Hong Kong : Joshua Wong kêu gọi biểu tình toàn cầu sau đối thoại của Carrie Lam (BBC, 27/09/2019)
Người biểu tình Hong Kong hô vang các khẩu hiệu chống chính phủ và bao vây bà Carrie Lam tại sân vận động nhiều giờ sau buổi 'đối thoại mở' đầu tiên của bà với công chúng nhằm kết thúc ba tháng bạo lực và bất ổn, theo Reuters.
Biểu tình tiếp diễn ngay sau đối thoại công khai đầu tiên của Carrie Lam
Bà Lam nói gì ?
Trong sân vận động Nữ hoàng Elizabeth xây từ thời thuộc địa Anh hôm 26/9, bà Lam lắng nghe, ghi chép, trước khi trả lời. Bà kêu gọi người dân cho chính phủ của bà một cơ hội, đồng thời nhấn mạnh Hong Kong vẫn có một tương lai tươi sáng và một nhà nước pháp quyền mạnh mẽ.
150 người được cho là được lựa chọn ngẫu nhiên từ cộng đồng tham gia cuộc đối thoại mở này.
Bà Lam bắt đầu cuộc đối thoại bằng cách nói rằng, chính quyền của bà chịu trách nhiệm nặng nề nhất trong việc giải quyết cuộc khủng hoảng ở Hong Kong.
"Dự luật dẫn độ do chính phủ khởi xướng đã gây ra cơn bão này", bà Lam nói. "Nếu chúng ta muốn chấm dứt khó khăn và tìm ra lối thoát, chính phủ chịu trách nhiệm lớn nhất để làm điều đó".
"Tôi hy vọng tất cả các bạn hiểu rằng, chúng tôi vẫn quan tâm đến xã hội Hong Kong. Chúng tôi vẫn có một trái tim", bà nói. "Chúng tôi vẫn tiếp tục gắn trách nhiệm của mình với những vấn đề của xã hội này".
Tuy nhiên, bà nhấn mạnh một lần nữa rằng, bà thấy không cần thiết phải tiến hành điều tra độc lập, và rằng hiện cơ chế khiếu nại của cảnh sát là đủ để phản ứng với các quan ngại của công chúng.
150 người được chọn ngẫu nhiên để tham gia cuộc đối thoại mở với bà Lam
Bà cũng nhắc lại là bà không bao giờ cúi đầu chấp thuận yêu cầu bãi bỏ tội danh cho những người bị bắt vì bạo loạn.
"Tôi không chối bỏ trách nhiệm, nhưng Hong Kong thực sự cần phải bình tĩnh lại", bà nói. "Chúng ta phải ngăn chặn bạo lực bùng phát... Vi phạm luật pháp sẽ dẫn đến hậu quả mà chúng ta phải gánh chịu".
Bà cũng thừa nhận rằng khả năng hành động của bà cũng gặp một số giới hạn.
"Tôi và các cộng sự của tôi có thể sẽ không thể gây ảnh hưởng lên xã hội trong một số vấn đề... nhưng cuộc đối thoại sẽ tiếp tục".
Kêu gọi biểu tình toàn cầu
Hôm 27/9, nhà hoạt động dân chủ Hong Kong Joshua Wong viết trên Twitter lời kêu gọi biểu tình trên toàn cầu hai ngày 28 và 29/9.
"Hãy sát cánh với Hong Kong chống lại sự chuyên chế : Biểu tình toàn cầu vào ngày 28 và 29 tháng 9 !", Twitter của Joshua Wong viết.
"Hôm nay, chúng tôi đang tập hợp trong tình đoàn kết với người dân Hong Kong và tất cả những người phải chịu đựng sự áp bức của nhà nước độc tài Trung Quốc, bao gồm cả người Duy Ngô Nghĩ và người Tây Tạng".
Trong khi đó, hôm 26/9, trong cuộc đối thoại mở của bà Carrie Lam, nhiều người dân chỉ cáo buộc bà phớt lờ công chúng và làm trầm trọng thêm một cuộc khủng hoảng không có hồi kết.
Các diễn giả chỉ trích bà vì đã cản trở các quyền tự do bầu cử, phớt lờ dư luận và từ chối cho phép một cuộc điều tra độc lập với các cáo buộc về sự tàn bạo của cảnh sát.
Một số người kêu gọi bà Lam từ chức, nói rằng bà không còn đủ khả năng để lãnh đạo.
Sau khi kết thúc phiên đối thoại, các cuộc biểu tình lại tiếp tục. Các nhà hoạt động bao vây sân vận động, chặn các đường ra và cả lối thoát hiểm bằng lan can sắt và các mảnh vụn khác.
Hơn bốn tiếng sau khi cuộc đối thoại kết thúc, đoàn hộ tống bà Lam và các quan chức cao cấp khác mới rời tòa nhà trong sự tháp tùng của cảnh sát.
Bên ngoài, rất đông người biểu tình mặc áo đen, hô vang các khẩu hiệu chống chính phủ.
Cảnh sát cảnh báo rằng, họ sẽ sử dụng vũ lực nhưng rồi không can thiệp gì.
**************
Mỹ thúc đẩy Đạo luật về dân chủ Hong Kong, Trung Quốc tức giận (BBC, 26/09/2019)
Đạo luật Nhân quyền và Dân chủ Hong Kong năm 2019 được Ủy ban Đối ngoại Thượng viện và Ủy ban Đối ngoại Hạ viện Mỹ thông qua hôm 25/9, tạo tiền đề cho các cuộc bỏ phiếu tại Quốc hội trong các tuần tới, theo SCMP.
Chủ tịch Hạ viện Hoa Kỳ, bà Nancy Pelosi và nhà hoạt động dân chủ Hong Kong Joshua Wong tại Washington D.C 18/9/2019
Đạo luật này của Mỹ đưa ra nhằm hỗ trợ các quyền tự do dân chủ ở Hong Kong bằng cách gia tăng áp lực lên chính quyền Trung Quốc - điều mà Trung Quốc cho là "can thiệp vào nội bộ" của nước này.
"Việc được thông qua ở hai ủy ban là bước tiến lớn", ông Jeff Sagnip, giám đốc chính sách cho ông Chris Smith, Nghị sĩ đảng Cộng hòa giới thiệu dự luật ra Hạ viện, nói.
Ông Smith nói thêm rằng, một cuộc bỏ phiếu ở Hạ viện có thể sẽ diễn ra trong tháng Mười.
Đạo luật Nhân quyền và Dân chủ Hong Kong đóng vai trò sửa đổi Đạo luật Chính sách Hoa Kỳ - Hong Kong năm 1992, nhằm bảo đảm rằng, các doanh nghiệp Hoa Kỳ và các liên hệ khác của Mỹ với Hong Kong không bị ảnh hưởng sau khi thành phố này được Anh trao trả cho Trung Quốc năm 1997.
Nếu được thông qua, Đạo luật này sẽ yêu cầu Hoa Kỳ trừng phạt các quan chức Trung Quốc bị cho là chịu trách nhiệm cho việc "phá hoại các quyền tự do cơ bản ở Hong Kong".
"Mỗi lần chúng tôi thúc đảy để thông qua dự luật này thì lại có phản đối từ các nhà ngoại giao, chuyên gia, các chủ tịch ủy ban và Phòng Thương mại Hoa Kỳ tại Hong Kong", ông Chris Smith, Nghị sỹ đảng Cộng hòa ở New Jersey, nói.
Joshua Wong và các nhà hoạt động dân chủ Hong Kong tại Mỹ hôm 21/9/2019
"Tuy nhiên, lần này thì khác. Tình hình ở Hong Kong đã rất khác, và nhiều người ngày càng nhận thức được rằng, đã rất trễ để có một Hong Kong tự do và tự trị".
"Quốc hội Mỹ đang gửi một tuyên bố của lưỡng đảng và hai viện, ủng hộ những người biểu tình dân chủ ở Hong Kong trong khi nhấn mạnh rằng, Bắc Kinh cần thực hiện các cam kết với thế giới và nhân dân Hong Kong trong tuyên bố Trung - Anh", ông Smith nói thêm.
Tuyên bố Trung-Anh, vốn được hai nước ký vào năm 1984, bảo đảm rằng Hong Kong sẽ được duy trì quyền tự trị cao trong 50 năm sau khi được Anh trao trả cho Trung Quốc năm 1997.
Vài giờ trước khi hai ủy ban đối ngoại Mỹ bỏ phiếu tại Washington, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc Cảnh Sảng nói rằng, hiệp định năm 1984 không nên được sử dụng như một cái cớ để can thiệp vào các vấn đề của Hong Kong.
Hôm 26/9, trang Xinhua của Trung Quốc cho hay, Trung Quốc phản đối mạnh mẽ việc Ủy ban Quốc hội Hoa Kỳ thông qua "cái gọi là Đạo luật Dân chủ và Nhân quyền Hong Kong năm 2019, đồng thời kêu gọi Hoa Kỳ ngừng can thiệp vào các vấn đề Hong Kong".
Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc, ông Cảnh Sảng nói rằng "Đạo luật này hoàn toàn nhầm lẫn giữa đúng và sai, bất chấp sự thật, ủng hộ trơ tráo những kẻ bạo lực cực đoan ở Hong Kong và can thiệp thô bạo vào các vấn đề nội bộ của Trung Quốc".
"Tốc độ mà các dự luật đã được các ủy ban thông qua cho thấy cam kết của các nhà lãnh đạo trong Quốc hội Mỹ đối với Hong Kong và sự hỗ trợ ngày càng tăng từ các thành viên Quốc hội Mỹ ở cả hai đảng", ông Samuel Chu, giám đốc điều hành của Hội đồng Dân chủ Hong Kong có trụ sở tại Washington, cho biết trong một thông cáo.
"Chúng tôi hy vọng rằng Chủ tịch Hạ viện [Nancy] Pelosi và nhà lãnh đạo nhóm đa số tại Thượng viện [Mitch] McConnell sẽ giữ áp lực đối với chính phủ Trung Quốc và Hong Kong bằng cách nhanh chóng lên lịch bỏ phiếu cho Đạo luật này khi Quốc hội họp trở lại", ông Chu nói thêm.
Một số bạn của tôi trên facebook nhân định rằng việc Hoàng Chí Phong (Joshua Wong) qua Mỹ để tìm kiếm sự ủng hộ trong việc đòi hỏi bầu cử tự do cho Hồng Kông đối với chế độ cộng sản của Trung Quốc là vô ích.
Hoàng Chí Phong và những chiến hữu của anh đã ra điều trần trước ủy ban giám sát nhân quyền ở Trung Quốc của quốc hội Mỹ ngày thứ ba 17/09/2019
Những bạn này cho rằng trong tình thế hiện nay, nước Mỹ dưới sự lãnh đạo của Donald Trump - một con người gian manh, dối trá, độc tài, nói láo như cuội..., luôn ca ngợi các lãnh đạo như Tập Cận Bình, Kim Jong-Un. Vladimir Putin, Mohammad Bin Salman... là những lãnh đạo vĩ dại, tài ba, thông minh, hiểu biết, gọi họ là những người bạn tốt – việc vận động Donald Trump ủng hộ cuộc tranh đấu của người dân Hồng Kông là việc hoang tưởng, vô ích.
Những người này hoàn toàn đúng nếu chỉ đánh giá công việc vận động của Hoàng Chí Phong trong phạm vi nhỏ hẹp - sự hoàn toàn im lặng của Trump với phong trào hiện nay cũng như trước đây lên án họ là những kẻ bạo động.
Tuy nhiên, nhìn bao quát hơn, Donald Trump không phải là nước Mỹ, Trump chỉ là lãnh đạo hành pháp cao nhất trong một thời gian là 4 hay 8 năm. Cho dù Trump thật sự có khuynh hướng độc tài, muốn thiên niên trường trị như Putin, Tập, Kim, bin Salman... thì với hiến pháp hiện nay cũng bất khả.
Việc vận động của Joshua Wong ở Washington DC cho dù không tác động gì tới suy nghĩ, hành động, chính sách của Donald Trump và nội các nhưng ít nhất cũng ảnh hưởng đến suy nghĩ của nhiều người dân Mỹ, giới truyền thông, báo chí, các chính khách có lương tri của cả 2 đảng Cộng Hòa và Dân Chủ.
Hãy nhìn cô bé Greta Thunberg 16 tuổi đi từ Thụy Điển qua Mỹ trong một cuộc hải hành dài 2 tuần trên chiếc thuyền nhỏ sử dụng buồm và động cơ điện chạy bằng sức gió để vận động, thuyết phục các lãnh đạo thế giới quan tâm hơn nữa cũng như cần có hành động khẩn cấp về vấn đề môi trường, thay đổi khí hậu.
Khi phóng viên hỏi liệu cô có muốn gặp Donald Trump, tổng thống Mỹ không ? Greta trả lời rằng việc gặp Donald Trump sẽ rất vô ích, mất thời gian uổng phí vì cô biết chắc Trump sẽ không muốn nghe những gì cô nói. Thay vào đó, cô đã gặp cựu tổng thống Barack Obama.
Cuộc gặp gỡ của Greta Thunberg với cựu Tổng thống Obama không kéo dài lâu nhưng một video clip ngắn quay lại cuộc gặp gỡ đã được hàng triệu người coi. Ngoài việc được đề cử giải Nobel Hòa Bình cho năm 2019, ngày 17/09/2019, tổ chức Ân Xá Quốc Tế trao tặng Greta Thunberg giải thưởng Đại sứ của Lương tâm (Ambassador of Conscience).
Khi bỏ học vào ngày thứ sáu hàng tuần, ra ngồi trước tòa nhà quốc hội Thụy Điển để kêu gọi người lớn phải quan tâm đến môi trường sống nhiều hơn, Greta có lẽ không bao giờ ngờ được rằng việc làm của mình có thể gây tác động rộng lớn và có hiệu quả như vậy.
Tất nhiên không thể so sánh ảnh hưởng cũng như tác động trong công việc của Hoàng với Thunberg vì mục đích cũng như đối tượng tranh đấu khác nhau. Mục tiêu, hậu quả tranh đấu của Hoàng Chí Phong có thể thấy rõ trước mắt, tác động tức thời tới 7 triệu rưỡi người dân Hồng Kông, còn cuộc tranh đấu của Thunberg tác động đến môi trường cả thế giới nhưng về lâu, về dài mới có thể nhận ra.
Về mặt lý tưởng, Hoàng Chí Phong chững chạc hơn, trưởng thành hơn, nhận rõ những nguy cơ có thể xẩy đến cho mình như bị kết án tù tội, bị hành hung, trả thù, thậm chí bị bắt cóc, bị thủ tiêu bí mật bởi công an Trung Quốc nhưng Hoàng can đảm chấp nhận mọi chuyện, không lùi bước.
Tuy không được gặp tổng thống Donald Trump nhưng tại Washington DC. Hoàng và những chiến hữu của anh đã ra điều trần trước ủy ban giám sát nhân quyền ở Trung Quốc của quốc hội Mỹ ngày thứ ba 17/09/2019 bao gồm các chính trị gia của cả 2 đảng Cộng Hòa và Dân Chủ.
Hôm 18.9.2019, Chủ tịch Hạ viện, bà Nancy Pelosi cũng đã gặp gỡ Hoàng Chi Phong và các nhà hoạt động trẻ Hồng Kông. Bà Pelosi cũng đã tổ chức họp báo cùng các dân biểu Hạ viện và các nhà hoạt động Hồng Kông, thúc đẩy thông qua dự luật Nhân Quyền và Dân chủ cho Hồng Kông.
Bà Pelosi tweet : "Bằng cách thông qua Đạo luật Nhân quyền & Dân chủ Hồng Kông, chúng tôi sẽ gửi thông điệp rõ ràng đến người dân HongKong: Nước Mỹ ủng hộ cuộc tìm kiếm công lý và tự do của các bạn".
Đại biểu trong ủy ban giám sát nhân quyền đã bày tỏ sự ủng hộ của họ đối với phong trào tranh đấu của người dân Hồng Kông chống lại luật dẫn độ cũng như đòi hỏi tự do bầu cử.
Dân biểu James McGovern thuộc đảng Dân Chủ ở Massachusetts chỉ trích lảnh đạo Hồng Kông đã không phục vụ cho quyền lợi của người dân Hồng Kông mà chỉ phục vụ cho lợi ích chính quyền ở Bắc Kinh.
Dân biểu Chiristopher Smith - Cộng Hòa New Jersey - đã phát biểu rằng chính quyền Hồng Kông sẽ bị mất ưu đãi trong trao đổi ngoại thương với Mỹ nếu tiếp tục xóa bỏ dần sự độc lâp của Hồng Kông.
Những thành quả đạt được nói trên chứng tỏ rằng việc vận động của phong trào chống luật dẫn độ và đòi hỏi tự do bầu cử ở Hồng Kông của Hoàng Chí Phong và các chiến hữu khong phải là vô ích.
Cho dù quyết định cuối cùng về chính sách đối ngoại của Mỹ với Hồng Kông vẫn là của tổng thống Donald Trump nhưng việc Hoàng Chí Phong cùng các bạn có mặt ở Washington để vận động cho tự do bầu cử của Hồng Kông không phải là việc vô ích.
Kết quả sau này như thế nào chưa thể đoán được nhưng giống như Greta Thunberg, Hoàng Chí Phong cùng các bạn đã làm hết sức của họ. Họ đã tận lực, việc có thành hay không, họ không có gì ân hận vì đã cống hiến tuổi trẻ cho những mục tiêu cao đẹp của nhân loại nói chung và Hồng Kông nói riêng.
Thạch Đạt Lang
(20/09/2019)
Hong Kong : Joshua Wong kêu gọi Mỹ ủng hộ các cuộc biểu tình (BBC, 15/09/2019)
Nhà hoạt động dân chủ Hong Kong Joshua Wong kêu gọi các nhà lập pháp Hoa Kỳ giúp đỡ những người biểu tình của anh tại quê nhà, những người vốn đã dẫn đầu nhiều tháng biểu tình trên đường phố, bao gồm kêu gọi bầu cử tự do, theo Reuters.
Joshua Wong đã đến Mỹ
Hôm thứ Bảy, Wong đã có cuộc phỏng vấn với Reuters ở New York trước chuyến thăm đến Washington theo kế hoạch.
Joshua Wong (Hoàng Chi Phong) được biết đến là một trong những sinh viên lãnh đạo phong trào Dù vàng ủng hộ Dân chủ ở Hong Kong năm 2014.
Nhưng các cuộc biểu tình gần đây nhất ở Hong Kong, bắt nguồn từ một dự luật dẫn độ, phần lớn đầu không cần người dẫn đầu.
Dự luật hiện đã bị rút bỏ nhưng đòi hỏi của người biểu tình đã tăng lên trở thành sự yêu cầu cho một nền dân chủ lớn hơn và độc lập khỏi Trung Quốc đại lục.
"Chúng tôi hy vọng... sẽ có được sự ủng hộ của lưỡng đảng," Joshua Wong nói về chuyến đi sắp tới ở Washington, và rằng các nhà lập pháp Hoa Kỳ nên đưa thêm một điều khoản về nhân quyền trong các cuộc đàm phán thương mại giữa Hoa Kỳ và Trung Quốc.
Wong cũng hi vọng Quốc hội Mỹ sẽ thông qua Dự luật Nhân quyền và Dân chủ Hong Kong, vốn sẽ yêu cầu chính quyền Hong Kong phải lý giải vì sao nó xứng đáng được Washington đối xử đặc biệt trong nhiều thập kỷ qua, bao gồm các đặc quyền thương mại và kinh doanh.
Dự luật cũng có nghĩa là các quan chức ở Trung Quốc và Hong Kongg, những người xem nhẹ quyền tự trị của thành phố có thể phải đối mặt với các lệnh trừng phạt.
Thượng nghị sĩ Dân chủ Hoa Kỳ Chuck Schumer cho biết hồi đầu tháng rằng đó sẽ là ưu tiên hàng đầu của Đảng Dân chủ tại Thượng viện Hoa Kỳ trong phiên họp mới, bắt đầu vào thứ Hai.
