Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

1.010 căn hộ được chấp thuận lần này kết hợp với chung cư bên Phổ Quang, và Charmington Cao Thắng sẽ tạo vòng kiềng làm gia tăng nặng tình trạng èo uột của cơ sở hạ tầng giao thông thành phố.

liem1

Vào những ngày cuối năm, khi đóm lửa của người đốt lò Nguyễn Phú Trọng vẫn đang cháy, thì còn đó những nỗi niềm mang tên niềm tin và sự hiện hữu tội ác trong xã hội. Tác giả Nguyễn Thị Hồng Ngát trong một bài viết trên Tuần Việt Nam đã chia sẻ rằng, có nhiều thứ để ngăn chặn được cái ác trong xã hội đang nảy sinh, hay cải thiện vốn xã hội, trong đó bao gồm bằng biện pháp liêm chính.

Liêm chính – là đức tính ngay thẳng trong lý trí, làm và hành xử đúng với chuẩn mực xã hội trong các vấn đề. Nếu đặt nghĩa của từ "liêm chính" vào trong bối cảnh xã hội Việt Nam thì mới biết nó xa xỉ đến mức độ nào.

Không nói đâu xa, vào chiều tối ngày 29/12, một nhóm thanh niên Phú Thọ đã dùng hung khí chặn đường "xin đểu" tài xế trên một đoạn cao tốc thuộc địa phận IC8 qua huyện Phù Ninh (tỉnh Phú Thọ). Đáng chú ý là nhóm thanh niên này livestream hành động phạm pháp của mình mà không một chút sợ hãi.

Vấn đề ngoài yếu tố nhận thức và xã hội, thì thực tế việc "hiên ngang" thực hiện các hành vi phạm pháp như nhóm thanh niên trên vẫn diễn ra từng giờ, từng ngày trên đất nước Việt Nam. Nhưng tùy vào từng đối tượng, tùy vào từng địa vị xã hội mà mức độ, thủ đoạn của hành vi "hiên ngang" này càng tinh vi hơn.

Từ Phú Thọ, hãy tìm đến Thành phố Hồ Chí Minh, thành phố mà thời gian qua gắn liền với tắc nghẽn và ngập úng. Và mới đây, Sở Xây dựng Thành phố Hồ Chí Minh đã chấp thuận cho Công ty Cổ phần Hà Đô được bán nhà ở hình thành trong tương lai đối với 1.010 căn hộ tại đường 3-2 thuộc Quận 10 (Thành phố Hồ Chí Minh).

Vấn đề nằm ở việc, Công ty Cổ phần Hà Đô là công ty trực thuộc Bộ Quốc phòng, và không gian mà Công ty này được chấp thuận để mở bán căn hộ lại nằm trong bán kính điểm đen về kẹt xe tại thành phố lớn nhất phía nam này, gồm nhóm đường như : Vòng xoay Dân chủ đến Cao Thắng, từ Cách mạng tháng 8 đến 3/2, Võ Thị Sáu, Lê Hồng Phong,...

1.010 căn hộ được chấp thuận lần này kết hợp với chung cư bên Phổ Quang, và Charmington Cao Thắng sẽ tạo vòng kiềng làm gia tăng nặng tình trạng èo uột của cơ sở hạ tầng giao thông thành phố.

Tư duy "đái không qua đầu ngọn cỏ" ?

Nhiều câu hỏi đặt ra là tại sao ngày càng nhiều các dự án như Hà Đô nghiễm nhiên nằm trên đất quốc phòng, hiên ngang xâm phạm trắng trợn vào các giá trị thuộc lợi ích cộng đồng như đã đề cập nêu trên ?

Câu trả lời không gì khác ngoài tính lợi ích cá nhân được nảy nở trong một xã hội hoàn toàn không có liêm chính.

Tại đầu cầu Hà Nội, vào những ngày cuối năm 2017, Chính phủ Việt Nam đã phê duyệt chủ trương đầu tư đường Vành đai 1 đoạn Hoàng Cầu – Voi Phục dài hơn 2,2km với tổng mức đầu tư 8.000 tỷ đồng – tương ứng 400 triệu USD (nôm na 3,5 tỷ đồng cho 1m2 đất - đắt hơn một dự án mang tính phục vụ cộng đồng như Metro ở Thành phố Hồ Chí Minh - 2,4 tỷ VND/m2). 

Ngoài việc giải tỏa điểm tắt nghẽn nhiều năm qua trên cơ sở dự án được hoạch định nhiều năm trước đó, thì việc đẩy mạnh chấp thuận đầu tư Vành đai 1 còn được thúc giục bởi những nhà tỷ quốc của đất nước như Vingroup hay FLC, khi chung cư và trung tâm thương mại trấn ngữ ở những vị trí đẹp nhất.

1.010 căn hộ được đầu tư ở Thành phố Hồ Chí Minh nằm trên dãy đất quốc phòng, hay 8.000 tỷ đồng cho 2,2km thuộc dãy nguyên nhân-hệ quả của sự quản lý, quy hoạch cơ sở hạ tầng ở nước ta. Và ở mức độ nào đó, có thể xem đây là một hành vi "hiên ngang" như nhóm thanh niên ở Phú Thọ, nhưng thay vì trấn lột 20.000 đồng Việt Nam để mua áo tết, thì ở đây, là trấn lột lên đến hàng ngàn tỷ đồng nhằm tham nhũng, và làm lợi có nhân hay phe nhóm cá nhân.

Liêm chính bớt hoang tàn : đúng !

Liêm chính đúng như tác giả Nguyễn Thị Hồng Ngát đề cập, nó là yếu tố cần và đủ để giúp Việt Nam bớt hoang tàn hơn, vực dậy một cách đúng đắn hơn trong xu thế của phát triển. 

Nhưng, muốn liêm chính thì bộ máy công chính phải làm gương trước hết, bởi nếu chính thể chế chính trị không phải là đầu tàu cơ sở đẩy mạnh, thực hiện tính liêm chính, thì các chính sách hoạch định phát triển nảy sinh từ bộ máy thay vì phục vụ cộng đồng, thì nó sẽ là nô lệ của đồng tiền và của những nhóm phe phái khác nhau trong xã hội. Hay nói đúng hơn, lúc này bộ máy công chính sẽ biến thành một bộ máy vận động hành lang, tham nhũng chính sách - chủ trương. 

