Đó là câu nói mừng rỡ của nhà văn Hữu Thỉnh, Chủ tịch Liên hiệp các hội Văn học nghệ thuật Việt Nam trong buổi lễ tổng kết của tổ chức này vào sáng ngày 9 tháng 1 tại Hà Nội.
Ông Hữu Thỉnh nói bỏ bao cấp cho các hội văn học nghệ thuật là Nhà nước mất đi đội quân 4 vạn chiến sĩ canh giữ mặt trận văn hóa tư tưởng của đất nước – Ảnh : THIÊN ĐIỂU
Báo chí đăng lại không sót một câu phát biểu nào của ông Hữu Thỉnh, người được tiếng là giữ ghế bất cứ giá nào, những câu nói "trải lòng" của Hữu Thỉnh cho thấy sự thật về văn nghệ sĩ trong luồng của Việt Nam hiện nay.
Họ là 40 ngàn người hoạt động trong lĩnh vực văn học nghệ thuật có tham gia vào Liên hiệp. Năm nay nhà nước cấp 81 tỷ cho Liên hiệp các hội văn hóa nghệ thuật Việt Nam hoạt động sau khi cân nhắc có nên tiếp tục cấp dưỡng cho những đứa con này hay để cho dự án xã hội hóa quyết định số phận của nó. Ông Hữu Thỉnh phấn khởi cho báo chí biết cuối cùng thì nhà nước vẫn chọn giải pháp tiếp tục hỗ trợ, và ông nhảy cẩng lên "Nhà nước vẫn nuôi anh em chúng ta".
Không phải ai trong số 40 ngàn người hoạt động trong lĩnh vực văn học nghệ thuật cũng đều nhận được "lương tháng" trích trong 81 tỷ tiền hỗ trợ mà phần lớn do chính ông Hữu Thỉnh và ban bệ dưới quyền của ông ta tự ý chi tiêu cho cái cơ ngơi mà ông quyết tâm gìn giữ từ hơn hai mươi năm qua từ khi ngồi vào chức Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam đến nay.
Theo ông Hữu Thỉnh nếu nhà nước chấm dứt không cấp kinh phí thì không khác gì "Đẩy 4 vạn văn nghệ sĩ cả nước đi chạy quảng cáo, xin tài trợ kiếm sống thì thời giờ đâu để trở thành chiến sĩ giữ vững trận địa văn hóa tư tưởng của đất nước".
Còn theo ông Trần Khánh Chương, chủ tịch hội Mỹ Thuật Việt Nam nói với VnExpress ngày 12/01/2019 rằng
"Nếu nhà nước không cấp kinh phí nữa thì không còn ai sáng tác đề tài phục vụ chính trị".
Quả thật đó là những câu nói vạch trần sự thật mà chính nhà nước cũng không buồn che giấu.
Tranh hí hoạ của Babui Mamburao 9/2017 nhân sự kiện Chủ tịch Hội Nhà Văn Việt Nam Hữu Thỉnh mời nhà văn Phan Nhật Nam, tác giả Mùa Hè Đỏ Lửa về tham dự cuộc họp mặt ở Hà Nội và một số địa phương miền Bắc từ ngày 20 đến 25 tháng 10 năm 2017 [nguồn : Đàn Chim Việt]
Đây cũng chính là bí quyết xin tiền của ông Hữu Thỉnh khi biết "bắt nọn" nhà nước một cách tinh vi. Hơn ai hết ông Thỉnh biết sức mạnh của đội quân 40 ngàn người dưới tay ông ta, sáng tác tuy chỉ quẩn quanh những đề tài từ thời… Pháp thuộc hay đánh Mỹ cứu nước nhưng lại luôn nhận được sự quan tâm của chính quyền vì những tác giả ấy biết giữ im lặng trước các bất công, hà khắc của chế độ mà lẽ ra văn nghệ sĩ là người cảm nhận sâu xa nhất. Những tác giả hiếm hoi viết lên sự thật từ lâu không hề nhận ân huệ nào của nhà nước và họ không hề cần sắm vai "chiến sĩ giữ vững trận địa văn hóa tư tưởng của đất nước" như ông Hữu Thỉnh đề cao.
