Thủ tướng Benjamin Netanyahu mới nói với ABC News rằng : "Israel sẽ trách nhiệm về an ninh trong toàn thể Giải Gaza trong một thời gian không hạn định vì chúng tôi đã thấy khi bỏ trách nhiệm đó thì chuyện gì đã xảy ra", ám chỉ vụ quân Hamas đột kích tàn sát 1.400 người Israel ngày 7 tháng 10.
Dân Israel đang đặt câu hỏi về chính sách đó : Tại sao Netanyahu nuôi dưỡng nhóm Hamas để cho họ mạnh ngang với chính quyền Abbas, khi chủ trương được chính nhóm này công bố là sẽ xóa bỏ nước Israel ?
Ông Netanyahu nói "thời gian không hạn định" là bao lâu ? Chắc đến khi ông thôi làm thủ tướng. Netanyahu đã báo trước cuộc chiến Gaza sẽ rất khó khăn và lâu dài, có thể ông tin rằng khi chiến tranh chưa chấm dứt thì dân Israel sẽ không muốn thay đổi người lãnh đạo chính phủ.
Nhưng một cuộc nghiên cứu dư luận mới của Đại học Tel Aviv cho biết đa số dân Israel muốn ông Netanyahu từ chức. Ông là vị thủ tướng nắm quyền lâu nhất, trong 15 năm qua, nên phải chịu trách nhiệm về cuộc đột kích đẫm máu của ba ngàn quân Hamas. Cơ quan tình báo và quân đội Israel vẫn nổi tiếng vô địch, nhưng lần này đã không tiên đoán được và không đề phòng, vì chính sách của ông thủ tướng hướng các tài nguyên, nhân lực của Israel vào những mục tiêu khác.
Một mục tiêu của ông Netanyahu là bành trướng đất đai cho người Israel lập nghiệp khắp miền đất Vùng Tây Ngạn (West Bank) sông Jordan, để lãnh thổ mở rộng lớn bằng vùng "Đất Hứa" đã ghi trong Kinh Thánh và trong lịch sử dân Do Thái. Lãnh tụ các đảng bảo thủ cực đoan trong chính phủ liên hiệp của ông vẫn đề cao sứ mạng thiêng liêng này, ông cần thỏa hiệp với họ để có thể tiếp tục làm thủ tướng.
Thứ Bảy tuần qua, ông Netanyahu công bố cuộc tấn công trực tiếp vào giải Gaza sau hơn ba tuần lễ pháo kích, bỏ bom và bắn hỏa tiễn ; ông đã nhắc tới một kinh trong Cựu Ước, viết về sắc dân Amalekites. Như ký giả Nicholas Kristof giải thích trên báo New York Times, theo kinh Amalek, thì Thượng Đế đã ban lệnh cho dân Do Thái "giết tất cả đàn ông, đàn bà, trẻ con và các hài nhi" thuộc sắc dân Amalekites. Nhà báo Kristof viết, ông Netanyahu không chủ trương chính sách đã viết trong Kinh, nhưng "Amalek" là chữ quan trọng thường xuất hiện trong chính trị Israel khi nói về một kẻ thù tàn bạo cần bị tiêu diệt không thương tiếc.
Để đạt mục tiêu bành trướng đất đai với các trại định cư mới, ông Netanyahu thực hiện một kế hoạch song hành, là làm mọi cách đè bẹp sức đề kháng của dân Palestine, những người làm chủ phần lớn vùng đất đó trước năm 1948, khi nước Israel tuyên bố thành lập.
Ông Netanyahu đã giúp sức Đảng Hamas cai trị hơn 2 triệu dân tại Gaza để chia rẽ họ với chính quyền Palestine chính thức của ông Mahmoud Abbas ở Ramallah, chỉ kiểm soát hơn một triệu dân trong vùng Tây Ngạn. Khi dân Palestine chia rẽ và không còn ai là đại diện được mọi người chấp nhận thì chính phủ Israel có lý do xóa bỏ những thỏa thuận từ trước, do các vị tổng thống Mỹ khởi xướng, theo đó sẽ thành lập một nước Palestine sống bên cạnh Israel.
