Hậu dịch Vũ Hán ở Việt Nam
Nguyễn Thị Huyền, VNTB, 20/03/2020
Có lẽ rồi đại dịch đến từ con virus bên thành phố Vũ Hán của Trung Hoa lục địa rồi cũng sẽ đi qua. Hậu của đại dịch sẽ để lại vị đắng chát và có thể là cả men chiến thắng đầy tự hào.
Đề nghị với Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng, rằng hãy ‘xóa bài làm lại’ trong những hoạch định về cơ cấu nhân sự cho Đại hội 13.
Tôi muốn nói đến hai vị chủ tịch cùng họ Nguyễn, một tại Hà Nội, và một tại Sài Gòn. Ông Nguyễn Đức Chung quê ở tỉnh Phú Thọ. Ông Nguyễn Thành Phong quê tỉnh Bến Tre. Tính đến lúc này trong đối phó đại dịch hô hấp được gọi nôm na là ‘cúm Tàu’ (do xuất xứ bên Tàu, tức Trung Quốc), ông Chung và ông Phong đều ứng xử rạch ròi, quyết liệt với tầm nhìn dự báo trong nhiều trường hợp, như việc xây dựng bệnh viện dã chiến, về cách ly, về giáo dục… hơn hẳn rất nhiều chức sắc ‘bề trên’.
Là một đảng viên cấp cơ sở, không có được quyền về lá phiếu trong bầu chọn nhân sự - dù là nhân sự trong diện cán bộ nguồn, tôi vẫn muốn nêu đề nghị với Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng, rằng hãy ‘xóa bài làm lại’ trong những hoạch định về cơ cấu nhân sự cho Đại hội 13.
‘Xóa bàn làm lại’ có thể là yêu cầu hơi nặng nề, ý tôi muốn nói ở đây là Tổng bí thư hãy bình tâm, sáng suốt để quan sát những đảng viên đang chứng tỏ bản lĩnh quản lý đất nước như thế nào để có thể vượt qua ‘kiếp nạn’ của đại dịch hiện nay, mà ít phải ‘hao binh tổn tướng’ nhất.
Tất cả mọi lý thuyết hô hào đều xám xịt. Hãy nhìn vào hành động quyết liệt của người xuất thân là tướng công an như Nguyễn Đức Chung, và người vốn là một giảng viên Đại học Kinh tế như Nguyễn Thành Phong. Lá phiếu bầu cho họ sẽ thuyết phục hơn bởi hành động của họ hôm nay.
Tôi cũng mong muốn rằng nhiệm kỳ mới sắp tới đây của Đảng phải thật sự mới về cả đòi hỏi sự năng động, tính quyết liệt và bản lĩnh của người đứng đầu. Bản lĩnh đó đồng nghĩa với việc không thể là bản sao chép của một Tập Cận Bình, hay một Putin. Dĩ nhiên với đòi hỏi bản lĩnh như vậy, người đứng đầu Đảng chắc chắn sẽ luôn mang tâm thế "Việc gì có lợi cho dân ta phải hết sức làm" đúng như dặn dò của Chủ tịch Hồ Chí Minh.
Nguyễn Thị Huyền
Nguồn : VNTB, 20/03/2020
Mười tuần lễ của chuông nguyện hồn ai
Lynn Huỳnh, VNTB, 20/03/2020
Phiên họp của Ban chỉ đạo phòng chống dịch Covid-19 của Thành phố Hà Nội
Đó là một phần nội dung tại phiên họp của Ban chỉ đạo phòng chống dịch Covid-19 của Thành phố Hà Nội, khi nhận định tình hình dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp do chủng mới của virus corona gây ra.
Mười tuần lễ, tức 70 ngày. "Dịch bệnh kéo dài đến bao giờ, thì chúng ta không biết. Nếu như kịch bản giống như ở Trung Quốc, thì chúng ta mới chỉ bước vào tuần thứ 2 thôi. Như vậy, còn phải chiến đấu trong khoảng 10 tuần nữa, để xác định sức chúng ta đi đến đâu" - Chủ tịch UBND Thành phố Hà Nội nói.