Nhà nước cần sự im lặng của 40 ngàn con người và 81 tỷ bỏ ra mua chuộc sự im lặng ấy không phải là cái giá quá cao. Đối với nhà nước, giữ sự im lặng quan trọng hơn tất cả và họ không bao giờ muốn thấy 40 ngàn con người ấy nổi loạn, khi chiếc vòng kim cô "kinh phí" không còn tác dụng.
Văn nghệ sĩ sẽ trở mặt, sẽ phỉ báng và lên án nhà nước này vì có quá nhiều xấu xa nằm phơi trần giữa lòng xã hội. Khi không còn kinh phí để họ dựa vào cho một cuốn sách, một cuộc triển lãm hay một tập thơ "phải đạo" họ sẽ tìm đường khác để hoạt động trong lĩnh vực mà họ đang sống. Không lẽ họ tiếp tục "giữ vững trận địa văn hóa tư tưởng" như từ trước tới nay khi mục tiêu sáng tác của họ chỉ vì kinh phí được rót từ nhà nước ?
Họ sẽ ăn cơm nhà và viết về những gì đang xảy ra chung quanh, lúc ấy chắc chắn nhà nước sẽ không thể nào kiểm soát nỗi bầy ngựa chứng sút chuồng chỉ muốn cất tung vó bù lại những ngày sống giả tạo vì bị kểm kẹp.
Và sẽ không ai ngạc nhiên khi ông Hữu Thỉnh lại nhảy cẩng lên vui mừng đến thế. Thứ nhất ông tiếp tục được ngồi trên ngai vàng, thứ hai sẽ không có ai trở thành ngựa chứng và thứ ba ông tiếp tục giữ vững trận địa văn hóa tư tưởng mà mấy chục năm qua chính ông đã dẫn dắt bày ngựa 40 ngàn con không con nào lạc đường trên hoang mạc.
Trên nhiều mạng tự do truyền đi lá thư của ông Hữu Thỉnh chủ tịch Hội nhà văn Việt Nam gửi nhà văn - nhà báo Phan Nhật Nam thời Việt Nam Cộng Hòa hiện sống ở Hoa Kỳ, và lá thư công khai trả lời của tác giả "Mùa hè đỏ lửa".
Biểu tình tại Hà Nội chống Trung Quốc. "Hãy hòa giải với hàng trăm công dân đấu tranh cho dân chủ, nhân quyền, chống bành trướng đang bị cầm tù".
Hai bức thư rất đáng đọc và suy nghĩ, cả người Việt sống trong nước và người Việt sống ở hải ngoại cần tìm đọc, trên trang Facebook của nhà văn Trần Mạnh Hảo.
Phải chăng lãnh đạo đảng cộng sản nghiêm chỉnh muốn thăm dò để thực hiện việc hòa giải và hòa hợp dân tộc họ cố tình bỏ quên suốt 42 năm nay ?
Tại sao bộ máy trong nước làm rùm beng về việc trong sách giáo khoa mới, các danh từ "ngụy quân, ngụy quyền" không còn được dùng, thay vào đó là "chính quyền, quân đội của Việt Nam Cộng Hòa" ? một sự chậm trễ đến hơn 40 năm ?
Phải chăng lãnh đạo đảng đã thành thật sám hối về việc bội ước, nuốt chửng lời hứa "Hòa hợp hòa giải dân tộc" mà họ đã cam kết trên giấy trắng mực đen trong Hiệp ước Geneve 1954, và lắp đi lắp lại trong Hiệp ước đình chỉ chiến sự ký tại Paris năm 1973 ? nhất là lời cam kết "tôn trọng quyền tự quyết của nhân dân miền Nam, không dùng vũ lực để thôn tính nhau"… và nay họ chủ động giang tay thân thiết để thật sự hòa giải và hòa hợp anh em ruột thịt với nhau nhằm chung sức xây dựng đất nước thống nhất, dân chủ, giàu mạnh, phồn vinh ?
