Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Diễn đàn

04/01/2020

Trung Đông : Donald Trump tung lá bài tẩy ?

JB Nguyễn Hữu Vinh - Ngô Nhân Dụng

Đòn mạo hiểm hay táo bạo ?

J.B Nguyễn Hữu Vinh, Nguyễn Văn Vinh, 04/01/2020

Ba năm, kể từ khi bước vào Tòa Bạch Ốc, ông Donald Trump được nhiều người đánh giá như một tổng thống Mỹ "ngại" chiến tranh. Những căng thẳng liên tục được đẩy cao trong những tình huống cụ thể, cứ tưởng như chiến tranh là không tránh khỏi, đều dừng lại đột ngột do các hành động của tổng thống Mỹ.

trungdong1

Hôm 4/1, người biểu tình kéo tới khách sạn Trump International Hotel để phản đối việc Tổng thống Trump cho hạ sát một tướng lãnh cao cấp của Iran khiến có nguy cơ chiến tranh. (Hình : Andrew Caballero-Reynolds/AFP via Getty Images)

Những cách hóa giải mối quan hệ với Bắc Hàn thông qua những cuộc gặp gỡ, đối thoại ; những cuộc đàm phán với Taliban ở Afghanistan với kế hoạch rút quân Mỹ và NATO ra khỏi quốc gia này đã cho thấy dưới thời Donald Trump, chiến tranh không phải là biện pháp ưu tiên, giải pháp quân sự không được thường xuyên sử dụng để thể hiện sức mạnh của Hoa Kỳ.

Đặc biệt, người ta chú ý đến mối quan hệ với Iran - một quốc gia Hồi giáo đã từ lâu không có mối quan hệ tốt đẹp với Hoa Kỳ nếu không muốn nói là thù địch.

Cách đây gần 20 năm trước, ngày 29/01/2002, trong thông điệp liên bang đầu năm, Tổng thống George W. Bush đã đưa Iran, Iraq và Bắc Hàn vào danh sách "trục ma quỷ", nhằm miêu tả các chính phủ mà ông cáo buộc là giúp đỡ chủ nghĩa khủng bố và theo đuổi vũ khí hủy diệt hàng loạt.

Cũng như Bắc Hàn, Iran là quốc gia theo đuổi ráo riết việc chế tạo và sở hữu bom nguyên tử, một mối đe dọa tiềm tàng đối với đời sống nhân loại, nhưng là một thứ "bảo bối" nhằm bảo vệ cho mình trong trận "liều chết" nếu phải đối phó với sức mạnh của Hoa Kỳ.

Những căng thẳng với quốc gia Hồi giáo Iran này càng ngày càng tăng lên cho đến khi Hoa Kỳ và một số quốc gia đã ký kết với Iran một bản hiệp ước nhằm giúp đỡ Iran để đổi lại việc Iran làm chậm lại hoặc ngừng chương trình hạt nhân của mình.

Thế nhưng, cho đến khi ông Trump bước vào Tòa Bạch Ốc, nhìn thấy những vấn đề bất công và bất ổn ở đây, ông đã rút ra khỏi bản hiệp ước này.

Và hẳn nhiên, khi một quốc gia như Bắc Hàn hoặc Iran chịu ký một văn bản thỏa thuận nào đó, thì đương nhiên điều đó phải có một mối lợi mà họ đã cầm chắc trong tay. Rồi khi bị bỏ ra khỏi tầm tay mình, thì cũng như Bắc Hàn, Iran lại tiếp tục con bài cũ là những đe dọa về vũ khí nguyên tử và những hành động thù địch.

Điều khác hơn trong mối quan hệ với Hoa Kỳ của Iran so với Bắc Hàn, đó là nền kinh tế Iran có nhiều khả năng và tiềm năng hơn do là một nước khai thác và xuất cảng dầu mỏ. Do vậy, khả năng và tiềm lực của Iran cũng không như Bắc Hàn hiện tại.

Và vì vậy, những sự quấy rối, đe dọa đến an ninh của Mỹ và đồng minh liên tục được thực hiện, những lời lẽ ngạo mạn, xúc phạm, coi thường và khiêu khích liên tục được đưa ra từ Iran.

Ngày 20/06/2019, Lực lượng Vệ binh Cách mạng Hồi giáo Iran (IRGC) tuyên bố bắn hạ một máy bay quân sự không người lái (UAV) của Mỹ. Chỉ huy IRGC Hossein Salami tuyên bố lực lượng này đã gửi "thông điệp cảnh báo rõ ràng" đến Washington.

