Những câu chuyện vừa lược thuật cho thấy sự khác biệt giữa Việt Nam với phần còn lại của thế giới.
Hoạt động trên sàn ngoại hối tại một ngân hàng ở Seoul, Nam Hàn. Hình minh họa.
Ngay sau khi Hamas – tổ chức Hồi giáo có vũ trang ở Palestine tấn công Israel, Bộ Công nghiệp Thương mại Tài nguyên của Nam Hàn đã tổ chức một cuộc họp bất thường để thảo luận về tác động của cuộc chiến này đối với hoạt động xuất cảng của Nam Hàn. Bởi lo ngại cuộc xung đột sẽ ảnh hưởng bất lợi đến xuất cảng, hoạt động sản xuất nội địa và rộng hơn là kinh tế - xã hội quốc gia nên chính quyền Nam Hàn đã quyết định thành lập Nhóm hành động khẩn cấp để theo dõi, dự báo và khuyến nghị điều chỉnh chính sách. Ngoài các viên chức chính phủ, nhóm còn có đại diện của Hiệp hội Thương mại quốc tế Nam Hàn (KITA), Cơ quan xúc tiến thương mại và đầu tư Nam Hàn (KOTRA), Tổng công ty bảo hiểm thương mại (K-Sure).
Nhóm hành động khẩn cấp về chính sách xuất cảng sẽ vừa phối hợp với các Tùy viên quân sự của Nam Hàn ở khu vực Trung Đông, vừa thiết lập kênh liên lạc với các doanh nghiệp đã đầu tư vào khu vực này cũng như các doanh nghiệp xuất cảng hàng hóa vào khu vực này để thu thập thông tin, khuyến nghị điều chỉnh chính sách hỗ trợ, đồng thời sẽ tìm kiếm đối tác dự phòng cho các doanh nghiệp Nam Hàn nếu vì chiến tranh không thể duy trì quan hệ với những đối tác hiện tại. K-Sure cũng vừa cam kết sẽ nâng hạn mức bảo lãnh tín dụng xuất khẩu lên 1,5 lần, gia hạn bảo lãnh cho các doanh nghiệp bất kể quy mô (nhỏ, vừa hay trung bình). Nếu xảy ra rủi ro, K-sure cam kết sẽ trả chi phí bảo hiểm trong vòng dưới một tháng, quá thời hạn này K-sure sẽ chi trả 80% số tiền thiệt hại.
Cho dù xung đột tại Trung Đông chưa ảnh hưởng lớn tới xuất cảng của Nam Hàn nhưng vì khó dự đoán tác động của xung đột, Bộ Công nghiệp Thương mại Tài nguyên của Nam Hàn đã cam kết sẽ cùng với các cơ quan hữu trách chủ động tìm giải pháp đối phó, không để xung đột tác động tiêu cực đến hoạt động xuất cảng đang được cải thiện. Kim ngạch xuất cảng sang khu vực Trung Đông chỉ chiếm khoảng 3% tổng kim ngạch xuất cảng của Nam Hàn(1).
***
Cũng thời điểm này tại Việt Nam, tình hình kinh tế - xã hội càng ngày càng bi đát. Trong khi các chỉ số liên quan đến kinh tế vĩ mô càng ngày càng đẹp đến mức làm nhiều người ngỡ ngàng thì doanh giới càng ngày càng tuyệt vọng. Theo tường thuật của VnExpress, chủ các doanh nghiệp "chỉmong thoát đáy trong năm 2024". Ông Đinh Hồng Kỳ - Phó Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp Thành phố Hồ Chí Minh, tổ chức đại diện khoảng 16.000 doanh nghiệp ở thành phố này - cho biết :Tình hình chưa sáng sủa. Đơn đặt hàng và mãi lực vẫn ở mức độ rất thấp, người tiêudùng siết chặt chi tiêu. Một số ngành nghề tuycó khả quan đôi chút nhưng hiệu quả vẫn thấp. Ông Mạc Quốc Anh - Phó Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa của Hà Nội – cũng cho rằng :Sự hồi phục không đạt kỳ vọng.
Cũng theo VnExpress, đại diện các hiệp hội của doanh giới bảo rằng,dẫu lực kéo sụt giảm không còn mạnh như sáu tháng đầu năm nhưng đa sốdoanh nghiệp vẫn trong trạng thái cầm cự vì phải đối diện với khó khăn lớn từ mức cầu thấp ởcả trong và ngoài ViệtNam. Doanh nghiệp không dám đầu tư, vay vốn làm ăn, bất kểngân hàng có ưu đãi tín dụng. Đángnói là bên cạnh đó, các ngân hàng cũng thận trọng vì những yếu tố bất định vềkinh tế, thành ra bên cạnh ưu đãi tín dụng cũng không dễ tiếp cận các nguồn vay (2)...
Còn dân chúng thì sao ? Cuối năm ngoái và đầu năm nay, dư luận rúng động khi hàng loạt doanh nghiệp phải cho công nhân nghỉ hẳn hoặc tạm ngưng làm việc vì không có đơn đặt hàng, giờ lại xảy ra tình huống ngược lại, doanh nghiệp bắt đầu có đơn đặt hàng nhưng công nhân ồ ạt nộp đơn xin thôi việc để có thể nhận trọn gói trợ cấp từ cơ quan bảo hiểm xã hội sau khi có tin, hệ thống chính trị tại Việt Nam sẽ sửa Luật bảo hiểm xã hội hiện hành theo hướng hạn chế việc rút tiền đã bị buộc đóng vào quỹ hưu trí, tử tuất.
Cứ như tường thuật của VnExpress thì dự định sửa Luật bảo hiểm xã hội đang đẩy nhiều doanh nghiệp có quy mô lớn đến chỗ lao đao hơn bởi những công nhân thạo việc đã cũng như đang thi nhau xin nghỉ việc nên rất khó có thể hoàn thành đơn đặt hàng đủ số lượng, đúng thời hạn. Chủ tịch Liên đoàn Lao động Thành phố Hồ Chí Minh gọi tình trạng này là một cú sốc khác sau cú sốc do suy thoái toàn cầu(3). Khoan bàn đến việc có nên sửa Luật bảo hiểm xã hội hiện hành hay không, cứ nhìn vào thực trạng công nhân thâm niên cao, lành nghề, ồ ạt xin nghỉ để được nhận trợ cấp ở mức tối đa trước khi hệ thống chính trị, hệ thống công quyền chấn chỉnh chính sách an sinh xã hội ắt sẽ thấy giai cấp công nhân có tin vào sự thành tâm, thiện ý của hệ thống chính trị, hệ thống công quyền hay không.
