'Không thể thực hiện nếu không có sự giúp đỡ của Trung Quốc'
Bài bình luận của một tác giả Campuchia được đăng trên báo Khmer Times thân chính phủ hôm 14/10 nhấn mạnh vai trò của Trung Quốc trong việc xây kênh đào Phù Nam Techo.
Cựu Thủ tướng Hun Sen bác bỏ chuyện xa lánh Việt Nam, kết thân Trung Quốc vì Phù Nam Techo
Tác giả Leap Chanthavy, một nhà khoa học chính trị Campuchia, cho rằng việc khởi công và xây dựng kênh đào Phù Nam Techo không thể thành công nếu không có sự giúp đỡ của Trung Quốc.
Vai trò của Trung Quốc
"Trong một thời gian dài, nhiều thế hệ lãnh đạo Trung Quốc đã thiết lập mối quan hệ hữu nghị sâu sắc với Vua cha Norodom Sihanouk của Campuchia, tạo nền tảng vững chắc cho sự phát triển ổn định lâu dài của quan hệ song phương", tác giả Leap Chanthavy viết trên Khmer Times.
"Năm 1958, hai nước chính thức thiết lập quan hệ ngoại giao, và sự hợp tác chính thức đã được khôi phục một lần nữa".
Ông Leap Chanthavy nhắc đến lịch sử hợp tác lâu dài, nhưng không hề nói tới vai trò của Trung Quốc trong sự trỗi dậy của chế độ diệt chủng Khmer Đỏ.
"Trung Quốc không chỉ đang giúp Campuchia xây dựng kênh đào mà còn giúp Campuchia rất nhiều trong việc phục hồi những di sản văn hóa", tác giả Leap Chanthavy viết, không nêu rõ những di sản văn hóa này cụ thể là gì.
Tên của kênh đào Phù Nam Techo gợi nhắc đến Vương quốc Phù Nam cổ xưa, được hình thành khoảng thế kỷ thứ 1 hoặc 2 trước công nguyên và kéo dài đến thế kỷ thứ 7, bao trùm một phần bán đảo Mã Lai, Thái Lan, Campuchia và khu vực ngày nay là Đồng bằng sông Cửu Long.
Khái niệm Vương quốc Phù Nam đóng một vai trò quan trọng trong những diễn ngôn dân tộc chủ nghĩa tại Campuchia, khi những người lĩnh xướng muốn khẳng định sự hiện diện của dân tộc Khmer cách đây hàng ngàn năm tại vùng hạ lưu sông Mekong và tại Đồng bằng sông Cửu Long.
Ông Leap Chanthavy cũng là tác giả của bài viết hồi tháng 5/2024 chỉ trích kịch liệt rằng Việt Nam tưởng tượng ra cuộc chiến tranh với Trung Quốc khi nói đến công năng quân sự của kênh đào Phù Nam Techo.
Phát biểu tại lễ động thổ dự án lịch sử vào ngày 5/8, Thủ tướng Hun Manet gọi tuyến kênh đào dài 180 km này là một công trình "lịch sử", giúp người Campuchia "thở bằng mũi của chính mình. Ông cam kết sẽ "hoàn thành bằng mọi giá".
Ông Hun Manet cũng kêu gọi người dân "đừng nên lo lắng rằng con kênh đào sẽ được sử dụng cho mục đích quân sự".
Phó Thủ tướng Sun Chanthol nhấn mạnh kênh đào sẽ củng cố "độc lập chính trị trong vận tải đường thủy" cho xứ sở chùa tháp.
Một nguồn tin của BBC News tiếng Việt từ Campuchia cho biết sau khi làm lễ khởi công vào ngày 5/8, công trình kênh đào Phù Nam Techo không có tiến triển nào tính tới tháng 9 vừa qua.
Có thể thấy sau hơn hai tháng kể từ ngày khởi công, có rất ít thông tin về tiến độ của dự án này được chính phủ Campuchia công bố.
Hy vọng rằng hai nước có thể có những trao đổi sâu sắc, tăng cường hợp tác và tiếp tục tiến tới mục tiêu mới là xây dựng một cộng đồng với tương lai chung cho nhân loại.
'Vô số lợi ích'
Tác giả bài bình luận trên Khmer Times liệt kê "vô số" lợi ích từ kênh đào Phù Nam Techo, những điều vốn đã được các quan chức hàng đầu Campuchia như cựu Thủ tướng Hun Sen, Thủ tướng Hun Manet và Phó Thủ tướng Sun Chanthol nhắc đi nhắc lại trong thời gian qua.
"Có thể nói rằng tầm quan trọng của kênh đào Funan Techo đối với Campuchia tương đương với tầm quan trọng của kênh Suez đối với Ai Cập, kênh đào Panama đối với Panama và Đại Vận Hà Bắc Kinh-Hàng Châu đối với Trung Quốc", tác giả Leap Chanthavy viết.
Về mặt tài chính, theo tác giả, trong năm đầu tiên sau khi được hoàn thành, kênh đào này có thể mang lại 88 triệu USD cho Campuchia.
Trước năm 2050, nguồn thu hằng năm từ kênh đào này đạt gần mức ước tính là 600 triệu USD.
Ngoài lợi ích kinh tế, tác giả cũng cho rằng kênh đào Phù Nam Techo sẽ cải thiện thủy lợi cho Campuchia, giúp thoát nước lũ tốt hơn ở các vùng hạ lưu sông Mekong. Ông đánh giá việc điều tiết nước để giảm lũ lụt là lợi ích quan trọng từ siêu dự án này.
"Nhờ có kênh đào Phù Nam Techo và các cống chặn nước, việc thoát nước xuống hạ lưu sông Mekong sẽ được điều tiết. Trong mùa mưa, các cống thoát nước của Phù Nam Techo có thể được mở để tăng lưu lượng nước thoát xuống hạ lưu và cho phép nước ở Biển Hồ thoát ra biển nhanh nhất có thể".
"Trong mùa khô, mực nước ở Biển Hồ có thể được điều tiết nhờ đóng các cống chặn nước. Mực nước sông Mekong tại Campuchia có thể được điều tiết hoàn toàn".
Phát biểu trong một sự kiện của Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế (CSIS) ở thủ đô Washington (Mỹ) vào ngày 1/10, Phó Thủ tướng Campuchia Sun Chanthol nói rằng kênh đào Phù Nam Techo không phải là "trò chơi có tổng bằng không".
"Tôi chưa bao giờ nghiên cứu một dự án nào chi tiết như kênh đào Phù Nam Techo, vì chúng tôi muốn đảm bảo không có tác động nào đến cả hai quốc gia. Campuchia sẽ không thực hiện 'một trò chơi có tổng bằng không', trong đó Campuchia chiến thắng và quốc gia láng giềng Việt Nam thất bại. Chúng tôi không thể làm điều đó", ông nói.
Về phía Việt Nam, theo báo Tuổi Trẻ vào ngày 10/10, cử tri tại tỉnh Tiền Giang đã kiến nghị tiếp tục có nhiều giải pháp để đảm bảo nguồn nước ngọt cho khu vực Đồng bằng sông Cửu Long trong thời gian tới dưới tác động tiềm tàng từ kênh đào Phù Nam Techo.
"Tuy nhiên, do số liệu, tài liệu về dự án hết sức sơ bộ, hạn chế, không có số liệu về khai thác vận hành nên kết quả của các đơn vị nghiên cứu mới là những kết quả bước đầu, mang tính định hướng và ngắn hạn", báo Tuổi Trẻ viết.
Có thể thấy, đến nay chính phủ Việt Nam chưa được tiếp cận đầy đủ thông tin để có thể đánh giá các tác động của kênh đào này.
BBC News tiếng Việt đã gửi thư đến Ủy hội sông Mekong (MRC) vào ngày thứ Ba 15/10 để có cập nhật về diễn biến của dự án.
Ông Tô Lâm đã thảo luận về Phù Nam Techo với ông Tập Cận Bình ?
Kênh đào Phù Nam Techo được kỳ vọng tạo ra cú hích mạnh mẽ cho tinh thần dân tộc, củng cố vị thế cho Đảng Nhân dân Campuchia (CPP) của ông Hun Sen và tính chính danh của ông Hun Manet
Tác giả Leap Chanthavy cũng nhận định rằng kênh đào Phù Nam Techo có thể là một nội dung mà Tổng bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm đã thảo luận trong chuyến thăm cấp nhà nước đến Trung Quốc hồi tháng 8.
"Việt Nam sẽ cảm thấy khó khăn trong việc kiềm chế Campuchia thông qua cửa sông Mekong. Thêm nữa, kênh đào Phù Nam Techo có thể lấy đi thị phần vận tải đường sông-đường biển, vì vậy tác động đến vòng tròn kinh tế của Thành phố Hồ Chí Minh, thành phố thịnh vượng nhất ở miền nam Việt Nam. Kết quả là Tổng bí thư Đảng Cộng sản Việt Nam, Chủ tịch nước Tô Lâm đã thăm Trung Quốc từ ngày 18 đến 20/9. Có thể chuyến đi là để thảo luận về vấn đề này".
Việt Nam đã có một số lần lên tiếng đề nghị Campuchia chia sẻ thêm thông tin để có thể đánh giá đầy đủ về tác động của dự án.
Lần gần nhất là vào ngày 8/8, ba ngày sau khi Campuchia động thổ kênh đào Phù Nam Techo.
"Việt Nam ủng hộ nỗ lực phát triển của Campuchia cũng như tôn trọng việc Campuchia triển khai dự án kênh đào Phù Nam Techo. Chúng tôi cũng mong muốn cùng phối hợp nghiên cứu, đánh giá toàn diện, tổng thể tác động của dự án, cũng như có những biện pháp phù hợp để giảm thiểu tác động", Phó phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam Đoàn Khắc Việt nói.
Quan hệ ngoại giao giữa Việt Nam và Campuchia gần đây đã chứng kiến những thách thức lớn, không chỉ liên quan đến kênh đào Phù Nam Techo, mà còn các vấn đề như quân cảng Ream và việc Campuchia rút khỏi Tam giác Phát triển với Việt Nam và Lào. Trong các chuyển biến này, nhân tố Trung Quốc luôn được nhắc đến.
Campuchia dường như đạt được mục tiêu kép khi vừa đảm bảo ổn định chính trị vừa có thể tìm được lựa chọn thay thế cho Tam giác Phát triển với Việt Nam và Lào (CLV-DTA) sau khi tuyên bố rút khỏi khuôn khổ hợp tác này vào ngày 20/9, theo nhận định của các chuyên gia với BBC News tiếng Việt.
Nguồn : BBC, 17/10/2024
Cú hích mạnh mẽ cho tinh thần dân tộc Campuchia
Làng Prek Takeo nhuộm trong sắc trắng vào sáng thứ Hai 5/8 với hơn 10.000 người mặc áo thun in hình ông Hun Sen và ông Hun Manet ở mặt trước, mặt sau là thông điệp "Hãy ủng hộ Phù Nam Techo".
Kênh đào Phù Nam Techo tạo ra cú hích mạnh mẽ cho tinh thần dân tộc, củng cố vị thế cho Đảng Nhân dân Campuchia (CPP) của ông Hun Sen và tính chính danh của ông Hun Manet khi sắp tròn một năm kế nhiệm cha mình
Từ tờ mờ sáng, hàng dài xe nối đuôi nhau hướng về làng Prek Takeo thuộc huyện Kien Svay, tỉnh Kandal, địa điểm diễn ra lễ động thổ kênh đào Phù Nam Techo.
An ninh được siết chặt.
Hầu hết mọi người đều mặc đồng phục áo thun trắng có hình cựu Thủ tướng, Chủ tịch Thượng viện Hun Sen và con trai ông là Thủ tướng Hun Manet.
Một phóng viên từ trang Flash News của Campuchia cho biết mình đã dậy từ một giờ sáng để chuẩn bị cho sự kiện.
Campuchia đã đưa ra quy định nghiêm ngặt cho các nhà báo nước ngoài lẫn trong nước tham gia đưa tin sự kiện : phải đến trước 5 giờ sáng, trang phục trang trọng và tuyệt đối không được mang giày thể thao.
Biểu ngữ kêu gọi ủng hộ dự án xuất hiện khắp nơi.
Dân làng Prek Takeo có một ngày buôn bán tấp nập, nhưng không có cảnh chặt chém, thay vào đó là nụ cười thân thiện như ngày hội toàn dân.
Bà Ben Chakriya và cô Son Sinoeun, hai công chức từ Bộ Phát triển Đô thị Campuchia, hòa vào biển người đến tham dự lễ động thổ lịch sử
Bà Ben Chakriya (50 tuổi), một công chức từ Bộ Phát triển Đô thị Campuchia, chia sẻ với BBC News tiếng Việt trước buổi lễ :
"Tôi rất vui khi Campuchia xây dựng kênh đào Phù Nam Techo. Con kênh sẽ giúp nền kinh tế phát triển mạnh mẽ trong tương lai".
Đồng nghiệp của bà Ben Chakriya là bà Son Sinoeun bày tỏ :
"Người dân Campuchia rất vui vì con kênh này sẽ giúp việc giao thương hàng hóa dễ dàng hơn và giúp tiết kiệm được thời gian di chuyển".
Thế nhưng, không phải ai cũng được mời đến dự buổi lễ.
Theo một nguồn tin của BBC, những người dân chưa nhận được tiền đền bù ở các vùng phải giải tỏa đã không được mời đến tham dự sự kiện vì chính phủ lo ngại họ biểu tình phản đối.