Cả thế giới nín thở và tin tưởng chắc chắn rằng Mỹ sẽ có hành động quân sự sau sự kiện này, nhưng ông Trump sau đó rút lại quyết định không kích Iran.

Thế rồi những căng thẳng liên tục được nâng lên với tần suất và tầm mức mới bằng những vụ bắt giữ tàu chở dầu giữa Iran và các nước khác vào tháng Bảy.

Hai tháng sau, ngày 14/9, một đợt tấn công bằng hỏa tiễn và máy bay không người lái dội vào hai trong số những cơ sở dầu khí quan trọng nhất thế giới ở Saudi Arabia.

Mặc dù lực lượng vũ trang Houthi của Yemen đã lên tiếng nhận trách nhiệm, song Washington ngay lập tức "chỉ mặt điểm tên" Iran là thủ phạm đứng đằng sau vụ này.

Khi đó, ông Trump đã "tuýt" rằng Mỹ đã "lên đạn và khóa nòng, tùy thuộc vào thông tin thẩm tra" ai đứng sau các cuộc tấn công. Nhưng khi chính quyền Mỹ cáo buộc Iran là thủ phạm, thì điều người ta dự đoán là một chiến dịch quân sự trả đũa vụ tấn công nhằm vào đồng minh gần gũi của Washington lại không được ông phê chuẩn.

Điều đó nói lên rằng, ông Trump rất "ngại" chiến tranh và các biện pháp quân sự trong việc giải quyết các mối quan hệ quốc tế.

Thế nhưng, những sự kiện gần đây đã cho thấy tình hình đang thay đổi.

Ngày 27/12, một nhóm phiến quân Iraq Kataib Hezbollah được Iran hậu thuẫn đã dùng hỏa tiễn tấn công một căn cứ quân sự của Iraq làm chết một công dân Mỹ. Mỹ đã có hành động quân sự đáp trả lại hành động này. Ngày 29/12, Mỹ đã ném bom các cơ sở liên quan đến tổ chức này tại Iraq và Syria kiến 25 phiến quân thiệt mạng.

Sau đó, những hành động bao vây, đốt phá sứ quán Mỹ tại Iraq đã diễn ra và phía Mỹ đã cáo buộc Iran đứng sau những hành động này và đe dọa sẽ phải trả giá đắt.

Ngược lại, như đã quá quen với những lời đe dọa, lãnh đạo Iran vẫn coi thường những lời cảnh báo của phía Mỹ, rằng : Họ chẳng làm được gì đâu.

Thế rồi, hôm thứ Năm, 2/1/2020, một trận không kích tại phi trường Baghdad đã tiêu diệt Thiếu tướng Qasem Soleimani cùng một số quan chức khác của Iran. Việc tiêu diệt ông Soleimani, theo Tòa Bạch Ốc, là để trừ những hành động sắp tới nhắm vào Hoa Kỳ của ông ta.

Hành động này của quân đội Mỹ được cho biết là theo lệnh của Tổng thống Trump.

Tướng Soleimani là chỉ huy lực lượng tinh nhuệ Quds thuộc Lực lượng Vệ binh Cách mạng Iran (IRGC), là người đứng đằng sau các cuộc chiến ủy nhiệm của Iran trên khắp khu vực Trung Đông. Năm 2019, Hoa Kỳ đã đặt IRGC vào tổ chức khủng bố.

Tướng Soleimani cũng là người giám sát các chiến dịch nhắm vào lực lượng của Mỹ ở Iraq do lực lượng dân quân Shia thực hiện.

Vụ việc đã đẩy độ nóng tình hình của khu vực Trung Đông lên một tầm cao mới.

Hành động này của Tổng thống Trump đặt ra những quyết tâm và chấp nhận những rủi ro mới.

Khi ra lệnh hành việc này, hẳn nhiên ông sẽ phải lường trước những hậu quả có thể dẫn đến những bất lợi. Bởi vì Iran là một quốc gia khó chơi và có truyền thống đối địch từ rất lâu với Hoa Kỳ.

Những lời tuyên bố, thề nguyền sẽ trả thù tàn khốc từ Iran đã cho thấy mức độ phải đối mặt với những hậu quả không nhỏ qua sự kiện này của Hoa Kỳ.

Và các biện pháp quân sự, dù không mong muốn thì vẫn có thể buộc phải sử dụng để thể hiện sức mạnh Mỹ khi tình hình thay đổi.

