Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Diễn đàn

10/10/2019

Ông Nguyễn Phú Trọng mập mờ về Biển Đông ?

Phạm Trần

Báo chính thống "kiểm duyệt" bỏ 2 chữ Biển Đông (1)

Tổng bí thư, Chủ tịch nước Việt Nam cộng sản Nguyễn Phú Trọng đã mơ hồ, viển vông và hão huyền khi tránh đương đầu với Trung Quốc ở bãi Tư Chính, Trường Sa.

hoinghi3

Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng phát biểu tại Hội nghị. (Ảnh: VGP)

Từ ngày 03/07/2019, Trung Quốc đã ngang nhiên đem tầu thăm dò dầu khí Hải Dương 8 (HD-8) đến vùng biển Bãi Tư Chính thuộc vùng đặc quyền kinh tế 200 Hải lý của Việt Nam với 3 mục đích rõ rệt :

Thứ nhất, muốn giành chủ quyền không hề có của Trung Quốc trên vùng biển của Việt Nam.

Thứ hai, muốn đe dọa công tác tìm kiếm dầu khí liên doanh giữa Việt Nam với Nga và Ấn Độ, bắt đầu từ tháng 05/2019.

Thứ ba, nếu Việt Nam muốn thôi xung đột thì "hãy gác tranh chấp để cùng khái thác" như Phi Luật Tân đã đồng ý với Trung Quốc.

Trung Quốc đã tranh chấp chủ quyền biển đảo ở Biển Đông với 5 nước gồm Việt Nam, Phi Luật Tân, Nam Dương, Mã Lai và Brunei từ nghiều năm qua, nhưng Tòa án hòa giải quốc tế đã không nhìn nhận quyền chủ quyền của Trung Quốc trong hình Lưỡi Bò trong phán quyết năm 2016, khi xử vụ Phi kiện Trung Quốc.

Tư Chính nằm cách Vũng Tầu khoảng 370 cây số hướng đông-nam. Đây là điểm cực nam của hình tự vẽ Lưỡi Bò của Bắc Kinh nhằm chiếm 3/4 tổng diện tích trên 3 triệu cây số vuông của Biển Đông.

Trong suốt 3 tháng qua, ông Trọng và Bộ Chính trị của Đảng cộng sản Việt Nam, cơ chế nắm toàn quyền cai trị đất nước, đã không dám hé răng nửa lời lên án hành động ngang ngược của Trung Quốc. Ngược lại, ông đã để cho người phát ngôn của Bộ Ngoại giao, Lê Thị Thu Hằng, một mình chống Tầu bằng nước bọt và đòi Trung Quốc rút giàn khoan.

HD-8 và các tầu hộ tống võ trang của Cảnh sát biển Trung Quốc chẳng những không rút mà còn ngang nhiên đi đi về về giữa Tư Chính và đảo Chữ Thập để nghỉ ngơi và nhận tiếp tế rồi quay lại hăm dọa như cũ.

Nên biêt đảo Chữ Thập, cách Tư Chính lối 230 hải lý (lối 425 cây số) về phía bắc trước đây cũng chỉ là một bãi đá, nhưng sau khi chiếm của Việt Nam năm 1988, Trung Quốc đã tái tạo biến thành đảo kiên cố và xây dựng các cơ sở quân sự lớn nhất ở Trường Sa với sân bay, bến cảng, trạm tiếp liệu, đài radar, vô tuyến viễn thông, cột hải đăng, trại lính v.v…

Do đó, dự đoán HD-8 có thể hoạt động lâu dài, không giống như Hải Dương 981 hồi năm 2014, vì không có nơi tiếp tế, đã phải quay về vùng biển Hải Nam sau 76 ngày (1/5 - 16/7/2014) thăm dò dầu khí ở cùng biển chỉ cách đảo Sơn (tỉnh Quảng Ngãi, Việt Nam) khoảng 120 hải lý (222 cây số) về phía đông. Hải Nam, cách Tư Chính khoảng 600 hải lý (1.111 cây số) phía bắc. Vì vậy, phát ngôn viên Trung Quốc, Cảnh Sảng mới liều lĩnh nói vào ngày 18/09/2019 rằng : "Việt Nam đã đơn phương tiến hành các hoạt động khai thác dầu khí từ tháng Năm tới nay, và việc này vi phạm nghiêm trọng các quyền và lợi ích của Trung Quốc, đồng thời vi phạm các thỏa thuận song phương giữa Trung Quốc và Việt Nam".

