa xử bất công. Con tôi bị oan. Các ông hãy xử lại cho con tôi".
Nói về những yếu tố pháp lý và căn cứ luận tội ông Nguyễn Văn Oai, Luật sư Hà Huy Sơn cho biết khi vừa ra khỏi cổng tòa án
"Tòa cuối cùng vẫn y án sơ thẩm. Tội không chấp hành án 2 năm, tội chống người thi hành công vụ là 3 năm. Là luật sư tại tòa, tôi đã nói là không có tội.
Để kết tội một người tội không chấp hành án thì phải có điều kiện là đã áp dụng cưỡng chế cần thiết, khi đã áp dụng biện pháp đó rồi mà người ta vẫn không thi hành thì mới kết được tội "không chấp hành án".
Biện pháp cưỡng chế được pháp luật quy định bao gồm : áp giải, dẫn giải, niêm phong tài sản. Cả ba biện pháp này đều chưa được chính quyền thực hiện. Nhưng mà người ta đã quy vào tội không chấp hành án. Do vậy đó là oan sai.
Với tội danh thứ hai, Oai tuy bị thực hiện việc quản chế, bị tước một số quyền của công dân, nhưng quyền được đảm bảo nơi ở là quyền không được tước đoạt. Trên thực tổ công tác công an xã cứ xâm phạm vào nhà anh, đó là vi phạm điều 22 của Hiến Pháp quy định".
Điều 22, Hiến Pháp năm 2013 quy định :
1. Công dân có quyền có nơi ở hợp pháp.
2. Mọi người có quyền bất khả xâm phạm về chỗ ở. Không ai được tự ý vào chỗ ở của người khác nếu không được người đó đồng ý.
3. Việc khám xét chỗ ở do luật định.
Tổ Chức Theo dõi Nhân Quyền (Human Rights Watch) nêu quan điểm trong thông cáo hôm 14/1/2018 :
"Nguyễn Văn Oai bị kết án năm năm tù vì vi phạm điều kiện quản chế, theo điều 304 của bộ luật hình sự và chống người thi hành công vụ, theo điều 257 của bộ luật hình sự trong phiên xử hồi tháng Chín năm 2017. Lệnh quản chế đối với anh, có nội dung buộc phải trình báo theo định kỳ với Ủy ban Nhân dân sở tại và hạn chế đi lại, được căn cứ trên một bản cáo trạng và bản án không thỏa đáng về việc anh có liên quan tới một tổ chức chính trị bị cấm ở Việt Nam, là một sự vi phạm quyền tự do nhóm họp và tự do ngôn luận đối với Nguyễn Văn Oai".
Linh Châu - Vợ của ông Nguyễn Văn Oai và bà Liệu là hai người thân duy nhất được tham dự phiên tòa xét xử sáng nay còn những người khác thì bị ngăn không cho vào phiên tòa.
Cô Linh Châu kể trong nước mắt rằng ông Nguyễn Văn Oai người trông gầy, yếu. Trong phiên tòa Oai đã bị ngăn phát biểu một số quan điểm. Một chi tiết mà cô Linh Châu lưu ý là người được cho "là bị hại cũng là người làm chứng" và "phải cầm giấy để đọc". Điều này được luật sư Hà Huy Sơn cho là không khách quan.
"Ở đây người làm chứng cũng là người thực thi công vụ, giống như người đó là người bị hại và là người làm chứng luôn. Ở phiên tòa thì luật sư và anh oai cũng nói là không hợp lý. Không thể vừa là người bị hại và là người làm chứng được".
Hai người được cho là nạn nhân và là nhân chứng là ông Võ và ông Toán, công an thị xã Hoàng Mai. Chúng tôi đã cố liên lạc với hai ông này để hỏi quan điểm nhưng không được trả lời.
