Mỹ-Iran : Trump dọa tấn công 52 mục tiêu của Iran (RFI, 05/01/2020)
Căng thẳng giữa Mỹ và Iran dường như chưa thể hạ nhiệt. Tổng thống Donald Trump ngày 04/01/2020 giận dữ đe dọa chính quyền Tehran sẽ "phản công mạnh" nếu Iran tiếp tục tấn công vào những mục tiêu của Hoa Kỳ.
Tổng thống Donald Trump đã nhắm tới 52 mục tiêu của Iran nếu Tehran tấn công các cơ sở của Mỹ. Ảnh ngày 03/01/2020. Reuters
Lời lẽ cứng rắn của nguyên thủ Mỹ được đưa ra ngay sau khi xảy ra hai vụ bắn rocket mới trong cùng ngày nhắm vào một khu căn cứ quân sự có lính Mỹ đồn trú và khu vực Xanh vốn được bảo vệ chặt chẽ nhất và cũng là nơi tọa lạc đại sứ quán Mỹ ở Baghdad.
Từ New York, thông tín viên đài RFI, Loubna Anaki giải thích thêm :
"52 điểm hiện trong tầm ngắm của Washington. Con số 52 còn là số con tin Mỹ bị giam cầm, rồi được thả tự do năm 1981 ở Tehran. Đó chính là những gì ông Donald Trump khẳng định trên mạng xã hội Twitter tối ngày 04/01.
Chữ viết in hoa, ông tuyên bố : ʺNhững mục tiêu này, cũng như là chế độ Iran sẽ bị đập tan nhanh chóng và mạnh mẽ nếu Tehran tiếp tục tấn công người Mỹʺ.
Cũng trong dòng tweet đó, một lần nữa, Donald Trump biện minh vụ hạ sát Qasem Soleimani… một lãnh đạo khủng bố. Theo tổng thống Mỹ, Soleimani đã chuẩn bị nhiều vụ tấn công mới. Donald Trump cảnh báo : "Hãy xem cái chết của ông ta như là một lời cảnh cáo dành cho các lãnh đạo Iran".
Kể từ sau cái chết của lãnh đạo Vệ binh Cách mạng, nhiều lời kêu gọi trả thù gia tăng không những ở Tehran mà cả ở những phe phái thân Iran tại Iraq. Theo ngoại trưởng Mike Pompeo, một trong những phe thân Iran chính dường như đã kêu gọi các binh sĩ Iraq từ bỏ vị trí bảo vệ an ninh cho đại sứ quán Mỹ và các căn cứ quân sự có lính Mỹ đồn trú."
Mỹ tăng cường an ninh tại nhiều thành phố
Vẫn theo thông tín viên Loubna Anaki, tại Mỹ nhiều thành phố lớn như New York, Los Angeles hay Chicago đã nâng mức báo động an ninh đề phòng Tehran trả đũa.
Tuy nhiên, chính quyền các thành phố vẫn bảo đảm rằng chưa có gì cho thấy có một mối nguy hiểm bắt đầu. Dù vậy, các chính quyền thành phố kêu gọi người dân Mỹ vẫn phải cẩn trọng với thông điệp như thường lệ : "Nếu quý vị thấy điều gì đó, hãy báo động ngay".
Minh Anh
*****************
NATO tạm ngưng huấn luyện các lực lượng Iraq (RFI, 05/01/2020)
Sau cái chết của tướng Iran, Qasem Souleimani, trong một đợt oanh kích do Mỹ tiến hành, Liên minh Bắc Đại Tây Dương NATO ngày 04/01/2020 thông báo tạm ngưng các hoạt động huấn luyện tại Iraq.
Thượng đỉnh NATO tại Watford- Luân Đôn. Ảnh ngày 04/12/2019. ludovic MARIN / POOL / AFP
Từ Bruxelles, thông tín viên đài RFI, Joana Hostein giải thích nhiệm vụ của NATO tại Iraq :
"Liên minh Bắc Đại Tây Dương đã tạm ngưng nhiệm vụ đào tạo các lực lượng Iraq vì lý do an ninh. Phát ngôn viên tổ chức quân sự này tuyên bố : An toàn cho nhân sự của chúng tôi tại Iraq là điều chính yếu. Chúng tôi sẽ có những biện pháp đề phòng cần thiết.
Hiện tại, có khoảng 500 cố vấn đào tạo thuộc các nước thành viên của khối và các nước đối tác, như Phần Lan, Thụy Điển và Úc đang có mặt tại Iraq. Quả thật, năm 2018, NATO khởi động một nhiệm vụ nhằm củng cố các lực lượng an ninh Iraq và ngăn cản sự trỗi dậy của nhóm khủng bố Daech ở Iraq.
Đó không phải là một nhiệm vụ chiến đấu. Liên Minh chủ yếu cố vấn cho bộ quốc phòng Iraq và hỗ trợ việc thiết lập các học viện quân sự chuyên nghiệp cho các lực lượng Iraq. Số nhân sự này của NATO đóng căn cứ ở Baghdad và nhiều thành phố lân cận. Nhiệm vụ của những người này giờ bị tạm ngưng chờ cho đến khi nào có lệnh mới."
Hoạt động ngoại giao nhộn nhịp
Trước nguy cơ Trung Đông xảy ra chiến sự giữa Mỹ và Iran sau cái chết của tướng Qasem Soleimani, ngoại trưởng ba nước Pháp, Nga và Trung Quốc có buổi hội đàm tại Hội Đồng Bảo An Liên Hiệp Quốc. Trao đổi qua điện thoại với đồng nhiệm Nga, Serguei Lavrov ngày 04/01/2020, ngoại trưởng Vương Nghị cho biết "phản đối mọi sự lạm dụng vũ lực trong quan hệ quốc tế. Phiêu lưu quân sự là điều không thể chấp nhận !".
