Hong Kong : Joshua Wong kêu gọi Mỹ ủng hộ các cuộc biểu tình (BBC, 15/09/2019)
Nhà hoạt động dân chủ Hong Kong Joshua Wong kêu gọi các nhà lập pháp Hoa Kỳ giúp đỡ những người biểu tình của anh tại quê nhà, những người vốn đã dẫn đầu nhiều tháng biểu tình trên đường phố, bao gồm kêu gọi bầu cử tự do, theo Reuters.
Joshua Wong đã đến Mỹ
Hôm thứ Bảy, Wong đã có cuộc phỏng vấn với Reuters ở New York trước chuyến thăm đến Washington theo kế hoạch.
Joshua Wong (Hoàng Chi Phong) được biết đến là một trong những sinh viên lãnh đạo phong trào Dù vàng ủng hộ Dân chủ ở Hong Kong năm 2014.
Nhưng các cuộc biểu tình gần đây nhất ở Hong Kong, bắt nguồn từ một dự luật dẫn độ, phần lớn đầu không cần người dẫn đầu.
Dự luật hiện đã bị rút bỏ nhưng đòi hỏi của người biểu tình đã tăng lên trở thành sự yêu cầu cho một nền dân chủ lớn hơn và độc lập khỏi Trung Quốc đại lục.
"Chúng tôi hy vọng... sẽ có được sự ủng hộ của lưỡng đảng," Joshua Wong nói về chuyến đi sắp tới ở Washington, và rằng các nhà lập pháp Hoa Kỳ nên đưa thêm một điều khoản về nhân quyền trong các cuộc đàm phán thương mại giữa Hoa Kỳ và Trung Quốc.
Wong cũng hi vọng Quốc hội Mỹ sẽ thông qua Dự luật Nhân quyền và Dân chủ Hong Kong, vốn sẽ yêu cầu chính quyền Hong Kong phải lý giải vì sao nó xứng đáng được Washington đối xử đặc biệt trong nhiều thập kỷ qua, bao gồm các đặc quyền thương mại và kinh doanh.
Dự luật cũng có nghĩa là các quan chức ở Trung Quốc và Hong Kongg, những người xem nhẹ quyền tự trị của thành phố có thể phải đối mặt với các lệnh trừng phạt.
Thượng nghị sĩ Dân chủ Hoa Kỳ Chuck Schumer cho biết hồi đầu tháng rằng đó sẽ là ưu tiên hàng đầu của Đảng Dân chủ tại Thượng viện Hoa Kỳ trong phiên họp mới, bắt đầu vào thứ Hai.
Trong khi đó Trung Quốc đã cáo buộc các cường quốc nước ngoài, đặc biệt là Hoa Kỳ và Anh, đã thúc đẩy tình trạng bất ổn.
Các cuộc biểu tình mới nhất, thường liên quan đến các cuộc đụng độ bạo lực với cảnh sát, đã làm sôi sục Hong Kong hơn ba tháng qua. Hàng triệu người đã xuống đường, sân bay thậm chí phải đóng cửa trong hai ngày.
Những yêu cầu của người biểu tình bao gồm một cuộc điều tra độc lập về những gì họ mô tả là sự tàn bạo của cảnh sát và quyền bầu cử phổ quát.
Agnes Chow (trái) và Joshua Wong sau khi được tại ngoại hôm 30/8
Vào thứ Bảy, 14/9 có xảy ra một số cuộc đụng độ ở khu vực Vịnh Kowloon. Nhưng tình trạng bất ổn là không đáng kể so với những tuần trước khi những người biểu tình tấn công Văn phòng lập pháp, biểu tượng cho sự cai trị của Trung Quốc, phá hoại các trạm tàu điện ngầm và đốt cháy đường phố. Cảnh sát đã đáp trả bằng hơi cay, đạn cao su và vòi rồng.
Trung Quốc rất muốn dập tắt các cuộc biểu tình trước lễ kỷ niệm 70 năm vào ngày Quốc Khánh 1/10, ngày thành lập Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa.
Bắc Kinh hiện vẫn chưa ra lệnh cho quân đội can thiệp vào các cuộc biểu tình.
Joshua Wong cho biết người dân Hong Kong sẽ tiếp tục chiến đấu bất chấp ngày Quốc khánh.
"Chúng tôi sẽ tiếp tục biểu tình cho quyền bầu cử tự do. Tôi thấy không có lý do gì để chúng tôi bỏ cuộc và đã đến lúc thế giới phải sát cánh cùng Hong Kong."
Trong khi đó, Agnes Chow, người bị bắt cùng với Joshua Wong và cũng được tại ngoại, vừa bay sang Đức.
Chow sẽ gặp gỡ các chính khách quốc tế thảo luận về các yếu tố tác động Đài Loan, Hong Kong và Trung Quốc, theo như trên Facebook của cô.
*****************
Joshua Wong chuẩn bị vận động Quốc hội Mỹ ủng hộ dân chủ Hong Kong (VOA, 15/09/2019)
Nhà hoạt động ủng hộ dân chủ Hong Kong Joshua Wong ngày thứ Bảy nói rằng anh đang tìm kiếm sự ủng hộ của các nhà lập pháp Mỹ cho các đòi hỏi của những người biểu tình vẫn xuống đường từ nhiều tháng qua, bao gồm cả lời kêu gọi bầu cử tự do.
