Ủy ban Kiểm tra của Ban Chấp hành Trung ương Đảng cộng sản Việt Nam đã đặt dấu chấm hết cho "sự nghiệp chính trị" của ông Nguyễn Bá Cảnh, Thành ủy viên, Phó Ban Dân vận Thành ủy Đà Nẵng, Đại biểu Hội đồng nhân dân thành phố Đà Nẵng, khi kết luận ông Cảnh "vi phạm về phẩm chất đạo đức, lối sống, vi phạm quy định của Ban chấp hành trung ương Đảng cộng sản Việt Nam về những điều đảng viên không được làm và các quy định của đảng về trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên" (1).
Ông Nguyễn Bá Cảnh, con trai của cố Bí thư Đà Nẵng Nguyễn Bá Thanh (giữa) chụp chung với cha mẹ và vợ - hình vợ bé góc phải dưới
Đề nghị của Ủy ban Kiểm tra thuộc Ban chấp hành trung ương Đảng cộng sản Việt Nam đối với Ban Bí thư Ban chấp hành trung ương Đảng cộng sản Việt Nam "xem xét, thi hành kỷ luật" ông Cảnh chỉ là thủ tục. tháng trước, khoảng 75% Thành ủy viên của Thành ủy Đà Nẵng "nhất trí" tước bỏ tất cả chức vụ trong Đảng cộng sản Việt Nam của ông Cảnh (2). Chỉ cần biết đôi chút về đời tư, sinh hoạt của các viên chức lãnh đạo hệ thống chính trị, hệ thống công quyền từ trung ương đến địa phương tại Việt Nam sẽ chẳng có ai tin ông Cảnh rơi xuống đáy chỉ vì "vi phạm Luật Hôn nhân Gia đình" !
Ông Cảnh là một ví dụ minh họa nữa cho tình trạng "hổ tử" trở thành "cẩu tử" vì "hổ phụ" thất thế hay tạ thế.
***
Nhìn vào lý lịch đã được công khai của ông Cảnh, ai cũng thấy ông hơn… người nhưng không phải vì tư cách, tài năng nổi trội mà chỉ vì là quý tử của ông Nguyễn Bá Thanh.
Sau khi hoàn tất bậc đại học ở Việt Nam, ông Cảnh sang Anh du học sau đại học. Chỉ một thời gian ngắn sau khi quay về Việt Nam, ông Cảnh trở thành Phó Bí thư Thường trực rồi Bí thư Thành Đoàn Đà Nẵng, Ủy viên Ban chấp hành trung ương Đoàn Thanh niên cộng sản, Phó Chủ tịch Ban chấp hành trung ương Hội Sinh viên Việt Nam, kế đó được chọn làm đại biểu Hội đồng nhân dân thành phố Đà Nẵng, Thành ủy viên, Phó Ban Dân vận Thành ủy Đà Nẵng. Không chỉ có thế ! Nhiều người rành rẽ Đà Nẵng khẳng định, ông Cảnh còn là người giàu nứt đố đổ vách, liên hệ một số trung tâm thể thao và giải trí đồ sộ ở Đà Nẵng.
Có cá nhân nào là con thường dân thăng tiến nhanh và giàu có như thế không ? Chắc chắn là không !
Ông Cảnh hơn… người chỉ nhờ "hổ phụ" nhưng ít ai thắc mắc như đã từng dè bỉu nhiều "hổ tử" khác. Trong mắt công chúng, ông Nguyễn Bá Thanh – thân phụ ông Cảnh – là một nhân vật được ngưỡng vọng không chỉ vì đã biến Đà Nẵng trở thành "thành phố đáng sống" mà còn vì những phát biểu được khen là… bộc trực, khiến công chúng xúc động, chẳng hạn như khuyến dụ viên chức phải… tự trọng ! Trong hệ thống mà ăn tạp không chừa thứ gì trở thành tình trạng phổ biến từ trên xuống dưới, ngay sau khi được sắp đặt làm Trưởng ban Nội chính của Ban chấp hành trung ương Đảng cộng sản Việt Nam, thân phụ ông Cảnh đã khơi lên hy vọng với tuyên bố : Sẽ rà soát một số thứ và sẽ… hốt liền không nói nhiều (3).
Đó cũng là lý do khiến việc thân phụ ông Cảnh mắc trọng bệnh trở thành tin đặc biệt, ít ai chấp nhận chuyện thân phụ ông Cảnh bị bệnh hiểm nghèo là tự nhiên, người ta thích xem đó như một âm mưu, nhằm triệt hạ một nhân vật được cho là không khoan nhượng với tham nhũng… Ngày thân phụ ông Cảnh được đưa từ Mỹ về Đà Nẵng, có cả ngàn người ở Đà Nẵng đổ ra đường đứng ngóng. Khi thân phụ ông Cảnh qua đời, không chỉ hệ thống truyền thông chính thức mà ngay cả mạng xã hội cũng tràn ngập xót xa, tiếc nuối vì thân phụ ông Cảnh – nhân vật được công chúng ký thác niềm tin, thiện cảm vắn số, chẳng còn ai đáng tin trong việc diệt trừ thứ quốc nạn khiến người Việt khốn cùng...
Gia đình ông Cảnh đã biến nơi chôn cất thân phụ ông Cảnh thành một đền thờ, dựng cả nhà bia, tạc vào đá thân thế, sự nghiệp của ông Nguyễn Bá Thanh (4) !..
***
Từ khi kết luận điều tra, cáo trạng những vụ án liên quan Phan Văn Anh Vũ (Vũ "nhôm) được công bố, công chúng Việt Nam mới ngỡ ngàng nhân ra, ông Nguyễn Bá Thanh – thân phụ ông Cảnh, chính là bà đỡ để Vũ "nhôm" từ một cá nhân chỉ chuyên gia công khung nhôm, lắp ráp kính trở thành kẻ "chọc trời, khuấy nước". Chín dự án, 31 công thự ở Đà Nẵng lọt vào tay Vũ "nhôm", tạo tiền đề để Vũ "nhôm" bước những bước vững chãi ra khỏi Đà Nẵng, vươn đến các khu vực khác đều có "dấu ấn" của ông Thanh. Không có ông Thanh đứng phía sau (5), Vũ "nhôm" không thể khuynh đảo toàn bộ hệ thống chính trị, hệ thống công quyền tại Việt Nam.
Vũ "nhôm" lâm nạn kéo theo hàng loạt viên chức chủ chốt của thành phố Đà Nẵng vào tù, trong số này có hai cựu Chủ tịch thành phố, lãnh đạo Văn phòng UBND thành phố, cả cựu Giám đốc lẫn cựu Phó Giám đốc Sở Tài nguyên – Môi trường, lãnh đạo Ban Xúc tiến và Hỗ trợ đầu tư, lãnh đạo Văn phòng Thành ủy,… Tất cả những viên chức ấy đều… trưởng thành dưới thời ông Thanh. Tới lúc đó, họ mới thú thật, họ ở thế phải thực hiện chỉ đạo của ông Thanh, từ giao đất tới hợp thức hóa việc mua bán các công sản (6). Các tài liệu lưu trữ thể hiện rất rõ ràng, chủ trương là của ông Thanh nhưng ông Thanh đã mãn phần nên họ đành "giơ đầu chịu báng" (7).
Trong số các bí mật được bật mí, có những chuyện như ông Thanh chỉ đạo giao bán đảo Sơn Trà cho Vũ "nhôm" thực hiện Dự án Ghềnh Bàn - Bãi Đa, rồi Vũ "nhôm" nhượng cho chị dâu ông Đào Tấn Bằng, Chánh Văn phòng thành phố Đà Nẵng một lô đất 300 mét vuông. Sau đó ông Thanh phê duyệt, giao cho chị dâu ông Bằng thêm 12.473 mét vuông nữa để xây dựng Khu Du lịch - Vườn sinh thái. Dự án Ghềnh Bàn – Bãi Đa phá sản nhưng Khu Du lịch - Vườn sinh thái đã hoàn tất. Năm ngoái, sau khi bị bắt, ông Bằng thú nhận, chị dâu của ông chỉ đứng tên giùm ông Thanh theo yêu cầu của ông Thanh. Sau khi ông Thanh qua đời, chị dâu ông Bằng đã chuyển nhượng Khu Du lịch – Vườn sinh thái vừa kể cho em vợ ông Thanh (8)…
***
Bao nhiêu người vỡ òa vì… thất vọng khi mặt nạ của nhân vật chuyên khuyến dụ "tự trọng", cao giọng thề "hốt liền" rớt xuống ? Chắc chắn là rất đông ! Tuy nhiên xét cho đến cùng, họ không đáng trách. Trong một hệ thống trước nay vẫn dung dưỡng cho nhau ăn tàn, phá hại, những cá nhân lớn giọng, giỏi biểu diễn như Nguyễn Bá Thanh, Đinh La Thăng,… có rất nhiều cơ hội để trở thành chỗ cho công chúng trông vào vì tuyệt vọng.
