VOA : Những diễn biến ở Venezuela trong thời gian gần đây thu hút sự quan tâm to lớn của nhiều người Việt Nam, đặc biệt sau khi lãnh đạo đối lập Juan Guaido tuyên bố trở thành tổng thống lâm thời và được Mỹ cũng như nhiều nước khác công nhận.
VOA mới đây đã phỏng vấn ông Nguyễn Như Phong, đại tá công an Việt Nam đã nghỉ hưu, người trước đây từng thăm Venezuela 3 lần trên cương vị là một lãnh đạo báo chí. Ông Phong đã đưa ra những ý kiến đáng chú ý về cuộc xung đột chính trị hiện nay ở đất nước Nam Mỹ. Mời quý vị theo dõi.
Thủ lĩnh đối lập Juan Guaido phát biểu với báo giới ở Caracas, Venezuela, 10/2/2019
Người Venezuela rất yêu Việt Nam
VOA : Trước hết, xin ông cho biết bối cảnh của những chuyến thăm hoặc công tác của ông đến Venezuela.
Nguyễn Như Phong : Tôi đến Venezuela 3 lần. Tôi đi theo Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam để đàm phán về lô dầu mỏ mà Venezuela dành cho Việt Nam là lô Junin 2.
Thực sự là tôi rất yêu người dân Venezuela và các lãnh đạo Venezuela thời đấy, như là ông Hugo Chavez hay ông Ramirez, Bộ trưởng Bộ Năng lượng của Venezuela.
Tôi cũng đã được gặp một số du kích quân Caracas mà ngày xưa đã tham gia bắt thằng trung tá không quân Mỹ [nguyên văn] để đổi lấy anh Nguyễn Văn Trỗi.
Thực sự mà nói, tôi thấy người dân Venezuela họ rất yêu người Việt Nam, rất kính trọng người Việt Nam. Và đặc biệt, lãnh đạo Venezuela họ yêu quý Việt Nam có thể nói là tôi chưa từng thấy.
Thế nhưng bên cạnh đó, tôi cũng đã lờ mờ nhìn thấy những điều không ổn ở đất nước này, trong cái cung cách lãnh đạo.
VOA : Ba chuyến đi của ông diễn ra vào những năm nào ? Những thời điểm đó ông thấy hoàn cảnh kinh tế và đời sống người dân như thế nào ?
Ảnh chụp năm 2017 cho thấy Venezuela thiếu thực phẩm nghiêm trọng
Nguyễn Như Phong : Năm 2009, 2010, và 2011 hay 2012 gì đó. Lúc đấy kinh tế bắt đầu xuống dốc rồi, bắt đầu đã lạm phát ghê gớm rồi. Trộm cắp, cướp giật thì khủng khiếp.
Nghĩa là chúng tôi không dám đi ra khỏi khách sạn nếu như không có người bảo vệ. Và ngồi trên ô tô đi, chúng tôi không dám thò máy ảnh ra cửa sổ để chụp ảnh, đến mức như thế.
Những năm ấy, mặc dù giá xăng dầu còn rất rẻ, thực phẩm, các thứ khác còn ổn, thế nhưng tình hình kinh tế Venezuela đã bộc lộ những điều làm chúng tôi cứ tự hỏi "Đây nó là một cái đất nước gì, nó là một cái xã hội gì ?". Không thể hiểu nổi nữa.
Một đất nước mà mị dân đến mức mà không cần làm cũng có ăn. Hàng ngày, nghĩa là chờ đến nhận cơm với thực phẩm ở các trung tâm cứu trợ, thế thì chết.
Khắp nơi đổ dồn về thành phố, đổ dồn về thủ đô Caracas để kiếm sống, mà họ chẳng kiếm sống, cứ về đấy để được ăn.
Thế rồi có thứ lãnh đạo gì lại thuê người dân đến ngồi nghe mình diễn thuyết và trả tiền. Thì tôi thấy cái kiểu ấy không được. Khi đấy đã bộc lộ nhiều rồi. Thế nhưng vì họ dành cho mình lô Junin 2, rất là yêu quý như thế, nên là mọi thứ nó cũng lấn át đi.