Nhà hoạt động ủng hộ dân chủ Hong Kong Joshua Wong dự một buổi hội luận tại Trường Luật Đại học Columbia ở New York City, ngày 13 tháng 9, 2019.
Wong, nói chuyện với Reuters ở New York trước chuyến thăm Washington theo kế hoạch, đã lãnh đạo "Phong trào Dù Vàng" ủng hộ dân chủ năm 2014 và đã đi đầu trong các cuộc biểu tình mới nhất, bắt đầu từ một dự luật dẫn độ hiện đã bị rút lại nhưng đã biến thành những đòi hỏi dân chủ và độc lập nhiều hơn khỏi Trung Quốc đại lục.
"Chúng tôi hi vọng... có được sự ủng hộ của lưỡng đảng," anh Wong nói về chuyến đi tới Washington, nói thêm rằng các nhà lập pháp Mỹ nên đòi hỏi đưa vào một điều khoản nhân quyền trong các cuộc đàm phán thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc.
Anh nói rằng anh cũng hi vọng thuyết phục các thành viên của Quốc hội thông qua Đạo luật Dân chủ và Nhân quyền Hong Kong, mà sẽ quy định việc giải trình hàng năm về sự đối xử đặc biệt mà Washington dành cho lãnh thổ này từ hàng thập niên qua, bao gồm các đặc quyền thương mại và kinh doanh.
Dự luật cũng có nghĩa là các quan chức ở Trung Quốc và Hong Kong làm suy yếu quyền tự trị của thành phố có thể phải đối mặt với các chế tài. Thượng nghị sĩ Dân chủ Hoa Kỳ Chuck Schumer nói vào đầu tháng này rằng đó sẽ là ưu tiên hàng đầu của phe Dân chủ Thượng viện Hoa Kỳ trong phiên họp mới, đã bắt đầu vào ngày thứ Hai vừa qua.
Các cuộc biểu tình mới nhất, thường bao gồm các vụ đụng độ bạo lực với cảnh sát, đã làm rúng động Hong Kong suốt hơn ba tháng qua. Hàng triệu người đã xuống đường, thậm chí buộc sân bay phải đóng cửa trong hai ngày. Những đòi hỏi của người biểu tình bao gồm một cuộc điều tra độc lập về điều mà họ mô tả là sự tàn bạo của cảnh sát và quyền bầu cử phổ quát.
********************
Cảnh sát Hong Kong trấn áp ẩu đả giữa hai phe ủng hộ và chống TQ (VOA, 14/09/2019)
Cảnh sát Hong Kong trang bị dùi cui đã trấn áp các vụ ẩu đả vào ngày thứ Bảy giữa những người biểu tình ủng hộ Trung Quốc và những người lên án điều mà họ xem là sự can thiệp của Trung Quốc ở trung tâm tài chính Châu Á này. Đây là những vụ đụng độ mới nhất trong nhiều tháng biểu tình liên tiếp mà đôi khi bạo lực bùng lên.
Cảnh sát bắt giữ một thanh niên sau khi ẩu đả nổ ra giữa những người ủng hộ Trung Quốc và người biểu tình chống chính phủ tại Amoy Plaza trong khu Vịnh Cửu Long ở Hong Kong, ngày 14 tháng 9, 2019.
Reuters cho biết các vụ đụng độ ở khu vực Vịnh Cửu Long tràn ra đường phố, với mỗi vụ đối đầu được ghi hình lại bởi hàng chục cơ quan truyền thông và người đứng nhìn theo bằng điện thoại của họ. Cảnh sát đã bắt giữ một số người.
Nhưng tình trạng bất ổn không đáng kể so với những tuần trước khi những người biểu tình chống chính phủ tấn công viện lập pháp và Văn phòng Liên lạc, biểu tượng của sự cai trị của Trung Quốc, phá hủy các bến tàu điện ngầm và nổi lửa trên đường phố. Cảnh sát đã đáp trả bằng hơi cay, đạn cao su và vòi rồng.
Hàng trăm người biểu tình chống Trung Quốc đổ ra đường khắp thành phố vào ngày thứ Sáu, hát và hô khẩu hiệu trong ngày Tết Trung thu.
Họ cũng tập trung tại các trung tâm thương mại, với những vụ ẩu đả thỉnh thoảng bùng ra với những người ủng hộ Trung Quốc mang cờ.
Vào ngày thứ Bảy, người biểu tình chống chính phủ cũng tụ tập tại khu Thiên Thủy Vi thuộc Tân Giới, với một vụ đối đầu ngắn ngủi với cảnh sát, theo Reuters. Có những vụ ẩu đả lẻ tẻ giữa người biểu tình thuộc hai phe ở những nơi khác, bao gồm khu vực Núi Pháo Đài trên đảo Hong Kong.
Nguyên nhân châm ngòi các cuộc biểu tình chống chính phủ là một dự luật dẫn độ hiện đã bị rút lại và những lo ngại rằng Bắc Kinh đang làm xói mòn các quyền tự do dân sự. Nhưng nhiều người biểu tình trẻ tuổi cũng phẫn nộ về chi phí sinh hoạt cao ngất ngưởng và thiếu triển vọng việc làm.
**********************