Thông cáo của bộ ngoại giao Trung Quốc nhắc lại lời chỉ trích của ngoại trưởng Nga cho rằng "thái độ của Mỹ là bất hợp pháp và đáng bị lên án". Còn phía Pháp thì bày tỏ "hy vọng tất cả các bên liên lạc chặt chẽ sao cho vụ tấn công này không làm ảnh hưởng đến việc thực thi thỏa thuận hạt nhân Iran".
AFP cho biết thêm, tổng thống Macron cũng có cuộc nói chuyện qua điện thoại với đồng nhiệm Iraq, đề nghị đôi bên "giữ liên lạc chặt chẽ nhằm tránh cho tình hình căng thẳng thêm nghiêm trọng và có thể hành động cho sự ổn định của Iraq cũng như cho toàn khu vực".
Minh Anh
******************
Khủng hoảng Mỹ-Iran : Luân Đôn điều chiến hạm hộ tống thương thuyền Anh (RFI, 05/01/2020)
Ngày 05/01/2020, bộ trưởng quốc phòng Anh thông báo, nhằm đề phòng Iran phong tỏa vịnh Ba Tư, Luân Đôn huy động Hải Quân hộ tống các thương thuyền treo cờ Anh lưu thông trong eo biển Ormuz, con đường vận chuyển dầu hỏa chiến lược thế giới.
Luân Đôn từng huy động Hải Quân bảo vệ tàu thuyền của Anh trên eo biển Ormuz. Ảnh tháng 7/2019. Royal Navy/Handout via Reuters
Theo tuyên bố của bộ trưởng quốc phòng Anh Ben Wallace sáng 05/01/2020 , tuần dương hạm HMS Montrose và khu trục hạm HMS Defender được lệnh tái thi hành nhiệm vụ bảo vệ các thương thuyền treo cờ Anh qua lại trong eo biển Ormuz. Nhiệm vụ này đã được thực hiện từ tháng 7 đến tháng 11/2019 sau khi tàu chở dầu của Thụy Điển mang cờ Anh bị Iran uy hiếp.
Sự kiện quân đội Mỹ hạ sát tướng Iran theo lệnh của tổng thống Donald Trump khiến tình hình căng thẳng thêm. Tehran đe dọa trả thù "đúng nơi và đúng lúc" .
Eo biển Ormuz nối liền vịnh Ba Tư và vịnh Oman là địa điểm dễ ra tay nhất vì chiều ngang chỉ rộng có 60 km.
Bộ trưởng quốc phòng Anh cho biết thêm "đã thảo luận và đồng ý với đồng nhiệm Mỹ Mark Esper". Quân đội Mỹ đã bị tấn công liên tục trong các tháng vừa qua và do vậy, theo luật quốc tế, Hoa Kỳ có quyền tự vệ chống lại những mối đe dọa sắp xảy đến.
Thủ tướng Anh bị đối lập lên án thiếu tinh thần trách nhiệm. Chính phủ chưa có phản ứng chính thức về vụ Hoa Kỳ hạ sát tướng Iran. Trong khi chờ đợi, ngoại trưởng Anh Dominic Raab, qua mạng xã hội, ủng hộ quyết định của Washington và kêu gọi Tehran ra khỏi tình trạng cô lập : Qasem Soleimani, theo ngoại trưởng Anh, là mối đe dọa cho hòa bình ở Trung Đông.
Tú Anh
****************
Quốc hội Iraq thông qua nghị quyết chấm dứt hiện diện của lính nước ngoài (VOA, 05/01/2020)
Quốc hội Iraq hôm 5/1 thông qua một nghị quyết, thúc giục chính phủ chấm dứt sự hiên diện của binh sĩ nước ngoài ở Iraq và bảo đảm rằng họ không sử dụng đường bộ, đường không và lãnh hải vì bất cứ lý do gì, theo Reuters.
Hãng tin Anh dẫn nghị quyết có đoạn nói rằng "chính phủ cam kết chấm dứt yêu cầu hỗ trợ từ liên minh quốc tế trong cuộc chiến chống lại Nhà nước Hồi giáo vì sự kết thúc các hoạt động quân sự ở Iraq và việc đã giành thắng lợi".
"Chính phủ Iraq phải làm việc để chấm dứt sự hiện diện của bất kỳ binh sĩ nước ngoài nào trên đất Iraq và cấm họ sử dụng đường bộ, không phận hoặc lãnh hải của Iraq vì bất kỳ lý do gì", nghị quyết có đoạn.
Theo Reuters, không giống như các đạo luật, các nghị quyết của quốc hội Iraq không mang tính ràng buộc đối với chính phủ.
Tuy nhiên, Thủ tướng Iraq Adel Abdul Mahdi trước đó kêu gọi quốc hội chấm dứt sự hiện diện của binh sĩ nước ngoài.
Quốc hội Iraq có động thái trên hai ngày sau khi chỉ huy quân sự Iran Qasem Soleimani bị giết hôm 3/1 trong một cuộc không kích bằng máy bay không người lái của Mỹ nhắm vào đoàn xe của ông tại sân bay ở Baghdad.
******************
Iran : Biển người dự tang lễ tướng Qasem Soleimani (RFI, 05/01/2020)
Thi hài của tư lệnh lực lượng viễn chinh Iran Al Qods, bị Mỹ hạ sát tại Iraq, đã được đưa về quê nhà. Ngày 05/01/2020, đài truyền hình Irinn cho thấy một biển người tràn ngập đường phố Ahvaz, ở tây-nam Iran, đón tiếp linh cữu tướng Qasem Soleimani.