Chủ nghĩa xã hội không tưởng ở Venezuela
VOA : Lúc đó ông đang là tổng biên tập của một tờ báo ngành dầu khí phải không?
Nguyễn Như Phong : Không. Hai chuyến đầu tiên tôi đi với tư cách là Phó Tổng biên tập của báo Công An Nhân Dân. Mãi đến năm sau này tôi mới đi với tư cách Tổng biên tập báo Năng Lượng Mới.
VOA : Xin ông nói rõ thêm về "những điều không ổn" trong việc lãnh đạo đất nước ở Venezuela mà ông đã cảm nhận được ?
Nguyễn Như Phong : Tôi đã viết trên Facebook cá nhân. Tôi nói là họ đã lãnh đạo đất nước theo kiểu tùy hứng, theo một kiểu là chủ nghĩa ảo tưởng, một thứ chủ nghĩa xã hội không tưởng. Nó chẳng ra một thứ chủ nghĩa gì cả. Nó hết sức tùy hứng theo kiểu của người dân Nam Mỹ. Nó không có bất cứ bài bản nào. Rất kỳ lạ.
Nhưng điều dở nhất là chính những nước đã phát hiện ra, như Trung Quốc, rồi thậm chí kể cả Việt Nam và Nga, họ biết rất rõ nhưng mà chả ai có cách nào khuyên can được cái ông Hugo Chavez. Thậm chí các nước lớn như Trung Quốc, họ còn lợi dụng sự mê muội của ông Chavez để họ làm ăn và họ đưa người Trung Quốc sang. Cho nên đất nước Venezuela là đất nước bi kịch.
PetroVietnam chỉ bị "chôn vốn" ?
VOA : Về dự án liên doanh dầu khí giữa Venezuela và Việt Nam, xin ông cho biết thêm thông tin và hiệu quả của dự án đó đến đâu ?
Nhà báo Nguyễn Như Phong trên một dàn khoan dầu
Nguyễn Như Phong : Việt Nam được Venezuela dành cho lô dầu mỏ Junin 2, một lô dầu khí có trữ lượng cực lớn, khoảng hơn 2 tỷ thùng, ở thung lũng dầu khí Colorado (1). Đây là liên doanh giữa Việt Nam và công ty dầu mỏ Venezuela PDVSA.
Hồi đấy tính theo giá dầu cỡ 100 đô la/thùng thì khai thác ở mỏ dầu này rất có lãi, mặc dù dầu đó là dầu siêu nặng.
Việc Venezuela dành cho mình lô Junin 2 [năm 2009] đầu tiên phải nói là xuất phát từ ông Hugo Chavez, ông ấy yêu Việt Nam, ông kính trọng Việt Nam, ông ấy cho. Chứ còn lúc ấy mình có lobby [vận động hành lang] bằng tiền bằng bạc gì đâu.
Ký hợp đồng tất cả các thứ rồi, Việt Nam triển khai rồi, khoan lấy dầu lên rồi thì đùng một cái ông Chavez ấy chết [ngày 5/3/2013], rồi tiếp theo giá dầu thế giới giảm một cách thê thảm. Thế là việc khai thác dầu đấy phải dừng lại (2).
Thế nhưng nhiều người không hiểu cứ nói Việt Nam mất trắng hàng trăm triệu đô la ở đấy.
Mỏ dầu đấy hiện nay vẫn có quyền sở hữu của Việt Nam, và quốc hội Venezuela họ đã phê chuẩn rồi cho nên không thể thay đổi được. Chỉ có điều bao giờ khai thác được tiếp tục thì nó phụ thuộc hoàn toàn vào tình thế chính trị của Venezuela và giá dầu thế giới. Giá dầu thế giới cao lên thì khai thác ở đấy sẽ rất tốt.
Người ta cứ bảo mất trắng hàng trăm triệu đô la thế này thế khác, nói như thế là không đúng.
