Phụ nữ vốn được mệnh danh là phái đẹp, phái yếu.
Từ xưa đến nay, người phụ nữ vẫn luôn được tôn vinh, được ca ngợi không chỉ bởi vẻ đẹp bên ngoài mà còn bởi vẻ đẹp của nội tâm bên trong. Đó là cái đẹp của đức tính cần cù, chịu thương, thịu khó, cam chịu và hy sinh. Đó cũng là đặc tính của người phụ nữ Việt.
Ảnh minh họa chụp tại ngoại thành Hà Nội tháng 1 năm 2019. AFP
Nhưng trong xã hội ngày nay, người phụ nữ Việt Nam chịu thiệt thòi quá nhiều trong đời sống, định kiến của xã hội, một xã hội chuyên hô hào khẩu hiệu nhưng luôn làm ngược lại với những điều luật đã đưa ra.
Thật nực cười khi hiện tại luật bảo vệ quyền lợi cho phụ nữ khá nhiều như Luật Bình đẳng giới, Luật Phòng chống bạo lực gia đình, Luật Hôn nhân gia đình… Tuy nhiên, phụ nữ vẫn chịu thiệt thòi, yếu thế.
Chưa có nơi nào nạn bạo hành phụ nữ lại nhiều như ở Việt Nam, nhất là những người bất đồng chính kiến, chuyện 4,5 thằng đàn ông giả danh côn đồ đánh một người phụ nữ đến ngất xỉu là chuyện thường tình, chuyện đối xử bất công đối với các tù nhân nữ về tội chính trị xảy ra ở nhiều trại tù cộng sản.
Ở Việt Nam, nạn bạo hành và xâm hại tình dục trẻ em - phụ nữ ngày càng gia tăng. Có những trường hợp hiếp xong rồi thủ phạm giết chết luôn. Thật đau lòng.
Mặc dù chính quyền đã thành lập các hội phụ nữ, hội bảo vệ bà mẹ và trẻ em, nhưng thật chất chỉ là các hội ăn hại. Họ đã làm gì khi tệ nạn bạo hành phụ nữ và trẻ em ngày càng tăng ???
Phụ nữ Việt Nam phải biết mình luôn có cái quyền : Quyền được yêu thương, quyền được bình đẳng. Hãy biết sống cho bản thân mình và biết dứt áo ra đi nếu ai đó không làm mình hạnh phúc để tự trả lại tự do cho chính bản thân mình và nhất là tự do chọn người đại diện đấu tranh cho quyền lợi phụ nữ.
Nguyễn Lai, viết từ Nha Trang
Nguồn : RFA, 07/03/2019
Sáng ngày 16/11, tại Tòa nhà Văn phòng Hạ viện Hoa Kỳ, tổ chức Freedom Now trình bày báo cáo về tình hình nhân quyền của Việt Nam. Phúc trình mới nhan đề "Đàn áp theo luật : Việt Nam dùng luật làm võ khí chống lại xã hội Dân sự" do Freedom Now và trường Luật của Đại học American University hợp tác thực hiện tập trung chi tiết vào tình trạng gia tăng bắt bớ những người bất đồng chính kiến, những nhà báo và nhà hoạt động dân chủ dám thể hiện quan điểm trái chiều với chính thể tại Việt Nam trong các cuộc biểu tình chống luật an ninh mạng, đặc khu kinh tế hay đơn giản chỉ là thể hiện quan điểm cá nhân trên mạng xã hội thời gian gần đây.
Ảnh tư liệu - Người thân và các nhà hoạt động kêu gọi trả tự do cho các nhà bất đồng chính kiến tại Hà Nội, ngày 27/8/2018.
Freedom Now cho biết họ thực hiện những cuộc điều tra và phỏng vấn chi tiết hàng chục cá nhân đã bị chính quyền bắt giữ hoặc đang bị quản chế tại Việt Nam hiện nay. Qua đó, 88% những người được phỏng vấn khẳng định đã bị giam giữ trong một thời gian dài mà không qua xét xử, không được tiếp xúc với luật sư hoặc nếu có thì cũng chỉ được xét xử ở một phiên tòa bí mật với những mức án đã được định trước. 68% số người được phỏng vấn cũng cho biết họ đã từng bị tra tấn hoặc bị nhục hình trong quá trình giam giữ.
