Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Hội nghị Trung ương 11 (khóa XII) vừa bế mạc tại Hà Nội hôm 12/10/2019 sau gần một tuần nhóm họp.

Báo chí chính thống Việt Nam đưa tin hôm thứ Bảy cho hay hội nghị đã kết thúc tốt đẹp, hoàn thành các nội dung chương trình làm việc đặt ra.

Tại phiên bế mạc, vẫn theo báo chí Việt Nam, Tổng bí thư Đảng cộng sản và Chủ tịch nước Việt Nam, ông Nguyễn Phú Trọng đã khẳng định 'kiên quyết' bảo vệ chủ quyền quốc gia và nhấn mạnh quyết tâm chống tham nhũng dù 'đau xót' về việc nhiều cán bộ cấp cao bị kỷ luật, xử lý.

Nguyen-Phu-TRong-HoiNghi-1

Ông Nguyễn Phú Trọng đã khẳng định 'kiên quyết' bảo vệ chủ quyền quốc gia và nhấn mạnh quyết tâm chống tham nhũng dù 'đau xót' về việc nhiều cán bộ cấp cao bị kỷ luật, xử lý.

Từ Việt Nam, hôm 13/10, một số ý kiến từ giới quan sát và phân tích thời sự, chính trị trong nước nhân dịp này chia sẻ trên quan điểm riêng với BBC News Tiếng Việt cảm quan, cảm nhận về Hội nghị và kết quả.

"Hội nghị trung ương 11 không đáp ứng được kỳ vọng và hiện tình, thực trạng đất nước", nhà phân tích chính sách công, Phó Giáo sư Tiến sĩ Phạm Quý Thọ từ Bộ Kế hoạch & Đầu tư của Việt Nam nói với BBC và đưa ra ba lý do giải thích.

"Bởi vì, thứ nhất, liệu có đột phá về tư duy trong các văn kiện không ? Tôi nghĩ là không. Khi khai mạc ông Tổng bí thư, Chủ tịch nước nhấn mạnh báo cáo chính trị phải 'xứng tầm' và các báo cáo khác phải xoay quanh.

"Ông là trưởng ban soạn thảo Báo cáo. Ông vẫn đặt vấn đề quan hệ giữa định hướng xã hội chủ nghĩa và Kinh tế Thị trường. Theo tôi, như thế là chưa thoát nổi 'vòng kim cô' của ý thức hệ xã hội chủ nghĩa.

"Tới đây, việc soạn thảo các Báo cáo khác, đặc biệt về Kinh tế - Xã hội theo tôi vì thế sẽ 'loanh quanh'. Hơn thế, chiến lược thể hiện tầm nhìn với ý thức hệ giáo điều thì đất nước phát triển thế nào ?

"Thứ hai, kiểm soát quyền lực theo tôi vẫn là 'tự lấy đá ghè chân mình', 'của riêng đảng, mang tính chất tập trung cao vào cấp trên và răn đe cấp dưới. E rằng rất khó để 'pháp luật hoá', điều chỉnh các hành vi trong thực tế bằng các điều luật và chế tài.

"Và thứ ba, vấn đề biển đông đang đặt ra nguy cơ đối với an ninh và vẹn toàn lãnh hải, tại sao lại nói là "thảo luận" ? Theo tôi, cần phải có chính kiến của người đứng đầu, của nhà lãnh đạo ! Nhưng bế mạc hội nghị, vẫn không thấy điều đó.

"Tôi nghĩ rằng nhân dân cần sự thể hiện khác, rõ ràng. Không nên 'đẩy quả bóng' trách nhiệm cho người khác !", ông Phạm Quý Thọ nêu quan điểm.

'Coi như không xảy ra'

"Tôi không có thì giờ và cũng không hứng thú, hy vọng chút nào về Hội nghị này, nên không theo dõi kỹ, chỉ liếc sơ vài nội dung, rõ là chẳng có gì làm tôi tin tưởng. Người ta có thể nghĩ tại Hội nghị, có bàn bạc gì đó, nhưng không công bố", nhà điểm tin, điểm báo, Blogger Ba Sàm Nguyễn Hữu Vinh nêu quan điểm.

"Còn tôi, nhìn vào bài phát biểu kết thúc của ông Trọng, thấy rõ là họ coi như trên Biển Đông không có gì xảy ra. Bất luận với cách giải thích gì, thì cũng cho thấy rằng người dân và đảng viên tiếp tục phải đứng ngoài "cuộc chơi bí hiểm-nguy hiểm" này. Mối quan hệ hai Đảng cộng sản Việt Nam - Đảng cộng sản Trung Quốc đã được định vị - lập trình sẵn trong suốt hơn nửa thế kỷ qua.

"Chỉ có chút ít thay đổi khi mà ban lãnh đạo cộng sản Việt Nam có những nhân vật ít nhiều bản lĩnh. Còn hiện tại, là thời điểm nó yếu kém hơn nhiều so với khi tái lập ngoại giao thân thiện cuối thế kỷ trước. Từ đó có thể luận ra có hay không một "sách lược" hay hớm gì. Như tôi từng bình luận, chỉ trong một chữ "đu dây, cơ hội".

"Trước tình hình quốc tế hiện tại, nội tình Trung Quốc, họ khó có thể đưa ra sách lược khôn ngoan. Canh bạc này, theo tôi dễ có kẻ trắng tay. Nhìn lại chuyện Liên Xô, Đông Âu, rồi Mùa xuân Ả-Rập, sẽ cho ta gợi mở, rằng sự sụp đổ của một hệ thống toàn trị nào đó trước biến động quá lớn, là khó có thể lường trước.

"Song, chỉ có một hy vọng, đó là nguy cơ bùng nổ "lòng căm hận" hay "tức giận" trong dân bị kìm nén bao năm. Chính vì mối lo đó, mà cả hai Đảng cộng sản ở hai nước đều phải toan tính thận trọng.

"Đáng lo là trong cuộc gọi là "chống tham nhũng", nhân dân vẫn bị cho đứng ngoài một cách nghiệt ngã. Một khi như vậy, đừng mơ kết quả gì tử tế, và cũng dễ lý giải đó là cuộc gì".

"Để thỏa mãn, làm cho dân tin tưởng, e là… không còn người làm việc trong hệ thống. Nói vậy không quá chút nào, vì vẫn đang có hàng ngàn vạn con sâu mọt khắp hang cùng ngõ hẻm đục khoét công khố, ức hiếp dân nghèo mà không hề bị mó tới. Hàng chục tướng tá, bộ thứ trưởng bị xử lý dễ có tác dụng gây ấn tượng bề nổi thôi, nhưng ngược lại, lại gây ngờ vực khi chỉ xử lý rất có chừng mực.

"Thách thức cực kỳ lớn là : hiện đang có một hệ thống vô cùng yếu kém, tha hóa và chia rẽ ; lại phải đối mặt với khó khăn bên trong, bên ngoài quá sức chịu đựng của nó. Nó chỉ còn một cách là chấp nhận mất dần chủ quyền trên nhiều phương diện để đánh đổi sự an toàn tạm thời bên trong ; tồn tại lay lắt chờ ngày "vận đổi sao dời" mà thôi", ông Nguyễn Hữu Vinh bình luận.

'Một hội nghị mờ nhạt'

"Đó là một hội nghị mờ nhạt trước tình hình nóng bỏng ở Biển Đông", Luật sư Lê Công Định, nguyên Phó Chủ nhiệm Đoàn Luật sư Thành phố Hồ Chí Minh, nhận xét từ Sài Gòn.

"Thoạt đầu, ông Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng gây chú ý bằng đề nghị các ủy viên trung ương nghiên cứu tình hình Biển Đông, nhưng rồi đó lại là tất cả những gì ông có thể phản ứng sau 3 tháng xảy ra sự gây hấn của Trung Cộng ở bãi Tư Chính".

"Còn những vấn đề nội bộ của đảng cầm quyền cũng không có gì mới nên chưa đủ để giới quan sát chính trị và người dân quan tâm.

"Có thể nói các ủy viên trung ương nói riêng và đảng cầm quyền nói chung rất vô trách nhiệm trong cách ứng phó khủng hoảng Tư Chính. Chủ quyền quốc gia dường như không là ưu tiên hàng đầu của họ.

"Thái độ e dè của nhà cầm quyền và đảng cầm quyền ở Việt Nam cho thấy họ rất thần phục Trung Cộng, khiến mọi phản ứng từ lời phát biểu đến hành động đều tránh động chạm đến hoặc có thể làm Trung Cộng nổi giận.

"Chống tham nhũng là cần thiết, nhưng chưa đủ, vì dường như chính sách ấy được sử dụng cho cuộc đấu đá nội bộ để tranh giành quyền lực, hơn là mang thực chất chống tham nhũng. Đó là điều ai cũng nhận ra.

"Mặt khác, chống tham nhũng đang được dùng như ngọn cờ củng cố tính chính danh của đảng cầm quyền, nhưng điều trớ trêu là kẻ tham nhũng chỉ toàn là đảng viên cầm quyền, nên hình ảnh của đảng càng tệ hại hơn trong mắt người dân. Hiện giờ, có thể nói với tình trạng tham nhũng tràn lan bất trị, đảng cộng sản đã mất hẳn tính chính danh của nó.

"Thách thức lớn nhất của đảng cầm quyền về đối nội chính là sự đoàn kết nội bộ trong đảng. Chính ông Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng trong phát biểu bế mạc phải nhấn mạnh nhiều lần sự cần thiết phải có đoàn kết trong đảng lúc này. Nó phản ánh tính nghiêm trọng của sự phân rã đảng cầm quyền trong tương lai do đấu đá nội bộ giữa các phe phái.

"Về đối ngoại, thách thức lớn nhất chính là sự gây hấn ngày càng gia tăng của Trung Cộng trên Biển Đông. Chắc chắn sự kiện Tư Chính không dừng lại ở đó mà ngày càng nghiêm trọng hơn, không loại trừ khả năng xung đột quân sự trong giới hạn giữa Trung Cộng và Việt Nam.

"Theo tôi, nhà cầm quyền đang đứng trước sự phá sản của chính sách đu dây và nguyên tắc "ba không" của mình", Luật sư Lê Công Định nhận định.

'Để nắm vững quyền bính'

Từ Hà Nội, nhà nghiên cứu Lê Văn Sinh, nguyên giảng viên Khoa Lịch sử, Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, Đại học Quốc gia Hà Nội bình luận :

"Hội nghị này bàn thảo cách thức tổ chức xây dựng Đảng, chống tham nhũng, kiểm soát quyền lực, xây dựng báo cáo chính trị cho Đại hội Đcộng sản Việt Nam XIII, kiên trì thực hiện kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa bằng cách giữ cho kinh tế tăng trưởng cao.

"Tóm lại, người ta bàn về cách làm sao để Đảng vẫn nắm vững quyền bính quốc gia.

"Có thể vấn đề bãi Tư Chính được bàn thảo và đề ra các giải pháp đấu tranh với Trung Quốc để giữ vững chủ quyền quốc gia mà không thông báo rộng rãi chăng ? Tôi hy vọng là có chuyện đó.

"Nhưng vấn đề này mà không được thảo luận tại Hội nghị 11 này, coi đó là vấn đề ưu tiên hàng đầu trong bối cảnh gần bốn tháng qua, Trung Quốc đang đẩy nền độc lập dân tộc và chủ quyền Việt Nam đến chỗ sống còn thì đó là một sai lầm lớn của đảng cầm quyền.

"Trung Quốc đưa hàng trăm tàu vào vùng biển đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam không phải để dạo chơi, sẽ đến lúc họ hạ đặt các giàn khoan khai thác dầu khí ngay trên biển Việt Nam. Nếu để điều đó thành hiện thực, trách nhiệm thuộc về ban lãnh đạo tối cao, các Ủy viên Ban chấp hành Trung ương Đảng cộng sản Việt Nam.

"Có sự né tránh nào đó hay không ? Né tránh vì có 'mắc míu' trong quan hệ 'hữu hảo' lưỡng đảng giữa hai đảng cộng sản cầm quyền hay không từ phía Việt Nam ? Đây là câu hỏi không dễ trả lời. Vì rằng chỉ những người trong cuộc mới biết họ e ngại, sách lược hay né tránh. Tuy nhiên, quan sát từ bên ngoài, tôi nghĩ rằng vừa có sự e ngại của người yếu trước kẻ mạnh, của sự ràng buộc kinh tế, của cả ý thức hệ nữa.

"Cũng phải công bằng nhận thấy, rằng Việt Nam đang là nước kiên quyết nhất trong số các nước chịu áp lực của Trung Quốc trên biển Đông.

"Về tham nhũng, nó có ở tất cả các xã hội từ độc tài toàn trị đến tự do dân chủ. Tuy nhiên, các xã hội dân chủ chống tham nhũng hữu hiệu, các xã hội phi dân chủ thì không thể chống được tham nhũng. Điều này, những ai có kiến thức về tổ chức xã hội đều biết.

"Chống tham nhũng ở Việt Nam chỉ đơn giản là một cách cứu đảng cầm quyền, níu giữ tính chính danh và duy trì lâu hơn sự lãnh đạo xã hội của Đảng. Nếu duy trì thể chế chính trị hiện thời thì dù có bao nhiêu 'lò' cũng không đốt hết 'củi'.

