Vào lúc Liên Âu chuẩn bị tăng cường các biện pháp trừng phạt Belarus, lên án chính quyền Minsk khai thác thảm họa nhân đạo của hàng ngàn người nhập cư tìm đường vào Liên Hiệp Châu Âu vì mục đích chính trị, mọi chú ý hướng về nước Nga. Nhiều nhà quan sát cho rằng, "mấu chốt" của vấn đề đang được đặt tại Moskva.
Hàng trăm người nhập cư mắc kẹt bên biên giới Belarus tìm cách vào Ba Lan ngày 08/11/2021. via Reuters – Handout
Hôm 10/11/2021, thủ tướng Đức, Angela Merkel qua cuộc điện đàm với tổng thống Vladimir Putin đã yêu cầu Nga "can thiệp" ngăn chận việc khai thác khủng hoảng di dân ở biên giới Belarus-Ba Lan vì "mục đích chính trị". Berlin cho là "không thể chấp nhận hành động vô nhân đạo" khi một chính quyền đem người tị nạn ra để làm bia đỡ đạn, trả thù Liên Âu trừng phạt chính quyền của tổng thống Belarus, Alexandre Loukachenko. Điện Kremlin phủi trách nhiệm trước "lo lắng từ phía Đức" và tổng thống Putin đề nghị, các bên liên quan, tức là thành viên Liên Âu và Belarus, nên "trực tiếp đàm phán và thu xếp với nhau".
Từ nhiều tháng qua có từ 3.000 đến 4.000 người nhập cư, chủ yếu là người Trung Đông, cắm trại ở khu vực sát sườn đông của Liên Hiệp Châu Âu, ngay đường biên giới giữa Ba Lan và Belarus, tìm cách vào các nước Châu Âu qua ngả này. Chính quyền Warszawa đã phải điều 15.000 binh sĩ, cảnh sát, lính biên phòng đến khu vực để "ngăn cản làn sóng nhập cư này tràn vào lãnh thổ Ba Lan" cửa ngõ vào Liên Hiệp Châu Âu. Bộ trưởng Quốc Phòng Ba Lan Marius Blaszczak cho biết "tình hình trong đêm 10/11/2021 không lắng dịu chút nào", bất chấp hàng rào kẽm gai và hoạt động ráo riết của nhân viên biên phòng, "những toán hàng chục người nhập cư" vẫn tìm cách "vượt rào".
Vậy làm thế nào những người nhập cư trái phép đó, phần lớn từ Syria và Irak đến vào được Belarus để rồi chơi vơi, lạc lõng giữa khu rừng Podlachie, sát biên giới Ba Lan ?
Phóng viên của nhật báo Le Monde (ngày 11/11/2021) ghi nhận dưới sự điều hành của Belarus "nhiều chuyến bay cất cánh từ Beyrut (Lebanon) hay Damascus (Syria) để đến thẳng Minsk", sau khi họ được chính quyền của tổng thống Lukashenko cấp visa nhập cảnh Belarus. Từ đây, các du khách Trung Đông này tìm đường đến vùng biên giới chung Ba Lan. Theo điều tra của các giới chức Đức được viện nghiên cứu Thomas More (trụ sở tại Bruxelles) tiết lộ, phần lớn những chuyến bay nói trên do hai tập đoàn hàng không Aeroflot của Nga và Turkish Airlines của Thổ Nhĩ Kỳ đảm nhiệm. Aeroflot, tập đoàn nhà nước Nga, đã bác bỏ những cáo buộc trên.
Trả lời báo Le Figaro hôm 10/11/2021, Jean-Thomas Lesueur của viện Thomas More nhấn mạnh đến vai trò của Moskva khi để cho hãng hàng không quốc gia "tham gia một cách đáng kể vào các hoạt động đưa người nhập cư vào Belarus". Chuyên gia này không ngần ngại cho rằng Kremlin đã "ném đá giấu tay" như từng làm "trong những năm gần đây khi sử dụng Gruzia, Armenia hay Ukraine" để gây rối.
Trong trường hợp cụ thể với hồ sơ người nhập cư lần này, chuyên gia viện Thomas More cho rằng, Kremlin đã "khai thác nỗi sợ hãi của Liên Âu trước các làn sóng di dân" để khuynh đảo toàn khối. Và những đoàn di dân đến được vùng biên giới chung với Ba Lan là nhờ "có quyết tâm của một số chính quyền, hay qua trung gian những đường dây buôn người". Họ lại được trang bị dụng cụ để cắt dây kẽm gai, chọc thủng bức tường chống người nhập cư của biên phòng Ba Lan. Đáng quan ngại hơn nữa là trong dòng người khốn khổ đó, có cả những "phần tử khủng bố" đã được tình báo Litva phát hiện và báo động từ "nhiều tháng qua" như tiết lộ của viện nghiên cứu Thomas More.
