Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

dimanche, 09 septembre 2018 18:48

Qwerty hay Dvorak

Bạn có biết Qwerty là gì không ? Hãy mở máy tính hoặc nhìn vào điện thoại. Đó chính là 6 chữ cái phía trên bên trái bàn phím bạn vẫn quen dùng. Ồ, vậy bạn có bao giờ thắc mắc tại sao thứ tự của bàn phím lại không sắp xếp theo thứ tự ABC trong bảng chữ cái nhỉ ? Xin thưa, mọi thứ đã tồn tại thì đều có lý do của nó.

querty1

Hai kiểu bàn phím Querty và Azerty - Ảnh minh họa

Qwerty bắt đầu xuất hiện từ thời kỳ sơ khai của máy chữ. Lúc đầu người ta cũng sắp xếp trên máy chữ các phím bấm theo thứ tự ABC, nhưng người ta nhận ra khi bắt đầu quen và gõ nhanh trên máy chữ, về mặt cơ khí, những cái cần kim loại gắn búa nhỏ in nổi chữ cái trên máy chữ bắt đầu mắc vào nhau khi chưa kịp thu về. Điều này làm những người gõ máy chữ rất mất thời gian để thò tay lên gỡ những cái cần bị mắc vào nhau. Hai cái cần càng gần nhau mà cùng gõ nối tiếp liên tục thì càng dễ bị mắc kẹt. Chẳng hạn trong chữ ABSOLUTE hay chữ EIFFEL... xác xuất cặp chữ AB, hay cặp chữ FE sẽ bị kẹt rất cao nếu xếp gần nhau theo bảng chữ cái. Chính vì thế về mặt cơ khí, người ta thiết kế lại cách sắp xếp các phím bấm trên bàn phím máy chữ tách ra không theo thứ tự ABC để sao cho ít bị kẹt nhất, và đó chính là hệ bàn phím Qwerty mà chúng ta vẫn quen dùng ngày nay trên máy tính hay điện thoại.

Trải qua hơn một trăm năm tồn tại của máy chữ, không chỉ Qwerty mà người ta còn sáng tạo ra nhiều kiểu bàn phím khác để phù hợp với ngôn ngữ như AZERTY cho tiếng Pháp, hay QWERTZ cho tiếng Đức.v.v... nhưng đặc biệt là phải kể đến bàn phím Dvorak.

querty2

Bàn phím Dvorak - Ảnh minh họa

DRORAK không phải là tên đặt theo cách sắp xếp bàn phím mà theo tên của nhà phát minh ra nó, ông August Dvorak. Bàn phím này được đăng ký sáng chế vào năm 1936 khi Dvorak cảm thấy bàn phím QWERTY không mang đến cảm giác thoải mái khi sử dụng. Tin rằng không có một mẫu bàn phím nào là hoàn hảo, Dvorak quyết định thiết kế một kiểu bàn phím của riêng mình.

Theo thống kê, người dùng bàn phím QWERTY thường gõ 32% số từ ngay tại dòng phím "home row" (dòng phím mà tay bạn thường đặt một cách tự nhiên khi bắt đầu gõ) trong khi đó bàn phím DVORAK nâng con số này lên 70%. Vì thiết kế như vậy nên bàn tay gõ rất ít phải di chuyển so với Qwerty.

Bàn phím DVORAK cũng tận dụng đặc điểm rằng có nhiều người thuận tay phải hơn để tạo ra cách sắp xếp phím giúp bạn gõ được nhiều từ bằng tay phải, giúp nâng cao tốc độ gõ hơn. Chính vì tốc độ vượt trội của nó khi gõ, trong chiến tranh thế giới thứ 2 hải quân Mỹ đã thử nghiên cứu ứng dụng Dvorak trong liên lạc quân sự. Như các bạn biết, trên các tàu chiến hay hàng không mẫu hạm, lính thông tin chuyên đeo tai nghe trên đầu nghe các báo cáo quân sự trên các làn sóng radio và rồi gõ thật nhanh các thông tin thành các báo cáo, chỉ thị. Bộ phận thông tin này cực kỳ quan trọng và luôn gắn liền với bộ phận đầu não chỉ huy để đưa ra các mệnh lệnh phối hợp cho các bộ phận khác. Hải quân Mỹ đã chọn mười bốn người đánh máy cho một nghiên cứu vào năm 1944 để đánh giá xem việc đào tạo Dvorak có khả thi hay không. Kết quả là chỉ mất 52 giờ đào tạo những người đánh máy trên loại bàn phím Dvorak để đạt được tốc độ trung bình như trên bàn phím Qwerty. Khi kết thúc nghiên cứu, tốc độ Dvorak nhanh hơn 74% so với tốc độ Qwerty, và độ chính xác đã tăng 68%.

querty3

Tốc độ Dvorak nhanh hơn 74% so với tốc độ Qwerty, và độ chính xác đã tăng 68%.

Theo sự tiến bộ của khoa học công nghệ, máy chữ điện, rồi máy tính ra đời, người ta không còn cần dùng đến các cơ cấu cơ khí trong bàn phím nữa. Còn những bàn phím được sáng tạo ra cho những nhu cầu riêng như bàn phím chuyên cho game thủ, bàn phím cho những người làm công tác thống kê hay kế toán, bàn phím 3D với sắp xếp phím nổi không theo mặt phẳng thông thường để tránh mỏi cổ tay khi gõ lâu dài.

Khi tôi gõ những dòng chữ này, tôi dùng 2 ngón tay cái gõ trên bàn phím Qwerty quen thuộc với chúng ta trên điện thoại hay máy tính. Dù biết Dvorak cực kỳ lợi hại, nhưng tôi không thể từ bỏ thói quen dùng Qwerty bấy lâu nay. Thử google để nhìn sắp xếp bàn phím Dvorak xem nó kỳ cục như thế nào đi, nhưng tôi không bao giờ chửi nhưng người dùng nó là đồ thần kinh, đồ dở hơi, vì tôi biết thế giới này rất rộng lớn.

Cái ta biết, ta quen thuộc chỉ là hữu hạn trong thế giới vô hạn. Con người phát triển được bởi vì tò mò đặt câu hỏi tại sao với những thứ khác lạ, chứ không phải hè nhau chửi bới miệt thị hay chế giễu những thứ chưa từng thấy, chưa từng nghe bao giờ.

Qwerty hay Dvorak đều... Ok cả, miễn là bạn dùng nó để gõ ra cái gì có ích cho đời.

Nguyễn Lân Thắng

Nguồn : RFA, 08/09/2018(nguyenlanthang's blog)

Published in Văn hóa
vendredi, 31 août 2018 11:38

Hòa bình hay bạo lực ?

Những người quan sát các biến động chính trị xã hội tại Việt Nam hẳn không thể quên hình ảnh cuộc xuống đường khổng lồ ngày 10/6/2018 tại Sài Gòn, những vụ bắt bớ đánh đập tàn bạo người biểu tình tại công viên Tao Đàn, những cuộc dàn quân chống bạo động rồi đốt xe tại Phan Rí... và vô cùng nhiều hình ảnh khác nữa giữa về sự xung đột giữa người dân và cảnh sát trong năm vừa qua. Đây là hệ quả tất yếu của quá trình đàn áp rất dài những tiếng nói bất đồng trong xã hội Việt Nam. 