Trong khi đó Trung Quốc đã cáo buộc các cường quốc nước ngoài, đặc biệt là Hoa Kỳ và Anh, đã thúc đẩy tình trạng bất ổn.
Các cuộc biểu tình mới nhất, thường liên quan đến các cuộc đụng độ bạo lực với cảnh sát, đã làm sôi sục Hong Kong hơn ba tháng qua. Hàng triệu người đã xuống đường, sân bay thậm chí phải đóng cửa trong hai ngày.
Những yêu cầu của người biểu tình bao gồm một cuộc điều tra độc lập về những gì họ mô tả là sự tàn bạo của cảnh sát và quyền bầu cử phổ quát.
Agnes Chow (trái) và Joshua Wong sau khi được tại ngoại hôm 30/8
Vào thứ Bảy, 14/9 có xảy ra một số cuộc đụng độ ở khu vực Vịnh Kowloon. Nhưng tình trạng bất ổn là không đáng kể so với những tuần trước khi những người biểu tình tấn công Văn phòng lập pháp, biểu tượng cho sự cai trị của Trung Quốc, phá hoại các trạm tàu điện ngầm và đốt cháy đường phố. Cảnh sát đã đáp trả bằng hơi cay, đạn cao su và vòi rồng.
Trung Quốc rất muốn dập tắt các cuộc biểu tình trước lễ kỷ niệm 70 năm vào ngày Quốc Khánh 1/10, ngày thành lập Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa.
Bắc Kinh hiện vẫn chưa ra lệnh cho quân đội can thiệp vào các cuộc biểu tình.
Joshua Wong cho biết người dân Hong Kong sẽ tiếp tục chiến đấu bất chấp ngày Quốc khánh.
"Chúng tôi sẽ tiếp tục biểu tình cho quyền bầu cử tự do. Tôi thấy không có lý do gì để chúng tôi bỏ cuộc và đã đến lúc thế giới phải sát cánh cùng Hong Kong."
Trong khi đó, Agnes Chow, người bị bắt cùng với Joshua Wong và cũng được tại ngoại, vừa bay sang Đức.
Chow sẽ gặp gỡ các chính khách quốc tế thảo luận về các yếu tố tác động Đài Loan, Hong Kong và Trung Quốc, theo như trên Facebook của cô.
*****************
Joshua Wong chuẩn bị vận động Quốc hội Mỹ ủng hộ dân chủ Hong Kong (VOA, 15/09/2019)
Nhà hoạt động ủng hộ dân chủ Hong Kong Joshua Wong ngày thứ Bảy nói rằng anh đang tìm kiếm sự ủng hộ của các nhà lập pháp Mỹ cho các đòi hỏi của những người biểu tình vẫn xuống đường từ nhiều tháng qua, bao gồm cả lời kêu gọi bầu cử tự do.
Nhà hoạt động ủng hộ dân chủ Hong Kong Joshua Wong dự một buổi hội luận tại Trường Luật Đại học Columbia ở New York City, ngày 13 tháng 9, 2019.
Wong, nói chuyện với Reuters ở New York trước chuyến thăm Washington theo kế hoạch, đã lãnh đạo "Phong trào Dù Vàng" ủng hộ dân chủ năm 2014 và đã đi đầu trong các cuộc biểu tình mới nhất, bắt đầu từ một dự luật dẫn độ hiện đã bị rút lại nhưng đã biến thành những đòi hỏi dân chủ và độc lập nhiều hơn khỏi Trung Quốc đại lục.
"Chúng tôi hi vọng... có được sự ủng hộ của lưỡng đảng," anh Wong nói về chuyến đi tới Washington, nói thêm rằng các nhà lập pháp Mỹ nên đòi hỏi đưa vào một điều khoản nhân quyền trong các cuộc đàm phán thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc.
Anh nói rằng anh cũng hi vọng thuyết phục các thành viên của Quốc hội thông qua Đạo luật Dân chủ và Nhân quyền Hong Kong, mà sẽ quy định việc giải trình hàng năm về sự đối xử đặc biệt mà Washington dành cho lãnh thổ này từ hàng thập niên qua, bao gồm các đặc quyền thương mại và kinh doanh.
Dự luật cũng có nghĩa là các quan chức ở Trung Quốc và Hong Kong làm suy yếu quyền tự trị của thành phố có thể phải đối mặt với các chế tài. Thượng nghị sĩ Dân chủ Hoa Kỳ Chuck Schumer nói vào đầu tháng này rằng đó sẽ là ưu tiên hàng đầu của phe Dân chủ Thượng viện Hoa Kỳ trong phiên họp mới, đã bắt đầu vào ngày thứ Hai vừa qua.
Các cuộc biểu tình mới nhất, thường bao gồm các vụ đụng độ bạo lực với cảnh sát, đã làm rúng động Hong Kong suốt hơn ba tháng qua. Hàng triệu người đã xuống đường, thậm chí buộc sân bay phải đóng cửa trong hai ngày. Những đòi hỏi của người biểu tình bao gồm một cuộc điều tra độc lập về điều mà họ mô tả là sự tàn bạo của cảnh sát và quyền bầu cử phổ quát.
********************
Cảnh sát Hong Kong trấn áp ẩu đả giữa hai phe ủng hộ và chống TQ (VOA, 14/09/2019)
Cảnh sát Hong Kong trang bị dùi cui đã trấn áp các vụ ẩu đả vào ngày thứ Bảy giữa những người biểu tình ủng hộ Trung Quốc và những người lên án điều mà họ xem là sự can thiệp của Trung Quốc ở trung tâm tài chính Châu Á này. Đây là những vụ đụng độ mới nhất trong nhiều tháng biểu tình liên tiếp mà đôi khi bạo lực bùng lên.
Cảnh sát bắt giữ một thanh niên sau khi ẩu đả nổ ra giữa những người ủng hộ Trung Quốc và người biểu tình chống chính phủ tại Amoy Plaza trong khu Vịnh Cửu Long ở Hong Kong, ngày 14 tháng 9, 2019.
Reuters cho biết các vụ đụng độ ở khu vực Vịnh Cửu Long tràn ra đường phố, với mỗi vụ đối đầu được ghi hình lại bởi hàng chục cơ quan truyền thông và người đứng nhìn theo bằng điện thoại của họ. Cảnh sát đã bắt giữ một số người.
Nhưng tình trạng bất ổn không đáng kể so với những tuần trước khi những người biểu tình chống chính phủ tấn công viện lập pháp và Văn phòng Liên lạc, biểu tượng của sự cai trị của Trung Quốc, phá hủy các bến tàu điện ngầm và nổi lửa trên đường phố. Cảnh sát đã đáp trả bằng hơi cay, đạn cao su và vòi rồng.
Hàng trăm người biểu tình chống Trung Quốc đổ ra đường khắp thành phố vào ngày thứ Sáu, hát và hô khẩu hiệu trong ngày Tết Trung thu.
Họ cũng tập trung tại các trung tâm thương mại, với những vụ ẩu đả thỉnh thoảng bùng ra với những người ủng hộ Trung Quốc mang cờ.
Vào ngày thứ Bảy, người biểu tình chống chính phủ cũng tụ tập tại khu Thiên Thủy Vi thuộc Tân Giới, với một vụ đối đầu ngắn ngủi với cảnh sát, theo Reuters. Có những vụ ẩu đả lẻ tẻ giữa người biểu tình thuộc hai phe ở những nơi khác, bao gồm khu vực Núi Pháo Đài trên đảo Hong Kong.
Nguyên nhân châm ngòi các cuộc biểu tình chống chính phủ là một dự luật dẫn độ hiện đã bị rút lại và những lo ngại rằng Bắc Kinh đang làm xói mòn các quyền tự do dân sự. Nhưng nhiều người biểu tình trẻ tuổi cũng phẫn nộ về chi phí sinh hoạt cao ngất ngưởng và thiếu triển vọng việc làm.
**********************
Khi sự kiện biểu tình mới đây của Hong Kong gây chấn động toàn thế giới, bắt đầu có những bàn tán ở Việt Nam rằng chúng ta có thể có một Joshua Wong hay không.
Việt Nam có thể có một Joshua Wong hay không ?
Trong quá trình phỏng vấn các nhân vật, điều mà tôi nhận thấy là tiếng nói của giới trẻ Việt Nam dường như chưa được đánh giá đúng mức, bởi 'người lớn'.
Joshua nói anh nhớ tới lời dạy của Thánh Paul trong Kinh Thánh : "Đừng để ai coi thường anh vì anh còn trẻ".
Vì thấm nhuần bài học ấy mà Joshua Wong không từ bỏ lý tưởng từ khi còn là học sinh lớp Tám, khi kiên quyết đứng lên phản đối việc Trung Quốc đưa chương trình sách giáo khoa 'tẩy não' vào trường học ở Hong Kong.
"Tôi biết tôi chẳng thể nào ngồi yên không làm gì cả... Chính lúc ấy tôi thành lập tổ chức học sinh tên Học dân tư triều với nhóm nhỏ học sinh trung học để bảo vệ tư duy tự do và độc lập trong lớp học qua những cuộc biểu tình và các cách phản kháng ở cơ sở".
Có phải cũng chính vì thấm nhuần tư tưởng trong bài giảng của Thánh Paul mà những bạn trẻ Việt Nam tôi phỏng vấn đã kiên quyết dấn thân kể cả khi không có nhiều hậu thuẫn ?
"Mỗi người có thể là một Joshua Wong"
Ở tuổi 21 tuổi, Cát Linh sở hữu một Fan Page với gần 70.000 followers, nơi cô thường xuyên đăng quan điểm cá nhân về các vấn đề luật pháp, chính trị, xã hội. Cô cũng phổ biến kiến thức về Hiến pháp Việt Nam.
Cát Linh - Ảnh minh họa
Cát Linh kể lại rằng cô không nhận được sự ủng hộ từ gia đình, bạn bè, hay nhà trường, cho những việc mình làm.
"Họ luôn phản đối tôi, nếu không thì cũng không quan tâm gì. Thậm chí việc nhỏ nhất như like một bài viết của tôi, hay để một comment bên dưới, họ cũng không bao giờ làm".
Sự trưởng thành trong nhận thức và kiến thức pháp luật, chính trị xã hội của Cát Linh hiện nay bắt nguồn từ việc mà như cô nói "bước ra đời, chứng kiến sự đau khổ của người khác và những vấn đề nhức nhối trong xã hội, đồng thời gặp được những người chia sẻ kỹ năng và kiến thức mà họ có".
"Ngoài ra tôi rất tôn trọng sự thật, ghét sự giả dối, nên khi nhìn thấy bất công thì không thể chịu đựng nổi. Tôi không cần biết chế độ của ta là độc tài hay cái gì, nhưng chỉ cần các vị bất công với người dân thì các vị cần phải thay đổi".
Khi được hỏi bạn bè đồng trang lứa có nhiều người cùng chí hướng như cô hay không, Cát Linh nói 'dường như hiếm'.
"Thực sự tôi không quen nhiều người giống như tôi, ở độ tuổi như tôi hoặc trẻ hơn. Một số người tôi biết thì đang ngồi trong tù như Trần Hoàng Phúc, hay Nguyễn Văn Hóa, họ còn rất trẻ".
Cát Linh không mấy lạc quan về một 'Joshua Wong của Việt Nam' trong tương lai gần, nhưng nếu học quan tâm tới thời cuộc từ bây giờ thì điều đó là có thể.
"Cuộc biểu tình mới đây giới trẻ Hong Kong không có một người lãnh đạo cụ thể. Ngay cả Joshua Wong cũng chỉ là một nhân vật mang tính biểu tượng. Nghĩa là giới trẻ Hong Kong chứng minh được họ là những thủ lĩnh độc lập".
"Tại sao tất cả chúng ta không phải là thủ lĩnh của chính mình mà phải chờ đợi một cá nhân nào đó. Và nếu không có ai đó xuất hiện thì chúng ta nản chí. Mỗi người đều có thể trở thành một Joshua Wong của chính mình".
"Do thiếu nền tảng giáo dục trong gia đình và nhà trường nên giới trẻ không nhận thức được việc cần quan tâm đến những vấn đề xung quanh. Nếu các bạn trẻ trang bị kiến thức về quyền công dân theo đúng hiến định và thể hiện được các quyền ấy thì đã có thể trở thành một thủ lĩnh độc lập rồi, chứ không cần ai dẫn dắt mình cả".
Joshua Wong : Sinh 13/10/1996, là một trong những gương mặt tiêu biểu của phong trào dân chủ Dù Vàng Hong Kong.
Anh đi tù 2 lần năm 2017, 2018.
Ra tù ngày 17/6/2019, anh tiếp tục tham gia biểu tình đòi bãi bỏ luật dẫn độ sang Trung Quốc.
"Ví dụ khi hiểu hơn về hiến pháp liên quan đến những vấn đề mà mình va chạm hàng ngày thì chúng ta đã cứng rắn hơn trong các kiến thức luật pháp. Như thế thì chính quyền buộc phải lắng nghe các công dân như chúng ta".
"Chúng ta không so sánh được với Hong Kong, nhưng muốn được xuống đường như họ, và muốn người ta bảo vệ quyền của mình, thì chúng ta phải thể hiện quyền của mình trong những việc nhỏ nhất, bình thường nhất. Từng bước từng bước một. Trước hết, có thể thực hiện quyền bày tỏ chính kiến, quyền khiếu nại, khiếu kiện, giám sát của công dân. Lên Facebook là một cách. Sau đó, mới ép dần bộ máy chính quyền đi vào chuẩn mực của hiến pháp và luật pháp".
Bản thân Cát Linh nói cô chỉ biết làm hết sức mình như hiện nay, hi vọng lan tỏa được đến nhiều người và ảnh hưởng đến nhận thức của các bạn trẻ khác.
"Ví dụ hiện nay Trung Quốc vẫn đang tìm cách đánh phá các tàu cá của chúng ta trên Biển Đông. Đây là một hình thức vi phạm chủ quyền, có lẽ nó không diễn ra trên đất liền nên người dân chưa cảm nhận được. Nó cũng là một hiện trạng đau lòng và nguy hiểm, nên chúng ta không cần phải đợi sự kiện lớn nào xảy ra cả, mà chúng ta cần chuẩn bị ngay từ bây giờ cho các sự kiện như thế. Vì với những vấn đề nhò thì vẫn cần có trách nhiệm xã hội cơ mà ?"
"Muốn thế, ngay từ bây giờ chúng ta cần chuẩn bị kiến thức luật pháp để nhận thức đúng trách nhiệm của mình đối với xã hội. Chúng ta cần phải có tinh thần chung sống và tinh thần cộng đồng, phải hạ thấp chủ nghĩa cá nhân và cái tôi quá lớn".
"Tôi mong muốn các bạn nhìn rộng ra một chút. Hiện nay chúng ta có internet nên có thể tìm hiểu tiếng nói của lề trái, lề phải, của thế giới, để từ đó có cái nhìn của riêng mình. Cái nhìn đó chắc chắn sẽ có ích cho bản thân bạn và xã hội".
"Bắt đầu từ giáo dục trong gia đình"
Trong khi đó, với Thùy Dương, người trở nên nổi tiếng sau phát ngôn mạnh mẽ và cú ném dép vào đoàn đại biểu quốc hội tiếp xúc với cử tri quận 2, TP Hồ Chí Minh năm 2017, liên quan đến vấn đề đất đai Thủ Thiêm, "nếu mỗi bậc phụ huynh giáo sẵn sàng từ bây giờ thì 'vẫn còn kịp' để có một thế hệ con cái như Joshua Wong".
Nguyễn Thùy Dương trong một lần chất vấn các đại biểu quốc hội tại một cuộc tiếp xúc cử tri
Chia sẻ với BBC, Thùy Dương nói khi mới đôi mươi, độ tuổi của Joshua Wong bây giờ, cô du học ở Singapore. Khi đó các ý kiến của cô - nay được ủng hộ rầm rộ trên mạng xã hội - lúc đó bị hầu hết bạn bè nhận xét là 'điên khùng'.
Cô cũng không nhận được sự ủng hộ từ gia đình. Hiện nay mẹ Dương là người phản đối và 'gây cản trở nhiều nhất' khi cô trở thành gương mặt gây ảnh hưởng trên Facebook với hàng chục ngàn người theo dõi.
Nhưng Dương cảm thông với điều đó vì cô cho rằng, thế hệ bố mẹ cô đã trải qua nghèo đói, ít học, khiến họ sợ hãi.
"Đừng vội so sánh thanh niên Việt Nam với Joshua Wong. Cậu ấy có thể thuyết phục được các học sinh đồng trang lứa hay các anh chị lớn hơn một chút là điều dễ hiểu. Cậu ấy được sự ủng hộ của gần như toàn bộ dân Hong Kong, đồng nghĩa với tầng lớp trí thức, chính trị gia, doanh nghiệp, tất cả phụ huynh..".
"Họ tôn trọng quyết định đấu tranh đòi quyền được bảo vệ mình của thế hệ trẻ. Rõ ràng mỗi gia đình của chúng ta đều có ít nhất một hay nhiều Joshua Wong. Chỉ có điều chúng ta không đủ cảm thông, không đủ chia sẻ, không đủ kiên nhẫn để Joshua Wong đó đứng vững trên đôi chân của chúng".
"Rất nhiều bạn trẻ Việt Nam tới khi lập gia đình, có con cái, vẫn được bố mẹ bao bọc. Điều này tạo ra một thế hệ chỉ biết hưởng thụ. Hơn nữa, các bậc cha mẹ Việt Nam có thể đi chùa, đi đền, cúi đầu thành kính trước một vị anh hùng nào đó trong quá khứ. Nhưng chính họ lại không sẵn sàng để con mình trở thành một anh hùng... Nhưng họ có thể thay đổi ngay từ bây giờ việc giáo dục trong gia đình".
Ngay bản thân Dương, khi đăng đàn phát biểu công khai về những vấn đề bức xúc trong xã hội, cô nói đó là do cô 'không cho phép mình trở thành lá chắn che mất thế giới thật của con trẻ".
"Trong thời đại này, chúng ta có cơ hội được học hỏi qua internet và thừa hưởng các thành tự của một nền khoa học phát triển".
"Chúng ta có trách nhiệm ươm mầm cho con trẻ chứ đừng trông chờ vào hệ thống giáo dục hiện nay của Việt Nam. Hãy dạy dỗ cho trẻ lớn lên trong tình yêu thương thay vì thù hận. Bởi khi có yêu thương tự chúng sẽ biết đau lòng cho đồng loại, phẫn uất trước những bất công".
"Chúng ta có được Joshua Wong của mình hay không ? Câu trả lời dành cho các bậc phụ mẫu hôm nay", Thùy Dương nói.
Mỹ Hằng
Nguồn : BBC, 21/06/2019
Hong Kong : Sự kỳ diệu của con số hai triệu
Mặc Lâm, VOA, 20/06/2019
Hai triệu người biểu tình tại Hongkong là kết quả của một phép thử mà Bắc Kinh tạo ra nhằm khủng bố những người sống ở Hongkong nhưng xem thường sức mạnh của đảng Cộng sản Trung Quốc.
Joshua Wong diễn thuyết với người biểu tình bên ngoài cơ quan lập pháp Hong Kong hôm 17 tháng Sáu.
Lam Wing Kee, người sáng lập hiệu sách Causeway Bay Bookstore ở Hongkong đã bị bắt cóc và giam giữ ở Trung Quốc năm 2015 vì bán sách chỉ trích các nhà lãnh đạo Trung Quốc và bị buộc tội "điều hành một hiệu sách bất hợp pháp". Causeway Bay Bookstore là hiệu sách nổi tiếng của Hongkong chuyên bán các loại sách chính trị mà đối với chính quyền Trung Quốc thuộc loại nhạy cảm và phản động. Tuy nhiên hiệu sách lại thu hút một số rất lớn du khách đến từ Trung Quốc, họ tìm đến đây để mua những cuốn sách "nhạy cảm" ấy và kết quả là các thành viên của nhà sách bị chính quyền Trung Quốc truy đuổi khắp nơi.
