Cuộc biểu tình ngày 10/6/2018 chống luật đặc khu và luật an ninh mạng đã diễn ra trên nhiều nơi trong cả nước. Theo thông báo của công an Thành phố Hồ Chí Minh có 310 người bị tạm giữ để xử lý hành chính hành vi gây rối trật tự công cộng, 7 người bị tạm giam để khởi tố hình sự về hành vi kích động biểu tình và để mở rộng điều tra, 1 người bị đưa vào trại tâm thần...
Anh đứng sừng sững trong đoàn người biểu tình đầy mạnh mẽ, mặt đối mặt với một rừng những bộ đồng phục xanh rì, kiên quyết đấu tranh để bà con vượt qua.
Theo nhận định của một số người hoạt động am hiểu tình hình thì đây không phải là con số phản ảnh thực tế. Ở Thành phố Hồ Chí Minh con số những người bị bắt, bị đánh, bị áp giải về địa phương còn cao hơn nhiều. Ở Bình Thuận thì cho đến nay hoàn toàn không có thống kê vì toàn tỉnh bị cắt điện, bị cô lập thông tin triệt để.
Đặc biệt là ngày chủ nhật vừa qua 10/6/2018, một thanh niên Mỹ gốc Việt có tên là Will Nguyen bị lực lượng chống biểu tình Thành phố Hồ Chí Minh đánh đập tàn bạo, kéo lê trên phố, lấy túi chụp vào mặt, ném lên xe chở đi mất tích. Will Nguyen là một sinh viên người Mỹ gốc Việt, anh về Việt Nam trong dịp nghỉ hè khi đã tốt nghiệp Đại Học Yale và vừa hoàn tất chương trình thạc sỹ tại Trường chính sách công Lý Quang Diệu - Singapore.
Ngày 14/06/2018 bà Lê Thu Hằng người phát ngôn của Bộ ngoại giao Việt Nam nói rằng : "Không có chuyện công an sử dụng vũ lực đối với anh Will Nguyễn".
Theo những người chứng kiến tại hiện trường kể lại, những video livestream tại hiện trường, Will Nguyen không mang theo bất cứ một biểu ngữ nào, trong tay chỉ có một chai nước nhỏ, và anh chỉ là người che chắn và giúp cho phụ nữ, người già, trẻ em đi trong đoàn biểu tình vượt qua các hàng rào an ninh bủa vây trên đường phố Sài Gòn. Anh đứng sừng sững trong đoàn người biểu tình đầy mạnh mẽ, mặt đối mặt với một rừng những bộ đồng phục xanh rì, kiên quyết đấu tranh để bà con vượt qua. Và rồi sau khi Will bị đánh, bị bắt đi, đã có quá nhiều video, hình ảnh, âm thanh trên mạng xã hội chứng minh điều này hoàn toàn là sự thật.
An ninh Việt Nam thì đang đau đầu đối phó với Sứ quán và Bộ ngoại giao Mỹ để giải quyết vấn đề đánh đập và bắt giam trái phép công dân của họ. Còn dư luận viên thì lồng lên đăng bài khắp nơi rằng Will Nguyen là người của Việt Tân đã phát tiền và kích động bà con biểu tình. Cho đến lúc này Will Nguyen vẫn chưa được tự do.
Tôi cảm thấy quá ngưỡng mộ Will Nguyen. Tôi không cần biết anh ấy là ai. Tôi không cần biết anh ấy có phải người của tổ chức nào hay không. Will Nguyen dù chỉ mang trong mình một phần dòng máu Việt Nam, nhưng đã bỏ nơi tự do của anh ấy để về nơi tối tăm này, góp sức trẻ của mình để thay đổi đất nước Việt Nam.
Trí não con người có một khả năng ghi nhớ hình ảnh cực kỳ đặc biệt. Các nhà khoa học về thần kinh đã từng làm một thí nghiệm như thế này. Nhóm người tham gia được cho xem 2.560 hình ảnh liên tục, mỗi hình ảnh trong 10 giây. Sau đó bước hai, người ta được xem tiếp 280 cặp ảnh, mỗi cặp ảnh có một bức nằm trong 2.560 ảnh lúc trước, một ảnh hoàn toàn mới, và người tham gia phải chỉ ra đâu là ảnh cũ, đâu là ảnh mới. Kết quả thu được cho thấy, dù số lượng hình ảnh trong thí nghiệm rất lớn, nhưng người tham gia có thể ghi nhớ chính xác từ 85-95% toàn bộ hình ảnh đó.
Tôi nói đến thí nghiệm khả năng ghi nhớ hình ảnh ở bên trên để làm gì ? Để thấy một điều rằng, dù bây giờ có bất cứ lời nói xảo trá hay lời đe dọa nào được đưa ra, người dân Việt Nam và cộng đồng quốc tế sẽ không bao giờ quên được hình ảnh đánh đập, đàn áp biểu tình của người dân ngày 10/6/2018. Tội ác ấy sẽ nhất định có ngày bị nhân dân phán xử. Và dòng máu Lạc Hồng chảy trong huyết quản mỗi người chúng ta sẽ luôn nuôi dưỡng tinh thần yêu nước, quyết đứng lên đập tan bè lũ bán nước và cướp nước !