hoabinh1

Biểu tình hòa bình - Ảnh minh họa

Trong hơn 10 năm trở lại đây, tổng số người bị bắt bớ, bị hành hung, bị tù đày do có những phát biểu trái với quan điểm của đảng cộng sản lên tới con số hàng ngàn. Nổi bật nhất là những người như Trần Huỳnh Duy Thức, Điếu Cày, Ba Sàm, Bùi Thị Minh Hằng, Trần Thị Nga, Mẹ Nấm... là những người hoàn toàn phi bạo lực trong suốt quá trình hoạt động của mình. Những người này lên tiếng không vì quyền lợi của họ. Chính vì thế họ được sự ủng hộ trực tiếp cũng như gián tiếp vô cùng lớn của một khối quần chúng khổng lồ, vượt thời gian, xuyên biên giới. Bắt rồi bỏ tù, bịt miệng người đấu tranh ôn hòa bằng mọi biện pháp "nghiệp vụ", nhà cầm quyền tưởng chừng nắm thế thượng phong trong việc kiểm soát xã hội, nhưng không phải. Cuộc biểu tình ngày 10/6 là một minh chứng rõ nét gần đây nhất cho sự bất lực của chế độ trong việc dập tắt các phản kháng của người dân. Không có bất cứ một gương mặt nổi bật nào cả miền Bắc hay miền Nam tham gia cuộc biểu tình đó. Bịt mồm được những người tiên phong, nhưng họ không thể bịt mồm hàng triệu người dân khác đang dần tỉnh ngủ và nắm lấy ngọn cờ của cuộc đấu tranh đòi dân chủ, nhân quyền. Tuy nhiên, khi thiếu đi những gương mặt, những tiếng nói ôn hòa mang tính đại diện quần chúng, cuộc đấu tranh này đang ở khúc quanh nguy hiểm, có thể dẫn tới bạo động ở quy mô lớn, có đổ máu, có bạo lực vô cùng tàn tệ. Đó là điều bất cứ ai mong muốn cho một Việt Nam yên hòa trong tương lai không thể chấp nhận, kể cả những người từng bị đảng cộng sản đàn áp một cách dã man nhất. Sự kiện gần đây nhất là đang có lời kêu gọi trên mạng xã hội về một cuộc tổng biểu tình phản đối dự luật Đặc khu và An ninh mạng diễn ra trong dịp quốc khánh 2/9 tới đây. Không ai biết lời kêu gọi này xuất phát từ đâu. Không ai biết sẽ có bao nhiêu người tham gia. Và không ai biết rồi sẽ có bao nhiêu người bị bắt bớ, bị đánh đập, bị đổ máu trong mấy ngày tới đây. Chỉ biết rằng tại Hà Nội, Sài Gòn, Đà Nẵng, Nha Trang và các nơi có những khu công nghiệp tập trung lớn, một lực lượng khổng lồ gồm an ninh, cảnh sát, dân phòng, trật tự đô thị, bảo vệ dân phố, đoàn thanh niên, hội phụ nữ, hội cựu chiến binh... đang được triển khai huy động toàn bộ vào việc chống biểu tình. Điều không khó đoán là các gương mặt phản biện xã hội nổi trội sẽ bị theo dõi, canh me, khống chế, thậm chí còn bị các trò "nghiệp vụ" bẩn thỉu tấn công trong mấy ngày sắp tới, để vô hiệu hóa họ, không cho họ có mặt trong bất cứ đám đông nào nếu xảy ra biểu tình.

Quay trở lại một sự kiện trong lịch sử, năm 1999, hội nghị thường niên của Tổ chức thương mại thế giới WTO tại Seattle đã vấp phải sự phản ứng mạnh mẽ của phong trào chống Toàn cầu hoá. Các vụ biểu tình lớn, đập phá, rồi bắt bớ gây thiệt hại về vật chất lên đến 3 triệu đô la, gây thiệt hại về kinh tế nói chung lên đến 10 triệu đô la. Đến tháng 11 năm 2003, Mexico lại tiếp tục chuẩn bị hội nghị thường niên này tại Cancun. Những người chống đối tuyên bố quy mô phá hoại sẽ còn lớn hơn sự kiện tại Seattle mấy năm trước rất nhiều lần. Thay vì thiết quân luật và đàn áp, chính phủ và quân đội Mexico đã có một bước đi rất khôn ngoan. Họ lập ra một bản kế hoạch rất chi tiết, phân tích những thất bại tại Seattle, vẽ nên bản đồ những nơi có khả năng xảy ra xung đột và các  biện pháp giữ gìn trật tự. Sau đó, họ làm một việc rất kỳ lạ, đó là chủ động liên hệ rồi chia sẻ tất cả những tài liệu này với nhóm đối lập, từ đó phá bỏ rào cản giữa "chúng tôi" và "các anh". Rồi tiếp đến, để không làm ảnh hưởng đến đời sống của người dân Cancun, họ sắp xếp một nơi để những người phản đối có không gian biểu tình trong ôn hoà, sắp xếp truyền thông chính thống đi phỏng vấn các gương mặt đối lập để những người đại diện này có thể bày tỏ quan điểm. Kết quả diễn ra tiếp theo thế nào ở Mexico năm đó chắc các bạn hình dung ra. Hội nghị quốc tế ở Cancun thành công tốt đẹp, không có bất cứ một sự kiện bạo lực nào xảy ra giữa hai bên.

Những người có trách nhiệm giữ gìn trật tự an ninh xã hội ở Việt Nam có thấy bài học gì trong ví dụ tôi vừa nêu ra không ? Tôi không chắc là quý vị có đủ sự tôn trọng tôi, để hiểu giữa hai hàng chữ những ẩn ý có trong ví dụ trên. Nhưng tôi chắc chắn một điều, nếu quý vị tiếp tục suy nghĩ như cũ, hành động như cũ, thì kết quả sẽ vẫn như cũ, thậm chí còn tệ hại hơn nhiều. Bịt miệng người dân không làm mâu thuẫn nội tại trong họ với chế độ mất đi, mà nó là hành động ngu xuẩn, dồn nén mọi căm tức, mọi phẫn uất vào trong lòng quần chúng, và sẽ có ngày nó nổ tung một cách vô cùng bạo liệt, vô cùng đẫm máu, không thể kiểm soát. Đấy là điều cá nhân tôi không mong muốn, nhiều người hoạt động xã hội không mong muốn, nhưng sự lựa chọn là ở chính quý vị.

Chúc tất cả có một ngày nghỉ bình an.

Yêu thương tất cả

Nguyễn Lân Thắng

Nguồn : RFA, 31/08/2018 (nguyenlanthang's blog)

Published in Diễn đàn

Thưa các bạn thanh niên,

Cách đây 27 năm, ngày 26/3/1991 sau khi bước chân vào học trung học tôi đã trở thành đoàn viên cộng sản Hồ Chí Minh như các bạn. Có lẽ lúc đó nhiều bạn mà tôi đang muốn có lời ở đây còn chưa sinh ra. Hơn một năm sau, do những thành tích trong học tập và hoạt động phong trào, tôi được bầu làm bí thư chi đoàn, được tặng bằng khen của Bí thư trung ương đoàn Hồ Đức Việt.

Nếu các bạn có điều kiện tìm thì có thể thấy ảnh của tôi trên trang bìa báo Hoa Học Trò số 5, một bức ảnh do nhà nhiếp ảnh Hoài Linh chụp. Hồi đó, đó là một vinh dự không dễ gì những đoàn viên bình thường khác có được.

thu1

Tôi bắt đầu lá thư này với một chút kể lể về bản thân để các bạn có thể hiểu một chút về tôi, để chúng ta có thể trao đổi trên cơ sở hiểu biết nhau hơn. Điều tôi muốn đề cập với các bạn chính là bức ảnh các bạn chụp ở bãi biển trong dịp Hội trại truyền thống Thanh niên huyện Vạn Ninh tỉnh Khánh Hòa lần thứ 21. Tiền cảnh là 8 bạn mặc áo đoàn thanh niên vây quanh một biểu ngữ, hậu cảnh là mấy cái lều bằng tre nứa trong hội trại. Nội dung biểu ngữ các bạn cầm là hình vẽ một nắm đấm và dòng chữ "Có Đặc Khu Sẽ Phát Triển".

Thưa các bạn, năm nay tôi đã 43 tuổi. Tôi cũng đã có một thời tuổi trẻ sôi nổi như các bạn ngày hôm nay. Ngày ấy những năm 1990 sinh hoạt đoàn đội còn nghèo nàn và khiêm tốn lắm. Đoàn viên thanh niên không có màu áo xanh, không có các hoạt động dã ngoại hay lao động công ích thường xuyên với một tập thể lớn cả ngàn người như bây giờ đâu. Lúc đó ra đường, đoàn viên chỉ có một chiếc huy hiệu nhỏ đeo trên ngực là oách lắm rồi.

Thế rồi tôi học lên đại học, ra trường, công tác tại Bộ Xây Dựng, đi khắp mọi miền đất nước làm việc với một nhiệt huyết nóng bỏng của tuổi trẻ. Nhưng rồi khi càng lớn tuổi, càng va vấp với thực tế của cuộc sống, tôi càng nhận ra có điều gì đó sai sai so với nhận thức của mình được học trong nhà trường lúc ban đầu.

Và rồi nhất là từ khi internet có ở Việt Nam năm 1997, một kho tàng kiến thức cũng như thông tin của nhân loại mở ra. Lúc đó tôi chợt bừng tỉnh. Tôi bắt đầu biết đến những chuyện như Cải cách ruộng đất, đến Nhân văn giai phẩm, đến Hiệp ước Thành Đô, đến bà Tăng Tuyết Minh, Nông Thị Xuân... Đó là những sự thật lịch sử, những điều bẩn thỉu đã từng xảy ra trên đất nước ta từ 50-70 năm trước, nhưng đảng cộng sản với tư cách là đảng cầm quyền, với hệ thống truyền thông khổng lồ luôn tìm cách che giấu hoặc nguỵ biện cho những sự việc này.