Và chính từ một sự thiếu liêm chính đó của bộ máy nhà nước mà xã hội Việt Nam tiếp tục vận động trong xu hướng vô pháp, vô thiên ; mạnh ai nấy làm – mạnh ai nấy ăn. Dẫn đến thực trạng, cá nhân thì trấn lột người đi đường ; tổ chức thì trấn áp và bóc lột nguồn tiền thuế của nhân dân. Tính pháp luật vốn là công cụ răn đe và giáo dục thì giờ bị vô hiệu hóa cả hai.

liem2

Lúc này, vốn xã hội không những không được tích lũy, mà còn bị sử dụng một cách công khai, hoang phí không kiểm soát.

Làm cách nào để cải thiện lại thực trạng này ? Tác giả Nguyễn Thị Hồng Ngát cho hay, bà kỳ vọng cải thiện của vốn xã hội bằng giải pháp mang tên Nguyễn Phú Trọng, và kỳ vọng khi "thượng" liêm chính thì "hạ" sẽ hài hòa. Điều này có phần đúng, tuy nhiên, bao lâu, và nó sẽ kéo dài đến bao giờ ? Khi mà sự duy trì nhiều biện pháp để chặn tham nhũng, trấn cậy quyền đó lại dựa trên phương thức quyền lực là chính yếu chứ không phải là pháp luật, và cơ chế để kiểm soát bằng tính dân chủ như tính phân quyền trong bộ máy nhà nước, tính kỷ luật của hành lang pháp lý dường như chỉ nhận được cái nhìn rẻ mạt từ chính trung ương ?

Ngoài ra, quan trọng nhất là cái "thiếu liêm chính" lại là "nguồn dinh dưỡng" để nuôi dưỡng cái quyền lực dùng để trấn áp tham nhũng, và cậy quyền. Mà nói như một định luật Vật lý, cậy quyền hay tham nhũng đã không mất đi, mà nó chuyển từ trạng thái A qua trạng thái B.

Năm 2016, trong những biện pháp nhằm tăng cường phòng, chống tham nhũng đựơc đề cập tại Luật phòng, chống tham nhũng, thì tất cả các cơ sở do Tòa án nhân dân tối cao, Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Kiểm toán Nhà nước, Học viện Chính trị Quốc Gia Hồ Chí Minh trực tiếp quản lý phải đưa nội dung giáo dục liêm chính vào chương trình giảng dạy. 

Kỳ Lâm

Nguồn : VNTB, 31/12/2017

Published in Diễn đàn

Trong buổi làm việc với Hội đồng lý luận trung ương vào ngày 23/12, ông Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng cho rằng : Chần chừ, chậm trễ sẽ bỏ lỡ thời cơ, sẽ ngày càng tụt hậu ; song nóng vội, sao chép giản đơn kinh nghiệm nước ngoài, triển khai ồ ạt theo kiểu phong trào mà không tính đến đầy đủ điều kiện, hoàn cảnh cụ thể của đất nước cũng sẽ dẫn đến thất bại.

nguyco1

Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng phát biểu tại kỳ họp.

Cần nhấn mạnh rằng, những quan điểm chỉ đạo của ông Nguyễn Phú Trọng trong ngày 23/12 là những quan điểm mang tính tổng kết lại hơn là một sự chỉ đạo mang tính mới mẻ, đột phá về mặt lý luận. Do đó, không có quá nhiều điều để bàn, do ngôn ngữ chung chung. Mà bài viết chỉ bàn về mặt "tụt hậu" và không còn thời gian để "tụt hậu thêm".

Những quan điểm của ông Tổng Bí thư cho rằng, không "nóng vội, sao chép giản đơn kinh nghiệm nước ngoài" là đúng, vì không phải đến thời kỳ ông Nguyễn Tấn Dũng lên nắm quyền, áp dụng nguyên xi mô hình Chaebol Hàn Quốc để làm nên những "quả đấm thép", trong đó chưa thực sự loại bỏ những quan hệ chính trị ràng buộc, dẫn đến những quả tàu đắm mang tên Vinashine, mà ngay từ khi Nhà nước Việt Nam ghi nhận sự lãnh đạo của đảng cộng sản từ năm 1959 đến nay (qua bản Hiến pháp 1959), thì Việt Nam luôn là một quốc gia sao chép mô hình nước ngoài một cách xơ cứng, xuất phát điểm từ lý luận mang tính giáo điều. Từ những mô hình công nghiệp nặng đi lên của Liên Xô với tham vọng biến nước nông nghiệp lạc hậu thành một nước có nền công nghiệp hiện đại của thập niên 60 (thế kỷ XX), đến phong trào cách mạng công nghiệp 5 năm của các đời Tổng bí thư từ Lê Duẩn đến Nguyễn Văn Linh, mà quên mất Việt Nam hoàn toàn không có được điều kiện cơ sở mang tính công nghiệp như Liên Xô thời kỳ đầu.

Và đến nay, việc thay đổi mục tiêu trở thành nước công nghiệp vào năm 2020 thành "cơ bản thành một nước công nghiệp theo hướng hiện đại" khi mà 10/15 tiêu chí hoàn toàn không đạt dược, trong đó có cả tỷ trọng công nghiệp chế tạo, nông nghiệp trong GDP. Sự không đạt về mặt mục tiêu được đề ra từ Đại hội VII và liên tục được nhắc lại trong Đại hội XII thực chất không khác gì việc từng chuyển đổi mục tiêu từ ưu tiên phát triển công nghiệp nặng như một cơ sở nền tảng từ Đại hội III (1960) trở thành "ưu tiến phát tiển công nghiệp nặng một cách hợp lý trên cơ sở phát triển nông nghiệp và công nghiệp nhẹ" trong Đại hội IV (1976), và rồi chuyển thành "xây dựng một số ngành công nghiệp nặng quan trọng" tại Đại hội V (1982). Mãi đến năm Đại hội VI, mới bắt đầu xóa sổ công nghiệp nặng ra khỏi ưu tiên, nền tảng cơ sở, và đưa "công nghiệp nặng" trở thành "công nghiệp hóa".