Biển người tại thành phố Ahvaz tiễn đưa tướng Qasem Soleimani, tư lệnh lực lượng viễn chinh Iran. Ảnh ngày 05/01/2020. Reuters
Sau nghi lễ từ biệt tại Baghdad hôm 04/01/2020 linh cữu của cố tư lệnh Al Qods về đến quê nhà vào sáng Chủ Nhật Tại Iran. Quốc tang ba ngày của nhân vật được vinh danh là "anh hùng dân tộc" bắt đầu tại Ahvaz, nơi Qasem Soleimani nổi danh qua các trận đánh chống Iraq trong thập niên 1980.
Quốc tang chính thức sẽ được tổ chức tại Tehran vào ngày 06/01/2020. Tiếp theo đó linh cữu sẽ được đưa về Machhad tại lăng của giáo chủ Reiza, truyền nhân đời thứ tám của tiên tri Mohamet (đông- bắc), sau đó là Qom ở miền trung và cuối cùng là lễ an táng tại Kerman nơi ông chào đời.
Tại Ahvaz, một rừng người mang cờ đỏ màu thánh tử đạo, chân dung người hùng quá cố và biểu ngữ đòi trả thù tràn ngập quảng trường Mollavi và các con đường chung quanh.
Theo thông tín viên Siavosh Ghazi, tang lễ chính thức được tổ chức rầm rộ tại Iraq và tại Iran cho thấy vai trò và ảnh hưởng của tướng Qasem Soleimani như thế nào tại Tehran và Baghdad.
Tư lệnh lực lượng Al Qods của Iran cùng nhân vật thân tín nhất, chỉ huy trưởng một phong trào dân quân Shia Iraq, bị quân đội Mỹ hạ sát theo lệnh của tổng thống Donald Trump. Đoàn xe bị trúng tên lửa của máy bay tự hành khi vừa rời phi trường Baghdad.
Ngay lập tức, Ayatollah Ali Khamenei thông báo bổ nhiệm tướng Esmaïl Qaani, trợ lý đặc trách các chiến dịch quân sự ngoài lãnh thổ của Al Qods lên làm tư lệnh. Esmaïl Qaani được giáo chủ Iran khen ngợi là một trong những cấp chỉ huy "nhiều huy chương nhất" của Vệ Binh Cách Mạng.
Tú Anh
*******************
Baghdad tổ chức lễ tang tướng Iran Soleimani, Tehran dọa trả thù Mỹ (RFI, 04/01/2020)
Ngày 04/01/2020, chính quyền Iraq đã tổ chức tang lễ cho viên tướng Iran Qasem Soleimani vừa bị thiệt mạng trong một vụ không kích của Quân Đội Mỹ ngày 03/01, gần sân bay Baghdad. Một đám đông hàng ngàn người đã tuần hành theo xe tang tại thủ đô Iraq, hô vang những khẩu hiệu đòi tiêu diệt nước Mỹ.
Người dân Iraq dự đám tang tướng Iran Qasem Soleimani và chỉ huy dân quân cấp cao Iraq Abu Mahdi al-Muhandis, thiệt mạng trong cuộc không kích của Mỹ tại sân bay Baghdad. Ảnh chụp ngày 04/01/2020. Reuters/Thaier al-Sudani
Theo ghi nhận của hãng tin Mỹ AP, những người để tang, đa số trong quân phục dã chiến màu đen, mang theo cờ Iraq cũng như cờ của các lực lượng dân quân được Iran hậu thuẫn và rất trung thành với tướng Soleimani. Những người này cũng để tang ông Abu Mahdi al-Muhandis, một chỉ huy dân quân cấp cao của Iraq đã thiệt mạng trong cùng cuộc tấn công của Mỹ.
Tham gia lễ tang có hầu hết các lãnh đạo quan trọng tại Iraq, từ thủ tướng từ nhiệm Adel Abdul-Mahdi, cựu thủ tướng Nouri al-Maliki, lãnh tụ phe nghị sĩ thân Iran tại Nghị Viện Iraq Hadi al-Ameri, và lãnh đạo nhiều nhóm theo hệ phái Hồi giáo Shia thân Iran. Thậm chí, một phiên họp của Quốc hội Iraq cũng bị dời qua Chủ Nhật 05/01 để các dân biểu có thể đi dự tang lễ viên tướng Iran.
Sau nghi thức tại thủ đô Iraq, chiều tối 04/01, quan tài của tướng Soleimani sẽ được đưa về Iran, nơi chính quyền đã quyết định ba ngày quốc tang. Lễ tang sẽ kết thúc vào thứ Ba 07/01 tại thành phố Kerman, quê hương của nhân vật này ở miền trung Iran.
Iran dọa Mỹ sẽ phải trả nợ máu
Tại Iran, phản ứng giận dữ sau khi viên tướng đầy uy tín của họ bị Mỹ tiêu diệt vẫn không ngừng gia tăng, làm dấy lên lo ngại về một cuộc chiến toàn diện. Các lãnh đạo Iran đã đồng thanh lên tiếng khẳng định rằng Hoa Kỳ sẽ phải trả nợ máu.
Thông tín viên RFI Siavosh Ghazi từ Tehran tường trình :
"Hoa Kỳ đã có hành động quân sự chống lại Iran và phản ứng của chúng tôi chắc chắn sẽ là quân sự". Ông Majid Takhte Ravanchi, đại sứ Iran tại Liên Hiệp Quốc, đã khẳng định như trên. Tuy nhiên, nhân vật này không nói rõ là phản ứng cụ thể là gì.
Hội Đồng An Ninh Quốc Gia Tối Cao, tập hợp các lãnh đạo chính trị và quân sự hàng đầu của Iran, đã ra một tuyên bố cho biết rằng phản ứng của Iran sẽ là một phản ứng gay gắt và Washington sẽ phải gánh chịu hậu quả về hành động của mình.
Trong một cuộc phỏng vấn trên truyền hình, lãnh đạo ngành ngoại giao Iran nói rằng lãnh tụ tối cao Iran, giáo chủ Ali Khamenei, vốn đã gợi lên một sự trả thù khủng khiếp nhắm vào Mỹ, là người không bao giờ đưa ra một lời đe dọa vu vơ.