Không khí cờ hoa rợp trời cho thấy quyết tâm cao độ của Campuchia trong việc thực hiện dự án lịch sử và giảm dần sự phụ thuộc vào quốc gia láng giềng Việt Nam.
Dự án khổng lồ này như một cú hích cho tinh thần dân tộc, giúp tiếp tục củng cố vị thế lãnh đạo độc tôn của Đảng Nhân dân Campuchia (CPP) của ông Hun Sen và tính chính danh của ông Hun Manet khi sắp tròn một năm tiếp quyền từ cha mình.
'Hoàn thành bằng mọi giá'
Thủ tướng Hun Manet gọi tuyến kênh đào dài 180 km này là một dự án "lịch sử" và cam kết "hoàn thành bằng mọi giá"
Đúng 9 giờ 9 phút, Thủ tướng Campuchia Hun Manet chính thức bấm nút khởi công dự án Phù Nam Techo.
Cựu Thủ tướng, Chủ tịch Thượng viện Hun Sen không tham dự sự kiện, dù nó diễn ra vào sinh nhật lần thứ 72 của ông.
Các quan chức từ Trung Quốc, Ấn Độ, Nga… cũng được mời dự.
Phát biểu tại lễ động thổ, Thủ tướng Hun Manet gọi tuyến kênh đào dài 180 km này là một dự án "lịch sử" và cam kết "hoàn thành bằng mọi giá".
Ông Hun Manet cũng kêu gọi người dân "đừng nên lo lắng rằng con kênh đào sẽ được sử dụng cho mục đích quân sự".
Phó Thủ tướng Sun Chanthol nhấn mạnh kênh đào sẽ củng cố "sự độc lập chính trị trong vận tải đường thủy" cho xứ sở chùa tháp.
Phó Thủ tướng Campuchia Sun Chanthol một lần nữa nhấn mạnh dự án Phù Nam Techo tuân thủ Hiệp định sông Mekong năm 1995
Trước đó, nhà nghiên cứu độc lập người Campuchia Rim Sokvy trong buổi trao đổi với BBC News tiếng Việt tại Phnom Penh đánh giá Campuchia xây dựng kênh đào Phù Nam Techo là để giảm sự phụ thuộc vào phía Việt Nam.
"Nếu Campuchia nộp tài liệu về kênh đào Phù Nam Techo cho Việt Nam thì giống như Campuchia ở vị trí thấp hơn Việt Nam, càng cho thấy sức ảnh hưởng của Việt Nam đối với Campuchia".
"Tôi nghĩ lý do chính là Campuchia muốn cho thấy mình là một quốc gia độc lập".
Tại buổi lễ, ông Sun Chanthol một lần nữa nhấn mạnh dự án Phù Nam Techo tuân thủ Hiệp định sông Mekong năm 1995 và Campuchia đã nghiên cứu khả thi đầy đủ để không gây tác động môi trường nước này và các quốc gia láng giềng.
Vào năm 1995, Lào, Thái Lan, Campuchia và Việt Nam đã ký Hiệp định về hợp tác phát triển bền vững lưu vực sông Mekong (Hiệp định Mekong năm 1995) sau gần 4 năm đàm phán (1991 - 1994), thành lập Ủy hội sông Mekong Quốc tế (MRC).
Ra đời năm 2003, Thủ tục Thông báo, Tham vấn trước và Thỏa thuận (PNPCA) là một trong 5 bộ quy tắc mang tính thủ tục của MRC.
Campuchia đã đẩy nhanh dự án này, bất chấp việc láng giềng Việt Nam quan ngại trước nhiều câu hỏi vẫn chưa có lời giải đáp đầy đủ, đặc biệt là những tác động tiềm tàng về khả năng gây hao hụt nguồn nước có thể xảy đến với Đồng bằng sông Cửu Long, vùng hạ lưu cuối cùng của con sông Mekong nơi có khoảng 21 triệu dân sinh sống.
Trái với ý kiến của ông Sun Chanthol, ngày 4/8, ông Brian Eyler, Giám đốc Chương trình Năng lượng, Nước và Tính Bền vững của Trung tâm Stimson, nhận định :
"Sau khi nghiên cứu toàn diện Hiệp định sông Mekong 1995, tôi thấy cách chính phủ Campuchia thực hiện dự án kênh đào Phù Nam Techo là vi phạm hiệp định quốc tế này".
"Vẫn còn thời gian để chính phủ Campuchia tránh không vi phạm và biến dự án trở thành một cơ hội vàng cho nền ngoại giao nguồn nước sông Mekong".
Theo ông Sun Chanthol, trong 180 km chiều dài kênh đào thì 135 km là tuyến đường thủy hiện hữu và họ chỉ đào và mở rộng thêm. Trong các phần hiện hữu có bao gồm tuyến kênh đào từ thời đế chế Phù Nam.
Vương quốc Phù Nam cổ xưa, được hình thành khoảng thế kỷ thứ 1 hoặc 2 trước công nguyên và kéo dài đến thế kỷ thứ 7, bao trùm một phần bán đảo Mã Lai, Thái Lan, một khu vực hạ lưu sông Mekong gồm Đồng bằng sông Cửu Long ngày nay.
Khái niệm Vương quốc Phù Nam đóng một vai trò quan trọng trong những diễn ngôn dân tộc chủ nghĩa tại Campuchia, khi những người lĩnh xướng muốn khẳng định sự hiện diện của dân tộc Khmer cách đây hàng ngàn năm tại vùng hạ lưu sông Mekong và tại Đồng bằng sông Cửu Long.
Công ty OCIC
Ông Hun Sen lúc đương chức thủ tướng Campuchia và Chủ tịch OCIC, nhà tài phiệt Pung Kheav Se, trong lễ động thổ dự án xây cầu bắc ngang sông Bassac ở thủ đô Phnom Penh vào ngày 26/10/2020
Ông Hun Manet cũng lần đầu tiên đề cập đến tên các công ty tham gia dự án Phù Nam Techo.
Đóng vai trò quan trọng là tập đoàn đầu tư OCIC, bên cạnh đó là các doanh nghiệp nhà nước và một số công ty nước ngoài.
OCIC là một tập đoàn lớn tại Campuchia, hoạt động đa lĩnh vực, đầu tư vào các dự án có quy mô hàng đầu như đảo Kim Cương, sân bay quốc tế Techo, cầu Russey Keo…
Chủ tịch OCIC là ông Pung Kheav Se, một nhà tài phiệt gốc Hoa và là chủ tịch Hiệp hội người Hoa Khmer tại Campuchia.
Về danh nghĩa, OCIC là công ty Campuchia, nhưng các nguồn tin của BBC nhận định rằng có thể đứng đằng sau công ty này là Trung Quốc.
Đứng giữa các nước láng giềng lớn hơn, gồm Việt Nam và Thái Lan, Campuchia cần dựa vào một nước lớn để làm đối trọng, và nước lớn đó là Trung Quốc, theo nhận định của các chuyên gia Campuchia với BBC.
Có thể thấy rõ là Campuchia ngày càng ngả về phía Trung Quốc vì những lợi ích kinh tế, quân sự..., trở thành đồng minh sắt son nhất của Bắc Kinh tại Đông Nam Á. Đây được coi là một trong những thách thức về chiến lược địa chính trị cho Việt Nam trong thời gian tới.
Nhiều người mang theo bóng bay cùng dòng thông điệp mừng lễ động thổ đại dự án Phù Nam Techo vào ngày 5/8
Cuối buổi lễ động thổ lịch sử, những chiếc bong bóng bay mang theo hi vọng về sự trỗi dậy của Campuchia được thả lên bầu trời, người dân nhún nhảy theo điệu nhạc rộn ràng, hình ảnh cha con ông Hun Sen và Hun Manet được giương cao.
Campuchia đã chính thức khởi động một siêu công trình, mang theo tham vọng hùng cường của xứ sở chùa tháp.
Nhưng tham vọng của người Campuchia cũng để lại nhiều dấu hỏi lớn cho người Việt Nam về sinh kế của hàng triệu dân sống ở vùng Đồng bằng Sông Mekong.
Huyền Trân & Khoa Trần
Nguồn : BBC, 05/08/2024
Các nhà nghiên cứu, phân tích và quan sát bình luận với VOA Ttiếng Việt về những khía cạnh khác nhau cần lưu ý xung quanh dự án kênh đào Funan Techo mà nhà nước Campuchia có kế hoạch khởi công với sự hợp tác của Trung Quốc liên quan sông Mekong.
Nguồn : VOA, 04/08/2024
Ngăn lũ tràn sang Việt Nam, kênh đào Phù Nam Techo khiến miền Tây mất dần mùa nước nổi ?
Huyền Trân, BBC, 30/05/2024
Phó Thủ tướng Campuchia Sun Chanthol đề cập khả năng ngăn lũ tràn sang Việt Nam như một ưu điểm của kênh Phù Nam Techo. Trong khi đó, lũ lại đóng vai trò quan trọng đối với Đồng bằng sông Cửu Long.
Đồng bằng sông Cửu Long đã trải qua thời gian hạn mặn khắc nghiệt. Ảnh một khu vườn tại thị xã Vĩnh Châu, tỉnh Sóc Trăng bị khô héo vì thiếu nước vào ngày 26/4/2024.
Phó Thủ tướng Campuchia Sun Chanthol nói với người đồng cấp Việt Nam Lê Minh Khái bên lề Hội nghị Tương lai châu Á ở Tokyo, Nhật Bản hôm 23/5 rằng kênh đào Phù Nam Techo sẽ giảm lũ ở 5 tỉnh Campuchia và ngăn nước lũ tràn sang Việt Nam.
Ông Lê Minh Khái trong cuộc gặp này cũng đề nghị Campuchia cần tiếp tục phối hợp chặt chẽ với Việt Nam và Ủy hội sông Mekong Quốc tế (MRC) trong việc chia sẻ thông tin về dự án.
Ông Sun Chanthol còn nêu hai điểm đáng chú ý khác về kênh Phù Nam Techo bao gồm :
- Ba điểm khóa nước ở các tỉnh Kandal, Takeo và Kep đảm bảo nước mặn không xâm nhập.
- Lượng nước hiện tại chảy từ sông Mekong ra biển là 8.000 mét khối/giây, sông Bassac là 1.400 mét khối/giây trong khi kênh đào Phù Nam Techo chỉ có sử dụng 5 mét khối/giây, khoảng 0,053%.
Không còn mùa nước nổi ?
Đồng bằng sông Cửu Long, vùng hạ lưu cuối cùng của sông Mekong trước khi đổ ra Biển Đông, có hai mùa là mùa mưa và mùa khô. Các tháng cuối của hai mùa này thường xảy ra tình trạng lũ lụt và khô hạn.
Mùa nước nổi ở Đồng bằng sông Cửu Long diễn ra từ tháng 8 đến tháng 11 hằng năm.
Lũ lụt đóng vai trò quan trọng trong nên sinh thái của vùng châu thổ, mang lại tài nguyên nước, đất, sinh vật...
Trong hơn hai thập niên qua, quy luật khí tượng và thủy văn lưu vực sông Mekong nói chung và vùng Đồng bằng sông Cửu Long nói riêng đã bị đảo lộn nghiêm trọng vì hiện tượng thời tiết cực đoan.
Một nghiên cứu hồi năm 2020 của Phó Giáo sư Tiến sĩ Lê Anh Tuấn, Giảng viên Đại học Cần Thơ, có nội dung cho rằng trong hai thập niên qua, xu thế giảm số năm có lũ lớn và gia tăng số năm lũ nhỏ, đồng thời đường ranh mặn đang vào sâu hơn ở khu vực ven biển.
Nguy cơ hạn hán, xâm mặn, sạt lở, sụt lún ở Đồng bằng sông Cửu Long cũng đã làm nóng nghị trường trong kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa 15 vào ngày 29/5.
Một người nông dân đứng trước cánh đồng khô cằn ở huyện Trần Đề, tỉnh Sóc Trăng vào ngày 26/4/2024.
Phó Giáo sư Tiến sĩ Vũ Thanh Ca, Giảng viên cao cấp Đại học Tài nguyên và Môi trường Hà Nội, ngày 28/5 bình luận với BBC News tiếng Việt rằng trong bối cảnh Đồng bằng sông Cửu Long đang thiếu lũ, việc kênh đào Phù Nam Techo gây giảm lũ "là một tác động bất lợi". Trên thực tế, trong nhiều năm gần đây, Việt Nam và nhiều chuyên gia quốc tế đã luôn coi lũ sông Mekong (nước nổi) là nguồn tài nguyên.
Ông bình luận với BBC News tiếng Việt : "Điều Phó Thủ tướng Sun Chanthol nói là có cơ sở, vì khi đào kênh người ta sẽ đắp bờ kênh cao lên. Bờ này cũng có thể được nâng cấp thành đường giao thông. Ngoài ra, do giao thông trở nên thuận tiện nên hai bên bờ kênh sẽ xuất hiện các khu dân cư. Kết quả là bờ kênh và các khu dân cư được bảo vệ bằng đê bao hoặc có nền đất cao sẽ ngăn lũ chảy tràn về Việt Nam".