Đang có rất nhiều dấu hiệu cho thấy, Đà Nẵng – thành phố đáng sống đang trên đường trở thành nơi khó sống, không phải vì thiếu Nguyễn Bá Thanh mà vì Nguyễn Bá Thanh dùng "mỡ nó rán nó" để thu đoạt cả danh lẫn lợi. Nội lực của thành phố đáng sống chỉ có quỹ đất nhưng quỹ đất đã cạn sau một thời gian dài bị chia chác đủ kiểu. Thành phố đáng sống nay đang vật lộn với hậu quả do môi trường bị hủy diệt, do qui hoạch tùy tiện.
Chỉ sau ba năm, đền thờ - bia đá chạm khắc thân thế - sự nghiệp của ông Nguyễn Bá Thanh đã trở thành kệch cỡm. "Hổ" hóa ra cũng chỉ là giun sán ký sinh trên mồ hôi, nước mắt, kể cả máu của lương dân. Nếu "sự nghiệp chính trị" của ông Cảnh không tan tành, ông Cảnh lại nối nghiệp, nối chí cha thì sao ?.. Cứ soi vào thân thế - sự nghiệp của ông Thanh, ai cũng có thể tìm được câu trả lời.
Bài học lớn nhất sau khi đã ký gửi niềm tin, hy vọng vào những Đinh La Thăng "trảm tướng", Nguyễn Bá Thanh "hốt liền",… có lẽ chính là không thể trông chờ những người cộng sản tái lập trật tự. Muốn có một xã hội thật sự công bằng, dân chủ, văn minh, người Việt phải tự giành lấy cho mình. Kiểu tư duy thôi thì ăn được sẽ làm được dù sao cũng đợ hơn những kẻ chỉ ăn chứ không làm là tư duy tự hủy.
"Sự nghiệp chính trị" của ông Cảnh đã chấm dứt nhưng số phận khối tài sản khổng lồ mà ông Cảnh thừa kế chắc là… không sao ! Thế còn Đà Nẵng, còn xứ sở này thì sao ?...
Trân Văn
Nguồn : VOA, 08/05/2019
Chú thích :
(1) https://www.tienphong.vn/xa-hoi/de-nghi-ban-bi-thu-ky-luat-ong-nguyen-ba-canh-1411201.tpo
(3) https://vietnamnet.vn/vn/thoi-su/cho-hot-lien-khong-noi-nhieu-104754.html
(7) https://plo.vn/thoi-su/cuu-chu-tich-da-nang-tran-van-minh-bi-bat-the-nao-765814.html
Phải đợi đến thời điểm Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ công an Việt Nam bắt Phan Văn Anh Vũ (Vũ "nhôm"), khởi tố vụ án "Cố ý làm lộ bí mật nhà nước", "Trốn thuế", "Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ" thì cố Bí Thư thành ủy Đà Nẵng ông Nguyễn Bá Thanh, một "tượng đài thanh quan" bấy lâu của người dân Đà Nẵng đang thực sự chuyển sang gam màu tối với những tiết lộ liên quan đến những sai phạm diễn ra tại Đà Nẵng lúc còn sống …
Nguyễn Bá Thanh và Nguyễn Phú Trọng - Ảnh : Internet
Có thể nói "phát súng" đầu tiên sau hơn 03 năm nằm trong lòng đất đối với cựu Bí thư thành ủy Đà Nẵng - ông Nguyễn Bá Thanh - chính là lời khai của ông Đào Tấn Cường (SN 1969, trú phường Thanh Bình, quận Hải Châu, nguyên Phó giám đốc Công ty cổ phần nhiên liệu bay Petrolimex chi nhánh Đà Nẵng) tại phiên xử sơ thẩm ngày 9/2/2018. Ông Cường bị Tòa án Đà Nẵng đưa ra xét xử với tư cách là bị cáo với cáo buộc có hành vi đe dọa giết Chủ tịch Ủy ban Thành phố Đà Nẵng Huỳnh Đức Thơ. Qúa trình diễn ra phiên xử, Hội đồng xét xử có hỏi ông Cường liên quan gì đến lô đất L09 tại bán đảo Sơn Trà ? Ông Cường cho biết vào năm 2006, vợ ông Cường là bà Lê Thị Ngọc Oanh đứng tên lô đất L09 này giúp ông Nguyễn Bá Thanh. Sau khi ông Thanh mất, ông Cường trả đất lại cho gia đình ông Thanh bằng cách lập hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng toàn bộ đất biệt thự L09 cùng tài sản gắn liền trên đất cho ông Lê Hữu Tiến và vợ là bà Võ Thị Thanh Vân. Được biết, ông Tiến lại là em ruột của bà Lê Thị Quý, vợ của ông Nguyễn Bá Thanh.
Theo cáo trạng vụ án đe dọa giết Chủ tịch Ủy ban Thành phố Đà Nẵng ông Huỳnh Đức Thơ, do ông Cường nghi ngờ ông Trần Phước Sơn - Phó chánh văn phòng Ủy ban Thành phố Đà Nẵng đã tham mưu, đề xuất ông Thơ ký quyết định thanh tra lô đất L09 tại Sơn Trà, gây bất lợi đến uy tín em trai mình là ông Đào Tấn Bằng - nguyên Chánh văn phòng thành ủy Đà Nẵng nên đã mua sim điện thoại nhắm tin de dọa ông Thơ. Ngày 18/8/2017, Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ công an bắt khẩn cấp Đào Tấn Cường, khởi tố tội danh "Đe dọa giết người". Ông Cường bị Tòa án Đà Nẵng tuyên bản án sơ thẩm là 18 tháng tù giam.
Tuy không thể triệu tập ông Thanh ra tòa đối chất nhưng lời của ông Cường như "phát súng" nổ vào "tượng đài thanh quan" Nguyễn Bá Thanh đối với tấm lòng suy tôn và mến mộ của người dân Đà Nẵng.
"Phát súng" thứ hai nổ vào "tượng đài thanh quan" Nguyễn Bá Thanh chính là việc Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ công an Việt Nam khởi tố vụ án và bắt tạm giam ông Phan Văn Anh Vũ (tức Vũ "nhôm") vào tháng 12/2017 với những cáo buộc tội "Cố ý làm lộ bí mật nhà nước", "Trốn thuế", "Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ". Vụ án này sau đó vào ngày 17/04/2018, Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ công an Việt Nam đã phát lệnh khởi tố hàng loạt lãnh đạo và cựu lãnh đạo cấp cao ở Đà Nẵng như : cựu Chủ tịch ông Ủy ban Trần Văn Minh, cựu Chủ tịch Ủy ban ông Văn Hữu Chiến, ông Nguyễn Điểu nguyên Giám đốc Sở Tài nguyên môi trường TP, ông Trần Văn Toán - nguyên Phó Giám đốc Sở Tài nguyên môi trường TP, ông Lê Cảnh Dương - Giám đốc Ban xúc tiến và hỗ trợ đầu tư Thành phố với cáo buộc có hành vi "Vi phạm các quy định của nhà nước về quản lý đất đai" quy định tại Điều 229 Bộ luật Hình sự năm 2015.
Riêng ông Minh và ông Chiến còn bị Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ công an khởi tố thêm hành vi "Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản nhà nước gây thất thoát, lãng phí" quy định Điều 219 Bộ luật Hình sự năm 2015. Ông Minh hiện đang bị tạm giam và ông Chiến thì đang áp dụng lệnh cấm đi khởi nơi cư trú.
Trao đổi với báo đài Việt Nam sau khi có lệnh khởi tố của Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ công an, ông Nguyễn Điểu nguyên Giám đốc Sở Tài nguyên môi trường Thành phố cho biết bản thân ông đã làm việc với Bộ công an về việc khởi tố có liên quan đến vụ án ông Vũ "nhôm". Ông Điểu nói những dự án giao cho Vũ "nhôm" thì Thành phố có chủ trương và quyết định. Còn sở, ngành chỉ là đơn vị làm theo, hợp thức hóa thủ tục hành chính. Ông Điểu cũng có nhắc đến ông Minh, ông Chiến và ông Nguyễn Bá Thanh vào thời điểm giao dự án, nhà và đất công sản cho ông Vũ "nhôm" là những người ở cương vị đứng đầu Thành phố nên có trách nhiệm chính.
"Phát súng" thứ hai này dành cho ông Nguyễn Bá Thanh thì dư luận dễ dàng suy luận được trong khi "phát súng" thứ nhất lại khiến cho dư luận bất ngờ về "tượng đài thanh quan" đang bị bóc mẽ và có chăng chỉ ở giới cán bộ các cấp cầm quyền mới không bất ngờ về điều này và nhiều người cho rằng, liệu Nguyễn Bá Thanh có bị "đội mồ" để cho vào "lò" của ông Trọng không, khi những ngọn lửa trong "lò"của ông Trọng ngày càng cháy mạnh
Trong giai đoạn 2003-2014, thời kỳ ông Nguyễn Bá Thanh nắm chức Chủ tịch ủy ban, Bí thư thành ủy Đà Nẵng thì cũng là giai đoạn Vũ "nhôm" cho người dân Đà Thành và đại gia bất động sản cả nước thấy một sự nhảy vọt "thần kỳ", từ một thợ nhôm trở thành một đại gia bất động sản đầy tên tuổi, thâu tóm hầu hết những dự án, đất và nhà công sản ở Đà Nẵng. Cali Today từng có bài viết, sự đi lên của ông Vũ "nhôm" gắn liền với chiếc ghế quyền lực của ông Nguyễn Bá Thanh ở Đà Thành và dĩ nhiên ông Thanh về với cát bụi thì Vũ "nhôm" vào nhà đá cũng là điều dễ hiểu.