Freedom Now nói điều đáng quan ngại là Việt Nam hiện đang tìm mọi cách để xây dựng và sử dụng luật pháp như là một thứ vũ khí để bảo vệ lợi ích của chế độ. Điều này, theo Freedom Now, đi ngược hoàn toàn với giá trị đích thực của luật pháp là để bảo vệ công dân.
Trao đổi với VOA Việt ngữ, bà Kate Barth, Giám đốc Pháp lý của tổ chức Freedom Now cho biết :
"Theo tôi thì tình hình thực sự đang rất tồi tệ tại Việt Nam hiện nay. Các bạn có thể thấy rằng trong 2 năm qua các nhà hoạt động dân chủ hay là bất cứ người dân nào nếu tham gia vào các cuộc biểu tình hoặc thể hiện quan điểm chính kiến khác biệt là lập tức bị chính quyền nhắm tới sách nhiễu hay thậm chí là có thể bị quản chế, bỏ tù. Trong đó nhiều người đã phải chịu những mức án rất nặng nề. Nhà cầm quyền Việt Nam đang thực sự sử dụng luật pháp để bảo vệ quyền lợi chế độ mà không đoái hoài đến người dân".
Báo cáo cũng chỉ ra rằng có tới 60% số người được phỏng vấn cho biết bị khủng bố và bức hại bởi các lực lượng an ninh khác nhau tại Việt Nam chỉ vì thể hiện và thực hành niềm tin tôn giáo của mình. Điều này, theo FreedomNow, cho thấy tình hình tự do tôn giáo ở Việt Nam cũng đặc biệt tồi tệ. Phần lớn người dân chỉ được khuyến khích tiếp cận với các niềm tin tín ngưỡng và cơ sở tôn giáo có thỏa hiệp với chính quyền các cấp ; thậm chí cơ sở tôn giáo còn được điều hành bởi các nhân viên an ninh nhà nước khoác áo tu hành, báo cáo nói.
Vẫn theo phúc trình của Freedom Now, trước áp lực quốc tế, đặc biệt là áp lực từ phía Hoa Kỳ và các nước phương Tây, chính quyền Việt Nam thường chọn giải pháp trục xuất, bắt buộc các nhà hoạt động dân chủ-nhân quyền phải sống lưu vong ở nước ngoài trái với ý muốn và nguyện vọng của họ mà hai trường hợp gần đây nhất là luật sư Nguyễn Văn Đài trong Hội Anh em Dân chủ và blogger Mẹ Nấm Nguyễn Ngọc Như Quỳnh.
Ủy ban Cứu người Vượt biển BPSOS có trụ sở tại bang Virginia, Hoa Kỳ, đã có nhiều năm theo dõi và vận động cho dân chủ-nhân quyền tại Việt Nam.
"Ngày qua ngày, những người dân vô tội bị sách nhiễu, thậm chí là bỏ tù hay tra tấn vì thực hiện những quyền căn bản của con người tại Việt Nam. Rõ ràng điều này là không thể chấp nhận được. Chúng tôi lo sợ rằng nếu chúng ta không có những hành động kịp thời thì tình hình sẽ ngày càng xấu đi. Sẽ ngày càng có nhiều người bị bỏ tù hơn để Việt Nam lấy họ làm vật trao đổi với Hoa Kỳ và các nước dân chủ khác", đại diện của BPSOS, cô Carol Nguyễn, phát biểu trong buổi tường trình.
Giám đốc Pháp lý của tổ chức Freedom Now, Kate Barth, cho rằng phản ứng và áp lực từ Hoa Kỳ chưa đủ trước đà gia tăng đàn áp các tiếng nói dân chủ tại Việt Nam trong thời gian qua.
"Theo tôi, Hoa Kỳ và các nước dân chủ đã không có được những áp lực đầy đủ lên chính thể tại Việt Nam trong thời gian vừa qua. Điều này là rất nguy hiểm, bởi Hà Nội sẽ nhân cơ hội đó gia tăng bắt bớ, dập tắt mọi tiếng nói phản kháng đòi tự do, dân chủ và những quyền cơ bản cho con người ở Việt Nam. Những hành động về kinh tế và pháp lý cần từng bước được tiến hành để hạn chế việc vi phạm nhân quyền nghiêm trọng tại Việt Nam hiện nay".