Ngoại trưởng Mohammad Javad Zarif nói nguyên văn như sau : "Khi Ayatollah Khamenei nói rằng phản ứng sẽ rất khủng khiếp thì thực tế sẽ rất khủng khiếp".
Lãnh đạo số hai của lực lượng Vệ Binh Cách Mạng Iran đã khẳng định rằng tướng Qasem Soleimani đã bị giết trong một cuộc tấn công của Mỹ khi ông từ Syria qua Iraq theo lời mời của chính quyền Baghdad để thảo luận với các quan chức Iraq.
Iran đang chuẩn bị tổ chức tang lễ trọng thể cho tướng Soleimani, vào ngày 05/01 tại thành phố thánh Machhad, sau đó là lễ chính thức vào thứ Hai 06/01 tại Tehran với sự hiện diện của lãnh tụ Hồi giáo Tối Cao Iran và các nhà lãnh đạo hàng đầu của đất nước".
Trọng Nghĩa
Đòn mạo hiểm hay táo bạo ?
J.B Nguyễn Hữu Vinh, Nguyễn Văn Vinh, 04/01/2020
Ba năm, kể từ khi bước vào Tòa Bạch Ốc, ông Donald Trump được nhiều người đánh giá như một tổng thống Mỹ "ngại" chiến tranh. Những căng thẳng liên tục được đẩy cao trong những tình huống cụ thể, cứ tưởng như chiến tranh là không tránh khỏi, đều dừng lại đột ngột do các hành động của tổng thống Mỹ.
Hôm 4/1, người biểu tình kéo tới khách sạn Trump International Hotel để phản đối việc Tổng thống Trump cho hạ sát một tướng lãnh cao cấp của Iran khiến có nguy cơ chiến tranh. (Hình : Andrew Caballero-Reynolds/AFP via Getty Images)
Những cách hóa giải mối quan hệ với Bắc Hàn thông qua những cuộc gặp gỡ, đối thoại ; những cuộc đàm phán với Taliban ở Afghanistan với kế hoạch rút quân Mỹ và NATO ra khỏi quốc gia này đã cho thấy dưới thời Donald Trump, chiến tranh không phải là biện pháp ưu tiên, giải pháp quân sự không được thường xuyên sử dụng để thể hiện sức mạnh của Hoa Kỳ.
Đặc biệt, người ta chú ý đến mối quan hệ với Iran - một quốc gia Hồi giáo đã từ lâu không có mối quan hệ tốt đẹp với Hoa Kỳ nếu không muốn nói là thù địch.
Cách đây gần 20 năm trước, ngày 29/01/2002, trong thông điệp liên bang đầu năm, Tổng thống George W. Bush đã đưa Iran, Iraq và Bắc Hàn vào danh sách "trục ma quỷ", nhằm miêu tả các chính phủ mà ông cáo buộc là giúp đỡ chủ nghĩa khủng bố và theo đuổi vũ khí hủy diệt hàng loạt.
Cũng như Bắc Hàn, Iran là quốc gia theo đuổi ráo riết việc chế tạo và sở hữu bom nguyên tử, một mối đe dọa tiềm tàng đối với đời sống nhân loại, nhưng là một thứ "bảo bối" nhằm bảo vệ cho mình trong trận "liều chết" nếu phải đối phó với sức mạnh của Hoa Kỳ.
Những căng thẳng với quốc gia Hồi giáo Iran này càng ngày càng tăng lên cho đến khi Hoa Kỳ và một số quốc gia đã ký kết với Iran một bản hiệp ước nhằm giúp đỡ Iran để đổi lại việc Iran làm chậm lại hoặc ngừng chương trình hạt nhân của mình.
Thế nhưng, cho đến khi ông Trump bước vào Tòa Bạch Ốc, nhìn thấy những vấn đề bất công và bất ổn ở đây, ông đã rút ra khỏi bản hiệp ước này.
Và hẳn nhiên, khi một quốc gia như Bắc Hàn hoặc Iran chịu ký một văn bản thỏa thuận nào đó, thì đương nhiên điều đó phải có một mối lợi mà họ đã cầm chắc trong tay. Rồi khi bị bỏ ra khỏi tầm tay mình, thì cũng như Bắc Hàn, Iran lại tiếp tục con bài cũ là những đe dọa về vũ khí nguyên tử và những hành động thù địch.
Điều khác hơn trong mối quan hệ với Hoa Kỳ của Iran so với Bắc Hàn, đó là nền kinh tế Iran có nhiều khả năng và tiềm năng hơn do là một nước khai thác và xuất cảng dầu mỏ. Do vậy, khả năng và tiềm lực của Iran cũng không như Bắc Hàn hiện tại.
Và vì vậy, những sự quấy rối, đe dọa đến an ninh của Mỹ và đồng minh liên tục được thực hiện, những lời lẽ ngạo mạn, xúc phạm, coi thường và khiêu khích liên tục được đưa ra từ Iran.
Ngày 20/06/2019, Lực lượng Vệ binh Cách mạng Hồi giáo Iran (IRGC) tuyên bố bắn hạ một máy bay quân sự không người lái (UAV) của Mỹ. Chỉ huy IRGC Hossein Salami tuyên bố lực lượng này đã gửi "thông điệp cảnh báo rõ ràng" đến Washington.
Cả thế giới nín thở và tin tưởng chắc chắn rằng Mỹ sẽ có hành động quân sự sau sự kiện này, nhưng ông Trump sau đó rút lại quyết định không kích Iran.
Thế rồi những căng thẳng liên tục được nâng lên với tần suất và tầm mức mới bằng những vụ bắt giữ tàu chở dầu giữa Iran và các nước khác vào tháng Bảy.
