Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Liên Hiệp Châu Âu : Paris lép vế trước Berlin ?

Trong buổi tranh luận trực tiếp trên truyền hình 3 ngày trước vòng hai bầu cử tổng thống Pháp, ứng viên cực hữu Marine Le Pen tuyên bố : "Dù thế nào, nước Pháp sẽ bị một phụ nữ chi phối, hoặc là bà Angela Merkel, hoặc là tôi". Phát biểu này ngụ ý đến "huyền thoại" về thế yếu của Pháp trước nước láng giềng Đức. Liệu Paris thật sự lép vế trước Berlin ?

eu1

Cờ Liên Hiệp Châu Âu. Ảnh minh họa. REUTERS/Hannah McKay

Bài xã luận của Le Monde số ra ngày 10/05/2017 không đồng tình với nhận xét trên.

Từ 10 năm nay, hai nhiệm kỳ của tổng thống Sarkozy và Hollande luôn bị coi là lu mờ trước nước láng giềng. Chủ tịch đảng cực hữu Mặt Trận Quốc Gia kiêm nghị sĩ Châu Âu từng phát biểu tại Nghị Viện Châu Âu năm 2015 rằng tổng thống Pháp là "phó thủ tướng tại tỉnh Pháp" (bà so sánh Pháp là một tỉnh của Đức).

Chắc chắn sự phát triển kinh tế Đức đã mang lại cho Berlin sức mạnh và sự nổi tiếng chưa từng có trên trường quốc tế và Châu Âu. Thái độ năng nổ thái quá của tổng thống Sarkozy và cách thể hiện mờ nhạt của tổng thống Hollande khiến công luận nghĩ rằng nước Pháp vừa vắng mặt vừa không có khả năng thay đổi, khác hẳn với hình ảnh nước láng giềng gặt hái thành quả kinh tế dưới thời thủ tướng Angela Merkel sau loạt cải cách Gerhard Schröder cũng chịu nhiều cay đắng.

Thực ra, nếu xét sâu xa, vai trò của nước Pháp đã bị lu mờ từ dưới thời cựu tổng thống Jacques Chirac. Ngược lại, từ 10 năm trở lại đây, Pháp dần dần khẳng định lại vai trò tại Liên Hiệp Châu Âu, cụ thể trong việc quản lý cuộc khủng hoảng đồng euro.

Khi ngân hàng Mỹ Lehman Brothers phá sản vào tháng 09/2008 và sau đó là cuộc khủng hoảng tại Hy Lạp năm 2010, chính tổng thống Pháp lúc đó, Nicolas Sarkozy, cùng với chủ tịch Ngân Hàng Trung Ương Châu Âu (BCE), là người cho thấy nguy cơ hệ thống và kêu gọi hành động kiên quyết, còn thủ tướng Đức Angela Merkel sẵn sàng để kế hoạch được thực hiện.

Tổng thống Pháp François Hollande đóng vai trò quan trọng trong việc cứu Hy Lạp khỏi phá sản và thành lập một liên minh ngân hàng thiết yếu. Tất cả đều được thực hiện với sự nhất trí của Ngân Hàng Trung Ương Châu Âu.

Rõ ràng đồng euro - ý tưởng của Pháp được hình thành từ những khái niệm của Đức liên quan đến cân đối ngân sách, thiếu tinh thần tương ái, chống lạm phát - đã không kìm hãm được cú sốc. Vì thời thế thay đổi, vì người Châu Âu không phải là người Đức. Trong vòng 10 năm, quy tắc Maastricht đã được viết lại "theo kiểu Pháp".

Theo bài xã luận, thông tin về sự chống đối thường trực giữa Pháp và Đức mà các hãng truyền thông vẫn "phao" dẫn đến một hậu quả : ngăn cản bước tiến của cả hai nước có chung đường biên giới và một phần lịch sử. Tổng thống tân cử Macron đã tuyên bố sẽ không làm việc "đối mặt" với thủ tướng Đức Merkel mà là làm việc "cùng với" bà. Trong khi chờ đợi kết quả bầu cử Đức vào mùa thu, ông Macron có thời gian để tiến hành những cải cách đầu tiên của mình và chứng minh rằng Pháp xứng đáng với lòng tin tưởng. Nhờ đó, thuyết phục Berlin cùng tiến xa hơn trong việc củng cố khu vực đồng euro sẽ được tiến hành một cách thoải mái hơn.

Berlin hy vọng bắt kịp "thời gian đã mất" với tổng thống tân cử Pháp

Ngay khi kết quả bầu cử tổng thống Pháp được công bố, thủ tướng Đức Merkel phát biểu "vui mừng với ý tưởng được hợp tác với tổng thống tân cử Pháp" và tin rằng "tình hữu nghị Pháp-Đức sẽ là nền tảng cho nền chính trị Đức".

Theo bài viết "Berlin hy vọng bù lại được "thời gian đã mất"", nhật báo Le Monde cho rằng những lời phát biểu của bà là thật lòng, không phải là ngôn từ ngoại giao. Vì theo bà, "trong số các ứng viên tổng thống Pháp, ông Macron là người có lập trường rõ ràng nhất đối với Châu Âu và đối với việc tăng cường hợp tác giữa hai nước… Ông là người duy nhất có khả năng thiết lập lại niềm tin giữa Pháp và Đức".

"Điều gây trở ngại mọi việc, đó là sự thiếu tin tưởng giữa Pháp và Đức" cũng được ứng viên tổng thống Pháp lúc đó nhắc đến trong buổi nói chuyện tại đại học Humboldt ngày 10/01. Ông nêu lên "trách nhiệm của Pháp" trong vấn đề này và để khôi phục niềm tin, Paris phải "tiến hành một số cải cách cơ cấu".

Dù đánh giá cao những lời hứa "cải cách" của tổng thống tân cử Pháp, Berlin cũng hiểu rằng ông Macron sẽ dựa vào đó để "đổi chác" với Bruxelles và Berlin, trong khi nhiều đề xuất của Macron khó lòng khiến chính phủ Đức chấp nhận được, như bổ nhiệm một Bộ trưởng tài chính cho toàn khối eurozone hoặc hình thành hệ thống "eurobons" bất lợi cho Đức. Đây là một hệ thống nghĩa vụ chung nhằm giúp đỡ nhau trong việc quản lý nợ của các nước trong khối đồng euro.

Vài ngày trước vòng hai bầu cử tổng thống Pháp, ông Macron chỉ trích thặng dư thương mại của Đức và những hậu quả tác động đến sự cân bằng trong khối eurozone. Với Đức, đây là một dấu hiệu cho thấy ông Macron sẵn sàng "cự" lại Berlin.

Chuyến công du nước ngoài đầu tiên của tổng thống tân cử Pháp sẽ là Đức, như ông từng phát biểu, để khẳng định vai trò quan trọng của cả hai nước với nhau. Theo phát biểu của ông Bitterlich, cựu cố vấn của thủ tướng Đức Helmut Kohl về Châu Âu, "cần phải giúp đỡ ông Macron để, trong vòng hai đến ba tuần sau khi ông nhậm chức, chúng tôi sẽ cùng nhau đưa ra thảo luận hàng loạt ý tưởng nhằm tái khởi động cỗ máy và tái lập niềm tin giữa Pháp và Đức. Chúng tôi đã lãng phí quá nhiều thời gian. Và chúng tôi không còn thời gian để mất".

Brigitte Macron : Đệ nhất phu nhất Pháp thực sự trong điện Elysée

Phu nhân của tổng thống tân cử Pháp Emmanuel Macron chiếm vị trí trung tâm trong đội ngũ En Marche ! (Tiến Bước !) đã đưa ông đến chiến thắng. Vai trò quan trọng của bà có thể được gói gọn trong lời cảm ơn của Macron sau bài phát biểu buổi tối chiến thắng 07/05 : "Không có Brigitte, không có tôi ngày hôm nay".

"Brigitte Macron sẽ là đệ nhất phu nhân thực sự" theo nhận định của Le Monde. Phát biểu Ngày Quốc Tế Phụ Nữ 08/03/2017, Emmanuel Macron, khi đó còn là ứng viên tổng thống, khẳng định : "Nếu ngày mai tôi được bầu làm tổng thống (…), cô ấy sẽ không bị giấu, không ẩn sau một tin Tweet, một nơi kín đáo hay bất kỳ gì đó tương tự. Cô ấy sẽ ở bên cạnh tôi, vì cô ấy luôn luôn sát cánh với tôi".

