Các nhà tranh đấu Hồng Kông điều trần trước Quốc Hội Mỹ (RFI, 18/09/2019)
Các nhà lãnh đạo trẻ tuổi của phong trào dân chủ Hồng Kông hôm qua 17/09/2019 trong cuộc điều trần trước một ủy ban lưỡng đảng phụ trách xem xét tình hình nhân quyền ở Trung Quốc, đã kêu gọi Quốc Hội Mỹ gây áp lực với Bắc Kinh.
Hoàng Chi Phong (phải) bắt tay dân biểu đảng Dân chủ Jim McGovern trước khi vào điều trần ngày 17/09/2019. Reuters/Joshua Roberts
Hoàng Chi Phong (Joshua Wong), Hà Vận Thi (Denise Ho) và các nhà đấu tranh khác khẳng định nếu dân chủ ở Hồng Kông bị đàn áp, sẽ khuyến khích Trung Quốc áp đặt các "giá trị cộng sản" lên những nơi khác trên thế giới.
Hoàng Chi Phong nhấn mạnh : "Bắc Kinh không thể thủ lợi trên mọi mặt, vừa được hưởng uy tín kinh tế của Hồng Kông trên thế giới, lại vừa tiêu diệt bản sắc xã hội và chính trị của chúng tôi". Nhà hoạt động 22 tuổi cảnh báo Tập Cận Bình có thể ra tay cứng rắn trước thời điểm kỷ niệm 70 năm thành lập chế độ cộng sản Trung Quốc.
Nêu ra việc một em bé được sinh ra hôm nay, chỉ mới 28 tuổi vào năm 2047 khi quy chế "Một đất nước, hai chế độ" chính thức cáo chung, Hoàng Chi Phong tha thiết : "Tôi hy vọng các nhà sử học sẽ vinh danh Quốc Hội Hoa Kỳ vì đứng về phía người dân Hồng Kông, về phía nhân quyền và dân chủ".
Thượng nghị sĩ Cộng Hòa Marco Rubio cho rằng cuộc phản kháng ở Hồng Kông là "phong trào lớn nhất chưa từng thấy trong thời gian gần đây", còn dân biểu Dân Chủ Jim McGovern khẳng định các cuộc biểu tình Hồng Kông "đã tạo cảm hứng cho toàn thế giới".
Thông tín viên RFI tại Washington, Anne Corpet tường thuật :
Bài quốc ca của giới đấu tranh dân chủ Hồng Kông hôm qua được hát lên trong các hành lang Quốc Hội Mỹ. Các đại diện của những người biểu tình ở đặc khu đến để kêu gọi ủng hộ một dự luật đặt ra điều kiện chỉ duy trì những ưu đãi đặc biệt về kinh tế cho Hồng Kông nếu nhân quyền được tôn trọng. Dự luật này cũng quy định trừng phạt tất cả những ai hủy hoại các quyền tự do căn bản ở Hồng Kông.
Dự luật bị Bắc Kinh coi là mối đe dọa, nhưng Hà Vận Thi (Denise Ho), nữ ca sĩ nhạc pop đồng thời là nhà đấu tranh dân chủ Hồng Kông cho rằng rất cần thiết.
Cô nói : Nếu Hồng Kông gục ngã, thì điều này dễ dàng trở thành sức bật cho chế độ độc tài Trung Quốc áp đặt các luật lệ, các ưu tiên của họ ở nước ngoài. Bắc Kinh sử dụng sức mạnh kinh tế để chuyển đổi những giá trị khác thành giá trị cộng sản.Tôi khẩn thiết xin Quốc Hội hãy thông qua dự luật về nhân quyền và dân chủ ở Hồng Kông. Đây không phải là kêu gọi nước ngoài can thiệp như Bắc Kinh vẫn gán cho, mà là lời kêu gọi vì nền dân chủ.
Lời kêu gọi được sự hưởng ứng của thượng nghị sĩ Marco Rubio, một nhân vật thân cận với tổng thống Donald Trump và là người bảo trợ cho dự luật. Ông nói : Chính phủ Mỹ và các nền dân chủ khác phải buộc Bắc Kinh chịu trách nhiệm về việc không thực hiện những cam kết. Hoa Kỳ và các nước khác nên hành động, cụ thể là vì Bắc Kinh được hưởng lợi từ quy chế đặc biệt dành cho Hồng Kông.