Ở bên ngoài, Ngay từ sáng sớm khi mới gần tới phiên tòa, băng rôn biểu ngữ với khẩu hiệu "tự do cho Nguyễn Văn Oai" bị giằng xé giật đi, nhiều người đã bị đánh đập và cướp điện thoại.
Bà Nguyễn Thị Tri, chị của ông Nguyễn Văn Oai nói : "Chúng tôi rất hoảng sợ. Phiên tòa ngày hôm nay nam rất ít, chỉ toàn là đàn bà phụ nữ cả thôi nên chúng tôi rất sợ. Khi chúng tôi giương băng rôn biểu ngữ lên liền bị xông vào cướp".
Lúc 10g45 phút sáng, tường thuật trực tiếp từ Nghệ An, một người xin dấu tên vì lý do an toàn cho RFA biết :
"Tại hiện trường ngay lúc này, vào lúc 10g30 sáng, một số người mặc thường phục đã lao vào tấn công, cướp giật băng rôn, biểu ngữ của những người thân Nguyễn Văn Oai. Trong lúc đang làm truyền thông, thì anh Nguyễn Văn Thông bị một số người mặc thường phục lao vào ôm lấy anh, đánh đập anh, lôi anh lên xe. Một anh nữa cũng bị bắt đi là anh Huỳnh. Một số chị em vào can thì liền bị đánh đập".
Hai người bị bắt đi đó là em Nguyễn Văn Huỳnh, sinh năm 2000 và em Hồ Huy Thông sinh năm 2002. Cả hai đều chưa đủ 18 tuổi nhưng đã bị đánh đập và bắt đưa đi đâu không rõ. Hai người cũng bị đánh đập là bà Nguyễn Thị Tri – chị của ông Nguyễn Văn Oai và em Nguyễn Thị Thanh – cháu của ông Oai. Em Thanh cũng mới chỉ 17 tuổi và bị những người mặc thường phục tát vào mặt.
Chị Nguyễn Thị Hương xác nhận với chúng tôi từ trước cổng tòa án nhân dân tỉnh Nghệ An :
"Khi lấy điện thoại ra chụp ảnh, lúc đầu thì họ làm khá gắt. Họ giành điện thoại. Sau đó lấy băng rôn ra chụp ảnh thì họ cướp luôn băng rôn. Mà đa số là họ mặc thường phục và mặc đồng phục, với mấy người mặc như bảo vệ dân phố".
Hình ảnh mà chúng tôi có được cho thấy, công an đã đứng chặn đường đi lại khu vực này, ai đi qua đều phải xuất trình giấy tờ và được phép thì mới được đi qua. Trong đó có hai xe phá sóng, và nhiều xe đặc chủng của quân đội, cảnh sát cơ động được điều tới xung quanh phiên tòa.
Lúc 1 :30 phút chúng tôi đã liên lạc được với hai em Hồ Văn Thông và Nguyễn Văn Huỳnh khi hai em đang trên đường về nhà. Hai em cho biết đã bị dùng dùi cui, và đánh đập nhiều.
Hồ Văn Thông, 16 tuổi, kể :
"Trong khi em bắt trên xe, họ toàn đập vào đầu em. Nó bắt cầm điện thoại, cầm đồng hồ, dây thắt lưng, ép vào cánh xe. Nó đánh chừng khoảng 15-16 vào đầu em. Rồi nó lôi vào đồn, bắt em khai báo. Nhưng em không có gì để khai báo cả. Thì nó dùng dùi cui nện 5-6 quả vào tay. Nện xong, nó hỏi lại quay phim như vậy là đúng hay sai ? Em nói là quay đúng, nên nó bắt em quay đầu vào tường, bắt quỳ xuống. Nó nện tiếp. Cái anh không mặc đồng phục tiếp tục đánh em, xong nó bỏ đi. Rồi có một người không mặc đồng phục đến lập biên bản với em. Khi lập biên bản với em xong thì nó không đánh nữa".