Cảnh Sảng không nói rõ "các thỏa thuận song phương" nằm trong Hiệp ước nào, nhưng nhiều nhà nghiên cứu ở Việt Nam nghi ngờ nó nằm trong Hiệp ước bí mật Thành Đô năm 1990 giữa Tổng bí thư đảng Nguyễn Văn Linh và Tổng bí thư, Chủ tịch nhà nước Giang Trạch Dân để nối lại bang giao giữa hai nước, sau 10 năm chiến tranh biên giới từ năm 1979 đến 1989.

Vì vậy, dù cuôc chiến nước bọt đôi bên tiếp diễn, nhưng tình hình trên biển đã cho thấy quyền chủ quyền của Việt Nam trên Biển Đông đã bị đe dọa nghiêm trọng, sau khi HD-8 và các tầu võ trang Trung Quốc đã tự do ra, vào vùng biển của Việt Nam như ao nhà mà không hề bị ngăn chặn.

Ông trọng mù mờ

Do đó, khi thấy ông Nguyễn Phú Trọng bất ngờ nói đến 2 chữ Biển Đông trong diễn văn khai mạc Hội nghị Trung ương đảng kỳ 11, họp từ ngày 7 đến 13/10/2019, thì dư luận quan tâm bàn bạc, mặc dù ông đã cố tình nhét vào phần cuối của diễn văn khi yêu cầu Trung ương thảo luận về phát triển và xây dựng kinh tế năm 2020.

Ông Trọng nói với Trung ương rằng : "Đồng thời, phân tích, dự báo có căn cứ, cơ sở khoa học, tình hình thế giới và trong nước, nhất là tình hình Biển Đông ; chỉ rõ các khả năng có thể xảy ra trong thời gian tới, lường trước những thời cơ, thuận lợi cần nắm bắt, những khó khăn, thách thức cần phải nỗ lực vượt qua. Từ đó, xác định sát hợp mục tiêu tổng quát, dự kiến các chỉ tiêu chủ yếu, cơ bản, quan trọng nhất cho năm 2020 và các chính sách, biện pháp phù hợp, có tính khả thi cao, nhất là các chính sách, biện pháp đột phá để thích ứng với những diễn biến và tác động mới của tình hình thế giới, khu vực đối với kinh tế - xã hội nước ta trong năm 2020".

Nhưng tại sao ông Trọng không dành riêng một phiên họp để thảo luận về Biển Đông, trong đó quan trọng hàng đầu là việc Trung Quốc đem HD-8 xâm nhập và quấy phá bên trong vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam ?

Ngược lại, 4 đề mục chính của Hội nghị Trung ương 11 đã chỉ tập trung thào luận về : Dự thảo Báo cáo chính trị và Báo cáo 10 năm thực hiện Cương lĩnh 2011 ; Về dự thảo Báo cáo kinh tế - xã hội trình Đại hội XIII của Đảng ; Về dự thảo Báo cáo tổng kết 5 năm thực hiện công tác xây dựng Đảng ; Về kinh tế - xã hội, ngân sách nhà nước năm 2019 – 2020".

Vậy phải chăng ông Trọng đã "chẳng đặng đừng" mà phải yêu cầu Trung ương đảng xem xét "tình hình Biển Đông", nhưng có mấy Ủy viên nắm được tin tức những gì đã và đang diễn ra ở Tư Chính, nhất là những hoạt động ở Tư Chính thuộc hạng tin tối mật quốc phòng ?

Theo lề lối làm việc nội bộ thì ngoài Bộ Chính trị, các viên chức hàng đầu Bộ Ngoại giao, Bộ Quốc phòng và Bộ Công an, không ai có thể biết hơn ông Trọng về tình hình Tư Chính, chủ quyền của Việt Nam đang đe dọa đến mức nào.

Vậy tại sao ông Trọng lại "đá bóng" qua sân Trung ương đế Trung ương phải gánh trách nhiệm chung với Bộ Chính trị, trong khi chính ông Trọng mới là người phải đứng mũi chịu sào.