***
Những câu chuyện vừa lược thuật cho thấy sự khác biệt giữa Việt Nam với phần còn lại của thế giới. Nhìn một cách tổng quát, cho dù tác động của đại dịch Covid-19, xung đột giữa Nga và Ukraine, tiếp tục cản trở nhiều quốc gia đẩy nhanh tiến trình hồi phục kinh tế - xã hội nhưng thay vì đưa ra những giải pháp cụ thể, dự báo, chuẩn bị ứng phó và đáp ứng kịp thời với các diễn biến ở cả trong lẫn ngoài biên giới như Nam Hàn thì hệ thống chính trị, hệ thống công quyền tại Việt Nam chỉ tuyên bố, cam kết rồi thôi !
Trong bối cảnh như hiện nay, Bộ Chính trị của Ban chấp hành trung ương đảng khóa 13 vừa ban hành một nghị quyết (Nghị quyết 41/NQ-TW) để "xây dựng và phát huy vai trò của đội ngũ doanh nhân Việt Nam trong thời kỳ mới". Nghị quyết này xác định đến năm 2030, Việt Nam phải có "nhiều doanh nhânnăng lực tầm khu vực, thế giới và làm chủ một số chuỗi giá trị toàn cầu". Nếu chịu khó đọc kỹ Nghị quyết 41/NQ-TW ắt sẽ hoang mang khi không tìm ra bất kể giải pháp cụ thể nào để "xây dựng" và "phát huy" (4). Nếu hệ thống chính trị, hệ thống công quyền tại Việt Nam vẫn hành xử cứ như đã biết và đang thấy, làm sao kinh tế - xã hội Việt Nam ổn định ? Cách thức quản trị - điều hành vĩ mô, phát triển kinh tế - xã hội bằng "nghị quyết" như thế thuộc loại chưa từng thấy. Người Việt có muốn xứ sở, dân tộc của mình "dẫn đầu thế giới" theo kiểu này chăng ?
Chú thích
(1) http://world.kbs.co.kr/service/news_view.htm?lang=v&Seq_Code=60435
(2) https://vnexpress.net/doanh-nghiep-mong-thoat-day-trong-nam-2024-4663234.html
(3) https://vnexpress.net/nha-may-co-don-hang-nhung-cong-nhan-nghi-viec-rut-bao-hiem-4663254.html
Tuần trước, báo điện tử VnExpress dịch và giới thiệu một bài viết trên Reuters về tầng lớp "thìa đất" ở Nam Hàn (1).
Theo Reuters, "thìa đất" là cách dân Nam Hàn dùng để chỉ những cá nhân mà cha mẹ nghèo hèn khác với "thìa vàng" sinh ra trong những gia đình giàu có, sang trọng.
Một thiếu phụ Đại Hàn thuộc tầng lớp "thìa vàng" giàu có hồi đầu thế kỷ 20 - Ảnh minh họa
Ngoài việc mô tả tầng lớp "thìa đất" gian khổ thế nào trong mưu sinh, chật vật ra sao khi kiếm tìm hạnh phúc, bài viết vừa kể còn đề cập đến sự bất bình sâu sắc của giới "thìa đất" đối với hệ thống chính trị, hệ thống công quyền hiện tại ở Nam Hàn. Càng ngày, họ càng thất vọng với ông Moon Jae-in, người mà họ tin là sẽ đem lại sự công bằng trong xã hội nên đã bỏ phiếu chọn ông làm Tổng thống Nam Hàn. Tuy nhiên hai năm đã qua, chênh lệch về thu nhập giữa những người giàu nhất với những người nghèo nhất không những không được thu hẹp mà còn tăng 0,6 lần (từ 4,9 lần thành 5,5 lần).
Đó cũng là lý do sau khi những bê bối liên quan đến ông Cho Kuk (Bộ trưởng Tư pháp Nam Hàn) được phơi bày, gần đây, thanh niên Nam Hàn lũ lượt đổ ra đường, biểu tình phản đối chính phủ. Ông Cho vốn thuộc tầng lớp "thìa vàng" nhưng trước nay vẫn vận động cho việc xây dựng một xã hội công bằng hơn tại Nam Hàn nên được ông Moon chọn làm Bộ trưởng Tư pháp. Đầu tháng 10, báo giới cáo giác Cho đưa con gài vào trường y một cách bất minh. Vợ có nhiều biểu hiện đáng ngờ trong việc góp vốn vào một quỹ đầu tư, quỹ này rót tiền vào một công ty nhận được nhiều hợp đồng từ chính phủ.
Giữa tháng 10, ngoài việc phủ nhận các cáo buộc, ra lệnh cho các công tố viên tiến hành điều tra mình và gia đình của mình một cách công minh, nghiêm ngặt, cam kết không can thiệp, Cho Kuk tuyên bố từ chức vì không muốn làm mất uy tín, khiến dân chúng nghi ngại, bất lợi đối với Tổng thống và chính phủ (2). Song kết quả khảo sát cho thấy, tỉ lệ ủng hộ ông Moon của cử tri trẻ (từ 19 tuổi đến 29 tuổi) đã tụt từ 90% xuống còn 44%. Một số cử tri trẻ giải thích với Reuters rằng họ cảm thấy bị ông Moon – người từng hứa hẹn về việc sẽ xây dựng một xã hội công bằng, thượng tôn công lý – lừa gạt !
Thanh niên Hàn Quốc thuộc tầng lớp "thìa đất" lắng nghe bài phát biểu của một ứng cử viên tổng thống ngày 2/5/2017 tại Seoul. Ảnh Ed Jones. AFP
Nếu cử tri trẻ nói riêng và những người nghèo khổ nói chung tiếp tục nhận định như Kim Jong-min, thủ lĩnh nhóm Youth Taeil, chuyên hỗ trợ thanh niên thuộc tầng lớp "thìa đất" : Tổng thống Moon và đảng cầm quyền – những người tự nhận là tiên phong trong cải cách song cuối cùng, họ vẫn chỉ là những chính trị gia già cỗi, không biết lắng nghe nỗi thống khổ của tầng lớp thu nhập thấp – sự nghiệp chính trị của ông Moon sẽ kết thúc vào cuối nhiệm kỳ này và đảng Dân chủ ở Nam Hàn sẽ không còn cơ hội giữ vững vai trò đảng cầm quyền ở Nam Hàn.
***
So tình cảnh tầng lớp "thìa đất" ở Nam Hàn với tình trạng của tầng lớp tương tự tại Việt Nam, ai cũng có thể thấy, tình cảnh "thìa đất" của Việt Nam thê thảm và tuyệt vọng hơn nhiều. Thế nhưng đó chưa phải là khác biệt có tính… căn cốt. Trong hai năm (2017 – 2019), chênh lệch giàu nghèo ở Nam Hàn chỉ tăng từ 4,9 lần thành 5,5 lần, tầng lớp "thìa đất" ở Nam Hàn đã cảm thấy họ bị phản bội, trong khi tại Việt Nam, theo một thống kê được công bố hồi năm ngoái, chênh lệch thu nhập giữa nhóm 20% dân số giàu nhất và nhóm 20% dân số nghèo nhất là… mười lần (3).