Nhà báo Trung Quốc có quốc tịch Thụy Ðiển Gui Minhai và bốn đồng nghiệp có liên hệ với tiệm sách Causeway Bay Bookstore, kể cả tổng biên tập Lee Bo, người có quốc tịch Anh đã đột ngột mất tích rồi sau đó xuất hiện trở lại sau khi ông Lam Wing Kee trốn về Đài Loan. Các vụ bắt cóc này khiến ông Andrei Chang, chủ tạp chí quốc phòng Kanwa Asian Defense, tạp chí hàng đầu viết về nền quốc phòng của Trung Quốc quyết định sang sống ở Tokyo trong khi vẫn tiếp tục xuất bản tạp chí của ông từ Hongkong.
Nhà sách Causeway Bay Bookstore được bảo vệ theo Luật cơ bản Điều 27 về quyền tự do ngôn luận của cư dân Hongkong vì vậy mặc dù Trung Quốc rất cay cú vẫn không làm gì được nó chỉ có cách bắt cóc các thành viên điều hành nó hầu ngăn chặn làn sóng người Trung Quốc bị "đầu độc" vì các quyền sách do hiệu này bán ra.
Mặc dù Hong Kong đã ký kết các thỏa thuận dẫn độ với nhiều quốc gia, bao gồm cả Anh và Mỹ, nhưng không có thỏa thuận nào như vậy đạt được với Trung Quốc đại lục. Sau hơn hai thập niên Trung Quốc gây áp lực với Hongkong bằng mọi cách nhưng thỏa thuận dẫn độ vẫn bất thành nhất là câu chuyện của Causeway Bay Bookstore vẫn ám ảnh người Hongkong cho tới nay khiến đề nghị của bà Carrie Lam Trưởng đặc khu Hong Kong, người đề nghị luật dẫn độ với Trung Quốc trở thành thùng thuốc súng với hai triệu mồi lửa thắp sáng niềm kiêu hãnh Hongkong trong mấy ngày vừa qua.
Hai triệu người là gần 1/3 dân số Hongkong xuống đường tuần hành gây ấn tượng mạnh không những cho phương Tây mà những quốc gia lân cận, trong đó có Việt Nam, cũng không khỏi ngỡ ngàng. Lần đầu tiên trong lịch sử thế giới chứng kiến một cuộc biểu tình ngoạn mục và kỳ lạ chưa từng xảy ra bất cứ nơi nào trên thế giới.
Hai triệu con người không được tổ chức bởi một hội nhóm nào nhưng thành thục gần như một cuộc ra quân sau nhiều ngày tổng dợt. Không có bạo loạn, ồn ào, mất trật tự đã đành, đám dông hai triệu người ấy như một tập thể có chung ý chí duy nhất và từng bước đi hay những cánh tay đưa lên đều giống nhau đến bất ngờ.
Một tập hợp hai triệu con người nhưng sẵn sàng dạt ra hai bên đường cho một chiếc xe cứu thương đi ngang để rồi sau đó tụ họp trở lại như cũ. Hình ảnh đẹp đẽ này cho thấy người dân Hongkong đã trưởng thành từ rất lâu về ý thức trách nhiệm công dân của một quốc gia dân chủ. Nó rất khác xa hình ảnh mà Bá Dương đã viết về "người trung hoa xấu xí" trước đây. Người dân Hongkong không những biết tranh đấu cho quyền lợi của mình mà trong sự tranh đấu ấy tiềm tàng tố chất văn minh thật sự dù trong cơn nóng giận vẫn biết kềm chế để nhường đường cho một chiếc xe chở người cần chữa trị.
Tập Cận Bình chắc không bao giờ ngờ phản ứng của người Hongkong như mấy ngày vừa qua. Ông ta ngủ quên trên chiến thắng khi Joshua Wong, thủ lĩnh sinh viên và là bộ mặt của phong trào Dù vàng biểu tình năm 2014 ở Hong Kong, bị tống giam vì tội phá hoại của công. Joshua Wong được trả tự do ngày 17/6, được thả sớm một tháng, là mồi lửa tiếp tục châm vào sức nóng của người dân Hongkong và nhanh chóng trở thành sức mạnh cho giới trẻ và gây khó khăn thêm cho nhà cầm quyền đặc khu.
Các cuộc biểu tình năm 2014 đã diễn ra trong nhiều tuần lễ và khi đó người dân Hongkong chủ yếu là sinh viên trong phong trào Dù vàng yêu cầu được quyền bầu lãnh đạo của chính họ. Nhưng phong trào đã bị xẹp xuống mà không có bất kỳ sự nhượng bộ nào từ Bắc Kinh.
Hai triệu người Hongkong hôm nay đã học được rất nhiều bài học từ thất bại của phong trào Dù vàng vì vậy họ đã thay đổi chiến thuật, không có bất cứ lãnh tụ, hội nhóm nào đứng phía sau một cách công khai do đó con rắn không đầu ấy không bị chính quyền Hongkong tìm chặt. Mặc dù Bắc kinh vốn nổi tiếng về chống biểu tình nhưng câu chuyện Thiên An Môn không thể áp dụng cho Hongkong, vì nó đang trong tầm ngắm của nhiều quốc gia tiến bộ, và quan trọng nhất : người Hongkong biết mình là ai và cộng sản Trung Quốc nguy hiểm tới mức nào.
Và hơn ai hết người dân Hongkong cảm thấy lo sợ cho số phận của mình bắt đầu từ thâm ý của luật dẫn độ để rồi sau đó khi hòn đảo bé nhỏ này thực sự trở thành vật sở hữu của Bắc Kinh thì những con người từng thụ hưởng tự do sẽ chính thức bị còng tay bằng hàng ngàn chiếc còng có nhiều tên gọi khác nhau.
Khi sắp mất thì người ta sợ hãi và tranh đấu. Khi không còn gì để mất người ta an tâm ngủ yên trong ngôi nhà chung mà chiếc cửa ra vào được Đảng ngày đêm canh phòng cẩn mật.
Mặc Lâm
Nguồn : VOA, 20/06/2019
*******************
Thủ lĩnh biểu tình Hong Kong muốn truyền cảm hứng cho người Việt
Viễn Đông, VOA, 19/06/2019
Nhà hoạt động trẻ tuổi Joshua Wong, thủ lĩnh phong trào biểu tình ở Hong Kong, hôm 19/6 nói với VOA tiếng Việt rằng anh hy vọng "sự quyết tâm" của nhân dân thành phố nơi anh sinh sống sẽ "truyền cảm hứng" cho người dân Việt Nam.
Nhà hoạt động Joshua Wong phát biểu bên ngoài cơ quan lập pháp Hong Kong hôm 17/6 sau khi mãn hạn tù.
Sau khi ra tù đầu tuần này, anh Wong đã tham gia ngay vào các cuộc biểu tình rầm rộ chống Dự luật Dẫn độ đồng thời kêu gọi Trưởng đặc khu Hong Kong, bà Carrie Lam, phải từ chức.
"Đây không phải là lúc để người dân sợ hãi mà đã đến lúc chính quyền phải lo sợ người dân. Với sự can đảm và quyết tâm của chúng ta, ngay chính chế độ độc đoán cũng cần phải học cách tôn trọng chúng ta", thanh niên 22 tuổi nói, khi được hỏi về thông điệp muốn gửi tới người dân Việt Nam.
Trong khi chính quyền Hong Kong cho rằng dự luật gây tranh cãi sẽ "bịt lại lỗ hổng" để thành phố này không trở thành bến đỗ an toàn cho các tội phạm.
Tuy nhiên, những người phản đối lại cho rằng người dân tại cựu thuộc địa của Anh sẽ phải đối mặt với hệ thống tư pháp nhiều lỗ hổng của Trung Quốc và dự luật sẽ dẫn tới xói mòn thêm nữa sự độc lập tư pháp của Hong Kong, vốn được trao trả cho chính quyền đông dân nhất thế giới năm 1997.
Joshua Wong ra tù hôm 17/6 và tham gia ngay vào các cuộc biểu tình.
"Dù phải đối mặt với việc Bắc Kinh đàn áp nhân quyền ở Hong Kong, chúng tôi đã cố gắng hết sức để thể hiện tinh thần và tiếng nói khác biệt", anh Wong cho biết. "Hong Kong được quốc tế coi là trung tâm tài chính, nhưng nay biến thành trung tâm biểu tình. Đó là lý do vì sao tôi nghĩ rằng đã đến lúc Bắc Kinh phải tôn trọng người dân Hong Kong".
Nhà hoạt động này nói thêm rằng người dân Hong Kong sẽ "tiếp tục đấu tranh" cho tới khi nào giành được các cuộc bầu cử tự do ở Hong Kong, chứ không chỉ xuống đường để đòi hủy bỏ Dự luật Dẫn độ và trưởng đặc khu Lam phải từ chức.
Anh Wong nói : "Không ai có thể tưởng tượng được là hơn một triệu người Hong Kong tham gia cuộc tuần hành, nhưng chúng tôi đã làm được. Cuộc tuần hành ôn hòa có sự tham gia của cả người già lẫn trẻ em. Nó thể hiện sức mạnh của nhân dân. Thật nực cười khi chính quyền Hong Kong coi người biểu tình là những kẻ gây bạo loạn. Chúng tôi kêu gọi họ không truy tố và bắt người thêm nữa".
Thông tin và hình ảnh các cuộc xuống đường rầm rộ để phản đối dự luật dẫn độ ở Hong Kong mấy ngày qua đã được nhiều người sử dụng Facebook ở Việt Nam chia sẻ và bàn luận.
Đăng kèm bức ảnh từng gặp anh Wong trước đây, nhà hoạt động Nguyễn Anh Tuấn viết rằng việc thủ lĩnh biểu tình ra tù "tiếp thêm sức mạnh cho triệu người Hong Kong đang tranh đấu chống lại không chỉ Dự luật Dẫn độ mà còn là cuồng vọng của Bắc Kinh muốn người Hương Cảng phải sống theo lối Đại Lục".
"Đã có thêm triệu Joshua Wong, triệu Agnes Chow, triệu Nathan Law khác của một phong trào đầy biến ảo linh hoạt, vừa tập trung vừa phân tán khiến Bắc Kinh không dễ dàng đè bẹp được nếu chỉ bằng phương pháp quen thuộc là tấn công thiểu số lãnh đạo phong trào", anh Tuấn nhận xét về tác động của các nhà hoạt động nổi bật khởi xướng phong trào biểu tình "Dù vàng" nhiều năm trước.
"Cảm ơn vì niềm cảm hứng các bạn mang đến, không chỉ lan tỏa trong lòng Hong Kong mà còn đang truyền đến nhiều nơi khác nữa".
Người biểu tình nhường đường cho xe cứu thương.
Trong khi nhiều tờ báo ở trong nước cũng đăng tải tin tức từ Hong Kong với những hàng tít như "Tương lai chính trị mù mịt của trưởng đặc khu Hong Kong" hay "Dự luật dẫn độ đẩy Hong Kong vào thế bế tắc", phóng viên VOA tiếng Việt không thể tìm thấy thông tin về việc người dân thành phố trực thuộc Trung Quốc xuống đường trên trang web của tờ Nhân dân, cơ quan ngôn luận của Đảng Cộng sản Việt Nam.
Một số trang báo đề cập tới việc người biểu tình "thức trắng đêm" để dọn rác, coi đó là "hành động đẹp khiến thế giới ngưỡng mộ", hay chuyện "biển người biểu tình Hong Kong nhường lối cho xe cứu thương".
Trên Facebook, luật sư Lê Nguyễn Duy Hậu viết : "Cần khoảng 10 giây để mỗi người bước sang một bên nhường đường. Nhưng như bạn mình nói, cần 100 năm để có được 10 giây đó. Trong 100 năm, họ học, họ thực hành, họ đánh đổi. Vì họ yêu quê hương, yêu thành phố của họ".
"Rồi sẽ sớm đến ngày Việt Nam có được 10 giây như thế. Mình tin như vậy", luật sư nghiên cứu về quyền con người, cải cách tư pháp và hiến pháp nói từ Thành phố Hồ Chí Minh.
Viễn Đông
Nguồn : VOA, 19/06/2019
*****************
Con nhà người ta & Con cháu nước mình
Tưởng Năng Tiến, RFA, 18/06/2019
Một đất nước chỉ "được phép" vun trồng chanh thôi thì dễ gì mà tìm được những quả cam.
Tưởng Năng Tiến
Một đất nước chỉ "được phép" vun trồng chanh thôi thì dễ gì mà tìm được những quả cam.
Vài tiếng đồng hồ sau, sau khi Joshua Wong (Hoàng Chi Phong 黃之鋒) ra tù – vào hôm 17 tháng 6 năm 2019 – cô giáo Thảo Dân đã gửi đến cộng đồng mạng một stt ngắn : "Con Nhà Người Ta". Xin được ghi lại đôi ba đoạn chính :
Hoàng Chi Phong ra tù với một chồng sách trên tay, gương mặt tự tin ngời sáng. Tôi tin, những tù nhân lương tâm trẻ tuổi của chúng ta, nếu không bị tước đoạt quyền được đọc sách báo trong tù, thì khi được trả tự do, họ cũng như vậy…
Hoàng Chi Phong ra tù. Hàng loạt hãng thông tấn quây quanh anh phỏng vấn. Những câu trả lời của anh đầy trí tuệ, nhiệt huyết và dũng cảm. Tôi tin, nếu những tù nhân lương tâm trẻ tuổi của chúng ta được phép tự do tiếp xúc báo chí, họ cũng thể hiện khí chất không kém.
Nhưng. Họ không được thể hiện những gì mà Hoàng Chi Phong thể hiện. Vì sao, ai cũng biết câu trả lời.
Bởi vậy. Tôi rất ghét nghe những lời bình luận : Bao giờ Việt Nam mới được như Hong Kong, người ta đã tự do bao nhiêu năm, còn mình thì thế này thế kia. Thế hệ trẻ nước người ta như thế, chứ bọn trẻ Việt Nam thì chỉ biết điên rồ vì một trận cầu hoặc yêu đương vớ vẩn. Ở Hong Kong mới thế chứ Việt Nam thì có mà mơ...
Tôi hỏi, Các anh chị đã làm gì để tuổi trẻ đất nước này thay đổi ? Có dám chia sẻ, bàn luận với chính anh em, con cháu mình về những gì đã và đang xảy ra trước mắt hay chỉ muốn con người ta đổ máu còn con mình hưởng bình an ? …
Nhưng hãy nhớ cho, tụi nhỏ bị nhồi sọ cho tới tê liệt khả năng phản kháng, từ mẫu giáo đã phải hưởng một nền giáo dục đóng khuôn tư duy, bắt học tập gương ông này ông nọ, hoàn toàn không được tự do phát triển như "con người ta". Bởi vậy, ca ngợi tuổi trẻ Hong Kong thì tốt rồi, nhưng học được như "bố mẹ người ta" đi đã rồi hãy buông lời thất vọng.
Cô giáo Thảo Dân khiến tôi thốt nhớ đến đôi ba nhà giáo mà mình có quen, hoặc biết :
Nguyễn Chí Thiện (1939 - 2012). Sau khi nhà thơ qua đời, nhà phê bình văn học Thụy Khuê đã ghi lại vài dòng về tiểu sử của ông :
Năm 1960, ở tuổi 21, vì trót giảng cho học trò đúng sự thật về một đoạn lịch sử thế chiến thứ hai, Nguyễn Chí Thiện phạm tội "phản tuyên truyền", bị kết án hai năm, nhưng phải tù 3 năm rưỡi, cho đến 1964. Năm 1966, bị tình nghi làm thơ chống chế độ, lại bị bắt, bị tù 11 năm, 1977 được thả. Năm 1979 đến tòa đại sứ Anh gửi hay "ném" tập thơ Hoa địa ngục, bị bắt tức khắc. Bị tù 12 năm, đến 1991. Trước sau tổng cộng 27 năm.
Về "sự cố" này ("trót giảng cho học trò đúng sự thật") có hôm tôi cũng được nghe Nguyễn Chí Thiện nói thêm – đôi câu – khi ông vui miệng : "Mình đi dậy thế cho người bạn vài buổi, chứ có phải là thầy giáo đâu. Tiện dịp thì cũng giải thích cho học sinh biết rằng Nhật đầu hàng trong cuộc Thế Chiến vừa qua là vì hai quả bom nguyên tử của Mỹ thả xuống Nagasaki và Hiroshima, chứ không phải vì thua trận với Nga. Vậy mà hồi 61 bị đi tù vì tội phản tuyên truyền".
Đúng sáu mươi năm sau thì đến lượt nhà giáo Nguyễn Năng Tĩnh vào tù. Bản tin của BBC ("Thầy giáo dạy trò bài hát ‘Trả lại cho dân’ bị khởi tố") đọc được hôm 31 tháng 5, có đoạn như sau :
Sau tin ông Tĩnh bị bắt, mạng xã hội lan truyền video ông Tĩnh dạy học sinh hát bài "Trả lại cho dân", một trong những bài hát nổi tiếng của nhạc sĩ bất đồng chính kiến Việt Khang hiện đang tị nạn tại Mỹ.
Được hỏi về bài hát này, bà Nguyễn Thị Tình (phu nhân ông Nguyễn Năng Tĩnh, phụ chú của tnt) nói "bài hát đấy rất hay, không có gì xấu xa", rằng bà cũng ‘rất thích’ và hai con bà đều thuộc lòng những lời bài hát.
"Trả lại đây cho nhân dân tôi
Quyền tự do, quyền con người
Quyền được nhìn, được nghe, được nói
Quyền được chọn chân lý tự do
Quyền xóa bỏ độc tài độc tôn…"
Chồng tôi là một người hoạt động tự do, là giảng viên nhạc, thường ngày vẫn đi dạy. Bản tính anh là một người rất nhiệt tình với cộng đồng, xã hội. Tất cả những ai cần giúp thì anh đều giúp hết mình trong khả năng của anh. Tôi khẳng định chồng tôi không làm gì sai. Tôi luôn ủng hộ lý tưởng của anh. Ví dụ vụ Formosa, anh tham gia phản đối điều xấu đó thì tôi thấy là hợp lý…
Nguyễn Chí Thiện bắt đầu cuộc đời tù tội (tổng cộng đến hai mươi bẩy năm) chỉ vì "trót giảng cho học trò đúng sự thật về một đoạn lịch sử". Nguyễn Năng Tĩnh đang bị giam giữ chờ ngày ra toà vì dậy cho học sinh một bài há́t, có đề cập đến quyền căn bản của con người : "quyền được nhìn, được nghe, được nói…" Bà Nguyễn Thị Tình vì "luôn ủng hộ lý tưởng của chồng" nên bị xách nhiễu thường xuyên, "bán hàng online để kiếm tiền nuôi con mà người ta không mua vì nói tôi phản động".
Con nhà người ta & Con cháu nước mình
Phong trào Dù vàng và Tuổi trẻ Hồng Kông (trái) - Tuổi trẻ tha hóa Việt Nam (phải). Ảnh lấy từ Tạp Chí Luật Khoa
Tôi hoàn toàn không biết gì về gia cảnh những học sinh trong ban lãnh đạo của Thế Hệ Dù Vàng ở Hồng Kông. Tuy thế – với ít nhiều chủ quan – tôi vẫn tin rằng cô thầy (cũng như cha mẹ) của các em chưa ai phải vào tù, cũng chưa có ai bị bắt giữ điều tra, hay bị xách nhiễu vì "giảng cho đúng một sự kiện lịch sử", hay chỉ vì dậy cho học sinh một bài hát về quyền con người.
Sự dị biệt căn bản này khiến cho Việt Nam không thể có những thanh niên như Joshua Wong : Hoàng Chi Phong 黃之鋒, Nathan Law : La Quan Thông 羅冠聰), Raphael Wong : Hoàng Tạo Minh 黃浩銘, Châu Vĩnh Khang : Alex Chow 周永康 …
Một đất nước chỉ "được phép" vun trồng chanh thôi thì dễ gì mà tìm được những quả cam.