Em Nguyễn Văn Huỳnh, 17 tuổi cũng tường thuật trong khi còn đang đau đớn rằng :
"Khi đưa lên xe, họ tập trung vào người, vào lưng và đánh. Sau đó họ bắt ghi lời khai, bắt ghi tên rõ họ tên, gia đình, họ hàng và hỏi nhiều chuyện. Họ niết mặt em xuống. Lúc mới lên xe, một anh niết cổ em xuống. Hai anh lên giẫm vào lưng, một người đằn lưng em xuống, một người chỏ lên lưng và tát lên mặt. bây giờ em còn đau bả vai và cột xương sống".
Trước phiên tòa diễn ra, nhiều giáo xứ tại giáo phận Vinh như Phú Yên, Song Ngọc, Cẩm Trường, Vạn Lộc, Yên Đại, Yên Hòa… đã thắp nến cầu nguyện cho nhà hoạt động Nguyễn Văn Oai. Đó được cho là lý do mà nhà cầm quyền sợ sẽ có hàng ngàn người tham dự phiên tòa xử ông Nguyễn Văn Oai và 13 thanh niên Công giáo như hồi năm 2011.
Năm 2011, ông Nguyễn Văn Oai bị bắt với cáo buộc "hoạt động nhằm lật đổ chính quyền nhân dân" theo điều 79, bộ luật hình sự.
Cũng với khí khái như trong phiên tòa năm 2013, tại phiên toà lần này Nguyễn Văn Oai quả quyết mình chỉ một lòng với đất nước mà bị kết án thôi.
"Trong lời nói sau cùng, anh Oai khẳng định mình vô tội. Tòa kết án anh Oai cũng chỉ là để chia cắt tình cha con, tình mẹ, tình anh em thôi. Chứ với anh thì anh luôn một lòng với đất nước chứ anh không có tội gì cả. vì sự tự do của đất nước, anh phải nói lên điều anh nên làm chứ anh không có tội gì hết. Anh luôn hướng về một đất nước tự do và công bằng", cô Linh Châu thuật lại.
Ngoài cáo buộc "tiết lộ bí mật nhà nước", ông Phan Văn Anh Vũ còn đang bị điều tra một số sai phạm khác về kinh tế, theo truyền thông trong nước.
Phan Văn Anh Vũ còn có một số sai phạm liên quan hoạt động kinh tế
Báo chí Việt Nam hôm 15/1 trích lời ông Trần Đăng Yến, Phó tổng cục trưởng Tổng cục An ninh, Bộ Công an, cho biết rằng ngoài tội "Cố ý làm lộ bí mật nhà nước", nghi can được gọi là Vũ "nhôm" vì từng có thời làm nhôm kính "còn có một số sai phạm liên quan hoạt động kinh tế".
Tuy nhiên, ông Yến từ chối cho biết chi tiết mà chỉ nói rằng "mọi việc đang được làm rõ", theo VnExpress.
Truyền thông trong nước cũng đặt câu hỏi về thẻ ngành công an lan truyền trên mạng mang tên người được cho là "trùm bất động sản" ở Đà Nẵng này là thật hay giả, cũng như vì sao ông này có ba hộ chiếu khi bị bắt ở Singapore, ông Yến chỉ trả lời "vụ án đang được điều tra".
Singapore hôm 2/1 chính thức xác nhận với VOA tiếng Việt về vụ bắt giữ ông Vũ tại quốc gia Đông Nam Á này hôm 28/12/2017 vì vi phạm Luật xuất nhập cảnh của Singapore.
Các luật sư ông Vũ ở Singapore và Đức cho biết rằng thân chủ của mình "muốn tị nạn chính trị ở Đức".
Sau đó, hôm 4/1, Bộ Công an Việt Nam cho biết đã "tiếp nhận" ông Vũ sau khi ông này bị Singapore "trục xuất".
Hồi cuối năm ngoái, Cơ quan An ninh điều tra Bộ Công an đã ra quyết định khởi tố bị can đối với ông Vũ về tội "Cố ý làm lộ tài liệu bí mật nhà nước", nhưng tới nay, vẫn chưa rõ các bí mật đó là gì.
