"Kinh tế Việt Nam cần thêm một gói ‘giải cứu’ mới tối thiểu 140 ngàn tỷ đồng"
GDP của Việt Nam trong Quý I/2020 được công bố tăng 3,82%, thấp nhất kể từ năm 2009. Song song đó, hàng loạt doanh nghiệp Việt Nam gặp rất nhiều khó khăn trong tình hình dịch Covid-19 suốt 3 tháng đầu năm 2020.
Tiến sĩ Nguyễn Trí Hiếu. Courtesy : Facebook Hieu Tri Nguyen
Đài RFA thực hiện một cuộc phỏng vấn với Tiến sĩ Nguyễn Trí Hiếu, chuyên gia kinh tế-tài chính độc lập, để tìm hiểu thêm về những tác hại nào đối với các doanh nghiệp và kinh tế của Việt Nam, cũng như những giải pháp hỗ trợ nào từ Chính Hà Nội trong tình hình dịch bệnh còn tiếp diễn.
Trước hết, Tiến sĩ Nguyễn Trí Hiếu trình bày ghi nhận của ông về nền kinh tế Việt Nam trong Quý I/2020 bị tác động ra sao bởi dịch Covid-19 :
Nguyễn Trí Hiếu : Trong Quý I năm 2020, nền kinh tế Việt Nam bị tác động bởi dịch Covid-19 rất mạnh. Con số tăng trưởng GDP trong Quý I là 3,82%, giảm rất nhiều, khoảng phân nửa so với cùng kỳ năm trước ở mức 6,79%.
Với sự tăng trưởng như thế thì rất nhiều ngành nghệ bị tác động. Trong đó có khu vực nông sản, lâm nghiệp, thủy sản. Ngay cả những ngành nghề trong khu vực công nghiệp và xây dựng cũng bị ảnh hưởng.
Riêng về xuất nhập khẩu trong Quý I/2020 cũng giảm so với năm ngoái. Tổng kim ngạch xuất nhập khẩu trong Quý I/2020 đạt 115 tỷ USD, giảm 0,7% so với cùng kỳ năm trước. Tuy nhiên trong Quý I năm nay vẫn xuất siêu được 2,8 tỷ USD.
Tôi cũng nghĩ rằng có một sự sụt giảm trong đầu tư nước ngoài. Tổng vốn đầu tư nước ngoài tính đến ngày 20/3 ; bao gồm vốn đăng ký cấp mới, vố đăng ký điều chỉnh và giá trị góp vốn mua cổ phần của các nhà đầu tư nước ngoài đạt 8,6 tỷ USD, giảm 20,9% và vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài trong Quý I/2020 ước tính đạt khoảng 3,9 tỷ USD, cũng giảm 6,6%.
Nói chung các hoạt động kinh tế trong Quý I/2020 giảm so với năm 2019. Chúng ta thấy rõ ràng là dịch bệnh Covid-19 đã tác động vào nền kinh tế. Tuy nhiên cũng có những điểm sáng trong nền kinh tế Việt Nam. Trong lúc những ngành nghề bị tác động rất mạnh như du lịch, vận tải, đặc biệt là hàng không thì cũng có những ngành nghề có sự phát triển ; chẳn hạn như thông tin truyền thông, bảo hiểm và y tế có sự tăng trưởng trong Quý I/2020.
RFA : Đài RFA ghi nhận một số vị chuyên gia kinh tế ở trong nước dự báo rằng GDP trong Quý II/2020 của Việt Nam sẽ tiếp tục giảm trong trường hợp dịch Covid-19 vẫn còn diễn biến phức tạp. Quan điểm của ông thế nào, thưa Tiến sĩ ?
Nguyễn Trí Hiếu : Chúng ta biết rằng dịch bệnh hiện tại đang ở mức độ lan tỏa rất mạnh mẽ trên cả thế giới. Bây giờ chúng ta cũng chưa thấy có điểm dừng của dịch bệnh này. Thành ra trong tình hình như thế này thì có thể kinh tế thế giới và trong đó có kinh tế Việt Nam tiếp tục bị tác động mạnh. Thế nhưng tôi đặt một giả thiết là nếu ở Việt Nam có thể giữ được không có người chết và kiểm soát được tình trạng lây lan trong Quý II thì nền kinh tế có khẳ năng sẽ phục hồi bắt đầu từ Quý III/2020. Còn ngược lại nếu mà tình hình dịch bệnh trên thế giới và ở Việt Nam tệ hơn thì có lẽ đúng là có thể GDP của Việt Nam sẽ giảm và những khó khăn của nền kinh tế cũng như của các doanh nghiệp, đặc biệt của người dân Việt Nam cũng sẽ chịu tác động rất mạnh.