Về phần Nghị viên Châu Âu, Bernard Guetta trên đài phát thanh Pháp, France Inter sáng nay (11/11/2021) ông này không vòng vo cho rằng Vladimir Putin mới là người "điều khiển tất cả". Nga là điểm tựa duy nhất của tổng thống Lukashenko kể từ khi ông này bám víu quyền lực sao cuộc bầu cử tổng thống Belarus hồi tháng 8/2020 và cũng Minsk đã thẳng tay đàn áp đối lập để rồi chịu búa rìu trừng phạt của Liên Hiệp Châu Âu. Moskva mượn tay ông Lukashenko để nhấn vào "điểm nhậy cảm" của Bruxelles vì biết rằng Châu Âu đang bị chia rẽ hơn bao giờ hết về chính sách đón nhận người nhập cư.
Trong tất cả những tính toán chính trị đó, cả Nga lẫn Belarus cùng xem nhẹ sinh mạng của hàng ngàn, hàng chục ngàn con người. Bằng chứng rõ rệt nhất về sự thờ ơ đó là tổng thống Putin đã "phủi trách nhiệm" trước kêu gọi của thủ tướng Đức, khi cho rằng Liên Âu và Belarus nên tự tìm ra ngõ thoát cho khủng hoảng lần này. Tổng thống Alexander Lukashenko không vội phản ứng bởi ông tin vào điểm tựa vững chắc là Vladimir Putin. Còn Bruxelles và Minsk thì tố cáo lẫn nhau "vô nhân đạo" với "những con người khốn khổ". Warszawa trực tiếp quy trách nhiệm cho Moskva. Phải đợi đến tuần sau, ngày 15/11/2021, Liên Hiệp Châu Âu mới họp lại để tìm cách "trừng phạt" tổng thống Lukashenko đùa với lửa, đem sinh mạng của người nhập cư ra để mặc cả đòi Bruxelles xóa bỏ lệnh trừng phạt.
Bộ trưởng Nội vụ Đức biết rõ hơn ai hết, chìa khóa giải quyết khủng hoảng nhập cư ở biên giới Ba Lan và Belarus đang được đặt ở Moskva. Câu hỏi kế tiếp là Liên Hiệp Châu Âu phải ứng xử ra sao khi mà các đối thủ của khối này đã "nắm được nhược điểm" của Bruxelles và đã tìm ra một vũ khí lợi hại để khuynh đảo Liên Âu ?
Thanh Hà
Nguồn : RFI, 11/11/021
*********************
Khủng hoảng Ba Lan-Belarus lan rộng, lôi kéo Nga – NATO
Bình Phương, SaigonnhoNews, 10/11/2021
Như tin đã đưa, hàng ngàn người di cư từ Trung Đông, Afghanistan và Châu Phi tụ tập trên biên giới Belarus giáp với Ba Lan, tìm cách vào Ba Lan và từ đó đi đến các nước khác trong Liên Hiệp Châu Âu (EU), làm nổ ra một cuộc xung đột giữa hai quốc gia Đông Âu có nguy cơ gia tăng thành điểm nóng và lôi kéo cả sự can dự của Nga và khối NATO.
Người tị nạn trên biên giới Belarus trong thời tiết giá lạnh, tìm cách vượt rào kẽn gai để vào Ba Lan hôm 10/11/2021. Ảnh Stringer/Anadolu Agency via Getty Images
EU hôm thứ Tư cáo buộc Belarus thực hiện một "cuộc tấn công hỗn hợp" bằng cách đẩy người di cư qua biên giới vào Ba Lan. Các quan chức EU nói rằng Tổng thống Aleksandr G. Lukashenko của Belarus, tức giận bởi các lệnh trừng phạt của EU vì hành vi đàn áp chính trị của ông ta ở trong nước, đang trả đũa bằng cách cho phép những người xin tị nạn bay đến Belarus và sau đó đưa họ đến Ba Lan, Lithuania và Latvia – các nước thành viên EU. Các nhà quan sát gọi thủ đoạn sử dụng người tị nạn để gây sức ép về chính trị là "ngoại giao người tị nạn" (refugee diplomacy) – một hiện tượng thường xảy ra ở Châu Âu và Mỹ.