Hành động mập mờ của ông Trọng khi đưa chuyện Biển Đông cho Trung ương giải quyết, do đó, bị nghi ngờ là một chiến lược "ném đá giấu tay" để ông không bị Trung Quốc lên án sau này.

Kinh nghiệm HD-981

Còn nhớ khi xẩy ra vụ HD-981 năm 2014 thì Trung ương đảng khóa XI tuy đang họp kỳ thứ 9 (từ ngày 08/05 đến ngày 14/05/2014), nhưng đã không thảo luận vụ xung đột lớn này.

Khi đó có tin, theo Bách khoa toàn thư mở, thì : "Bộ Chính trị chỉ đạo phải tiếp tục đấu tranh bằng biện pháp hòa bình, đúng theo luật pháp quốc tế. Riêng về giải pháp đấu tranh pháp lý, thời điểm nào hợp lý thì Bộ Chính trị sẽ quyết định, theo thông tin từ phiên họp Chính phủ cuối tháng 5".

Nhưng sau khi bế mạc, Trung ương đảng đã ra Thông báo, trong đó có đoạn viết : "Ban Chấp hành Trung ương theo dõi sát tình hình, nghe báo cáo của các cơ quan chức năng về việc thực hiện các chủ trương, giải pháp của ta phản đối, đấu tranh đòi phía Trung Quốc phải dừng việc đặt giàn khoan thăm dò dầu khí Hải Dương 981 trong vùng biển nước ta và khẳng định : Toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta đoàn kết một lòng, kiên quyết bảo vệ độc lập, chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc ; giải quyết những bất đồng, tranh chấp bằng giải pháp hoà bình trên cơ sở tôn trọng luật pháp quốc tế, trong đó có Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển năm 1982, Tuyên bố về ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC) và những thoả thuận giữa lãnh đạo cấp cao Việt Nam - Trung Quốc ; đồng thời giữ vững môi trường hoà bình, ổn định để phát triển bền vững đất nước".

Tựu trung là khi đó, cũng ông Nguyễn Phú Trọng và Bộ Chính trị đã quyết định không dùng biện pháp mạnh, kể cả việc kiện Trung Quốc, để duy trì hòa khí với người phương Bắc mà cả hai nước đã coi nhau "vừa là đồng chí, vừa là anh em", theo phương châm 16 chữ : "láng giềng hữu nghị, hợp tác toàn diện, ổn định lâu dài, hướng tới tương lai" và tinh thần 4 tốt : "láng giềng tốt, bạn bè tốt, đồng chí tốt, đối tác tốt".

Quốc hội Việt Nam khi ấy cũng đang họp nhưng Chủ tịch Nguyễn Sinh Hùng cũng nín thinh không dám thảo luận vụ HD-981. Bộ Chính trị và ông Hùng là một Ủy viên đã toa rập ngăn chặn Quốc hội ra nghị quyết lên án Trung Quốc. Nhưng sau đó, vào ngày 21 tháng 5, Quốc hội đã ra thông cáo tuyên bố "nhất trí cao với chủ trương của Đảng và Nhà nước".

Vậy, nay với vụ HD-8, xem như ông Trọng lại muốn rập khuôn cũ để buông tay, mặc dù vụ HD-8 ở Tư Chính nghiêm trọng gấp ngàn lần hơn vụ HD-981.

Trung Quốc rỉ tai ai ?

Trước biến cố Tư Chính, một số đông trí thức, giới khoa học, cựu tướng lĩnh và nhà văn nổi tiếng, khối người trong số này đã ra khỏi đảng và công khai đối lập với đảng đã họp tại Hà Nội ngày 06/10/2019 để thảo luận việc phài làm gì trong tình thế nguy nan này.

Cuộc Tọa đàm do Viện nghiên cứu Chính sách Pháp luật và Phát triển, do à Phó Giáo sư Tiến sĩ Hoàng Ngọc Giao đứng đầu tổ chức.

