Chính phủ Singapore : phát biểu của Thủ tướng Lý Hiển Long không phải là mới
RFA, 07/06/2019
Bộ Ngoại giao Singapore hôm 7/6 lên tiếng cho biết Singapore đánh giá cao mối quan hệ với cả Campuchia và Việt Nam và luôn đối xử với các nước theo tinh thần tôn trọng và hữu nghị.
Thủ tướng Singapore Lý Hiển Long ở Đối thoại Shangri-La 2019 AFP
Tuyên bố của người phát ngôn Bộ Ngoại giao Singapore được đưa ra sau khi có những phản ứng khá gay gắt từ cả Campuchia và Việt Nam về phát biểu hôm 31/5 của Thủ tướng Lý Hiển Long trên Facebook và tại Đối thoại Shangri-La rằng Việt Nam đã xâm lược Campuchia và lập nên chính phủ Campuchia thay thế Khmer Đỏ.
Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Singapore nói về quan hệ với Campuchia và Việt Nam : "Mặc dù có những khác biệt trong quá khứ, chúng tôi luôn luôn đối xử với nhau bằng sự tôn trọng và hữu nghị".
Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Singapore cũng khẳng định quan hệ song phương đã phát triển trên nhiều lĩnh vực và các bên cùng làm việc với các nước ASEAN để xây dựng một ASEAN đoàn kết.
Trong bài viết của mình trên Facebook hôm 31/5, Thủ tướng Lý Hiển Long viết rằng 5 nước ASEAN trong đó có Singapore và Thái Lan đã cùng nhau đối đầu với Việt Nam, chống lại việc Việt Nam xâm lược Campuchia hồi năm 1979.
Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Singapore cho biết những nhận xét về phần lịch sử này của khu vực Đông Dương không phải là mới.
"Chúng phản ánh quan điểm lâu dài của Singapore vốn đã được nêu công khai trước đó", người phát ngôn phát biểu, đồng thời cũng nói rằng Thủ tướng Lý Quang Diệu trước kia cũng từng nói về điều này.
Tuyên bố chung của ASEAN hồi năm 1979 khẳng định quyền tự quyết tương lai của người Campuchia, không bị ảnh hưởng bởi các thế lực bên ngoài.
Cũng trong cùng ngày 7/6, Chủ tịch Quốc hội Singapore Tan Chuan Jin viết : "Việt Nam có thể không thích những nhận xét của Thủ tướng và tôi đoán họ có thể chọn định nghĩa quá khứ theo cách của họ. Điều này không thể thay đổi được quá khứ như cách nhiều người nhìn".
Trước đó, Bộ Ngoại giao Việt Nam đã gửi công hàm phản đối phát biểu đến Đại sứ quán Singapore.
Bộ Ngoại giao Campuchia và Thủ tướng nước này hôm 6/6 cũng đã có những tuyên bố lên án phát biểu của Thủ tướng Lý Hiển Long.
Tuyên bố của Bộ Ngoại giao Campuchia có đoạn viết : "Những nhận xét này chắc chắn xúc phạm đến quân đội tình nguyện Việt Nam, những người đã hy sinh xương máu của mình, giúp giải phóng Campuchia khỏi chế độ diệt chủng".
********************
Bộ Ngoại giao Campuchia & Chủ tịch Quốc hội Singapore lên tiếng về phát biểu của Thủ tướng Lý Hiển Long
RFA, 07/06/2019
Sau phát biểu gây tranh cãi của Thủ tướng Singapore Lý Hiển Long rằng Việt Nam đã xâm lược Campuchia hồi năm 1979, Chủ tịch Quốc hội Singapore, Bộ Ngoại giao và Thủ tướng Campuchia mới đây đã có phản ứng.
Thủ tướng Singapore Lý Hiển Long AFP
Chủ tịch Quốc hội Singapore Tan Chuan-Jin viết trên facebook cá nhân hôm 7/6 rằng : "Việt Nam có thể không thích những nhận xét của Thủ tướng và tôi đoán họ có thể chọn định nghĩa quá khứ theo cách của họ. Điều này không thể thay đổi được quá khứ như cách nhiều người nhìn".
Thủ tướng Campuchia Hun Sen hôm 6/6 viết trên facebook cá nhân rằng ông rất lấy làm tiếc khi đọc được đoạn viết trên Facebook của Thủ tướng Lý Hiển Long hôm 31/5 nhân việc bày tỏ lời chia buồn về sự qua đời của cựu Thủ tướng Thái Lan Prem Tinsulanonda. Thủ tướng Hunsen cho rằng nhận xét của Thủ tướng Singapore là một lời sỉ nhục đối với những quân tình nguyện Việt Nam đã giúp giải phóng Campuchia khỏi nạn diệt chủng. Ông cũng đặt câu hỏi liệu Thủ tướng Lý Hiển Long có coi phiên tòa do Liên Hiệp Quốc hậu thuẫn xử những tội phạm Khmer Đỏ là hợp lệ hay không ?
Bộ Ngoại giao Campuchia hôm 6/6 cũng chính thức ra thông báo khẳng định bình luận của nhà lãnh đạo Singapore là chống lại sự hồi sinh của người dân Campuchia.
Thông báo của Bộ Ngoại giao Campuchia có đoạn viết : "Những nhận xét này chắc chắn xúc phạm đến quân đội tình nguyện Việt Nam, những người đã hy sinh xương máu của mình, giúp giải phóng Campuchia khỏi chế độ diệt chủng".
Trước đó, Bộ Ngoại giao Việt Nam cũng cho biết đã chính thức gửi công hàm phản đối đến Đại sứ quán Singapore về phát biểu của Thủ tướng Lý Hiển Long.
*********************
Tranh cãi Lý Hiển Long : Singapore đưa ra quan điểm chính thức
BBC, 07/06/2019
Bộ Ngoại giao Singapore cuối ngày 7/6 ra tuyên bố dài giải thích quan điểm chính thức sau khi Campuchia và Việt Nam phản đối Thủ tướng Lý Hiển Long.
Thủ tướng Hun Sen đón tiếp Thủ tướng Lý Hiển Long ở Phnom Penh năm 2005
Thông cáo nói : "Singapore rất coi trọng quan hệ với Campuchia và Việt Nam.
Bất chấp khác biệt trong quá khứ, chúng tôi đã luôn đối xử với nhau với sự tôn trọng và bằng hữu. Quan hệ song phương đã tăng trong nhiều lĩnh vực, và chúng tôi hợp tác với các nước Đông Nam Á khác để xây dựng Asean thống nhất và đoàn kết.
Đó là bối cảnh trong lá thư chia buồn cũng như diễn văn Đối thoại Shangri-La của Thủ tướng Lý.
Việc ông nhắc tới chương đau thương trong lịch sử Đông Dương không có gì mới. Nó phản ánh quan điểm từ lâu của Singapore, mà cũng đã từng nói công khai trước đây.
Thủ tướng sáng lập, Lý Quang Diệu, từng viết về chuyện này trong hồi ký. Asean (khi đó gồm 5 thành viên) cũng từng nêu quan điểm về Campuchia trong tuyên bố chung gửi Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc năm 1979, "khẳng định quyền của nhân dân Campuchia được tự quyết tương lai, không bị can thiệp hay ảnh hưởng từ ngoại quyền để thực thi quyền tự quyết".
Thông cáo nói tiếp rằng Singapore "không có cảm thông cho Khmer Đỏ, không muốn thấy Khmer Đỏ quay lại Campuchia".
"Năm 1988, Asean từng bảo trợ các nghị quyết Đại hội đồng lên án Khmer Đỏ để bảo đảm họ không được tham gia mọi chính phủ sau này ở Campuchia.
Singapore và Asean đã nhiệt tình giúp đỡ nhân đạo cho nhân dân Campuchia".
Bộ ngoại giao Singapore nói Thủ tướng của họ nhắc lại giai đoạn lịch sử "để giải thích làm thế nào mà khả năng lãnh đạo và viễn kiến đã giúp chấm dứt các cuộc chiến bi thương gây ra đau khổ cho nhân dân Đông Dương, đem lại hòa bình và hợp tác ở khu vực ngày nay".
"Ông cũng muốn nhấn mạnh rằng không thể xem ổn định và thịnh vượng trong vùng, và đoàn kết Asean là điều nghiễm nhiên mà có. Bất an địa chính trị hiện nay lại càng khiến Asean phải duy trì đoàn kết, thống nhất, và tăng cường hợp tác".
Singapore tiết lộ Ngoại trưởng của họ Vivian Balakrishnan đã gọi điện riêng cho Phó Thủ tướng kiêm ngoại trưởng Việt Nam Phạm Bình Minh, và Phó Thủ tướng kiêm ngoại trưởng Campuchia Prak Sokhonn hôm 7/6.
Theo đó, Ngoại trưởng Singapore đã giải thích quan điểm chính thức.
