Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Diễn đàn

08/10/2019

Hội nghị Trung ương 11 : ông Nguyễn Phú Trọng để lộ nhiều bối rối

Nhiều tác giả

Hội nghị Trung ương 11 khai mạc, ông Trọng ‘vừa muốn nghỉ vừa muốn làm'

Ben Ngo, RFA, 07/10/2019

Một nhà báo tự do ở Hà Nội hôm 7/10 nhận định Tổng Bí thư đang ở vào thế "vừa muốn nghỉ, vừa muốn làm". Phát biểu này được đưa ra vào ngày khai mạc Hội nghị Trung ương 11, sự kiện được cho là "quyết định nhiều vấn đề về tổ chức, cán bộ" trước Đại hội XIII của Đảng cộng sản Việt Nam.

hoinghi1

Tổng Bí thư kiêm Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng Tổng bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng phát biểu khai mạc hội nghị - Ảnh : TTXVN

Các báo nhà nước cho hay Hội nghị Trung ương 11 khai mạc dưới sự chủ trì của Tổng bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng. Công tác nhân sự lãnh đạo chủ chốt được xem là trọng tâm của sự kiện này.

Trong bảy ngày (từ 7 đến 13/10), các đại biểu dự Hội nghị tập trung thảo luận, cho ý kiến một bước về các dự thảo văn kiện trình Đại hội XIII của Đảng như dự thảo báo cáo chính trị, dự thảo báo cáo 10 năm thực hiện cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội (bổ sung, phát triển năm 2011) ; dự thảo báo cáo tổng kết 10 năm thực hiện Chiến lược kinh tế - xã hội 2011-2020…

Hôm 7/10, trả lời RFA, nhà báo tự do Phạm Thành nhận định :

"Về các ứng viên có thể kế vị ghế Tổng bí thư, ba bốn tháng trước lộ ra vài nhân vật như ông Trần Quốc Vượng. Nhưng gần đây có dư luận nói cả ông Nguyễn Xuân Phúc nữa. Ông Vượng hay ông Phúc lên thì đương nhiên ông Trọng phải nghỉ. Tôi cho rằng khả năng ông Trọng nghỉ. Tôi thấy ông Trọng xuất hiện tại các sự kiện rất gắng gượng, trong một tấm ảnh người ta thấy ông giơ tay lên nhưng không phải cánh tay khỏe mạnh. Người ta nói có 5, 7 ông bác sĩ người Trung Quốc chăm sóc sức khỏe cho ông".

Nhà báo Phạm Thành nói thêm : "Về tham vọng, ông Trọng rất muốn ở lại để tiếp tuc làm tổng bí thư thêm nhiệm kỳ nữa, nhưng sức khỏe của ông không đảm bảo. Nhưng ông ấy có tư tưởng rằng rất mong mình khỏe lên để tiếp tục giữ trọng trách tổng bí thư. Khả năng ông Trọng vừa muốn nghỉ vừa muốn làm đang ở trong tư tưởng của ông. Cho nên một khi ông Trọng chưa chính thức nói tôi muốn nghỉ thì ông Vượng hay ông Phúc cũng chỉ ngấp nghé mà thôi. Có thể ông ấy sẽ bất ngờ tuyên bố nghỉ bất kỳ lúc nào, chúng ta chưa biết được".

Trước đó, hôm 23/9, trả lời RFA qua email, ông Nguyễn Khắc Giang, nghiên cứu sinh tiến sĩ tại Đại học Victoria Wellington, New Zealand, cho biết :

"Theo nguyên tắc chuẩn bị nhân sự từ thấp đến cao, Trung ương 11 nhiều khả năng sẽ bàn về quy hoạch cán bộ cấp ủy viên Trung ương dựa trên danh sách Bộ Chính trị phê duyệt và đệ trình, thay vì cán bộ cấp cao. Không loại trừ vấn đề lãnh đạo cấp cao được thảo luận, nhưng sẽ khó được đưa vào nghị trình chính thức. Như truyền thống của đại hội trước, vấn đề nhân sự cấp cao chỉ nóng lên vào năm bản lề - 2020".

