Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Việt Nam

14/08/2023

Bài toán cán bộ lãnh đạo : "hồng, thiếu chuyên"- "chuyên, thiếu hồng" !

RFA tiếng Việt

Một kỹ sư xây dựng lại được bổ nhiệm làm giám đốc Sở Y tế. Công luận đặt câu hỏi về việc bổ nhiệm không đúng chuyên môn này.

honghonchuyen1

Ban Thường vụ Tỉnh ủy điều động ông Dư Minh Hùng (phải), Tỉnh ủy viên, Bí thư Huyện ủy Năm Căn nhận nhiệm vụ tại Sở Y tế để Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh bổ nhiệm giữ chức vụ Giám đốc Sở Y tế. (Ảnh : TTXVN phát)

Hôm 12/8/2023, ông Hùng có trình độ chuyên môn là kỹ sư xây dựng, có trình độ chính trị cao cấp từng giữ chức bí thư Huyện ủy Năm Căn.

Ông Nguyễn Quang Vinh, một đại tá quân đội về hưu, nêu suy nghĩ của ông với RFA về việc bổ nhiệm người không có chuyên môn vào vị trí lãnh đạo :

"Cộng sản Việt Nam luôn "duy ý chí". Bất cứ một ai đã được họ đưa vào nguồn và qua lò "lý luận chính trị" cao cấp đều có thể làm bất cứ vị trí lãnh đạo nào mặc dù không đúng chuyên môn, thậm chí là ngu dốt. Đằng sau những việc này chỉ là trò phe phái, ê kíp dễ điều khiển của giới lãnh đạo Cộng sản Việt Nam hiện nay và cả trước kia, họ vốn không thích một nền hành chính chuyên nghiệp. Đó là một sự thật tồi tệ trong việc quản trị quốc gia".

Theo Quy định 256-QĐ/TW, trình độ chính trị là tiêu chuẩn để xác định trình độ về mặt lý luận chính trị, có vai trò to lớn trong việc giáo dục và tư tưởng hóa nhận thức của mỗi cá nhân nhằm nâng cao ý thức trong việc thực hiện chính sách của Đảng và Nhà nước. Người có trình độ chính trị cao cấp là người tốt nghiệp đại học chuyên ngành Mác Lê-nin ; người có bằng thạc sĩ, tiến sĩ về tư tưởng Mác Lê-nin và tư tưởng Hồ Chí Minh ; người đã tốt nghiệp các chương trình đào tạo cán bộ chiến thuật - chiến dịch ở một số nhóm ngành cụ thể như Quản lý - Chỉ huy quân sự và Khoa học Xã hội - Nhân văn…

Dự thảo Nghị định quy định về tinh giản biên chế được Bộ Nội vụ đưa ra lấy ý kiến hồi tháng 3 vừa qua nêu rõ công chức, viên chức chưa đạt tiêu chuẩn về trình độ, đào tạo chuyên môn nghiệp vụ thuộc diện phải tinh giản biên chế. Nay Ủy ban Nhân dân tỉnh Cà Mau lại đưa một người có chuyên môn về xây dựng vào vị trí lãnh đạo ngành y tế dù người này cho truyền thông Nhà nước biết sẽ cố gắng trau dồi và hoàn thành trọng trách mà cấp trên giao phó. Điều này liệu có hợp lý hay không ?

Ông Nguyễn Đăng Quang, một kỹ sư xây dựng nói với RFA :

"Về mặt chuyên môn mà nói thì lãnh đạo ngành nào phải có chuyên môn của ngành đó thì vẫn tốt hơn là không có chuyên môn. Phải khẳng định như thế. Nếu ở tầm vĩ mô như bộ trưởng làm chính sách thì không nói, bởi dưới bộ trưởng còn có thứ trưởng là chuyên môn trong một lĩnh vực, hoặc có các vụ trưởng tham mưu để đưa ra các chính sách. Nhưng mà ở tầm cơ sở, tầm địa phương mà sử dụng một người có trình độ chuyên môn là kỹ sư xây dựng, xây dựng công nghiệp dân dụng, nhà ở, cầu đường mà lại làm quản lý ở lĩnh vực sức khỏe thì rất khác biệt.

Như vậy, dù người này có tư duy trong quản lý tốt mấy đi chăng nữa mà không am hiểu trong lĩnh vực chuyên môn của mình thì không thể nào đưa ra các quyết định. Bởi xét cho cùng thì sản phẩm của người quản lý chính là các quyết định.