"Khi không có tự do báo chí, tư pháp độc lập và một xã hội dân sự lành mạnh thì không thể chống nổi nạn tham nhũng và do đó không thỏa mãn được mong muốn của dân chúng. Các chiến dịch đốt lò sẽ chẳng đi đến đâu, không thể chống được nạn tham nhũng gia tăng ngày càng trầm trọng hơn.

"Về thách thức lớn nhất của Đcộng sản Việt Nam từ nay đến Đại hội 13, nếu diễn ra, theo tôi, thứ nhất là liệu Đcộng sản Việt Nam có giữ vững chủ quyền biển Việt Nam trước sự xâm lăng của Đảng cộng sản Trung Quốc hay không ? Tính chính đáng của đảng cầm quyền trước con mắt của người dân là ở đó.

"Thứ hai, sau hơn 30 năm đổi mới kinh tế, đã đến lúc phải đổi mới chính trị. Nếu ban lãnh đạo đảng không nhận thức ra điều này, họ tất gánh hậu quả bị đào thải", nhà nghiên cứu lịch sử Lê Văn Sinh nêu quan điểm.

'Hoàn thành thắng lợi mục tiêu'

Hôm 12/10, báo điện tử của Đảng cộng sản Việt Nam, trong một thông báo về kết quả Hội nghị Trung ương 11, cho hay :

"Thực hiện Chương trình làm việc toàn khóa, từ ngày 7/10/2019 đến ngày 12/10/2019, tại Thủ đô Hà Nội, Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII họp Hội nghị lần thứ 11 để thảo luận, cho ý kiến về các dự thảo văn kiện trình Đại hội XIII của Đảng ; Báo cáo tình hình kinh tế - xã hội, ngân sách nhà nước năm 2019 ; dự kiến Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, ngân sách nhà nước năm 2020 ; và một số vấn đề quan trọng khác.

"Đồng chí Tổng bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng chủ trì, phát biểu khai mạc và bế mạc Hội nghị...

"Ban Chấp hành Trung ương Đảng đã bầu bổ sung 4 Ủy viên Ủy ban Kiểm tra Trung ương khóa XII ; xem xét, quyết định thi hành kỷ luật bằng hình thức khai trừ ra khỏi Đảng đối với ông Nguyễn Bắc Son, nguyên Ủy viên Trung ương Đảng khóa X, nguyên Phó Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương ; ông Trương Minh Tuấn, Ủy viên Trung ương Đảng khóa XII, Phó Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương, nguyên Bí thư Ban Cán sự Đảng, nguyên Bộ trưởng Bộ Thông tin và truyền thông.

"Ban Chấp hành Trung ương Đảng kêu gọi toàn Đảng, toàn dân và toàn quân tăng cường đoàn kết, thống nhất, phát huy những kết quả quan trọng, toàn diện đã đạt được của 9 tháng đầu năm 2019 ; nỗ lực phấn đấu vượt qua khó khăn, thách thức ; kiên quyết, kiên trì đấu tranh bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc, giữ vững môi trường hòa bình, ổn định, hoàn thành thắng lợi mục tiêu, nhiệm vụ đề ra cho cả năm 2019 - 2020 cũng như cả nhiệm kỳ Đại hội XII của Đảng ; tổ chức thành công đại hội đảng bộ các cấp tiến tới Đại hội toàn quốc lần thứ XIII của Đảng".

Báo Nhân dân điện tử hôm thứ Bảy, đưa tin về phiên bế mạc, cho biết thêm chi tiết :

"Kể từ đầu nhiệm kỳ khóa XII đến nay, Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Ủy ban Kiểm tra Trung ương đã thi hành kỷ luật hơn 70 cán bộ cao cấp thuộc diện Trung ương quản lý, trong đó có 1 đồng chí Ủy viên Bộ Chính trị và 4 đồng chí Ủy viên Trung ương Đảng khóa XII, 14 đồng chí nguyên Ủy viên Trung ương Đảng, 1 đồng chí nguyên Phó Thủ tướng Chính phủ, 5 đồng chí Bộ trưởng và nguyên Bộ trưởng, 2 đồng chí Bí thư Tỉnh uỷ, 5 đồng chí nguyên Bí thư Tỉnh ủy và 17 đồng chí là tướng lĩnh ; một số cán bộ đã bị xử lý hình sự ; Bộ Chính trị, Ban Bí thư cũng đã kỷ luật bảy tổ chức đảng (Ban cán sự đảng Bộ Công thương, Ban cán sự đảng Bộ Tài nguyên và Môi trường, Ban cán sự đảng Bộ Thông tin và Truyền thông, Ban cán sự đảng Bộ Giao thông vận tải, Ban Thường vụ Đảng ủy Ngoài nước, Ban Thường vụ Thành ủy Đà Nẵng và Ban Thường vụ Tỉnh ủy Vĩnh Phúc)".

'Hãy chung sức, đồng lòng'

Tờ báo của Trung ương Đảng cộng sản Việt Nam tường trình thêm :

"Cho rằng đó là bài học sâu sắc, bài học đắt giá cho tất cả chúng ta, Tổng bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng đề nghị từng đồng chí Ủy viên Trung ương Đảng và mỗi cán bộ, đảng viên, công chức cần thường xuyên tu dưỡng, rèn luyện, thường xuyên nêu gương, tự soi, tự sửa, tránh xa những cám dỗ vật chất, tham vọng để không đi vào vết xe đổ, gây ra những hậu quả, tổn thất khôn lường.

"Chúng ta đang tích cực chuẩn bị đại hội đảng bộ các cấp tiến tới Đại hội XIII của Đảng, phải kiên quyết không để lọt vào cấp ủy những cán bộ vi phạm, thoái hoá, biến chất !"Bất cứ trường hợp nào mà vi phạm kỷ luật, chúng ta phải xử lý nghiêm minh, làm nghiêm từ trên xuống dưới để giữ vững kỷ cương, kỷ luật của Đảng, để lấy lại và củng cố niềm tin và tình thương yêu, quý trọng của nhân dân.Báo Quân đội Nhân dân điện tử, số ra Chủ nhật 13/10 trong bài báo tựa đề "Tổng bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng : Đẩy mạnh đổi mới sáng tạo, phát triển nhanh và bền vững đất nước" cho hay :

"Sau 6 ngày làm việc khẩn trương, nghiêm túc, chiều 13/10, tại Thủ đô Hà Nội, Hội nghị lần thứ 11 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII đã bế mạc, hoàn thành toàn bộ nội dung chương trình đề ra".

Tờ báo đăng toàn văn bài phát biểu trong phiên bế mạc hôm thứ Bảy của ông Tổng bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng, trong đó có đoạn nói :

"Đề nghị các đồng chí Trung ương, các đồng chí tham dự Hội nghị và đồng bào, đồng chí, chiến sĩ cả nước, chung sức đồng lòng, phát huy những kết quả, thành tích đạt được trong năm 2019 và truyền thống đoàn kết, yêu nước của dân tộc ta, thực hiện thật tốt các nghị quyết của Đảng và Nghị quyết Hội nghị Trung ương lần này, tạo ra khí thế mới, xung lực mới cho việc hoàn thành thắng lợi mục tiêu, nhiệm vụ Đại hội XII đã đề ra ; đồng thời tích cực chuẩn bị và tiến hành thành công đại hội đảng bộ các cấp và Đại hội toàn quốc lần thứ XIII của Đảng", vẫn theo tờ báo là tiếng nói của Quân ủy Trung ương và Bộ Quốc phòng Việt Nam.

Quốc Phương

Nguồn : BBC, 13/10/2019

Published in Diễn đàn

Hội nghị Trung ương 11 của đảng cầm quyền ở Việt Nam, từ ngày 7 đến ngày 13/10/2019, diễn ra trong bầu không khí được cho là căng thẳng.

ai0

Từ trái qua : Thường trực Ban bí thư Trần Quốc Vượng ; Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc ; Tổng bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng ; Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân tại phiên khai mạc hội nghị Trung ương 10, khóa 12. Ảnh : TTXVN

Căng thẳng không phải vì vụ tàu Trung Quốc xâm phạm Bãi Tư Chính đã ròng rã hơn 3 tháng và đang có nguy cơ nổ ra xung đột quân sự Trung-Việt ở khu vực này cùng nguy biến Việt Nam mất dầu khí lẫn lãnh thổ, mà bởi nguồn cơn tranh đấu và chia chác nhân sự.

Những tình huống trồi sụt nhân sự và do đó dẫn tới những phương án giả định về cơ cấu nhân sự cấp cao cũng bởi thế đã dần lộ ra.

Trần Quốc Vượng

Đa phần những luồng dư luận từ "thông tin không chính thức" sát Hội nghị Trung ương 11 đều xác nhận về vị thế ứng cử viên số một không mấy suy suyển cho ghế tổng bí thư của Trần Quốc Vượng – hiện là thường trực Ban bí thư và được xem là người được Nguyễn Phú Trọng sủng ái nhất, thậm chí còn được cho là "bản sao" của Trọng về mặt tư tưởng xã hội chủ nghĩa, đường lối đu dây không mệt mỏi giữa Trung Quốc và Mỹ và tính cách thâm trầm, dạn dày kinh nghiệm cùng thủ đoạn chính trị.

"Thông tin không chính thức" là một khái niệm mới của đảng cầm quyền nhằm ám chỉ những tin tức từ nội bộ đảng tuồn ra ngoài và được đưa lên mạng xã hội, hoặc truyền khẩu để định hướng dư luận, nhưng chưa bao giờ được bất kỳ cơ quan chức năng nào của đảng hay chính quyền thừa nhận.

Ngoài Trần Quốc Vượng "ổn định", hai ứng cử viên tổng bí thư còn lại đều có sự biến thiên và hoán đổi vị trí lẫn nhau. Đó là Nguyễn Thị Kim Ngân – chủ tịch Quốc hội, và Nguyễn Xuân Phúc – thủ tướng Chính phủ.

Nguyễn Thị Kim Ngân

Nếu tại Hội nghị Trung ương gần nhất vào tháng 5/2019, vai trò của Phúc vẫn còn được xem là ứng viên số 2 cho ghế tổng bí thư, thì gần đây vị trí này có thể đã bị thay thế bởi Ngân.

Ngay trước Hội nghị Trung ương 11, đã có "thông tin không chính thức" tiết lộ kết quả thăm dò phiếu tín nhiệm trong Bộ Chính trị vào tháng 12/2018, theo đó Nguyễn Phú Trọng xếp đầu bảng. Nhưng nhân vật đứng thứ hai sau Trọng lại không phải là Trần Quốc Vượng hay Nguyễn Xuân Phúc, mà chính là Nguyễn Thị Kim Ngân. Lục tục sau Ngân mới là Vượng và Phúc…

Nếu đúng thế, vị thế chính trị của Nguyễn Thị Kim Ngân đã thay đổi khá nhanh chóng trong vài năm. Thậm chí còn có dư luận cho rằng nếu Đại hội 13 diễn ra trong bối cảnh "long hổ quyết đấu" bất phân thắng bại thì Ngân có thể trở thành "ngư ông đắc lợi" – đúng theo cái cách mà các đời chủ tịch quốc hội trước Ngân là Nông Đức Mạnh và Nguyễn Phú Trọng đã "buồn ngủ gặp chiếu manh" thành tổng bí thư.

Còn "khiêm tốn" hơn, Nguyễn Thị Kim Ngân có thể đã nằm trong phương án tiếp nhận cái ghế chủ tịch nước.

Tình trạng cải thiện đáng kể vị thế chính trị của Nguyễn Thị Kim Ngân có lẽ cũng góp phần giải thích việc tại sao bà ta bị "đánh tơi tả" trong thời gian gần đây, đặc biệt nổ ra vụ báo Hàn Quốc bỗng dưng có được tin tức 9 người trong đoàn quốc hội của Nguyễn Thị Kim Ngân đi Hàn Quốc vào cuối năm 2018 đã bỏ trốn ở lại quốc gia này, đến nay vẫn chưa phát hiện số người đó ở đâu.

Tỷ lệ nghịch với thế đi lên của Nguyễn Thị Kim Ngân là xu thế chìm xuống của Nguyễn Xuân Phúc, bất chấp ông ta được xem là quan chức tiềm năng nhất về "mạnh vì gạo, bạo vì tiền".

Nguyễn Xuân Phúc

Khác với thời tiền Đại hội 12 vào năm 2015, đến lúc này dường như Phúc không còn được Trọng "tin yêu". Thậm chí hố phân cách giữa hai nhân vật này có vẻ rộng ra theo thời gian. Không phải ngẫu nhiên mà khi Nguyễn Phú Trọng phải vắng mặt tại phiên họp Đại hội Đồng Liên Hiệp Quốc vào cuối tháng 9/2019 – rất có thể do sức khỏe không cho phép, người thay thế cho ông ta chẳng phải là Thủ tướng Phúc mà lại là cấp phó thủ tướng – Phạm Bình Minh.

Nếu Đại hội 13 xếp cả ba trường hợp Trần Quốc Vượng, Nguyễn Xuân Phúc và Nguyễn Thị Kim Ngân – dù quá tuổi quy định là 65 – vào "trường hợp đặc biệt" và do đó được "ở lại", việc phân cao thấp trong cơ chế "tam trụ" (tổng bí thư kiêm chủ tịch nước – thủ tướng – chủ tịch quốc hội) hoặc "tứ trụ" (tổng bí thư – chủ tịch nước – thủ tướng – chủ tịch quốc hội) sẽ khá phức tạp giữa những người này.