Một khác biệt khác cũng có tính… căn cốt là tầng lớp "thìa đất" của Nam Hàn có quyền bày tỏ sự bất bình của họ và dù muốn hay không cả chính phủ lẫn đảng cầm quyền vừa phải lắng nghe, vừa phải liên tục tự điều chỉnh. Thiếu tôn trọng công chúng, cho dù đó chỉ là "ý chí, nguyện vọng" của tầng lớp "thìa đất", sẽ đồng nghĩa với việc bị công chúng dùng lá phiếu, đẩy những cá nhân hữu trách và đảng cầm quyền vào lề. Không phải tự nhiên Cho Kuk tuyên bố từ chức và dù chưa thể xác định Cho có phạm pháp hay không, Tổng thống Nam Hàn vẫn xin lỗi toàn dân.
***
Cũng tuần trước, tờ Tuổi Trẻ tường thuật, khi trò chuyện với báo giới bên lề cuộc giao lưu trực tuyến về chủ đề "Văn hóa công sở - Thực trạng và giải pháp" do báo điện tử Đảng cộng sản tổ chức hôm 27 tháng 11, ông Triệu Văn Cường, Thứ trưởng của Bộ Nội vụ - cơ quan đảm trách về tổ chức bộ máy công quyền, sắp đặt (bổ nhiệm, điều động…) công chức của chính phủ Việt Nam - trần tình : Sở dĩ nhiều viên chức trong hệ thống công quyền phạm lỗi hay không đủ năng lực đảm nhiệm công việc nhưng kiên quyết không chịu từ chức vì gia đình, dòng họ nhìn việc từ chức quá nặng nề (4).
Cho dù đội ngũ công chức Việt Nam hết sức bệ rạc, tệ hại, dẫu Thủ tướng Việt Nam đã ban hành "Kế hoạch tổ chức phong trào cán bộ, công chức, viên chức thi đua thực hiện văn hóa công sở trong giai đoạn từ 2019 đến 2025", trong "kế hoạch" ấy, "từ chức" được xem như một "dấu son" của "văn hóa công sở" nhưng ông Cường thú thật là không biết… thực thi thế nào ! Nói cách khác, bất kể từ chức được xem như một giải pháp nhằm chấn chỉnh đội ngũ viên chức, công chức nhưng ông Cường không tin vào tính khả thi, ông đòi "phải có thời gian" để "xã hội thay đổi nhận thức" !
Việt Nam hơn Nam Hàn ở chỗ sách nhiễu, tống giam, phạt tù tầng lớp "thìa đất" dám phản kháng bất toàn, sai trái… của chế độ - Hình : bà Huỳnh Thị Tố Nga (bác sĩ) bị kết án 9 năm tù và và anh trai Huỳnh Minh Tâm 5 năm tù trong một phiên tòa thuộc tỉnh Đồng Nai ngày 28/11/2019 về tội "Làm, tàng trữ, phát tán hoặc xuyên tạc thông tin tài liệu, vật phẩm nhằm chống nhà nước". (Zing)
So với Nam Hàn, rõ ràng Việt Nam… "được" hơn. Tuy hệ thống chính trị, hệ thống công quyền Việt Nam không ngừng thề sẽ "sống, làm việc theo hiến pháp, pháp luật" nhưng việc xử lý viên chức, công chức phạm lỗi, kém cỏi nằm ngoài phạm vi của hệ thống tài phán tư pháp, chính phủ khuyến khích… tự xử mà đề cao… từ chức, nâng từ chức thành… văn hóa. Tự xử lại phụ thuộc vào… gia đình, dòng họ có thấy… nặng nề hay không ? Bởi gia đình, dòng họ chưa nhận thức "từ chức" là "văn hóa công sở" thành ra công chúng vẫn phải nuôi các viên chức phạm lỗi, yếu kém !
Việt Nam vẫn… "được" hơn Nam Hàn và nhiều quốc gia khác vì hệ thống chính trị, hệ thống công quyền "của dân, do dân, vì dân" không chấp nhận chỉ trích. Sách nhiễu, tống giam, phạt tù những cá nhân dám phản kháng bất toàn, sai trái, dám đòi bỏ "quy hoạch nhân sự", phải để dân chúng dùng lá phiếu "cử xứng, bầu đúng" với ý chí, nguyện vọng của họ,… để răn đe tầng lớp "thìa đất" đã tạo ra cái… "được" ấy ! Đáng ngạc nhiên là chỉ một số rất ít "được, được nữa, được mãi" nhưng vẫn còn rất nhiều "thìa đất"chấp nhận !
Trân Văn
Nguồn : VOA, 03/12/2019
Chú thích
(1) https://vnexpress.net/the-gioi/tang-lop-thia-dat-tuyet-vong-trong-xa-hoi-han-quoc-4018216.html
(2) https://vnexpress.net/the-gioi/bo-truong-tu-phap-han-quoc-tu-chuc-3996582.html
(3) https://tuoitre.vn/chenh-lech-giau-ngheo-ngay-cang-lon-20190725095825395.htm
(4) https://tuoitre.vn/nhieu-nguoi-kien-quyet-khong-tu-chuc-vi-ap-luc-gia-dinh-20191127173600524.htm
Seoul đề nghị hoãn tập trận với Mỹ trong kỳ Thế Vận mùa đông 2018 (RFI, 20/12/2017)
Theo AFP, hôm nay 20/12/2017, đề phòng Bình Nhưỡng có những phản ứng gây hấn phá hỏng kỳ Thế Vận Hội mùa đông 2018, tổng thống Hàn Quốc Moon Jae In, cho biết đã đề nghị với Mỹ hoãn cuộc tập chung thường niên đến sau sự kiện thể thao lớn này.
Binh sĩ Hàn Quốc và Hoa Kỳ chụp ảnh chung, trước một cuộc tập trận hôm nay, 19/12/2017, với khẩu hiệu chúc Thế Vận Hội Pyeongchang thành công. Reuters/Kim Hong-Ji
Theo kế hoạch, quân đội Mỹ - Hàn hàng năm vẫn có các cuộc tập trận chung mang tên gọi Key Resolve và Foal Eagle, thường diễn ra từ cuối tháng Hai hoặc đầu tháng Ba và kéo dài cho đến cuối tháng Tư.
Đầu năm tới, Hàn Quốc đón sự kiện thể thao lớn nhất hành tinh, Thế Vận Hội mùa đông tại Pyeongchang, từ ngày 9 đến 25 tháng Hai và tiếp đó ngày 9 tháng Ba khai mạc Thế Vận Hội cho người khuyết tật (Paralympic).