Nguyễn Lân Thắng
Nguồn : RFA, 15/06/2018 (nguyenlanthang's blog)
Mấy ngày nay trong đầu tôi cứ quanh quẩn những suy nghĩ về cuộc đấu tranh ở Việt Nam nhằm đòi hỏi các giá trị về quyền con người, về môi trường, về kinh tế và về tự do chính trị.
Hình minh họa. Người biểu tình phản đối công ty Formosa của Đài Loan ở trung tâm Hà Nội hôm 1/5/2016 - AFP
Trong khoảng 10 năm trở lại đây, đã có những dịch chuyển lớn, có những phản kháng rộng khắp từ mọi giới để đòi hỏi những điều này trong xã hội, nhưng chưa thay đổi được tình trạng đất nước gì nhiều. Các hội nhóm đoàn thể trong nước hoạt động rất yếu ớt. Hơn 150 tù nhân lương tâm thuộc nhiều hội nhóm khác nhau cũng như một số người hoạt động độc lập đang bị bắt giam. Những người còn tồn tại ở bên ngoài thì sống vô cùng bất ổn trong sự đe doạ chờ chực hàng ngày. Các phong trào được thúc đẩy từ cộng đồng người Việt hải ngoại cũng không có nhiều gì mới, không tạo ra sự cuốn hút hay liên kết thực sự với trong nước. Về phía nhà nước, công cuộc đốt lò rầm rộ mang danh nghĩa bài trừ tham nhũng dần lộ ra là một cuộc thanh trừng phe phái nội bộ. Các quan chức thì vẫn hàng ngày thốt ra những câu ngu ngốc trên truyền thông. Và nhân dân thì vẫn è cổ gánh chịu đủ thứ tai ương từ việc cưỡng chế đất đai, từ môi trường ô nhiễm, từ thuế phí tràn lan và từ rất nhiều điều bất ổn khác của xã hội. Câu hỏi đặt ra là Tại sao ? Bao giờ ? Làm thế nào ? Để những mong ước này của người dân thành hiện thực.
Những ai trong chúng ta có quan tâm đến vận mệnh đất nước đều biết một điều, muốn thay đổi đất nước phải có bãi công, biểu tình hay các hình thức phản kháng tập thể lớn khác. Từ thời xa xưa trong cổ đại cho đến ngày nay, các cuộc khởi nghĩa, kháng chiến, rồi đến bãi khoá, bãi công, biểu tình... tất cả đều mang đến sự chuyển đổi vĩ đại cho cả một xã hội vì những hoạt động này có một sức mạnh to lớn, buộc những giá trị cũ phải nhường bước cho những điều mới mẻ.
Điều gì khiến chuyện này chưa xảy ra ? Có mấy vấn đề ở đây :
Các cá nhân trong xã hội dù đều chung một mong ước là được sống trong hạnh phúc, nhưng trình độ hiểu biết, kỹ năng sống, phương pháp hành động là khác nhau... dẫn đến mọi người chưa thể tập hợp thành một khối thống nhất trong hành động. Thậm chí những người tham gia sự phản kháng xã hội còn bất đồng, nghi ngờ, mắng chửi nhau, bất hòa và ganh đua chèn ép ngấm ngầm với nhau. Kết cục là tất cả bị phân mảnh thành những nhóm nhỏ rất yếu ớt, không có khả năng gây ảnh hưởng gì trong xã hội.
Hai là, các chế độ cai trị luôn học tập từ những bài học lịch sử để có một biện pháp thích hợp hòng dập tắt mọi phản kháng ngay từ đầu. Chế độ công an trị kết hợp với hệ thống tuyên truyền khổng lồ nhằm kiểm soát mọi hành vi, tư tưởng xã hội, làm những người đối kháng không thể liên kết, không thể vận động, không thể hình thành nên các hội nhóm đủ lớn để gây ảnh hưởng trong xã hội, chưa nói đến việc đủ sức thay đổi xã hội.
Ba là, các dịch chuyển từ bên ngoài thế giới, các thay đổi trong cán cân chính trị toàn cầu chưa có sự liên thông vào trong nước, các hoạt động hội đoàn người Việt hải ngoại chưa đủ sức nặng để tác động vào bên trong một xã hội vốn bị phong toả vô cùng chặt chẽ.
Những người biểu tình bên ngoài một tòa án xử các thành viên Hội Anh Em Dân Chủ ở Hà Nội hôm 5/4/2018 AFP
Vậy làm thế nào để chuyện này xảy ra ? Theo thiển ý của tôi thì những ai đang mong cho đất nước thay đổi phải làm cho được những điều sau đây.
Một là, phải hòa giải và chia sẻ. Không có sự hòa giải và chia sẻ giữa nội bộ những người đấu tranh, tất cả sẽ vẫn chìm trong mâu thuẫn. Những mối bất hòa đều từ bên trong nhận thức của mỗi người. Phải chấp nhận bỏ qua khác biệt ban đầu, thúc đẩy sự giao tiếp và học hỏi lẫn nhau. Hãy cùng nhau gặp gỡ trong các hoạt động chung nào đó, hãy cố gắng mỉm cười và thăm hỏi với những người bất đồng với mình nhất. Đừng chờ người khác xuống nước, hãy chủ động thân thiện và trao đổi với ai đó dù họ khác ý kiến với mình, và điều kỳ diệu sẽ xảy ra nếu bạn thực sự nỗ lực.