Cũng cần phải nói thêm, những sai phạm của Vũ "nhôm" cũng có phần trách nhiệm của ông Thanh nên với chiến dịch "đốt lò" chống tham nhũng do Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng khởi xướng ở hiện tại nếu ông Thanh còn sống chắc chắn những ngày qua cũng bị Bộ công an "sờ gáy". Và như vậy, không chỉ riêng người dân Đà Thành và người dân cả nước Việt Nam một phen chấn động, đến lúc này "tượng đài thanh quan" trong lòng dân của Nguyễn Bá Thanh đã suy giảm. Mà chắc cũng không yên đối với ông Thanh dù ông đã chết vì vụ án Vũ "nhôm" đang ở cao điểm diệt tham quan ở các nơi và Đà Nẵng đang là chảo dầu đang sôi sục.
Căn cứ vào Quy định số : 102-QĐ/TW của Ban Chấp hành trung ương Đảng cộng sản Việt Nam ký ngày 15/11/2017 về việc quy định xử lý kỷ luật Đảng viên vi phạm, tại Khoản 2 Điều 5 của Quy định này có nói các trường hợp chưa xem xét, xử lý kỷ luật và không xử lý kỷ luật Đảng viên vi phạm đã qua đời, tổ chức đảng xem xét, kết luận, không xử lý kỷ luật trừ trường hợp đảng viên đó vi phạm kỷ luật đặc biệt nghiêm trọng. Vậy có nghĩa là nếu vụ án Vũ "nhôm" hoặc những sai phạm liên quan việc quản lý đất đai ở Đà Nẵng mà ông Nguyễn Bá Thanh dù hiện tại đã chết nhưng nếu bị phát hiện có những hành vi vi phạm đặc biệt nghiêm trọng thì vẫn có thể bị xử lý. Và nếu điều này thực sự xảy ra thì có lẽ "tượng đài thanh quan" dành cho ông Nguyễn Bá Thanh sẽ bị hạ bệ ngay tức khắc trong lòng người dân Đà Nẵng.
Ông Nguyễn Bá Thanh (Sinh ngày 8/4/1953- Mất ngày 13/2/2015), lật lại những tờ lịch thì phát hiện ngày mất của ông Thanh trúng vào Thứ Sáu ngày 13, theo tâm linh của nhiều nước phương Tây đây là ngày kém may mắn.
Quê Hương
Nguồn : CaliToday, 21/04/2018
Dường như tình tiết "vẫn kiểm tra, kết luận và xử lý kỷ luật" những đảng viên có "vi phạm đặc biệt nghiêm trọng" cho dù đảng viên ấy "đã qua đời", được nêu trong văn bản mang số 04-HD/UBKTTW, do Ủy ban Kiểm tra của Ban chấp hành trung ương Đảng cộng sản Việt Nam (Ban chấp hành trung ương Đảng cộng sản Việt Nam) ban hành hồi đầu tháng này, nhằm dọn đường cho việc xử lý kỷ luật ông Nguyễn Bá Thanh - cựu Ủy viên, cựu Trưởng ban nội chính, cựu Phó ban chỉ đạo chống tham nhũng của Ban chấp hành trung ương Đảng cộng sản Việt Nam, trước nữa từng là cựu Bí thư, cựu Chủ tịch thành phố Đà Nẵng.
Ông Nguyễn Bá Thanh. Ảnh giáo dục
Tiếng là hướng dẫn thực hiện Quy định mang số 102-QĐ/TW do Ban chấp hành trung ương Đảng cộng sản Việt Nam ban hành hồi tháng 11 năm ngoái, với mục tiêu là xem xét, xử lý kỷ luật đảng viên của Đảng cộng sản Việt Nam nhưng văn bản số 04-HD/UBKTTW gây ấn tượng mạnh hơn, khiến công chúng chú ý nhiều hơn nhờ tình tiết, sẽ không tha những đảng viên đã chết trong trường hợp đảng viên ấy có "vi phạm đặc biệt nghiêm trọng" lúc còn sống.
Hai tuần sau khi văn bản số 04-HD/UBKTTW ra đời, ngoài ông Phan Hữu Tuấn - Trung tướng, cựu Tổng cục phó Tổng cục Tình báo của Bộ Công an tra tay vào còng, còn có hai cựu Chủ tịch, cựu Giám đốc và Phó Giám đốc của Sở Tài nguyên Môi Trường, cựu Giám đốc Ban Xúc tiến và Hỗ trợ đầu tư,… của thành phố Đà Nẵng bị bắt vì được xác định là tòng phạm của Phan Văn Anh Vũ (Vũ nhôm) trong hàng loạt vụ án : "Cố ý làm lộ tài liệu bí mật nhà nước", "Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản nhà nước gây thất thoát, lãng phí", "Vi phạm các quy định của Nhà nước về quản lý đất đai", "Cố ý làm trái, vi phạm quy định trong cho vay".
Từ khi "Vũ nhôm" - chủ một cơ sở chuyên gia công nhôm, kính - đột nhiên "đứng dậy sáng lòa", trở thành "đại gia" khuynh đảo thị trường bất động sản, rồi hệ thống ngân hàng, hệ thống công quyền, hệ thống bảo vệ pháp luật ở Đà Nẵng, Hà Nội, Sài Gòn, người ta đã rỉ tai nhau về Nguyễn Bá Thanh như một ông trùm đứng phía sau "Vũ nhôm". Tuy nhiên "tiếng dữ" hết sức yếu ớt vì uy lực của ông trùm quá lớn, thậm chí, ông trùm còn là "thần tượng" được nhiều người ngưỡng mộ bởi họ tin rằng, chỉ ông trùm mới có thể "chống tham nhũng, lãng phí, lạm quyền" ở Việt Nam.
Cuối năm ngoái, sau khi "Vũ nhôm" đào tẩu rồi bị Singapore giao trả cho Việt Nam, "tiếng dữ" của Nguyễn Bá Thanh bắt đầu gia tăng cường độ nhưng vẫn được xếp vào loại… phi chính thức. Phải đến giữa tuần này, sau khi các lệnh khởi tố những : Minh (Trần Văn Minh - cựu Chủ tịch thành phố Đà Nẵng từ 2006 đến 2011), Chiến (Văn Hữu Chiến - cựu Chủ tịch thành phố Đà Nẵng từ 2011 đến 2014), Điểu (Nguyễn Điểu - cựu Giám đốc Sở Tài nguyên và môi trường thành phố Đà Nẵng), Toàn (Trần Văn Toàn - cựu Phó Giám đốc Sở Tài nguyên và môi trường thành phố Đà Nẵng), Dương (Lê Cảnh Dương - cựu Giám đốc Ban xúc tiến và Hỗ trợ đầu tư thành phố Đà Nẵng),… được công bố, "tiếng dữ" mới trở thành chính thức" : Sở dĩ các viên chức mới bị khởi tố không tổ chức đấu giá, đem hết công sản này tới công sản khác bán cho "Vũ nhôm" với giá rẻ như bèo, tạo điều kiện để "Vũ nhôm" thụ hưởng những khoản chênh lệch từ vài trăm tỉ đến hàng ngàn tỉ đồng là vì phải thực hiện "chỉ đạo" của anh Nguyễn Bá Thanh - cựu Bí thư Thành ủy Đà Nẵng từ 2003 đến 2013.
Tuy anh Thanh đã khuất nhưng những "bút phê" của anh thì vẫn còn nguyên. Sắp tới, tên anh Thanh chắc chắn sẽ được lặp đi, lặp lại trong nhiều Kết luận điều tra, Cáo trạng, phiên tòa và… bản án !
***
Giống như anh Thăng (Đinh La Thăng - cựu Ủy viên Bộ Chính trị, cựu Bí thư Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh, cựu Bộ trưởng Giao thông vận tải, cựu Chủ tịch Hội đồng Thành viên Tập đoàn Dầu khí Việt Nam), anh Thanh được rất nhiều người ngưỡng mộ.
Giống như anh Thăng, anh Thanh cũng có đủ thứ điều tiếng.