Đằng sau phát biểu trên là ẩn ý đến Valérie Trierweiler, bạn gái cũ của tổng thống sắp mãn nhiệm François Hollande và cuộc tình bí mật với nữ diễn viên Julie Gayet. Đúng là những ông chủ gần đây của điện Elysée luôn có đời tư khá khác biệt. Cựu tổng thống Nicolas Sarkozy từng sống trong điện Elysée với vợ cũ Cécilia Ciganer một thời gian trước khi ly hôn ngay đầu nhiệm kỳ. Sau đó, ông tái hôn với Carla Bruni. Với cặp vợ chồng cựu tổng thống Jacques và Bernadette Chirac, mỗi người có một căn hộ riêng trong điện Elysée. Cố tổng thống François Mitterrand và vợ Danielle cũng sống ly thân trước đó.

Brigitte Macron, 64 tuổi, sát cánh bên Emmanuelle Macron trong suốt 20 năm qua. Cặp đôi "không giống ai" lần lượt bước lên từng bậc danh vọng. Bà sát cánh ông trong suốt thời gian vận động, đọc lại và cố vấn cho những bài diễn văn, điều phối đối nội-đối ngoại, lên lịch làm việc hay làm cầu nối giữa ứng viên phong trào Tiến Bước với thế giới bên ngoài, nhưng chưa bao giờ bà can thiệp vào chiến lược chính trị của chồng.

Ba năm trước đó, cô giáo tiếng Pháp ở trường trung học nổi tiếng trong quận 16 Paris còn chưa biết đến thế giới chính trị và buộc dấn thân khi chồng được bổ nhiệm làm Bộ trưởng kinh tế. Trong vòng hai năm, bà làm cố vấn trong bóng tối nhưng "luôn có vị trí" trong văn phòng bộ trưởng, như khẳng định của Macron trong buổi chia tay với cộng tác viên để ra thành lập phong trào Tiến Bước !

Từ bóng tối, bà xuất hiện cùng với chồng trên các mặt báo Pháp và nổi tiếng vì cuộc tình không giống ai của họ. Hiếm khi có một cặp trong chính giới lại xuất hiện nhiều trên các bìa báo như vậy. Phong cách của Brigitte Macron được các chuyên gia về thời trang phân tích, chuyện tình như mơ với vị tổng thống tân cử trẻ tuổi được những người ưa chuyện ngôn tình "nghiền ngẫm". Một điều không thể phủ nhận là vợ chồng Macron giúp báo giấy bán chạy hơn.

Không chỉ ở Pháp mà báo chí thế giới cũng bị thu hút vì chuyện tình của nhà Macron. Với chiến thắng của Emmanuel Macron, người Pháp sẽ còn tiếp tục nhìn thấy và nghe bà nói trong vòng 5 năm.

Trung Quốc : Một luật sư bảo vệ nhân quyền phải nhận tội vì bị tra tấn

Chuyển sang khu vực Châu Á, một luật sư bảo vệ nhân quyền đầy nhiệt huyết vừa thú nhận bị "phương Tây tẩy não" trong một phiên tòa ngày 08/05 tại thành phố Trường Sa (Changsha), tỉnh Hồ Nam. Theo nhật báo Le Figaro, "những lời thú tội kinh khủng của luật sư" Tạ Dương (Xie Yang) là do ông bị tra tấn dã man trong tù.

Bị cáo buộc "kích động lật đổ chính quyền", ông Tạ Dương nói "xấu hổ và lấy làm tiếc về các hành động trước đây". Không chỉ là một người hùng đối với các chủ đất nhỏ bị chiếm đất, ông còn là người bào chữa cho một số công dân Trung Quốc dám ủng hộ phong trào Dù Vàng ở Hồng Kông và yêu cầu một hệ thống tư pháp minh bạch tại Trung Quốc, hiện bị trấn áp mạnh mẽ kể từ khi Tập Cận Bình lên nắm quyền vào năm 2013.

Đoán trước rằng ông sẽ bị buộc phải thú tội trước tòa do bị tra tấn, ông đã viết "nếu một ngày nào đó, tôi thú tội trước tòa, hãy nhờ rằng điều đó không phản ánh đúng suy nghĩ của tôi, mà là do tôi bị tra tấn kéo dài".

Phản ứng dè chừng của cộng đồng quốc tế đã không tác động được đến ngành tư pháp Trung Quốc. Tuần trước, một luật sư khác Lý Hòa Bình (Li Heping), cũng bị kết án "lật đổ chính quyền". Liên Hiệp Châu Âu chỉ trích bản án, song vô ích.

Những lời thú tội của luật sư Tạ Dương, hiện số phận và vị trí bị giam giữ không được tiết lộ, càng chứng tỏ quyết tâm của Bắc Kinh trong việc "giải quyết" hoạt động của các luật sư trước Đại Hội Đảng.

Le Figaro kết luận không ai và không gì được phép khuấy động "sự hài hòa" của "giấc mộng Trung Hoa" như lời hứa của chủ tịch Tập Cận Bình, người đang trên đường tiến đến nhiệm kỳ thứ hai.

Châu Á đối mặt nguy cơ già trước khi giầu

Trong lĩnh vực xã hội, nhật báo Le Figaro phản ánh hiện tượng dân số già tại Châu Á, dựa theo báo cáo "Dân số già sẽ làm giảm tăng trưởng kinh tế trên toàn Châu lục" được Quỹ Tiền Tệ Quốc Tế (FMI) công bố ngày 09/05/2017.

Hiện tượng dân số già đã xuất hiện tại Nhật Bản, tỉ lệ tăng dân số sẽ gần như bằng không từ nay đến năm 2050 trên toàn Châu Á. Trong vòng 30 năm tới, số người từ 65 tuổi có thể sẽ tăng gấp hai lần so với tỉ lệ hiện nay, cao hơn cả hiện tượng lão hóa ở Châu Âu và Hoa Kỳ.

Các nước bị ảnh hưởng nhiều nhất là Trung Quốc, Hàn Quốc, Thái Lan và đặc biệt là Nhật Bản nơi có tỉ lệ dân số trong độ tuổi lao động giảm 7% từ năm 1997 đến 2016. Tuy nhiên, tại các nước Ấn Độ, Indonesia và Philippines, dân số tiếp tục tăng từ nay đến năm 2030. Đánh giá hiện tượng trên, báo cáo của FMI kết luận : "Một số nước có nguy cơ già trước khi giầu, hay giải thích theo cách khác, các nước này phải đối mặt với thách thức chi phí ngân sách cao cho tình trạng lão hóa dân số".

Ngoài ra, Châu Á còn phải đối mặt với một thách thức quan trọng khác : Năng suất chững lại do cuộc khủng hoảng tài chính thế giới năm 2008 hiện tác động đến các khu vực khác trên thế giới. Châu Á không nằm ngoài vòng ảnh hưởng này và các lý do thường được nêu là "tỉ lệ đầu tư yếu, trao đổi thương mại thiếu mạnh mẽ hay tái phân phối nguồn vốn vào các lĩnh vực hoạt động không hiệu quả".

Thu Hằng

Published in Quốc tế

Liên Hiệp Châu Âu đang đứng trước những thử thách chưa từng có kể từ khi ra đời. Việc Anh Quốc chia tay với Liên Âu tạo thêm một thách thức mới, nhưng quyết định này cũng đồng thời cho thấy bản thân dự án xây dựng Châu Âu không thuyết phục được mọi thành viên của mình trong bối cảnh hiện nay. Viễn cảnh Liên Âu tan rã là điều được nhiều lần nhắc đến để cảnh báo thái độ thụ động trong chính giới. Đầu tháng 3/2017 này, Ủy Ban Châu Âu công bố cuốn Sách Trắng về tương lai của Châu Âu, với mục tiêu tìm ra hướng đi chung cho khối 27 nước.

europe1

Sách trắng 5 kịch bản với Châu Âu. Ảnh : Reuters

Sách Trắng do chủ tịch Ủy Ban Châu Âu Jean-Claude Juncker phụ trách đưa ra năm kịch bản tương lai của Châu Âu ở ngưỡng cửa 2025. Sách Trắng dài 32 trang đã được trình ra trước Nghị Viện Châu Âu hôm 01/03/2017. Xin lần lượt giới thiệu các kịch bản (theo thông cáo báo chí của Ủy Ban Châu Âu).