Ông cũng nêu vai trò của nước lũ đối với Đồng bằng sông Cửu Long:
"Nước tràn bờ vào ruộng sẽ thau chua rửa mặn, cung cấp nguồn phù sa, tôm cá, làm sạch ruộng đồng, kênh mương. Nói cách khác, nước nổi cung cấp sự sống cho đồng bằng châu thổ. Tuy nhiên, các đập thủy điện thượng nguồn đã ngăn nguồn nước lũ về đồng bằng, làm dân miền Tây có khá nhiều năm phải mỏi mòn chờ mùa nước nổi.
Như vậy, trong bối cảnh đồng bằng đang thiếu lũ, việc kênh đào Phù Nam Techo gây giảm lũ là tác động bất lợi".
Phó Giáo sư Tiến sĩ Lê Anh Tuấn bình luận trên Facebook của ông vào ngày 26/5 với nội dung chính: Việc xem lũ lụt ở miền Nam là một thiên tai như ở miền Bắc hay miền Trung là một đánh giá sai lầm.
"Phải khẳng định lũ lụt mang lại sự giàu có bền vững nói chung của đồng bằng, kể cả vùng biển chung quanh. Lũ lụt mùa mưa cao giúp mùa khô bớt thiếu nước ngọt và giảm bớt diện tích bị nhiễm mặn. Các nhà địa lý ở nước ngoài gọi vùng châu thổ sông Cửu Long là 'flood plain', nghĩa là 'đồng lũ'.
Không có hoặc kém đi lượng lũ lụt, đồng bằng sẽ rơi xuống tình trạng tan rã, nghèo kiệt và bất ổn. Không phải vô cớ mà nhiều nông dân than thở với những từ mới như 'đói lũ', 'khát lũ', 'lũ nghèo', 'lũ kiệt'… trong mấy năm gần đây.
Vậy mà phía Campuchia nói với quan chức Việt Nam rằng kênh đào Funan Techo sẽ ngăn lũ tràn sang Việt Nam như là một ưu điểm, thì tôi mường tượng một viễn cảnh bất an, rủi ro và tổn thất cao cho người dân vùng châu thổ sông Cửu Long trong các năm sau".
Phó Giáo sư Tiến sĩ Lê Anh Tuấn nói với BBC News tiếng Việt hôm 30/5 rằng lưu lượng nước từ sông Mekong đổ ra biển là khoảng 8.000 mét khối/giây là con số trung bình của cả năm, nghĩa là trung bình cả mùa mưa lũ và mùa khô.
"Dùng con số trung bình này để lập luận là không hợp lý, mà phải lấy con số mùa khô mới có ý nghĩa tác động vì người dân cần nước cho mùa khô để sử dụng canh tác, cấp nước… hơn là mùa mưa", ông nêu ý kiến.
Từ Hoa Kỳ hôm 28/5, Kỹ sư Phạm Phan Long, nhà sáng lập và hoạt động cho tổ chức phi chính phủ Viet Ecology Foundation, nói ông không rõ Phó Thủ tướng Việt Nam Lê Minh Khái có nói với người đồng cấp Campuchia là Việt Nam không chống lũ mà thay vào đó nên chào đón lũ để có mùa nước nổi hay không, cũng như Campuchia chào đón lũ với lễ hội hằng năm ở Biển Hồ.
Kênh Phù Nam Techo đổ ra biển chỉ khoảng 5 mét khối/giây?
Phó Thủ tướng Campuchia nói kênh đào có 3 cửa cống ở các tỉnh Kandal, Takeo và Kep, giúp ngăn nước mặn xâm nhập.
Phó Giáo sư Tiến sĩ Vũ Thanh Ca đồng ý với nhận định này và cho rằng các điểm khóa nước (hay còn gọi là âu tàu) sẽ có tác dụng điều tiết dòng chảy, mực nước, tạo độ sâu cần thiết phục vụ giao thông vận tải và ngăn xâm nhập mặn tại khu vực giáp biển của Campuchia.
Thạc sĩ Kỷ Quang Vinh, cựu Chánh văn phòng Công tác biến đổi khí hậu (Ủy ban Nhân dân Thành phố Cần Thơ), hôm 28/5 nhận định với BBC rằng việc ngăn mặn nếu có, chỉ chủ yếu cho phía Campuchia, còn phía Việt Nam thì tác động ngăn mặn sẽ không rõ vì ông không thấy số liệu cụ thể nào.
Sông Mekong dài hơn 4.000 km, bắt nguồn từ cao nguyên Tây Tạng ở độ cao trên 4.000 m, chảy qua tỉnh Vân Nam của Trung Quốc, đi dần xuống bắc Thái Lan, qua vùng trung và hạ Lào, đến miền bắc Campuchia thì nhận thêm nguồn nước tả ngạn từ vùng Tây Nguyên của Việt Nam đổ xuống, dòng chảy trao đổi với dòng Tonle Sap phía hữu ngạn và cuối cùng đi vào địa phận Đồng bằng sông Cửu Long của Việt Nam qua hai dòng sông Tiền và sông Hậu trước khi đổ ra Biển Đông.
Sông Mekong sau khi đi qua thủ đô Phnom Penh của Campuchia thì tách ra làm hai nhánh, là Bassac River (sông Hậu) và Trans-Bassac River (sông Tiền) rồi chảy vào Việt Nam, trước khi đổ ra Biển Đông.
Về thông tin Phó Thủ tướng Chanthol nói lưu lượng nước hiện nay từ sông Mekong đổ ra biển là khoảng 8.000 mét khối/giây, sông Bassac là 1.400 mét khối/giây trong khi kênh Phù Nam chỉ là 5 mét khối/giây để trấn khả năng dòng chảy sông Mekong bị hao hụt là không đáng kể, ông Kỷ Quang Vinh đã đặt ra các câu hỏi :
"Không biết ông Chanthol nói lưu lượng sông Mekong đổ ra biển là 8.000 mét khối/giây là mùa nào và ở đâu. Vì tùy thời điểm trong năm và ở chi lưu nào mà lưu lượng nước đổ ra biển sẽ thay đổi rất nhiều".
Phó Giáo sư Tiến sĩ Vũ Thanh Ca đánh giá theo số liệu quan trắc nhiều năm trên sông Mekong thì lưu lượng nước trên hai dòng chính của sông Mekong biến động rất mạnh trong năm.
"Theo số liệu của Sở Tài nguyên và môi trường tỉnh An Giang, vào mùa nước nổi, lưu lượng nước trên hệ thống sông rất lớn, hiện nay khoảng trên 24.000 mét khối/giây. Vào mùa khô, lưu lượng nước khoảng 5.000 mét khối/giây".
"Về lưu lượng nước trên kênh Phù Nam Techo, số liệu được công bố của Campuchia cho thấy lưu lượng mà kênh lấy từ sông chỉ khoảng 5 mét khối/giây. Tuy nhiên, đây chỉ là lưu lượng nước phục vụ giao thông. Tôi cho rằng ngoài phục vụ mục đích giao thông, con kênh này có thể sẽ được sử dụng để phục vụ mục đích tưới tiêu và các hoạt động kinh tế khác. Vì vậy, lưu lượng thực mà kênh lấy từ hai dòng chính của sông Mekong cần được tính lại cho phù hợp".
Việt Nam vẫn chờ thông tin từ Campuchia ?
Lũ lụt vốn đã đóng vai trò quan trọng, góp phần tạo nên sự trù phú của Đồng bằng sông Cửu Long
Phó Giáo sư Tiến sĩ Vũ Thanh Ca nêu ý kiến việc đào kênh và sử dụng nước là nhu cầu chính đáng của Campuchia.
Tuy nhiên, ông nhấn mạnh để hạn chế thấp nhất các tác động môi trường, đặc biệt đối với Đồng bằng sông Cửu Long, thì "Việt Nam và Campuchia cần có những trao đổi, cung cấp đầy đủ nhất các số liệu để đánh giá một cách chính xác nhất các tác động môi trường nhằm xây dựng chính sách ứng phó phù hợp, phù hợp với Hiệp định Mekong năm 1995 và quan hệ tốt đẹp giữa hai nước".
Cựu Thủ tướng Hun Sen, Chủ tịch Thượng viện Campuchia, gần đây đã lên tiếng thúc giục đẩy nhanh tiến độ khởi công siêu dự án này.
"Tôi đề nghị tân thủ tướng và chính phủ không chờ đợi quá lâu. Nếu có thể động thổ sớm thì hãy thực hiện bởi vì sẽ có thêm nhiều phản ứng. Chúng ta cần suy nghĩ cho nền kinh tế của chúng ta. Chúng ta cần suy nghĩ cho nền độc lập của chúng ta".
Cho đến nay, Bộ Ngoại giao Việt Nam đã bốn lần lên tiếng chính thức về dự án kênh đào Phù Nam Techo của Campuchia, gần nhất là vào ngày 23/5, nhấn mạnh quốc gia láng giềng cần cung cấp thêm thông tin để đánh giá đầy đủ về dự án.
Tuy nhiên, Campuchia vẫn chưa gửi thêm tài liệu cho phía Việt Nam để có đánh giá đầy đủ về các tác động môi trường cho dự án trị giá 1,7 tỷ USD này, đồng thời ông Hun Sen bác bỏ thông tin cho rằng kênh Phù Nam Techo thuộc sáng kiến Vành đai và Con đường (BRI) của Trung Quốc.
Nhà nghiên cứu Brian Eyler, Giám đốc Chương trình Năng lượng, nước và tính bền vững của Trung tâm Stimson, đánh giá với BBC News tiếng Việt vào ngày 10/5 như sau :
"Các nhà lãnh đạo Campuchia vẫn tiếp tục ca ngợi lợi ích thủy lợi của kênh đào này. Cách duy nhất để sử dụng kênh đào này có ý nghĩa cho tưới tiêu là lấy nước từ các kênh của con sông Mekong vào mùa khô. Cách sử dụng nước như thế này có một tác động đáng kể đối với nhu cầu tưới tiêu của Đồng bằng sông Cửu Long".
"Việc sử dụng nước trong mùa khô của Campuchia từ dòng chảy chính của sông Mekong phải tuân theo tiến trình tham vấn và đồng thuận với các nước Thái Lan, Lào và Việt Nam được xác định trong Hiệp định sông Mekong năm 1995".
Vào năm 1995, Lào, Thái Lan, Campuchia và Việt Nam đã ký Hiệp định về hợp tác phát triển bền vững lưu vực sông Mekong (Hiệp định Mekong năm 1995) sau gần 4 năm đàm phán (1991 - 1994), thành lập Ủy hội sông Mekong Quốc tế (MRC).
Ra đời năm 2003, Thủ tục Thông báo, Tham vấn trước và Thỏa thuận (PNPCA) là một trong 5 bộ quy tắc mang tính thủ tục của MRC.
"Tôi không nghĩ là chúng tôi có quyền ngăn chặn một dự án, bởi vì Thủ tục Thông báo, Tham vấn trước và Thỏa thuận [PNPCA] là nhằm để tránh, giảm thiểu tác động của dự án được đề xuất, và về hợp tác [chia sẻ thông tin và đối thoại], không phải về chuyện phủ quyết", ông Sophearin Chea, trưởng bộ phận quy hoạch lưu vực sông Mekong của MRC, nói với BBC News tiếng Việt vào ngày 5/5.
BBC, 30/05/2024
Thủ tướng Campuchia Hun Manet tuyên bố sẽ khởi công xây dựng kênh đào Phù Nam Techo vào tháng 8, theo Khmer Times.
Campuchia từng thông báo sẽ khởi công kênh đào Phù Nam Techo vào quý 4 năm nay, giờ đây họ nói rằng sẽ khởi công vào tháng 8.
Ông Hun Manet đưa ra tuyên bố trên trong một buổi lễ tại một trung tâm văn hóa Phật giáo ở huyện Phnom Sruoch, tỉnh Kampong Speu vào sáng nay (30/5).
Ông Hun Manet tuyên bố dự án kênh đào Phù Nam Techo sẽ được xây dựng trên lãnh thổ của Campuchia, phục vụ lợi ích của người Khmer, trong khi phần lớn kinh phí cũng từ nước này.
Ông Hun Manet tuyên bố: "Chúng ta sẽ không trì hoãn công trình [xây dựng kênh đào Phù Nam Techo]. Khi công tác xây dựng bắt đầu, hầu hết người dân Campuchia sẽ tham gia. Dĩ nhiên chúng ta đang thương lượng với một công ty đầu tư Trung Quốc vì họ có công nghệ và cũng có một ít đầu tư. Chúng ta sẽ động thổ xây dựng vào tháng 8".
Từ trước đến nay, Campuchia chỉ nói rằng siêu dự án sẽ được khởi công vào quý 4 năm nay.
Như vậy, với việc thông báo thời điểm khởi công vào tháng 8, có thể thấy Campuchia muốn nhanh chóng triển khai siêu dự án có kinh phí ước tính là 1,7 tỷ USD.
Trước đó, vào ngày 25/5, cựu Thủ tướng Hun Sen, Chủ tịch Thượng Viện Campuchia, đã bác bỏ thông tin cho rằng kênh đào này sẽ được khởi công vào tháng 6.
"Những ngày này, người ta đồn rằng tôi đã quyết định khởi công xây dựng kênh Funan Techo vào ngày 12 tháng 6 năm 2024. Không hề có chuyện đó. Quyết định khi nào động thổ xây dựng hoàn toàn thuộc về Thủ tướng Hun Manet", ông viết trên trang Facebook chính thức.