Năm 2000, các cơ quan bảo vệ pháp luật ở Đà Nẵng phát giác Công ty Xây lắp và Kinh doanh nhà Quảng Nam - Đà Nẵng rút ruột hai công trình : Cầu Sông Hàn và đường Bắc Nam ở Đà Nẵng. Ông Phạm Minh Thông, Giám đốc Công ty Xây lắp và Kinh doanh nhà Quảng Nam - Đà Nẵng bị khởi tố, bị truy tố, bị đưa ra tòa hai lần và bị phạt tổng cộng 16 năm 4 tháng tù. Đáng chú ý là cả Công an lẫn Viện Kiểm sát thành phố Đà Nẵng cùng nhận định, có dấu hiệu ông Nguyễn Bá Thanh - lúc đó là Chủ tịch thành phố nhận hối lộ 4,4 tỉ đồng để phê duyệt, thanh toán vốn cho Công ty Xây lắp và Kinh doanh nhà Quảng Nam - Đà Nẵng. Cả hai cơ quan này cùng cho rằng, nếu chỉ xử lý ông Thông, không điều tra - xử lý Nguyễn Bá Thanh thì nhân dân không đồng tình, vụ án không được giải quyết triệt để và thỏa đáng...
Giống như anh Thăng, anh Thanh vẫn vô sự, còn lãnh đạo Viện Kiểm sát và lãnh đạo Công an thành phố Đà Nẵng - những người đề nghị điều tra, xử lý anh Thanh đều ngậm ngùi đi chỗ khác chơi.
Tướng Trần Văn Thanh - cựu Giám đốc Công an thành phố Đà Nẵng dù phải chuyển công tác ra Hà Nội làm Chánh Thanh tra Bộ Công an vẫn không bỏ cuộc vì anh Thanh tiếp tục có thêm nhiều vi phạm khác liên quan tới nhà, đất. Đó là lý do năm 2009, tướng Thanh và một số thân hữu tham gia tố cáo anh Thanh phải hầu tòa với cáo buộc "lợi dụng các quyền tự do dân chủ xâm phạm lợi ích của nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, công dân". Vụ án liên quan đến tướng Thanh có rất nhiều tình tiết ly kỳ, giờ vẫn có thể tìm đọc lại trên Internet. Chưa kể vụ án này còn lập một kỷ lục đáng nể trong lịch sử tư pháp thế giới : Dẫu có tới hai bệnh viện của ngành công an xác nhận, tướng Trần Văn Thanh bị đột quỵ, não bị xuất huyết, tính mạng trong tình trạng nguy kịch nhưng Tòa vẫn ra lệnh đưa tướng Thanh đến Nhà hát Trưng Vương của Đà Nẵng cho Tòa xử. Ai cũng… kinh khi chứng kiến một kẻ đang hôn mê, sự sống được duy trì nhờ máy trợ thở và đủ thứ ống truyền dịch vẫn bị khiêng lên xe cứu thương để trình diện… công lý chỉ vì dám xúc phạm và đối đầu với anh Thanh.
Trong bối cảnh viên chức các cấp trong hệ thống công quyền hành xử càn rỡ, vô cảm, vô trách nhiệm, tham nhũng tràn lan nhưng ngay cả Tổng bí thư - người đứng đầu hệ thống chính trị Việt Nam - cũng không giấu diếm nỗi lo "vỡ bình" thì những người như anh Thăng, anh Thanh đương nhiên được xem là "người hùng" vì "dám" đưa ra những tuyên bố kiểu như : "Phải chủ động chống tham nhũng, đừng nghĩ đó là việc của hàng xóm ! Sẽ không có chỗ cho cán bộ cậy quyền lực, giỏi nói suông !..." (Đinh La Thăng). "Cái gì không thuộc về mình thì đừng có lấy. Đói quá thì đi xin. Đã làm người thì phải có lòng tự trọng"… (Nguyễn Bá Thanh).
Chuyện anh Thăng hôm nay "trảm" tướng này, ngày mai "trảm" tướng khác, "đu" dây thừng xuống vực chỉ đạo tìm kiếm, cứu những người lâm nạn trong một vụ xe đò bị lật ở Lào Cai, cùng dân vớt lục bình, vớt rác, nghe nông dân than khổ, lập tức rút điện thoại gọi cho Tổng Giám đốc Vinamilk ra lệnh phải mua sữa của nông dân,… chuyện anh Thanh mạnh miệng nhận định : "Không ít cán bộ có cái thói vừa ăn vừa phá, phá tàn canh nền kinh tế", rồi thề : "Sắp tới tôi sẽ rà một số cái, cho hốt liền, không nói nhiều"… làm thiên hạ rạo rực với hy vọng các anh sẽ giúp Đảng thành công trong chuyện "chỉnh đốn".
Anh Thăng, anh Thanh khởi xướng, tạo ra nhiều công trình mà ai cũng có thể sờ mó để "hởi lòng, hởi dạ". Dưới thời anh Thăng làm Chủ tịch Hội đồng thành viên Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN), Việt Nam có thêm nhiều đại dự án, kể cả đại dự án ở… Venezuela, dưới thời anh Thăng làm Bộ trưởng Giao thông vận tải, Việt Nam có hệ thống cầu đường với quy mô lớn hơn, giấc mơ về đường cao tốc trở thành hiện thực. Dưới thời anh Thanh làm Chủ tịch rồi làm Bí thư Thành ủy Đà Nẵng, thành phố này rõ ràng là khang trang, hiện đại hơn. Với nhiều người, chừng đó đủ để cảm kích, ngưỡng mộ rồi.
Tiếc là giá phải trả cho sự cảm kích, ngưỡng mộ ấy quá cao. Các đại dự án của PVN trở thành đại thảm họa, kể cả đại dự án ở Venezuela. Hệ thống cầu đường với quy mô lớn hơn đã gieo xuống cho toàn dân gặt lấy vô số trạm thu phí BOT. Công thự, công thổ, kể cả những khu vực vốn liên quan mật thiết đến môi trường, sinh thái ở Đà Nẵng đã được bán gần như sạch sẽ. Cảnh báo của các chuyên gia kinh tế, về một thành phố khang trang, hiện đại nhưng không có tương lai vì lệch lạc về định hướng phát triển.
Báo chí chính thức đã thôi bám sát gót anh Thăng, thôi "thổi" những tuyên bố của anh Thăng thành "lời vàng, ý ngọc" và có lẽ cũng sắp thôi tiếc thương anh Thanh, người được xem là "tài hoa nhưng bạc mệnh", vừa nằm xuống là gia đình, thân nhân lập tức tự xuất tiền, xây dựng ngay một Khu lưu niệm với diện tích cả ngàn mét vuông có tính chất như "đền thờ" ở xã Hòa Tiến, huyện Hòa Vang, thành phố Đà Nẵng, ngoài mộ, nhà trưng bày hình ảnh và những hiện vật mà anh Thanh sử dụng lúc sinh thời, còn có nhà bia khắc những "câu nói để đời" của anh…
***
Tại sao Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Ủy ban Kiểm tra của Ban chấp hành trung ương Đảng cộng sản Việt Nam không xem xét trách nhiệm của anh Thăng khi anh làm PVN tan nát ? Tại sao Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Ủy ban Kiểm tra của Ban chấp hành trung ương Đảng cộng sản Việt Nam không xem xét trách nhiệm của anh Thăng không xem xét trách nhiệm của anh Thanh ở thập niên 2000 khi các sai phạm của Thanh vốn đã rất rõ ràng ?
Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Ban chấp hành trung ương của Đảng cộng sản Việt Nam không trả lời.
Đầu năm nay, khi giới thiệu những "điểm mới" trong việc xử lý kỷ luật đảng viên, một viên chức cao cấp của Đảng cộng sản Việt Nam từng bảo rằng, Qui định 102-QĐ/TW được soạn thảo và ban hành nhằm "bắt kịp những thay đổi trong đời sống chính trị, xã hội". Chuyện anh Thăng, anh Thanh không những vô sự mà còn thăng tiến sau khi có nhiều "sai phạm nghiêm trọng", rồi vụt sáng, trở thành "thần tượng" của nhiều người có thể cũng là để "bắt kịp những thay đổi trong đời sống chính trị, xã hội". Giờ, anh Thăng xộ khám, anh Thanh khó mà thoát khỏi kỷ luật Đảng cũng để "bắt kịp những thay đổi trong đời sống chính trị, xã hội" thôi.
Trước, "nghiêm" vẫn nhìn "minh" cười khẩy, giờ cũng thế thôi !
Trân Văn
Nguồn : VOA, 19/04/2018
Nếu bàn về xã hội Việt Nam thì cũng chỉ xoay quanh chữ : chính trực. Nếu bàn về chính trị Việt Nam thì cũng xoay quanh chữ : chính trực.
Hội đồng nhân dân - cơ quan quyền lực của địa phương cũng có thể bị khống chế bởi một chỉ thị từ một cơ quan trung ương và kỳ vọng sự chính trực trở nên quá khó khăn đối với các vị dân biểu.
Tại sao tôi không dùng từ ‘tử tế’, rằng ở Việt Nam có những người làm việc tử tế hay có những chính trị gia tử tế ? Nhưng có vẻ nghĩa ‘tử tế’ có phần châm biếm (troll) sau phát biểu của cựu Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng, nên bài viết này bàn về chính trực.
Chính trực là gì ? Nó là đức tính để khiến hành vi một người thực hiện trên cơ sở lương tâm của chính họ.