Báo cáo của tổ chức Freedom Now cũng trình bày cụ thể về hệ thống báo chí tại Việt Nam và cách mà đảng cộng sản cầm quyền kiểm soát truyền thông. Nếu không có những tiếng nói phản biện của các cá nhân từ hệ thống mạng xã hội thì người dân ở Việt Nam sẽ hoàn toàn bị bưng bít thông tin, bị cầm tù về mặt nhận thức và chỉ được nghe những điều đảng cầm quyền muốn, Freedom Now nhận xét.
Kết quả điều tra của Freedom Now và ý kiến trao đổi từ các chuyên gia sẽ được tổng hợp để trình lên Hạ viện Hoa Kỳ để thúc đẩy những hành động cứng rắn hơn trong việc gia tăng áp lực buộc Việt Nam phải tôn trọng những quyền căn bản của con người như đã cam kết với quốc tế.
Freedom Now là tổ chức phi lợi nhuận, phi chính phủ, phi đảng phái, có trụ sở tại Mỹ. Mục tiêu hoạt động của Freedom Now là vận động giúp phóng thích tù nhân lương tâm quốc tế thông qua các nỗ lực về tư pháp, chính trị, và quan hệ quốc tế.
Nguyễn Lại
Nguồn : VOA, 17/11/2018
Chính quyền Tổng thống Donald Trump ngày 5/9 tuyên bố chính thức hủy bỏ Chương trình Hoãn trục xuất những người nhập cảnh Mỹ bất hợp pháp từ khi còn nhỏ, gọi tắt là DACA, vốn có từ năm 2012 dưới thời Tổng thống Barrack Obama. Với quyết định của ông Trump, ít nhất 800.000 di dân không giấy tờ do cha mẹ đưa sang Mỹ bất hợp pháp sẽ bị ảnh hưởng và đứng trước nguy cơ bị trục xuất.
Ảnh tư liệu - Những di dân thuộc diện được chương trình DACA bảo vệ kêu gọi sự ủng hộ tại Washington DC ngày 06/9/2017.
DACA là gì ?
Để hiểu hơn về Chương trình DACA, cần phải quay lại với cuộc tranh cãi trong chính giới Hoa Kỳ trong suốt 15 năm từ thập niên 1990 cho tới giữa những năm 2000. Trong giai đoạn đó một lượng lớn gia đình bao gồm vợ và con của các lao động bất hợp pháp, chủ yếu người Mexico, đã vượt biên giới sang Mỹ để đoàn tụ với người thân của họ. Về cơ bản những người này hoàn toàn không có cơ hội trở thành công dân hợp pháp, thường trú nhân hay thậm chí là có giấy phép lao động hoặc giấy phép lái xe theo luật pháp Hoa Kỳ lúc đó.
Những đứa trẻ trong các gia đình ấy được bố mẹ đem tới Mỹ, trên thực tế, tự chúng hoàn toàn không biết là mình đang cư trú bất hợp pháp và chỉ cho tới khi đến tuổi vị thành niên, khi không thể đăng ký thi bằng lái xe hay nộp hồ sơ xin những khoản tài trợ học phí tại các trường cao đẳng và đại học vì không có số an sinh xã hội, chúng mới nhận ra thực trạng của mình.
Điều gì sẽ xảy ra với những đứa trẻ này, khi từ nhỏ chúng đã được đi học tại các trường học của nước Mỹ, thông thạo tiếng Anh, quen thuộc với cuộc sống và văn hóa như những đứa trẻ bản địa nhưng trong tương lai lại không thể có được một công việc hợp pháp để nuôi sống bản thân và ổn định cuộc sống ? Liệu những đứa trẻ ấy có trở về quốc gia nơi chúng đã được sinh ra nhưng lại hầu như không biết tí gì về cuộc sống ở đó, hay chúng sẽ tiếp tục cuộc sống bất hợp pháp tại Mỹ như bố mẹ của chúng ?