Hai là, mục tiêu của đấu tranh xã hội là để mang lại sự công bằng, tự do và hạnh phúc cho mỗi người trong xã hội, không phân biệt người đó đang thuộc là kẻ cai trị hay người bị trị. Những người trong bộ máy cai trị dù đang đàn áp người khác, nhưng họ cũng đang chịu những bất công do chính hệ thống mà họ đang phụng sự. Đừng coi họ là kẻ thù. Hãy coi họ là một người đang bị khống chế. Hãy bình tĩnh và tìm cơ hội trao đổi với họ về mục tiêu đấu tranh và ý nghĩa cao cả của việc mình đang làm. Khi họ, những người trong bộ máy cai trị dần thay đổi trong tư duy, chỉ cần họ chùng xuống không đàn áp mạnh tay thôi, mọi chuyện sẽ khác rất nhiều. Và một chế độ cai trị mất dần đi tay chân của nó, thì chắc chắn nó sẽ không còn sức mạnh để tồn tại.
Ba là, phải nâng cao trình độ hiểu biết thế giới, phải liên kết với tất cả nguồn lực bên ngoài, phải biết tận dụng từng cơ hội dịch chuyển từ chính trị, văn hoá, kinh tế, môi trường để tạo sự tác động vào bên trong, tạo sự khơi thông để trí tuệ, nguồn lực từ bên ngoài đổ về đất nước, xoá bỏ thế cô lập của công cuộc đấu tranh này.
Tôi vẫn nghĩ rằng, đây là một vấn đề nghiêm túc, cần trao đổi trong sự cởi mở, bởi nếu chúng ta lảng tránh sự thay đổi trong tư duy, thì hành động của chúng ta vẫn vậy, và kết quả trong tương lai vẫn như vậy mà thôi. Thế nên tôi rất mong quý vị gần xa gửi sự phản biện, hãy tranh luận cùng nhau, để những khác biệt trong tư tưởng mất đi, để rồi chúng ta là một trong hành động, nhằm nhanh chóng mang lại hạnh phúc và tự do cho mỗi người.
Nguyễn Lân Thắng
Nguồn : RFA, 31/05/2018
Gậy ông đập lưng ông là câu thành ngữ mô tả một chiến thuật kinh điển từ ngàn xưa. Khái niệm này là cốt lõi của nhiều câu chuyện ngụ ngôn trên toàn thế giới, với nhiều loại ngôn ngữ khác nhau. Dù diễn tả bằng nhiều hình thức khác nhau, nhưng tựu chung cốt lõi của câu chuyện này là cách đối phó của người bị tấn công với kẻ ra tay trước. Bạn sẽ luôn giành được lợi thế nếu biết cách xoay chuyển đòn đánh của kẻ tấn công hướng vào chính lưng hắn.
Tàu hải cảnh của Trung Quốc (phải) đang chạy song song tìm cách "giăng bẫy" hòng vu cáo tàu kiểm ngư Việt Nam (bên trái)
Tôi đề cập đến câu chuyện này bởi trong một quan sát khá thú vị sau đây. Mỗi khi trong xã hội chúng ta có một chuyện trọng đại xảy ra, ví dụ như việc Trung Quốc gây hấn trên Biển Đông, việc chặt phá cây xanh bừa bãi, việc ô nhiễm biển miền Trung... ta thấy một hiện tượng rất phổ biến trên các trang báo chính thống là : nhất định có một cô gái nào đó tụt quần, một thầy giáo nào đó đánh học sinh, một cây cầu ở xó xỉnh nào đó vừa mới khánh thành đã bị sụp, hay một quan chức phát biểu câu gì đó rất ngu ngốc. Những câu chuyện ngoài lề đó cực hút dư luận.
Đó là một chiến thuật kinh điển của giới cầm quyền khi muốn lái dư luận vào một câu chuyện tầm phào khác, để tránh đi lời bình luận chỉ trích của dư luận vào sự kiện nghiêm trọng hơn, và nó đã thành công rất nhiều lần. Bằng lợi thế nắm mọi cơ quan truyền thông chính thống, những người cầm quyền luôn dùng chiến thuật lấn át này, phủ đầy các trang tin, trang báo câu chuyện số 2, và kết quả là dư luận sẽ nhạt dần đi sự quan tâm vào câu chuyện số 1.
Tôi đã từng rất bực tức trước chiến thuật đó và không biết làm thế nào để đối phó với trò này. Nếu cả xã hội bắt đầu đổ dồn vào câu chuyện số 2 mà mình cứ lải nhải nói câu chuyện số 1, thì chắc chắn mình thua. Thua bởi vì mình là số ít. Thua bởi vì nguồn lực của mình không thể so sánh được với họ. Vậy thì làm thế nào để chống đỡ đòn đánh truyền thông này ? Đó là câu hỏi rất nhức nhối của những người quan tâm đến hiện tình đất nước và mong mỏi sự đổi thay.