Nhận định về "cuộc đấu phe phái" trước khi hội nghị diễn ra, ông Giang viết : "Để phân biệt rõ ràng "phe" nào với nhau là rất khó khăn trong thời điểm hiện tại, bởi cái bóng quá lớn của Tổng bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng khiến cho tất cả những ai muốn tranh đấu quyền lực phải ẩn mình chờ thời. Đây có lẽ là lần đầu tiên từ năm 1986 mà chúng ta không phân định được các nhóm lợi ích với ưu tiên chính sách rõ ràng, bảo thủ hay đổi mới. Điều này khiến cho việc đoán định chính sách của đội ngũ lãnh đạo mới sẽ khó khăn hơn".

Ông Nguyễn Phú Trọng đã giữ chức Tổng Bí thư được hai nhiệm kỳ từ năm 2011. Năm 2016, ông trúng nhiệm kỳ 2 dù đã quá tuổi. Lúc đó đã có những nhận định cho rằng ông sẽ chỉ ở lại nửa nhiệm kỳ.

Hồi tháng 4 vừa qua, trong chuyến đi thăm Kiên Giang, ông Trọng phải đi cấp cứu ở bệnh viện. Ông Trọng vắng bóng trên chính trường trong nhiều tuần sau đó trong khi báo chí chính thống không đưa tin cụ thể ông bị bệnh gì. Sức khỏe của ông Trọng được cho là cũng ảnh hưởng đến việc ông có thể ở lại hay không trong nhiệm kỳ tới.

Ben Ngô

Nguồn : RFA, 07/10/2019

********************

Ông Trọng lần đầu nhắc tới Biển Đông sau 3 tháng căng thẳng

RFA, 07/10/2019

Chủ tịch nước kiêm Tổng bí thư Đảng cộng sản Việt Nam Nguyễn Phú Trọng trong phát biểu khai mạc Hội nghị trung ương lần thứ 11 sáng 7/10/2019 kêu gọi phân tích tình hình Biển Đông để có quyết sách phù hợp.

hoinghi2

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tại lễ khai mạc Hội nghị 11 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa 12 ở Hà Nội hôm 7/10/2019 Courtesy of dangcongsan.vn

Đây được xem là phát biểu đầu tiên của người đứng đầu nhà nước và Đảng cộng sản Việt Nam sau hơn 3 tháng đội tàu Trung Quốc xâm phạm vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam theo Công ước Quốc tế về luật biển 1982.

Mạng báo Thanh Niên dẫn lời ông Nguyễn Phú Trọng đề nghị các đại biểu xem xét, phân tích thật kỹ thực tế tình hình của các ngành, lĩnh vực và địa phương để thảo luận, đánh giá khách quan, toàn diện tình hình phát triển kinh tế - xã hội, ngân sách nhà nước 9 tháng năm 2019, dự báo cả năm 2019.

"Chỉ rõ những kết quả, thành tích nổi bật đã đạt được, những hạn chế, yếu kém còn tồn tại và nguyên nhân.

Đồng thời, phân tích, dự báo có căn cứ, cơ sở khóa học, tình hình thế giới và trong nước, nhất là tình hình Biển Đông.

Chỉ rõ các khả năng có thể xảy ra trong thời gian tới, lường trước những thời cơ, thuận lợi cần nắm bắt, những khó khăn, thách thức cần phải nỗ lực vượt qua".

Từ khoảng 3 tháng nay, Việt Nam đã phải đối đầu với việc Trung Quốc điều tàu hải cảnh, dân binh và tàu khảo sát Hải Dương 8 vào sâu trong khu vực đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam.

Bộ Ngoại giao Việt Nam đã 4 lần lên tiếng chính thức yêu cầu Trung Quốc rút toàn bộ tàu khỏi vùng biển Việt Nam nhưng tình hình vẫn chưa có gì tiến triển.

Đã có những nhân sĩ trí thức trong và ngoài nước kêu gọi chính phủ Việt Nam kiện Trung Quốc ra tóa quốc tế, tương tự như vụ Philippines kiện Trung Quốc ra Tóa Trọng tài Quốc tế PCA và có được phán quyết hồi năm 2016.