Một cuộc điều tra vào tháng 8 mới đây của chuyên gia chính trị - xã hội Tom Wong thuộc đại học tổng hợp California ở San Diego chỉ ra rằng có tới 25% những người có xuất thân là trẻ di cư bất hợp pháp hiện có con là công dân Mỹ và 73% có một người thân có thể là con cái, vợ chồng hoặc anh chị em ruột là công dân Mỹ.
Dự luật Dream Act
Đứng trước thực tế này, năm 2001, hai thượng nghị sĩ Orrin Hatch và Maria Cantwell giới thiệu dự luật Dream Act, theo đó, những di dân đến Mỹ từ khi còn nhỏ tuổi sẽ được phép nộp đơn xin cư trú hợp pháp với giấy phép lao động và thậm chí trở thành công dân Mỹ. Tuy nhiên, dự luật dự trù sẽ giúp 11 triệu di dân được hợp pháp hóa tình trạng cư trú tại Mỹ, không được đủ 60 phiếu thuận tại Thượng viện để chính thức được trở thành luật để ban hành và áp dụng.
DACA ra đời
Để tìm một giải pháp và cũng là lối thoát cho hàng triệu người nhập cư không giấy tờ tới Mỹ từ nhỏ có cơ hội được ở lại, làm việc hợp pháp, đóng góp chung vào lực lượng lao động của nước Mỹ, tháng 6 năm 2012, Tổng thống Barrack Obama ra sắc lệnh mở ra chương trình DACA, tạm thời bảo vệ những di dân này khỏi bị trục xuất. Những di dân trẻ tuổi không giấy tờ, nếu hội đủ một số điều kiện như tốt nghiệp trung học tại Mỹ, chưa từng vi phạm pháp luật… có thể nộp đơn xin giấy phép lao động trong hai năm để cư trú và làm việc hợp pháp tại Hoa Kỳ và phải xin gia hạn sau mỗi hai năm như thế.
Luật sư di trú Khanh Phạm gần chục năm kinh nghiệm, hiện đang làm việc tại Texas, giải thích thêm về tính chất của sắc lệnh về DACA do cựu Tổng thống Obama ban hành :
"Chương trình bảo vệ chống trục xuất đối với trẻ em nhập cư bất hợp pháp tại Mỹ của ông Obama chỉ là một cái sắc lệnh thôi. Vì thế ông không cần phải thông qua quốc hội và cũng không cần phải đi qua con đường bình thường. Đây là sắc lệnh được quyết định trực tiếp bởi Tổng thống đối với người nhập cư".
Theo số liệu ước tính năm 2014 của Viện nghiên cứu chính sách di dân, trong số gần 400.000 người nhập cư trẻ tuổi được thống kê, do nhiều lý do như sống trong các gia đình có thu nhập thấp và mặc cảm về tình trạng bất hợp pháp của bản thân, rất nhiều người đã bỏ học ở bậc trung học, chỉ khoảng 5% số người này có bằng đại học và khoảng 20% khác đang đăng ký học cao đẳng mà thôi.
Trong khi đó, điều tra của chuyên gia Wong trong tháng 8 vừa qua cho thấy chương trình DACA đã giúp những lao động xuất thân là dân nhập cư bất hợp pháp từ nhỏ tăng thu nhập tới 80% từ khoảng 20.000 lên 36.000 đô la/năm. 65% số lao động được khảo sát sở hữu xe mới và 16% mua được nhà riêng. 5% những người này có cơ sở kinh doanh riêng.
Tới 60% những người thuộc đối tượng của chương trình DACA là trên 25 tuổi, có nghĩa là họ đã gia nhập lực lượng lao động Mỹ từ trước khi DACA ra đời. Với chương trình này, họ có thể tìm được công ăn việc làm phù hợp với trình độ học vấn và các kỹ năng đã được đào tạo. 61% số người tham gia cuộc thăm dò cho biết tìm được công việc phù hợp với chuyên môn và mong muốn của mình.
DACA kết thúc
Việc Tổng thống Donald Trump chấm dứt chương trình DACA được xem là một phần trong nỗ lực thực hiện lời cam kết của ông khi tranh cử về việc cải tổ di trú Hoa Kỳ.