Sở dĩ phải thay đổi, không phải vì công nghiệp nặng không quan trọng đối với nền kinh tế quốc dân (nó là sự tự chủ, là độc lập nền kinh tế), mà chính vì cơ sở của nền kinh tế Việt Nam chưa cho phép làm được điều đó, không có công nghệ, không có sự chuyển giao và giấc mơ công nghiệp đã "chấm dứt".

Thứ hai, Việt Nam bỏ qua thời cơ vàng, không chỉ một, mà là nhiều lần. Từ những năm 70 – 90 của thế kỷ XX, Việt Nam đã không làm chủ được nguồn dầu khi giá dầu liên tục đạt đỉnh. Sự chuyển biến mạnh nền kinh tế từ năm 2000 - 2010, với thời cơ vàng "ngàn năm có một", khi cơ cấu dân số Việt Nam là "vàng", cơ hội hội nhập liên tục được mở rộng với việc gia nhập WTO trước cả Trung Quốc (cùng lúc đó là gia nhập và thực hiện tự do hóa thương mại với AFTA, APEC) ; kết cấu hạ tầng đáp ứng được nhu cầu phát triển mạnh về kinh tế - xã hội ; Internet vào Việt Nam như luồng gió thổi mạnh ; hệ lao động khu vực dịch vụ chiếm gần 30% tổng số lao động ; nhịp độ tăng trưởng giá tị gia tăng khu vực công nghiệp ở ngưỡng 10% ; tích lũy nội bộ nền kinh tế đạt 30% GDP – bội chi ngân sách, nợ nước ngoài, lạm phát, cán cân thương mại được kiểm soát ; tốc độ tăng trưởng giai đoạn này với ngưỡng bình quân là 7% (có năm đạt 8% như năm 2006-2007).

Nhưng cuối cùng, giai đoạn vàng son đó đã không được tận dụng, luồng gió chính sách không được phát huy, luồng gió dân số vàng không được tận dụng và hiện giờ, mọi thứ đã đảo ngược : dân số đang già đi ; tính tích lũy nền kinh tế giảm, bội chi, nợ công tăng,…

Vấn đề mà Việt Nam đang gặp phải là nhà nước vẫn chưa ngã ngũ giữa chức năng kinh tế và chức năng quản lý kinh tế. Giữa vấn đề gắn kết chính trị vào trong nền kinh tế qua tính "định hướng thị trường xã hội chủ nghĩa", khiến đến hiện nay, sau rất nhiều lần vận động, Việt Nam vẫn không được Mỹ và EU cấp quy chế là nền kinh tế thị trường.

Nếu đặt vào cái gọi là cách mạng 4.0, thì những tư duy lý luận kiểu "định hướng xã hội chủ nghĩa" thực chất không khác gì với việc thiết lập mục tiêu tiến tới nền công nghiệp nặng vào năm 1960 là bao, bởi bản thân cả hai đều không có cơ sở nào để có thể làm được mục tiêu đó, nó thoát ly khỏi thực tế, nó đã không tính đến "điều kiện, hoàn cảnh cụ thể của đất nước", và tất nhiên như ông Tổng Bí thư nói là "sẽ dẫn đến thất bại".

Việt Nam không còn quá nhiều thời gian để có thể thoát khỏi tụt hậu, khi mà ông Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng vẫn mải mê với việc "nhấn mạnh" xây dựng chương tình làm việc của năm 2018 và những năm tiếp theo trong đó "tiếp tục đẩy mạnh công tác nghiên cứu cơ bản, từng bước bổ sung, hoàn thiện hệ thống lý luận về chủ nghĩa xã hội và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở nước ta trong giai đoạn mới".

Bởi nói như trước đó, nó có đâu mà "đi lên", cơ sở kinh tế đã thay đổi chóng mặt, bắt buộc hình thái chính trị phải thay đổi theo để phát triển. Ngay cả giới giai cấp công nhân mà lý luận Marx đề ra thì nay đã phát triển đến mức mà Marx không hề nghĩ ra, đó là công nhân công nghệ với những người tài xế Uber, Grab hay là những người đào Bitcoin (loại tiền ảo mà Nhà nước Việt Nam đã ra quy định cấm). Tức bản thân ý thức và hình thái kinh tế xã hội đã thay đổi, kinh tế phải đổi, buộc chính trị phải thay đổi để đáp đáp ứng nhu cầu phát triển, điều này ông Nguyễn Phú Trọng với vị trí là người xây dựng đảng phải hiểu hơn ai hết, nhưng cớ sao ông vẫn cứ hãm sự phát triển của cả dân tộc vào trong cái Hội đồng lý luận trung ương – một Hội đồng vốn sinh ra đã bị quản thúc bởi lý luận giáo điều và xơ cứng rồi. Một Hội đồng lý luận làm sao có thể đưa ra lý luận phát triển khi mà ngay cả thành tố của sự phát triển là Bitcoin đã bị nhà nước cấm đoán, tương tự là hệ thị trường không phải mang tính định hướng xã hội chủ nghĩa.

Đã qua rồi cái thời dựa vào kinh nghiệm để phát triển hay mò mẫm để tiến lên xã hội chủ nghĩa. Việt Nam đã quá lạc hậu và lạc hậu đến mức tụt hậu trong thời gian qua, do đó, đổi mới lý luận là thoát ly hoàn toàn những mộng tưởng về lý luận xã hội chủ nghĩa để trở về thực tế, đưa cải cách thể chế lên hàng đầu trong vực dậy nền kinh tế - xã hội hiện nay.

Lý do : Việt Nam không còn thời gian để tụt hậu thêm. Bởi nếu không, cả dân tộc sẽ xuống hố cả nút (xã hội chủ nghĩa).