Hồi năm 2014, khi Trung Quốc đưa giàn khoan dầu HD 981 vào vùng biển Việt Nam khiến quan hệ hai nước trở nên căng thẳng, cũng đã có những lời kêu gọi Việt Nam kiện Trung Quốc ra tóa quốc tế nhưng sau đó Trung Quốc đã rút giàn khoan và không có vụ kiện nào được thực hiện.

******************

Toàn văn phát biểu khai mạc Hội nghị Trung ương 11 của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng

Baochinhphu, 07/10/2019

Cổng Thông tin điện tử Chính phủ xin trân trọng giới thiệu toàn văn phát biểu của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng khai mạc Hội nghị lần thứ 11 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII.

hoinghi3

Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng phát biểu tại Hội nghị - Ảnh : VGP/Nhật Bắc

Thưa các đồng chí Trung ương,

Thưa các đồng chí tham dự Hội nghị,

Hôm nay, Ban Chấp hành Trung ương khóa XII bắt đầu họp Hội nghị lần thứ 11 để thảo luận, cho ý kiến một bước về các dự thảo văn kiện trình Đại hội XIII của Đảng ; Báo cáo tình hình kinh tế - xã hội, ngân sách nhà nước năm 2019, dự kiến kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, ngân sách nhà nước năm 2020 ; và một số vấn đề quan trọng khác.

Thay mặt Bộ Chính trị, Ban Bí thư, tôi nhiệt liệt chào mừng các đồng chí Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương và toàn thể các đại biểu tham dự Hội nghị ; xin gửi tới các đồng chí lời chúc mừng tốt đẹp nhất. Sau đây, tôi xin phát biểu một số ý kiến, có tính chất gợi mở, nêu vấn đề để các đồng chí cùng suy nghĩ, nghiên cứu, thảo luận.

1. Về dự thảo Báo cáo chính trị và Báo cáo 10 năm thực hiện Cương lĩnh 2011 trình Đại hội XIII của Đảng

Như các đồng chí đã biết, thời gian qua, Bộ Chính trị đã chỉ đạo các Tiểu ban quán triệt Kết luận của Hội nghị Trung ương 10 (tháng 5/2019) xây dựng các dự thảo văn kiện trình Đại hội XIII của Đảng để Hội nghị Trung ương lần này xem xét, cho ý kiến hoàn thiện một bước, gửi đại hội đảng bộ các cấp đóng góp ý kiến.

Tiểu ban Văn kiện đã khẩn trương, nghiêm túc tiếp thu ý kiến của Trung ương, hoàn thiện Đề cương chi tiết, xây dựng dự thảo Báo cáo chính trị và Báo cáo 10 năm thực hiện Cương lĩnh 2011 để trình Bộ Chính trị cho ý kiến hoàn thiện và trình Trung ương hôm nay.

Báo cáo chính trị là văn kiện trung tâm của Đại hội, là căn cứ cơ bản để xây dựng các văn kiện khác. Cán bộ, đảng viên và nhân dân kỳ vọng Đại hội XIII của Đảng có được một Báo cáo chính trị xứng tầm, đề ra được những chủ trương, quyết sách đúng đắn để lãnh đạo toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta tiếp tục đẩy mạnh toàn diện và đồng bộ sự nghiệp đổi mới vì một nước Việt Nam dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh trong nhiệm kỳ tới và những năm tiếp theo.

Dự thảo Báo cáo chính trị đã được xây dựng và từng bước hoàn thiện, nâng cao, trên cơ sở tiếp thu, chắt lọc các kết quả nghiên cứu tổng kết một số vấn đề lý luận và thực tiễn qua 10 năm thực hiện Cương lĩnh 2011 và kết quả thực hiện Nghị quyết Đại hội XII của Đảng ; khảo sát thực tiễn và làm việc với 34 địa phương, ban, bộ, ngành ; tổ chức nhiều cuộc hội thảo, tóa đàm lấy ý kiến của các chuyên gia, các nhà khóa học, nhà quản lý ; đặc biệt là ý kiến của các đồng chí nguyên lãnh đạo Đảng và Nhà nước vào ngày 27/9 vừa qua.