Chúng ta thường có hai lựa chọn. Một là bực tức phản kháng bằng việc đăng tin những vấn đề thứ nhất trong vô vọng. Hai là im lặng hoặc đăng chút chút câu chuyện thứ hai... và cuối cùng bạn vẫn thua, vì câu chuyện thứ nhất vẫn bị chìm đi.
Nếu bây giờ tôi đứng lùi ra và đặt hai câu hỏi như sau :
- Nguyên nhân nào gây ra câu chuyện số 1 ?
- Nguyên nhân nào gây ra câu chuyện số 2 ?
Nếu đã hỏi được như vậy thì chắc chắn bạn đã hình dung ra câu trả lời.
Vậy thì để đối phó với đòn tấn công hoả mù lấn át truyền thông, theo tôi sự lựa chọn thông minh sẽ là : thay vì dùng cách thức đối phó cũ, hãy nương theo câu chuyện số 2, là câu chuyện mà cả xã hội đang quan tâm, bạn hãy viết bài theo hướng phân tích nguyên nhân, hãy tìm ra nguyên nhân gây ra cả câu chuyện số 1 và số 2. Trong bối cảnh cả xã hội đang bùng lên vì câu chuyện số 2, bạn đẩy xa vấn đề theo một cách khác, chắc chắn bạn sẽ nắm lại thế chủ động, và lực đánh cực mạnh của đối thủ sẽ quay ngược trở lại đập vào lưng hắn ngay lập tức.
Kết quả hiện tại luôn có được từ hành động trong quá khứ. Nếu bạn không thay đổi hành động trong hiện tại, chắc chắn kết quả trong tương lai vẫn như vậy mà thôi.
Nguyễn Lân Thắng
Nguồn : RFA, 15/05/2018 (nguyenlanthang's blog)
Trong chuyện của thiếu nhi, ai cũng chắc đã nghe qua câu chuyện đeo chuông cổ mèo.
Mèo trong câu chuyện này là đại diện cho thế lực gian ác, luôn đe doạ sự bình yên của đám chuột. Chuột tức lắm và họp nhau tìm cách đối phó với con mèo. Phương kế bàn tính thì nhiều, như rời hang chuột đi chỗ khác, làm đường đi kiếm ăn khác, nhưng rồi chỉ có một cách được cho là hay nhất còn lại. Đó là đeo chuông vào cổ con mèo. Mèo mà đi đến đâu cũng có tiếng chuông reo thì nhất định đám chuột sẽ dễ dàng chạy thoát được ngay. Nhưng rồi khi đàn chuột bàn đến cách làm, con nào cũng từ chối làm việc khó khăn nguy hiểm đó. Cuối cùng cuộc họp giải tán và đàn chuột vẫn phải vất vả né tránh sự truy đuổi của mèo đến tận bây giờ.
Quay trở lại chuyện bây giờ, mấy ngày nay câu chuyện cướp đất Thủ Thiêm đang nóng lên từng ngày. Trong không khí hừng hực của báo chí xông vào kết tội dàn lãnh đạo của thành phố Hồ Chí Minh, người ta không khỏi ngậm ngùi nhớ đến các vụ cưỡng chế cướp đất của dân khác trên khắp cả nước. Từ Tiên Lãng đến Văn Giang, từ Vụ Bản đến Bắc Ninh, rồi Thái Bình, Cồn Dầu, Đắc Nông, Lâm Đồng, Vũng Tàu, Long An... nhiều không thể kể siết. Không tỉnh nào không có chuyện cướp đất của dân. Cứ ra văn phòng cơ quan Thanh Tra Chính Phủ ở Hà Nội là sẽ gặp dân oan cả nước, người ta trụ ở đây cả hơn 20 năm trời đi khiếu kiện, và nhiều nhất vẫn là chuyện đất đai.
Ai chủ mưu cướp đất của dân ? Công an ? Dân phòng ? Chủ đầu tư ? Đầu gấu ?... không phải !!!
Đảng cộng sản là con mèo già hung ác, không ai đủ sức đeo chuông lên cổ nó được.
Chúng chỉ là tay sai, là bình phong cho kẻ thực sự đứng đằng sau tất cả chuyện này. Đó là Đảng cộng sản Việt Nam. Từ khi nắm quyền điều hành đất nước, đảng cộng sản với danh xưng là đội tiền phong của giai cấp công nhân và nhân dân lao động đã từng bước xoá bỏ quyền tư hữu đất đai của nhân dân trong hiến pháp, đã biến các lực lượng vũ trang từ công an đến quân đội thành công cụ riêng cho mình để bảo vệ quyền lực độc tôn, đã thao túng tất cả nền kinh tế để bóc lột nhân dân, để đem về quyền lợi cho phe nhóm riêng mình.
Đảng cộng sản là con mèo già hung ác, không ai đủ sức đeo chuông lên cổ nó được. Bất cứ ai từ nông dân, nhà báo, trí thức hay các nhà hoạt động xã hội mà lên tiếng về bất công này thì nhẹ là trù dập, mất việc... nặng thì bỏ tù không tha. Đó là một sự thật đáng buồn mà những ai quan tâm đến tình hình đất nước đều biết cả.