Cơ chế "tứ trụ" chỉ hình thành với điều kiện phải có thêm một nhân vật nữa trong Bộ Chính trị ngoi lên. Người đó có thể là Trương Hòa Bình – hiện thời là Phó thủ tướng thường trực. Bình cũng có thể được xếp vào "trường hợp đặc biệt".

Khi đó, nếu Vượng là tổng bí thư, Ngân làm chủ tịch nước, hai cái ghế còn lại là thủ tướng và chủ tịch quốc hội sẽ do Phúc và Bình chia nhau.

Và có thể xảy ra một trường hợp không phải là không thể xảy ra : Bình "mạnh" hơn nên chiếm được ghế thủ tướng, còn Phúc phải ngậm ngùi nhận điều hành cơ quan "nhất bộ nhì ban, cơ nhỡ lang thang sang quốc hội".

Nhưng cũng không loại trừ khả năng Ngân "mạnh" đến mức được đảng chỉ định làm thủ tướng chính phủ – trên thực tế là nhân vật quyền lực thứ hai trong thể chế. Khi đó và cho dù có nhận ghế chủ tịch nước, Phúc vẫn chẳng thể hạnh phúc.

Lý thuyết u ám là vậy, nhưng trong thực tế vẫn còn ánh sáng cho Nguyễn Xuân Phúc : nếu sắp tới chính Phúc được đi Mỹ thay cho Trọng, và nếu chuyến đi này mang về cho Việt Nam được món quà "nâng tầm đối tác chiến lược" với Hoa Kỳ, dù món quà này chỉ mang ý nghĩa hình thức và tương tự như cái cách Thủ tướng Phúc chỉ đạo Tổng cục Thống kê Việt Nam "thổi" GDP thật cao để lấy thành tích, đó sẽ là một thành quả chính trị ghê gớm, đủ để biến cá nhân Nguyễn Xuân Phúc trở thành ứng cử viên số một cho cái ghế tổng bí thư tại Đại hội 13.

Tuy nhiên, các phương án nhân sự hiện thời, dù là "tam trụ" hay "tứ trụ" ở Đại hội 13, chỉ mang tính giả định và sẽ chỉ xảy ra khi Nguyễn Phú Trọng chịu "nghỉ".

Sau lần Nguyễn Phú Trọng phải vắng mặt tại phiên họp Đại hội Đồng Liên Hiệp Quốc vào cuối tháng 9/2019, hầu như chắc chắn vấn đề sức khỏe suy sụp đang là thách thức lớn nhất đối với ông ta, chứ không phải là cú vỗ mặt nổ đom đóm của Trung Quốc ở Bãi Tư Chính.

Liệu Trọng có thể vượt qua được thách thức tự thân này, hay sẽ phải sớm từ giã chính trường, thậm chí phải "nghỉ hẳn" trước khi Đại hội 13 diễn ra ? 

Phạm Chí Dũng

Nguồn : Người Việt, 13/10/2019

Published in Diễn đàn

Chừng nào chưa đổi mới chính trị theo hướng đa nguyên, chừng đó câu chuyện ‘đóng đinh, nhổ đinh và tự hào’ vẫn sẽ tiếp diễn.

Hội nghị Trung ương 11 khóa XII khai mạc sáng 7/10. Và ngay sau đó, báo Pháp luật Thành phố Hồ Chí Minh (PLO) đã đăng tải bài viết ghi nhận một "chú ý" trong ngày mở đầu Đại hội. Đó là, bục phát biểu mà Tổng bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng không có hoa trang trí.

lamviec1

Toàn cảnh khai mạc Hội nghị. (Ảnh : Trí Dũng/TTXVN)

"Bỏ đi những lẵng hoa ở bục phát biểu, chắc chắn điều đó sẽ có tác dụng thúc đẩy bớt đi bệnh hình thức mà bao nhiêu lãnh đạo cấp cao của Đảng và Nhà nước đã và đang kêu gọi dẹp bỏ", theo PLO.

Phản hồi về bài viết này, Facebooker Tâm Mai chia sẻ bằng ngôn ngữ châm biếm rằng : Nhìn bục phát biểu không hoa tại hội nghị trung ương 11 mới thấy đó là 1 thành quả vĩ đại của 1 cuộc cách mạng vĩ đại về trang trí hội nghị. Lần đầu tiên trên thế giới, đảng ta đã có sáng kiến dẹp bỏ hoa hoét khi hội nghị hội họp, việc làm này cần phải được ghi vào sử sách là một việc làm nhằm tiết kiệm ngân sách và cần phải được lăng xê thật nhiều cho những quốc gia như Mỹ, Anh, Pháp học theo.

Và một lần nữa, báo chí cách mạng tự hào về cái điều mà đáng ra phải nên làm từ lâu. Tất nhiên, muộn còn hơn không.

Nhưng, phản ánh và lên án ‘bệnh hình thức’ liên quan đến trang trí hoa này không phải đến từ đội ngũ lãnh đạo cấp cao của Đảng và Nhà nước, mà xuất phát từ chính những người mà báo Quân đội Nhân dân hay Nhân Dân gọi là ‘phản động’. Những trang thông tin đăng tải sự lên án này được ví như là ‘trang tin trái chiều, phản động’.

Nhưng điều quan trọng, đúng như Giáo sư Tiến sĩ Trần Đình Thiên đề cập, "chúng ta cứ mải mê gỡ những cái đinh do chúng ta đóng để rồi lại gọi đó là thành quả".

‘Thành quả cách mạng’ – ngôn từ lộng lẫy và kiêu hãnh trong các văn bản mà Đảng ban hành lại là một thực trạng về ‘cái đinh do Đảng đóng vào rồi gỡ ra’. Không phải đến bây giờ, mà từ cái thời điểm Đảng xóa bỏ toàn bộ nền móng cơ sở của sản xuất tư nhân và cơ chế thị trường miền Nam, để thay vào đó là nền kinh tế kế hoạch. Và đến khi đói quá, Đảng mới bắt đầu phải từng bước mở cửa lại thị trường và đóng sập cánh cửa ‘kinh tế tập thể’ mà Đảng từng một thời hô hào người dân xây dựng.

Đảng từng coi nước Mỹ là kẻ thù và Trung Quốc là anh em, Đảng từng kiêu hãnh trên chiến thắng và bắt nước Mỹ phải bồi thường hàng tỷ USD chiến tranh trước khi thiết lập ngoại giao. Kết quả, Đảng sau đó phải nhún nhường để giao kết với Mỹ, và năm 2007 Đảng đã đưa chế độ gia nhập vào tổ chức thương mại thế giới WTO, với sự ủng hộ rất lớn từ cựu thù Mỹ.

Đảng đề cao kinh tế nhà nước và coi là chủ đạo, động lực của phát triển nước nhà, coi kinh tế tư nhân là con ghẻ chế độ. Và sau thời gian khiến nền kinh tế lao đao bởi những tập đoàn chủ đạo đó, Đảng lại một lần nữa gọi tên kinh tế tư nhân bằng cụm từ ‘động lực, vai trò quan trọng’, và tuyệt nhiên, trong ghi nhận vai trò đó, không có một nguồn chứng dẫn Marx-Lenin nào cả.

Khi ‘chế độ kinh tế’ lâm nguy, ảnh hưởng đến ‘chế độ chính trị’, thì Đảng mới thực sự nhận thức lại. Những cái gì Đảng coi thường, nay lại được trọng vọng ; và những cái mà Đảng bức tử nay lại được phục hồi.

Đảng coi đó là ‘đổi mới, sáng tạo’ trong quá trình lãnh đạo đất nước. Và ghi nhận đó như là ‘thành tựu vĩ đại’ trong công cuộc dẫn dắt, chèo lái con thuyền dân tộc.

"Những cái đinh đóng vào" cũng áp dụng cho cả công cuộc chống tham nhũng. Thế nên mới có câu biếm ngữ, rằng, khi trả lời về vai trò quan trọng của Đảng đối với công cuộc chống tham nhũng, thì đó lại là, "nếu không có Đảng, thì không có tham nhũng nảy sinh để chống".

Cả dân tộc được dẫn dắt và lèo lái bởi Đảng tài tình, đi theo một vào tròn, và trên cơ sở ‘đập-xây-đập-xây’. Thế nên qua nhiều thập kỷ, tiềm lực quốc gia vốn dồi dào, nhưng sự huy động lại theo hướng bòn vét thay vì là phát triển.

Việt Nam xứng đáng là cường quốc trong khu vực, và hộ chiếu Việt Nam xứng đáng đặt ngang hàng với Singapore, Malaysia, Hàn Quốc,… Vấn đề là, liệu Đảng có nhận thức được điều quan trọng đó hay không, hay thuần túy trong các Đại hội chỉ là ‘bảo vệ quyền lãnh đạo tuyệt đối, toàn diện của Đảng’.

Mới đây, để phục vụ Đại hội, một Tổ biên tập Tiểu ban Kinh tế - Xã hội Đại hội XIII của Đảng đã đến Mỹ để nghiên cứu thực tiễn chính sách của Mỹ. Nhưng cơ chế luật pháp, chính trị lẫn kinh tế của Mỹ hoàn toàn khác thì chỉ có thể ‘nghiên cứu’, còn áp dụng, thực ra đơn giản chỉ là bỏ cụm từ ‘định hướng xã hội chủ nghĩa’ ra khỏi ‘kinh tế thị trường’ là được. Thế nhưng, cái đơn giản và trực diện lại không làm, và bao năm nay, ngân sách quốc gia vẫn cứ tiếp tục đổ ra để các đoàn của Đảng và Nhà nước công du nước ngoài để nghiên cứu và để đó, bên trong thì Hội đồng Lý luận Trung ương Đảng cộng sản Việt Nam vẫn ngày đêm ‘làm rõ kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa’ trong bế tắc, bằng những luận điểm chung chung và không hồi kết.

Trong khi thế giới chuyển biến nhanh, thì Đảng lại ‘dè dặt’ như cách mà Nhà Nguyễn từng ‘dè dặt’ trong mở cửa và tiếp nhận thực học phương Tây. Và những ‘đổi mới’ của Đảng, thực tế không phải đổi mới, mà là tìm cách chắp vá cho chế độ được sinh tồn, nhằm giữ bằng được cốt lõi chính trị.

Chừng nào chưa đổi mới chính trị theo hướng đa nguyên, chừng đó câu chuyện ‘đóng đinh, nhổ đinh và tự hào’ vẫn sẽ tiếp diễn.

Quay trở lại với vấn đề hoa trên bục phát biểu, bài viết của PLO có đề cập đến trăn trở của ông Nguyễn Thiện Nhân - Bí thư Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh ‘kể lúc ông còn làm phó Thủ tướng, bộ trưởng Bộ Giáo dục và đào tạo, ông sang thăm một nước Bắc Âu. Nước chủ nhà đón tiếp ông cũng rất trọng thị nhưng giản dị và tiết kiệm. Bó hoa tặng ông lúc ở phi trường rất bé, không to như ở Việt Nam’.

Nhưng sự trăn trở đó dường như hình thức, khi mà mới đây trong bục phát biểu tại kỳ họp thứ 16, Hội đồng Nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh khóa IX sáng 6/10 của Bí thư Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh Nguyễn Thiện Nhân vẫn có hoa trang trí như lệ thường.

Có lẽ, giữa nói và làm của người cộng sản là một khoảng cách xa vời. Và ‘đóng đinh, nhổ đinh’ vẫn sẽ còn tiếp tục.

An Viên

Nguồn : VNTB, 09/10/2019

Published in Diễn đàn

Báo chính thống "kiểm duyệt" bỏ 2 chữ Biển Đông (1)

Tổng bí thư, Chủ tịch nước Việt Nam cộng sản Nguyễn Phú Trọng đã mơ hồ, viển vông và hão huyền khi tránh đương đầu với Trung Quốc ở bãi Tư Chính, Trường Sa.

hoinghi3

Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng phát biểu tại Hội nghị. (Ảnh: VGP)

Từ ngày 03/07/2019, Trung Quốc đã ngang nhiên đem tầu thăm dò dầu khí Hải Dương 8 (HD-8) đến vùng biển Bãi Tư Chính thuộc vùng đặc quyền kinh tế 200 Hải lý của Việt Nam với 3 mục đích rõ rệt :

Thứ nhất, muốn giành chủ quyền không hề có của Trung Quốc trên vùng biển của Việt Nam.

Thứ hai, muốn đe dọa công tác tìm kiếm dầu khí liên doanh giữa Việt Nam với Nga và Ấn Độ, bắt đầu từ tháng 05/2019.

Thứ ba, nếu Việt Nam muốn thôi xung đột thì "hãy gác tranh chấp để cùng khái thác" như Phi Luật Tân đã đồng ý với Trung Quốc.

Trung Quốc đã tranh chấp chủ quyền biển đảo ở Biển Đông với 5 nước gồm Việt Nam, Phi Luật Tân, Nam Dương, Mã Lai và Brunei từ nghiều năm qua, nhưng Tòa án hòa giải quốc tế đã không nhìn nhận quyền chủ quyền của Trung Quốc trong hình Lưỡi Bò trong phán quyết năm 2016, khi xử vụ Phi kiện Trung Quốc.

Tư Chính nằm cách Vũng Tầu khoảng 370 cây số hướng đông-nam. Đây là điểm cực nam của hình tự vẽ Lưỡi Bò của Bắc Kinh nhằm chiếm 3/4 tổng diện tích trên 3 triệu cây số vuông của Biển Đông.