Về phía đối nội, hẳn nhiên ông Trump phải đối diện với những chống đối và chỉ trích từ phía đối lập và những người không ủng hộ ông.

Hầu như ngay lập tức, đã có tiếng nói cảnh báo rằng hành động này của tổng thống đã không thông qua Quốc hội Mỹ dù có thể dẫn đến một cuộc chiến tranh mới.

Trong điều kiện khi cuộc luận tội tổng thống đã treo lơ lửng trên đầu, cuộc bầu cử nhiệm kỳ tới sắp đến gần và những chỉ trích từ phía đối lập chưa hề giảm bớt. Hành động của ông Trump liệu có phải là một đòn mạo hiểm ?

Tuy nhiên, điều này đã thể hiện một ý chí khác của ông.

Đó là, dù muốn giảm bớt can dự vào chiến tranh ở Trung Đông, ông Trump vẫn chứng tỏ rằng ông sẵn sàng đáp trả bằng quân sự khi mạng sống của người Mỹ bị đe dọa.

Và khi danh dự quốc gia bị xâm hại, sự khiêu khích Hoa Kỳ tăng lên đến một mức độ nào đó, thì việc đáp trả là chuyện hẳn nhiên cần thiết. Điều này, có lẽ mọi công dân Mỹ đều phải thừa nhận và đồng tình.

Không chỉ có vậy, vấn đề Iran đã từ rất lâu được sự quan tâm và là sự bận tâm của các đồng minh Hoa Kỳ. Tuy nhiên, vấn đề đã không thể giải quyết dứt điểm. Những hiệp ước nguyên tử hoặc những thỏa thuận với Iran, cũng như với Bắc Hàn, chỉ là những sự xoa dịu tình hình khi quá nóng mà không thể giải quyết dứt điểm tận nguồn gốc.

Vậy hành động này của ông Trump liệu có phải là một nước cờ táo bạo, tạo ra một bước mới nhằm giải quyết vấn đề, chặn đứng những sự khiêu khích khó chịu vẫn thường xuyên diễn ra từ phía Iran ? 

J.B Nguyễn Hữu Vinh

Nguồn : Người Việt, 04/01/2020

*****************

Liệu có chiến tranh Mỹ - Iran ?

Ngô Nhân Dụng, Người Việt, 03/01/2020

Đầu năm 2008, tình báo Mỹ và Israel hợp tác theo dõi Mugniyah, lãnh tụ nhóm Hezbollah ở Lebanon, nhóm này vẫn tấn công Israel từ hàng chục năm. Cuối cùng họ đã thấy mục tiêu chính xác, Mugniyah đang đứng với một người không biết tên. Tình báo Israel tìm ra ngay, nhân vật đó là tướng Qasem Soleimani người Iran, cố vấn của nhóm Hezbollah đã bày mưu cho nhóm này tập kích quân Israel liên tục cho tới khi họ phải rút khỏi Lebanon.

trungdong2

Tướng Qasem Soleimani là nhân vật quyền lực số 2 Iran, trong thời gian dài ông Soleimani chủ yếu hoạt động bí mật. (Hình : Office of the Iranian Supreme Leader via AP, File)

Israel thấy cơ hội may mắn, sẵn sàng hạ sát một lúc cả hai kẻ tử thù. Nhưng Thủ tướng Ehud Olmert ngăn lại. Vì chính phủ Mỹ chỉ muốn thủ tiêu Mugniyah mà thôi.

Cũng trong năm 2008, tướng David Petraeus, chỉ huy quân Mỹ ở Iraq nhận được một bức thư viết : "Tướng Petraeus, ông nên biết tôi, Qasem Soleimani, là người điều hành chính sách của Iran tại Iraq, Lebanon, Dải Gaza và Afghanistan". Lúc đó Yemen chưa trở thành bãi chiến trường giữa Iran và Ả Rập Saudi.

Từ 20 năm qua, Qasem Soleimani là người chỉ huy Lực lượng Quds, bành trướng thế lực của Iran trong vùng Trung Đông. Mục tiêu là thiết lập một "vòng đai Shiai" của những người cùng giáo phái mà Iran là trung tâm. Soleimani sử dụng các phương pháp, kỹ thuật tình báo và quân sự. Tại Iraq ông ta tổ chức các nhóm dân quân người theo phái Shiai, đánh các lực lượng Nhà nước Hồi giáo IS (Islamic State), đang chiếm một phần ba xứ Iraq. Trong vụ này, Soleimani là một đồng minh của Mỹ, từ năm 2014 đến 2017.