Tôi từng sống chung gần gũi với Hữu Thỉnh khi báo Quân đội Nhân dân và tạp chí Văn nghệ Quân đội của Hữu Thỉnh ở sát bên nhau, chung một bếp ăn trên đường Lý Nam Đế, Hà Nội. Tôi rất hiểu, Hữu Thỉnh không có được cái tâm của nhà văn Nguyễn Minh Châu khi cất tiếng lên án "nền văn học minh họa", không có cái dũng của các nhà văn Chế Lan Viên, Nguyễn Khải… cuối đời thương xót ăn năn cho ngòi bút tay sai viết thuê tệ hại của mình.
Tôi cũng từng nhiều lần gặp Phan Nhật Nam, từ tháng 1/1973 trong 60 ngày ở Sài Gòn trong Ban liên hợp 4 bên, cùng đi trên trực thăng đến Qui Nhơn, Cần Thơ, Pleiku, lại cùng đi trên C130 ra Hà Nội, thăm trại giam Hỏa Lò, cùng ăn cơm trên đường Bà Triệu với những trao đổi có lúc căng thẳng, cũng có lúc rất thư giãn, trong lòng không hề hận thù nhau, có lúc còn tâm sự với nhau rằng, chúng mình là con đẻ của thời thế (thời thế thế nào tất mình phải thế), rằng nếu cậu ở miền Bắc cậu sẽ có thể như mình, nếu mình ở miền Nam sẽ có thể như cậu…
Để rồi đến khi sang Hoa Kỳ gặp lại nhau, chúng tôi trở thành thân quen, khi Phan Nhật Nam kết rất thân với nhà thơ Nguyễn Chí Thiện, ở chung một nhà, Nam hay gọi tôi là "ông anh đáng quý" và tâm sự với nhau.
Tôi rất hiểu Nam. Anh sống giản dị, rất tình nghĩa, ngay thật với chính mình, ngay thật với mọi người. Đúng là người lính cầm bút, vâng lệnh đồng bào của mình, tổ quốc của mình, trung thành đến cùng với trách nhiệm.
Phải chăng đến nay ông tổng Trọng và Bộ chính trị đang bị bủa vây bởi quá nhiều vấn đề nan giải, hóc búa, bế tắc về kinh tế, tài chính, môi trường, đối ngoại, xã hội… nên phải tìm ra lối thoát, vuốt ve, gạ gẫm theo kiểu chiêu hồi khi Nghị quyết tranh thủ bà con hải ngoại từ mấy năm trước đã tan thành mây khói ? Nhưng chậm quá rồi !
Lá thư của Hữu Thỉnh yếu thế lắm. Viết văn, làm văn học mà ngớ ngẩn vụng dại, sơ hở đến thế là cùng. Vẫn là kiểu chiêu hồi cũ rích. Vẫn là kiểu trịch thượng cố hữu vô duyên, không có cách nào từ bỏ. Lại còn mồi chải thớ lợ, sẽ chi các khoản vé máy bay, ở khách sạn, chi tiêu cho khách đặc biệt…
Lẽ ra phải có lời xin lỗi, hay như lời của Giáo sư Đào Công Tiến, là phải có lời sám hối và xin lỗi vì đảng cộng sản đã chủ động gây nên cuộc chiến tranh huynh đệ tương tàn, phải chịu trách nhiệm chính về biết bao chết chóc, thương vong, đau khổ, mất mát cho dân tộc, của các bên, kéo quá dài, quá sức chịu đựng của nhân dân. Đây là món nợ máu do sùng bái bạo lực, sùng bái học thuyết Mác-Lênin đã bị toàn thế giới lên án là tội ác chống nhân loại.
Cho nên Người lính-cầm bút trả lời rất thẳng thừng, chững chạc, dứt khoát, đá lại quả bóng về phía đối phương.
