Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Châu Á

17/09/2019

Tàu vận tải mới cho Hoàng Sa, Duterte bị tố bán nước, tin tặc Trung Quốc

Tổng hợp

Trung Quốc tăng cường kiểm soát Biển Đông với tàu tiếp tế mới (RFI, 17/09/2019)

Trung Quốc đang tăng cường kiểm soát Biển Đông với một tàu tiếp tế mới có tầm hoạt động bao phủ toàn bộ vùng biển này.

tau3

Quần đảo Hoàng Sa, Biển Đông. Ảnh chụp ngày 27/07/2012STR / AFP

Vừa được cho chạy thử đến đảo Phú Lâm vào cuối tháng 8, tàu tiếp tế "Tam Sa 2", có trọng tải lên tới hơn 8.000 tấn, có thể chạy 6.000 km mà không cần được tiếp nhiên liệu và có thể chở đến 400 người, theo khẳng định của Tân Hoa Xã. Theo giới phân tích, chiếc tàu tiếp tế khổng lồ này sẽ tham gia vận chuyển các thiết bị đến quần đảo Hoàng Sa mà Trung Quốc đang kiểm soát toàn bộ, và có thể là đến cả quần đảo Trường Sa.

Trước "Tam Sa 2", tàu "Tam Sa 1", do cùng một công ty đóng, đã được đưa vào sử dụng năm 2015 ở Biển Đông, nhưng tàu này chỉ có trọng tải 7.800 tấn.

Jay Batongbacal, giáo sư hàng hải quốc tế, Đại Học Philippines, được đài VOA trích dẫn ngày 16/09/2019, nhận định, với tàu tiếp tế mới, Trung Quốc đang mở rộng khả năng hoạt động ra toàn bộ các vùng ở Biển Đông. Theo vị giáo sư này, triển khai tàu "Tam Sa 2" ra các vùng đang tranh chấp thậm chí còn có ý nghĩa biểu tượng. Điều này còn quan trọng hơn ở chỗ là họ vẫn bỏ xa các nước khác trong khu vực.

Còn theo ông Andrew Yang, tổng thư ký Hội đồng Trung Quốc của Đài Loan, tàu tiếp tế mới sẽ tăng cường khả năng hỗ trợ hậu cần cho các binh sĩ đồn trú trên các đảo ở Biển Đông. Ông Andrew Yang dự báo, rất có thể là Bắc Kinh sẽ đóng thêm nhiều tàu kiểu như vậy để luân phiên sử dụng ở Biển Đông. Tân Hoa Xã cũng xác nhận là công ty đóng tàu «Tam Sa 2" và "Tam Sa 1" đang dự trù đóng một vận tải thứ ba "để cung cấp dịch vụ tốt hơn cho các binh sĩ và nhân viên trên các đảo".

Các nước tranh chấp khác không có được sức mạnh quân sự và trình độ công nghệ như Trung Quốc. Quân đội Trung Quốc vào năm ngoái đã triển khai các oanh tạc cơ đến tận quần đảo Trường Sa. Bắc Kinh cũng đang có kế hoạch triển khai các nhà máy hạt nhân trên biển năm 2020, theo bộ Quốc Phòng Mỹ.

Đài Loan thỉnh thoảng có đưa tàu vận tải đến quần đảo Trường Sa, nhưng Đài Bắc chỉ nắm giữ một đảo lớn ở quần đảo này. Hải quân Việt Nam cũng có các tàu vận tải, nhưng Việt Nam thường dùng các tàu cá nhỏ hơn để vận chuyển trên Biển Đông, theo ghi nhận của ông Collin Koh, chuyên gia về an ninh hàng hải, Đại Học Công Nghệ Nanyang, Singapore. Ông Collin Koh cho rằng Trung Quốc có thể cản trở các chuyến tiếp tế của các các tàu nhỏ như vậy.

Thanh Phương

******************

Trung Quốc sẽ dùng tàu vận tải mới cực lớn để tiếp tế cho Hoàng Sa ? (VOA, 16/09/2019)

Một tàu vận tải cỡ lớn mới có thể sẽ được Trung Quốc dùng để vận chuyển tiếp liệu đến các cứ điểm mà Bắc Kinh đã xác lập trong khu vực Biển Đông đầy tranh chấp.

tau1

Tàu Sansha 2 cập cảng ở tỉnh Hải Nam, Trung Quốc, vào ngày 20/8/2019. Ảnh: Chinanews.com

Kể từ năm 2010, Trung Quốc đã khiến cho các nước quanh Biển Đông lo sợ khi Bắc Kinh bồi đắp và xây dựng các đảo nhỏ trong khu vực thành các cơ sở cho quân đội sử dụng.