Thâm hiểm hơn, giờ đây để tiêu diệt phe cánh khác trong đảng, đảng cộng sản sẵn sàng sử dụng báo chí, sử dụng truyền thông như một công cụ chuẩn bị dư luận, dọn đường cho việc tiêu diệt đối thủ không cùng phe cánh, nhưng cố tình lờ đi các sai phạm khác trong phe nhóm của mình... Rồi sau khi củng cố lại địa vị, đảng cộng sản sẽ tiếp tục cướp của dân không tha ai đâu.
Có lần trong một cuộc nói chuyện bàn về ý nghĩa cuộc đời, có người hỏi rằng : thế nào là lẽ sống ? Tôi nói, lẽ sống là những điều mà không có nó bạn sẽ không thể sống được. Và vì thế kể cả chết, tôi cũng phải đấu tranh để giành bằng được điều đó cho mình. Tôi phải nói ra những điều này, phải nói bằng được dù biết điều đó cực kỳ nguy hiểm cho mình. Tôi xin nguyện làm con chuột cảm tử tiếp tục đeo cái chuông lên cổ con mèo già gian ác, vì tương lai của đồng bào tôi, vì đó là lẽ sống mà tôi sẽ không bao giờ từ bỏ.
Nguyễn Lân Thắng
Nguồn : RFA, 10/05/2018 (nguyenlanthang's blog)
Tôi đến thành phố Nha Trang lần đầu tiên từ khi còn rất bé. Những năm đó đường Trần Phú còn ngút ngàn dừa và phi lao dọc biển và những dãy phố chủ yếu là nhà hai tầng thấp lè tè. Trong ký ức của mình tôi còn nhớ rất rõ hình ảnh mọi người mỗi buổi sáng lại chạy bộ hoặc đạp xe theo các con phố ra biển để tập thể dục, rồi tắm biển và ăn sáng ở đây rất nhiều. Đàn ông thì mặc quần đùi áo may ô ba lỗ, đàn bà thì mặc đồ ngủ, cứ thế nhảy xuống biển mà bơi rất tự nhiên, sau đó lại để nắng và gió cho khô mà trở về nhà. Cuộc sống lúc đó vô cùng giản dị và thanh bình. Các bạn có thể hình dung khung cảnh đó qua một số bức ảnh quý giá những năm 1960 còn sót lại cho đến ngày nay sau đây.
Người Trung Quốc gom đất ở Nha Trang - Ảnh minh họa
Rồi từ đó cho đến bây giờ cứ vài năm là tôi lại có dịp quay về đây, Nha Trang xưa trong ký ức của tôi cứ thay đổi dần dần và trở thành một nơi rất náo nhiệt.
Hàng chục nhà cao tầng mọc lên sát bờ biển. Hàng trăm khách sạn, nhà hàng, khu nghỉ dưỡng nối tiếp nhau chạy dài trên con đường Trần Phú.
Phía xa kia ngoài biển Nha Trang thì khu Vinpearl với hệ cáp treo vượt biển hoành tráng nổi bật rực rỡ ngoài đảo Hòn Tre bất kể ngày đêm, nhưng vẫn nham nhở núi đồi hàng bao lâu nay như vết thương minh chứng cho một thành phố đã hoàn toàn đổi khác vì du lịch.
Trên đường phố hay trong các điểm tham quan, từng tốp du khách nước ngoài, đặc biệt là Nga và Trung Quốc nhiều vô kể đi lại nườm nượp. Các biển hiệu nhà hàng khách sạn thì cũng đầy những dòng chữ tiếng Nga và tiếng Trung để chào đón những vị khách ồn ào này.
Như Hạ Long, Móng Cái, Sapa ở phía Bắc hay Phú Quốc, Đà Nẵng ở phía Nam, Nha Trang ngày càng mất đi nhiều dáng vẻ duyên dáng xưa cũ của nó vì du lịch. Giá nhà đất và các dự án du lịch ở đây đang tăng chóng mặt. Tôi chẳng phải người Nha Trang. Tôi chỉ là kẻ lãng du thỉnh thoảng đến rồi đi. Vậy mà chỉ một chút ký ức có được trong tâm trí về Nha Trang xưa cũng làm cho tôi không khỏi băn khoăn khi nghĩ về tương lai của nơi này. Có nhiều bài báo cũng đề cập về chuyện thay đổi này lắm. Nhưng hầu hết mới chỉ đề cập đến tình trạng hỗn loạn trong quản lý du lịch do sức ép tăng đột biến của lượng du khách đến từ Trung Quốc, Nga... mà chưa có ý kiến nào đề cập sâu xa đến sự yếu kém trong tầm nhìn, trong kế hoạch phát triển kinh tế xã hội, trong quy hoạch xây dựng đô thị ở nơi này.