Trong nền chính trị, chính trực có thể biểu hiện ở việc họ không bị cám dỗ bởi quyền lực, và sử dụng quyền lực ở mục đích cá nhân. Ở một hệ thống chính trị có sự đan xen và giám sát lẫn nhau, tính chính trực có thể được hình thành một cách có điều kiện.
Trở lại Việt Nam, chính trực và phi chính trực có thể biểu hiện rõ nét ở hai con người tại thành phố Đà Nẵng.
Bên ni là Bá Thanh, bên tê là Duy Khương
Một là, Cựu Phó Chủ tịch UBND Thành phố Đà Nẵng Võ Duy Khương. Người còn lại là, Cựu Bí thư thành ủy Đà Nẵng Nguyễn Bá Thanh.
Câu chuyện của hai nhân vật này xoay quanh Vũ ‘Nhôm’ và đường dây lũng đoạn quyền lực, trục lợi đất công tại thành phố biển. Một người chống lại điều đó, người còn lại thì tiếp tay cho điều đó.
Ông Võ Duy Khương, người được Nhà báo Hoàng Hải Vân chia sẻ qua một bài viết trên trang điện tử Một Thế giới, theo đó : Ông Khương là thiểu số chính trực hiếm hoi trong Ban lãnh đạo thành phố. Ông không đủ sức cưỡng lại những hành vi vi phạm pháp luật của những người lãnh đạo chủ chốt. Nhưng vì sự phản đối đó mà từ năm 2013, ông bị thư nặc danh và các tin nhắn liên tục gửi tới đe dọa. Cuối cùng, ông bị ép phải rời khỏi chức vụ Phó chủ tịch UBND thành phố trước khi đến tuổi nghỉ hưu.
Còn ông Nguyễn Bá Thanh – thần tượng của cơ số không ít người lại là người có liên quan đến việc biếu đất công sản cho Vũ ‘Nhôm’ và đồng bọn, người có liên quan đến một văn bản ‘ép bán trực tiếp khu công sở (thuộc Sở Tư Pháp Đà Nẵng ở đường Bạch Đằng) cho công ty Vũ Nhôm.
Ông Võ Duy Khương - một chính khách Đà Nẵng
Ông Bá Thanh cũng là người khiến cho ông tướng Trần Văn Thanh, người từng làm Chánh Thanh tra Bộ Công an phải ‘sợ’, và khi Vũ ‘Nhôm’ bị bắt thì ông Thanh mới tuyên bố : Giờ thì không sợ nữa !
Theo như cách nhà báo Hoàng Hải Vân tường thuật lại, thì ông Võ Duy Khương là người chính trực (như cách nhà báo này đặt trên Facebook cá nhân), còn ông Nguyễn Bá Thanh là phi chính trực.
Nhưng ở góc độ nào đó, một người có thể chính trực ở điểm này, cũng có thể không chính trực tại điểm khác. Như cách mà Facebooker Viet Hoang Le chỉ ra, bởi trong một bối cảnh khác thuộc Dự án liên quan đến rừng Sơn Trà, ông Võ Duy Khương lúc đó là Thường trực Phó Chủ tịch UBND Thành phố Đà Nẵng, là người trực tiếp giải quyết bồi thường giải tỏa rừng Sơn Trà, nhưng kết quả đã không có bồi thường nào xảy ra, mà chỉ là hỗ trợ người trồng rừng với mức giá rẻ mạt (1.400 VND/m2).
Như vậy có thể nhận ra, sự chính trực ở một chính trị gia bất kỳ Việt Nam đã hiếm, thì làm sao có thể nói về một sự tử tế của chính trị gia ?
Lãnh đạo thì hay, hay dân thì khờ dại ?
Lãnh đạo nói hay, dân thì khờ dại, nên thành ra ông Nguyễn Bá Thanh mới trở thành ‘Bác Thanh’ hay ‘Thánh Thanh’. Khi ông Bá Thanh còn sống, mỗi lần phát biểu trước một kỳ họp Hội đồng nhân dân nào đó của thành phố, dân các tỉnh lại tấp nập bật Tivi nghe ông nói. Ai chưa có dịp thì lại lên Youtube để xem lại, rồi phản hồi ‘ngưỡng mộ’. Khi ông chết đi, hàng ngàn người đổ ra đường đưa tang ông, một số vị dân biểu thành phố Đà Nẵng còn lên tiếng đòi đặc cách lấy tên ông để đặt tên đường, hay ngay điểm cầu Ngã ba Huế - thì mọc lên quán café Nguyễn Bá Thanh.
Người từng đòi 'bắt nhốt hết không nói nhiều' tham nhũng, lại là người tham nhũng lớn ở cấp địa phương.
Với ông Võ Duy Khương, nếu đặt một mặt mà nhà báo Hoàng Hải Vân chỉ ra, thì ông Khương là người chính trực, và trong hàng tá phản hồi trong bài viết đó, có tới 1,2 nghìn lượt thích, 77 lượt yêu thích, 28 lượt ngạc nhiên, 2 lượt cười, và 2 lượt phẫn nộ. Nhiều phản hồi bày tó ông Khương là ‘cán bộ liêm chính ; kính trọng ông ; người anh mẫu mực ; cán bộ tài năng, liêm khiết’,…
Ông Nguyễn Bá Thanh được tưởng nhớ tại một quán cafe.
Nhưng nếu một ngày ông Võ Duy Khương bị điều tra bởi các quyết định sai quy định, ‘nâng đỡ trong sáng’ trong điều hành chính sách nhà nước, thì liệu những ngôn từ biểu thị trên có trở thành một sự phẫn nộ hay không ?
Chỉ biết là, cái câu ‘thời thế, thế thời, thời phải thế’ luôn ám chỉ đúng với môi trường chính trị Việt Nam. Và sự chính trực trong một chính trị gia bất kỳ trở nên cực kỳ khó tồn tại, bởi một thể chế mà một cá nhân có thể lợi dụng quyền lực cấp trên để trục lợi, thậm chí khống chế cả một tập thể quyền lực nhân dân. Cái ‘tập thể lãnh đạo Đà Nẵng’ từng đã phải ‘cúi đầu’ trước cái cơ quan quyền lực to đùng ở Trung ương, để đi đến ‘thống nhất’ bán đất công sản với giá rẻ mạt cho doanh nhân ‘Vũ’ Nhôm đấy thôi ?
Còn người dân, vẫn có sự ngây thơ nhất định, vẫn bị dắt mũi bởi sự kiện mang tính nhất thời của lãnh đạo. Những con người vẫn hằng tin tưởng, trong một cơ chế lạm dụng quyền lực vẫn còn lãnh đạo biết ‘vì dân’.
Và gần đây, là sự nổi lên của vị đứng đầu Đcộng sản Việt Nam.
Không ai biết kéo dài bao lâu, ‘thần tượng’ này sẽ sụp đổ, và không ai hiểu rõ, là sau này, nếu thể chế thay đổi, tài liệu giải mật thì hàng tá thần tượng lãnh đạo mà người dân đang ngưỡng mộ sẽ bị phơi bày thế nào. Bởi thế, nên pháo hoa ở Yên Bái vẫn bắn lên cao, trong sự hạnh phúc của người dân, sau những ngày ‘đốt lò’.
Ánh Liên
Nguồn : VNTB, 12/02/2018
Ông Nguyễn Bá Thanh là một chính trị gia Việt Nam rất nổi tiếng tại thành phố Đà Nẵng. Trước khi qua đời vào năm 2013, ông nổi tiếng như là người có những phát biểu thẳng thắn và mạnh mẽ, dám nghĩ dám làm.
Ông Nguyễn Bá Thanh, lúc đứng đầu Ban nội chính trung ương, tại một kỳ họp Quốc hội, tháng 10/2013. AFP
Tuy nhiên sau những bản án kỷ luật các quan chức Đà Nẵng vừa qua và việc thanh tra sai phạm đất đai đang được tiến hành ở địa phương này, người ta cho rằng di sản ông Nguyễn Bá Thanh để lại đang được khai thác cho cuộc đấu tranh phe phái trong đảng trước những sắp xếp nhân sự trong tháng 10 tới đây qua kỳ họp lần thứ sáu của Trung ương đảng cộng sản Việt Nam.
Điều tra sai phạm đất đai
Vào ngày 18 tháng Chín, 2017, Trung ương đảng cộng sản Việt Nam công bố rằng ông Nguyễn Xuân Anh, Bí thư thành ủy Đà Nẵng bị kỷ luật vì nhận quà biếu là một chiếc xe hơi từ doanh nghiệp tư nhân, sử dụng nhà của doanh nghiệp tư nhân, sai phạm trong bổ nhiệm nhân sự. Trung ương đảng cộng sản Việt Nam cũng kỷ luật ông Huỳnh Đức Thơ. Chủ tịch Ủy ban nhân dân thành phố Đà Nẵng vì lý do ông đã có sai phạm trong việc quản lý đất đai tại thành phố Đà Nẵng.
Bản kỷ luật hai vị đứng đầu thành phố Đà Nãng ghi rõ là sai phạm của hai ông đã ảnh hưởng nghiêm trọng đến uy tín của tổ chức đảng và chính quyền, gây bức xúc trong đảng viên, cán bộ và nhân dân.