Báo điện tử Zing News dẫn lời ông Yến nói rằng "nhiều người nghĩ doanh nghiệp không liên quan bí mật quốc gia, tuy nhiên trên thực tế có doanh nhân, cán bộ hưu trí vẫn bị khởi tố về tội ‘Cố ý làm lộ bí mật nhà nước’".
Theo Điều 263 Bộ luật hình sự năm 1999, tội "Cố ý làm lộ bí mật Nhà nước" ; tội "chiếm đoạt, mua bán, tiêu hủy tài liệu bí mật nhà nước" có khung hình phạt cao nhất lên đến 15 năm tù.
******************
Vì sao nhà Trịnh Xuân Thanh nộp khắc phục 4 tỷ ? (BBC, 15/01/2018)
Một luật sư ở Việt Nam nói với BBC rằng việc luật sư khuyên gia đình ông Trịnh Xuân Thanh nộp 4 tỷ đồng "khắc phục hậu quả" là "điều phù hợp với bối cảnh của ngành tư pháp Việt Nam".
Ông Trịnh Xuân Giới (giữa), cựu Phó ban Dân vận Trung ương, bố của ông Trịnh Xuân Thanh, trước cổng tòa án
Ông Trịnh Xuân Thanh, Đinh La Thăng và 20 bị cáo đang ra tòa trong vụ án xảy ra tại Tập đoàn dầu khí Việt Nam (PVN) và Tổng công ty xây lắp dầu khí Việt Nam (PVC).
Cáo trạng nói ông Xuân Thanh chiếm hưởng 4 tỷ đồng, và ông bị đề nghị án chung thân với tội Tham ô tài sản.
Ông Trịnh Xuân Giới, cựu Phó ban Dân vận Trung ương, bố của bị cáo Trịnh Xuân Thanh, được báo Infonet của Bộ Thông tin-Truyền thông hôm 14/1 dẫn lời trình bày trước Hội đồng Xét xử :
"Gia đình chúng tôi khi được gặp Trịnh Xuân Thanh trong trại tạm giam có được nghe con trai tôi nói rằng không tham ô tài sản. Tuy nhiên, luật sư của con trai tôi tư vấn rằng để bày tỏ thiện chí, con trai tôi đã nhận trách nhiệm người đứng đầu thì hãy khắc phục hậu quả, số tiền này sẽ được trả lại nếu kết luận con trai tôi không tham ô. Chúng tôi đã tự nguyện nộp 4 tỷ đồng vào tài khoản tạm giữ của cơ quan điều tra".
Lời khuyên luật sư
Trả lời Ben Ngô của BBC Tiếng Việt ngày 15/1, Luật sư Phùng Thanh Sơn, Giám đốc công ty Luật Thế Giới Luật Pháp, bình luận :
"Nếu đứng ở góc độ nào đó, việc luật sư tư vấn để cho bị cáo/gia đình bị cáo tự nguyện nộp lại toàn bộ số tiền theo cáo trạng quy kết có thể dẫn đến một rủi ro cho bị cáo khi gặp phải lập luận từ những người tiến hành tố tụng là : "Nếu bị cáo không tham ô thì tại sao phải nộp lại số tiền đã tham ô".
"Tuy nhiên, nếu xét toàn cảnh tính chất sự việc và yếu tố chính trị trong vụ án này, tôi cho rằng lời khuyên của luật sư đối với ông Thanh và gia đình ông Thanh là phù hợp".
"Bởi lẽ, theo quy định của Bộ luật Hình sự, việc tự nguyện khắc phục hậu quả được xem là một tình tiết giảm nhẹ".
"Và nếu ông Thanh có từ hai tình tiết giảm nhẹ trở lên, tòa án có quyền quyết định một hình phạt dưới mức thấp nhất của khung hình phạt".