Nếu kịch bản giống như Trung Quốc ở đây, thì đó là giống tỉnh thành nào : Vũ Hán hay Thượng Hải ? Liệu có dẫn đến quá nhiều người thương vong như Trung Quốc ?
Chuông sẽ nguyện hồn ai khi người đứng đầu cơ quan hành chính của Hà Nội đưa ra khuyến cáo mạnh mẽ và rõ ràng : "Tôi khuyến cáo tất cả các cửa hàng, nếu thực sự không cần thiết thì nên đóng cửa, trừ trường hợp các cửa hàng xăng, thuốc, siêu thị và lương thực, thực phẩm. Mọi người không có nhiệm vụ trong những ngày tới, từ nay đến 31/3, cố gắng ở nhà càng nhiều càng tốt. Thực sự chúng ta đang bước vào giai đoạn thử thách, nguồn lây nhiễm đang ẩn nấp ở cộng đồng, nguy cơ lây nhiễm rất cao", ông Chung cảnh báo.
Đặc biệt, với 1,4 triệu người từ 60 tuổi trở lên của Hà Nội, đặc biệt các trường hợp bị bệnh nền đang chữa trị, tốt nhất nên điều trị tại nhà ; nếu đang điều trị tại các bệnh viện, cơ sở y tế thì nên ở lại bệnh viện, giảm bớt đi lại, vì đây là nhóm có nguy cơ cao nhất. Tất cả cán bộ, công chức, viên chức, "nếu thấy sức khỏe yếu", thì ông Chung cũng khuyến cáo là "nên nghỉ" (1).
Tại Sài Gòn, chính quyền thành phố này cũng đưa ra những khuyến cáo tương tự. Tại buổi họp giao ban trực tuyến Ban Chỉ đạo phòng chống dịch Covid-19 Thành phố Hồ Chí Minh chiều 19/3, Giám đốc Sở Y tế Nguyễn Tấn Bỉnh đề nghị người dân không có việc cần thiết thì không nên ra đường, hàng quán không cần thiết thì nên đóng cửa, trừ các hàng thuốc, thực phẩm, siêu thị…
Ông Bỉnh nhận định 10 ngày tới là giai đoạn quan trọng trong phòng, chống dịch Covid-19 của Thành phố Hồ Chí Minh và Hà Nội. Để sẵn sàng ứng phó, Thành phố Hồ Chí Minh sẽ triển khai thêm 19.900 giường cách ly người nghi nhiễm. Sở Y tế đã lên kế hoạch tận dụng các khu cách ly ở ngoại ô trước và để dành bệnh viện trung tâm cho các tình huống khẩn cấp. Sở dự kiến sẽ di chuyển toàn bộ ca nghi nhiễm ở bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Thành phố Hồ Chí Minh qua viện khác. "Thời gian tới sẽ giảm số lượng cách ly tại quận, huyện để tránh lây lan cho cộng đồng, chuyển dần ra những khu cách ly tập trung ở 3 cửa ngõ", ông Bỉnh cho hay.
Về đội ngũ y - bác sĩ, ngoài lực lượng cơ hữu, chủ tịch thành phố, ông Nguyễn Thành Phong cho rằng phải huy động đội ngũ y - bác sĩ đã nghỉ hưu, sinh viên trường y. "Rà soát, thống kê số lượng, có những phương án nhân sự cụ thể để đáp ứng nhu cầu. Việc này không thừa, phải làm chu đáo ngay từ đầu thì không bao giờ lúng túng" - ông Nguyễn Thành Phong nhấn mạnh, và đề nghị ngành y tế có kế hoạch cụ thể để kêu gọi, huy động lực lượng sinh viên y khoa, các y bác sĩ về hưu tham gia chống dịch Covid1-19.
Trong tâm thế khẩn trương với nhiều căng thẳng của Hà Nội và Sài Gòn về việc đối phó nguồn lây nhiễm dịch corona, thì trong sáng 19/3, tin tức về chuyện họp hành cho ‘cơ cấu’ nhân sự nhiệm kỳ mới của Đảng, trở nên là một gam lỗi nhịp trong guồng quay tất bật chung của cả hệ thống chính trị trong phòng lây nhiễm đại dịch đến từ con virus có xuất xứ ‘made in China’.