Kỳ Lâm

Nguồn : VBTB, 25/12/2017

Published in Diễn đàn
samedi, 23 décembre 2017 22:08

'Vũ Nhôm - Út trọc' hay hệ cộng sinh

Vấn đề là Vũ Nhôm hay Út trọc nằm trong cùng một đường dây. Và câu hỏi đặt ra là "bứt dây liệu có động rừng", bắt hay khởi tố liệu có làm nứt bình ? Nhất là khi cuộc chiến chống tham nhũng kiểu đốt lò đã bắt đầu chạm vào hai giới là quân đội và công an ?

vunhom1

Phan Văn Anh Vũ là Vũ “Nhôm”, người trước đó được cử tri Đà Nẵng đặt câu hỏi có phải là người chi phối chính quyền thành phố này.

Tối ngày 21/12, báo Lao Động, trang tin đầu tiên đưa tiêu đề : Bí thư Thành ủy Đà Nẵng thông báo đã bắt "Út trọc", đang điều tra Vũ "nhôm".

Phan Văn Anh Vũ là Vũ "Nhôm", người trước đó được cử tri Đà Nẵng đặt câu hỏi có phải là người chi phối chính quyền thành phố này.

Trong khi đó, "Út trọc" lại là Đinh Ngọc Hệ, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty cổ phần Phát triển đầu tư Thái Sơn (công ty con của Tổng công ty Thái Sơn - Bộ Quốc phòng), người mà ngày 3/11 đã ký hợp đồng nhận tín dụng lên đến 1.350 tỷ đồng với BIDV về dự án BOT cầu Việt Trì.

vunhom2

Ông Đinh Ngọc Hệ (người đầu trọc, đứng giữa, hàng sau) tại lễ ký kết hợp đồng dự án đầu tư xây dựng cầu Việt Trì mới theo hình thức BOT. Ảnh Mt.gov.vn.

Út trọc hay Vũ Nhôm đều là những biệt danh nổi tiếng với thuyết buôn vua, cò chính trị, lấy nguồn tài sản để chi phối chính trị gia và làm nảy sinh ra nguồn tiền mới cho cá nhân mình. Riêng Út trọc, người nổi tiếng trong giới với việc lấy đất quân đội cho thuê, và đầu tư trạm BOT lấy lãi.

Đằng sau Út trọc là Đại tá Phùng Danh Thắm, nhưng chưa dừng tại đó. Tính phức tạp của Út trọc liên quan đến đường dây của dãy lãnh đạo từ ông Nguyễn Tấn Dũng, Nông Đức Mạnh,… Là người mà trong dân gian từng nói là đã sắp xếp cho ông Ngô Xuân Lịch làm Bộ trưởng Bộ Quốc Phòng, có mối quan hệ chặt chẽ với ông Trần Bắc Hà (cựu chủ tịch Hội Đồng Quản Trị BIDV), ông Đinh La Thăng, ông Thống đốc Nguyễn Văn Bình,…

Những mối quan hệ chằng chịt trong bộ máy người cộng sản là không lạ lẫm, nhưng đến mức mà chức danh và nhiệm vụ ở những cơ quan cốt lõi nhất bị chi phối là điều hoàn toàn gây bất ngờ, bởi nếu xét ở mức độ nào đó, Út trọc hay Vũ Nhôm có thể đi đến cái gọi là : thuyết buôn vua.

Người đầu tiên khởi xướng cho việc biến chính trị thành món hàng hóa là tướng quốc nước Tần thời Chiến quốc – Lã Bất Vi. Người nổi tiếng với câu nói : Cửa nhà tôi phải đợi cửa nhà ngài mới lớn được. Người mà sau đó, phải tự uống thuốc độc tử tử, vì lộng hành trước một… hoàng đế (Tần Vương Doanh Chính).

Ông Nguyễn Phú Trọng đang học tập theo ông Tập Cận Bình trong việc biến thành trở thành một vị Vua, và ông ta đang chặt đứt từng mắc xích mà ông cho gắn nhãn "củi". Tính phức tạp của vấn đề này cho thấy, hành vi buôn vua tạo thành một chân rết trong hệ thống chính trị Việt Nam, và khi một đầu mối thất thế, thì toàn bộ chân rết đó sẽ bị lôi ra ngoài xử.

Nếu đặt chân rết đó vào trong cấu thành của một tội phạm, thì Vũ Nhôm hay Út trọc là những người hỗ trợ, và sự hỗ trợ cho thăng quan tiến chức của một cá nhân sẽ đổi lại là những nguồn lợi về mặt chính sách – hay là sự "tham nhũng về chính sách" mà gần đây báo đài chính thống hay đề cập đến. Nó không khác gì một hệ cộng sinh, khi căn nhà lớn của Vũ Nhôm ở Đà Nẵng hay của Út trọc là được bao bọc bởi căn nhà lớn của một dãy chính khách khác.

Vấn đề là Vũ Nhôm hay Út trọc nằm trong cùng một đường dây. Và câu hỏi đặt ra là "bứt dây liệu có động rừng", bắt hay khởi tố liệu có làm nứt bình ? Nhất là khi cuộc chiến chống tham nhũng kiểu đốt lò đã bắt đầu chạm vào hai giới là quân đội và công an ?

Và có lẽ đã nắm được vấn đề này, ông Nguyễn Phú Trọng ngay từ những ngày đầu năm 2017, đã liên tiếp có những động thái nắm giữ Công an và Quân đội qua hàng loạt các vụ tham dự hội nghị, chỉ đạo, thậm chí điều hành về mặt thực chất đối với hệ lực lượng vũ trang này. Và khi cơ sở vũ trang cơ bản được bình trị về mặt "chỉ đạo, lãnh đạo" thì bất kỳ việc bắt giữ một tướng, tá quân đội hay công an nào cũng nằm trong giới hạn mà ông Nguyễn Phú Trọng đề ra : đánh chuột không vỡ bình. Tương tự như cách mà Tần vương Doanh Chính khi nắm giữ đại quyền trong tay đã buộc Lã Bất Vi phải uống thuốc độc tự vẫn.