Theo kịch bản thứ nhất, gọi là "nối tiếp", Liên Hiệp Châu Âu sẽ tiếp tục các chương trình cải cách, đặc biệt được thể hiện qua tuyên bố Bratislava năm 2016, được 27 thành viên của khối đồng thuận. Sách Trắng nêu ra hai ví dụ để minh họa. Ví dụ thứ nhất là dân Châu Âu có thể sử dụng xe tự động hóa và nối mạng, nhưng sẽ gặp nhiều vấn đề ở biên giới, do một số rào cản pháp lý và kỹ thuật ; nhưng công dân Châu Âu nhìn chung đi lại qua biên giới không gặp khó khăn.

Kịch bản thứ hai "thị trường duy nhất", như tên gọi của nó cho thấy, không kể vấn đề thị trường, trong rất nhiều lĩnh vực, 27 nước Liên Âu không thể tìm được đồng thuận. Vào năm 2025, tình hình sẽ có thể là việc qua lại biên giới, để làm ăn hay du lịch, giữa các nước nội khối sẽ bị kiểm soát thường xuyên. Tìm việc làm ở một nước khác khó khăn hơn, ốm đau tại nước ngoài phải chịu chi phí đắt đỏ. Dân Châu Âu lưỡng lự khi quyết định dùng xe nối mạng, vì thiếu các quy định và chuẩn kỹ thuật của toàn khối.

Kịch bản thứ ba được gọi là "dành cho những ai muốn đi xa hơn". Khối 27 nước sẽ vẫn tiếp tục tồn tại như hiện nay, nhưng mở ra khả năng cho những thành viên nào có mong muốn phối hợp nhiều hơn trong một lĩnh vực như quân sự, an ninh nội địa hay các vấn đề xã hội. Ví dụ như, 15 nước Liên Âu có thể lập một lực lượng cảnh sát hay công tố chung để điều tra về các tội phạm hình sự xuyên biên giới, các cơ sở dữ liệu về an ninh được kết nối cho phép thông tin được trao đổi mau chóng. Một ví dụ khác, xe nối mạng được sử dụng rộng rãi tại 12 quốc gia thành viên tìm được thỏa thuận về pháp lý và kỹ thuật.

Viễn cảnh thứ tư được Sách Trắng nêu ra là "làm ít, nhưng hiệu quả hơn". Khối 27 nước sẽ tập trung vào một số lĩnh vực có thể mang lại nhiều kết quả hơn, nhanh hơn, đồng thời giảm can thiệp trong những lĩnh vực mà hành động được coi là không đóng góp gì hơn. Cụ thể là, sẽ có một cơ quan Châu Âu chuyên trách về viễn thông, phụ trách việc giải phóng các dải tần số cho các xe nối mạng, hay bảo vệ quyền của những người sử dụng điện thoại di động và internet trên toàn cõi Liên Hiệp Châu Âu.

Còn theo kịch bản thứ năm, gọi là "làm nhiều việc cùng nhau", Ủy Ban Châu Âu hình dung là các tất cả các thành viên Liên Âu sẽ phải nỗ lực "phối hợp nhiều hơn… về nguồn lực, về quá trình ra quyết định trong mọi lĩnh vực". Các quyết định được đưa ra khẩn trương và quá trình thực thi diễn ra nhanh chóng. Cụ thể là, vẫn trong lĩnh vực xe nối mạng, Liên Hiệp Châu Âu sẽ ban hành các quy định rõ ràng cho phép loại xe này được di chuyển mà không gặp trở ngại trên toàn Châu Âu. Một ví dụ khác là các công dân Châu Âu có thể khiếu nại trực tiếp với cơ quan có thẩm quyền cấp Châu Âu về một dự án điện gió, do Liên Âu tài trợ, dự kiến được xây dựng tại địa phương.

Bằng mọi giá duy trì đoàn kết

Về Năm viễn cảnh tương lai của Liên Hiệp Châu Âu, Le Monde có bài phân tích do phóng viên thường trú tại Bruxelles thực hiện.

Ẩn đằng sau năm kịch bản của tương lai Châu Âu là nỗ lực duy trì bằng mọi giá sự đoàn kết của khối 27 nước. Le Monde nhắc đến một "kịch bản thứ sáu" (kịch bản không được nêu ra), khi không có một lựa chọn được đồng thuận, Liên Âu có thể sẽ rơi vào "tan rã hoàn toàn". Một thông điệp khác ngầm toát ra từ cuốn Sách Trắng là, "nếu không có sự lựa chọn rõ ràng, dự án Châu Âu trong tương lai rút lại sẽ chỉ còn là một thị trường duy nhất". Viễn cảnh này là điều một số chính trị gia Châu Âu thực sự toan tính.

Ngoài kịch bản thứ năm, hướng đến một thể chế Châu Âu liên bang (và viễn cảnh thị trường duy nhất), ba kịch bản còn lại của Ủy Ban Châu Âu cũng có thể được gọi bằng các tên gọi khác. Viễn cảnh "duy trì nguyên trạng" tương ứng với kịch bản thứ nhất "tiếp nối". Theo viễn cảnh này, những vấn đề gai góc gây xung đột nhất, như chia sẻ số lượng người tị nạn tiếp nhận, sẽ được gạt qua một bên.

Viễn cảnh Châu Âu với "nhiều tốc độ" tương ứng với kịch bản thứ ba "dành cho những ai muốn đi xa hơn". Đây chính là điều mà cuộc tiểu thượng đỉnh bốn nước Pháp-Đức-Ý-Tây Ban Nha họp tại Versailles hôm thứ Hai, 06/03, bắt đầu tìm cách đi đến, đặc biệt trong lĩnh vực quốc phòng.

Viễn cảnh "ít hơn hoặc nhiều hơn" tương ứng với kịch bản thứ tư "làm ít nhưng hiệu quả hơn" có mục tiêu chủ yếu là trao lại cho các quốc gia thành viên những lĩnh vực mà Bruxelles không hiệu quả, đồng thời đối với những lĩnh vực giữ lại thì "làm sâu sắc hơn, mạnh hơn".

"Năm viễn cảnh tương lai của Liên Âu" sẽ là tài liệu thảo luận trong thời gian tới trong chính giới Châu Âu, đặc biệt là giữa lãnh đạo 27 nước nhân dịp thượng đỉnh Roma, 25/03, nhân dịp kỷ niệm 60 năm ngày ra đời hiệp ước đặt nền tảng của Liên Hiệp Châu Âu. Các sơ kết đầu tiên dự kiến sẽ được rút ra trong dịp Hội Đồng Châu Âu họp vào tháng 12/2017.

Trong những tháng tới Ủy Ban Châu Âu, Nghị Viện Châu Âu và các quốc gia thành viên quan tâm sẽ tổ chức hàng loạt "các thảo luận về tương lai Châu Âu" tại các thành phố và khu vực. Cùng với Sách Trắng nói trên, Ủy Ban Châu Âu sẽ chuẩn bị năm tài liệu cơ bản khác trong năm lĩnh vực cụ thể : lĩnh vực xã hội, lĩnh vực kinh tế và tiền tệ, vấn đề chế ngự toàn cầu hóa, tương lai phòng vệ Châu Âu. Tài chính là lĩnh vực thứ năm.

Trắc nghiệm đầu tiên : Thượng đỉnh Hội Đồng Châu Âu

"Năm triển vọng tương lai" của Liên Hiệp sẽ được trắc nghiệm ngay trong hai ngày 9 và 10/03 tới. Lãnh đạo khối 27 nước sẽ có cuộc thượng đỉnh không chính thức của Hội Đồng Châu Âu tại Bruxelles, nhằm chuẩn bị cho "tuyên bố chung" tại Roma.

Kịch bản thứ ba "dành cho những nước muốn đi xa hơn" hay "Châu Âu nhiều tốc độ" đang là tâm điểm của mâu thuẫn. Theo AFP, bộ trưởng phụ trách Châu Âu của Đức, Michael Roth, lo ngại cho tiến trình chuẩn bị bản tuyên bố Roma, thủ tướng Slovakia Robert Fico tỏ thái độ bất mãn. Slovakia cùng các quốc gia trong nhóm bốn nước Đông Âu Visegrad (Hung, Cộng Hòa Séc, Ba Lan, Slovakia) lo ngại bị gạt ra bên lề, đặc biệt sau phiên họp riêng giữa bốn nước đông dân nhất Châu Âu Pháp-Đức-Ý-Tây Ban Nha tại Versailles, 06/03, để tìm kiếm con đường củng cố nền phòng vệ chung cho Châu Âu, tránh sự ngăn chặn của một số nước "cứng đầu".