Theo tường thuật của nhà nghiên cứu ngôn ngữ Đào Tiến Thi từ trong nước thì những người tham dự nổi tiếng gồm có : cụ Nguyễn Khắc Mai, giáo sư Nguyễn Đình Cống, nhà văn Hoàng Quốc Hải, nhà ngoại giao Nguyễn Trung, anh hùng lực lượng vũ trang Lê Mã Lương, phó giáo sư Trần Thị Băng Thanh, nhà thơ Trần Nhương, phó giáo sư Nguyễn Vi Khải, kiến trúc sư Trần Thanh Vân, phó giáo sư Chu Hảo, chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan, nhà văn Nguyên Bình, nhà văn cựu tù nhân lương tâm (vì chống Trung Quốc xâm lược) Phạm Viết Đào, giáo sư Trần Ngọc Vương, tiến sĩ Đinh Hoàng Thắng, tiến sĩ Công Nghĩa Tụ, tiến sĩ Nguyễn Đại, tiến sĩ Phạm Văn Chung, tiến sĩ Nguyễn Văn Vịnh, tiến sĩ Nguyễn Xuân Diện, nhà báo tự do Lê Dũng.

Ngoài ra còn có phó giáo sư tiến sĩ thiếu tướng Lê Văn Cương, nhà ngoại giao Nguyễn Trường Giang, cựu quan chức chính phủ Nguyễn Nam Cường, thạc sĩ Hoàng Việt (một chuyên gia về luật biển, hiện đang là giảng viên Đại học Luật Thành phố Hồ Chí Minh).

Theo các bài tương thuật của ông Đào Tiến Thi thì : "Các chuyên gia hàng đầu đều nhận định sự kiện bãi Tư Chính là "vô cùng nghiêm trọng". Bởi vì đây là "nút thắt của nút thắt" (Tư Chính là nút thắt vấn đề Biển Đông hiện nay và vấn đề Biển Đông lại là nút thắt của quan hệ Việt–Trung). Mất Tư Chính có thể dẫn đến mất toàn bộ quần đảo Trường Sa, và mất Trường Sa có thể dẫn đến mất nước".

Ông Thi nhấn mạnh : "Thiếu tướng Lê Văn Cương cho rằng vụ Tư Chính nguy hiểm gấp cả trăm lần vụ Giàn khoan 981 hồi 2014. Ông cũng bác bỏ từng luận điệu sai trái hiện tồn tại trong chính giới Việt Nam như coi vụ Tư Chính chỉ là cuộc chơi giữa hai cường quốc, như cho rằng Trung Quốc to lớn đến mức ta không thể làm gì được, v.v…".

Vẫn theo ông Thi thì : "Các chuyên gia về luật biển, về biển và về ngoại giao đều cho rằng, kiện Trung Quốc là biện pháp tốt nhất hiện nay. Tuy nhiên kiện ở tòa nào, kiện về việc gì thì còn phải tính toán, cân nhắc để chắc thắng. Trên thế giới có những luật sư chuyên giúp các nước nhỏ kiện các nước lớn trong vấn đề chủ quyền. Nicaragua đã từng thắng Mỹ theo cách đó.

Cái khó là Trung Quốc rất lì lợm, không chịu cùng nhau ra tòa, trong khi nhiều tòa án quốc tế chỉ thụ lý nếu cả hai bên cùng chấp nhận ra tòa. Theo một số chuyên gia, giới cầm quyền Trung Quốc đã nhiều lần 'rỉ tai' giới lãnh đạo Việt Nam 'đừng kiện để giữ đại cục'. Thế thì Việt Nam đã gặp khó khăn ngay từ chủ trương rồi".

Nhưng "rỉ tai" ai, nếu không phải là những người có trách nhiệm hàng đầu trong đảng và nhà nước cộng sản Việt Nam ?

Nhân nhượng hay nằm vùng ?

Ngoài phản ứng rất gay gắt của giới trí thức tại cuộc Tọa đàm ngày 06/10/2019, thỉnh thoảng đó đây cũng phát lên những phản biện thẳng thắn của nhiều trí thức khác đứng trước nguy cơ ở Tư Chính.

Trong số này, phải kể đến bài phát biểu gây tiếng vang lớn của nguyên Đại sứ Nguyễn Trường Giang về Tư Chính, do báo An ninh Thủ đô thực hiện và được ViệtnamNet đăng lại ngày 05/08/2019, nhưng sau đó được lệnh gỡ bỏ.

Ông nói : "Tôi cho rằng, chúng ta không thể nào đánh mất biển được. Tôi đã nói điều này 10 ăm nay rồi. Chúng ta không có lý do gì đánh mất biển, mất đảo".