Trong suốt 3 tháng qua, ông Trọng và Bộ Chính trị của Đảng cộng sản Việt Nam, cơ chế nắm toàn quyền cai trị đất nước, đã không dám hé răng nửa lời lên án hành động ngang ngược của Trung Quốc. Ngược lại, ông đã để cho người phát ngôn của Bộ Ngoại giao, Lê Thị Thu Hằng, một mình chống Tầu bằng nước bọt và đòi Trung Quốc rút giàn khoan.

HD-8 và các tầu hộ tống võ trang của Cảnh sát biển Trung Quốc chẳng những không rút mà còn ngang nhiên đi đi về về giữa Tư Chính và đảo Chữ Thập để nghỉ ngơi và nhận tiếp tế rồi quay lại hăm dọa như cũ.

Nên biêt đảo Chữ Thập, cách Tư Chính lối 230 hải lý (lối 425 cây số) về phía bắc trước đây cũng chỉ là một bãi đá, nhưng sau khi chiếm của Việt Nam năm 1988, Trung Quốc đã tái tạo biến thành đảo kiên cố và xây dựng các cơ sở quân sự lớn nhất ở Trường Sa với sân bay, bến cảng, trạm tiếp liệu, đài radar, vô tuyến viễn thông, cột hải đăng, trại lính v.v…

Do đó, dự đoán HD-8 có thể hoạt động lâu dài, không giống như Hải Dương 981 hồi năm 2014, vì không có nơi tiếp tế, đã phải quay về vùng biển Hải Nam sau 76 ngày (1/5 - 16/7/2014) thăm dò dầu khí ở cùng biển chỉ cách đảo Sơn (tỉnh Quảng Ngãi, Việt Nam) khoảng 120 hải lý (222 cây số) về phía đông. Hải Nam, cách Tư Chính khoảng 600 hải lý (1.111 cây số) phía bắc. Vì vậy, phát ngôn viên Trung Quốc, Cảnh Sảng mới liều lĩnh nói vào ngày 18/09/2019 rằng : "Việt Nam đã đơn phương tiến hành các hoạt động khai thác dầu khí từ tháng Năm tới nay, và việc này vi phạm nghiêm trọng các quyền và lợi ích của Trung Quốc, đồng thời vi phạm các thỏa thuận song phương giữa Trung Quốc và Việt Nam".

Cảnh Sảng không nói rõ "các thỏa thuận song phương" nằm trong Hiệp ước nào, nhưng nhiều nhà nghiên cứu ở Việt Nam nghi ngờ nó nằm trong Hiệp ước bí mật Thành Đô năm 1990 giữa Tổng bí thư đảng Nguyễn Văn Linh và Tổng bí thư, Chủ tịch nhà nước Giang Trạch Dân để nối lại bang giao giữa hai nước, sau 10 năm chiến tranh biên giới từ năm 1979 đến 1989.

Vì vậy, dù cuôc chiến nước bọt đôi bên tiếp diễn, nhưng tình hình trên biển đã cho thấy quyền chủ quyền của Việt Nam trên Biển Đông đã bị đe dọa nghiêm trọng, sau khi HD-8 và các tầu võ trang Trung Quốc đã tự do ra, vào vùng biển của Việt Nam như ao nhà mà không hề bị ngăn chặn.

Ông trọng mù mờ

Do đó, khi thấy ông Nguyễn Phú Trọng bất ngờ nói đến 2 chữ Biển Đông trong diễn văn khai mạc Hội nghị Trung ương đảng kỳ 11, họp từ ngày 7 đến 13/10/2019, thì dư luận quan tâm bàn bạc, mặc dù ông đã cố tình nhét vào phần cuối của diễn văn khi yêu cầu Trung ương thảo luận về phát triển và xây dựng kinh tế năm 2020.

Ông Trọng nói với Trung ương rằng : "Đồng thời, phân tích, dự báo có căn cứ, cơ sở khoa học, tình hình thế giới và trong nước, nhất là tình hình Biển Đông ; chỉ rõ các khả năng có thể xảy ra trong thời gian tới, lường trước những thời cơ, thuận lợi cần nắm bắt, những khó khăn, thách thức cần phải nỗ lực vượt qua. Từ đó, xác định sát hợp mục tiêu tổng quát, dự kiến các chỉ tiêu chủ yếu, cơ bản, quan trọng nhất cho năm 2020 và các chính sách, biện pháp phù hợp, có tính khả thi cao, nhất là các chính sách, biện pháp đột phá để thích ứng với những diễn biến và tác động mới của tình hình thế giới, khu vực đối với kinh tế - xã hội nước ta trong năm 2020".

Nhưng tại sao ông Trọng không dành riêng một phiên họp để thảo luận về Biển Đông, trong đó quan trọng hàng đầu là việc Trung Quốc đem HD-8 xâm nhập và quấy phá bên trong vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam ?

Ngược lại, 4 đề mục chính của Hội nghị Trung ương 11 đã chỉ tập trung thào luận về : Dự thảo Báo cáo chính trị và Báo cáo 10 năm thực hiện Cương lĩnh 2011 ; Về dự thảo Báo cáo kinh tế - xã hội trình Đại hội XIII của Đảng ; Về dự thảo Báo cáo tổng kết 5 năm thực hiện công tác xây dựng Đảng ; Về kinh tế - xã hội, ngân sách nhà nước năm 2019 – 2020".

Vậy phải chăng ông Trọng đã "chẳng đặng đừng" mà phải yêu cầu Trung ương đảng xem xét "tình hình Biển Đông", nhưng có mấy Ủy viên nắm được tin tức những gì đã và đang diễn ra ở Tư Chính, nhất là những hoạt động ở Tư Chính thuộc hạng tin tối mật quốc phòng ?

Theo lề lối làm việc nội bộ thì ngoài Bộ Chính trị, các viên chức hàng đầu Bộ Ngoại giao, Bộ Quốc phòng và Bộ Công an, không ai có thể biết hơn ông Trọng về tình hình Tư Chính, chủ quyền của Việt Nam đang đe dọa đến mức nào.

Vậy tại sao ông Trọng lại "đá bóng" qua sân Trung ương đế Trung ương phải gánh trách nhiệm chung với Bộ Chính trị, trong khi chính ông Trọng mới là người phải đứng mũi chịu sào.

Hành động mập mờ của ông Trọng khi đưa chuyện Biển Đông cho Trung ương giải quyết, do đó, bị nghi ngờ là một chiến lược "ném đá giấu tay" để ông không bị Trung Quốc lên án sau này.

Kinh nghiệm HD-981

Còn nhớ khi xẩy ra vụ HD-981 năm 2014 thì Trung ương đảng khóa XI tuy đang họp kỳ thứ 9 (từ ngày 08/05 đến ngày 14/05/2014), nhưng đã không thảo luận vụ xung đột lớn này.

Khi đó có tin, theo Bách khoa toàn thư mở, thì : "Bộ Chính trị chỉ đạo phải tiếp tục đấu tranh bằng biện pháp hòa bình, đúng theo luật pháp quốc tế. Riêng về giải pháp đấu tranh pháp lý, thời điểm nào hợp lý thì Bộ Chính trị sẽ quyết định, theo thông tin từ phiên họp Chính phủ cuối tháng 5".

Nhưng sau khi bế mạc, Trung ương đảng đã ra Thông báo, trong đó có đoạn viết : "Ban Chấp hành Trung ương theo dõi sát tình hình, nghe báo cáo của các cơ quan chức năng về việc thực hiện các chủ trương, giải pháp của ta phản đối, đấu tranh đòi phía Trung Quốc phải dừng việc đặt giàn khoan thăm dò dầu khí Hải Dương 981 trong vùng biển nước ta và khẳng định : Toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta đoàn kết một lòng, kiên quyết bảo vệ độc lập, chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc ; giải quyết những bất đồng, tranh chấp bằng giải pháp hoà bình trên cơ sở tôn trọng luật pháp quốc tế, trong đó có Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển năm 1982, Tuyên bố về ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC) và những thoả thuận giữa lãnh đạo cấp cao Việt Nam - Trung Quốc ; đồng thời giữ vững môi trường hoà bình, ổn định để phát triển bền vững đất nước".

Tựu trung là khi đó, cũng ông Nguyễn Phú Trọng và Bộ Chính trị đã quyết định không dùng biện pháp mạnh, kể cả việc kiện Trung Quốc, để duy trì hòa khí với người phương Bắc mà cả hai nước đã coi nhau "vừa là đồng chí, vừa là anh em", theo phương châm 16 chữ : "láng giềng hữu nghị, hợp tác toàn diện, ổn định lâu dài, hướng tới tương lai" và tinh thần 4 tốt : "láng giềng tốt, bạn bè tốt, đồng chí tốt, đối tác tốt".

Quốc hội Việt Nam khi ấy cũng đang họp nhưng Chủ tịch Nguyễn Sinh Hùng cũng nín thinh không dám thảo luận vụ HD-981. Bộ Chính trị và ông Hùng là một Ủy viên đã toa rập ngăn chặn Quốc hội ra nghị quyết lên án Trung Quốc. Nhưng sau đó, vào ngày 21 tháng 5, Quốc hội đã ra thông cáo tuyên bố "nhất trí cao với chủ trương của Đảng và Nhà nước".

Vậy, nay với vụ HD-8, xem như ông Trọng lại muốn rập khuôn cũ để buông tay, mặc dù vụ HD-8 ở Tư Chính nghiêm trọng gấp ngàn lần hơn vụ HD-981.

Trung Quốc rỉ tai ai ?

Trước biến cố Tư Chính, một số đông trí thức, giới khoa học, cựu tướng lĩnh và nhà văn nổi tiếng, khối người trong số này đã ra khỏi đảng và công khai đối lập với đảng đã họp tại Hà Nội ngày 06/10/2019 để thảo luận việc phài làm gì trong tình thế nguy nan này.

Cuộc Tọa đàm do Viện nghiên cứu Chính sách Pháp luật và Phát triển, do à Phó Giáo sư Tiến sĩ Hoàng Ngọc Giao đứng đầu tổ chức.

Theo tường thuật của nhà nghiên cứu ngôn ngữ Đào Tiến Thi từ trong nước thì những người tham dự nổi tiếng gồm có : cụ Nguyễn Khắc Mai, giáo sư Nguyễn Đình Cống, nhà văn Hoàng Quốc Hải, nhà ngoại giao Nguyễn Trung, anh hùng lực lượng vũ trang Lê Mã Lương, phó giáo sư Trần Thị Băng Thanh, nhà thơ Trần Nhương, phó giáo sư Nguyễn Vi Khải, kiến trúc sư Trần Thanh Vân, phó giáo sư Chu Hảo, chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan, nhà văn Nguyên Bình, nhà văn cựu tù nhân lương tâm (vì chống Trung Quốc xâm lược) Phạm Viết Đào, giáo sư Trần Ngọc Vương, tiến sĩ Đinh Hoàng Thắng, tiến sĩ Công Nghĩa Tụ, tiến sĩ Nguyễn Đại, tiến sĩ Phạm Văn Chung, tiến sĩ Nguyễn Văn Vịnh, tiến sĩ Nguyễn Xuân Diện, nhà báo tự do Lê Dũng.

Ngoài ra còn có phó giáo sư tiến sĩ thiếu tướng Lê Văn Cương, nhà ngoại giao Nguyễn Trường Giang, cựu quan chức chính phủ Nguyễn Nam Cường, thạc sĩ Hoàng Việt (một chuyên gia về luật biển, hiện đang là giảng viên Đại học Luật Thành phố Hồ Chí Minh).

Theo các bài tương thuật của ông Đào Tiến Thi thì : "Các chuyên gia hàng đầu đều nhận định sự kiện bãi Tư Chính là "vô cùng nghiêm trọng". Bởi vì đây là "nút thắt của nút thắt" (Tư Chính là nút thắt vấn đề Biển Đông hiện nay và vấn đề Biển Đông lại là nút thắt của quan hệ Việt–Trung). Mất Tư Chính có thể dẫn đến mất toàn bộ quần đảo Trường Sa, và mất Trường Sa có thể dẫn đến mất nước".

Ông Thi nhấn mạnh : "Thiếu tướng Lê Văn Cương cho rằng vụ Tư Chính nguy hiểm gấp cả trăm lần vụ Giàn khoan 981 hồi 2014. Ông cũng bác bỏ từng luận điệu sai trái hiện tồn tại trong chính giới Việt Nam như coi vụ Tư Chính chỉ là cuộc chơi giữa hai cường quốc, như cho rằng Trung Quốc to lớn đến mức ta không thể làm gì được, v.v…".

Vẫn theo ông Thi thì : "Các chuyên gia về luật biển, về biển và về ngoại giao đều cho rằng, kiện Trung Quốc là biện pháp tốt nhất hiện nay. Tuy nhiên kiện ở tòa nào, kiện về việc gì thì còn phải tính toán, cân nhắc để chắc thắng. Trên thế giới có những luật sư chuyên giúp các nước nhỏ kiện các nước lớn trong vấn đề chủ quyền. Nicaragua đã từng thắng Mỹ theo cách đó.