VOA : Vậy có thể tạm hiểu số tiền này là "chôn vốn" chứ chưa phải là mất ?
Nguyễn Như Phong : Chính xác. Nói chôn vốn là đúng đấy.
"Tôi ủng hộ phương Tây can thiệp"
VOA : Hiện nay đang có xung đột chính trị giữa một bên là Tổng thống tự xưng Juan Guaido được nhiều nước quan trọng ủng hộ, và một bên là Tổng thống hợp hiến trên giấy tờ, ông Nicolas Maduro. Theo ông, cuộc xung đột chính trị này sẽ có kết cục như thế nào ?
Nhà báo Nguyễn Như Phong ký tặng sách
Nguyễn Như Phong : Tôi thấy cuộc xung đột chính trị này sẽ dẫn đến kết quả là ông Guaido sẽ thắng.
Bởi vì nói gì thì nói, chủ nghĩa gì thì chủ nghĩa, chủ nghĩa gì thì cũng không quan trọng bằng làm cho người dân được no ấm, làm cho người dân được hạnh phúc.
Vậy thì suy xét lại là chính quyền của ông Maduro có làm cho người dân được hạnh phúc không ? Ông có làm cho người dân được no ấm không ? Tại sao một đất nước vốn giàu có như thế lại trở thành một đất nước của người dân chết đói ? Đó là điều không chấp nhận được.
Muốn là chủ nghĩa nào tôi không cần biết. Nhưng mà điều quan trọng nhất là cái chủ nghĩa đó phải làm cho người dân được no ấm, và người dân đừng có khốn khổ như thế này.
Và tôi nghĩ rằng các nước phương Tây họ muốn can thiệp và ủng hộ chính quyền của ông Guaido, và tôi cho rằng tôi cũng ủng hộ sự can thiệp đấy. Để người dân chết đói ai mà chịu được.
VOA : Hiện nay nhiều người ở Việt Nam nhìn vào câu chuyện đang diễn ra ở Venezuela và trực tiếp hoặc gián tiếp liên hệ đến Việt Nam, cho rằng điều tương tự có.
Mỏ dầu Junin 2 - Ảnh : PVN
Nguyễn Như Phong : Hai chính thể khác nhau hoàn toàn. Hai phong cách lãnh đạo của hai quốc gia khác nhau hoàn toàn. Cho nên không thể mang Venezuela mà so sánh với Việt Nam.
Và tôi cho rằng tất cả những ý kiến có tính chất hả hê, móc máy, dè bỉu, chê bai này khác, tôi cho là những ý kiến không công bằng, và họ không xuất phát từ thiện ý, và không có tính xây dựng. Tôi không đồng tình với các ý kiến đó.
VOA : Xin cảm ơn ông đã dành thời gian cho đài chúng tôi và đưa ra những ý kiến có nhiều giá trị !
Nguồn : VOA, 11/02/2019
--------------
(1) PVN mất trắng cả chục ngàn tỉ đồng ở Venezuela
(2) Venezuela vỡ nợ, số phận các dự án đầu tư của PVN và Điện Quang sẽ ra sao?
Nhà báo Nguyễn Như Phong, tổng biên tập Petrotimes bị tước thẻ nhà báo và cách chức sau khi đăng tải trên tờ báo mình quản lý, một bài phỏng vấn từ tờ thoibao.de. Nội dung bài phỏng vấn xoay quanh việc thất thoát 3.200 tỷ ở PVC không phải do Trịnh Xuân Thanh gây ra, mà tại nguyên nhân khách quan của thị trường chứng khoán rớt giá và những yếu tố khác. Bài đăng lại của Nguyễn Như Phong vào đúng thời điểm hầu hết tất cả báo chí trong nước đang sục sôi quy kết Trịnh Xuân Thanh gây ra thiệt hại 3.200 tỷ đó.
Nhà báo Nguyễn Như Phong
Đích thân bộ trưởng truyền thông Trương Minh Tuấn chủ trì họp báo tuyên bố cách chức và tước thẻ nhà báo Nguyễn Như Phong.