Số lượng người di cư đã tăng từ vài chục người lên hàng nghìn người trong những ngày gần đây. Warsaw cho biết, người di cư đã nhiều lần cố gắng tìm cách vào Ba Lan trong đêm qua, buộc Ba Lan phải tăng cường các lực lượng bảo vệ bổ sung trên biên giới. Hàng nghìn người bị mắc kẹt ở biên giới khi mùa đông khắc nghiệt bắt đầu. Tám người đã chết ở biên giới cho đến nay, theo các nhà chức trách Ba Lan.
Đối mặt với cuộc khủng hoảng mới, các nhà lãnh đạo EU đã tạm gác các tranh chấp của riêng họ với chính phủ Ba Lan, cam kết đoàn kết trong nỗ lực ngăn chặn người di cư. Đồng thời, EU đang tính ban hành các lệnh trừng phạt mở rộng đối với Minsk. Chủ tịch Hội đồng Châu Âu, Charles Michel cho biết các lệnh trừng phạt mới có thể ban hành vào Thứ Hai tuần tới, áp đặt các biện pháp cấm vận đối với khoảng 30 quan chức chính phủ và hãng hàng không quốc gia Belarus, liên quan đến việc vận chuyển người di cư từ các nước Trung Đông đến Minsk, thủ đô của Belarus. EU cũng sẽ xem xét khả năng cấp vốn xây dựng một bức tường ở biên giới Ba Lan, cũng là biên giới phía đông của khối EU.
Về phần mình, Ba Lan đã điều khoảng 17.000 quân đến canh gác biên giới và cáo buộc chính phủ Nga chỉ đạo nỗ lực này. Thủ tướng Ba Lan Mateusz Morawiecki phát biểu trước Quốc hội Ba Lan hôm qua thứ Ba : "Lukashenko là kẻ thực hiện vụ tấn công mới nhất, nhưng vụ tấn công có một nhà bảo trợ ở Moscow, và nhà bảo trợ đó là Tổng thống Putin".
Đáp lại, bà Maria V. Zakharova, phát ngôn viên của Bộ Ngoại giao Nga, gọi những cáo buộc của Ba Lan rằng Nga đứng sau cuộc khủng hoảng là sai sự thật "vượt quá mọi giới hạn và chuẩn mực".
Moscow cho biết việc EU áp đặt các biện pháp trừng phạt đối với Belarus vì cuộc khủng hoảng là không thể chấp nhận được. Đồng thời, Nga đã thực hiện bước đi hiếm hoi là điều hai máy bay ném bom chiến lược đến tuần tra không phận Belarus, thể hiện sự ủng hộ đối với đồng minh thân cận của mình. Theo Reuters, máy bay ném bom Tupolev Tu/22M3 mà Nga cử tới Belarus có khả năng mang tên lửa hạt nhân, bao gồm cả tên lửa siêu thanh được thiết kế để né tránh hệ thống phòng không tinh vi của phương Tây.
Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov nói ông hy vọng những người Châu Âu có trách nhiệm sẽ "không cho phép mình bị cuốn vào một vòng xoáy khá nguy hiểm".
Chính phủ Ba Lan đã thông báo tình hình cho các đồng minh NATO tại một cuộc họp kín và được khối này cam kết ủng hộ.
***
Cao ủy Nhân quyền Liên Hiệp Quốc Michelle Bachelet kêu gọi các quốc gia giảm căng thẳng và giải quyết cuộc khủng hoảng.
Từ Washington, Chủ tịch Ủy ban Châu Âu Ursula von der Leyen nói với các phóng viên sau cuộc gặp với Tổng thống Mỹ Joe Biden : "Vào đầu tuần tới, sẽ có một đợt nới rộng các biện pháp trừng phạt đối với Belarus. Chúng tôi sẽ xem xét khả năng xử phạt những hãng hàng không tạo điều kiện cho nạn buôn người hướng tới Minsk và sau đó là biên giới EU-Belarus".
Tổng thống Biden và bà von der Leyen đã đề cập đến tình hình nhân đạo ở biên giới của Liên Hiệp Châu Âu với Belarus và bày tỏ "quan ngại sâu sắc về các dòng di cư bất thường", theo thông tin từ Tòa Bạch ốc. Ngoại trưởng Hoa Kỳ Antony Blinken cho biết Washington sẽ tiếp tục gây áp lực lên Tổng thống Belarus Alexander Lukashenko "chừng nào chế độ này từ chối tôn trọng các nghĩa vụ hoặc cam kết quốc tế của mình, chừng nào nó còn phá hoại hòa bình và an ninh ở Châu Âu và tiếp tục đàn áp và ngược đãi người dân…".