RFA : Truyền thông Việt Nam đưa tin hiện đã có hàng chục ngàn doanh nghiệp rút khỏi thị trường do dịch Covid-19 và số liệu này được ghi nhận tăng gần 60% so với cùng kỳ năm 2019. Hồi đầu trung tuần tháng 3, Chính phủ Việt Nam cam kết một gói 280 nghìn tỷ đồng để hỗ trợ cho doanh nghiệp. Theo nhận định của ông thì gói hỗ trợ này có thể giúp cho các doanh nghiệp phần nào vượt qua được khó khăn hay không, đặc biệt đối với các doanh nghiệp không thể cầm cự hay tiếp tục hoạt động được nữa ?
Nguyễn Trí Hiếu : Đúng là trong Quý I/2020 có nhiều doanh nghiệp đã giải thể, ngưng hoạt động, phá sản và rời khỏi thị trường. Theo Cục Thống kê thì có 18.600 doanh nghiệp đã giải thể hoặc ngưng hoạt động trong 3 tháng vừa qua. Với mức độ như vậy thì dĩ nhiên Chính phủ đã đưa ra gói 280 nghìn tỷ, trong đó 30 nghìn tỷ thuộc về ngân sách nhà nước. Tức là, Chính phủ dùng 30 nghìn tỷ đó để giãn thuế, giảm thuế, miễn thuế để hỗ trợ cho các doanh nghiệp. Còn gói 250 nghìn tỷ thì Chính phủ giao cho Ngân hàng Nhà nước chủ trì và Ngân hàng Nhà nước yêu cầu các ngân hàng thương mại tham gia vào gói 250 nghìn tỷ này. Đây là gói mà các ngân hàng thương mại dùng để hỗ trợ doanh nghiệp cho vay mới, hoặc hỗ trợ các doanh nghiệp đang vay bằng cách giảm lãi suất, khoanh nợ, hoãn thời hạn trả nợ và không chuyển nhóm nợ.
Như chúng ta biết là có 5 nhóm nợ theo cách phân loại của Việt Nam. Nhóm 1 là nhóm bình thường. Nhóm 2 là nhóm dưới chuẩn. Ba nhóm còn lại : 3-4-5 là nợ xấu. Thế thì các doanh nghiệp nào thuộc trong nhóm 2-3-4-5 thì các doanh nghiệp đó rất khó có thể vay tiền của các ngân hàng được, thậm chí còn phải vay với lãi suất cao.
Do đó, Ngân hàng Nhà nước cho phép các ngân hàng thương mại tạm khoanh nợ lại, không chuyển nhóm nợ cho một số những doanh nghiệp mà không có khả năng thanh toán và tất cả những biện pháp đó nằm trong gói 250 nghìn tỷ đồng.
Lưu ý đây là gói mà tự các ngân hàng thương mại cân đối nguồn vốn của mình, do Ngân hàng Nhà nước chủ trì để hỗ trợ, chứ không phải là tiền của Chính phủ.
RFA : Theo Tiến sĩ thì đề xuất nào khác mà ông cho rằng Chính phủ Việt Nam cần thiết phải làm để hỗ trợ cho các doanh nghiệp, nếu như đặt trong tình huống xấu nhất là dịch Covid-19 vẫn tiếp diễn và không kiểm soát được ?
Nguyễn Trí Hiếu : Đây là một vấn đề tôi nghĩ rằng không những tôi mà tất cả người dân, các doanh nghiệp, các nhà kinh tế và các nhà làm chính sách ở Việt Nam đều quan tâm là gói hỗ trợ nào ?
Thế thì ngoài gói hỗ trợ 280 nghìn tỷ đồng mà Chính phủ đã đưa ra và trong đó 250 nghìn tỷ thuộc về các ngân hàng thương mại, tôi nghĩ rằng Chính phủ phải ra tay cứu vớt nền kinh tế với một gói tương tự như các chính phủ nước khác ; tức là một gói từ ngân sách.
Như chúng ta biết hiện tại ở Mỹ có gói 2000 tỷ USD, chiếm khoảng 10% GDP của Mỹ.
Tôi không dám mạnh dạn đề xuất Chính phủ Việt Nam có một gói hỗ trợ lên đến 10% GDP của Việt Nam.