Thế nhưng sau khi bắt cóc Trịnh Xuân Thanh, đầu năm 2018 chế độ cộng sản Việt Nam đưa Thanh ra tòa án xét xử lại không hề nhắc đến vụ thất thoát 3.200 tỷ. Thay vào đó họ dựng lên các nhân chứng giả để kết tội Trịnh Xuân Thanh tham nhũng. Hòng mục đích bào chữa việc bắt cóc Trịnh Xuân Thanh tại Đức với dư luận trong nước.
Tờ báo Petrotimes phục vụ cho tập đoàn dầu khí và được tập đoàn này nuôi dưỡng. Việc nhà báo Nguyễn Như Phong bênh vực cho những cán bộ của tập đoàn dầu khí như kiểu ăn cây nào, rào cây ấy là chuyện không có gì lạ, nhất là Như Phong ăn quá nhiều bổng lộc của tập đoàn dầu khí. Nhưng điều đáng nói hơn là trong lúc đích thân Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng đầy quyền lực, đang chỉ đạo báo chí đổ lỗi vụ thất thoát 3.200 tỷ ở PVC lên đầu Trịnh Xuân Thanh, hàng loạt báo chí hăng hái lao theo, một mình Nguyễn Như Phong ngược đường biện minh là điều bất thường. Đương nhiên một kết cục ngược đường như thế sẽ đưa đến việc bị kỷ luật, cách chức là điều đương nhiên. Từng ấy năm lăn lộn trong nghề báo, Nguyễn Như Phong quá hiểu cái kết cục như thế nhưng ông ta vẫn làm.
Xét về góc độ lý thì đến giờ Nguyễn Như Phong đúng, vì các phiên tòa xét xử Trịnh Xuân Thanh không thấy nhắc gì đến tội gây thiệt hại 3.200 tỷ. Xét về góc độ quan hệ cá nhân, Nguyễn Như Phong có ăn có trả, không như đa số các nhà báo khác hôm nay ăn tiền, mai thấy sa cơ quay ngoắt sang chỉ trích để lập công, trường hợp nhà báo Trương Huy San trước ăn nhiều bổng lộc của Phước Tamexco, sau khi Phước bị bắt, chính Huy Đức tận dụng khai thác từ mối quan hệ trước đó với Phước để viết bài đánh Phước.
Trường hợp đối nghịch tiêu biểu nhất với Nguyễn Như Phong không phải chỉ là Huy Đức, mà ngang tầm hơn đó là Nguyễn Công Khế tổng biên tập tờ Thanh Niên trước kia, giờ là ông chủ đứng sau tờ Một Thế Giới.
Nhà báo Nguyễn Công Khế
Nói về độ lưu manh chính trị thì Nguyễn Công Khế đứng hàng đầu trong làng báo Việt Nam vượt xa những cái tên như Nguyễn Như Phong, Hồ Thu Hồng. Đám ma của mẹ Khế vào năm 2007 hầu hết tất cả các ủy viên Bộ chính trị hồi đó đều đến dự.
Khế người Quảng Nam, đương thời ông Nguyễn Văn Chi ủy viên bộ chính trị, trưởng ban kiểm tra trung ương nâng đỡ Khế rất nhiều, nhờ ông Chi mà Khế có thể tiếp xúc với nhiều các ủy viên bộ chính trị khác qua việc gửi những bài báo mà người ta vạch cái sai của vị ủy viên bộ chính trị đó đến tận tay người bị vạch, để vị đó chủ động đối phó. Nguyễn Công Khế đã nhận con của Chi là Nguyễn Xuân Anh về làm ở báo Thanh Niên và qua đó khoe mẽ mình thân với nhà ông Chi như thế nào.