Tuy nhiên tổng thống Mỹ vẫn im lặng trước cuộc khủng hoảng đang làm rung chuyển Hồng Kông, và cũng chưa hề cam kết là sẽ phê chuẩn nếu dự luật được Quốc Hội thông qua. Donald Trump lo ngại Trung Quốc sẽ tức giận, làm ảnh hưởng đến cuộc đàm phán thương mại.
RFI tiếng Việt, 18/09/2019
********************
Đến Quốc hội Mỹ, Joshua Wong kêu gọi thông qua dự luật Hong Kong (BBC, 18/09/2019)
Joshua Wong cùng các nhà hoạt động dân chủ Hong Kong kêu gọi Quốc hội Mỹ thông qua dự luật Dân Chủ và Nhân Quyền Hong Kong để chống lại hành động vi phạm nhân quyền của Trung Quốc tại thành phố này, theo Reuters.
Joshua Wong và các nhà hoạt động Hong Kong trong phiên điều trần trước Quốc hội Mỹ hôm 17/9/2019
Trong phiên điều trần trước Ủy ban Trung Quốc của Quốc hội Mỹ hôm 17/9, các nhà hoạt động Hong Kong đồng thời bác bỏ ý kiến cho rằng dự luật này có thể không phù hợp vì sẽ khiến Hoa Kỳ can thiệp vào công việc nội bộ của Trung Quốc.
"Đây không phải là một lời biện hộ cho cái gọi là can thiệp nước ngoài. Đây là một lời biện hộ cho nền dân chủ," ca sĩ, nhà hoạt động xã hội Denise Ho nói tại phiên điều trần.
Hội đồng nhân chứng cũng kêu gọi các thành viên của Ủy ban Trung Quốc phải có hành động có thể tác động đến nền kinh tế Hong Kong.
"Bắc Kinh không thể có cả hai, gặt hái tất cả những lợi ích kinh tế từ vị thế của Hong Kong trên trường quốc tế trong khi xóa bỏ bản sắc xã hội chính trị của thành phố," Joshua Wong, Tổng thư ký đảng Demosisto của Hong Kong, phát biểu.
Các thành viên của Quốc hội tại phiên điều trần cũng thúc đẩy việc xem xét vị thế thương mại đặc biệt của Hong Kong.
"Hoa Kỳ và các quốc gia khác có lựa chọn chính xác vì Bắc Kinh được hưởng lợi từ vị thế đặc biệt của Hong Kong - một vị thế đặc biệt đã biến Hong Kong thành một trung tâm tài chính quốc tế được xây dựng dựa trên những hứa hẹn của Trung Quốc trước thế giới mà họ đang tìm cách phá vỡ," Thượng nghị sĩ Marco Rubio, thành viên đảng Cộng Hòa, đồng chủ tịch ủy ban Trung Quốc của Quốc hội Mỹ cho hay.
Hong Kong rơi vào khủng hoảng chính trị suốt hơn ba tháng qua khi người biểu tình phản đối chính phủ đụng độ dữ dội với cảnh sát do họ tức giận về can thiệp thô bạo của Bắc Kinh trong các vấn đề Hong Kong, bất chấp lời hứa tự trị.
Dự luật này đã được trình bày tại Thượng viện và Hạ viện Hoa Kỳ vào đầu năm nay. Phiên điều trần cũng xem xét một đề xuất vị trí đặc biệt mà Mỹ trao cho Hong Kong, bao gồm các đặc quyền thương mại và kinh doanh.
Đạo luật Nhân quyền và Dân chủ Hong Kong cũng sẽ khiến giới chức Trung Quốc và Hong Kong, những người làm xói mòn quyền tự trị của thành phố, dễ bị Mỹ trừng phạt.
Một dự luật khác đã được trình bày tại Quốc hội Mỹ tuần trước với sự ủng hộ của Đảng Cộng hòa và Dân chủ, là "Đạo luật Bảo vệ Hong Kong", sẽ cấm xuất khẩu thương mại một số hàng hóa dùng để kiểm soát đám đông cho lực lượng cảnh sát Hong Kong.
Dự luật này chưa được bỏ phiếu nhưng ủy ban Đối ngoại của Thượng viện và Ủy ban Ngoại giao của Hạ viện đều dự kiến tổ chức các phiên điều trần trong tuần này để bàn cách giải quyết các vấn đề liên quan đến Trung Quốc, trong đó có vấn đề Hong Kong.