'Giải pháp an toàn'
Luật sư Thanh Sơn phân tích thêm : "Trên thực tế ở Việt Nam, một khi bị cáo bị bắt tạm giam, rất hiếm khi được tuyên vô tội".
"Kể cả những vụ việc có dấu hiệu oan sai, thay vì tuyên bị cáo vô tội, tòa thường chọn một giải pháp an toàn cho cơ quan điều tra, Viện Kiểm sát Nhân dân là ra một bản án với thời hạn tù bằng thời hạn bị cáo bị tạm giam".
"Trong khi đây là một trong những vụ "đại án" và ít nhiều bị tác động bởi yếu tố chính trị nên khả năng tuyên ông Thanh vô tội gần như là không có".
"Với số tiền thất thoát đó, lẽ ra tòa hoàn toàn có quyền áp dụng mức án cao nhất là tử hình cho ông Thanh".
"Do đó, việc luật sư tư vấn cho người nhà của ông Thanh nộp tiền để khắc phục hậu quả là hoàn toàn phù hợp trong bối cảnh của ngành tư pháp Việt Nam hiện nay".
Theo trang Zing, ba ngày trước khi phiên tòa diễn ra, gia đình ông Xuân Thanh đã nộp 2 tỷ đồng.
Sau đó, Cục trưởng Cục thi hành án Thành phố Hà Nội nói với báo Zing rằng gia đình ông Thanh đã nộp thêm 2 tỷ nữa vào hôm 11/1.
Trước khi phiên tòa xử ông Thanh và Đinh La Thăng diễn ra hôm 8/1, hai luật sư thuộc Công ty luật Viên An thông báo đến tòa Hà Nội về việc chấm dứt bào chữa, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho ông Thanh trong vụ án này.
Trả lời BBC, Luật sư Nguyễn Thị Huyền Trang, giám đốc Công ty Luật Viên An, nói : "Cáo trạng và kết luận điều tra vụ án có từ ngày 25/12/1017 nhưng luật sư không được tiếp xúc ngay mà phải mất mấy ngày sau đó khi chuyển sang tòa".
"Rồi phiên xử được ấn định hôm 8/1/2018, trong lúc có ba ngày nghỉ tết Dương lịch".
"Một vụ lớn như thế mà luật sư không có đủ thời gian nghiên cứu hồ sơ, tài liệu nên không thể bảo vệ tốt nhất cho ông Thanh".
Sau khi phiên tòa hiện tại kết thúc, ông Trịnh Xuân Thanh và các "đồng phạm", trong đó có ông Đinh Mạnh Thắng (em trai ông Đinh La Thăng, cựu Chủ tịch Hội đồng Quản trị Công ty cổ phần đầu tư và thương mại Dầu khí Sông Đà) còn phải tiếp tục ra tòa hôm 24/1 trong vụ án "Tham ô tài sản" xảy ra tại Công ty cổ phần bất động sản Điện lực Dầu khí Việt Nam.
Nếu chưa thể minh hoan hãy giảm án tử hình cho Hồ Duy Hải
Nếu có một bồi thẩm đoàn độc lập, rất có thể Hồ Duy Hải đã được tuyên vô tội. Nếu những gì nêu trong bài báo này là đúng, rất nhiều dấu hiệu "cố ý làm sai lệch hồ sơ vụ án" đã xuất hiện trong các tiến trình tố tụng. Tôi không rõ, các vị thẩm phán có đủ niềm tin nội tâm Hải có tội không mà dám lạnh lùng áp dụng mức tử hình với Hải.
Nếu có một bồi thẩm đoàn độc lập, rất có thể Hồ Duy Hải đã được tuyên vô tội.
Tháng 12/2014, Chủ tịch nước (Trương Tấn Sang) đã quyết định hoãn thi hành án cho Hải. Không chỉ ông, dư luận, kể cả các cơ quan tố tụng lúc đó, đã không đủ niềm tin vững chắc Hải có tội để tước đoạt mạng sống của anh.