Năm 2005, đảng Hamas được dân ở Gaza tín nhiệm. Nhiều người dân được phép đi qua Israel làm việc lao động, với đồng lương cao hơn ở Gaza. Năm 2018, Netanyahu cho phép chính phủ Qatar, một vương quốc Ả rập giàu có, chuyển cho chính quyền Hamas hàng chục triệu mỹ kim tiền viện trợ.
Dân Israel đang đặt câu hỏi về chính sách đó : Tại sao Netanyahu nuôi dưỡng nhóm Hamas để cho họ mạnh ngang với chính quyền Abbas, khi chủ trương được chính nhóm này công bố là sẽ xóa bỏ nước Israel – còn Abbas trước sau vẫn chính thức công nhận Israel, qua những thỏa ước đã ký kết ?
Ông Netanyahu đã thành công trong kế hoạch chia rẽ nhóm Hamas với Mahmoud Abbas, nhưng không thể hiểu được tâm tình của người Palestine và không kiềm tỏa được khát vọng lập lại một quê hương mà họ ôm ấp. Ngược lại, các chính sách và hành động của chính phủ Israel đã nung nấu thêm nỗi uất hận của họ.
Dân Israel, tới hơn 700 ngàn người, đã lập các làng định cư, được chính phủ Netanyahu yểm trợ. Nhiều lần họ đánh nhau với dân Palestine trong các làng lân cận, số người Israel chết ít hơn. Quân đội Israel thường không can thiệp nhưng cảnh sát vẫn bênh vực dân định cư.
Israel tuyên bố lập thủ đô ở Jerusalem, nơi người Palestine vẫn coi sẽ là thủ đô của họ khi chính thức lập quốc. Hầu hết các quốc gia khác không công nhận quyết định của Netanyahu vì Jerusalem là nơi được coi là đất thánh của cả người Hồi giáo và Thiên Chúa Giáo. Nhiều chính khách Israel như ông Ariel Sharon đã đến cầu nguyện tại những di tích lịch sử, như Đồi Đền Thở (Temple Mount), nơi có một giáo đường Hồi giáo quan trọng bậc nhất. Hành động khiêu khích đó gây ra một cuộc nổi dậy, bạo loạn (intifada) của dân Palestine khắp cả vùng. Ngày 5/4/2023, quân đội Israel đã tiến vào Đền thờ Al-Aqsa, dùng lựu đạn cay đuổi những người Palestine ra ngoài, lấy lý do họ đã ném đá vào cảnh sát Israel. Hơn 400 người bị bắt và 150 người bị thương. Ngay sau đó, quân Hamas đã phóng hỏa tiễn vào Israel để trả thù, và bây giờ vẫn tiếp tục. Mohammed Deif, thủ lãnh Hamas đứng đầu cuộc đột kích ngày 7 tháng 10 đã đặt tên vụ tấn công này là "Trận Lụt Al-Aqsa".
Dân trong Giải Gaza cũng nuôi lòng bất mãn, oán hận vì bị kiềm tỏa, kinh tế không thể phát triển. Israel vẫn phong tỏa bờ biển, không phận và các làn sóng điện, cùng tất cả các đường vào khu đất rộng 14 km dài 40 km này, trừ một lối đi qua Egypt (Ai Cập). Nhiều người dân Gaza ví cuộc sống của họ như ở trong một nhà tù lớn. Với viện trợ từ các nước Ả rập khác, và Iran, nhóm Hamas gia tăng lực lượng vũ trang và xây dựng hệ thống phòng thủ, lâu lâu lại phóng hỏa tiễn qua Israel để thử thách. Các vụ khiêu khích này và tình trạng bị phong tỏa gắt gao khiến người dân tin tưởng, trông cậy chính quyền Hamas hơn.
Nhóm Hamas muốn dư luận các nước Ả rập, và cả thế giới không được quên vấn đề người Palestine vẫn sống trong các "trại tị nạn" kể từ năm 1948, và sau cuộc chiến 1967 khiến Israel chiếm đóng thêm nhiều đất đai của họ. Vụ đột kích tàn bạo vào thường dân Israel ngày 7 tháng 10 có thể là một cái bẫy, nhằm khiêu khích cho chính phủ Israel phản ứng mạnh mẽ và tàn bạo không kém. Cuộc tấn công của quân Israel vào Giải Gaza là điều nhóm Hamas chờ đợi, để tạo ảnh hưởng trên dư luận.