Tổng thống Lukashenko và Tổng thống Nga Vladimir Putin đã đổ lỗi cho EU đã cố gắng "bóp nghẹt" Belarus bằng kế hoạch đóng cửa một phần biên giới. Belarus cũng đã điều quân tới biên giới, đối mặt với quân đội Ba Lan trong một không khí căng thẳng bất ngờ.
***
Đây không phải là lần đầu tiên EU phải đối mặt với cuộc khủng hoảng người tị nạn.
Vào năm 2015, khối này đã bị lung lay mạnh bởi hơn một triệu người chạy trốn khỏi cuộc xung đột ở Syria, Iraq và Afghanistan, gây áp lực lên biên giới phía nam của EU ở các nước Ý và Tây Ban Nha. Ứng xử như thế nào đối với dòng người di cư này là chuyện đã dẫn đến rạn nứt sâu sắc giữa các quốc gia thành viên EU, gây căng thẳng cho hệ thống an sinh xã hội và giúp cho các đảng cực hữu chủ trương chống di dân giành được sự ủng hộ của cử tri.
EU lần này có vẻ đoàn kết hơn nhưng so với năm 2015, cuộc khủng hoảng hiện tại có thêm một khía cạnh địa chính trị khi nó đang mở ra ranh giới phân chia giữa NATO phía tây và Belarus – đồng minh của Nga – phía đông, gây căng thẳng cho quan hệ giữa Nga và NATO.
Thủ tướng Đức Angela Merkel nói với các phóng viên rằng bà đã gọi điện cho Tổng thống Nga Vladimir Putin, thúc giục ông Putin sử dụng ảnh hưởng của mình đối với Tổng thống Lukashenko để ngăn chặn dòng người tị nạn "bởi vì người di cư đang bị lợi dụng, có thể nói, họ đã trở thành nạn nhân của một chính sách vô nhân đạo – và cần phải làm gì đó". Điện Kremlin cho biết ông Putin nói với bà Merkel rằng EU nên nói chuyện trực tiếp với Belarus.
Bình Phương
Nguồn : SaigonnhoNews, 10/11/2021
*******************
Chi Phương, RFI, 11/11/2021
Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov đã tiếp đồng nhiệm Belarus tại Moskva ngày 10/11/2021 và bày tỏ sự ủng hộ của Moskva đối với Minsk vào lúc căng thẳng giữa Belarus và Liên Hiệp Châu Âu gia tăng vì vấn đề di dân.
Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov (P) và đồng nhiệm BelarusVladimir Makei trong cuộc gặp ở Moskva, Nga, ngày 10/11/2021. Reuters - POOL
Khi bác bỏ cáo buộc của Ba Lan cho rằng Nga và tổng thống Vladimir Putin đứng sau cuộc khủng hoảng di cư tại cửa ngõ Châu Âu, ngoại trưởng Nga Lavrov khẳng định, Minsk và Moskva cần "tăng cường hợp tác một cách hiệu quả" để chống lại một "chiến dịch chống lại Belarus do Washington và Châu Âu phát động".
Từ Moskva, thông tín viên RFI Jean-Didier Revoin giải thích thêm :
Ngoại trưởng Nga rõ ràng đã đứng về phía Minsk trong tranh chấp giữa Belarus và Liên Hiệp Châu Âu. Ông Sergei Lavrov chỉ trích Ba Lan, Litva và Latvia không thảo luận trực tiếp với Belarus trong khi dòng người di dân từ Trung Đông tới đang đổ vào ba quốc gia này qua ngả Belarus.
Vladimir Putin đồng ý với quan điểm này và trong cuộc điện đàm với thủ tướng Đức Angela Merkel, ông đã nói rõ là Minsk và Bruxelles nên làm việc trực tiếp với nhau để giải quyết cuộc khủng hoảng.
Đáp trả các các buộc về vai trò "chủ mưu", "đầu não" của Moskva trong khủng hoảng di dân, người phát ngôn điện Kremlin, Dmitri Peskov, cho rằng những cáo buộc của thủ tướng Ba Lan là vô trách nhiệm và không thể chấp nhận được.
Phải chăng những lời lẽ cứng rắn này là nhằm buộc Liên Âu phải nói chuyện với chính quyền Minsk, trong khi Bruxelles không thừa Alexandre Loukachenko tái đắc cử tổng thống trong cuộc bầu cử hồi tháng 08/2020.