Tưởng Năng Tiến
Nguồn : RFA, 18/06/2019 (tuongnangtien's blog)
***************
Tuần trước, hơn một triệu người Hồng Kông biểu tình ôn hòa phản đối dự luật cho phép dẫn độ tình nghi sang Trung Quốc. Theo dõi các cuộc biểu tình khổng lồ của Hồng Kông, khá nhiều người Việt đặt câu hỏi : "Khi nào triệu người Việt Nam cũng xuống đường như thế ?".
Hơn một triệu người Hồng Kông biểu tình ôn hòa phản đối dự luật cho phép dẫn độ tình nghi sang Trung Quốc.
Câu hỏi này cũng dễ hiểu, vì nó xuất phát từ sự chán chường và thù ghét đối với đảng cầm quyền hung bạo. Sau hơn 87 năm áp đặt ách độc tài, Đảng Cộng sản Việt Nam đã chà đạp các quyền tự do, trong khi tham nhũng hoành hành, ô nhiễm tăng cao, giáo dục nhồi sọ, y tế kém cỏi, và đạo đức suy đồi.
Lịch sử đã chứng minh chế độ cộng sản không thể nào cải tiến được, mà phải được thay thế bằng dân chủ đa nguyên. Do đó, mong mỏi hàng triệu người Việt xuống đường ôn hòa, yêu sách dân chủ là một nguyện vọng chính đáng. Tuy nhiên, chúng ta cần hiểu vì sao hiện tại Việt Nam không thể có các cuộc biểu tình triệu người như Hồng Kông và tại sao Hồng Kông có thể vận động cả triệu người tham biểu tình ôn hòa.
Sự khác biệt cơ bản giữa Hồng Kông và Việt Nam
Sự khác biệt lớn nhất giữa người Hồng Kông và Việt Nam chính là kinh nghiệm dân chủ và văn hóa tổ chức.
Hãy nhìn toàn diện lịch sử Việt Nam để thấy được dân tộc chúng ta không hề có kinh nghiệm tranh đấu dân chủ. Vào khoảng năm 179 TCN Triệu Đà chiếm Âu Lạc đến khi Ngô Quyền giành thắng lợi Bạch Đằng lịch sử vào mùa thu năm 938, tổ tiên của chúng ta đã bị các vương triều phong kiến Trung Quốc đô hộ trong khoảng 1117 năm. Sau đó là các giai đoạn :
– Từ thời Ngô Quyền đến nhà Minh năm 939 – 1407 ;
– Từ nhà Minh đến Gia Long (Nguyễn Ánh) năm 1407 – 1802 ;
– Từ Gia Long đến Minh Mạng năm 1802 – 1838 ;
– Minh Mạng đến Cách Mạng Tháng Tám năm 1838 – 1945 ;
– Từ năm 1945 cho tới ngày nay : dưới sự cai trị của chế độ độc tài cộng sản.
Rõ ràng, từ lúc hình thành cho đến nay, dân tộc Việt Nam luôn bị cai trị bởi các nhà cầm quyền chuyên chế. Thật đau xót khi chúng ta gần như không có trải nghiệm dân chủ nào xuyên suốt chiều dài lịch sử hình thành và phát triển.
Ngược lại, Hồng Kông lại có gần 100 năm kinh nghiệm dân chủ. Năm 1842, Vương quốc Anh tiếp quản đảo Hồng Kông sau khi đánh bại Trung Quốc trong Chiến tranh Nha phiến Thứ Nhất (First Opium War). Năm 1898, Anh đã chấp nhận thuê Hồng Kông với cam kết sẽ trả lại cho Trung Quốc sau 99 năm. Dưới quyền kiểm soát của Anh, Hồng Kông phát triển nhanh chóng và trở thành một trong những trung tâm tài chính và kinh doanh lớn nhất thế giới.
Anh là một trong những quốc gia dân chủ lâu đời nhất thế giới, được đặt nền móng từ Đại Hiến chương Magna Carta về quyền tự do vào năm 1215. Bởi thế, khi kiểm soát Hồng Kông, Anh cũng thiết lập và áp dụng chế độ dân chủ tại hòn đảo này. Cũng xin nhắc lại nhờ nền dân chủ và tinh thần "thượng tôn pháp luật" của Anh tại Hồng Kông mà Nguyễn Ái Quốc (Hồ Chí Minh) đã không bị chính quyền Hương Cảng (Hồng Kông) bàn giao cho Pháp. Lịch sử đã hoàn toàn khác nếu chính quyền Hương Cảng hành xử côn đồ và tùy tiện giống nhà cầm quyền cộng sản Việt Nam hiện tại.
Nhờ sinh hoạt trong môi trường dân chủ hơn 90 năm, phần lớn người Hồng Kông được tiếp cận với nền giáo dục nhân bản, các giá trị dân chủ, trong đó có nhân quyền, hợp tác, và bao dung. Họ ý thức được các quyền tự do cơ bản, ý thức cộng đồng, và trách nhiệm công dân. Họ cũng hiểu rằng quyền lực cai trị của chính quyền đến từ dân, không phải từ "mệnh trời". Nhìn chung, môi trường dân chủ mà nước Anh thiết lập, đã giúp người Hồng Kông có trải nghiệm về các giá trị dân chủ quý giá, cũng như ý thức được tầm quan trọng của tổ chức và liên đới xã hội.
Quan trọng hơn, môi trường dân chủ đã đào tạo cho người Hồng Kông kỹ năng và phương pháp làm việc chung hiệu quả. Bởi thế, Hồng Kông có các tổ chức chính trị và dân sự lớn mạnh. Ví dụ các chính đảng đối lập : Civic Party (Đảng Công dân), Labour Party (Đảng Lao động) và Democratic Party (Đảng Dân Chủ) ; các tổ chức xã hội dân sự : Federation of Students (Liên đoàn Sinh Viên), Confederation of Trade Unions (Liên đoàn Công đoàn), Journalists Association (Hiệp hội Nhà báo). Chính các tổ chức này dẫn dắt các cuộc biểu tình bất bạo động có quy mô và kỷ luật.
Ngược lại, trừ khoảng 10 năm dưới thời Việt Nam Cộng Hòa ở miền Nam, đại đa số người Việt không có kinh nghiệm về dân chủ và cũng không văn hóa tổ chức.
Khi nào triệu người Việt sẽ xuống đường ?
Lịch sử thế giới và bài học xuống đường của Hồng Kông, Venezuala đã chứng minh rằng, để huy động được đông đảo người dân xuống đường yêu sách dân chủ, cần 2 điều kiện.
1. Phải có tổ chức
Khi một dân tộc không có trải nghiệm dân chủ, được một số người kêu gọi biểu tình, nhưng lại không đưa ra được kế hoạch cụ thể nào, thì số người tham gia sẽ rất ít ỏi. Người dân rất thực tế. Họ chỉ đồng loạt xuống đường khi tin rằng các cuộc biểu tình sẽ có hy vọng và kết quả. Muốn xây một ngôi nhà đẹp và chắc chắn, chúng ta cần bản thiết kế và kế hoạch cụ thể. Tương tự, muốn huy động nhiều người dân tham gia bất bạo động, phải có các tổ chức vạch cho họ thấy phương pháp và chiến lược (có lịch trình, mục tiêu, và khả năng thực hiện).
Nên nhớ, đặc tính dễ thấy của đám đông là tính nhất thời và dễ bỏ cuộc. Chỉ sau vài ngày nếu các cuộc biểu tình không có kết quả, thì sự chán nản, hoặc tệ hơn là bạo loạn sẽ thay thế tinh thần phấn khởi của việc xuống đường. Lịch sử thế giới đã chứng minh các cuộc biểu tình yêu sách dân chủ có thể kéo dài hàng tuần, thậm chí hàng tháng, không phải vài ngày là có được những thứ mà mọi người tranh đấu.
Hãy nhìn sang Venezuela : Đảng đối lập đã lãnh đạo hàng chục ngàn người dân Venezuela liên tiếp biểu tình, yêu cầu tổng thống Maduro từ chức. Nhiều người phải thiệt mạng vì bạo lực leo thang, nhưng dân chủ đúng nghĩa vẫn chưa xuất hiện tại Venezuela. Huống chi ở Việt Nam, người dân không có kinh nghiệm tranh đấu dân chủ, không có văn hóa tổ chức, ý thức cộng đồng kém, liên đới xã hội rất yếu, lại thiếu vắng các tổ chức chính trị lẫn dân sự có tầm vóc.
Cách đây gần 100 năm khi An Nam đang bị Pháp đô hộ, cụ Phan Châu Trinh đã nhấn mạnh vai trò thiết yếu của tổ chức : "Nay muốn một ngày kia nước Việt Nam được tự do độc lập, thì trước hết dân Việt Nam phải có đoàn thể đã".
2. Nói không với bạo lực và vô cảm
Đảng Cộng sản ngang nhiên tồn tại bằng vũ lực. Tuy nhiên, chính nhiều người Việt, từ vô tình đến cố ý, cũng góp phần duy trì ách cai trị hung bạo của chế độ bằng văn hóa "sống chết mặc bay" và tôn sùng bạo lực.
Triết lý "Người trong một nước, phải thương nhau cùng" được thay thế bằng bạo lực (lời nói và hành động). Ngày nay đông đảo người Việt dùng bạo lực để giải quyết mọi xung đột. Các cuộc thảo luận trên tinh thần tôn trọng nhau là khá hiếm. Miệt thị và thóa mạ do khác biệt chính kiến là phổ biến. Bạo lực xã hội tăng "ổn định" từ học sinh đánh nhau, hàng xóm đánh nhau, đến công an đánh chết dân… trở thành bình thường, với lời bào chữa quen thuộc đến khó chịu : "Việt Nam mà".
Không dừng lại ở đó, nhiều người Việt còn sẵn sàng hãm hại nhau qua các hình thức kinh doanh gian trá : bán sản phẩm độc hại, cho vay cắt cổ… Một dân tộc mà phần lớn người dân xem nặng lợi ích tư, không có ý thức cộng đồng, vô cảm, ích kỷ, và nghi kỵ nhau, thì hỏi tại sao chế độ độc tài không ngang nhiên tồn tại ? ! Cụ Phan Bội Châu viết về tính xấu của người Việt trong Việt Nam Quốc Sử Khảo, cách đây hơn 110 năm nhưng vẫn còn nguyên giá trị :
"Hay nghi kỵ lẫn nhau, không làm nên việc gì cả, đó là điều rất ngu thứ nhất. Tôn sùng những điều xa hoa vô ích, bỏ bê những sự nghiệp đáng làm, đó là điều rất ngu thứ hai. Chỉ biết lợi mình mà không biết hợp quần, đó là điều rất ngu thứ ba. Thương tiếc của riêng, không tưởng đến việc ích chung, đó là điều rất ngu thứ tư. Biết có thân mình, nhà mình, mà không biết có nước, đó là điều rất ngu thứ năm"…
Thay lời kết
Đảng Cộng sản Việt Nam đã và đang thất bại trên mọi phương diện, nhưng vẫn quyết tâm đánh đổi sự hưng thịnh của quốc gia và hạnh phúc của dân tộc để duy trì quyền lực cai trị. Chế độ cộng sản không cần người dân yêu thích nó, mà chỉ cần người dân căm ghét nhau để không thể liên kết thành nhiều khối mạnh. Không có gì thỏa mãn chế độ độc tài bằng một dân tộc chia rẽ.
Mặc dù Việt Nam có hơn 90 triệu dân, nhưng là 90 triệu người cô đơn, lẻ loi, "mạnh ai nấy sống". Như cụ Phan Bội Châu đã chỉ ra trong Cao Đẳng Quốc Dân năm 1928 : "Người ngoại quốc coi thường dân ta, họ nói rằng ‘không có nổi một đoàn một nhóm nào từ ba người trở lên’. Câu nói đó thoạt mới nghe tưởng là quá đáng, nhưng xét cho đến tình hình xã hội, tinh thần dân chúng thì thấy tan tan tác tác, rạc rạc rời rời, ghét nhau, ngờ nhau, ai lo thân nấy, bảo rằng không có nổi một đoàn một nhóm ba người thật bụng với nhau, thật cũng chẳng oan"…
Ngày triệu người Việt biểu tình ôn hòa phản đối độc tài sẽ có, nếu người Việt xem trọng đạo đức luân lý, cũng như học và hành lòng bao dung, đối thoại, và hợp tác để nắm tay nhau tạo thành nhiều đoàn thể lớn mạnh. Nói cách khác, khi nào hơn nửa dân tộc biết lắng nghe nhau, quý mến nhau, giúp đỡ nhau, và gắn bó cùng nhau trong tương lai dân chủ, thì ngày vài triệu người Việt xuống đường như Hồng Kông chắc chắn sẽ có.
Mai V. Phạm
Nguồn : thongluan.blog, 17/06/2019)
Thủ lĩnh biểu tình Hong Kong ra tù, kêu gọi lãnh đạo từ chức (VOA, 17/06/2019)
Hôm 17/6, nhà hoạt động dân chủ Hong Kong Joshua Wong đã được tự do và cam kết sẽ tham gia phong trào phản kháng rầm rộ, yêu cầu Trưởng đặc khu Carrie Lam, nhà lãnh đạo được Bắc Kinh hậu thuẫn, phải từ chức, theo Reuters.
Nhà hoạt động dân chủ Hong Kong Joshua Wong và người biểu tình hôm 17/6/2019.
Anh Wong được phóng thích khi cuộc khủng hoảng chính trị ở Hong Kong bước vào tuần thứ hai, với hàng triệu người biểu tình phản đối một dự luật yêu cầu dẫn độ tội phạm đến Trung Quốc lục địa để xét xử, và bà Lam buộc phải hoãn dự luật gây tranh cãi này.
Anh Wong, 22 tuổi, nói : "Tôi sẽ tham gia để đấu tranh chống lại đạo luật xấu xa này". Anh Wong là một trong những người lãnh đạo cuộc biểu tình ủng hộ dân chủ năm 2014 của nhóm "Dù Vàng" và khi đó, những người biểu tình đã chặn các tuyến đường lớn ở Hong Kong trong 79 ngày.
"Tôi tin rằng đây là lúc bà Carrie Lam, kẻ dối trá, phải từ chức", anh Wong nói thêm.
Hãng tin AP cho biết, anh Wong đã thụ án hai tháng tù giam vì tội khinh mạn tòa án liên quan đến việc tham gia vào các cuộc biểu tình năm 2014 nhằm thúc đẩy tiến trình bầu cử dân chủ ở thuộc địa cũ của Anh.
Bản án của anh Wong đã giảm từ ba tháng xuống còn hai tháng vì khi bị bắt nhà hoạt động này chỉ là thiếu niên.
Các nhà tổ chức biểu tình cho biết, gần 2 triệu người đã tham gia tuần hành ngày 16/6 yêu cầu bà Lam từ chức.
Hôm 17/6, những người tổ chức biểu tình nói rằng họ muốn bà Lam phải thu hồi dự luật, thả các sinh viên bị bắt, không gọi cuộc biểu tình vào ngày 12/6 là một cuộc bạo loạn, và phải từ chức.
****************
Luật dẫn độ : Lãnh đạo Hồng Kông ngày càng bị cô lập, Bắc Kinh "khó xử" (RFI, 16/06/2019)
Hôm 15/06/2019, dưới áp lực của dân chúng, trưởng đặc khu Hồng Kông Lâm Trịnh Nguyệt Nga (Carrie Lam) buộc phải đình hoãn vô thời hạn dự luật dẫn độ sang Trung Quốc. Tuy nhiên, phong trào phản kháng đòi hủy bỏ dự luật tiếp tục. Theo nhiều nhà quan sát, lãnh đạo trung thành với Bắc Kinh ngày càng bị cô lập, có khả năng không sớm thì muộn sẽ phải từ chức.
Bà Lâm Trịnh Nguyệt Nga (Carrie Lam) và chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình vào tháng 07/2017 tại Hồng Kông nhân lễ nhậm chức trưởng đặc khu của bà Lâm. Ảnh tư liệu Anthony WALLACE / AFP
Trả lời AFP, nhà bình luận chính trị Lâm Hòa Lập (Willy Lam) nhận định : "các nhóm đấu tranh vì dân chủ sẽ không dừng lại ở đây. Họ muốn sử dụng làn sóng phản đối mạnh mẽ chống lại trưởng đặc khu… duy trì áp lực". Trong lúc đó, nhà chính trị học Steve Tsang, tại Luân Đôn, cho biết lãnh đạo Hồng Kông ngày càng "gây khó xử" cho chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình, đúng vào một thời điểm đặc biệt nhạy cảm, khi ông Tập đang phải đối đầu nước Mỹ trong cuộc chiến thương mại song phương ngày càng căng thẳng.
Hôm nay, báo chí chính thống Trung Quốc tiếp tục bênh vực chính quyền đặc khu, lên án "các thế lực chống Trung Hoa" trỗi dậy tại Hồng Kông. Nhân Dân Nhật Báo, cơ quan phát ngôn của đảng Cộng Sản, khẳng định đa số dân chúng Hồng Kông ủng hộ chính quyền, kiên quyết với các thế lực chống đối.
Tuy nhiên, một nguồn tin từ Bắc Kinh gần gũi với giới chóp bu Trung Quốc cho AFP biết : việc lãnh đạo Hồng Kông xử lý kém trước phong trào phản kháng bùng phát, và tình trạng bạo lực trong tuần qua buộc chính quyền Bắc Kinh phải sớm ra quyết định. Theo các thăm dò dư luận, trước cuộc biểu tình khổng lồ Chủ Nhật trước, bà Lâm Trịnh Nguyệt Nga chỉ được 32% dân chúng Hồng Kông ủng hộ, 57% phản đối. Chưa có một lãnh đạo đặc khu nào lại mất lòng dân đến như vậy sau 2 năm cầm quyền.
Nhà chính trị học Steven Tsang nhấn mạnh là Tập Cận Bình "không phải là một nhà lãnh đạo khoan dung với các thất bại của những người dưới quyền… Bà Lâm sẽ không thể tại vị…, cho dù trong hiện tại, Bắc Kinh sẽ không cách chức trưởng đặc khu ngay tức khắc, bởi đây là một dấu hiệu cho thấy sự yếu đuối của chế độ".
Cuộc họp bí mật ở Thâm Quyến ?
Hôm thứ Sáu, 14/06/2019, có tin về một cuộc họp bí mật giữa giới chức cao cấp Trung Quốc với ban lãnh đạo Hồng Kông, tại một địa điểm gần đặc khu, nhằm tìm lối thoát cho khủng hoảng chưa từng có này. Trả lời RFI, ông Éric Florence, giám đốc Trung tâm nghiên cứu về Trung Quốc đương đại của Pháp (Centre français d'études sur la Chine contemporaine - CEFC) lưu ý là chế độ của ông Tập Cận Bình có thể đã phải tính đường lùi :
"Một số nguồn tin không chính thức, ẩn danh, cho rằng đã có một cuộc họp tại thành phố Thâm Quyến (đông nam Trung Quốc) sát với Hồng Kông. Tiếp theo cuộc họp với sự tham gia của ban lãnh đạo Hồng Kông, quyết định đã được đưa ra. Đúng là, trước đó đã có một số ý kiến ủng hộ dự luật dẫn độ được đưa ra công luận, đặc biệt là của các quan chức cao cấp như Hàn Chính (Han Zheng), phụ trách Macao - Hồng Kông. Nếu như đã có một cuộc gặp như vậy, và cuộc gặp này đã góp phần vào việc hoãn lại dự luật dẫn độ, thì đây là một điều đáng chú ý. Điều này cho thấy sự kết hợp giữa áp lực của dân chúng địa phương và phía quốc tế, áp lực rất mạnh, trong bối cảnh rất căng thẳng do cuộc chiến thương mại Mỹ-Trung đang ở cao trào, có thể buộc Bắc Kinh đôi khi phải lùi bước, khi áp lực đủ mạnh".