Những người bênh vực sự phát triển xô bồ ở Nha Trang có thể đưa ra lý lẽ rằng, nếu không phát triển kinh tế, không xây dựng cho kịp để thoả mãn nhu cầu của thị trường du lịch, Nha Trang sẽ mất đi nhiều cơ hội thu ngay ngoại tệ, mất đi sự đầu tư của rất nhiều nguồn vốn trong và ngoài nước đổ về đây. Nếu ngày xưa Thái Lan không cho phát triển ồ ạt khu Pataya để phục vụ lính Mỹ trong chiến tranh Việt Nam thì liệu họ có thể có nhiều ngoại tệ để kiến tạo được Thái Lan giàu có và phát triển như ngày nay không v.v... Cách nghĩ này không phải chỉ có trong đầu quan chức, những người có trách nhiệm vạch ra đường lối và tổ chức thực hiện ở tầm vĩ mô các kế hoạch phát triển, mà còn là suy nghĩ phổ biến trong giới trí thức, trong doanh nhân và đại bộ phận dân cư ở tất cả các nơi có du lịch trên đất nước ta. Ai cũng cảm thấy khó chịu đôi chút trước mặt trái của phát triển, xong rồi lại chặc lưỡi cho qua, rồi tiếp tục cùng nhau lao vào công cuộc kiếm tiền.
Tôi không phải là người muốn từ chối sự phát triển. Ai trong chúng ta ngoài mong muốn cuộc sống cá nhân trở nên khấm khá hơn cũng đều mong muốn xã hội phát triển. Nhưng quan niệm phát triển thế nào sẽ vẫn còn là một vấn đề rất nhức đầu. Ai đã từng đi du lịch nước ngoài, bạn sẽ nghĩ thế nào nếu Venice nhung nhúc những con đò nhiều như lễ hội Chùa Hương, hay Paris toàn những khách sạn cao tầng xanh đỏ mọc lên át những công trình cổ có tuổi đời hàng thế kỷ để phục vụ du khách. Phát triển du lịch là điều cần có để xây dựng đất nước. Nhưng phát triển ồ ạt theo chiều rộng, bỏ qua tác động đến môi trường, đến cảnh quan, đến văn hoá... là cách làm nhanh nhất để phá hủy những di sản, vốn là điều làm nên sự độc đáo của bất cứ quần thể du lịch nào. Khai thác nhanh chóng kiểu này không khác gì việc chúng ta lao vào chặt phá gỗ của một khu rừng, không trồng thêm cây mới, không quan tâm đến hệ sinh thái của động vật, của thảo mộc, của vi sinh..., vốn có được từ trước qua quá trình tự nhiên trong hàng triệu năm phát triển. Những thứ đó đã mất rồi là mất vĩnh viễn, không thể nào tái tạo lại được.
Tôi biết đặt ra vấn đề này là động chạm rất lớn đến nhiều bên, cả phía cơ quan quản lý, cả phía doanh nghiệp khai thác du lịch, và cả những người dân đang hưởng thụ sự phát triển ồ ạt này. Nhưng nếu không có sự lên tiếng mạnh mẽ từ nhiều phía, rồi đây những nơi xinh đẹp như Nha Trang, Phú Quốc, Côn Đảo, hay Sơn Đoòng - Quảng Bình và nhiều nơi khác nữa trên đất nước chúng ta sẽ mất dần đi giá trị hấp dẫn vốn có. Một trăm năm nữa, đất nước sẽ còn gì, có gì là phụ thuộc vào chúng ta, những người hiện đang sống ở trên cõi này.
Nguyễn Lân Thắng
Nguồn : RFA, 06/05/2018 (nguyenlanthang's blog)
Tôi vừa có một đoạn status bông đùa khá là sốc trên FB, các bạn có thể xem hình ở dưới đây.
"Tôi thật chứ, mấy ông bà trong hội phụ huynh toàn có con học dốt nghịch ngợm, vào đấy cố mà hầu thầy cô để bớt tội cho con thôi chứ mấy ai rảnh hơi làm những chuyện đầu sai, v.v."
Tôi bị một ông bạn cũ học cùng cấp một vào chửi thế này :
"Các thớt khác viết còn được, thớt này đéo ngửi nổi. Kết luận một cách cảm tính. BPH được cái lợi gì mà phải nhờ cậy... những người xuất phát từ sự nhiệt tình muốn giúp bọn trẻ và những ông bố bà mẹ né tránh khác đọc thớt này sẽ thấy muốn nhổ bãi nước bọt vào mặt mày"
Sau một hồi thăm hỏi bạn cũ, tôi bèn trả lời cho rõ thế này :
"Tốt quá. Nhưng mày nên đọc kỹ status của tao. Sâu xa trong đó không phải chuyện phê phán các bậc phụ huynh, mà cái chính là tao phê phán cả cái hệ thống giáo dục này. Hãy nhìn ra các nước xung quanh, Lào, Campuchia hay Thái Lan thôi. Làm gì có cái chuyện con cái đi học mà bố mẹ phải hầu chúng nó như nô lệ. Bố mẹ Việt Nam mở mắt ra đã lo ăn lo uống, lo quần áo sách vở, lo đưa đón con đi học bất kể nắng mưa, lo kẹt xe muộn học, lo đón về rồi lại đi học thêm, lo một trăm thứ tiền mà đáng lý ra đấy phải là trách nhiệm của nhà nước trước tiền thuế của chính mày và tao... Mày yêu con mày, tao cũng yêu con tao. Tao cũng muốn mọi thứ tốt nhất đến với nó. Nhưng thử hỏi trách nhiệm làm bố làm mẹ đến thế nào là đúng ? Hay thử hỏi có phải tình yêu dành cho con của cả tao và mày, của rất nhiều người nữa trong xã hội này đang bị cái thể chế chính trị khốn nạn nó lợi dụng, nó bóc lột, nó bóp vào nhả ra bằng một tỷ thứ luật lệ lề thói, để đạt được mục đích cuối cùng là tất cả nôn tiền ra cho những thứ mà lẽ ra một đứa trẻ nghiễm nhiên được hưởng. Tao tin là mày có thể rất trong sáng khi tự nguyện vào hội phụ huynh. Nhưng mày có chắc là các phụ huynh khác cũng vô tư như mày không ? Hay là mày đang bị chính cái đám còn lại lợi dụng tình yêu của mày dành cho con, để bóc lột mày, để hất hết những việc khó khăn cho mày khi có thể ? Hãy nghĩ cho kỹ hơn chuyện này đi, vì cái gì cũng có nguyên nhân của nó...".