Cái khó là Trung Quốc rất lì lợm, không chịu cùng nhau ra tòa, trong khi nhiều tòa án quốc tế chỉ thụ lý nếu cả hai bên cùng chấp nhận ra tòa. Theo một số chuyên gia, giới cầm quyền Trung Quốc đã nhiều lần 'rỉ tai' giới lãnh đạo Việt Nam 'đừng kiện để giữ đại cục'. Thế thì Việt Nam đã gặp khó khăn ngay từ chủ trương rồi".

Nhưng "rỉ tai" ai, nếu không phải là những người có trách nhiệm hàng đầu trong đảng và nhà nước cộng sản Việt Nam ?

Nhân nhượng hay nằm vùng ?

Ngoài phản ứng rất gay gắt của giới trí thức tại cuộc Tọa đàm ngày 06/10/2019, thỉnh thoảng đó đây cũng phát lên những phản biện thẳng thắn của nhiều trí thức khác đứng trước nguy cơ ở Tư Chính.

Trong số này, phải kể đến bài phát biểu gây tiếng vang lớn của nguyên Đại sứ Nguyễn Trường Giang về Tư Chính, do báo An ninh Thủ đô thực hiện và được ViệtnamNet đăng lại ngày 05/08/2019, nhưng sau đó được lệnh gỡ bỏ.

Ông nói : "Tôi cho rằng, chúng ta không thể nào đánh mất biển được. Tôi đã nói điều này 10 ăm nay rồi. Chúng ta không có lý do gì đánh mất biển, mất đảo".

Báo An Ninh Thủ Đô kể rằng : "Đại sứ Nguyễn Trường Giang, người đã dành hơn 10 năm nghiên cứu về tình hình biển, đảo, chia sẻ những suy nghĩ của mình về những diễn biến quanh Bãi Tư Chính".

"Cái cớ của họ là gì ? Bãi Tư Chính là của họ ? Chúng ta là kẻ cướp biển, cướp đảo của họ ? Họ chứng minh được việc này thì họ mới có thể bắn. Nhưng làm sao họ chứng minh được ! Họ không thể chứng minh được !

Tôi cho rằng, trong bất kỳ tình huống nào chúng ta cũng ngăn được các giàn khoan của họ vào vùng biển của chúng ta. Lý do là chưa một quốc gia nào trên thế giới này làm được việc đó. Nếu làm được thì người Mỹ, người Nhật đã chiếm sạch biển của thế giới rồi. Không một ai có thể dùng vũ lực để chiếm biển cả.

Tôi cho rằng, chúng ta không thể nào đánh mất biển được. Tôi đã nói điều này 10 năm nay rồi. Chúng ta không có lý do gì đánh mất biển, mất đảo.

Chúng ta có đầy đủ cơ sở pháp lý khách quan, thuyết phục để bác bỏ chủ quyền của họ ở Hoàng Sa, Trường Sa, đường Lưỡi bò. Đây là công cụ vô cùng quan trọng, là niềm tin quan trọng. Nhất định chúng ta giữ được".

Nhà ngoại giao nhấn mạnh : "Câu chuyện lòng dân là cực kỳ quan trọng. Nếu Biển Đông nằm trong trái tim của mỗi người Việt Nam, Biển Đông không bao giờ mất được. Nếu chúng ta dửng dưng, vô cảm, không quan tâm đến biển thì khả năng giữ là khó. Lòng dân quyết định tất cả. Chúng ta phải có được đoàn kết dân tộc, 96 triệu người như một, chúng ta sẽ giữ được biển bảo.

Tuy nhiên, chúng ta phải chuẩn bị những phương án cần thiết nhất, không chỉ đơn giản là gửi công hàm hay tiếp xúc… Sức mạnh của chúng ta lớn lắm, danh tiếng của Quân đội nhân dân Việt Nam lớn tương đương 50 sư đoàn được trang bị hiện đại nhất. Nhiều nhà ngoại giao ở Liên Hiệp Quốc đã nói với tôi như vậy, họ kính nể Việt Nam".

Đại sứ Nguyễn Trường Giang lưu ý : "Tuy nhiên, truyền thông của chúng ta về vụ việc này còn hơi khiêm tốn. Cần tuyên truyền rộng rãi hơn nữa để thấy, nếu họ đưa một chân sói vào được vùng biển của chúng ta, họ sẽ đưa tiếp chân sói thứ hai, chân sói thứ ba… từ đó chúng ta sẽ mất khu vực phòng ngự chiến lược trong vùng biển của chúng ta".

Rồi ông cảnh giác : "Cuối cùng, thái độ nhân nhượng là không ăn thua, giữ đại cục không ăn thua. Chúng ta từng nhũn nhặn, nhân nhượng nhưng không có tác dụng, dẫn đến những diễn biến quanh Bãi Tư Chính ngày nay. Chúng ta phải có lòng tin, sự quyết tâm vì bất kỳ sự nhân nhượng nào sẽ không dẫn đến hòa bình".

Vậy ông Nguyễn Phú Trọng và Ban Chấp hành trung ương Đảng cộng sản Việt Nam có banh tai ra mà nghe, căng mắt ra để đọc những lời tâm huyết và chí lý của giới trí thức về vụ Tư Chính chưa, hay vẫn cứ cố tình nhắm mắt, mũ ni che tai để sa vào cãi bẫy tiền tài và danh vọng của Bắc Kinh ?

Chắc ông Trọng và Bộ Chính trị chưa quên hồi tháng 10 năm 2017, Thiếu tướng Trương Giang Long, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Chính trị Công an Nhân dân, kiêm Giám đốc Học viện Chính trị, Công an Nhân dân phát biểu chống Trung Quốc mạnh mẽ, dài gần 30 phút.

Cuốn Video ghi lời ông nói : "Trung Quốc, không bao giờ từ bỏ dã tâm thôn tính chủ quyền của chúng ta. Mà không phải thời ông Tập Cận Bình đâu, ông khác lên cũng sẽ như vậy thôi. Câu chuyện là, bao giờ họ sẽ lấy và lấy bằng cách nào…".

Thiếu tướng cảnh giác người nghe : "Chính vì vậy mà chúng ta không loại trừ việc mà họ làm suy yếu từ bên trong. Chúng ta phải nói rõ với nhau như thế. Chúng tôi nói với các đồng chí là : bọn xấu nó cài cắm, nó móc ngoặc, nó lôi kéo đó. Hồi xưa chỉ một vài người là đã nguy hiểm rồi, đã chết rồi. Bây giờ, tôi thông báo với các đồng chí là, nó đã có con số đến hàng trăm, mà hàng trăm không chỉ là con số dừng lại ở hàng trăm. mà trăm này có thể cộng với trăm kia nữa. Mà nếu chúng ta không phát hiện, không nghiêm trị, thì xin thưa với các đồng chí là…".

Như vậy thì có ngạc nhiên gì khi thấy các báo chính thống như trang điện tử của Chính phủ, của đảng và 2 bài tường thuật diễn văn của ông Trọng tại Trung ương 11, do đài Tiếng nói Việt Nam (VOV) và Thông tấn xã Việt Nam phổ biến đã "kiểm duyệt" bỏ 2 chữ "Biển Đông".

Bằng chứng của TTXVN : "Tổng bí thư, Chủ tịch nước yêu cầu phân tích, dự báo có căn cứ, cơ sở khoa học, tình hình thế giới và trong nước (1), từ đó xác định sát hợp mục tiêu tổng quát, dự kiến các chỉ tiêu chủ yếu, cơ bản, quan trọng nhất cho năm 2020, các chính sách, biện pháp phù hợp, có tính khả thi cao, nhất là các chính sách, biện pháp đột phá để thích ứng với những diễn biến và tác động mới của tình hình thế giới, khu vực đối với kinh tế-xã hội nước ta trong năm 2020".

(Theo Nguyễn Sự-Hồng Điệp (TTXVN / Vietnam+,  07/10/2019)

Trong khi đó, bài của VOV chỉ viết : "Trên cơ sở phân tích, dự báo có căn cứ, cơ sở khoa học, tình hình thế giới và trong nước (1), xác định sát hợp mục tiêu tổng quát, dự kiến các chỉ tiêu chủ yếu, cơ bản, quan trọng nhất cho năm 2020 và các chính sách, biện pháp phù hợp, có tính khả thi cao, nhất là các chính sách, biện pháp đột phá để thích ứng với những diễn biến và tác động mới của tình hình thế giới, khu vực đối với kinh tế - xã hội nước ta trong năm 2020". 

Vậy lệnh kiểm duyệt 2 chữ "Biển Đông" trong câu nói quan trọng nhất của bài diễn văn của Tổng bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng, do ai trong Bộ Chính trị hay Chính phủ chỉ thị ?

Nên biết, tuy các báo đài nhà nước đều có Tổng Biên tập, nhưng chỉ có "một Tổng Biên tập của các Tổng biên tập" là Trường ban Tuyên giáo Trung ương Võ Văn Thưởng mới có toàn quyền quyết định sinh mạng của các báo.

Vậy thử hỏi ông Võ Văn Thưởng xem ai đã dám qua mặt ông để làm chuyện tầy trời đáng xử trảm này ?

Phạm Trần

(10/10/2019)

(1) Nguyên văn đoạn phát biểu của ông Nguyễn Phú Trọng : "Đồng thời, phân tích, dự báo có căn cứ, cơ sở khóa học, tình hình thế giới và trong nước, nhất là tình hình Biển Đông ; chỉ rõ các khả năng có thể xảy ra trong thời gian tới, lường trước những thời cơ, thuận lợi cần nắm bắt, những khó khăn, thách thức cần phải nỗ lực vượt qua"...

(xem : Toàn văn phát biểu khai mạc Hội nghị Trung ương 11 của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng, baochinhphu.Việt Nam, 07/10/2019).

*********************

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đề nghị nghiên cứu tình hình Biển Đông

Trần Khánh, VOV.VN, 08/10/2019

Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng nêu vấn đề tại Hội nghị Trung ương 11 trong bối cảnh tình hình Biển Đông đang có những diễn biến phức tạp.

"Phân tích, dự báo có căn cứ, cơ sở khoa học, tình hình thế giới và trong nước, nhất là tình hình Biển Đông ; chỉ rõ các khả năng có thể xảy ra".

Đây là một trong những yêu cầu được Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng đưa ra trong bài phát biểu khai mạc Hội nghị lần thứ 11 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII trong bối cảnh tình hình Biển Đông đang có những diễn biến hết sức phức tạp, phía Trung Quốc liên tục có những hành động làm leo thang căng thẳng trong khu vực.

tw1

Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng phát biểu tại phiên khai mạc Hội nghị Trung ương 11.

Những diễn biến khó lường trên thực địa

Gần 3 tháng qua, Trung Quốc liên tục đưa nhóm tàu khảo sát Hải Dương 8 tiến sâu, vi phạm vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa Việt Nam ở khu vực phía Nam Biển Đông.

Đáng chú ý, hành động "có chủ ý" này được Trung Quốc thực hiện ngay sau khi nước này tiến hành việc thử tên lửa đạn đạo chống hạm ở Biển Đông hồi đầu tháng 7.

Trung Quốc còn tìm cách ngăn chặn hoạt động thăm dò dầu khí của một nước khác ở bất kỳ đâu trong cái gọi là "đường 9 đoạn" – tuyên bố chủ quyền phi lý chồng chéo lên Vùng Đặc quyền Kinh tế (EEZ) của nhiều nước trong khu vực.

Theo Giáo sư Alexander Vuving, nghiên cứu viên cao cấp, Trung tâm nghiên cứu an ninh Châu Á-Thái Bình Dương của Mỹ, hành động ngang ngược của Trung Quốc sẽ đặt ra nhiều nguy cơ đối với khu vực Châu Á-Thái Bình Dương. Trung Quốc đang hướng tới tham vọng giành thêm các quyền kiểm soát Biển Đông, khống chế không gian biển ở khu vực, chà đạp lên luật pháp quốc tế. Hành động của Trung Quốc nếu không bị ngăn cản sẽ khiến nước này ảo tưởng rằng "sức mạnh của Trung Quốc đứng cao hơn luật pháp quốc tế".

tw2

Tàu khảo sát Hải Dương 8 tiến sâu, vi phạm vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa Việt Nam ở khu vực phía Nam Biển Đông. Ảnh : Schottel

Phản ứng kiềm chế nhưng kiên quyết của Việt Nam

Trước những hành động sai trái của Trung Quốc, Việt Nam chủ trương thận trọng, theo dõi sát sao mọi hoạt động của phía Trung Quốc và có phản ứng phù hợp với tình hình trên thực địa.

Cụ thể, sau mỗi lần Trung Quốc có những hành động leo thang căng thẳng, Bộ Ngoại giao Việt Nam lại đưa ra những tuyên bố ngày càng cụ thể và cương quyết hơn.

Lần đầu nêu việc Trung Quốc đưa nhóm tàu Hải Dương 8 vi phạm vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa Việt Nam, Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam Lê Thị Thu Hằng ngày 16/7 tuyên bố : "Như đã nhiều lần khẳng định, Việt Nam có chủ quyền, quyền chủ quyền và quyền tài phán đối với các vùng biển ở Biển Đông được xác định theo đúng các quy định của Công ước của Liên Hợp Quốc về Luật Biển 1982 mà Việt Nam và các nước ở Biển Đông đều là thành viên.

Do đó, mọi hoạt động của nước ngoài trên các vùng biển Việt Nam phải tuân thủ các quy định có liên quan của UNCLOS 1982, pháp luật Việt Nam. Mọi hoạt động của nước ngoài trên các vùng biển Việt Nam nếu không được phép của Việt Nam đều vô giá trị, xâm phạm vùng biển Việt Nam, vi phạm luật pháp quốc tế và UNCLOS 1982…".