Khi chưa tìm thấy ai khác đã gây án (như các vụ án Huỳnh Văn Nén, Nguyễn Văn Chấn...) không ai dám cả quyết Hồ Duy Hải có vô tội hay không. Nhưng, bằng cách suy đoán đó (trên nền tảng các bằng chứng buộc tội sơ sài và mâu thuẫn) mà ta vẫn cho rằng Hải có tội chúng ta đã vi phạm nguyên tắc căn bản nhất của công lý rồi (suy đoán vô tội). Nói chi đến trường hợp coi Hải là có tội khi bằng chứng không thuyết phục.
Hơn 4 năm qua, các cơ quan tố tụng không bổ sung được bất cứ chứng cứ mới nào để cũng cố một bản án từng khiến chúng ta ngờ vực. Chủ tịch Nước Trần Đại Quang nên ký ân giảm cho Hồ Duy Hải. Khi nắm trong tay sinh mệnh của một con người, sức nặng mà ông đang gánh không chỉ là cây bút. Ngay cả khi có đủ niềm tin nội tâm, "sát sinh" vẫn phải cần cân nhắc, nói chi đến trường hợp bị kết án rất khiên cưỡng như Hồ Duy Hải.
Huy Đức
Nguồn : fb.osinhuyduc, 03/01/2018
*******************
Hồ Duy Hải đã bị phúc thẩm tuyên tử hình - Ảnh : Tư liệu Tuổi Trẻ
Trong đơn, người thân của Hồ Duy Hải - người bị kết án tử hình trong vụ giết hại hai nữ nhân viên Bưu điện Cầu Voi (huyện Thủ Thừa, tỉnh Long An) cho rằng các cơ quan tố tụng đã rút bớt hoặc không đưa vào kết luận điều tra, cáo trạng những bằng chứng, hồ sơ có lợi cho Hải, dẫn đến việc làm sai lệch hồ sơ vụ án để kết tội bị cáo.
Rút bớt hồ sơ ?
Theo luật sư Trần Hồng Phong (người hỗ trợ pháp lý cho Hồ Duy Hải), trong hồ sơ vụ án có nhiều bút lục là các biên bản, kết luận giám định hoặc giấy xác nhận liên quan đến vụ án nhưng lại không thể hiện trong kết luận điều tra và cáo trạng.
Cụ thể, hồ sơ rút bỏ kết luận giám định về dấu vân tay và diễn giải sai lệch về kết quả giám định dấu vân tay - trong khi đây chính là tình tiết ngoại phạm của Hồ Duy Hải. Tự ý sửa, thay đổi kết quả nhận dạng (về "chiếc xe máy" và "người thanh niên") của nhân chứng Đinh Vũ Thường.
Tự ý sửa lời khai của nhân chứng về kích thước con dao (được xác định Hồ Duy Hải đã dùng để cắt cổ hai nạn nhân). Rút khỏi hồ sơ những tình tiết liên quan đến một nhân chứng đặc biệt quan trọng, có dấu hiệu liên quan đến cái chết của hai nạn nhân...
Theo đơn tố cáo, sau khi Hồ Duy Hải bị bắt giam, cơ quan điều tra đã trưng cầu giám định 4 tang vật : dấu vân tay, lông tóc, máu và than tro. Nhưng cơ quan điều tra chỉ sử dụng duy nhất 1 trong số 4 kết quả giám định của Viện Khoa học hình sự kết luận về "than tro" thu được tại nhà Hải.
Tuy nhiên, phần sử dụng này lại cắt bỏ phần nội dung quan trọng nhất : "Không đủ yếu tố kết luận có thành phần các nguyên liệu làm ra dây thắt lưng, quần áo và simcard".
Điều này cho thấy chưa thể kết luận Hồ Duy Hải đã đốt thắt lưng, quần áo, simcard sau khi gây án để che giấu hành vi tội phạm (như quan điểm của cơ quan điều tra).