Báo An Ninh Thủ Đô kể rằng : "Đại sứ Nguyễn Trường Giang, người đã dành hơn 10 năm nghiên cứu về tình hình biển, đảo, chia sẻ những suy nghĩ của mình về những diễn biến quanh Bãi Tư Chính".

"Cái cớ của họ là gì ? Bãi Tư Chính là của họ ? Chúng ta là kẻ cướp biển, cướp đảo của họ ? Họ chứng minh được việc này thì họ mới có thể bắn. Nhưng làm sao họ chứng minh được ! Họ không thể chứng minh được !

Tôi cho rằng, trong bất kỳ tình huống nào chúng ta cũng ngăn được các giàn khoan của họ vào vùng biển của chúng ta. Lý do là chưa một quốc gia nào trên thế giới này làm được việc đó. Nếu làm được thì người Mỹ, người Nhật đã chiếm sạch biển của thế giới rồi. Không một ai có thể dùng vũ lực để chiếm biển cả.

Tôi cho rằng, chúng ta không thể nào đánh mất biển được. Tôi đã nói điều này 10 năm nay rồi. Chúng ta không có lý do gì đánh mất biển, mất đảo.

Chúng ta có đầy đủ cơ sở pháp lý khách quan, thuyết phục để bác bỏ chủ quyền của họ ở Hoàng Sa, Trường Sa, đường Lưỡi bò. Đây là công cụ vô cùng quan trọng, là niềm tin quan trọng. Nhất định chúng ta giữ được".

Nhà ngoại giao nhấn mạnh : "Câu chuyện lòng dân là cực kỳ quan trọng. Nếu Biển Đông nằm trong trái tim của mỗi người Việt Nam, Biển Đông không bao giờ mất được. Nếu chúng ta dửng dưng, vô cảm, không quan tâm đến biển thì khả năng giữ là khó. Lòng dân quyết định tất cả. Chúng ta phải có được đoàn kết dân tộc, 96 triệu người như một, chúng ta sẽ giữ được biển bảo.

Tuy nhiên, chúng ta phải chuẩn bị những phương án cần thiết nhất, không chỉ đơn giản là gửi công hàm hay tiếp xúc… Sức mạnh của chúng ta lớn lắm, danh tiếng của Quân đội nhân dân Việt Nam lớn tương đương 50 sư đoàn được trang bị hiện đại nhất. Nhiều nhà ngoại giao ở Liên Hiệp Quốc đã nói với tôi như vậy, họ kính nể Việt Nam".

Đại sứ Nguyễn Trường Giang lưu ý : "Tuy nhiên, truyền thông của chúng ta về vụ việc này còn hơi khiêm tốn. Cần tuyên truyền rộng rãi hơn nữa để thấy, nếu họ đưa một chân sói vào được vùng biển của chúng ta, họ sẽ đưa tiếp chân sói thứ hai, chân sói thứ ba… từ đó chúng ta sẽ mất khu vực phòng ngự chiến lược trong vùng biển của chúng ta".

Rồi ông cảnh giác : "Cuối cùng, thái độ nhân nhượng là không ăn thua, giữ đại cục không ăn thua. Chúng ta từng nhũn nhặn, nhân nhượng nhưng không có tác dụng, dẫn đến những diễn biến quanh Bãi Tư Chính ngày nay. Chúng ta phải có lòng tin, sự quyết tâm vì bất kỳ sự nhân nhượng nào sẽ không dẫn đến hòa bình".

Vậy ông Nguyễn Phú Trọng và Ban Chấp hành trung ương Đảng cộng sản Việt Nam có banh tai ra mà nghe, căng mắt ra để đọc những lời tâm huyết và chí lý của giới trí thức về vụ Tư Chính chưa, hay vẫn cứ cố tình nhắm mắt, mũ ni che tai để sa vào cãi bẫy tiền tài và danh vọng của Bắc Kinh ?

Chắc ông Trọng và Bộ Chính trị chưa quên hồi tháng 10 năm 2017, Thiếu tướng Trương Giang Long, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Chính trị Công an Nhân dân, kiêm Giám đốc Học viện Chính trị, Công an Nhân dân phát biểu chống Trung Quốc mạnh mẽ, dài gần 30 phút.