Đề nghị các đồng chí Trung ương nghiên cứu kỹ, thảo luận, cho ý kiến về dự thảo Báo cáo ; tập trung vào các vấn đề lớn thuộc về nội dung nêu trong Tờ trình như : Đánh giá kết quả thực hiện Nghị quyết Đại hội XII của Đảng và diện mạo đất nước sau 35 năm đổi mới, 30 năm thực hiện Cương lĩnh, tập trung vào 10 năm gần đây ; mục tiêu phát triển đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2030 (100 năm thành lập Đảng) và đến năm 2045 (100 năm thành lập nước) ; định hướng tiếp tục đổi mới, phát triển các lĩnh vực trọng yếu ; các nhiệm vụ trọng tâm và các khâu đột phá chiến lược ; nhận thức và giải quyết các mối quan hệ lớn trong quá trình phát triển... Đặc biệt, chú ý những vấn đề lớn, những nội dung quan trọng về quan điểm, tư tưởng chỉ đạo, những chủ trương, chính sách, biện pháp đổi mới quan trọng, có ý nghĩa chiến lược, có tính đột phá, khả thi cao và những vấn đề còn có ý kiến khác nhau. Đối với mỗi vấn đề, cần đi sâu phân tích, đánh giá tình hình thực hiện Nghị quyết Đại hội XII và các Nghị quyết Trung ương ; chỉ rõ những chủ trương, chính sách nào của Đảng đã được quán triệt, cụ thể hoá, thể chế hóa và tổ chức thực hiện tốt, đạt kết quả thiết thực ; những chủ trương, chính sách nào còn chậm hoặc chưa vào được cuộc sống, chưa phát huy được tác dụng ; nguyên nhân vì sao ? Vì chủ trương, chính sách chưa sát hợp với thực tế hay do những hạn chế, yếu kém trong tổ chức thực hiện ? Về nguyên nhân, cần chú ý chỉ ra những nguyên nhân chủ quan, nhất là nguyên nhân thuộc về nhận thức, tư duy ; về năng lực cụ thể hoá, thể chể hóa và tổ chức thực hiện. Từ đó, khẳng định cần kế thừa, bổ sung, phát triển các mục tiêu, quan điểm, chủ trương, chính sách và phương hướng, nhiệm vụ nào để tiếp tục đổi mới toàn diện, đồng bộ, phù hợp với thực tế trong nước và quốc tế nhằm tiếp tục xây dựng Đảng và hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh ; xây dựng, bảo vệ và phát triển đất nước ta nhanh và bền vững hơn trong thời gian tới.

Báo cáo 10 năm thực hiện Cương lĩnh 2011 là một trong những cơ sở quan trọng để xây dựng Báo cáo chính trị một cách bài bản, có hệ thống và tầm nhìn sâu rộng, xuyên suốt 35 năm đổi mới, 30 năm thực hiện Cương lĩnh 1991 và định hướng xây dựng Đảng, xây dựng, bảo vệ và phát triển đất nước trong 5 - 10 năm tới, tầm nhìn đến năm 2045.

Dự thảo Báo cáo đã đề cập, phân tích về bối cảnh thực hiện Cương lĩnh 2011 ; nhận định, đánh giá về thành tựu trong phát triển nhận thức lý luận của Đảng ; những kết quả, hạn chế và những vấn đề đặt ra trong thực tiễn 10 năm thực hiện Cương lĩnh 2011 đối với từng lĩnh vực của đời sống xã hội ; đánh giá chung về ý nghĩa và giá trị của Cương lĩnh. Đồng thời, đề xuất, kiến nghị nhiều nội dung liên quan đến dự báo bối cảnh quốc tế, trong nước thời gian tới ; tiếp tục bổ sung, phát triển nhận thức lý luận về chủ nghĩa xã hội và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội của nước ta ; định hướng lớn và giải pháp xây dựng, phát triển đất nước đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045...

Đề nghị các đồng chí dành thời gian nghiên cứu, cho ý kiến về các vấn đề nêu trên, chú ý đến những vấn đề mới, còn có ý kiến khác nhau để Bộ Chính trị nghiên cứu, tiếp thu, tiếp tục chỉ đạo hoàn thiện Báo cáo, làm tài liệu nghiên cứu, phục vụ quá trình chuẩn bị và tiến hành đại hội đảng bộ các cấp và Đại hội toàn quốc lần thứ XIII của Đảng.

