Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Châu Á

19/09/2019

Điểm báo Pháp - Bầu cử Đài Loan 2020

RFI tiếng Việt

Bầu cử Đài Loan 2020 : Một trắc nghiệm mang tính "toàn cầu"

Chính trường Israel lâm vào ngõ cụt sau cuộc bầu cử Quốc hội lần thứ hai trong vòng bốn tháng. Di dân, hưu trí… nhiều dự định cải cách của tổng thống Pháp gây phản ứng mạnh. Phiên tòa xử lãnh đạo đối lập đảng cực tả Nước Pháp Bất Khuất vì tội "nổi loạn". Trên đây là một số tựa lớn của các báo hôm nay. Về Châu Á, đặc biệt đáng chú ý có hai bài phân tích về chính trị Đài Loan và Hồng Kông.

baucu1

Ứng cử viên Hàn Quốc Hùng (Han Kuo Yu) (giữa) của Quốc Dân Đảng, trong một cuộc mít-tinh tại Đài Bắc, ngày 01/06/2019. @AFP

Ngày 17/09/2019, danh sách ứng cử viên tổng thống Đài Loan được chính thức công bố. Bầu cử tổng thống và Nghị Viện Đài Loan sẽ diễn ra tháng Giêng năm tới. Le Monde đăng bài phân tích mang tựa đề : "Các cuộc bầu cử năm 2020 tại Đài Loan sẽ là một trắc nghiệm có giá trị toàn cầu" của nhà nghiên cứu Jean-Yves Heurtebise, Đại học Công giáo Đài Loan Fu-Jen, một chuyên gia về thế giới Trung Hoa.

Tâm điểm của cuộc đối đầu giữa hai khối

Tại sao cuộc bầu cử Đài Loan lại mang giá trị của một cuộc trắc nghiệm mang tính toàn cầu ? Ý nghĩa của bầu cử ở Đài Loan không giới hạn ở trọng lượng của một hòn đảo với 23 triệu dân, một hòn đảo - tuy độc lập trên thực tế - nhưng chỉ được hơn 10 quốc gia công nhận. Có lẽ hơn bất cứ vùng lãnh thổ nào trên thế giới, Đài Loan nằm ở tâm điểm của cuộc đối đầu giữa hai khối nước, một bên là trục "chống tự do" (gồm Trung Quốc, Pakistan, Iran) và bên kia là các quốc gia "tân tự do" (gồm Mỹ, Nhật Bản, Ấn Độ).

Theo nhà nghiên cứu Jean-Yves Heurtebise, tổng thống Đài Loan tương lai sẽ phải nỗ lực rất nhiều mới có thể bảo vệ được nền độc lập trên thực tế, và "duy trì được thành công kinh tế của nền dân chủ tự do duy nhất của thế giới Trung Hoa".

Phong trào Hồng Kông : Hậu thuẫn bất ngờ cho Thái Anh Văn

Cuộc chạy đua vào chức tổng thống Đài Loan, trước khi danh sách ứng viên chính thức được công bố, diễn ra với đầy những biến chuyển bất ngờ. Ông chủ tập đoàn Foxconn, một trong ba ứng cử viên nặng ký, bỗng bỏ cuộc ít ngày trước đó. Đô trưởng Đài Bắc Kha Văn Triết (Ko Wen Je), rất được lòng dân, thành lập đảng mới, khiến nhiều người tưởng ông sẽ ra tranh cử. Cuộc tranh cử tổng thống Đài Loan rút cục chỉ còn là nơi đọ sức giữa hai đối thủ chủ chốt, đảng Dân Tiến của tổng thống Thái Anh Văn và Quốc Dân Đảng, với chính trị gia "thân Bắc Kinh", thị trưởng Cao Hùng, ông Hàn Quốc Du (Han Kuo Yu).