Mọi cuộc tập trận chung Mỹ-Hàn đều bị Bình Nhưỡng coi là cuộc diễn tập chuẩn bị xâm lược Bắc Triều Tiên và vào mỗi dịp như vậy họ thường đáp trả bằng những hành động khiêu khích quân sự như bắn tên lửa.
Pyeongchang, địa điểm tổ chức Thế Vận Hội mùa đông 2018, chỉ nằm cách biên giới Bắc Triều Tiên có 80 km. Ý thức được những động thái gây căng thẳng của Bình Nhưỡng có thể sẽ làm hỏng không khí ngày hội thể thao lớn, hôm qua, trên một chương trình đài truyền hình Mỹ NBC, tổng thống Moon Jae In khẳng ông đã đề nghị với phía Mỹ rời cuộc tập trận lại và phía Mỹ đang nghiên cứu đề nghị của ông. Tổng thống Hàn Quốc cũng bày tỏ mong muốn sự kiện thể thao thế giới này sẽ góp phần làm giảm căng thẳng hiện đã lên đến cao độ, do các vụ thử tên lửa đạn đạo và hạt nhân của Bắc Triều Tiên.
Các nhà tổ chức Thế Vận Hội và chính phủ Hàn Quốc đều mong muốn miền Bắc tham gia kỳ Thế Vận Hội vì hòa bình. Nhưng việc cử các vận động viên Bắc Triều Tiên tới Hàn Quốc thi đấu luôn tùy thuộc vào bầu không khí chính trị và quân sự trên bán đảo này. Đến giờ người ta vẫn chưa biết miền Bắc có tham dự Pyeongchang hay không.
Tuy nhiên, tổng thống Hà Quốc cũng trấn an rằng các "du khách nước ngoài đến dự Thế Vận Hội Pyeongchang không phải lo lắng về vấn đề an ninh" và ông hy vọng Thế Vận Hội sẽ là dịp để làm giảm căng thẳng với miền Bắc.
Mỹ tiếp tục nỗ lực thắt chặt trừng phạt Bắc Triều Tiên
Reuters dẫn nguồn tin một nhà ngoại giao phương Tây hôm nay, 20/12/2017 cho biết Washington đã chuyển cho Bắc Kinh nội dung dự thảo nghị quyết tăng cường trừng phạt Bắc Triều Tiên sẽ trình lên Hội Đồng Bảo An Liên Hiệp Quốc thông qua.
Một quan chức của chính quyền Trump cho biết cuộc thương lượng về nghị quyết mới này đang diễn ra và chưa có được nhất trí.
Mỹ muốn thắt chặt hơn nữa các trừng phạt quốc tế, nhất là trong hai danh mục lương thực và dầu lửa, để buộc Bắc Triều Tiên phải từ bỏ chương trình phát triển vũ khí và hạt nhân.
Hoa Kỳ hôm nay kêu gọi Hội Đồng Bảo An cấm 10 con tàu vận tải biển cập các cảng trên thế giới, vì bị nghi ngờ đã lách lệnh cấm vận quốc tế, chuyên chở dầu mỏ và than đá trái phép cho chế độ Bình Nhưỡng.
Anh Vũ
*****************
Hàn Quốc bắn 249 phát súng cảnh cáo để đẩy lùi tàu cá Trung Quốc (RFI, 20/12/2017)
Quan hệ Trung-Hàn bất ngờ tăng nhiệt : Tuần duyên Hàn Quốc vào hôm nay 20/12/2017 cho biết là họ đã phải bắn đến 249 phát súng cảnh cáo để đẩy lùi một đội tàu cá Trung Quốc gồm hàng chục chiếc, đã xông vào bao vây một chiếc tàu tuần tra Hàn Quốc trong lãnh hải Hàn Quốc. Ngay sau sự kiện này, Bắc Kinh đã lên tiếng yêu cầu Seoul tự kiềm chế.
Tàu cá Trung Quốc tại bờ tây Hàn Quốc. Ảnh do Yonhap cung cấp ngày 10/06/2016. Reuters/Yonhap
Trong một bản thông cáo, lực lượng Tuần Duyên Hàn Quốc cho biết là vào hôm qua, 19/12, một đội tàu đánh cá Trung Quốc gồm 44 chiếc thuộc loại được gia cố bằng thanh sắt và lưới thép đã vào đánh bắt trong vùng biển của Hàn Quốc.
Khi một chiếc tàu Tuần Duyên Hàn Quốc đến nơi, dùng loa phóng thanh yêu cầu tàu Trung Quốc rời đi, thì các chiếc tàu này đã quay đầu xông vào tàu của Hàn Quốc, buộc chiếc tàu này phải bắn súng cảnh cáo để giải vây.
Thông báo của Tuần Duyên Hàn Quốc nói rõ là họ đã phải bắn đến 249 phát súng cảnh cáo cho đến khi tàu Trung Quốc rút lui.
Ngay sau khi được tin về sự cố, phát ngôn viên Bộ ngoại giao Trung Quốc Hoa Xuân Oánh đã lên tiếng kêu gọi chính quyền Seoul tự kềm chế trong việc "giải quyết một cách hợp lý các vấn đề liên quan, và trong quá trình thực thi pháp luật, không có hành động cực đoan nào có thể đe dọa an toàn của người dân".
Trong quá khứ, Bắc Kinh đã từng có công hàm phản đối Seoul về việc Tuần Duyên Hàn Quốc sử dụng vũ lực để đuổi tàu cá Trung Quốc.
Về phần mình, Bộ ngoại giao Hàn Quốc khẳng định rằng lực lượng Tuần Duyên chỉ áp dụng luật lệ cho phép họ dùng súng "một cách chính đáng" để đối phó với các tàu cá "rầm rộ xông vào vùng biển Hàn Quốc để đánh bắt trái phép".
Trung Quốc tái lập lệnh cấm tour du lịch qua Hàn Quốc
Sự cố trên biển nói trên diễn ra vào lúc có tin là Trung Quốc đã lại tái lập lệnh cấm các tour du lịch đến Hàn Quốc.
Theo hãng tin Anh Reuters, một hãng du lịch Hàn Quốc vào hôm nay tiết lộ rằng các đối tác Trung Quốc của họ tại hai thành phố Trung Quốc, Bắc Kinh và Sơn Đông, đã cho biết là sẽ không thể tổ chức các tour du lịch Hàn Quốc cho người Trung Quốc kể từ tháng Giêng 2018. Theo một viên chức thuộc hãng du lịch Hàn Quốc, nguyên nhân có lẽ là do chính quyền Trung Quốc từ chối cấp visa.