Cuộc chiến lần này diễn ra tại Việt Nam tương tự như diễn ra tại Trung Quốc trước đó, có vẻ như ngoài thị trường tự do, thì lãnh đạo Việt Nam còn học tập tốt thị trường chính trị, trong cả tập trung quyền lực đối nội và kiềm tỏa sự bất đồng quan điểm.

Kết quả của cuộc chiến là là một dãy quan hệ cộng sinh được cho là "tham nhũng gây nguy hại" bị bóc tách.

Và còn gì nữa ? Liệu cuộc thanh trừng này có tác động gì không, ngoài yếu tố làm nổi lên phe thắng cuộc và đảm bảo ngự trị như một tầng lớp trị vì trong 2-3 nhiệm kỳ sắp tới ?

Trong một tham luận của Adam Fforde về các đặc điểm cốt lõi đang nổi lên của nền kinh tế chính trị Việt Nam tại Viện Kinh tế Châu Á - Thái Bình Dương, tháng 11/2017 cho hay : Do thiếu vắng một cuộc cải cách chính trị, chế độ này không có được sức mạnh mà những điều kiện mới của nền kinh tế thị trường và xã hội ngày càng cởi mở đòi hỏi. Các thiết chế chính trị chính thức - được thiết kế cho chủ nghĩa toàn trị thời Xô-viết, không có thẩm quyền, không có sự ủng hộ của dân chúng. Một chế độ như vậy không có khả năng triển khai thực hiện chính sách một cách đáng tin cậy trừ phi nó cảm thấy bị đe dọa.

Nếu căn cứ nêu trên, thì cuộc chiến đốt lò đang khắc phục những yếu nhược nhằm tìm kiếm trở lại sự ủng hộ của dân chúng, nhằm thoát khỏi yếu tố bị "đe dọa" về mặt tồn vong. Điều này sẽ tạo sức bật thúc đẩy của nhà nước Việt Nam tiệm cận trong điều kiện môi trường kinh tế thị trường hơn…

Tuy nhiên ? Có bền vững hay không ?

Nhưng nhiều bài phân tích, hệ thống chính trị - kinh tế Việt Nam không phải là một hệ thống mang tính thống nhất, do đó khi một hệ cộng sinh bị bóc tách, thì đồng thời là sự nổi lên của một hệ cộng sinh khác. Tính thay thế thay vì loại bỏ hoàn toàn đó chỉ có thể đem lại một sự ổn định mang tính tạm thời (được gọi là chu kỳ), và sau khi kết thúc chu kỳ đó, Việt Nam sẽ rơi tiếp vào một khủng hoảng mới, bởi chính một nhóm cộng sinh khác.

Lúc đó, không còn Vũ Nhôm, nhưng sẽ xuất hiện nhiều Vũ Sắt ; tương tự sẽ là nhiều Út trọc mới, thủ đoạn hơn, can dự chính trường nhiều hơn, và buôn vua một cách ma mãnh hơn.

Kỳ Lâm

Nguồn : VNTB, 23/12/2017

Published in Diễn đàn

Nguyễn, người nghiên cứu cách các quốc gia chuyển đổi sang nền dân chủ, coi Hoa Kỳ như một môi trường lý tưởng để theo đuổi chuyên môn của mình.

"Hoa Kỳ là quê hương của phần lớn của 100 tổ chức hàng đầu trên thế giới", Nguyễn, 28 tuổi, một giảng viên chính sách công tại Đại học Kinh tế Thành phố Hồ Chí Minh, nói.

duhoc1

"Rosie" Nguyễn Nhung không quan tâm đến những gì Tổng thống Donald J. Trump nói.

"Những gì nhận được từ một cơ sở giáo dục Mỹ sẽ tốt cho sự nghiệp của tôi".

Nguyễn, người vừa mới bắt đầu học GRE (bài kiểm tra tiêu chuẩn được sử dụng trong việc xét điều kiện nhập học sau đại học (Master hoặc PhD) ở các chuyên ngành khoa học tự nhiên và khoa học xã hội (trừ Y, Dược, Luật) tại Mỹ) với một giảng viên đồng nghiệp.

Nguyễn người có bằng thạc sỹ về chính sách công từ Đại học Bristol ở Anh và đã dạy tài chính công cho các quan chức chính phủ trong hơn một năm qua.

Chính phủ Việt Nam gần đây nhấn mạnh rằng tất cả các giảng viên cần có bằng tiến sĩ, tuy nhiên, kết quả là cắt giảm nghiêm trọng giờ giảng dạy của Nguyễn, và bây giờ cô đang tìm kiếm chương trình Tiến sĩ ở nước ngoài.

Nguyễn, người nghiên cứu cách các quốc gia chuyển đổi sang nền dân chủ, coi Hoa Kỳ như một môi trường lý tưởng để theo đuổi chuyên môn của mình.

Giới giàu mới nổi và xu hướng học bên ngoài

Hiện nay, ở các gia đình nông thôn và những người giàu mới nổi có sự quan tâm đến chi phí - và Canada, Úc hay Anh, Đức cũng như các trung tâm giáo dục khu vực như Singapore đang trong tầm ngắm.

Việt Nam là một thị trường đầy hứa hẹn về tuyển sinh giáo dục. Theo Viện Thống kê UNESCO, Việt Nam có 53.546 sinh viên ra nước ngoài vào năm 2015. Và số liệu từ StudentMarketing, cho thấy có thêm 5.257 sinh viên học ở nước ngoài ở cấp độ K-12 (nhận học sinh từ mẫu giáo tới lớp 12).

Bộ Giáo dục và đào tạo Việt Nam đã đưa ra một bộ số liệu khác, tuy nhiên, nói rằng hơn 100.000 sinh viên ở nước ngoài - số liệu năm 2013, và hiện tại là 125.000.

Mặc dù có nhiều dữ liệu khác nhau, nhưng xu hướng giáo dục bên ngoài vẫn đang tăng. Theo IIE của Hoa Kỳ, 2015-2016 là năm thứ 16 liên tiếp Việt Nam đứng tóp quốc gia có số học sinh sang Hoa Kỳ.