Tuy nhiên, theo các nhà quan sát, trên thực tế, dù ủng hộ "Châu Âu nhiều tốc độ" hay không, Liên Hiệp Châu Âu hiện nay trong một số lĩnh vực đã vận hành theo nhóm. Ngày mai, 09/03, các lãnh đạo Châu Âu có kế hoạch bật đèn xanh cho việc lập ra một cơ quan công tố Châu Âu phụ trách chống tham nhũng (tại các quỹ Châu Âu). Cơ quan này bước đầu chỉ liên quan đến một nhóm nước thành viên Liên Âu.

Trọng Thành

Published in Quốc tế

Cách nay đúng 25 năm, 12 thành viên trong gia đình Châu Âu đặt bút ký hiệp định Maastricht. Từng được xem là một bước tiến mới trên con đường hội nhập, một phần tư thế kỷ sau, hiệp định Maastricht trở thành biểu tượng của một khối Châu Âu bị chia rẽ. Liên minh kinh tế và tiền tệ bị chỉ trích mạnh mẽ. Tinh thần bài Châu Âu ngày càng gia tăng. Đâu là những "sai lầm" của Maastricht ?

maastricht1

Hiệp định được ký kết tại Maastricht, nền tảng của Liên Hiệp Châu Âu. @wikipédia

Ngày 07/02/1992 Cộng Đồng Châu Âu đổi tên thành Liên Hiệp Châu Âu. Với 12 thành viên ban đầu, gồm Anh, Ireland, Bỉ, Bồ Đào Nha, Đức, Đan Mạch, Pháp, Hà Lan, Hy Lạp, Luxembourg, Tây Ban Nha và Ý, Liên Hiệp đã từng bước kết nạp thêm những nước mới (Áo, Phần Lan, Thụy Điển, Chypre, Estonia, Hongary, Litva, Latvia, Malta, Ba lan, Cộng Hòa Séc, Slovenia, Slovakia, Bulgaria, Romania và Croatia) để trở thành một khối vững mạnh với hơn 504 triệu dân.

Hiệp định Maastricht là nền tảng chung để 10 năm sau ngày được ký kết, một đồng tiền chung Châu Âu ra đời. Đến nay, 19 trong số 28 nước trong Liên Hiệp cùng sử dụng đồng euro.

Nền tảng lung lay của Liên minh kinh tế và tiền tệ

Trên thực tế, tham vọng xây dựng một liên hiệp vững mạnh trên Lục Địa Già đã bị chựng lại từ sau khủng hoảng tài chính 2008 từ Hoa Kỳ thổi sang Châu Âu.

Đồng euro tưởng chừng là một lá chắn bảo vệ khu vực đồng tiền chung Châu Âu trước những cơn bão tiền tệ, nhưng cuối cùng, vì những quy định bó buộc của một đồng tiên chung, nhiều thành viên rơi vào cảnh lao đao. 
Hy Lạp, Ireland, Bồ Đào Nha, Tây Ban Nha và trong một chừng mực nào đó là Pháp hay Ý đã bị trói tay trước những nguyên tắc cứng nhắc của hiệp định Maastricht : không thể tăng ngân sách công để kích cầu, mất đòn bẩy tiền tệ để bơm thêm tiền vào cỗ máy kinh tế, vì chính sách tiền tệ của các nước trong khu vực đồng euro thuộc thẩm quyền của Ngân Hàng Trung Ương Châu Âu BCE, trụ sở tại Frankfurt-Đức.

Hai trong số những nguyên tắc của hiệp định bị chỉ trích nhiều nhất gồm các điều khoản đòi thành viên eurozone phải giữ bội chi ngân sách dưới 3 % tổng sản phẩm nội địa và tổng nợ công tối đa chỉ bằng 60 % so với GDP.

Trả lời báo Le Monde số ra ngày 07/02/2017, chuyên gia Grégory Clayes, thuộc viện nghiên cứu về Châu Âu Brugel -Bỉ, lưu ý : cả hai ngưỡng quy định về thâm hụt ngân sách Nhà nước và nợ công, "đều đã được các nhà kỹ trị ở Bruxelles quyết định một cách tùy tiện". Các nhà lãnh đạo Châu Âu năm 1992 đã nghĩ rằng hai ngưỡng 3 % và 60 % GDP ấy là chiếc đũa thần xua tan mọi đe dọa khủng hoảng tiến gần tới Châu Âu.

Vậy hiệp định Maastricht đã thành công hay thất bại trong mục tiêu xây dựng liên minh kinh tế và tiền tệ ?

Kinh tế gia Eric Dor trường quản trị kinh doanh IESEC - Lille cho rằng khá "phức tạp" để trả lời câu hỏi này. Điểm son của hiệp định được ký kết cách nay đúng 25 năm là đã cho phép đồng tiền chung Châu Âu ra đời. Dù bị chỉ trích tứ bề, người Châu Âu vẫn gắn bó với đồng euro. Tuy nhiên khi đi sâu vào chi tiết, hiệp định Maastricht có nhiều khuyết điểm :

Thứ nhất, là ngay từ đầu, nhiều thành viên Châu Âu – trong đó có cả Đức và Pháp, đã không tuân thủ hai ngưỡng quy định về nợ công và bội chi ngân sách vừa nêu.

Thứ hai cho dù những quy định cơ bản của hiệp định có được áp dụng một cách nghiêm chỉnh đi chăng nữa, theo nhà nghiên cứu Grégory Clayes, những "quả bóng địa ốc vẫn được thổi lên". Đây là trường hợp đã xảy ra tại Tây Ban Nha đầu những năm 2000 cho dù Madrid luôn được xem là thi hành khá nghiêm chỉnh những tiêu chuẩn của Maastricht.

Trong trường hợp của Bồ Đào Nha, và Ireland, việc kiểm soát chặt chẽ chi tiêu công cộng, giới hạn nợ công hay thu hẹp bội chi ngân sách đã đẩy mức mức nợ của các hộ gia đình, nợ doanh nghiệp lên cao. Năm 2008, cùng với khủng hoảng toàn cầu, hai nền kinh tế này là những nước đầu tiên bị dồn vào chân tường.

Trong mắt Patrick Artus, kinh tế trưởng thuộc ngân hàng Pháp Natixis, một trong những thiếu sót lớn nhất là hiệp định Maastricht đã không dự trù những điều khoản trong trường hợp một thành viên lâm nạn như kinh nghiệm của Hy Lạp năm 2010, thì phải làm gì.

Sai lầm ngay từ ban ban đầu

Trong bài nhận định "chúng ta trả giá cho những sai lầm của năm 1992", giám đốc điều hành trung tâm nghiên cứu về quan hệ quốc tế, André Grejebine, giảng dậy tại trường Khoa Học Chính Trị Paris- Sciences Po, cho rằng sai lầm đầu tiên của hiệp định đầy tham vọng này là mọi người quên mất rằng một đồng tiền chung chỉ có thể hoạt động đúng theo nghĩa của nó trong một khu vực kinh tế không có quá nhiều khác biệt giữa những thành viên.

maastricht0

Nhờ có hiệp định Maastricht mà đồng euro đã được chào đời.

Năm 1992 cũng như ở thời điểm hiện tại, eurozone "không phải là một khối kinh tế hài hòa". Maastricht đã "quên hẳn những biện pháp cho phép thu hẹp những cách biệt quá lớn về mặt kinh tế và xã hội giữa những nước cùng chia sẻ chung một đồng tiền. Khủng hoảng tài chính xuất phát từ Hoa Kỳ năm 2008-2009 chứng minh rằng, cùng sử dụng đồng euro không có nghĩa là các nền kinh tế trong khối có khả năng đối phó như nhau".

Thêm vào đó, để một "liên minh tiền tệ" hoạt động hiệu quả, Châu Âu cần có một ngân sách chung, một chính sách tiền tệ chung. Chính sách tiền tệ chung của eurozone do Berlin áp đặt, không phù hợp với tất cả các nền kinh tế trong khu vực. Ngân sách chung tới nay vẫn còn là rất xa vời.

Cốc nước nửa đầy hay nửa vơi ?

Nhờ có hiệp định Maastricht mà đồng euro đã được chào đời. Cũng với văn bản này, mà Châu Âu từ 25 năm qua không phải lo lắng về lạm phát. Được 340 triệu dân tại 19 nước thành viên trong Liên Hiệp Châu Âu sử dụng, đồng euro đã tránh được tất cả mọi rủi ro về tỷ giá hối đoái.