Kể từ năm ngoái, Bắc Kinh đã bắt đầu cấm các tour du lịch qua Hàn Quốc để trả đũa việc Seoul cho Washington triển khai lá chắn chống tên lửa THAAD trên lãnh thổ Hàn Quốc. Lệnh cấm mới đây đã được giảm nhẹ trước lúc tổng thống Hàn Quốc Moon Jae In đi thăm Trung Quốc.
Việc Trung Quốc lại tái lập lệnh hạn chế sau cuộc gặp Moon Jae In -Tập Cận Bình đã làm dấy lên câu hỏi về thực hư của việc cải thiện quan hệ Trung - Hàn.
Trọng Nghĩa
********************
Vụ Wannacry tấn công mạng toàn cầu : Washington chỉ đích danh thủ phạm Bình Nhưỡng (RFI, 19/125/2017)
Hôm 18/12/2017, Hoa Kỳ chính thức chỉ đích danh Bắc Triều Tiên là thủ phạm trong cuộc tấn công mạng toàn cầu bằng vi rút "Wannacry" nhằm vào khoảng 300 nghìn máy tính ở 150 nước vào giữa năm nay.
Ảnh minh họa : Cố vấn An ninh nội địa Tom Bossert trả lời báo giới tại Nhà Trắng về cuộc tấn công mạng của vi rút "Wannacry", ngày 15/05/2017. Reuters/Jonathan Ernst/File Photo
Trên nhật báo Wall Street Journal hôm qua, cố vấn an ninh nội địa của tổng thống Trump, ông Tom Bossert, xác nhận : "Cuộc tấn công rộng khắp này đã gây thiệt hại hàng tỷ đô la và Bắc Triều Tiên là nước chịu trách nhiệm trực tiếp". Ông cố vấn an ninh Nhà Trắng khẳng định những cáo buộc trên có bằng chứng rõ ràng.
Tháng 10 năm nay, chính phủ Anh cũng đã tố cáo Bắc Triều Tiên đứng đằng sau vụ tấn công tin học ồ ạt làm tê liệt hệ thống dịch vụ y tế của Anh.
Hôm 12/5 vừa qua, một cuộc tấn công tin học khởi phát thông qua một phần mềm mang mã độc có tên gọi "Wannacry" đã lan vào hàng trăm nghìn máy tính trên khắp thế giới, làm tê liệt hoạt động của nhiều cơ sở, từ bệnh viện, trường học đến các nhà máy công nghiệp, công trình xây dựng. Tác giả của vi rút Wannacry đòi tiền chuộc để khôi phục hoạt động cho các máy tính.
Cố vấn an ninh Mỹ nhấn mạnh : "Từ hàng thập kỷ qua, Bắc Triều Tiên đã có hành động xấu , gần như không kiểm soát được. Thái độ đó ngày càng trở nên trắng trợn".
Trong giới an ninh tin học rộng rãi, Bình Nhưỡng vẫn luôn bị chỉ mặt nghi ngờ là thủ phạm của các tổ chức tin tặc. Công ty an ninh mạng nổi tiếng Mỹ Symantec gần đây đã phát hiện ra một nhóm tin tặc Lazzarus, bị tình nghi có liên quan đến Bắc Triều Tiên.
Anh Vũ
Đa số người dân Nam Hàn nghĩ rằng Bắc Hàn không có khả năng phát động chiến tranh, nhưng tỷ lệ người dân miền Nam lo ngại cuộc chiến có thể sẽ xảy ra cũng chẳng phải là nhỏ.
Lãnh đạo Bắc Hàn Kim Jong-un (ở giữa) đang theo dõi vụ bắn thử tên lửa đạn đạo tầm trung Hwasong-12 tại một địa điểm gần Bình Nhưỡng hôm 29/8/2017 - AFP Photo/KCNA Via KNS
Kết quả cuộc thăm dò do Viện Gallup thực hiện cho thấy 58% người dân Nam Hàn nghĩ rằng miền Bắc sẽ không khởi chiến, nhưng 37% người được hỏi cho hay họ vẫn âu lo chiến tranh có thể sẽ xảy ra.
Cuộc thăm dò được thực hiện chỉ vài ngày sau khi Bình Nhưỡng thành công trong vụ nổ thử nghiệm bom nhiệt hạch, đồng thời báo trước là sẽ tiếp tục chương trình phóng thử nghiệm tên lửa đạn đạo và phát triển võ khí hạt nhân, cho tời khi nào Hoa Kỳ ngưng những hành động mà họ gọi là gây hấn, muốn lật đổ chính phủ đương quyền Bắc Hàn bằng võ lực.
Liệu chiến tranh có xảy ra hay không cũng là điều được báo chí nêu lên với Tổng thống Hoa Kỳ Donald Trump trong cuộc tiếp xúc ngắn ở Nhà Trắng ngày hôm qua.
Theo Tổng thống Mỹ, tất cả mọi biện pháp đáp trả đều được cân nhắc, bao gồm cả hành động quân sự, và nếu điều này xảy ra, "đó sẽ là một ngày buồn thảm" cho Bắc Hàn.
Tổng thống Hoa Kỳ từng nói có thể trả đũa Bắc Hàn "bằng lửa và mức giận dữ" thế giới chưa từng thấy, nhưng đồng thời ông cũng cho biết giải pháp quân sự không phải là giải pháp đầu tiên ông nghĩ đến khi bàn thảo về những điều phải làm để giải quyết căng thẳng đang xảy ra trên bán đảo Triều Tiên. Vì thế khi được hỏi là liệu có thể tránh được chiến tranh hay không, Tổng thống Trump trả lời rằng "không có chuyện gì là không thể tránh khỏi".
Các giới chức Nhà Trắng xác nhận Bắc Hàn là một trong những điều Tổng thống Hoa Kỳ muốn giải quyết, và hiện Washington đang cùng với một số nước đồng minh Châu Âu soạn thảo bản nghị quyết lên án những hành động gây rối mà Bắc Hàn đã làm, đồng thời đưa ra những biện pháp cấm vận gắt gao hơn đối với Bình Nhưỡng, bao gồm cả việc phong tỏa tài sản lãnh tụ Bắc Hàn Kim Jong-un có ở nước ngoài.
Nghị quyết này sẽ được đệ trình trước Hội Đồng Bảo An Liên Hiệp Quốc và ngày thứ Hai tuần tới.
Một diễn biến liên quan cũng được nói tới là hôm nay, mùng 8 tháng Chín 2017, Bộ quốc phòng Hoa Kỳ thông báo hàng không mẫu hạm USS Ronald Reagan đã rời Nhật Bản dể thực hiện đợt tuần tra thường kỳ, hoạt động ngay vùng biển nằm giữa Nhật và bán đảo Triều Tiên.
Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ James Mattis phát biểu trong cuộc họp báo ở Seoul, Hàn Quốc ngày 3/2. Ảnh : AFP/TTXVN
Đó là thông điệp mà Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ James Mattis gửi đến Hàn Quốc và Nhật Bản sau khi những tuyên bố tranh cử của Tổng thống Donald Trump khiến cho các đồng minh Mỹ lo ngại về tương lai của liên minh này.
Những tuyên bố được đưa ra trong chuyến công du của ông James Mattis thể hiện sự đồng thuận cao của các bên trong những mối quan tâm chính như vấn đề hạt nhân trên Bán đảo Triều Tiên, kế hoạch triển khai Hệ thống tên lửa tầm cao giai đoạn cuối (THAAD) tại Hàn Quốc, cam kết của Mỹ tiếp tục thực hiện Điều 5 trong Hiệp ước an ninh Mỹ - Nhật về việc bảo vệ các khu vực thuộc quyền kiểm soát của Nhật Bản, trong đó bao gồm quần đảo Nhật Bản gọi là Senkaku, trong khi Trung Quốc gọi là Điếu Ngư, cam kết của Mỹ đối với việc bảo vệ thực thi luật pháp quốc tế trên Biển Đông…
Sự đồng thuận trên dường như chứng tỏ Washington không "bỏ rơi" hai đồng minh chủ chốt ở Đông Bắc Á, mà liên minh quân sự Mỹ - Nhật - Hàn sẽ tiếp tục được củng cố trong thời gian tới. Điều đó cũng dự báo chính quyền mới của Mỹ sẽ tiếp tục can dự tích cực trong vấn đề an ninh của khu vực Châu Á – Thái Bình Dương.
Tuy nhiên, bên cạnh những cam kết ủng hộ hai đồng minh, ông James Mattis cũng đề cập những mong muốn của Washington để duy trì sự hợp tác này. Washington sẽ luôn sát cánh với các đồng minh, song cũng muốn các đồng minh phải tích cực hơn nữa.
Trong tuyên bố tranh cử, ông Trump đã chỉ trích các đồng minh chưa đóng góp tích cực cho những nỗ lực của Mỹ để bảo đảm an ninh cho hai quốc gia này.
Thậm chí, ông Trump còn nói rằng sẽ yêu cầu Tokyo và Seoul gánh vác toàn bộ chi phí cho hoạt động của lực lượng Mỹ đồn trú tại hai nước này. Bản thân Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ cũng từng bày tỏ ủng hộ yêu cầu Hàn Quốc và Nhật Bản tăng mức đóng góp an ninh.
Chính vì vậy, trước chuyến công du của ông James Mattis đến Nhật Bản, Tokyo đã công bố rộng rãi trên truyền thông các số liệu liên quan đến chi phí mà nước này đóng góp cho hoạt động của lực lượng Mỹ tại Nhật Bản, theo đó, Nhật Bản đã gánh tới 53,7% tổng chi phí, cao hơn so với mức đóng góp của Mỹ và thậm chí là cao nhất trong số các đồng minh.
Chính phủ Nhật Bản cho rằng liên minh quân sự Mỹ - Nhật không chỉ để bảo vệ Nhật Bản mà còn bảo vệ lợi ích của Mỹ tại khu vực Châu Á - Thái Bình Dương, đặc biệt trong bối cảnh Trung Quốc đang mở rộng ảnh hưởng tại khu vực. Theo Tokyo, cả hai bên đều phải có trách nhiệm củng cố liên minh quân sự, vì vậy mức đóng góp hiện nay của Tokyo là hợp lý và Tokyo sẽ không đồng ý nâng chi phí này.
Có lẽ quan điểm cứng rắn của Tokyo trong vấn đề đóng góp chi phí cho lực lượng Mỹ là lý do khiến tân Tổng thống Mỹ Donald Trump ngừng đề cập đến vấn đề này kể từ khi nhậm chức.
Tên lửa đánh chặn được phóng từ bệ phóng thuộc một bộ phận của hệ thống THAAD. Ảnh : Reuters/TTXVN
Chính quyền mới của Mỹ đang thể hiện một chủ trương khá cứng rắn với Trung Quốc trong lĩnh vực an ninh và thương mại. Trong bối cảnh đó, sự ủng hộ của hai đồng minh thân cận nhất tại Đông Bắc Á rõ ràng là điều kiện cần để Mỹ có thể kiềm chế sức mạnh của Bắc Kinh.
Tuy nhiên, Washington sẽ không dễ dàng từ bỏ chủ trương của mình. Các nguồn thạo tin tiết lộ ông James Mattis đã đề cập "Chiến lược bù đắp thứ ba" (The Third Offset Strategy) của Bộ Quốc phòng Mỹ, được thiết kế để duy trì lợi thế tối ưu về quân sự bằng các loại vũ khí mới, hiện đại nhất, bao gồm những vũ khí tự hành, không người lái, như các loại robot và tàu chiến, tàu ngầm.
Washington có thể sẽ đề nghị Tokyo và Seoul tham gia các dự án phát triển công nghiệp quốc phòng chung trong khuôn khổ chiến lược này.
Một mục tiêu quan trọng nữa của ông James Mattis trong chuyến công du là nhằm thể hiện vai trò điều phối của Mỹ trong quan hệ hai nước láng giềng Đông Bắc Á.
Washington muốn Seoul và Tokyo thu hẹp bất đồng để cùng nâng cấp hợp tác trong lĩnh vực quốc phòng như tiến hành các cuộc tập trận chung ở cấp tác chiến, tăng cường trao đổi thông tin tình báo, hoạt động hiệu quả các kênh thông tin liên lạc song phương. Điều này sẽ giúp tăng cường sức mạnh của liên minh quân sự Mỹ - Nhật - Hàn trong trường hợp đối phó với các thách thức an ninh chung.
Việc bộ trưởng quốc phòng trong chính quyền mới của Mỹ chọn Nhật Bản và Hàn Quốc, hai đồng minh quan trọng nhất của Mỹ tại Đông Bắc Á, là điểm đến cho chuyến công du đầu tiên trên cương vị mới là một động thái hiếm có.
Với việc Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ công khai dành ưu tiên hàng đầu cho việc củng cố liên minh quân sự Mỹ - Nhật - Hàn, khu vực Châu Á - Thái Bình Dương chắc chắn sẽ tiếp tục đóng một vai trò quan trọng trong chính sách đối ngoại của chính quyền tân Tổng thống Donald Trump.