Tôi cũng như các bạn, tôi đã từng yêu mến ông Hồ Chí Minh, ngưỡng mộ các lãnh tụ cách mạng... nhưng khi sự thật về họ bị phơi bầy thì những tình cảm đó hoàn toàn sụp đổ. Nó như kiểu một tình yêu bị phản bội, uất ức không thể tả được. Các bạn cứ hình dung việc khi mình yêu thương một ai đó, nhưng đến một ngày sự thật về nhân cách của họ bị lật tẩy, lúc đó tình cảm của các bạn sẽ như thế nào ?

Quả thật là có quá nhiều sự thật tôi bị che giấu, các bạn bị che giấu, và tất cả người Việt Nam chúng ta bị che giấu... một cách tinh vi và có hệ thống. Hãy thử tìm hiểu về mấy chuyện đó trước tiên đi các bạn.

thu2

Trong mấy ngày vừa qua kể từ khi bức ảnh các bạn chụp được đăng lên trang facebook của huyện đoàn Vạn Ninh, tôi biết các bạn bị rất nhiều người vào chửi rủa, mạt sát nặng nề. Thực ra trước đây những người đó không biết các bạn là ai, chẳng có thù oán gì với các bạn, nhưng tại sao họ lại xông vào chửi ? Đó là vì các bạn đã làm một việc cực kỳ ngốc nghếch mà không hề ý thức được vấn đề nghiêm trọng đến mức nào.

Giờ tôi đặt tiếp một câu hỏi : tại sao Admin trang của huyện đoàn Vạn Ninh lại xóa đi những comment xây dựng rất chân tình và lý lẽ đầy đủ phân tích mối nguy hại của luật đặc khu ? Những người đang comment bênh vực việc làm của các bạn có phải đúng là dân Vạn Ninh không, hay là một đống nick ảo ở đâu đó, vô danh tính, không hình ảnh, không có lịch sử hoạt động lâu dài và chỉ mới hoạt động gần đây ? Phải chăng họ, những người bầy ra cái biểu ngữ, kích động các bạn làm việc đó, rồi bênh vực hành động của các bạn khi có người phê phán, họ đang muốn che giấu các bạn một điều gì đó ?

Trong khuôn khổ hạn hẹp của một bức thư ngỏ này, tôi không thể nói hết và kể hết những điều tôi biết cho các bạn nghe. Nhưng tôi muốn có một lời chân thành với các bạn thế này, hãy biết đặt câu hỏi, đừng dễ dàng tin vào những điều người ta mang tới. Miếng phô mai chỉ có ở trong những cái bẫy chuột. Các bạn còn rất trẻ, còn rất nhiều thời gian, nhưng nếu các bạn không có nhận thức đúng điều phải trái trong cuộc đời này, thì rồi sẽ bị kẻ khác lợi dụng, và phí hoài tuổi trẻ vào những điều ngu ngốc, thậm chí những điều có hại cho dân tộc, cho đất nước này.

Tôi cũng như các bạn, có những lúc từng làm những điều điên rồ lắm, nhưng xong rồi thôi, tuổi trẻ mà. Nhưng có những điều mà nếu phạm phải, ta sẽ phải ân hận và bị phỉ nhổ suốt đời, đấy là tội Phản Quốc !

Và với tư cách cùng là người Việt Nam, cùng sinh ra ở đây và yêu thương mảnh đất này, tôi phải nói với các bạn những điều đó dù có khó nghe đến đâu, bởi vì tôi không muốn Việt Nam của chúng ta làm nô lệ cho giặc ngoại bang.

Yêu thương tất cả các bạn,

Nguyễn Lân Thắng

Nguồn : RFA, 23/08/2018 (nguyenlanthang's blog)

Published in Diễn đàn
dimanche, 19 août 2018 21:36

Sài Gòn Kỷ Niệm

Đêm ngày 15/8/2018 cả Sài Gòn náo loạn vì một buổi ca nhạc. Đó là buổi biểu diễn mini của ca sĩ Nguyễn Tín và những người bạn mang tên Sài Gòn Kỷ Niệm tại quán cafe Casanova ngay trung tâm thành phố. Nguyễn Tín sinh năm 1990, người Cần Thơ, vốn không hề được đào tạo thanh nhạc bài bản.

saigon1

Ca sĩ Nguyễn Tín - Ảnh minh họa

Vì tham gia các hoạt động xã hội, đi biểu tình chống Formosa gây ô nhiễm, nên Tín từ lâu đã bị lực lượng an ninh quấy phá công việc mưu sinh ở Cần Thơ, phải bỏ lên Sài Gòn để tìm công việc tạm bợ khác mà sống. Trong quá trình vất vả đó, Tín làm đủ thứ, từ bán hàng online, cho đến việc dùng giọng ca vốn có để đi hát cho các phòng trà ca nhạc mini. Nhưng những công việc đó cũng không hề đơn giản cho Tín, rất nhiều lần bị phá, bởi anh không chỉ kiếm tiền để mưu sinh mà còn dành một phần rất lớn thu nhập để gửi nuôi những đứa con của hai tù nhân chính trị nổi tiếng là Trần Thị Nga và Nguyễn Ngọc Như Quỳnh. Rất may mắn cho Tín là những việc làm đó đã chạm đến trái tim của rất nhiều người không thờ ơ với đất nước. Những buổi livestream vừa bán hàng online, vừa hát nhạc xưa trên facebook của Tín luôn có hàng trăm người hâm mộ ở khắp mọi nơi theo dõi. Nổi tiếng nhất có lẽ là clip Tín hát bài Tiền Giang Đông - Tiền Giang Tây, do Đinh Nhật Uy chế lời từ bài Trường Sơn Đông - Trường Sơn Tây. Đây là bài hát rất vui nhộn, nhẹ nhàng đả kích các vấn đề xã hội xung quanh vụ BOT Cai Lậy, và được cánh lái xe Bạn Hữu Đường Xa khắp nơi ưa thích. 

Mến mộ tinh thần và những công việc Tín đã làm, một nhóm bạn hữu ở Sài Gòn, trong đó có kỹ sư Nguyễn Đại và nhà báo Phạm Đoan Trang đã quyết định tổ chức một đêm ca nhạc cho Tín. Đêm ca nhạc này chỉ mời hạn chế rất ít những người bấy lâu nay vẫn âm thầm tham gia hay gián tiếp ủng hộ phong trào đấu tranh. Tôi tình cờ có mặt ở Sài Gòn trong dịp này và rất vinh dự được Tín mời đến tham gia. Khỏi phải nói là lực lượng an ninh thành phố Hồ Chí Minh đã đau đầu thế nào, bởi lời mời gọi thì được công khai trên mạng, thành phần tham dự thì toàn những người "không hiền", nhưng họ không thể biết được địa điểm ở đâu. Dự cảm được những bất trắc có thể xảy ra, tôi đã bỏ thời gian vài tiếng đồng hồ trước buổi diễn, đi loanh quanh khắp nơi để cắt đuôi nếu có. Như các bạn đã biết, do bất cẩn nên một trong các khách mời khá nổi tiếng hôm đó đã có đuôi đi theo. Buổi diễn bị cắt ngang, khách mời bị hạch sách xét hỏi giấy tờ, Nguyễn Tín, Đoan Trang và Nguyễn Đại bị đánh đập tơi bời... tất cả sự việc được các hãng truyền thông như BBC, RFA... đưa tin rất tỉ mỉ mấy ngày nay.

Là người trực tiếp tham dự, tôi thấy ấn tượng nhất là bản lĩnh của Tín và những người bạn thể hiện trong đêm nhạc này. Hôm đó khi sân khấu vừa nổi nhạc ít phút, 50 khán giả đang say sưa quay vào trong nghe những lời ca tiếng hát thì ngoài cửa xuất hiện lố nhố công an, dân phòng và hàng chục tên côn đồ mặt bịt khẩu trang vây ráp khoá chặt bên ngoài. Tín biết điều đó. Các nhạc công biết điều đó. Và những người tổ chức cũng hoàn toàn biết điều đó. Nhưng tiếng hát của Tín vẫn vút lên mượt mà qua nhiều bài hát mà không hề có một lần vấp váp. Chỉ đến khi kẻ phá đám vào áp lực được với chủ quán cafe Casanova thì Tín và các bạn mới buộc phải dừng buổi biểu diễn này lại.