Do vậy theo giáo sư kinh tế học viện Genève, Charles Wyplosz, đồng euro là một thành công lớn của Châu Âu. Ngược lại hiệp định Maastricht thất bại vì ba yếu tố :

Một là như đã nói hai ngưỡng quy định về bội chi ngân sách và nợ công so với GDP đã chẳng được quy định trên bất kỳ một cơ sở vững chắc nào. Kế tới, áp dụng chính sách "khắc khổ" vào lúc mà kinh tế bị suy thoái lại càng gây thêm khó khăn cho các nước gặp nạn. Sau cùng theo giáo sư Wyplosz, học viện Genève, hiệp định Maastricht tước đoạt quyền sử dụng ngân sách Nhà nước của mỗi quốc gia để kích cầu khi cần thiết. Đòn bẩy tiền tệ thì trong tay Ngân Hàng Trung Ương Châu Âu -BCE.

Từ năm 2008 tới nay eurozone đã phải đối mặt với hai cuộc khủng hoảng : một do tín dụng địa ốc subprime của Mỹ và một do chính mình tự đánh mất những đòn bẩy để vực dậy kinh tế.

Đáng buồn hơn nữa là Châu Âu đòi hỏi người dân phải hy sinh, bắt các thành viên liên tục giảm ngân sách, giảm chi tiêu công cộng nhưng tỷ lệ nợ công so với GDP thì vẫn tăng cao.

Berlin và thất bại chính trị của hiệp định Maastricht

Hậu quả chính trị tai hại kèm theo, là công luận tại những nước như Hy Lạp và cả nhiều nơi khác cảm thấy là quyền tự định đoạt lấy tương lai của họ bị Bruxelles tước đoạt. Cựu giám đốc Phòng Công Nghiệp và Thương Mại Paris, Emanuel Devaud, không vòng vo quy trách nhiệm cho Đức trước thất bại chính trị này.

Theo ông, liên minh tiền tệ Châu Âu "đi từ thất bại này đến thất bại khác, dân Châu Âu cũng đi từ thất vọng này đến thất vọng khác". Kinh tế đình đốn, nạn thất nghiệp tràn làn, mức sống của người dân sa sút, cả một phần trong xã hội bị đẩy vào cảnh bần cùng, guồng máy sản xuất bị tê liệt, chảy máu chất xám, thất thoát tư bản… vậy mà theo ông Devaud, cựu giám đốc Phòng Công Nghiệp và Thương Mại Paris, Berlin vẫn kiên quyết đòi áp dụng chính sách khắc khổ.

Thủ tướng Merkel và bộ trưởng Tài Chính Wolfgang Schäuble quên mất rằng, Đức là quốc gia hưởng lợi nhất nhờ đồng euro và nhờ những nền tảng dù không hoàn hảo của một hiệp định đã được ký kết vừa đúng cách nay 25 năm.

Thanh Hà

Nguồn : RFI tiếng Việt, 07/02/2017

Additional Info

  • Author Thanh Hà
Published in Diễn đàn

eu1

Brexit, một vết thương trong lòng Châu Âu. Ảnh : Wikimedia

Tuyên bố ủng hộ Brexit, chống NATO của Donald Trump và thông báo chọn phương án ly dị "cứng rắn" với Liên Hiệp Châu Âu của thủ tướng Anh gây chấn động mạnh đối với giới ủng hộ Châu Âu. Trước cảnh lãnh đạo nước Mỹ tương lai tỏ rõ thái độ bài Âu, điều chưa từng thấy ở đồng minh Hoa Kỳ từ hơn nửa thế kỷ nay, trong lúc lãnh đạo Trung Quốc cao giọng cổ vũ cho một tiến trình toàn cầu hóa tự do tại Diễn Đàn Kinh Tế Thế Giới, La Croix hôm nay 18/01/2017, cảm thán với tựa lớn trang nhất "Thế giới lộn phèo". Le Monde : "Trump chống lại Châu Âu", còn Les Echos đặt câu hỏi : "Tại sao Anh lại chọn phương án Brexit cứng rắn ?". Về chủ đề này, Libération có hồ sơ "Châu Âu : Vượt lên hay rơi vào hỗn loạn".

Bài phân tích của tờ Libération "Liên Hiệp Châu Âu giữa các gọng kìm" nhấn mạnh tình thế tứ bề thọ địch của khối, "giữa một chính quyền Nga hung hãn, một chủ nhân tương lai của Nhà Trắng chỉ muốn Liên Hiệp tan rã và nước Anh thì chọn cách ra đi cứng rắn, người Châu Âu đang đứng trước một thách thức lịch sử". Đây là một thử thách chưa từng có kể từ 70 năm sau khi Đệ nhị Thế chiến kết thúc.

Theo Libération, Liên Hiệp Châu Âu vốn dựa trên nguyên tắc giải quyết hòa bình các xung đột, quen sống trong một thế giới không có kẻ thù, đang ở trong một tình trạng rất dễ tổn thương. Bạn hữu lâu năm như Anh, Mỹ, có thể trở thành đối thủ thương mại, trong lúc người Nga sẵn sàng hành động chống lại Liên Hiệp.

Nhìn về nội lực của Châu Âu, tình hình cũng không mấy khả quan. Một bộ phận chính giới Châu Âu cho rằng khả năng kháng cự của Châu Âu trước hết là dựa trên nền tảng của cặp Pháp - Đức. Thế nhưng bản thân hai nước Pháp và Đức đang đứng trước một năm bầu cử quan trọng, với viễn cảnh nhiều thay đổi lớn, trong khi đó hai cường quốc khác của Liên Hiệp, là Ý và Tây Ban Nha, đang lâm vào tình trạng bất ổn chính trị kéo dài…. Về phần các định chế của Liên Hiệp Châu Âu, như Nghị Viện và Ủy Ban Châu Âu thì đều không có khả năng đáp ứng các thách thức, điển hình nhất là "sự im lặng thê thảm" của chủ tịch Ủy Ban Châu Âu, kể từ khi cử tri Anh quyết định Brexit và ông Trump trúng cử tổng thống Mỹ.

"Sống còn" là hàng tựa của bài xã luận báo Libération. Theo Libération, đây là lúc Liên Hiệp Châu Âu phải lựa chọn giữa hai tương lai : hoặc khuất phục, hoặc vượt lên mình, "tái khẳng định một cách mạnh mẽ dự án lịch sử của Châu Âu", "đó là xây dựng một thế giới mà ở đó hợp tác thay vì đối đầu, cạnh tranh kinh tế được kiểm soát thay cho chiến tranh thương mại, các giá trị phổ quát thay vì thái độ ích kỷ dân tộc chủ nghĩa". Tờ báo nhấn mạnh là dự án nói trên – cũng là một dự án tái xây dựng Liên Hiệp Châu Âu – "cần phải được khởi sự một cách nhanh chóng, với sự đóng góp sáng suốt của cộng đồng, nếu không Châu Âu sẽ bỏ lỡ cơ hội lịch sử này".

Trump ngây thơ về chính trị ?

Trong lúc công luận bị chấn động bởi phát biểu bài Châu Âu của tổng thống tân cử Mỹ, và tuyên bố của thủ tướng Anh, nhiều nhà phân tích tỏ ra thận trọng. Bài "Sự thù ghét Châu Âu của Trump sắp đối mặt với thực tiễn" của Libération dẫn lời cựu đại sứ Hoa Kỳ tại Bỉ, ông Tom Korologos, lưu ý những tuyên bố ồn ã của ông Trump không hẳn sẽ biến thành "các thay đổi chính trị thực sự".

Cựu đại sứ Mỹ nhắc lại một cách hỏm hỉnh rằng : chỉ cần ông Trump nhớ là Châu Âu nhập khẩu gần 500 tỉ đô la hàng hóa và dịch vụ từ Mỹ, và tạo gần 3 triệu công ăn việc làm tại Hoa Kỳ là đủ. Một số người khác cho rằng, cho đến nay tổng thống tân cử Mỹ vẫn được coi là một người không có đủ thông tin, khi đưa ra các quyết định có tầm chiến lược.

Việc ngoại trưởng tương lai Tillerson phát biểu về sách lược mới với Nga và Trung Quốc, mà không qua trao đổi trước với tổng thống tân cử, là một ví dụ được đưa ra để chứng minh cho nhận định này. Bà Jacqueline Grapin, chủ tịch viện tư vấn European tại Washington, cũng cho rằng tổng thống tân cử Mỹ là người ngây thơ về chính trị quốc tế, và để khắc phục điểm yếu này, ngay vào tuần tới, sau khi chính thức nhậm chức, "các cố vấn của ông Trump sẽ bắt tay vào việc giải thích cặn kẽ cho ông ấy". Vẫn theo Libération, nhận xét này không hẳn đã trấn an được người Châu Âu hiện nay.