Thế nhưng trong kết luận điều tra và cáo trạng, cơ quan điều tra và Viện kiểm sát nhân dân đã cắt bỏ phần kết luận quan trọng nhất, đồng thời lại mô tả là "phù hợp" với lời khai của Hồ Duy Hải vì "có thành phần vải và nhựa polyter".
Trong khi đó, các kết luận giám định còn lại (máu, lông tóc) thể hiện không có sự liên quan đến Hồ Duy Hải thì không được đưa vào.
Đề nghị làm rõ bản chất vụ án
Tại bản kết luận giám định số 158 ngày 11/4/2008 kết luận : Các dấu vết vân tay thu được tại hiện trường vụ án không trùng khớp với điểm chỉ 10 ngón in trên chỉ bản của Hồ Duy Hải.
"Như vậy, với việc dấu vân tay của hung thủ thu được tại hiện trường không trùng với dấu vân tay của Hồ Duy Hải, phải chăng các cơ quan tố tụng đã rút khỏi hồ sơ tình tiết ngoại phạm của Hồ Duy Hải ?" - luật sư Phong đặt nghi vấn.
Từ những căn cứ pháp lý trên, luật sư Trần Hồng Phong và gia đình đề nghị các cơ quan tố tụng xem xét đơn này để làm rõ bản chất vụ án.
Thực tế Hồ Duy Hải đã bị kết án tử hình và có quyết định thi hành án. Tuy nhiên, sau đó Hải được tạm hoãn thực hiện việc thi hành bản án này. Từ năm 2011 đến nay, gia đình Hồ Duy Hải liên tục làm đơn kêu oan cho Hồ Duy Hải và đơn tố giác tội phạm.
Sau khi đơn được gửi ra Tòa án nhân dân tối cao, tòa này đã có thông báo cho gia đình và luật sư biết nội dung đơn tố cáo đã được chuyển cho Tòa án nhân dân cấp cao tại Thành phố Hồ Chí Minh xem xét xử lý.
Trao đổi với Tuổi Trẻ, lãnh đạo Tòa án nhân dân cấp cao tại Thành phố Hồ Chí Minh cho biết tòa này vẫn chưa nhận được hồ sơ tố cáo và hứa sẽ cho kiểm tra lại.
Nếu nội dung đơn tố cáo của gia đình Hồ Duy Hải và luật sư về hành vi làm sai lệch hồ sơ vụ án của một số cán bộ tiến hành tố tụng thì thẩm quyền xem xét giải quyết là cơ quan điều tra của Viện kiểm sát nhân dân tối cao, chứ không phải Tòa án nhân dân cấp cao tại Thành phố Hồ Chí Minh.
Cũng theo vị này, nếu hồ sơ có được chuyển về tòa thì tòa cũng sẽ chuyển đến các cơ quan có thẩm quyền để giải quyết.
Rút khỏi hồ sơ "nhân chứng đặc biệt"
Trong vụ án Hồ Duy Hải, Nguyễn Văn Nghị là người có liên quan và vai trò đặc biệt quan trọng. Trên thực tế, Nguyễn Văn Nghị là người yêu của nạn nhân Nguyễn Thị Ánh Hồng (thể hiện trong lời khai của anh Cao Hoàng Tuấn Anh).
Trong đêm xảy ra vụ án, Nguyễn Văn Nghị có ghé vào Bưu điện Cầu Voi và có lời khai nhìn thấy một thanh niên trong bưu điện tối 13/1/2008. Sau đó Nguyễn Văn Nghị đã bị bắt.
Cơ quan điều tra từng tạm giữ và lấy lời khai của Nguyễn Văn Nghị. Thế nhưng sau đó Nguyễn Văn Nghị không được đưa vào danh sách "nhân chứng".