Vào ngày 16/5, ông Hun Sen đã hối thúc chính phủ của ông Hun Manet bắt đầu khởi công dự án này càng sớm càng tốt và khẳng định không có tác động xã hội hay môi trường đáng kể nào nào từ kênh đào Phù Nam Techo.
Ông Hun Manet đã không nêu cụ thể tên của công ty Trung Quốc đầu tư vào dự án này.
Trước đó, theo tường thuật của Khmer Times vào ngày 20/5, ông Hun Sen đã tuyên bố: "Dự án này hoàn toàn không liên quan gì đến Sáng kiến Vành đai và Con đường của Trung Quốc. Dự án 100% do Campuchia khởi xướng".
Tập đoàn Cầu đường Trung Quốc được xác nhận là công ty thực hiện nghiên cứu khả thi dự án kênh đào Phù Nam Techo và cũng là công ty đầu tư vào kênh đào này.
Campuchia luôn bác bỏ việc vay tiền Trung Quốc để xây kênh đào, mà chỉ đề cập sẽ tiến hành theo cơ chế đối tác công-tư (PPP), không theo khuôn khổ khoản nợ từ đối tác phát triển nào.
Thủ tướng Hun Manet đã khẳng định siêu dự án Phù Nam Techo sẽ do các đối tác Trung Quốc xây dựng, theo hợp đồng BOT (xây dựng - vận hành - chuyển giao).
Quy mô kênh đào Phù Nam Techo của Campuchia
Độ dài và chi phí ước tính : 180 km và 1,7 tỷ USD
Rộng : 100 m ở thượng nguồn
Rộng : 80 m ở hạ nguồn
Độ sâu : 5,4 m
Thời gian xây dựng :4 năm
Nguồn : Thông tấn xã Campuchia (APK)
Thông báo mới nhất của ông Hun Manet được đưa ra trong bối cảnh Bộ Ngoại giao Việt Nam đã có 4 lần chính thức lên tiếng về dự án và đề nghị Phnom Penh cung cấp thêm thông tin để thẩm định dự án đầy đủ liên quan đến các tác động môi trường.
Các nhà khoa học Việt Nam hiện vẫn có những ý kiến khác nhau trong việc đánh giá mức sụt giảm nước đối với vùng Đồng bằng sông Cửu Long, vùng hạ lưu cuối cùng của sông Mekong.
Tuy nhiên, các nhà khoa học mà BBC đã trao đổi đều có những quan điểm chung, đó là cần phải có đánh giá tác động đầy đủ, thành lập nhóm nghiên cứu chung giữa Ủy hội sông Mekong Quốc tế (MRC), Việt Nam và Campuchia.
Phó Thủ tướng Campuchia Sun Chanthol khẳng định lượng nước bị chuyển hướng từ dự án kênh đào Phù Nam Techo "chỉ bằng giọt nước trong xô", theo Reuters ngày 5/5.
Phó Thủ tướng Sun Chanthol cũng nói với người đồng cấp Việt Nam Lê Minh Khái bên lề Hội nghị Tương lai châu Á ở Tokyo, Nhật Bản hôm 23/5 rằng lượng nước hiện tại chảy từ sông Mekong ra biển là 8.000 mét khối/giây, sông Bassac là 1.400 mét khối/giây trong khi kênh đào Phù Nam Techo chỉ sử dụng 5 mét khối/giây.
Phó Giáo sư Tiến sĩ Lê Anh Tuấn nói với BBC News tiếng Việt hôm 30/5 rằng lưu lượng nước từ sông Mekong đổ ra biển là khoảng 8.000 mét khối/giây, là con số trung bình của cả năm, nghĩa là trung bình cả mùa mưa lũ và mùa khô.
"Dùng con số trung bình này để lập luận là không hợp lý, mà phải lấy con số mùa khô mới có ý nghĩa tác động vì người dân cần nước cho mùa khô để sử dụng canh tác, cấp nước… hơn là mùa mưa".
"Mùa khô, lưu lượng trung bình sông Mekong đổ về châu thổ sông Cửu Long khoảng 2.500 mét khối/giây, nhưng trong các tháng 3, tháng 4 hằng năm, lưu lượng trung bình chỉ còn khoảng 1.700 - 1.800 mét khối/giây, chia cho phần sông Bassac (sông Hậu, qua trạm Châu Đốc) chỉ xấp xỉ 5%, phần Trans-Bassac (sông Tiền, qua trạm Tân Châu) xấp xỉ 95% lưu lượng", ông phân tích với BBC.
Phó Giáo sư Tiến sĩ Vũ Thanh Ca, Giảng viên cao cấp Đại học Tài nguyên và Môi trường tại Hà Nội, ngày 28/5 nêu ý kiến với BBC News tiếng Việt rằng việc đào kênh và sử dụng nước là nhu cầu chính đáng của Campuchia.
Tuy nhiên, ông nhấn mạnh để hạn chế thấp nhất các tác động môi trường, đặc biệt đối với Đồng bằng sông Cửu Long, thì "Việt Nam và Campuchia cần có những trao đổi, cung cấp đầy đủ nhất các số liệu để đánh giá một cách chính xác nhất các tác động môi trường nhằm xây dựng chính sách ứng phó phù hợp, phù hợp với Hiệp định Mekong năm 1995 và quan hệ tốt đẹp giữa hai nước".
Nguồn : BBC, 30/05/2024
Tháng 5 năm ngoái, Campuchia đã đề nghị Trung Quốc tài trợ cho Dự án kênh đào Phù Nam Techo của nước này. Dự án cơ sở hạ tầng đầy tham vọng này có mức chi phí 1,7 tỷ USD và có tổng chiều dài 180 km. Mục đích chính của nó là cải thiện giao thông vận tải ở khu vực thủ đô Phnom Penh. Kênh đào này bắt đầu từ sông Basak (sông Hậu), một nhánh của sông Mê Kông, và kết thúc ở tỉnh Kampot ở phía Nam Campuchia. Nó đi qua bốn tỉnh của Campuchia gồm Kandal, Takeo, Kampot và Kep, qua đó đem lại lợi ích cho khoảng 1,6 triệu người.
Bản đồ kênh đào dài 180km nối cảng Phnom Penh với Kep trên Vịnh Thái Lan (ảnh RFA).
Sông Mê Kông là con sông lớn nhất ở Đông Nam Á. Mặc dù sông Mê Kông chảy qua Campuchia nhưng nó không đóng vai trò lớn trong giao thông vận tải và hậu cần kinh tế của nước này, bởi tất cả các cửa ra của hạ lưu sông đều nằm ở Việt Nam. Tuy giáp biển nhưng Campuchia không có con sông lớn nào dẫn thẳng ra biển. 33% lượng hàng hóa xuất nhập khẩu của Campuchia phải đi qua hạ lưu sông Mê Kông ở Việt Nam, điều này buộc họ phải chi trả cho Việt Nam một khoản phí quá cảnh tương đối lớn. Hơn nữa, chi phí vận chuyển và lệ phí thông quan của nước này cũng cao hơn Việt Nam gấp mấy lần. Bởi vậy, Việt Nam có ảnh hưởng rất lớn đến Campuchia và có thể nói rằng ở một mức độ nào đó, Việt Nam nắm trong tay huyết mạch kinh tế của Campuchia.
Do đó, Dự án kênh đào Phù Nam có ý nghĩa vô cùng quan trọng đối với Campuchia. Việc xây dựng kênh đào sẽ kết nối trực tiếp thủ đô Phnom Penh với cửa biển ở phía Nam Campuchia. Theo kế hoạch, dự án này cho phép hai tàu chở hàng 3.000 tấn đi qua cùng một lúc. Điều này không chỉ nâng cao hiệu quả vận chuyển của cảng Phnom Penh và làm giảm chi phí hậu cần mà còn thúc đẩy sự phát triển kinh tế của các khu vực dọc tuyến. Sau khi dự án này hoàn thành, tỷ lệ hàng hóa xuất nhập khẩu của Campuchia phải đi qua ngõ sông Mê Kông của Việt Nam sẽ giảm xuống 10%, điều này sẽ giúp giảm bớt ảnh hưởng của Việt Nam đối với Campuchia. Ngoài ra, Chính phủ Campuchia cũng có kế hoạch thành lập các đặc khu kinh tế xung quanh kênh đào để tạo thêm cơ hội việc làm và nâng cao mức độ đô thị hóa.
Dự án kênh đào Phù Nam Techo được coi là sáng kiến chiến lược quan trọng của Chính phủ Campuchia. Kể từ khi con trai Hun Sen là Hun Manet lên nắm quyền Thủ tướng, dự án này càng được chính phủ thúc đẩy mạnh mẽ hơn. Một trong những lý do khiến Hun Sen xúc tiến dự án kênh đào Techo trước khi rời nhiệm kỳ là bởi ông hy vọng nó sẽ củng cố địa vị chính trị của con trai mình ở Campuchia. Điều đáng nói, cái tên "Phù Nam Techo" do chính Hun Sen đặt, nó tượng trưng cho vinh quang lịch sử và sức mạnh quốc gia của Campuchia.
Thông tin từ Internet cho thấy, "Techo" thực chất là phiên âm của một từ có nghĩa là "đô đốc quân sự cấp cao nhất canh giữ một phương" trong tiếng Khmer, tương tự như "Đại thống đốc" thời Trung Quốc cổ đại. Danh từ này có thể bắt nguồn từ hai vị danh tướng sống dưới thời Oudong của Khmer cổ vào thế kỷ 17 – Techo Meas và môn đệ của mình là Techo Yot. Họ đã có những đóng góp quan trọng trong việc bảo vệ lãnh thổ Khmer và chống thù trong giặc ngoài. Hai vị danh tướng này có danh tiếng lẫy lừng trong lịch sử Campuchia và đến nay vẫn có thể chiêm ngưỡng bức tượng đồng được người dân Campuchia dựng lên để tôn vinh họ tại Bến tàu Sisowath ở Phnom Penh.
Cái tên "Phù Nam" cũng khá quen thuộc trong thư tịch cổ Trung Quốc, nó được nhắc đến lần đầu tiên để chỉ một vương quốc cổ nằm ở bán đảo Đông Dương vào thời cổ đại. Lãnh thổ của vương quốc này trải dài ở một số khu vực của Campuchia, Lào, Việt Nam và Thái Lan ngày nay.
Ý nghĩa lịch sử của hai từ "Techo" và "Phù Nam" cho thấy, Hun Sen không đặt tên cho dự án kênh đào này một cách ngẫu hứng. Ở một góc độ nào đó, ý nghĩa của hai từ này cũng thể hiện chức năng quan trọng của kênh đào Phù Nam Techo đối với Campuchia : Đảm bảo an toàn giao thông ở Phnom Penh, thúc đẩy phát triển kinh tế khu vực phía Nam và giúp Campuchia khôi phục lại ánh hào quang trong quá khứ.
Hun Sen lựa chọn giao quyền điều hành kênh đào Techo cho công ty Trung Quốc, với mong muốn quyền điều hành sẽ được trao trả cho chính phủ và người dân Campuchia sau 40 đến 50 năm nữa. Hành động này có nghĩa rằng, Campuchia sẽ được hưởng lợi từ nó, chứ không phụ thuộc vào khoản vay của Trung Quốc.
Mặt khác, dự án này cũng có ý nghĩa rất lớn đối với Trung Quốc. Sau khi dự án hoàn thành, Trung Quốc có thể đi thẳng từ sông Lancang tới sông Mê Kông để đến Thái Lan và Malaysia mà không cần qua Việt Nam, đồng nghĩa với việc vùng nội địa ở Tây Nam Trung Quốc sẽ có thêm một cửa ngõ trực tiếp đi ra biển, điều này cũng giúp bảo vệ sự an toàn của tàu buôn Trung Quốc trên tuyến đường thủy Malacca, đồng thời tăng cường quan hệ kinh tế, thương mại giữa Trung Quốc với Thái Lan, Malaysia và các nước ASEAN khác.
Campuchia không có đủ tiềm lực kinh tế nên đã tìm đến Trung Quốc, phía Trung Quốc đồng ý vì đó là vấn đề đôi bên cùng có lợi. Người Campuchia tin rằng, dự án này sẽ khiến Campuchia không còn phải phụ thuộc vào kẻ khác nữa, "kẻ khác" ở đây là Việt Nam. Ngay sau khi được công bố, dự án kênh đào giữa Trung Quốc và Campuchia đã vấp phải sự hoài nghi từ mọi phía. Người Việt Nam không mấy lạc quan về điều này, bởi sự vận hành của kênh đào Phù Nam sẽ làm giảm cơ hội vận chuyển hàng hóa từ Phnom Penh và khiến họ mất đi một lượng lớn phí quá cảnh. Phía Việt Nam đã đề xuất phương án xây đường từ Thành phố Hồ Chí Minh đến Phnom Penh nhưng Campuchia không đồng ý. Bên cạnh đó, Mỹ đã phóng đại rằng Trung Quốc sẽ triển khai căn cứ quân sự ở Campuchia và cũng đang cố gắng gieo rắc mối bất hòa giữa Trung Quốc và Việt Nam.
Thông tin về việc Trung Quốc muốn triển khai căn cứ quân sự ở Campuchia đã kích thích sự nhạy cảm của Việt Nam. Nước này đã đồng thời yêu cầu cả Trung Quốc và Campuchia cung cấp toàn bộ thông tin xây dựng của dự án, qua đó đánh giá xem liệu nó có gây thiệt hại cho hệ sinh thái sông Mê Kông hay không, và Việt Nam sẽ chỉ tán thành nếu dự án đáp ứng được các tiêu chuẩn.