Anh – Mỹ siết chặt liên minh : Giấc mơ và thực tế kinh tế

Về sự ủng hộ của ông Trump đối với Anh Quốc, báo Le Monde có bài : "Sẽ rất phức tạp để thực hiện thỏa thuận mà tổng thống tân cử Mỹ hứa hẹn với Luân Đôn". Le Monde dẫn lời ủy viên kinh tế Châu Âu Pierre Moscovici, theo đó Anh sẽ không được quyền ký kết thỏa thuận thương mại với bất cứ quốc gia nào, một khi vẫn còn là thành viên của Liên Hiệp Châu Âu, tức là khi chưa hoàn tất thủ tục ly dị. Mà thủ tục này, về nguyên tắc sẽ không thể xong trước tháng 3/2019, tức là hai năm sau khi Luân Đôn khởi động điều 50, cho phép chính thức khởi sự đàm phán với Châu Âu.

Những lợi ích mà Hoa Kỳ của ông Trump có thể mang lại cho Anh cũng cần phải được cân nhắc kỹ. Trên thực tế, Le Monde nhấn mạnh là quan hệ kinh tế của Anh với Châu Âu quan trọng hơn rất nhiều so với Hoa Kỳ. Liên Hiệp Châu Âu tiêu thụ 44% tổng xuất khẩu của Anh, trong khi đó thị trường Mỹ chỉ là 16%. Bên cạnh đó, Anh vốn đang là quốc gia bị nhập siêu nặng từ Mỹ, với 44 tỉ euro năm 2015.

Di sản Obama, một số điều để nhớ

Về chính trị Mỹ, bên cạnh nỗi lo về chính sách cực đoan và bất thường của tổng thống tân cử Donald Trump, Le Monde cũng chú ý đến di sản của tổng thống mãn nhiệm Barack Obama. Bài "Sáu công thức của một chính sách đối ngoại" giúp độc giả nắm được một số nét lớn trong chiến lược đối ngoại của tổng thống thứ 44 của Hoa Kỳ trong 8 năm cầm quyền. Đặc biệt nổi bật là chính sách "xoay trục (sang Châu Á – Thái Bình Dương)" (hay tái cân bằng), chính sách "reset" (tái khởi động quan hệ với Nga)… Le Monde cũng không quên chính sách "đường ranh đỏ" của Obama trong trường hợp Syria. Cam kết can thiệp quân sự, nếu Damas dùng vũ khí hóa học, hay sinh học, hồi 2012, rốt cuộc đã không được tổng thống Mỹ thực hiện, cho dù có các bằng chứng.

Le Monde cũng bài phân tích kỹ lưỡng về thỏa thuận hạt nhân với Iran, được coi như một trong "những thành công xuất sắc" của nền ngoại giao Obama. Đây là bài thứ hai trong loạt năm bài của Le Monde "Những năm tháng Obama".

Davos thiếu lãnh đạo, Bắc Kinh chiếm diễn đàn

Về thời sự quốc tế, sự hiện diện của chủ tịch Trung Quốc tại Diễn đàn Kinh tế thế giới ở Thụy Sĩ là một tâm điểm. Les Echos có bài "Chủ tịch Trung Quốc bảo vệ tiến trình toàn cầu hóa tại Davos". Tờ báo kinh tế nhận xét, nhân lúc các lãnh đạo Hoa Kỳ và Châu Âu vắng mặt tại Diễn đàn quan trọng này, chủ tịch Trung Quốc tự khẳng định như là người cổ vũ cho tự do thương mại vào toàn cầu hóa. Bảo vệ tự do thương mại vốn không phải là vai trò quen thuộc của chế độ cộng sản Trung Quốc, cường quốc kinh tế thứ hai thế giới. Theo một chuyên gia kinh tế Singapore, thì cách nay 10 năm, không thể tưởng tượng được lãnh đạo quốc gia cộng sản thay thế với trò của các cường quốc dân chủ phương Tây, không thể tưởng tượng được tổng thống Mỹ nói rằng Hoa Kỳ trên hết, còn lãnh đạo Trung Quốc thì lại kêu gọi toàn thế giới "hãy làm việc cùng nhau". Vẫn chuyên gia trên nhận xét, trong phát biểu của ông Tập Cận Bình chỉ thiếu hai từ "tự do" và "dân chủ".

Về chủ đề này, báo Le Figaro có bài "Khách mời danh dự của Davos, Tập Cận Bình tự coi là người bảo vệ toàn cầu hóa", cũng nhấn mạnh đến tình trạng thiếu vắng lãnh đạo tầm cỡ thế giới trong nền kinh tế toàn cầu hiện nay, và ông Tập Cận Bình đã tranh thủ được tình trạng này. Tuy nhiên, một cựu kinh tế gia trưởng Quỹ Tiền Tệ Quốc Tế, giáo sư Kenneth Rogoff đại học Havard, lưu ý cho dù là một đầu máy tăng trưởng của kinh tế thế giới (chiếm khoảng 30%), "Trung Quốc cũng là một trong những khu vực bất trắc nhất của nền kinh tế toàn cầu. Lý do Trung Quốc không đứng đầu là vì có Hoa Kỳ hiện cũng đang trở thành một nơi đầy bất trắc". Một thành viên duy nhất của ê-kíp tổng thống tân cử Mỹ có mặt tại Davos, thì khẳng định là Trump không chống lại toàn cầu hóa, mà chỉ muốn xác lập các quy tắc mới công bằng hơn cho cạnh tranh thế giới, và "ông ấy sẽ trở thành một nhà toàn cầu hóa lớn".

Vẫn về Trung Quốc, Les Echos liệt kê bốn thách thức lớn đối với chính quyền Bắc Kinh trong năm nay. Thách thức thứ nhất là nợ doanh nghiệp tiếp tục tăng mạnh (dự báo 10%), đe dọa sự ổn định kinh tế, Trung Quốc cũng sẽ phải bỏ ra nhiều tiền hơn để giữ giá đồng nhân dân tệ, thách thức thứ ba là cuộc chuyển giao quyền lực tại Đại hội thứ 18 của Đảng Cộng sản Trung Quốc.

Thách thức thứ tư mà Les Echos nhấn mạnh là sách lược ngoại giao gây bất ngờ của chính quyền Trump, đặc biệt liên quan đến Đài Loan và Biển Đông, khiến Bắc Kinh bất an. Về chủ đề này, báo chí chính thức Trung Quốc đã dùng đến lời đe dọa chiến tranh để tỏ thái độ.

Miến Điện : Dân Hồi giáo thất vọng về giải Nobel Hòa Bình

Về thời sự Châu Á, La Croix chú ý đến nỗi thất vọng của dân chúng Miến Điện đối với chính phủ của nhà dân chủ Aung San Suu Kyi, chín tháng sau khi đảng của bà thắng cử. Người Hồi giáo, chiếm 5% dân số Miến Điện, không còn tôn trọng giải Nobel Hòa Bình. Nhiều người khẳng định lãnh đạo Liên Đoàn Quốc gia vì Dân Chủ không làm gì để hỗ trợ người dân đang lâm vào một cuộc khủng hoảng nhân đạo vô cùng nghiêm trọng tại bang biên giới Arakan, nơi họ là nạn nhân của các truy bức khốc liệt, kể cả do quân đội Miến Điện. Đến 65.000 người Hồi giáo Rohingya đã phải tìm cách lánh nạn sang nước láng giềng Bangladesh. Rất nhiều người đang phải sống trong các trại tị nạn, thiếu mọi điều kiện tối thiểu.

Mới đây, ngoại trưởng Aung San Suu Kyi phải hoãn chuyến đi Indonesia, quốc gia đa số theo đạo Hồi, vì bị chỉ trích mạnh mẽ. Một lãnh đạo, theo đạo Hồi, thuộc đảng Vì Phát triển Quốc gia của Miến Điện, tuyên bố bà Aung San Suu Kyi đã thất hứa, và trách bà đã quá thân thiện với giới tướng lĩnh. Theo ông, bà Suu Kyi đã bỏ mặc bang Arakan cho quân đội xử lý, "để đổi lại các cải cách dân chủ".

Vấn đề là tại Miến Điện, đa số dân cư theo đạo Phật (88%) dân số gần như không quan tâm đến những đau khổ mà cộng đồng Hồi giáo thiểu số phải gánh chịu.