Vài ngày sau khi bản kỷ luật hai ông Nguyễn Xuân Anh và Huỳnh Đức Thơ, hai người đứng đầu thành phố Đà Nẵng được công bố, báo chí trong nước cho biết là cơ quan điều tra của Bộ Công an sẽ điều tra những sai phạm trong việc quản lý đất đai tại Đà Nẵng từ năm 2006 đến nay. Trong khoảng thời gian dài đó có đến 7 năm là thời gian cầm quyền của cố Bí thư thành ủy thành phố Đà Nẵng Nguyễn Bá Thanh, từ 2006 đến 2013. Thời gian đó được cho là thời kỳ ông Nguyễn Bá Thanh làm được nhiều việc cho Đà Nẵng, nhưng đồng thời cũng có ý kiến chỉ trích là chính thời kỳ đó để lại nhiều di hại cho Đà Nẵng hiện nay :
Nhà báo Hoàng Hải Vân, từng là phóng viên của tờ Thanh Niên tại Sài Gòn viết trên trang Facebook của ông rằng :
"Tôi có thể nói ngay, ông Nguyễn Xuân Anh và ông Huỳnh Đức Thơ suy cho cùng cũng là nạn nhân của một khối ung nhọt lưu cữu từ thời ông Nguyễn Bá Thanh làm Chủ tịch. Nhắc đến ông Nguyễn Bá Thanh có thể là chuyện "nhạy cảm" vì ông ấy đã qua đời, nhưng nếu né tránh những di hại mà ông ấy đã để lại cho Đà Nẵng thì những vấn đề cốt lõi của Đà Nẵng sẽ không bao giờ được xử lý đến nơi đến chốn".
Nhà báo Hoàng Hải Vân viết tiếp rằng Thanh tra Chính phủ đã kết luận Đà Nẵng có sai phạm đất đai đến hàng ngàn tỉ đồng, nhưng kết luận đó đã không được nhắc tới, và nhất là sai phạm nghiêm trọng thời ông Nguyễn Bá Thanh, khi xảy ra việc cấp giấy phép sử dụng đất đai tràn lan phá nát bán đảo Sơn Trà, một khu dự trữ sinh quyển quan trọng của Việt Nam.
Nhà báo Huỳnh Ngọc Chênh nói với chúng tôi :
Cả ông Anh, cả ông Thơ đều kế thừa những gì mà ông Nguyễn Bá Thanh để lại. Ông Nguyễn Bá Thanh có quyền uy trong một thời gian rất dài. Chuyện đất đai, chuyện qui hoạch, chuyện lợi ích nhóm là do ông Nguyễn Bá Thanh để lại và những ông này kế thừa.
Những người dân Đà Nẵng nghĩ về ông Nguyễn Bá Thanh
Thời kỳ cầm quyền của ông Nguyễn Bá Thanh được những người dân Đà Nẵng nhìn nhận khá khác biệt với nhau.
Một nữ doanh nhân ngành địa ốc không muốn nêu danh tánh nói với chúng tôi rằng :
"Mỗi một vị lãnh đạo có cách làm và tầm nhìn khác nhau. Không thể nói bác Xuân Anh hay bác Thơ là làm theo bác Thanh được. Thời kỳ của bác Thanh là đổi mới. Bác Thanh bác làm mạnh tay, làm cho bộ mặt của Đà Nẵng thay đổi, bác làm cho Đà Nẵng cũng được nhiều, thì trong những cái được đó có những cái mà tôi không biết dùng từ như thế nào, mà theo tôi thì mỗi người có một cách riêng. Bác đã làm rất được cho Đà Nẵng, bên cạnh đó có thể có những cái gọi là hạn chế, là sai sót".
Một người dân Đà Nẵng là nhạc sĩ Diệp Chí Huy nhận xét về thời kỳ ông Nguyễn Bá Thanh cầm quyền :
"Thành phố Đà Nẵng này có sự thay đổi thì phải nói rằng ông Nguyễn Bá Thanh đã làm ra sự thay đổi đó. Còn có những cái bất chấp luật thì do là anh nắm quyền mà không ai kiểm soát anh thì anh cũng có sai. Ông này để lại những cái mà ngày hôm nay phanh phui ra. Tức là sự không có sự kiểm soát. Tôi biết là người ta trồng một cái cây người ta cũng phải hỏi ý kiến ông ấy. Tức là không có sự phân quyền".
Ông Nguyễn Bá Thanh bắt đầu làm Bí thư thành ủy Đà Nẵng từ năm 2003 cho đến hết năm 2012, ông được điều ra Hà Nội nắm giữ Ban Nội chính trung ương, cơ quan chịu trách nhiệm chống tham nhũng của đảng cộng sản hiện nay. Và với cương vị Bí thư Đảng, trong cơ chế đảng lãnh đạo tuyệt đối như ở Việt Nam, ông Nguyễn Bá Thanh là người có quyền lực cao nhất tại Đà Nẵng trong 10 năm liên tục.
Một cựu giáo viên xin được giấu tên tại Đà Nẵng nói với chúng tôi :
"Thời kỳ Bá Thanh ở Đà Nẵng, thì Bá Thanh hành xử như một ông vua mà không có một cơ chế nào có thể chế tài Bá Thanh cả. Bá Thanh thì có lòng, nhưng mà mình không thể thập bát ban võ nghệ để có thể định hướng đủ mọi chuyện, từ xây dựng tới kinh tế, tới cảng, đủ thứ mọi chuyện cả. Mà bao giờ ý kiến của mình cũng là đúng, điều đó không hợp lý. Có tiếng nói nào thì sẽ bị dập liền thôi".
Khi được hỏi là tại sao vẫn có nhiều người dân Đà Nẵng mến mộ ông Nguyễn Bá Thanh, thì người cựu giáo viên này cho rằng những phát ngôn của ông Nguyễn Bá Thanh đễ làm xiêu lòng dân chúng :
"Người ta nói rằng ông ta có ăn nhưng mà ông ta có làm, quan điểm đó là không hiểu gì về thể chế và luật pháp hết. Mình nên nhớ rằng chủ nghĩa dân túy dễ được những người bình thường ủng hộ, Trump được ủng hộ thì Bá Thanh cũng vậy".
Tuy nhiên ông nói tiếp rằng thực ra ông Nguyễn Bá Thanh chỉ là một đinh ốc trong guồng máy cai trị của đảng cộng sản hiện nay, và những sai phạm từ thời ông Nguyễn Bá Thanh cai trị, cho đến những sai phạm của các vị lãnh đạo Đà Nẵng hiện nay vẫn là bình thường như hàng ngàn sai phạm ở các tỉnh và thành phố khác, nhưng, người cựu giáo viên này đặt câu hỏi tại sao các lãnh đạo Đà Nẵng lại bị kỷ luật ?
Ông cho rằng những bản án kỷ luật này nằm trong cuộc đấu tranh nội bộ cho những vị trí trong hội nghị trung ương lần thứ sáu sắp tới đây của đảng cộng sản Việt Nam, và di sản ông Nguyễn Bá Thanh để lại cho Đà Nẵng đang được khai thác cho cuộc đấu tranh đó.
Kính Hòa
Nguồn : RFA, 25/09/2017
Thân Đức Nam
Thân Đức Nam một thời lừng lẫy trên chính trường Việt Nam, nhờ thành công ngoạn mục trong việc đổi đất lấy hạ tầng và phát triển những công ty, tập đoàn xây dựng đang èo uột như Cienco 5 đang ở chỗ sắp chết thành một công ty phát triển rực rỡ. Thân Đức Nam nhờ thế mà được phong anh hùng lao động nhờ dự án lấn biển ở Quảng Ninh.
Anh hùng Lao động Thân Đức Nam, Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội - ảnh báo Công an Thành phố Hồ Chí Minh
Địa bàn Hạ Long phần lớn là núi, mặt bằng để xây dựng đô thị rất khan hiếm. Việc nhìn ra vấn đề và táo bạo chọn cách lấp những đầm lầy để lấy mặt bằng cho đô thị như thế, phải nói đó là cái nhìn táo bạo và đúng đắn. Mặc dù để làm được như thế, Thân Đức Nam phải có những mối quan hệ, phải có lo lót, Thân Đức Nam cũng kiếm bộn tiền.
30 ha đất lấp ở Vực Đăng chưa lấp xong dân chúng đã mua hết, Thân Đức Nam lấp thêm 70 ha đất nữa ở Cao Xanh. Làm thay đổi bộ mặt ở Quảng Ninh, Thân Đức Nam cũng đút túi nghàn tỷ để có lực làm tiếp các dự án Thanh Hà, Đan Phượng, Mỹ Hưng.
Thân Đức Nam những năm trước có 5 căn nhà đẹp ở Hà Nôi, 5 căn ở Sài Gòn và 5 dự án ở Đà Nẵng. Con số 5 có lẽ là con số mê tín của Thân Đức Nam.