Máu đã chảy. Điện thoại đã bị đập. Tiền bạc giấy tờ đã bị cướp. Nhưng cho tôi xin nói với Tín và tất cả các bạn có mặt ở quán Casanova đêm ấy một điều này : "Cái gì không giết được ta thì sẽ làm cho ta mạnh mẽ hơn". Đây không chỉ đơn thuần là một câu thành ngữ nhằm khuyến khích con người vượt qua khó khăn, mà nó còn là một điều được các nhà khoa học chứng minh bằng thí nghiệm nghiêm túc. Người ta cho những con giun đất vào một môi trường nhiệt độ cao trong một khoảng thời gian. Con nào cũng được đánh dấu. Một lúc sau, những con nào còn sống sót lại được trộn lẫn với những con giun mới và đem bỏ tiếp vào nơi nhiệt độ cao. Người ta quan sát thấy những con giun nào đã vượt qua lần thí nghiệm thứ nhất sẽ có khả năng sống sót cao hơn hẳn trong lần thí nghiệm thứ hai.

Vết thương trên mặt Tín, Trang, Đại rồi sẽ lành. Vết đau trong tâm hồn những người tham dự đêm ca nhạc vỡ nát ấy rồi sẽ lại trở thành kỷ niệm. Nhưng tất cả những trải nghiệm kinh hoàng trong cái đêm hôm đó đã không giết được chúng ta, và chúng ta, những người yêu tự do, khát khao dân chủ, mong mỏi nhân quyền... chúng ta sẽ ngày càng mạnh mẽ hơn, khôn ngoan hơn, bản lĩnh hơn, để có ngày nhất tề đứng lên giành lấy những giá trị mà dân tộc này, đất nước này xứng đáng được hưởng.

Anh rất khâm phục em Tín ơi !

Yêu thương tất cả mọi người

Nguyễn Lân Thắng

Nguồn : RFA, 19/08/2018 (nguyenlanthang's blog)

Published in Diễn đàn
mardi, 10 juillet 2018 23:40

Những người đi ném sao biển

Chuyện kể rằng, một ngày kia có một chàng trai đi dạo trên biển. Thủy triều buổi sáng rút nước ra xa bờ làm lộ một khoảng bờ cát rộng mênh mang. Trên mặt cát ẩm ướt, lẫn giữa những vết lốm đốm do còng biển tạo ra có những chú sao biển nằm chờ chết. Chỉ giây lát nữa thôi, khi mặt trời lên cao soi chiếu những tia nắng xuống đây thì đó là giờ phút tồn tại cuối cùng của sao biển. Chàng trai bèn đi dọc bờ cát, nhặt những con sao biển lên rồi ném xuống nước. Và rồi cứ thế, vào mỗi buổi sáng chàng trai lại ra biển làm công việc đó. Có một ông già sống gần đó nhìn thấy hết chuyện này.

sao1

Trên mặt cát ẩm ướt, lẫn giữa những vết lốm đốm do còng biển tạo ra có những chú sao biển nằm chờ chết.

Một hôm ông hỏi chàng trai : "Sao con lại làm chuyện vô ích như vậy ? Con có biết là có đến hàng trăm, hàng ngàn bờ biển kéo dài hàng dặm không, chưa kể là có đến hàng triệu con sao biển nữa. Con không thể tạo nên sự khác biệt nào đâu ?". Chàng trai vẫn im lặng và cúi xuống nhặt một con sao biển khác lên nhìn nó rồi ném xuống đại dương. Cậu nói : "Ông thấy chứ, con vừa tạo một điều khác biệt với con sao biển đó đấy ông". Thế rồi một lúc sau, ông già cũng cúi xuống nhặt những con sao biển ném xuống nước cùng chàng trai. Một người khách du lịch nữa trên bờ cũng nhìn thấy, và rồi cũng bước xuống bờ cát đi ném sao biển... Chẳng bao lâu sau có hàng vạn con sao biển được về nhà !

Đây chỉ là một câu chuyện đầy ẩn ý hay được nhắc tới trong các lớp học về đào tạo kỹ năng con người. Nhưng lần đầu tiên khi nghe câu chuyện này, tự dưng tôi lại nhớ đến những người đi đấu tranh trong xã hội. Hôm nay ngày 10/7/2018, ở Hà Nội có một phiên xét xử phúc thẩm với ông Vũ Quang Thuận, Nguyễn Văn Điển và sinh viên Trần Hoàng Phúc. Vào lúc 21h, phiên toà mới kết thúc, kết quả là : Y án. 

- Vũ Quang Thuận 8 năm tù - 5 năm quản chế

- Nguyễn Văn Điển 6 năm tù - 4 năm quản chế 

- Trần Hoàng Phúc 6 năm tù - 4 năm quản chế.

Những người đấu tranh trong xã hội Việt Nam này giờ đây không còn cảm thấy choáng ngợp trước các bản án đầy bất công mà chế độ cộng sản chụp lên đầu những người lên tiếng trước các vấn đề xã hội. Từ những vụ gần đây như Trần Thị Nga, Nguyễn Ngọc Như Quỳnh... cho đến Nguyễn Văn Đài, Cấn Thị Thêu, Ba Sàm, Bùi Thị Minh Hằng, Đỗ Thị Minh Hạnh... hay xa hơn nữa là các bản án dành cho Điếu Cày, Tạ Phong Tần, Cù Huy Hà Vũ, linh mục Nguyễn Văn Lý...

Trong hàng chục năm qua, vì chống lại bất công xã hội, vì bảo vệ chủ quyền biển đảo, vì đòi tự do dân chủ, có hàng trăm người đã phải chịu tù đày khốc liệt. Nhưng sẽ còn rất nhiều người khác nữa vẫn tiếp tục đấu tranh, tiếp tục lên tiếng. Họ như những người đi nhặt sao biển trên bờ cát buổi sáng, hết người này thay người khác. Họ không nói ra, nhưng tôi nghĩ họ đều đồng ý với tôi một điều rằng :

Chúng tôi thà chết để trao cho các bạn điều đúng đắn còn hơn sống để tất cả cùng dối trá. Điều đúng đắn từ từ trong dài hạn mới mang lại thành quả có giá trị cho chúng ta, và vì thế cuộc đời ngắn ngủi của chúng ta mới có ý nghĩa !

Nguyễn Lân Thắng

Nguồn : RFA, 10/07/2018 (nguyenlanthang's blog)

Published in Diễn đàn
lundi, 09 juillet 2018 08:05

Vô cảm

Cách đây 6 năm ngày 8/7/2012 Hà Nội nổ ra cuộc biểu tình chống Trung Quốc gây hấn trên Biển Đông lần thứ 2 trong năm 2012. Ngày đó lúc đầu cuộc biểu tình căng lắm. Từ sáng sớm các lực lượng an ninh, công an phường, băng đỏ các loại đã đi rầm rập xung quanh Bờ Hồ, Nhà hát lớn từ mờ sáng. 

chong1

Ngày 8/7/2012, Hà Nội nổ ra cuộc biểu tình chống Trung Quốc gây hấn trên Biển Đông - Ảnh minh họa

8 giờ sáng bắt đầu lác đác có một số anh chị em đấu tranh đảo qua đảo lại ở khu vực Bờ Hồ. Đúng 8g50 cuộc biểu tình bắt đầu nổ ra. Trong vỏn vẹn có 2 phút thôi khi bố con tiến sĩ Đào Tiến Thi bước lên đầu tiên thì có khoảng 300 người ào lên chiếm lấy bậc thềm Nhà hát lớn, giương cao khẩu hiệu và hô vang. An ninh băng đỏ rối rít gọi bộ đàm kêu cứu viện. 10 phút sau đoàn người ngày càng đông và đủ lực lượng ngang ngửa với an ninh dân phòng. Và rồi tất cả rùng rùng bước xuống đi thành đoàn rất lớn từ đó tiến thẳng về hướng Bờ Hồ trên con đường Tràng Tiền. Tiếng hô vang rợp trời. Đoàn người ngày càng đông như thác đổ, vượt qua 2 chốt chặn ở đầu Hàng Bài, rồi đầu Quang Trung cắt Tràng Thi.