Trọng Thành
*********************
Hàng trăm nghìn người Hồng Kông tiếp tục biểu tình đòi hủy dự luật dẫn độ (RFI, 16/06/2019)
Không hài lòng với tuyên bố đình chỉ vô thời hạn dự luật dẫn độ sang Hoa lục, ngày 16/06/2019, hàng trăm nghìn người dân Hồng Kông, trong trang phục đen, tiếp tục xuống đường gây sức ép để chính quyền rút hẳn dự luật và đòi trưởng đặc khu Lâm Trịnh Nguyệt Nga, thân Bắc Kinh, từ chức.
Biển người biểu tình trên đường phố Hồng Kông ngày 16/06/2019, đòi hủy bỏ dự luật cho dẫn độ qua Hoa Lục. Reuters/Tyrone Siu
Đặc phái viên RFI Stéphane Lagarde đã có mặt trong đoàn người biểu tình tại Hồng Kông :
"Tôi đang bị kẹt ở chân cầu thang của bến tầu điện ngầm Admiralty, không thể nào ra được, vì trước mặt tôi là cả một đám đông người biểu tình, mặc trang phục đen, từng bước đi lên thang cuốn để ra ngoài.
Tôi cũng đã đến công viên Victoria và ở lại đó một tiếng đồng hồ. Đây là nơi xuất phát của đoàn người biểu tình. Họ cũng dành một phút mặc niệm một người biểu tình qua đời chiều hôm qua (15/06) vì bị ngã khi giương một băng rôn trên giàn giáo ở một tòa nhà.
Có rất nhiều người mặc trang phục đen, nhưng cũng có rất nhiều hoa trắng để tưởng nhớ đến nhà đấu tranh xấu số và những khẩu hiệu : "Rút hẳn dự luật", "Phải xin lỗi vì cảnh sát dùng bạo lực" với người biểu tình, thậm chí có rất nhiều biểu ngữ đòi lãnh đạo đặc khu Lâm Trịnh Nguyệt Nga (Carrie Lam) từ chức.
Vẫn còn rất nhiều người đang đến và các cuộc biểu tình sẽ còn tiếp tục diễn ra ở khu Admiralty (nơi tập trung các cơ quan hành chính Hồng Kông). Trước mặt tôi vẫn là đoàn người nườm nượp đi lên. Không thể nói là liệu số người biểu tình có đông đảo như Chủ Nhật tuần trước không nhưng vừa rồi, tôi thấy có rất nhiều thanh niên, giờ là những bà mẹ đẩy xe nôi và các gia đình đi qua trước mặt tôi. Dường như phần còn lại của xã hội Hồng Kông đã tham gia đoàn người biểu tình".
Thu Hằng
**********************
Hồng Kông : Lãnh đạo đặc khu tuyên bố đình chỉ dự luật dẫn độ (RFI, 15/06/2019)
Sức ép của người dân Hồng Kông rốt cuộc đã buộc chính quyền phải lùi bước. Trong cuộc họp báo bất thường vào trưa nay 15/06/2019, lãnh đạo đặc khu Hồng Kông bà Lâm Trịnh Nguyệt Nga đã loan báo đình chỉ việc thông qua dự luật cho phép dẫn độ sang Trung Quốc. Kế hoạch thông qua dự luật này đã làm dấy lên những cuộc biểu tình rầm rộ trong những ngày qua
Lãnh đạo Hồng Kông Lâm Trịnh Nguyệt Nga (Carrie Lam) loan báo đình chỉ dự luật cho phép dẫn độ sang Trung Quốc trong cuộc họp báo ngày 15/06/2019. Reuters/Athit Perawongmetha
Phát biểu trước các nhà báo, trưởng đặc khu Hồng Kông cho biết là chính quyền đã quyết định đình chỉ thủ tục thông qua dự luật gây tranh cãi, cho đến khi "hoàn tất tiến trình giải thích và lắng nghe các ý kiến" của người dân. Bà Lâm Trịnh Nguyệt Nga còn cho biết thêm là chính quyền Hồng Kông "không có ý định ấn định một thời hạn nào cho tiến trình đó".
Theo hãng tin Pháp AFP, nói một cách khác, lãnh đạo Hồng Kông đã xác nhận là kế hoạch thông qua dự luật cho phép dẫn độ qua Trung Quốc sẽ bị đình chỉ, và ngày xem xét lại không hề được ấn định.
Phải nói là ngay khi được khởi động, tiến trình thông qua dự luật này đã làm dấy lên làn sóng phản đối dữ dội từ phía dân chúng Hồng Kông, với một cuộc biểu tình rầm rộ quy tụ được cả triệu người tham gia hôm Chủ Nhật tuần trước (09/06).
Thoạt đầu chính quyền đã tỏ ý cứng rắn, tuyên bố vẫn tiếp tục đưa dự luật ra trước Nghị Viện để thông qua vào ngày thứ Tư 11/06. Vào hôm đó, hàng chục ngàn người dân tiếp tục xuống đường phản đối, và đã bị cảnh sát dùng hơi cay và đạn cao su giải tán. Tuy nhiên, chính quyền cũng đã phải tạm hoãn việc thông qua dự luật.
Đối với những người phản đối, dự luật cho phép dẫn độ qua Hoa Lục sẽ đẩy người dân Hồng Kông vào vòng kềm tỏa của hệ thông tư pháp Trung Quốc, nổi tiếng là bất minh và bị đảng Cộng Sản khống chế.
Phong trào chống dự luật rất rộng rãi, bao gồm từ giới luật sư, các tổ chức pháp lý có ảnh hưởng, cho đến các lãnh đạo công nghiệp, các phòng thương mại, giới báo chí, không kể đến các nhà đấu tranh cho dân chủ Hồng Kông và giới ngoại giao.
Cho dù chính quyền đặc khu đã lùi bước, giới lãnh đạo phong trào phản đối dự luật dẫn độ vẫn muốn giữ sức ép cho đến khi dự luật bị hủy bỏ hẳn. Do đó, theo ban tổ chức, cuộc biểu tình dự trù vào ngày mai, Chủ Nhật 16/06 vẫn được duy trì.
Phát biểu với nhà báo vào hôm nay, ông Sầm Tử Kiệt (Jimmy Cham), thuộc Mặt Trận Nhân Dân về Nhân Quyền (Civil Human Rights Front) xác định : "Chúng tôi cần nói với chính quyền rằng người dân Hồng Kông sẽ kiên trì và sẽ không dừng phản đối cho đến khi dự luật bị thu hồi".
Thông qua Lãnh Sự Quán của mình tại Hồng Kông, Hoa Kỳ là nước đầu tiên lên tiếng hoan nghênh quyết định đình chỉ việc thông qua qua dự luật dẫn độ qua Trung Quốc.
Trọng Nghĩa
********************
Hồng Kông : Giấu mình trên mạng để tránh cặp mắt cú vọ của Bắc Kinh (RFI, 15/06/2019)
Tắt chức năng định vị điện thoại di động, mua vé tàu điện ngầm bằng tiền mặt, im lặng trên các mạng xã hội : nhiều người biểu tình Hồng Kông tìm cách trở nên vô hình trên internet để tránh bị chính quyền theo dõi và khởi tố.
Các thanh niên biểu tình che mặt bằng khẩu trang, tiến về phía Nghị Viện Hồng Kông để phản đối dự luật dẫn độ, ngày 13/06/2019. Reuters/Thomas Peter
Trong các vụ sử dụng bạo lực trên đường phố tệ hại nhất kể từ nhiều thập niên qua tại Hồng Kông, cảnh sát hôm thứ Tư 12/06/2019 đã dùng đến đạn cao su và hơi cay để giải tán những người chống lại dự luật cho dẫn độ sang Hoa lục.
Đa số những người biểu tình đều trẻ tuổi, họ lớn lên trong một thế giới kỹ thuật số và ý thức được mối nguy hiểm khi bị theo dõi trên mạng. Đối với Ben, một nhân viên văn phòng 25 tuổi đeo khẩu trang, thì luật dẫn độ sẽ hủy hoại các quyền tự do của người Hồng Kông. Anh giải thích : "Ngay cả nếu chúng tôi không làm gì quá đáng, chẳng hạn như tranh luận về Trung Quốc trên mạng, vẫn có thể bị nhận ra do sự giám sát này".
Trong những cuộc xuống đường gần đây, nhiều người biểu tình đã mang khẩu trang, đeo kính, đội nón để bảo vệ trước hơi cay và đạn cao su, nhưng cũng để khó thể nhận diện. Những người chấp nhận trả lời AFP đều che toàn bộ khuôn mặt, cho biết cũng đã tắt định vị, tăng cường bảo vệ dữ liệu cá nhân trên các thiết bị của mình, và xóa hết những cuộc đối thoại, những tấm ảnh trên mạng xã hội có thể gây tai hại cho họ.
Heung, 27 tuổi, cho rằng đương nhiên phải xóa ngay lập tức "các bằng cớ cho thấy là bạn hiện diện trong các cuộc biểu tình". Yau, một phụ nữ 29 tuổi làm việc trong ngành giáo dục tố cáo : "Điều đó cho thấy chính quyền này gây khủng hoảng cho người dân".
Heung đã quay lại địa điểm biểu tình để góp một tay vào việc làm vệ sinh. Cô đăng trên Facebook lời kêu gọi các tình nguyện viên, nhưng cũng băn khoăn là liệu sáng kiến này có thể khiến mình lọt vào tầm ngắm hay không. Cô nói : "Tôi sẽ xóa bài đăng tối nay, tôi không muốn trở thành nghi can của họ".
Và sau những chiếc máy bán vé xe điện ngầm là các hàng người xếp dài dằng dặc một cách bất thường, do tất cả đều trả bằng tiền mặt, người sử dụng phương tiện công cộng nghi ngại những chiếc thẻ Octopus đang hiện diện khắp nơi, rất dễ theo dõi…
Tại thành phố mà cho đến nay WhatsApp vẫn ngự trị, những người phản kháng quay sang dùng Telegram, ứng dụng nhắn tin mã hóa bảo mật tốt nhất và có thể giúp cho những nhóm đông người liên lạc được với nhau. Tuy nhiên hôm thứ Năm 13/6 Telegram loan báo đã phải chịu đựng một cuộc tấn công lớn của tin tặc từ Trung Quốc. Người đồng sáng lập ứng dụng là Pavel Dourov cho rằng vụ này có liên quan đến các cuộc biểu tình ở Hồng Kông.
Cảnh sát chống bạo động bắn hơi cay vào người biểu tình Hồng Kông, ngày 12/06/2019. Reuters/Athit Perawongmetha
Nguy cơ bị giám sát như Tân Cương ?
Cho đến nay, người dân Hồng Kông vẫn được tự do ngôn luận. Nhưng theo Bruce Lui, nhà báo đồng thời là giảng viên trường đại học Báp-tít Hồng Kông, công nghệ giám sát của Trung Quốc tràn ngập, nhất là công nghệ nhận diện, khiến họ trở nên thận trọng hơn. Ông cho rằng người dân có lý : "An ninh đã trở thành chủ đề nóng bỏng cho Hồng Kông, so với Trung Quốc. Luật pháp Hồng Kông có thể có những hạn chế, nhưng chỉ cần Bắc Kinh nêu ra vấn đề an ninh nhà nước để bỏ qua".
Những năm gần đây, các vụ mất tích của nhiều chủ nhà xuất bản và một tỉ phú Trung Quốc thường chỉ trích Bắc Kinh, đã gieo rắc sự sợ hãi. Những người này sau đó xuất hiện tại Hoa lục, và bị truy tố. Trên lý thuyết, các nhân viên an ninh Trung Quốc không có quyền can thiệp tại cựu thuộc địa Anh được trao trả cho Bắc Kinh năm 1997, nhưng chừng như lằn ranh đỏ đã bị vượt qua.
Đối với những người phản kháng, dự luật dẫn độ do Bắc Kinh ủng hộ nếu được thông qua sẽ giúp xử lý những trường hợp tương tự bằng con đường hợp pháp. Anh nhân viên văn phòng Ben cảm thấy khủng hoảng : "Ai mà biết được, nếu mai đây Hồng Kông sẽ giống như Tân Cương ?"
Tại Tân Cương, các hiệp hội bảo vệ nhân quyền ước tính có đến một triệu người, hầu hết là Duy Ngô Nhĩ, đang phải chịu đựng chính sách đàn áp, bị giam giữ trong những trại cải tạo chính trị.
Trong thời kỳ bất định này, những người biểu tình bám chặt lấy các giá trị căn bản. Cô Yau khẳng định : "Chúng tôi cố gắng bảo vệ các dữ liệu cá nhân, được chừng nào hay chừng đó. Nhưng chúng tôi luôn luôn tự coi mình là người Hồng Kông, chứ không phải người Trung Quốc, thế nên chúng tôi luôn nghĩ rằng có quyền nói ra những điều mình nghĩ".
Thụy My
*********************
Hàng trăm nghìn người biểu tình Hong Kong mặc đồ đen hôm 16/6 yêu cầu lãnh đạo đặc khu từ chức vì cách bà xử lý dự luật dẫn độ sang Trung Quốc.
Theo Reuters, một số người cầm hoa cẩm chướng trắng, trong khi một số người khác mang theo biểu ngữ với nội dung "Đừng bắn, chúng tôi là người Hong Kong".
Hãng tin Anh cho rằng đây là lời kêu gọi đối với cảnh sát, sau khi họ bắn đạn cao su và hơi cay vào người biểu tình hôm 12/6, làm hơn 70 người bị thương.
Tin cho hay, "biển người mặc đồ đen" tập hợp về trung tâm tài chính của Hong Kong để bày tỏ sự tức giận đối với bà Carrie Lam, Trưởng đặc khu, nhất là sau khi cảnh sát sử dụng bạo lực đối với người biểu tình.
Reuters đưa tin rằng lời kêu gọi bà Lam từ chức vang vọng qua các dãy phố.
Nữ quan chức được Bắc Kinh hậu thuẫn hôm 15/6 trì hoãn vô thời hạn dự luật dẫn độ sang Trung Quốc để bị xét xử, nhưng không lên tiếng xin lỗi, dù bày tỏ "sự hối tiếc sâu sắc".
Đây được coi là một sự rút lui của bà Lam, nhưng đối với người phản đối, việc đình chỉ dự luật đó chưa đủ và những người tuần hành hôm 16/6 kêu gọi hủy bỏ nó cũng như bà Lâm phải ra đi, theo Reuters.
Hãng tin này cho rằng việc đình chỉ trên là một trong những việc thay đổi quyết định lớn nhất của chính quyền Hong Kong kể từ khi được trao trả cho Trung Quốc năm 1997, nhưng đồng thời cũng đặt ra câu hỏi về khả năng tiếp tục lãnh đạo đặc khu của bà Lam.
"Carrie Lam hôm qua từ chối xin lỗi. Đó là điều không thể chấp nhận được", cô Catherine Cheung, 16 tuổi, được Reuters trích lời nói.
"Bà ta là một nhà lãnh đạo tồi, dối trá… Tôi cho rằng bà ta trì hoãn dự luật để lừa chúng tôi im tiếng".
**********************
Hong Kong biểu tình với chiến thuật mới : Không có lãnh đạo (VOA, 15/06/2019)
Cuộc biểu tình lớn nhất Hong Kong trong hơn hai thập niên để phản đối dự luật dẫn độ đã có một thay đổi chiến thuật quan trọng so với phong trào Dù vàng năm năm trước đây : Phi tập trung hóa và không có người lãnh đạo.
Cuộc biểu tình phản kháng luật dẫn độ ở Hong Kong sắp bước vào tuần thứ hai
Chiến thuật này khiến chính quyền gặp lúng túng trong việc đối phó với phong trào vì họ không tìm ra ‘cái đầu’ của phong trào để chặt.
Cuộc biểu tình ở Hong Kong bùng phát từ hôm 2/6, phản đối dự luật dẫn độ mà người biểu tình cho rằng sẽ dọn đường để chính quyền đại lục có thể xét xử những nhà hoạt động dân chủ của Hong Kong bằng hệ thống tư pháp đầy khiếm khuyết.
Các con số thống kê khác nhau cho thấy có từ vài trăm ngàn cho đến cả triệu người tham gia biểu tình.
Người biểu tình đang chuẩn bị cho một đợt biểu dương lực lượng lớn lần thứ hai dự kiến vào Chủ Nhật, 16 tháng Sáu, trong lúc chính quyền Hong Kong không có dấu hiệu gì cho thấy họ sẽ lùi bước.
Tổ chức thuần thục
Từ Hong Kong, thông tín viên Alice Su của tờ Los Angeles Times mô tả quang cảnh cuộc biểu tình như sau :
Một đám đông người biểu tình đeo mặt nạ chạy thục mạng trên đường, hơi cay đang bao trùm phía sau họ.
Bất thình lình, có tiếng hô phía sau : ‘Ống hít !’.
Tất cả mọi người đứng yên. "Ống hít ! Ống hít !" họ đồng thanh hô vang.
Trong vòng 20 giây, có hai phụ nữ trẻ chạy lên phía trước, thò tay vào túi lấy các ống hít trợ hô hấp và chuyền lên.
"Được rồi !" người thanh niên ở phía xa la lớn. Những người biểu tình vừa đứng yên lúc nãy quay người và tiếp tục chạy trong khi các đám khói cay lan ra phía sau lưng họ.
Người biểu tình Hong Kong đã xuống đường hôm 12/6 như thể là họ đã tập luyện trong nhiều năm.
Bất cứ ai cần mũ bảo hiểm, mặt nạ hay dù sẽ ngước lên trời và hô lớn. Những người xung quanh họ sẽ ngừng lại và chuyền thông điệp này ngay lập tức qua đám đông với tiếng hô đồng thanh và động tác tay hài hòa : vỗ tay vào đầu nếu cần nón bảo hiểm, nắm tay lại đưa lên mắt nếu cần kính bảo vệ, xoay vòng hai cánh tay nếu cần tấm màng bọc để bảo vệ da không tiếp xúc với hơi cay và hạt tiêu.
Vẫn theo Los Angeles Times, 5 năm kể từ ngày Phong trào Dù vàng ủng hộ dân chủ bùng phát ở Hong Kong, mà khi đó những nhân vật nổi bật dẫn dắt đám đông chiếm giữ khu trung tâm thành phố bị bắt giữ và bị buộc phải đi lưu vong, thanh niên Hong Kong đã phi tập trung hóa các cuộc biểu tình của họ. Họ tự tổ chức rất hoàn hảo mặc dù không có ai phụ trách.
Kinh nghiệm ‘diễn tập’
"Đây là một mô hình mới của các cuộc biểu tình ở Hong Kong", anh Baggio Leung, 32 tuổi, người tập hợp của Youngspiration, một nhóm hoạt động chính trị địa phương được thành lập sau Phong trào Dù vàng, nói với Los Angeles Times.
Phong trào Dù vàng, diễn ra vào cuối năm 2014 để đòi được quyền phổ thông đầu phiếu trong việc bầu người lãnh đạo đặc khu, cuối cùng đã thất bại khi không đạt được nhượng bộ nào từ phía chính quyền. Khi đó những người biểu tình đã áp dụng chiến thuật là ‘chiếm giữ’ (sit-in). Họ đã chiếm giữ những khu trung tâm Hong Kong như Đồng La Loan, Vượng Giác và Kim Chung trong hơn hai tháng.
Lần này, người biểu tình Hong Kong cố tình để cho không có người lãnh đạo, anh Leung nói.
"Nhìn nó có vẻ tổ chức tốt và có kỷ luật như thế, nhưng tôi có thể chắc rằng chúng ta không thể tìm thấy có ai quản lý tất cả mọi thứ", anh Leung nói và cho biết các hoạt động hậu cần của người biểu tình – vận chuyển đồ dùng, dựng trạm cứu thương và liên lạc nhanh trong đám đông – đều là có sẵn sau những năm ‘diễn tập’ vừa qua.