Và, theo UNESCO, hai điểm đến hàng đầu của sinh viên Việt Nam là Mỹ, nơi có hơn 16.000 người học cấp giáo dục đại học vào năm 2015 (Bộ Thương mại Hoa Kỳ cung cấp con số ở mức 18.722), và Úc, nơi có nhiều hơn 12.000 người được ghi danh vào trường cao đẳng hoặc đại học.

Pháp đứng thứ 3 (khoảng 5.500 người), tiếp theo là Anh và Nhật, với sĩ số 4.000 và 5.000 sinh viên Việt Nam.

Nhóm tư vấn Boston, trong một báo cáo gần đây, liệt kê Việt Nam có "tầng lớp trung lưu phát triển nhanh nhất ở Đông Nam Á". Báo cáo mô tả những người giàu mới nổi phân tán nhiều nơi trên dãy đất chữ S, thay vì tập trung tại các trung tâm đô thị như thành phố Hồ Chí Minh hay Hà Nội, theo quan điểm của Văn phòng Đối ngoại và Khối thịnh vượng chung Anh quốc.

Theo các phương tiện truyền thông, Việt Nam tìm cách nâng cao chất lượng giáo dục trong nước, tuy nhiên số lượng giảng viên đại học đủ năng lực không theo kịp tốc độ gia tăng chất lượng sinh viên hằng năm.

Ông Hiếu Đình Lê, Tổng giám đốc của Viện GAP , một chuyên gia tư vấn ở nước ngoài cho hay.

"Học sinh ở nông thôn bây giờ có thể tiếp cận được nhiều thông tin... Và chuẩn bị cho kỳ thi SAT, SAT II, [và] bài luận nhiều như ở các khu đô thị" anh nói.

Không có con số chính thức, Lê nói, nhưng Viện GAP tin rằng hơn một nửa số cha mẹ gửi con của họ ra nước ngoài là các doanh nhân ngành dịch vụ. 30% khác là nhân viên đến từ các công ty đa quốc gia và phần còn lại là các nhân viên chính phủ, ông Lê nói, cảnh báo rằng điều này dựa trên các dữ liệu của Viện GAP.

"Ở Mỹ đã có một cộng đồng người Việt mạnh mẽ"

Nguyễn có hồ sơ phù hợp, cha cô làm việc trong ngành công nghiệp dầu khí trong khi mẹ cô là kế toán trong văn phòng Chính phủ.

Ngay sau cuộc bầu cử tổng thống Hoa Kỳ tháng 11, các sinh viên quốc tế hiện tại và tương lai trên toàn thế giới đã giải phóng sự thất vọng của họ trước chiến thắng khó chịu của Trump.

Tại Việt Nam, việc tìm kiếm các chương trình của Hoa Kỳ trên Hotcourses - một cơ sở tìm kiếm nghiên cứu ở nước ngoài - đã giảm 7,3% trong bốn tháng trước và ngay sau cuộc bầu cử. Tìm kiếm các chương trình của Anh và Úc, trong khi đó, vẫn ổn định.

"Ngày nay, người Việt đi khắp nơi", giám đốc điều hành của Viện GAP khẳng định.

"Các vấn đề chính trị không phải là yếu tố ảnh hưởng hàng đầu đối với người Việt Nam, mà là yếu tố tài chính", ông Lê nói thêm.

"Ở đó đã có một cộng đồng người Việt mạnh. Nhiều bậc cha mẹ muốn con cái của họ ở gần một số người thân hoặc thậm chí bạn bè của họ", anh nói.

Tuy nhiên, nghiên cứu của IDP đã chỉ ra rằng nhận thức của Việt Nam về Mỹ như một "môi trường an toàn" đã giảm trong những năm gần đây. Trong khi đó, Canada cung cấp giáo dục chất lượng cao lại nổi lên.

Dù vậy, các quy định về thị thực của Canada và Úc được coi là "ít có tính chào đón hơn", Varaporn Dhamcharee, giám đốc khu vực Đông Nam Á của IDP nói.

Ông Bùi Tùng, giảng viên của chương trình Executive MBA tại Trường Kinh doanh Shidler, Đại học Hawaii (Hoa Kỳ) nói rằng sinh viên Việt Nam có kỹ năng tiếng Anh tốt.

Tài chính vẫn là vấn đề ?

Tài chính vẫn là vấn đề then chốt đối với nhân khẩu học nông thôn.

"Năm gia đình sẽ hỗ trợ một đứa trẻ", Cooper nói, và thêm rằng "có nhiều tiền hơn" ở Việt Nam hơn số liệu thống kê chính thức. Cooper đánh giá thấp chi phí như một rào cản và nêu bật các sáng kiến mới của Hoa Kỳ liên quan đến vấn đề tuyển sinh vào các trường cao đẳng cộng đồng, trước khi chuyển sang các trường đại học bốn năm.

Tuy nhiên, ông nói rằng hầu hết các gia đình muốn trả học phí không quá 20,000 USD mỗi năm. Lê lưu ý rằng một nửa số khách hàng của ông nhận được học bổng và các quỹ khác với giá trị trung bình là 40% trên tổng chi phí của họ.

Theo Lê, xu hướng này sẽ tiếp tục cho đến khi Việt Nam có một đại học nội địa nổi bật trong khu vực. Đại học Fulbright Việt Nam là một trong số đó.

"5 năm trước, sinh viên Việt Nam hiếm khi chọn Đức, Ý, Thụy Điển, Tây Ban Nha, Hà Lan, Na Uy,..". Lê giải thích.

"Ngày nay, sinh viên Việt Nam đi khắp nơi".

Kỳ Lâm

Nguồn : Việt Nam Thời Báo, 30/11/2017

https://thepienews.com/analysis/international-students-in-vietnam-favour-us-but-for-how-long/

Published in Diễn đàn

Sự phẫn nộ của dư luận là có lý đối với các đối tượng là chủ thể xâm hại trẻ, nhưng đi xa hơn, nhiều người đặt câu hỏi : chúng ta đang sống ở đâu ? Và tại sao một đất nước được xếp hạng bình yên lại trở nên như thế này ?

baohanh1
Hình ảnh bạo hành hàng loạt trẻ em của "cô giáo mầm non" trong thời gian gần đây tại quận 12 - Thành phố Hồ Chí Minh

Tại Hà Nội, một bảo mẫu hành hạ đứa trẻ hơn một tháng tuổi.