Có thể là tôi sẽ còn bị nhiều người vào chửi nữa, nhưng kết quả là chúng tôi, những người bạn từ thủa thiếu thời không lao vào đánh nhau và cùng nhìn về một hướng. Không có có nền chính trị tử tế thì suốt đời làm nô lệ Dũng ơi./.
Nguyễn Lân Thắng
Nguồn : RFA, 21/09/2017 (nguyenlanthang's blog)
Bạn đã từng xem phim Đại tư bản (The men who built America - 2012) chưa nhỉ ? Đây là một bộ phim tuyệt hay nói về các ông trùm tư bản huyền thoại, những người có dấu ấn quan trọng làm nên một nước Mỹ giàu có và hùng mạnh ngày nay.
Bộ phim Đại tư bản (The men who built America - 2012)
Bộ phim khá là dài, nhưng không hề buồn tẻ vì trong phim chúng ta được hình dung lại cả chặng đường vật lộn tranh đấu của những ông chủ lớn như Morgan Stanley, Rockerfeller, Andrew Carnegie, Henry Ford... hay những nhà khoa học từng danh như Thomas Edinson, Nikola Tesla... để làm nên một nước Mỹ vĩ đại. Chúng ta sẽ được đắm chìm trong không gian thế kỷ 19 là thời kỳ tư bản hoang dã, nơi những tri thức, khát khao, mưu mô, thủ đoạn, vinh quang và cay đắng hoà trộn với nhau làm nên khúc ca bi tráng của lịch sử Mỹ. Nhưng với tôi, điều thú vị nhất ở bộ phim này là đoạn kết. Dù thời trẻ của những doanh nhân thiên tài đó vật lộn sống chết với mọi thủ đoạn bẩn thỉu nhất, có đàn áp, có giết người, có cưỡng chế cướp bóc, có mua vua bán chúa, lúc đó cuộc đua của họ là đồng tiền, tiền là mục đích họ tranh đấu... thì lúc về già, cuộc đua của họ là xem ai cho đi được nhiều hơn.
Với khối tài sản khổng lồ của mình, những nhà tư bản đó không chỉ thúc đẩy sáng tạo nên các phát minh khoa học, xây dựng một nền công nghiệp khổng lồ, hùng mạnh, tân tiến nhất thế giới thế kỷ 19, tạo tiền đề cho nước Mỹ tiến vào thế kỷ 20 với tư cách là bá chủ toàn cầu về khoa học kỹ thuật, họ còn để lại rất nhiều trường đại học danh giá nhất thế giới, bệnh viện giỏi nhất thế giới, trung tâm nghiên cứu nhiều bằng sáng chế nhất thế giới, quỹ hỗ trợ phát triển cộng đồng lớn nhất thế giới... điều đó mới chính là yếu tố quan trọng nhất, là phần hồn của nước Mỹ đầy sức mạnh ngày nay.
Ngôi trường 6 tỷ trên núi xinh xắn do quỹ cô Thanh Phượng tài trợ, ông Trần Đăng Tuấn chủ trì, anh Ngô Bảo Châu kêu gọi, anh Nguyễn Thúc Hào sáng tác.
Tôi nói chuyện trên hơi dài dòng chút vì muốn đề cập đến một việc khá lôi thôi trên mạng mấy ngày qua ở Việt Nam. Đó là chuyện ngôi trường 6 tỷ trên núi xinh xắn do quỹ cô Thanh Phượng tài trợ, ông Trần Đăng Tuấn chủ trì, anh Ngô Bảo Châu kêu gọi, anh Nguyễn Thúc Hào sáng tác. Chuyện sẽ là rất đẹp nếu không ai biết nguồn tiền đến từ quỹ của cô Phượng.
Lúc đầu nhiều người tung hô lắm, lên tận mây xanh luôn. Lúc sau khối người chửi : bố đéo cần, tham nhũng cả giang sơn đất nước bỏ ra 6 tỷ bạc bố thí thì bố đéo thèm... Bạn tôi chửi nhiều lắm. Quả thật suy nghĩ của tôi về chuyện này hơi khác với nhiều người nên dù muốn nói ra ngay cũng không phải dễ. Là một người từng lăn lộn bênh vực dân oan khắp nơi, đấu tranh với bộ máy công an trị từ thời Nguyễn Tấn Dũng đương quyền, đòi hỏi các quyền tự do, quyền mưu cầu hạnh phúc... tôi quá hiểu sự uất ức của hàng triệu triệu những nạn nhân trực tiếp của chế độ này. Cô Phượng, ông Tuấn, anh Châu, anh Hào... xin hãy đặt mình vào vị trí của họ.
