Khá bất ngờ khi mới đây tôi có đọc bài viết trên trang Việt Nam Thời Báo của một tác giả tự giới thiệu là nho gia. Hiếu kỳ tìm hiểu, được biết tác giả là hội viên Hội nhà báo độc lập Việt Nam.
Nhà báo tự do Phạm Chí Dũng, một ‘Trại Văn Chương’ của thế kỷ 21.
Mừng cho Hội nhà báo độc lập Việt Nam, và mừng cho ông chủ tịch hội này sẽ sớm có một ‘Trại Văn Chương’ của thế kỷ 21.
Vì sao lại mừng cho ông chủ tịch khi Hội nhà báo độc lập Việt Nam có một nho gia ? Đó là vì chợt liên tưởng đến bài sớ văn Nôm ‘Trại Văn Chương’ thời hoàng đế Quang Trung.
Gian trong Miếu Văn ở Hà Nội, có một tấm biển sơn son thếp vàng chĩnh chiện trên đó là câu lục bát bằng chữ quốc ngữ :
"Nay mai dọn lại nước nhà
Bia Nghè lại dựng trên tòa muôn gian".
Mé dưới ghi vắn tắt Lời Vua Quang Trung phê trong bài sớ văn Nôm của nông dân Trại Văn Chương.
Câu chuyện lịch sử về vua Quang Trung ở đây liên quan đến ‘Trại Văn Chương’ và ‘nho gia’ Tam Nông tiên sinh, có thể tóm tắt như sau qua tài liệu của nhà sử học Trần Văn Giáp, nói về tờ sớ của nông dân Trại Văn Chương tâu lên vua Quang Trung.
Hình thức thì là tờ sớ tâu lên vua. Nhưng xét kỹ thì na ná như một thứ đơn kiện mà nguyên đơn là :
"Chúng tôi một lũ dân cày hái
Có một mối băn khoăn trong dạ
Mượn thày Nho phô tả ra tờ…".
Bị đơn chính là vua Quang Trung.
"Dám mong lọt cửa quân cơ
Gió nam đưa tới dưới cờ ngài Quang Trung".
Cứ như tờ sớ thì Văn Miếu đã bị quân Tây Sơn hủy hoại khá nặng nề. Đây là quy mô trước khi bị phá :
"Tính gồm lại số bia trong Giám
Cả trước sau là tám mươi ba
Dựng theo thứ tự từng khoa
Bia kia sáu thước cách xa bia này
Nhà bia đủ đông tây 10 nóc
Vuông bốn bề ngang dọc bằng nhau
Mỗi bề hai chục thước Tàu
Cột cao mười thước có lầu chồng diêm
Coi thể thế tôn nghiêm có một
Cửa ra vào then chốt quan phòng
Bốn quan nhất phẩm giám phong
Ba cơ, bảy vệ canh trong canh ngoài
Bia mới dựng đầy 2 nóc trước
Tám nóc sau còn gác lưu không".
Tờ đơn nói rõ nguyên nhân :
"Bốn năm trước, giữa năm Bính Ngọ (1786)
Ngài đem quân ra thú Bắc Hà
Oai trời sấm sét thoáng qua
Cơ đồ họ Trịnh bỗng ra tro tàn".
Và hậu quả :
"Bia Tiến sĩ vô can vô tội
Mà vạ lây vì nỗi cháy thành
Bia thì đạp đổ tung hoành
Nhà bia thì đốt tan tành ra tro".
Tờ đơn cũng có ý trách vua Quang Trung :
"Một nền văn hiến lâu dài
Tiếc thay chưa được đón Ngài ngự thăm".
Lạ nữa, dân cày Trại Văn Chương dám gọi vua bằng Ngài thì quả táo gan ? Đơn không viết bằng chữ Hán mà bằng chữ Nôm, bằng văn vần !