Nếu các ông muốn hòa giải, hòa hợp, xin hãy hòa giải trước hết với những người đã chết. Hãy để bà con ở hải ngoại về chăm sóc các nghĩa trang Biên Hòa, Thừa thiên – Huế, mộ các chiến sĩ chống Trung Quốc xâm lược ở Hoàng Sa, Trường Sa, Gạc Ma… Hãy hòa giải với hàng trăm công dân đấu tranh cho dân chủ, nhân quyền, chống bành trướng đang bị cầm tù ở trong nước. "Nếu được vậy, chúng tôi sẽ về ngay, về rất đông, về hết".
Có nhà bình luận cho rằng nhà văn Phan Nhật Nam đã trả lời rõ ràng, như một cái tát đích đáng, lịch sự, vả vào mặt nhà văn Hữu Thỉnh.
Một cái tát làm cho ông tổng Lú cũng cảm thấy đau lây trên chiếc má hom hem của mình.
Bùi Tín
Nguồn : VOA, 23/09/2017
Đầu năm 2017, người đứng đầu Hội Nhà Văn của đảng cộng sản Việt Nam đánh tiếng mời gọi các nhà văn người Việt ở nước ngoài về nước mở hội hòa giải, hòa hợp dân tộc vào ngày giỗ Vua Hùng, ngày giỗ thiêng liêng của nước, mồng mười tháng ba lịch ta. Lời mời đó chủ yếu hướng tới những nhà văn đứng ở bên kia trận tuyến trong cuộc chiến tranh Nam – Bắc đẫm máu vừa qua. Lời mời vu vơ rơi tõm vào im lặng.
Nhà văn hải ngoại Phan Nhật Nam từ chối lời mời của ông Hữu Thỉnh, Chủ tịch Hội nhà văn Việt Nam về tham dự Cuộc gặp mặt giữa Hội nhà văn Việt Nam với các nhà văn Việt Nam đang sinh sống và làm việc tại nước ngoài.
Không nản chí, người đứng đầu Hội Nhà Văn của đảng liền tính lại cách làm cụ thể, thiết thực hơn và chỉ hai tháng sau liền triển khai một chiêu mới : Chi tiền đưa một dư luận viên văn chương sang tận Mỹ tìm gặp bằng được nhà văn tay bút, tay súng trên mặt trận chống cộng. Gặp để mở đường làm quen. Như một cuộc hòa giải cá nhân. Như lễ chạm ngõ trong hôn nhân. Tạo cớ cho người đứng đầu Hội Nhà Văn của đảng viết thư mời đích danh nhà văn đó về nước tham dự "Cuộc gặp mặt của Hội Nhà văn Việt Nam với các nhà văn Việt Nam đang sống và làm việc tại nước ngoài… Với ý nghĩa cao cả, góp phần làm giàu các giá trị truyền thống của dân tộc, xứng đáng để chúng ta vượt qua mọi xa cách và trở ngại, cùng ngồi lại với nhau trong tình đồng nghiệp".
Cuộc gặp "làm giàu các giá trị truyền thống của dân tộc" chỉ là cách nói văn vẻ, hoa mĩ và sáo rỗng, cách nói né tránh, lừa mị, giấu ý đồ thực vốn là thuộc tính của những người cộng sản. Cuộc gặp của các nhà văn cộng sản và các nhà văn không chấp nhận cộng sản thực chất chỉ để tìm thêm một hướng thoát cho nhà nước cộng sản bị tham nhũng và dốt nát phá nát nền kinh tế, đang trống rỗng túi tiền, đang cạn kiệt nguồn thu và đang thân cô thế cô. Nhà nước của nhóm vua tập thể, của những lãnh chúa cộng sản đã trở thành nhà nước Chúa Chổm, nợ ngập đầu, nợ khắp thế giới. Làm ăn không hiệu quả, đồng vốn vay như ném vào thùng không đáy. Các chủ nợ đều cạch mặt, không ai cho vay nữa. Chỉ còn biết nghiêng ngó nhòm vào túi dân, trông chờ nguồn lực trong dân. Bỗng nhận ra nguồn lực to lớn trong cộng đồng người Việt ở nước ngoài mà cộng đồng người Việt ở Mỹ là lớn nhất nhưng cũng là cộng đồng chống đối nhà nước cộng sản Việt Nam quyết liệt nhất. Muốn đến với nguồn lực to lớn của cộng đông người Việt xa nước thì phải giấu bộ mặt nhà nước cộng sản, phải mượn bộ mặt văn hóa, phải tìm sự bao dung, độ lượng, sự dung hòa, nhân văn của văn hóa. Và Hội Nhà Văn của đảng được lệnh tìm đến các nhà văn người Việt sống ở Mỹ.