Chi Phương
Nguồn : RFI, 11/11/2021
**********************
Thanh Hà, RFI, 11/11/2021
Hơn 2.000 người nhập cư bị kẹt tại biên giới giữa Ba Lan và Belarus. Tình hình căng thẳng đến nỗi Hội Đồng Bản An Liên Hiệp Quốc dự trù họp khẩn vào chiều ngày 11/11/2021 trong lúc Warszawa lên án Minsk dùng lá bài di dân để tiến hành một cuộc "tấn công khủng bố" ở cấp Nhà nước nhắm vào Ba Lan và Liên Âu.
Gia đình người nhập cư bên đường biên giới phía Belarus- Ba Lan, ngày 10/11/2021. AP
Trong cuộc họp báo chung với chủ tịch Hội Đồng Châu Âu, Charles Michel chiều ngày 10/11/2021 tại Warszawa, thủ tướng Ba Lan, Mateusz Morawiecki tuyên bố : "Điều rõ ràng là chúng ta đang phải đối mặt với hiện tượng một Nhà nước tiến hành khủng bố". Bruxelles đang chuẩn bị tăng cường các biện pháp trừng phạt Minks, dùng người tị nạn như một công cụ nhằm "khuynh đảo" Liên Hiệp Châu Âu, "gây bất ổn cho các nền dân chủ sát cạnh" với Belarus.
Sáng nay, quốc vụ khanh đặc trách về hồ sơ Châu Âu của Pháp, Clément Beaune cũng đã xem tình trạng tại biên giới Ba Lan và Belarus là một hình thức để chính quyền Minsk dùng lá bài di cư để "tấn công" và đặt Liên Hiệp Châu Âu trước thử thách.
Paris nhấn mạnh "khủng hoảng về người nhập cư lần này khác hẳn so với những gì từng xảy ra trong quá khứ", bởi có sự can thiệp trực tiếp của chính quyền Belarus. Clément Beaun không ngần ngại lên án Minsk nhúng tay vào một "đường dây buôn người".
Pháp, cùng với Ireland và Estonia yêu cầu Hội Đồng Bản An Liên Hiệp Quốc khẩn cấp mở một phiên họp kín vào chiều nay về vấn đề này. Cao ủy Nhân Quyền Liên Hiệp Quốc, Michelle Bachelet xem khủng hoảng người tị nạn tại biên giới Ba Lan-Belarus là "không thể chấp nhận được" và đòi các bên liên quan "ngay lập tức phải để cho nhân viên nhân đạo" đến hiện trường.
Về tình hình tại chỗ, theo hãng tin AFP, Ba Lan đã triển khai 15.000 binh sĩ, cảnh sát, lính biên phòng đến đường biên giới chung với Belarus nhằm ngăn chận các làn sóng người nhập cư, chủ yếu từ Trung Đông tràn vào Ba Lan qua ngả Belarus. Từ đầu tuần, người nhập cư bất hợp pháp cắm trại ở đường biên giới. Warszawa ban hành tình trạng khẩn cấp trong khu vực, cấm phóng viên và các tổ chức nhân đạo vào hiện trường. Thành phố Sokolka trên lãnh thổ Ba Lan đang chịu áp lực rất lớn.
Thanh Hà
Nguồn : RFI, 11/11/2021
Donald Trump - kẻ bắt con tin
Khủng hoảng di dân chiếm trang đầu báo chí Pháp với hình ảnh ba nhà lãnh đạo tây phương Mỹ, Đức,Pháp đứng đầu gió : Chiến thuật của Donald Trump như thế nào ? Vì sao Angela Merkel và Emmanuel Macron có thể giúp Châu Âu vượt qua làn sóng nhập cư ? Bên cạnh chủ đề lớn này là viễn cảnh hòa bình tại Triều Tiên, tự do bị siết chặt ở Cam Bốt, chiến thuật "thả diều lửa" ở Gaza và "gián điệp bóng đá" Pháp trong mùa World Cup… góp mặt trên các trang phóng sự.
Tổng thống Mỹ Donald Trump trong một cuộc họp về người nhập cư tại Nhà Trắng, ngày 20/06/2018. Reuters/Leah Millis
Trump đối mặt với nỗi nhục, Libération khai hỏa với tựa lớn trên trang nhất kèm theo bài bình luận "Bệnh lý bài ngoại". Le Figaro cụ thể hơn với tựa : Trump đã lùi bước trước làn sóng phản đối. Trong khi đó, Le Monde, tuy phát hành trước khi có tin tổng thống Mỹ thay đổi thái độ, đã nhạy bén dự báo trước với bài phân tích "Kẻ bắt con tin".