Không phải ai qua trường gọi là Học viện chính trị quốc gia Hồ Chí Minh đều có khả năng lãnh đạo giỏi. Nếu thế thì chỉ cần quan học viện này, đâu cần bao nhiêu đại học khác mở ra như Tài chính, Kế toán, Xây dựng, Y khoa… làm gì nữa. Kiến thức về lý luận qua học viện chính trị nó chỉ mang tính chính trị, tức là chính trị chung chung không cụ thể. Còn lãnh đạo một sở như Sở Y tế là quản lý cụ thể".

Lãnh đạo có cần kiến thức chuyên môn hay không ; có cần phải giỏi chuyên môn hơn cấp dưới hay không là câu hỏi được dư luận xã hội đặt ra. Một số người cho rằng, hiện nay ở Việt Nam có một thực tế là lãnh đạo một số cơ quan nhà nước không cần chuyên môn giỏi mà chỉ cần tốt nghiệp Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh.

Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh là đơn vị sự nghiệp trực thuộc Ban Chấp hành Trung ương Đảng cộng sản Việt Nam ; là nơi đào tạo và bồi dưỡng cán bộ lãnh đạo, quản lý chủ chốt, trung, cao cấp, công chức hành chính, công chức trong bộ máy lãnh đạo, quản lý của các đơn vị sự nghiệp công lập, thành viên hội đồng quản trị, tổng giám đốc, phó tổng giám đốc, giám đốc, phó giám đốc doanh nghiệp nhà nước, cán bộ khoa học chính trị và hành chính của Đảng cộng sản Việt Nam, Nhà nước Việt Nam và các đoàn thể chính trị - xã hội.

Tại phiên họp của Ủy ban Thường vụ Quốc hội sáng 11 tháng 5 năm 2022, Bộ trưởng Hồ Đức Phớc cho hay, từ năm 2020 đến tháng 6 năm 2022 đã rà soát xử lý gần 100.000 trường hợp, trong đó thu hồi quyết định tuyển dụng, bổ nhiệm trên 1.200 công chức, viên chức do bổ nhiệm sai.

Trở lại trường hợp kỹ sư xây dựng Dư Minh Hùng được bổ nhiệm làm giám đốc Sở Y tế tỉnh Cà Mau dù khác chuyên môn về bằng cấp, bác sĩ Đinh Đức Long nêu nhận định với RFA :

"Đầu tiên phải nói về lý luận. Cán bộ của Đảng phải vừa hồng vừa chuyên. Hồng đây là phải là đảng viên. Chuyên là phải có nghiệp vụ chuyên môn. Đây thể hiện cả cái tỉnh Cà Mau không ai được tổ chức Đảng và chính quyền ở đấy tin cậy cho vị trí giám đốc Sở Y tế cả. Tức là anh có thể có chuyên nhưng không hồng hoặc ngược lại.

Như vậy đây là một trường hợp vi phạm chính tiêu chuẩn của họ. Ông Hùng này có chuyên môn ngành y đâu. Chỉ có thể giải thích là trong số các bác sĩ ở tỉnh Cà Mau không có ai họ tin cậy để giao trọng trách này nên phải lấy người của ngành khác. Như thế thể hiện chính sách cán bộ ở tỉnh này là cục bộ, địa phương.

Nếu không có người phù hợp thì tại sao không điều người ở tỉnh khác đến ? Chính sách của Đảng hiện nay là chuyển vùng cán bộ cơ mà. Như vậy chính sách chọn người của tỉnh Cà Mau là chính sách khép kín. Thế mới có câu ngạn ngữ dân gian của người Việt là ‘đại học ngoại lai không bằng lớp hai tại chỗ’"

Vấn đề nhân sự vẫn còn là một bài toán nan giải đối với Việt Nam. Chính cựu Chủ tịch Việt Nam Trương Tấn Sang trong bài viết riêng cho Tạp chí Cộng sản hôm 19/8/2014, nhân kỷ niệm 69 năm Cách mạng Tháng Tám, nêu rõ : "Chúng ta vẫn còn phải trăn trở, đau lòng khi nghe những câu truyền miệng lâu nay trong nhân dân : "Nhất hậu duệ, nhì tiền tệ, ba quan hệ, bốn trí tuệ...". trong công tác cán bộ và những nhận xét về thứ "đạo đức bốn mặt" (trước mặt, sau lưng, trước cấp trên và trước đồng bào mình) đang là phương thức hành xử của không ít cán bộ, đảng viên …

Nguồn : RFA, 14/08/2023

Quay lại trang chủ

Additional Info

  • Author: RFA tiếng Việt
Read 310 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)