2. Về dự thảo Báo cáo kinh tế - xã hội trình Đại hội XIII của Đảng

Thời gian qua, Tiểu ban Kinh tế - Xã hội đã bám sát Đề cương được Hội nghị Trung ương 10 cho ý kiến, tích cực xây dựng dự thảo Báo cáo tổng kết 10 năm thực hiện Chiến lược 2011 - 2020 và 5 năm thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 2016 - 2020. Trên cơ sở đó, xây dựng dự thảo Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2045 và Phương hướng, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội 2021 - 2025 (sau đây gọi chung là Báo cáo kinh tế - xã hội).

Đây là một báo cáo rất quan trọng, đi sâu vào lĩnh vực cơ bản, nhiệm vụ trung tâm của công cuộc đổi mới. Dự thảo Báo cáo đã được xây dựng trên cơ sở tổ chức nghiên cứu theo 42 nhóm chuyên đề ; huy động sự tham gia rộng rãi, tích cực của các cơ quan, đơn vị trong nước và nước ngoài ; tổ chức 7 hội nghị với đại diện lãnh đạo của 63 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương ; trao đổi lấy ý kiến của các đồng chí nguyên lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các chuyên gia, các nhà khóa học...

Đề nghị Trung ương căn cứ vào thực tế đất nước từ đầu nhiệm kỳ đến nay và kế hoạch 5 năm, Chiến lược 10 năm về phát triển kinh tế - xã hội, tập trung thảo luận, đánh giá một cách khách quan, khóa học tình hình thực hiện mục tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2016 - 2020 và 10 năm 2011 - 2020 được đề ra tại hai kỳ Đại hội của Đảng ; xác định rõ ràng, đúng đắn vị thế, động lực, nguồn lực của đất nước, sức mạnh của dân tộc trước khi bước vào nhiệm kỳ Kế hoạch 5 năm, Chiến lược 10 năm phát triển kinh tế - xã hội mới. Chỉ rõ những nguyên nhân chủ quan, khách quan của những hạn chế, yếu kém và bài học kinh nghiệm được rút ra. Phải chăng đó là : Tăng trưởng nhanh nhưng phải bền vững, dựa trên nền tảng ổn định kinh tế vĩ mô ; phát triển kinh tế phải gắn với phát triển văn hoá, xã hội, con người, bảo vệ môi trường một cách tương xứng, hài hóa ; cần phải tập trung ưu tiên xây dựng, hoàn thiện có chất lượng, sát thực tế và tổ chức thực hiện thật nghiêm, thật tốt hệ thống luật pháp, chính sách ?

Trên cơ sở đánh giá đúng tình hình kinh tế - xã hội nước ta hiện nay, tính đến những thời cơ, thuận lợi mới xuất hiện và lường trước những khó khăn, thách thức phải vượt qua trong bối cảnh tình hình thế giới, khu vực diễn biến nhanh chóng, phức tạp, khó lường và cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư tác động mạnh mẽ, đa chiều đối với tất cả các quốc gia, dân tộc, Báo cáo kinh tế - xã hội cần xác định phương hướng, quan điểm, mục tiêu, các đột phá chiến lược, nhiệm vụ và giải pháp phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2021 - 2025 và 10 năm 2021 - 2030 sao cho thật đúng, thật sát với tình hình thực tế đất nước và bối cảnh quốc tế, khu vực. Chú ý các mục tiêu, nhiệm vụ cụ thể, những cơ chế, chính sách, biện pháp mới có tính đột phá, khả thi cao, đóng góp thiết thực vào việc phát huy, sử dụng có hiệu quả mọi nguồn lực trong và ngoài nước để giải quyết những vấn đề kinh tế - xã hội đang nổi lên và những vấn đề chiến lược, lâu dài ảnh hưởng trực tiếp đến sự phát triển nhanh, bền vững của đất nước ; cải thiện, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân.