Thông cáo Singapore nói : "Các bên đồng ý rằng bất chấp khác biệt nghiêm túc trong quá khứ, chúng tôi đã chọn con đường hợp tác, đối thoại và tình bạn".
Thông cáo Singapore kết thúc bằng câu : "Singapore quyết tâm xây dựng quan hệ tốt với Việt Nam và Singapore, và hy vọng quan hệ có thể tiếp tục mạnh mẽ dựa trên niềm tin và sự thẳng thắn".
Chủ tịch Quốc hội Singapore phát biểu
Trước đó, trong ngày 7/6, Chủ tịch Quốc hội Singapore nói tranh cãi về phát ngôn của Thủ tướng Lý Hiển Long không thể thay đổi quá khứ "xâm lược" Campuchia, và cũng không thay đổi hiện tại là "bạn tốt" giữa Singapore và Việt Nam.
Viết trên Facebook cá nhân ngày 7/6, ông Tan Chuan-Jin nói : "Việt Nam có thể không thích một số bình luận của Thủ tướng, và tôi đoán họ có thể lựa chọn định nghĩa quá khứ theo cách họ thấy thích hợp".
"Điều này không thay đổi quá khứ như cách nhiều người nhìn. Nó cũng không ảnh hưởng việc chúng ta là bạn tốt, hay láng giềng tốt ngày hôm nay. Chúng tôi quyết tâm giữ vững điều đó".
Hôm 31/5, Thủ tướng Singapore Lý Hiển Long nói trên Facebook cá nhân về việc cựu thủ tướng Thái Lan Prem Tinsulanonda qua đời.
Việt Nam và Campuchia chính thức phản đối vì ông Lý Hiển Long viết :
"Thời điểm ông ấy (Prem Tinsulanonda) làm thủ tướng trùng với thời điểm năm nước thành viên ASEAN cùng nhau chống lại sự xâm lược của Việt Nam vào Campuchia và chính phủ Campuchia sau đó đã thay thế chế độ Khmer Đỏ".
Thái Lan lúc đó ở chiến tuyến, đối mặt với quân đội Việt Nam tràn qua biên giới giữa họ và Campuchia. Tướng Prem khi đó đã kiên quyết không chấp nhận hành động này, và đã làm việc với các đối tác ASEAN để phản đối sự chiếm đóng của Việt Nam trên các diễn đàn quốc tế. Điều này ngăn cản một cuộc xâm lược quân sự và thay đổi chế độ không bị hợp pháp hóa".
Bộ trưởng quốc phòng Campuchia Tướng Tea Banh nói bình luận của ông Lý "không thể chấp nhận".
Thủ tướng Campuchia Hun Sen hôm 7/6 nói trên Facebook : "Tuyên bố của ông cũng là một sự xúc phạm đến sự hi sinh lính tình nguyện Việt Nam đã giúp giải phóng Campuchia khỏi chế độ diệt chủng. Tuyên bố của ông đã nói với thế giới và nhân dân Singapore rằng các lãnh đạo Singapore đã nhúng tay vào việc thảm sát người Campuchia".
Cùng ngày 7/6, Chủ tịch Quốc hội Singapore Tan Chuan-Jin viết trên Facebook rằng các sự kiện Đông Dương diễn ra trong quá khứ gần, và "tình hình nghiêm trọng khi đó ám ảnh cơ quan an ninh chúng tôi".
"Những ai dính líu sẽ biết rằng đe dọa của chủ nghĩa cộng sản và sự lây lan của nó về phía nam đã là quan ngại nghiêm trọng", ông Tan Chuan-Jin viết.
Ông Tan nói : "Việt Nam có thể không thích một số bình luận của Thủ tướng, và tôi đoán họ có thể lựa chọn định nghĩa quá khứ theo cách họ thấy thích hợp".
"Điều này không thay đổi quá khứ như cách nhiều người nhìn. Nó cũng không ảnh hưởng việc chúng ta là bạn tốt, hay láng giềng tốt ngày hôm nay. Chúng tôi quyết tâm giữ vững điều đó".
Ông Tan thừa nhận rằng một số người Singapore đã phản đối Thủ tướng Lý Hiển Long.
"Điều kỳ lạ là một số người Singapore (tôi giả thiết đây là người thật, chứ không phải người giả của các nước) lại vui vẻ nhảy vào và phản đối chính phủ, không đếm xỉa tới lịch sử".
"Có lẽ họ đã chưa đọc hay chưa hiểu về những gì đã xảy ra ? Hay tệ hơn. Họ biết nhưng vẫn chê bai vì có lợi về mặt chính trị".
Ông Tan kêu gọi độc giả hãy đọc thêm về lịch sử.
"Đó là một loạt sự kiện quan trọng cho một quốc gia non trẻ, và thật không may nếu lãng quên nó chỉ vì một số người chọn cách làm chính trị thay vì cảm thức quốc gia".
Thủ tướng Hun Sen và Thủ tướng Lý Hiển Long dự hội nghị Asean ở Phnom Penh năm 2012
Bài của Thủ tướng Hun Sen
Trong khi đó, Thủ tướng Campuchia Hun Sen ngày 7/6 viết trên Facebook.
"Phát ngôn của ông Lý cho thấy quan điểm ủng hộ lúc đó của Singapore đối với chế độ diệt chủng và mong muốn nó quay trở lại Campuchia như thế nào.
Các phát ngôn của ông Lý còn là sự xúc phạm đến sự hi sinh của bộ đội tình nguyện Việt Nam, những người đã giúp giải phóng Campuchia khỏi chế độ diệt chủng.
Tuyên bố của ông còn nói với thế giới và nhân dân Singapore rằng các lãnh đạo Singapore đã nhúng tay vào việc thảm sát người Campuchia.
Điều cuối cùng, tôi hỏi liệu ông, Lý Hiển Long, có còn xem các phiên tòa xét xử lãnh đạo Khmer Đỏ là hợp pháp hay không ?"
Trang Facebook của Samdech Hun Sen, Cambodian Prime Minister
Báo Hong Kong South China Morning Post ngày 6/6 cũng tường thuật tranh cãi đang xảy ra.
Tờ báo này hỏi nhà ngoại giao Singapore đã nghỉ hưu Bilahari Kausikan.
Ông Kausikan hôm 5/6 trả lời ngắn gọn : "Triết gia George Santayana từng nói, Những ai không thể nhớ lịch sử sẽ dễ lặp lại nó. Vị bộ trưởng Campuchia nên chiêm nghiệm câu này".
Cũng tờ South China Morning Post dẫn lời tiến sĩ người Campuchia Sophal Ear đang dạy ở Occidental College ở Los Angeles.
Ông Sophal Ear trả lời bình luận của Thủ tướng Lý Hiển Long "đúng về mặt chi tiết (factually correct)".
"Dĩ nhiên, Phnom Penh muốn viết lại lịch sử, đòi những ai phản đối chính quyền do Việt Nam bảo trợ thập niên 1980 phải xin lỗi, vì những ai chống đối họ đều là thân Khmer Đỏ".
Sophal Ear nói tiếp : "Việt Nam đã xâm lược Campuchia (Vietnam had invaded Cambodia)".
Năm 2011, trong một diễn văn, cựu phó thủ tướng Singapore Wong Kan Seng nói vấn đề Campuchia khi đó thách thức Singapore.
Phát biểu tại Học viện ngoại giao Singapore, Wong Kan Seng nói : "Việc xâm lược một nước nhỏ của một láng giềng lớn hơn, lật đổ một chính phủ hợp pháp bằng thế lực bên ngoài, và áp đặt bộ máy ủy nhiệm bởi một ngoại bang đã là thách thức trực tiếp cho căn bản chính sách ngoại giao của chúng ta".
****************
Vì sao thủ tướng Singapore khơi lại việc Việt Nam ‘xâm lược’ Campuchia ?
VOA, 07/06/2019
Phát biểu khơi lại chuyện Việt Nam "xâm lược" Campuchia cuối thập niên 1980 của Thủ tướng Singapore Lý Hiển Long tiếp tục gây ra phản ứng mạnh mẽ từ Việt Nam và Campuchia với việc Thủ tướng Hun Sen cáo buộc người đứng đầu Singapore ủng hộ chế độ diệt chủng Pol Pot.
Thủ tướng Singapore Lý Hiển Long (trái) và Thủ tướng Việt Nam Nguyễn Xuân Phúc (giữa) tại Trung tâm Báo chí Quốc gia ờ Hà Nội trước phiên khai mạc Diễn đàn Kinh tế Thế giới ASEAN hôm 12/9/2018. Ông Lý đã gây ra tranh cãi về phát biểu nhắc lại việc Việt Nam "xâm lược" Campuchia.
Thủ tướng Lý tuần trước đưa ra lời phát biểu trong bài diễn văn ở Đối thoại Shangri-La và trên Facebook cá nhân rằng Việt Nam đã "xâm lược" Campuchia, khi đề cập đến thời gian quân đội Việt Nam "chiếm đóng" nước này từ năm 1979, trong bối cảnh Việt Nam đang mưu tìm sự ủng hộ của cộng đồng quốc tế để trở thành ủy viên không thường trực của Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc.