Brunei, Malaysia, Đài Loan, Việt Nam và Philippines đều có tuyên bố chủ quyền trong vùng biển mà Trung Quốc đưa ra yêu sách chủ quyền trên khoảng 90% diện tích.

Theo tường thuật của Tân Hoa Xã, tàu vận tải Sansha 2 của Trung Quốc đã hoàn thành thử nghiệm vào tháng 8.

Con tàu được cho biết là "có thể hoạt động bao trùm toàn bộ Biển Đông", và có trọng lượng rẽ nước hơn 8.000 tấn sẽ phục vụ cho cả dân sự lẫn quân sự.

Các nhà phân tích dự đoán con tàu sẽ được dùng để đưa thiết bị ra quần đảo Hoàng Sa – nơi Việt Nam tuyên bố chủ quyền nhưng Trung Quốc đang kiểm soát – và có thể ra xa hơn tới quần đảo Trường Sa.

Giáo sư Jay Batongbacal, giảng dạy về hàng hải quốc tế tại trường đại học Philippines, nói Trung Quốc "đang mở rộng khả năng ở mọi nơi".

Ông cho rằng "việc triển khai trong các khu vực tranh chấp mang tính biểu tượng nhiều hơn. Điều này quan trọng hơn đối với họ, vì họ có thể đi trước các nước trong khu vực".

Tàu vận tải cực lớn

Tàu vận tải thứ hai của Trung Quốc có trọng lượng rẽ nước đặc biệt lớn, có thể sẽ được dùng để vận chuyển đạn dược, thực phẩm, nước và máy phát điện cho các đảo nhỏ mà Trung Quốc hiện đang kiểm soát, theo ông Andrew Yang, Tổng thư ký của Hội đồng Nghiên cứu Chính sách cao cấp ở Đài Loan cho biết.

Ông Adrew Yang nói tàu vận tải mới nhất sẽ "tăng cường hỗ trợ hậu cần" cho các binh sĩ đóng trên các đảo nhỏ.

"Họ có quân đội hoạt động và đồn trú ở đó. Vì vậy, chắc chắn họ cần một hệ thống hỗ trợ hậu cần nhiều khả năng hơn", ông Yang nói thêm.

Chuyến vận hành thử nghiệm tàu Sansha 2 hồi cuối tháng 8 đã đưa con tàu đến Đảo Phú Lâm, thuộc quần đảo Hoàng Sa.

Theo Tân Hoa Xã, con tàu có thể đi được 6.000 km mà không cần tiếp nhiên liệu và chở được tới 400 người.

Trung Quốc đang vận hành một đường băng quân sự trên đảo Phú Lâm và bố trí binh sĩ tại đó.

Tàu vận tải được sử dụng trên đảo cách đây 11 năm chỉ có thể chở 2.540 tấn.

Theo Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược Quốc tế của Hoa Kỳ, Trung Quốc đã xây đường băng và các nhà chứa máy bay quân sự trên ba đảo nhỏ của quần đảo Trường Sa.

Ưu thế của Trung Quốc

Các quốc gia khác có tuyên bố chủ quyền trên Biển Đông đều thiếu kỹ năng và sức mạnh quân sự so với Trung Quốc.

Quân đội Giải phóng Nhân dân Trung Quốc, đứng thứ ba thế giới, đã đưa máy bay ném bom đến quần đảo Trường Sa vào năm ngoái.

Theo Bộ Quốc phòng Hoa Kỳ, Trung Quốc còn có kế hoạch triển khai các nhà máy điện hạt nhân nổi trên biển vào năm 2020.

Giáo sư Batongbacal nói tàu vận tải mới đánh dấu công nghệ mới nhất của Trung Quốc.

Bắc Kinh cũng có thể sẽ sản xuất thêm nhiều con tàu cùng loại để có thể luân chuyển, theo dự báo của ông Yang.

Tân Hoa Xã cho biết nơi làm tàu Sansha 2 và Sansha 1 trước đó có kế hoạch sẽ bắt đầu làm tàu vận tải thứ ba để "cung cấp dịch vụ tốt hơn cho nhân sự đồn trú trên các đảo".

Ông Yang nói Đài Loan thỉnh thoảng đưa tàu đến Trường Sa nhưng Đài Loan chỉ có một đảo trong quần đảo này.