3. Về dự thảo Báo cáo tổng kết 5 năm thực hiện công tác xây dựng Đảng, thi hành Điều lệ Đảng nhiệm kỳ khóa XII

Đây cũng là một báo cáo chuyên đề rất quan trọng của mỗi kỳ Đại hội, liên quan đến việc thực hiện nhiệm vụ then chốt của Đảng. Dự thảo Báo cáo đã được Tiểu ban Điều lệ Đảng chuẩn bị công phu, nghiêm túc trên cơ sở nghiên cứu, tổng hợp, phân tích, chắt lọc báo cáo tổng kết của 68/68 tỉnh uỷ, thành uỷ, đảng uỷ và 70 đảng đoàn, ban cán sự đảng trực thuộc Trung ương ; 35 báo cáo chuyên đề ; kết quả nghiên cứu, khảo sát tại 16 địa phương, cơ quan, đơn vị ; 8 cuộc hội thảo của đại diện cấp uỷ, tổ chức đảng trực thuộc Trung ương ; và xin ý kiến trực tiếp của một số đồng chí lãnh đạo, nguyên lãnh đạo Đảng, Nhà nước và các chuyên gia, nhà khóa học.

Trong Báo cáo tổng kết và Tờ trình của Bộ Chính trị gửi Trung ương đã nêu khá đầy đủ các nội dung tổng kết, đánh giá tình hình thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp về xây dựng Đảng do Đại hội XII đề ra. Dự thảo Báo cáo đã chỉ rõ những kết quả nổi bật, khá toàn diện đã đạt được ; đề xuất phương hướng và 10 nhiệm vụ, giải pháp tiếp tục đổi mới, nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác xây dựng Đảng trong nhiệm kỳ khóa XIII, trong đó xác định rõ 3 nhiệm vụ trọng tâm và 3 khâu đột phá. Đồng thời, tổng kết việc thi hành Điều lệ Đảng ; tổng hợp đề xuất bổ sung, sửa đổi Điều lệ Đảng của các cấp uỷ, tổ chức đảng và ý kiến của Bộ Chính trị kiến nghị với Trung ương về vấn đề này.

Đề nghị các đồng chí Trung ương thảo luận, cho ý kiến đánh giá kết quả đã đạt được ; những hạn chế, vướng mắc trong công tác xây dựng Đảng và thi hành Điều lệ Đảng ; những đề xuất về phương hướng, nhiệm vụ, giải pháp xây dựng Đảng nhiệm kỳ khóa XIII ; những kiến nghị của các cấp uỷ, tổ chức đảng về bổ sung, sửa đổi Điều lệ Đảng. Chú ý phân tích, chỉ rõ những nhiệm vụ, giải pháp đề ra đã sát thực tế, có tính khả thi, đúng trọng tâm, trọng điểm hay chưa, cần tập trung ưu tiên thực hiện những nhiệm vụ, giải pháp gì ; những hạn chế, vướng mắc nào do khâu tổ chức thực hiện chưa tốt, hướng dẫn chưa rõ ; những hạn chế, vướng mắc nào do quy định của Điều lệ Đảng, mức độ đến đâu, đã cần phải bổ sung, sửa đổi Điều lệ chưa, hay chỉ cần điều chỉnh bằng quy định, hướng dẫn của Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư ?...

4. Về kinh tế - xã hội, ngân sách nhà nước năm 2019 - 2020

Việc Trung ương xem xét, cho ý kiến về những nội dung nêu trên diễn ra trong bối cảnh : Tăng trưởng kinh tế và thương mại toàn cầu thấp hơn so với năm 2018 và dự báo còn có thể tiếp tục suy giảm trong năm 2020 ; cạnh tranh chiến lược, xung đột thương mại giữa các nước lớn ngày càng phức tạp, khó lường ; thị trường tài chính - tiền tệ quốc tế có nhiều biến động, gây tâm lý lo ngại về nguy cơ suy thoái kinh tế toàn cầu...