Tại Thanh Hóa, một đôi nam nữ đã bắt cóc đứa bé 20 ngày tuổi trên tay bà nội.

Tại Thành phố Hồ Chí Minh, một bé trai 6 tuổi khi đi mua bánh đã bị bảo vệ tổ dân phố cắt cổ.

Cũng tại Thành phố Hồ Chí Minh, môt cơ sở mầm non tư thục đã sử dụng bạo lực tràn lan đối với những đứa trẻ được gửi tại đây, thậm chí cả việc dùng dao bầu để đe dọa.

Tại Kiên Giang, một bé gái 7 tuổi nghi ngờ bị cha ruột, mẹ kế bạo hành bằng sắt nung đỏ dí vào mặt.

Những câu chuyện về các hình thức bạo hành nêu trên không phải là mới xuất hiện tại Viêt Nam, nhưng xuất hiện với tần suất dày đặc trên báo chí – truyền thông thì đây là lần đầu tiên. Trẻ em bị sát hại, hành hạ hay bắt cóc cho thấy một bầu không khí u ám trong công tác chăm sóc và bảo vệ trẻ em Việt Nam.

Sự phẫn nộ của dư luận là có lý đối với các đối tượng là chủ thể xâm hại trẻ, nhưng đi xa hơn, nhiều người đặt câu hỏi : chúng ta đang sống ở đâu ? Và tại sao một đất nước được xếp hạng bình yên lại trở nên như thế này ?

baohanh2

Khi cô giáo em, là... du côn

Người dân cũng đặt câu hỏi về sự tồn tại của 15 cơ quan bảo vệ trẻ em, nhưng khi một đứa trẻ gặp vấn đề thì không biết gọi ai.

Người dân tiếp tục tự đặt câu hỏi về khả năng và thực tâm triển khai các hoạt động chăm sóc và bảo vệ trẻ em, khi mà ngay cả hệ thống điểm giữ trẻ (vốn phải được đặt dưới sự cho phép và giám sát của cơ quan chức năng) vẫn diễn ra bạo hành hằng ngày và hằng giờ. Đến mức, sau khi sự việc xảy ra, bà Phó Chủ tịch Thành phố Hồ Chí Minh mới hối thúc hơn nữa việc đặt camera, mới nhấn mạnh tăng cường thanh kiểm tra, và đặt nghi vấn về hiện tượng "bảo kê" đối với cơ sở mầm non tư thục.

Những hiện tượng và các hình thức mang tính quan liêu trong hoạt động bảo vệ trẻ em đã trở thành cái gì đó mang tính đối lập về việc, Việt Nam là nước thứ hai trên thế giới, và là đầu tiên ở Châu Á ký cam kết bảo vệ, chăm sóc, giáo dục trẻ em qua Công ước Quyền trẻ em.

Dường như tồn tại một nghịch lý là Việt Nam ký kết các Điều ước quốc tế nhiều đến mức mà cơ sở luật của Nhà nước Việt Nam đã đầy như một cánh rừng rậm. Dù vậy, sự tôn trọng và thực tế hóa nó lại không có, nhất là từ các cơ quan chức năng có thẩm quyền – nên bao năm qua, công tác bảo vệ mầm non quốc gia cứ luôn đặt trong tình trạng đỏ vì nạn bạo hành, xâm hại tình dục, bắt cóc, giết…

Lấy ví dụ như vụ đứa bé 7 tuổi bị cha và mẹ kế bạo hành ở Kiên Giang, dù tỉnh ra chỉ đạo giải quyết, nhưng cơ quan chức năng xã vẫn không chịu cách ly trẻ em trong diện khẩn cấp, mà phải chờ mẹ ruột của em đưa đơn yêu cầu cách ly thì mới thực hiện. Như vậy, quy trình thì đúng, nhưng cách làm chủ động – sáng tạo trong thực hiện vi phạm pháp luật hành chính lại không có. Một phần vì cơ quan chức năng không thấy sự hấp dẫn của công tác này như với công tác giải phóng mặt bằng (liên quan đất đai).

baohanh3

Trước đó, các trường hợp bạo hành cũng liên tiếp diễn ra tại các điểm giữ trẻ

Và một trong những chậm chạp vì thực hiện quyền trẻ em nêu trên là liên quan đến ngân sách quốc gia, khi nguồn lực này được phân bổ về các địa phương không nhanh và tốt bằng việc xây tượng hay quảng trường. Thực tế, các chương trình, dự án về chăm sóc và bảo vệ trẻ em nhưng dù chương trình được phê duyệt nhưng không có nguồn ngân sách đảm bảo để thực hiện, hoặc nếu có thì phân bổ "nhỏ giọt" không tương xứng với nhu cầu. Số tỉnh chịu khó đầu tư hàng chục tỷ đồng/ năm cho công tác trẻ em chỉ ở mức 1/3 số tỉnh thành hiện có. Và kết quả, mạng lưới cộng tác viên gây ấn tượng mạnh về số lượng, thì cũng đồng thời gây sốc về khả năng liên kết, thực hiện quyền chăm sóc trẻ em yếu kém gắn với mức trợ cấp chỉ đủ mua nước lọc (50.000 VND/tháng)

Một khía cạnh thứ hai là, đất nước liệu có phải là đang suy thoái đạo đức và nhân tâm trên diện rộng. Hiện tượng bức hại trẻ em nở rộ có phải là khi tính bao dung trong con người đã bị tụt giảm, và mối quan hệ xã hội chỉ đơn thuần dựa trên đơn vị tiền tệ, chuộng bạo lực ?

Vai trò trách nhiệm của đảng cầm quyền đến đâu khi để xảy ra tình trạng này ?