Tổng thống Donald Trump, người khởi sự cuộc chiến thuế quan ăn miếng trả miếng với Trung Quốc trong hơn một năm qua, đã đề nghị Trung Quốc nên giải quyết vấn đề này một cách 'nhân văn' trước khi đạt được thỏa thuận thương mại.
Một số người lo ngại rằng các dự luật này có thể đe dọa các cuộc đàm phán thương mại vốn mong manh.
"Hy vọng chúng ta sẽ có thể thông qua dự luật này để nói rõ với Bắc Kinh rằng dân chủ là một giá trị quan trọng," Thượng nghị sĩ độc lập Angus King thuộc đảng Dân chủ cho biết.
********************
Hồng Kông : Khủng hoảng chính trị làm lụn bại kinh tế (RFI, 18/09/2019)
Phong trào biểu tình đòi dân chủ ở Hồng Kông từ đầu mùa hè đến nay đã kéo dài gần 4 tháng. Không có dấu hiệu cho thấy lối thoát cuộc khủng hoảng trong khi cái giá mà đặc khu hành chính này phải trả đã thấy rõ. Du lịch bị tác động nặng nề, hoạt động buôn bán đình đốn, các doanh nghiệp sa thải hàng loạt nhân viên.
Biểu tình trước tòa tháp Ngân Hàng Trung Quốc tại Hồng Kông ngày 15/09/2019. Reuters/Amr Abdallah Dalsh/
Những hình ảnh hàng vạn người dân Hồng Kông biểu tình trên đường phố, các vụ đụng độ dữ dội giữa người biểu tình với cảnh sát hay với các nhóm chống biểu tình lan truyền khắp thế giới trong suốt nhiều tháng qua. Du khách cũng như các doanh nhân không còn muốn đến vùng đất vốn được coi trung tâm tài chính và du lịch của thế giới.
Không một dấu hiệu nào cho thấy người biểu tình hay chính quyền lùi bước. Người ta lo ngại cuộc khủng hoảng trầm trọng này sẽ còn kéo dài. Chính quyền đặc khu hành chính đã nhiều lần đưa ra những con số báo động, quy trách nhiệm cho người biểu tình về những thiệt hại kinh tế.
Tháng trước, trưởng đặc khu Lâm Trịnh Nguyệt Nga (Carrie Lam) đã cảnh báo các hậu quả tàn phá nền kinh tế Hồng Kông có thể còn tồi tệ hơn cả vụ dịch viêm phổi cấp SARS năm 2003 và "cơn bão tài chính" năm 2008 và Hồng Kông sẽ phải rất lâu mới hồi phục được.
Vịnh Đồng La (Causeway Bay) là một trong những khu vực bị ảnh hưởng nặng nề nhất bởi các cuộc biểu tình. Khu phố tập trung rất đông các cửa hiệu hạng sang này bình thường vẫn là trung tâm mua sắm đông người nhất thành phố. Giờ đây những ngày cuối tuần, thay vì hình ảnh mọi người đến mua sắm tấp nập là cảnh tượng đụng độ giữa cảnh sát và người biểu tình.
Một dược sĩ có cửa hàng trong vịnh Đồng La, tên Chiu cho AFP biết, người nước ngoài chiếm một nửa số khách của cửa hàng, từ đầu phong trào biểu tình đến giờ, doanh thu của ông đã giảm thê thảm. Ông đã không biết bao nhiêu lần phải đóng cửa hàng và doanh thu của cửa hàng đã giảm từ 40 đến 50%. Ngay cả khách hàng địa phương cũng giảm đi rất nhiều. So với cuộc khủng hoảng phong trào Dù Vàng phong tỏa thành phố suốt 79 ngày hồi năm 2014, cửa hàng của ông bị thất thu hơn nhiều.
Đó là trường hợp của doanh nghiệp nhỏ. Du lịch mới là ngành chịu thiệt hại trực tiếp và nặng nề. Các con số thống kê trong tháng 7 và tháng 8 cho thấy tỷ lệ đặt phòng khách sạn cũng như lượng du khách giảm tới 50%. Ông Edward Yau, lãnh đạo thương mại và phát triển của chính quyền Hồng Kông cảnh báo : "Những gì đang diễn ra ở Hồng Kông những tháng qua đang đặt kinh tế và dân cư địa phương trong tình trạng đáng lo ngại, thậm chí đến mức nguy cấp".