Chúng ta đến với cuộc đời này là duyên số trời định. Không ai chọn được tổ quốc, không ai lựa được gia đình. Tôi nói vậy để thấy, không một ai có thể tự quyết định được việc bố của mình là quan tham phá hoại đất nước hay một ông nông dân có mỗi sào ruộng bị nhà nước trưng thu rẻ mạt phải lang thang ở Hà Nội khiếu kiện hàng chục năm trời. Đau lắm, khổ lắm, thê thảm lắm cô Phượng và các ông bà ơi...
Dĩ nhiên có một điều chúng ta có thể quyết định, đó là thái độ sống. Cô Phượng hoàn toàn có thể rời xa đất nước. Ông Tuấn hoàn toàn có thể túc tắc vui già cùng dăm xu ba hào với quỹ từ thiện Cơm có thịt. Anh Châu danh giá hoàn toàn chả cần thò tay vào chuyện xã hội lắm thị phi. Và anh Hào thì quá tài ba về kiến trúc để có thể ngồi lựa chọn chủ đầu tư béo bở cho mình. Nhưng họ đã lựa chọn cách khác. Họ đã lựa chọn cho mình thái độ sống không bỏ mặc tha nhân. Điều đó không phải là sự tử tế hiếm hoi rất đáng quý trong cái thời buổi nhiễu nhương này hay sao ?
Ông bà mình có câu đánh kẻ chạy đi chứ đừng đánh người chạy lại. Chưa nói đến chuyện chẳng có ai chứng minh được nguồn tiền của cô Phượng là từ tham nhũng mà ra. Kể cả nếu đó là tiền bạc có nguồn gốc từ tham nhũng, người ta mới vừa chạy lại một chút mà đã bị bao người lên án thì thử hỏi với sức mạnh của đồng tiền, của tri thức, của quan hệ xã hội mà họ có, nếu họ bỏ đi mặc kệ đất nước này trong tăm tối thì còn tương lai nào cho dân tộc chúng ta ?
Tôi muốn đất nước này phải thay đổi. Nhiều người muốn cuộc sống này phải thay đổi. Nhưng thay đổi thế nào ? Bạo lực cách mạng xóa bỏ hoàn toàn tàn dư chế độ cộng sản hay chuyển đổi một cách ôn hòa, xếp những di vật cộng sản vào bảo tàng, không trả thù, không đấu tố, để cả dân tộc rảnh rang bắt tay xây dựng một tương lai mới ?
Có thể bạn sẽ cho rằng tôi hơi ảo tưởng. Nhưng tôi không thấy một tương lai nào sáng sủa cho đất nước nếu tất cả mọi người lựa chọn một phương cách cực đoan. Hãy nhìn sang các dân tộc vĩ đại khác. Hãy học ở họ cách thức chuyển đổi xã hội sao cho chế độ này kế thừa những gì tinh túa của chế độ trước mà không phá bỏ đi tất cả. Những thành phố cổ kính xinh đẹp, những đền đài cung điện to lớn tồn tại hàng trăm năm qua nhiều triều đại ở đất nước người ta phải chăng là minh chứng rõ nét nhất cho điều đó hay sao ?
Một mình Nguyễn Tấn Dũng không thể phá tan đất nước này. Một mình Nguyễn Phú Trọng không thể giữ cho đảng ta quang vinh muôn năm mãi mãi. Ai cũng biết đất nước ta trì trệ tăm tối bởi sự cai trị độc tôn của đảng cộng sản hàng chục năm qua. Được nuôi dưỡng bằng chủ thuyết cộng sản, hệ thống ấy như vòi bạch tuộc chi phối cả xã hội, chà đạp lên quyền con người, tàn phá đất nước, biến mọi cá nhân thành con ốc vô tri phải tuân phục hệ thống vô điều kiện.
Tôi cho rằng cái cần nhất ở đất nước này là làm sao cho mọi người, kể cả quan chức cộng sản không còn vô cảm, biết đau với với vận mệnh đất nước, biết thương những mảnh đời khốn khó trái ngang. Chỉ có như vậy, chúng ta mới có thể từng bước xóa bỏ được cái thể chế chính trị quái đản độc tài toàn trị, làm thui chột tài đức, làm mất đi cơ hội của đất nước, làm phá hỏng phần nhân trong mỗi tâm hồn.
Tôi nói thẳng là tôi chưa thật sự tin cô Phượng. Nhưng tôi hoan nghênh việc cô và các cộng sự vừa mới làm. Nếu cô thật lòng vì đất nước, hãy bỏ qua những lời rủa xả mà tiếp tục từng bước làm những việc có ích cho nhân dân. Hãy cứ làm tiếp đi vì tôi biết sức cô và các đồng sự còn mạnh lắm, 6 tỷ chưa là cái gì đâu. Và tôi nói trước, nếu cô làm gì sai thì tôi cũng chả tiếc ngòi bút để lên án cô như đã từng lên án bố cô đâu. Chúc cô vững vàng.
Nguyễn Lân Thắng
Nguồn : RFA, 12/09/2017 (nguyenlanthang's blog)