Hải quân Việt Nam có tàu vận tải nhưng thường sử dụng các tàu đánh cá nhỏ hơn cho các công việc vận tải trên Biển Đông, chuyên gia Collin Koh chuyên nghiên cứu an ninh hàng hải tại Đại học Công nghệ Nanyang ở Singapore nói.

Theo ông, Trung Quốc có thể gây gián đoạn các hoạt động tiếp tế của các tàu nhỏ hơn.

"Vấn đề ở đây là liệu các nước có tuyên bố chủ quyền khác có thể tái tục tiếp tế cho các đơn vị đồn trú của họ không bị gián đoạn, theo cách mà Trung Quốc đang tận hưởng ở Biển Đông hay không", ông Koh nói.

Hoa Kỳ và Trung Quốc, từng là kẻ thù trong Chiến tranh Lạnh và là đối thủ kinh tế thời hiện đại, bắt đầu tăng số lượng tàu thuyền đi qua Biển Đông vào năm 2017 dưới thời Tổng thống Hoa Kỳ Donald Trump.

Washington không tuyên bố chủ quyền ở Biển Đông nhưng luôn cổ xúy cho vấn đề tự do hàng hải trên thủy lộ này.

*********************

Biển Đông : Manila chiều ý Bắc Kinh, Duterte bị tố bán "tương lai" đất nước (RFI, 16/09/2019)

Trước khi lên đường đi Trung Quốc vào cuối tháng 8/2019, tổng thống Philippines Rodrigo Duterte đã tỏ thái độ cứng rắn trên vấn đề Biển Đông, liên tiếp bắn tin là sẽ nêu bật phán quyết Tòa Trọng tài Thường trực PCA tại La Haye với đồng nhiệm Trung Quốc Tập Cận Bình.

tau2

Hội đàm giữa hai phái đoàn Philippines (T) và Trung Quốc, tại Điếu Ngư Đài, Bắc Kinh, Trung Quốc, ngày 29/08/2019.@ How Hwee Young/Pool via Reuters

Thế nhưng, sau chuyến công du, ông đã công khai loan báo việc Bắc Kinh tiếp tục phủ nhận phán quyết, nhưng đã hào phóng đề nghị cùng Manila đồng khai thác dầu khí tại vùng biển có tranh chấp, điều mà nguyên thủ Philippines đã chấp nhận. Quyết định bắt tay khai thác chung đã khiến ông Duterte bị chỉ trích là bán nước cho Trung Quốc.

Sau khi từ Bắc Kinh trở về, phát biểu với báo chí hôm 10/09/2019, ông Duterte xác nhận là đã nêu vấn đề phán quyết với ông Tập Cận Bình trong cuộc hội đàm ngày 29/08 tai Bắc Kinh, và đã được nhắc lại rằng Trung Quốc vẫn phủ nhận phán quyết đó. Lãnh đạo Trung Quốc đã khuyên ông là hãy gác bỏ phán quyết quốc tế để cùng nhau khai thác dầu khí trong vùng Biển Đông có tranh chấp,và Bắc Kinh "sẵn lòng" cho Manila hưởng 60%, chỉ lấy 40% mà thôi.

Báo chí Philippines đã trích nguyên văn lời của tổng thống Philippines khoe rằng chủ tịch Trung Quốc đã hứa : "Chúng tôi sẽ rộng lượng chia cho quý vị 60%".

Trước các nhà báo, ông Duterte cho biết là ông đồng ý với đề nghị của Trung Quốc, và sẽ không nói đến phán quyết Biển Đông để có thể thúc đẩy hợp tác khai thác dầu khí với Bắc Kinh.

Phớt lờ phán quyết về Biển Đông là "bán tương lai" Philippines

Quyết định của tổng thống Philippines đã lập tức bị dư luận trong nước phản đối, điển hình là lời tố cáo bán nước, cụ thể là "bán tương lai" đất nước, đến từ phó tổng thống Leni Robredo, một người từ lâu luôn chỉ trích thái độ cầu hòa và chạy theo Trung Quốc của tổng thống Duterte.

Theo báo mạng Philippines Rappler, bà Leni Robredo hôm 12/09, đã ra một thông cáo cực lực đả kích tổng thống Duterte về quyết định của ông là "sẽ lờ đi" phán quyết năm 2016 về Biển Đông của Tòa Trọng tài Quốc tế La Haye (Hà Lan), để cùng Trung Quốc thăm dò dầu khí.

Nữ phó tổng thống Philippines cho rằng : "Bảo đảm một tương lai tốt hơn cho con em chúng ta có lẽ là một trong những trách nhiệm quan trọng nhất, khó nhất của bất kỳ chính quyền nào. Bán tương lai này để lấy một thỏa thuận về dầu khí với Trung Quốc là một cách nhục nhã để thoái thác trách nhiệm đó".