"Đây có lẽ là một sự rạn nứt nghiêm trọng nhất mà chúng ta được biết", Giáo sư Carl Thayer của Đại học New South Wales nói với VOA khi nhận định về phản ứng của Việt Nam và Campuchia trước phát biểu của người đứng đầu Singapore.
Phần đăng tải của Thủ tướng Lý Hiển Long nói về việc Việt Nam "xâm lược" Campuchia.
Tại sao lúc này ?
Chuyên gia về các vấn đề Việt Nam cho rằng đây là vấn đề rất nhạy cảm đặc biệt trong bối cảnh "Việt Nam đang chuẩn bị được bầu vào Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc với tư cách là thành viên không thường trực".
Phát biểu của Thủ tướng Lý đưa ra khi chỉ một tuần trước khi Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc bỏ phiếu bầu 5 thành viên không thường trực vào ngày 7/6 và Việt Nam là ứng cử viên duy nhất từ khu vực Châu Á-Thái Bình Dương và "có cơ hội lớn trúng cử", theo truyền thông trong nước.
Từ Canada, Luật sư Vũ Khanh nói với VOA rằng "liệu có một chiến dịch gì đó đang được dàn dựng để hạn chế ảnh hưởng của Hà Nội trên trường quốc tế, nhất là trong bối cảnh Việt Nam đang là ứng viên duy nhất của khu vực Châu Á-Thái Bình Dương cho một trong 5 ghế không thường trục của Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc mà hôm nay sẽ biểu quyết ?".
Trong bài phát biểu của mình tại diễn đàn an ninh khu vực thường niên có tên Đối thoại Shangri-La tổ chức ở Singapore hôm 31/5, ông Lý đề cập đến lịch sử hình thành của Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN), trong đó ông nhấn mạnh ý định ban đầu của ASEAN là nhằm lập "liên minh quân sự" để chống lại xu thế lan rộng của chủ nghĩa Cộng sản ở Đông Nam Á trong những năm đầu Chiến tranh lạnh.
Việc ông Lý nhắc đến lịch sử "Việt Nam xâm lược Campuchia" tại một diễn đàn quốc tế lớn, trong năm mà Việt Nam kỷ niệm 40 năm ngày chiến thắng chế độ Khmer Đỏ, gây thắc mắc cho nhiều người.
Trang tin Hoa Ngữ độc lập đa chiều hôm 4/6 đăng bài của tác giả Trữ Ân nhan đề "Phát biểu của ông Lý Hiển Long tại Đối thoại Shangri-La rốt cục nói thay cho ai", được VietTimes đăng tải lại bằng tiếng Việt, nói rằng "hẳn ông (Lý) biết rằng Việt Nam ngày nay vẫn coi việc họ đưa quân vào Campuchia là một cuộc chiến chính nghĩa".
Tuy nhiên, giải thích trong một thông cáo báo chí ra ngày 7/6, Bộ Ngoại giao Singapore nói thủ tướng của họ nhắc lại giai đoạn lịch sử "để giải thích làm thế nào mà khả năng lãnh đạo và viễn kiến đã giúp chấp dứt các cuộc chiến bi thương gây ra đau khổ cho nhân dân Đông Dương, đem lại hòa bình và hợp tác ở khu vực ngày nay".
"Xâm lược" hay không ?
Giáo sư Thayer nói với VOA hôm 7/6 từ Canberra rằng ông gọi việc Việc Nam đưa quân vào Campuchia cách đây 4 thập kỷ là "một sự can thiệp quân sự"và rằng Thủ tướng Lý đáng ra nên "thận trọng" trong việc lựa chọn từ ngữ của mình khi nói về vấn đề này.
"Việc này làm sống lại một lịch sử mà trong đó chúng ta không thể thanh minh và ủng hộ cho bất kỳ việc giết người hàng loạt và diệt chủng (nhân loại) nào", Giáo sư Thayer nói.
Bộ trưởng Quốc phòng Campuchia Tea Banh khẳng định hôm 3/6 rằng "đội quân tình nguyện Việt Nam đã đến để giải phóng nhân dân chúng tôi". Sau đó, người đứng đầu Campuchia, Hun Sen, viết trên Facebook cá nhân rằng phát biểu của ông Lý "phản ánh quan điểm của Singapore ủng hộ chế độ diệt chủng và mong nó quay trở lại Campuchia".
Ước tính khoảng từ 1,7 cho đến 2 triệu người dân Campuchia bị giết hại trong 4 năm cầm quyền của Khmer Đỏ.
Bộ Ngoại giao Singapore hôm 7/6 nói rằng nước ngày "không có cảm thông cho Khmer Đỏ, không muốn thấy Khmer Đỏ quay lại Campuchia".
Ngoại trưởng Phạm Bình Minh hôm 7/6 cho biết ông đã có "một cuộc nói chuyện chân tình qua điện thoại với Ngoại trưởng Singapore Vivian (Balakrishnan) về phát biểu gây tổn thương của Thủ tướng Lý (Hiển Long)".
Trong một dòng đăng tải trên Twitter, ông Minh viết ông "nhắc nhở (ngoại trưởng Singapore) về kỷ niệm 40 năm chiến thắng chế độ diệt chủng Khmer Đỏ và phán quyết của ECCC (tòa án xét xử tội ác diệt chủng ở Campuchia). Sự hy sinh của quân tình nguyện Việt Nam trong việc giúp người dân Campuchia xứng đáng được trân trọng".
Dư luận trong nước Việt Nam đã phản ứng gay gắt trước phát biểu của Thủ tướng Singapore khi nhiều người kêu gọi ông Lý đưa ra lời xin lỗi và thậm chí còn kêu gọi tẩy chay không đi du lịch Singapore.
Trước những phản ứng gay gắt từ Việt Nam và Campuchia, Chủ tịch Quốc hội Singapore Tan Chuan-Jin hôm 7/6 nói phát biểu của Thủ tướng Lý không thay đổi hiện tại là "bạn tốt" giữa Singapore và Việt Nam. Tuy nhiên ông Tan nói điều này cũng không thể thay đổi quá khứ "xâm lược" Campuchia "như mọi người nhìn nhận nó".
Việt Nam và Singapore là đối tác chiến lược từ năm năm 2013 trong chuyến thăm chính thức Việt Nam của Thủ tướng Lý Hiển Long. Năm ngoái, hai nước kỷ niệm 45 năm ngày thiết lập quan hệ ngoại giao và Singapore là nhà đầu tư vào Việt Nam lớn nhất trong khối ASEAN.
Tuy nhiên Việt Nam đang được coi là một trong những nền kinh tế phát triển nhanh chóng nhất thế giới và theo đánh giá của Bloomberg gần đây, quy mô kinh tế của Việt Nam sẽ lớn hơn của Singapore vào năm 2029.
Cùng ngày ông Lý đưa ra phát biểu gây tranh cãi, truyền thông Singapore đăng bản tin : "Được lợi từ thương chiến Mỹ-Trung, dự kiến nền kinh tế Việt Nam sẽ vượt qua Singapore sau 10 năm nữa".
***************
Singapore đáp lại phản đối của Việt Nam về tuyên bố của Lý Hiển Long
Thanh Phương, RFI, 07/06/2019
Nhật báo The Strait Times hôm nay, 07/06/2019, loan tải tuyên bố của chủ tịch Quốc Hội Singapore sau khi Việt Nam phản đối phát biểu của thủ tướng Lý Hiển Long cho rằng Việt Nam trước đây đã "xâm lược" và "chiếm đóng"Cam Bốt.
Thủ tướng Singapore Lý Hiển Long (P) và Thái Lan Prayut Chan O Cha bên lề hội nghị Á - Âu Bruxelles. Tháng 10/2018.Olivier Hoslet/Pool via Reuters
Trên mạng xã hội Facebook ông Tan Chuan-Jin viết, Hà Nội có thể phản đối tuyên bố gần đây của thủ tướng Lý Hiển Long về cuộc can thiệp quân sự của Việt Nam vào Cam Bốt năm 1978, "nhưng điều đó không làm thay đổi quá khứ theo cái nhìn của nhiều người, cũng như điều đó không ngăn cản việc chúng ta bây giờ là những người bạn tốt và những người láng giềng tốt".
Đến buổi tối, bộ Ngoại Giao Singapore ra tuyên bố khẳng định nước này vẫn mong muốn xây dựng mối quan hệ tốt với Việt Nam và Cam Bốt, bày tỏ hy vọng là các mối quan hệ này tiếp tục phát triển dựa trên sự thẳng thắn và tin cậy. Bản tuyên bố nói thêm là mặc dù có những bất đồng trong quá khứ, ba nước đã vẫn đối xử nhau trong tinh thần tôn trọng và hữu nghị. Bộ Ngoại Giao Singapore giải thích bối cảnh của những phát biểu của thủ tướng Lý Hiến Long, khẳng định những phát biểu đó phản ánh quan điểm từ lâu của Singapore, đã nhiều lần được công khai nêu lên.