Tại Syria thì khác, Soleimani chống lại chính sách của Mỹ, bảo vệ chính quyền Bashar al-Assad, chiếm lại quyền hành khi các nhóm IS bị tiêu tan dần sau chín năm nội chiến. Soleimani dễ lôi cuốn người ở các nước này vì biết nói tiếng Ả Rập, Arabic. Soleimani đã cung cấp hỏa tiễn cho dân Palestine trong Dải Gaza, để bắn vào trong nước Israel. Năm 2011, chính phủ Mỹ đã ghi tên Soleimani trong sổ đen các tay khủng bố.

Máy bay không người lái của Mỹ đã giết Soleimani và Abu Mahdi al-Mohandes, lãnh tụ các nhóm dân quân Iraq theo đạo Shiai. Mohandes có dưới tay 140.000 lính thuộc nhiều tổ chức khác nhau, được Iran huấn luyện và cung cấp khí giới, dù trên nguyên tắc vẫn do chính phủ Iraq chỉ huy.

Trong ba tháng qua ở Iraq, dân quân Shiai đã tấn công các căn cứ quân sự Mỹ 11 lần. Cuối tuần trước, máy bay Mỹ đánh vào một căn cứ của nhóm mang tên Kataib Hezbollah sau một vụ đột kích làm một người Mỹ chết. Ngày thứ Ba, họ tổ chức biểu tình đột nhập Tòa đại sứ Mỹ ở Baghdad. Ngày thứ Năm, 2/1, Tổng thống Donald Trump quyết định thủ tiêu Qasem Soleimani.

Nhưng ông Trump đã để cho Bộ trưởng quốc phòng Mark T. Esper đứng ra công bố để giảm tầm quan trọng của hành động này, nêu lý do nhằm ngăn chặn một kế hoạch giết người Mỹ mà Soleimani đang trù tính. Thực ra, lúc nào Soleimani cũng đang trù tính việc đó. Tướng hồi hưu David H. Petraeus nói rằng các tay chân của viên tướng này đã làm ít nhất 600 quân sĩ Mỹ ở Iraq thiệt mạng.

Soleimani không đóng vai trò chánh thức nào ở xứ Iraq, nhưng hành động như một "phó vương" tại một nước được Iran bảo hộ. Năm 2014, trong lúc quân IS lên mạnh nhất, chính phủ Iraq làm một con đường từ Đông sang Tây nối liền Tehran, thủ đô Iran, qua Syria, tới bờ Địa Trung Hải. Với con đường này, Iran có thể tiếp tế cho các nhóm dân quân Shiai ở Iraq, Syria, Lebanon, cho tới các nhóm ở Gaza, Palestine.

Trong khi xa lộ chưa thành, Soleimani đã tới gặp bộ trưởng giao thông Iraq, Bayan Jabr, yêu cầu cho phép phi cơ chở vũ khí đạn dược của Iran được bay qua không phận Iraq để tới Syria. Nghe đề nghị xong, Bayan Jabr kể lại, ông đưa hai tay lên dụi mắt, miệng nói, "Ô cái mắt tôi đau !" và nói tiếp ngay, "Tôi đồng ý !" Nghe câu trả lời, Soleimani đứng dậy, tiến đến và hôn lên trán ông bộ trưởng Iraq.

Vụ không tập giết Soleimani là lần thứ nhì Tổng thống Trump ra tay mạnh ở vùng Trung Đông. Vào tháng Mười, ông đã chấp thuận cho biệt kích giết thủ lãnh IS là Abu Bakr al-Baghdadi, tại tỉnh Idlib, Syria. Nhưng vụ hạ sát al-Baghdadi không quan trọng lắm, vì giáo sĩ này đang ẩn trốn, trong bước đường cùng. Trái lại Soleimani bị thủ tiêu trong lúc thế lực đang lên và, nếu còn sống, có ngày có thể sẽ lên làm tổng thống Iran. Hơn nữa, đây là một đòn đánh mạnh khiến kế hoạch bành trướng của Iran trong vùng bị mất một thủ lãnh tài ba.

Chính quyền Iran nhân vụ này đã kích thích dân chúng căm thù Mỹ hơn, để họ quên tình trạng kinh tế xuống dốc vị bị cấm vận. Tháng trước, dân Iran đã biểu tình khắp nơi phản đối vật giá leo thang. Nay thì không ai dám phàn nàn gì nữa !

