Một kỹ sư xây dựng lại được bổ nhiệm làm giám đốc Sở Y tế. Công luận đặt câu hỏi về việc bổ nhiệm không đúng chuyên môn này.
Ban Thường vụ Tỉnh ủy điều động ông Dư Minh Hùng (phải), Tỉnh ủy viên, Bí thư Huyện ủy Năm Căn nhận nhiệm vụ tại Sở Y tế để Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh bổ nhiệm giữ chức vụ Giám đốc Sở Y tế. (Ảnh : TTXVN phát)
Hôm 12/8/2023, ông Hùng có trình độ chuyên môn là kỹ sư xây dựng, có trình độ chính trị cao cấp từng giữ chức bí thư Huyện ủy Năm Căn.
Ông Nguyễn Quang Vinh, một đại tá quân đội về hưu, nêu suy nghĩ của ông với RFA về việc bổ nhiệm người không có chuyên môn vào vị trí lãnh đạo :
"Cộng sản Việt Nam luôn "duy ý chí". Bất cứ một ai đã được họ đưa vào nguồn và qua lò "lý luận chính trị" cao cấp đều có thể làm bất cứ vị trí lãnh đạo nào mặc dù không đúng chuyên môn, thậm chí là ngu dốt. Đằng sau những việc này chỉ là trò phe phái, ê kíp dễ điều khiển của giới lãnh đạo Cộng sản Việt Nam hiện nay và cả trước kia, họ vốn không thích một nền hành chính chuyên nghiệp. Đó là một sự thật tồi tệ trong việc quản trị quốc gia".
Theo Quy định 256-QĐ/TW, trình độ chính trị là tiêu chuẩn để xác định trình độ về mặt lý luận chính trị, có vai trò to lớn trong việc giáo dục và tư tưởng hóa nhận thức của mỗi cá nhân nhằm nâng cao ý thức trong việc thực hiện chính sách của Đảng và Nhà nước. Người có trình độ chính trị cao cấp là người tốt nghiệp đại học chuyên ngành Mác Lê-nin ; người có bằng thạc sĩ, tiến sĩ về tư tưởng Mác Lê-nin và tư tưởng Hồ Chí Minh ; người đã tốt nghiệp các chương trình đào tạo cán bộ chiến thuật - chiến dịch ở một số nhóm ngành cụ thể như Quản lý - Chỉ huy quân sự và Khoa học Xã hội - Nhân văn…
Dự thảo Nghị định quy định về tinh giản biên chế được Bộ Nội vụ đưa ra lấy ý kiến hồi tháng 3 vừa qua nêu rõ công chức, viên chức chưa đạt tiêu chuẩn về trình độ, đào tạo chuyên môn nghiệp vụ thuộc diện phải tinh giản biên chế. Nay Ủy ban Nhân dân tỉnh Cà Mau lại đưa một người có chuyên môn về xây dựng vào vị trí lãnh đạo ngành y tế dù người này cho truyền thông Nhà nước biết sẽ cố gắng trau dồi và hoàn thành trọng trách mà cấp trên giao phó. Điều này liệu có hợp lý hay không ?
Ông Nguyễn Đăng Quang, một kỹ sư xây dựng nói với RFA :
"Về mặt chuyên môn mà nói thì lãnh đạo ngành nào phải có chuyên môn của ngành đó thì vẫn tốt hơn là không có chuyên môn. Phải khẳng định như thế. Nếu ở tầm vĩ mô như bộ trưởng làm chính sách thì không nói, bởi dưới bộ trưởng còn có thứ trưởng là chuyên môn trong một lĩnh vực, hoặc có các vụ trưởng tham mưu để đưa ra các chính sách. Nhưng mà ở tầm cơ sở, tầm địa phương mà sử dụng một người có trình độ chuyên môn là kỹ sư xây dựng, xây dựng công nghiệp dân dụng, nhà ở, cầu đường mà lại làm quản lý ở lĩnh vực sức khỏe thì rất khác biệt.
Như vậy, dù người này có tư duy trong quản lý tốt mấy đi chăng nữa mà không am hiểu trong lĩnh vực chuyên môn của mình thì không thể nào đưa ra các quyết định. Bởi xét cho cùng thì sản phẩm của người quản lý chính là các quyết định.