Thứ Sáu tuần trước (31/05/2019), trên trang Facebook cá nhân, khi chia buồn về cái chết của cựu thủ tướng Thái Lan Prem Tinsulanonda ngày 26/05/2019, thủ tướng Singapore Lý Hiển Long đã viết, tướng Prem Tinsulanonda cầm quyền vào thời điểm mà năm nước ASEAN (Thái Lan, Malaysia, Philippines, Indonesia và Singapore) đều chống "cuộc xâm lăng" của Việt Nam vào Cam Bốt. Các nước ASEAN vào lúc đó cũng chống lại chính phủ Cam Bốt được dựng lên thay thế chính quyền Khơme Đỏ. Ông Lý Hiển Long còn viết thêm, tướng Prem lúc đó nhất quyết không chấp nhận "việc đã rồi" và trên các diễn đàn quốc tế đã cùng với các đối tác ASEAN chống lại "sự chiếm đóng" của Việt Nam.
Theo ông Lý Hiển Long, chính hành động đó của các nước ASEAN đã ngăn chận việc xâm lược quân sự và thay đổi chế độ trở thành chính đáng, đồng thời bảo vệ được an ninh cho các nước ASEAN khác.
Thủ tướng Singapore cũng đã nhắc lại điều này trong bài phát biểu tại Diễn đàn An ninh Sanghri-La trong ngày 31/05/2019.
Trong cuộc họp báo hôm 06/06/2019, phát ngôn viên bộ Ngoại Giao Lê Thị Thu Hằng cho biết là Việt Nam đã gởi công hàm cho đại sứ quán Singapore ở Hà Nội và bà tin rằng "phía Singapore hiểu rõ được thông điệp của Việt Nam".
Trước đó, một ngày, khi trả lời câu hỏi của phóng viên về tuyên bố của thủ tướng Lý Hiển Long, phát ngôn viên Lê Thị Thu Hằng cũng đã tuyên bố : "Việt Nam lấy làm tiếc đã có một số nội dung phát biểu phản ánh không khách quan thực tế lịch sử, gây tác động không tốt đến dư luận. Bộ Ngoại Giao Việt Nam đã trao đổi với bộ Ngoại Giao Singapore về vấn đề này".
Về phía Cam Bốt, theo nhật báo Khmer Times, trên trang Facebook tối 06/06/2019, thủ tướng Hun Sen cũng đã "lấy làm tiếc" về phát biểu của thủ tướng Singapore. Ông Hun Sen cho rằng tuyên bố của ông Lý Hiển Long là "một hành động chống lại sự tồn tại của nhân dân Cam Bốt" và cũng là "một sự xúc phạm đến sự hy sinh của tình nguyện quân Việt Nam đã giúp giải phóng Cam Bốt khỏi chế độ diệt chủng".
Thanh Phương
Bà Nguyễn Thị Dễ, cư dân thị trấn Ba Chúc kể rằng hồi đó ở khu nhà mồ Ba Chúc có để câu nhắc nhớ về kẻ thù hậu thuẫn cho Pôn Pốt giết người dân nơi đây chính là ‘bành trướng Bắc Kinh’. Giờ thì nhà mồ được xây lại vài lần rồi, và câu nhắc nhở ấy cũng đã không còn nữa.
Cây dầu cổ thụ trên 300 tuổi đó ở Ba Chúc được xem là biểu hiện sức sống trường tồn của người dân nơi đây, bất chấp ‘giặc là ai’… Ảnh : M.Trí
Trong ngày còn lại của năm cũ Mậu Tuất, tôi về thăm lại Ba Chúc, một thị trấn miền biên viễn của An Giang với dãy thất sơn phân ranh giới với xứ chùa tháp Campuchia. Nơi đây chiến tranh đã đi qua với bao tàn khốc mà nói như lời ông Hai Tổng, thủ nhang chùa Phi Lai của đạo Tứ Ân Hiếu Nghĩa, cả thời kháng Pháp rồi chống Mỹ, người dân nơi đây nếu có thiệt mạng thì cũng do tên bay, đạn lạc chứ ‘giặc’ không hề giết dân. "Bởi vậy nên tụi tui đâu có chịu di tản, bỏ lại đất đai mồ mả ông bà, rồi chén cơm manh áo mưu sinh sẽ biết ra sao nếu rời nó ?", ông Hai Tổng trải lòng.
Tháng ba âm lịch hàng năm ở Ba Chúc có một lễ giỗ chung cho hơn 1.000 người dân vô tội đã bị giặc Pôn Pốt giết hại. Kỷ Hợi này, là lần giỗ thứ 41. "Đến tận hôm nay tụi tui vẫn không thể lý giải nỗi vì sao họ lại tàn ác đến như vậy ?", một đồng nghiệp ở Đài Truyền hình tỉnh An Giang chia sẻ. Tư liệu phỏng vấn của đồng nghiệp từ Hãng phim TFS được trích dẫn ở bài viết này, sẽ cho thấy một trong những nguyên nhân gián tiếp đưa đến cái chết của người dân vô tội sau năm 1975, là từ men say chiến thắng, đưa đến lỗi nhận định ở những quan chức cấp cao nhất của Đảng cộng sản Việt Nam.
Đại tá Đoàn Thanh Long, nguyên Tham mưu phó Mặt trận 479, kể lại câu chuyện của gần 44 năm về trước. Ông nói sau chiến thắng tháng tư, 1975 thì quân đội phần lớn chuyển sang làm kinh tế :
"Bộ đội mình còn lại là bộ ‘khung’. Sư 5 còn một trung đoàn thôi mà. Một trung đoàn đó đi càn quét Fulro ở đường 20, còn nhiêu thì đi sản xuất hết !".
Đại tá Nguyễn Ngọc Lân, nguyên Trưởng phòng Quân báo Quân khu 7, cho biết từ hơn 1 triệu quân, rút xuống còn chưa đến một nửa :
"Phần lớn đi làm kinh tế. Lực lượng thường trực thì tổ chức rất yếu, chất lượng giảm sút, cán bộ mới thì trẻ, cho nên tinh thần sẳn sàng chiến đấu là rất kém. Gần như chúng ta chưa chuẩn bị đối phó với một cuộc chiến tranh xảy ra trên biên giới… Khi ấy, chỉ thị của Hà Nội đối với các đơn vị vũ trang ở địa phương là "nỗ lực bảo vệ nhân dân, bằng mọi giá phải giữ cho được tình hữu nghị, tránh đụng độ giữa hai nước", Đại tá Lân nói.
Thiếu tướng Lê Xã Hội, nguyên Phó Tư lệnh, Tham mưu trưởng Quân khu 9, kể :
"Từ Quân khu 5 cho đến Quân khu 7, Quân khu 9 đều nhận thức rằng đối phương tức là địch bắt đầu phản động. Còn do ai xúi giục thì không biết. Nhưng khẳng định rằng họ sẽ tấn công Việt Nam. Mình báo cáo lên cấp trên thì ở trên lại không tin".
Đại tá Hồ Sơn Đài, nguyên Trưởng phòng Khoa học quân sự Quân khu 7 cho biết tâm lý chung lúc ấy là… ‘ngỡ ngàng’.
"Ngỡ ngàng. Ngỡ ngàng là cái từ đúng nhất để nói lên cái tâm thế của các đơn vị vũ trang của Việt Nam lúc bấy giờ. Chúng ta ngỡ ngàng mà đến khi cuộc chiến buộc phải chúng ta phải cầm súng để bảo vệ chủ quyền và bảo vệ lãnh thổ, thì chúng ta đã thực hiện một cuộc chiến đấu trông rất lúng túng. Lúng túng vì trước hết chúng ta chưa xác định được tính chất của cuộc chiến tranh. Chúng ta chưa xác định được rõ kẻ thù. Chúng ta chưa hiểu kẻ thù và cách đánh của kẻ thù. Và chúng ta vừa đánh, vừa tự hỏi ‘ồ, sao nhỉ, sao lại như thế ?’. Quá trình đó kéo dài bắt đầu từ tháng tư năm 1977 cho đến tháng 5 năm 1978".
(Nguyên văn trích băng hình lời của đại tá Hồ Sơn Đài)
Sự ngỡ ngàng này theo lý giải của đại tá Đoàn Thanh Long, thì :
"Trước đó nó là bạn. Mình ăn chung với nó, mình ngủ chung với nó. Mình sinh hoạt kề cận với nó, lúc chưa giải phóng toàn Campuchia. Chuyện xảy ra là có thể có cái gì đó, xung đột gì đó, đụng chạm gì đó. Ngay Sư 1 xuống dưới đó, thằng Tà Mốc trước đây là cái thằng rất thân với mình, hồi cái thời đánh Pháp. Bây giờ nó oánh, nó diệt mình một đại đội chứ ít sao ?".