Cuốn Video ghi lời ông nói : "Trung Quốc, không bao giờ từ bỏ dã tâm thôn tính chủ quyền của chúng ta. Mà không phải thời ông Tập Cận Bình đâu, ông khác lên cũng sẽ như vậy thôi. Câu chuyện là, bao giờ họ sẽ lấy và lấy bằng cách nào…".

Thiếu tướng cảnh giác người nghe : "Chính vì vậy mà chúng ta không loại trừ việc mà họ làm suy yếu từ bên trong. Chúng ta phải nói rõ với nhau như thế. Chúng tôi nói với các đồng chí là : bọn xấu nó cài cắm, nó móc ngoặc, nó lôi kéo đó. Hồi xưa chỉ một vài người là đã nguy hiểm rồi, đã chết rồi. Bây giờ, tôi thông báo với các đồng chí là, nó đã có con số đến hàng trăm, mà hàng trăm không chỉ là con số dừng lại ở hàng trăm. mà trăm này có thể cộng với trăm kia nữa. Mà nếu chúng ta không phát hiện, không nghiêm trị, thì xin thưa với các đồng chí là…".

Như vậy thì có ngạc nhiên gì khi thấy các báo chính thống như trang điện tử của Chính phủ, của đảng và 2 bài tường thuật diễn văn của ông Trọng tại Trung ương 11, do đài Tiếng nói Việt Nam (VOV) và Thông tấn xã Việt Nam phổ biến đã "kiểm duyệt" bỏ 2 chữ "Biển Đông".

Bằng chứng của TTXVN : "Tổng bí thư, Chủ tịch nước yêu cầu phân tích, dự báo có căn cứ, cơ sở khoa học, tình hình thế giới và trong nước (1), từ đó xác định sát hợp mục tiêu tổng quát, dự kiến các chỉ tiêu chủ yếu, cơ bản, quan trọng nhất cho năm 2020, các chính sách, biện pháp phù hợp, có tính khả thi cao, nhất là các chính sách, biện pháp đột phá để thích ứng với những diễn biến và tác động mới của tình hình thế giới, khu vực đối với kinh tế-xã hội nước ta trong năm 2020".

(Theo Nguyễn Sự-Hồng Điệp (TTXVN / Vietnam+,  07/10/2019)

Trong khi đó, bài của VOV chỉ viết : "Trên cơ sở phân tích, dự báo có căn cứ, cơ sở khoa học, tình hình thế giới và trong nước (1), xác định sát hợp mục tiêu tổng quát, dự kiến các chỉ tiêu chủ yếu, cơ bản, quan trọng nhất cho năm 2020 và các chính sách, biện pháp phù hợp, có tính khả thi cao, nhất là các chính sách, biện pháp đột phá để thích ứng với những diễn biến và tác động mới của tình hình thế giới, khu vực đối với kinh tế - xã hội nước ta trong năm 2020". 

Vậy lệnh kiểm duyệt 2 chữ "Biển Đông" trong câu nói quan trọng nhất của bài diễn văn của Tổng bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng, do ai trong Bộ Chính trị hay Chính phủ chỉ thị ?

Nên biết, tuy các báo đài nhà nước đều có Tổng Biên tập, nhưng chỉ có "một Tổng Biên tập của các Tổng biên tập" là Trường ban Tuyên giáo Trung ương Võ Văn Thưởng mới có toàn quyền quyết định sinh mạng của các báo.

Vậy thử hỏi ông Võ Văn Thưởng xem ai đã dám qua mặt ông để làm chuyện tầy trời đáng xử trảm này ?

Phạm Trần

(10/10/2019)

(1) Nguyên văn đoạn phát biểu của ông Nguyễn Phú Trọng : "Đồng thời, phân tích, dự báo có căn cứ, cơ sở khóa học, tình hình thế giới và trong nước, nhất là tình hình Biển Đông ; chỉ rõ các khả năng có thể xảy ra trong thời gian tới, lường trước những thời cơ, thuận lợi cần nắm bắt, những khó khăn, thách thức cần phải nỗ lực vượt qua"...

(xem : Toàn văn phát biểu khai mạc Hội nghị Trung ương 11 của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng, baochinhphu.Việt Nam, 07/10/2019).