Nước đục thả câu theo lối Trump
Theo nhận định của Le Monde, tổng thống Mỹ "vô tâm đối với quyền con người". Washington thông báo không làm thành viên Hội Đồng Nhân Quyền Liên Hiệp Quốc, tựa trên trang nhất. Trong bài xã luận "kẻ bắt con tin", nhật báo độc lập của Pháp cho rằng công thức "Zero dung thứ" của tổng thống Donald Trump đã được áp dụng trong thực tế đối với di dân bất hợp pháp là "cách ly cha mẹ với con cái". Sự kiện diễn ra ở biên giới Mêhicô gây phẫn nộ trong công luận trong mấy ngày qua. Tổng thống Mỹ còn giả vờ quy trách nhiệm cho phe đối lập ở Quốc hội ngăn chận dự luật kiểm soát nhập cư.
Trên thực tế, đây là một chiến thuật mang dấu ấn của nhà tỷ phú : khiêu khích gây hoảng loạn tâm lý trên một hồ sơ nóng, dùng từ ngữ khiếm nhã hoặc khôi hài để làm tê liệt sự suy nghĩ của những người bình thường tin tưởng vào các nguyên tắc sơ đẳng mà một chính khách đúng nghĩa không bao giờ chà đạp. Từ khi đắc cử đến nay, Donald Trump tập trung tấn công nạn nhập cư bất hợp pháp, nhưng kỳ thực, mục tiêu sâu xa của ông là "chống nhập cư hợp pháp", cho dù kinh tế Mỹ đang hưng phấn và tỷ lệ thất nghiệp thấp chưa từng thấy.
Chủ nhân Nhà Trắng từ nay thúc giục Quốc hội giảm tối đa trường hợp đoàn tụ gia đình, hủy bỏ "xổ số" cấp thẻ xanh nhưng cùng lúc biểu quyết ngân sách xây bức tường tốn kém hàng chục tỷ đô la ở biên giới phía nam. Donald Trump tìm cách đưa nước Mỹ trở lại thời kỳ 1921, năm ban hành chính sách hạn chế di dân đầu tiên, co cụm trong chiêu bài ích kỷ "nước Mỹ trước đã".
Thông điệp bài di dân còn có một mục đích chính trị : duy trì lực lượng cử tri cho phép Donald Trump đắc cử năm 2016 để phục vụ cho cuộc bầu cử "giữa nhiệm kỳ" vào tháng 11 và nhất là để tái tranh cử trong năm 2020.
Tuy nhiên, cho dù vùng vẫy thế nào đi nữa thì các biện pháp chống nhập cư chỉ là "thuốc xoa ngoài da", cử tri da trắng tại Hiệp Chủng Quốc không tránh khỏi trở thành thiểu số trong tương lai. Những người dân không giấy tờ cư trú tại Mỹ ngày nay, cũng như nhiều thế hệ đi trước, đã góp bàn tay xây dựng nên nước Hoa Kỳ.
Trục Pháp-Đức chống đỡ cho Châu Âu
Châu Âu cũng đang đương đầu với thách thức di dân nhập cư xem ra còn cam go hơn nước Mỹ của Donald Trump, bởi vì khủng hoảng này đang bị phe cực hữu và phe muốn Châu Âu tan rã để khai thác kiếm phiếu. Tuy nhiên, theo nhật báo La Croix và Les Echos, Liên Hiệp Châu Âu có thể "quản lý" được hồ sơ nóng bỏng này.
Nhật báo kinh tế cho biết không ít nhà bình luận, kể cả chủ tịch Nghị viện Châu Âu Antonio Tajani, đều lo ngại vấn đề nhập cư sẽ khai tử Liên Hiệp Châu Âu. Tuy nhiên, đằng sau thái độ hoảng loạn tập thể, hồ sơ di dân đang được quản lý tốt. Trước hết, làn sóng nhập cư đã giảm dần, thứ hai là có thể tìm được thỏa hiệp trong nội bộ Châu Âu hóa giải áp lực của phe dân túy đang manh nha thành lập "trục Áo-Đức-Ý chống di dân" mà hệ quả có thể làm tan rã chính phủ liên minh Đức và lung lay nền móng Liên Hiệp Châu Âu.