Năm 2019, GDP của Việt Nam nếu tính theo cách cũ là 267 tỷ USD, và tính theo cách mới là 300 tỷ USD. Bây giờ chúng ta lấy con số 300 tỷ USD này làm cái mốc thì nếu10% sẽ lên đến 30 tỷ USD. Tôi nghĩ Chính phủ Việt Nam không có tiền cho một gói hỗ trợ lên đến như thế. Nhưng mà có lẽ một gói hỗ trợ ít nhất cũng phải là 2% GDP. 2% của 300 tỷ USD thì vào khỏang 6 tỷ USD, tính ra xấp xỉ 140 nghìn đến 150 nghìn tỷ đồng.
Chính phủ phải có một gói mới từ ngân sách 140 nghìn tỷ đồng tối thiểu để hỗ trợ cho nền kinh tế. Trong đó dùng tiền để hỗ trợ cho người dân và các doanh nghiệp.
Người dân là những người đã mất công ăn việc làm, những người không còn thu nhập cũng như những người nghèo thì Chính phủ đưa tiền đến tận tay họ.
Bên cạnh đó, các doanh nghiệp cũng cần phải có sự hỗ trợ. Đặc biệt là các doanh nghiệp đang mất tính thanh khoản, tức là mất khả năng chi trả như trả tiền thuê mặt bằng, trả tiền người lao động, thanh toán cho nhà cung cấp, trả tiền thuế phí khác, trả nợ ngân hàng, trả nợ cho đối tác…Tất cả những doanh nghiệp đang mất khả năng chi trả hoặc khả năng chi trả của họ giảm thiểu rất mạnh thì Chính phủ, trong trường hợp này, phải bơm một dòng tiền vào cho các doanh nghiệp đó ; bằng cách cho họ vay với những điều kiện thật dễ dãi cùng với thời gian ân hạn rất dài, có thể đến 1 năm mà không phải trả gốc lẫn lãi.
Việc đưa tiền cho các doanh nghiệp như thế có thể thông qua hệ thống ngân hàng, tức là hệ thống ngân hàng được ủy thác một số tiền của Chính phủ để có thể giúp các doanh nghiệp. Đồng thời, Chính phủ có một cơ chế gọi là ‘cấp quỹ bảo lãnh tín dụng’, giống như ở bên Mỹ có SDA. Hiện ở Việt Nam cũng đã có một ‘Quỹ bảo lãnh tín dụng’. Chính phủ đổ một lượng tiền vào trong các ‘Quỹ bảo lãnh tín dụng’ đó và các "Quỹ bảo lãnh tín dụng’ chuyển tới bảo lãnh các ngân hàng để các ngân hàng cho các doanh nghiệp vay đang bị tác động mạnh bởi dịch Covid-19 này.
RFA : Chân thành cảm ơn Tiến sĩ Nguyễn Trí Hiếu dành cho cuộc phỏng vấn với RFA.
Nguồn : RFA, 03/04/2020
Có nhiều thắc mắc chứng khoán phái sinh là gì, tại sao gọi là sản phẩm phái sinh, sau khi Việt Nam khai trương thị trường chứng khoán phái sinh với "hợp đồng tương lai chỉ số VN30" là sản phẩm phái sinh đầu tiên hôm 10 tháng 8, 2017 vừa qua. Tiến sĩ Nguyễn Trí Hiếu, chuyên gia tài chính ngân hàng, trong cuộc phỏng vấn với đài VOA mới đây, giải thích về thuật ngữ và sản phẩm tài chính này.
VOA : Nhân ngày 10/8 vừa rồi khi Việt Nam chính thức khai trương thị trường chứng khoán phái sinh, Tiến sĩ Hiếu đã trình bày về hoàn cảnh và sự cần thiết Việt Nam mở thị trường chứng khoán phái sinh vào thời điểm này. Tuy nhiên có rất nhiều thính giả/độc giả hỏi ‘không hiểu thuật ngữ phái sinh là gì ?’ Tiến sĩ đã đề cập rằng thuật ngữ này được dịch từ thuật ngữ tiếng Anh là derivatives. Có những người đã biết "derivatives" tại thị trường chứng khoán ở các nước phát triển như ở Mỹ chẳng hạn, nhưng nhiều người đặt câu hỏi tại sao Việt Nam gọi đó là "phái sinh" ? Xin Tiến sĩ giải thích.