Trong đoàn người biểu tình có thể thấy những gương mặt như cụ Lê Hiền Đức, Trương Minh Tam, Trương Văn Dũng, Lê Anh Hùng, Đặng Bích Phượng, Nguyễn Thúy Hạnh, Lê Dũng Vova, Lê Thu Trà, Vinh Trần, Lan Đặng, Dũng Aduku, JB. Nguyễn Hữu Vinh, bố con tiến sĩ Đào Tiến Thi, nhà báo độc lập Ngô Nhật Đăng, Đoàn Minh Sơn, Ngô Duy Quyền, đảng trưởng đảng Bia Từ Anh Tú, bác Nghiêm Ngọc Trai, ông Khải ozon, tiến sĩ khảo cổ Nguyễn Hồng Kiên, giáo sư Ngô Đức Thọ, bà Trâm còng vợ bác Khánh, phóng viên ảnh Hoàng Đình Nam, luật sư Lê Quốc Quân, tiến sĩ xã hội học Phạm Quỳnh Hương, nhà văn Thùy Linh, ông Ba Sàm Nguyễn Hữu Vinh, phóng viên Mai Kỳ, mẹ con nhà Thúy Nga, hiệp sĩ công nghệ thông tin Nguyễn Công Hùng, Người Buôn Gió, khoảng 300 bà con bên Văn Giang... và còn rất rất nhiều người khác nữa tôi không thể kể tên hết. Cuộc biểu tình ngày 8/7/2012 đã diễn ra tốt đẹp. 

Còn rất nhiều sự kiện, nhiều hình ảnh ngày hôm đó có ngồi cả ngày kể ra không hết chuyện, nhưng có một bức ảnh còn đọng lại mãi trong tâm trí tôi. Đó là bức ảnh của nhà văn Thùy Linh chộp được khi đoàn biểu tình đi qua đầu phố Hàng Bài cắt Hai Bà Trưng. Trong ảnh tiền cảnh là một đám 4 người đàn ông chúi mũi vào một bàn cờ bày trên vỉa hè, hậu cảnh là một đám đông nô nức những người đi biểu tình. Những người đàn ông đó hoàn toàn tập trung vào bàn cờ, không hề có một động thái để ý hay ngoái lại nhìn đoàn người. Bức ảnh này năm đó đã là chủ đề lớn trong nhiều bài viết, để bàn về sự vô cảm của người Việt Nam nói chung trước tình hình đất nước.

vocam2

Những người đàn ông đó hoàn toàn tập trung vào bàn cờ, không hề có một động thái để ý hay ngoái lại nhìn đoàn người.

Thú thật là ở vào thời điểm đó, trong tâm trạng của tôi cũng không tránh khỏi cảm xúc khinh bỉ những người đàn ông đánh cờ. Họ là hình ảnh đại diện cho một bộ phận rất lớn hàng chục triệu người Việt Nam khác, vô cảm, thờ ơ, ích kỷ, chỉ biết đến bàn cờ nhỏ nhoi của họ, mà không thấy được bàn cờ lớn của đất nước, không thấy được nguy cơ xâm chiếm lãnh thổ lãnh hải vô cùng to lớn với dân tộc này.

Tại sao họ vô cảm ? Trước kia tôi luôn có một thái độ đổ lỗi cho họ, phán xét họ. Nhưng rồi theo thời gian, khi bình tâm lại tôi thấy mình đã có một thái độ hoàn toàn sai. Trung Quốc từ lâu đã bắt đầu xâm chiếm biển Đông, cướp Hoàng Sa rồi Trường Sa, đánh phá 6 tỉnh biên giới phía Bắc, đổ hàng hoá độc hại kém chất lượng từ đầu những năm 90 của thế kỷ trước vào Việt Nam. Rồi những cuộc biểu tình nổ ra từ năm 2007, 2008... lúc đó tôi đã ở đâu, tôi đã làm gì vào lúc đó. Nếu như anh Hải Điếu Cầy, rồi Người Buôn Gió, Đoan Trang, Mẹ Nấm, Nguyễn Xuân Bình... và rất nhiều anh chị em đi trước có một thái độ khinh bỉ tôi, coi thường tôi, xin hỏi rằng liệu tôi có đủ mặt mũi nào để có những hoạt động sôi nổi từ năm 2011 đến giờ. Xin tất cả mọi người hãy tha lỗi cho tôi!

Công cuộc đấu tranh để bảo vệ chủ quyền đất nước, bảo vệ những quyền con người và bảo vệ những giá trị tự do là một công cuộc rất lâu dài, đòi hỏi cả một dân tộc phải đứng lên. Tôi đã từng là một người rất thờ ơ vô cảm. Tôi đã từng là kẻ rong chơi và chỉ quan tâm đến miếng ăn của mình. Tôi đã từng sợ hãi và tự bảo mình rằng không làm được gì đâu... đó là điều tôi muốn nói với tất cả những bạn còn chưa lộ diện. Chúng ta đều là nạn nhân của một nền giáo dục và truyền thông xã hội mang tính một chiều, không có tính phản biện. Chúng ta từ lâu vô cảm với đất nước. Chúng ta không nghĩ đến tương lai của con cháu chúng ta. Nhưng tôi nghĩ giờ đã khác rất nhiều rồi. Bằng tình yêu, sự quan tâm, sự khích lệ và cả sự tha thứ... chúng ta sẽ đoàn kết để cùng dũng cảm đứng lên đòi những thứ thuộc về mảnh đất này, thuộc về dân tộc này.

Hãy tha lỗi cho tôi, một con người từng vô cảm.

Nguyễn Lân Thắng

Nguồn : RFA, 09/07/2018 (nguyenlanthang's blog)

Published in Diễn đàn
lundi, 02 juillet 2018 23:04

Lòng tin và Mạng xã hội

Từ ngàn xưa, trong lời ru điệu hò ông bà ta đã dạy những câu ca dao tục ngữ về lòng tin. 

"Một lần bất tín, vạn sự bất tin"

"Treo đầu dê, bán thịt chó"

"Nói lời phải giữ lấy lời

Đừng như con bướm đậu rồi lại bay"

"Nói chín thì phải làm mười

Nói mười làm chín, kẻ cười người chê"

longtin1

Lòng tin là tiền đề căn bản để có sự hợp tác giữa con người với con người.

Không phải tự dưng chủ đề lòng tin là điều được nhắc nhở nhiều lần trong mọi hình thức văn hoá dân gian đến như vậy. Lòng tin là tiền đề căn bản để có sự hợp tác giữa con người với con người. Con người từ thủa hồng hoang, từ một sinh vật nhỏ yếu hơn nhiều loài khác, nhưng có sự phối hợp chặt chẽ, có phân công lao động, có một tổ chức xã hội ngày càng phát triển... đã trở thành bá chủ tất cả thế giới muôn loài. Không có lòng tin, không thể có xã hội loài người hiện đại như ngày hôm nay.

Hôm nay tôi muốn viết về điều này bởi có một chủ đề cực nóng đang lan toả trên mạng xã hội mấy ngày qua, một mạng xã hội gần như vô danh trên thế giới là Minds đón nhận một lượng khách hàng khổng lồ từ Việt Nam vào đăng ký. Số lượng này thật là vĩ đại so với tầm vóc của Minds tới mức độ, các status của user Việt Nam nhảy lên top những chủ đề hot nhất Minds, các user kỳ cựu người nước ngoài của Minds phải thốt lên ngạc nhiên vì sao lại có đông người Việt Nam vào sử dụng Minds đến như vậy. Rất nhanh chóng, người ta phát hiện ra vấn đề này do luật an ninh mạng bóp nghẹt tự do ngôn luận đầy tranh cãi của Việt Nam vừa được ký ban hành, đồng thời Facebook - mạng xã hội được sử dụng nhiều nhất ở Việt Nam đang bị cáo buộc là tiếp tay cho nhà nước ngăn chặn, xoá bỏ các trang Fanpage, các hot Facebooker chuyên cổ suý cho tự do ngôn luận và đấu tranh dân chủ. Và rồi cũng rất nhanh chóng, các chuyên gia bảo mật, chuyên gia phần mềm mạng xã hội đưa ra những điểm yếu, điểm nghi ngờ về mạng xã hội Minds. Bất luận là chuyện có ai chuyển nhà sang Minds hay chưa, nhưng sự kiện này đánh dấu việc đổ vỡ niềm tin của một cộng đồng rất lớn người dùng Facebook cũ. Minds có thực sự là nơi ta có thể đặt lòng tin vào đó, để lưu trữ suy nghĩ cảm xúc, để kết nối tương tác, để tìm người đồng chí hướng và để bảo vệ quyền tự do ngôn luận cũng như để đấu tranh cho một xã hội dân chủ trong tương lai hay không ? Cho đến giờ này không một ai có thể khẳng định chắc chắn điều đó.