*********************

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đề nghị nghiên cứu tình hình Biển Đông

Trần Khánh, VOV.VN, 08/10/2019

Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng nêu vấn đề tại Hội nghị Trung ương 11 trong bối cảnh tình hình Biển Đông đang có những diễn biến phức tạp.

"Phân tích, dự báo có căn cứ, cơ sở khoa học, tình hình thế giới và trong nước, nhất là tình hình Biển Đông ; chỉ rõ các khả năng có thể xảy ra".

Đây là một trong những yêu cầu được Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng đưa ra trong bài phát biểu khai mạc Hội nghị lần thứ 11 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII trong bối cảnh tình hình Biển Đông đang có những diễn biến hết sức phức tạp, phía Trung Quốc liên tục có những hành động làm leo thang căng thẳng trong khu vực.

tw1

Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng phát biểu tại phiên khai mạc Hội nghị Trung ương 11.

Những diễn biến khó lường trên thực địa

Gần 3 tháng qua, Trung Quốc liên tục đưa nhóm tàu khảo sát Hải Dương 8 tiến sâu, vi phạm vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa Việt Nam ở khu vực phía Nam Biển Đông.

Đáng chú ý, hành động "có chủ ý" này được Trung Quốc thực hiện ngay sau khi nước này tiến hành việc thử tên lửa đạn đạo chống hạm ở Biển Đông hồi đầu tháng 7.

Trung Quốc còn tìm cách ngăn chặn hoạt động thăm dò dầu khí của một nước khác ở bất kỳ đâu trong cái gọi là "đường 9 đoạn" – tuyên bố chủ quyền phi lý chồng chéo lên Vùng Đặc quyền Kinh tế (EEZ) của nhiều nước trong khu vực.

Theo Giáo sư Alexander Vuving, nghiên cứu viên cao cấp, Trung tâm nghiên cứu an ninh Châu Á-Thái Bình Dương của Mỹ, hành động ngang ngược của Trung Quốc sẽ đặt ra nhiều nguy cơ đối với khu vực Châu Á-Thái Bình Dương. Trung Quốc đang hướng tới tham vọng giành thêm các quyền kiểm soát Biển Đông, khống chế không gian biển ở khu vực, chà đạp lên luật pháp quốc tế. Hành động của Trung Quốc nếu không bị ngăn cản sẽ khiến nước này ảo tưởng rằng "sức mạnh của Trung Quốc đứng cao hơn luật pháp quốc tế".

tw2

Tàu khảo sát Hải Dương 8 tiến sâu, vi phạm vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa Việt Nam ở khu vực phía Nam Biển Đông. Ảnh : Schottel

Phản ứng kiềm chế nhưng kiên quyết của Việt Nam

Trước những hành động sai trái của Trung Quốc, Việt Nam chủ trương thận trọng, theo dõi sát sao mọi hoạt động của phía Trung Quốc và có phản ứng phù hợp với tình hình trên thực địa.

Cụ thể, sau mỗi lần Trung Quốc có những hành động leo thang căng thẳng, Bộ Ngoại giao Việt Nam lại đưa ra những tuyên bố ngày càng cụ thể và cương quyết hơn.

Lần đầu nêu việc Trung Quốc đưa nhóm tàu Hải Dương 8 vi phạm vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa Việt Nam, Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam Lê Thị Thu Hằng ngày 16/7 tuyên bố : "Như đã nhiều lần khẳng định, Việt Nam có chủ quyền, quyền chủ quyền và quyền tài phán đối với các vùng biển ở Biển Đông được xác định theo đúng các quy định của Công ước của Liên Hợp Quốc về Luật Biển 1982 mà Việt Nam và các nước ở Biển Đông đều là thành viên.

Do đó, mọi hoạt động của nước ngoài trên các vùng biển Việt Nam phải tuân thủ các quy định có liên quan của UNCLOS 1982, pháp luật Việt Nam. Mọi hoạt động của nước ngoài trên các vùng biển Việt Nam nếu không được phép của Việt Nam đều vô giá trị, xâm phạm vùng biển Việt Nam, vi phạm luật pháp quốc tế và UNCLOS 1982…".