Phải nói rằng đây là một yêu cầu vô lý. Sự hợp tác giữa Trung Quốc và Campuchia không liên quan đến nước thứ ba, và hai nước này không có nghĩa vụ phải cung cấp thông tin xây dựng. Mặc dù gần đây, Việt Nam thường xuyên đến thăm Trung Quốc và tìm kiếm sự giúp đỡ từ Trung Quốc trong việc xây dựng các dự án đường sắt cao tốc, nhưng Việt Nam và Mỹ cũng có mối quan hệ thân thiết, Mỹ vẫn luôn lôi kéo Việt Nam và các nước ASEAN để tranh giành ảnh hưởng của Trung Quốc đối với ASEAN. Bộ Thương mại Mỹ đang thảo luận về việc công nhận quy chế kinh tế thị trường của Việt Nam và tăng cường hợp tác với Việt Nam. Vì vậy, khó có thể khẳng định liệu trong tương lai Việt Nam có bị lôi kéo vào cuộc chiến bởi những khoản lợi nhuận của Mỹ hay không.
Mới đây, hai tàu chiến Trung Quốc đã tới Campuchia để tham gia cuộc tập trận chung "Rồng vàng 2024" diễn ra vào từ giữa đến cuối tháng 5. Đây là cuộc tập trận chung thứ sáu giữa hai nước, nó đương nhiên không nhắm mục tiêu vào một quốc gia cụ thể nào, nhưng ngoài việc tăng cường sự hợp tác sâu sắc hơn giữa hai nước, đây cũng được coi là một cú phản kích đối với những yêu cầu từ phía Việt Nam.
Ngay từ tháng 12 năm ngoái, hai tàu Type 056A của Trung Quốc đã tới Campuchia để tham gia cuộc tập trận chung Trung Quốc-Campuchia. Tuy nhiên vào thời điểm đó, hai tàu Type 056A này không về nước mà vẫn neo đậu tại căn cứ hải quân Campuchia. Lần này, Trung Quốc tiếp tục cử đi hai tàu chiến, nâng số chiến hạm có mặt tại Campuchia lên con số bốn, đây là lực lượng hải quân đáng kể ở Đông Nam Á.
Sự tham gia của tàu chiến Trung Quốc trong cuộc tập trận quân sự chung Trung Quốc-Campuchia lần này không chỉ tăng cường hợp tác quân sự giữa hai nước, mà còn truyền đi thông điệp tới thế giới bên ngoài và đánh động một vài quốc gia. Dự án kênh đào này là một sự hợp tác đôi bên cùng có lợi, giúp tăng cường mối quan hệ giữa Trung Quốc và ASEAN, thế giới bên ngoài không thể ngăn cản dự án này.
Baijiahao
Nguyên tác : Baidu, ngày 16/04 và 17/04/2024.
Lê Thị Thanh Loan biên dịch
Nguồn : Nghiên cứu quốc tế, 23/05/2024
Kênh đào Phù Nam Techo : Mỹ nhấn mạnh phải minh bạch, Việt Nam họp tham vấn chuyên gia
Mỹ đã chính thức lên tiếng về dự án kênh đào Phù Nam Techo (Funan Techo) của Campuchia. Việt Nam sẽ tổ chức cuộc họp tham vấn chuyên gia vào ngày 23/4. Campuchia vẫn quyết tâm thúc đẩy dự án.
Thủ tướng Campuchia Hun Manet từng trấn an Thủ tướng Phạm Minh Chính về kênh đào Phù Nam Techo trong chuyến thăm Hà Nội hồi năm ngoái. Giờ đây, phía Việt Nam đã lần đầu tiên chính thức lên tiếng công khai.
Trong một tuyên bố gửi đến BBC News tiếng Việt ngày 17/4, một người phát ngôn Bộ Ngoại giao Mỹ nêu :
"Chúng tôi không can thiệp vào công việc quản lý nội bộ hay những quyết định phát triển của Campuchia.
"Với tư cách là một người bạn của nhân dân Campuchia, chúng tôi lưu ý rằng quản trị nguồn nước trong khu vực mang tính bền vững và hợp tác là trụ cột của Quan hệ đối tác Mekong - Mỹ và Ủy hội sông Mekong (MRC)".
"Nhân dân Campuchia cũng như nhân dân ở các quốc gia lân cận và khu vực rộng hơn sẽ hưởng lợi từ tính minh bạch đối với bất kỳ hoạt động lớn có tác động tiềm ẩn lên sự bền vững của nguồn nước và nền nông nghiệp khu vực".
"Chúng tôi kêu gọi nhà chức trách phối hợp chặt chẽ với MRC để cung cấp thêm chi tiết về dự án và tham gia đầy đủ vào các nghiên cứu tác động môi trường thích hợp nhằm giúp MRC và các quốc gia thành viên hiểu đầy đủ, thẩm định và chuẩn bị cho những tác động có thể có từ dự án này".
Ngày 9/4, cựu Thủ tướng Hun Sen đã chỉ trích gay gắt những nhận định về khả năng nước này đang mở đường cho Trung Quốc tiếp cận quân sự thông qua căn cứ hải quân Ream và dự án kênh đào Phù Nam Techo.
Ông Hun Sen, hiện là Chủ tịch Thượng viện, bác bỏ khả năng "lưỡng dụng" của kênh đào Phù Nam Techo, tức là có thể vừa phục vụ kinh tế-xã hội, vừa phục vụ quân sự.
Trước đó, bài báo "Dự án kênh đào Funan Techo : lợi ích và hệ lụy" của hai tác giả Nguyễn Đình Thiện và Hoàng Thanh Minh được đăng trên Tạp chí Phương Đông thuộc Viện Nghiên cứu Phát triển Phương Đông số 63 tháng 3/2024 có đề cập đến khả năng "lưỡng dụng" này.
Phản ứng gay gắt của ông Hun Sen được cho là nhằm vào chính bài viết trên tạp chí của Viện Nghiên cứu Phát triển Phương Đông, trực thuộc Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam.
"Nhiều chuyên gia quân sự đặt ra khả năng khi các cửa cống trên Kênh đào Funan Techo đóng lại có thể tạo độ sâu cần thiết, đủ để cho tàu quân sự đi từ Vịnh Thái Lan, hay từ căn cứ Ream, vào sâu trong nội địa Campuchia và tiến đến gần về phía biên giới nước này", bài viết nêu.
Như cha mình, Thủ tướng Campuchia Hun Manet bác bỏ khả năng "lưỡng dụng" của kênh đào, với lập luận cho rằng con kênh đào này quá cạn, tàu chiến không lưu thông được. Độ sâu của kênh là 5,4 m.
"Trên hết, Hiến pháp Campuchia ngăn cấm việc lập các căn cứ quân sự nước ngoài trên lãnh thổ của mình và Campuchia không có tham vọng hoặc tư tưởng và sự can đảm để vi phạm hiến pháp của chính mình. Chúng tôi mạnh mẽ bác bỏ khả năng binh lính nước ngoài hiện diện trong lãnh thổ của mình. Thứ hai, chúng tôi kiên quyết bác bỏ việc lợi dụng quốc gia của chúng tôi làm bàn đạp để tấn công nhằm vào bất kỳ quốc gia nào", ông Hun Manet tuyên bố hôm 11/4.
Điều 53 của Hiến pháp Campuchia có nội dung ngăn cấm quốc gia này cho nước ngoài lập căn cứ quân sự trên lãnh thổ của mình.
Điều 55 của Hiến pháp Campuchia nêu sẽ không có bất kỳ hiệp ước và thỏa thuận nào mà không bảo đảm độc lập, chủ quyền, tính toàn vẹn lãnh thổ, tính trung lập và thống nhất quốc gia của Vương quốc Campuchia.
Cũng vào ngày 11/4, ông Hun Manet tiếp tục khẳng định Campuchia sẽ thực hiện dự án Phù Nam Techo với nguồn vốn đầu tư 1,7 tỷ USD và nhấn mạnh con kênh chỉ thuần túy mang lợi ích kinh tế cho 1,6 triệu người dân địa phương sống ven kênh.
Dự án này sẽ bao gồm ba con đập, 11 cây cầu và đường đi hai bên dài 208 km, sẽ được hoàn thành trong thời gian 4 năm.
Theo các thông báo trước đây của ông Hun Manet thì kênh đào này sẽ được khởi công vào quý 4/2024.
'Chưa đủ tài liệu đánh giá dự án'
Cho đến nay đã có ba tỉnh ở Đồng bằng sông Cửu Long công bố tình trạng khẩn cấp do hạn mặn, gồm Tiền Giang, Cà Mau và Long An. Ảnh chụp tại tỉnh Bến Tre vào ngày 19/3/3024.
Ngày 23/4, Ủy ban sông Mekong Việt Nam sẽ tổ chức một cuộc họp tham vấn quốc gia về kênh Phù Nam Techo của Campuchia tại thành phố Cần Thơ.
"Gần đây nhất (tháng 8/2023), Campuchia đã gửi thông báo chính thức tới Ủy hội sông Mê Công quốc tế về kế hoạch xây dựng Kênh đào Phù Nam Techo nối sông Bassac (về Việt Nam là sông Hậu) ra biển Tây của Campuchia. Mặc dù dự án thuộc diện 'thông báo' nhưng do Kênh đào sử dụng trực tiếp nguồn nước của sông Bassac (là phân lưu chính của sông Mê Công) nên đã gây ra nhiều mối quan ngại của các bộ, ngành, địa phương, các tổ chức quốc tế, các nhà khoa học và cộng đồng địa phương về tác động xuyên biên giới của dự án này", theo nội dung thư mời từ Ủy ban sông Mekong Việt Nam gửi đến các chuyên gia mà BBC News tiếng Việt có thể tiếp cận.
Là một trong những nhà khoa học sẽ tham gia họp tham vấn vào ngày 23/4, Tiến sĩ Lê Anh Tuấn, Giảng viên cao cấp, Cố vấn khoa học cho Viện Nghiên cứu biến đổi khí hậu Đại học Cần Thơ, cho BBC News tiếng Việt biết vào ngày 18/4 quan ngại của ông hiện nay bao gồm lượng nước và đặc điểm thủy văn có thể thay đổi trong mùa khô và mùa lũ đối với Đồng bằng sông Cửu Long.
"Theo tôi, cần có sự đánh giá thận trọng và toàn diện về khía cạnh thủy văn, nguồn nước, hệ sinh thái... về dự án này với sự tham gia của các nhà khoa học khác nhau, cùng nhau tham vấn về mặt kinh tế, môi trường, xã hội".
"Trong 14 trang tài liệu mà Ủy ban sông Mekong của Campuchia gửi cho Ủy hội vùng sông Mekong quốc tế, chỉ có 12 trang nói về dự án, hai trang đầu là thư. Trong 12 trang đó thì chỉ nói dự án là giao thông thủy nội địa, không đề cập vấn đề canh tác nông nghiệp, hay cấp nước sinh hoạt... không cung cấp đầy đủ thông số vận hành của con kênh đó, do đó khó dùng tài liệu này để đánh giá đầy đủ tác động dự án".
"Mặc dù phía Campuchia trấn an là không ảnh hưởng đến Đồng bằng sông Cửu Long nhưng không phải họ nói như vậy thì chúng ta cũng nghe như vậy. Chuyện quan ngại không hề thừa", Tiến sĩ Lê Anh Tuấn chia sẻ.
Tiến sĩ Lê Anh Tuấn cũng nhắc đến các dự án đập thủy điện ở thượng nguồn sông Mekong. Ông cho biết những nước khi thực hiện dự án đập cũng thông báo là dự án không gây tác động gì đáng kể đến dòng chảy của sông Mekong.
"Tuy nhiên, cho đến nay thì chúng ta có thể thấy những tác động từ các đập thủy điện này đối với vùng Đồng bằng sông Cửu Long như thế nào", Tiến sĩ Tuấn đánh giá.
Chính phủ Việt Nam trong tháng 4 này đã lần đầu tiên chính thức lên tiếng công khai về việc Campuchia xây kênh đào Phù Nam Techo.
Ông Đoàn Khắc Việt, Phó phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam, phát biểu trong cuộc họp báo vào ngày 11/4 : "Việt Nam rất quan tâm đến dự án kênh Funan Techo".
Ông Việt cũng cho hay Việt Nam "đã đề nghị phía Campuchia phối hợp chặt chẽ với Việt Nam và Ủy hội sông Mekong quốc tế trong việc chia sẻ thông tin và đánh giá tác động của công trình này đối với tài nguyên nước và môi trường sinh thái của khu vực Đồng bằng Sông Cửu Long".
Đồng bằng sông Cửu Long là vùng hạ lưu cuối cùng của sông Mekong.
Sông Mekong sau khi đi qua thủ đô Phnom Penh của Campuchia, thì tách ra làm hai nhánh, là Bassac River (sông Hậu) và Trans-Bassac River (sông Tiền) rồi chảy vào Việt Nam, trước khi đổ ra Biển Đông.
Siêu dự án Phù Nam Techo khiến Campuchia rời xa Việt Nam, ngả hơn vào Trung Quốc
Hiện vùng Đồng bằng sông Cửu Long đang chịu tác động đáng kể từ các yếu tố xuyên biên giới như các đập thủy điện ở thượng nguồn, biến đổi khí hậu, hoạt động lấy nước từ sông Mekong sang nơi khác để canh tác, giao thông thủy ở Lào, Thái Lan.