Hai tháng sau, ngày 14/9, một đợt tấn công bằng hỏa tiễn và máy bay không người lái dội vào hai trong số những cơ sở dầu khí quan trọng nhất thế giới ở Saudi Arabia.
Mặc dù lực lượng vũ trang Houthi của Yemen đã lên tiếng nhận trách nhiệm, song Washington ngay lập tức "chỉ mặt điểm tên" Iran là thủ phạm đứng đằng sau vụ này.
Khi đó, ông Trump đã "tuýt" rằng Mỹ đã "lên đạn và khóa nòng, tùy thuộc vào thông tin thẩm tra" ai đứng sau các cuộc tấn công. Nhưng khi chính quyền Mỹ cáo buộc Iran là thủ phạm, thì điều người ta dự đoán là một chiến dịch quân sự trả đũa vụ tấn công nhằm vào đồng minh gần gũi của Washington lại không được ông phê chuẩn.
Điều đó nói lên rằng, ông Trump rất "ngại" chiến tranh và các biện pháp quân sự trong việc giải quyết các mối quan hệ quốc tế.
Thế nhưng, những sự kiện gần đây đã cho thấy tình hình đang thay đổi.
Ngày 27/12, một nhóm phiến quân Iraq Kataib Hezbollah được Iran hậu thuẫn đã dùng hỏa tiễn tấn công một căn cứ quân sự của Iraq làm chết một công dân Mỹ. Mỹ đã có hành động quân sự đáp trả lại hành động này. Ngày 29/12, Mỹ đã ném bom các cơ sở liên quan đến tổ chức này tại Iraq và Syria kiến 25 phiến quân thiệt mạng.
Sau đó, những hành động bao vây, đốt phá sứ quán Mỹ tại Iraq đã diễn ra và phía Mỹ đã cáo buộc Iran đứng sau những hành động này và đe dọa sẽ phải trả giá đắt.
Ngược lại, như đã quá quen với những lời đe dọa, lãnh đạo Iran vẫn coi thường những lời cảnh báo của phía Mỹ, rằng : Họ chẳng làm được gì đâu.
Thế rồi, hôm thứ Năm, 2/1/2020, một trận không kích tại phi trường Baghdad đã tiêu diệt Thiếu tướng Qasem Soleimani cùng một số quan chức khác của Iran. Việc tiêu diệt ông Soleimani, theo Tòa Bạch Ốc, là để trừ những hành động sắp tới nhắm vào Hoa Kỳ của ông ta.
Hành động này của quân đội Mỹ được cho biết là theo lệnh của Tổng thống Trump.
Tướng Soleimani là chỉ huy lực lượng tinh nhuệ Quds thuộc Lực lượng Vệ binh Cách mạng Iran (IRGC), là người đứng đằng sau các cuộc chiến ủy nhiệm của Iran trên khắp khu vực Trung Đông. Năm 2019, Hoa Kỳ đã đặt IRGC vào tổ chức khủng bố.
Tướng Soleimani cũng là người giám sát các chiến dịch nhắm vào lực lượng của Mỹ ở Iraq do lực lượng dân quân Shia thực hiện.
Vụ việc đã đẩy độ nóng tình hình của khu vực Trung Đông lên một tầm cao mới.
Hành động này của Tổng thống Trump đặt ra những quyết tâm và chấp nhận những rủi ro mới.
Khi ra lệnh hành việc này, hẳn nhiên ông sẽ phải lường trước những hậu quả có thể dẫn đến những bất lợi. Bởi vì Iran là một quốc gia khó chơi và có truyền thống đối địch từ rất lâu với Hoa Kỳ.
Những lời tuyên bố, thề nguyền sẽ trả thù tàn khốc từ Iran đã cho thấy mức độ phải đối mặt với những hậu quả không nhỏ qua sự kiện này của Hoa Kỳ.
Và các biện pháp quân sự, dù không mong muốn thì vẫn có thể buộc phải sử dụng để thể hiện sức mạnh Mỹ khi tình hình thay đổi.
Về phía đối nội, hẳn nhiên ông Trump phải đối diện với những chống đối và chỉ trích từ phía đối lập và những người không ủng hộ ông.
Hầu như ngay lập tức, đã có tiếng nói cảnh báo rằng hành động này của tổng thống đã không thông qua Quốc hội Mỹ dù có thể dẫn đến một cuộc chiến tranh mới.
Trong điều kiện khi cuộc luận tội tổng thống đã treo lơ lửng trên đầu, cuộc bầu cử nhiệm kỳ tới sắp đến gần và những chỉ trích từ phía đối lập chưa hề giảm bớt. Hành động của ông Trump liệu có phải là một đòn mạo hiểm ?
Tuy nhiên, điều này đã thể hiện một ý chí khác của ông.
Đó là, dù muốn giảm bớt can dự vào chiến tranh ở Trung Đông, ông Trump vẫn chứng tỏ rằng ông sẵn sàng đáp trả bằng quân sự khi mạng sống của người Mỹ bị đe dọa.
Và khi danh dự quốc gia bị xâm hại, sự khiêu khích Hoa Kỳ tăng lên đến một mức độ nào đó, thì việc đáp trả là chuyện hẳn nhiên cần thiết. Điều này, có lẽ mọi công dân Mỹ đều phải thừa nhận và đồng tình.
Không chỉ có vậy, vấn đề Iran đã từ rất lâu được sự quan tâm và là sự bận tâm của các đồng minh Hoa Kỳ. Tuy nhiên, vấn đề đã không thể giải quyết dứt điểm. Những hiệp ước nguyên tử hoặc những thỏa thuận với Iran, cũng như với Bắc Hàn, chỉ là những sự xoa dịu tình hình khi quá nóng mà không thể giải quyết dứt điểm tận nguồn gốc.