Sau đó, bà Lê Thị Thu Hằng đã nêu đích danh Trung Quốc trong các tuyên bố của mình. Mới đây nhất, ngày 3/10, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam nhấn mạnh : "Theo cơ quan chức năng của Việt Nam, nhóm tàu Hải Dương 8 của Trung Quốc lại tiếp tục mở rộng hoạt động tại vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam, vi phạm nghiêm trọng quyền chủ quyền và quyền tài phán của Việt Nam được xác định phù hợp với các quy định của Công ước của Liên Hợp Quốc về Luật Biển 1982 mà Việt Nam và Trung Quốc đều là thành viên.

Việt Nam kiên quyết phản đối hành động này và đã có giao thiệp với Trung Quốc. Việt Nam một lần nữa yêu cầu Trung Quốc chấm dứt ngay vi phạm và rút ngay toàn bộ nhóm tàu trên ra khỏi vùng biển Việt Nam, không để xảy ra vi phạm tương tự. Việt Nam kiên quyết bảo vệ chủ quyền và các quyền lợi hợp pháp bằng các biện pháp mà luật pháp quốc tế cho phép".

tw3

Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh phát biểu tại phiên thảo luận chung cấp cao khóa 74 Đại hội đồng Liên Hợp Quốc.

Tuyên bố của bà Lê Thị Thu Hằng được đưa ra trong bối cảnh, trước đó, ngày 29/9, Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh đã nêu vấn đề Biển Đông trong bài phát biểu của ông tại phiên thảo luận chung cấp cao khóa 74 Đại hội đồng Liên Hợp Quốc.

Ông Phạm Bình Minh nhấn mạnh : "Chúng tôi kêu gọi các bên liên quan ở Biển Đông tuân thủ luật pháp quốc tế, đặc biệt là Công ước của Liên Hiệp Quốc về Luật biển 1982 (UNCLOS 1982) – "Hiến chương của Biển và Đại dương". Kết nối Ấn Độ Dương và Thái Bình Dương, Biển Đông có ý nghĩa chiến lược đối với hòa bình, an ninh và phát triển ở Châu Á-Thái Bình Dương và trên thế giới.

Nhận thức rõ điều đó, các quốc gia liên quan đã có nhiều nỗ lực, đạt được những kết quả tích cực về giải quyết bất đồng, tranh chấp. Tuy nhiên, Việt Nam cũng đã nhiều lần nêu rõ sự lo ngại về những diễn biến phức tạp ở Biển Đông, trong đó có việc vi phạm các quyền chủ quyền, quyền tài phán tại các vùng biển của Việt Nam được xác định theo UNCLOS 1982.

Các bên liên quan cần kiềm chế và tránh có những hành động đơn phương làm phức tạp tình hình và gia tăng căng thẳng, và giải quyết các tranh chấp bằng các biện pháp hòa bình phù hợp với luật pháp quốc tế, trong đó có UNCLOS 1982".

Đây là lần đầu tiên một quan chức cấp cao Việt Nam đưa vấn đề Biển Đông ra Đại hội đồng Liên Hợp Quốc, trong đó nhấn mạnh mong muốn giải quyết tranh chấp bằng biện pháp hòa bình trên cơ sở luật pháp quốc tế.

Thái độ rõ ràng, dứt khoát đối với một trong những vấn đề hệ trọng không chỉ đối với riêng Việt Nam mà còn cả hòa bình, an ninh hàng hải, hàng không của khu vực và trên thế giới đã nhận được sự ủng hộ của cộng đồng quốc tế.

Trong bài phát biểu tại phiên khai mạc Hội nghị Trung ương 11 khóa XII, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng đã đề cập tình hình Biển Đông trong phần nói về kinh tế- xã hội. Nhà lãnh đạo cao nhất của Việt Nam đề nghị Hội nghị Trung ương11 : "Phân tích, dự báo có căn cứ, cơ sở khoa học, tình hình thế giới và trong nước, nhất là tình hình Biển Đông; chỉ rõ các khả năng có thể xảy ra trong thời gian tới, lường trước những thời cơ, thuận lợi cần nắm bắt, những khó khăn, thách thức cần phải nỗ lực vượt qua"./.

Trần Khánh

Nguồn : VOV.VN, 08/10/2019

Published in Diễn đàn

Hội nghị Trung ương 11 khai mạc, ông Trọng ‘vừa muốn nghỉ vừa muốn làm'

Ben Ngo, RFA, 07/10/2019

Một nhà báo tự do ở Hà Nội hôm 7/10 nhận định Tổng Bí thư đang ở vào thế "vừa muốn nghỉ, vừa muốn làm". Phát biểu này được đưa ra vào ngày khai mạc Hội nghị Trung ương 11, sự kiện được cho là "quyết định nhiều vấn đề về tổ chức, cán bộ" trước Đại hội XIII của Đảng cộng sản Việt Nam.

hoinghi1

Tổng Bí thư kiêm Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng Tổng bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng phát biểu khai mạc hội nghị - Ảnh : TTXVN

Các báo nhà nước cho hay Hội nghị Trung ương 11 khai mạc dưới sự chủ trì của Tổng bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng. Công tác nhân sự lãnh đạo chủ chốt được xem là trọng tâm của sự kiện này.

Trong bảy ngày (từ 7 đến 13/10), các đại biểu dự Hội nghị tập trung thảo luận, cho ý kiến một bước về các dự thảo văn kiện trình Đại hội XIII của Đảng như dự thảo báo cáo chính trị, dự thảo báo cáo 10 năm thực hiện cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội (bổ sung, phát triển năm 2011) ; dự thảo báo cáo tổng kết 10 năm thực hiện Chiến lược kinh tế - xã hội 2011-2020…

Hôm 7/10, trả lời RFA, nhà báo tự do Phạm Thành nhận định :

"Về các ứng viên có thể kế vị ghế Tổng bí thư, ba bốn tháng trước lộ ra vài nhân vật như ông Trần Quốc Vượng. Nhưng gần đây có dư luận nói cả ông Nguyễn Xuân Phúc nữa. Ông Vượng hay ông Phúc lên thì đương nhiên ông Trọng phải nghỉ. Tôi cho rằng khả năng ông Trọng nghỉ. Tôi thấy ông Trọng xuất hiện tại các sự kiện rất gắng gượng, trong một tấm ảnh người ta thấy ông giơ tay lên nhưng không phải cánh tay khỏe mạnh. Người ta nói có 5, 7 ông bác sĩ người Trung Quốc chăm sóc sức khỏe cho ông".

Nhà báo Phạm Thành nói thêm : "Về tham vọng, ông Trọng rất muốn ở lại để tiếp tuc làm tổng bí thư thêm nhiệm kỳ nữa, nhưng sức khỏe của ông không đảm bảo. Nhưng ông ấy có tư tưởng rằng rất mong mình khỏe lên để tiếp tục giữ trọng trách tổng bí thư. Khả năng ông Trọng vừa muốn nghỉ vừa muốn làm đang ở trong tư tưởng của ông. Cho nên một khi ông Trọng chưa chính thức nói tôi muốn nghỉ thì ông Vượng hay ông Phúc cũng chỉ ngấp nghé mà thôi. Có thể ông ấy sẽ bất ngờ tuyên bố nghỉ bất kỳ lúc nào, chúng ta chưa biết được".

Trước đó, hôm 23/9, trả lời RFA qua email, ông Nguyễn Khắc Giang, nghiên cứu sinh tiến sĩ tại Đại học Victoria Wellington, New Zealand, cho biết :

"Theo nguyên tắc chuẩn bị nhân sự từ thấp đến cao, Trung ương 11 nhiều khả năng sẽ bàn về quy hoạch cán bộ cấp ủy viên Trung ương dựa trên danh sách Bộ Chính trị phê duyệt và đệ trình, thay vì cán bộ cấp cao. Không loại trừ vấn đề lãnh đạo cấp cao được thảo luận, nhưng sẽ khó được đưa vào nghị trình chính thức. Như truyền thống của đại hội trước, vấn đề nhân sự cấp cao chỉ nóng lên vào năm bản lề - 2020".

Nhận định về "cuộc đấu phe phái" trước khi hội nghị diễn ra, ông Giang viết : "Để phân biệt rõ ràng "phe" nào với nhau là rất khó khăn trong thời điểm hiện tại, bởi cái bóng quá lớn của Tổng bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng khiến cho tất cả những ai muốn tranh đấu quyền lực phải ẩn mình chờ thời. Đây có lẽ là lần đầu tiên từ năm 1986 mà chúng ta không phân định được các nhóm lợi ích với ưu tiên chính sách rõ ràng, bảo thủ hay đổi mới. Điều này khiến cho việc đoán định chính sách của đội ngũ lãnh đạo mới sẽ khó khăn hơn".

Ông Nguyễn Phú Trọng đã giữ chức Tổng Bí thư được hai nhiệm kỳ từ năm 2011. Năm 2016, ông trúng nhiệm kỳ 2 dù đã quá tuổi. Lúc đó đã có những nhận định cho rằng ông sẽ chỉ ở lại nửa nhiệm kỳ.

Hồi tháng 4 vừa qua, trong chuyến đi thăm Kiên Giang, ông Trọng phải đi cấp cứu ở bệnh viện. Ông Trọng vắng bóng trên chính trường trong nhiều tuần sau đó trong khi báo chí chính thống không đưa tin cụ thể ông bị bệnh gì. Sức khỏe của ông Trọng được cho là cũng ảnh hưởng đến việc ông có thể ở lại hay không trong nhiệm kỳ tới.

Ben Ngô

Nguồn : RFA, 07/10/2019

********************

Ông Trọng lần đầu nhắc tới Biển Đông sau 3 tháng căng thẳng

RFA, 07/10/2019

Chủ tịch nước kiêm Tổng bí thư Đảng cộng sản Việt Nam Nguyễn Phú Trọng trong phát biểu khai mạc Hội nghị trung ương lần thứ 11 sáng 7/10/2019 kêu gọi phân tích tình hình Biển Đông để có quyết sách phù hợp.

hoinghi2

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tại lễ khai mạc Hội nghị 11 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa 12 ở Hà Nội hôm 7/10/2019 Courtesy of dangcongsan.vn

Đây được xem là phát biểu đầu tiên của người đứng đầu nhà nước và Đảng cộng sản Việt Nam sau hơn 3 tháng đội tàu Trung Quốc xâm phạm vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam theo Công ước Quốc tế về luật biển 1982.

Mạng báo Thanh Niên dẫn lời ông Nguyễn Phú Trọng đề nghị các đại biểu xem xét, phân tích thật kỹ thực tế tình hình của các ngành, lĩnh vực và địa phương để thảo luận, đánh giá khách quan, toàn diện tình hình phát triển kinh tế - xã hội, ngân sách nhà nước 9 tháng năm 2019, dự báo cả năm 2019.

"Chỉ rõ những kết quả, thành tích nổi bật đã đạt được, những hạn chế, yếu kém còn tồn tại và nguyên nhân.

Đồng thời, phân tích, dự báo có căn cứ, cơ sở khóa học, tình hình thế giới và trong nước, nhất là tình hình Biển Đông.

Chỉ rõ các khả năng có thể xảy ra trong thời gian tới, lường trước những thời cơ, thuận lợi cần nắm bắt, những khó khăn, thách thức cần phải nỗ lực vượt qua".

Từ khoảng 3 tháng nay, Việt Nam đã phải đối đầu với việc Trung Quốc điều tàu hải cảnh, dân binh và tàu khảo sát Hải Dương 8 vào sâu trong khu vực đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam.

Bộ Ngoại giao Việt Nam đã 4 lần lên tiếng chính thức yêu cầu Trung Quốc rút toàn bộ tàu khỏi vùng biển Việt Nam nhưng tình hình vẫn chưa có gì tiến triển.

Đã có những nhân sĩ trí thức trong và ngoài nước kêu gọi chính phủ Việt Nam kiện Trung Quốc ra tóa quốc tế, tương tự như vụ Philippines kiện Trung Quốc ra Tóa Trọng tài Quốc tế PCA và có được phán quyết hồi năm 2016.

Hồi năm 2014, khi Trung Quốc đưa giàn khoan dầu HD 981 vào vùng biển Việt Nam khiến quan hệ hai nước trở nên căng thẳng, cũng đã có những lời kêu gọi Việt Nam kiện Trung Quốc ra tóa quốc tế nhưng sau đó Trung Quốc đã rút giàn khoan và không có vụ kiện nào được thực hiện.

******************

Toàn văn phát biểu khai mạc Hội nghị Trung ương 11 của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng

Baochinhphu, 07/10/2019

Cổng Thông tin điện tử Chính phủ xin trân trọng giới thiệu toàn văn phát biểu của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng khai mạc Hội nghị lần thứ 11 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII.

hoinghi3

Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng phát biểu tại Hội nghị - Ảnh : VGP/Nhật Bắc

Thưa các đồng chí Trung ương,

Thưa các đồng chí tham dự Hội nghị,

Hôm nay, Ban Chấp hành Trung ương khóa XII bắt đầu họp Hội nghị lần thứ 11 để thảo luận, cho ý kiến một bước về các dự thảo văn kiện trình Đại hội XIII của Đảng ; Báo cáo tình hình kinh tế - xã hội, ngân sách nhà nước năm 2019, dự kiến kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, ngân sách nhà nước năm 2020 ; và một số vấn đề quan trọng khác.