Các tỉnh miền Tây, tức vùng Đồng bằng sông Cửu Long, đang trải qua tình trạng hạn mặn khốc liệt. Cho đến nay đã có 3 tỉnh công bố tình trạng khẩn cấp, gồm Tiền Giang, Cà Mau và Long An, nơi người dân thiếu nước ngọt nghiêm trọng trước khi mùa mưa có thể đến vào cuối tháng 5 hoặc đầu tháng 6.
Nguồn : BBC, 19/04/2024
Kênh đào Phù Nam : Việt Nam kêu gọi chia sẻ thông tin, Mỹ lo ngại, Campuchia quyết tâm làm
VOA, 12/04/2024
Việt Nam hôm 11/4 lên tiếng kêu gọi Campuchia chia sẻ thông tin về dự án kênh đào Phù Nam Techo, trong một động thái cho thấy mối lo ngại của Hà Nội, tương tự như Washington, về khả năng dự án cơ sở hạ tầng mới nhất do Trung Quốc hậu thuẫn ở Campuchia có thể được sử dụng cho mục đích quân sự.
Thủ tướng Việt Nam Phạm Minh Chính bắt tay Thủ tướng Campuchia Hun Manet tại Hội nghị thượng đỉnh ASEAN ở Jakarta, Indonesia, vào ngày 5/9/2023. Ông Phạm Minh Chính cũng đã từng nêu vấn đề kênh đào Phù Nam Techo khi ông Hun Manet công du Việt Nam từ ngày 11-12/12/2023.
Trong cùng ngày, Thủ tướng Hun Manet khẳng định quyết tâm của Campuchia trong việc thúc đẩy dự án gây tranh cãi do Trung Quốc hậu thuẫn này, theo AFP.
"Việt Nam rất quan tâm đến dự án kênh Phù Nam Techo và cũng đã đề nghị phía Campuchia phối hợp chặt chẽ với Việt Nam và Ủy hội sông Mekong quốc tế trong việc chia sẻ thông tin và đánh giá tác động của công trình này đối với tài nguyên nước và môi trường sinh thái của khu vực Đồng bằng Sông Cửu Long để đảm bảo hài hòa lợi ích của các quốc gia ven sông và người dân sinh sống trong khu vực", phó phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam Đoàn Khắc Việt nói trong cuộc họp báo ngày 11/4.
Ông Việt nói thêm rằng Việt Nam ủng hộ nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội của các nước sông Mê Kông, nhưng "cũng nhấn mạnh tầm quan trọng của việc tăng cường hợp tác để quản lý và sử dụng hiệu quả, bền vững nguồn nước sông Mekong" vì sự phát triển bền vững của lưu vực, lợi ích của các cộng đồng người dân, tương lai của các thế hệ mai sau và tình đoàn kết giữa các quốc gia ven sông.
Dự án kênh đào Phù Nam Techo, ước tính trị giá khoảng 1,7 tỷ USD, là một kênh đào nhân tạo nối các cảng biển của Campuchia ở phía Tây Nam với sông Mê Kông.
Theo thông tin từ phía Campuchia được VOV trích dẫn, kênh dài 180km đi qua 4 tỉnh với tổng số dân 1,6 triệu người sing sống hai ven bờ sông. Theo thiết kế, kênh Phù Nam Techno sẽ rộng 100m ở thượng nguồn, 80m ở hạ lưu và có độ sâu nhất quán là 5,4m, có nghĩa là có thể có hai luồng giao thông thủy vận chuyển hiệu quả đồng thời.
Kênh Phù Nam được cho là sẽ tạo ra một tuyến đường thủy nối thủ đô Phnom Penh với bờ biển và quan trọng hơn là cảng nước sâu duy nhất của Campuchia tại Sihanoukville. Dự án lớn này nằm trong số các dự án cơ sở hạ tầng ưu tiên được chính phủ Hun Manet ban hành kể từ khi nhậm chức vào tháng 8. Nghiên cứu khả thi của dự án hiện đã được hoàn thành và chính phủ Campuchia ước tính sẽ mất 4 năm để xây dựng.
Đây là dự án cơ sở hạ tầng mới nhất do Trung Quốc tài trợ ở Campuchia khiến Hoa Kỳ lo ngại.
Washington kêu gọi Campuchia minh bạch hơn về dự án kênh đào mà một số nhà quan sát cho rằng có thể được sử dụng để tăng cường sự hiện diện quân sự của Trung Quốc tại quốc gia Đông Nam Á, gây ra mối đe dọa an ninh tiềm tàng cho các nước láng giềng trong khu vực như Việt Nam, theo Bloomberg.
Việc xây dựng kênh đào Phù Nam Techo dự kiến sẽ bắt đầu vào cuối năm nay sau khi Tập đoàn Cầu đường Trung Quốc thuộc sở hữu nhà nước đạt được thỏa thuận phát triển nó trong khuôn khổ Hội nghị thượng đỉnh Vành đai và Con đường hồi tháng 10.
"Người dân Campuchia – cùng với người dân ở các nước láng giềng và khu vực rộng lớn hơn – sẽ được hưởng lợi từ sự minh bạch trong bất kỳ cam kết quan trọng nào có tác động tiềm tàng đối với việc quản lý nước, sự bền vững nông nghiệp và an ninh trong khu vực", Wesley Holzer, giới chức chuyên trách về ngoại giao công chúng tại Đại sứ quán Mỹ ở Phnom Penh, nêu quan điểm khi trả lời các câu hỏi của Bloomberg về dự án.
Bộ Ngoại giao Trung Quốc không trả lời lập tức yêu cầu bình luận của hãng tin Mỹ.
Trước đó, hôm 9/4, Cựu thủ tướng Campuchia Hun Sen lên tiếng bác bỏ cáo buộc cho rằng dự án kênh đào Phù Nam sẽ là cửa ngõ tạo điều kiện thuận lợi cho hải quân Trung Quốc tiếp cận biên giới Việt Nam.
"Campuchia cần binh sĩ Trung Quốc để làm gì ?" ông Hun Sen, hiện là người đứng đầu Thượng viện Campuchia, viết trên nền tảng X hôm 9/4 trong một bài viết phản hồi về những thông tin mà ông nói là "vu khống về sự hiện diện của quân Trung Quốc tại căn cứ hải quân Ream" và câu chuyện "bịa đặt" về kênh đào Phù Nam Techo và "đề cập sai rằng kênh đào này sẽ tạo điều kiện thuận lợi hơn nữa cho hải quân Trung Quốc gần biên giới Việt Nam ngay cả khi kênh đào này vẫn đang được xây dựng".
"Tại sao Campuchia lại đưa quân Trung Quốc vào đất nước mình để vi phạm hiến pháp ? Và tại sao Trung Quốc lại đưa quân sang Campuchia, điều này trái với nguyên tắc tôn trọng nền độc lập của Campuchia ?", ông Hun Sen nói thêm.
Cựu thủ tướng Campuchia và con trai ông, Thủ tướng Hun Manet, đều tuyên bố kênh đào sẽ chỉ được sử dụng để thúc đẩy hoạt động kinh tế và không gây ra mối đe dọa an ninh nào cho các quốc gia khác.
Trước đó, một số nhà quan sát Việt Nam bày tỏ quan ngại kênh đào có thể tạo điều kiện thuận lợi cho việc đi lại của các tàu chiến Trung Quốc gần bờ biển Việt Nam, theo AFP.
Thủ tướng Hun Manet hôm 11/4 bác bỏ những lo ngại đó trong bài phát biểu tại tỉnh Takeo, nơi tuyến đường thủy dài 180 km được đề xuất sẽ đi qua.
"Chúng tôi sẽ không cho phép (bất kỳ quốc gia nào) sử dụng đất nước của chúng tôi làm căn cứ chống lại quốc gia khác, chứ đừng nói đến căn cứ quân sự", AFP dẫn lời ông Hun Manet nói.
Thủ tướng Campuchia nói thêm rằng kênh đào Phù Nam Techo quá nông đối với tàu chiến.
Dự án gây tranh cãi này được thúc đẩy giữa bối cảnh ông Hun Manet đang nỗ lực tăng cường mối quan hệ vốn đã chặt chẽ với Bắc Kinh kể từ khi lên nắm quyền từ cha ông chưa đầy một năm trước.
Trong khi đó, mối quan hệ của Campuchia với Mỹ hiện vẫn đang gặp nhiều trắc trở và căng thẳng về một loạt vấn đề bao gồm nhân quyền, tự do báo chí và tình trạng đàn áp phe đối lập chính trị ở Campuchia.
Vào tháng 12, hai tàu chiến Trung Quốc đã có chuyến thăm đầu tiên tới căn cứ hải quân Campuchia mà từ lâu Washington lo ngại sẽ tăng cường ảnh hưởng của Bắc Kinh ở Vịnh Thái Lan.
Các quan chức Campuchia nhiều lần phủ nhận để cho bất kỳ thế lực nước ngoài nào sử dụng căn cứ gần thành phố cảng Sihanoukville.
Sau khi Campuchia dỡ bỏ các cơ sở tại căn cứ, vốn được xây dựng một phần bằng nguồn tài trợ của Mỹ và là nơi tổ chức các cuộc tập trận quân sự của Mỹ trước đây, Trung Quốc bắt đầu tài trợ cho việc cải tạo căn cứ này.
Năm ngoái, các quan chức Campuchia phủ nhận việc xây cầu tàu mới dài 363m tại Ream nhằm mục đích làm nơi neo đậu cho hàng không mẫu hạm.
Nguồn : VOA, 12/04/2024
******************************
Kênh đào Phù Nam Techo : Campuchia quyết tâm làm, Việt Nam phản ứng
BBC, 12/04/2024
Chính phủ Việt Nam lần đầu tiên chính thức lên tiếng công khai về việc Campuchia xây kênh đào Phù Nam Techo.
Thủ tướng Campuchia Hun Manet và người đồng cấp Phạm Minh Chính tại Hà Nội ngày 11/12/2023
Ông Đoàn Khắc Việt, Phó phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam, nói với các phóng viên hôm trong cuộc họp báo hôm 11/4 : "Việt Nam rất quan tâm đến dự án kênh Funan Techo".
Ông Việt cũng cho hay Việt Nam "đã đề nghị phía Campuchia phối hợp chặt chẽ với Việt Nam và Ủy hội sông Mekong quốc tế trong việc chia sẻ thông tin và đánh giá tác động của công trình này đối với tài nguyên nước và môi trường sinh thái của khu vực Đồng bằng Sông Cửu Long".
Động thái của Việt Nam được đưa ra trong bối cảnh lãnh đạo Campuchia liên tục phát biểu về dự án kênh đào Phù Nam Techo (tức Funan Techo) trên các kênh chính thống và mạng xã hội, cho thấy quyết tâm của giới cầm quyền Phnom Penh.
Dự án kênh Phù Nam được Campuchia phê duyệt tháng 5/2023, với kinh phí 1,7 tỷ USD, dự kiến được khởi công vào quý bốn năm 2024 và sẽ hoàn thành sau bốn năm.
Tuy nhiên, giới quan sát độc lập vẫn nghi ngờ vào tính chắc chắn của thời điểm khởi công. Mức độ minh bạch thông tin của Campuchia đối với dự án này đến nay cũng được đánh giá là rất hạn chế.
Quyết tâm của Campuchia
Ngày 11/4, phát biểu tại tỉnh Takeo, nơi kênh đào Phù Nam Techo dự kiến đi qua, Thủ tướng Hun Manet bác bỏ các quan ngại về dự án này.
Ông khẳng định đây là "một dự án lịch sử, sẽ mang lại lợi ích cho nhân dân chúng ta".
Thủ tướng Campuchia cũng bác bỏ các ý kiến cho rằng nước này có thể cho phép Trung Quốc sử dụng kênh đào Phù Nam Techo và căn cứ hải quân Ream vào mục đích quân sự.
Ông Manet nói hiến pháp Campuchia không cho phép đặt căn cứ quân sự nước ngoài trên lãnh thổ của mình và Campuchia không có tham vọng hay ý định vi phạm hiến pháp của chính mình.
"Chúng ta không cho phép bất kỳ nước nào đặt căn cứ quân sự trên lãnh thổ Campuchia", ông nói.
Ông cũng nói thêm rằng thiết kế của kênh đào Phù Nam Techo không phù hợp để tàu chiến lưu thông.
Ông nhấn mạnh kênh này chỉ dành cho tàu chở hàng.
"Chúng tôi không cho phép nước mình bị sử dụng làm căn cứ cho nước khác, chứ đừng nói đến căn cứ quân sự", ông nói.
Ông cũng nhắc lại kênh đào sẽ được Trung Quốc xây theo phương thức xây dựng-vận hành-chuyển giao (BOT).
Ông nói Campuchia "tuân thủ Hiệp định Mekong năm 1995" và "đã thông báo cho Ủy hội sông Mekong về dự án".
Cùng ngày, hôm 11/4, trên Facebook cá nhân, cựu Thủ tướng Hun Sen đã gay gắt phản đối những nhận định về khả năng nước này mở đường cho Trung Quốc tiếp cận quân sự thông qua dự án kênh đào Phù Nam Techo, đồng thời tái khẳng định Việt Nam, Campuchia là "láng giềng tốt".