Vậy hành động này của ông Trump liệu có phải là một nước cờ táo bạo, tạo ra một bước mới nhằm giải quyết vấn đề, chặn đứng những sự khiêu khích khó chịu vẫn thường xuyên diễn ra từ phía Iran ?
J.B Nguyễn Hữu Vinh
Nguồn : Người Việt, 04/01/2020
*****************
Liệu có chiến tranh Mỹ - Iran ?
Ngô Nhân Dụng, Người Việt, 03/01/2020
Đầu năm 2008, tình báo Mỹ và Israel hợp tác theo dõi Mugniyah, lãnh tụ nhóm Hezbollah ở Lebanon, nhóm này vẫn tấn công Israel từ hàng chục năm. Cuối cùng họ đã thấy mục tiêu chính xác, Mugniyah đang đứng với một người không biết tên. Tình báo Israel tìm ra ngay, nhân vật đó là tướng Qasem Soleimani người Iran, cố vấn của nhóm Hezbollah đã bày mưu cho nhóm này tập kích quân Israel liên tục cho tới khi họ phải rút khỏi Lebanon.
Tướng Qasem Soleimani là nhân vật quyền lực số 2 Iran, trong thời gian dài ông Soleimani chủ yếu hoạt động bí mật. (Hình : Office of the Iranian Supreme Leader via AP, File)
Israel thấy cơ hội may mắn, sẵn sàng hạ sát một lúc cả hai kẻ tử thù. Nhưng Thủ tướng Ehud Olmert ngăn lại. Vì chính phủ Mỹ chỉ muốn thủ tiêu Mugniyah mà thôi.
Cũng trong năm 2008, tướng David Petraeus, chỉ huy quân Mỹ ở Iraq nhận được một bức thư viết : "Tướng Petraeus, ông nên biết tôi, Qasem Soleimani, là người điều hành chính sách của Iran tại Iraq, Lebanon, Dải Gaza và Afghanistan". Lúc đó Yemen chưa trở thành bãi chiến trường giữa Iran và Ả Rập Saudi.
Từ 20 năm qua, Qasem Soleimani là người chỉ huy Lực lượng Quds, bành trướng thế lực của Iran trong vùng Trung Đông. Mục tiêu là thiết lập một "vòng đai Shiai" của những người cùng giáo phái mà Iran là trung tâm. Soleimani sử dụng các phương pháp, kỹ thuật tình báo và quân sự. Tại Iraq ông ta tổ chức các nhóm dân quân người theo phái Shiai, đánh các lực lượng Nhà nước Hồi giáo IS (Islamic State), đang chiếm một phần ba xứ Iraq. Trong vụ này, Soleimani là một đồng minh của Mỹ, từ năm 2014 đến 2017.
Tại Syria thì khác, Soleimani chống lại chính sách của Mỹ, bảo vệ chính quyền Bashar al-Assad, chiếm lại quyền hành khi các nhóm IS bị tiêu tan dần sau chín năm nội chiến. Soleimani dễ lôi cuốn người ở các nước này vì biết nói tiếng Ả Rập, Arabic. Soleimani đã cung cấp hỏa tiễn cho dân Palestine trong Dải Gaza, để bắn vào trong nước Israel. Năm 2011, chính phủ Mỹ đã ghi tên Soleimani trong sổ đen các tay khủng bố.
Máy bay không người lái của Mỹ đã giết Soleimani và Abu Mahdi al-Mohandes, lãnh tụ các nhóm dân quân Iraq theo đạo Shiai. Mohandes có dưới tay 140.000 lính thuộc nhiều tổ chức khác nhau, được Iran huấn luyện và cung cấp khí giới, dù trên nguyên tắc vẫn do chính phủ Iraq chỉ huy.
Trong ba tháng qua ở Iraq, dân quân Shiai đã tấn công các căn cứ quân sự Mỹ 11 lần. Cuối tuần trước, máy bay Mỹ đánh vào một căn cứ của nhóm mang tên Kataib Hezbollah sau một vụ đột kích làm một người Mỹ chết. Ngày thứ Ba, họ tổ chức biểu tình đột nhập Tòa đại sứ Mỹ ở Baghdad. Ngày thứ Năm, 2/1, Tổng thống Donald Trump quyết định thủ tiêu Qasem Soleimani.
Nhưng ông Trump đã để cho Bộ trưởng quốc phòng Mark T. Esper đứng ra công bố để giảm tầm quan trọng của hành động này, nêu lý do nhằm ngăn chặn một kế hoạch giết người Mỹ mà Soleimani đang trù tính. Thực ra, lúc nào Soleimani cũng đang trù tính việc đó. Tướng hồi hưu David H. Petraeus nói rằng các tay chân của viên tướng này đã làm ít nhất 600 quân sĩ Mỹ ở Iraq thiệt mạng.
Soleimani không đóng vai trò chánh thức nào ở xứ Iraq, nhưng hành động như một "phó vương" tại một nước được Iran bảo hộ. Năm 2014, trong lúc quân IS lên mạnh nhất, chính phủ Iraq làm một con đường từ Đông sang Tây nối liền Tehran, thủ đô Iran, qua Syria, tới bờ Địa Trung Hải. Với con đường này, Iran có thể tiếp tế cho các nhóm dân quân Shiai ở Iraq, Syria, Lebanon, cho tới các nhóm ở Gaza, Palestine.
Trong khi xa lộ chưa thành, Soleimani đã tới gặp bộ trưởng giao thông Iraq, Bayan Jabr, yêu cầu cho phép phi cơ chở vũ khí đạn dược của Iran được bay qua không phận Iraq để tới Syria. Nghe đề nghị xong, Bayan Jabr kể lại, ông đưa hai tay lên dụi mắt, miệng nói, "Ô cái mắt tôi đau !" và nói tiếp ngay, "Tôi đồng ý !" Nghe câu trả lời, Soleimani đứng dậy, tiến đến và hôn lên trán ông bộ trưởng Iraq.