Dân Trại cày đứng đơn nhưng lại mượn thầy Nho phô tả ra lời. Bởi ông thầy đồ, vị thầy Nho nào đấy, nói tóm lại ở địa vị giới Nho sĩ Bắc Hà thì mới biết vua Quang Trung vốn chuộng chữ Nôm chứ dân cày làm sao tường hết ? Dân cày sao biết được việc Quang Trung Đại Đế từng cho lập Viện Sùng chính, cử La Sơn phu tử Nguyễn Thiếp làm viện trưởng để lo việc dịch sách chữ Hán ra chữ Nôm dùng vào việc dạy học cho dân. Rồi việc vua Quang Trung trong thi cử, bắt giám khảo ra đề bằng chữ Nôm, thí sinh làm bài bằng chữ Nôm (có lẽ đây là lần đầu tiên nhà nước phong kiến đưa chữ Nôm vào thi cử ?).
Chắc khi tiếp tờ sớ, vua Quang Trung đã tức khắc nhận thấy những cái lạ ấy ? Nhưng vị hoàng đế đã phê ngay vào đơn ấy bằng những vần Nôm như sau :
"Ta không trách nông phu
Ta chỉ gờm thày Nho
Cả gan to mật, dám kêu vua bằng Ngài !
Thày Nho là ai ?
Sắc cho Bộ hỏi, dân khai".
Sắc cho Bộ hỏi, dân khai ? Quả là sợ ! Nhưng với tư cách người chiến thắng và với cương vị hoàng đế, vua Quang Trung không khó gì cái việc lùng tìm ra tác giả tờ sớ, cái ông thầy Nho viết đơn dám gọi vua bằng ngài! Căn cứ vào tài liệu của cụ Trần Văn Giáp thì tác giả tờ đơn Nôm ấy là Tam Nông tiên sinh, thực tên là Hà Năng Ngôn, sinh tại thôn Vân Đài, huyện Duyên Hà, trấn Sơn Nam Hạ, Thái Bình bây giờ. Mến tài nhà Nho và đang cần người hiền, ông này sau đó đã được nhà vua trọng dụng.
Vua Quang Trung đã không làm cái việc hạch hỏi tiểu nhân ấy, mà nhà vua đã vui vẻ đi ngay vào điều cốt yếu cần giải quyết, cụ thể là cho ngay thánh chỉ cùng Châu khuyên vào tờ đơn Nôm đó như thế này :
"Thôi ! Thôi ! Thôi ! Việc đã rồi
Trăm điều hãy cứ trách bồi vào ta !
Nay mai dọn lại nước nhà
Bia Nghè lại dựng trên tòa muôn gian
Cơ đồ họ Trịnh đã tan ?
Chớ đổ Trịnh Khải mà oan muôn đời".
Nhà báo Xuân Ba của tờ Tiền Phong từng bỏ công tìm hiểu vụ thưa kiện "Trại Văn Chương", và ông đã nghe nói rằng dân Thăng Long đồn sau khi nhận tờ sớ đó, mặc dù công việc bộn bề mà cụ thể, trước khi đến ra mắt bố vợ là vua Lê Hiển Tông cha của Ngọc Hân công chúa, vua Quang Trung đã đáo qua Miếu Văn. Bữa đó Ngài đã dừng lại và chỉ vế thứ hai của đôi câu đối đề ở cổng Miếu Văn (hình như bây giờ vẫn còn ?) rồi đọc :
"Ngô Nho yếu thông kinh, yếu thức thời, vô câu cố dã, thượng tư thánh huấn vĩnh tương đôn"
Tạm hiểu :
Nhà Nho ngoài việc thông kinh sử còn phải thức thời, chớ nên cố chấp, những lời thánh huấn phải ghi lòng.
Nhớ lại câu chuyện trên về ‘Trại Văn Chương’, để thấy rằng biết đâu sắp tới đây một nho gia của Hội nhà báo độc lập Việt Nam noi gương tiền nhân Tam Nông tiên sinh để làm một ‘tờ sớ’ gửi đến cụ tổng bí thư, một người xuất thân khoa bảng từ khoa văn của trường Đại học Tổng hợp Hà Nội, để bàn chuyện tự do báo chí, tự do lập hội mà ông Phạm Chí Dũng đã thực thi từ quyền Hiến định.
Mong lắm thay !
Nguyễn Thị Huyền
Nguồn : VNTB, 17/03/2020