Quả nhiên, dư luận đã thay đổi. Số thường dân bị giết đã lên hơn chục ngàn người, gần một nửa là trẻ em, cả thế giới phải đau lòng. Những cuộc biểu tình ủng hộ người Palestine diễn ra khắp thế giới Ả rập và các nước Hồi giáo, ngay cả tại các thủ đô London, Washington DC, Berlin, Paris, và Amman, thủ đô Jordan, và Cairo, Ai Cập. Thổ Nhĩ Kỳ là nước thân thiện với Israel nhất giữa các nước Hồi giáo trong vùng, cũng đổi thái độ. Nhiều quốc gia Ả rập đang thân thiện với Israel cũng rút lại, mấy nước ở Châu Mỹ La tinh đã triệu hồi đại sứ về nước.
Cuộc chiến không biết bao giờ mới chấm dứt. Quân đội Israel đã bao vây Thành phố Gaza và đã tiến vào khu trung tâm. Họ có thể san bằng thành phố này để tìm ra nơi ẩn nấu của bộ chỉ huy Hamas. Chiến trận sẽ diễn ra trong từng góc phố, từng ngôi nhà, và từng khúc đường hầm, có nơi sâu 80m dưới mặt đất. Thế giới sẽ chứng kiến cảnh bao nhiêu thường dân bị chết oan.
Khi quân Israel bắt, giết hoặc tống xuất được các lãnh tụ quân Hamas, thì có thể coi là ông Netanyahu thành công hay chưa ? Hamas chỉ là một tập hợp những người chống Israel, một trong những nhóm cực đoan và tàn bạo nhất. Tiêu diệt được nhóm này, cũng không tiêu diệt được các ý tưởng căn bản của họ mà nhiều người Palestine cũng nuôi trong đầu. Hàng trăm ngàn thiếu niên Palestine và các xứ Ả rập khác đang chứng kiến cuộc chiến dẫm máu, họ sẽ lớn lên trong nỗi căm thù.
Chỉ khi nào chính phủ Israel đổi ý kiến, tuyên bố lại theo đuổi chủ trương "hai quốc gia" đã được nêu ra từ 40 năm trước, đồng ý việc thành lập một nước Palestine, thì lúc đó mới hy vọng đàm phán trong hòa bình.
Ông Netanyahu cần được nhắc nhở lời Ami Ayalon, người từng chỉ huy cơ quan tình báo Shin Bet của Israel, viết trong cuốn hồi ký in năm 2020 : "Giết các lãnh tụ khủng bố rồi không quan tâm đến nỗi uất hận của những người đi theo họ là một chuyện ngu ngốc, sẽ chỉ tạo thêm thất vọng căm hờn, và bạo động mạnh hơn".
Mohammed Diab Ibrahim muốn thế giới nhớ lại, nhắc nhở bằng những hành động tàn ác, phi nhân đạo, mong Netanyahu sẽ ra tay trả đũa cho tương xứng. Ông Netanyahu không thể bị đánh bẫy.
Thủ tướng Benjamin Netanyahu (phải) và Ngoại trưởng Mỹ, Antony Blinken, trong cuộc họp báo tại Israel.
Mục đích chính của nhóm Hamas là gì, khi đột kích tàn sát hàng ngàn thường dân Israel ? Để bắt con tin ? Để trả thù ? Để gây sợ hãi, khủng bố ? Hay chỉ giết, để thỏa lòng khát máu ? Hoặc tất cả những động cơ kể trên ?
Cuộc tấn công hầu như không nhắm mục tiêu quân sự nào. Không tìm cách phá hủy các trại lính, các phi trường, các giàn hỏa tiễn hoặc đại pháo. Không chiếm đất. Không tìm cách giết hết những người cầm súng bên địch.
Đám quân chỉ qua Israel để bắn giết, bắt cóc những khán giả dự một nhạc hội ngoài trời, những thanh niên nam nữ sống trong mấykibbutz, họ không có khí giới trong tay.
Chữ "kibbutz" có thể dịch là "nông trại", nhưng không đủ nghĩa, lại dễ hiểu lầm. Đó là những làng người Do Thái ở Israel lập ra sau năm 1948, thời lập quốc. Hồi 1964, 65 ở Sài Gòn, một số chúng tôi đã đọc tài liệu về trẻ Israel ở những kibbutz, phổ biến cho nhau, thán phục và muốn bắt chước họ.