Sau đó, bà Lê Thị Thu Hằng đã nêu đích danh Trung Quốc trong các tuyên bố của mình. Mới đây nhất, ngày 3/10, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam nhấn mạnh : "Theo cơ quan chức năng của Việt Nam, nhóm tàu Hải Dương 8 của Trung Quốc lại tiếp tục mở rộng hoạt động tại vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam, vi phạm nghiêm trọng quyền chủ quyền và quyền tài phán của Việt Nam được xác định phù hợp với các quy định của Công ước của Liên Hợp Quốc về Luật Biển 1982 mà Việt Nam và Trung Quốc đều là thành viên.

Việt Nam kiên quyết phản đối hành động này và đã có giao thiệp với Trung Quốc. Việt Nam một lần nữa yêu cầu Trung Quốc chấm dứt ngay vi phạm và rút ngay toàn bộ nhóm tàu trên ra khỏi vùng biển Việt Nam, không để xảy ra vi phạm tương tự. Việt Nam kiên quyết bảo vệ chủ quyền và các quyền lợi hợp pháp bằng các biện pháp mà luật pháp quốc tế cho phép".

tw3

Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh phát biểu tại phiên thảo luận chung cấp cao khóa 74 Đại hội đồng Liên Hợp Quốc.

Tuyên bố của bà Lê Thị Thu Hằng được đưa ra trong bối cảnh, trước đó, ngày 29/9, Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh đã nêu vấn đề Biển Đông trong bài phát biểu của ông tại phiên thảo luận chung cấp cao khóa 74 Đại hội đồng Liên Hợp Quốc.

Ông Phạm Bình Minh nhấn mạnh : "Chúng tôi kêu gọi các bên liên quan ở Biển Đông tuân thủ luật pháp quốc tế, đặc biệt là Công ước của Liên Hiệp Quốc về Luật biển 1982 (UNCLOS 1982) – "Hiến chương của Biển và Đại dương". Kết nối Ấn Độ Dương và Thái Bình Dương, Biển Đông có ý nghĩa chiến lược đối với hòa bình, an ninh và phát triển ở Châu Á-Thái Bình Dương và trên thế giới.

Nhận thức rõ điều đó, các quốc gia liên quan đã có nhiều nỗ lực, đạt được những kết quả tích cực về giải quyết bất đồng, tranh chấp. Tuy nhiên, Việt Nam cũng đã nhiều lần nêu rõ sự lo ngại về những diễn biến phức tạp ở Biển Đông, trong đó có việc vi phạm các quyền chủ quyền, quyền tài phán tại các vùng biển của Việt Nam được xác định theo UNCLOS 1982.

Các bên liên quan cần kiềm chế và tránh có những hành động đơn phương làm phức tạp tình hình và gia tăng căng thẳng, và giải quyết các tranh chấp bằng các biện pháp hòa bình phù hợp với luật pháp quốc tế, trong đó có UNCLOS 1982".

Đây là lần đầu tiên một quan chức cấp cao Việt Nam đưa vấn đề Biển Đông ra Đại hội đồng Liên Hợp Quốc, trong đó nhấn mạnh mong muốn giải quyết tranh chấp bằng biện pháp hòa bình trên cơ sở luật pháp quốc tế.

Thái độ rõ ràng, dứt khoát đối với một trong những vấn đề hệ trọng không chỉ đối với riêng Việt Nam mà còn cả hòa bình, an ninh hàng hải, hàng không của khu vực và trên thế giới đã nhận được sự ủng hộ của cộng đồng quốc tế.

Trong bài phát biểu tại phiên khai mạc Hội nghị Trung ương 11 khóa XII, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng đã đề cập tình hình Biển Đông trong phần nói về kinh tế- xã hội. Nhà lãnh đạo cao nhất của Việt Nam đề nghị Hội nghị Trung ương11 : "Phân tích, dự báo có căn cứ, cơ sở khoa học, tình hình thế giới và trong nước, nhất là tình hình Biển Đông; chỉ rõ các khả năng có thể xảy ra trong thời gian tới, lường trước những thời cơ, thuận lợi cần nắm bắt, những khó khăn, thách thức cần phải nỗ lực vượt qua"./.

Trần Khánh

Nguồn : VOV.VN, 08/10/2019

Quay lại trang chủ
Read 620 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)