Không phải ai qua trường gọi là Học viện chính trị quốc gia Hồ Chí Minh đều có khả năng lãnh đạo giỏi. Nếu thế thì chỉ cần quan học viện này, đâu cần bao nhiêu đại học khác mở ra như Tài chính, Kế toán, Xây dựng, Y khoa… làm gì nữa. Kiến thức về lý luận qua học viện chính trị nó chỉ mang tính chính trị, tức là chính trị chung chung không cụ thể. Còn lãnh đạo một sở như Sở Y tế là quản lý cụ thể".
Lãnh đạo có cần kiến thức chuyên môn hay không ; có cần phải giỏi chuyên môn hơn cấp dưới hay không là câu hỏi được dư luận xã hội đặt ra. Một số người cho rằng, hiện nay ở Việt Nam có một thực tế là lãnh đạo một số cơ quan nhà nước không cần chuyên môn giỏi mà chỉ cần tốt nghiệp Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh.
Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh là đơn vị sự nghiệp trực thuộc Ban Chấp hành Trung ương Đảng cộng sản Việt Nam ; là nơi đào tạo và bồi dưỡng cán bộ lãnh đạo, quản lý chủ chốt, trung, cao cấp, công chức hành chính, công chức trong bộ máy lãnh đạo, quản lý của các đơn vị sự nghiệp công lập, thành viên hội đồng quản trị, tổng giám đốc, phó tổng giám đốc, giám đốc, phó giám đốc doanh nghiệp nhà nước, cán bộ khoa học chính trị và hành chính của Đảng cộng sản Việt Nam, Nhà nước Việt Nam và các đoàn thể chính trị - xã hội.
Tại phiên họp của Ủy ban Thường vụ Quốc hội sáng 11 tháng 5 năm 2022, Bộ trưởng Hồ Đức Phớc cho hay, từ năm 2020 đến tháng 6 năm 2022 đã rà soát xử lý gần 100.000 trường hợp, trong đó thu hồi quyết định tuyển dụng, bổ nhiệm trên 1.200 công chức, viên chức do bổ nhiệm sai.
Trở lại trường hợp kỹ sư xây dựng Dư Minh Hùng được bổ nhiệm làm giám đốc Sở Y tế tỉnh Cà Mau dù khác chuyên môn về bằng cấp, bác sĩ Đinh Đức Long nêu nhận định với RFA :
"Đầu tiên phải nói về lý luận. Cán bộ của Đảng phải vừa hồng vừa chuyên. Hồng đây là phải là đảng viên. Chuyên là phải có nghiệp vụ chuyên môn. Đây thể hiện cả cái tỉnh Cà Mau không ai được tổ chức Đảng và chính quyền ở đấy tin cậy cho vị trí giám đốc Sở Y tế cả. Tức là anh có thể có chuyên nhưng không hồng hoặc ngược lại.
Như vậy đây là một trường hợp vi phạm chính tiêu chuẩn của họ. Ông Hùng này có chuyên môn ngành y đâu. Chỉ có thể giải thích là trong số các bác sĩ ở tỉnh Cà Mau không có ai họ tin cậy để giao trọng trách này nên phải lấy người của ngành khác. Như thế thể hiện chính sách cán bộ ở tỉnh này là cục bộ, địa phương.
Nếu không có người phù hợp thì tại sao không điều người ở tỉnh khác đến ? Chính sách của Đảng hiện nay là chuyển vùng cán bộ cơ mà. Như vậy chính sách chọn người của tỉnh Cà Mau là chính sách khép kín. Thế mới có câu ngạn ngữ dân gian của người Việt là ‘đại học ngoại lai không bằng lớp hai tại chỗ’"
Vấn đề nhân sự vẫn còn là một bài toán nan giải đối với Việt Nam. Chính cựu Chủ tịch Việt Nam Trương Tấn Sang trong bài viết riêng cho Tạp chí Cộng sản hôm 19/8/2014, nhân kỷ niệm 69 năm Cách mạng Tháng Tám, nêu rõ : "Chúng ta vẫn còn phải trăn trở, đau lòng khi nghe những câu truyền miệng lâu nay trong nhân dân : "Nhất hậu duệ, nhì tiền tệ, ba quan hệ, bốn trí tuệ...". trong công tác cán bộ và những nhận xét về thứ "đạo đức bốn mặt" (trước mặt, sau lưng, trước cấp trên và trước đồng bào mình) đang là phương thức hành xử của không ít cán bộ, đảng viên …
Nguồn : RFA, 14/08/2023
Đảng cộng sản Việt Nam đang thực hiện chương trình chống suy thoái ở hàng ngũ cán bộ, đây là một kế hoạch nằm trong chương trình xây dựng đảng của ông giáo sư chuyên ngành xây dựng đảng Nguyễn Phú Trọng. Chương trình này đan xen nhiều mục đích khác nhau của Nguyễn Phú Trọng, trong đó cái thật và giả đan xen lẫn lộn rất khó phân biệt.