Cán cân nghiêng hẳn về phía chính trị gia "thân Bắc Kinh" cho đến đầu mùa hè năm nay. Tuy nhiên, tình hình đột ngột đảo ngược từ tháng 6/2019, đúng vào lúc phong trào phản kháng chống dự luật dẫn độ sang Trung Quốc bùng nổ tại Hồng Kông. Việc tổng thống Thái Anh Văn công khai ủng hộ phong trào biểu tình khiến bà giành được thêm nhiều ủng hộ trong dân chúng (65% cử tri Đài Loan ủng hộ người đòi dân chủ Hồng Kông và 90% bác bỏ mô hình "Một quốc gia, hai chế độ" cho Đài Loan, mà Trung Quốc chủ trương). Trong khi đó, uy tín của thị trưởng Hàn Quốc Du lại đang xuống dốc, do các cáo buộc nghiện rượu, ngoại tình, kinh doanh bất hợp pháp. Tuy nhiên, chính trị gia thân Bắc Kinh này lại có được cả một cộng đồng dân mạng tích cực hậu thuẫn.

Những lắt léo, trớ trêu

Nhà phân tích Jean-Yves Heurtebise nhấn mạnh đến tính chất đầy lắt léo và trớ trêu trong chính trị Đài Loan hiện nay. Nhiều người thường nhìn nhận một cách đơn giản là, tổng thống Thái Anh Văn – lãnh đạo đảng Dân Tiến - là ứng cử viên thân Mỹ, chủ trương duy trì tự trị cho Đài Loan, trong lúc ứng cử viên Hàn Quốc Du, thì rõ ràng là thân Trung Quốc, nhưng cũng đồng thời hứa hẹn nhiều cơ hội kinh tế cho Đài Loan.

Trên thực tế, quan hệ giữa Washington và cựu tổng thống đảng Dân Tiến Trần Thủy Biển, có xu hướng đòi độc lập - là rất phức tạp trong hai nhiệm kỳ 8 năm của lãnh đạo họ Trần (2000 -2008), do Hoa Kỳ muốn quan hệ êm đẹp với Trung Quốc. Điều trớ trêu khác là Quốc Dân Đảng, vốn là kẻ thù không đội trời chung với đảng Cộng Sản Trung Quốc, dường như giờ đây lại trở thành đồng minh thân thiết nhất của Bắc Kinh tại Đài Loan.

Đe dọa lớn: Giới truyền thông thân Hoa lục lung lạc cử tri

Chuyên gia Jean-Yves Heurtebise muốn làm sáng tỏ một điều ngộ nhận thường có về chính trị Đài Loan. Đó là ngược lại với một quan niệm phổ biến, kinh tế vùng lãnh thổ này, trên thực tế, đã tăng trưởng mạnh trong thời gian đảng Dân Tiến (nhiệm kỳ Trần Thủy Biển) - có xu hướng độc lập nắm quyền, hơn hẳn so với thời kỳ Quốc Dân Đảng (nhiệm kỳ Mã Anh Cửu). Năm 2019 này, dưới sự lãnh đạo của tổng thống Thái Anh Văn, Đài Loan tăng trưởng mạnh nhất, vượt qua ba "con rồng Châu Á" khác (gồm Hàn Quốc, Singapore và Đài Loan). Thất nghiệp hiện nay ở mức rất thấp và lương trung bình tăng liên tục từ năm 2016.

Cũng trong bài viết này, tác giả tố cáo tình trạng các tập đoàn truyền thông lớn của Đài Loan, do phụ thuộc vào Hoa lục về mặt tài chính, đã để cho các nhóm thân Bắc Kinh mặc sức tung ra các tuyên truyền bóp méo sự thật trên mạng, nhằm lung lạc cử tri. Mới đây, hãng truyền hình CtiTV, thuộc tập đoàn Want Want (có lãnh đạo tập đoàn từng phủ nhận tính chất nghiêm trọng của vụ thảm sát Thiên An Môn ) bị tư pháp phạt tiền vì vi phạm đạo đức nghề nghiệp, khi thiên vị ứng cử viên Hàn Quốc Du. Một biểu hiện khác : theo nhà nghiên cứu Đài Loan Ying Yu Lu, nhóm đầu tiên của những người ủng hộ cuồng nhiệt ông Hàn Quốc Du trên Facebook có thể có quan hệ chặt chẽ với lực lượng chiến tranh mạng của Quân đội Trung Quốc.