Luật sư di trú Khanh Phạm :
"Cái này là một sự hứa hẹn của ông đối với những người bầu cho ông ý. Bởi trong cuộc chạy đua vào Nhà trắng thì ông ý đã nói ông ý sẽ cắt đứt chương trình này vì ông ý nghĩ những người ở đây bất hợp pháp thì ông muốn trục xuất những người đó. Ông cho rằng những người này thường làm những điều vi phạm, tạo ra sự không an toàn cho xã hội nên ông ý muốn trục xuất. Nhưng theo ý kiến của tôi thì hầu hết họ đều là những người lao động, lao động tích cực và cực khổ, đóng thuế và những người vi phạm pháp luật (trong số họ) thì rất ít. Ông Trump làm là để ông ý giữ lời hứa với mong muốn tạo uy tín trong nhiệm kỳ 4 năm tiếp theo sau này thôi".
Với DACA bị xóa sổ ngày 5/9/17, giới hữu trách không tiếp nhận các đơn mới nữa. Tuy nhiên, với những người đang được hưởng lợi từ DACA, các giới chức cho biết giấy phép làm việc của họ sẽ tiếp tục có hiệu lực đến ngày hết hạn ; các đơn xin DACA đã nộp trước ngày 5/9/17 sẽ được xử lý ; những ai hết hạn diện DACA trước ngày 5/3/18 có một tháng để xin giấy làm việc 2 năm và những giấy xin gia hạn sẽ được xem xét.
Nếu Quốc hội không thông qua được một luật nào bảo vệ những người theo diện DACA thì gần 300 ngàn người sẽ bắt đầu mất tình trạng hợp lệ và đối mặt với nguy cơ trục xuất trong năm 2018 và hơn 320 ngàn người nữa sẽ bị mất tình trạng hợp lệ trước tháng 8 năm 2019.
Nguyễn Lại
Nguồn : VOA, 07/09/2017
Vào đúng ngày quốc khánh Mỹ 04/7 vừa qua, Bắc Triều Tiên tiến hành một vụ thử tên lửa đạn đạo liên lục địa có khả năng vươn tới một số vùng ở Bắc Mỹ và có thể mang đầu đạn hạt nhân. Như vậy là mọi nỗ lực của Hòa Kỳ ,Trung Quốc và cả Liên Hiệp quốc trong việc ngăn chặn chính quyền Kim Jong-un phát triển vũ khí hạt nhân đã bị phớt lờ. Vụ phóng thử lần này rõ ràng là một lời thách thức của Bình Nhưỡng đối với Hoa Kỳ và thế giới nói chung.
Ảnh tư liệu vụ phóng thử tên lửa đạn đạo Hwasong-14 do Thông tấn xã Bắc Triều Tiên cung cấp ngày 05/07/2017
Tổng thống Mỹ Donald Trump, trong chuyến công du Ba Lan ngày 05/7 tuyên bố đang "xem xét một số giải pháp nghiêm trọng đối với Bắc Triều Tiên". Đại sứ Hoa Kỳ tại Liên Hiệp Quốc hôm 04/7 nhắc tới khả năng sử dụng võ lực cho vấn đề Triều Tiên như một biện pháp tự vệ và bảo vệ các nước đồng minh. Có khả năng xảy ra xung đột vũ trang giữa Bắc Triều Tiên với Hoa Kỳ cùng các đồng minh hay chăng trong lúc các giải pháp hiện nay đối với điểm nóng bán đảo Triều Tiên dường như không có tác dụng ? Đó là những câu hỏi mà dư luận đang thực sự quan tâm trong những ngày này.
Theo nhận định chung của giới chuyên gia, nguyên nhân sâu xa của hành động "thách thức" từ Bắc Triều Tiên khi thử nghiệm tên lửa đạn đạo liên lục địa đúng vào ngày quốc khánh Mỹ bắt nguồn từ chính chế độ tại Bình Nhưỡng và những toan tính từ Trung Quốc, quốc gia lâu nay vẫn được coi là bảo trợ cho chế độ Bình Nhưỡng.