Hồi tháng 3/2024, cả ông Hun Manet và ông Hun Sen đều lặp lại tuyên bố dự án kênh đào Phù Nam Techo sẽ mang lại lợi ích cho 1,6 triệu người dân sống dọc công trình.
Trước đó, hồi tháng 12/2023, trong chuyến thăm chính thức Việt Nam, ông Hun Manet đã xoa dịu lo ngại về kênh Phù Nam Techo khi nói với người đồng cấp Phạm Minh Chính rằng "không có gì bí mật" trong dự án này, đồng thời đảm bảo "sẽ không tác động đến hạ lưu dòng Mekong".
Việt Nam từng một số lần phản ứng về việc Campuchia xây kênh đào Phù Nam Techo, nhưng chỉ qua các kênh như báo chí, viện nghiên cứu.
Một trong số những phản ứng "không chính thức" đáng chú ý của Việt Nam có thể kể đến bài viết của các tác giả Đình Thiện và Thanh Minh thuộc Viện Nghiên cứu Phát triển phương Đông. Trong bài viết, các tác giả nhận định rằng kênh Phù Nam Techo có thể tạo điều kiện thuận lợi cho sự hiện diện quân sự của Trung Quốc sâu trong lãnh thổ Campuchia, gần biên giới Việt Nam.
Phát biểu của của Thủ tướng Hun Manet hôm 11/4 được đưa ra là để xoa dịu các quan ngại mà bài viết nói trên đưa ra.
Tuyến kênh đào Phù Nam Techo
Quan ngại từ các nhà khoa học
BBC đã nhận được ý kiến từ một số nhà khoa học Việt Nam và quốc tế, bày tỏ quan ngại về dự án kênh đào Phù Nam Techo, chủ yếu là tác tác động về môi trường.
Ông Brian Eyler, Giám đốc Chương trình Năng lượng, Nước và Tính Bền vững của Trung tâm Stimson, mới đây chia sẻ với BBC News tiếng Việt rằng cần phải dừng dự án này cho đến khi có những đánh giá đầy đủ về tác động kinh tế và môi trường đối với Đồng bằng sông Cửu Long.
Theo ông, dự án kênh đào Phù Nam Techo có thể tạo ra những tác động môi trường và xã hội cho Đồng bằng Sông Cửu Long, nhưng "không theo cách đang được thảo luận rộng rãi tại Việt Nam".
Các tác động thật sự sẽ làm giảm dòng chảy từ Campuchia về Việt Nam qua vùng đồng bằng bồi đắp và có thể làm sụt giảm lượng nước hiện có một cách nghiêm trọng ở Campuchia, phía nam kênh đào và đồng thời tại các tỉnh An Giang và Kiên Giang.
Nhà nghiên cứu độc lập Rim Sokvy, Campuchia, nói rằng trong chuyến thăm của ông Hun Manet đến Việt Nam, Campuchia đã trình bày kết quả của nghiên cứu về kênh đào Phù Nam Techo đến Việt Nam.
Nghiên cứu này không cho thấy tác động về môi trường đối với sông Mekong.
Nếu kết quả nghiên cứu mà phía Việt Nam khác với Campuchia thì điều này có thể khiến Việt Nam thách thức Campuchia liên quan đến dự án này, ông Rim Sokvy nói.
Chia sẻ với BBC News Tiếng Viêt, PGS-TS Văn Phạm Đăng Trí, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Biến đổi Khí hậu (DRAGON-Mekong), Đại học Cần Thơ, nói rằng Bassac là một dòng tách ra từ sông Mekong và có vai trò quan trọng trong việc duy trì hệ sinh thái tự nhiên của một phần rộng lớn của đồng bằng sông Mekong, bao gồm cả phần diện tích trên lãnh thổ của Campuchia và của Việt Nam.
Kênh đào Phù Nam khi được triển khai sẽ làm thay đổi dòng chảy tự nhiên trên sông Bassac, ảnh hưởng rất đáng kế đối với hệ sinh thái tự nhiên vvà sinh kế của cộng đồng địa phương, theo ông Trí.
Ông cũng cho biết hiện tại thông tin kỹ thuật về kênh đào này cũng như đánh giá tác động môi trường của kênh đào còn chưa được công bố rộng rãi, làm hạn chế sự tham gia đánh giá từ cộng đồng khoa học và các bên liên quan khác.
Giáo sư Chung Hoàng Chương, nhà nghiên cứu độc lập về sông Mekong, cũng chia sẻ băn khoăn của mình :
"Sông Bassac khi chảy vào Việt Nam được gọi là sông Hậu, đi qua đi qua 7 tỉnh, trong đó có An Giang, Hậu Giang, Sóc Trăng và Cần Thơ.
"Câu hỏi của tôi là khi hoàn tất kênh Phù Nam thì bao lâu mới đầy nước để đưa con kênh vào vận hành được. Nước thì phải nhờ đến hai nguồn, một nguồn là từ sông Bassac, nguồn thứ hai là nước mưa".
Theo Giáo sư Chương, trong 7 tỉnh mà con sông Hậu đi qua thì có bốn tỉnh có những thành phố rất lớn, như Châu Đốc, Long Xuyên (thuộc An Giang), Cần Thơ và Sóc Trăng. Dân số tại đó là trên 5 triệu người, tương đương khoảng 25% dân số của Đồng bằng sông Cửu Long.
"Liệu nước suy giảm sẽ ảnh hưởng như thế nào đến cuộc sống người dân tại đây ?" ông đặt câu hỏi.
Giáo sư Chương cũng nêu một vấn đề khác, đó là phía bên kia bờ của sông Hậu tiếp giáp với sông Tiền. Sông Tiền và sông Hậu nối với nhau bằng sông Vàm Nao thì dự án Phù Nam Techo sẽ làm thay đổi diện mạo của con sông này như thế nào, nhiều nước hay ít nước hơn chảy xuống.
"Ngoài ra khi làm kênh Phù Nam Techo thì họ sẽ làm hai bên bờ là lối đi bằng xi măng, dài 180 km, lượng cát dùng cho hai bên bờ kênh rất lớn, theo tính toán riêng của tôi. Câu hỏi của tôi là lượng cát đó sẽ lấy ở đâu, vùng nào, có tác động ra sao ? Hiện nay tôi chưa thấy ai làm nghiên cứu về vấn đề đó", ông nói.
"Bề ngang của kênh đào là gần 100 m, do đó tàu di chuyển có thể lên đến 3.000 tấn, rồi có làn di chuyển, nếu chỉ dùng để di chuyển thì lượng nước có thể không thay đổi. Tuy nhiên, nếu con kênh này còn được dùng cho mục đích tưới tiêu, dẫn thủy nhập điền, thì lượng nước sẽ còn cao hơn. Chúng ta vẫn chưa rõ về mục đích đầy đủ con kênh".
Giáo sư Chương cho rằng cần phải có đối thoại giữa các chuyên gia độc lập từ Việt Nam và cả Campuchia, để nghiên cứu về dự án, đề xuất những thay đổi trước khi tiến hành động thổ.
Nguồn : BBC, 12/04/2024
***********************
Hun Sen bác việc kênh đào Funan Techo cho phép tàu chiến Trung Quốc hiện diện, Việt Nam yêu cầu thêm thông tin
RFA, 11/04/2024
Bộ Ngoại giao Việt Nam hôm 11/4 lên tiếng khẳng định đã yêu cầu Chính phủ Campuchia chia sẻ thông tin về kênh đào mới Funan Techo của xứ Chùa tháp, đồng thời cho biết Hà Nội ủng hộ nhu cầu phát triển kinh tế quốc nội của các quốc gia ven sông Mekong.
Sơ đồ dự án kênh đào Funan. Ảnh chụp từ Google Map, RFA vẽ minh họa sơ lược, dựa theo thông số kĩ thuật của dự án. Google Map/RFA
Phó phát ngôn nhân Bộ Ngoại giao Việt Nam Đoàn Khắc Việt, tại cuộc họp báo thường kỳ ở Hà Nội, cho biết : "Việt Nam rất quan tâm đến dự án kênh Funan Techo và đã đề nghị phía Campuchia phối hợp chặt chẽ với Việt Nam, Ủy hội sông Mekong và quốc tế trong chia sẻ thông tin, đánh giá tác động của công trình đối với tài nguyên nước, môi trường sinh thái của khu vực đồng bằng sông Cửu Long nhằm đảm bảo hài hòa lợi ích của các quốc gia ven sông và người dân sống trong khu vực".
Kênh đào Funan Techo có chiều dài 180 km, nối cảng sông Phnom Penh với vịnh Thái Lan ở tây nam Campuchia, đi qua các tỉnh Kandal, Takeo, Kampot và Kep. Kênh được dự kiến sẽ đi vào hoạt động vào năm 2028. Chính phủ Campuchia cho biết kênh đào sẽ giúp phục vụ giao thông thủy nội địa.
Đây là dự án hợp tác giữa Campuchia và Trung Quốc với tổng kinh phí 1,7 tỷ đô la.
Tuy nhiên, vào ngày 9/4 vừa qua, Chủ tịch Thượng viện Campuchia – ông Hun Sen – đã có bài đăng trên Facebook cá nhân bác bỏ thông tin về việc kênh đào sẽ cho tàu hải quân Trung Quốc hiện diện ngay sát biên giới với Việt Nam, đồng thời khẳng định không có việc Trung Quốc đang phát triển căn cứ hải quân Ream ở tỉnh Sihanoukville.
Ông Hun Sen khẳng định, kênh đào chỉ nhằm phục vụ các lợi ích kinh tế - xã hội khi cung cấp thêm nước cho vùng tây nam Campuchia.
Nhà nghiên cứu Nguyễn Khắc Giang tại Viện Yusof Ishak thuộc Singapore nhận định với RFA rằng mối lo ngại về nguy cơ của việc sử dụng kênh đào Funan Techo bắt nguồn từ mối lo ngại về khả năng của sự hiện diện của quân đội Trung Quốc tại Campuchia nhiều hơn là một dự đoán chắc chắn về việc kênh đào này sẽ được sử dụng cho mục đích quân sự.
Theo ông Giang, mối lo ngại lớn hơn là về ảnh hưởng về môi trường của kênh đào lên đồng bằng Sông Cửu Long của Việt Nam và khả năng Campuchia đang rời xa quỹ đạo ảnh hưởng về kinh tế của Việt Nam vào khi Hà Nội đang ra sức đầu tư vào việc duy trì quan hệ ba nước Việt Nam – Lào – Campuchia.
RFA, 11/04/2024
*************************
Ông Hun Sen kịch liệt bác bỏ khả năng kênh đào Phù Nam Techo và Ream phục vụ hải quân Trung Quốc
Cựu Thủ tướng Hun Sen đã lên tiếng gay gắt liên quan đến những nhận định về khả năng nước này đang mở đường cho Trung Quốc tiếp cận quân sự thông qua căn cứ Ream và dự án kênh đào Phù Nam Techo.
Hình ông Hun Sen và bản đồ phác họa dự án kênh đào Phù Nam Techo
Ông Hun Sen gọi những ý kiến cho rằng dự án kênh đào Phù Nam Techo có thể bị biến thành tuyến giao thông quân sự để hải quân Trung Quốc tiếp cận biên giới Việt Nam là "vu khống" và "bịa đặt".
Ông Hun Sen tiếp tục khẳng định Campuchia và Việt Nam là hai quốc gia láng giềng tốt, hợp tác tốt trong mọi lĩnh vực.
Trong bài viết đăng trên trang Facebook chính thức hôm 9/4, ông Hun Sen nhấn mạnh việc có một căn cứ cho lực lượng quân sự của Trung Quốc đồn trú ngay trên lãnh thổ Campuchia là đi ngược lại với hiến pháp của quốc gia này.
Ông đồng thời gọi những nhận định trước đó về việc Campuchia có thể trao cho Trung Quốc quyền tiếp cận và sử dụng căn cứ quân sự Ream là "sự bịa đặt".
Về dự án kênh đào Phù Nam Techo, ông Hun Sen cũng khẳng định kênh đào này chỉ "thuần túy phục vụ lợi ích kinh tế xã hội".
Hồi tháng 3, Thủ tướng Hun Manet, con trai và cũng là người kế nhiệm ông Hun Sen trên ghế thủ tướng, đã lặp lại tuyên bố dự án kênh đào Phù Nam Techo sẽ mang lại lợi ích cho 1,6 triệu người dân sống dọc công trình có kinh phí dự kiến 1,7 tỷ USD này và bác bỏ khả năng Phnom Penh sẽ vay nợ Bắc Kinh.
Cựu Thủ tướng Campuchia Hun Sen đã được các thượng nghị sĩ bầu làm Chủ tịch Thượng viện vào hôm 3/4.
Giới phân tích cho rằng cương vị mới sẽ càng giúp ông Hun Sen trong việc tiếp tục thống trị chính trường Campuchia và đây là động thái mới nhất trong việc củng cố quyền lực gia đình Hun Sen.
Bác bỏ mục đích 'quân sự' của kênh đào Phù Nam Techo
Theo báo Khmer Times ngày 10/4, những tuyên bố cũng ông Hun Sen trên Facebook là nhằm đáp trả một bài viết do báo Straits Times của Singapore đăng tải hôm 9/4.
Bài viết trên Straits Times dẫn một ý chính từ bài báo "Dự án kênh đào Funan Techo lợi ích và hệ lụy" của hai tác giả Đình Thiện và Thanh Minh, được đăng trên Tạp chí Phương Đông, Viện Nghiên cứu Phát triển Phương Đông, số 63 tháng 3/2024.