Bắc Kinh cổ vũ chủ nghĩa dân tộc để chống "vi rút" Hồng Kông

Vẫn liên quan đến Trung Quốc, nhật báo Libération có bài phân tích "Hồng Kông hay nỗi sợ phong trào đòi độc lập tràn sang Hoa lục". Hai nhà nghiên cứu Pháp, Florent Villard (Đại học Rennes) và Gregory Ly (Đại học Lyon 3), lý giải nguyên nhân : Vì sao chính quyền Trung Quốc tìm mọi cách ngăn chặn phong trào đòi dân chủ cho Hồng Kông, kéo dài từ hơn ba tháng qua. Các tác giả đặc biệt chú ý đến những động thái mới đây cho thấy chính quyền Bắc Kinh đang ngày càng lo sợ mất đi tính chính đáng.

Đầu tháng 9/2019, phó chủ tịch Trung Quốc Vương Kỳ Sơn đến Viện Hàn lâm Nghệ thuật Quảng Châu (sát Hồng Kông) để đọc một bài diễn văn về sự gắn bó giữa chế độ cộng sản hiện nay với truyền thống Trung Hoa nghìn năm. Ý thức hệ cộng sản chủ nghĩa không còn là chỗ dựa cho tính chính thống của một chế độ mang danh cộng sản.

Theo các tác giả, việc nhào nặn ra một "chủ nghĩa dân tộc" mới, dựa vào truyền thống lâu đời, có thể chinh phục được đông đảo dân chúng Hoa lục, vốn đã trở nên "các thần dân ngoan ngoãn" sau hàng chục năm sống dưới sự cai trị của chế độ cộng sản, tuy nhiên, một lối tuyên truyền như vậy chắc chắn sẽ không thể nào lôi cuốn được đông đảo dân chúng Hồng Kông, sống trong một xã hội mở. Các tác giả dự báo là mức độ tuyên truyền tại Hoa lục sẽ gia tăng gấp bội để kháng cự lại "vi rút" đòi tự trị của những người phản kháng Hồng Kông.

"Ngõ cụt Israel" và vấn đề Nhà nước Palestine

Tình trạng bế tắc sau bầu cử Quốc hội tại Israel là hồ sơ lớn của Le Monde. Nhật báo chạy tựa trang nhất "Bầu cử Israel, thủ tướng Netanyahu thất bại trước thách thức". Theo kết quả bầu cử sáng hôm qua, hai đảng lớn, của thủ tướng Netanyahu và của cựu tổng tham mưu trưởng Quân đội Benny Gantz, không bên nào giành đủ tối thiểu 61 ghế trong Quốc hội mới, tức đa số để cho phép lập chính phủ mới.

Xã luận La Croix mang tựa đề "Ngõ cụt Israel" : Đây là cuộc bầu cử thứ hai trong vòng ít tháng, thủ tướng Netanyahu không giành được đa số như đã định. La Croix nhấn mạnh là, theo một số nhà quan sát, không cần thiết phải tổ chức một cuộc bỏ phiếu lần thứ ba, vì rõ ràng đất nước Israel đang trong ngõ cụt về chính trị. Cả hai đảng dẫn đầu cuộc bỏ phiếu sẽ buộc phải tìm liên minh với một số đảng nhỏ để lập chính phủ. Vấn đề là, các đảng phái có lập trường cực đoan rất khó lòng chấp nhận tham gia tân chính phủ, từ đảng Do Thái Giáo, đến các nhóm nghị sĩ Israel người Ả Rập hay đảng Dân tộc Thế tục chủ nghĩa.

Chính ở điểm này, La Croix lưu ý đến điểm yếu căn bản của Israel. Bên cạnh thế mạnh rất lớn của nước này (xã hội đoàn kết, có sức mạnh quân sự và được Hoa Kỳ ủng hộ), điểm yếu căn bản khiến Israel lâm vào thế bế tắc hiện nay, theo La Croix, đó là cử tri Israel đã không quyết định đứng hẳn về bên nào : Đứng về phía thủ tướng Netanyahu, chủ trương đối đầu với thế giới Hồi giáo, hay và phía bên kia, cựu tổng tham mưu trưởng Quân đội, người để ngỏ khả năng công nhận một Nhà nước Palestine độc lập.

Di dân : Macron gây rối loạn trong đảng cầm quyền

Trở lại thời sự nước Pháp, nhiều dự định cải cách của tổng thống Macron tiếp tục gây tranh luận. Le Figaro chạy tựa trang nhất : "Di dân : Tổng thống Macron gây hoang mang trong đảng cầm quyền".