Lynn Huỳnh
Nguồn : VNTB, 20/03/2020
(1) Tham khảo :
https://thanhnien.vn/thoi-su/chu-tich-ha-noi-tu-nay-den/313-moi-nguoi-o-nha-cang-nhieu-cang-tot-1197969.html ;
https://news.zing.vn/ong-nguyen-duc-chung/3-4-ngay-nua-la-cao-diem-dich-o-ha-noi-post1060224.html ;
Nhà báo tự do Phạm Chí Dũng, một ‘Trại Văn Chương’ của thế kỷ 21.
Mừng cho Hội nhà báo độc lập Việt Nam, và mừng cho ông chủ tịch hội này sẽ sớm có một ‘Trại Văn Chương’ của thế kỷ 21.
Vì sao lại mừng cho ông chủ tịch khi Hội nhà báo độc lập Việt Nam có một nho gia ? Đó là vì chợt liên tưởng đến bài sớ văn Nôm ‘Trại Văn Chương’ thời hoàng đế Quang Trung.
Gian trong Miếu Văn ở Hà Nội, có một tấm biển sơn son thếp vàng chĩnh chiện trên đó là câu lục bát bằng chữ quốc ngữ :
"Nay mai dọn lại nước nhà
Bia Nghè lại dựng trên tòa muôn gian".
Mé dưới ghi vắn tắt Lời Vua Quang Trung phê trong bài sớ văn Nôm của nông dân Trại Văn Chương.
Câu chuyện lịch sử về vua Quang Trung ở đây liên quan đến ‘Trại Văn Chương’ và ‘nho gia’ Tam Nông tiên sinh, có thể tóm tắt như sau qua tài liệu của nhà sử học Trần Văn Giáp, nói về tờ sớ của nông dân Trại Văn Chương tâu lên vua Quang Trung.
Hình thức thì là tờ sớ tâu lên vua. Nhưng xét kỹ thì na ná như một thứ đơn kiện mà nguyên đơn là :
"Chúng tôi một lũ dân cày hái
Có một mối băn khoăn trong dạ
Mượn thày Nho phô tả ra tờ…".
Bị đơn chính là vua Quang Trung.
"Dám mong lọt cửa quân cơ
Gió nam đưa tới dưới cờ ngài Quang Trung".
Cứ như tờ sớ thì Văn Miếu đã bị quân Tây Sơn hủy hoại khá nặng nề. Đây là quy mô trước khi bị phá :
"Tính gồm lại số bia trong Giám
Cả trước sau là tám mươi ba
Dựng theo thứ tự từng khoa
Bia kia sáu thước cách xa bia này
Nhà bia đủ đông tây 10 nóc
Vuông bốn bề ngang dọc bằng nhau
Mỗi bề hai chục thước Tàu
Cột cao mười thước có lầu chồng diêm
Coi thể thế tôn nghiêm có một
Cửa ra vào then chốt quan phòng
Bốn quan nhất phẩm giám phong
Ba cơ, bảy vệ canh trong canh ngoài
Bia mới dựng đầy 2 nóc trước
Tám nóc sau còn gác lưu không".
Tờ đơn nói rõ nguyên nhân :
"Bốn năm trước, giữa năm Bính Ngọ (1786)
Ngài đem quân ra thú Bắc Hà
Oai trời sấm sét thoáng qua
Cơ đồ họ Trịnh bỗng ra tro tàn".
Và hậu quả :
"Bia Tiến sĩ vô can vô tội
Mà vạ lây vì nỗi cháy thành
Bia thì đạp đổ tung hoành
Nhà bia thì đốt tan tành ra tro".
Tờ đơn cũng có ý trách vua Quang Trung :
"Một nền văn hiến lâu dài
Tiếc thay chưa được đón Ngài ngự thăm".