"Nó giống như một cỗ máy hay trí tuệ nhân tạo tự học hỏi và tự hoạt động dựa trên kinh nghiệm vậy", anh Leung giải thích.
Nhiều nhóm đang tham dự vào làn sóng biểu tình của quần chúng. Các công đoàn, các hội sinh viên, các tổ chức tôn giáo, các nhóm hoạt động dân chủ như Demosisto đều kêu gọi các thành viên tham gia vào cuộc biểu tình.
Vào sáng thứ Sáu ngày 14/6, các thành viên nhóm Demosisto tràn ngập tại một nhà ga metro vào giờ cao điểm. Bảy người trong số họ quỳ trên mặt đất kêu gọi các nhân viên văn phòng đi ngang qua tham dự vào một cuộc tập hợp chống lại dự luật dẫn độ được lên kế hoạch vào Chủ nhật tuần này.
Nhưng Demosisto chỉ là một trong nhiều nhóm tham gia biểu tình. Và không có nhóm nào trong số này đứng ra giành quyền lãnh đạo.
"Chúng tôi chỉ là những người tham dự. Phong trào hoàn toàn tự trị và không có lãnh đạo", anh Nathan Law, 25 tuổi, chủ tịch sáng lập của Demosisto, cho biết.
Thảo luận trên mạng
Theo Los Angeles Times dẫn lời anh Law, đa số những người biểu tình không tham gia với tư cách là thành viên của bất kỳ tổ chức nào, nhưng họ biết thông tin về các hoạt động thông qua các nền tảng mạng xã hội.
"Mọi người nhận thông tin từ các mạng xã hội, các diễn đàn trực tuyến và các kênh trò chuyện và họ tự quyết định mình sẽ làm gì", anh Law nói thêm. "Mọi người bỏ phiếu trên mạng Internet".
Một diễn đàn trực tuyến thu hút đông đảo người tham gia là LIHKG, phiên bản Reddit của người Hong Kong nơi những người dùng ẩn danh đưa lên những ý tưởng sáng tạo về biểu tình : chặn các trạm xe điện ngầm, tập hợp lại thắp nến hay ‘dã ngoại’, thực hiện các trò nhại chống lại luật dẫn độ trong đó đề cao các giá trị bảo thủ để lôi kéo người lớn tuổi tham gia.
"Mọi người sẽ bàn bạc họ ủng hộ hay chống đối các ý tưởng đó", anh Law nói. Nếu có ý tưởng nào đó được ủng hộ nhiều nhất thì mọi người sẽ hành động.
"Người A sẽ đưa ra ý tưởng nào đó trên diễn đàn, trong khi người B nói ý khác. Ngày hôm nay nhiều người ủng hộ ý người A, nên chúng tôi làm theo", anh Philip Leung, một sinh viên tích cực tham gia vào diễn đàn LIHKG và các diễn đàn mạng xã hội khác, cho biết.
Việc không biết người A, người B là ai cũng không có hề gì, anh nói thêm.
"Chúng tôi bày tỏ những ý tưởng tự do thay vì tôn sùng một người nào đó", anh Leung nói và cho biết trọng tâm duy nhất kết nối tất cả những người biểu tình với nhau là sự phản đối của họ đối với dự luật dẫn độ
"Chúng tôi không có bất kỳ ai hoặc bất kỳ tổ chức nào bảo chúng tôi phải làm gì".
Sự trấn áp của cảnh sát đã đẩy những nhà hoạt động trẻ tuổi phi tập trung hóa hơn nữa. Họ chia nhỏ những nhóm trao đổi khổng lồ trên Telegram thành những nhóm nhỏ hơn. Giới trẻ Hong Kong đã huy động trên hàng chục trang Instagram, các nhóm trò chuyện và các nhóm bạn theo kiểu cũ nhưng lôi kéo thêm người tham gia.
Các bà mẹ xuống đường
Có dấu hiệu cho thấy người lớn tuổi cũng bắt đầu tham gia. Hôm 13/6, hơn 44.000 người mẹ Hong Kong đã ký một thư ngỏ gay gắt gửi đến Trưởng Đặc khu là bà Lâm Trịnh Nguyệt Nga sau khi bà Lâm phát biểu trên truyền hình rằng lắng nghe người biểu tình chẳng khác nào một người mẹ ‘nuông chiều’ đứa con hư đốn.
"Chúng tôi là những người mẹ ở Hong Kong, và chúng tôi chắc chắn không sử dụng hơi cay, đạn cao su gây sát thương đối với con cái chúng tôi và chúng tôi không thể nào đứng trơ ra nếu chúng tôi nhìn thấy các cô cậu thanh niên mặt đầy máu sau khi bị đánh bằng dùi cui cảnh sát", lá thư ngỏ viết.
Hàng trăm bà mẹ giận dữ đã tập hợp ở một công viên hôm 14/6 trong ‘cuộc tập hợp của các bà mẹ’ chống lại dự luật dẫn độ và bạo lực của cảnh sát. Họ giương cao biểu ngữ ghi : "Đừng bắn vào con chúng tôi".
"Bạo lực thật sự đến từ nỗ lực cố ý và kiên quyết của chính quyền Hong Kong muốn trở thành kẻ thù của nhân dân", Susanne Choi, một trong những người tổ chức cuộc biểu tình, nói. "Chúng tôi tập hợp ở đây để gửi một tín hiệu đến với những bạn trẻ rằng họ không đơn độc. Chúng tôi sẽ đứng phía sau họ".
"Quý vị phụ nữ, hãy xuống đường", một trong những diễn giả nói. "Hãy xem cảnh sát đánh đập phụ nữ như thế nào. Hãy xuống đường vào Chủ nhật ! Hãy xuống đường vào thứ Hai ! Hãy xuống đường vào thứ Ba ! Hãy xuống đường mỗi ngày !"
Nguy cơ bạo lực
Phong trào phi tập trung hóa sẽ khó để kiểm soát hơn đối với chính quyền. Cảnh sát có thể bắt giữ cá nhân nhưng không có ai chủ chốt để mà bắt.
Kể từ khi cuộc biểu tình bùng phát, cảnh sát đã bắt giữ 34 người, trong đó có bốn người biểu tình được bắt đi từ bệnh viện với cáo buộc gây bạo loạn và một điều hành viên một nhóm "chat" trên Telegram từ nhà riêng của anh này.
Tuy nhiên việc thiếu kiểm soát cũng có thể gây nguy hiểm, anh Leung nói. Vào cuối ngày 12/6, với căng thẳng dâng cao và hơn một ngàn thanh niên biểu tình vẫn còn ở trên đường dựng rào cản dã chiến chặn cảnh sát chống bạo động, anh Leung lo lắng không có cách nào để giảm căng thẳng.
"Nếu cảnh sát nổ súng, tất cả mọi người sẽ chết. Họ không có vũ khí trong tay", Leung nói. Nếu có người lãnh đạo, họ có thể bước ra và kêu gọi rút lui trong trường hợp cảnh sát đem súng đạn thật đến, ông nói – một hình ảnh làm người biểu tình nhớ đến Quảng trường Thiên An Môn.
"Nếu tôi có một vị trí nào đó, tôi có thể kêu gọi họ về nhà", anh Leung nói. "Nhưng tôi không phải là người kêu gọi họ xuống đường nên họ có thể chọn không nghe lời tôi. Tôi là ai mà quyết định được chứ ?".
*****************
Cuộc biểu tình của người dân Hong Kong đang diễn ra mấy ngày vừa qua là tâm điểm thu hút dư luận trên thế giới. Cuộc biểu tình này được truyền thông quốc tế ghi nhận là đông đảo nhất kể từ khi Anh Quốc trao trả thuộc địa Hong Kong về cho Trung Quốc hồi năm 1997, với hơn 1 triệu người dân Hong Kong tham gia để phản đối dự luật chống dẫn độ nghi phạm từ đặc khu Hong Kong về Trung Hoa đại lục xét xử.
Hàng trăm ngàn người dân Hong Kong biểu tình phản đối Dự luật Dẫn độ về Trung Quốc xét cử. Hình chụp ngày 12/06/2019. AFP
Cao trào của cuộc biểu tình được mô tả trở thành hỗn loạn khi cảnh sát Hongkong, vào ngày 12 tháng 6, đã bắn hơi cay và đạn cao su vào hàng trăm ngàn người biểu tình trong lúc họ đổ về các trục đường chính dẫn đến Tòa nhà Lập pháp Hong Kong, nơi dự kiến Quốc hội Hong Kong tiếp tục thảo luận về Dự luật dẫn độ tội phạm sang Trung Quốc và sẽ bỏ phiếu cuối cùng vào ngày 20 tháng 6 tới đây.
Dân chúng Hong Kong tuyên bố rằng họ sẽ tiếp tục biểu tình cho đến khi Chính quyền Hong Kong hủy bỏ Dự luật Dẫn độ, bởi vì họ cho rằng dự luật này có rủi ro lớn đe dọa nhân quyền và nền pháp quyền của Hongkong và chính mỗi người dân Hong Kong đều có thể trở thành nạn nhân một khi dự luật được thông qua.
Đài RFA có cuộc hội thoại với 3 khách mời ở Việt Nam, hai bạn trẻ Thịnh Nguyễn, Huy Jos và nhà báo độc lập Đàm Ngọc Tuyên.
Bắt đầu cuộc hội thoại, bạn Thịnh Nguyễn chia sẻ về thời gian 5 ngày anh có mặt trong cuộc biểu tình Phong trào Dù Vàng của sinh viên Hongkong hồi năm 2014 :
Thịnh Nguyễn : Xin chào mọi người. Năm 2014, tôi có cuộc đi chơi ở Hong Kong thôi và trước đó thì mình không biết gì về xã hội cả, tức là không biết biểu tình hay nhân quyền là gì. Có mặt ở cuộc biểu tình Hong Kong năm 2014 thì thấy đông, có một không khí rất lạ, tại vì có thể mình chưa bao giờ nhìn thấy không khí đấy nên khiến mình bị một cái gì đó thu hút. Lúc đó tự nghĩ rằng nếu là người Việt Nam thì không thể tụ họp được như thế này. Tôi nhìn thấy rất đông sinh viên, nhỏ tuổi hơn mình có kỷ luật rất cao, mọi người giúp đỡ nhau. Những điều này rất lạ đối với tôi và khiến tôi ở lại với những bạn sinh viên Hong Kong biểu tình đến những 5 ngày để xem đang diễn ra những gì, mặc dù chuyến đi của tôi có mười mấy ngày và mặc dù không hiểu hết vì không biết ngôn ngữ tiếng Quảng Đông nhưng tôi cảm nhận được tinh thần của cuộc biểu tình đó.
Tôi nghĩ rằng bình thường một nhóm biểu tình hay một nhóm tụ tập đông thì bao giờ cũng có một người lãnh đạo. Nhưng hồi lần đầu tiên sang Hong Kong năm 2014 thì tôi nhận thấy dường như không ai lãnh đạo cuộc biểu tình đó cả. Hình như tinh thần dân chủ trong máu của mỗi người Hong Kong bình thường giống như là mình thở, tức là mọi người biết rằng có bất công thì mọi người cùng xuống đường và không cần ai hướng dẫn.
Hiện tại nhìn cuộc biểu tình năm 2019 thì tôi cũng có cảm giác y như vậy.
Hòa Ái : Sau khi theo dõi cuộc biểu tình ở Hong Kong từ hôm 9/6 tới nay, đặc biệt trong ngày 12/6 thì sức nóng biểu tình ở Hong Kong đã dẫn đến kết quả là Quốc hội Hong Kong phải tuyên bố hủy buổi họp thảo luận về Dự luật Dẫn độ, trong lúc bên ngoài Tòa nhà Lập pháp Hong Kong thì người dân biểu tình bị cảnh sát dùng hơi cay, bắn đạn cao su trong lúc họ đổ về hướng tòa nhà để yêu cầu hủy bỏ dự luật này. Câu hỏi dành cho bạn Huy Jos là bạn cảm nhận thế nào trước những diễn tiến như vậy khi bạn theo dõi cuộc biểu tình của người dân Hong Kong từ Việt Nam ?
Huy Jos : Tôi cảm nhận rằng cuộc biểu tình này có rất nhiều bài học cho những người dân ở Việt Nam. Người ta khơi dậy cho mình về tinh thần trách nhiệm để bảo vệ quê hương đất nước của mình. Tôi thấy tinh thần của các bạn trẻ Hong Kong rất mạnh mẽ.
Hòa Ái : Bây giờ xin được nghe chia sẻ của nhà báo độc lập Đàm Ngọc Tuyên. Có lẽ anh cũng theo dõi nhiều thông tin liên quan cuộc biểu tình mấy ngày vừa qua ở Hong Kong trên mạng xã hội, các kênh truyền thông quốc tế lẫn truyền thông chính thống của Việt Nam. Là một nhà báo độc lập, anh có nhận đình gì về truyền thông chính thống của Việt Nam cập nhật đưa tin mà dân luận gọi là "hết tốc lực" về cuộc biểu tình lần này ở Hong Kong ?
Đàm Ngọc Tuyên : Vấn đề đầu tiên là ở các nước có chế độ độc tài toàn trị như Việt Nam chẳng hạn thì hoàn toàn không có tự do báo chí. Ở trong nước gọi là "truyền thông lề Đảng" và bất kỳ một thông tin gì mà họ được phép đưa tin thì luôn luôn ẩn chứa phía sau đó một dụng ý hoàn toàn có lợi cho nhà cầm quyền thì mới đưa tin, còn không thì người ta sẽ bưng bít truyền thông.
Trong đợt biểu tình ở Hong Kong lần này thì truyền thông lề Đảng đưa tin rất nhiều. Tuy nhiên như mình vừa nói thì mình có cảm nhận rằng thông qua chuyện biểu tình ở Hong Kong, người ta muốn nhắc lại với người dân Việt Nam rằng không hẳn cứ biểu tình là đúng hay từ việc biểu tình sẽ dẫn tới bạo động, các vấn đề khác gây ảnh hưởng đến kinh tế xã hội…giống như cách tuyên truyền lâu nay của chính quyền.
Mình có thể dẫn chứng như vào 9 giờ sáng ngày 10/6, giờ Việt Nam thì tờ Dân Trí loan đi một bản tin mà mình đọc cái tựa thôi đã thấy buồn cười, rằng báo chí Trung Quốc cho là cuộc biểu tình ở Hong Kong do các thế lực ngoại quốc tác động và kích động người dân Hong Kong nên mới xảy ra chuyện như vậy. Thật sự, theo tôi thì không có một thế lực nào để làm những chuyện đó cả. Tại vì khi người dân cảm thấy những quyền lợi của họ có thể thông qua một đạo luật nào đó, mà nếu để cho chính quyền thông qua thì sẽ ảnh hưởng đến trực tiếp bản thân của họ. Người dân thì có thể làm gì khác hơn việc thực hiện quyền tối thượng của họ là quyền biểu tình để phản đối hay ủng hộ việc làm đúng sai của chính quyền thôi.
Hòa Ái : Hòa Ái cũng vừa đọc được tin đăng tải trên Báo mạng macaubusiness.com cho biết Hiệp hội Macau Cấp tiến (New Macau Association-NMA), một đảng chính trị ở Macau vừa ra tuyên bố sẽ tổ chức một cuộc biểu tình vào ngày Chủ nhật 16/06 tới đây để kêu gọi phổ thông đầu phiếu, bởi vì trong cùng ngày tại Macau sẽ diễn ra cuộc bầu cử cho chức vụ Đặc khu trưởng Macau nhiệm kỳ 5 năm.
Hòa Ái được biết bạn Thịnh Nguyễn là người đi du lịch nhiều nơi ở các quốc gia Châu Á, bạn có nghĩ rằng với tinh thần dân chủa của người dân Hong Kong sẽ lan tỏa ra trong khu vực, qua thông tin vừa nêu ?
Thịnh Nguyễn : Tôi nghĩ là chắc chắn rồi. Nếu mà mọi người có mặt ở Hong Kong trong giai đoạn biểu tình thì mới thấy được sự lan tỏa rõ ràng nhất. Bởi vì chỉ đơn giản về mặt tổ chức, về truyền thông của các bạn trẻ ở Hong Kong thì các bạn biết mình là người Việt Nam hay bất cứ đến từ nước nào, các bạn cũng đều hỗ trợ rất tốt, kiểu như các bạn ấy mời chào để cho mình nhận lấy được tinh thần dân chủ của họ.
Hiện tại, tôi không biết về Macau như thế nào, không rõ đã từng có cuộc biểu tình nào như thế đã diễn ra ở Macau chưa, đã từng có tiền lệ chưa ? Nhưng mà với 1, 2 đặc khu diễn ra biểu tình như vậy thì tôi nghĩ sức lan tỏa rất là lớn. Ý kiến của tôi là như vậy. Tại vì có những thứ mà mình không bao giờ quên được trong đời và cuộc biểu tình ở Hong Kong năm 2014 cũng là thứ mà rất ấn tượng và tôi không bao giờ quên được.
Hòa Ái : Câu hỏi cuối cùng dành cho 3 vị khách mời, rằng với tinh thần dân chủ của người Hong Kong được lan tỏa như vậy, và nếu như một ngày nào đó trong tương lai ở Việt Nam có những chính sách hay những dự thảo luật được Quốc hội Việt Nam thảo luận thì 3 vị nghĩ rằng mình cũng sẽ lên tiếng và có những cách riêng của mình để phản đối hoặc ủng hộ hay không khi mình không thể xuống đường hòa nhập cùng mọi người để bày tỏ về một dự luận hay một chính sách nào đó ?
Huy Jos : Trước vấn đề xã hội thì bản thân tôi và hầu hết mọi người mong muốn rằng sẽ có tinh thần xuống đường để đòi hỏi quyền lợi của mình.
Thịnh Nguyễn : Tôi nghĩ là không có Luật Biểu tình thì người dân mất đi toàn bộ khả năng thay đổi hoặc là mọi thứ quyền lợi của mình bị mất. Tôi nghĩ Luật Biểu tình rất quan trọng và luật này cũng được ghi trong Hiến pháp nên tôi cho rằng cần làm thế nào để mọi người càng nghĩ về cái quyền đấy được nhiều hơn. Có Luật Biểu tình thì không phải là xấu vì người dân là gốc mà, thành ra họ biết nhu cầu của họ thì sẽ rất tốt cho đất nước. Hiện tại người dân Việt Nam bị cấm quyền biểu tình thì rất là vô lý.
Đàm Ngọc Tuyên : Hiện tình đất nước của chúng ta hôm nay có quá nhiều chuyện. Dù rằng nhà cầm quyền chưa thông qua Dự luật Đặc khu hoặc là lùi lại nhưng thực tế là nhà cầm quyễn vẫn âm thầm tiến hành xây dựng đặc khu ở Vân Đồn gần hoàn tất và ngay cả đồng tiền Nhân dân tệ cũng được lưu hành ở 7 tỉnh có đường biên giới chung với Trung Quốc. Điều đó cho thấy nhà cầm quyền Việt Nam không coi người dân ra gì cả, mà họ chỉ nghĩ đến quyền lợi của đảng phái của họ mà thôi. Chính vì điều đó mà chúng ta là người dân Việt Nam và những gì chưa có luật thì cứ làm theo trong Hiến pháp. Tại vì Hiến pháp là bộ luật cao nhất của một đất nước, và trong đó Điều 25 quy định rất rõ là người dân có quyền được biểu tình để phản đối những việc sai trái của nhà cầm quyền. Tôi cho là các bạn trẻ Việt Nam không có gì lo sợ khi chính quyền đàn áp lúc chúng ta tham gia các cuộc biểu tình, vì rằng nếu chúng ta không lên tiếng phản đối và đã biểu quyết rồi thì chúng ta không còn là chúng ta nữa. Nói một cách khác là chúng ta sống nhưng chúng ta không có một cái quyền gì cả.
Hòa Ái : Chân thành cảm ơn 3 vị khách mời tham dự cuộc hội thoại với Đài RFA.