Soleimani được cả nước Iran để tang, và giáo chủ Ayatollah Ali Khamenei thề sẽ trả thù. Nhưng trả thù cách nào ? Liệu chiến tranh Mỹ - Iran có xảy ra không ?

Khi Tổng thống Trump không đứng ra công bố tin tức hạ sát Soleimani tức là ông không muốn chọc giận các lãnh tụ nước này. Sau khi xé bản thỏa ước năm 2015 với Iran, tái lập phong tỏa thương mại, và bị trả đũa ông Trump đã nhiều lần nhẫn nhịn. Ông không làm gì sau khi thủ hạ của Iran tù Yemen đặt thủy lôi hay quân Iran bắn hỏa tiễn vào mấy tàu chở dầu. Ông không oanh kích trừng phạt sau khi Iran bắn một máy bay không người lái của Mỹ. Khi Iran dùng phi đạn đánh thẳng vào nhà máy lọc dầu của Ả Rập Saudi, chính phủ Mỹ cũng bỏ qua.

Chính ông Trump không thích chiến tranh. Ngược lại ông luôn luôn nói chuyện rút quân ở các nước về nhà. Hơn nữa, ông không muốn một cuộc chiến tranh khiến kế hoạch tranh cử năm 2020 bị xáo trộn.

Cho nên, chiến tranh chỉ xảy ra nếu Iran trả đòn nước Mỹ về vụ Soleimani nặng đến mức không thể bỏ qua được.

Nhưng Iran có muốn chiến tranh với Mỹ hay không ?

Nhìn vào lực lượng hai bên, chắc họ cũng không muốn. Không quân và hải quân Iran không thể đọ sức với Mỹ.

Vì vậy, Iran sẽ chỉ sử dụng lợi thế của mình là các nhóm dân quân Shiai rải rác trong vùng, để trả đũa một cách vừa phải. Làm sao cho khỏi mất mặt, nhưng không quá đáng đến mức gây chiến tranh !

Hành động trả thù đầu tiên chắc sẽ do các đám dân quân Shiai ở Iraq thực hiện. Họ sẽ tấn công các căn cứ quân sự Mỹ, các cơ sở dầu lửa của Mỹ ở Iraq và Syria, tổ chức các cuộc biểu tình chống Mỹ. Thủ tướng Iraq Adel Abdul-Mahdi đã lên tiếng phản đối Mỹ xâm phạm chủ quyền của nước ông khi thi hành vụ hạ sát vừa qua. Ông không co biết sẽ làm gì để phản đối, ngoài mấy công hàm ngoại giao. Nhưng mục tiêu của Iran là đẩy nước Mỹ ra khỏi Iraq, và ra khỏi vùng Trung Đông nếu có thể.

Iran có thể sẽ đánh chìm mấy tàu chở dầu trong biển Hormoz để thúc đẩy giá dầu tăng, ảnh hưởng tới kinh tế thế giới. Nhóm Hezbollah ở Lebanon và quân Palestine ở Gaza sẽ bắn hỏa tiễn qua Israel và chấp nhận hậu quả tàn khốc khi Israel đánh lại.

Iran sẽ công bố chương trình mới tinh luyện chất uranium để có thể làm bom nguyên tử. Họ cũng có khả năng tấn công "cyber" vào các hệ thống tin học do quân Mỹ sử dụng trong vùng, và có thể ngay cả trong nước Mỹ.

Những vụ trả đũa đó sẽ được tính toán để không đẩy chính phủ Mỹ vào thế phải tấn công trực tiếp ; nhưng sẽ cố tạo tiếng vang lớn, một phần để giữ thể diện cho chính quyền Iran, một phần để ảnh hưởng tới cuộc vận động tranh cử nhiệm kỳ thứ hai của Tổng thống Trump. Iran không mong gì hơn là ông Trump thất cử, và đó mới thật là mục tiêu ớn nhất để trả thù ! Cho nên những vụ tấn công, khủng bố gây tiếng vang mạnh nhất chắc sẽ được chuẩn bị kỹ để thi hành vào tháng Mười, 2020 ! 

Ngô Nhân Dụng

Nguồn : Người Việt, 03/01/2020

Quay lại trang chủ

Additional Info

  • Author: JB Nguyễn Hữu Vinh, Ngô Nhân Dụng
Read 449 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)