Trưởng đặc khu Hồng Kông mở đối thoại, hy vọng làm dịu tình hình (RFI, 17/09/2019)
Trưởng đặc khu Hồng Kông Lâm Trịnh Nguyệt Nga (Carrie Lam) hôm nay 17/09/2019 loan báo sẽ mở ra các phiên đối thoại với người dân ngay từ tuần tới, đồng thời nhắc nhở cần chấm dứt bạo lực.
Trưởng đặc khu Hồng Kông, Lâm Trịnh Nguyệt Nga họp báo vào sáng ngày 17/092019 kêu gọi đối thoại. Reuters/Jorge Silva
Bà Lâm Trịnh Nguyệt Nga nói với báo chí : "Xã hội Hồng Kông đang chồng chất nhiều vấn đề kinh tế, xã hội và cả chính trị", và bà hy vọng các hình thức đối thoại khác nhau sẽ làm dịu bớt tình hình.
Trưởng đặc khu đề cập đến vấn đề nhà ở tại Hồng Kông, một trong những thành phố có mật độ dân cư đông nhất thế giới. Đặc biệt lớp trẻ vô cùng bất mãn trước giá địa ốc cao ngất ngưởng tại đây. Tuy nhiên bà Lâm nhấn mạnh "đối thoại không có nghĩa là không trấn áp, diệt trừ bạo lực luôn là ưu tiên".
Hôm qua 16/9, cảnh sát Hồng Kông thông báo câu lưu 89 người vào cuối tuần, sau vụ tấn công bằng bom xăng và gạch vào hai cảnh sát tối Chủ Nhật. Kể từ khi khởi đầu phong trào phản kháng, đã có gần 1.500 người bị câu lưu, theo Reuters.
Các vụ đụng độ giữa người biểu tình và những nhóm thân Trung Quốc cũng diễn ra. Trang web độc lập Hong Kong Free Press đăng nhiều hình ảnh và video cho thấy các đối tượng thân Bắc Kinh tấn công, đe dọa người biểu tình bằng dao, gậy sắt, ghế xếp ở trạm metro North Point, giật điện thoại của các nhà báo.
AP cho biết thêm, bà Lâm Trịnh Nguyệt Nga cũng than phiền việc các công ty truyền thông quốc tế từ chối giúp đánh bóng lại hình ảnh của Hồng Kông. Các công ty này đáp trả là "chưa đến lúc". Hãng tin Mỹ nhắc lại hồi đấu tháng, sau thông báo rút lại dự luật dẫn độ, chính quyền Hồng Kông đã mua hẳn một trang quảng cáo lớn trên Australian Financial Review của Úc. Tuần rồi Hồng Kông cũng cho đăng quảng cáo trên tờ báo uy tín Le Monde của Pháp.
Về mặt quảng bá, phe phản kháng làm rất tốt với nhiều hình thức tranh thủ sự ủng hộ của thế giới : biểu tình trước các lãnh sự quán Anh, Mỹ ; tuần hành với các lá cờ của nhiều quốc gia kêu gọi cùng xuống đường ủng hộ phong trào dân chủ Hồng Kông ngày 29/9 tới…
Riêng lãnh tụ sinh viên Hồng Kông Hoàng Chi Phong (Joshua Wong) sau khi sang Đài Loan và có những cuộc tiếp xúc rất thành công tại Đức, hiện đang có mặt tại Hoa Kỳ. Trên Twitter, trả lời về việc những người thân Bắc Kinh tụ tập phản đối cuộc nói chuyện của anh ở đại học Columbia (New York), người đứng đầu đảng Demosisto nói : "Cứ để mặc cho họ trải nghiệm việc biểu tình, một quyền mà họ không có được tại Hoa lục".
Theo tạp chí Mỹ The Atlantic hôm 15/9, thượng nghị sĩ Cộng Hòa Marco Rubio, một trong những nhà bảo trợ dự luật về nhân quyền và dân chủ Hồng Kông, rất hy vọng sẽ được Quốc Hội nhanh chóng thông qua và tổng thống Mỹ phê chuẩn. Tờ báo dẫn lời ông Marco Rubio cho biết ông đã có nói chuyện riêng với Donald Trump về dự luật này, và ông Trump không phản đối.
Thụy My
******************
Lãnh đạo Hong Kong mở đối thoại vào tuần tới nhằm xoa dịu căng thẳng (VOA, 17/09/2019)
Hôm 17/09 Trưởng đặc khu Hong Kong Carrie Lam cho biết bà và ê-kip của bà sẽ bắt đầu các buổi đối thoại với cộng đồng vào tuần tới. Đồng thời bà tái khẳng định rằng bạo lực đã làm rúng động thành phố trong hơn ba tháng biểu tình, phải chấm dứt, theo Reuters.
Bà Carrie Lam tại cuộc họp báo hôm 17/09/2019.
Bà Lam, người đang chịu áp lực từ Bắc Kinh phải tháo ngòi nổ của cơn phẫn nộ của công chúng là yếu tố đã khích động các cuộc biểu tình, cho biết các cuộc đối thoại sẽ cởi mở tối đa, và bất cứ ai trong công chúng đều có thể đăng ký để tham dự.
"Tôi hy vọng những hình thức đối thoại khác nhau có thể cho chúng ta một nền tảng để thảo luận", bà Lam nói với các phóng viên trong một cuộc họp báo hàng tuần hôm 17/09.
Bà cho biết các vấn đề đó bao gồm tình trạng thiếu nhà ở và đất đai ở một trong những thành phố đông dân nhất thế giới có 7,4 triệu người. Đặc biệt những người trẻ rất bất bình vì chi phí để ra ở riêng quá cao.
Tuy nhiên bà Lam cảnh giác : "Tôi phải nhấn mạnh ở đây rằng nền tảng đối thoại không có nghĩa là chúng tôi sẽ không hành động quyết liệt để thực thi công lực. Kìm hãm bạo lực đang diễn ra trước mắt chúng ta, vẫn là ưu tiên hàng đầu".
Theo AP, cũng hôm 17/09, bà Lam cho biết chính phủ đã yêu cầu các công ty quan hệ công chúng quốc tế giúp khôi phục uy tín của Hong Kong, nhưng các công ty này đã khước từ.
Bà Lam cho biết các công ty trả lời chính phủ rằng "thời điểm hiện nay không đúng lúc" khi mà bạo lực và tình trạng bất ổn trong lãnh thổ bán tự trị của Trung Quốc vẫn chưa có dấu hiệu gì là sẽ chấm dứt, cũng theo AP.
Gần 1.500 người đã bị bắt kể từ khi các cuộc biểu tình nổ ra từ tháng 6 cho đến nay.
Trung Quốc tố cáo các cường quốc nước ngoài, đặc biệt là Hoa Kỳ và Anh, đã đổ dầu vào lửa làm tăng tình trạng bất ổn và yêu cầu các nước này chớ xen vào công việc nội bộ của Hong Kong.