Triển vọng này có được là nhờ tinh thần "bền bỉ" của "trục" Paris-Berlin, đối đầu với xu hướng dân tộc chủ nghĩa đang lên tại Châu Âu. Phe này không chỉ muốn "biến Châu Âu thành pháo đài", mà còn biến mỗi nước thành một thành trì riêng biệt như thời trung cổ. Cơn địa chấn ích kỷ này có nguy cơ quét sạch nỗ lực kiến tạo mái nhà chung từ nhiều thập niên qua, theo báo La Croix.
May mắn thay, ít nhất có hai nước không đầu hàng. Cho dù bối rối vì làn sóng nhập cư bất hợp pháp, Đức và Pháp biểu dương tinh thần đoàn kết đối phó với một thế giới bất an. Emmanuel Macron và Angela Merkel đồng thuận trên một loạt hồ sơ sinh tử của Liên Hiệp Châu Âu, từ quốc phòng, an ninh, phát triển kinh tế, củng cố khu vực đồng tiền chung và khuyến khích nghiên cứu canh tân khoa học. Tinh thần "bền bỉ" này, theo nhật báo công giáo, mang sắc thái của một "đại cường" và sẽ giúp Châu Âu vững vàng đi tới.
Cộng đồng Triều Tiên tại Nhật hy vọng
Về diễn tiến tình hình bán đảo Triều Tiên, trang hai của Le Monde dành một bài giải thích vì sao Kim Jong-un phải sang Bắc Kinh ba lần trong vòng không đầy ba tháng, cũng như tìm hiểu ước vọng của cộng đồng người Triều Tiên ủng hộ chế độ Bình Nhưỡng sống tại Nhật Bản trước viễn cảnh hòa bình.
Sau thượng đỉnh Trump-Kim, Bình Nhưỡng và Bắc Kinh từ nay sẽ tham khảo, hội ý chặt chẽ trước mỗi bước đi tới trong tương lai. Trong ván cờ tay ba Mỹ-Trung-Triều, đóng vai trò trung tâm, Bắc Kinh muốn được đền đáp công lao, nhất là về kinh tế.
Trong viễn cảnh vãn hồi hòa bình, Bắc Triều Tiên cần nhân tài và vốn để phát triển, cộng đồng lưu vong tại Nhật hy vọng góp phần không nhỏ. Tổng cộng khoảng 650.000 người, chia làm hai phe, tuy hầu hết đến Nhật từ miền nam bán đảo. Phe chọn chế độ miền bắc, một phần vì ý thức hệ, một phần vì chống chế độ độc tài ở Seoul trước đây. Khoảng 100.000 đã hồi hương về miền bắc. Phần đông thất vọng vì bị nghi kỵ "tiêm nhiễm tư bản đồi trụy", bị bắt cải tạo. Một thiểu số may mắn hơn, trong đó có nữ ca sĩ Ko Young-hui, sinh tại Nhật, lọt vào mắt xanh của Kim Jong-il, là mẹ của chủ tịch Kim Jong-un hiện tại.
Trong bối cảnh phải hòa giải với Bắc Triều Tiên, thủ tướng Shinzo Abe tìm cách nối lại đối thoại. Cộng đồng Triều Tiên thân Bình Nhưỡng kỳ vọng vào tương lai tươi sáng, không còn bị xem là "tổ gián điệp" cho Bắc Triều Tiên.
Nhật báo độc lập cuối cùng hấp hối
Tại Cam Bốt, quyền tự do ngôn luận và báo chí bị tiêu diệt dần dần với một thủ đoạn tinh vi phối hợp tiền và áp lực.
Với tựa "những người của thủ tướng chiếm nhật báo độc lập cuối cùng Phnom Penh Post", nhật báo Libération trình bày tình hình bi quan cho nền tự do báo chí tại xứ chùa Tháp. Sau khi giải thế đảng đối lập Cứu Nguy Dân Tộc, bắt giam các lãnh tụ đối lập, thủ tướng Hun Sen, người cầm quyền liên tục từ hơn 30 năm qua, muốn tái đắc cử dễ dàng. Sự kiện nhật báo độc lập cuối cùng bị một nhà đầu tư thân cận với chế độ mua lại là cuộc tấn công lần thứ 1001 chống tự do báo chí. Trong bản xếp hạng của Phóng Viên Không Biên Giới, Cam Bốt mất 10 hạng, đứng hàng thứ 142 trên 180.