Có nhiều cán bộ có lối sống suy thoái đạo đức, tham nhũng, chạy chức, chạy quyền.
Mục đích thứ nhất của chương trình dưới cái tên chống suy thoái là loại trừ những cán bộ có lối sống suy thoái đạo đức, tham nhũng, chạy chức, chạy quyền. Ở mục tiêu này thì tuyệt đại đa số cán bộ cộng sản đều vướng phải, cho nên việc thực thi nó không thể nào là mục đính chính, bởi nếu triệt để chương trình này thì sẽ không có quan chức nào thoát được ngay kể cả ông tổng bí thư với vụ lợi ích nhóm hàng ngàn tỷ ở dự án Ciputra Hà Nội khi ông làm bí thư thành ủy tại đây.
Đã có chương trình thì phải có những nhân vật làm mồi, bởi thế một số cán bộ không thuộc phe tổng bí thư, thủ tướng, ban bí thư phải trở thành những con mồi tế cho chương trình. Như thế đạt được mục đích là có cán bộ lãnh đạo bị xử lý như chương trình đề ra, thứ nữa là loại trừ những kẻ không ăn cánh, những kẻ không thuộc phe của mình. Khiếm khuyết của chương trình này bộ lộ ở chỗ nhiều kẻ bị dư luận bóc trần hủ hóa, suy thoái như bí thư Thanh Hóa Trịnh Văn Chiến, chủ tịch Đà Nẵng Huỳnh Đức Thơ, phó chủ nhiệm văn phòng quốc hội Thân Đức Nam đều là những kẻ có nhiều tài sản, biệt thự và bồ nhí, con riêng công khai chung sống nhưng không bị xử lý như những người khác. Bởi Trịnh Văn Chiến là tay chân của Nguyễn Phú Trọng, Phạm Minh Chính còn Huỳnh Đức Thơ, Thân Đức Nam lại là người thân cận của Nguyễn Xuân Phúc. Vì những kẻ như vậy còn tồn tại và công khai lối sống sa đoạ, suy thoái như thế nên chiến dịch trong sạch đảng, chống suy thoái của Nguyễn Phú Trọng lộ rõ là một chiến dịch thanh trừng phe phái. Tuy nhiên việc thanh trừng một số quan chức, dù có tội hay không ít nhiều được dư luận thích thú, bởi với phần đông dân chúng thì quan chức cộng sản nào cũng đáng bị trừng trị.
Song song với việc thanh trừng, là việc bổ nhiệm thay thế. Ở những vị trí quan trọng, quản lý những nguồn tiền lớn được trao cho những nhân vật mờ nhạt, ít tai tiếng và không có chuyên môn. Việc đưa những nhân vật mờ nhạt, ít tai tiếng để che mắt thiên hạ là đảng đang đưa những người ít xấu hơn người trước. Nhưng việc không chọn chuyên môn là để hạn chế quyền lực của những người được chọn, hay nói cách khác là để dễ thao túng những người này, sử dụng họ như những con cờ.
Trường hợp thứ nhất bí thư Đà Nẵng Trương Quang Nghĩa chỉ là bình phong cho nhóm lợi ích ở Đà Nẵng do Huỳnh Đức Thơ cầm đầu, bí thư Nghĩa với quyền lực hữu danh vô thực. Thực chất mọi việc ở Đà Nẵng đều do Nguyễn Xuân Phúc chỉ đạo, nhóm Huỳnh Đức Thơ xử lý.
Ở Thành Phố Hồ Chí Minh thì bí thư Nguyễn Thiện Nhân cũng thuộc tuýp như vậy, Nhân được đặt làm bí thư để nhóm lợi ích cũ ở Thành phố của Trương Tấn Sang và nhóm mới của Nguyễn Xuân Phúc, Trương Hòa Bình dễ bề hoạt động, kiểm soát những nguồn kinh tế trong thành phố.