Lạ nữa, dân cày Trại Văn Chương dám gọi vua bằng Ngài thì quả táo gan ? Đơn không viết bằng chữ Hán mà bằng chữ Nôm, bằng văn vần !
Dân Trại cày đứng đơn nhưng lại mượn thầy Nho phô tả ra lời. Bởi ông thầy đồ, vị thầy Nho nào đấy, nói tóm lại ở địa vị giới Nho sĩ Bắc Hà thì mới biết vua Quang Trung vốn chuộng chữ Nôm chứ dân cày làm sao tường hết ? Dân cày sao biết được việc Quang Trung Đại Đế từng cho lập Viện Sùng chính, cử La Sơn phu tử Nguyễn Thiếp làm viện trưởng để lo việc dịch sách chữ Hán ra chữ Nôm dùng vào việc dạy học cho dân. Rồi việc vua Quang Trung trong thi cử, bắt giám khảo ra đề bằng chữ Nôm, thí sinh làm bài bằng chữ Nôm (có lẽ đây là lần đầu tiên nhà nước phong kiến đưa chữ Nôm vào thi cử ?).
Chắc khi tiếp tờ sớ, vua Quang Trung đã tức khắc nhận thấy những cái lạ ấy ? Nhưng vị hoàng đế đã phê ngay vào đơn ấy bằng những vần Nôm như sau :
"Ta không trách nông phu
Ta chỉ gờm thày Nho
Cả gan to mật, dám kêu vua bằng Ngài !
Thày Nho là ai ?
Sắc cho Bộ hỏi, dân khai".
Sắc cho Bộ hỏi, dân khai ? Quả là sợ ! Nhưng với tư cách người chiến thắng và với cương vị hoàng đế, vua Quang Trung không khó gì cái việc lùng tìm ra tác giả tờ sớ, cái ông thầy Nho viết đơn dám gọi vua bằng ngài! Căn cứ vào tài liệu của cụ Trần Văn Giáp thì tác giả tờ đơn Nôm ấy là Tam Nông tiên sinh, thực tên là Hà Năng Ngôn, sinh tại thôn Vân Đài, huyện Duyên Hà, trấn Sơn Nam Hạ, Thái Bình bây giờ. Mến tài nhà Nho và đang cần người hiền, ông này sau đó đã được nhà vua trọng dụng.
Vua Quang Trung đã không làm cái việc hạch hỏi tiểu nhân ấy, mà nhà vua đã vui vẻ đi ngay vào điều cốt yếu cần giải quyết, cụ thể là cho ngay thánh chỉ cùng Châu khuyên vào tờ đơn Nôm đó như thế này :
"Thôi ! Thôi ! Thôi ! Việc đã rồi
Trăm điều hãy cứ trách bồi vào ta !
Nay mai dọn lại nước nhà
Bia Nghè lại dựng trên tòa muôn gian
Cơ đồ họ Trịnh đã tan ?
Chớ đổ Trịnh Khải mà oan muôn đời".
Nhà báo Xuân Ba của tờ Tiền Phong từng bỏ công tìm hiểu vụ thưa kiện "Trại Văn Chương", và ông đã nghe nói rằng dân Thăng Long đồn sau khi nhận tờ sớ đó, mặc dù công việc bộn bề mà cụ thể, trước khi đến ra mắt bố vợ là vua Lê Hiển Tông cha của Ngọc Hân công chúa, vua Quang Trung đã đáo qua Miếu Văn. Bữa đó Ngài đã dừng lại và chỉ vế thứ hai của đôi câu đối đề ở cổng Miếu Văn (hình như bây giờ vẫn còn ?) rồi đọc :
"Ngô Nho yếu thông kinh, yếu thức thời, vô câu cố dã, thượng tư thánh huấn vĩnh tương đôn"
Tạm hiểu :
Nhà Nho ngoài việc thông kinh sử còn phải thức thời, chớ nên cố chấp, những lời thánh huấn phải ghi lòng.