Thay mặt Bộ Chính trị, Ban Bí thư, tôi nhiệt liệt chào mừng các đồng chí Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương và toàn thể các đại biểu tham dự Hội nghị ; xin gửi tới các đồng chí lời chúc mừng tốt đẹp nhất. Sau đây, tôi xin phát biểu một số ý kiến, có tính chất gợi mở, nêu vấn đề để các đồng chí cùng suy nghĩ, nghiên cứu, thảo luận.

1. Về dự thảo Báo cáo chính trị và Báo cáo 10 năm thực hiện Cương lĩnh 2011 trình Đại hội XIII của Đảng

Như các đồng chí đã biết, thời gian qua, Bộ Chính trị đã chỉ đạo các Tiểu ban quán triệt Kết luận của Hội nghị Trung ương 10 (tháng 5/2019) xây dựng các dự thảo văn kiện trình Đại hội XIII của Đảng để Hội nghị Trung ương lần này xem xét, cho ý kiến hoàn thiện một bước, gửi đại hội đảng bộ các cấp đóng góp ý kiến.

Tiểu ban Văn kiện đã khẩn trương, nghiêm túc tiếp thu ý kiến của Trung ương, hoàn thiện Đề cương chi tiết, xây dựng dự thảo Báo cáo chính trị và Báo cáo 10 năm thực hiện Cương lĩnh 2011 để trình Bộ Chính trị cho ý kiến hoàn thiện và trình Trung ương hôm nay.

Báo cáo chính trị là văn kiện trung tâm của Đại hội, là căn cứ cơ bản để xây dựng các văn kiện khác. Cán bộ, đảng viên và nhân dân kỳ vọng Đại hội XIII của Đảng có được một Báo cáo chính trị xứng tầm, đề ra được những chủ trương, quyết sách đúng đắn để lãnh đạo toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta tiếp tục đẩy mạnh toàn diện và đồng bộ sự nghiệp đổi mới vì một nước Việt Nam dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh trong nhiệm kỳ tới và những năm tiếp theo.

Dự thảo Báo cáo chính trị đã được xây dựng và từng bước hoàn thiện, nâng cao, trên cơ sở tiếp thu, chắt lọc các kết quả nghiên cứu tổng kết một số vấn đề lý luận và thực tiễn qua 10 năm thực hiện Cương lĩnh 2011 và kết quả thực hiện Nghị quyết Đại hội XII của Đảng ; khảo sát thực tiễn và làm việc với 34 địa phương, ban, bộ, ngành ; tổ chức nhiều cuộc hội thảo, tóa đàm lấy ý kiến của các chuyên gia, các nhà khóa học, nhà quản lý ; đặc biệt là ý kiến của các đồng chí nguyên lãnh đạo Đảng và Nhà nước vào ngày 27/9 vừa qua.

Đề nghị các đồng chí Trung ương nghiên cứu kỹ, thảo luận, cho ý kiến về dự thảo Báo cáo ; tập trung vào các vấn đề lớn thuộc về nội dung nêu trong Tờ trình như : Đánh giá kết quả thực hiện Nghị quyết Đại hội XII của Đảng và diện mạo đất nước sau 35 năm đổi mới, 30 năm thực hiện Cương lĩnh, tập trung vào 10 năm gần đây ; mục tiêu phát triển đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2030 (100 năm thành lập Đảng) và đến năm 2045 (100 năm thành lập nước) ; định hướng tiếp tục đổi mới, phát triển các lĩnh vực trọng yếu ; các nhiệm vụ trọng tâm và các khâu đột phá chiến lược ; nhận thức và giải quyết các mối quan hệ lớn trong quá trình phát triển... Đặc biệt, chú ý những vấn đề lớn, những nội dung quan trọng về quan điểm, tư tưởng chỉ đạo, những chủ trương, chính sách, biện pháp đổi mới quan trọng, có ý nghĩa chiến lược, có tính đột phá, khả thi cao và những vấn đề còn có ý kiến khác nhau. Đối với mỗi vấn đề, cần đi sâu phân tích, đánh giá tình hình thực hiện Nghị quyết Đại hội XII và các Nghị quyết Trung ương ; chỉ rõ những chủ trương, chính sách nào của Đảng đã được quán triệt, cụ thể hoá, thể chế hóa và tổ chức thực hiện tốt, đạt kết quả thiết thực ; những chủ trương, chính sách nào còn chậm hoặc chưa vào được cuộc sống, chưa phát huy được tác dụng ; nguyên nhân vì sao ? Vì chủ trương, chính sách chưa sát hợp với thực tế hay do những hạn chế, yếu kém trong tổ chức thực hiện ? Về nguyên nhân, cần chú ý chỉ ra những nguyên nhân chủ quan, nhất là nguyên nhân thuộc về nhận thức, tư duy ; về năng lực cụ thể hoá, thể chể hóa và tổ chức thực hiện. Từ đó, khẳng định cần kế thừa, bổ sung, phát triển các mục tiêu, quan điểm, chủ trương, chính sách và phương hướng, nhiệm vụ nào để tiếp tục đổi mới toàn diện, đồng bộ, phù hợp với thực tế trong nước và quốc tế nhằm tiếp tục xây dựng Đảng và hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh ; xây dựng, bảo vệ và phát triển đất nước ta nhanh và bền vững hơn trong thời gian tới.

Báo cáo 10 năm thực hiện Cương lĩnh 2011 là một trong những cơ sở quan trọng để xây dựng Báo cáo chính trị một cách bài bản, có hệ thống và tầm nhìn sâu rộng, xuyên suốt 35 năm đổi mới, 30 năm thực hiện Cương lĩnh 1991 và định hướng xây dựng Đảng, xây dựng, bảo vệ và phát triển đất nước trong 5 - 10 năm tới, tầm nhìn đến năm 2045.

Dự thảo Báo cáo đã đề cập, phân tích về bối cảnh thực hiện Cương lĩnh 2011 ; nhận định, đánh giá về thành tựu trong phát triển nhận thức lý luận của Đảng ; những kết quả, hạn chế và những vấn đề đặt ra trong thực tiễn 10 năm thực hiện Cương lĩnh 2011 đối với từng lĩnh vực của đời sống xã hội ; đánh giá chung về ý nghĩa và giá trị của Cương lĩnh. Đồng thời, đề xuất, kiến nghị nhiều nội dung liên quan đến dự báo bối cảnh quốc tế, trong nước thời gian tới ; tiếp tục bổ sung, phát triển nhận thức lý luận về chủ nghĩa xã hội và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội của nước ta ; định hướng lớn và giải pháp xây dựng, phát triển đất nước đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045...

Đề nghị các đồng chí dành thời gian nghiên cứu, cho ý kiến về các vấn đề nêu trên, chú ý đến những vấn đề mới, còn có ý kiến khác nhau để Bộ Chính trị nghiên cứu, tiếp thu, tiếp tục chỉ đạo hoàn thiện Báo cáo, làm tài liệu nghiên cứu, phục vụ quá trình chuẩn bị và tiến hành đại hội đảng bộ các cấp và Đại hội toàn quốc lần thứ XIII của Đảng.

2. Về dự thảo Báo cáo kinh tế - xã hội trình Đại hội XIII của Đảng

Thời gian qua, Tiểu ban Kinh tế - Xã hội đã bám sát Đề cương được Hội nghị Trung ương 10 cho ý kiến, tích cực xây dựng dự thảo Báo cáo tổng kết 10 năm thực hiện Chiến lược 2011 - 2020 và 5 năm thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 2016 - 2020. Trên cơ sở đó, xây dựng dự thảo Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2045 và Phương hướng, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội 2021 - 2025 (sau đây gọi chung là Báo cáo kinh tế - xã hội).

Đây là một báo cáo rất quan trọng, đi sâu vào lĩnh vực cơ bản, nhiệm vụ trung tâm của công cuộc đổi mới. Dự thảo Báo cáo đã được xây dựng trên cơ sở tổ chức nghiên cứu theo 42 nhóm chuyên đề ; huy động sự tham gia rộng rãi, tích cực của các cơ quan, đơn vị trong nước và nước ngoài ; tổ chức 7 hội nghị với đại diện lãnh đạo của 63 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương ; trao đổi lấy ý kiến của các đồng chí nguyên lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các chuyên gia, các nhà khóa học...

Đề nghị Trung ương căn cứ vào thực tế đất nước từ đầu nhiệm kỳ đến nay và kế hoạch 5 năm, Chiến lược 10 năm về phát triển kinh tế - xã hội, tập trung thảo luận, đánh giá một cách khách quan, khóa học tình hình thực hiện mục tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2016 - 2020 và 10 năm 2011 - 2020 được đề ra tại hai kỳ Đại hội của Đảng ; xác định rõ ràng, đúng đắn vị thế, động lực, nguồn lực của đất nước, sức mạnh của dân tộc trước khi bước vào nhiệm kỳ Kế hoạch 5 năm, Chiến lược 10 năm phát triển kinh tế - xã hội mới. Chỉ rõ những nguyên nhân chủ quan, khách quan của những hạn chế, yếu kém và bài học kinh nghiệm được rút ra. Phải chăng đó là : Tăng trưởng nhanh nhưng phải bền vững, dựa trên nền tảng ổn định kinh tế vĩ mô ; phát triển kinh tế phải gắn với phát triển văn hoá, xã hội, con người, bảo vệ môi trường một cách tương xứng, hài hóa ; cần phải tập trung ưu tiên xây dựng, hoàn thiện có chất lượng, sát thực tế và tổ chức thực hiện thật nghiêm, thật tốt hệ thống luật pháp, chính sách ?

Trên cơ sở đánh giá đúng tình hình kinh tế - xã hội nước ta hiện nay, tính đến những thời cơ, thuận lợi mới xuất hiện và lường trước những khó khăn, thách thức phải vượt qua trong bối cảnh tình hình thế giới, khu vực diễn biến nhanh chóng, phức tạp, khó lường và cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư tác động mạnh mẽ, đa chiều đối với tất cả các quốc gia, dân tộc, Báo cáo kinh tế - xã hội cần xác định phương hướng, quan điểm, mục tiêu, các đột phá chiến lược, nhiệm vụ và giải pháp phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2021 - 2025 và 10 năm 2021 - 2030 sao cho thật đúng, thật sát với tình hình thực tế đất nước và bối cảnh quốc tế, khu vực. Chú ý các mục tiêu, nhiệm vụ cụ thể, những cơ chế, chính sách, biện pháp mới có tính đột phá, khả thi cao, đóng góp thiết thực vào việc phát huy, sử dụng có hiệu quả mọi nguồn lực trong và ngoài nước để giải quyết những vấn đề kinh tế - xã hội đang nổi lên và những vấn đề chiến lược, lâu dài ảnh hưởng trực tiếp đến sự phát triển nhanh, bền vững của đất nước ; cải thiện, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân.

3. Về dự thảo Báo cáo tổng kết 5 năm thực hiện công tác xây dựng Đảng, thi hành Điều lệ Đảng nhiệm kỳ khóa XII

Đây cũng là một báo cáo chuyên đề rất quan trọng của mỗi kỳ Đại hội, liên quan đến việc thực hiện nhiệm vụ then chốt của Đảng. Dự thảo Báo cáo đã được Tiểu ban Điều lệ Đảng chuẩn bị công phu, nghiêm túc trên cơ sở nghiên cứu, tổng hợp, phân tích, chắt lọc báo cáo tổng kết của 68/68 tỉnh uỷ, thành uỷ, đảng uỷ và 70 đảng đoàn, ban cán sự đảng trực thuộc Trung ương ; 35 báo cáo chuyên đề ; kết quả nghiên cứu, khảo sát tại 16 địa phương, cơ quan, đơn vị ; 8 cuộc hội thảo của đại diện cấp uỷ, tổ chức đảng trực thuộc Trung ương ; và xin ý kiến trực tiếp của một số đồng chí lãnh đạo, nguyên lãnh đạo Đảng, Nhà nước và các chuyên gia, nhà khóa học.

Trong Báo cáo tổng kết và Tờ trình của Bộ Chính trị gửi Trung ương đã nêu khá đầy đủ các nội dung tổng kết, đánh giá tình hình thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp về xây dựng Đảng do Đại hội XII đề ra. Dự thảo Báo cáo đã chỉ rõ những kết quả nổi bật, khá toàn diện đã đạt được ; đề xuất phương hướng và 10 nhiệm vụ, giải pháp tiếp tục đổi mới, nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác xây dựng Đảng trong nhiệm kỳ khóa XIII, trong đó xác định rõ 3 nhiệm vụ trọng tâm và 3 khâu đột phá. Đồng thời, tổng kết việc thi hành Điều lệ Đảng ; tổng hợp đề xuất bổ sung, sửa đổi Điều lệ Đảng của các cấp uỷ, tổ chức đảng và ý kiến của Bộ Chính trị kiến nghị với Trung ương về vấn đề này.