Nhưng dù là cuộc gặp của các nhà văn của hai phía cũng là cuộc gặp của kẻ ở phía cái ác và người chống lại cái ác, nạn nhân của cái ác. Nếu gặp để làm lành, gặp để hòa giải và phục thiện thì dù là cuộc gặp của cái ác với nạn nhân của cái ác cũng đáng gặp và cần gặp.
Nhưng có phải gặp để làm lành, để hòa giải, để cái ác phục thiện ?
Đảng cộng sản cầm quyền đã gây quá nhiều tội ác với người dân của mình. Gây tội ác với những tế bào làm nên cơ thể đảng. Gây tội ác với những người dân nuôi dưỡng, che chở đảng từ khi còn trứng nước, những người dân làm nên sức mạnh của đảng, những người dân đã không tiếc của cải, công lao, trí tuệ và cả máu đưa đảng vượt qua mọi khó khăn, nguy nan, giúp đảng giữ được chính quyền, làm chủ giang sơn đất nước.
Những tội ác đảng cộng sản gây ra cho tất cả các tầng lớp nhân dân, từ những công thần cộng sản đến người nông dân, từ trí thức, văn nghệ sĩ đến nhà tư sản dân tộc. Những tội ác Cải cách ruộng đất, Xét lại, Nhân Văn Giai Phẩm, tiêu diệt, xóa sổ đội ngũ những nhà tư sản dân tộc và cướp đoạt, hủy hoại nền công nghiệp tư bản non trẻ và đầy tiềm năng là những món nợ lịch sử của đảng cộng sản cầm quyền với dân tộc Việt Nam. Nhưng đảng cộng sản cầm quyền vẫn đang vô cảm, thờ ơ lảng tránh món nợ lịch sử đó, như không hề có món nợ máu đó.
Chưa hòa giải được với người dân trong nước. Không đủ lòng dũng cảm nhìn nhận tội ác đã gây ra cho người dân, cho đất nước trong quá khứ. Không những không đủ lòng chân thành để tạ tội, để hòa giải với nhân dân về những tội ác đã gây ra mà nhà nước cộng sản Việt Nam vẫn đang gây hấn, vẫn đang gây thêm tội ác mới với người dân trong nước.
Coi lương tri và khí phách nhân dân là thế lực thù địch, nhà nước cộng sản Việt Nam vẫn đang dành quá nhiều tiền thuế mồ hôi nước mắt của dân, dồn vốn liếng còm cõi của nước để dựng lên và chăm bẵm một bộ máy công cụ khổng lồ, tối tân và dùng sức mạnh bạo lực khổng lồ đó chống lại nhân dân, tước đoạt tự do, dân chủ của người dân, tước đoạt giá trị làm người của người dân.