Nhớ lại câu chuyện trên về ‘Trại Văn Chương’, để thấy rằng biết đâu sắp tới đây một nho gia của Hội nhà báo độc lập Việt Nam noi gương tiền nhân Tam Nông tiên sinh để làm một ‘tờ sớ’ gửi đến cụ tổng bí thư, một người xuất thân khoa bảng từ khoa văn của trường Đại học Tổng hợp Hà Nội, để bàn chuyện tự do báo chí, tự do lập hội mà ông Phạm Chí Dũng đã thực thi từ quyền Hiến định.
Mong lắm thay !
Nguyễn Thị Huyền
Nguồn : VNTB, 17/03/2020
Thời hiệu xử lý kỷ luật đảng : cứt trâu để lâu hóa bùn ?
Nguyễn Thị Huyền, VNTB, 06/03/2020
"Vi phạm của đồng chí Nguyễn Văn Đua, nguyên Phó Bí thư Thường trực Thành ủy và đồng chí Vũ Hùng Việt, nguyên Thành ủy viên, nguyên Ủy viên Ban cán sự đảng, nguyên Phó Chủ tịch UBND Thành phố Hồ Chí Minh đến mức phải kỷ luật bằng hình thức khiển trách, song đã hết thời hiệu xử lý kỷ luật theo quy định của Đảng".
Thời điểm chấm dứt hành vi vi phạm của các ông Nguyễn Văn Đua là khi nào ? Ảnh minh họa
Thông cáo báo chí Kỳ họp 43 của Ủy ban Kiểm tra Trung ương, có đoạn trích như trên (1). Liên quan đến vấn đề "thời hiệu xử lý kỷ luật", ở Quy định số 07-QĐi/TW của Bộ Chính trị do ông Trần Quốc Vượng ký ban hành ngày 28/08/2018 (2), cho biết : Thời hiệu xử lý kỷ luật tổ chức đảng được tính từ thời điểm tổ chức đảng có hành vi vi phạm đến thời điểm tổ chức đảng có thẩm quyền xem xét, xử lý kỷ luật tổ chức đảng đó.
Trường hợp vi phạm xảy ra trong thời gian dài thì thời hiệu được tính từ thời điểm chấm dứt hành vi vi phạm. Không tính lại thời hiệu đối với tổ chức đảng đã bị thi hành kỷ luật nhưng sau đó, tổ chức đảng cấp trên quyết định lại (chuẩn y hoặc thay đổi) hình thức kỷ luật đối với tổ chức đảng đó (3).
Vào tháng 6/2019, Thanh tra Chính phủ đã chuyển kết luận thanh tra Thủ Thiêm đến Ủy ban Kiểm tra Trung ương để xem xét, xử lý kỷ luật Đảng (4). Thủ Thiêm là vụ liên quan đến sai phạm hàng loạt của những tên tuổi Lê Thanh Hải, Lê Hoàng Quân, Nguyễn Văn Đua, Vũ Hùng Việt…
Câu hỏi đặt ra là "thời điểm chấm dứt hành vi vi phạm" của các ông Nguyễn Văn Đua, Vũ Hùng Việt là khi nào ? Ông Nguyễn Văn Đua rời chức vụ phó bí thư thường trực Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh ngày 1/4/2014. Tính đến thời điểm đó, tổ chức đảng nơi ông Đua là phó bí thư thường trực không có "tổ chức đảng có thẩm quyền xem xét, xử lý kỷ luật tổ chức đảng đó" như nội dung của Quy định số 07-QĐi/TW.
Quy định số 07-Qđi/TW, ở Điều 5.1 ghi "Thời hiệu xử lý kỷ luật tổ chức đảng vi phạm được quy định như sau : – 5 năm đối với những vi phạm đến mức phải kỷ luật bằng hình thức khiển trách".
Như vậy, hành vi được xác định vi phạm của ông Nguyễn Văn Đua, ông Vũ Hùng Việt trong nội bộ đảng, phải được tính từ khi "tổ chức đảng có thẩm quyền xem xét, xử lý kỷ luật tổ chức đảng đó".