Luật sư kiêm Giáo sư luật Vũ Đức Khanh từ Đại học Ottawa (Canada), một chuyên gia về quan hệ quốc tế và luật quốc tế, cho rằng :
"Thực tế, bây giờ chưa có một bằng chứng cụ thể nào để khẳng định rằng những vụ thử tên lửa, đặc biệt là vụ thử tên lửa liên lục địa vào đúng ngày quốc khánh Mỹ 04/7 vừa qua của Bắc Triều Tiên là do Trung Quốc giật dây. Tuy nhiên, theo nhận định của các chuyên gia thì Bình Nhưỡng biết rằng trước sau gì Hoa Kỳ cũng phải ngồi vào bàn đàm phán 4 bên hoặc 6 bên bao gồm Hoa Kỳ, Nhật, Hàn Quốc, Trung Quốc, Nga và Bắc Triều Tiên. Mà khi đã ngồi vào bàn đàm phán rồi thì Bình Nhưỡng sẽ có quyền thỏa thuận một số quyền lợi. Trung Quốc thì sẽ đem Biển Đông ra trao đổi với Hoa Kỳ để đổi lấy việc hạ nhiệt điểm nóng trên bán đảo Triều Tiên. Thậm chí, Nga cũng sẽ đem vấn đề Syria và Ukraine ra trao đổi với Hoa Kỳ. Vì vậy, việc liên tục phóng thử tên lửa của Bắc Triều Tiên trong thời gian gần đây rõ ràng là có những mục đích cụ thể từ chính chế độ Bình Nhưỡng và cả những nước bảo trợ cho chế độ này".
Khác với những tuyên bố có phần cứng rắn của Tổng thống Donald Trump và Đại sứ Hoa Kỳ tại Liên hiệp quốc Nikki Haley về một giải pháp quân sự đã được tính tới đối với chế độ Bình Nhưỡng, các chuyên gia dự đoán khó xảy ra một cuộc xung đột giữa Mỹ cùng các đồng mình với Bắc Triều Tiên. Nguyên nhân căn bản, theo giới phân tích, là do hiện Hoa Kỳ chưa đạt được sự đồng thuận với các đồng minh trong vấn đề này.
Giáo sư Khanh phân tích :
"Hiện tại, Bình Nhưỡng thừa biết Mỹ không đạt được sự đồng thuận với các đồng minh của mình. Ngay trong chuyến thăm Washington mới đây của Tổng thống Hàn Quốc, ông này cũng đã bày tỏ lo ngại rằng một cuộc chiến tranh gây thiệt hại lớn về con người sẽ xảy ra nếu chọn giải pháp quân sự đối với Bắc Triều Tiên. Nhật Bản hiện cũng chưa có động thái gì cụ thể. Như vậy, Hoa Kỳ không thể đơn phương hành động được. Tôi cho rằng rất khó để có thể xảy ra một cuộc xung đột vũ trang trên bán đảo Triều Tiên vào thời điểm này. Mà ngay cả Tổng thống Trump, những tuyên bố của ông cũng yếu dần đi. Cũng giống như đời Tổng thống Obama thôi. Ông Obama đã đặt ra lằn ranh đỏ đối với chế độ ở Syria, nhưng rồi cũng không thể làm gì. Ông Trump cũng từng đặt ra lằn ranh đỏ với Bình Nhưỡng, nhưng giờ đây cũng khó có thể có những hành động quân sự cứng rắn được".
Các chuyên gia quan sát thời cuộc cho rằng hành động "thách thức" gần đây của Bình Nhưỡng đã cho thấy sự suy yếu trong vai trò của Hoa Kỳ đối với các vấn đề toàn cầu. Vụ thử tên lửa đạn đạo liên lục địa đúng vào ngày quốc khánh Mỹ cũng là một đòn giáng mạnh vào uy tín của chính quyền Tổng thống Donald Trump.
Với những khó khăn nội bộ ngay tại Washington khi đang có sự chia rẽ trong chính đảng Cộng Hòa với vụ điều tra Nga can thiệp vào cuộc bầu cử Mỹ 2016, chính quyền Tổng thống Donald Trump sẽ khó có được những hành động đáp trả hiệu quả, theo phân tích của các chuyên gia.
Giới phân tích nói giải pháp duy nhất, dễ thực hiện nhất đối với ông Trump lúc này là đem Biển Đông ra thỏa thuận với Trung Quốc để hạ nhiệt điểm nóng Triều Tiên. Và nếu điều này xảy ra, rõ ràng những nước trong khu vực, trong đó có Việt Nam, sẽ bị thiệt thòi.
Nguyễn Lại
Nguồn : VOA, 07/07/2017