Đối với bà Leni Robredo, thông báo của ông Duterte rất đáng thất vọng, và hết sức vô trách nhiệm.

Việt Nam đã chứng minh là có thể đấu tranh với Trung Quốc

Phó tổng thống Philippines đồng thời phản bác lại lập luận thường được ông Duterte nhắc đi nhắc lại là khẳng định chủ quyền trên Biển Đông sẽ dẫn đến chiến tranh với Trung Quốc.

Bản thông cáo mà bà Robredo công bố viết : "Một lần nữa, như một số lãnh đạo đáng kính đã làm trước đây, tôi phải nói rõ : ĐIỀU ĐÓ KHÔNG ĐÚNG (câu được viết hoa). Chiến tranh không phải là phương tiện duy nhất để chúng ta khẳng định quyền đối với vùng đặc quyền kinh tế của chúng ta, đó là điều mà các nước láng giềng Việt Nam và Indonesia mới đây và (trước đây) đã nhiều lần chứng minh".

Bà Robredo cũng nêu vấn đề : "Tại sao bản thân tổng thống (Duterte) và chính quyền của ông Duterte lại phá hoại chiến thắng của Philippines ở Tòa án La Haye chống lại Trung Quốc ?"

Bắc Kinh rộng lượng chia sẻ tài nguyên vốn dĩ là của Manila

Trên mạng Twitter, nhiều nhà quan sát không ngần ngại mỉa mai câu nói của tổng thống Duterte khoe rằng chính ông Tập Cận Bình đã hứa cho Philippines hưởng 60%.

Một chuyên gia Singapore về Biển Đông ghi nhận : Tập Cận Bình hứa một cách rộng lượng là sẽ cho Duterte 60% để thưởng công cho việc bỏ qua phán quyết của PCA, nhưng vẫn giữ 40%, một khoản trước hết phải nói là không hề thuộc về Trung Quốc.

Một nhà quan sát khác nói rõ thêm, "phương châm của Trung Quốc khi giao dịch với các bên yêu sách Biển Đông khác là : Cái gì của ta vẫn là của ta... Cái gì của ngươi thì chúng ta chia. Là bên vượt trội về kinh tế và quân sự, bạn có thể áp đặt điều kiện của mình cho đối phương".

Một nhà quan sát thứ ba thì nhắc lại lời hứa của Tập Cận Bình là không quân sự hóa Biển Đông, với những thực tế mà ngày nay ai cũng thấy.

Giả vờ cứng rắn để biện minh cho chủ trương nhượng bộ

Riêng đối với giáo sư Richard Javad Heydarian, một chuyên gia Philippines tên tuổi về Châu Á Thái Bình Dương, tác giả một công trình nghiên cứu về ông Duterte, thì ngay từ đầu, tổng thống Philippines đã quyết định bắt tay với Trung Quốc, bất chấp các hành vi ngang ngược của Bắc Kinh đối với nước ông, bất chấp dư luận bất bình ở trong nước.

Trong bài phân tích đăng ngày 29/08/2019 trên trang web của cơ quan Sáng Kiến Minh Bạch Hàng Hải Châu Á AMTI, thuộc Trung Tâm Nghiên Cứu Chiến Lược và Quốc tế CSIS tại Washington, giáo sư Heydarian đã cho rằng việc ông Duterte lên tiếng cứng rắn, đòi đề cập đến phán quyết Biển Đông trước ngày lên đường đi Trung Quốc chỉ là một thủ đoạn che mắt dư luận nhằm biện minh cho quyết định thúc đẩy các thỏa thuận với Trung Quốc liên quan đến Biển Đông.

Đó là những thỏa thuận mà hậu quả là trao cho Trung Quốc một phần tài nguyên ngư nghiệp và năng lượng trong vùng đặc quyền kinh tế của Philippines (EEZ), những thỏa thuận gây tranh cãi, nếu không muốn nói là phi pháp, vốn sẽ có hậu quả tai hại cho toàn khu vực.

Theo ông Haydarian, tổng thống Duterte đã bộc lộ rõ ý đồ này trong Thông điệp quốc gia (22/07/2019) khi ông cố tình lọc lựa một vài điểm trong phán quyết của Tòa Trọng Tài để biện minh cho quyết định của ông cho phép ngư dân Trung Quốc tự do hoạt động và đánh bắt trong vùng biển Philippines.