Đó chính là lý do tại sao tôi muốn bàn về lòng tin trong bài viết này. Có rất nhiều người tin vào Chúa, nhưng chưa ai nhìn thấy Chúa. Cũng có rất nhiều người tin vào Phật, chưa ai nghe thấy Phật. Tại sao chưa nhìn thấy, chưa nghe thấy, thậm chí chưa cầm nắm lấy, con người chúng ta lại có thể tin vào các giá trị này ? Rồi tại sao, có những người có nói gì lâm ly bi đát đi nữa bạn cũng không cho vay tiền. Nhưng cũng có những người chỉ cần một status, một tin nhắn của họ thôi là bạn lập tức chuyển tiền ngay cho họ. Lòng tin được hình thành như thế nào ? Lòng tin đáng giá như thế nào ? Và làm thế nào để giữ được nó ? Đi sâu để bàn về lòng tin thì có rất nhiều khía cạnh, nhưng ở đây tôi chỉ muốn bàn về lòng tin khi quyết định sử dụng các mạng xã hội, bởi đó là công cụ quan trọng bậc nhất để giao tiếp trong xã hội hiện đại.

Hệ mặt trời có tuổi khoảng 4,6 tỷ năm. Trong 4,6 tỷ năm qua ở trên trái đất mặt trời luôn mọc đằng đông. Lòng tin vào việc ngày mai mặt trời sẽ mọc ở đằng đông là rất lớn. Những người tin vào điều đó không cần biết kiến thức gì về vũ trụ, về hệ mặt trời. Họ có được lòng tin đó bởi cả cuộc đời họ, họ đã chứng kiến, đã nghe thấy, đã nhìn thấy điều đó mà chưa bao giờ thấy điều ngược lại. Nhưng nếu giả sử chỉ cần một ngày thôi, mặt trời không còn mọc đằng đông thì toàn bộ hệ thống giá trị lòng tin này sẽ đổ vỡ. Lòng tin giữa con người với con người cũng như vậy. Bạn có thể tử tế với ai đó suốt cuộc đời, nhưng chỉ cần một lần thôi, bạn cư xử tệ bạc với họ thì sau đó dù nói gì đi nữa, chắc chắn họ sẽ không còn hoàn toàn tin bạn là người luôn tử tế. Thế còn lòng tin vào một mạng xã hội thì thế nào ? Bạn sẽ chỉ tin nó khi bạn viết bất cứ cái gì chê trách cơ quan công quyền mà không bị xoá. Những nội dung riêng tư mà bạn nhắn cho bạn bè không bị tiết lộ cho ai. Tài khoản của bạn được bảo vệ trước bất cứ số đông nào dựa trên quyền tự do ngôn luận. Chỉ cần một khía cạnh nào đó vừa nhắc ở đây bị vi phạm, bạn sẽ mong muốn thay đổi ngay.

Minds đang là một mạng xã hội còn rất thô sơ, giao diện rất kém, load tin tức và tin nhắn rất chậm, không có livestream, không cho đăng nhiều ảnh trong cùng một status. Nhưng rất nhiều người Việt Nam, trong đó có tôi đang thử đặt lòng tin vào mạng xã hội này. Trong vòng vài ngày qua số lượng người Việt Nam bắt đầu đăng ký Minds lên tới trên 100 ngàn. Minds sẽ vẫn còn phải thử thách nhiều. Nhưng chắc chắn cho đến giờ này bạn đăng bất cứ cái gì lên đó cũng không bị xoá, bị khoá tài khoản như Facebook, miễn là nó không xúc phạm cá nhân ai. 

Theo ông Bill Ottman, giám đốc điều hành Minds trả lời BBC ngày 2/7/2018 thì :

BBC : Xin ông cho biết vài nét khái quát về chủ trương và chính sách của hệ thống mạng xã hội Minds.com ?

Bill Ottman : Minds có chủ trương ủng hộ tự do ngôn luận, chống kiểm duyệt, bảo vệ quyền riêng tư của người dùng. Minds mở cửa cho tất cả mọi nội dung, miễn là những nội dung đó hợp pháp theo luật Hoa Kỳ, vì chúng tôi là một công ty hoạt động ở Mỹ.

Về việc bảo vệ quyền riêng tư, ứng dụng messenger của chúng tôi hoàn toàn được mã hoá, và ngay chính Minds cũng không có nội dung những câu chuyện của người dùng. Chúng tôi cố ý thiết kế Minds cách này để Minds hay bất cứ ai cũng không thể theo dõi người dùng, và đương nhiên Minds không thể đưa nộp những thông tin mà họ không có cho bất cứ chính quyền nào...

Ngoài Minds ra, nhiều người như tôi vẫn đang duy trì song song việc sử dụng Facebook, Twitter hay các mạng xã hội khác. Tôi đã một thời tin vào Facebook. Tôi cũng một thời từng tin vào đảng cộng sản Việt Nam. Nhưng giờ này lòng tin của tôi vào những giá trị đó như thế nào có lẽ không cần phải nói ra các bạn cũng hiểu. Bây giờ tôi chỉ tin rằng, nếu mình luôn luôn thực sự mở mắt, lắng nghe, quan sát, so sánh, suy nghĩ và trao đổi với nhiều người khác nữa, chắc chắn tôi sẽ không là người còn bị những niềm tin mù quáng buộc lấy cuộc đời mình, để mình có thể lựa chọn, để mình là một con người tự do trong tư tưởng và hạnh phúc trong cuộc đời này.

Nguyễn Lân Thắng

Nguồn : RFA, 02/07/2018 (nguyenlanthang's blog)

Published in Diễn đàn
jeudi, 28 juin 2018 11:00

Giao tiếp với kẻ thù

Trong các cuộc xuống đường từ trước đến nay, có rất nhiều người bị đánh. Già có. Trẻ có. Phụ nữ có. Thanh niên to khoẻ càng dễ bị đánh. Nhưng có những người không, hoặc rất ít bị đánh. Đấy là thực tế rất khó lý giải nếu chỉ nhìn bề ngoài của sự việc này. Tôi đã quan sát việc này khá lâu và luôn đi tìm câu trả lời cho những câu hỏi : Tại sao bạo lực xảy ra ? Có nên tránh bạo lực hay không ? Tại sao không phải ai cũng bị đánh ?

baoluc1

Lực lượng đàn áp biểu tình, bị nhốt trong những chiếc xe buýt chật chội nhiều giờ, trở nên bực tức và cáu kỉnh. Đến khi được thả ra bên ngoài, đừng hỏi tại sao họ lại hung hăng tấn công người biểu tình đến như vậy.

Gạt bỏ sự căm hận, để những sự kiện biểu tình sang một bên, hãy thử hình dung nhớ lại các xung đột khác bạn từng gặp hoặc chứng kiến trong cuộc đời. Bạo lực là kết quả cuối cùng khi một bên không kìm giữ nổi trạng thái stress sau khi giao tiếp, bất kể là bên đó mạnh hay yếu. Bạn có thể quan sát thấy những người phụ nữ hoặc trẻ con bị rơi vào trạng thái khùng lên, khi đó bất kể đối diện với họ là đàn ông hay người lớn tuổi thì họ vẫn lao vào đánh. Nếu hiểu được điều này, bạn sẽ có sự cẩn trọng hơn trong giao tiếp, nhất là khi người đối diện có sức mạnh hơn, đông hơn. Hãy thử hình dung rằng nếu mình có lời nói khác, vẻ mặt của mình khác, thái độ cử chỉ của mình khác, liệu người đối diện sẽ có một thái độ khác hay không ?

Không ai tự dưng đi đánh người khác khi chưa có sự giao tiếp. Bạn giao tiếp thế nào thì người đối diện sẽ có phản ứng đáp trả y như vậy hoặc hơn. Người ta bảo, gương mặt của người đối diện chính là tấm gương soi nét mặt của bạn. Nếu bạn cười với họ, họ chắc chắn có vẻ mặt ít nhất là không thể bực tức. Nếu bạn hằm hè với họ, đừng nói là họ có thể cười lại. Việc tự biết cách điều chỉnh thái độ, hành vi, nét mặt, cử chỉ có tính chất quyết định trong giao tiếp để tránh bạo lực. Để hiểu rõ chuyện này dễ nhất, bạn hãy thử tìm cách giao tiếp với một con chó. Những người có kinh nghiệm chơi đùa với động vật, nhất là chó sẽ có nhiều kinh nghiệm trong vấn đề này. Hãy hỏi họ cách làm sao giao tiếp và thuần phục một con chó dữ, bạn sẽ thu được nhiều kinh nghiệm quý giá để có cách giao tiếp phù hợp cho mình.