Le Figaro chú ý đến sự kiện, trong cuộc họp với các dân biểu tối thứ Hai này, tổng thống Macron khiến một bộ phận nghị sĩ đảng Cộng Hòa Tiến Bước lâm vào thế khó xử, khi yêu cầu đảng cầm quyền "đối mặt với vấn đề di cư". Cuộc họp diễn ra chỉ mươi hôm trước cuộc thảo luận tại Quốc hội. Hôm qua, trong cuộc họp Hội đồng bộ trưởng, tổng thống Macron một lần nữa lên án "thói đỏng đảnh của những ai không muốn nói đến vấn đề di cư". Cho đến nay, chống nhập cư vẫn thường được coi là chủ đề thu hút cử tri của các đảng phái cực hữu, trong lúc đối với nhiều chính trị gia cánh tả, kiểm soát nhập cư lại là một chủ đề nhạy cảm.

Theo Le Figaro, với cách hành xử này, tổng thống Macron đang từng bước một tiến đến cuộc song đấu với đảng cực hữu Mặt Trận Quốc Gia của bà Marine Le Pen. Nhật báo thiên hữu Le Figaro ghi nhận tình thế khó khăn của đảng cánh hữu LR (Những Người Cộng Hòa), bị kẹt giữa một bên là đảng cầm quyền của Macron, với chính sách chủ động trong vấn đề di cư, và bên kia là đảng cực hữu, coi chống nhập cư là lá bài chủ.

Le Monde tỏ ra thận trọng với bài xã luận : "Di dân, cuộc tranh luận bị gài bẫy", lưu ý đến muôn vàn khó khăn đang chờ đón chính phủ, trong hồ sơ ngày càng khiến người Pháp lo ngại. Le Monde nhấn mạnh đây là một hồ sơ đòi hỏi sự cẩn trọng cao độ, suy xét thấu đáo dựa trên các bằng chứng.

"Về hưu trễ hơn. Đồng ý, nhưng làm thế nào…"

Cũng về các dự án cải cách của chính phủ Pháp, La Croix chú ý đến hồ sơ hưu trí, với tựa trang nhất : "Về hưu trễ hơn. Đồng ý, nhưng làm thế nào…". Hồ sơ chính của La Croix nêu bật lên thực tế là, trong lúc người dân thọ hơn và tuổi về hưu phải kéo dài hơn, người cao tuổi lại rất khó khăn trong việc tìm kiếm việc làm, và họ cũng thường là "nạn nhân" của các kế hoạch cắt giảm nhân viên.

"Anh hề" muốn là "người tử đạo"

Chủ đề lãnh đạo đảng cực tả Nước Pháp Bất Khuất ra tòa về tội "nổi loạn", "chống lại các lực lượng chấp pháp", trong vụ khám xét tại trụ sở của phong trào chính trị nói trên, là hồ sơ chính của Libération hôm nay. Libération nhấn mạnh đến việc ông Jean-Luc Mélenchon muốn biến phiên tòa này thành một cơ hội để khẳng định bản thân như "một người tử vì đạo", một lãnh tụ chính trị tầm cỡ Lula (cựu tổng thống Brazil 2003 - 2011) bị truy bức.

Libération có bài phỏng vấn một cựu bộ trưởng Tư Pháp chính phủ cánh tả những năm 1990. Bà Marylise Lebranchu bày tỏ lo ngại cho việc tư pháp bị tấn công, chà đạp với các tuyên truyền kích động chính trị. Theo cựu bộ trưởng, "nền tư pháp" – cho dù với những hạn chế và khuyết tật cần được sửa chữa, cải tổ - vẫn là "thành trì cuối cùng của các định chế, của xã hội (dân chủ)".

Xã luận của nhật báo thiên tả, với tựa đề "Một con rối" chế giễu hành xử của Jean-Luc Mélenchon, một anh hề ra vẻ làm người tử đạo, với giả định : Nếu tòa xử trắng án, thì đây sẽ là một đòn trời giáng đối với con người hùng hổ, kẻ ra vẻ mình là "một Socrate" (triết gia sẵn sàng chết vì chân lý) và "toàn bộ cái lâu đài uy nghi bằng giấy mà ông dựng lên sẽ sụp đổ trong phút chốc".

Trọng Thành

Quay lại trang chủ
Read 488 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)