Trích dẫn "quyền đánh bắt cá truyền thống" của Trung Quốc xung quanh bãi cạn Scarborough, nằm trong vùng đặc quyền kinh tế của Philippines, Duterte đã tìm cách biện minh cho thỏa thuận miệng của ông với Trung Quốc về ngư nghiệp, có khả năng bao gồm toàn bộ vùng đặc quyền kinh tế của Philippines, vi phạm Hiến Pháp Philippines.

Ông Duterte cũng đã trích dẫn có chọn lọc một số quy định của Công Ước Liên Hiệp Quốc về Luật Biển về chia sẻ tài nguyên để bảo vệ chính sách gây tranh cãi của mình, đặc biệt là chủ trương cho Trung Quốc đồng khai thác năng lượng tại vùng Bãi Cỏ Rong (Reed Bank), nằm trong vùng đặc quyền kinh tế của Philippines và đường chín đoạn của Trung Quốc.

Thỏa thuận đó có khả năng vi phạm không chỉ Hiến Pháp Philippines, mà cả phán quyết của Tòa Trọng Tài, đã vô hiệu hóa đường lưỡi bò khi cho rằng Trung Quốc không có yêu sách chính đáng đối với các nguồn năng lượng trong vùng đặc quyền kinh tế của Philippines.

Tóm lại, đối với giáo sư Heydarian, khi chiều ý Trung Quốc và chấp nhận chia sẻ tài nguyên năng lượng tại Bãi Cỏ Rong với Trung Quốc, Duterte chỉ hợp pháp hóa các yêu sách quá mức của Trung Quốc trong khu vực và khuyến khích các hành động gây hấn của Bắc Kinh ở Biển Đông. Quyết định này sẽ khóa chặt Philippines vào các thỏa thuận chia sẻ tài nguyên dài hạn với Trung Quốc, trái với cả Hiến Pháp Philippines lẫn luật pháp quốc tế.

Mai Vân

*******************

Tình báo Úc : Trung Quốc đứng đằng sau loạt tấn công tin học nhắm vào Quốc hội (RFI, 16/09/2019)

Hãng tin Anh Reuters ngày 16/09/2019 trích dẫn 5 nguồn tin thông thạo từ Cơ quan Tình báo của Úc xin được giấu tên quy trách nhiệm cho Bắc Kinh trong loạt tấn công tin học nhắm vào Quốc hội và ba đảng chính trị lớn tại Canberra trước cuộc bầu cử hồi tháng 5/2019.

tau4

Ảnh minh họa. REUTERS/Kacper Pempel/Illustration/File Photo

Theo các nguồn tin trên, từ tháng 3/2019, một báo cáo của Cơ quan Tình báo mạng ASD đã đưa ra kết luận :" Trách nhiệm thuộc về bộ Công An Trung Quốc".

Canberra vào tháng 2/2019 cho biết Quốc hội Úc bị tin tặc đột nhập. Thủ tướng Morsisson nói đến một vụ tấn công "tinh vi và có khả năng là do một chính quyền nước ngoài tiến hành". Cơ quan tình báo mạng của Úc được giao nhiệm vụ điều tra và đã nhanh chóng phát hiện thêm là không chỉ có Quốc hội bị tấn công, mà cả ba đảng lớn là đảng Lao Động đối lập, liên minh cầm quyền là Tự Do và Liberal National cũng là nạn nhân của các nhóm tin tặc. Các dân biểu Úc không thuộc ba đảng này bình an vô sự.

Đợt tấn công tin học xảy ra trước khi nước Úc bầu lại Quốc hội vào tháng 5/2019.

Theo hai trong số năm nguồn tin thông thạo của Úc, giới điều tra đã phát hiện thủ phạm đã dùng mã số từng được Trung Quốc sử dụng trong quá khứ và quả quyết rằng tình báo Trung Quốc thực sự nhắm vào các tổ chức chính trị của nước Úc.

Reuters nhấn mạnh đến thái độ thận trọng của chính quyền Úc trong hồ sơ này. Bộ Ngoại giao Úc yêu cầu báo cáo của cơ quan tình báo mạng cần được giữ bí mật, tránh làm phương hại đến quan hệ giữa Canberra và Bắc Kinh đặc biệt là quan hệ thương mại. Văn phòng của thủ tướng Scott Morrisson trước mắt từ chối trả lời Reuters về chủ đề nhậy cảm này. Bản thân Cơ quan Tình Báo Mạng – ASD cũng không bình luận về tin trên.

Thanh Hà

Quay lại trang chủ
Read 497 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)