Cha đẻ "Bính âm" Trung Quốc qua đời

Trong lĩnh vực văn hóa, Le Monde chú ý đến sự ra đi của cha đẻ hệ thống phiên âm tiếng Trung Quốc, ông Chu Hữu Quang (Zhou Youguang). Ông qua đời ở tuổi 112, tại Bắc Kinh.

Kế hoạch xây dựng chữ phiên âm Trung Quốc được khởi sự vào những năm 1950 đã cho phép Trung Quốc có được "một cây cầu" để đến với thế giới bên ngoài, và để thế giới bên ngoài đến với Trung Quốc, theo lời tâm sự của ông Chu.

Hệ thống chữ phiên âm Trung Quốc, tức "Bính Âm" hay Pin-yin, cho phép chính người Trung Quốc và người nước ngoài nắm được dễ dàng hơn tiếng nói của cư dân nền văn minh chữ tượng hình, vốn được coi là hết sức rối rắm.

Hệ chữ phiên âm vốn "bị phản đối quyết liệt" tại Trung Quốc, nhưng rốt cục đã được chính quyền thừa nhận vào năm 1979, trong bối cảnh nhiều quốc gia láng giềng với Trung Quốc đã có được hệ chữ cái phiên âm từ lâu.

Ông Chu Vĩnh Quang cũng là người chống lại chế độ toàn trị cộng sản cho đến cuối đời. Sau khi ông qua đời, báo chí chính thức nhiệt liệt ca ngợi đóng góp của ông trong việc lập ra chữ "Quốc ngữ" của Trung Quốc, mà lờ đi "các phê phán quyết liệt" của ông nhắm vào chế độ cộng sản.

Trong một cuộc trả lời phỏng vấn đài Hoa Kỳ NPR năm 2011, ông khẳng định : "tại Trung Quốc người ta không còn tin vào đảng Cộng Sản". Ông từng hy vọng được sống đến ngày phong trào đòi dân chủ Thiên An Môn 1989, bị đàn áp trong máu, được chính thức thừa nhận.

Trọng Thành

Published in Quốc tế

Donald Trump muốn Liên Hiệp Châu Âu biến mất ?

eu1

Tổng thống tân cử Donald Trump lại có những phát biểu gây sốc nhắm vào Liên Hiệp Châu Âu. REUTERS/Lucas Jackson

Bầu cử sơ bộ trong cánh tả Pháp và tổng thống tân cử Mỹ Donald Trump đả kích Châu Âu là hai sự kiện chia nhau tựa đầu trang nhất báo Pháp hôm nay 17/01/2017. Đáng chú ý nhất là nhận định trên báo Libération, không ngần ngại tự hỏi là phải chăng Donald Trump muốn Liên Hiệp Châu Âu tan rã.

Trong mục Thế Giới, Libération đã dành hai trang để phân tích các tuyên bố đả phá Châu Âu của tổng thống tân cử Mỹ, dưới hàng tựa lớn : "Hoa Kỳ - Châu Âu : Donald Trump tiếp tục công việc giải thể". Theo tờ báo cánh tả Pháp, qua hai cuộc phỏng vấn, ông Trump lại loan báo một sự đoạn tuyệt quan trọng với Châu Âu và đường lối chính quyền Obama trên các lãnh vực từ ngoại thương, quốc phòng đến ngoại giao.

Một cơn chấn động, Libération nhận xét. Nhất là đối với những người còn hoài nghi : Tổng thống tân cử Mỹ Donald Trump rõ ràng mong muốn Liên Hiệp Châu Âu biến mất. Và đây là một sự thay đổi về địa chiến lược quan trọng nhất từ sau Thế chiến II.

Châu Âu không còn cách nào khác là phải siết chặt hàng ngũ nếu không muốn bị tan rã. Tuy đòn tấn công của ông Trump vào Đức sẽ khiến Paris và Berlin siết chặt quan hệ, nhưng tờ báo cũng cho rằng có nguy cơ nước khác sẽ không đi theo, nhất là các nước Đông Âu.

Ông Donald Trump tuyên bố sẽ hỗ trợ Anh Quốc trong việc ra khỏi Liên Hiệp Châu Âu, ký thỏa thuận tự do mậu dịch với Luân Đôn, và ông cũng sẽ lợi dụng sự lo sợ của các nước Đông Âu, là Hoa Kỳ của ông Trump sẽ bỏ rơi họ khi xích lại gần với Nga, ví dụ như Ba Lan chẳng hạn, đang ước ao đón tiếp quân đội Mỹ trên lãnh thổ của mình.

Cuối cùng, Libération báo động : Nếu Brexit thành công, thì các đảng dân túy ở các nước sẽ noi theo và thúc đẩy chính quyền đi theo chiều hướng này. Một quan điểm cũng được Les Echos đồng chia sẻ, cho là ông Trump đang thêm lửa thêm củi cho các đảng dân túy ở Châu Âu.

Donald Trump khiêu khích Châu Âu

Về phần mình, Le Figaro trên trang nhất cũng nhận thấy tổng thống tân cử Mỹ "đang khiêu khích Châu Âu". Les Echos tán đồng khi cho là ông Trump "đặt cược trên sự tan rã của Châu Âu".

Dưới tựa đề "Trước ngày nhậm chức, Trump thách thức Châu Âu", Le Figaro nhắc lại : 5 ngày trước khi vào Nhà Trắng, tổng thống tân cử Mỹ lại "tấn công vào quan hệ xuyên Đại Tây Dương, hoan nghênh Brexit, đánh giá NATO lỗi thời, và chỉ trích chính sách nhập cư của thủ tướng Đức", loạt tấn công được tờ báo gọi là "một trận mưa pháo". Le Figaro tự hỏi liệu là mối liên minh chặt chẽ giữa hai bờ Đại Tây Dương từ Thế Chiến Thứ II có sẽ bị ông Trump "quét đi" ?

Nhật báo thiên hữu Pháp nhìn thấy một tình hình rất lộn xộn, với nhiều cộng tác viên của ông Trump không đồng ý với những phân tích cũng như những phát biểu về đường hướng ngoại giao của ông Trump. Thế nhưng các chuyên gia Châu Âu cũng cảnh báo là Bruxelles nên chuẩn bị những tình huống xấu nhất vì ông Trump dự tính thực hiện những lời nói của ông.

Trong phần nhận định, Le Figaro rất bực mình trước thái độ của ông Trump, nhưng cho rằng Châu Âu cũng có phần lỗi : "Mối đe dọa Trump đối với Châu Âu thật ra chỉ là phản ánh sự bất lực của chính Châu Âu".

Bởi vì, trên chính trường quốc tế, tân tổng thống Mỹ có vẻ chỉ quan tâm đến hai tác nhân : Nga mà ông Trump muốn biến thành đối tác, và Trung Quốc mà ông muốn tấn công. Còn Châu Âu thì rõ ràng bị ông khinh miệt, xem như một đám yếu đuối vô tích sự, "chủ nghĩa lý tưởng và lắm điều".

Để làm cho ông Trump thay đổi ý kiến, Châu Âu không thể chỉ dựa trên những "giá trị" của mình, mà đã đến lúc phải xét đến những "quyền lợi" trên mặt thương mại cũng như ngoại giao. Thay vì la ó, lo sợ, thì Châu Âu phải cùng nhau giải quyết các vấn đề lớn : nhập cư, an ninh, biên giới… và chỉ khi nào Châu Âu tìm lại được sự tin tưởng của dân chúng, tức của chính mình, thì mới có thể trả lời ông Trump. Nhưng trước mắt, Le Figaro thấy có vẻ hơi khó, vì hai nước đầu tàu Châu Âu là Pháp và Đức đều đang lao vào các cuộc bầu cử.

Bầu cử sơ bộ cánh tả Pháp : 2 ứng viên nổi trội Valls và Macron

Libération dành cả trang đầu và 5 trang trong cho ứng viên tổng thống Manuel Valls, "con người thực tế". Cựu thủ tướng đã đến tòa soạn gặp ban biên tập của Libération để bảo vệ thành quả của ông và đề cập đến tương lai mà ông dành cho nước Pháp.

Le Monde cũng chọn đề tài này làm tựa chính trang nhất, nhưng lại chú ý đến ứng viên Macron, cựu bộ trưởng Kinh Tế, và nói về "Động lực Macron khiến các ứng viên tổng thống khác bối rối".