Nguyễn Tuyến
(P/v TTXVN tại Nhật Bản)
************************
Mỹ bảo lãnh Nhật có quyền quản lý quần đảo Senkaku (RFA, 04/02/2017)
Quần đảo Senkaku - Ảnh minh họa
Trong khi tránh có những lời lẽ mạnh mẽ về Biển Đông thì Bộ trưởng quốc phòng Jim Mattis lại xác định Mỹ bảo lãnh Nhật có quyền quản lý quần đảo Senkaku và các đảo này là đối tượng của một hiệp ước phòng thủ lâu dài giữa Hoa Kỳ và Nhật Bản
Ông Mattis dẫn ra điều 5 của Hiệp ước An ninh Nhật-Mỹ cam kết Hoa Kỳ sẽ bảo vệ Nhật Bản hoặc các vùng lãnh thổ do Nhật quản lý chống lại bất kỳ cuộc tấn công nào bao gồm các quần đảo Senkaku, mà Trung Quốc tuyên bố là Điếu Ngư
Ý kiến của Mattis đánh dấu sự tiếp nối của chính sách đã được nêu lên nhiều lần dưới thời cựu Tổng thống Barack Obama.
*******************
Trung quốc bác bỏ tuyên bố của Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ (RFA, 04/02/2017)
Tân Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Jim Mattis
Sau tuyên bố của Bộ trưởng Jim Mattis, Trung Quốc lập tức phản ứng rằng những phát biểu này gây bất ổn tại Châu Á và rất mạo hiểm.
Quần đảo Senkaku, Trung Quốc gọi là Điếu Ngư là trung tâm các cuộc tranh cãi gay gắt giữa Tokyo và Bắc Kinh, trong đó Bắc Kinh tuyên bố là một phần của lãnh thổ Trung Quốc trong nhiều thế kỷ.
Phát ngôn viên Lục Khảng của Bộ Ngoại giao Trung Quốc tuyên bố Bắc Kinh kêu gọi phía Mỹ có thái độ trách nhiệm, ngừng những nhận xét sai trái và tránh đưa ra những vấn đề phức tạp hơn mang lại sự bất ổn cho tình hình khu vực.
Phát ngôn viên Lục Khảng cũng nói rằng hiệp ước Mỹ-Nhật Bản là một sản phẩm của Chiến tranh Lạnh, và không ảnh hưởng đến chủ quyền lãnh thổ của Trung Quốc.
Mattis đến Nhật Bản vào ngày thứ Sáu sau khi đến Hàn Quốc. Chuyến thăm của ông tới khu vực này là chuyến đi nước ngoài đầu tiên của một quan chức cấp cao của chính quyền Trump, nhằm trấn an các đồng minh chủ chốt Đông Á của Washington về cam kết của Mỹ đối với an ninh của họ.
**********************
James Mattis : Mỹ chưa cần có những chiến dịch lớn ở Biển Đông (RFI, 04/02/2017)
Bộ trưởng Quốc Phòng Mỹ James Mattis (trái) và đồng nhiệm Nhật Tomomi Inada, Tokyo, 04/02/2017. REUTERS/Franck Robichon
Mặc dù vẫn chỉ trích kịch liệt Trung Quốc trên vấn đề Biển Đông, bộ trưởng Quốc Phòng Hoa Kỳ James Mattis hôm nay, 04/02/2017, tuyên bố là hiện giờ chưa cần có những chiến dịch quân sự lớn của Mỹ để đáp lại hành động áp đặt chủ quyền của Bắc Kinh trên vùng biển này. Theo lời bộ trưởng Quốc Phòng Mỹ, nên tập trung trước hết vào ngoại giao để giải quyết các tranh chấp ở Biển Đông.
Theo hãng tin Reuters, ông Mattis đã tuyên bố như trên tại Tokyo, nhân chuyến viếng thăm Nhật Bản, sau khi đã ghé qua Hàn Quốc, trong chuyến công du Châu Á đầu tiên của ông.
Trong buổi điều trần trước Thượng Viện Mỹ ngày 11/01/2017 để được phê chuẩn việc bổ nhiệm, tân ngoại trưởng Rex Tillerson đã yêu cầu ngăn Trung Quốc tiếp cận các đảo nhân tạo mà Bắc Kinh xây dựng ở Biển Đông. Tiếp đến, trong buổi họp báo đầu tiên ngày 23/01, phát ngôn viên mới của Nhà trắng Sean Spicer, cũng đã tuyên bố Hoa Kỳ sẽ bảo vệ "các lãnh thổ quốc tế" tại con đường hàng hải chiến lược này.
Các nhà phân tích đã cho rằng những tuyên bố của tân ngoại trưởng Mỹ cũng như của phát ngôn viên Nhà trắng hàm ý rằng Hoa Kỳ sẽ có hành động quân sự, thậm chí phong tỏa hàng hải. Hành động này sẽ dẫn đến xung đột vũ trang với Trung Quốc.
Nhưng hôm nay, bộ trưởng Mattis khẳng định là Washington hiện không tính đến những hành động quân sự quy mô, mà sẽ dồn mọi nỗ lực ngoại giao để giải quyết tranh chấp Biển Đông. Tuy vậy, lãnh đạo Lầu năm góc vẫn chỉ trích những hành động của Trung Quốc ở Biển Đông, cho rằng Bắc Kinh "đã phá nát lòng tin của các quốc gia trong khu vực".
Cũng tại Tokyo hôm nay, ông Mattis đã khẳng định rằng Hoa Kỳ công nhận quyền quản lý của Nhật trên quần đảo Senkaku/Điếu Ngư ở Biển Hoa Đông, quần đảo mà Trung Quốc cũng đòi chủ quyền. Bộ trưởng Quốc Phòng Mattis nói thêm là quần đảo này nằm trong khuôn khổ liên minh quân sự Mỹ-Nhật, hàm ý là Hoa Kỳ sẽ giúp Nhật Bản bảo vệ quần đảo Senkaku/Điếu Ngư.
Ngay lập tức phát ngôn viên bộ Ngoại Giao Trung Quốc Lục Khảng (Lu Kang) hôm nay chỉ trích tuyên bố nói trên của ông Mattis, yêu cầu Mỹ không nói đến vấn đề này, và một lần nữa khẳng định chủ quyền của Trung Quốc trên quần đảo Senkaku/Điếu Ngư.
Thanh Phương
Bắc Triều Tiên cách chức Bộ trưởng An ninh, hành quyết nhiều sĩ quan (RFI, 03/02/2017)
Bình Nhưỡng lại tiến hành thêm một vụ thanh trừng. Lãnh đạo Bắc Triều Tiên Kim Jong-un đã cách chức đại tướng Kim Wong-hong, đưa nhân vật thân cận này đi lao động cải tạo và xử bắn nhiều sĩ quan tình báo. Tin này do Bộ Thống Nhất Hàn Quốc loan báo ngày 03/02/2017.