Khi APEC vừa kết thúc, báo giới Việt Nam tung hô Viêt Nam như một quốc gia bình yên, không chiến tranh, không khủng bố. Nhưng bình yên đó là bình yên về mặt chính trị (với sự hỗ trợ của lực lượng vũ trang dày đặc), trong khi bình yên xã hội – vốn là một hệ thức làm nên sự phát triển và nội lực quốc gia thì lại không hề được chú tâm đến.

Cái ác vì vậy diễn ra tràn lan, mức độ ngày càng tàn bạo – và "đất nước bao giờ được như thế này chưa" khi đưa nhóm trẻ bị bạo hành vào đã trở thành câu nói mang tính… miệt thị, xa rời thực tế.

Kỳ Lâm

Nguồn : Việt Nam Thời Báo, 29/11/2017

**********************

Công an quận ở Sài Gòn ‘bảo kê’ trường mầm non hành hạ trẻ (Người Việt, 28/11/2017)

"Tôi có nghe thông tin cơ sở Mầm Xanh có sự ‘đỡ đầu’ của một công an quận 12. Tôi không muốn có thêm một trường hợp Mầm Xanh nào khác trong thời gian tới."

baohanh5

Công an lấy lời khai của bà Phạm Thị Mỹ Linh, chủ trường mầm non Mầm Xanh. (Hình : Zing)

Đó là ý kiến của bà Nguyễn Thị Thu, phó chủ tịch Ủy Ban Nhân Dân thành phố, đề cập nghi vấn này tại cuộc họp khẩn chiều 27 Tháng Mười Một bàn giải pháp chấm dứt nạn bạo hành trẻ mầm non tại Sài Gòn, theo báo Tuổi Trẻ.

Báo này dẫn lời bà Thu : "Cũng như có hay không chuyện cán bộ cung cấp thông tin cho các điểm giữ trẻ để họ biết thời gian đi kiểm tra rồi chuẩn bị rất chu đáo, khi kiểm tra là không có chuyện gì xảy ra. Nhưng khi đoàn kiểm tra về thì rất nhiều chuyện xảy ra với các cháu."

Còn báo Zing cho hay, bà Thu xác nhận vụ bạo hành này quá dã man. Bà không hình dung được việc này lại do chính những người phụ nữ thực hiện. Hành động dí dao, vớ được vật gì đều lấy làm hung khí đánh các cháu như vậy là không thể chấp nhận được.

"Vậy còn điểm (trường) nào như thế này nữa hay không ? Tôi chắc chắn có. Vì cách đây vài tháng đã có rồi, hôm nay lại tiếp tục cho nên chúng ta phải có hành động cụ thể và triệt để," Zing dẫn lời bà Thu nói.

Tin cho hay, cuộc họp khẩn này được tổ chức sau khi truyền thông Việt Nam phản ánh thực trạng chủ cơ sở mầm non Mầm Xanh (phường Hiệp Thành, quận 12, Sài Gòn) và các bảo mẫu ở đây đánh đập, hành hạ dã man trẻ em.

baohanh6

Phụ huynh tập trung trước trường mầm non đòi tìm giáo viên bạo hành con mình nói chuyện phải trái. (Hình : Zing)

Theo báo Zing, trước khi bị phát giác đánh đập trẻ, cơ sở tư thục này nhận giữ 30 đến 40 trẻ, từ 12 tháng đến 4 tuổi. Mỗi sáng nhận các cháu vào lớp, bà Phạm Thị Mỹ Linh (43 tuổi, quê Lâm Đồng, chủ cơ sở mầm non tư thục Mầm Xanh) và hai bảo mẫu tên Quỳnh (quê Cà Mau) và Đào (quê Đồng Tháp) đều tươi cười niềm nở. Tuy nhiên, khi cha mẹ các bé đi làm, con họ đã bị đánh đập. Nhiều trẻ bị hành hạ ngay trong lúc ăn ngủ, tắm rửa, vệ sinh, học tập… khiến các em đến trường trong sợ hãi.

Nhiều bé bị bảo mẫu Linh tát vào mặt liên tiếp, bị đánh bằng muỗng múc canh, đập bình nhớt, lưỡi dao vào đầu. Hai bảo mẫu Quỳnh và Đào thì dùng nhiều vật dụng như cây, vá múc canh, thìa, ống nhôm, lược, chổi, cây lau nhà đánh trẻ. Bảo mẫu còn giơ chân đạp vào người trẻ.

Sau khi truyền thông phản ánh, sáng 28 Tháng Mười Một, Công An quận 12 đã có quyết định khởi tố, bắt tạm giam nghi can Phạm Thị Mỹ Linh để điều tra tội "Hành hạ người khác."

Nói với báo Thanh Niên, ông Đoàn Văn Phúc, trưởng Công An quận 12, cho biết công an chỉ mới bắt được bà Phạm Thị Mỹ Linh, còn hai bảo mẫu tên Quỳnh và Đào đã bỏ trốn, công an quận đang truy tìm. Trước đó, khi bị kiểm tra, cả hai không có bằng cấp chuyên môn.

Bước đầu, bà Linh thừa nhận tội bạo hành trẻ em như trong các clip được báo chí đăng tải. Tuy nhiên, bà Linh lại cho rằng việc hành hạ các cháu bé là do bị áp lực trong công việc và cũng muốn "dạy dỗ" các cháu, bởi vì các bé hiếu động nên phải đánh để dằn mặt, để các cháu sợ và chịu ăn ngủ.

Theo báo Dân Việt, ngoài trường Mầm Xanh, quận 12, Sài Gòn, bà Linh còn là chủ trường mầm non Bông Lúa Vàng, khu phố 1, phường Phú Mỹ, thành phố Thủ Dầu Một, tỉnh Bình Dương.

Bà Nguyễn Thị Hồng Kim, chủ tịch Ủy Ban Nhân Dân phường Phú Mỹ, xác nhận : "Ngôi trường này đã hoạt động gần hai năm qua, gồm một cô giáo và ba bảo mẫu, chăm sóc tổng cộng 47 trẻ, hầu hết là con của công nhân. Lúc ghi danh thành lập cơ sở mầm non, các giáo viên và bảo mẫu có đầy đủ bằng cấp theo quy định". (Tr.N)

Published in Diễn đàn