Bài viết của Đình Thiện và Thanh Minh cũng đã được đăng trên trang web Học viện Chính trị Công an Nhân dân, trực thuộc Bộ Công an Việt Nam vào ngày 18/3/2024.
Viện Nghiên cứu Phát triển Phương Đông (ORDI) là một đơn vị trực thuộc Liên hiệp các Hội khoa học và kỹ thuật Việt Nam, được thành lập năm 2001.
Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam là tổ chức chính trị - xã hội đại diện cho trí thức khoa học và kỹ thuật Việt Nam. ORDI có trụ sở tại Thành phố Hồ Chí Minh và chi nhánh tại Hà Nội.
Tổng Biên tập Tạp chí Phương Đông là Thượng tướng Nguyễn Văn Hưởng, cựu Thứ trưởng Bộ Công an Việt Nam.
Dù được giới thiệu là tổ chức phi chính phủ, nhưng thành phần lãnh đạo ORDI, cùng với việc các hoạt động của viện này được báo điện tử Chính phủ Việt Nam và báo điện tử Đảng Cộng sản đưa tin đều đặn, có thể hiểu đây là một tổ chức vệ tinh của chính quyền.
Từ đó, có thể hiểu bài viết về dự án kênh đào Phù Nam Techo được đăng tải trên Tạp chí Phương Đông ít nhiều phản ánh góc nhìn và mối bận tâm của chính phủ Việt Nam.
Cụ thể bài viết đã đưa ra nội dung về khả năng "lưỡng dụng" của kênh đào Phù Nam Techo, tức là có thể vừa mang mục đích kinh tế-xã hội, vừa quân sự.
"Nhiều chuyên gia quân sự đặt ra khả năng khi các cửa cống trên Kênh đào Funan Techo đóng lại có thể tạo độ sâu cần thiết, đủ để cho tàu quân sự đi từ Vịnh Thái Lan, hay từ căn cứ Ream, vào sâu trong nội địa Campuchia và tiến đến gần về phía biên giới nước này", theo nội dung bài viết.
Nhận định về khả năng "lưỡng dụng" này của kênh đào Phù Nam Techo trong bài viết của hai tác giả trên đã được trích dẫn lại trên tờ Strait Times hôm 9/4. Khi lên tiếng chỉ trích, ông Hun Sen nhằm chủ yếu vào ý này, do đó, có thể hiểu là ông gián tiếp phản ứng bài báo của Việt Nam.
Trước đó, trong bài viết trên Diplomat ngày 2/1/2024, tác giả Sothearak Sok, nhà nghiên cứu từ Trung tâm Nghiên cứu Đông Nam Á và giảng viên Đại học Hoàng gia Phnom Penh, Campuchia, nêu một bình luận cho rằng Trung Quốc có thể sử dụng kênh đào này để thúc đẩy tham vọng quân sự trong khu vực, tuy nhiên không nêu chi tiết cụ thể.
'Không ảnh hưởng dòng chảy sông Mekong'
Một điều chú ý ông Hun Sen nêu trong tuyên bố trên Facebook là "kênh đào này [Phù Nam Techo] không có tác động đối với dòng chảy của sông Mekong vì không kết nối trực tiếp đối với sông Mekong mà là con sông Bassac".
Sông Bassac là một phân lưu của sông Mekong chảy qua địa phận Campuchia. Từ thủ đô Phnom Penh chảy xuống Việt Nam, sông Mekong tách thành 2 nhánh là Bassac River (sông Hậu) và Trans-Bassac River (sông Tiền) rồi chảy vào Việt Nam.
Phó Giáo sư Tiến sĩ Văn Phạm Đăng Trí, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Biến đổi Khí hậu (DRAGON-Mekong), Trường Đại học Cần Thơ, chia sẻ với BBC News tiếng Việt nhận định của ông về dự án vào hôm 17/3 :
"Bassac là một dòng tách ra từ sông Mekong và có vai trò quan trọng trong việc duy trì hệ sinh thái tự nhiên của một phần rộng lớn của đồng bằng sông Mekong, bao gồm cả phần diện tích trên lãnh thổ của Campuchia và của Việt Nam".
"Do vậy, kênh đào Phù Nam Techo khi được triển khai sẽ làm thay đổi dòng chảy tự nhiên trên sông Bassac sẽ có ảnh hưởng rất đáng kế đối với hệ sinh thái tự nhiên bản địa của đồng bằng cũng như sinh kế của cộng đồng địa phương".
Vùng Đồng bằng sông Cửu Long đang trải qua kỳ hạn mặn khốc liệt, khiến nước sạch trong tháng qua được xem "quý hơn vàng", ảnh hưởng đến 50.000 hộ dân.
Ngày 9/4, trước câu hỏi của BBC News tiếng Việt về nguyên nhân hạn hán nghiêm trọng trong năm nay và nhận định về diễn biến tiếp theo, Tiến sĩ Lê Anh Tuấn đưa ra quan ngại của ông bao gồm dự án kênh đào Phù Nam Techo dự kiến được Campuchia khởi công trong quý 4 năm nay.
Theo ông, điều cần nhất hiện nay là các chuyên gia Việt Nam phải tiếp cận được chi tiết dự án để có số liệu thì mới có thể đưa ra đánh giá đầy đủ về tác động của dự án này.
Tiến sĩ Lê Anh Tuấn, Cố vấn khoa học cho Viện Nghiên cứu biến đổi khí hậu Đại học Cần Thơ, cho biết ông lo lắng về dự án kênh đào Phù Nam Techo sẽ tác động đến nguồn nước của Đồng bằng sông Cửu Long trong bối cảnh tình hình hạn mặn tiếp tục diễn biến ngày càng khốc liệt hơn.
Ông Hun Sen tiếp tục khẳng định dự án kênh đào Phù Nam Techo sẽ tuân theo Hiệp định sông Mekong 1995.
"Hãy vui lòng hỏi Ủy hội sông Mekong (MRC) bởi vì chúng tôi đã thông báo cho MRC…".
Trong khi đó, Ủy hội sông Mekong ngày 10/4 chia sẻ với BBC News tiếng Việt rằng họ vẫn chưa nhận được nghiên cứu khả thi của Campuchia, tài liệu đóng vai trò quan trọng trong việc thẩm định dự án.
Cho đến nay, Campuchia chỉ mới cung cấp cho Ủy hội sông Mekong bản tài liệu dài 14 trang vào ngày 8/8/2023 mà BBC News tiếng Việt có thể tiếp cận được.
Tập đoàn Cầu đường Trung Quốc (China Road and Bridge Corporation), một tập đoàn nhà nước Trung Quốc, được xác nhận là công ty thực hiện nghiên cứu khả thi dự án kênh đào Phù Nam Techo và cũng là công ty đầu tư vào kênh đào này.
Vào ngày 17/10/2023, Campuchia đã ký một hợp đồng với tập đoàn này để nghiên cứu khả thi dự án kênh đào Phù Nam Techo trong 8 tháng, sau khi Phnom Penh cho biết đã tiến hành nghiên cứu dự án này trong 26 tháng.
Về tầm quan trọng của bản nghiên cứu khả thi dự án, các chuyên gia từ Việt Nam mà BBC News tiếng Việt trao đổi đều mong muốn có thêm số liệu để có thể có thẩm định về tác động của siêu dự án này đối với vùng Đồng bằng sông Cửu Long, nơi đang bị bủa vây bởi hạn hán và xâm nhập mặn.
Trao đổi với BBC ngày 9/4, Tiến sĩ Lê Anh Tuấn, Giảng viên cao cấp, Cố vấn khoa học cho Viện Nghiên cứu biến đổi khí hậu Đại học Cần Thơ, cho biết vấn đề lớn nhất là ông và các chuyên gia khác đều không có số liệu đầy đủ dự án này, để từ đó có thể đánh giá mùa khô Đồng bằng sông Cửu Long sẽ bị mất bao nhiêu nước, ngoài hơn 10 trang tài liệu về con kênh hiện tại.
Trước đó, vào ngày 1/4, Giáo sư Chung Hoàng Chương, một nhà nghiên cứu độc lập về sông Mekong và đang tham gia cùng với Viện nghiên cứu Biến đổi khí hậu, Đại học Cần Thơ, cho biết vẫn rất nhiều câu hỏi chưa được giải đáp, xét về góc độ khoa học liên quan đến dự án. Ông nêu yêu cầu phải có một cuộc nghiên cứu độc lập trước khi kênh đào được khởi công, có thể gồm chuyên gia từ Campuchia và cả Việt Nam.
Ông Hun Sen viết trên Facebook : "Chúng tôi yêu cầu quý vị không vu khống chúng tôi nhằm mục đích chống Trung Quốc vì chiến lược địa chính trị. Chúng tôi cũng suy nghĩ cho lợi ích quốc gia của mình như quý vị thôi, điều này không đồng nghĩa quý vị có bộ não tốt hơn chúng tôi. May mắn là quý vị được sinh trong một quốc gia giàu có và chúng tôi thì lại trong một quốc gia nghèo. Đó là lý do quý vị khinh thường chúng tôi".
Ngày 4/4, Khmer Times dẫn lời ông Sun Chanthol, Phó Thủ tướng kiêm Phó Chủ tịch Hội đồng Phát triển Campuchia (CDC), một lần nữa trấn an rằng kênh đào Phù Nam Techo sẽ "không làm thay đổi dòng chảy của sông Mekong như một số người quan ngại".
Tuyên bố của ông Sun Chanthol được đưa ra trong khuôn khổ hội nghị Cambodia-ASEAN Business Summit 2024 được tổ chức tại Phnom Penh.
Bác bỏ khả năng Ream là tiền đồn của Trung Quốc
Căn cứ hải quân Ream của Campuchia. Ảnh chụp ngày 26/7/2019.
Liên quan đến những thông tin Trung Quốc có thể nắm quyền tiếp cận độc quyền đối căn cứ quân sự Ream, nằm cách đảo Phú Quốc của Việt Nam chỉ khoảng 30 km, Bộ Quốc phòng Campuchia thường xuyên bác bỏ, nhấn mạnh Điều 53 của Hiến pháp có nội dung ngăn cấm Campuchia cho nước ngoài lập căn cứ quân sự trên lãnh thổ của mình.
Điều 55 của Hiến pháp Campuchia nêu sẽ không có bất kỳ hiệp ước và thỏa thuận nào không bảo đảm nền độc lập, chủ quyền, tính toàn vẹn lãnh thổ, tính trung lập và thống nhất quốc gia của Vương quốc Campuchia.
Tuy nhiên, các tuyên bố của ông Hun Sen và ông Hun Manet không khiến các nước phương Tây, cụ thể là Mỹ, và cả Việt Nam bớt đi quan ngại về khả năng Ream có thể trở thành một tiền đồn nước ngoài của Trung Quốc.
Phản ứng mới nhất từ phía Mỹ liên quan đến Ream là từ ông Daniel Kritenbrink, Trợ lý Ngoại trưởng Hoa Kỳ là vào ngày 7/3.
"Hoa Kỳ và một số quốc gia trong khu vực đã bày tỏ quan ngại sâu sắc về mục đích, tính chất và phạm vi xây dựng xung quanh căn cứ hải quân [Ream], cũng như vai trò của quân đội Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa trong quá trình này và trong việc sử dụng cơ sở này trong tương lai", vị cựu đại sứ Mỹ tại Việt Nam tuyên bố.
BBC News tiếng Việt đã liên lạc với Bộ Ngoại giao Mỹ để có thêm bình luận nhưng nhận được phản hồi từ phía Washington hôm 19/3 rằng đây là tuyên bố mà họ có vào thời điểm hiện tại.
Thời gian gần đây, đã có ít nhất hai tàu chiến Trung Quốc xuất hiện tại căn cứ quân sự Ream của Campuchia. Lần gần nhất là vào ngày 20/3, theo trang Nikkei Asia.
Theo hình ảnh mà Nikkei Asia có được thì con tàu cập cảng ở Ream có thể là tàu hộ vệ Văn Sơn, mang quốc kỳ Trung Quốc và cờ của Lực lượng Quân đội Giải phóng nhân dân Trung Hoa (PLA).
Trước đó, vào ngày 3/12/2023, trên Facebook, Bộ trưởng Quốc phòng Campuchia Tea Seiha, cùng với cha mình là cựu Bộ trưởng Quốc phòng Tea Banh, đã chia sẻ thông tin và hình ảnh chuyến thăm các tàu chiến của Trung Quốc cập căn cứ Ream.
Một số chuyên gia nhận định bước đầu với BBC News tiếng Việt về Ream, nếu Trung Quốc có thể tiếp cận hoặc thiết lập cơ sở hạ tầng tại căn cứ quân sự này, Bắc Kinh sẽ tiến hành do thám dễ dàng các nước lân cận Campuchia gồm Thái Lan, Việt Nam, Philippines.
Và quan trọng hơn, trong kịch bản Trung Quốc tiếp cận độc quyền được Ream, Việt Nam sẽ bị lập thế bao vây ba mũi gồm từ biên giới phía bắc, từ Biển Đông với các đảo nhân tạo mà Trung Quốc đã tôn tạo và nắm quyền kiểm soát và vùng biển Tây Nam, theo hai chuyên gia về an ninh quốc tế nói với BBC News tiếng Việt.
Nguồn : BBC, 10/04/2024