Trung tướng Khuất Duy Tiến, nguyên Cục trưởng Cục Quân lực Bộ Tổng Tham mưu, nói rằng ông đã không tưởng tượng được tại sao xảy ra cái chuyện đến vậy :
"Giữa mình, ba dân tộc Đông Dương với nhau. Mình với Campuchia như răng với môi, như anh em ruột thịt như thế mà tại sao họ làm như thế này ?".
Một câu hỏi được đặt ra là làm thế nào để một Campuchia khi đó, có từ 6 đến 7 triệu người lại dám gây chiến với một Việt Nam có tới hơn 50 triệu dân ? Phải đến cuối năm 1977, Đảng cộng sản Việt Nam mới thừa nhận sự thật ở lời xa gần của cố Bộ trưởng Ngoại giao Nguyễn Cơ Thạch :
Vì sao một nước Israel có hơn 3 triệu dân lại dám xâm lăng một nước Ai Cập có tới 35 triệu dân ? Vì sau lưng Israel có cả sức mạnh của Hoa Kỳ làm chỗ dựa. Và Khmer đỏ cũng vậy. Việt Nam đã phải trả một cái giá quá đắt vì sự mất cảnh giác của mình...
Răng với môi mà còn giết nhau đầy thù hận như vậy, sá gì chuyện kiểu bạn vàng 16 tốt giữa hai đảng cộng sản Việt – Trung.
Người xứ bảy núi Tri Tôn nói với người viết rằng hãy chụp hình cây dầu hơn 300 năm tuổi của thị trấn Ba Chúc. Cây dầu cổ thụ đó được xem là biểu hiện sức sống trường tồn của người dân nơi đây, bất chấp ‘giặc là ai’…
Minh Châu
Nguồn : VNTB, 31/01/2019
Một nửa chiếc bánh mì vẫn là chiếc bánh mì, nhưng một nửa sự thật thì không còn là sự thật. Kỷ niệm 40 năm lật Khmer đỏ mà không được phép nhắc tới vai trò Trung Quốc và rút ra các bài học đắt giá của những năm tháng Việt Nam từ "bộ đội nhà Phật" trở thành kẻ chiếm đóng, thì ý nghĩa của mùa kỷ niệm liệu còn gì ?
Biểu diễn nghệ thuật kỷ niệm cuộc chiến chống Khmer Đỏ ở Campuchia hôm 4/1/2018 tại Hà Nội - AFP
--------------------
Mồng 7/1 năm nay trong nước kỷ niệm khá ồn ào, từ tội ác của Khmer đỏ đến tình đoàn kết Việt Nam-Campuchia. Tuy nhiên, hai thực thể hiển nhiên ai cũng nhớ thì báo chí lề phải không được "xớ rớ" tới. Thứ nhất, "Trung Quốc là người ‘bảo mẫu’ cho chế độ Khmer đỏ". Thứ hai, "cái bẫy Trung Quốc dựng lên hồi bấy giờ đã khiến Việt Nam chảy máu, bị cô lập tuyệt đối trên trường quốc tế suốt 12 năm".
Kỷ niệm 40 năm lật Khmer đỏ mà không cho phép nhắc tới vai trò Trung Quốc và rút ra các bài học đắt giá của những năm tháng Việt Nam từ anh hùng giải phóng, trở thành kẻ chiếm đóng, thì ý nghĩa của lễ kỷ niệm liệu còn gì ?
Bỉnh bút Naya Chanda mô tả dịp này 40 năm trước, các cố vấn Trung Quốc lang thang trong các khu rừng rậm ở miền tây Campuchia đến 61 ngày, ngủ trong lều lợp cỏ tranh, ăn đồ hộp. Sứ mệnh của những nhà ngoại giao ấy chỉ chấm dứt khi Việt Nam tấn công vào thủ phủ của Pol Pot trong rừng già.
Một lãnh đạo của Khmer Đỏ là Ta Mok (phải) đang chào đón quan chức đại diện Trung Quốc trong giai đoạn từ năm 1975 đến 1979 AFP
Chiều 11/4/1979 vị đại sứ Trung Quốc cùng với bảy đồng nghiệp quần áo bẩn thỉu nhếch nhác, nước mắt đầm đìa lặng lẽ trốn qua Thái Lan. "Lần đầu tiên, đại diện của một vương triều trung tâm (tức là Trung Quốc) phải trốn chạy khỏi một vùng đất chư hầu (Campuchia) một cách thật tủi nhục" [1].
Mặc dù chiến thắng về mặt quân sự, nhưng theo ước tính, khoảng 25.000 chiến binh Việt đã mất mạng ở CPC từ tháng 12/1978 đến tháng 9/1989. Huy Đức trích từ trang mạng "SOHA", dẫn lời tướng Hoàng Kiền, cho biết 12 vạn (120.000) bộ đội Việt Nam đã hy sinh trong các cuộc xung đột Tây Nam và trên biên giới phía Bắc (1977 - 1989).
Hàng chục vạn người lính khác đã để lại một phần cơ thể họ trên đất nước chùa Tháp, nhiều chàng trai trong số họ để lại đôi chân trần, bởi một loại mìn rất đặc biệt do Trung Quốc chế tạo, không gây chết người nhưng cắt đứt luôn cả hai chân. (Không cho nạn nhân chết, chỉ để lại gánh nặng cho xã hội và chứng nhân cho lịch sử) [2]. Thế mới thấy "Chủ nghĩa nhân văn Tàu" thật rùng rợn ! Lịch sử cứ như mới hôm qua đây thôi, cần được ôn lại một cách nghiêm túc và sòng phẳng !
Đối với Trung Quốc, "cuộc trường chinh" của họ từ bấy đến giờ xem ra lại "có hậu". Hun Sen từng bị Đặng Tiểu Bình coi là "con rối của Việt Nam", nay lại là đồng minh trung thành nhất của Bắc Kinh. Ngày nay, Campuchia đang có dấu hiệu biến thành một tỉnh của Trung Quốc.
Trước đây, Hun Sen từng tố cáo Trung Quốc là "kẻ chống lưng cho Khmer Đỏ", nhưng năm 2012, Hun Sen công khai giúp Bắc Kinh ngăn chặn việc ASEAN ra thông cáo chung tại thượng đỉnh hàng năm, đồng lõa với hành vi bành trướng của Trung Quốc trên Biển Đông.
Thủ tướng Campuchia Hun Sen (giữa) vẫy tay trong lễ kỷ niệm đánh dấu 40 năm lật đổ Khmer Đỏ ở Sân vận động Olympic ở Phnom Penh hôm 7/1/2019 AFP
Đặc biệt, bước sang 2018, khi Trung Quốc thực hiện "Dự án Koh Kong" thì đến cả lợi ích kinh tế lẫn chủ quyền quốc gia, Hun Sen cũng sẵn sàng hy sinh nốt. Tờ "Asia Times" nhận định : "Bắc Kinh đã có thể tận dụng ảnh hưởng của mình để biến CPC thành căn cứ cho mục tiêu chiến lược lâu dài của họ trên toàn vùng Đông Nam Á".
Chẳng thế, không phải ngẫu nhiên, ngày 7/12/2018 Hun Sen đã phải sang tận Hà Nội để bảo đảm với Nguyễn Xuân Phúc, rằng Hiến pháp CPC không cho phép bất cứ nước nào đặt căn cứ quân sự trên lãnh thổ của mình. Trong khi trước đó, truyền thông quốc tế lại đưa tin, Trung Quốc đã vận động hành lang CPC từ năm 2017 để thiết lập một căn cứ quân sự ở Koh Kong trong Vịnh Thái Lan.
Ông Hun Sen phủ nhận ngay những đồn đại trên và cho đấy là bịa đặt. Nhưng "thanh minh tức là thú nhận", nhất là ở một đất nước có 43 cụm tượng phật Bayon 4 mặt khổng lồ với nụ cười đầy bí hiểm. Chưa nói, Hun Sen có lúc cũng đã đặt câu hỏi về "sự chống lưng" của Việt Nam dành cho ông ta, sau khi có thông tin cựu lãnh đạo đảng đối lập Sam Rainsy từng bí mật đàm phán với một số quan chức ngoại giao Việt Nam. Hun Sen nói sẽ yêu cầu Việt Nam cung cấp thông tin về vụ này.[3]
Thật ra thì Hun Sen hoàn toàn có thể chất vấn "ngược" đối với Việt Nam để chạy tội. Bởi vì, ngay cả dải đất Việt Nam cũng đang dần dần nằm gọn vào tay Trung Quốc. Bô xít Tây Nguyên phía Tây ; đặc khu Vân Đồn (Quảng Ninh) ở phía Bắc ; cảng nước sâu Vũng Áng Formosa (Hà Tĩnh) và đặc khu Bắc Vân Phong (Khánh Hòa) ở miền Trung và đặc khu Phú Quốc (Kiên Giang) ở phía Nam (nay mai).