Vụ không tập giết Soleimani là lần thứ nhì Tổng thống Trump ra tay mạnh ở vùng Trung Đông. Vào tháng Mười, ông đã chấp thuận cho biệt kích giết thủ lãnh IS là Abu Bakr al-Baghdadi, tại tỉnh Idlib, Syria. Nhưng vụ hạ sát al-Baghdadi không quan trọng lắm, vì giáo sĩ này đang ẩn trốn, trong bước đường cùng. Trái lại Soleimani bị thủ tiêu trong lúc thế lực đang lên và, nếu còn sống, có ngày có thể sẽ lên làm tổng thống Iran. Hơn nữa, đây là một đòn đánh mạnh khiến kế hoạch bành trướng của Iran trong vùng bị mất một thủ lãnh tài ba.
Chính quyền Iran nhân vụ này đã kích thích dân chúng căm thù Mỹ hơn, để họ quên tình trạng kinh tế xuống dốc vị bị cấm vận. Tháng trước, dân Iran đã biểu tình khắp nơi phản đối vật giá leo thang. Nay thì không ai dám phàn nàn gì nữa !
Soleimani được cả nước Iran để tang, và giáo chủ Ayatollah Ali Khamenei thề sẽ trả thù. Nhưng trả thù cách nào ? Liệu chiến tranh Mỹ - Iran có xảy ra không ?
Khi Tổng thống Trump không đứng ra công bố tin tức hạ sát Soleimani tức là ông không muốn chọc giận các lãnh tụ nước này. Sau khi xé bản thỏa ước năm 2015 với Iran, tái lập phong tỏa thương mại, và bị trả đũa ông Trump đã nhiều lần nhẫn nhịn. Ông không làm gì sau khi thủ hạ của Iran tù Yemen đặt thủy lôi hay quân Iran bắn hỏa tiễn vào mấy tàu chở dầu. Ông không oanh kích trừng phạt sau khi Iran bắn một máy bay không người lái của Mỹ. Khi Iran dùng phi đạn đánh thẳng vào nhà máy lọc dầu của Ả Rập Saudi, chính phủ Mỹ cũng bỏ qua.
Chính ông Trump không thích chiến tranh. Ngược lại ông luôn luôn nói chuyện rút quân ở các nước về nhà. Hơn nữa, ông không muốn một cuộc chiến tranh khiến kế hoạch tranh cử năm 2020 bị xáo trộn.
Cho nên, chiến tranh chỉ xảy ra nếu Iran trả đòn nước Mỹ về vụ Soleimani nặng đến mức không thể bỏ qua được.
Nhưng Iran có muốn chiến tranh với Mỹ hay không ?
Nhìn vào lực lượng hai bên, chắc họ cũng không muốn. Không quân và hải quân Iran không thể đọ sức với Mỹ.
Vì vậy, Iran sẽ chỉ sử dụng lợi thế của mình là các nhóm dân quân Shiai rải rác trong vùng, để trả đũa một cách vừa phải. Làm sao cho khỏi mất mặt, nhưng không quá đáng đến mức gây chiến tranh !
Hành động trả thù đầu tiên chắc sẽ do các đám dân quân Shiai ở Iraq thực hiện. Họ sẽ tấn công các căn cứ quân sự Mỹ, các cơ sở dầu lửa của Mỹ ở Iraq và Syria, tổ chức các cuộc biểu tình chống Mỹ. Thủ tướng Iraq Adel Abdul-Mahdi đã lên tiếng phản đối Mỹ xâm phạm chủ quyền của nước ông khi thi hành vụ hạ sát vừa qua. Ông không co biết sẽ làm gì để phản đối, ngoài mấy công hàm ngoại giao. Nhưng mục tiêu của Iran là đẩy nước Mỹ ra khỏi Iraq, và ra khỏi vùng Trung Đông nếu có thể.
Iran có thể sẽ đánh chìm mấy tàu chở dầu trong biển Hormoz để thúc đẩy giá dầu tăng, ảnh hưởng tới kinh tế thế giới. Nhóm Hezbollah ở Lebanon và quân Palestine ở Gaza sẽ bắn hỏa tiễn qua Israel và chấp nhận hậu quả tàn khốc khi Israel đánh lại.
Iran sẽ công bố chương trình mới tinh luyện chất uranium để có thể làm bom nguyên tử. Họ cũng có khả năng tấn công "cyber" vào các hệ thống tin học do quân Mỹ sử dụng trong vùng, và có thể ngay cả trong nước Mỹ.
Những vụ trả đũa đó sẽ được tính toán để không đẩy chính phủ Mỹ vào thế phải tấn công trực tiếp ; nhưng sẽ cố tạo tiếng vang lớn, một phần để giữ thể diện cho chính quyền Iran, một phần để ảnh hưởng tới cuộc vận động tranh cử nhiệm kỳ thứ hai của Tổng thống Trump. Iran không mong gì hơn là ông Trump thất cử, và đó mới thật là mục tiêu ớn nhất để trả thù ! Cho nên những vụ tấn công, khủng bố gây tiếng vang mạnh nhất chắc sẽ được chuẩn bị kỹ để thi hành vào tháng Mười, 2020 !