Đầu tiên Thân Đức Nam muốn làm thứ trưởng Bộ Giao thông vận tải, khi mà tất cả anh em con cháu nhà Nam như Thân Hòa, Thân Hóa, Thân An đã có những cơ sở đẩy đủ để chuẩn bj đón thời cơ Thân Đức Nam lên Bộ Giao thông vận tải ban phát lợi ích về tay anh em mình. Thân Đức Nam biết mình quá lộ, bèn chấp nhận chức phó chủ nhiệm văn phòng quốc hội và dồn tiền đẩy đàn em của mình là Nguyễn Xuân Phúc đang là chủ tịch tỉnh Quảng Nam ra trung ương để làm chủ nhiệm văn phòng chính phủ.
Lúc này Phúc như đầy tớ của Thân Đức Nam, Nam gọi một câu Phúc chạy đến như một con chó. Nói thì bảo quá lời, nhưng thực sự quan hệ Phúc với Thân Đức Nam lúc đó là vậy. Ai hiểu Phúc đều biết y là con người thế nào, như bây giờ y đi đến đâu cũng nức nở khen cụ tổng thế này, cụ tổng thế kia. Người ta còn đồn rằng khi làm chủ nhiệm văn phòng chính phủ, mỗi khi thủ tướng Dũng đến Phúc cúi chào gập nửa người lộ cái trán hói.
Phúc và Trọng hợp nhau ở chỗ có tính như Câu Tiễn, chịu khổ nhục kế cho đối thủ chủ quan rồi có ngày phản lại. Câu Tiễn nếm phân cho Phù Sai, hầu hạ để Phù Sai thấy thương mà bỏ qua. Sau này Câu Tiễn san phảng nước Ngô để rửa cái hèn hạ của mình trước kia.
Ở chân chủ nhiệm văn phòng chinh phủ, Phúc đã tìm đến Trọng và Tư Sang để tính chuyện lật Dũng. Chính Phúc là người họp tổ trên cương vị phó thủ tướng đã mở phát pháo đầu tiên đòi kỷ luật Nguyễn Tấn Dũng năm 2012. Mở đầu cho trận đánh của Trọng, Sang nhằm vào Dũng kéo dài đến hết đại hội 12.
Đại hội 12, Phúc được Trọng thưởng công khi đề cử làm thủ tướng.
Thân Đức Nam xin Phúc làm phó chủ nhiệm văn phòng quốc hội. Phúc nghẹo lờ tịt đi.
Dù sao Thân Đức Nam không bị cuộc đốt lò của Nguyễn Phú Trọng đã là may cho Nam. Nếu tính chuyện dự án phải đưa ra xử lý thì hẳn Thân Đức Nam và anh em phải là những người bị xử lý đầu tiên chứ không phải những người khác.
Thân Đức Nam biệt tăm từ khi Phúc là thủ tướng, Nam không có được cái may mắn như gia tộc Đặng Văn Thành, gia tộc quốc tịch Trung Quốc này đã trở lại ngày Phúc được quốc hội phê duyệt chức thủ tướng.
Thân Đức Nam thì mất tăm, nghe nói vẫn còn trong tay nhiều tài sản và đang xây cái nhà khách quốc hội 600 tỷ ở Đà Nẵng mãi chưa hoàn thiện.
Nguyễn Bá Thanh
Mấy ngày gần đây người ta thấy nhiều bài viết bóng gió chỉ trích Nguyễn Bá Thanh, người hùng một thời của Đà Nẵng và của cả miền Trung.
Nguyễn Bá Thanh, người hùng một thời của Đà Nẵng và của cả miền Trung - ảnh Dân News
Ai đứng đằng sau đợt tấn công này vào một người đã chết với một âm mưu hạ bệ thần tượng miền Trung này. ?
Trước đây dư luận hoài nghi Nguyễn Xuân Phúc đố kị với Nguyễn Bá Thanh, chủ mưu hại Nguyễn Bán Thanh nhiều cách. Nhưng lúc đó các tay chân của Phúc trong vai những '' cây viết đấu tranh dân chủ'' đổ tội rằng đó là Nguyễn Tấn Dũng thực hiện. Rồi việc Nguyễn Xuân Phúc được vào bộ chính trị, Nguyễn Bá Thanh bị rớt cũng là do Dũng dựng ra.
Dũng chẳng làm gì đụng đến Đà Nẵng, việc của Thanh và Phúc tranh nhau ngoi lên, Dũng mặc kệ cho Sang, Trọng và những ủy viên Bộ chính trị khác quyết định. Ngay cả việc bắt Trương Duy Nhất cũng không phải Dũng làm, mà do chính Nguyễn Xuân Phúc chỉ đạo làm nhưng núp dưới danh nghĩa chính phủ khiến người ta và ngay cả Nhất cũng nghĩ Dũng chỉ đạo. Một mặt vừa chặt chân tay của Bá Thanh, mặt khác đổ vấy để Bá Thanh và Tấn Dũng sâu thêm hiềm khích.
Nên nhớ những người nào bị bắt mà quy kết là Nguyễn Tấn Dũng chủ mưu, đều có mặt của Osin Huy Đức ngay tức khắc. Từ Bọ Lập, Ba Sàm đến Trương Duy Nhất đều thấy bóng dáng của Osin Huy Đức bên cạnh những người này, Osin rỉ tai với họ hay thân nhân của họ rằng chính Dũng ra lệnh bắt họ.
Nếu Dũng bắt Ba Sàm, tại sao khi Dũng thất thế ở đại hội 12 mà Ba Sàm khi lôi ra xử lại lãnh án nặng nề như vậy. Nếu Dũng bắt Bọ Lập khi Dũng đang đương quyền mạnh thì việc gì Dũng phải thả sau vài tháng. Nếu Dũng bắt Trương Duy Nhất tại sao không bắt mẹ luôn Osin Huy Đức cho xong, bắt lòng vòng ai làm gì. Và nếu như Dũng hạ thủ Nguyễn Bá Thanh thì Dũng nên hạ thủ Tư Sang, Trọng một trong hai kẻ đó là xong cái ngọn.
Và nếu như Dũng ác thế, thì tại sao số người đấu tranh dân chủ bị bắt những năm Dũng cầm quyền gom lại không bằng số người đấu tranh bị bắt một năm từ khi Trọng và Phúc cầm quyền. Dưới thời của Dũng ai nghĩ rằng hai phụ nữ nuôi con nhỏ, nói trên mạng thôi như Quỳnh và Nga bị kết án đến 9, 10 năm tù ? Dưới thời Dũng các tổ chức xã hội dân sự mọc lên như nấm và hoạt động ầm ĩ khắp các miền, giờ nhìn lại thấy xem sao ? Những cuộc biểu tình chống Trung Quốc của người dân những năm Dũng cầm quyền bây giờ thấy ở đâu, trong nước đã đành, nhưng ngoài nước như Berlin bây giờ chả thấy sứ quán bật đèn xanh cho biểu tình thì chớ, lại còn cho người ngăn cản.
Quay lại chuyện về Nguyễn Bá Thanh và Đà Nẵng.
Nguyễn Bá Thanh như một thần tượng của người dân Đà Nẵng và miền Trung, cái bóng dáng của ông ta phủ lên tất cả những chính khách đương thời với ông ta. Nguyễn Xuân Phúc so với Bá Thanh lúc còn sống chỉ là cái bóng mờ, chưa nói đến chỉ là một thằng tiểu nhân, nịnh bợ mà đi lên so làm sao được với cái vẻ ngổ ngáo, ngàng tàng thậm chí là hung dữ của Nguyễn Bá Thanh.
Phúc đố kị với Thanh từ khi còn ở Quảng Nam. Khi cả hai ra trung ương, bọn Trọng-Sang bên ngoài nể Thanh nhưng trong lòng không thích một con người dũng mãnh chẳng khác gì con ngựa bất kham như Bá Thanh, bọn Trọng-Sang thích cái dễ bảo, cái xun xoe của Phúc hơn.
Vì thế mà Phúc có được như ngày nay.
Hôm nay, cuộc tấn công vào hình tượng Nguyễn Bá Thanh bắt đầu, những xét lại về việc làm của Nguyễn Bá Thanh được các cây bút của Phúc tung ra để thao túng dư luận. Đánh hạ cả những người đã chết để danh tiếng của họ bị chồn vùi, không cho cái danh tiếng của Nguyễn Bá Thanh át đi hình bóng vị thủ tướng xứ quảng liêm chính, công minh, sáng suốt là âm mưu của Nguyễn Xuân Phúc.
Hơn một năm trước, người viết bài này đã bình luận trước sau gì Đà Nẵng của miền Trung sẽ trở thành tâm điểm của một chiến trường, thành mục tiêu tấn công của nhóm lãnh đạo mới lên. Bởi Nguyễn Phú Trọng muốn triệt của Trần Đại Quang để một mình làm vua. Còn Nguyễn Xuân Phúc muốn cùng Trương Hòa Bình (đệ tử Trương Tấn Sang) phá tan hình tượng Nguyễn Bá Thanh để đưa người của mình vào chiếm chỗ và thao túng dải đất miền Trung.
