Nhật Bản và Mỹ cứng rắn với Trung Quốc về vấn đề Biển Đông (RFA, 20/10/2018)
Bộ trưởng quốc phòng Mỹ và Nhật hôm thứ Sáu ngày 19/10 lên tiếng cảnh báo Trung Quốc về những hành động quân sự hoá khu vực Biển Đông, coi hành động đơn phương thay đổi hiện trạng Biển Đông là không thể chấp nhận.
Bộ trưởng quốc phòng Nhật Bản Takeshi Iwaya (trái) và Bộ trưởng quốc phòng Mỹ James Mattis (giữa) và Bộ trưởng quốc phòng Nam Hàn Jeong Kyeong-doo, bắt tay tại cuộc gặp ba bên ở Singapore hôm 19/10/2018 - AFP
Bộ trưởng các nước Mỹ và Nhật hiện đang ở Singapore dự cuộc gặp các Bộ trưởng quốc phòng các nước ASEAN và đối tác.
Phát biểu tại hội nghị, Bộ trưởng quốc phòng Mỹ James Mattis nói rằng Hoa Kỳ sẽ tiếp tục cho máy bay và tàu chiến đi qua bất cứ nơi đâu được luật quốc tế cho phép, ý muốn nói khu vực Biển Đông đang tranh chấp giữa Trung Quốc và một số nước Đông Nam Á. Ông nói tiếp Hoa Kỳ không thể chấp nhận các hành động quân sự hoá ở Biển Đông và bất cứ hành động xâm lấn nào trong khu vực.
Bộ trưởng quốc phòng Mỹ cũng kêu gọi các đồng minh của Mỹ trong khu vực là Nhật Bản và Nam Hàn cùng chung tay để ngăn cản một cường quốc thống trị toàn bộ vùng nước.
Tại cuộc gặp giữa Bộ trưởng quốc phòng Nhật Bản Takeshi Iwaya với người đồng nhiệm Nguỵ Phượng Hoàng bên lề cuộc họp các Bộ trưởng, ông Iwaya nói rằng những cố gắng đơn phương nhằm làm thay đổi hiện trạng ở Biển Đông là không thể chấp nhận được.
Bộ trưởng Trung Quốc Nguỵ Phượng Hoàng nói tự do hàng hải ở khu vực Biển Đông hoàn toàn không bị đe doạ.
Trung Quốc trong các năm qua đã gia tăng việc xây lấp các đảo nhân tạo và triển khai vũ khí ra các đảo này làm dấy lên những lo ngại về hành động quân sự hoá khu vực Biển Đông. Hoa kỳ đã nhiều lần lên tiếng cảnh báo Trung Quốc không được gây bất ổn trong khu vực bằng các hoạt động quân sự như vậy.
Trung Quốc nói rằng nước này chỉ thực hiện các hoạt động trên các đảo và vùng nước thuộc chủ quyền của nước này và chỉ nhằm mục đích phòng vệ và dân sự.
Trung Quốc hiện đòi chủ quyền đến 90% diện tích Biển Đông với đường đứt khúc 9 đoạn mà nước này tự vẽ ra trên biển. Toà Trọng tài Quốc tế hồi năm 2016 đã bác bỏ tính hợp lệ của đường đứt khúc này.
Các nước khác cũng đòi chủ quyền trên Biển Đông bao gồm Việt Nam, Philippines, Malaysia, Brunei, và Đài Loan.
*******************
Nhật - Trung đồng ý tăng cường hợp tác quốc phòng (RFI, 20/10/2018)
Bên lề hội nghị tại Singapore, ngày 19/10/2018, Bộ trưởng quốc phòng Nhật Bản và Trung Quốc lần đầu tiên họp song phương kể từ ba năm qua. Theo thông cáo được đăng tải trên trang mạng của bộ Quốc Phòng Nhật Bản, hai ông Takeshi Iwaya và Ngụy Phượng Hòa đồng ý "cần nhanh chóng thiết lập một đường giây nóng tránh để xảy ra những sự cố giữa quân đội hai nước". Ngoài ra, hai vị bộ trưởng còn đồng ý tăng cường các cuộc trao đổi quân sự giữa Nhật Bản và Trung Quốc.
Bộ trưởng quốc phòng Trung Quốc Ngụy Phượng Hòa tại hội nghi ở Singapore ngày 19/10/2018. Reuters
Về Biển Đông, tờ báo tài chính Nikkei tiết lộ, Bộ trưởng quốc phòng Nhật đã nói với đồng sự Trung Quốc là Tokyo sẽ không chấp nhận mọi thay đổi đơn phương trong vùng biển này. Ông Iwaya gián tiếp chỉ trích Bắc Kinh quân sự hóa Biển Đông. Đáp lời bộ trưởng Takeshi Iwaya, ông Ngụy Phượng Hòa trấn an là "các quyền tự do lưu thông trên biển không bị đe dọa".
Cuộc họp giữa các Bộ trưởng quốc phòng Takeshi Iwaya và Ngụy Phượng Hòa diễn ra trong bối cảnh thủ tướng Shinzo Abe chuẩn bị công du Trung Quốc từ ngày 25 đến 27/10/2018. Đây sẽ là chuyến viếng thăm chính thức đầu tiên của thủ tướng Nhật Bản kể từ khi ông trở lại cầm quyền vào năm 2012.
Quan hệ giữa Tokyo với Bắc Kinh đã nguội lãnh từ khi Tokyo khẳng định chủ quyền đối với quần đảo Senkaku, mà Trung Quốc gọi là Điếu Ngư, trong vùng Biển Hoa Đông.
Thanh Hà
*******************
Vợ cựu Giám đốc Interpol mất tích tố cáo TQ ‘tàn ác’ và ‘bẩn thỉu’ (VOA, 20/10/2018)
Vợ của cựu lãnh đạo Interpol, ông Mạnh Hoành Vĩ, vừa lên tiếng bày tỏ lo ngại cho tính mạng của chồng và sự an toàn của chính mình. Bà chỉ trích chính phủ Trung Quốc là "tàn ác" và "bẩn thỉu".
Bà Grace Meng, vợ Giám đốc Interpol Mạnh Hoành Vĩ, tại một khách sạn ở Lyon, Pháp, ngày 7/10/2018.
Hãng thông tấn AFP dẫn lời bà Grace Meng (Mạnh) trả lời phỏng vấn với BBC rằng : "Tôi nghĩ đây là đàn áp chính trị. Tôi không chắc là anh ấy còn sống", bà Grace nói trong cuộc phỏng vấn được thực hiện tại Pháp, nơi có trụ sở Interpol mà ông Mạnh làm việc trước đây.
Ông Mạnh Hoành Vĩ, cũng là một Thứ trưởng công an Trung Quốc, đã mất tích trong một chuyến đi về Trung Quốc hồi tháng trước.
Sau đó, ông từ chức lãnh đạo tổ chức cảnh sát quốc tế vào ngày 7/10 sau khi chính quyền Trung Quốc thông báo ông đang bị điều tra.
Bắc Kinh nói ông bị tình nghi nhận hối lộ.
"Tôi bảo (với con rằng) bố đang đi công tác dài ngày", bà Grace Meng nấc nghẹn nói trong cuộc phỏng vấn chỉ ghi hình từ sau lưng và giấu mặt bà.
Vợ của cựu Giám đốc Interpol nói rằng Trung Quốc "không có giới hạn" trong việc đàn áp chống lại những người đối đầu. Bà cho biết đã nhận được các cuộc gọi điện thoại đe dọa cho thấy bà đang bị "nhắm mục tiêu" ở Pháp.
"Họ rất tàn ác và bẩn thỉu", bà Grace nói với BBC.
"Tôi phải đứng lên. Tôi không muốn bất kỳ người vợ và đứa trẻ nào khác giống như tôi".
Cơ quan điều tra đang điều tra ông Mạnh, Ủy ban Giám sát Nhà nước Trung Quốc, được phép giam giữ nghi phạm đến 6 tháng mà không cần phải cho họ tiếp xúc với bất kỳ tư vấn pháp lý nào.
Chiến dịch chống tham nhũng của Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã trừng phạt hơn một triệu quan chức, và nhận được sự ủng hộ rộng rãi từ người dân đã chán ngán với tệ nạn tham nhũng. Nhưng một số nhà phân tích nói chiến dịch này cũng giúp cho Chủ tịch Trung Quốc loại bỏ các đối thủ của mình.
Một trong những quan chức quyền lực nhất bị "trảm" gần đây là cựu Ủy viên Bộ Chính Trị-cựu Bộ trưởng Công an Chu Vĩnh Khang, người đã thăng tiến cho ông Mạnh hơn một thập niên trước và đã bị kết án tù chung thân vào năm 2015.
Người thân của các quan chức ngã ngựa thường im lặng. Vì vậy, phát biểu thẳng thắn của bà Grace, theo AFP, là "chưa từng có" và rõ ràng gây "xấu hổ" cho Bắc Kinh.
Trung Quốc hiện đang nỗ lực thúc đẩy để có đại diện cấp cao trong các cơ quan quốc tế. Việc ông Mạnh được bổ nhiệm ở Interpol được xem là một thành công lớn trong cuộc đua đó. Nhưng theo các chuyên gia chính trị, sự sụp đổ của ông Mạnh hiện nay có khả năng sẽ xóa bỏ hoàn toàn nỗ lực này.
Vụ Trung Quốc cho bắt giữ Mạnh Hoành Vĩ, đang là lãnh đạo một tổ chức cảnh sát quốc tế Interpol được nhiều báo Pháp ngày 09/10/2018 bàn luận nhiều. Giới chuyên gia Pháp nhận định cựu lãnh đạo Interpol họ Mạnh đang trả giá cho việc từng là người thân của Chu Vĩnh Khang.
Vụ lãnh đạo Interpol Mạnh Hoành Vĩ qua góc nhìn của họa sĩ châm biếm Plantu. capture d'ecran Le Monde.
Le Monde thông báo "Trung Quốc cáo buộc chủ tịch Interpol tham nhũng". Đây quả là một chuyện hiếm có chưa từng thấy trong lịch sử Interpol. Lần đầu tiên, một lãnh đạo cơ quan cảnh sát quốc tế bị chính quyền một nước bắt giữ khi còn đang tại nhiệm.
Mọi việc bắt đầu từ ngày 25/09. Mạnh Hoành Vĩ, người Trung Quốc đầu tiên được bổ nhiệm làm lãnh đạo Interpol năm 2016, đã mất tích ngay khi về đến Trung Quốc. Chính vợ ông, bà Grace, hiện đang sống cùng với 2 con ở thành phố Lyon, nơi đặt trụ sở Interpol đã đến trình báo cảnh sát về vụ việc, và cho rằng chồng bà đang gặp nguy hiểm. Bà đã không nhận được tin tức gì kể từ khi nhận được tin nhắn cuối cùng mang biểu tượng hình con dao qua điện thoại ngày 27/09.
Sau 10 ngày im lặng, trước những đòi hỏi từ phía Pháp và Interpol, đề nghị Bắc Kinh làm sáng tỏ số phận của Mạnh Hoành Vĩ, chính quyền Trung Quốc, chiều tối Chủ Nhật 07/10, mới chính thức xác nhận ông Mạnh bị điều tra về các tội "tham ô và vi phạm luật lệ". Theo thông cáo của Bộ Công an, cuộc điều tra này là "đúng lúc, thích đáng và rất thận trọng". Interpol cũng nhận được thư xin từ nhiệm của ông Mạnh Hoành Vĩ, với "hiệu lực tức thì" mà báo Pháp nghi ngờ tính xác thực.
Theo giới chuyên gia Pháp được các báo trích dẫn, tham nhũng chỉ là một cái cớ. Trên thực tế, Mạnh Hoành Vĩ là nạn nhân mới của cuộc chiến đấu đá nội bộ, "thanh lý tàn dư của phe Chu Vĩnh Khang".
Ông Mathieu Duchâtel, phụ trách chương trình Châu Á, ở Hội Đồng Quan Hệ Đối Tác Châu Âu ECFR, chuyên nghiên cứu về Trung Quốc, trên nhật báo La Croix, phân tích : "Những sai lầm trong quá khứ trước đây có thể bỏ qua giờ thì không thể. Mạnh Hoành Vĩ phải trả giá cho việc đã gần gũi với Chu Vĩnh Khang", kẻ thù số một của Tập Cận Bình, đã bị bắt và bị kết án tù nặng vì tội tham nhũng và phát tán "bí mật quốc gia".
Quả thật, Mạnh Hoành Vĩ đã từng bước leo lên các nấc thang quyền lực trong bộ máy an ninh khi ông Chu Vĩnh Khang còn tại vị, cho đến khi bị bắt và xử án tù chung thân vào năm 2015.
Vẫn theo ông Duchatel, điều gây ngạc nhiên nhất chính là trong câu chuyện tưởng chừng huyễn hoặc này, Trung Quốc lại liều lĩnh tính toán và chấp nhận để "bị mất uy tín trên trường quốc tế". Bởi vì kể từ giờ, các tổ chức quốc tế sẽ phải nghĩ kỹ trước khi bổ nhiệm một quan chức Trung Quốc vào các vị trí lãnh đạo.
Câu hỏi đặt ra : Tại sao lại tiến hành bắt giữ Mạnh Hoành Vĩ vào lúc này ? Phải chăng ông này đã thật sự trở nên nguy hiểm cho Đảng cộng sản ? Liệu ông ấy có ý định ở lại nước ngoài ? Tất cả những điều đó hiện không ai có thể trả lời.
Nhưng có một điều chắc chắn là quyết định ngông cuồng này chứng tỏ cho thấy việc đặt một đại diện của Trung Quốc lên làm lãnh đạo một tổ chức quốc tế là một sai lầm.
Về điểm này, ông Nicholas Bequelin, giám đốc văn phòng đại diện Đông Á tổ chức Amnesty International, đã thẳng thừng chỉ trích : "Việc đề cử một lãnh đạo công an, vốn có những phương pháp khác xa với các chuẩn mực quốc tế trên phương diện các quyền, và nhiệm vụ đầu tiên của người đó là vĩnh cửu hóa quyền lực của Đảng cộng sản Trung Quốc, cho thấy sự ngây ngô và một sự bất tài nào đó của Interpol".
Tóm lại trong vụ việc này, La Croix nhận xét "Quyết định của Đảng cộng sản trên cả Interpol". Libération không ngần ngại mỉa mai là "Đảng cộng sản Trung Quốc chẳng có nể nang gì Interpol".
Trung Quốc : Lĩnh vực công nghệ chới với
Cũng liên quan đến Trung Quốc nhưng trong lĩnh vực công nghệ. Phụ trang kinh tế báo Le Figaro có bài viết "Những nghi ngờ gián điệp gây tổn hại cho lĩnh vực công nghệ Trung Quốc".
Hôm thứ Sáu tuần trước, cổ phiếu của công ty Hoa Kỳ Supermicro bị giảm giá 45% trên thị trường Mỹ. Tại Hồng Kông, cổ phiếu của tập đoàn Trung Quốc Lenovo, nhà sản xuất máy tính hàng đầu thế giới, đã tụt giá 16%... Đây là hệ quả trực tiếp của một bài báo nói về hoạt động gián điệp công nghệ Trung Quốc.
Theo báo Le Figaro, cuộc điều tra được công bố tuần trước, làm sáng tỏ một vấn đề tế nhị : đó là các doanh nghiệp công nghệ Trung Quốc và Hoa Kỳ rất phụ thuộc vào nhau. Các nhà báo của Bloomberg Businessweek đã nêu rất chi tiết cách thức mà các điệp viên làm việc cho Bắc Kinh thâm nhập vào hệ thống sản xuất dây chuyền ở Trung Quốc của công ty Mỹ Super Micro Computer, một trong những tập đoàn lớn nhất thế giới, chuyên sản xuất máy chủ.
Dường như các điệp viên này đã cài chip điện tử gián điệp vào các linh kiện điện tử dùng để chế tạo máy tính của Mỹ, qua đó, cho phép tin tặc Trung Quốc tiếp cận được các dữ liệu trung chuyển qua những máy chủ bị dính virus. Điều đáng lo ngại là các tập đoàn tin học lớn nhất thế giới như Apple và Amazon, cũng như các cơ quan chính quyền Hoa Kỳ sử dụng chủ yếu máy chủ của Supermicro.
Vẫn theo báo Le Figaro, rất nhiều doanh nghiệp Mỹ xây dựng mô hình kinh tế của mình qua việc đặt các cơ sở sản xuất tại Trung Quốc hoặc dựa vào các nhà thầu Trung Quốc, để lắp ráp sản phẩm, giảm chi phí giá thành.
Vụ việc trở nên rắc rối vào lúc "chiến tranh thương mại" giữa Mỹ và Trung Quốc tăng tốc. Hậu quả là từ nhiều tháng nay, căng thẳng trong quan hệ thương mại song phương có thể gây ra những khó khăn trong việc cung ứng hoặc đẩy giá phụ kiện lên cao, tác động tiêu cực đến ngành công nghệ Hoa Kỳ.
Tình hình lại càng phức tạp hơn trong bối cảnh, Bộ Quốc phòng Mỹ, vào tuần trước nhấn mạnh đến những rủi ro ngày càng gia tăng do việc ngành công nghiệp quốc phòng Hoa Kỳ lại phụ thuộc nặng nề đến mức đáng ngạc nhiên vào các nhà thầu Trung Quốc trong lĩnh vực vật tư và công nghệ.
Thứ Sáu tuần trước, quỹ đầu tư Mỹ Greenlight Capital đã bán tất cả các cổ phiếu của Apple vì lo ngại Trung Quốc trả đũa Hoa Kỳ. Từ thứ Năm tuần trước đến nay, cổ phiếu của Apple và Amazon đã giảm 4%.
Bầu cử tổng thống : Brazil rẽ ngoặt ?
Một chủ đề khác cũng được các báo Pháp bàn luận sôi nổi là kết quả bầu cử tổng thống vòng một tại Brazil. Ứng viên cực hữu Jair Bolsonaro đã về đầu với số phiếu ủng hộ áp đảo 46%, chỉ để cho đối phương cánh tả 29% số phiếu cử tri.
Le Monde trên trang nhất chạy tựa : "Brazil, phe cực hữu chiến thắng". Le Figaro có cùng nhận xét có bài viết "Tại Brazil, cực hữu tiến đến cầm quyền". La Croix gần như chắc chắn cho rằng "tại Brazil, cực hữu ngay trước cửa quyền lực".
"Thủy triều cực hữu đang dâng cao tại Brazil", Le Monde nhận xét. Nổi tiếng với những phát biểu miệt thị phụ nữ, bài người đồng tính, phân biệt chủng tộc, cộng thêm với một phong cách có chút gì pha lẫn giữa tổng thống Mỹ Donald Trump và lãnh đạo Philippines, ứng viên phe cực hữu Jair Bolsonaro vẫn mê hoặc được đông đảo cử tri Brazil.
Sự việc cho thấy những thất bại của mô hình cánh tả Brazil, đảng Những Người Lao Động PT, bị quy kết trách nhiệm là đã làm lụn bại đất nước. Do vậy, đối với nhiều cử tri, những thành phần trung lưu và giới doanh nhân, "Phải ngăn chặn đảng PT trở lại", tựa một bài phóng sự của Libération.
Với tỷ lệ phiếu ủng hộ cao ngất ngưỡng, "một con lộ lớn đang rộng mở cho Bolsonaro". Chính sự xâu xé tả - hữu trong chính trường Brazil từ nhiều năm qua đã tạo lợi thế cho sự trỗi dậy của phe dân túy.
Trận động đất bầu cử còn kéo theo cả cơn sóng thần dân túy. Bởi vì trong cùng một lúc, các cuộc bầu cử khác (thống đốc bang, Thượng viện), ba người con trai của Bolsonaro cùng với nhiều thành viên Đảng Xã hội – Tự do của ông Bolsonaro đã giành được thắng lợi tại nhiều bang lớn, nâng số nghị sĩ của đảng từ ba lên hơn 50 người tại Nghị Viện.
Tin chắc thắng lợi trong tầm tay, "Bolsonaro cam kết một trị liệu sốc cho nền kinh tế đất nước" như loan báo trên tờ Les Echos. Nếu thắng cử, ông sẽ dự tính tiến hành một loạt các biện pháp tư hữu hóa và cải cách chế độ hưu bổng.
SOS ! Khí hậu
Trang nhất các báo Pháp đồng loạt đăng cảnh báo của GIEC, nhóm chuyên gia quốc tế về khí hậu về những tác động của hiện tượng trái đất ấm dần thêm 1,5°C.
Le Monde thông báo "Khí hậu : Cơ hội cuối cùng cho hành tinh". Les Echos cũng hòa nhịp "Cảnh báo cuối cùng của GIEC để tránh được điều tệ hại". Le Figaro và La Croix lần lượt đặt câu hỏi "Khí hậu ấm dần : Câu trả lời nào cho khi báo động ?" và "Khí hậu, bây giờ thì sao ?".
Báo cáo của GIEC về tiến triển của hiện tượng khí hậu ấm dần, được công bố ngày 08/10/2018 cho rằng nhằm hạn chế mức tăng nhiệt độ ở 1,5°C đòi hỏi nhiều sự biến đổi xã hội "nhanh chóng" với tầm mức lớn "chưa từng có". Nghĩa là cần có một sự thay đổi toàn diện mô hình phát triển của nhân loại để sao cho có thể giảm được hiện tượng phát thải khí gây hiệu ứng nhà kính.
Minh Anh
Năm ngoái, sau khi báo chí đăng tải Trịnh Xuân Thanh "đào tẩu" ra nước ngoài, nhà nước cộng sản Việt Nam ra lệnh "truy nã toàn quốc" đồng thời với lệnh "truy nã quốc tế" ngày 16 tháng chín năm 2016. Tôi có viết status ngắn, ngày 17 tháng 9, rằng việc này chưa chắc Interpol đã can thiệp.