Nguyễn Trí Hiếu : Quý thính giả, độc giả của VOA đặt câu hỏi đó có lẽ cũng không phải là điều ngạc nhiên, vì chính tôi cũng từng đặt câu hỏi "tại sao gọi là phái sinh" ? Từ phái sinh của tiếng Việt đi từ tiếng Anh "derivatives", [và] derivatives có gốc từ là "derive" có nghĩa là dẫn xuất từ một sản phẩm cơ bản.
Một thuật ngữ dễ hiểu, tôi nghĩ phải nên gọi là "sản phẩm dẫn xuất", nó được "derive" (dẫn xuất) bởi những sản phẩm cơ bản. Tôi không hiểu tại sao các nhà kinh tế của Việt Nam dùng từ "phái sinh". Thực sự tôi cũng cố tìm hiểu mãi, nhưng chưa cảm thấy mãn nguyện. Vì thế đối với tôi thuật ngữ phái sinh có lẽ nó xa lạ, và đáng lý có thể dùng từ "sản phẩm dẫn xuất" thì có thể phù hợp hơn.
[Tuy nhiên] Bây giờ chúng ta hãy xem "phái sinh" là thuật ngữ thông dụng của tiếng Việt. Chứng khoán phái sinh hay sản phẩm phái sinh đó là một công cụ tài chính, mà giá trị của chúng phụ thuộc vào giá trị của một tài sản cơ sơ.
Lấy một thí dụ dễ hiểu. Một công ty phát hành cổ phiếu. Bước đầu tiên, doanh nghiệp đó phát hành cổ phiếu mà trong tiếng anh gọi là IPO (Initial Public Offering) ra thị trường sơ cấp. Sau IPO, cổ phiếu hay chứng khoán đó được tiếp tục giao dịch trên thị trường mà ở Việt Nam gọi là "thị trượng thứ cấp (secondary market). Trong thị trường thứ cấp có hai thị trường, đó là thị trường của các tài sản cơ sở, và thị trường của các tài sản phái sinh.
Khi một người mua và một người bán một chứng khoán ngay tại thời điểm giao dịch hiện tại, thì đó là giao dịch cơ sở. Còn nếu không phải là hợp đồng giao dịch ngay lúc đó, mà có một hợp đồng trong tương lai. Chẳng hạn tôi thỏa thuận bán một số chứng khoán tại một thời điểm tương lai, như vào ngày 30/9, hoặc kỳ hạn một tháng, hay ba tháng, thì hợp đồng đó gọi là hợp đồng phái sinh.
Hợp đồng phái sinh đó dựa trên cơ sở của chứng khoán đầu tiên đã được phát hành và thị trường của những sản phẩm phái sinh đó ở Việt Nam được gọi là thị trường chứng khoán phái sinh.
Các cơ quan quản lý chứng khoán Việt Nam định nghĩa có bốn loại chứng khoán phái sinh : hợp đồng kỳ hạn ( tiếng Anh gọi là forwards), hợp đồng tương lai (futures), hợp đồng quyền chọn (options), và hợp đồng hoán đổi (swaps).
Khi thị trường chứng khoán phái sinh khai trương ở Việt Nam, chỉ có một sản phẩm duy nhất được thực hiện, đó là hợp đồng tương lai (futures), ba hợp đồng kia chưa được thực hiện.
Sở dĩ chính phủ chỉ cho thực hiện hợp đồng tương lai là vì thị trường phái sinh còn rất mới mẻ ở Việt Nam, và để tránh rủi ro, cũng như để các thành viên trong thị trường dần dần tìm hiểu, am hiểu và quen thuộc với thị trường phái sinh.
Hiện tại hợp đồng tương lai đó được giao dịch dựa trên chỉ số VN30.
VOA : Trong ‘hợp đồng tương lai chỉ số VN30’ đó thì cái gì là sản phẩm cơ bản mà Tiến sĩ vừa giải thích ?
Nguyễn Trí Hiếu : Nó không có sản phẩm cở bản trong hợp đồng này. Chỉ số VN30 gồm 30 công ty có lẽ là hàng đầu của Việt Nam, cũng giống như Dow Jones 500 hay S&P500 ở bên Mỹ. Họ chọn ra những công ty hàng đầu có hoạt động động tài chính vững vàng nhất, cổ phiếu ổn định nhất. VN30 tập hợp cổ phiếu của những công ty hàng đầu đó.
Một người mua bán chứng khoán phái sinh đó sẽ không mua trực tiếp bất cứ cổ phiếu nào trong nhóm 30 đó, mà họ thương lượng, mua bán, giao dịch với nhau dựa trên chỉ số VN30. Chỉ sổ VN30 hiện tại là 744 điểm. Còn Việt Nam Index, tập hợp hàng trăm công ty, hiện tại là 774 điểm.