Kết
Với những nguyên thủ quốc gia còn đầy mưu toan cho cá nhân mình về danh vọng, mưu toan cho phe nhóm mình về tiền tài, nguồn lợi... sẵn sàng chà đạp không những các đồng chí đã về hưu, các đồng chí đã chết dù họ từng là đàn anh của mình.
Thử hỏi ai quan tâm đến đất nước ? Chuyện làm sao bán nhanh phần vốn nhà nước trong các tập đoàn để lấy tiền, cải cách thủ tục hành chính, bãi bỏ giấy phép chỉ nhằm mục đích thuận lợi cho nước ngoài làm sao trả tiền nhanh nhanh mua số phần vốn đó. Chuyện tăng giá các mặt hàng thiết yếu như xăng dầu, tăng thuế, tăng phí... những chuyện đấy có phải là lo cho đất nước không ?
Hay những chuyện giảm quan hệ ngoại giao với phương Tây, tăng cường quan hệ thân mật với Trung Quốc như bắt cóc Trịnh Xuân Thanh và tổ chức giao lưu quân đội biên giới Việt-Trung từ ngày 23 đến 25 tháng 9 năm 2917 này là những việc làm mà những kẻ như Trọng, Phúc, Trương Hòa Bình, Trần Quốc Vượng, Ngô Xuân Lịch... đang lo cho đất nước ?
Người Buôn Gió
Nguồn : nguoibuongio1972.blogspot.fr, 23/09/2017
Sự kiện Đồng Tâm - Mỹ Đức đã và đang chiếm hết sự quan tâm của mọi người.
Người dân Đồng Tâm - Mỹ Đức không muốn gì hơn là cuộc sống làm ăn yên ổn.
Qua những tiếng nói đầy nước mắt và phẫn uất của những người bị dồn đến đường cùng, hiếm hoi lọt qua vòng kiềm tỏa của nhà cầm quyền, cho chúng ta một cảm giác bi thương. Người dân không muốn gì hơn là cuộc sống làm ăn yên ổn.
Đã năm ngày mất ăn mất ngủ, đã năm ngày người dân sống một cuộc sống khác, căng thẳng lo lắng trước sự bấp bênh từng giây từng khắc phía trước. Năm ngày đầy ắp các sự kiện dối trá lừa lọc đầy dã tâm từ phía nhà cầm quyền. Mà tiền lệ là nhân tai (tai ương do con người gây ra) Thái Bình 1997 với Phạm Quý Ngọ, Tiên Lãng với tướng Ca, Cồn Dầu với Nguyễn Bá Thanh, và hàng trăm sự kiện đổ máu của bao người dân, khiến cho bất kỳ ai theo dõi không khỏi lo lắng hãi hùng.
Một đêm với nhiều dự cảm không lành với những sự kiện cắt điện và côn đồ, nghe nói cả máu đổ nữa, đã qua đi. Nhưng nỗi lo phía trước còn nguyên vẹn, mà niềm hy vọng sự thức tỉnh từ phía nhà cầm quyền dường như không còn nữa. Chính quyền quyết tâm chống lại nhân dân. Sự im lặng và lảng tránh kéo dài từ phía chính quyền các cấp là dấu hiệu không lành.
Một cuộc chiến không cân sức giữa những người nông dân hiền lành và tay không với một lực lượng an ninh và công an chuyên nghiệp được trang bị vũ khí đến tận răng. Lực lượng trấn áp này còn được cả một guồng máy bạo lực toàn trị khổng lồ nhà nước làm hậu thuẫn, chúng có thể huy động cả quân đội, côn đồ và truyền thông chống lại người dân. Đối lại, người dân chỉ có tình đoàn kết, lòng yêu thương và sự chính nghĩa. Sự phản kháng trước bất công người dân là sự tự vệ chính đáng. Lương tâm nhân loại đang đồng hành cùng nhân dân Đồng Tâm - Mỹ Đức.
Cuộc đấu tranh của người dân Đồng Tâm - Mỹ Đức đã vượt khỏi làn ranh tranh chấp kinh tế dân sự. Tầm vóc của cuộc đấu tranh này vượt ngoài mong muốn của những người dân Đồng Tâm - Mỹ Đức, nó đang biến thành cuộc đối đầu giữa người dân và thể chế, giữa quyền sống và quyền cai trị.
Chính nghĩa của người dân Đồng Tâm - Mỹ Đức chỉ vỏn vẹn là sự thành tâm. Bất chấp quá khứ bị sử ép, bất chấp hiện tại bị tấn công, bất chấp tương lai bị lường gạt, người dân Đồng Tâm - Mỹ Đức tiếp tục thiết tha kêu gọi nhà cầm quyền giải quyết vụ việc trong ôn hòa. Lực lượng Cảnh sát cơ động bị bắt giữ được chăm sóc chu đáo và đối đãi tử tế. Trước bạo lực và lừa dối từ phía chính quyền, nông dân Đồng Tâm - Mỹ Đức vẫn luôn luôn thể hiện tinh thần nhân đạo, sự can trường đáng kính trọng.
Tại sao có vụ Đồng Tâm - Mỹ Đức ? Chắc chắn đây không phải là mong muốn của Ba Đình Hà Nội. Cuộc đấu đá quyền lực ở thượng tầng ngày càng ráo riết, những cuộc nổi dậy chống bất công và đàn áp đang xảy ra ở khắp nơi mới chính là nỗi lo thường trực của những người đang lãnh đạo Đảng Cộng sản Việt Nam. Mặt khác, thâm hụt ngân sách, nợ công chạm đáy, môi trường ô nhiễm và hàng trăm vấn đề lớn nhỏ khác chưa tìm ra giải đáp là những gánh nặng thường trực trên vai mà Ba Đình, hơn ai hết, không muốn có vụ Đồng Tâm - Mỹ Đức, cướp nhà Lai Châu, hay biểu tình ở An Giang 19/4/2017.
Đồng Tâm - Mỹ Đức là dấu hiệu mất khả năng kiểm soát của Ba Đình. Ngoài những bổn cũ soạn lại để giải quyết vấn đề trưng thu đất đai do cán bộ các cấp thừa hành áp dụng, sự xuất hiện của tướng Nguyễn Đức Chung chỉ vẽ thêm một vết nhơ trên gương mặt lường gạt của chính quyền. Hệ thống chính trị của Đảng Cộng sản Việt Nam đã tê liệt.
Nhìn lại quá khứ, Ba Đình luôn đặt sự tồn vong chế độ là ưu tiên cao nhất. Phạm Quý Ngọ, hung thần đàn áp công cuộc rào làng kháng chiến người dân Thái Bình năm 1997, đã được lên chức và bước vào Trung ương Đảng bằng xác của những người đồng hương. Nguyễn Bá Thanh, nổi tiếng về sự tàn bạo áp dụng trong vụ Cồn Dầu và truy tố đồng chí cũ ra tòa trên băng ca xe cấp cứu, được Nguyễn Phú Trọng đưa ra Hà Nội như lưỡi gươm trảm tướng trong đấu trường nội bộ. Cả hai hung thần này đều chết yểu một cách mờ ám.
Còn lại Trần Đại Quang, nổi tiếng trong vụ đàn áp sự nổi dậy của đồng bào thiểu số Tây Nguyên khi làm trưởng ban chỉ đạo Tây Nguyên và thành tích nhiều người chết trong đồn công an khi làm bộ trưởng, ngày nay được đưa lên làm Chủ tịch nước.
Đồng Tâm - Mỹ Đức chỉ là một xã nhỏ không thể so sánh quy mô với Thái Bình hay Tây Nguyên, nhưng Đồng Tâm - Mỹ Đức là một phần lãnh thổ của Hà Nội, thủ đô nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam. Thời điểm xảy ra cũng khác, tiếng hô đả đảo cộng sản đã công khai và ngày càng nhiều trên đất Việt Nam. Đảng Cộng sản Việt Nam đang mất sự chính danh, và càng mất thêm trong vụ Đồng Tâm - Mỹ Đức.
Trước kia, Phạm Quý Ngọ tuy là hung thần nhưng được đánh bóng như Lê Lai cứu chúa nên không những không bị hề hấn gì mà còn được thăng quan tiến chức. Nhưng ngày nay thì khác, mạnh tay với Đồng Tâm - Mỹ Đức là tự dán lên mặt mình cái nhãn hung thần, là lên bia miệng và chắc chắn sẽ ơi vào danh sách những người không được đón tiếp trong thế giới tự do phương Tây.
Ba Đình đang trong cơn bế tắc. Ba Đình đang thiếu một Nguyễn Bá Thanh, hay một Phạm Quý Ngọ.
Thái Bình có thể rất ít người biết đến, Tây Nguyên có thể rất ít người quan tâm. Nhưng Đồng Tâm - Mỹ Đức đang nằm trong trái tim của hàng triệu con người Việt Nam.
Hỡi Đảng Cộng sản Việt Nam,
Hãy quay đầu lại với dân tộc khi còn kịp.
Hãy dừng ngay mọi hành vi bạo lực.
Hãy trả lại cho người dân Việt Nam cuộc sống an bình.
Praha 20/04/2017
Đỗ Xuân Cang
Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên