Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Quốc tế

08/03/2017

Năm viễn cảnh tương lai của Liên Hiệp Châu Âu

RFI tiếng Việt

Liên Hiệp Châu Âu đang đứng trước những thử thách chưa từng có kể từ khi ra đời. Việc Anh Quốc chia tay với Liên Âu tạo thêm một thách thức mới, nhưng quyết định này cũng đồng thời cho thấy bản thân dự án xây dựng Châu Âu không thuyết phục được mọi thành viên của mình trong bối cảnh hiện nay. Viễn cảnh Liên Âu tan rã là điều được nhiều lần nhắc đến để cảnh báo thái độ thụ động trong chính giới. Đầu tháng 3/2017 này, Ủy Ban Châu Âu công bố cuốn Sách Trắng về tương lai của Châu Âu, với mục tiêu tìm ra hướng đi chung cho khối 27 nước.

europe1

Sách trắng 5 kịch bản với Châu Âu. Ảnh : Reuters

Sách Trắng do chủ tịch Ủy Ban Châu Âu Jean-Claude Juncker phụ trách đưa ra năm kịch bản tương lai của Châu Âu ở ngưỡng cửa 2025. Sách Trắng dài 32 trang đã được trình ra trước Nghị Viện Châu Âu hôm 01/03/2017. Xin lần lượt giới thiệu các kịch bản (theo thông cáo báo chí của Ủy Ban Châu Âu).

Theo kịch bản thứ nhất, gọi là "nối tiếp", Liên Hiệp Châu Âu sẽ tiếp tục các chương trình cải cách, đặc biệt được thể hiện qua tuyên bố Bratislava năm 2016, được 27 thành viên của khối đồng thuận. Sách Trắng nêu ra hai ví dụ để minh họa. Ví dụ thứ nhất là dân Châu Âu có thể sử dụng xe tự động hóa và nối mạng, nhưng sẽ gặp nhiều vấn đề ở biên giới, do một số rào cản pháp lý và kỹ thuật ; nhưng công dân Châu Âu nhìn chung đi lại qua biên giới không gặp khó khăn.

Kịch bản thứ hai "thị trường duy nhất", như tên gọi của nó cho thấy, không kể vấn đề thị trường, trong rất nhiều lĩnh vực, 27 nước Liên Âu không thể tìm được đồng thuận. Vào năm 2025, tình hình sẽ có thể là việc qua lại biên giới, để làm ăn hay du lịch, giữa các nước nội khối sẽ bị kiểm soát thường xuyên. Tìm việc làm ở một nước khác khó khăn hơn, ốm đau tại nước ngoài phải chịu chi phí đắt đỏ. Dân Châu Âu lưỡng lự khi quyết định dùng xe nối mạng, vì thiếu các quy định và chuẩn kỹ thuật của toàn khối.

Kịch bản thứ ba được gọi là "dành cho những ai muốn đi xa hơn". Khối 27 nước sẽ vẫn tiếp tục tồn tại như hiện nay, nhưng mở ra khả năng cho những thành viên nào có mong muốn phối hợp nhiều hơn trong một lĩnh vực như quân sự, an ninh nội địa hay các vấn đề xã hội. Ví dụ như, 15 nước Liên Âu có thể lập một lực lượng cảnh sát hay công tố chung để điều tra về các tội phạm hình sự xuyên biên giới, các cơ sở dữ liệu về an ninh được kết nối cho phép thông tin được trao đổi mau chóng. Một ví dụ khác, xe nối mạng được sử dụng rộng rãi tại 12 quốc gia thành viên tìm được thỏa thuận về pháp lý và kỹ thuật.

Viễn cảnh thứ tư được Sách Trắng nêu ra là "làm ít, nhưng hiệu quả hơn". Khối 27 nước sẽ tập trung vào một số lĩnh vực có thể mang lại nhiều kết quả hơn, nhanh hơn, đồng thời giảm can thiệp trong những lĩnh vực mà hành động được coi là không đóng góp gì hơn. Cụ thể là, sẽ có một cơ quan Châu Âu chuyên trách về viễn thông, phụ trách việc giải phóng các dải tần số cho các xe nối mạng, hay bảo vệ quyền của những người sử dụng điện thoại di động và internet trên toàn cõi Liên Hiệp Châu Âu.

Còn theo kịch bản thứ năm, gọi là "làm nhiều việc cùng nhau", Ủy Ban Châu Âu hình dung là các tất cả các thành viên Liên Âu sẽ phải nỗ lực "phối hợp nhiều hơn… về nguồn lực, về quá trình ra quyết định trong mọi lĩnh vực". Các quyết định được đưa ra khẩn trương và quá trình thực thi diễn ra nhanh chóng. Cụ thể là, vẫn trong lĩnh vực xe nối mạng, Liên Hiệp Châu Âu sẽ ban hành các quy định rõ ràng cho phép loại xe này được di chuyển mà không gặp trở ngại trên toàn Châu Âu. Một ví dụ khác là các công dân Châu Âu có thể khiếu nại trực tiếp với cơ quan có thẩm quyền cấp Châu Âu về một dự án điện gió, do Liên Âu tài trợ, dự kiến được xây dựng tại địa phương.

Bằng mọi giá duy trì đoàn kết

Về Năm viễn cảnh tương lai của Liên Hiệp Châu Âu, Le Monde có bài phân tích do phóng viên thường trú tại Bruxelles thực hiện.

Ẩn đằng sau năm kịch bản của tương lai Châu Âu là nỗ lực duy trì bằng mọi giá sự đoàn kết của khối 27 nước. Le Monde nhắc đến một "kịch bản thứ sáu" (kịch bản không được nêu ra), khi không có một lựa chọn được đồng thuận, Liên Âu có thể sẽ rơi vào "tan rã hoàn toàn". Một thông điệp khác ngầm toát ra từ cuốn Sách Trắng là, "nếu không có sự lựa chọn rõ ràng, dự án Châu Âu trong tương lai rút lại sẽ chỉ còn là một thị trường duy nhất". Viễn cảnh này là điều một số chính trị gia Châu Âu thực sự toan tính.

Ngoài kịch bản thứ năm, hướng đến một thể chế Châu Âu liên bang (và viễn cảnh thị trường duy nhất), ba kịch bản còn lại của Ủy Ban Châu Âu cũng có thể được gọi bằng các tên gọi khác. Viễn cảnh "duy trì nguyên trạng" tương ứng với kịch bản thứ nhất "tiếp nối". Theo viễn cảnh này, những vấn đề gai góc gây xung đột nhất, như chia sẻ số lượng người tị nạn tiếp nhận, sẽ được gạt qua một bên.

Viễn cảnh Châu Âu với "nhiều tốc độ" tương ứng với kịch bản thứ ba "dành cho những ai muốn đi xa hơn". Đây chính là điều mà cuộc tiểu thượng đỉnh bốn nước Pháp-Đức-Ý-Tây Ban Nha họp tại Versailles hôm thứ Hai, 06/03, bắt đầu tìm cách đi đến, đặc biệt trong lĩnh vực quốc phòng.

Viễn cảnh "ít hơn hoặc nhiều hơn" tương ứng với kịch bản thứ tư "làm ít nhưng hiệu quả hơn" có mục tiêu chủ yếu là trao lại cho các quốc gia thành viên những lĩnh vực mà Bruxelles không hiệu quả, đồng thời đối với những lĩnh vực giữ lại thì "làm sâu sắc hơn, mạnh hơn".

"Năm viễn cảnh tương lai của Liên Âu" sẽ là tài liệu thảo luận trong thời gian tới trong chính giới Châu Âu, đặc biệt là giữa lãnh đạo 27 nước nhân dịp thượng đỉnh Roma, 25/03, nhân dịp kỷ niệm 60 năm ngày ra đời hiệp ước đặt nền tảng của Liên Hiệp Châu Âu. Các sơ kết đầu tiên dự kiến sẽ được rút ra trong dịp Hội Đồng Châu Âu họp vào tháng 12/2017.

Trong những tháng tới Ủy Ban Châu Âu, Nghị Viện Châu Âu và các quốc gia thành viên quan tâm sẽ tổ chức hàng loạt "các thảo luận về tương lai Châu Âu" tại các thành phố và khu vực. Cùng với Sách Trắng nói trên, Ủy Ban Châu Âu sẽ chuẩn bị năm tài liệu cơ bản khác trong năm lĩnh vực cụ thể : lĩnh vực xã hội, lĩnh vực kinh tế và tiền tệ, vấn đề chế ngự toàn cầu hóa, tương lai phòng vệ Châu Âu. Tài chính là lĩnh vực thứ năm.

Trắc nghiệm đầu tiên : Thượng đỉnh Hội Đồng Châu Âu

"Năm triển vọng tương lai" của Liên Hiệp sẽ được trắc nghiệm ngay trong hai ngày 9 và 10/03 tới. Lãnh đạo khối 27 nước sẽ có cuộc thượng đỉnh không chính thức của Hội Đồng Châu Âu tại Bruxelles, nhằm chuẩn bị cho "tuyên bố chung" tại Roma.

Kịch bản thứ ba "dành cho những nước muốn đi xa hơn" hay "Châu Âu nhiều tốc độ" đang là tâm điểm của mâu thuẫn. Theo AFP, bộ trưởng phụ trách Châu Âu của Đức, Michael Roth, lo ngại cho tiến trình chuẩn bị bản tuyên bố Roma, thủ tướng Slovakia Robert Fico tỏ thái độ bất mãn. Slovakia cùng các quốc gia trong nhóm bốn nước Đông Âu Visegrad (Hung, Cộng Hòa Séc, Ba Lan, Slovakia) lo ngại bị gạt ra bên lề, đặc biệt sau phiên họp riêng giữa bốn nước đông dân nhất Châu Âu Pháp-Đức-Ý-Tây Ban Nha tại Versailles, 06/03, để tìm kiếm con đường củng cố nền phòng vệ chung cho Châu Âu, tránh sự ngăn chặn của một số nước "cứng đầu".

Tuy nhiên, theo các nhà quan sát, trên thực tế, dù ủng hộ "Châu Âu nhiều tốc độ" hay không, Liên Hiệp Châu Âu hiện nay trong một số lĩnh vực đã vận hành theo nhóm. Ngày mai, 09/03, các lãnh đạo Châu Âu có kế hoạch bật đèn xanh cho việc lập ra một cơ quan công tố Châu Âu phụ trách chống tham nhũng (tại các quỹ Châu Âu). Cơ quan này bước đầu chỉ liên quan đến một nhóm nước thành viên Liên Âu.

Trọng Thành

Quay lại trang chủ
Read 758 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)