Nói về chó, bạn có biết là những con chó trong các cuộc đấu luôn bị nhốt kỹ trước khi giao đấu. Trong sự giam hãm có chủ đích, những con chó sẽ bị stress, nó trở nên hung hăng hơn nhiều, và khi ở trạng thái cực đỉnh, họ sẽ thả chúng ra để lao vào cuộc đấu. Những người đàn áp biểu tình cũng y như vậy. Họ bị nhốt trong những chiếc xe buýt chật chội nhiều giờ, mệt mỏi và chờ đợi, bực tức và cáu kỉnh. Họ bị tuyên truyền rằng những kẻ ồn ào bên ngoài kia là kẻ xấu, là kẻ phá hoại bình yên và trật tự trị an, cần phải tiêu diệt. Đến khi thả ra bên ngoài, trong một đám đông ồn ào nhiễu loạn, lại còn có thái độ thù địch với họ, đừng hỏi tại sao họ lại hung hăng tấn công người biểu tình đến như vậy.

Để kiềm chế cảm xúc và có thái độ ôn hòa, tránh bạo lực với lực lượng an ninh, theo thiển ý của tôi thì bạn nên nghĩ đến những lợi ích mà bạn có được nếu tránh bạo lực. Và luôn tâm niệm trong đầu những điều tích cực hơn, ví dụ như : đây chỉ là những người bị nhồi sọ, họ chẳng hiểu đúng về mình, họ không phải là kẻ thù, nếu mình kiên nhẫn họ sẽ có thái độ tốt hơn... Thử nghĩ xem khi bạn đang biểu tình, nếu lực lượng băng đỏ xồ ra, bạn cười với họ, đưa nước cho họ, hỏi họ xem họ có yêu nước không... đại loại như vậy. Chắc chắn họ không thể giữ một thái độ kích động như cũ, và nếu có buộc phải xuống tay thì cũng nhẹ nhàng hơn rất nhiều.

Bạo lực là điều không thể tránh khỏi khi xảy ra các cuộc chuyển biến lớn trong đời sống xã hội. Tôi không bao giờ mơ hồ về điều này, và cũng từng là nạn nhân của bạo lực từ Bắc chí Nam. Nhưng tôi luôn nghĩ, càng tránh được bạo lực, chúng ta, những người khát khao thay đổi xã hội này sẽ có cách thức đúng nhất, ít đổ vỡ nhất, để xây dựng một Việt Nam mới, nơi người với người sống để thương nhau.

Nguyễn Lân Thắng

Nguồn : RFA, 28/06/2018 (nguyenlanthang's blog)

Published in Diễn đàn

Đây là một hỏi mà mỗi khi một nhóm đấu tranh nào đó khởi động chương trình thiện nguyện lại được đặt ra. Câu hỏi này rất có lý chứ không phải là không. Chúng ta ai cũng biết trong xã hội, những người dám đấu tranh đã rất ít ỏi. Đã thế những người đấu tranh ở một thế yếu, bị đàn áp, bị cô lập, bị bao vây kinh tế. Họ nhiều khi còn chưa lo nổi cho bản thân họ, nói gì đến việc lo chuyện bao đồng xã hội.

tuthien1

Hoàng Phi Kha giúp bà con nghèo miền Trung đón Tết - Ảnh minh họa

Những người đặt ra câu hỏi này cũng xuất phát từ mối lo rằng, nếu chỉ đi lo làm từ thiện, những người đấu tranh sẽ lạc hướng mục tiêu ban đầu. Hơn nữa năm nào cũng vậy, đến hẹn lại lên, cứ mùa lũ bão, các nhóm từ thiện nở rộ khắp mọi nơi. Người dân nghèo nhận được vài gói mỳ, rồi lại đi cảm ơn đảng và chính phủ. Rồi cuối cùng nghèo vẫn hoàn nghèo, khổ vẫn hoàn khổ, mà không biết nỗi khổ của mình từ đâu ra.

Để tôi kể cho các bạn nghe một câu chuyện thế này. Năm 2016, ở vùng sông Gianh - Quảng Bình có trận lũ cực lớn. Cơn lũ này không chỉ do mưa lớn. Nó có nguồn cơn là từ sự tham lam của chủ đầu tư thuỷ điện ở đầu nguồn, xây hồ chứa thì bé, mưa xuống thì tích nước quá đầy, không để khoảng tích nước dự trữ an toàn. Đến khi mưa quá lớn, sợ vỡ đập, họ đã xả ồ ạt xuống hạ lưu bất ngờ. Ở Hương Khê - Hà Tĩnh nhiều vùng ngập trắng xoá, nhiều vườn bưởi vườn cam sắp thu thu hoạch mất trắng. Ở dọc sông Gianh - Quảng Bình, nhiều lạc mạc ven sông ngập nặng. Ở cảng Gianh, là nơi cửa sông Gianh đổ ra biển, có hàng chục tàu cá bị chìm, nhiều tàu bị cuốn trôi ra biển hàng chục hải lý, thiệt hại không biết bao nhiêu mà kể hết.

tuthien2

Năm đó No-U thiện nguyện chúng tôi là một nhóm cực kỳ tích cực lao vào vùng lũ để cứu trợ bà con. Không chỉ lao vào đó, chúng tôi còn mời gọi rất nhiều nhóm từ thiện khác, cả ca sỹ nhạc sỹ, cả những người nổi tiếng, cả dân đấu tranh về đây góp sức. Tôi không biết ở những nơi khác từ hồi đó đến bây giờ ra sao, nhưng ở nhiều nơi chúng tôi đi qua đã có những chuyển biến tích cực trong đời sống xã hội, đặc biệt là ở các xứ đạo dọc sông Gianh. Các đội thanh niên xứ đạo bắt đầu cực kỳ phát triển. Họ lập đội bóng, rèn luyện sức khoẻ, giao lưu với các xứ xung quanh. Họ lập các tủ sách nông thôn để cho trẻ em nghèo được học tập. Họ xây cầu, làm đường. Họ lên tiếng đấu tranh trước những bất công ở địa phương. Và họ mở rộng giao lưu kết nối với anh em đấu tranh khắp các vùng miền. Bây giờ, vùng dọc sông Gianh có thể gọi là một trong những thành trì bảo vệ tự do mạnh mẽ nhất ở miền Trung. Người dân ở đây rất đoàn kết. Họ sẵn sàng lên tiếng với chính quyền để bảo vệ quyền lợi của mình. Họ còn chủ động thăm hỏi trợ giúp các nơi khác, bất kể đó là vùng lương hay giáo. Người dân dọc sông Gianh bây giờ không dễ bắt nạt như trước. Có được điều này, tôi phải khẳng định luôn rằng đó một phần là do công sức của rất nhiều hội nhóm đấu tranh đã về đây chung tay từ thiện. Vì thế đừng hỏi vì sao công việc thiện nguyện của các nhóm từ thiện luôn bị cảnh giác, bị ngăn chặn gắt gao.

Là một thành viên tham gia trong nhóm No-U Thiện Nguyện, từng có 6-7 năm làm rất nhiều chương trình từ thiện lớn từ Bắc chí Nam, tôi đã được đi, được chứng kiến nhiều đổi thay. Thông qua việc thiện nguyện, chúng tôi đã truyền lửa yêu thương, tinh thần tự do và tình nghĩa đồng bào máu đỏ da vàng đến với nhiều người ở khắp nơi trên mọi miền tổ quốc. Không phải là ở đâu chúng tôi cũng thành công. Không phải chỗ nào người dân cũng sẽ thay đổi. Nhưng chúng tôi sẽ vẫn đi, vẫn đến, vẫn lao vào những nơi khó khăn nhất, bởi một điều giản dị rằng, ở đó có đồng bào của chúng ta.

Nguyễn Lân Thắng

Nguồn : RFA, 26/06/2018 (nguyenlanthang's blog)

Published in Diễn đàn
lundi, 25 juin 2018 23:00

Vượt qua nỗi sợ

Nhiều năm nay trong quá trình lên tiếng và tham gia đấu tranh, tôi có được sự yêu mến quý trọng của nhiều người, và có cả những nghi ngờ. Có nhiều người hỏi : bạn làm thế có được gì không ? Bạn không sợ bị bắt à ? Có sợ gia đình bị làm phiền gì không ? Bạn có phải hai mang không ?... và rất nhiều câu hỏi tương tự như vậy.

so11

Luôn mở to mắt, luôn lắng nghe và đón nhận những bài học cho mình trong từng bước đi.