Những đặc khu nói trên danh nghĩa là kinh tế nhưng khi động binh, sẽ hiện nguyên hình thực chất là những đặc khu quân sự. Vậy thì Việt Nam "trách cứ" CPC nỗi gì ? Trong tương lai gần, cả về tiến độ lẫn quy mô các đặc khu mở ra cho Trung Quốc, giữa CPC và VN, chưa chắc ai đã vượt ai !
Như vậy, "rổn rảng" kỷ niệm 40 năm ngày giải phóng CPC thoát khỏi hoạ diệt chủng, dường như chỉ là lý do phụ. Lý do chính yếu hơn, đó là nỗi lo sợ về một "hội chứng Khmer đỏ" có thể tái xuất hiện để kềm chế Việt Nam trong tương lai. Trong đợt kỷ niệm vừa qua, những "vùng huý kỵ" vẫn được cả Việt Nam lẫn CPC quán triệt để khỏi làm phật ý thiên triều, giờ là "đối tác chiến lược" của cả hai người anh em thù địch (brother enemy).
Để hóa giải "hội chứng Khmer đỏ" và ngăn ngừa nguy cơ xuất hiên một "Khmer Đỏ không Pol Pot", Việt Nam cần nỗ lực cải thiện ngay sức mạnh mềm, để đủ sức thuyết phục "ông em" đầy bất trắc. Điều này, chỉ bằng sức mạnh quân sự không thôi là chưa đủ, quan trọng hơn đó phải là sự vượt trội của mô hình quản trị (governance) và chất lượng thể chế.
Một thực tế đáng ngại hiện nay, Việt Nam đang cho thấy sự tụt hậu so với cả hai "ông em" CPC và Lào trên một số tiêu chí như chất lượng tăng trưởng và năng suất lao động, tự do báo chí và xã hội đa nguyên… Thậm chí, khá nhiều doanh nhân khởi nghiệp Việt phải chạy sang tận Campuchia thì mới có đất dụng võ.
Nói cho cùng, thay vì ý tưởng về một "Liên bang Đông dương" gây tranh cãi, phải chăng Việt-Miên-Lào từ nay nên cùng tiến trên con đường tiếp thụ các giá trị phổ quát nhân loại. Nếu mỗi quốc gia này thụ đắc được mô hình nhà nước pháp quyền, kinh tế thị trường và xã hội dân sự thì đó mới là đảm bảo cho hoà bình và thịnh vượng chung trên bán đảo vốn đã chịu quá nhiều đau khổ trong lịch sử.
Nguyễn Hoàng
Nguồn : RFA, 09/01/2019
[1] https://thediplomat.com/2018/12/vietnams-invasion-of-cambodia-revisited/
[2] https://www.voatiengviet.com/a/lam-the-nao-vietnam-de-campuchia-lot-vao-tay-trung-quoc/4732080.html
Hai cựu lãnh đạo Khmer Đỏ bị kết tội diệt chủng (BBC, 16/11/2018)
Hôm nay, Tòa án Khmer Đỏ dự kiến sẽ đưa ra phán quyết đối với hai lãnh đạo còn sống cuối cùng của chế độ Pol Pot về tội diệt chủng.
Khieu Samphan (trái) và Nuon Chea đều đang thụ án chung thân vì các tội danh khác
Đó là Nuon Chea, 92 tuổi, Phó tổng bí thư Đảng Cộng sản Campuchia, cấp dưới của Pol Pot, và Khieu Samphan, 87 tuổi, Chủ tịch Nước Campuchia Dân chủ.
Nuon Chea được coi là cánh tay phải và phó tư lệnh của Pol Pot.
Họ đang bị xét xử vì tội diệt chủng đối với người Chăm theo đạo Hồi và người thiểu số gốc Việt ở Campuchia.
Có tới khoảng hai triệu người đã bị sát hại dưới chế độ tàn bạo Khmer Đỏ từ năm 1975 đến 1979.
Nhiều người trong số đó chết vì đói khát và lao lực, hoặc bị xử tử vì bị coi là kẻ thù của nhà nước.
Cả hai cựu lãnh đạo Pol Pot đang thụ án chung thân sau khi bị kết án một số tội ác chống lại loài người vào 2014.
Pol Pot (trái) có viễn kiến về một xã hội phi giai cấp, kiểu cộng sản theo chủ nghĩa Mao
Tuy nhiên, một phán quyết có tội hôm nay sẽ là sự thừa nhận chính thức đầu tiên rằng những gì chế độ Khmer Đỏ đã thực hiện là sự diệt chủng như được định nghĩa theo luật pháp quốc tế.
Cả hai sẽ bị phán quyết dựa trên nhiều tội ác chống lại loài người - bao gồm giết người, nô lệ và tra tấn - và các vi phạm trong các Công ước Geneva.
Angelina Jolie nói bộ phim do bà đạo diễn về Campuchia dưới thời Khmer Đỏ sẽ giúp thế giới biết thêm về tội ác dã man của chế độ này.
Khmer Đỏ là ai ?
Khmer Đỏ là những người theo chủ nghĩa Mao cực đoan thành lập một chế độ cai trị Campuchia từ 1975 đến 1979, dẫn đầu bởi Saloth Sar, thường được biết đến là Pol Pot.
Chế độ này được thành lập bởi những người trí thức từng được giáo dục ở Pháp, tìm cách tạo ra một xã hội tự lực và nông nghiệp : thành phố trống trải và tất cả người dân buộc phải làm việc trên các hợp tác xã nông thôn.
Nhiều người đã làm việc cho đến chết trong khi những người khác bị bỏ đói khi nền kinh tế sụp đổ.
Trong bốn năm nắm quyền bằng bạo lực, Khmer Đỏ cũng giết tất cả những người họ cho là kẻ thù - gồm giới trí thức, nhóm người thiểu số, cựu quan chức chính phủ và gia đình của họ.
Chế độ này đã bị đánh bại trong một cuộc xâm lược của Việt Nam vào 1979. Pol Pot bỏ trốn và vẫn được tự do cho đến năm 1997, rồi chết khi bị quản thúc tại gia một năm sau đó.
Tại sao tòa án này lại gây tranh cãi ?
Tòa án Khmer Đỏ (ECCC) được thành lập vào năm 2006 bao gồm các thẩm phán Campuchia và quốc tế.
Đến nay ECCC chỉ mới kết án ba người vì tội ác của chế độ Khmer Đỏ nhưng với chi phí tiêu tốn lên đến 300 triệu đô la.
Campuchia được biết đến là "mảnh đất tàn sát" vì các vụ sát hạt hàng loạt một cách tàn bạo dưới thời Khmer Đỏ
Năm 2010, ECCC đã kết tội Kaing Guek Eav, còn được gọi là Duch, người quản lý trung tâm tra tấn Tuol Sleng khét tiếng và nhà tù ở Phnom Penh.
Trong khi đó cựu bộ trưởng ngoại giao Khmer Đỏ, Ieng Sary, cũng là đồng bị cáo với Khieu Samphan và Nuon Chea, lại chết trước khi các thẩm phán đưa ra phán quyết trong hai phiên tòa trước vào 2014.
Vợ ông ta, bà Ieng Thirith, bộ trưởng bộ xã hội của chế độ và đồng bị cáo, đã được xét là không đủ điều kiện tâm lý để bị xét xử và qua đời vào 2015.
Mặc dù còn một số vụ án đối với bốn thành viên Khmer Đỏ khác, nhưng Thủ tướng Campuchia Hun Sen đã nhiều lần lên tiếng phản đối việc ECCC mở thêm bất kỳ phiên tòa mới nào.
Bản thân Hun Sen cũng chính là một cựu thành viên cấp trung của chế độ Khmer Đỏ.
Thủ tướng Campuchia nói rằng người dân của ông muốn vượt qua quá khứ và những cuộc truy tố khác có thể dẫn đến bạo lực.
Khmer Đỏ đã tiến hành một cuộc nổi loạn sau khi bị lật đổ, mặc dù hàng ngàn đã từ bỏ chế độ này vào những năm 1990 trước khi nhóm này tan rã hoàn toàn vào 1999.
Hiện tại nhiều nơi trên Campuchia, nạn nhân và những kẻ từng tra tấn họ vẫn đang sống cạnh nhau trong làng.
Nhưng nhiều người Campuchia không còn quan tâm đến phiên tòa và thế hệ trẻ thì mong muốn đất nước họ được biết đến bằng một điều gì khác thay vì là "cánh đồng chết".
*******************
Tòa án Khmer Đỏ tại Cam Bốt ngày 16/11/2018 đã ra một phán quyết lịch sử. Lần đầu tiên, tòa án quốc tế do Liên Hiệp Quốc đỡ đầu công nhận chế độ Khmer Đỏ phạm tội diệt chủng. Đây là một quyết định được chờ đợi suốt 40 năm qua.