Có quy định về "position" mà ở Việt Nam gọi là "vị thế", theo đó, nhà đầu tư chuyên nghiệp có thể có 20.000 vị thế trên một tài khoản, các tổ chức kinh tế có 10.000 vị thế trên một tài khoản, các nhà đầu tư cá nhân có 5.000 vị thế trên một tài khoản, có thể tạm gọi đó là đơn vị, nhưng đơn vị đó không phải là cổ phiếu, mà là đơn vị để giao dịch trên thị trường phái sinh VN30. Người mua hoặc người bán chứng khoán phải giao dịch qua sở giao dịch chứng khoán, trong đó có phân khúc thị trường phái sinh. Người giao dịch sẽ ra lệnh mua hoặc ra lệnh bán một số lượng đơn vị nào đó. Hiện tại VN30 là 744 điểm. Nếu người giao dịch dự báo trong tương lai VN30 sẽ tăng lên 754 điểm, thì người đó sẽ ra lệnh mua bao nhiêu đơn vị tại một thời điểm nào đó trong tương lai, căn cứ vào cái vị thế (position) mà người đó có, và phải phải tìm được người bán cho số đơn vị đặt mua.
Nếu người giao dịch tin rằng VN30 sẽ tăng từ 744 lên 754 điểm, thì họ sẽ mua, và sẽ tạo ra một "long positon" (vi thế dài hạn), còn nếu họ dự báo VN30 sẽ từ 744 giảm xuống còn 734 điểm, thì họ sẽ tìm cách bán, trong trường đó là "short position" (thế đoản vị).
Nhiều người thắc mắc là "mua bán cái sản phẩm nào" ? Dựa trên VN30 đó thì nó không có sản phẩm, mà nó chỉ dựa trên cái dự đoán của mình về VN30 sẽ lên hay xuống. Chính vì thế nó mang tính cách đầu cơ nhiều hơn là mang tính giao dịch để nắm tài sản. Vì trong trường hợp này ta không nắm một tài sản nào cả. Nói đúng ra là như đánh bạc dựa trên VN30 lên hay xuống, ta có bao nhiêu đơn vị đó, ta bỏ ra một số tiền đó để tạo ra một "long position" hay "short position" và từ đó ta kiếm lời.
Ta không giữ một tài sản vật chất, vật lý nào cả, và có thể nói là một cái tài sản trù tượng dựa trên cơ sở của VN30.
Có lẽ chúng ta sẽ đặt câu hỏi với một sản phẩm phái sính như thế thì nó giúp gì cho thị trường chứng khoán, cái lợi và bất lợi của nó là gì ?
Về mặt lợi thì theo tôi thì thị trường vốn của Việt Nam còn đang rất là giới hạn. Bây giờ có thêm thị trường phái sinh nữa thì nó sẽ tạo ra thêm các sản phẩm. Trong tương lai, sau một thời gian thử nghiệm, có lẽ chính phủ sẽ cho phép không những chỉ có VN30, mà những trái phiếu của chính phủ sẽ nhập cuộc, và cổ phiếu của các công ty khác cũng sẽ nhập cuộc. Và có thể không chỉ có hợp đồng tương lai, mà còn có hợp đồng hoán đổi, hợp đồng quyền chọn, hợp đồng kỳ hạn, và nó cũng tạo thanh khoản cho các nhà đầu tư trên thị trường.
Ngoài ra nó còn mang tính "hedging" để nhà đầu tư dùng sản phẩm phái sinh này bù đắp, và bao phủ những rủi ro.
Về mặt hại, nó không phải là mua bán một sản phẩm vật chất nào, mà nó dựa trên dự báo của tôi về VN30, thì nó mang tình cách đầu cơ, như một canh bạc. Chính vì thế nó mang độ rủi ro rất cao.
Đồng thời, thành viên của thị trường phái sinh còn rất giới hạn. Thật sự mở thị trường phái sinh vào thời điểm này, tôi đồng ý với Ủy ban chứng khoán là chỉ nên giới hạn ở sản phẩm tương lai dựa trên VN30 của những công ty ổn định, không lên xuống thất thường
Tôi hy vọng là đã giải thích được thuật ngữ phái sinh.
VOA : Xin cám ơn Tiến sĩ.
Tấn Chương thực hiện
Nguồn : VOA, 18/08/2017