Trong tập đoàn dầu khí PVN, chức vụ chủ tịch hội đồng quản trị được trao cho một người không biết gì về dầu khí như bí thư tỉnh ủy Lạng Sơn Trần Sỹ Thanh, người trước kia từng làm bí thư Bắc Giang, Ban kiểm tra trung ương.
Tập đoàn dầu khí, Đà Nẵng, Thành phố Hồ Chí Minh đều là những nơi chứa những nguồn tiền, những dự án lớn béo bở nhất hiện nay. Nhưng một nơi chứa tiền khổng lồ nữa mà đảng cộng sản Việt Nam tập trung nhiều nguồn tiền lại về một mối đó là siêu ủy ban quản lý vốn nhà nước tại tất cả các tập đoàn lại, số tiền vốn mà siêu ủy ban này quản lý lên tới 100 tỷ USD. Bí thư Cao Bằng Nguyễn Hoàng Anh được bổ nhiệm là người quản lý siêu ủy ban này.
Trong những trường hợp bổ nhiệm trên cho thấy sự tréo ngoe trong cách bổ nhiệm, ông bộ trưởng giao thông vận tải đi làm bí thư, ông chủ tịch mặt trận đi là bí thư, các ông bí thư thì lại đi làm quản lý dầu khí, tài chính.
Những sự bổ nhiệm trái ngang này cho thấy khẳng định về phe phái Nguyễn Phú Trọng, Nguyễn Xuân Phúc bổ nhiệm lãnh đạo mới không phải chú trọng tới việc chuyên môn để phát triển, mục đích chỉ nhằm kiểm soát những địa bàn, những nơi có nguồn tiền khổng lồ vào trong tay của phe mình. Vì lý do như vậy họ chọn lựa không cần đến những người có chuyên môn để dễ bề sai bảo, thao túng. Nó cũng cho thấy trong những gia đoạn tới, chế độ cộng sản Việt Nam không tập trung xây dựng kiến thiết phát triển nền kinh tế tự lực lâu dài khi dùng những nhân lực như vậy. Có thể chóp bu cộng sản Việt Nam đang có những toan tính mang tính nhiệm kỳ, dùng những nhân vật mờ nhạt nắm những vị trí quan trọng để không bị ảnh hưởng đến việc bán cổ phần, bán đất đai... từ đó có thể suy ra chiến lược kinh tế của cộng sản khóa 12 tới đây là bán tài nguyên, tài sản đất nước lấy tiền chi trả cho nhiệm kỳ của lãnh đạo khóa 12. Về lâu dài mặc kệ cho đời sau tự xoay sở.
Lịch sử của đảng cộng sản Việt Nam trước đây vào những thời kỳ tối tăm nhất cho đất nước chính là thời kỳ chọn hồng hơn chuyên làm lãnh đạo. Bây giờ việc chọn lựa như vậy quay trở lại. Có điều khác nhau việc chọn lựa trước kia nhằm mục đích bảo vệ chế độ. Giờ đây mục tiêu vẫn như thế, nhưng có ẩn chứa sự nguy hại hơn là ngoài mục tiêu bảo vệ chế độ ra còn là mục tiêu bán tháo tài sản để chi tiêu, phục vụ hoạt động của chế độ trong nhiệm kỳ này.
Nguyễn Phú Trọng không hề có tính toán lâu dài cho đất nước khi hoạch định cán bộ như vậy, ông ta đang nỗ lực xây dựng ông ta thành một ông vua trong nhiệm kỳ 12. Ông ta đang đốt tất cả tài sản đất nước để tô vẽ cho nhiệm kỳ của mình từ chủ quyền, tài nguyên, vốn nhà nước. Trợ thủ của Trọng là Nguyễn Xuân Phúc là một kẻ cơ hội, tận dụng việc ham muốn danh vọng của Trọng để trục lợi riêng.
Trong tương lai 5 năm nữa, tài sản quốc gia của nhà nước Việt Nam, tức tài sản của nhân dân và đất nước sẽ không còn gì. Đó sẽ là lúc nền chính trị Việt Nam trở lên khó lường nhất.
Người Buôn Gió
Nguồn : fb.nguoibuongio, 10/02/2018