Noun Chea, cựu lãnh đạo Khmer Đỏ bị kết tội "diệt chủng" trong phiên tòa ngày 16/11/2018 tại Phnom Penh. Reuters
Từ Phnom Penh, thông tín viên RFI Juliette Buchez cho biết thêm chi tiết :
"Có hai người phải ra hầu tòa trong các Phòng xét xử đặc biệt của tòa án Cam Bốt sáng hôm nay 16/11. Nuon Chea, 92 tuổi và Khieu Samphan, 87 tuổi đã bị kết án phạm tội ác chống nhân loại vào năm 2014. Hôm nay, cả hai người này bị kết tội "diệt chủng".
Đây là lần đầu tiên từ "diệt chủng" được dùng để đánh giá xét xử về các hành vi của chế độ Khmer Đỏ. Khieu Samphan, chủ tịch nước Campuchia Dân chủ, bị kết tội gây ra nạn diệt chủng nhắm vào người Việt. Nuon Chea, nhà tư tưởng của chế độ Khmer Đỏ, được mô tả là cánh tay phải của Pol Pot, cũng bị kết án phạm tội diệt chủng nhắm vào người Việt và cộng đồng người Chăm theo đạo Hồi.
Từ năm 1975 đến năm 1979, có khoảng 100.000 - 500.000 người Chăm, một sắc tộc tại Cam Bốt, bị chế độ Khmer Đỏ hành quyết. Tuy nhiên, Liên Hiệp Quốc chưa bao giờ coi cái chết của khoảng 1,7 triệu người Cam Bốt là nạn diệt chủng. Phán quyết của tòa mang tính biểu tượng đối với các nạn nhân và gia đình các nạn nhân của chế độ Khmer Đỏ, nhưng tòa án xét xử tội ác Khmer Đỏ lại bị chỉ trích rất nhiều.
Mặc dù tòa án đã đã tiêu tốn 300 triệu đô la, nhưng cho đến nay mới chỉ có 3 đại diện của Khmers Đỏ bị kết án trong vòng một thập kỷ qua. Phán quyết hôm nay của tòa có thể sẽ kết thúc phần xét xử các cựu lãnh đạo Khmer Đỏ, bởi vì các nhân vật chủ chốt của chế độ này đa phần đã rất già hoặc đã chết."
Thùy Dương
*******************
Hai cựu lãnh đạo của Khmer Đỏ bị tuyên án tù chung thân về tội diệt chủng (RFA, 16/11/2018)
Hai cựu thủ lĩnh Khmer Đỏ Nuon Chea và Khieu Samphan bị tòa tuyên án tù chung thân về tội diệt chủng vào hôm thứ Sáu, ngày 16 tháng 11 năm 2018.
Hai cựu thủ lĩnh Khmer Đỏ Nuon Chea (bìa trái) và Khieu Samphan (bìa phải) trong một phiên xét xử tại Tòa ECCC vào ngày 23/11/16. AFP
AFP loan tin vừa nêu trong cùng ngày, dẫn lời của Thẩm phán Nil Nonn thuộc Tòa án xét xử tội ác Khmer Đỏ tại Campuchia (ECCC) nói rằng Noun Chea đã thực hiện quyền đưa ra quyết định cao nhất cùng với thủ lĩnh Pol Pot, do đó Nuon Chea phải chịu mọi trách nhiệm của một thượng cấp liên quan đến tất cả các tội ác, bao gồm cả tội diệt chủng đối với người Hồi giáo Chăm và người Việt.
Thẩm phán Nil Nonn còn cho biết thêm Khieu Samphan cũng bị buộc tội diệt chủng đối với người Việt Nam.
Cả hai cựu thủ lĩnh Nuon Chea và Khieu Samphan bị tuyên án tù chung thân.
Vào năm 2014, hai bị cáo này đã bị tuyên án tù chung thân với tội danh dùng bạo lực để di tản dân chúng tại Phnom Penh hồi tháng 4 năm 1975.
Hai cựu thủ lĩnh của Khmer Đỏ, Khieu Samphan, 87 tuổi và Nuon Chea, 92 tuổi, bí danh "Anh 2" là hai thành viên cao cấp nhất trong nhóm cực đoan Maoist nắm quyền kiểm soát Campuchia từ 1975-1979.
Hai cựu thủ lĩnh Khieu Samphan và Nuon Chea cùng với Pol Pot, bí danh "Anh cả" đã lãnh đạo Khmer Đỏ và khiến khoảng 2 triệu người Campuchia bị thiệt mạng do làm việc quá sức, bị bỏ đói và bị sát hại hàng loạt trong thời gian 4 năm Khmer Đỏ cầm quyền.
Các luật sư bào chữa cho Nuon Chea và Khieu Samphan cho AFP biết hai bị cáo sẽ kháng cáo.
Luật sư Kong Sam Onn nói rằng ông nhận thấy quyết định của tòa là không rõ ràng vì Khieu Samphan không có quyền quyết định nào trong nhóm lãnh đạo của Khmer Đỏ.
Hàng trăm người, bao gồm cả nhiều nạn nhân người Chăm và sư sãi Phật giáo đến dự phiên tòa diễn ra vào ngày 16 tháng 11, tại khu vực ngoại ô của thủ đô Phnom Penh.
Nhiều người tin rằng phiên tòa xử Nuon Chea và Khieu Samphan có thể là phiên tòa cuối cùng của tòa án quốc tế do Liên Hiệp Quốc hậu thuẫn.
K5 đầy tranh cãi
Các tranh cãi xoay quanh sự can thiệp quân sự của Việt Nam trong cuộc chiến giúp Campuchia đánh đuổi Khmer Đỏ, sau 38 năm, vẫn chưa nguôi lặng.
Mới đây, lãnh tụ đảng đối lập của Campuchia công khai tố cáo rằng Việt Nam đã chỉ đạo cho giới lãnh đạo Campuchia trong giai đoạn cuối thập niên 70, đầu những năm 80 sát hại chính đồng bào của họ.
Ông Sam Rainsy, hiện đang sống lưu vong tại Pháp, mấy ngày qua đã lên Facebook nhắc lại thời kỳ lịch sử sau khi Khmer Đỏ sụp đổ năm 1979, cáo buộc kế hoạch K5 của Việt Nam lúc đó đã cướp đi thêm nhiều sinh mạng của dân Campuchia thời hậu Pol Pot.
Ông Rainsy nói với VOA Việt ngữ : "Bất kỳ một nhà nghiên cứu nghiêm túc nào cũng sẽ nhận ra rằng trong giai đoạn lịch sử Campuchia hồi thập niên 80 có một chiến lược được vạch ra để sát hại thường dân vô tội, giống như chế độ Pol Pot vậy. Xin quý vị hãy vào Facebook của tôi để xem tất cả những tài liệu, bài báo, và sách vở tham khảo. Các nhà nghiên cứu có trách nhiệm phải phơi bày sự thật lịch sử bị quên lãng này ra ánh sáng".
Khởi phát từ Hà Nội trong những năm đầu thập niên 80, kế hoạch K5 dần dần được đưa vào thực thi trước khi được áp dụng hoàn toàn tại Campuchia trong giai đoạn 1984-1988.
Kế hoạch này liên quan đến việc khai hoang một dải đất dọc theo biên giới giữa Campuchia với Thái Lan để quân Khmer Đỏ không còn chốn ẩn náu, đồng thời gài mìn bẫy để tiêu diệt và ngăn chặn tàn dư Khmer Đỏ trở lại lãnh thổ Campuchia.
Phe chỉ trích kế hoạch này nói rằng nhiều người dân Campuchia được tuyển mộ từ các tỉnh để chuyển tới các khu vực dọc theo dải biên giới ấy để thực hiện công tác khai hoang, đối mặt với những hiểm nguy từ mìn bẫy, sốt rét, đói khát, và lao động quá sức.
Lúc kế hoạch K5 được áp dụng tại Campuchia, ký giả Kimseng Men của ban tiếng Khmer đài VOA đang trong độ tuổi tiểu học. Bố anh là trưởng thôn được lệnh từ cấp trên đi động viên dân làng tham gia kế hoạch K5.
Anh Kimseng cho biết K5 có ba mục tiêu chính : bảo vệ, xây dựng, và khai hoang. Anh nói dân bản địa không mấy ưa chuộng kế hoạch này nhưng buộc phải tham gia. "Lúc bấy giờ, thanh niên 18 tuổi trở lên, hoặc phải nhập ngũ, hoặc bị đưa đi K5. Nhiều người tìm mọi cách gian lận tuổi tác để tránh né. Trở về từ K5, không ít người ốm yếu và bệnh tật", anh kể.