Bộ Luật hình sự Việt Nam - Ảnh minh họa
Nội qui Interpol, điều 2 khoản a, qui định về việc trợ giúp hỗ tương giữa cảnh sát hình sự thuộc các nước thành viên của tổ chức, (với điều kiện hành vi này) phù hợp với luật pháp của các quốc gia cũng như tinh thần của "Tuyên ngôn phổ cập về nhân quyền". Điều 3, Interpol không can thiệp vào các việc (tội phạm) có liên quan đến chính trị, quân sự, tôn giáo và chủng tộc.
Theo thông tin của cơ quan điều tra bộ Công an (C46), Trịnh Xuân Thanh bị truy tố vì tội "cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng" như qui định ở điều 165 Bộ Luật hình sự.
Hành vi gọi là "làm trái các qui định của nhà nước", ngay cả khi hành vi này làm phá sản xí nghiệp nhà nước, không hề mang ý nghĩa "người làm trái qui định của nhà nước" đã phạm tội "tham nhũng".
Tội phạm gọi là "làm trái qui định của nhà nước về quản lý kinh tế" trong một xí nghiệp nhà nước, không hiện hữu ở các nước "tư bản đang giẫy chết".
Các "qui định của nhà nước về quản lý kinh tế" trong một nước có nền "kinh tế chỉ huy" như Việt Nam, nếu không hoàn toàn trái ngược, thì cũng không có điều gì "tương đồng" với pháp luật của các nhà nước tư bản thì trường.
Tập quán quốc tế xem hành vi "tham nhũng" là một tội phạm.
Interpol có thể can thiệp, giúp đỡ những nhân viên hữu trách bắt giữ tội phạm tham nhũng đào thoát.
Interpol không hề "truy nã" Trịnh Xuân Thanh như ý kiến của ông tướng công an Lê Quí Vương, Thứ trưởng bộ Công an, phát biểu trước Quốc hội ngày 7 tháng 11 năm ngoái.
Ngay cả nhà nước Đức, nơi ông Thanh trú ẩn, các cơ quan hữu trách, đến hôm nay vẫn không hề xem việc "làm trái các qui định của nhà nước" - nếu có - của Trịnh Xuân Thanh là một "hành vi phạm luật" để có thể trục xuất ông này theo yêu cầu của nhà nước cộng sản Việt Nam.
Ý kiến này của tôi năm ngoái, hôm nay kiểm chứng lại, thấy là đúng như vậy.
Hiện nay trong nước, nhiều bài báo, nhiều ý kiến cho rằng Trịnh Xuân Thanh phạm tội tham nhũng, phá hoại đất nước. Những ý kiến này - như là lời kết tội của quan tòa.
Việt Nam đã hành sử như một quốc gia côn đồ khi đưa mật vụ vào Đức để bắt cóc Trịnh Xuân Thanh.
Cái cách bào chữa của "học giả", "nhà báo" Việt Nam cho thấy tầm trí tuệ của những người ủng hộ phe chủ trương bắt cóc Trịnh Xuân Thanh.
Tôi cũng viết (năm ngoái), 100% các doanh nghiệp lớn của nhà nước "phớt lờ" các qui định của chính phủ đồng thời gây "hậu quả nghiêm trọng" về kinh tế.
Vốn nhà nước đầu tư vào các tập đoàn nhà nước là 1,3 triệu tỉ đồng. Nếu tính lợi nhuận là bình quân 17% thì mỗi năm thì (đáng lẽ) nhà nước thu vô là 200.000 tỉ đồng.
(Số 17% cũng là "mức lời trung bình" cho vay theo qui định của các ngân hàng).
Kết quả là hầu hết các xí nghiệp đều lỗ lã mà vốn cũng "bốc hơi" lần hồi.
Nếu áp dụng điều luật 165 Bộ Luật hình sự (như trường hợp Trịnh Xuân Thanh) cho tất cả các tập đoàn nhà nước, thì lãnh đạo các tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN), Tổng công ty Thuốc lá Việt Nam (Vinataba), Tổng công ty Giấy Việt Nam, Tổng công ty Cà phê Việt Nam (Vinacafe), Tổng công ty Lương thực Miền Bắc (Vinafood 1), Tổng công ty Sông Đà, Tổng công ty Thiết bị y tế Việt Nam... đều có thể phải vào tù.
Trương Nhân Tuấn
Nguồn : fb.nhantuan.truong, 09/08/2017