"Toàn bộ thông tin, tài liệu liên quan đến Nguyễn Văn Nghị đều bị rút khỏi hồ sơ vụ án. Vì sao không cho Nguyễn Văn Nghị nhận dạng Hồ Duy Hải ? Vì sao không giám định vân tay của Nguyễn Văn Nghị ? Đây là những điều rất bất thường" - luật sư Trần Hồng Phong đặt câu hỏi.
Hai nữ nhân viên bị sát hại dã man
Theo hồ sơ, ngày 13/1/2008 tại Bưu điện Cầu Voi (huyện Thủ Thừa, tỉnh Long An) đã xảy ra một vụ giết người. Nạn nhân là hai nữ nhân viên Nguyễn Thị Ánh Hồng (22 tuổi) và Nguyễn Thị Thu Vân (21 tuổi) bị giết hại dã man (cắt cổ) ở khu vực cầu thang phía sau.
Tại hiện trường vương lại nhiều dấu vân tay của hung thủ.
Hơn hai tháng sau, ngày 21/3/2008, Hồ Duy Hải - nam thanh niên tại địa phương, nhà cách Bưu điện Cầu Voi khoảng 2km - bị bắt giữ. Hồ sơ thể hiện Hồ Duy Hải là hung thủ duy nhất, thực hiện hành vi giết người tại Bưu điện Cầu Voi.
Tại hai phiên tòa sơ thẩm và phúc thẩm, Hồ Duy Hải đều kêu oan.
Hoàng Điệp
*********************
Nhiều cơ quan cùng vào cuộc vụ tử tù Hồ Duy Hải (Tuổi Trẻ, 05/12/2014)
Trao đổi với Tuổi Trẻ, ông Nguyễn Sơn - phó chánh án Tòa án nhân dân tối cao - xác nhận cơ quan này đã nhận được công văn do báo Tuổi Trẻ gửi kèm đơn đề nghị khẩn cấp của luật sư Trần Hồng Phong.
Bị cáo Hồ Duy Hải tại phiên tòa sáng 29/11/2008 - Ảnh : Diệu Hi
Dù bận rất nhiều cuộc họp trong cả ngày 4/12 nhưng ông Sơn đã đọc gấp đơn và các tài liệu đính kèm (gồm cáo trạng, bản án sơ thẩm và phúc thẩm, các quyết định trưng cầu giám định liên quan đến vụ án khẳng định mẫu dấu vân tay thu được tại hiện trường không phải là của Hồ Duy Hải).
Sau khi đọc xong đơn đề nghị khẩn cấp trên, ông Nguyễn Sơn đã có kiến nghị gửi chánh án Tòa án nhân dân tối cao đề nghị xem xét lại vụ án ngay lập tức.
Ông Sơn cũng chuyển đơn của luật sư Phong kèm các hồ sơ cho chánh án Tòa án nhân dân tối cao Trương Hòa Bình.
Không chỉ có các kiến nghị của luật sư Trần Hồng Phong hay văn bản của luật sư Trần Văn Tạo được gửi đến Chủ tịch nước và các cơ quan có thẩm quyền.
Trong ngày 4/12, ông Lê Thúc Anh - chủ tịch Liên đoàn Luật sư Việt Nam - đã có công văn gửi đến ông Trương Hòa Bình về việc đề nghị xem xét kháng nghị bản án đối với Hồ Duy Hải.
Ngoài nội dung này, Liên đoàn Luật sư Việt Nam cũng đề nghị tạm hoãn việc thi hành bản án tử hình đối với bị án Hồ Duy Hải bởi qua nghiên cứu đơn và hồ sơ do luật sư Trần Hồng Phong cung cấp.
Liên đoàn Luật sư Việt Nam nhận thấy hồ sơ vụ án có những tình tiết, chứng cứ cần phải được xác định đánh giá để đảm bảo bản án tử hình đúng người đúng tội, đúng pháp luật, tránh oan sai có liên quan đến tính mạng con người.
Hoàng Điệp - V. Trường