Ngô Nhân Dụng
Nguồn : Người Việt, 03/01/2020
Vậy là Mỹ phải đổ quân vô trở lại Trung Đông. Báo chí đăng tải Sư đoàn 82 nhảy dù Mỹ vừa được tăng cường 3.000 đến 3.500 quân để củng cố thêm số quân hiện thời (khoảng 5000 quân). Tuần trước Mỹ đã đổ thêm 700 quân ở Kuwait, sau khi tòa Đại sứ Mỹ ở Baghdad bị "dân biểu tình tấn công". Lời kêu gọi "báo thù" của lãnh đạo tối cao Ali Khamenei, "máu đòi nợ máu", sau khi Trump hạ lệnh không kích giết chết tướng Soleimani là điều phải "cảnh giác". Dân Mỹ ở Iraq được lệnh rút đi. Quân Mỹ có thể "sa lầy" thêm lần nữa ở "chiến trường" Trung đông. Kỳ này Mỹ có thể cùng Do Thái đánh Iran. Nhưng câu hỏi (báo chí đã đặt ra) Trump giết tướng Soleimani có "phù hợp với luật pháp quốc tế" hay không ? Mỹ cho rằng Iran là "quốc gia khủng bố" trong khi đại diện Iran tại Liên Hiệp Quốc đã lên tiếng tố cáo Mỹ với những lý lẽ tương tự.
Báo chí đăng tải Sư đoàn 82 nhảy dù Mỹ vừa được tăng cường 3.000 đến 3.500 quân để củng cố thêm số quân hiện thời (khoảng 5000 quân).
Vấn đề là ông Trump đã làm ngược lại những "hứa hẹn" rút quân Mỹ ra khỏi "lò lửa" Trung đông. Nên biết, qua báo cáo của cựu tống thống J. Carter vào những năm trước, nguyên nhân khiến Mỹ "suy thoái" để cho Trung Quốc "qua mặt" trên một số lãnh vực khoa học kỹ thuật, là vì gánh nặng quôc phòng Mỹ quá lớn. Chi phí cho thương phế binh, cựu chiến binh, trả tiền tử tuất, lương bỗng... của lính Mỹ qua các cuộc chiến Afghanistan, Iraq và IS (Syrie) đã lên hơn 420 tỉ đô la. Trong khi Trung Quốc trong suốt thời gian (Mỹ có chiến tranh) đã tập trung tài lực vào việc "nghiên cứu khoa học".
Trump đã thực thi lời hứa của mình, như rút quân ra khỏi Syria, giao lại cho Thổ. Việc này khiến dư luận nước Mỹ phản đối, vì cho rằng Trump đã "phản bội" lại quân Kurd, những chiến binh đã sát cánh với lính Mỹ trong suốt cuộc chiến chống khủng bố. Hiện nay, thùa thắng xông lên, Thổ đổ quân qua Lybia, bất chấp lời cảnh báo của Tổng thư ký Liên Hiệp Quốc Guterres.
Tổng thư ký Liên Hiệp Quốc Guterres cũng cảnh báo rằng thế giới chưa chuẩn bị cho một "cuộc chiến Vùng Vịnh" lần thứ hai. Lãnh đạo các quốc gia Châu Âu đa số lên tiếng kêu gọi "hai bên kềm chế", không để vấn đề "vượt ra khỏi tầm kiểm soát".
Việc cho không kích giết chết Soleimani của Trump có "vượt ra khỏi tầm kiểm soát" hay không ? Vụ chiếc Drone của Mỹ bị phòng không Iran bắn hạ năm ngoái, Trump hăm dọa "mẻ răng", nhưng vì sợ "sa lầy" lần nữa mà phải nhịn, không dám trả đũa Iran. Có lẽ Trump lo ngại sẽ xảy ra một vụ "bắt cóc con tin Tòa đại sứ Mỹ", như lần trước 1979 ở Tehran. Lần này có thể xảy ra ở Bagdad, trong một "quốc gia" đang "thoát khỏi vòng kiểm soát" của Mỹ, mặc dầu quốc gia này do Mỹ (cố gắng) dựng lên từ a tới z.
Thế cờ Domino của Mỹ ở Trung Đông đang sụp đổ, vì Trump chủ trương "đồng minh tháo chạy" mà không có một khoảng "decent interval" kiểu Viet Nam. Bây giờ Trump thấy mình "lỡ bộ", mang tiếng "phản bội chiến hữu Kurd". Mỹ đổ quân trở lại thì cũng "chiến đấu một mình".
Cuộc chiến sẽ xảy ra như thế nào ? Có mở màn cho Thế chiến thứ III ?
Theo tôi, Mỹ sẽ giới hạn cuộc chiến trong phạm vi "kinh tế, chính trị và khoa học kỹ thuật". Chiến tranh kinh tế và chính trị đã và đang được Trump (đơn phương) áp dụng cho Iran. Cuộc chiến "quân sự" sẽ thể hiện trên mặt "khoa học kỹ thuật". Có thể là máy bay, tàu bè... hay các loại vũ khí "thông minh" của Iran bị "cướp tay lái" hay bị "mất kiểm soát". Quân Mỹ sẽ ở vào thế "phòng ngự" tối đa. Phía Iran không có phương cách nào có thể "làm khó" được Mỹ, ngoài việc tìm cách tiêu diệt các đạo quân, hay các căn cứ Mỹ đang có mặt ở các nước Trung Đông, bằng phương pháp "du kích".
Điều tệ hại xảy ra khi Trump và Khomenei có những quyết định "vượt ra ngoài tầm kiểm soát", như một bên sử dụng các loại vũ khí "không qui ước" hay vùng Vịnh bị phong tỏa.
Nga và Trung Quốc có thể "nhập cuộc" để bảo vệ "đồng minh" và lợi ích của họ trong khu vực.
Vừa qua một chiếc trực thăng của Đài Loan bị nạn, khiến vị tổng tư lệnh quân đội nước này bị tử nạn. Người ta không loại trừ giả thuyết Trung Quốc có thể đã "can thiệp" bằng các phương tiện "thông tin" để "cướp tay lái" chiếc trực thăng.
Nếu Mỹ "phong tỏa" vùng Vịnh thì Trung Quốc có thể mở cuộc chiến Đài loan và Biển Đông.
Trương Nhân Tuấn
Nguồn : nhantuan.truong, 04/01/2019