Người tham gia kibbutz hoàn toàn tự nguyện và được chọn lọc. Họ được tự do rút lui, không như các "nông trại" của Stalin hay "công xã nhân dân" của Mao Trạch Đông. Chính phủ Israel không can thiệp vào đời sống của kibbutz. Họ sống tập thể trong kibbutz, thường trồng cây ăn trái, ngũ cốc, rau cỏ và các loại hoa màu. Tất cả tài sản là của chung ; ban quản trị được bầu lên, theo thủ tục dân chủ. Tôi còn nhớ một cuốn tự điển tiếng Pháp thời đó đã mô tả kibbutz như một thí dụ điển hình, khi định nghĩa chữ "socialisme" (chủ nghĩa xã hội). Thời đó ở miền Nam Việt Nam chúng tôi không được phép lập kibbutz, đến tuổi phải gia nhập quân đội. Nếu được phép lập, thì chắc chắn Việt Cộng cũng sẽ phá.
Trước đây mươi năm có lần tôi đã thăm hai kibbutz ở Israel – vì lòng hoài cổ. Dân ở đó vẫn sống theo các quy tắc như nửa thế kỷ trước. Họ thú nhận không thể phát triển. Nông sản của kibbutz cạnh tranh vất vả với các đại công ty nông nghiệp. Giới trẻ bây giờ cũng không chuộng nghề trồng trọt. Nhưng các lý tưởng sống tập thể, dân chủ, tự do, từ thời lập quốc vẫn tồn tại.
Thật không thể tưởng tượng đám quân của Hamas lại mở cuộc tàn sát chỉ nhắm vào những con người như vậy !
Câu hỏi là : Tại sao họ không tấn công các trại định cư của người Israel trong miền Tây Ngạn ? Ở đó có những người gốc Do Thái nuôi tinh thần "ái quốc cực đoan" tự tôn, và kỳ thị, đã đánh nhau với dân Palestine ở chung quanh nhiều lần. Liên Hiệp Quốc coi những "trại định cư" mới này là phi pháp, vì miền Tây Ngạn không thuộc lãnh thổ Israel ; chỉ "bị chiếm đóng" từ cuộc chiến 1967.
Quân Hamas đánh vào những kibbutz nằm trong vùng thuộc nước Israel ! Tại sao "đội binh al-Qassam" của Mohammed Diab Ibrahim, trong nhóm Hamas lại gây chiến với các kibbutz ? Tại sao phải giết chóc, tàn sát một cách dã man như vậy ?
Chỉ có thể giải thích, là họ cố tình chọn các địa điểm này. Và cố tình giết các thường dân, phụ nữ, cả các cụ già, theo lối man rợ nhất, bất chấp các quy tắc chiến tranh của loài người "văn minh".
Nhóm al-Qassam còn phô bày những thủ đoạn dã man tàn ác đó trong các đoạn phim được thâu hình, chỉ để tuyên truyền. Có thể nói, Mohammed "Deif" muốn khiêu khích cả nước Israel, nhất là Thủ tướng Netanyahu. Kích động cho Israel sẽ trả đũa "xứng đáng !"
Không ai dại dột làm đúng những việc mà đối thủ muốn mình làm ! Ông Netanyahu cần thoát khỏi cái bẫy đó, tránh cho nước ông và cho cả nước Mỹ.
Có thể tin rằng Netanyahu không dại dột. Ông mới thề sẽ "tiêu diệt" đạo quân Hamas để trừ hậu họa, nhưng có nhiều cách để thực hiện lời hứa này. Netanyahu biết lịch sử sẽ ghi tên mình như người lãnh đạo duy nhất đã để cho quân địch bất ngờ tấn công giết hàng ngàn dân chúng – số người chết nhiều nhất kể từ vụ diệt chủng thời Đức Quốc Xã. Ông không thể để nước Israel có thể mang tiếng không còn tinh thần nhân đạo khi hành động trả đũa !