Bóng đá tại Trung Quốc và karoshi ở Nhật Bản

Về Châu Á, báo Les Echos nhìn lên vùng Đông Bắc Á, chú ý đến một số sự kiện xã hội, thể thao, như việc Trung Quốc đang tìm cách hạn chế việc thuê cầu thủ bóng đá nước ngoài, tiêu tốn những khoản tiền không lồ và bị chỉ trích dữ dội.

Một hiện tượng khác được tờ báo nêu bật và tìm hiểu là hiện tượng gọi là "Karoshi" ở Nhật Bản, với việc người dân làm việc quá độ, đến nỗi làm nhiều người tự tử. Đây là một hiện tượng rất phổ biến ở tất cả các công ty lớn nhỏ. Về mặt chính thức, trong năm 2015, có 93 vụ tự tử được các thanh tra lao động xác nhận là do Karoshi, nhưng cảnh sát thì cho biết là có đến 2 159 ca tự tử do stress nghề nghiệp.

Hàn Quốc : Quan hệ mờ ám giữa Samsung với bà Choi và tổng thống Park ?

Dĩ nhiên là Les Echos trở lại vụ tai tiếng ở Hàn Quốc với sự kiện mới nhất là người thừa kế của Samsung bị đề nghị bắt giam. Theo nhật báo, chẳng có gì đáng ngạc nhiên về thông tin người thừa kế và cũng là phó chủ tịch của Samsung Lee Jae-yong bị viện kiểm sát đề nghị bắt giam, đã rơi như một quả bom xuống Hàn Quốc vào hôm qua.

Cuộc điều tra cho thấy là từ 3 năm qua tập đoàn điện tử hàng đầu Hàn Quốc có quan hệ "mờ ám" với bà Choi Soon-sil và tổng thống Park Geun-hye. Mọi việc bắt đầu từ tháng 9/2014, tổng thống Park đã gặp riêng phó chủ tịch Samsung và yêu cầu hỗ trợ cho "các triển vọng trong môn thể thao đua ngựa" Hàn Quốc. Cuộc trao đổi có lẽ đã thành công vì một tháng sau đó giám đốc Samsung trở thành phó chủ tịch Liên Đoàn Đua Ngựa Hàn Quốc KEF.

Thế nhưng lúc bấy giờ không ai chú ý là con gái bà Choi, Chung Yoo-ra, là thành viên của đội kỵ sĩ Hàn Quốc và được chính tổng thống yêu cầu bộ trưởng Thể Thao nâng đỡ. Cô Chung Yoo-ra đã không làm thất vọng và giành huy chương vàng ở Á Vận Hội. Nhưng từ năm 2015, yêu cầu tài trợ đối với Samsung tăng tốc : tổng thống Park lại gặp riêng Lee Jae-yong, yêu cầu hỗ trợ Liên Đoàn KEF và đóng góp vào việc thành lập hai hiệp hội mới Mir et K-Sports.

Và liên tục từ 2015 sang 2016, Samsung tài trợ cho thể thao Hàn Quốc nhất là cho hiệp hội Core Sport, rót hơn 15 triệu euro. Ngoài ra còn trung tâm thể thao mùa đông - Korea Winter Sports Elite Center, do một cô cháu của bà Choi Soon-sil điều hành, nhận được một khoản tiền lớn tương đương 1,2 triệu euro. Và tổng thống Park đã gặp phó chủ tịch Samsung lần thứ 3 cho việc tài trợ này.

Riêng đối với hai hiệp hội Mir và K-Sports nói trên thì Samsung đã tặng mỗi hiệp hội 10 triệu euro cho việc thành lập. Những sự kiện này đã được phanh phui trong cuộc điều tra từ tháng 10 về bà Choi Soon-sil, bị tố cáo lạm quyền, tham nhũng, can thiệp vào công việc Nhà nước.

Số phận người thừa kế Samsung được định đoạt vào ngày 18/01

Dưới tựa đề "Người thừa kế tập đoàn Samsung bị đe dọa bắt giữ", nhật báo Pháp Le Monde cũng theo dõi sự kiện người thừa kế của đế chế Samsung có khả năng phải vào tù kể từ thứ Tư 18/01/2017. Theo tờ báo Pháp, với vụ tai tiếng mới này, quả là đệ nhất chaebol Hàn Quốc đã rơi vào cảnh họa vô đơn chí trong vỏn vẹn vài tháng.

Le Monde trước hết ghi nhận : Hôm qua, 16 tháng Giêng, công tố viên phụ trách điều tra về vụ bê bối tham nhũng và lạm dụng quyền thế đã dẫn đến việc nữ tổng thống Park Geun-hye bị Quốc Hội truất phế vào tháng Mười Hai vừa qua, đã đề nghị bắt giam ông Lee Jae-yong, 48 tuổi người thừa kế của đại tập đoàn Samsung. Tòa án Seoul vào ngày mai (18/01) sẽ phán quyết về việc ban hành hay không lệnh bắt giữ.

Đối với Le Monde, đề nghị bắt giữ đã xác nhận quy mô vang dội của vụ bê bối tham nhũng và lạm quyền dính líu đến cấp cao nhất của Nhà Nước và giới quyền thế trong nền kinh tế Hàn Quốc, mà nhân vật đầu tiên bị sờ gáy lại chính là lãnh đạo của Samsung, đệ nhất chaebol tại xứ Kim Chi.

Cho đến nay, đã có cả chục người bị bắt trong vụ này. Ngoài nhân vật chính là bà quân sư Choi Soon-sil, cả chục người khác đã bị bắt trong đó có hai bộ trưởng (Văn hóa và Xã hội) và một cựu chánh văn phòng phủ tổng thống. Nếu lệnh bắt giữ ông Lee Jae-yong được ban hành, thì đây sẽ là doanh nhân đầu tiên phải vào tù trong vụ án.

Thứ Sáu tuần trước, nhân vật này đã bị thẩm vấn trong suốt 20 tiếng đồng hồ trong tư cách là nghi phạm, một điều hiếm thấy đối với con trai của đương kim chủ tịch Samsung Lee Kun-hee, đồng thời là cháu trai của nhà sáng lập tập đoàn là Lee Byung-chul. Dù chỉ có chức phó chủ tịch tập đoàn Samsung Electronics, nhưng trong thực tế, Lee Jae-yong là người lãnh đạo chính của Samsung từ khi người cha bị bệnh tim vào năm 2014.

Samsung hào phóng

Theo ghi nhận của Le Monde, Samsung không phải là tập đoàn duy nhất đã hối lộ bà Choi Soon-sil để giành được những lợi ích quan trọng. Tất cả các tập đoàn lớn tại Hàn Quốc, từ Hyundai SK, cho đến LG hay Lotte đều đã góp tiền vào các hiệp hội do chính bà cố vấn tổng thống thành lập. Bà Choi hiện đang bị xét xử về tội đòi những khoản hối lộ lớn từ các tập đoàn đó để đổi lấy các ưu đãi.

Ai cũng hối lộ, nhưng tại sao Samsung lại bị truy cứu đầu tiên ? Theo Le Monde, đó là vì tập đoàn này bị cho là hào phóng nhất. Lee Jae-yong đã góp đến 17 triệu đô la vào các hiệp hội của bà Choi, thậm chí còn ngấm ngầm chi ra hàng triệu đô la khác để cử các kỵ sĩ Hàn Quốc qua Đức tập huấn, trong số này có... con gái của bà Choi.

Đối với Le Monde, người thừa kế của Samsung không phải là trùm kinh doanh Hàn Quốc đầu tiên bị bỏ tù. Cung cách quản lý thiếu minh bạch của các chaebol và quan hệ chặt chẽ của các tập đoàn này với giới có chức có quyền trong chính quyền đôi khi gây nên những vụ bê bối. Một số lãnh đạo tập đoàn từng bị bắt vì gian lận thuế và tham nhũng, nhưng hầu như lúc nào họ cũng được hưởng chế độ giảm án.

Dẫu sao thì theo Le Monde, ngoài ông Lee Jae-yong, một loạt những người thân cận của ông sẽ bị tư pháp bắt giữ, và đây sẽ là một vố đau thứ hai đánh vào uy tín của tập đoàn số một của Hàn Quốc. Uy tín này đã bị sứt mẻ nghiêm trọng vào cuối mùa hè vừa qua với vụ dòng điện thoại thông minh Galaxy Note 7 của Samsung bị bốc cháy hoặc phát nổ, buộc tập đoàn phải ồ ạt thu hồi sản phẩm chủ lực của mình và đình chỉ công việc sản xuất.

Mai Vân

Published in Quốc tế
Trang 5 đến 5