Đề nghị các đồng chí Trung ương thảo luận, cho ý kiến đánh giá kết quả đã đạt được ; những hạn chế, vướng mắc trong công tác xây dựng Đảng và thi hành Điều lệ Đảng ; những đề xuất về phương hướng, nhiệm vụ, giải pháp xây dựng Đảng nhiệm kỳ khóa XIII ; những kiến nghị của các cấp uỷ, tổ chức đảng về bổ sung, sửa đổi Điều lệ Đảng. Chú ý phân tích, chỉ rõ những nhiệm vụ, giải pháp đề ra đã sát thực tế, có tính khả thi, đúng trọng tâm, trọng điểm hay chưa, cần tập trung ưu tiên thực hiện những nhiệm vụ, giải pháp gì ; những hạn chế, vướng mắc nào do khâu tổ chức thực hiện chưa tốt, hướng dẫn chưa rõ ; những hạn chế, vướng mắc nào do quy định của Điều lệ Đảng, mức độ đến đâu, đã cần phải bổ sung, sửa đổi Điều lệ chưa, hay chỉ cần điều chỉnh bằng quy định, hướng dẫn của Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư ?...

4. Về kinh tế - xã hội, ngân sách nhà nước năm 2019 - 2020

Việc Trung ương xem xét, cho ý kiến về những nội dung nêu trên diễn ra trong bối cảnh : Tăng trưởng kinh tế và thương mại toàn cầu thấp hơn so với năm 2018 và dự báo còn có thể tiếp tục suy giảm trong năm 2020 ; cạnh tranh chiến lược, xung đột thương mại giữa các nước lớn ngày càng phức tạp, khó lường ; thị trường tài chính - tiền tệ quốc tế có nhiều biến động, gây tâm lý lo ngại về nguy cơ suy thoái kinh tế toàn cầu...

Đề nghị các đồng chí Trung ương xem xét, phân tích thật kỹ thực tế tình hình của các ngành, lĩnh vực và địa phương để thảo luận, đánh giá khách quan, toàn diện tình hình phát triển kinh tế - xã hội, ngân sách nhà nước 9 tháng đầu năm, dự báo cả năm 2019. Chỉ rõ những kết quả, thành tích nổi bật đã đạt được, những hạn chế, yếu kém còn tồn tại và nguyên nhân. Chú ý đối chiếu với những mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp đã đề ra, nhất là mục tiêu, nhiệm vụ và giải pháp ổn định kinh tế vĩ mô, tăng trưởng ở mức 6,6 - 6,8% ; phát triển văn hóa - xã hội, chăm lo đời sống nhân dân, bảo đảm an sinh xã hội ; giữ vững môi trường hóa bình, bảo vệ độc lập, chủ quyền quốc gia, an ninh chính trị và trật tự, an toàn xã hội ; mở rộng và nâng cao hiệu quả hoạt động đối ngoại, nâng cao vị thế, uy tín quốc gia…

Đồng thời, phân tích, dự báo có căn cứ, cơ sở khóa học, tình hình thế giới và trong nước, nhất là tình hình Biển Đông ; chỉ rõ các khả năng có thể xảy ra trong thời gian tới, lường trước những thời cơ, thuận lợi cần nắm bắt, những khó khăn, thách thức cần phải nỗ lực vượt qua. Từ đó, xác định sát hợp mục tiêu tổng quát, dự kiến các chỉ tiêu chủ yếu, cơ bản, quan trọng nhất cho năm 2020 và các chính sách, biện pháp phù hợp, có tính khả thi cao, nhất là các chính sách, biện pháp đột phá để thích ứng với những diễn biến và tác động mới của tình hình thế giới, khu vực đối với kinh tế - xã hội nước ta trong năm 2020. Chú ý đến những chính sách, biện pháp nhằm khắc phục hạn chế, yếu kém còn tồn tại, đặc biệt là trong giải ngân vốn đầu tư công và triển khai xây dựng các công trình kết cấu hạ tầng quan trọng ; đổi mới, sắp xếp lại và nâng cao hiệu quả doanh nghiệp nhà nước ; quản lý nhà nước về văn hoá, xã hội, nghệ thuật, tôn giáo, tín ngưỡng, thông tin, truyền thông ; bảo đảm trật tự, an toàn xã hội ; cải cách hành chính ; bảo vệ tài nguyên môi trường, quản lý, sử dụng đất đai, tài sản công...

Thưa các đồng chí,

Năm 2020 là năm cuối của nhiệm kỳ khóa XII và là năm sẽ diễn ra đại hội đảng bộ các cấp tiến tới Đại hội toàn quốc khóa XIII của Đảng. Vì vậy, nội dung chương trình Hội nghị Trung ương lần này có ý nghĩa rất quan trọng đối với việc lãnh đạo, chỉ đạo hoàn thành tốt các nhiệm vụ của năm 2019 - 2020 cũng như cả nhiệm kỳ và tổ chức thành công đại hội đảng bộ các cấp tiến tới Đại hội toàn quốc lần thứ XIII của Đảng.

 Đề nghị các đồng chí Trung ương và các đồng chí tham dự Hội nghị phát huy cao độ tinh thần trách nhiệm trước Đảng, trước nhân dân và đất nước, tập trung trí tuệ nghiên cứu, thảo luận kỹ lưỡng, cho ý kiến để tiếp tục hoàn thiện các dự thảo báo cáo và xem xét, quyết định các vấn đề quan trọng khác trong chương trình của kỳ họp.

Với tinh thần đó, tôi xin tuyên bố khai mạc Hội nghị lần thứ 11 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII. Chúc Hội nghị thành công tốt đẹp.

Xin trân trọng cảm ơn

Nguyễn Phú Trọng

(07/10/2019)

Published in Diễn đàn

Không có nhiều xáo trộn ?

Hội nghị trung ương 11, một sự kiện quan trọng của Đảng Cộng sản Việt Nam dự kiến diễn ra vào tháng 10/2019 để chuẩn bị nhân sự cấp cao cho Đại hội 13.

hoi1

Hình minh họa. Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng (giữa) phát biểu trước các ủy viên trung ương đảng tại lễ bế mạc đại hội đảng 12 ở Hà Nội hôm 28/1/2016 AFP

Hôm 23/9, trả lời RFA qua email, ông Nguyễn Khắc Giang, nghiên cứu sinh tiến sĩ tại Đại học Victoria Wellington, New Zealand, nhận định :

"Theo nguyên tắc chuẩn bị nhân sự từ thấp đến cao, Trung ương 11 nhiều khả năng sẽ bàn về quy hoạch cán bộ cấp ủy viên Trung ương dựa trên danh sách Bộ Chính trị phê duyệt và đệ trình, thay vì cán bộ cấp cao. Không loại trừ vấn đề lãnh đạo cấp cao được thảo luận, nhưng sẽ khó được đưa vào nghị trình chính thức. Như truyền thống của đại hội trước, vấn đề nhân sự cấp cao chỉ nóng lên vào năm bản lề - 2020".

Nhận định về "cuộc đấu phe phái" trước khi hội nghị diễn ra, ông Giang viết : "Để phân biệt rõ ràng "phe" nào với nhau là rất khó khăn trong thời điểm hiện tại, bởi cái bóng quá lớn của Tổng bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng khiến cho tất cả những ai muốn tranh đấu quyền lực phải ẩn mình chờ thời. Đây có lẽ là lần đầu tiên từ năm 1986 mà chúng ta không phân định được các nhóm lợi ích với ưu tiên chính sách rõ ràng, bảo thủ hay đổi mới. Điều này khiến cho việc đoán định chính sách của đội ngũ lãnh đạo mới sẽ khó khăn hơn".

hoi2

Ông Trần Quốc Vượng, Thường trực Ban bí thư (trái) và Bộ trưởng Quốc phòng Ngô Xuân Lịch (phải) tại lễ bế mạc đại hội đảng 12 ở Hà Nội hôm 28/01/2016 AFP

Ông Giang cũng đưa bình luận về ông Trần Quốc Vượng, Thường trực Ban Bí thư, nhân vật được suy đoán sẽ là tâm điểm chú ý tại Hội nghị trung ương 11 và Đại hội 13. Ông nói : "Chiếu theo Quy định 90 thì ông Trần Quốc Vượng hoàn toàn đủ tiêu chuẩn làm tổng bí thư, nhưng các thành viên cộm cán khác của Bộ Chính trị cũng đáp ứng được yêu cầu. Sự ủng hộ của Tổng bí thư Trọng sẽ là lợi thế lớn nếu ông Vượng muốn giữ chức tổng bí thư nhiệm kỳ tới, nhưng ông Vượng cũng có những hạn chế về kinh nghiệm quản trị và tuổi tác. Tiếng nói của ông Trọng có trọng lượng lớn, nhưng là không đủ để lấn át toàn bộ tiếng nói của Bộ Chính trị và đặc biệt là Ban chấp hành trung ương".

Bàn về việc Bộ trưởng Công an Tô Lâm mới đây bị rò rỉ công văn mật liên quan đến thương vụ Mobifone mua AVG và liệu vụ này có ảnh hưởng gì đến cơ hội của ông ấy tại Hội nghị 11, ông Nguyễn Khắc Giang cho hay :

"Việc một số lãnh đạo chủ chốt bị tung "tin xấu" trước đại hội diễn ra không ít, nhưng không phải cá nhân nào cũng bị ảnh hưởng. Ông Tô Lâm trên thực tế đã làm tốt vai trò của mình trong nhiệm kỳ này, đặc biệt là trong việc cải cách, thu gọn bộ máy công an và tham gia tích cực vào cuộc chiến chống tham nhũng của Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng. Ông Lâm vẫn đủ tuổi để giữ thêm một nhiệm kỳ Bộ Chính trị nữa, trong bối cảnh hơn một nửa số ủy viên Bộ Chính trị đương nhiệm sẽ phải rút lui vì quy định tuổi. Do vậy theo tôi, khả năng ông Lâm rút lui là không cao".

Cuối cùng, ông Nguyễn Khắc Giang nói thêm rằng "hãy còn sớm để bàn về danh sách ủy viên Bộ Chính trị khóa mới, tuy nhiên nhiều khả năng sẽ không có quá nhiều xáo trộn". Ông đưa ra dự báo rằng các thành viên Bộ Chính trị khóa mới "sẽ gồm ba nhóm lãnh đạo kế cận, có lẽ sẽ xuất hiện nhiều hơn thế hệ sinh năm 1970 trở đi vốn ít bị ảnh hưởng bởi ý thức hệ hơn".

‘Đánh nhau lớn’

Hôm 24/9, trả lời RFA, nhà báo tự do Phạm Chí Dũng nhận định : "Nếu Hội nghị trung ương 10 vào tháng 5/2019 chủ yếu ‘sắp ghế’ cho 200 ủy viên trung ương, thì Hội nghị trung ương 11 có nhiệm vụ chốt danh sách sơ bộ các gương mặt ủy viên bộ chính trị cho khóa 13. Do vậy, Hội nghị 10 chỉ là cuộc đấu giữa những ‘cá bé’, thì Hội nghị 11 thật sự là cuộc sát phạt của ‘cá mập’ với nhau".

"Theo cách nhìn của tôi, cứ chuẩn bị xếp ghế cho Bộ Chính trị thì có đánh nhau lớn. Thời gian qua trở lại không khí như trước Đại hội 12, đơn thư tố cáo tung ra như bươm bướm. Nhưng lần này có đặc điểm khác, lần đầu tiên Đảng cầm quyền thừa nhận có luồng thông tin ngoài Đảng mà Đảng không thể phủ nhận và coi đó là thông tin không chính thức. Còn người đọc thì hiểu rằng thông tin này có độ tin cậy cao vì đó là tin từ nội bộ Đảng tuôn ra để đấu đá phe phái trước Hội nghị trung ương".

Đề cập về khả năng tại vị của ông Nguyễn Phú Trọng, ông Phạm Chí Dũng cũng nói thêm :

"Tôi tin rằng nhiều chính khách đang mong rằng ông Trọng phải nghỉ, nếu không phải vì lý do tuổi tác thì là vì sức khỏe. Và khi nghỉ thì ông ấy để lại khoảng trống quyền lực rất lớn, sẽ diễn ra cuộc tranh giành của các nhân vật mới nổi".

"Nếu mà nói về gương mặt sáng giá thì 50/50, ẩn số lớn nhất là ông Trọng có tiếp tục coi mình là "trường hợp đặc biệt" hay không. Truyền nhân được nhìn thấy rõ ràng nhất của ông Trọng là ông Trần Quốc Vượng".

"Mọi thứ đang diễn ra hết sức bát nháo, giới chức lo đấu đá với nhau, bỏ mặc Biển Đông, Bãi Tư Chính cho Trung Quốc quần thảo. Dường như chưa bao giờ có đảng Cộng sản đớn hèn như thế này".

Việt Nam do đảng cộng sản lãnh đạo toàn diện, nên trước mỗi kỳ họp quốc hội, trung ương đảng cộng sản đều họp. Mục tiêu được nói nhằm có chỉ đạo về đường lối.

Thông báo chính thức từ tổng thư ký quốc hội, chủ nhiệm Văn phòng quốc hội Việt Nam, ông Nguyễn Hạnh Phúc, kỳ họp thứ 8, quốc hội khóa XIV sẽ khai mạc vào ngày 21/10 tới đây.

Như vậy theo thông lệ, hội nghị trung ương 10 của đảng cộng sản Việt Nam, khóa 12 sẽ diễn tra trước thời gian quốc hội nhóm họp : tuy nhiên đến nay thời điểm cụ thể cho hoạt động này vẫn chưa được tiết lộ.

Ben Ngô

Nguồn : RFA, 24/09/2019

Published in Diễn đàn