Hôm nay tôi muốn dành thời gian để nói về chuyện nỗi sợ này. Như các bạn đã biết, nỗi sợ là một phản ứng rất tự nhiên của con người. Nỗi sợ không có gì là xấu hổ cả. Ai trong chúng ta kể từ khi sinh ra cũng đều có một nỗi sợ nào đó. Có người thì sợ rắn rết. Có người thì sợ ăn hành. Có người thì sợ bóng tối. Kể về nỗi sợ thì rất đa dạng, nhưng thực ra chung quy nó cũng chỉ là phản ứng tâm lý rất bình thường, để bảo vệ chúng ta cho được an toàn. Nỗi sợ không phải là tồn tại dưới dạng vật chất. Nó ở trong tâm trí của ta. Nó giúp ta đề phòng những mối nguy hiểm, mà những mối nguy hiểm thì đôi khi không có thực. Chắc chắn là các bạn đã từng bực mình hay chế giễu một ai đó sợ gián, sợ côn trùng, sợ cay, sợ mùi sầu riêng... hay một thứ đại loại như vậy. Đó là bởi vì trong não bạn, nỗi sợ của bạn khác nỗi sợ của người khác, đơn giản vậy thôi.

Làm thế nào để bạn biết điều bạn đang sợ có thực sự đáng sợ hay không ? Không có cách nào khác, bạn phải nhảy vào cuộc. Bạn phải đặt câu hỏi, tại sao người khác làm được mà mình không làm được ? Tôi không xúi bạn thò tay vào ổ điện để thử xem điện có chết người không nhé. Nhưng bạn không thể ngồi nhìn và lo lắng, rồi bỏ cuộc, khi mà thực ra đã có rất rất nhiều người khác làm được chuyện đó. Người ta sinh ra cũng như bạn, có hình hài chân tay đầu óc cũng như bạn, tại sao họ làm được mà bạn không làm được ?

Bạn phải biết đặt câu hỏi, rồi sẽ tìm được ra câu trả lời. Những người thợ điện có một bộ quần áo đặc biệt, nó dệt từ vật liệu dẫn điện rất tốt, bao phủ khắp cơ thể họ. Nên một khi có dòng điện chạm vào người họ, điện sẽ truyền thẳng qua bộ quần áo này xuống đất và không gây hại gì cho người thợ, và vì thế họ có thể thản nhiên đi lại trong các trạm biến thế hay các tổ hợp máy móc mà không hề bị làm sao. Những người thợ sơn, thợ lau kính tại sao họ có thể thản nhiên đu mình trên cao hàng trăm mét để làm việc ? Không phải chỉ bởi vì họ có sợi cáp an toàn đeo ở người đâu. Họ bắt đầu leo ở những độ cao thấp thôi. Họ biết sợi cáp rất an toàn, có thể treo những vật nặng gấp hàng chục lần trọng lượng cơ thể. Họ từ từ làm quen với độ cao, và rồi dần dần trong đầu họ hình thành nên một quan niệm rằng, độ cao không phải là điều đáng sợ, và rồi họ cứ thế leo cao dần, cao dần và rồi thản nhiên lao động trên đó. Nếu chúng ta không nhảy vào cuộc, không thử làm quen với nỗi sợ, chắc chắn chúng ta sẽ không bao giờ vượt qua được nỗi sợ. Nó cũng như một chú gà con hét lên với đại bàng rằng, bay thấp thôi, đừng có bay cao, bay lên cao là ngã đấy...

Khi đã bắt đầu dám thử vượt qua nỗi sợ, bạn nên bắt đầu làm gì trước ? Theo tôi bạn nên suy nghĩ và tìm ra lợi ích của việc vượt qua được nỗi sợ trước. Có thể là : Nếu tôi không sợ con gián, tôi sẽ không xấu hổ với mọi người vì hét lên khi gặp nó, và có thể thản nhiên đập chết nó rồi ném vào thùng rác như người khác. Nếu tôi không sợ ăn hành, tôi không phải mất công cầu kỳ dặn dò người bán phở, nhăn mặt khó chịu, hay có một phản ứng nào đó không có lợi làm phá hỏng cuộc hẹn đầu tiên với một anh chàng 6 múi rất đẹp trai. Hay, nếu tôi không sợ bóng tối, tôi có thể đi ra ngoài và ngắm nhìn bầu trời tuyệt đẹp với rất nhiều vì sao sáng rực ở một vùng quê... đại loại như vậy.

Việc ý thức được lợi ích của khả năng vượt qua nỗi sợ sẽ tiếp cho bạn rất nhiều động lực để bạn có thể bắt đầu bước đi. Nếu tôi có một tầm nhìn, một lợi ích, tôi biết tôi sẽ phải đi đến một điểm ở xa kia, thì mọi ổ gà trên đường sẽ là chuyện nhỏ.

Xung quanh chúng ta, mối nguy hiểm là có thật. Sự thiếu hiểu biết về nó mà vẫn lao vào là hành động tự sát. Có những cái không gây hại gì cho bạn hết. Nhưng có những cái, nếu bạn cứ lao vào thì bạn sẽ chết, chết ngay, không còn gì để nói tiếp. Vì thế việc tìm hiểu trước những nguy cơ là điều nên làm.

Tuy nhiên, chúng ta phải thừa nhận với nhau một điều rằng tri thức là hữu hạn. Thế giới rất rộng lớn, chúng ta không thể biết hết mọi thứ. Vì thế nếu cứ ngồi chần chừ đo đếm khả năng thiệt hại, thì bạn sẽ mất cơ hội. Hãy lao vào nguy hiểm một cách có tính toán. Hãy đi từng bước một thận trọng. Luôn áng chừng được mức thiệt hại rủi ro có thể chấp nhận trong từng bước đi. Luôn mở to mắt, luôn lắng nghe và đón nhận những bài học cho mình trong từng bước đi. Thất bại hay thành công trong từng bước đi luôn chứa đựng bài học trong đó. Nếu thành công, nó chứng tỏ bạn đang đi đúng đường, hãy đi tiếp. Nếu thất bại, nó chứng tỏ bạn cần tìm một giải pháp thay thế, bạn có thể vòng đường khác, dùng một phương tiện khác, và đặt dấu cảnh báo nguy hiểm cho người đang đi theo sau lưng bạn. Thành công hay thất bại đều có lợi ích trong đó. Nhưng chắc chắn, nếu bạn cứ ngồi đó mà không hành động, bạn sẽ mãi mãi không thể thu được lợi ích nào. Người thành công trong cuộc sống luôn không bao giờ là một người trì hoãn và bỏ cuộc.

Quay trở về chuyện đấu tranh, chúng ta biết có rất nhiều người bị đi tù. Nhưng có nhiều người vẫn tiếp tục lên tiếng, tiếp tục đấu tranh, và dù có gặp khó khăn nào đó, họ vẫn vượt qua. Nhiều người hơi vội vàng, và nghi ngờ họ là hai mang, rồi kết luận họ là dân chủ cuội. Đại loại như vậy ! Hãy nhìn sâu vào chuyện này. Hãy hỏi tại sao họ làm được như vậy. Hãy nhìn thành quả họ đạt được trong suốt cả một quá trình trong một tinh thần cầu tiến. Đừng ganh tị với danh tiếng hay lợi ích họ có được. Hãy bắt chước hành động của họ. Từ từ từng bước một. Hãy tập hợp những người ủng hộ xung quanh mình, đừng đi lẻ, luôn đi theo đội hình và tôn trọng đồng sự. Hãy bước đi từng bước nhỏ, lấn sân và leo thang từng nấc một. Muốn đứng trên một bậc thềm cao thì bạn không thể nhảy lên ngay, hãy chấp nhận bước đi từng bước nhỏ. Luôn kiểm soát rủi ro trong mức chấp nhận được và không dừng lại.

Những người thành công luôn khác những người khác ở một điều là, họ cực kỳ nhẫn nại và kiên định. Khi đã đạt được thành công nhất định, hãy luôn nhớ một điều rằng chúng ta phải luôn tôn trọng và ghi nhớ công lao của những người đi trước. Dù có thất bại, người đi trước đã hiến mình làm biển cảnh báo nguy hiểm trên đường chúng ta đi. 

Tôi muốn nói đến những điều này bởi vì tôi mong muốn càng ngày có nhiều người không sợ hãi. Chúc các bạn thắng được nỗi sợ hãi của chính mình, và hãy bắt đầu từ những điều nhỏ nhất. Một dân tộc với những con người không sợ hãi nhất định sẽ có độc lập, có tự do và có hạnh phúc !

Nguyễn Lân Thắng

Nguồn : RFA, 25/06/2018 (nguyenlanthang's blog)

Published in Diễn đàn