Lãnh đạo Bắc Triều Tiên Kim Jong-un tại Bình Nhưỡng, tháng 01/2017.© KCNA/via Reuters
Bộ trưởng An ninh Quốc Gia Bắc Triều Tiên và cũng là cánh tay mặt của Kim Jong-un là nạn nhân mới trong chính sách thanh trừng đẫm máu. Phát ngôn viên Bộ Thống Nhất Hàn Quốc Jeong Joon Hee cho biết đại tướng Bắc Triều Tiên Kim Wong-hong bị mất chức Bộ trưởng An Ninh, bị giáng cấp xuống thiếu tướng và bị đưa đi cải tạo từ giữa tháng 01/2017 vì tội "lạm quyền". Một số sĩ quan và cán bộ của sở tình báo, thuộc quyền của Kim Wong-hong cũng bị hành quyết theo lệnh của Kim Jong-un.
Theo AFP, trong chế độ Bình Nhưỡng, Bộ An ninh là cơ quan cốt lõi có vai trò tình báo, theo dõi kềm kẹp dân chúng, trấn áp những người chống đối và quản lý các nhà tù chính trị.
Sự kiện Kim Wong-hong bị thanh trừng cho thấy chế độ Bắc Triều Tiên có nguy cơ bất ổn thêm, thành phần có ưu quyền hoang mang hơn vì không biết ngày mai số phận ra sao.
Đại tướng Kim Wong-hong nắm quyền trong suốt các đợt thanh trừng từ khi Kim Jong-un lên cầm quyền từ năm 2011. Bốn trong số năm tướng lãnh cao cấp nhất cha Kim Jong-un để lại cùng với hơn một trăm sĩ quan và đảng viên khác đã bị hành quyết. Đứng đầu Bộ An ninh và Tình báo từ năm 2012, Kim Wong-hong đóng vai trò then chốt trong vụ hành quyết Jang Song-thaek, chú dượng của lãnh đạo Kim Jong-un, và cũng là nhân vật số hai của chế độ vào năm 2013.
Theo AFP, trong diễn văn đầu năm 2017, Kim Jong-un "nhận lỗi" đã không phục vụ "nhân dân" một cách tốt đẹp. Rất có thể hàng loạt quan chức chính quyền sẽ bị đưa ra làm "vật tế thần" trong năm nay để nhà độc tài trẻ tuổi chạy tội, theo báo cáo của Viện Chiến Lược và An ninh Quốc Gia tại Seoul.
Tú Anh
***********************
Mỹ : Nếu tấn công hạt nhân, Bắc Triều Tiên sẽ bị giáng trả "vùi dập" (RFI, 03/02/2017)
Bộ trưởng Quốc Phòng Mỹ James Mattis. Mandel Ngan / AFP
Trong chuyến công du Seoul, Bộ trưởng Quốc Phòng Mỹ hôm nay, 03/02/2017, có một tuyên bố mạnh mẽ để trấn an đồng minh Hàn Quốc : Hoa Kỳ sẽ có các phản ứng "hữu hiệu", nếu Bình Nhưỡng có động thái gây hấn. Lãnh đạo Bộ Quốc Phòng hai nước cũng nhất trí thúc đẩy chương trình lá chắn tên lửa THAAD, để đối phó với Bắc Triều Tiên.
Theo AFP, phát biểu với báo giới tại Bộ Quốc Phòng Hàn Quốc, trước cuộc gặp đồng nhiệm Han Min-koo, Bộ trưởng Mỹ James Mattis nhấn mạnh : "Bất cứ cuộc tấn công nào nhắm vào Mỹ, hay các đồng minh sẽ bị đánh bại, và bất cứ hành động sử dụng vũ khí hạt nhân nào cũng sẽ bị giáng trả một cách hữu hiệu và áp đảo".
Bộ trưởng Quốc Phòng Mỹ khẳng định : Bảo vệ đồng minh Seoul là "ưu tiên" của Washington, và Hoa Kỳ cam kết "triệt để hậu thuẫn" nền dân chủ Hàn Quốc.
Bộ trưởng Quốc Phòng James Mattis là lãnh đạo đầu tiên của chính quyền Trump công du nước ngoài. Theo giới quan sát, mục tiêu chủ yếu của chuyến đi này là nhằm trấn an các quốc gia Đông Bắc Á. Hàn Quốc lo ngại về tương lai của liên minh quân sự lâu đời với Hoa Kỳ, sau khi ông Donald Trump tuyên bố sẽ rút quân Mỹ khỏi bán đảo Triều Tiên và Nhật Bản nếu các đối tác không tăng mạnh các đóng góp tài chính. Các phát biểu của Bộ trưởng James Mattis trong chuyến công du Hàn Quốc vừa qua được đánh giá là tiếp nối chính sách ngoại giao truyền thống của Mỹ với các đồng minh Châu Á.
Hôm 02/02/2017, Bộ trưởng Quốc Phòng Mỹ và thủ tướng Hàn Quốc Hwang Kyo Ahn đã đồng ý thúc đẩy triển khai hệ thống lá chắn tên lửa THAAD trên lãnh thổ Hàn Quốc, nhằm bảo vệ Hàn Quốc trước các đe dọa hạt nhân của Bắc Triều Tiên. Theo kế hoạch, dự án sẽ được hoàn thành trong năm 2017.
Theo các chuyên gia, trong thời gian gần đây, chế độ Kim Jong-un đã có những tiến Bộ đáng kể trong chương trình tên lửa đạn đạo mang đầu đạn hạt nhân, có thể tấn công đến Hoa Kỳ. Trong năm 2016, Bình Nhưỡng đã thử bom nguyên tử hai lần và thử tên lửa hàng chục lần. Trong một phát biểu đầu năm mới 2017, Kim Jong-un tuyên bố Bình Nhưỡng sắp thử tiếp hỏa tiễn xuyên lục địa.
Tháng 02/2016, sau khi Bình Nhưỡng thử nguyên tử, chính quyền Seoul đã chấp nhận kế hoạch triển khai THAAD trên lãnh thổ Hàn Quốc, tuy nhiên địa điểm cụ thể lắp đặt dự án này còn chưa được quyết định. Bắc Kinh - đồng minh số một của Bắc Triều Tiên - phản ứng rất mạnh với dự án hệ thống lá chắn tên lửa THAAD, với lý do hệ thống này có thể ảnh hưởng đến an ninh của Trung Quốc.
Trước khi rời Hàn Quốc tới Nhật Bản hôm nay, Bộ trưởng Quốc Phòng Mỹ đã tới đặt hoa tại tượng đài chiến sĩ vô danh tại Seoul, và gặp gỡ hàng trăm cựu chiến binh Hàn Quốc, từng tham gia cuộc chiến tranh Triều Tiên 1950-1953, cùng những người ủng hộ.
Tại Tokyo, ông James Mattis sẽ gặp thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe và đồng nhiệm Tomomi Inada.
Trọng Thành