Đơn cử, trên trang web của Ủy ban Kiểm tra Trung ương, ở bài viết "Đối chiếu với quy định về thời hiệu để quyết định kỷ luật hay không kỷ luật đảng viên vi phạm", có dẫn tình huống : Ý kiến 1 : Không xem xét, xử lý kỷ luật về Đảng đối với đảng viên X vì vi phạm xảy ra đã trên 5 năm. Ý kiến 2 : Việc xử lý kỷ luật đảng viên X hay không còn phụ thuộc vào kết quả biểu quyết hình thức kỷ luật đối với đảng viên X. Vậy, ý kiến nào đúng ?
Bài viết có câu trả lời như sau : Trường hợp câu hỏi nêu, mặc dù vi phạm của đảng viên X đã xảy trên 5 năm, tổ chức đảng có thẩm quyền đã kiểm tra, làm rõ và kết luận nội dung tố cáo là có căn cứ thì tổ chức đảng có thẩm quyền vẫn phải tiến hành họp và biểu quyết hình thức kỷ luật cụ thể đối với đảng viên X. Sau đó đối chiếu với quy định cụ thể về thời hiệu để quyết định kỷ luật hay không kỷ luật đảng viên vi phạm. Vậy, ý kiến thứ 2 đúng (5).
Xem ra việc co dãn trong vận dụng thời hiệu xử lý kỷ luật đảng, vẫn có thể là câu chuyện ‘cứt trâu để lâu hóa bùn’.
Nguyễn Thị Huyền
Nguồn : VNTB, 06/03/2020
Chú thích :
(1)http://ubkttw.vn/tin-tuc-thoi-su/-/asset_publisher/bHGXXiPdpxRC/content/thong-cao-bao-chi-ky-hop-43-cua-uy-ban-kiem-tra-trung-uong
(2)https://thuvienphapluat.vn/van-ban/Bo-may-hanh-chinh/Quy-dinh-07-QDi-TW-2018-xu-ly-ky-luat-to-chuc-dang-vi-pham-395177.aspx
(3)https://thuvienphapluat.vn/van-ban/Bo-may-hanh-chinh/Huong-dan/06/HD-Ủy ban Kiểm traTW-2018-thuc-hien-mot-so-Dieu-trong-Quy-dinh-07-QDi-TW-403730.aspx
(4)http://www.thanhtra.gov.vn/ct/news/Lists/KetLuanThanhTra/View_Detail.aspx?ItemID=116
(5)http://ubkttw.vn/hoi-dap/-/asset_publisher/bHGXXiPdpxRC/content/-oi-chieu-voi-quy-inh-ve-thoi-hieu-e-quyet-inh-ky-luat-hay-khong-ky-luat-ang-vien-vi-pham
*******************
Hoàng Đan, Soha, 26/03/2020
"Ôn bài" ở đây trong mùa dịch không phải là học trò, mà là những đảng viên đảng cộng sản Việt Nam.
Giảng viên khoa Luật, Đại học Quốc gia Hà Nội, ông Ngô Huy Cương phát biểu trước Hội nghị phản biện xã hội đối với Dự án Luật phòng, chống tham nhũng (sửa đổi), do Ủy ban trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tổ chức ngày 6/9/2018 tại Hà Nội. Ảnh minh họa
Giảng viên khoa Luật, Đại học Quốc gia Hà Nội, ông Ngô Huy Cương nhắc nhở các đảng viên cần phải luôn nhớ đến những điều đã được học ở mái trường xã hội chủ nghĩa, cũng như ở những khóa ‘đối tượng đảng’ mà họ từng trải qua. Đó là chủ nghĩa anh hùng cách mạng, xả thân vì sự nghiệp cách mạng ; sống là phải đấu tranh : "Đấu tranh là lẽ sống" hay "sống là đấu tranh" ; phải biết thương yêu, quí trọng những người lao khổ.
Để làm được những huấn thị ở trên, các đảng viên phải có bổn phận giúp người dân thực hiện "quyền làm chủ tập thể", "quyền dân chủ xã hội chủ nghĩa" ; đặc biệt là giúp người dân hiểu rõ ràng về quyền của người dân trong giám sát đối với bộ máy nhà nước và cán bộ công chức.