Nhà nước cộng sản Việt Nam vẫn đang tồn tại bằng cái ác, ứng xử với dân bằng cái ác. Một người mẹ đơn thân nuôi hai con nhỏ chỉ làm những việc hợp pháp của lương tri con người và trách nhiệm công dân như : Thét lên tiếng thét lên án Đại Hán cướp biển đảo Việt Nam. Thét lên tiếng thét đòi tống cổ Formosa giết chết biển Việt Nam. Tiếng thét của lòng dân đòi quyền sống cho con người và đòi sự sống cho đất nước Việt Nam. Làm hồ sơ thống kê hàng trăm cái chết oan khiên, chết tức tưởi của người dân lương thiện dưới bàn tay công an, công cụ bạo lực của đảng. Một việc làm bình thường, hợp pháp và cần thiết để cảnh tỉnh những cái ác đang âm thầm diễn ra hàng ngày, đang dồn dập diễn ra khắp nơi trên đất nước Việt Nam đau thương. Những việc làm chính đáng và hợp pháp của người mẹ đơn côi đó đã bị nhà nước cộng sản vu cho là tội và tuyên bản án 10 năm tù. Đó là cái ác man rợ của một nhà nước tồn tại bằng tiền thuế của dân nhưng đang lạnh lùng, mê muội và quyết liệt chống lại nhân dân, chống lại lẽ phải, chống lại đạo lí.
Cái ác man rợ đó đã liên tục diễn ra và đang tiếp diễn nối dài theo năm tháng với những bản án phi pháp, bất lương đối với Trần Huỳnh Duy Thức, Điếu Cày Nguyễn Văn Hải, tiến sĩ Cù Huy Hà Vũ, Ba Sàm Nguyễn Hữu Vinh, Nguyễn Hoàng Quốc Hùng, Đoàn Huy Cương, Bùi Thị Minh Hằng, Trần Thị Thúy Nga, Nguyễn Văn Oai… Những bản án man rợ nhằm giết chết lương tri và khí phách con người Việt Nam, biến người dân Việt Nam thành bầy cừu cam phận nô lệ, cam chịu sự chăn dắt của bạo lực cộng sản.
Với những nhà văn ở trong nước, những người đã mang cả năm tháng tuổi trẻ chiến đấu hi sinh trong đội ngũ những người cộng sản, làm lên chiến thắng cho những người cộng sản, nay tỏ thái độ không chấp nhận cộng sản bằng việc li khai khỏi Hội Nhà Văn của đảng cộng sản, lập Văn Đoàn Độc Lập để giành lại quyền độc lập tư duy và sáng tạo, để thực sự làm thiên chức nhà văn là thức tỉnh lương tri, đánh thức tính người, hướng con người tới cái đẹp và vun đắp đạo đức xã hội chứ không chịu cam phận làm công cụ cho quyền lực chính trị nữa. Lập tức bạo lực của nhà nước cộng sản, cái ác cộng sản liền xuất hiện, tước đoạt tự do, tước đoạt quyền con người của họ. Những lần Văn Đoàn Độc Lập làm lễ kỉ niệm ngày khai sinh và trao giải thưởng Văn Việt, nhiều thành viên Văn Đoàn Độc Lập bị an ninh nhà nước cộng sản bủa vây bịt bùng, không cho nhà văn ra khỏi nhà, không thể tham dự một sinh hoạt quan trọng của Văn Đoàn Độc Lập. Cuộc họp mặt của Văn Đoàn Độc Lập cũng bị an ninh nhà nước cộng sản phá bằng cách ép chủ phòng họp hủy hợp đồng, không cho Văn Đoàn Độc Lập thuê phòng họp.
Có được quyền lực và giữ được quyền lực bằng lừa dối và bạo lực. Cai trị bằng lừa dối và bạo lực. Ứng xử với dân bằng cái ác. Đảng cộng sản cầm quyền đã gây tội ác chồng chất với người dân. Không dám nhìn nhận những tội ác tày trời đó để hòa giải với nhân dân và vẫn đang dấn sâu vào những tội ác mới chống lại nhân dân. Đảng cộng sản cầm quyền chưa hòa giải được với người dân trong nước đang đóng thuế nuôi nấng đảng làm sao đảng cộng sản có thể hòa giải được với người dân phải bỏ nước ra đi chạy trốn cái ác cộng sản !
Sài Gòn, 21/09/2017
Phạm Đình Trọng