Quân đội Israel sẽ không tấn công vũ bão bất chấp sinh mạng của thường dân. Họ đã báo trước cho dân Palestine ở Gaza phải di tản để tránh bom đạn. Chính phủ Israel còn thả truyền đơn mang hình ảnh những trẻ em Israel bị đội binh al-Qassam tàn sát cho người dân Gaza hiểu lý do của cuộc hành quân. Nếu lính Hamas lợi dụng đám thường dân chạy loạn làm bia đỡ đạn, lẩn trong đó để bắn máy bay Israel, người dân chết oan sẽ biết nhóm Hamas chịu trách nhiệm.
Netanyahu, 73 tuổi, là một chính trị gia lão luyện, làm thủ tướng lâu nhất trong lịch sử Israel, đã qua 16 năm. Ông giỏi chia rẽ các đối thủ để giành được quyền hành. Trước đây ông chống các ý kiến cực đoan, của những đảng chính trị đề cao dân tộc Do Thái. Vì họ chiếm phiếu các cử tri bảo thủ, cạnh tranh với đảng Likud của ông. Nhưng năm ngoái, không đủ đa số phiếu để lên chức thủ tướng, Netanyahu không ngần ngại liên minh với các đảng phái cực hữu, giao cho họ những ghế bộ trưởng quan trọng ; như Ben-Gvir giữ bộ An ninh, Bezalel Smotrich, bộ Tài chánh. Cả hai người này đều muốn dùng bạo lực với dân Palestine.
Và họ muốn gia tăng các trại định cư dân gốc Do Thái trong vùng Tây Ngạn. Vùng "Bờ phía Tây" bị Israel chiếm từ năm 1967, đặt dưới quyền quản trị của một Chính quyền thiết lập theo Hiệp ước Oslo, năm 1993. Hiệp ước Oslo do Mỹ bảo trợ là lần đầu tiên Israel nói chuyện chính thức với dân Palestine và đổi lại, lần đầu tiên đại diện người Palestine công nhận một quốc gia Israel, mà nhiều quốc gia Á Rập vẫn từ chối.
Từ đó, Netanyahu nghiêng về phía các đảng cực hữu, đi theo một chính sách "chia để trị" đối với dân Palestine. Một mặt, ông nói chuyện trực tiếp với nhóm Hamas, mặc nhiên công nhận họ lo quản trị giải Gaza. Ông hạ thấp địa vị của chính quyền Mahmoud Abbas ở Tây Ngạn, không còn là đại diện cho tất cả người Palestine nữa. Trong thực tế, đảng Fatah vẫn cộng tác với tình báo Israel khi cùng chống khủng bố.
Mặt khác, Netanyahu nhờ chính phủ Mỹ vận động một số nước Á Rập trong vùng công nhận nước Israel, bỏ qua một điều kiện tiên quyết họ vẫn đặt ra, là phải thành lập một nước Palestine trước. Vẫn dùng mưu "chia để trị", Netanyahu đã thành công. Vấn đề Palestine sẽ trở thành một chuyện "nội bộ", chính phủ Israel sẽ giải quyết nếu cần. Trong năm cuộc bỏ phiếu toàn quốc ở Israel vừa qua, khi tranh cử không một đảng nào nêu câu hỏi về cách đối sử với người Palestine. Quốc gia Á Rập giàu nhất là Saudi đang thảo luận việc công nhận Israel. Thế giới sẽ dần dần lãng quên, không ai bàn "vấn đề Palestine" nữa.
Mohammed Diab Ibrahim muốn thế giới nhớ lại, nhắc nhở bằng những hành động tàn ác, phi nhân đạo, mong Netanyahu sẽ ra tay trả đũa cho tương xứng.
Ông Netanyahu không thể bị đánh bẫy. Ông đã lập một "Nội các Khẩn trương Thời Chiến", mời các người đối lập tham dự, như ông Benny Gantz từng giữ bộ quốc phòng trong những năm 2020 tới 2022. Chính phủ mới sẽ chứng tỏ Israel trước sau vẫn là một quốc gia dân chủ tự do, tôn trọng các quy luật chiến tranh của loài người. Những người xây dựng nước Israel, những người tình nguyện sống trong các kibbutz từ ngày lập quốc, họ đều muốn Israel là một quốc gia muốn biểu hiện những lý tưởng mà loài người vẫn theo đuổi.
Ngô Nhân Dụng
Nguồn : VOA, 14/10/2023