Đề nghị các đồng chí Trung ương xem xét, phân tích thật kỹ thực tế tình hình của các ngành, lĩnh vực và địa phương để thảo luận, đánh giá khách quan, toàn diện tình hình phát triển kinh tế - xã hội, ngân sách nhà nước 9 tháng đầu năm, dự báo cả năm 2019. Chỉ rõ những kết quả, thành tích nổi bật đã đạt được, những hạn chế, yếu kém còn tồn tại và nguyên nhân. Chú ý đối chiếu với những mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp đã đề ra, nhất là mục tiêu, nhiệm vụ và giải pháp ổn định kinh tế vĩ mô, tăng trưởng ở mức 6,6 - 6,8% ; phát triển văn hóa - xã hội, chăm lo đời sống nhân dân, bảo đảm an sinh xã hội ; giữ vững môi trường hóa bình, bảo vệ độc lập, chủ quyền quốc gia, an ninh chính trị và trật tự, an toàn xã hội ; mở rộng và nâng cao hiệu quả hoạt động đối ngoại, nâng cao vị thế, uy tín quốc gia…

Đồng thời, phân tích, dự báo có căn cứ, cơ sở khóa học, tình hình thế giới và trong nước, nhất là tình hình Biển Đông ; chỉ rõ các khả năng có thể xảy ra trong thời gian tới, lường trước những thời cơ, thuận lợi cần nắm bắt, những khó khăn, thách thức cần phải nỗ lực vượt qua. Từ đó, xác định sát hợp mục tiêu tổng quát, dự kiến các chỉ tiêu chủ yếu, cơ bản, quan trọng nhất cho năm 2020 và các chính sách, biện pháp phù hợp, có tính khả thi cao, nhất là các chính sách, biện pháp đột phá để thích ứng với những diễn biến và tác động mới của tình hình thế giới, khu vực đối với kinh tế - xã hội nước ta trong năm 2020. Chú ý đến những chính sách, biện pháp nhằm khắc phục hạn chế, yếu kém còn tồn tại, đặc biệt là trong giải ngân vốn đầu tư công và triển khai xây dựng các công trình kết cấu hạ tầng quan trọng ; đổi mới, sắp xếp lại và nâng cao hiệu quả doanh nghiệp nhà nước ; quản lý nhà nước về văn hoá, xã hội, nghệ thuật, tôn giáo, tín ngưỡng, thông tin, truyền thông ; bảo đảm trật tự, an toàn xã hội ; cải cách hành chính ; bảo vệ tài nguyên môi trường, quản lý, sử dụng đất đai, tài sản công...

Thưa các đồng chí,

Năm 2020 là năm cuối của nhiệm kỳ khóa XII và là năm sẽ diễn ra đại hội đảng bộ các cấp tiến tới Đại hội toàn quốc khóa XIII của Đảng. Vì vậy, nội dung chương trình Hội nghị Trung ương lần này có ý nghĩa rất quan trọng đối với việc lãnh đạo, chỉ đạo hoàn thành tốt các nhiệm vụ của năm 2019 - 2020 cũng như cả nhiệm kỳ và tổ chức thành công đại hội đảng bộ các cấp tiến tới Đại hội toàn quốc lần thứ XIII của Đảng.

 Đề nghị các đồng chí Trung ương và các đồng chí tham dự Hội nghị phát huy cao độ tinh thần trách nhiệm trước Đảng, trước nhân dân và đất nước, tập trung trí tuệ nghiên cứu, thảo luận kỹ lưỡng, cho ý kiến để tiếp tục hoàn thiện các dự thảo báo cáo và xem xét, quyết định các vấn đề quan trọng khác trong chương trình của kỳ họp.

Với tinh thần đó, tôi xin tuyên bố khai mạc Hội nghị lần thứ 11 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII. Chúc Hội nghị thành công tốt đẹp.

Xin trân trọng cảm ơn

Nguyễn Phú Trọng

(07/10/2019)

Quay lại trang chủ
Read 678 times

1 comment

  • Comment Link Choi Song Djong mercredi, 09 octobre 2019 17:22 posted by Choi Song Djong

    "Người ta nói có 5, 7 ông bác sĩ người Trung Quốc chăm sóc sức khỏe cho ông".

    Kẻ thù phải gởi đại phu sang để chăm sóc con chó của chúng chứ, chó chết hết chuyện thì sao ? thời buổi này kiếm con chó ngang tầm với Nguyễn Văn Linh và Nguyễn Phú Trọng đâu phải dễ.

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)