Một quan chức khác phụ trách tài chính của thành phố, ông Paul Chan cho AFP biết số lượng du khách đến Hồng Kông đã giảm so với năm trước 40% tính đến tháng trước.
Bầu không khí xã hội căng thẳng hiện nay ở Hồng Kông khiến nhiều nước như Mỹ, Úc và Nhật bản đã lên tiếng cảnh báo các công dân của mình không nên đến Hồng Kông. Trong tháng 8, hãng hàng không lớn nhất Hồng Kông, Cathay Pacific cũng lâm vào khó khăn khi phải hủy hàng loạt chuyến bay trong vụ phi trường bị người biểu tình phong tỏa suốt nhiều ngày và tổng đình công. Lượng khách vận chuyển của Cathay Pacific trong tháng 8 giảm 11%.
Sân bay Hồng Kông, sân bay đứng hàng thứ 8 thế giới về lưu lượng khách qua lại, cũng ghi nhận giảm 12,4% lượng hành khách, tức khoảng 850 nghìn người. Khách du lịch đến từ Hoa Lục giảm đến 90% so với cùng thời kỳ này năm trước. Trước tháng 6, lượng khách Trung Quốc chiếm 80% du khách tới Hồng Kông.
Nhiều sự kiện văn hóa, thể thao cũng đã bị hủy bỏ. Trung tâm giải trí Disneyland Hồng Kông cũng bị dính đòn. Tổng giám đốc của Disney, Bob Iger ghi nhận là các cuộc biểu tình khiến lượng khách của công viên giải trí giảm đi nhiều, kinh doanh của công ty trong quý này chắc chắn sẽ bị sụt giảm mạnh.
Lĩnh vực bán lẻ, nhà hàng cũng bị thất thu nặng nề. Điều đáng lo ngại là đến nay không hề có dấu hiệu tình hình khủng hoảng được cải thiện. Ông nói : "Tôi không biết chúng tôi có thể tồn tại thế nào".
Các chuyên gia khẳng định cuộc khủng hoảng chính trị hiện nay sẽ làm trầm trọng thêm các khó khăn kinh tế mà Hồng Kông đang phải hứng chịu từ cuộc thương chiến Mỹ-Trung. Trước khi nổ ra phong trào phản kháng, kinh tế Hồng Kông đã giảm từ 4,6% xuống còn 0,6% trong quý đầu năm. Xuất khẩu của Hồng Kông trong quý đầu đã giảm sụt 5,7%. Những chỉ số thống kê của quý 3 sẽ còn tồi tệ hơn. Mục tiêu tăng trưởng năm nay từ 2 đến 3% mà chính quyền đặc khu đặt ra xem ra quá xa vời.
Nhiều cửa hiệu buôn bán nhỏ ở Hồng Kông cho AFP hay là tình hình tài chính của họ rất tồi tệ từ khi có phong trào phản kháng đòi dân chủ và tự do ở đặc khu hành chính. Hoạt động đình đốn, họ đã phải sa thải hàng loạt số nhân viên của mình từ đầu các cuộc biểu tình đến nay. Tại khu Wan Chai, chủ một cửa hiệu đồng hồ cho biết ông đã phải sa thải một nửa nhân viên. Ông nói : "Nếu các vị đi trên phố sẽ thấy nhiều cửa hàng bán đồng hồ đã đóng cửa". Các chủ cửa hàng, cửa hiệu nhỏ đều tỏ ra bi quan, không biết có tồn tại được cho đến cuối năm hay không.
Khu cảng Mongkok, khu phố bình dân luôn nhộn nhịp các hoạt động mua bán từ sáng sớm về tận đêm khuya. Tại trung tâm bán lẻ của hòn đảo, nhiều cửa hiệu, cửa hàng phải thường xuyên đóng cửa hàng sớm vì lo sợ các vụ xô xát, đập phá. Bên một sạp hàng chợ ngoài trời mở đêm, một phụ nữ bán túi xách tay giả hàng hiệu cho biết doanh thu bán hàng của bà giảm mất 5 lần so với hồi đầu năm.
Phong trào phản kháng không có chiều hướng dịu xuống, giờ đây ngay cả những tiểu thương ủng hộ phong trào dân chủ cũng cảm thấy giằng xé. Dược sĩ Chiu nói : "Tôi ủng hộ cuộc đấu tranh của trẻ thế nhưng tôi cũng còn phải lo công việc làm ăn của mình nữa chứ".
RFI tiếng Việt, 18/09/2019