Cho dù chủ nhân mới, một nhà đầu tư Malaysia, cam kết tôn trọng tinh thần độc lập của nhật báo, nhưng Phnom Penh Post hoàn toàn im lặng trước tin cựu lãnh đạo đảng Cứu Nguy Dân Tộc Kem Sokha được thả vào ngày 07 tháng 05, dưới áp lực của Liên Hiệp Quốc.
Hiệp hội Nhà xuất bản Á Châu vừa đề cử bốn giải thưởng cho các phóng viên của Phnom Penh Post, nhưng phân nửa các tác giả đã ra đi. Áp lực ngầm buộc phóng viên từ chức là vũ khí.
Gaza : Những con diều lửa
Tại Gaza, trận chiến "diều giấy" bốc lửa đang đặt hai phe Palestine và Israel vào một phương trình nhức óc, theo báo Le Monde và Libération.
Một trận chiến khác giữa kẻ yếu chống kẻ mạnh đang diễn ra tại Trung Đông : diều giấy không phải là đồ chơi mà là vũ khí sát thương. Nhận định trên đây của phát ngôn viên quân đội Israel với Le Monde thể hiện mối lo ngại của Israel trước hình thức phản kháng tay không chống vũ khí. Giới trẻ Palestine thả diều giấy mang chất dẫn lửa từ Gaza bay sang Israel, đốt cháy tổn cộng 25 km vuông ruộng rẫy hoa mầu. Từ một tuần nay, quân đội Israel trả đũa lúc đầu bằng drone - thiết bị bay không người lái - bắn cảnh báo gần các nhóm thanh thiếu niên thả diều, nhưng không hiệu quả. Bây giờ không quân Israel phải dùng đến chiến thuật oanh kích ban đêm, tấn công vào các vị trí của tổ chức Hamas, kiểm soát Gaza và bị xem là thủ phạm kích động giới trẻ bạo động.
Tuy nhiên, theo Le Monde, những thủ lĩnh Hamas không có lý do gì mà không thúc đẩy giới trẻ Palestine, đang sống trong tuyệt vọng và chán chường vì tương lai bế tắc, tiếp tục tranh đấu bằng diều giấy, ít tốn kém mà lại gây được tiếng vang và làm đối phương sợ hãi.
World Cup 2018 : Gián điệp bóng đá
Vào lúc đội tuyển Pháp chuẩn bị đấu trận thứ hai tranh vòng loại Cúp Bóng Đá Thế Giới 2018 tại Nga, ban tham mưu đội tuyển Pháp "chơi trò gián điệp Nga", theo tường thuật của Le Figaro.
Trong một nước mà KGB có tiếng hiệu quả từ thời Liên Xô, nghề gián điệp không có gì là bí mật trên lãnh thổ Nga trong mùa bóng đá. Từ sau ngày rút thăm 01/12/2017, đoàn "điệp viên của bóng đá Pháp" đã tung ra ba nước : Úc, Peru và Đan Mạch để "tìm hiểu" và đáp ứng những yêu cầu của huấn luyện viên Didier Deschamps. Quan sát, điều nghiên các trận đấu của từng đối thủ trong suốt hai năm trở lại, phân tích, làm báo cáo chính xác và chi tiết là nhiệm vụ của ba chuyên gia "huấn luyện và giám sát". Một nhóm khác chuyên về băng video, điều nghiên cách tấn công và phòng thủ của mỗi đội tuyển đối thủ, thái độ khi mất banh, khi bị quả phạt đền gián tiếp, phạt góc, vai trò của thủ môn trước đường banh tấn công từ trên cao, khi nào thay thế cầu thủ tấn công …
Một trợ lý huấn luyện viên đội tuyển quốc gia cho biết thêm : Tất cả các thông tin này chỉ được thông báo "nhỏ giọt" cho các cầu thủ để tránh tình trạng "nhồi sọ" vô bổ. Nhược điểm của thế hệ cầu thủ trẻ là dễ mất tinh thần.
Thật ra, đội tuyển nào cũng có "gián điệp" và cuối cùng "ta, địch" đều biết rõ mọi bí mật của nhau.
Ngày Hội âm nhạc lần thứ 37
Hôm nay là ngày hội âm nhạc trên toàn nước Pháp và hơn 100 quốc gia khác trên thế giới. Tất cả báo Pháp đều dành nhiều trang để quảng cáo Ngày Hội âm nhạc lần thứ 37 (Solidays), mọi sinh hoạt đều tự do và miễn phí, theo sáng kiến của bộ trưởng văn hóa Pháp Jacques Lang vào năm 1982.
Tú Anh