Hòa Ái
Bất chấp đối diện tù đày, nhà tranh đấu cho dân chủ Joshua Wong vẫn nói "Hồng Kông đang bị đe dọa"
Khi các anh chị đọc bài phỏng vấn dưới đây, cũng là lúc nhà tranh đấu trẻ Joshua Wong (Hoàng Chí Phong) đã bị chính quyền tay sai của Trung Quốc ở Hồng Kông kết án tù anh và các đồng sự.
Tin cho hay, Joshua Wong, Nathan Law (La Quán Thông) và Alex Chow (Châu Vĩnh Khang) lần lượt bị tuyên 6 tháng, 8 tháng và 7 tháng tù giam trong phiên tòa diễn ra tại Hong Kong ngày 17/8/2017. Tội danh của những thanh niên này cũng giống như "lợi dụng quyền tự do dân chủ" nhằm khép một mức án, cản bước họ không thể hoạt động chính trị chính thức, vận động cho tự do và dân chủ tại Hồng Kông.
Đây là những thủ lĩnh và là biểu tượng hy vọng của người dân Hồng Kông, qua phong trào Cách mạng Dù Vàng vào năm 2014.
Bài phỏng vấn của Time chỉ 24 giờ trước khi bản án bỏ túi được đưa ra. Nhưng nói lên rất nhiều điều, đặc biệt với thế hệ trẻ.
Tôi gửi bản dịch này ở đây, dành tặng cho tất cả những bạn đã nhắn tin, gửi thư và chia sẻ những suy nghĩ về đất nước lâu nay. Xin được nhắc lại câu nói cuối của Joshua Wong, để chúng ta giữ gìn cùng nhau "Tôi mệt mỏi, và tôi sợ hãi, nhưng tôi sẽ vẫn tiếp tục chiến đấu".
--------------------------
Joshua Wong, khi 17 tuổi đã là nhà lãnh đạo của nhóm hoạt động dân chủ Scholarism, ngồi bên cạnh những thanh rào chắn dựng trước tòa nhà chính phủ trung ương tại quận Admiralty, Hồng Kông, Trung Quốc, vào thứ Tư 10-12-2014. Ảnh : Lam Yik Fei / nguồn Getty Images đăng trên Bloomberg.
Joshua Wong (Hoàng Chí Phong) là một người tự do, trẻ tuổi. Chiều thứ Tư vừa rồi, khi anh đến trước một quảng trường ở Hồng Kông, mà anh hay gọi Quảng trường Công Dân, đó là lúc anh có thể không còn là một người tự do nữa.
Vào thứ Năm, người thanh niên 20 tuổi này đang đối mặt với án tù vì đã khởi động những cuộc biểu tình ủng hộ dân chủ ở đây ba năm trước. ‘Tôi chưa thực sự chuẩn bị đủ cho nó’, anh nói với báo TIME trong một cuộc phỏng vấn độc quyền. Vào ngày 26 tháng 9 năm 2014, Wong và một nhóm nhỏ các nhà hoạt động sinh viên khác đã tạo nên một trận cuồng phong ở tiền đường trụ sở chính phủ Hồng Kông nhằm phản đối những gì mà họ coi là sự xâm lăng chính trị và xã hội từ đại lục. Lúc đầu chỉ là ở không gian quảng trường, sau đó đến khu hội chợ cũng bị rào chắn vào năm 2014 để ngăn chặn những người biểu tình, từ các nhà hoạt động dân chủ tới các nhà vận động nhân quyền, cùng phối hợp ở đó.
Đêm đó, Wong và những người khác bị xịt hơi cay giữa những cuộc đụng độ với cảnh sát. Có ít nhất một chục học sinh đã bị bắt. Hai ngày sau, một phần để phản ứng các vụ cảnh sát tấn công sinh viên ở tiền đường – nơi mà những người biểu tình bắt đầu gọi đó là ‘Quảng trường Dân sự’ hay ‘Quảng trường Công dân’ – hàng chục ngàn người trẻ tuổi đã tràn ngập các khu phố trung tâm và khu kế cận Admiralty, nơi của giới quyền lực tại Hồng Kông. Ở đó, họ đẩy mạnh các cuộc biểu tình đã lên kế hoạch nhằm chống lại sự can thiệp của Trung Quốc vào các cuộc bầu cử ở Hồng Kông, và cắm trại, biểu thị ôn hòa trên đường phố trong suốt 79 ngày. Vai trò xuất sắc của Wong trong các cuộc phản kháng này trở thành chủ đề của bản phim tài liệu có trên Netflix "Joshua : Teenager vs. Superpower (tạm dịch : Joshua- cậu thiếu niên chống lại với siêu quyền lực ).
Trong tất cả các sự kiện của phong trào, sau này được gọi tên là cuộc Cách mạng Dù, đó có thể chỉ mới là hành động đầu tiên Wong trong chuỗi suy nghĩ của anh. Vào ngày 19 tháng 8 năm 2015, anh và hai người bạn cùng trang lức của mình đứng ra thành lập đảng chính trị Demosisto, mà sau đó bị buộc tội tập hợp bất hợp pháp và kích động tình trạng bất ổn vì vai trò của họ trong việc dấy động tiền đường tòa nhà chính phủ. Ngày 20 tháng 7 năm 2016, họ bị kết án 80 giờ phục vụ cộng đồng.
Joshua Wong, khi 17 tuổi đã là nhà lãnh đạo của nhóm hoạt động dân chủ Scholarism, ngồi bên cạnh những thanh rào chắn dựng trước tòa nhà chính phủ trung ương tại quận Admiralty, Hồng Kông, Trung Quốc, vào thứ Tư 10-12-2014. Ảnh : Lam Yik Fei / nguồn Getty Images đăng trên Bloomberg.
Hôm thứ Năm, Wong, cùng với Nathan Law (La Quán Thông), 23 tuổi, và Alex Chow (Chu Vĩnh Khang), 26 tuổi, phải đối mặt với một ủy ban tư pháp mà các công tố viên đã yêu cầu một án tù cho những người này, vì chính quyền cho rằng bản án phạt như vậy là quá nhẹ nên đã gửi thông điệp không đủ mạnh đến các nhà hoạt động khác.
Tháng 9 năm ngoái, Law 23 tuổi, trở thành luật sư trẻ nhất từng được bầu vào cơ quan lập pháp Hồng Kông, nhưng anh đã bị các đồng nghiệp thân Bắc Kinh lật đổ vì tuyên bố anh không tôn trọng chính quyền trung ương Trung Quốc trong buổi lễ tuyên thệ. Nếu Law bị án tù hơn ba tháng, anh sẽ bị truất quyền hành pháp vì không thể vận động cho sự nghiệp chính trị của mình suốt trong 5 năm như Wong và Chow. Tòa án thậm chí đã đồng ý đánh giá lại mức án của ba thanh niên. Thái độ này của Hồng Kông là tiếng chuông cảnh báo rằng, Trung Quốc có đủ quyền áp đặt lên Hồng Kông, vốn được coi là vùng bán tự trị, với một nền tư pháp độc lập.
Hôm thứ Tư, dù trong tâm trạng lo lắng nhưng Wong đã kiên quyết đã gặp báo TIME bên ngoài quảng trường, ở chính nơi mà anh đã khởi động phong trào vào ba năm trước. Chỉ không đầy 24 giờ trước khi có quyết định tái thẩm, anh nói thẳng thắn về niềm tin của mình rằng anh đã trở thành mục tiêu của việc truy tố chính trị. Anh nói mục tiêu của anh là hướng về một chế độ dân chủ và tự trị Hồng Kông, và hy vọng rằng quê hương anh sẽ đứng vững trong phần – mà anh gọi là – vùng lãnh thổ tự do nhất của Trung Quốc.
Cuộc phỏng vấn của TIME với Wong sau đây, đã được tạp chí này chỉnh sửa về độ dài và làm rõ nghĩa.
-----------------------------------
TIME : Tòa án đang xét lại mức trừng phạt đối với vai trò của anh trong sự kiện 26/9/2014 khi anh cùng các bạn khởi phát phong trào trước tòa nhà chính quyền. Anh có thể điểm lại vài điều từ sự kiện này ?
Joshua Wong : Ba năm trước, chúng tôi đã tổ chức một hoạt động giành lấy Quảng trường của Công dân và yêu cầu bầu cử tự do và dân chủ ở Hồng Kông. Chúng tôi đã chống lại sự can thiệp của Đảng Cộng sản Trung Quốc. Và rồi hôm nay chúng tôi đang phải đối mặt với một bản án từ chính phủ Trung Quốc. Có thể họ sẽ gửi tôi đến nhà tù hơn nửa năm. Những gì tôi muốn cộng đồng quốc tế nhận ra là Hồng Kông đã thuộc về chế độ độc tài. Đây là một trận chiến lâu dài, và chúng tôi cũng kêu gọi sự yểm trợ dài hạn. Hồng Kông giờ đây đang bị đe dọa.
TIME : Giờ đây nhìn lại hoạt động đó, anh có nghĩ rằng mình sẽ chọn một phương thức tranh đấu khác, nếu có cơ hội làm lại ?
Joshua Wong : Tôi không hề hối tiếc gì. Chúng tôi đã chống lại việc giáo dục yêu nước (một nỗ lực của chính quyền địa phương nhằm áp đặt việc thần phục Bắc Kinh trong các chương trình tại trường học ở địa phương), đó là lý do tại sao chúng tôi tiến đến quảng trường. Ba năm trước, chính phủ đã thiết lập một rào cản để ngăn chặn quyền tự do hội họp của chúng tôi. Vì vậy, chúng tôi tổ chức một hành động để lấy lại quảng trường, nhắc nhở mọi người rằng, đã đến lúc lấy lại quyền của mình. Đây là nơi đầu tiên tôi bị bắt, và đó là lý do tôi sẽ bị đưa đến nhà tù, nhưng tôi không hối tiếc về điều đó và tôi vẫn tiếp tục đấu tranh cho nền dân chủ.
TIME : Với tình trạng anh đã nhận một mức án đối với tội danh này, và rồi lại bị sửa đổi lại bản án với mục đích nhằm ngăn chận một cách hợp pháp con đường hoạt động chính trị của anh, anh có xem việc kháng cáo mức án cũng là một hành động chính trị ?
Joshua Wong : Mùa hè năm ngoái tôi đã bị kết án 80 giờ phục vụ cộng đồng. Ngày mai (thứ Năm) tôi sẽ phải đối mặt với án tù gần một năm với hình phạt tù ngay lập tức. Điều này chứng minh rằng các tòa án Hồng Kông chỉ tuân lệnh Trung Quốc. Đây cũng là một mối đe dọa.
TIME : Nếu bị bỏ tù, nhiều người sẽ xem anh và những người cùng chí hướng của anh là những tù nhân chính trị đầu tiên của Hồng Kông. Điều này thể hiện gì về sự độc lập của hệ thống tư pháp Hồng Kông mà anh vẫn gọi là một trong những ‘giá trị cốt lõi’ của hòn đảo này ?
Joshua Wong : Nền tư pháp độc lập đang bị đe dọa vì sự trung thành của Bộ Tư pháp đối với Trung Quốc. Tôi hy vọng mọi người sẽ nhận ra điều đó. Một thập kỷ trước, người ta mô tả Hồng Kông là một nơi không còn chế độ dân chủ nhưng vẫn có luật pháp. Và bây giờ thì Hồng Kông đã chuyển hóa thành chế độ độc tài.
Chúng tôi sẽ không phải là những tù nhân chính trị đầu tiên ở Hồng Kông (hôm thứ Ba vừa rồi, tòa án cũng đã kết án 13 nhà hoạt động từ 8 đến 13 tháng, tội danh phá hoại các hoạt động lập pháp khi tổ chức phản đối các dự án phát triển nông thôn). Chúng tôi chỉ là người đầu tiên trong Phong trào Dù Vàng. Chính phủ đã xem xét trường hợp này chống lại chúng tôi vì họ hy vọng đưa chúng tôi đến nhà tù và ngăn chặn cơ may của chúng tôi trong cuộc bầu cử. Tôi tin rằng Bộ Tư pháp đang tái thẩm án của tôi vì họ nghĩ rằng làm vậy, tôi sẽ không thể đến với một cuộc bầu cử.
TIME : Anh có xem Hồng Kông là một phong vũ biểu của tự do ở ở Châu Á, và cách anh đang bị đối xử có là một dấu hiệu bất ổn cho các quy tắc dân chủ và pháp quyền trong khu vực rộng lớn hơn ?
Joshua Wong : Hồng Kông là thành phố có mức độ tự do cao nhất trong tất cả các lãnh thổ Trung Quốc. Ở Châu Á Thái Bình Dương, tôi nghĩ Hồng Kông nên trở thành điểm nhấn để mọi người nhận ra rằng [Trung Quốc] vẫn vi phạm nhân quyền. Tôi hy vọng kinh nghiệm của Hồng Kông sẽ thúc giục sự đoàn kết toàn cầu và làm cho mọi người quan tâm hơn đến Hồng Kông. Đây là nơi mà những người trẻ tuổi – như cô ấy hay tôi (Wong chỉ vào một người qua đường) – bị đưa đến nhà tù.
TIME : Về chuyện giữa anh và tòa án Hồng Kông, anh có nghĩ rằng đã có những tác động đối với nhiều bạn trẻ ở Hồng Kông, hay nơi nào khác, tích cực hơn về mặt chính trị trong những năm gần đây ?
Joshua Wong : Trong vài năm qua đã có một cuộc nổi dậy, đã có một nhận thức chính trị mới trong thế hệ tôi. Tuy nhiên, các vụ truy tố và tuyên án chính trị đang gia tăng. Chúng tôi đang ở trong thời kỳ đen tối của quê hương mình. Nhưng với một kỷ nguyên đen tối như thế này, với sự đàn áp chế độ Bắc Kinh, những người trẻ tuổi phải đứng ở tuyến đầu để đòi dân chủ. Tôi chỉ muốn nói rằng nếu Nathan, Alex và tôi phải chịu án tù, vì tất cả chúng tôi không chọn đứng ngoài cuộc, thì không có lý do gì để mọi người lùi lại.
TIME : Hầu hết các nhà quan sát đều có chung dự đoán rằng anh sẽ phải vào tù. Anh mới 20 tuổi. Anh có sợ không ?
Joshua Wong : Tôi chưa chuẩn bị cho điều này. Và sau khi tôi bị đưa đến nhà tù, tôi chỉ có thể gặp bố mẹ tôi hai lần mỗi tháng trong nửa giờ. Tôi sẽ nhớ họ, và tôi sẽ nhớ ngôi nhà của tôi. Không ai muốn bị đưa đến nhà tù, kể cả tôi. Tôi mệt mỏi, và tôi sợ hãi, nhưng tôi sẽ vẫn tiếp tục chiến đấu.
Feliz Solomon & Aria Chen (Hong Kong)
Tuấn Khanh chuyển ngữ (16/08/2017)
Nguồn : RFA, 18/08/2017 (tuankhanh's blog)
Tham khảo :
http://time.com/4902751/hong-kong-joshua-wong-interview-sentencing-democracy
http://time.com/4761316/joshua-teenager-vs-superhero-documentary-trailer/
Joshua Wong bị bắt giữ lần đầu vì quan điểm chính trị khi 17 tuổi. Nhưng anh đã tham gia biểu tình đòi dân chủ từ hơn 3 năm trước. Năm 2011, ở tuổi 14, anh lập nhóm hoạt động sinh viên ở Hong Kong để chống giáo trình học bắt buộc của chính phủ có lợi cho Đảng cộng sản Trung Quốc, như việc lờ đi cuộc đàn áp sinh viên ở Quảng trường Thiên An Môn.
Joshua Wong tổ chức biểu tình qui mô lớn
Năm 2012 Wong tổ chức biểu tình qui mô lớn và một số sinh viên đã tuyệt thực và hàng chục ngàn người kéo tới quảng trường trước trụ sở chính phủ Hong Kong. Năm 2014 anh lãnh đạo Cuộc Cách Mạng Ô Dù và nhiều cuộc biểu tình khắp Hong Kong khi Trung Quốc sẽ sàng lọc các ứng viên của cuộc bầu cử sắp tới. Nay Wong, 20 tuổi, là tổng thư ký của Đảng Demosisto ủng hộ dân chủ.
Vấn đề rắc rối nằm ở trong lòng các nền dân chủ lâu năm nhất của phương Tây- Joan Hoey, Economist Intelligence Unit.
Các nước dân chủ phương Tây bênh vực Wong, báo chí gọi anh là Người Của Năm 2014, hoặc là một trong những nhà lãnh đạo lớn nhất thế giới của 2015. Nhưng Wong đấu tranh cho dân chủ. Nhiều nước hoan nghênh anh nhưng lại để nền dân chủ tuột mất. Dân chủ trên toàn thế giới đang đi xuống.
Lòng tin vào các thể chế chính trị giảm. Những biến đổi tới dân chủ ở Châu Âu và Trung Đông lại chuyển dịch về sự cai trị độc tài. Và những nhà lãnh đạo dân túy muốn kiềm chế quyền tự do cơ bản lại thắng cử. Xã hội trên trên thế giới đang trải nghiệm một sự giật lùi mạnh mẽ.
"Rất nhiều sự hội tụ lại đặt vào những nơi như Nga, Trung Đông hoặc Trung Quốc", Joan Hoey ở Economist Intelligence Unit (EIU), London, nói. "Nhưng cái rắc rối là ở trong lòng của nền dân chủ lâu năm nhất của phương Tây".
Nhiều người đồng tình với đánh giá thẳng thắn của Hoey. Lần đầu tiên sau Thế Chiến II các nước phương Tây lo đến tình trạng của dân chủ, Larry Diamond, một nhà xã hội chính trị học lỗi lạc, nói. "Chúng ta chưa bao giờ thấy điều gì như thế này trong nhiều thập kỷ và không biết nó sẽ dẫn đến đâu", ông nói. "cũng không biết rằng nó nghiêm trọng đến mức nào".
Diamond cho rằng dân chủ thế giới đang qua một sự tụt lùi nhẹ nhưng kéo dài trong khoảng 10 năm. Hệ thống dân chủ như các nước Xô Viết cũ ở Đông Âu hoặc các nước trải qua Mùa Xuân Ả Rập Đang quay trở lại chủ nghĩa độc tài.
Chúng ta chưa bao giờ thấy điều gì như thế này trong nhiều thập kỷ và không biết nó sẽ dẫn đến đâu. Chúng ta không biết rằng nó nghiêm trọng đến mức nào
Nhưng năm ngoái, mọi thứ đã thay đổi. Dân chủ nay gặp rắc rối ở một số nền dân chủ lâu năm nhất thế giới, ông nói. "Có thể nói là một sự khủng hoảng".
Thực tế, sự xuống dốc của dân chủ đã được đo. Mỗi năm, kể từ 2006, Hoey và đồng nghiệp ở EIU có phát hành báo cáo xếp hạng về Chỉ Số Dân Chủ cho từng nước với thang đo 10 điểm. Nó là số liệu tổng hợp của 167 nước về chất lượng của quá trình chính trị, quyền tự do cơ bản, sự hoạt động của chính phủ, sự tham gia của công chúng và văn hoá chính trị. Với một quốc gia, có các mức độ như sau : dân chủ đầy đủ, dân chủ không đầy đủ, chế độ lai ghép hoặc chế độ độc tài.
Kết quả báo cáo năm ngoái là mờ nhạt. Nhìn chung, điểm trung bình thế giới là giảm, 72 nước xuống hạng so với 2015, 38 nước lên hạng. Số nước "dân chủ đầy đủ" từ 20 giảm xuống 19, Mỹ nay thuộc mức "không đầy đủ". Khoảng nửa dân số thế giới (49,3%) sống trong dân chủ không đầy đủ, chỉ 4,5% sống trong dân chủ đầy đủ, bằng 1/2 so với năm 2015.
Không chỉ những số đo của EIU cho hay sự chuyển đổi cơ bản và nhanh của chính trị thế giới. Andrew Reynolds, nhà khoa học chính trị của đại học North Carolina, đã lập luận rằng bang North Carolina của Mỹ không nên được xem xét là dân chủ nữa do đưa ra việc tước quyền bầu cử của cử tri da đen.