Khi Xuân Anh làm bí thư Đà Nẵng, Khế nhận rất nhiều tiền từ vây cánh của Xuân Anh để phục vụ nhóm Xuân Anh. Nhưng nhóm Xuân Anh bị Nguyễn Xuân Phúc và Trương Hòa Bình tiêu diệt, thấy vậy Nguyễn Công Khế quay sang hùa theo tấn công khi nhóm Xuân Anh đã hoàn toàn thất thế. Đã thế, Khế còn cặp kè với đối thủ của Xuân Anh là Huỳnh Đức Thơ, đi đâu cũng giới thiệu là anh em kết nghĩa, thân thiết như trước kia từng giới thiệu về Xuân Anh như vậy.
Gần đây theo yêu cầu của Huỳnh Đức Thơ muốn Khế tăng cường đánh mạnh tiếp tục vào nhóm Vũ Nhôm, để dư luận tập trung vào Vũ Nhôm và Nguyễn Xuân Anh, quên đi những sai phạm tày trời mà Thơ đã gây ra, cũng như tiếp sức cho Nguyễn Xuân Phúc và Trương Quang Nghĩa cướp đoạt nốt những dự án và tài sản của Vũ Nhôm còn lại.
Để thực hiện yêu cầu của Huỳnh Đức Thơ, Nguyễn Công Khế đã chỉ đạo Sánh (tức Hoàng Hải Vân), một đệ tử ruột của Khế, đưa tin, bài khích động dư luận tạo áp lực để tiêu diệt cho nhóm Nguyễn Xuân Anh, Vũ Nhôm chết hẳn. Đồng thời thêm mục đích nữa là hạ bệ hình tượng Nguyễn Bá Thanh trong lòng người dân Đà Nẵng theo nhu cầu cá nhân của Nguyễn Xuân Phúc.
Nguyễn Như Phong hay Nguyễn Công Khế đều là những loại nhà báo biến chất, bọn bồi bút phục vụ cho các nhóm lợi ích khác nhau trong đảng cộng sản Việt Nam. Nhưng dù sao về góc độ nào đó trong bản chất con người, thì Nguyễn Như Phong còn thua xa Khế về độ trở mặt, lật lọng, phản trắc.
Dư luận cần phải đặt dấu hỏi, một nhà báo như Nguyễn Công Khế tiền đâu ra để làm chủ một khu nghỉ dưỡng rộng đến 30 héc ta và trị giá hàng trăm tỷ tại Ninh Thuận. Nếu số tiền này là do Khế vay của ngân hàng, câu hỏi tiếp rằng trên tư cách gì mà Khế dễ dàng vay hàng trăm tỷ như mượn giấy in báo như vậy, tại sao tỷ phú Phạm Nhật Vượng đứng tên bảo lãnh cho nhà báo Nguyễn Công Khế vay số tiền này ?
Lợi dụng nghề báo để đâm thuê chém mướn, phục vụ mưu đồ lợi ích cho cá nhân. Tỷ phú Phạm Nhật Vượng cũng như nhiều đại gia, quan chức khác luôn có những chỗ yếu lo sợ báo chí khai thác, Nguyễn Công Khế lợi dụng nghề nghiệp của mình đã nhờ vả, thực chất là tống tiền những đại gia, quan chức để thu về khối gia sản khổng lồ mà những ai đến viếng đám ma mẹ Khế đều phải giật mình với tài sản mà Khế sở hữu. Một nhà báo, một tổng biên tập có hàng trăm tỷ như Nguyễn Công Khế chuyện dính đến những lợi ích nhóm là điều đương nhiên.
Nguyễn Công Khế dùng báo chí để tống tiền, đánh thuê, y cũng dùng báo chí tổ chức những cuộc thi hoa hậu và giao hẹn cho những cô gái nào muốn được giải phải phục vụ những ông lớn đỡ đầu cho Khế. Gái đẹp và hồ sơ mật cùng với những chiêu trò chính trị, đã đưa một kẻ lưu manh như Nguyễn Công Khế thành một siêu quyền lực trong làng báo chí Việt Nam, một làng báo vốn dĩ đã đầy sự khốn nạn.
Người Buôn Gió
Nguồn : nguoibuongio1972, 02/02/2018