Quyền giám sát này từng được rao giảng trong rất nhiều ở các tiết dạy về Tư tưởng Hồ Chí Minh, rằng "Làm việc ngày nay không phải để thăng quan phát tài. Nếu Chính phủ làm hại dân thì dân có quyền đuổi Chính phủ". Quyền này được ghi bằng giấy trắng, mực đen ở bộ sách "Hồ Chí Minh toàn tập", tập 5, nhà xuất bản Chính trị Quốc gia, Hà Nội 1995, trang 60.
Giảng viên Ngô Huy Cương cũng lưu ý là tất cả những điều ở trên, trong rất nhiều trường hợp chỉ dừng lại ở mức lý thuyết, ‘nói vậy mà không phải vậy’.
"Tôi xin gặp các đại biểu quốc hội có trách nhiệm như Phó Chủ tịch Quốc hội, Chủ nhiệm Ủy ban pháp luật Quốc hội để trình bày cực nhiều ý kiến đóng góp, nhưng họ không cho gặp và cũng chẳng hồi âm. Tôi nghĩ tôi là người đã từng làm việc cho Văn phòng Quốc hội, và rất nhiều người ở đó biết tôi mà tôi còn khó gặp họ như vậy, thì không biết liệu người dân chân lấm tay bùn có gặp được không ? Tôi luôn luôn tâm niệm đó là những người đại biểu của dân chứ không phải là "quan Quốc hội".
Vậy tôi phải dùng phương thức nào để đóng góp cho đất nước, để thực hiện những gì mình đã được dạy dưới mái trường xã hội chủ nghĩa ?
Có người nói rất lý thuyết rằng mỗi người cứ làm tốt công việc của mình là đóng góp cho đất nước rồi. Tôi luôn luôn giảng dạy pháp luật tốt. Nhưng tôi không thể dạy khoa học pháp lý một đằng trong khi các đạo luật lại làm sai một nẻo. Nếu cứ dạy như vậy thì học viên sẽ nghĩ gì về pháp luật, về đất nước hay về giáo dục ?". Ông Ngô Huy Cương chia sẻ sự bất lực của mình trong chuyện ôn bài ở mùa dịch virus Vũ Hán đến từ quốc gia đồng minh cộng sản.
Ông Nguyễn Phước Tương, cựu Viện trưởng Viện Khoa học Xã hội Việt Nam, từng là thành viên nhóm cố vấn cho các cựu thủ tướng Võ Văn Kiệt và Phan Văn Khải, nhắc về ‘bài ôn tập’ với các đảng viên từ thực tiễn Tiên Lãng trước đây và Đồng Tâm mới vừa qua.
Theo đó, lập trường của các công bộc của dân trong "sự kiện Tiên Lãng, Đồng Tâm" nên hiểu là lập trường của ai ? Còn nhớ "Sự kiện Thái Bình" năm 1997, ở đây không hề có chuyện "địch ta", ở đây chỉ là mâu thuẫn trong nội bộ nhân dân. Nói như nhận xét khi ấy của thủ tướng Phạm Văn Đồng (1906 – 2000) đã chỉ thẳng ra : "Đây là mâu thuẫn giữa một bên là những người cầm quyền hư hỏng, thoái hóa biến chất đè nén, áp bức để dân không còn chịu được nữa và bên kia là người dân phải vùng dậy đấu tranh. Có phân tích như vậy mới tìm ra được giải pháp đúng" !
Nhà báo Phạm Chí Dũng, một cựu đảng viên cộng sản đang bị giam giữ, có lẽ vì cùng cách nhìn như giảng viên khoa luật Ngô Huy Cương, như cựu viện trưởng Nguyễn Phước Tương…, khi ông nhà báo này vẫn cần mẫn phản biện khoa học qua những bài viết trong bổn phận giúp người dân thực hiện "quyền làm chủ tập thể", "quyền dân chủ xã hội chủ nghĩa" ; đặc biệt là giúp người dân hiểu rõ ràng về quyền của người dân trong giám sát đối với bộ máy nhà nước và cán bộ công chức.
Nguyễn Thị Huyền
Nguồn : VNTB, 28/02/2020