Giới cầm quyền ở Campuchia, đứng đầu là Thủ tướng Hun Sen, người từng sang ‘cầu viện’ Việt Nam đưa quân sang giúp Campuchia đánh đuổi chế độ diệt chủng Khmer Đỏ, cho rằng kế hoạch K5 đã giúp mang lại hòa bình và ổn định chính trị cho Campuchia.
Trái lại, phe đối lập của Campuchia nói sự thật đằng sau kế hoạch K5 là phía Việt Nam đã dùng lãnh đạo Campuchia, những người được Hà Nội đưa lên nắm quyền, tiếp tục chính sách sát hại chính người dân Campuchia, chẳng khác gì Pol Pot.
Ông Hồ Bá Lộc là một sĩ quan quân đội từng chiến đấu ở Campuchia từ trước 1975 đến cuối 1981. Sau 1979 khi Pol Pot bị truy quét ra khỏi Campuchia, ông Lộc nằm trong lực lượng tham gia giải phóng Campuchia trong vai trò trợ lý tham mưu tác chiến của lữ đoàn 127, vùng 5, hải quân. Ông được đưa lên vùng biên giới Campuchia-Thái Lan, đảm nhận các công tác bao gồm nắm tình hình qua lại ở biên giới Campuchia, vận chuyển trang thiết bị, thay quân cho lực lượng bảo vệ biên giới của Campuchia.
Ông Lộc nói K5 là một chiến lược chung, vì lúc đó Khmer Đỏ có các căn cứ đóng ở sát dọc biên giới Thái Lan-Campuchia : "Nếu mà lơi lỏng, các lực lượng Khmer Đỏ lại đột kích dọc theo chiều dài biên giới trở vào làm cho tình hình bất an. Việc rải mìn không chỉ phía Việt Nam, mà cả phía Khmer Đỏ cũng làm, trong đó Bộ đội Việt Nam chết nhiều nhất, bị thương nhiều nhất vì các bãi mìn của Khmer Đỏ. Trong tổng số 40 ngàn người đã chết trong cuộc chiến 1979 trở về sau, cũng có rất nhiều Bộ đội Việt Nam chết và bị thương chủ yếu là do bãi mìn của Khmer Đỏ".
Sĩ quan này cho biết từ tháng 1/1979 khi lực lượng Khmer Đỏ xem như hoàn toàn bị quét khỏi các cứ địa lớn ở Campuchia, Việt Nam đưa lực lượng biên phòng sang để giúp Bộ đội biên phòng Campuchia, hình thành lực lượng dọc theo đường biên giới Campuchia-Thái Lan, với chủ trương ngăn tại biên giới, không cho Khmer Đỏ trở lại lãnh thổ Campuchia.
Ông Lộc nói : "Cái chuyện lập K5 ra để tàn sát hoàn toàn là lập luận hết sức vu cáo, nhằm vu cáo Bộ đội Việt Nam. Mục tiêu cao nhất là lập các khu an toàn để người dân trở về. Ngay cả những người đi lính Khmer Đỏ có nguyện vọng trở về lại với nhân dân cũng đều được bảo vệ. Nhưng chính vì vậy mà lực lượng Khmer Đỏ giả vờ về, rồi gia nhập lại lực lượng kháng chiến của Hun Sen. Rất nhiều người đội lốt, tức là Khmer Đỏ trở về mặc áo của người lính ban ngày, đêm lại quay lại báo cho Khmer Đỏ vị trí đóng quân để đột kích lại lực lượng quân đội. Đó cũng là một khó khăn rất lớn. Điều đó tạo ra thêm hy sinh sau chiến tranh, trở ngại cho Bộ đội Việt Nam và Campuchia rất nhiều".
Chưa có đánh giá chính thức về kế hoạch K5 thành công hay thất bại, cũng không có thống kê chính thức số tử vong vì K5, nhưng tờ Khmer Times trong tuần dẫn tin tức báo chí rằng kế hoạch này đã khiến hàng trăm ngàn người thiệt mạng, mà theo lời ông Sam Rainsy, trong đó có rất nhiều thường dân Campuchia, chưa kể số bị thương tật và tàn phế suốt đời.
Người sĩ quan Việt Nam tham chiến tại Campuchia cho biết sau giải phóng, phần đông dân Campuchia đã bị Khmer Đỏ lùa lên rừng và ‘chính lực lượng trong rừng là chiến tranh du kích, ban ngày họ có thể là dân, đêm họ có thể trở thành lính của Khmer Đỏ.’ ‘Thành ra, khó có thể xác định được có phải là dân hay không. Đó là thực tế trong chiến tranh.’
Tuy nhiên, ông quả quyết rằng cả Campuchia lẫn Việt Nam lúc đó đều đặt mục tiêu cao nhất là bảo vệ dân, đưa những người sơ tán khỏi họa diệt chủng đang sống rải rác trong rừng hoặc bị Khmer Đỏ ép lên các vùng núi cao trở lại các thôn làng.
Trà Mi
********************
'Bài Việt', lá bài trong tranh cử Campuchia (VOA, 03/02/2017)
Tư Liệu- Người dân Việt Nam và Campuchia đụng độ nhau trên biên giới.
Công an tỉnh An Giang vừa yêu cầu cảnh sát Campuchia bảo vệ và ngăn chặn nạn phân biệt chủng tộc đối với người Việt ở Campuchia trong thời gian dẫn đến các cuộc bầu cử tại nước này.
Hôm 3/2, Khmer Times dẫn lời cảnh sát trưởng huyện Chhoeun Bunchhorn, ông Koh Thom, cho biết các giới chức cảnh sát tỉnh Kandal và Takeo (Campuchia) đã có một cuộc họp với công an Việt Nam ở tỉnh An Giang và thảo luận về vấn đề này.
"Tại cuộc họp, các đối tác công an Việt Nam của chúng tôi ở tỉnh An Giang đã yêu cầu các lãnh đạo cảnh sát tỉnh Kandal và Takeo phải hành động để ngăn chặn sự kích động và phân biệt đối xử đối với người Việt Nam", ông Koh Thom nói và cho Khmer Times biết thêm rằng công an Việt Nam cũng yêu cầu phải có biện pháp bảo vệ người Việt đang hoạt động kinh doanh và tuân thủ pháp luật ở Campuchia.
Phong trào bài Việt dự kiến sẽ tăng cao trong thời gian dẫn tới bầu cử tại Campuchia vì có nhiều khả năng các đảng chính trị Campuchia sẽ tung ra những luận điệu theo chủ nghĩa dân tộc như một công cụ để giành lá phiếu của cử tri.
Các cuộc bầu cử hội đồng cấp xã sắp diễn ra trong vài tháng tới và cuộc tổng tuyển cử sẽ tổ chức vào năm sau đang gây áp lực lên chính quyền Campuchia về vấn đề cân bằng chủng tộc tại nước này.
Hồi tháng Giêng, phe đối lập, là Đảng Cứu quốc Campuchia (CNRP) tuyên bố có gần 2.500 người nước ngoài, chủ yếu là người Việt, đã đăng ký bỏ phiếu bất hợp pháp trong các cuộc bầu cử sắp tới. Đảng này yêu cầu loại tên những người này khỏi danh sách cử tri tạm thời, nhưng sau đó đã bị Ủy ban bầu cử quốc gia Campuchia bác bỏ vì thiếu "bằng chứng hợp pháp".
Channel News Asia dẫn lời ông John Coughland, một nhà nghiên cứu của tổ chức Ân Xá Quốc Tế, nhận định : "Đảng cầm quyền biết rõ sự ác cảm này sâu sắc tới mức nào và có thể sẽ tạo ra một chương trình trục xuất những người Việt yếu thế, sinh sống dọc khu vực biên giới như là một công cụ để tránh mất đi một lượng lớn ủng hộ cho phe đối lập".
Người Việt nhập cư đã trở thành mối quan tâm của nhiều người dân Campuchia. Sự hiện diện ngày càng tăng của người Việt bị cho là gắn liền với vấn đề di trú mất kiểm soát, nguồn tài nguyên suy kiệt và sự mở rộng quyền lực của Việt Nam, điều mà một số người Campuchia xem là một cuộc xâm lăng thầm lặng.
Thống kê của Cục xuất nhập cảnh Campuchia ghi nhận từ giữa năm 2010 đến năm 2014, có hơn 160.000 người nhập cư Việt Nam đang sinh sống ở Campuchia. Một chiến dịch của chính quyền Campuchia đối với người di cư bất hợp pháp hồi năm ngoái đã dẫn tới hơn 2.400 người bị trục xuất về Việt Nam và hơn 6.000 bị trả về nước trong năm 2015.
Bất chấp tình trạng bài Việt, chính quyền Campuchia dưới thời của Thủ tướng Hun Sen được nhiều người xem là có mối quan hệ chặt chẽ với Hà Nội, một yếu tố được xem là có ảnh hưởng đến khả năng lên nắm quyền của ông Hun Sen trong những năm 1980.