Sao vậy ? Cái gì làm xói mòn hệ thống chính trị mà nó đã hướng đạo các nền kinh tế phát triển nhất thế giới trong nhiều thập kỷ.
Những sự kiện trọng đại mới đây như Brexit đã khơi dậy việc xem xét lại tương lai của dân chủ và vị trí của nó trên thế giới.
Sự giải thích chung là thế giới đang phản ứng lại với khủng hoảng tài chính toàn cầu kéo theo nền chính trị khắc khổ và gây tác động ăn mòn lớn đến dân chủ, làm thay đổi cái nhìn của người dân đối với lãnh đạo. Tác động này là ngắn hạn, khi kinh tế đi lên thì chính trị sẽ trở lại bình thường. Nhưng điều ta trông thấy không phải thế, Hoey nói.
Chẳng hạn như Mỹ, sự xuống mức "dân chủ không đầy đủ" không phải do việc bầu tổng thống 2016. "Nước Mỹ đã loạng choạng bên bờ vực nhiều năm rồi, Donald Trump chỉ hưởng cái rắc rối nó đã ăn sâu từ trước". Hoey nói.
Lòng tin của công chúng vào thể chế dân chủ ở Mỹ đã lao dốc nhiều thập kỷ rồi. Theo khảo sát của trung tâm Pew Research Center 2015 thì chỉ có 19% nhân dân tin chính phủ luôn hoặc nhìn chung là làm đúng. Trong khi năm 1958 con số này là 73%.
Một số cho rằng là do các chính phủ không còn cảm thấy họ là "của dân, do dân, vì dân", như tổng thống Abraham Lincoln nói. Ở nửa sau của thế kỷ này, việc lãnh đạo, có thể nói, đã cần kỹ thuật hơn, với các vị trí quyền lực gồm một số lớn các nhà chính trị chuyên nghiệp và người uyên bác. Nhiều đảng chính trị có từ lâu đã có thời có sự liên kết chặt chẽ với một nhóm người cụ thể nào đó. Các đảng cánh tả hoặc đặc biệt là đảng xã hội dân chủ được thành lập để đại diện cho ý nguyện của tầng lớp lao động. Tuy nhiên những liên kết này đã bị kéo căng tới giới hạn đứt.
Nhìn chung, sự tách biệt giữa cánh tả và hữu mà đã có thời cho cử tri thấy rõ các sự lựa chọn thì nay không còn nữa, đặc biệt từ những năm 1990 và cuối thời chiến tranh lạnh. Các đảng đại diện cho 2 viễn cảnh hoạt động của xã hội suốt trong thế kỷ 20 thì nay chịu sự thất bại, Hoey nói. Các đảng ở hai phía mà di chuyển vào trung tâm, khoảng cách giữa giới tinh hoa chính trị và các khối cử tri lại càng rộng ra. "Chính trị không còn là những vấn đề lớn và những chủ đề lớn nữa", Hoey nói. "Nó trở nên vô hồn".
Những nhà lãnh đạo mới của thế giới như Donald Trump đã được lợi từ sự tăng tiến toàn cầu của tình cảm dân túy và quốc gia.
Những người theo chủ nghĩa dân túy như Donald Trump và Nigel Farage, lãnh tụ cũ đảng Ukip của Anh. Những chính trị gia này có thể dành được sự ủng hộ bằng cách nói về các vấn đề mà các đảng đã không muốn đề cập tới một cách thẳng thắn. Ukip không có quyền lực chính trị cứng rắn (nghị viên Quốc Hội duy nhất được bầu đã bỏ đảng vào tuần trước) nhưng quan điểm thẳn thắn về nhập cư và sự chỉ trích các nhà kỹ thuật của EU đã tạo nên cuộc tranh luận Brexit.
Nhiều người đột nhiên nói về sự cần thiết để bảo vệ dân chủ. 'Nhưng bảo vệ dân chủ chống lại cái gì ? Chống người dân ?
Hoey cho biết những cú sốc chính trị gây ra là một lời cảnh báo. Nhưng khi không nói về những điều quan trọng đối với mọi người, các đảng phái chính thống vẫn thấy nó tới. Mọi người muốn được lên tiêng và khi họ có cơ hội tạo sự khác biệt với một cuộc bỏ phiếu trực tiếp (mà nó hứa hẹn sẽ tạo ra sự khác biệt lớn hơn so với quá trình quan liêu thông thường bốn năm 1 lần) là họ nắm lấy ngay. "Gà về chuồng là để ngủ", bà nói.
Do quần chúng phản ứng mạnh, giới tinh hoa chính trị (mà nhiều người trong giới truyền thông) đột nhiên nói về sự cần thiết phải bảo vệ nền dân chủ. "Nhưng bảo vệ dân chủ chống lại cái gì ? Chống lại người dân ? " Hoey hỏi. Bằng cách đưa công chúng tham gia cuộc tranh luận chính trị lớn nhất trong nhiều thập kỷ, Brexit là một hiện tượng, bà nói. "Những người, đã không bỏ phiếu từ nhiều năm, xuất hiện"
Tuy nhiên, nhiều người vẫn cho rằng bản thân phản ứng mạnh mẽ của quần chúng là vấn đề, chứ không phải là một biểu hiện của một vấn đề. Cử tri bầu Brexit và Trump bị bêu xấu là cuồng tín - "đáng chê trách" - hoặc bị lầm đường bởi thông tin sai lạc hoặc bởi những chính trị gia dối trá. Nhưng để loại bỏ hàng triệu người như thế sẽ không dẫn chúng ta đến đâu cả, Hoey nói.
"Các đảng chính trị đã tránh né nói về những vấn đề quan trọng đối với người dân", bà nói. "Nếu ta không đặt những câu hỏi lớn về kiểu xã hội mà ta muốn sống, thì còn gì nữa ?" Nếu người dân quan tâm đến điều gì thì nó phải được thảo luận dù chủ đề đó khó đến mấy.
"Sẽ phải có những xung đột ý kiến", bà nói. "Nếu ta muốn xét lại dân chủ thì đó là cách làm duy nhất. Không có cách chữa nào khác".
Đối với Hoey, Brexit và việc bầu Trump là cú sốc bầu cử có thể tốt cho dân chủ về lâu dài. "Trong suốt những năm qua, không ai thực sự quan tâm đến dân chủ", bà nói. "Đột nhiên tất cả mọi người nói về nó, thật là tuyệt vời". Nhưng Diamond nhìn thấy khía một cạnh u tối. "Nhiều nhà tư tưởng sâu sắc về chính trị, từ Plato đến các tác giả của hiến pháp Mỹ, đã lo lắng về tính dễ bị tổn thương của nền dân chủ thuần túy đối với sự chuyên chế của đa số".
Lý do mà nhiều quốc gia có dân chủ đại diện (trong đó người dân bầu ra đại diện để quyết định thay mặt họ) hoặc các cấu trúc khác, chẳng hạn như các phòng thứ hai của chính phủ, là vì ý nguyện của người dân cần được cân bằng với những thứ như bình đẳng và tự do dân sự. Một số quốc gia có hiến pháp quy định rõ ràng quyền không thể bàn cãi của người dân. Hầu hết nước đều có hệ thống tư pháp độc lập. "Bạn cần có phanh, như trong xe", Diamond nói. "Nếu xe chỉ có bàn đạp ga thì nó không phải là xe rất an toàn".
Nhiều nhà tư tưởng sâu sắc về chính trị đã lo lắng về tính dễ bị tổn thương của nền dân chủ thuần túy đối với sự chuyên chế của đa số
Ở nước Trung Quốc cộng sản, nước nhanh chóng nổi lên thành cường quốc thế giới mới, người dân coi chính phủ như một hình thức bảo hộ
Nguy cơ vốn có trong quá trình dân chủ là một nhà lãnh đạo có thể được bầu và loại bỏ những phanh đó. Khi người dân cảm thấy bị đe doạ về mặt thể chất (thí dụ do khủng bố) hoặc về kinh tế thì họ có khuynh hướng dễ chấp nhận hơn những lời kêu gọi dân túy độc đoán và sẵn sàng từ bỏ một số quyền tự do nào đó.
Ví dụ, Trump đã ủng hộ việc cấm nhập cư từ một số quốc gia dân đa phần là Hồi giáo. Và năm ngoái, chính phủ Anh đã có thể thông qua luật pháp giám sát Internet rộng lớn nhất của bất kỳ nền dân chủ nào. "Ở Mỹ và hầu hết các nước Tây Âu, việc kiểm tra và cân đối rất có thể sẽ đủ mạnh để ngăn ngừa thiệt hại nghiêm trọng đến các quyền tự do dân chủ và các biện pháp bảo vệ theo hiến pháp", ông Diamond nói. "Nhưng "rất có thể" không phải là "chắc chắn".
Diamond rất ngạc nhiên về tốc độ phân rã của quá trình và thể chế dân chủ ở các nước châu Âu như Hungary và Ba Lan là các quốc gia đã sáp nhập vào EU. "Có thể chúng ta sẽ có những bài học gây sốc về độ bền vững của nền dân chủ", ông nói.
Diamond đồng ý với Hoey về những nguyên nhân cơ bản của sự nổi dậy dân túy ở khắp phương Tây. "Khi người ta nói rằng họ không chịu nổi nhập cư được nữa, khi họ không biết liệu họ có thể nghỉ hưu chưa hoặc con cái họ sẽ làm các công việc gì thì lãnh đạo chính trị cần lắng nghe và đáp ứng nếu không mọi thứ sẽ bung bét", ông nói.
Nhưng chỉ đơn giản nói về những vấn đề này có thể không đủ. Để cạnh tranh với các đối thủ độc tài hơn, Diamond nghĩ rằng các chính trị gia sẽ cần phải nhượng bộ trong các chính sách tự do về kinh tế xã hội (về bình đẳng, nhập cư hoặc thương mại toàn cầu) mà chúng đã có tiến triển trong những năm gần đây. Ví dụ, đảng dân tộc Geert Wilders ở Hà Lan đã có việc làm tồi tệ hơn dự kiến trong cuộc bầu cử tháng này. Đó là bởi vì thủ tướng Hà Lan đã nhìn thấy những gì đang xảy ra và thực hiện một số điều chỉnh lớn về chính sách, Diamond nói.
Mặc dù đang ở thế bất lợi, nhiều người vẫn tin rằng dân chủ là hệ thống tốt nhất của chính phủ mà con người đã đưa ra, là điểm kết thúc cho sự tiến hóa chính trị. Tại các quốc gia phi dân chủ trên thế giới (ở một số phần của Châu Á, ở Châu Phi vùng hạ Sahara) mọi người đều muốn nó. Khi Trung Quốc trở nên giàu có hơn và nền kinh tế hiện đại hơn, ta có thể thấy một khát vọng ngày càng lớn về dân chủ ở tầng lớp trung lưu, theo Hoey. "Bản chất con người muốn được tự do".
Giới lãnh đạo chính trị cần lắng nghe và đáp ứng nếu không mọi thứ sẽ bung bét
Đó là lý do vì sao những người như Joshua Wong cống hiến mình để đấu tranh cho nó. Tuy nhiên, cảm giác mạnh mẽ ở cả hai phía. Khi Wong đến Đài Loan vào tháng 1, anh đã gặp khoảng 200 người biểu tình ủng hộ Trung Quốc tại sân bay. Một người đã vượt qua hàng rào cảnh sát và cố gắng đấm anh. Wong thực hiện nốt chuyến viếng thăm với sự bảo vệ của cảnh sát. Liệu dân chủ có thực sự là hệ thống đạo đức chính đáng để ta lựa chọn người lãnh đạo xã hội không ?
"Tôi không thấy bất kỳ một quốc gia độc tài ổn định nào", Diamond nói. Ông tin rằng các chính phủ ở những nơi như Trung Quốc, Nga và Iran cuối cùng sẽ sụp đổ. Ông nói : "Chế độ độc tài duy nhất hoạt động tốt trên thế giới là Singapore và tôi không chắc chắn rằng điều đó sẽ kéo dài", Trong mọi trường hợp, ta không thể xây dựng một lý thuyết dựa trên một quốc gia thành phố chỉ có vài triệu người".
Tuy nhiên, không phải ai cũng nghĩ rằng mọi thứ là mạch lạc. Daniel Bell tại Đại học Tsinghua ở Bắc Kinh lập luận rằng rất nhiều ý tưởng của phương Tây về dân chủ là cận kề với tín ngưỡng. Là nhà khoa học chính trị Canada được đào tạo ở Anh, Bell đã có nhiều năm sống và làm việc ở Trung Quốc. "Ở phương Tây, chúng ta có khuynh hướng chia thế giới thành các chế độ dân chủ tốt, mở đường cho tất cả những nước khác, và các chế độ độc tài xấu, ở mặt trái của lịch sử", ông nói.
Bell chỉ ra rằng các quốc gia phi dân chủ có thể có nhiều hình thức. Có các chế độ độc tài gia đình như ở Bắc Triều Tiên, các chế độ độc tài quân sự như ở Ai Cập, các chế độ quân chủ như ở Ả-rập Xê-út. Mỗi cái đều khác nhau. Và một số khác, như hệ thống theo phẩm chất của Trung Quốc (trong đó các quan chức chính phủ không được công chúng lựa chọn, nhưng được bổ nhiệm và thăng tiến theo năng lực và thành tích của họ) không nên bị bác bỏ hoàn toàn. Bell cho biết : "Để xếp đặt những chế độ đó vào cùng một rọ là vô lý. "Cố gắng tìm hiểu những gì đang xảy ra ở Trung Quốc không phải là một cách hay".
Đảng Cộng sản Trung Quốc có 88 triệu đảng viên. Đảng viên được quản lý bởi Vụ Tổ chức, về bản chất là một cơ quan nhân sự rất lớn. Để trở thành đảng viên, thí sinh phải vượt qua một loạt các kỳ thi. Vì vậy các quan chức chính phủ được lựa chọn từ khắp nơi trên đất nước và từ nhiều ngành khác nhau trong xã hội theo phẩm chất. Việc thăng tiến từ các quan chức cấp thấp đến đỉnh cao của chính phủ, về nguyên tắc, chỉ đơn giản là vấn đề về thành quả công việc.
Một vấn đề rõ ràng là có sự thiếu minh bạch trong cách đánh giá phẩm chất. Ở cấp thấp của chính quyền, hệ thống đang trở nên cởi mở hơn để công chúng xem xét. Một số thành phố của Trung Quốc đang thử nghiệm việc đưa ngân sách lên mạng và cho phép người dân bình luận, người dân có thể biết cán bộ địa phương hoạt động như thế nào. Nhưng cách mà đảng chọn những người lãnh đạo cao nhất thì nhìn chung không được biết, Bell nói. "Nếu họ cởi mở hơn chút nữa, nó sẽ giúp hợp pháp hóa hệ thống này ở nước ngoài".
Nếu Trung Quốc nói họ sẽ làm gì đó vào 2030 thì chúng ta có thể khá chắc chắn là họ sẽ làm việc đó
Thách thức lớn nhất đối với chính trị Trung Quốc là tham nhũng. Một hệ thống dân chủ có thể sống với tham nhũng vì các nhà lãnh đạo tham nhũng có thể bị gạt ra khỏi chính quyền bằng bầu cử, ít nhất là về lý thuyết. Nhưng trong một hệ thống theo phẩm chất, tham nhũng là một mối đe dọa hiện hữu. Nếu các nhà lãnh đạo chính trị bị xem là tham nhũng, họ không thể tuyên bố phẩm chất cao và do đó mất đi một đặc tính để ở chức vụ đó. Vì lý do này, Trung Quốc cần nhiều cơ chế hơn để buộc các chính trị gia phải giải trình. Thí dụ, các quan chức Trung Quốc đã nghiên cứu các dịch vụ dân sự của Anh để tìm hiểu cách đối phó với tham nhũng. "Bầu cử là một van an toàn không thấy có ở Trung Quốc", Bell nói. "Nhưng họ biết điều này. Đó là lý do họ có cuộc đấu tranh chống tham nhũng dài nhất và có hệ thống nhất trong lịch sử gần đây ".
Có những sai sót rõ ràng trong hệ thống của Trung Quốc, Bell nói.. Nhưng ông cũng ghi nhận một số lợi thế. Tất cả các quan chức chính trị ở hàng đầu đều có kinh nghiệm đáng kể trong việc điều hành một quốc gia, "không giống như ở Mỹ với tổng thống hiện nay". Chính phủ cũng không có chu kỳ bầu cử và có thể tập trung vào các chính sách của mình. "Nếu họ nói rằng họ sẽ làm gì đó vào năm 2030, ta có thể khá chắc chắn rằng họ sẽ làm điều đó", ông nói.
Điều này đã cho phép Trung Quốc đưa hàng triệu người thoát khỏi đói nghèo chỉ trong vài thập kỉ, xây dựng một lượng lớn cơ sở hạ tầng mới trong cuộc phát động xây dựng lớn nhất thế giới từng thấy, và bắt đầu giải quyết vấn đề ô nhiễm đô thị và khí thải nhà kính. Theo Bell, các quan chức thường được đánh giá chủ yếu ở mức độ làm tốt việc giảm nghèo. Hiện nay họ cũng tính đến việc cải thiện môi trường.
Phương Tây đã cố gắng để xuất khẩu dân chủ không chỉ ở đầu súng, mà còn bằng cách áp đặt pháp luật
Bell nói rằng rất nhiều cuộc điều tra cho thấy hệ thống Trung Quốc đã có sự hỗ trợ mạnh mẽ trong nước ở hầu hết các tầng lớp xã hội, nơi mà chính phủ được coi là cung cấp một hình thức giám hộ. Ông đồng ý với Hoey rằng khi Trung Quốc trở nên giàu có hơn và tầng lớp trung lưu phát triển, thì nhiều người sẽ muốn có tiếng nói về cách điều hành đất nước. Nhưng điều đó không có nghĩa là sự kêu gọi cho dân chủ. Thay vào đó, có lẽ nhiều người sẽ đăng ký gia nhập đảng cầm quyền. Giờ đây mọi người đều có quyền như nhau để tham gia các cuộc kiểm tra để trở thành quan chức nhà nước. "Có nhiều cách khác nhau để tham gia vào chính trị".
Cho dù thế nào, nền dân chủ dễ sinh sôi phát triển hơn khi nó được trồng tại nhà. Những nỗ lực trong vài thập kỷ qua để xuất khẩu dân chủ trên thế giới đã chứng tỏ là một thảm hoạ hoàn toàn, Hoey nói : "Toàn bộ ý tưởng là sai về nguyên tắc vì nền dân chủ không phải là để chúng ta đi phân phát. "Để nó có ý nghĩa, nó phải xuất phát từ người dân. Nó cần phải có nguồn gốc sâu xa trong các giá trị và văn hoá của đất nước".
Tuy nhiên, phương Tây đã cố gắng để xuất khẩu dân chủ không chỉ ở đầu súng (như trong các can thiệp quân sự ở Trung Đông) mà còn bằng cách áp đặt luật pháp. Thí dụ, LMCA dồn đẩy các giá trị và các luật phương Tây vào các nước thành viên mới. Điều này có thể là quá xâm phạm, Hoey nói. Kết quả là, thay vì được coi là một khát vọng chung của con người, nền dân chủ đôi khi có thể được coi là một sản phẩm của riêng phương Tây và vì thế bị từ chối.
Với môi trường chính trị trên thế giới đang chuyển hướng và nhiều quốc gia áp dụng một quan điểm dân tộc chủ nghĩa hơn, Mỹ và Tây Âu đã từ bỏ hầu hết các tham vọng của họ để thay đổi chế độ trên toàn thế giới. Nhưng nhìn vào bên trong có thể không là điều xấu. "Nếu phương Tây muốn thúc đẩy dân chủ thì họ nên làm điều đó bằng ví dụ", Hoey nói.
Douglas Heaven
Nguồn : BBC Future, 23/04/2017